Giao lưu tiếp biến văn hoá Trung - Việt trong lịch sử: khảo sát sự tiếp nhận tích truyện Liễu Nghị truyền thư ở Việt Nam thời trung đại

In bài này

 Nguyễn Thanh Tùng

Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội

Tóm tắt

Trong sự giao lưu tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc, một vấn đề thường được quan tâm đến là việc khẳng định bản sắc, tính tự trị. Nhưng bản thân các khái niệm như dân tộc, bản sắc, tính tự trị không phải sẵn có mà là quá trình, là một tạo tác sinh động của lịch sử song hành với những sự giao lưu, tiếp biến văn hóa nọ. Quan hệ giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa Trung Hoa và Việt Nam thời trung đại là một trường hợp điển hình: cùng một hiện tượng được cho là tiếp biến nhưng tùy vào từng thời điểm lịch sử, tùy vào ý niệm về dân tộc, bản sắc, tính tự trị của từng lực lượng trong cấu trúc chính trị - văn hóa (trung tâm hay ngoại biên) mà nó sẽ được tiếp nhận khác nhau. Bài viết của chúng tôi lấy sự tiếp nhận tích truyện Liễu Nghị truyền thư làm đối tượng khảo sát nhằm làm rõ hiện tượng trên, qua đó nêu lên bài học kinh nghiệm về việc ứng xử với những hiện tượng giao lưu tiếp biến văn hóa giữa hai dân tộc. Ngoài ra, sự khảo sát này, còn cung cấp cho chúng ta nhiều ý niệm rõ nét hơn về chính cái được gọi là “bản sắc”, “tính tự trị” trong tương quan Nam – Bắc, Việt - Trung ở các lĩnh vực cụ thể của văn hóa: chính trị - ý thức hệ, tôn giáo – tín ngưỡng, văn học – nghệ thuật, tư tưởng – triết học,v.v…

Từ khóa: Liễu Nghị truyền thư, giao lưu tiếp biến văn hóa, bản sắc dân tộc, tính tự trị.

Abstract

The Chinese-Vietnamese Cultural Exchange and Transformation in History:

An Investigation into the Reception of Liuyi zhuan shu

in the Medieval Times of Vietnam.

The affirmation of the cultural/national identity and autonomy is one of the most complex issues when studying about the cultural exchange and transformation among diverse communities. But such concepts as nation, national/cutural identity and autonomy indeed are not something given but a process, a historical construction which are established within these cultural exchanges and transformation. The cultural relationship between China and Vietnam in the medieval times is a typical case study: a phenomenon which had been considered as a product of the acculturational process but in different historical periods, depending on the ideas of nation, identity and autonomy which dominated at that time, this narrative was interpreted in different ways. In this paper, from studying the reception of Liuyi zhuan shu 柳毅傳書 to demonstrate that phenomenon, we would like to suggest some experiences about the cultural exchanges and transformation between two nations. Besides that, our paper would also elucidate the concepts of identity, autonomy in cultural relationships between the Northern and the Southern, between China and Vietnam in such major fields as politics, ideology, religion, literature and philosophy.

Keyword: Liuyi zhuan shu; Cultural Exchange and Transformation; national identity; autonomy.

 
Chính văn

 

            1. Liễu Nghị truyền thư 柳毅傳書 là một tích truyện bắt đầu được biết đến trong văn học viết Trung Hoa từ thời Đường qua tác phẩm Liễu Nghị truyện 柳毅传 của Lí Triều Uy 李朝威(1).

1.1. Tương truyền, Lí Triều Uy viết truyện này khi được một bạn đồng liêu ở bộ Lễ kể về câu chuyện của người anh em họ tên Liễu Nghị 柳毅. Liễu Nghị là một nho sinh, trong niên hiệu Nghi Phụng (676 - 679) thời Đường Cao Tông (628 - 683), thi hỏng trên đến chào một người bạn trọ ở Kinh Dương 泾阳, đi đến Đồng Dã 桐野, gặp một thiếu phụ chăn dê hình dung tiều tụy, cho biết mình là con gái nhỏ của Long vương hồ Động Đình, lấy con trai thứ của Kinh Xuyên 泾川, nhưng bị chồng và gia đình nhà chồng bạc đãi, bắt đi chăn dê (thần). Cô gái nhờ đem thư đến cho cha để kể lể hết sự tình. Liễu Nghị đem thư xuống Long cung, Em trai Long vương là Tiền Đường quân lập tức giết chết con trai của Kinh Xuyên, cứu cháu gái về, có ý muốn gả cho Liễu Nghị. Nhưng Liễu Nghị vì giữ ý và tự ái nên kiên quyết từ chối, xin quay về trần gian. Long vương xúc động cảm tạ, tặng cho nhiều châu báu. Sau Liễu Nghị đến Quảng Lăng lấy người họ Lư, đem chuyện xưa kể lại thì vợ chính là người đã từng nhờ chàng đưa thư trước đây. Hai người sống rất hạnh phúc. Sau cả hai đều trở thành thần tiên, thường xuất hiện ở vùng hồ Động Đình trong các huyền thoại nơi này.

1.2. Đây là một truyện truyền kì được xếp vào hàng sớm nhất của thể truyện truyền kì ở Trung Hoa. Thời Vãn Đường, truyện được lưu hành khá rộng. Trong bộ Truyền kì 传奇 của Bùi Hình thời Đường mạt (thiên “Tiêu Khoáng” 萧旷) có nói: “Gần đây ở đời có người truyền việc hôn nhân linh nghiệm của Liễu Nghị”(2). Tác phẩm truyền kì thời Đường mạt là Linh ứng truyện 灵应传 cũng nói đến trận chiến giữa Tiền Đường quân 钱塘君 và Kinh Dương (?) quân 泾阳君. Đến thời Tống, tác phẩm được thâu nhập vào bộ Thái Bình quảng kí 太平广记 (quyển 419) (do nhóm Lí Phưởng 李昉 thời Tống chủ biên, hoàn thành năm 978). Thời Tống, ở Tô Châu cũng có giếng Liễu Nghị (mục “Cổ tích” 古迹, Ngô Quận chí 吴郡志 quyển 6 của Phạm Thành Đại 范成大 (1126-1193), rồi cầu Liễu Nghị (mục “Kiều lương” 桥梁, Ngô quận chí, quyển 17) như chứng minh thêm cho sự thịnh hành của tích truyện. Tăng Tạo 曾慥 (thời Nam Tống) trong sách Loại thuyết 类说 dẫn Dị văn tập 异闻集 (do Trần Hãn 陈翰 thời Đường biên tập) đề tác phẩm này là Động Đình linh nhân truyện 洞庭灵姻传. Thoại bản Túy Ông đàm lục của La Việp thời Tống có chép truyện Liễu Nghị truyền thư 柳毅传书. Thời Nguyên, Minh, Thanh, tác phẩm được đưa vào hí khúc, Việt kịch. Chẳng hạn, Thượng Trọng Hiền 尚仲贤 thời Nguyên có Liễu Nghị truyền thư 柳毅传书, Hoàng Duy Tiếp 黄惟楫 thời Minh có Long tiễu kí 龙绡记, Hứa Tự Xương 许自昌 có Quất bồ kí 橘浦记; Lí Ngư 李渔 thời Thanh có Thẩn trung lâu 蜃中楼,v.v… Đến thời hiện đại, tác phẩm được Lỗ Tấn đưa vào Đường Tống truyền kì tập 唐宋传奇集, sáng ngang với Oanh Oanh truyện 莺莺传 của Nguyên Chẩn 元 稹 (779 - 831). Do vị trí đó (và cũng do có sự tương đồng giữa tác phẩm với một số hiện tượng văn hóa, lịch sử ở Việt Nam), Liễu Nghị truyện đã ba lần được giới thiệu và dịch sang tiếng Việt(3).

2. Tư liệu về sự tương đồng giữa tích truyện Liễu Nghị truyền thư và truyền thuyết, huyền thoại Việt Nam thời trung đại khá phong phú. Sau đây xin được khảo tả một cách sơ lược, khách quan, chưa có một sự bình luận, đánh giá chủ quan nào.

            2.1. Dấu ấn tương đồng của Liễu Nghị truyền thư với truyền thuyết, huyền thoại Việt Nam bắt đầu thấy trong văn học Việt Nam thế kỉ XIV-XV với “Hồng Bàng thị truyện” thuộc Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp (thế kỉ XIV?)(4), trong đó kể về cuộc hôn nhân giữa Kinh Dương Vương với con gái vua hồ Động Đình mà kết quả là sự ra đời của Lạc Long quân (và truyền thuyết cũng không cho biết kết cục của các nhân vật này). Cuộc hôn nhân đó gợi nhắc cuộc hôn nhân giữa con gái nhỏ vua hồ Động Đình với con trai thứ của Kinh Xuyên [vương]. Sự tương đồng này do người thời sau phát hiện (xem phần dưới). Trong tác phẩm của Trần Thế Pháp không có thông tin nào thừa nhận như vậy. Các lời tựa Lĩnh Nam chích quái từ Vũ Quỳnh, Kiều Phú về sau cũng không thấy nhắc đến việc này.

            2.2. Đến thế kỉ XV, khi biên soạn Đại Việt sử kí toàn thư, Ngô Sĩ Liên đã đưa truyện họ Hồng Bàng từ Lĩnh Nam chích quái vào chính sử(5), rồi những người biên soạn bộ sử này (có thể là Ngô Sĩ Liên, cũng có thể do các sử thần nhà Lê thế kỉ XV-XVII) chính thức xác nhận mối liên hệ giữa truyện họ Hồng Bàng và tích truyện Liễu Nghị truyền thư qua một đoạn cước chú:

“Xét: Đường kỉ chép: thời Kinh Dương có người đàn bà chăn dê, tự xưng là con gái út của Động Đình quân, lấy con thứ của Kinh Xuyên, bị bỏ, viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với Động Đình quân. Thế thì Kinh Xuyên và Động Đình đời đời làm thông gia với nhau đã từ lâu rồi”(6).

Nhưng ở đây, rõ ràng, soạn giả Toàn thư cũng không tiếp xúc trực tiếp với Liễu Nghị truyện hay các “truyền bản” của nó mà là qua Đường kỉ. Tra cứu các thư tịch Trung Hoa, không thấy có sách Đường kỉ, chỉ có mục “Đường kỉ” trong sách Tư trị thông giám của Tư Mã Quang và Tư trị thông giám cương mục của Chu Hi. Trong Tư trị thông giám không thấy nói về tích Liễu Nghi truyền thư. Chắc hẳn, đây là “Đường kỉ” trong Tư trị thông giám cương mục(7). Mặc dù trong Toàn thư không nhắc đến Liễu Nghị truyện hay tích “Liễu Nghị truyền thư”, nhưng tích truyện này cũng đã được biết đến rất rõ ở Việt Nam. Chẳng hạn, Thái Thuận (1440 - ?, Tiến sĩ 1475) có bài thơ Liễu Nghị truyền thư như sau:

Tương phùng thoại liễu bất tương hoan

Quản đắc thương tâm thượng mã an

Đồng Dã vân thâm hồng nhật mộ

Động Đình thiên viễn bích ba hàn

Sổ hàng nhạn tự giam sầu khứ

Nhất bức long cân thức lệ khan

Thử hậu định thành vân vũ ước

Ân tình như thủy hải man man(8)

(Gặp nhau, trò chuyện xong rồi, chưa kịp chung vui,

Thì đã phải mang theo lên yên ngựa nỗi lòng thương cảm,

Ở Đồng Dã mây đen dày, mặt trời hồng ngả về chiều,

Nơi hồ Động Đình bầu trời cao xa, sóng biếc lạnh lẽo.

[Cầm] mấy hàng chữ nhạn, [Liễu Nghị] gói nỗi sầu [long nữ] mà đi,

[Dùng] một tấm khăn rồng, [Long vương] lau khô dòng nước mắt mà đọc [thư con].

Sau này, [những thứ đó] định thành ước hẹn mây mưa.

[Quả là] ân tình giữa hai người mênh mông như nước biển khơi)

Tuy nhiên, ta thấy có sự khác biệt giữa lời cẩn án của Toàn thư với Liễu Nghị truyện ở  chỗ: Liễu Nghị truyện nó sự việc xảy ra vào thời Đường, còn Toàn thư dẫn Đường kỉ lại nói sự việc xảy ra vào “thời Kinh Dương”. Thật rối rắm! Đây là đầu mối cho những sự tranh cãi, phản bác thời sau.

2.3. Thế kỉ XVIII - XIX, sự khẳng định ảnh hưởng đã trở nên rõ ràng hơn với rất nhiều tư liệu, chứng tích và những lời bình luận .

Trong Đại Việt sử kí Tiền biên [Tiền biên] (soạn khoảng năm 1775, in năm 1800), Ngô Thì Sĩ cho rằng:

“Nay xét phần Ngoại kỉ chép: Năm Nhâm Tuất thì bắt đầu Giáp Tí là năm nào? Ghi chép tên húy Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân sao riêng lược bỏ Hùng Vương? Thời Ngũ Đế trở về trước thì chưa từng gọi là vương. Xích Quỷ là tên nào, mà lại để làm tên nước. Một loạt hoang đường càn rỡ đều là đáng bỏ đi. Cái lỗi ấy lại tại kẻ hiếu sự thấy trong Liễu Nghị truyền thư. Trong truyện nói con gái vua Động Đình gả cho con thứ của Kinh Xuyên Vương, tưởng càn Kinh Xuyên là Kinh Dương. Đã có vợ chồng thì có cha con, vua tôi, nhân đó mà thêu dệt thành văn, cốt cho đủ số đời vua, nhà làm sử theo đó mà chọn dùng, và cho đó là sự thực. Phàm những chuyện lấy từ Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, cũng như Bắc sử lấy ở Kinh Nam Hoa và thiên Hồng Liệt đấy. Như vậy là có đất thì có vua, sự vật tất phải có lúc ban đầu. Nếu cho tất cả dã sử là không đủ tin thì căn cứ vào đâu để chuẩn bị cho những tác phẩm lớn? Cái gì gần với lẽ phải thì giữ lại, những lời thô bỉ, không căn cứ thì tước bỏ đi là được đấy. Sử chép: Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên sinh được Kinh Dương Vương và Sử Nguyên Ngụy chép lời ngạn ngữ rằng: Cật Phân Hoàng đế không có vợ, việc đó  cũng tương tự. Bậc đế vương nổi lên chung đúc điềm lành khác với người thường có thể có lí. Còn như việc Kinh Dương Vương lấy con gái vua Động Đình, Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, dưới nước trên cạn kết hôn với nhau, người với thần ở lẫn với nhau, lời nói như không hợp lẽ thường. Tôi trộm nghĩ, trời đất từ khi mở mang đến nay, nước ta ở nơi hoang phục xa xôi, văn hóa so với Trung Châu là chạm nhất, nước lụt thời vua Nghiêu chưa rút hết, vạc thời vua Vũ chưa đúc, mênh mang Quế Hải, vẫn là một cái đầm của rồng rắn ma quỷ. Những chuyện quỷ quái chỗ nào mà chẳng có. Nước rãi rồng sinh ra người con gái, chuyện xưa còn có, huống hồ thời Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân. Việc như là lạ mà không phải là lạ, cũng không nên tự coi mình nhỏ bé như con sâu mùa hè vậy”(9).

Như vậy, Ngô Thì Sĩ đã chính thức khẳng định sự ảnh hưởng của Liễu Nghị truyền thư đến “Hồng Bàng thị kỉ” thông qua việc chỉ đích danh tác phẩm này.

Đến Khâm định Việt sử thông giám cương mục [Cương mục] (1856 - 1883), hầu hết(10) các sử quan nhà Nguyễn tán thành theo quan điểm của Ngô Thì Sĩ:

“Vâng tra sử cũ, danh xưng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân trong ‘Kỉ họ Hồng Bàng, vốn từ thời Thượng cổ, thuộc thưở hồng hoang, tác giả căn cứ vào cái không và làm ra có, sợ rằng không đủ độ tin cậy, lại phụ hội với Liễu Nghị truyện của nhà viết tiểu thuyết đời Đường, lấy đó làm chứng cứ” (Tấu nghị)(11)

Chủ trương này cũng được vua Tự Đức tán thành khi ra chỉ dụ:

“Nước Việt ta, sử cũ chép việc Kinh Dương, Lạc Long, như còn, như mất; dầu có nhưng không nên bàn luận là hơn cả. Thế mà, [sử cũ] lại còn theo lệ chép bằng chữ to, mà những điều ghi chép đa phần là những câu chuyện đề cập đến ‘ma trâu, thần rắn’ hoang đường không có chuẩn tắc. Cái nghĩa nhà làm sử ‘bỏ điều quái đản, giữ lẽ thường’ có đâu như thế chăng? Bộ Việt sử thông giám cương mục này, chuẩn y cho bắt đầu từ kỉ Hùng Vương để biểu thị cái ý nước Việt ta bắt đầu có kỉ cương. Còn như hai niên kỉ là Kinh Dương, Lạc Long thì chia ra phụ chú dưới niên kỉ Hùng Vương, khiến cho hợp với cái nghĩa lấy nghi truyền nghi…Vâng làm theo dụ này”(12).

Các sách sử khác cũng phụ họa theo quan điểm này, thậm chí có những sự “ngộ nhận”, đồng nhất các sự kiện trong chính sử Việt với tích truyện Liễu Nghị truyền thư. Chẳng hạn, sách Nam sử (quyển I) viết:

“Năm đầu Nhâm Tuất, ban đầu cháu bốn đời của Viêm Đế Thần Nông tên là Đế Minh, Đế Minh là con của Thạch Niên, đóng đô ở Khúc Phụ, lấy con gái họ Cơ sinh ra Đế Nghi, Đế Minh chu du bốn phương, tuần thú phương Nam, đến Ngũ Lĩnh [tức đất Nam] gặp được con gái Vụ Tiên, vừa mới 16 tuổi, dung mạo lạ lùng, cười nói khác thường, nhan sắc đáng yêu, Đế Minh thấy liền thích, bèn lấy bao da đẹp làm lễ lấy nàng đưa về phương Bắc, lập làm Nguyên phi, được một năm thì có thai, sinh một con trai đặt tên là Lộc Tục, có khí tượng kì lạ, thông minh trí thánh, Đế Minh yêu mến, muốn cho nối ngôi. Lộc Tục kiên quyết nhường cho anh [tức Đế Nghi], không dám tuân mệnh. Đế Minh do đó bèn lập Đế Nghi nối ngôi Thiên tử, cai trị phước Bắc. Lộc Tục thấy anh đã được phong, bèn xin về quê mẹ ở phương Nam. Đế Minh vui mừng phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương, về cai trị đất phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ, đóng đô ở Ngũ Lĩnh [tức Phong Châu]. Kinh Dương Vương đi tuần thú Nam Hải, gặp một người chăn dê, nói mình là con thứ của Động Đình Quân gọi là Thần Long, bị Kinh Xuyên ruồng bỏ. Kinh Dương Vương bèn lấy Thần Long làm Nguyên phi, một năm sau, sinh hạ được một con trai gọi là Sùng Lãm. Kinh Dương Vương sống hơn trăm tuổi, bèn phong Sùng Lãm làm Lạc Long Quân, nối trị phương Nam. Kinh Dương Vương và Thần Long bèn cưỡi rồng lên trời(13).

Trong đoạn trích trên, Kinh Dương Vương và Liễu Nghị đã được đồng nhất với nhau một cách hết sức ngây ngô, bừa bãi, thể hiện sự nhầm lẫn/ hoặc “sáng tạo” một cách hồn nhiên mà hết sức tai hại. Đây là một điều khó có thể chấp nhận được!

Cũng trong giai đoạn này, sự tích mẫu Thoải(14) với phần lớn các chi tiết được lấy từ tích truyện Liễu Nghị truyền thư kết hợp với truyện họ Hồng Bàng được hình thành cho thấy sự hỗn dung lịch sử, truyền thuyết và tôn giáo. Cũng ở đây, sự tích đã tích hợp nhiều truyện tích bản địa và ngoại lai: dị bản thứ nhất, (ở làng A Lữ, Thuận Thành, Bắc Ninh) nói về Kinh Dương Vương kết hôn với Thần Long (con gái Long vương ở Hồ Động Đình), sau Thần Long trở thành Mẫu Thoải; dị bản thứ 2 (ở Tuyên Quang), rất gần với Liễu Nghị truyện, trong đó thêm thắt thêm chi tiết Kinh Xuyên vương mê vợ bé Thảo Mai, ruồng rẫy Thần Long, Thảo Mai vu cáo bà không chung thủy. Kinh Xuyên vương bèn bỏ rơi bà trong rừng cho thú ăn thịt, nhưng muông thú lại yêu quý, thần phục bà. Sau đó, bà gặp một nho sinh đưa thư cho cha bà đến giải thoát. Long vương muốn gả bà cho vị nho sinh nọ, nhưng ông từ chối không lấy bà chỉ làm bạn, dân suy tôn bà thành Mẫu Thoải(15).

3. Những tư liệu trên đây đủ cho thấy tích Liễu Nghị truyền thư có một dấu ấn và mối liên hệ rất đậm với văn hóa, văn học, sử học Việt Nam. Theo một nguyên lí thông thường, danh tiếng và sự ra đời sớm của tích truyện Liễu Nghị truyền thư ở Trung Quốc khiến cho người ta xem sự lưu truyền của nó ở Việt Nam (bắt đầu từ thế kỉ XIV-XV) là một sự tiếp nhận ảnh hưởng tất yếu. Điều này được khá nhiều học giả Trung Hoa và Việt Nam tán đồng. Ngay từ thời trung đại, đã có nhiều ý kiến nêu lên hiện tượng đó (như: Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ, sử thần nhà Nguyễn,v.v… mà chúng tôi đã dẫn ở trên với tư cách như những dẫn chứng về sự tiếp nhận tích truyện Liễu Nghị truyền thư thời trung đại) với sự cẩn trọng hoặc phê phán. Ở thời hiện đại, chúng tôi hầu như không thấy những ý kiến tán đồng trong số rất ít những ý kiến bình luận về hiện tượng này từ các học giả Việt Nam(16).

Các học giả Trung Hoa cũng tán đồng việc đó. Chẳng hạn, Đới Khả Lai 戴可 cho rằng: chi tiết Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình quân “hiển nhiên là bắt nguồn từ truyện truyền kì trứ danh thời Đường là Liễu Nghị truyền thư(17). Mạnh Chiêu Nghị 孟昭毅 cũng thừa nhận mối liên hệ đó, nhưng cho rằng: “Hai câu chuyện đều xuất phát từ các giác độ khác nhau để thu nhận việc Kinh Dương Vương hoặc Liễu Nghị kết hợp với con gái Động Đình quân mà sinh con; đó là vì cả hai dân tộc đều có chung một nguồn tài liệu ưa thích đã lưu truyền ở trong truyền thuyết thần thoại”(18). Mối liên hệ đó được ông truy nguyên lên tận sách Bác vật chí 博物志 của Trương Hoa 张华 thời Tây Tấn (in trong Sưu thần kí 搜神, quyển 12 của Can Bảo thời Tấn Thái bình ngự lãm 太平御 do bọn Lí Phưởng 李昉 soạn thời Tống) có chép: “Ngoài biển nam hải có người cá, sống ở dưới nước như cá, không bỏ y phục vải vóc, nước mắt có thể nhả ra hạt châu”(19). Ngoài ra, ông còn cho rằng, sự tương đồng đó còn xuất phát từ sự tương đồng trong việc sùng bái rồng rắn thời nguyên thủy của hai dân tộc(20).

Vậy bản chất của sự tiếp nhận (và tương đồng) đó là như thế nào?

3.1. Tích truyện Liễu Nghị truyền thư đi vào văn học viết Trung Quốc từ thời Đường (dưới hình thức truyện truyền kì, một thể loại không phải là “chính thống” và còn mang đậm nguồn gốc văn học dân gian). Trong đó có phần chắc rằng nhân vật Liễu Nghị (học trò thời Đường, hỏng thi, mơ ước cuộc sống giàu sang thành đạt, vợ đẹp con khôn, ước mơ thoát tục,…) là hình bóng của các Nho sĩ, là sản phẩm sáng tạo của tác giả dựa trên những mẫu hình thực tế đương thời (mà hoàn cảnh ra đời nhân mạnh là do tác giả nghe người bạn kể lại, cũng giống như trong truyện Liễu Tham quân truyện của ông). Còn các chi tiết con gái vua hồ Động Đình, Tiền Đường quân, gia tộc Long vương, gia tộc Kinh Xuyên vương, chuyện người trên cạn kết hôn với người dưới nước,v.v… tác giả kế thừa ở đâu? Phải chăng là từ vùng Kinh Dương và vùng hồ Động Đình và các truyền thuyết liên quan(21). Và như vậy, ở đây, Liễu Nghị truyện của Lí Triều Uy vừa là sự bác học hóa, vừa là sự Hán hóa một truyền thuyết địa phương. Ngày nay, đến vùng Động Đình, người ta còn thấy rất nhiều dấu vết cổ sơ của những huyền thoại như vậy(22). Thế thì, có nhất thiết các tác giả Đại Việt khi viết về “họ Hồng Bàng” phải chịu ảnh hưởng từ tích truyện Liễu Nghị truyền thư (được chép sớm nhất trong Liễu Nghị truyện của Lí Triều Uy thời Đường)(23)? Ta có thể nghĩ đến một nguồn khác: truyền thuyết do “cố lão tương truyền” ở vùng Lĩnh Nam. Ta nhớ rằng Lĩnh Nam chích quái là cái gốc dẫn đến truyện họ Hồng Bàng. Cái tên Lĩnh Nam chích quái cho thấy nguồn gốc các câu chuyện trong đó: những truyện quái lạ được nhặt nhạnh từ vùng đất Lĩnh Nam 嶺南. Truyện họ Hồng Bàng trong Lĩnh Nam chích quái Toàn thư nói nơi cai trị của Kinh Dương Vương là vùng Lĩnh Nam (do đó, sau này, nước Văn Lang của Hùng vương cũng được cho ta là có một diên cách rất rộng, khá tương trùng với vùng Lĩnh Nam: Bắc đến hồ Động Đình, Tây giáp Ba Thục, Đông đến biển Nam Hải, Nam đến Hồ Tôn (Chiêm Thành) – tất nhiên nói diên cách nước Văn Lang như vậy là sai lầm, vì đây là địa bàn chung của Bách Việt chứ không chỉ của Lạc Việt!). Đất này vốn xưa đâu có phải đã thuộc Trung Quốc, mà là từng bước bị sáp nhập vào Trung Quốc! Vì vậy, ở đây, có một giả thiết rằng cho rằng: không phải các tác giả Việt Nam chịu ảnh hưởng của Liễu Nghị truyền thư Trung Hoa mà chính là cả Liễu Nghị truyền thư Lĩnh Nam chích quái đều lấy từ một nguồn là truyền thuyết vùng Lĩnh Nam (hay như Mạnh Chiêu Nghị nói là có sự tương đồng về văn hóa phương Nam). Điều này có phần giống như truyện Việt tỉnh trong Lĩnh Nam chích quái mà nhiều học giả, nhà nghiên cứu (từ Lê Quý Đôn trở đi) bàn luận. Một số nhà nghiên cứu cho rằng chưa hẳn truyện Việt tỉnh đã được sao chép từ sách vở Trung Hoa mà có khi cả hai đều tiếp thu từ cùng một nguồn là truyền thuyết văn hóa vùng Lĩnh Nam(24). Đó là chưa kể nếu điều tra ở quy mô lớn, chúng ta sẽ thấy có sự tương đồng lớn giữa huyền thoại, truyền thuyết cổ Việt Nam và các truyền thuyết lưu hành tại vùng đất này. Đây là một giả thiết nghiêm túc, rất đáng để học giới cùng thảo luận cũng như kiếm tìm thêm tư liệu khả tín để minh định, chứ không thể chỉ nghĩ đến sự tiếp thu một chiều được!

3.2. Trừ bài thơ của Thái Thuận (thực chất là một bài thơ vịnh chứ không phải là sự tiếp thu ảnh hưởng gì), sự tích mẫu Thoải (mang đậm chất dân gian và xuất hiện muộn) và sách Nam sử (mà niên đại có lẽ cũng rất muộn), chịu ảnh hưởng lớn từ tích truyện Liễu Nghị truyền thư, các tư liệu khác chỉ cho thấy sự tương đồng/ ảnh hưởng ở một chi tiết: (Con trai) Kinh Xuyên vương/ Kinh Dương vương có quan hệ hôn nhân (thông gia) với Long vương/quân hồ Động Đình. Chi tiết này từng bước hiện diện trong thư tịch Việt Nam với các thái độ tiếp nhận khác nhau. Lĩnh Nam chích quái, nếu như chịu ảnh hưởng thì cũng theo kiểu “âm thầm”. Đến Toàn thư, các soạn giả khi nhìn nhận về sự tương đồng giữa truyện Hồng Bàng và Liễu Nghị truyền thư cũng chỉ dừng lại ở mức độ so sánh và liên hệ để minh chứng cho quan hệ hôn nhân giữa hai họ Kinh Dương/ Xuyên và Động Đình góp phần tăng sức thuyết phục cho truyền thuyết về Kinh Dương Vương. Nhưng các sử gia đời sau, bắt đầu từ Ngô Thì Sĩ (tiếp đó là sử thần nhà Nguyễn) đã mặc nhận sự chịu ảnh hưởng của Lĩnh Nam chích quái Toàn thư từ Liễu Nghị truyện của Lí Triều Uy, và từ đó ra sức phê phán, bài bác. Họ cho rằng, các nhà chép sử cũ đã chịu ảnh hưởng nặng nề của Lĩnh Nam chích quái, Lĩnh Nam chích quái thì lại huyễn hoặc và chịu ảnh hưởng nặng nề, vô lối từ tích truyện Liễu Nghị truyền thư (như nhầm Kinh Dương với Kinh Xuyên, nhầm lẫn về địa bàn, lãnh thổ,v.v…). Ngô Thì Sĩ chỉ trích thẳng rằng: “tại kẻ hiếu sự thấy trong Liễu Nghị truyền thư, trong truyện nói con gái vua Động Đình gả cho con thứ của Kinh Xuyên Vương, tưởng càn Kinh Xuyên là Kinh Dương” (Tiền biên). Các soạn giả của Cương mục cũng nói nó “phụ hội với Liễu Nghị truyện của nhà viết tiểu thuyết đời Đường, lấy đó làm chứng cứ” (Cương mục). Tuy nhiên, sự nhập nhòe cũng như gần gũi giữa “Kinh Dương” với “Kinh Xuyên” đã có từ lâu (ngay trong Liễu Nghị truyện của Lí Triều Uy và các văn bản liên quan về sau). Hơn nữa, cũng chưa thể biết cái nào có trước cái nào, khó có thể xác quyết cái nào nhầm với cái nào! Bên cạnh đó, Ngô Thì Sĩ và sử thần nhà Nguyễn không chấp nhận địa bàn diễn ra truyền thuyết Kinh Dương Vương, Lạc Long quân bởi lẽ nó ở hồ Động Đình, vùng đất lúc bấy giờ (thế kỉ XVIII-XIX) đã nằm sâu trong nội địa Trung Quốc. Biên giới lãnh thổ Đại Việt/ Đại Nam đã ổn định từ trấn Nam Quan (Lạng Sơn). Cụ thể, trong Tiền biên, Ngô Thì Sĩ hoài nghi về phạm vi rộng lớn của đất nước Hùng Vương (được kế thừa từ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, như vậy gián tiếp hoài nghi Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân):

“Lại Hùng Vương ở thời Nghiêu Thuấn, miền hiểm Động Đình là nơi hiểm trở đương bị Tam Miêu ngăn trở thì sao địa giới phía Bắc nước ấy lại đến đó được? Có lẽ từ khi Tần hàng phục được Bách Việt, Lưỡng Quảng mới làm quận huyện, Triệu Vũ nhờ mệnh lệnh của nhà Tần nhân khi loạn mới chiếm cứ được. Từ Nam Hải, Phiên Ngung trở vào phía Nam, từ Khánh Viễn, Tư Ân, Thái Bình trở ra phía Bắc, nơi gọi là Nam Việt thì Giao Châu không ở trong đó”(25).

Đó là lí do chính để ông cho rằng, truyện kể về Kinh Dương Vương, Lạc Long quân là huyễn hoặc, nhầm lẫn từ tích truyện Liễu Nghị truyền thư. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn phân tích kĩ hơn, cũng cho rằng:

“Ôi! Kinh Dương thuộc đất Tần, Động Đình thuộc đất Sở, có quan hệ gì với nước ta đâu? Huống hồ những chuyện quái đản, không có gì chính đáng cả, sao có thể đủ lấy đó làm căn cứ mà nghiễm nhiên cho là hai vua đầu tiên lập nước, dựng quốc thống đây! Xét ra thì thấy Hùng Vương là người gây dựng [đầu tiên], lập quốc hiệu là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, chia nước làm 15 bộ, từ đó mới hơi có chế độ, mà truyền nhau được 18 đời, kéo dài được hơn 2000 năm. Xét rằng có một vài dấu vết được nêu trong sử Bắc triều như: Họ Cao Dương đi về phía Nam đến Giao Chỉ; họ Đào Đường sai quan đóng Nam Giao, đời Thành Vương, họ Việt Thường [sang dâng chim trĩ] phải nhiều lần dịch. Các việc đó còn có chứng cớ đáng tin. Như thế, sử nước ta khởi thủy [từ Hùng Vương] dựa theo lệ chép phần Tiền biên của Nam Hiên bắt đầu từ Phục Hi, có thể kê cứu, rõ ràng được đầu mối xuất xứ. Vâng làm bộ Việt sử, triều đại gây dựng quốc thống phải lấy Hùng Vương làm đầu. Còn những việc về Kinh Dương và Lạc Long thì riêng chép câu chuyện lưu truyền phụ chú ở dưới, ngõ hầu mới hợp với việc cái nghĩa ‘lấy nghi truyền nghi’” (“Tấu nghị”)(26).

Về việc này, sách Nam sử thuật lại và bày tỏ sự tán đồng:

“Mở đầu quốc thống, từ lâu đời đã truyền sai lạc là hai vị Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân, hãy chờ khảo xét. Sử cũ cho Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân là những vua mở đầu quốc thống. Đến năm Tự Đức thứ tám, làm Việt sử thông giám cương mục, vâng theo thượng dụ: ‘Hai vua Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân phần nhiều thuộc chuyện thần rắn quỷ trâu, bảo lưu mà không bàn luận, là được. Chuẩn cho coi Hùng Vương là vua mở đầu quốc thống. Ôi! Kinh Dương thuộc đất Tần, Động Đình thuộc đất Sở, có quan hệ gì với ta đâu! Sao có thể coi Truyện Liễu Nghị đời Đường thuộc dòng tiểu thuyết là đủ tin cậy được’”(27).

Vì sao có sự mặc nhận và phê phán đó? Theo chúng tôi, đó là do sự phát triển của quốc gia dân tộc Đại Việt và đi kèm với nó là ý thức dân tộc lên cao. Những chủ trương như thế này cũng khá thống nhất với các động thái “xét lại” lịch sử mang đậm màu sắc dân tộc quan khác được Ngô Thì Sĩ và sau đó là các sử thần nhà Nguyễn (thậm chí là vua Tự Đức) kế tục, tán thành, chẳng hạn: đưa Triệu Đà khỏi quốc thống, đưa Kinh Dương, Lạc Long Quân xuống phần chú thích, “đài” Hùng vương lên vị trí quốc tổ, hoài nghi vị thế của An Dương Vương, tước tước vị “vương” của Cao Biền (Cao vương),v.v… Rõ ràng, bị chi phối bởi quan điểm dân tộc, và quan điểm địa chính trị đương thời, các sử gia trên đã ngay lập tức “dị ứng” với những biểu hiện tương đồng giữa truyện họ Hồng Bàng và tích truyền Liễu Nghị truyền thư. Họ đã nhanh chóng kết luận và “lên án” sự “phụ hội” của Lĩnh Nam chích quái, của Toàn thư để rồi kiên quyết đưa Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân khỏi “quốc thống” và đặt các nhân vật này vào vòng hoài nghi, “dĩ nghi truyền nghi”. Quan điểm của họ rất tiêu biểu cho tư tưởng chính thống của triều đại (Lê mạt và Nguyễn) trong việc muốn củng cố sự phân biệt Nam – Bắc trên nhiều phương diện của thời hiện tại mà có lẽ hơi vội vã, chưa chú ý đúng mức đến tính lịch sử của vấn đề.

3.4. Có một điều đáng chú ý là so với các sử gia chính thống, dân gian lại có một sự tiếp nhận, thái độ “hồn nhiên” hơn, cởi mở hơn. Họ không chịu sự chi phối của tư tưởng chính thống, tư tưởng dân tộc của triều đại (được thể hiện rõ nhất trong các bộ sử). Họ tiếp thu văn hóa một cách hồn nhiên (dựa trên nguyên lí lan truyền, tương đồng loại hình, tương đồng nguồn gốc,…), ít cần biết và quan tâm đến các biên giới lãnh thổ, biên giới văn hóa. Có hai tư liệu có thể quy về gốc gác dân gian: Lĩnh Nam chích quái và sự tích mẫu Thoải.

Như đã nói, Lĩnh Nam chích quái là một văn bản sưu tập, san cải các truyền thuyết dân gian “cố lão tương truyền”. Sách đã mặc nhiên viết về họ Hồng Bàng mà không hề có lưu ý nào về sự tương đồng giữa mối quan hệ Kinh Dương vương – con gái vua Động Đình với quan hệ Kinh Xuyên – con gái nhỏ vua Động Đình. Sự “im lặng” này là một sự cố ý lờ đi hay là một sự “hồn nhiên” chân thực. Theo chúng tôi, nếu đây thực sự là một truyền thuyết lưu hành lâu dài trong dân gian thì phải xem đó là sự hồn nhiên. Còn nếu như đó là do bàn tay “dàn dựng” của trí thức Nho học thì đó lại là một sự cố ý. Chúng tôi có phần nghiêng về giả thiết thứ nhất. Hơn nữa, nếu các trí thức Nho học có cố ý dàn dựng thì họ vẫn phản ánh một sự hồn nhiên, cởi mở trong lập trường dân tộc ở thế kỉ XIV, chưa đặt nặng vấn đề biên giới, lãnh thổ (hiện tại), vấn đề nguồn gốc (phương Bắc – phương Nam) như đời sau. Song dẫu thế nào thì ở đây cũng có một nỗ lực kết hợp/ kéo gần văn hóa dân gian (văn hóa “ngoại biên”) lại với văn hóa bác học (văn hóa “chính thống”). Và dù kéo gần nhưng khoảng cách giữa hai bên vẫn đủ lớn để văn hóa dân gian có một không gian “tự do” nhất định(28).

Sự tích mẫu Thoải (dị bản 2) gần như tiếp thu nguyên vẹn tích truyện Liễu Nghị truyền thư (có gia giảm một vài chi tiết mang dấu ấn truyện cổ tích Việt: quan hệ mâu thuẫn vợ bé – vợ cả/ kết thúc truyện không có hôn nhân mà Thần Long trở thành Thánh Mẫu Thoải/ Kinh Xuyên và Thảo Mai bị trừng trị). Ta cũng không thấy có một ý kiến bình luận, phê phán nào đối với sự tiếp thu rất nhiều Liễu Nghị truyền thư của sự tích Mẫu Thoải (so với sự phê phán của các sử gia về truyện “họ Hồng Bàng”). Một điều đáng lưu ý nữa là dị bản 2 này ra đời ở vùng Tuyên Quang (địa bàn xa trung tâm “chính thống”, và lại gần với Trung Quốc, nhất là gần vùng Kinh Dương – Động Đình) trong khi dị bản 1 đã “Việt hóa” khi sử dụng chính truyện họ Hồng Bàng trong sử Việt chứ không phải là tích truyện Liễu Nghị truyền thư (và như vậy, dị bản 1 mang nhiều dấu ấn tư tưởng chính thống nhiều hơn, nhưng thực ra suy cho đến cùng thì gốc gác của nó lại là từ Lĩnh Nam chích quái – tức là từ dân gian, dẫu đây chưa phải gốc gác cuối cùng và thực ra vẫn còn nhiều tranh cãi). Điều đó cho thấy, càng xa tư tưởng chính thống (của triều đại), các hiện tượng văn hóa, văn học dân gian càng tự do, thoải mái hơn trong việc tiếp nhận. Ở đây, cơ sở của sự tiếp nhận có lẽ chỉ là sự tương đồng về mặt văn hóa (văn hóa sông nước, văn hóa thờ mẫu, ảnh hưởng của tín ngưỡng Đạo giáo phương Nam cũng như cả sự di dân, di thực văn hóa,v.v…) chứ không hề có sự phân biệt về lãnh thổ, ranh giới dân tộc, quốc gia một cách cứng nhắc.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến sự tiếp nhận ảnh hưởng, tương đồng một cách “cởi mở” giữa tích truyện Liễu Nghị truyền thư với Lĩnh Nam chích quái hay sự tích mẫu Thoải còn do sự tương đồng về loại hình văn bản (hay thể tài): đều là những văn bản mang đậm tính hư cấu, tưởng tượng (thuộc tư duy văn học nghệ thuật: truyền truyền kì/ chí quái), đều có gốc gác từ di sản truyền miệng (dân gian/ tín ngưỡng). Chúng khác với loại văn bản lịch sử (văn học chức năng/ văn bản nhà nước). Sự tương đồng loại hình văn bản (hay thể tài) tạo điều kiện cho sự tiếp nhận, tương đồng trở nên dễ dàng hơn. Rõ ràng, các sử gia khi tiếp thu/ hoặc bình luận về sự tiếp thu một tích truyện hư cấu/ truyền miệng/ truyền kì vào trong các công trình sử học của họ sẽ tỏ ra thận trọng, cân nhắc hơn là khi tiếp thu các văn bản sử. Đây là một đặc điểm rất đáng lưu ý khi phân tích một mối quan hệ tương đồng hay mối quan hệ ảnh hưởng - tiếp thu giữa các hiện tượng văn hóa, văn học được lưu lại dưới hình thức các văn bản.

4. Đến đây, chúng tôi xin có một vài nhận xét, ý kiến tản mạn, tư biện gọi là “tạm kết”.

4.1. Rõ ràng có sự tương đồng ít nhiều giữa tích truyện Liễu Nghị truyền thư với một số huyền thoại, truyền thuyết (nhất là của dân gian) Việt Nam. Nguyên nhân của sự tương đồng đó là thế nào (nhất là giữa Liễu Nghị truyền thư với truyền thuyết “họ Hồng Bàng”) hiện vẫn còn là một vấn đề phức tạp chưa thể ngã ngũ (với nhiều chi tiết rất phức tạp, như: về những cái tên Kinh Dương/ Kinh Xuyên; về văn bản chính xác được tiếp nhận – nếu có; về quá trình lưu truyền tích truyện;v.v…). Khả năng tiếp thu trực tiếp là có thể nhưng cũng không thể không tính đến khả năng có hiện tượng “một nguồn hai nhánh”: Mối nhân duyên Kinh Xuyên vương/ Kinh Dương vương và long nữ là một giai thoại/ huyền thoại phổ biến ở trong vùng văn hóa Lĩnh Nam, phản ánh văn hóa sông nước, phản ánh sự kết hợp giữa các bộ lạc thời cổ (trong đó có sự liên kết, đấu tranh Bắc Nam, quá trình Nam tiến và kháng Nam Tiến); Lí Triều Uy của Trung Hoa đã tiếp thu giai thoại đó để xây dựng nên một câu chuyện truyền kì mà nội dung chủ yếu là để ca ngợi nhà Nho nghĩa khí, thủy chung; đồng thời phản ánh khát vọng đổi đời của các Nho sĩ bình dân thất chí; tác giả Lĩnh Nam chích quái, rồi Ngô Sĩ Liên đã mượn giai thoại này để xác lập nguồn gốc dân tộc (Lạc Việt trong Bách Việt), cũng là sự hôn phối giữa các bộ tộc phương Nam (có yếu tố Nam tiến); Dân gian Việt Nam lại mượn tích Liễu Nghị truyền thư (có gia giảm) để giải thích một tín ngưỡng dân gian, mà nguồn gốc sâu xa cũng là từ cái nôi văn hóa phương Nam (tín ngưỡng thờ Mẫu Thoải: sự kết hợp giữa tín ngưỡng thờ Mẫu + tín ngưỡng thờ nhiên thần: Nước; thờ rồng rắn), khoác cho nó màu sắc hư cấu của văn học hình tượng (tận dụng văn học nghệ thuật vì mục đích tôn giáo). Nếu giả thiết này là đúng thì ở đây ta thấy tuy cùng nguồn nhưng có sự khác nhau về tư duy, trình độ tiếp nhận: các tác giả Trung Hoa đã đẩy một huyền thoại dân gian lên thành một tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, có tính hình tượng; các tác giả Việt Nam chỉ đẩy được huyền thoại dân gian lên thành một tác phẩm văn học chức năng (tín ngưỡng/ sử). Và như vậy, các tác giả Việt Nam đã tiếp thu huyền thoại một cách thực tế, ít tính nghệ thuật hơn.

4.2. Theo mạch giả thiết trên, ta thấy có một quá trình diễn giải, bình luận về sự tương đồng hoặc tiếp nhận nêu trên. Soạn giả Toàn thư đã không quan tâm nhiều đến gốc gác “ngoại lai” của truyền thuyết/ huyền thoại khi đồng nhất huyền thoại với sự thật lịch sử: coi chuyện hôn nhân Động Đình – Kinh Dương là lịch sử, coi truyền thuyết vùng Lĩnh Nam là “di sản chung” và vì vậy mà lấy dùng truyện Liễu Nghị truyền thư Trung Hoa để chứng minh, “phụ hội” cho tính khả tín của truyền thuyết về họ Hồng Bàng(29). Phải chăng, vì họ sống gần với thời “sơ sử” của dân tộc (so với các sử gia thời sau) nên có quan điểm “cởi mở” đối với những hiện tượng như vậy. Ngô Thì Sĩ và sử thần nhà Nguyễn thì ngược lại, họ bị chi phối bởi tinh thần “thực chứng”, bởi lập trường dân tộc và địa chính trị quá rạch ròi đường thời mà thiếu cái nhìn lịch sử về sự hình thành quốc gia, dân tộc khi phủ nhận thực tế vùng Lĩnh Nam xưa là địa bàn tổ tiên (Bách Việt), là một cái nôi văn hóa của cả khu vực. Họ cũng chưa nhận thức được bản chất của huyền thoại, khăng khăng đứng trên quan điểm lịch sử thực chứng để bác bỏ các huyền thoại không hợp với tư tưởng thời đại họ. Họ đều “nhiệt tình” xuất phát từ lập trường dân tộc lên cao để nghi ngờ và đòi đưa Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân khỏi chính sử (dẫu là phần “ngoại kỉ”, “tiền biên”). Như vậy, khảo sát sự tiếp nhận, diễn giải tích truyện Liễu Nghị truyền thư ở  Việt Nam thời trung đại, chúng ta thấy được sự phát triển của cái gọi là “tinh thần dân tộc”, của ý thức về bản sắc và tính tự trị. Khi “tinh thần dân tộc”, ý thức về bản sắc và tính tự trị lên quá cao thì khả năng tiếp thu, chấp nhận cái ngoại lai (đích thực hoặc bị hoài nghi là như vậy) càng ít, càng yếu đi. Quá coi trọng bản sắc, sự tự trị sẽ khiến các triều đại mất đi khả năng tiếp thu linh hoạt, cởi mở các giá trị từ bên ngoài hoặc những giá trị mà người ta tưởng/ bị dẫn dụ là từ bên ngoài.

4.3. Có một độ chênh giữa quan điểm tiếp nhận văn hóa “ngoại lai” giữa dân gian và bác học chính thống, giữa “ngoại vi” và “trung tâm” trong trường hợp này. Rõ ràng, giới bác học chính thống ở trung tâm đã dè dặt, thận trọng và nghiêm khắc khi nhìn nhận một hiện tượng bị ngờ/ bị ấn định là ngoại lai (nhất là cái ngoại lai này không thuộc “trung tâm” của hệ thống vốn là nguồn ảnh hưởng, ở đây là từ dân gian). Ngược lại, dân gian “ngoại vi” đã cởi mở hơn, phóng khoáng hơn khi mặc nhiên chấp nhận, tiếp thu tích cực nguồn ảnh hưởng đó vì có cùng một “đẳng cấp”, một nền tảng văn hóa. Trong trường hợp này, có một nguyên nhân là giới bác học, chính thống ở trung tâm tự cho mình trọng trách đại diện cho cả dân tộc, cả quốc gia để ứng xử với một hiện tượng có tác động đến hình ảnh, bản sắc và tính tự trị của dân tộc. Dân gian có lẽ không quan tâm quá nhiều đến điều đó. Tuy nhiên, cũng có khi vì nguyên nhân này mà giới bác học, chính thống lại là lực lượng tích cực tiếp nhận những cái ngoại lai (cùng đẳng cấp và có lợi cho bản thân họ, hoặc họ cho là có lợi cho đất nước) còn dân gian thì hoặc tiếp nhận theo hoặc lặng lẽ sàng lọc chúng một cách tự nhiên. Điều đó cho thấy dân gian bao giờ cũng hồn nhiên, tự phát, thụ động hơn (nhưng cũng vì thế mà cởi mở, khoan dung hơn) trong sự tiếp nhận ảnh hưởng bên ngoài. Từ đây, đặt ra một vấn đề là hai giới phải xích lại gần nhau hơn, điều hòa lẫn nhau để có được một ứng xử đúng mực đối với các hiện tượng thâm nhập của cái ngoại lai. Trong trường hợp tiếp nhận/ tương đồng tích truyên Liễu Nghị truyền thư, chúng tôi cho rằng sự dung hòa đó diễn ra hoàn hảo nhất chính là ở các soạn giả của Toàn thư: họ đã chấp nhận và đồng thời tận dụng được sự cởi mở và trí tuệ dân gian trong khi vẫn giữ được một sự thận trọng, cảnh giác cần thiết mà không cần phải quá “lên gân” hay phủ nhận gay gắt. Họ cũng không quá áp đặt quan điểm của mình lên dân gian, trái lại biết lắng nghe dân gian. Đây là một kinh nghiệm bổ ích vẫn còn ý nghĩa cho đến tận ngày nay trong quan hệ giao lưu, tiếp biến văn hóa với Trung Quốc nói riêng và với ngoại quốc nói chung.

Viết về sự giao lưu tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc, nhất là Trung – Việt, trong lịch sử là một vấn đề rất khó; còn khó hơn khi bàn về cổ sử, tín ngưỡng và những vấn đề liên quan. Với trường hợp cụ thể là Liễu Nghị truyền thư – một tích truyện còn gây tranh cãi nhiều ở Trung Quốc – và dấu ấn của nó ở Việt Nam thời trung đại, vấn đề cơ hồ còn phức tạp hơn ở các chi tiết, các mối quan hệ liên văn bản, liên văn hóa. Để đi đến kết luận, thiết nghĩ cần có những “cuộc” khảo sát công phu, kĩ lưỡng hơn nhiều. Vì vậy, tham luận của chúng tôi chỉ mới dừng lại ở những ý kiến, suy nghĩ bước đầu với mong muốn gợi ra những vấn đề còn bỏ ngỏ./.

                                                                                    Hà Nội, tháng 08 năm 2011

                                                                                                            N.T.T

Chú thích

(1) Lí Triều Uy (? - ?), ước sống vào khoảng những năm 766 đến 820, không rõ tự hiệu, người Lũng Tây (nay là Thành phố Định Tây tỉnh Cam Túc) cùng với Lí Phúc Ngôn, Lí Công Tá được xưng là “Lũng Tây tam Lí”. Có thuyết nói ông sinh năm 766, mất năm 820. Có thuyết nói ông làm quan nhỏ ở bộ Lại. Tác phẩm của ông có: Liễu nghị truyện 柳毅传Liễu Tham quân truyện 柳参军传, lưu hành ở đời, trong đó Liễu Tham quân truyện nội dung đơn giản, tầm thường; Liễu Nghị truyện có giá trị hơn. Ông được xem là một trong những người sáng tạo ra thể loại truyện truyền kì Trung Hoa.

(2) Nguyên văn: “近日人世或传柳毅灵姻之事”.

(3) Lí Triều Uy, Liễu Nghị truyện, Xuân Huy dịch, in trong “Tuyển dịch một số truyện truyền kì ưu tú thời Đường Tống”, Tạp chí Hán Nôm, số 9/2002; Lí Triều Uy, Liễu Nghị truyện (Trần Lam dịch), Đặc san Chu Văn An Bắc Cali, năm 2008, URL: http://www.chuvananbc.com/DacSanCVA2008/pages/39_LieuNghi.html; Lí Triều Uy, Liễu Nghị truyện, Vũ Ninh dịch, Thư viện bảo tàng viện Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, Nhân Ái foudation, California, 2009, URL: http://www.tvbtv.org/D_1-2_2-143_4-235_5-5_6-1_15-1/TRUYEN-LIEU-NGHI.html;

(4) Các sách sử thời Trần như An Nam chí lược, Đại Việt sử lược không có truyền thuyết này. Sách Đại Việt sử kí toàn thư của Lê Văn Hưu đã mất nên hiện ta không rõ trong sách này có chép về họ Hồng Bàng hay không. Tuy nhiên, không thấy có lời bàn của Lê Văn Hưu về họ Hồng Bàng trong Toàn thư chứng tỏ nhiều khả năng không có nội dung trên. Như vậy, ở thế kỉ XIV, truyện họ Hồng Bàng vẫn đang tồn tại trong dân gian. Hoặc giả, đến thế kỉ XIV, các trí thức Nho học mới góp phần kiến tạo tạo/ văn bản hóa truyền thuyết này từ một nguồn nào đó.

(5) Nhưng Ngô Sĩ Liên đưa vào sử với một thái độ thận trọng chứ không hẳn chấp nhận hoàn toàn. Trong bài tựa sách Đại Việt sử ký toàn thư (đề ngày Đông chí năm 1479), cũng đã nói rõ rằng: ông đưa Kinh Dương Vương vào đoạn mở đầu sử cũ chỉ là để “đối ngang triều Bắc”. Còn thực ra “đây toàn là gốc ở dã sử” và “không có niên biểu, thứ tự các đời vua truyền nhau, không thể biết được”.

(6) Nguyên văn “Án Đường kỉ Kinh Dương thời hữu mục dương phụ tự vị Động Đình quân thiếu nữ giá Kinh Dương thứ tử bị truất, kí thư Liễu Nghị tấu Động Đình quân, tắc Kinh Xuyên Động Đình thế vi hôn nhân hữu tự lai hĩ” [Ngô Sĩ Liên,…, Đại Việt sử kí toàn thư, (1697) ảnh ấn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tập 4], Ngoại kỉ, quyển 1, tờ 1b. Tham khảo bản dịch Toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tập 1].

(7) Chúng tôi hiện chưa có Tư trị thông giám cương mục trong tay nên không thể khẳng định chắc chắn. Nhưng như chúng ta biết các sử gia nước ta từ Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ, sử thần nhà Nguyễn,… khi biên soạn các công trình sử học đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ bộ sách này (về cả nội dung và phương thức biên soạn). Bởi vậy, nhiều khả năng suy đoán của chúng tôi là có cơ sở.

(8) Nguyên văn: “ , . 墓,洞 . , . , 漫” [Thái Thuận, Lã Đường di cảo thi tập, Thư viện Quốc gia Hà Nội, kí hiệu R.318, tờ 28b-29a].

(9) Ngô Thì Sĩ. Đại Việt sử kí tiền biên, bản dịch, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr.40.

(10) Nói “hầu hết” bởi thực ra vẫn có sử thần bênh vực quan điểm của soạn giả Toàn thư. Chẳng hạn, Đặng Quốc Lương nêu ý kiến: “Trộm xét rằng: Niên kỉ Hồng Bàng thị có Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương, dẫu rằng thời đại đã xa xôi, chữ nghĩa không lưu truyền, chép việc đa phần hoang đường quái dị, nhưng việc dựng đô, lập nước đều có năm tháng dài lâu, [các vua ấy] đều là các vị vua khởi đầu của nước Việt ta. Sử thần nhà Lê là Ngô Sĩ Liên soạn Đại Việt sử kí vào năm Hồng Đức thứ 10. Lúc bấy giờ Thánh Tông Thuần Hoàng đế ưa thích văn học, xuống chiếu tìm dã sử cùng các truyện kí xưa nay tàng trữ trong các nhà để tham khảo cho đầy đủ. Sách này dứt khoát chép từ họ Hồng Bàng, lấy Kinh Dương Vương làm vị vua mở đầu quốc thống. Về việc này, các Nho thần rất nhiều mà chưa từng có một ai cho là không hợp lẽ phải. Vả từ khi sách hoàn thành về sau có đến hơn 300 năm, trải qua các đời Hồng Thuận, Cảnh Trị triều Lê đã hai lần sai các Nho thần soạn thuật, khảo đính thêm. Trong khoảng các năm đó, những bậc bác nhã quân tử cố nhiên không thiếu người, thế mà cũng không có ai có ý sửa đổi điều gì. Như vậy thì trước tác của Ngô Sĩ Liên tưởng cũng chẳng phải là dựa vào không mà nói có. Nay nếu như bộ Việt sử chép bắt đầu từ Hùng Vương, còn hai vua Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân lại chỉ đặt phụ chú dưới Hùng Vương, việc này e rằng không đầy đủ và đúng thế thứ và rõ ràng gốc gác được” [Quốc sử quán triều Nguyễn (1856 - 1883), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển I, Thư viện Quốc gia Hà Nội, kí hiệu: R.591, tờ 9a-b].

(11) Nguyên văn: “Tư phụng tra chi cựu sử Hồng Bàng thị kỉ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân chi xưng, duyên thượng cổ thế thuộc diểu mang, tác giả bằng không soạn xuất, vô sở thủ tín, hựu phụ ư tiểu thuyết gia Đường Liễu Nghị truyện dĩ vi ấn chứng” [Cương mục, Quyển I, tờ 4a-5b].

(12) Cương mục, Quyển I, tờ 9b-10a.

(13) Nguyên văn: “Nhâm Tuất nguyên niên sơ Viêm Đế Thần Nông tứ thế tôn danh Đế Minh, Đế Minh Thạch Niên chi tử, đô Khúc Phụ, thú Cơ thị nữ sinh Đế Nghi, Đế Minh chu du tứ phương, tuần thú Nam địa, chí Ngũ Lĩnh (tức Nam địa) tiếp kiến Vụ Tiên nữ, niên phương nhị bát, dung mạo dị kì, ngôn tiếu phi thường, nhan sắc khả ái, Đế Minh kiến nhi duyệt chi, nãi dĩ lệ bì vi lễ thú quy Bắc quốc, lập vi Nguyên phi, nhất niên hữu dựng, đãn sinh nhất nam danh viết Lộc Tục, khí tượng kì dị, thánh trí thông minh, Đế Minh kì chi dục sử tự vị. Lộc cố nhưỡng kì huynh (tức Đế Nghi), bất cảm phụng mệnh, Đế Minh ư thị lập Đế Nghi vi tự, tức Thiên tử vị trị hồ Bắc quốc. Lộc Tục kiến huynh chi thụ phong, thỉnh hồi Nam địa mẫu quán. Đế Minh hỉ chi, phong Lộc Tục vi Kinh Dương Vương quy trị Nam địa, hiệu Xích Đế quốc, đô Ngũ Lĩnh (tức Phong Châu). Kinh Dương Vương quy trị Nam địa, hiệu Xích Quỷ quốc, đô Ngũ Lĩnh (tức Phong Châu). Kinh Dương Vương tuần thú Nam Hải kiến nhất mục dương, vị Động Đình quân thiếu nữ danh Thần Long, bị Kinh Xuyên sở khí. Kinh Dương Vương toại thú Thần Long vi Nguyên phi, nhất niên hữu dựng, đản sinh nam tử danh viết Sùng Lãm. Kinh Dương Vương niên bách tuế hữu dư, nãi phong Sùng Lãm vi Lạc Long quân, kế trị Nam địa. Kinh Dương Vương Thần Long nguyên phi kị long thăng thiên” [Khuyết danh, Nam sử, ?, Thư viện Quốc gia Hà Nội, kí hiệu: R.997, tờ 1b-2a]

(14) Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.69-70.

(15) Xem thêm Thoải Tiên thánh mẫu kì lục, URL: http://phucyen.blogspot.com/2011/03/su-tich-mau-thoai.html

(16) Những ý kiến bình luận chủ yếu đến từ các nhà nghiên cứu Việt Nam ở hải ngoại như: Nguyễn Xuân Quang, Vũ Ninh. Xem: Vũ Ninh, tài liệu đã dẫn; Nguyễn Xuân Quang, Hồ Động Đình và truyền thuyết Việt, URL: http://www.khoahoc.net/baivo/nguyenxuanquang/021210-dongdinhho-1.htm

(17) Nguyên văn: “ [ , “ - ”, 戴 可 來, 楊 保 筠 校 注 , 中州古籍出版社,1996, 265]

(18) Nguyên văn: “ ”.

(19) Nguyên văn: “南海之外又鲛人水居如鱼不废织绩其泪泣则能出珠”.

(20) , “ ”, , 1994 2 .

(21) Về nơi phát tích của truyền thuyết có nhiều ý kiến tranh luận: có ý kiến cho rằng đó là Trường An thời Đường (nay là Tây An), có ý kiến cho nơi phát tích là ở Lũng Tây (Tây An); có ý kiến cho rằng đó là thôn Họa Trì trấn Kinh Can huyện Kinh Dương tỉnh Hiệp Tây và hồ Động Đình; có ý kiến cho rằng đó là đầm Lão Long ở huyện Kinh Hà núi Lục Bàn Sơn;v.v… Nhìn chung, các ý kiến đều chưa thống nhất, nhưng trong đó không thể thiếu được địa danh hồ Động Đình, sông Kinh Hà.

(22) Nguyễn Xuân Quang, Tài liệu đã dẫn.

(23) Có quan điểm cực đoan cho rằng, “Rất có thể không có một nhân vật nào tên Lý Triều Uy. Lý Triều Uy chỉ là một ký hiệu chung của những quan lại chủ mưu xóa bỏ văn hóa, xuyên tạc gốc nguồn để dễ bề đồng hóa chủng tộc Việt ta” (Vũ Ninh, Tài liệu đã dẫn). Nhưng quan điểm này thực ra không thoát khỏi một ám ảnh rằng quả có chuyện “truyện họ Hồng Bàng” của ta chịu ảnh hưởng đậm từ tích truyện Liễu Nghị truyền thư (do người Trung Hoa ngụy tạo để gây hiểu nhầm về nguồn gốc “truyện họ Hồng Bàng”!). Quan điểm này không giúp ích lắm cho việc khẳng định tính tự chủ, độc lập của lịch sử, văn hóa Việt một cách sòng phẳng, khách quan.

(24) Xem Trần Văn Tích, “Thu phong từ, từ Hán Vũ Đế đến Hồ Xuân Hương”, Tập san Khởi hành, số 89 (tháng 3/2004); Phạm Cao Dương, “Từ Lĩnh Nam chích quáiKiến văn tiểu lục đến những tài liệu bị quân Minh tịch thu đem về Tàu”, Tập san Khởi hành, số 89, (tháng 3/2004);v.v… Ta có thể liên hệ thêm đến các truyện được chép trong Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án về các nhà Nho Việt Nam đi sứ đến hồ Động Đình đã phát hiện ra “tiền kiếp” hoặc “duyên nợ” của mình với vùng đất này,v.v…

(25) Ngô Thì Sĩ. Tiền biên, tr.42.

(26) Nguyên văn: “Phù Kinh Dương thuộc Tần Động Đình thuộc Sở, ư ngã hà quan. Huống quái đản chi đàm bất kinh thù thậm, an sở thủ cứ nhi nghiễm vi kiến quốc lập thống chi thủ quân tai! Khảo chi Hùng Vương chi lập dã, kiến quóc hiệu Văn Lang đô Phong Châu, phân quốc vi thập ngũ bộ, tự thị sảo hữu chế độ nhi truyền thế thập bát lịch niên nhị thiên, hữu kì. Án chi Bắc triều sở xưng Cao Dương thị chi Nam chí ư Giao Chỉ, Đào Đường thị chi trạch Nam giao, Chu Thành vương Việt Thường thị chi trùng dịch nhi lai, giai tại kì nội, do hữu trưng tín, tắc dữ Tiền biên chi thủy khởi Phục Hi ư nghĩa khả kê thả minh đắc thống chi sở tự. Phụng nghĩ Việt sử kiến thống ưng dĩ Hùng vương vi thủy. Kì Kinh Dương Lạc Long chi sự biệt dĩ truyền văn phụ chú ư hạ, thứ hợp dĩ nghi truyền nghi chi nghĩa”. Quốc sử quán triều Nguyễn, Cương mục, quyển I, tờ 4a-5b. Xem thêm bản dịch Cương mục, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục, 1998, tr.22-23.

(27) “Quốc thống chi thủ, thế viễn truyền ngoa, Kinh Lạc nhị quân, cô tồn sĩ khảo. Cựu sử dĩ Kinh Lạc vi quốc thống chi quân. Chí Tự Đức bát niên tu Việt sử thông giám cương mục, phụng thượng dụ Kinh Lạc nhị quân chi sự, đa thuộc ngưu quỷ xà thần, tồn nhi phất luận, khả dã. Chuẩn dĩ Hùng chi vi quốc thống chi thủy. Phù Kinh Dương thuộc Tần, Động Đình thuộc Sở, ư ngã hà quan? An khả dĩ tiểu thuyết gia Đường Liễu Nghị truyện dĩ vi túc tín hồ!” [Khuyết danh, Nam sử, Thư viện Quốc gia Hà Nội, kí hiệu: R.581,tờ 8a].

(28) Hoặc có thể có giả thiết là họ bị ám ảnh bởi tư tưởng “vô tốn Hoa hạ” mà dẫn đến việc dễ dàng chấp nhận truyền thuyết mang nhiều dấu ấn “phương Bắc”. Điều này được phản ánh ở thái độ của Ngô Sĩ Liên khi đưa truyền thuyết họ Hồng Bàng vào chính sử, song cũng không thực chắc chắn như thế. Còn ở Lĩnh Nam chích quái thì quan điểm đó chưa nặng nề. Tác phẩm có nhiều truyện mà thực sự lập trường Bắc – Nam còn rất mờ nhạt: Truyện Sĩ Vương, truyện Việt tỉnh, truyện Lí Ông Trọng,v.v…

(29) Rất có thể ông được cổ vũ để có thêm sự tự tin như thế nhờ nguồn tư liệu ông tham khảo được: Đường kỉ (trong Tư trị thông giám cương mục?) là một văn bản sử chứ không phải là nguyên bản Liễu Nghị truyện (một tác phẩm truyền kì).