Đọc “Có 500 Năm Như Thế” của Hồ Trung Tú

In bài này

Andrea Hòa Phạm (Phạm Thị Hòa)

Giáo Sư, Tiến sĩ Ngôn ngữ học, đại học Florida (Hoa Kỳ) 

Nhà văn, nhà báo Hồ Trung Tú đã mạnh dạn đưa ra công trình nghiên cứu tỉ mỉ về bản sắc văn hoá của người Quảng Nam và đất Quảng Nam trong mối tương quan chặt chẽ với văn hóa và con người Chăm pa.

Cuốn “Có 500 Năm Như Thế” có hai phần chính. Phần thứ nhất viết về những chuyến di dân từ bắc miền Trung vào Quảng Nam và đến Phú Yên theo từng thời kỳ lịch sử quan trọng, qua đó tìm cách giải thích điều làm nên bản sắc người Quảng Nam. Phần thứ hai viết về giọng nói đặc trưng của người Quảng Nam, một giọng nói ‘không giống ai’.

 

Trong cả hai phần, Hồ Trung Tú đều bộc lộ niềm say mê và tâm huyết đến nỗi nhiều ý đắc địa anh lập lại nhiều lần, như để chắc chắn rằng độc giả không bỏ sót các ý quan trọng đó.

 

Thật dễ thấy thái độ làm việc nghiêm túc của anh qua những tìm kiếm công phu gia phả của nhiều thế hệ người địa phương, đặt những câu hỏi thiết tha và nghiêm chỉnh về cội nguồn của người xứ Quảng và tiếng nói của họ, nhiều câu trĩu nặng khắc khoải, như ‘Có thể tiếp thu cái gì ở mảnh đất trống không?’ để chứng minh rằng người Chàm đã không bỏ đi cả mà ở lại công cư hòa huyết với người Việt. Với công phu nghiên cứu nhiều năm ấy, ngoài các chi tiết về ăn mặc, búi tóc, hôn nhân... nếu tác giả có thể dành một phần xứng đáng nhắc đến bản sắc dân tộc của người Chàm như một tiền đề, nối với phần kết cái gì làm nên bản sắc ‘nhiều khi xa lạ như một người nước ngoài, khó nhọc diễn đạt ý tưởng, thô mộc trong ứng xử, chỉ lấy sự chân thành để bù đắp, lấy sự quyết liệt để thay thế cho sự tinh tế thị thành’ của người Quảng, thì sẽ giúp người đọc hiểu hơn điều tác giả muốn khẳng định. Cũng vậy, tuy không phải là cuốn sử nhưng vì phân tích sự kiện theo lối biên niên, người đọc sẽ dễ theo dõi hơn nếu phần kết có kèm bảng kê các năm với các sự kiện quan trọng đề cập trong công trình, như tác giả đã làm với phần các phương ngữ nhỏ hơn từ Quảng Nam đến Phú Yên.

 

Cái quý của tác phẩm là dám đặt vấn đề theo một hướng mới, không ngại tránh lối mòn, không ngại ‘đẩy vấn đề thoát ra khỏi con số không’ như khi bàn về giọng Quảng.

 

Hồ Trung Tú, trong khi không phải là nhà ngữ học, đã công phu tìm tòi và đưa ra nhiều nhận xét làm tiền đề cho lập luận của anh. Từ chỗ cho rằng người Quảng Nam mang trong mình huyết thống Chàm, tác giả đi đến kết luận mạnh dạn rằng lý do mà giọng Quảng Nam khác giọng các địa phương khác đến như vậy là vì ban đầu do người mẹ Chàm cố gắng nói tiếng Việt bằng giọng Chàm trong các gia đình vợ Chàm chồng Việt. Đặc biệt, Hồ Trung Tú đưa ra các đợt di dân lớn khác thời điểm, và dùng ranh giới địa lý (như sông Bà Rén) và vật chất (như lũy Trường Dục) để phân vùng các phương ngữ nhỏ hơn của giọng Quảng do các nhóm di dân bị cô lập nhiều đời.

 

Trong khi cố gắng thuyết phục rằng giọng Quảng Nam là một hệ thống khác, là kết quả của việc người Chàm nói (phát âm) tiếng Việt, tác giả vẫn dùng giọng nói các địa phương khác làm ‘chuẩn’ để đổi chiếu. Vì nguyên âm a trong các giọng khác bị phát âm khác đi trong giọng Quảng, tác giả kết luận rằng giọng Quảng Nam không có nguyên âm a. Nếu nhìn giọng Quảng Nam như một thực thể toàn vẹn, có quy luật chặt chẽ và mang tính hệ thống, thì sẽ thấy rằng người Quảng Nam cũng có nguyên âm a như ai. Chỉ có điều nó xuất hiện ở nơi người bản ngữ không nghĩ tới, như cố giáo sư Cao Xuân Hạo đã nhắc đến trong thực nghiệm của ông, khi cho người nói giọng địa phương khác nghe người Quảng Nam phát âm chảy máu và ghi xuống, thì âm mà những người tham gia thực nghiệm “nghe thấy” và ghi xuống là chả má.* Nhưng vì sao từ âm A mà biến sang âm B chứ không phải C hay D, v.v... thì chứng cứ không đến từ suy luận mà thường phải qua các phản ứng nội tại của ngôn ngữ trong những hoàn cảnh ngôn ngữ nhất định (context-sensitive), hoặc từ chất liệu của các ngôn ngữ tham gia vào quá trình, như tác giả có gợi ý khi bàn về các đợt di dân muộn đến miền Nam trên đất Chân Lạp cũ.

 

Sự hòa trộn (diffusion) các yếu tố ngôn ngữ là một quá trình mà trong đó sự đổi mới được phổ biến qua một kênh giao tiếp nào đó, trong một khoảng thời gian cần thiết, giữa các thành viên của một công đồng người (Rogers)**. Theo lý thuyết này, (âm thanh) ngôn ngữ biến đổi nhờ vào 4 yếu tố: sáng tạo, kênh giao tiếp, thời gian, và hệ thống xã hội (innovation, communication channels, time, social system). Ở trường hợp giọng Quảng Nam, rất có thể sự việc đã xảy ra như thế hoặc gần như thế. Thứ nhất là sự sáng tạo trong bắt chước cách phát âm. Thứ hai là nhu cầu giao tiếp giữa những người Việt di dân vào đất Chàm và cùng với người Chàm tạo thành kênh giao tiếp. Thứ ba là thời gian vài thế kỷ ấy đủ dài cho việc định hình yếu tố mới trong giao tiếp. Và cuối cùng hệ thống xã hội cần thiết để định hình yếu tố mới là hệ thống trong đó người Việt sống cộng cư với người Chàm trên dải đất mới. Nhưng đây cũng chỉ là suy luận để khởi đầu, như anh công nhận. Cần tìm ra mối liên quan giữa các yếu tố ngôn ngữ hoặc các yếu tố ngoài ngôn ngữ đã thúc đẩy giọng Quảng thay đổi, ‘đi xa’ đến thế so với giọng ban đầu của những người Việt di dân, để cho ra một hệ thống giọng nói như hiện nay, mà không phải là một hệ thống khác. Cái quan tâm trước hết của các nhà ngữ học không phải là vì sao nó thay đổi, mà thay đổi như thế nào. Cho nên có những người như Hồ Trung Tú cố gắng tìm giải đáp cho câu hỏi ‘vì sao’ là đóng góp đáng quý.

 

 Chưa biết điều khẳng định ‘Mỹ Sơn chính là di sản tổ tiên ta để lại’ đúng đến đâu nhưng chắc chắn làm người đọc cảm động và cảm phục. “Có 500 Năm Như Thế” là một bằng chứng đẹp về cái thao thức bất tận trong việc đi tìm sự thật, bằng một thái độ viết tâm huyết, nghiêm túc, được nâng đỡ bởi một tâm hồn lãng mạn, bay bổng.

 

Andrea Hòa Phạm

 

 * Cao Xuân Hạo. 1998. Nhận xét về các nguyên âm của một phương ngữ ở tỉnh Quảng Nam. Trong Tiếng Việt Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, tr. 128-136. TP Hồ Chí Minh: NXB Giáo Dục.

 

 

**Rogers, Everett M. 1995. Diffusion of Innovations. 4th ed. New York: Free Press (MacMillan).

 

Về tác giả bài viết:

Andrea Hoa Pham, Ph.D.
Associate Professor
Department of Languages, Literatures & Cultures
University of Florida