Bài Phú dạy con

In bài này

                                                     (Thích Phước Đạt, Tạp chí ĐH Sài Gòn, Bình luận văn học, niên giám 2012)

 

Không phải ngẫu nhiên, văn học Phật giáo thiền tông đời Trần có 4 bài phú chữ Nôm nổi tiếng trong dòng chảy văn học Việt Nam: Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của Trần Nhân Tông; Vịnh Vân Yên tự phú của Huyền Quang và Giáo tử phú của Mạc Đĩnh Chi. Bởi lẽ, một mặt nội dung bốn bài phú chữ Nôm này nói lên tôn chỉ, đường hướng, phương thức tu tập và hành trì của Phật giáo Đại Việt đời Trần bấy giờ, thể hiện tinh thần nhập thế, hộ quốc an dân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; mặt khác các bài phú Nôm này đánh dấu sự thành tựu to lớn của văn học chữ Quốc ngữ lần đầu tiên xuất hiện trên văn đàn, đi vào đời sống hiện thực một cách phổ biến. Điểm đáng nói ở đây là bài Giáo tử phú về tác giả cũng như nội dung tư tưởng thì còn những điểm riêng biệt, khi so với hai bài phú của Phật hoàng Trần Nhân Tông và Tam Tổ Huyền Quang. Bài viết này xin đề cập đến tác giả và nội dung tư tưởng bài Giáo tử phú này.

1. Về tác giả, cho đến nay, các nhà nghiên cứu văn học tạm xếp bài Giáo tử phú cho Mạc Đĩnh Chi cũng có lý do của nó, trong khi chưa có công trình nghiên cứu nào xác định rõ là không phải là của Mạc Đĩnh Chi. Theo sách Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Giáo tử phú là một trong bốn bài văn Nôm thời Trần được giới nghiên cứu phát hiện cách đây mấy chục năm, gần đây là trong cuốn Thiền tông bản hạnh. Nhưng riêng bài này có chỗ hơi đặc biệt: bài này chỉ có trong Thiền tông bản hạnh 2, in vào năm 1932, chứ không có trong Thiền tông bản hạnh 1 là bản in cách đây đã gần 2 thế kỷ rưỡi (1745). Trên tập san Khoa học xã hội tại Pháp số 5 (XII – 1978) và số 6 (XII – 1979), Hoàng Xuân Hãn đã không đề cập gì đến bài phú này, ngay cả bản chụp nguyên văn do ông công bố không có. Điều đó khiến chúng ta không khỏi phân vân nghi ngờ về tính xác thực văn bản. Mặt khác, với thể văn vần 4 chữ, đơn điệu kéo dài, vần gieo không chỉnh và ý tứ mộc mạc, nhiều đoạn lặp lại, bài văn gần bài vè dân gian khi so với bài Ngọc tỉnh liên phú với những điển cố Hán học được vận dụng uyển chuyển để chuyển tải ý tứ sâu xa, thì người ta càng nghi ngờ bài Giáo tử phú có thể là tác giả khác hay không?

Thế nhưng, cũng theo sách Thơ văn Lý – Trần, tập 2, không phải vì lý do trên mà vội bác bỏ bài phú Nôm này, vì trong bài lại có chứa đựng khá nhiều từ cổ gần với sáng tác Nôm của Trần Nhân Tông và Huyền Quang, trong chùm văn Nôm có cùng xuất xứ là Thiền tông bản hạnh, qua nghiên cứu câu chữ trong từng bài, công trình này cho rằng Thiền tông bản hạnh 2 có thể không phải được tái bản trực tiếp từ Thiền tông bản hạnh 1, mà là từ một bản Thiền tông bản hạnh khác, và rất có thể ở bản Thiền tông bản hạnh này đã có bài phú của Mạc Đĩnh Chi, chứ không phải người khắc bản Thiền tông bản hạnh 2 tùy tiện đem vào sau. Nếu xét những nguồn tư liệu gián tiếp, ta cũng có thể tin bài phú này có nguồn gốc khá xưa, chẳng hạn trong Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề, ở truyện Mạc Đĩnh Chi có một dòng như “Quốc ngữ truyền công, ngộ thất tỳ dẫn quan Minh ty. Sự thiệp vu quái đản, nhiên văn tiền bối ngôn công trứ quốc ngữ văn dĩ ký chi. Kim kỳ văn bất truyền, cố bất cảm lục” (Lời người trong nước truyền rằng ông được nàng hầu thứ bảy dẫn xuống âm ty. Câu chuyện kể cũng hoang đường, nhưng theo lời các bậc tiền bối kể lại thì ông có soạn bài văn quốc ngữ để ghi lại chuyện ấy. Nay bài văn đã thất truyền, nên không sao lục được”, chính vì lý do đó, chúng tôi tạm xếp bài phú này xuống phần cuối tác phẩm của Mạc Đĩnh Chi như một phụ lục để tham khảo”.(1)

Từ những dữ liệu nói trên, nhất là xét trong bối cảnh lịch sử Phật giáo Đại Việt đời Trần, ta có thể nói rằng bài phú này có nội dung tư tưởng thiền mang màu sắc tịnh độ và ngôn từ chữ Nôm rất gần với các bài phú văn học Thiền tông của Trần Nhân Tông và Huyền Quang, và tác giả bài phú có thể là Mạc Đĩnh Chi, một trí thức cao cấp, làm quan đời Trần, hiểu biết về đạo lý Phật thiền. Ông tự là Tiết Phụ, người làng Lan Khê, huyện Bàng Hà, lộ Lạng Giang, tỉnh Hải Hưng. Vào năm 1304, đời vua Trần Anh Tông niên hiệu Hưng Long thứ 12, triều đình mở khoa thi lấy 44 người đỗ Thái học sinh (tiến sĩ). Mạc Đĩnh Chi đỗ đầu, chiếm học vị trạng nguyên. Ông được cử giữ việc coi sóc thư khố của nhà vua, rồi chức Tả bộc xạ (Thượng thư)... Đặc biệt hai lần đi sứ Trung Quốc, ông đã dùng tài năng và phẩm chất thông minh của mình khiến người nước ngoài phải khâm phục. Mạc Đĩnh Chi được phong làm Lưỡng quốc Trạng nguyên (Trung Hoa và Đại Việt) khi sang sứ Trung Hoa. Về sau ông được cháu 7 đời là Mạc Đăng Dung truy tôn là Kiến Thủy Khâm Ninh Văn Hoàng Đế. Tác phẩm để lại, hiện còn 4 bài phú, 4 bài thơ. Ngoài ra sách Công dư tiệp ký còn chép ông có bài biểu tạ (trong Quốc triều chương biểu tập), một bài văn bia dựng ở mộ Bùi Mộc Đạc nhan đề Bùi Công Mạc Đạc thần đạo bi ký, nhưng hai tác phẩm này hiện chưa tìm thấy. Sách Thiền tông bản hạnh cũng ghi bài Giáo tử phú cũng là của ông.

2. Về nội dung bài Giáo tử phú thì mang âm hưởng màu sắc tịnh độ dân gian hẳn, khác với các bài phú mang đậm phong thái và hương vị thiền đậm đặc như trong bài Cư trần lạc đạo phúĐắc thú lâm truyền thành đạo ca của Trần Nhân Tông và Vịnh Vân Yên tự phú của Huyền Quang. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vào thời Trần, Phật giáo Nhất tông ra đời trên cơ sở hợp nhất các tông môn, hệ phái. Với quan điểm Phật tại tâm, lấy tư tưởng thiền tông làm nòng cốt, ta chẳng ngạc nhiên gì, trong các tác phẩm văn học thiền tông thời Trần, ngay cả các nhà lãnh đạo Phật giáo Đại Việt thời bấy giờ, các thiền gia, thiền sư như Tuệ Trung, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông vẫn đề cập đến phương thức tu hành tịnh độ - niệm Phật theo phong thái thiền.

Và như thế, ai từng đọc và hành trì Kinh A Di Đà(2) , một bản kinh được xem là kinh Nhật tụng hằng ngày của Phật tử Việt Nam, thì sẽ thấy cõi Cực Lạc Tây phương là cõi nước lý tưởng dành cho những con người chứng ngộ bậc Thánh, giải thoát hoàn toàn khổ đau. Nó cũng là niềm tin, sự thể hiện ước mơ của người đời, của những chúng sanh đang lăn lộn trong dòng sinh tử đầy ô trược và cấu uế, luôn khát khao hướng tâm về cõi Tịnh độ bây giờ - tại đây.

Nếu cảnh giới Tịnh Độ được an trú trong tâm thức mỗi hành giả thì thế giới hạnh phúc của chúng sinh ở Cực Lạc có thể tìm thấy ngay giữa cõi đời này cho những ai nỗ lực tu tập bằng cách nhiệt tâm tinh cần tụng kinh, bái sám, hành thiền, niệm Phật, hành trì đời sống hướng thượng. Trong ý nghĩa đó, vào thời Trần, có lẽ Mạc Đĩnh Chi đã viết bài Giáo tử phú(3) để khuyên con, cũng là khuyên mọi người phải siêng năng niệm Phật, lánh dữ làm lành để tiêu nghiệp, để khỏi đọa lạc vào cõi địa ngục trần gian, trong dòng chảy luân hồi sanh tử.

Tên gọi cho đầy đủ bài phú này là “Mạc Đĩnh Chi trạng nguyên tử nhập Minh ty thất nhật, kiến chư địa ngục, tái đắc hoàn sinh, giáo tử phú” (Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi chết xuống âm ty bảy ngày, thấy hết các địa ngục, được sống trở lại làm bài phú dạy con). Điểm đáng nói là, bài phú này được ra đời trong bối cảnh lịch sử: đất nước độc lập tự chủ, nước nhà hưng thịnh, các nhà lãnh đạo quốc gia, cùng với giới lãnh đạo Phật giáo Đại Việt vào thời Trần, đã nỗ lực thực thi xây dựng thế giới Cực Lạc ngay giữa cõi đời này như là một nhu cầu tất yếu của lịch sử. Với học thuyết Cư trần lạc đạo mà Phật Hoàng Trần Nhân Tông đúc kết, ta thấy vào thời Trần, Phật giáo Đại Việt chủ trương hiện thực hóa Phật quốc:“Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương; Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc(4). Mục đích cuối cùng mà Phật Hoàng Trần Nhân Tông mong muốn là làm hóa hiện thế giới Tịnh độ ngay giữa cuộc đời (Tây phương Cực lạc) bằng cách mỗi người dân Đại Việt tu tập thành tựu được cái tâm thanh tịnh, trong sạch, không có sự cấu bẩn của bụi trần (Tịnh độ là lòng trong sạch). Có như vậy đất nước Đại Việt mới hưng thịnh vững bền, đạo pháp mới trường tồn.

Để chuyển tải toàn bộ nội dung chủ trương đường hướng quan trọng này vào đời sống thực tiễn, tác giả đã chọn thể loại phú để sáng tác. Cần nhớ rằng đặc trưng của thể phú là trình bày cái đẹp. Lời văn của thể phú lấy sự vật để nói cái chí, chú ý đến cái sáng tỏ, to lớn. Điểm đáng nói, bài Giáo tử phú này lại viết theo thể văn vần 4 chữ (lối tứ ngôn), ngôn từ giản dị, mộc mạc gần với bài vè dân gian theo thể văn tư, gồm 9 khổ, 204 câu, bằng quốc âm, với mục đích là mong muốn, bất cứ ai cũng dễ dàng nằm lòng nó, rồi từ đó hướng tâm sinh về cõi Tịnh Độ nhân gian hiện tiền.

Xem ra, cõi nhân gian – hiện thực cuộc đời, là nơi con người nhận chân ra được sự thật khổ đau và luôn khát khao vượt thoát khổ đau. Vốn xuất thân từ trong giới quan trường, tác giả đã từng trải nghiệm và chịu đựng biết bao sóng gió cuộc đời. Ngay trong khổ phú đầu tiên, Mạc Đĩnh Chi đã chỉ ra rằng, cuộc sống vốn biến động vốn không ngừng, con người nếu không thức tỉnh sẽ bị đắm chìm vào năm dục và đọa lạc vào đường ác đạo trong cõi luân hồi: “Nhất thiết thăng trầm, Mệnh sinh ngũ dục; Nghiệp nặng nhiều ngày, Sinh loài ngũ trọc”.

Hẳn nhiên, thân mạng con người do cho cha mẹ sinh ra, cưu mang đùm bọc lớn lên trưởng thành: “Vì lòng vì dạ, Thương cái thương con. Chịu khó đêm ngày, Cưu mang đùm bọc”. Thế nhưng, tự thân mỗi người cứ sống trong vòng danh lợi, thị phi, ham phú vinh hoa, đắm say tửu lạc, tranh chấp hơn thua trong dòng xoáy của cuộc đời mà chẳng biết: “Tranh hơn tranh thiệt, Năm năm cây cục. Tham sắc tham tài; Tranh nhân tranh ngã, Khôn khéo hơn người”.

Xem ra, thói đời xưa nay vẫn thế! Con người cứ say sưa chìm đắm trong những giấc mộng đi hoang, huyễn mộng, để rồi thời gian trôi qua, phút chốc tự nhận ra cả cuộc đời chẳng làm một việc phước thiện gì cho mình và cho đời: “Đường phúc đường nhân, Chưa làm một chút, Danh cao chừng thế, Chưa được bao chầy; Một phút mình nay, Vô thường thôi thúc, Bắc Nam mồ quạnh, Eo éo cỏ xanh; Hoàng những thâu đêm, Người kêu người khóc” như khổ 2 mô tả.

Hệ quả tất yếu, ngay trong hiện tại khổ đau và chết bị đọa lạc vào địa ngục mà tác giả ngậm ngùi muốn dạy cho con của mình, cũng là nhằm thức tỉnh người khác qua các khổ phú tiếp theo. Đó là thế giới địa ngục, chịu nhiều thống khổ bức bách mà bất cứ ai, chịu nhìn nhận từ hiện thực cuộc sống khách quan quá phũ phàng sẽ thấy rất rõ. Cái tinh tế, cái tài tình của tác giả là tả thế giới địa ngục mà cốt lõi muốn nói chuyện nhân gian thường tình, trong diễn trình của quy luật nhân quả.

Ai từng đọc Kinh Địa tạng(5) thì rõ, thế giới địa ngục mà con người phải chịu đựng và phải trả nghiệp như thế nào, thì đọc phú của Mạc Đĩnh Chi cũng tương tợ như thế: Diêm vương đòi hỏi, Lành dữ cho hay; Hắc ám mịt mùng, Người ta lúc nhúc. Đứa thì cưa xẻ, Phân mình làm hai, Đứa thì tró lưng, Thương thay vì khóc, Nước đồng bắt uống, Một ngày trăm phen; Cháy nát tan tành…. Chưa dừng tại đó, con người tùy theo nghiệp nhân nghiệp quả đã tạo mà bị chịu nhiều quả báo của hình phạt, để rồi “hồn xiêu phách lạc”, “tội nhân xác lác”; “xương bày ngan ngác”. Không chỉ chịu đựng những khổ đau về thân xác mà những chúng sanh đó còn phải trải qua những khổ đau tâm hồn, đi từ cảnh giới khổ đau này sang cảnh giới khổ đau khác: “Muôn nghìn địa ngục, Thây chết trùng trùng; Đứa vả đứa kêu, Người lo người khóc, Dương gian ngỡ dễ, Lấy chết làm chơi; Ngục tốt tiếng hầm, Tội nhân lơ lác”.

 Nói theo ngôn ngữ Kinh Địa tạng thì tùy theo nghiệp nhân bất thiện đã tạo mà chúng sinh phải thọ nhận quả báo không lành, thác sinh vào thế giới địa ngục Vô Gián, Thiết Xa, Dương Đồng, Lưu Hỏa, Phẩn Niếu, Hỏa Mã:“Hoặc có địa ngục kéo lưỡi người tội ra mà cho trâu cày trên đó, hoặc có địa ngục moi tim người tội để cho quỷ Dạ xoa ăn, hoặc có địa ngục vạc dầu sôi sung sục nấu thân người tội, hoặc có địa ngục đốt cột đồng cháy đỏ rồi bắt người tội ôm lấy, hoặc có địa ngục từng bựng lửa lớn bay tấp vào người tội, … trong mỗi ngục có trăm thứ khí cụ để hành hình, đều là bằng sắt, bằng đá, bằng lửa. Bốn loại khí cụ này là do các hạnh nghiệp của chúng sanh mà cảm vời ra” (6). Rõ ràng, tác giả là người rất am tường giáo nghĩa nhân quả nhà Phật và đã chuyển hóa ngôn từ kinh điển nhà Phật vào trong bài phú của mình để răn con, cũng là khuyến cáo mọi người sống thiện, sống biết yêu thương nhau nhiều hơn, để khỏi tự đánh mất chính mình.

Thế nên, tác giả mới thừa nhận trong tất cả sự mất mát của một đời người thì cái mất mát lớn nhất, vẫn là việc tự đánh mất sự kết nối yêu thương của mọi người đối với bản thân của chính mình. Sống trong thế giới khổ đau của địa ngục, đêm ngày bị bức bách, cô đơn trong giá lạnh cõi lòng, đó là cảnh phải xa rời chị em bằng hữu, con cái bơ vơ không có người chỉ dạy. Thật là đáng thương hơn đáng trách: “Chị em chẳng thấy, con cái hay sao; Mình khó mình thương, Ai coi ai sóc”.

Rõ ràng, nỗi khổ này mà con người phải cảm chịu là xuất phát từ một đời sống chạy theo vật chất, tiền tài, danh vọng quyền cao, tranh quyền mua chức, để thọ hưởng phú quý vinh hoa, không biết gì đến Phật pháp. Đó cũng là tâm lý thường tình mà con người mắc phải. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật là “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”, đúng như bài phú tả: “Tranh nhau hơn thiệt, kẻ ít kẻ nhiều; Cả cỗ người ăn, Hề chi đến Bụt”, hay “Phô tiếng phô danh, Tranh ngã tranh nhân, Chẳng lành một chút, Phô danh chép miệng; Chẳng kẻo lỗi nào, Địa ngục tù lao, Cúi đầu chịu chết, Danh cao chưng thế, Đồn những sang giàu; Gặp chốn âu sầu, Ai vì quan chức…”.

Xem ra, đoạn trường ai có qua cầu mới hay, tác giả rất thành thật với chính cõi lòng mình như là một lời sám hối cảnh tỉnh mình, cũng là cảnh tỉnh với con cái và ngay cả đối với mọi người. Nếu cứ có thái độ sống nói trên thì ngay trong đời sống hiện tại sẽ khổ đau, khi lâm chung sẽ đọa vào cảnh giới ác thú: “Tham những vinh hoa; Chết xuống Diêm La, Mình sa đại ngục; Đến bằng khi ấy, Chỉn khá là thương. Lạc phải điều đình, Ruột phân chín khúc”. Phải chăng trong cuộc hành trình của kiếp nhân sinh từ lúc được sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, con người cứ chìm đắm trong các ham muốn (tham ái) và muốn nắm giữ (chấp thủ) tất cả, để rồi phiêu hồn lạc phách trong sáu cõi luân hồi với biết bao thống khổ. Khi quả đắng trổ mới tỉnh mộng sự đời là thế!

Lời tự tình cứ thế mà cất lên mãi hoài qua những cung bậc bi ai, điệu đàn ảm đạm, trải nghiệm cả cuộc đời bằng sự đúc kết với nỗi lòng thật chua xót: “Ai đã đến đấy, Mới biết nguồn cơn; Vò võ đêm sầu, Vo ve tiếng khóc, Luân hồi muôn kiếp; Âm phủ dương gian, Tử sinh thôi thúc. Cha đã đến đấy, Biết được lòng thương”.

Trong cõi luân hồi - sinh tử và âm phủ - dương gian tuy hai, thực chất là một, tất cả mọi chúng sanh đều được vận hành và diễn trình trong nguyên lý nhân quả nghiệp báo. Do đó, một người sống với một tâm thức cấu uế do bị nhiễm các bụi trần thì ắt hẳn có một đời sống bất hạnh; Ngược lại, một người sống với tâm thức thanh tịnh, trong sạch, hẳn nhiên có một đời sống an lạc. Là người từng kinh qua thế giới “tử sinh thôi thúc”, với một trái tim biết yêu thương và hiểu biết, tác giả chân thành dạy con mình:“Bảo chúng con hay, Ở đời thì làm phúc, Lâm chung số hết, Cho kẻo luân hồi, Niệm Bụt ăn chay. Diêm vương mới phục”. Đây cũng chính là con đường trở về cõi Tịnh, với cõi lòng “trong sạch” mà mỗi người cần hướng tâm đến.

Thế nên, việc ăn chay, niệm Bụt, làm phúc mà Mạc Đĩnh Chi đề xuất là phương thức tu hành hết sức đơn giản mà hiệu quả vô cùng, như cha ông ta từng đúc kết: ăn chay, niệm Phật, làm lành. Ngay trong hiện tại được lạc trú, khi lâm chung không sanh về cõi ác thú. Dù bạn là ai, sống ở đâu, đều an trú trong một đời sống hạnh phúc thực sự như tác giả nói: “Dầu phàm hay Thánh, Miễn được an nhàn”, là nhờ công năng niệm Phật. Nói theo cách nói của vua Trần Thái Tông, là mọi người dân cần niệm Phật để loại bỏ niệm xấu thay vào đó là niệm tốt, để tâm trở nên trong sạch hoàn toàn, thân ta chẳng khác nào thân Phật qua bài Niệm Phật luận(7), nhờ vậy người dân mới an lạc, đất nước mới thịnh trị, hùng cường.

Theo đó, một người tu tập hướng tâm về cõi Tịnh, tức là hướng tâm thực hành lộ trình Tín - hạnh - nguyện mà bài phú diễn giải, không chỉ có ý nghĩa tự độ mình và mà còn giá trị độ người khác: “Trọng pháp kính Thầy, thí bần tác phúc, Thí bần tác phúc. Cơm ăn phải bữa, Ai đói thì cho, Bớt miệng xui lòng, Kim Cương thường đọc, Bố thí làm duyên, Nghiệp dữ thì chừa, Lành thì tua cốc”.

Sự thật, một người có lòng tịnh tín bất động đối với Tam bảo “Trọng pháp kính thầy”, sống theo hạnh nguyện Bồ tát, đồng nghĩa tự mình chuyển hóa thân tâm và thể nhập vào đời sống thực tiễn để độ sanh, giáo hóa mọi người, bằng cách nỗ lực hành trì sáu pháp ba la mật. Bước chân đầu tiên của việc tự hoàn thiện nhân cách của mình và hướng tâm mình ra khỏi vùng tâm lý tham sân si, và sau đó là chia sẻ khổ đau với người khác. Đó là thực thi hạnh Bố thí, bao gồm tài thí và pháp thí. Đối với người bần cùng: “Ai đói thì cho, bớt miệng xui lòng”; đối với người giàu có, thì nên biết xả ly, không nên ôm giữ. Bởi vì khi ai đó được sinh ra chẳng có cái gì, khi chết đi cũng không đem đi được gì hết: “Phú quý nhiều bề, Cấp một tay không, Thấy đâu tiền bạc, Làm hại khốn dân”. Nhưng quan trọng hơn là việc bố thí pháp, tức là khuyến cáo mọi người hướng tâm bỏ ác làm lành, tinh chuyên tụng kinh, niệm Phật, xây dựng một tâm thức trong sạch, không nắm giữ điều gì mà tác giả khéo léo dạy con phải thường xuyên trì tụng kinh Kim Cương “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.

Một người, mỗi khi đã phát tâm bố thí cúng dường, hẳn nhiên người đó biết trì giới: “Học đạo tu hành, ăn chay thủ giới”. Đối với tự thân, trì giới là giữ cho ba nghiệp thanh tịnh, tức là cõi lòng mình trong sạch không bị cấu bẩn bởi bụi trần, nghĩa là đi ra khỏi con đường tà đạo, “bạo ngược” đánh bất nhân tâm: “Hễ đường bạo ngược, Sát đạo tà dâm; Tội nặng muôn năm, Phải chừa, phải bớt”. Đây cũng chính là cơ sở thiết lập một đời sống an bình nội tâm của mỗi cá thể, xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội trật tự an lạc. Nếu không như thế thì khổ đau luôn chờ đợi: “Nhiều rể, nhiều dâu, Nhiều oan gia nữa, Nhiều con nhiều vợ, Phiền não buộc ta, Tất cả ngựa cao”. Phải chăng đây cũng là hạnh tu trì giới, nhẫn nhục, thiền định và trí tuệ được vận dụng vào trong thực tiễn mà tác giả đã khuyến giáo cho con, cũng là cho mọi người. Mục đích cuối cùng là thành Phật ngay cõi đời, đền đáp tứ ân, như bài phú kết thúc: “Đội ơn trời đất, Cha mẹ sinh thành, Cho gấp, chớ chầy, Tu hành là Bụt”.

Đến đây, có thể nói bài phú dạy con niệm Phật năm xưa, trên dưới 800 năm không chỉ còn nguyên giá trị nhân văn, đạo lý học làm Người, mà sâu sắc hơn là để tu làm Phật ngay giữa cõi đời này. Thế thì, ngày nay, sống trong thế giới hiện đại của nền văn minh khoa học kỹ thuật công nghệ tiên tiến, của nền kinh tế thị trường, có ý kiến cho rằng mọi giá trị chuẩn dường như cần phải được xem xét lại và định ước mới để phù hợp với thời đại! Nếu có vậy, phải chăng bài phú của Mạc Đĩnh Chi là bài học tu tập tự thân, lại có giá trị chuẩn để thực thi các nguyên tắc, giá trị đạo đức trong việc xây dựng một đời sống đạo đức hiền thiện, trong cuộc hành trình thực nghiệm tâm linh ở đời này.

Và như thế, trước khi làm Phật, ít nhất mọi người hôm nay khi đọc bài phú này, lòng mình sẽ tự nhủ cố gắng niệm Phật để giữ được “lòng trong sạch”, để xứng đáng được làm Người hơn, như Phật hoàng Trần Nhân Tông từng khát khao mong chờ hóa hiện. Mỗi khi lòng mình đã trong sạch thì chẳng khác nào “Tu hành là Bụt”mà Mạc Đĩnh Chi từng dạy bảo con mình.

TPĐ.

___________________

 

(1) Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1989, tr. 871-872

(2) Xem Phật thuyết A Di Đà kinh yếu giải giảng ký, Diêu Tần Pháp sư Cưu ma la thập dịch, Sa môn Tây Hữu Ích Trí Húc chú giải, Pháp sư Tịnh Không, Như Hòa chuyển ngữ, Phật đà Giáo dục Cơ Kim hội, 2006.

(3) Thơ văn Lý Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb.  KHXH, HN, 1989, tr. 864-871

(4) Thơ văn Lý Trần, tập 2, Sđd, tr. 505.

(5) Xem Địa tạng Bồ tát kinh Bổn nguyện,Tam tạng Pháp sư Pháp Đăng (Hán dịch), Thích Trí Tịnh (Việt dịch), Nxb, Tôn Giáo, 2008.

(6) Địa tạng Bồ tát kinh Bổn nguyện, Phẩm thứ 5, Danh hiệu Địa ngục, Sđd, tr. 78 – 79.

(7) Thơ văn Lý Trần, tập 2, Sđd, tr.83-85.