Cơ sở lý luận báo chí – giáo trình căn bản của nghề báo

In bài này

Cuốn giáo trình chính thức của môn Cơ sở lý luận báo chí và truyền thông do thạc sĩ Nguyễn Văn Hà, giảng viên chính của khoa Báo chí và Truyền thông biên soạn là cuốn sách gối đầu quan trọng cho những người bắt đầu học báo và làm báo.

Từ quá trình giảng dạy, nghiên cứu và tiếp xúc thực tế với hoạt động báo chí truyền thông, đến tháng 9 năm 2011, thạc sĩ Nguyễn Văn Hà đã cho ra mắt cuốn giáo trình “Cơ sở lý luận báo chí” với nhiều thông tin cập nhật, những dữ liệu, phân tích trên những sự kiện báo chí, truyền thông đương đại. Đây là giáo trình chính thức của khoa Báo chí và Truyền thông, ĐH KHXH&NV TP.HCM dành cho môn Cơ sở lý luận báo chí truyền thông.

Được xem là “ý thức triết học” của hoạt động báo chí truyền thông, những nền tảng lý thuyết của cuốn sách sẽ là nền tảng chắc chắn cho các học phần lý thuyết lẫn chuyên ngành chuyên sâu trong chương trình đào tạo của khoa Báo chí và Truyền thông. Việc xây dựng khối kiến thức cơ sở chuyên ngành không chỉ là công việc của người nghiên cứu, mà như thạc sĩ Nguyễn Văn Hà đã chỉ ra, “nếu được tiếp cận với những kiến thức căn cơ, người làm báo và người làm truyền thông sẽ chủ động, tự tin, dễ gặt hái thành công hơn trên con đường nghề nghiệp của mình”. Với tinh thần đó, cùng với tâm huyết của người thầy nhiều năm đứng lớp giảng dạy cho nhiều thế hệ nhà báo, thạc sĩ Nguyễn Văn Hà đã dành thời gian xây dựng hệ thống lý thuyết cơ bản về báo chí truyền thông với những góc nhìn mới mẻ.

Nhận định hoạt động báo chí khởi nguyên và phát triển mạnh mẽ ở các nước phương Tây, thạc sĩ Nguyễn Văn Hà đã tiến hành nghiên cứu các hoạt động, sự phát triển, thăng trầm của báo chí thế giới để từ đó rút ra những đặc thù của báo chí Việt Nam, để khái quát được những vấn đề gần nhất với bản chất của báo chí và tránh sự nhầm lẫn giữa hiện tượng và bản chất, giữa cái riêng và cái chung,…

Điểm cập nhật rõ nét nhất của cuốn giáo trình chính là tinh thần nghiên cứu cởi mở, khoa học, đúng với tình hình phát triển của báo chí hiện đại. Ngoài việc vận dụng phương pháp luận Marxist, tác giả còn vận dụng nhiều tri thức, phương pháp và kinh nghiệm khác nhau để đưa ra được góc nhìn xác thực về bản chất, đặc thù của của báo chí.

Mặc dù xu thế “báo chí công dân” đang thực sự bùng nổ với sự hỗ trợ đắc lực của các phương tiện kĩ thuật số thông dụng, nhưng muốn trở thành người làm báo chuyên nghiệp, sinh viên báo chí phải thực sự hiểu nghề, hiểu mình để chuẩn bị tinh thần và kĩ năng thích hợp để thực sự có thể sống bằn nghề và yêu nghề. Với suy nghĩ đó, tác giả cũng dành phần nhỏ ttrong cuốn sách để chia sẻ những hiểu biết và kinh nghiệm cá nhân trong quá trình tham gia làm báo, mong truyền được sự đồng cảm và truyền được “lửa nghề” cho những người trẻ chuẩn bị học về nghề báo, hoặc đang và sẽ bước vào nghề báo.

 

Cuốn sách hơn 300 trang không phải là quá dày dặn, nhưng đó là tích luỹ, chắt lọc những kiến thức, tâm huyết của một người thầy, một người đi trước chia sẻ với những nhà báo trẻ. Chắc chắn đây thực sự là cuốn giáo trình cần thiết và gần gũi với tất cả các bạn sinh viên báo chí.

Mục lục:

Chương 1: Truyền thông và quy trình truyền thông

Chương 2: Truyền thông đại chúng: Phương tiện, hình thức, lịch sử tiến hoá và bản chất xã hội

Chương 3: Báo chí – một hình thức hoạt động truyền thông đại chúng

Chương 4: Báo chí – loại hình thông tin chính trị – xã hội

Chương 5: Chức năng của báo chí

Chương 6: Nguyên tắc hoạt động báo chí

Chương 7: Nhà báo và nghề báo trong xã hội

Chương 8: Tư chất và con đường phát triển nghề nghiệp của nhà báo

Chương 9: Quá trình sáng tạo của nhà báo và xu hướng phát triển của nghề báo

Chương 10: Công chúng và tiếp nhận báo chí

Sách được Nxb ĐHQG trợ giá cho sinh viên với giá bán 38.000đ/cuốn, phát hành tại hệ thống nhà sách ĐHQG và Văn phòng khoa Báo chí và Truyền thông, A.107, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Q.1. ĐT liên hệ: 083.910.40.43.

BC&TT