Hình tượng ám ảnh trong thơ Xuân Quỳnh

In bài này

 (Đinh Thị Phương Hà, Tạp chí ĐH Sài Gòn, Bình luận văn học, niên giám 2012)

Thế giới hình ảnh trong thơ Xuân Quỳnh thật phong phú, đa dạng. Song những hình ảnh đó lại rất gần gũi, quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày. Chị đã đưa vào thơ mình nét dân dã của một thời gắn bó với quê hương, đó là ao bèo, là chùm hoa xoan tím ngắt… và tuổi thơ của chị đã vọng về từ đó. Hay những con sóng tràn bờ để mãi ngân vang lên bản tình ca mà gần như suốt một đời chị đã Tự hát về thân phận của mình. Hình ảnh trong thơ Xuân Quỳnh đã trở thành biểu trưng, hình tượng về tình yêu, hạnh phúc; về cả sự tan vỡ và lo âu. Trong thế giới hình tượng thơ Xuân Quỳnh, cái tôi của chị luôn được thể hiện ở một vị trí đặc biệt. Thế giới đó là cả một sự trải nghiệm của một cuộc đời với bao cay đắng, xót xa, và cả một sự đánh đổi. Những hình tượng đó được thể hiện rõ nét nhất, nhiều nhất ở mảng thơ tình, bởi chị đã thông qua đó để giãi bày, bộc lộ một tâm hồn khắc khoải yêu thương:

“Dòng sông này, bãi cát, cánh đồng quen

Hoa lau trắng suốt một thời quá khứ

Tôi đã đi đến tận cùng xứ sở

Đến tận cùng đau đớn, đến tình yêu.”

                                    (Thơ tình cho bạn trẻ)

Tâm trạng ấy đã được nhà thơ thể hiện qua những hình tượng thơ thật độc đáo, gợi cảm, cuốn hút.

1. Hình tượng trái tim

Trái tim là biểu tượng đặc biệt của tình yêu và với một tâm hồn nhạy cảm như Xuân Quỳnh, trái tim đã trở thành một hình tượng có sức cuốn hút mãnh liệt trong thơ chị. Tình yêu là giai điệu của trái tim, trong thơ Xuân Quỳnh có một trái tim yêu tha thiết, thổn thức.

“Nếu như tôi

Được làm ngọn gió

Tôi sẽ làm ngọn gió Nam hung dữ

Thổi từ đáy biển lên   

Để khi mình lặng im

Vẫn đủ sức làm cuộc đời xáo động.”

Khát vọng mãnh liệt đó phải chăng là lời trái tim muốn nói, một trái tim luôn đập vì một tình yêu ngầm sâu dữ dội và không bao giờ muốn nghỉ ngơi khi đã lặng im. Xuân Quỳnh yêu như muốn xé toang lồng ngực của mình, lấy trái tim luôn rực lên ngọn lửa tình để xé đi màn đêm lạnh giá như trái tim Đan-kô sưởi ấm cuộc đời.

Những dòng thơ tình của Xuân Quỳnh là lời của trái tim đến với trái tim, âm điệu ấy thật dạt dào, cuồng si và rất đỗi dễ thương đàn bà:

“Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Là máu thịt, đời thường ai chẳng có

Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.”

                                                (Tự hát)

Tình yêu trở nên một điều gần gũi với trái tim “đời thường” không tâng bốc. Xuân Quỳnh đã trở về đúng với bản thể của con người, chị sống thật với tình yêu của mình và nơi duy nhất đúng để thể hiện cho lòng chân thành, thủy chung đó chính là trái tim của chị, một “trái tim” không bao giờ biết dối lừa, trái tim bé nhỏ ấy đã biết sống đúng nghĩa với tình yêu của mình, đã trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong cuộc đời của chị. Xuân Quỳnh đã tự hát về trái tim “máu thịt” của mình không bao phủ vẻ hào nhoáng của những điều giả dối, nó bộc lộ một tình yêu không biết khoa trương, trái tim ấy thật dung dị, bình thường với một tình yêu đằm thắm luôn khao khát được hiến dâng cho người mình yêu. Như vậy, Xuân Quỳnh đã dùng hình ảnh trái tim để làm biểu tượng cho tình yêu của mình, và tình yêu đó đã đẹp hơn khi trở về “đúng nghĩa” của nó. Thật không dễ dàng chút nào để chúng ta tìm trong hành trang của văn học hiện đại những bài thơ có chứa một trái tim tình yêu dung dị như thế; và tình yêu chất chứa trong trái tim ấy thì không tầm thường chút nào. Đó là một tình yêu mãnh liệt và luôn hướng đến cái tuyệt đối vĩnh hằng của nó, dù là thể hiện một cách trực tiếp hay gián tiếp, Xuân Quỳnh đã làm nổi bật lên được hình ảnh biểu trưng đặc biệt này trong thơ chị - trái tim là tình yêu, là nơi chứa đựng bao khát vọng yêu đương cháy bỏng. Bên cạnh đó, trái tim trong thơ Xuân Quỳnh còn là một trái tim đa cảm, thông minh và tinh tế. Trái tim đó có thể hiểu người đàn ông của mình một cách sâu sắc nhất:

“Chẳng dại gì em ước nó bằng vàng

Trái tim em anh đã từng biết đấy

Anh là người coi thường của cải

Nên nếu cần anh bán nó đi ngay...”

                                                (Tự hát)

Xuân Quỳnh đã không đánh đổi giá trị tình yêu đích thực của mình bằng vật chất. Có lẽ chị hiểu rằng sẽ không còn là bền vững khi tình yêu mang ánh sáng chói lòa của vật giá, bởi nó không phải là cái bất biến, đã là của cải thì con người có thể đánh đổi được khi cần thiết. Cho nên, tình yêu của người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh không dựa trên vẻ đẹp sáng chói của “vàng” bởi nó sẽ nhanh chóng tàn phai theo năm tháng, mà điểm tựa vững chắc của tình yêu thực sự đó là đức hạnh, là máu huyết của trái tim nồng nàn, tha thiết. Chị khao khát một tình yêu không có khoảng cách, chị không mong tình yêu của mình là vầng dương của vũ trụ, vì nó sẽ tàn khi bóng hoàng hôn đổ về.

“Em cũng không mong nó giống mặt trời

Vì sẽ tắt khi bóng chiều đổ xuống

Lại mình anh với đêm dài câm lặng

Mà lòng anh xa cách với lòng em...” 

                                                (Tự hát)

Chị không muốn ví trái tim mình là bất cứ vật gì quý giá khác nếu như nó chỉ làm cho chị xa cách với người yêu của mình, hay dễ dàng đổi thay khi không cần nhau nữa. Đó là lí do đẹp nhất của một tâm hồn say đắm và dịu dàng khi yêu, đặc biệt đối với trái tim của người đàn bà đã hơn một lần tan vỡ hạnh phúc thì khát vọng bền vững trong tình yêu thật mãnh liệt và sâu lắng. Hình tượng trái tim – khát vọng tình yêu của một người phụ nữ long đong suốt cuộc đời đi kiếm tìm hạnh phúc, luôn khao khát có được một tình yêu đúng nghĩa:

“Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Biết làm sống những hồng cầu đã chết

Biết lấy lại những gì đã mất

Biết rút gần khoảng cách của yêu tin...”

                                                (Tự hát)

Đâu phải lúc nào khao khát, ước vọng là có được tình yêu. Tình yêu đích thực không dễ dàng đến và cũng không dễ dàng tồn tại mãi mãi với chúng ta nếu như trái tim mình lỡ một lần sai nhịp. Trái tim của Xuân Quỳnh đã lỡ một lần đập sai nhịp và chị đã phải trả giá cho một lần lỡ lầm đó bằng chính hạnh phúc trong tình yêu đầu tiên của mình. Nỗi khắc khoải, lo âu về sự xa cách, cô đơn lại hiển hiện trong trái tim nhỏ bé khi tình yêu trở nên xa vời:

“Em lo âu trước xa tắp đường mình

Trái tim đập những điều không thể nói

Trái tim đập cồn cào cơn đói

Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn...”

                                                (Tự hát)

 Tình yêu không phải lúc nào cũng ngọt ngào, hạnh phúc, đó chỉ là những phút giây thăng hoa của một tình yêu đẹp. Cay đắng, xót xa, tan vỡ là những trạng thái khó có thể tránh khỏi trên con đường đi kiếm tìm một tình yêu đích thực, và những ai đi trên con đường ấy phải biết chấp nhận điều đó. Một trái tim quá nhạy cảm như Xuân Quỳnh đã luôn trăn trở, lo âu về hạnh phúc của mình, đó là cảm giác sợ mất đi những gì đẹp nhất ở một tình yêu chị đã đánh đổi bằng chính cuộc đời mình mới có được. Tuy vậy, không có nghĩa là Xuân Quỳnh buông xuôi theo số phận khi nghiệt ngã cuộc đời ép vào trái tim bé nhỏ của chị. Ta vẫn thấy có một người đàn bà từng trải, đằm thắm tỉnh táo trong tình yêu. Trái tim ấy dù có lúc đau buồn nhưng không hề hoảng loạn, chị đã ngụp lặn trong đại dương mênh mông sâu thẳm của tình yêu với sóng gió và bão tố, rồi trong giông tố chị lại lắng nghe tiếng nói trái tim để tìm về đúng nghĩa của hạnh phúc:

“Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Biết khao khát những điều anh mơ ước

Biết xúc động qua nhiều nhận thức

Biết yêu anh và biết được anh yêu...”

                                                (Tự hát)

Tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh đã vượt qua được những đau đớn đổ vỡ. Con tim dù nát tan vẫn khẳng định một tình yêu tha thiết mãi không nguôi. Tình yêu càng mong manh thì trái tim càng phải yêu thật nhiều để hiến dâng và để xoa dịu nỗi đau, sự mất mát. Do vậy cho dù có đau buồn, tình yêu và hạnh phúc vẫn là điều quý giá nhất mà bất cứ người phụ nữ nào vẫn thấy không thể thiếu cho cuộc đời của chính mình. Bởi vậy, chỉ một chút nhỏ bé hạnh phúc cũng khiến trái tim của người phụ nữ đa đoan Xuân Quỳnh rạo rực và thổn thức

“Chỉ riêng điều được sống cùng nhau

Niềm sung sướng với em là lớn nhất

Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực

Giây phút nào tim đập chẳng vì anh.”           

                                                (Chỉ có sóng và em)

Hình ảnh “trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực” luôn hướng về người mình yêu một cách say đắm và trọn vẹn. Hình ảnh một trái tim sao mà da diết, day dứt, phải chăng đó là nơi xuất phát một tình yêu không biết so đo và toan tính. Người đàn bà ấy yêu đến quên mình, lúc nào cũng sợ chưa nói hết được tình yêu của mình, chỉ sợ không bao bọc được hết người mình yêu trong kén vàng của hạnh phúc. Quả tim “dại khờ” vì yêu ấy như muốn ôm trọn tất cả những điều hôm qua của mình và của người mình yêu:

“Lòng em thương làm sao nói được

Như trời xanh vô tận mãi màu xanh

Dẫu bây giờ em đã ở bên anh

Chung lo lắng chung vui buồn mơ ước

Em vẫn cứ thương về ngày trước

Người yêu em thuở ấy có em đâu.”

                                                (Thương về ngày trước)

Hình tượng trái tim trong thơ Xuân Quỳnh như là một phương tiện đắc lực để nhà thơ giãi bày bao tâm tư tình cảm của mình, đó là nơi chị cất giấu một tình yêu đằm thắm, cuồng si của cả một đời đánh đổi. Đối với thi ca, hình ảnh là yếu tố rất quan trọng, bởi nhờ có hệ thống hình ảnh, nhà thơ mới bộc lộ được cảm xúc và khả năng sáng tạo của mình. Đồng thời qua đó người đọc có thể tiếp cận, khai thác, khám phá những tầng nghĩa sâu hơn được ẩn chứa trong đó. Xuân Quỳnh bằng cái tâm của người nghệ sĩ chân chính và tài năng thiên bẩm, đã hết sức chú trọng đến việc sáng tạo hình ảnh trong thơ. Thế giới thơ Xuân Quỳnh trở nên lung linh sắc màu chính nhờ việc chị đã hết sức tinh nhạy trong việc lựa chọn, tạo dựng những hình ảnh vừa bình dị đời thường vừa độc đáo cuốn hút. Nói như Chế Lan Viên “Có những cách cày bừa làm tăng năng suất cho cây trồng. Có những cách dùng chữ, viết văn để tăng năng suất cho ý” thì Xuân Quỳnh quả thật đã làm “tăng năng suất” cho ý thơ chính bằng sự sáng tạo hình ảnh hết sức nhuần nhị và bay bổng, làm thăng hoa tình cảm ở mức cao nhất. Hình ảnh trái tim không phải là một hình ảnh mới xuất hiện trong thơ, đã có nhiều nhà thơ trước và cùng thời với chị sử dụng hình ảnh đẹp này trong thơ mình, chẳng hạn như T.T.Kh, Xuân Diệu... nhưng ở những nhà thơ này, hình ảnh đó chỉ dừng lại ở việc là đối tượng để thể hiện tâm trạng. Đối với Xuân Quỳnh, trái tim đã trở thành biểu tượng duy nhất và thiêng liêng của tình yêu. Biểu tượng tình yêu đó, được Xuân Quỳnh cụ thể hóa qua từng giai đoạn của cuộc đời, hay nói đúng hơn là mỗi chặng đường đi tìm hạnh phúc. Từ những nhịp đập rạo rực, mạnh mẽ của thời tuổi trẻ, đến những ưu tư, khắc khoải và dường như mỏi mệt của một người đã từng trải.

“Trái tim buồn sau lần áo mỏng

Từng đập vì anh vì những trang thơ

Trái tim nay mỗi phút mỗi giờ

Chỉ có đập cho mình em đau đớn

Trái tim này chẳng còn có ích

Cho anh yêu, cho công việc, bạn bè...”

                                                (Thời gian trắng)

Trái tim người thiếu phụ sau bao nhiêu tan vỡ, đau buồn và có cả hạnh phúc nhỏ nhoi nữa đã nhuốm một màu sắc tuyệt vọng. Trái tim của chị cũng đã trở về “đúng nghĩa” của nó để kiểm định lại đời mình với bao nỗi khát khao chưa đạt được - đó là sự vĩnh hằng của tình yêu, hạnh phúc. Như vậy, trái tim đã trở thành một hình tượng tiêu biểu trong thơ Xuân Quỳnh, góp phần làm cho thế giới hình tượng trong thơ chị thêm phong phú, đa dạng hơn.

2. Hình ảnh bàn tay

Ở Xuân Quỳnh, những gì thuộc về cuộc đời thực thường ám nhiễm vào thơ sau khi đã được lọc qua hơi thở của cảm xúc. Hình ảnh đôi bàn tay là một hiện tượng như thế. Xuân Quỳnh đã trải qua một quãng đời tuổi thơ buồn bã trong sự trống vắng vòng tay yêu thương, chăm sóc của mẹ. Chị lớn lên trong vạt áo chở che của người bà nhân hậu, nhưng nỗi cơ cực của một đứa trẻ mồ côi đã làm cho Xuân Quỳnh trở nên đảm đang hơn, khéo léo hơn. Tất cả sự giỏi giang đó được thể hiện rõ nhất ở đôi bàn tay của chị. Đặc biệt thay, Xuân Quỳnh có một đôi bàn tay rất lạ - đôi bàn tay Trương Chi (Lại Nguyên Ân) so với gương mặt xinh đẹp, đôi mắt tinh anh và một phong thái hóm hỉnh của người con gái sinh ra bên dòng sông Nhuệ. Dường như đó chính là một mâu thuẫn nghiệt ngã mà tạo hóa đã sắp đặt cho chị như là một định mệnh của cuộc đời, và để từ đó hình ảnh đôi bàn tay cứ trở đi trở lại trong thơ chị như một ám ảnh nghệ thuật. Nó vượt qua ý nghĩa thẩm mĩ bình thường, đôi bàn táy ấy đã hé mở về số phận của một cuộc đời.

Xuân Quỳnh đã tự họa đôi bàn tay của mình một cách rất chân thật và xúc động:

“Bàn tay em ngón chẳng thon dài

Vệt chai cũ, đường gân xanh vất vả

Em đánh chắt chơi chuyền thuở nhỏ

Hái rau dền rau rệu nấu canh

Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ.”      

                                                (Bàn tay em)

Bàn tay ấy gợi ra nỗi vất vả, cực nhọc, lam lũ của một quãng đời, từ tuổi thơ côi cút, cô độc, nhiều nước mắt trong quá khứ đến những tháng ngày hiện tại trăn trở, lo toan. Bàn tay ấy là điểm tựa cho một thời tuổi thơ dữ dội khi nỗi nhớ về người mẹ hiền lại ùa về trong kí ức. Hình ảnh đôi bàn tay ấy còn là biểu tượng về đời người con gái, về một tâm hồn nhiều mất mát đau buồn và một niềm khao khát đến tha thiết được chia sẻ, được cảm thông. Một số phận không lấy gì làm hạnh phúc! Chỉ với một đôi bàn tay đầy vết chai, xù xì, thô kệch, Xuân Quỳnh đã cho ta thấy được cả một thước phim cuộc đời luôn thiếu hụt, luôn đau đáu một khát vọng được chở che, vỗ về.

Hơn ai hết, người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh ý thức rõ những bất hạnh của cuộc đời mình, nhưng không than vãn, không chối bỏ, không chạy trốn, mà chấp nhận và sẵn sàng cải hóa nó. Từ chính đôi bàn tay xấu xí, vụng về ấy, chị đã lặng lẽ nâng niu chăm chút từng mảnh vụn hạnh phúc để vun đắp cho tổ ấm, cho những người thân yêu của mình:

“Trong tay anh, tay của em đây

Biết lặng lẽ vun trồng gìn giữ

Trời mưa lạnh tay em khép cửa

Em phơi mền vá áo cho anh

Tay cắm hoa tay để treo tranh

Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc.”

                                                (Bàn tay em)

Bàn tay đơn sơ, nhỏ nhoi ấy đã dang rộng thành đôi cánh phủ xuống mái nhà, chở che và ấp ủ cho gia đình. Đôi bàn tay ấy đã đặt trong tay người yêu để tiếp thêm sức mạnh cho tình yêu, để hạnh phúc sẽ là mãi mãi. Với bàn tay ấy, chị đã làm cho gia đình bé nhỏ của mình đẹp hơn, ấm cúng hơn, là một tổ ấm vững vàng để “anh” quay về. Bàn tay ấy chứa đựng biết bao nhiêu yêu thương không thể nói nên lời, tình yêu ấy được thể hiện qua từng cử chỉ nhỏ nhặt nhất mà người đàn bà khốn khổ ấy đã gởi gắm qua từng vết chai sần trong bàn tay nhỏ của mình. Hơn thế, chị còn thắp lên ngọn lửa ấm của tình yêu thương, sự dịu dàng vị tha có thể xoa dịu mọi nỗi lo âu, bất trắc bằng chính bàn tay của mình:

“Năm tháng đi qua trên mái đầu cực nhọc

Tay em dừng trên vầng trán lo âu

Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau

Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngả

Khi vắng anh bàn tay em biết nhớ

Lấy thời gian đan thành áo mong chờ           

Lấy thời gian em viết những dòng thơ

Để thấy được chúng mình không cách trở”

                                                (Bàn tay em)

Xuân Quỳnh đã thổi vào bàn tay ấy linh hồn của con người, để biết nhớ, biết yêu và biết đau khi có sự xa cách. Chị đã nhẹ nhàng nâng niu khoảnh khắc tình cảm của mình để đan thành nỗi nhớ mong và chờ đợi. Thực tế, Xuân Quỳnh đã sống quên mình, chị đã dịu dàng và hi sinh cuộc đời của mình để giữ gìn và bảo vệ tình yêu và hạnh phúc mình đã có. Lưu Quang Vũ, người bạn đời của chị đã khẳng định sứ mệnh cao cả nhưng giản dị mà Xuân Quỳnh mang đến cho cuộc đời anh, đem lại cho anh một cuộc sống, một sự tồn tại đúng nghĩa:

“Em của anh, đôi vai ấm ấp dịu dàng

Người nhóm bếp buổi chiều, người thức dậy lúc tinh sương

Em ở đấy đời chẳng còn đáng ngại

Em ở đấy bàn tay tin cậy

Bàn tay luôn đỏ lên vì giặt giũ mỗi ngày”

                                                (Và anh tồn tại)

Đôi bàn tay của người đàn bà khổ hạnh đó đã trở thành biểu tượng của sự vững chãi, nâng đỡ, dắt dìu người thân qua gian khó, đưa tình yêu trở thành điều thiêng liêng nhất của con người, khẳng định niềm tin bất diệt vào cuộc đời. Khác với Phan Thị Thanh Nhàn, bàn tay chỉ đơn thuần biểu hiện như một phương tiện mà thôi. Bàn tay đó không có ý nghĩa như một thân phận, một cuộc đời:

“Hè tay làm làn gió

Quạt cho anh giấc nồng

Đông – ngón như tia nắng

Tay nhen lên bếp hồng.”

                                    (Bàn tay – Phan Thị Thanh Nhàn)

 Xuân Quỳnh đã làm cho đôi bàn tay thô kệch xấu xí của mình trở nên đẹp hơn, đức hạnh hơn khi chị đã vượt qua được nỗi mặc cảm vì tạo hóa, chị đã tự hào, hạnh diện như đang có một gia tài quý báu:

“Gia tài em chỉ có bàn tay

Em trao tặng cho anh từ ngày ấy

.........

Bàn tay em gia tài nhỏ bé

Em trao anh cùng với cuộc đời em”

                                                (Bàn tay em)

Bàn tay đã đồng nghĩa là cuộc đời của người con gái, chị đã hiến dâng một cách chân thành nhất, dễ thương nhất cho người mình yêu. Đó cũng chính là niềm tin tuyệt đối của chị đã gởi gắm vào người yêu, một biểu hiện của sự nắm giữ hạnh phúc mà không dễ dàng gì chị có được. “Em trao tặng, em trao anh...” nghe như một điệp khúc trầm lắng nhưng ẩn chứa tình yêu mãnh liệt, một sự hiến dâng không vụ lợi, không đòi hỏi đáp đền. Bàn tay trở thành biểu tượng của niềm tin chị gởi đi như là một sự đánh đổi cho hạnh phúc, và tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh giản dị như thế. Nếu đã từng có rất nhiều nhà thơ viết thơ tình ca tụng những cử chỉ cuồng nhiệt, bỏng cháy đam mê của vòng tay, nụ hôn thì Xuân Quỳnh đã chọn cho mình một cử chỉ thật nhẹ, thật dịu dàng, đằm thắm mà cũng thật chắc chắn: tay trong tay, bàn tay yếu mềm trong một bàn tay nóng ấm mạnh mẽ, bàn tay nhỏ bé đó cần một nơi nương vịn, cần một sự nâng đõ chở che – thế là hạnh phúc – là tình yêu, không thể nào hoán đổi được:

“Dưới hai hàng cây

Tay ấm cùng tay

Cùng anh sóng bước”

                        (Chồi biếc)

“Đường tít tắp không gian như bể

Anh chờ em cho em vịn bàn tay”

                                    (Bàn tay em)

“Thấy anh về cuống quýt nắm bàn tay”

                                    (Bầu trời đã trở về)

“Tay trong tay tôi đã ở bên người     

Tôi chẳng nói điều chi vĩnh viễn”

                                    (Lại bắt đầu)

“Tay ta nắm lấy tay người

Dẫu qua trăm suối ngàn đồi cũng qua”

                                    (Hát ru)

Cử chỉ ấy biểu tượng cho sự gắn bó nương tựa nhau để vượt qua những bất trắc chông gai trong cuộc đời. Có hai bàn tay trong nhau để nhân đôi niềm tin yêu, vững chắc để chống chọi với mọi bão tố sóng gió của cuộc đời. Tay nắm lấy bàn tay là một cử chỉ bao hàm trong nó sự tiếp sức, an ủi, tình yêu mến, một tình yêu có thể cầm, nắm, sờ thấy được và cảm nhận một cách rõ ràng qua hơi ấm của đôi bàn tay ấy nữa. Đó là một ngôn ngữ đặc biệt của tình yêu mà Xuân Quỳnh đã phát hiện ra trên bước đường đi tìm sự đồng điệu giữa hai tâm hồn.

“Người đàn bà yêu và làm thơ” ấy đã ý thực được sự thô kệch, vụng về ở đôi bàn tay xấu xí của mình một cách chân thành:

“Bàn tay thô lại còn vụng nữa

Vụng đến nỗi không những mó tới đâu là đổ vỡ

Mà khi nói chuyện với ai, tôi thấy tay thừa không biết giấu vào đâu.”

                        (Thơ viết cho mình và những người con gái khác)

Đấy là đôi bàn tay không biết tráo trở, không biết lập lờ đen trắng. Đôi bàn tay trần trụi trước cát bụi, phong ba bão táp của mưa nắng đời người. Xuân Quỳnh đã dùng đôi bàn tay ấy khai quật lên một tình yêu chân thực mà suốt đời chị đã đi kiếm tìm. Hạnh phúc tình yêu đã hiện hữu như một báu vật quý giá trong hành trình khám phá đầy khổ đau, cay đắng cho một tình yêu “đúng nghĩa” mà trái tim bé nhỏ của chị luôn khắc khoải chờ mong. Chị rất sợ đôi bàn tay vụng về ấy của mình sẽ đánh rơi hạnh phúc mà mình đang có được trên tay, thế nên những cử chỉ luống cuống, lóng ngóng để nâng niu, giữ gìn tình yêu mà bàn tay đó thể hiện sao mà đáng thương và tội nghiệp biết bao! Thật là đau xót khi đôi bàn tay vất vả ấy lại trần tình về người yêu và chính mình bằng sự thật của đời thường:

“Anh tính nỗi đau, niềm vui bằng tháng, bằng tuần lễ

Nhưng với em, em hiến cả một đời

Anh tiếc thời gian chúng ta đã qua rồi

Em, em biết không gì mất được

Bài thơ nói về trái tim anh lại viết bằng bộ óc

Đọc bài thơ yêu em thấy sự chia xa

Và bỗng nhiên em lại bơ vơ

Tay vẫn vụng, trán dô ra như trước

Biết bao giờ em trở nên tốt được      

Và khi già tay còn vụng về hơn!”

            (Thơ viết cho mình và những người con gái khác)

Đôi bàn tay ấy đã tiết lộ một số phận của người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh, và chúng ta hiểu đó chính là đời chị, một cuộc đời với bao thăng trầm, cay đắng. Một số phận hạnh phúc chỉ được đếm bằng ngày, tháng, còn khổ đau được trải dài theo suốt cuộc đời. Nhưng dù cho là khắc nghiệt, người phụ nữ có đôi bàn tay với những vết chai, xù đó vẫn rất vị tha, chị đã vững vàng chống chọi với bao giông tố cuộc đời, đôi bàn tay ấy không thể và không bao giờ bóp nát trái tim của người yêu, và chính trái tim của mình. Bàn tay ấy chỉ biết gìn giữ, nâng niu hạnh phúc:

“Tay ta nắm lấy tay người

Dẫu qua trăm suối ngàn đồi cũng qua.”

                                                (Hát ru)

3. Hình ảnh thuyền – biển – sóng

Trong gia tài gần 10 tập thơ của Xuân Quỳnh, hình ảnh con thuyền xuôi ngược, biển cả bao la và những con sóng cuộn trào luôn được trở đi trở lại như một phương thức trữ tình độc đáo để bộc lộ cảm xúc, tình cảm của chị. Với một tâm hồn nhạy cảm, một khát vọng luôn dâng trào mãnh liệt với tình yêu hạnh phúc, một con tim cuồng nhiệt đam mê để sống và để yêu, thì hình ảnh sóng vỡ bờ, thuyền và biển cũng sôi nổi, nồng nàn như chính tâm hồn của nữ sĩ.

Bằng sự nhạy cảm và tinh tế của người phụ nữ, sự sắc sảo của một nhà thơ, Xuân Quỳnh đã nắm bắt được từng biến động, từng đặc điểm của sự vật thông qua hình ảnh thuyền – biển – sóng để từ đó biến nó thành sự phản ánh những cung bậc tình cảm, những khía cạnh của đời sống con người ở từng trạng thái khác nhau, đặc biệt những xúc cảm của tình yêu.

Lưu Khánh Thơ đã từng nhận xét về hai bài thơ mà Xuân Quỳnh đã xây dựng hình ảnh thuyền – biển – sóng như sau: “Sóng và Thuyền và biển là hai bài thơ tình vào loại hay nhất của Xuân Quỳnh nói riêng và của thơ hiện đại Việt Nam nói chung. Nó có mặt trong hầu hết gia tài của những đôi lứa yêu nhau”. Không phủ nhận một điều đã có rất nhiều bài thơ, nhà thơ cổ điển, hiện đại đề cập đến những hình ảnh đẹp này, và cũng có rất nhiều bài thơ thành công khi khai thác về nó (Biển – Xuân Diệu), nhưng có lẽ không quá đáng để khẳng định rằng chỉ đến Xuân Quỳnh, những hình ảnh đó mới trở nên bất tử với thời gian. Xuân Quỳnh đã phát hiện ra trong đó sự biểu hiện tất cả cung bậc của tình yêu: sự cuốn hút và bí ẩn, nỗi thấu hiểu và sự cảm thông, sự ràng buộc và tự nguyện, gặp gỡ và chia xa, khát vọng to lớn và sự bất tận, những hạnh phúc và đau khổ đến tột cùng.

Nét độc đáo dầu tiên khi Xuân Quỳnh xây dựng những hình ảnh trên đó là chị đã thổi vào chúng linh hồn của con người, đối tượng dùng để so sánh cũng đồng thời trở thành chủ thể nhân vật trữ tình:

“Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông dường nào 

Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu về đâu...”        

                                    (Thuyền và biển)

“Thuyền – biển” trở thành một cặp không thể thiếu trong cuộc hành trình trên đại dương bao la, đúng là khoảng cách bến bờ của biển chỉ có thuyền mới xác định được bao nhiêu hải lý và cũng chỉ có biển mới theo kịp những chuyến rong ruổi của thuyền trên sóng biển bao la. Chúng trở thành đối tượng hướng về nhau như một quy luật tất yếu của cuộc sống. Và không dừng lại ở chuyện “con thuyền và biển”, Xuân Quỳnh đã khai thác những trạng thái, cảm xúc của con người được ẩn hiện trong hình ảnh đó. Điểm đặc biệt, độc đáo trong thơ Xuân Quỳnh khi xây dựng những hình ảnh ẩn dụ mang ý nghĩa biểu tượng là tính “nửa vời” độc đáo, nửa úp nửa mở một cách có dụng ý của tác giả. Khi mượn hình ảnh để chuyển tải cảm xúc, chủ thể trữ tình vẫn không ẩn đi mà vẫn xuất hiện song song cùng đối tượng so sánh, có khi là soi chiếu, có khi là hòa nhập, hóa thân... tạo thành một sự song hành vừa mơ hồ vừa cụ thể giữa biểu tượng và chủ thể. Chẳng hạn, đang kể chuyện tình của thuyền và biển:

“Cũng có khi vô cớ    

Biển ào ạt xô thuyền”

                                    (Thuyền và biển)

Những lúc có sóng, khi bão tố đại dương nổi lên, bão táp cuộn trào, biển sẽ “ào ạt xô thuyền”, có khi nhấn chìm thuyền vào trong lòng biển. Chuyện tình yêu của con người cũng thế, tình yêu không bao giờ đứng yên, không bao giờ bất biến. Sẽ có những lúc tột đỉnh thăng hoa của tình yêu đó là phút giây sướng vui của hạnh phúc, nhưng cũng sẽ có những khoảnh khắc lạnh lùng, khổ đau, cay đắng đến nghiệt ngã mà tình yêu phải trải qua:

“Vì tình yêu muôn thuở

Có bao giờ đứng yên?”

Khoảng cách của thuyền và biển cũng đồng nghĩa với khoảng cách của anh và em:

“Nếu từ giã thuyền rồi

Biển chỉ còn sóng gió

Nếu phải cách xa anh 

Em chỉ còn bão tố”    

                                    (Thuyền và biển)

Thuyền và biển không chỉ là đối tượng chủ thể trữ tình mà hình ảnh đó là biểu trưng cho cảm xúc của những đôi lứa yêu nhau. Đó là tâm trạng nhớ nhung, buồn đau của tháng ngày xa cách, là ước nguyện luôn được gắn bó, bền chặt bên nhau. Tình yêu trong Xuân Quỳnh vẫn mãi là biển xanh mênh mông, vẫn mãi nồng nàn, thật say đắm, đồng thời vẫn tiềm ẩn bên trong đó là những bão tố, là rạn vỡ. Song với Xuân Quỳnh, chị luôn kháo khát tình yêu của mình là vô tận, tận cùng biển cả mênh mông. Chị muốn vượt qua những giới hạn nhỏ bé của người phụ nữ, chị muốn trải lòng mình với mặt biển bao la, nơi tình yêu hạnh phúc của người phụ nữ với tâm hồn nhạy cảm, thao thức với đời đặt ở đó.

Cùng với “thuyền và biển”, hình ảnh “sóng ” cũng là một hình tượng rất tiêu biểu cho khát vọng yêu mãnh liệt của Xuân Quỳnh. Khi chị viết thơ tình, đó là những bài thơ chị viết về mình, về người mình yêu. Chị gởi gắm vào trong đó những ước mơ và khát vọng cho riêng mình. Xuân Quỳnh đã tìm thấy được một cuộc đời khác để sống ở chính trong thơ của mình. Thơ đã trở thành nơi chắp cánh cho tình yêu của chị thăng hoa và giải thoát cho chị khỏi những ràng buộc, định kiến của đời. Nhân vật trữ tình trong thơ Quỳnh đã bắt đầu bước vào con đường đi tìm cội nguồn của tình yêu bằng hình ảnh con sóng nhỏ thật êm dịu. Xuân Quỳnh đã tạo nên một tâm hồn người con gái thật đẹp, thật lãng mạn và cũng thật mãnh liệt nhờ vào tình yêu con sóng của đại dương bao la. Con sóng mang trong mình những đặc trưng sóng đôi tương phản, đó cũng chính là những tương phản trong xúc cảm tâm hồn của tác giả muốn thể hiện:

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể...” 

                                                (Sóng)

Hình tượng “sóng” như là những rung cảm vô hình của tình yêu, là các cung bậc tình cảm của một tâm trạng đang yêu, lúc “ồn ào” cuộn sóng, lúc lặng lẽ “dịu êm”, nhưng dù thế nào đi nữa “sóng” vẫn luôn dào dạt vỗ bờ, đồng nghĩa là trái tim đó lúc nào cũng yêu và mãi mãi thổn thức vì tình yêu. Tâm trạng đó được thể hiện ở tâm hồn người con gái đang yêu, và lúc đó hình tượng “sóng” chính là hóa thân của nhân vật trữ tình. Một tình yêu vừa mãnh liệt, vừa đằm thắm, sâu lắng, vừa cồn cào, da diết không thôi:

“Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu          

Bồi hồi trong ngực trẻ...”       

                                    (Sóng)

Sự song hành hai hình tượng “sóng” và “em” đã bổ sung cho nhau, diễn tả sâu hơn nỗi nhớ, vượt lên giới hạn của không gian và thời gian, một nỗi nhớ cồn cào da diết trong trái tim yêu. Đó cũng chính là nỗi nhớ thiết tha, thao thức trong tình yêu của Xuân Quỳnh. Chị đặt lòng mình trên từng con sóng, khám phá đến tận cùng những trạng thái cảm xúc của tình yêu, do vậy sóng trở thành biểu tượng bất diệt của tình yêu với một niềm tin mãnh liệt:

“Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở”          

                        (Sóng) 

Muôn đời sóng vẫn mãi tồn tại giữa biển lớn bao la, và Xuân Quỳnh, một tâm hồn sôi nổi, một trái tim rạo rực “biết yêu anh cả khi chết đi rồi” cũng muốn hóa thân vĩnh cửu để tình yêu mãi cháy sáng trên đời. Chị đã nói thay cho bao người sự tin tưởng vào tình yêu – vẻ đẹp vô cùng vô tận của nhân loại, một tình cảm đẹp nhất mà con người luôn khao khát có được.

Với một cá tính mạnh mẽ, một tâm hồn nhạy cảm, Xuân Quỳnh đã làm được cái “dữ dội” mà không phải người phụ nữ nào, ít nhất là trong thời điểm đó làm được. Sóng vẫn luôn tồn tại trong lòng đại dương, đó là quy luật của tự nhiên, và “sóng” vẫn mãi nổi lên trong khát vọng cuồng nhiệt của nhà thơ Xuân Quỳnh. Cuộc đời chị đã phải lăn lộn mệt nhoài trên những con sóng đời, vì lẽ đó chị luôn muốn thoát ra, tìm về đại dương mênh mông khi con sông nhỏ không hiểu được mình, nơi tình yêu hạnh phúc của chị bị nhấn chìm trong giả dối. Chị tìm về với biển lớn của tình yêu, ở đó tình yêu sẽ đến, hạnh phúc sẽ hồi sinh và cuộc đời sẽ vui trở lại.

ĐTPH.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Hà Minh Đức (2001), Văn chương – Tài năng và phong cách, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
  2. Ngân Hà (tuyển chọn) (2003), Thơ Xuân Quỳnh và những lời bình, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
  3. Vân Long (tuyển chọn) (1995), Xuân Quỳnh – Thơ và đời, NXB Văn hóa, Hà Nội.
  4. Trần Đình Sử (2001), Thi pháp thơ Tố Hữu, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
  5. Lưu Khánh Thơ (tuyển chọn) (2006), Xuân Quỳnh – Cuộc đời và tác phẩm, NXB Phụ nữ, Hà Nội.