I. KHÁI QUÁT VỀ TÊN RIÊNG

1.1. Quan niệm về tên riêng

Tên riêng là một đơn vị thuộc mảng từ vựng, có giá trị định danh, nhưng định danh đặc biệt. Tính đặc biệt trong việc định danh của tên riêng thể hiện ở chỗ: Khác với từ trong ngôn ngữ - dùng để chỉ một lớp sự vật có các đặc tính giống nhau, tên riêng có bản chất là dùng để chỉ một người, một sự vật riêng rẽ. Điều đó có nghĩa là giữa tên riêng và sự vật được tên riêng biểu thị có sự tương ứng một - một tuyệt đối: Mỗi một người, một vùng đất, một cơ quan, tổ chức, đoàn thể có một tên riêng, và mỗi một tên riêng biểu thị một người, một vùng đất, một cơ quan, tổ chức, đoàn thể... nào đó cụ thể.

1.2. Các loại tên riêng

Có nhiều cách phân loại tên riêng:

– Phân loại theo nguồn gốc, có thể phân loại thành:

+ Tên riêng Việt Nam;

+ Tên riêng nước ngoài (phiên qua âm Hán Việt và phiên trực tiếp ra tiếng Việt).

–  Phân loại theo bản chất sự vật được gọi tên, có thể phân loại tên riêng thành:

+ Tên người;

+ Tên địa lý;

+ Tên các cơ quan, tổ chức, đoàn thể... (gọi chung là tên tổ chức).

Ngoài ra, còn có thể có tên riêng cho các động vật nuôi, các sự vật, và trong nhiều tài liệu hướng dẫn chính tả còn nhắc đến tên các danh hiệu, chức vụ, v.v. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ chọn hai loại tên riêng để phân tích tư cách âm tiết trong kết cấu chung của tên riêng (khi thật cần thiết chúng tôi sẽ có những đối chiếu với các loại tên khác, kể cả đối chiếu phân tích với tên riêng nước ngoài).

1.3. Giá trị biểu đạt của tên riêng

Đối với các tên riêng (còn gọi danh từ riêng), có thể có các quan niệm khác nhau giá trị biểu đạt, đặc biệt liên quan đến việc chấp nhận tên riêng có nghĩa hay không có nghĩa. Những người theo quan điểm về tính có nghĩa của tên riêng cho rằng, việc đặt tên cho các cá thể (trong đó, đặc biệt là con người) thường chọn các tên có ý nghĩa đẹp. Và, vì thế, nhiều người cho rằng có thể lý giải được tính lý do của tên riêng. Chúng tôi cho rằng, về bản chất, tính lý do đó liên quan đến lý do lựa chọn các yếu tố ngôn ngữ để làm tên riêng mà không liên quan đến giá trị biểu nghĩa của tên riêng. Căn cứ vào chức năng của tên riêng là để gọi tên cho cá thể, chúng tôi cho rằng tên riêng, chỉ thực hiện chức năng chiếu vật – chỉ ra các cá thể được nói đến trong giao tiếp mà không có ý nghĩa như các hình vị hoặc từ ngữ thuộc về ngôn ngữ chung: Trong tiếng Việt, thuỷ là một yếu tố Hán-Việt, có nghĩa “nước” nhưng khi được sử dụng làm tên riêng, chẳng hạn, Nguyễn Thị Thu Thuỷ thì Thuỷ không có nghĩa chỉ “nước” mà thực hiện chức chức năng chiếu vật – chỉ ra người mang tên Thuỷ. Nói các khác, các hình vị, các từ ngữ được lựa chọn từ ngôn ngữ chung để đặt làm tên riêng cho sự vật không còn chứa những ý nghĩa vốn có của nó mà được dùng để thực hiện chức năng chiếu vật. Như vậy, so với các từ ngữ chung của ngôn ngữ, tên riêng không có giá trị ý nghĩa mà có giá trị chức năng. Nói về tên riêng, chúng ta không bàn đến các thành phần ý nghĩa như ý nghĩa biểu vật, ý nghĩa biểu niệm và ý nghĩa biểu thái. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa các tên riêng với các danh từ chung có ý nghĩa chỉ một sự vật trong thế giới, như: Mặt trời. Mặt trăng, Sao Hoả, v.v. Các danh từ chung này, mặc dù, chỉ biểu thị một sự vật duy nhất trong thế giới (có phần giống các tên riêng) nhưng chúng có ý nghĩa biểu vật, ý nghĩa biểu niệm và ý nghĩa biểu thái (khác với các tên riêng).

II. MỖI ÂM TIẾT TRONG TÊN RIÊNG NGƯỜI VIỆT LÀ MỘT TỪ HAY TÊN RIÊNG NGƯỜI VIỆT LÀ MỘT CỤM TỪ

2.1. Về các âm tiết chỉ họ và tên

Dạng cơ bản của tên riêng người Việt là kết cấu ba thành phần họ + lót + tên (Nguyễn Đình Chiểu ) và kết cấu hai thành phần họ + tên (Nguyễn Du). Căn cứ vào cấu tạo tối thiểu có thể thấy chức năng định danh của tên riêng người Việt thuộc về hai bộ phận chính: họ và tên. Giữa họ và tên có thể có hoặc không có tiếng lót. Xét về mặt sử dụng thì họ và tên là hai bộ phận có quan hệ với nhau tương đối lỏng lẻo, có thể vận dụng độc lập, tách bạch nhau trong giao tiếp.

–  Có thể dùng họ để chỉ cá thể mang tên riêng, Chế Lan Viên viết: Xưa Nguyễn yêu ai mà khổ vậy (chỉ Nguyễn Du), hoặc có thể dùng: Những tư tưởng của cụ Phan (để chỉ Phan Bội Châu),...

–  Hiện nay, trong lời nói hằng ngày, để chỉ cá thể mang tên riêng, chúng ta thường dùng tên, ví dụ: Giang, Trang, Sơn, Linh, Hương …

Như vậy, dễ dàng nhận thấy đặc điểm nổi bật của tên riêng người Việt là tính kém chặt chẽ về mặt kết cấu. Các bộ phận chỉ họ và tên trong tên riêng người Việt có thể tách bạch nhau mà trở thành các định danh biệt lập, và có khả năng vận dụng độc lập khi nói và viết.

2.2. Về âm tiết ngoài họ và tên

2.2.1. Tiếng lót đặc biệt

Một số nhà khoa học có đề cập đến âm tiết thứ hai trong tên riêng người Việt như là yếu tố tạo nên họ ghép hoặc họ kép. Ví dụ: Lê Xuân Thại, Nguyễn Văn Thạc cho rằng “Về cấu tạo ngữ âm, phần nhiều họ chỉ có một âm tiết. Một số ít có hai âm tiết, ta thường gọi là họ kép, như Tôn Thất, Nguyễn Khoa...” [6, tr.66] Nguyễn Lân cũng cho rằng ngoài họ đơn, Việt Nam còn có họ kép (như Hồ - Đắc, Nguyễn - Lê). Theo những người này, họ kép là họ có cấu tạo đa âm tiết, trong đó các thành tố gắn kết chặt chẽ với nhau, không thể tách rời hoặc thay thế bằng một thành tố nào khác. Còn họ ghép là họ có cấu tạo đa tiết, gồm họ bố (chính) và họ mẹ. Dương Lan Hải không thừa nhận có “họ kép” trong tiếng Việt, nhưng lại cho rằng, Việt Nam có “họ ghép”. Tác giả viết: “Chúng ta không có họ kép, nhưng có họ ghép”. [1, tr.55]

Do tính cố định, bắt buộc các tiếng lót kiểu Khoa, Đắc, Tấn... có xu hướng cố kết với tiếng chỉ họ, làm thành một tổ hợp đa tiết (thường là song tiết) chặt chẽ, đến nỗi gây ấn tượng cho rằng, chúng vốn là thành phần kết cấu của một kiểu họ (họ kép), giống kiểu họ kép thực thụ của Trung Quốc: Gia Cát (Lượng), Tư Mã (Thiên)...

Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ lưỡng, trong các tổ hợp được gọi là “họ kép” như Nguyễn Khoa, Hồ Đắc, Nguyễn Tấn..., yếu tố sau Khoa, Đắc, Tấn... chỉ nên coi là một loại tiếng lót đặc biệt, có tính chất cố định, bắt buộc, được chọn dùng có ý thức, nhằm phân biệt các chi trong một họ lớn và là dấu hiệu để nhận biết quan hệ thích tộc giữa những người thuộc cùng một gia tộc. Sự phân biệt trên chủ yếu có giá trị trong phạm vi một họ nhất định, không mang ý nghãi rộng ra toàn xã hội. Và, trong thực tế, nhiều trường hợp không thể phân biệt được đâu là thành phần thứ hai của “họ kép” và đâu là tiếng lót trong tên người có họ đơn. Ví dụ: Khoa trong Nguyễn Khoa Điềm là thành phần của họ kép hay là tiếng lót, hoặc thành phần của tên ghép Khoa Điềm?

Điều quan trọng là, do áp lực của kết cấu tên người Việt: họ + lót + tên, trong đó thành phần đứng đầu (đơn âm tiết) luôn luôn được coi là tiếng chỉ họ, thành phần đứng cuối (đơn âm tiết) cũng luôn luôn được xem là tiếng chỉ tên, còn thành phần đứng giữa là tiếng lót, nên yếu tố đứng sau trong cái gọi là họ kép thường được người Việt tri giác như là tiếng lót, giống như mọi tiếng lót khác, và có thể tách khỏi họ và tên để trở thành yếu tố biệt lập.

Còn về cái gọi là “họ ghép”? Yếu tố thứ hai trong “họ ghép” cũng nên coi là một loại tiếng lót, được chọn dùng theo ý thích cá nhân hoặc gia đình. Không giống ở “họ kép”, yếu tố thứ hai trong “họ ghép” không phải là một từ cố định nào đó, dùng cho hết thảy mọi thành viên trong một họ, mà là tiếng chỉ họ của mẹ người có tên. Và nếu thừa nhận tiếng Việt có họ ghép thì số lượng họ ghép trong tiếng Việt sẽ là vô số. Do đó, tính quy ước xã hội của họ ghép rất yếu ớt. Bởi vậy, yếu tố thứ hai của họ ghép cũng chỉ nên xem là một loại tiếng lót đặc biệt mang tính quy ước riêng trong phạm vi một gia đình. Khi yếu tố chỉ họ mẹ là một thành phần được đưa vào có tính ngẫu nhiên thì quan hệ giữa tiếng chỉ họ bố và tiếng chỉ họ mẹ là một quan hệ lỏng lẻo. Nói cách khác, kết cấu “họ ghép” càng dễ dàng được tri giác như là một tiếng lót, có thể tách khỏi yếu tố thứ nhất để trở thành yếu tố biệt lập.

2.2.2. Tiếng lót

Trước đây, tiếng lót trong tên nữ có xu hướng phân biệt với tiếng lót tên nam. Để phân biệt tên nữ với tên nam, trong tên nữ người ta dùng từ thị làm tiếng lót, và hầu như chỉ dùng một từ ấy mà thôi. Tiếng lót cho tên nam thì phong phú và đa dạng hơn. Nói chung có thể dùng bất cứ một từ nào làm tiếng lót cho tên nam, tuỳ ý thích của người đặt tên. Nhưng theo thống kê, tiếng lót được dùng nhiều nhất là văn. Thực tế hiện nay cho thấy, tiếng lót có thể được lựa chọn khá tự do, tuỳ ý như Văn, Đình, Bình trong Nguyễn VănHải, Vũ Đình Hoạt, Trần Bình Minh... Song, trong nhiều trường hợp có thể nhận thấy rằng, người Việt thường thích dùng những từ có ý đẹp, để đi liền với tiếng chỉ tên, làm thành một từ, hoặc một tổ hợp từ mang một ý nghĩa thể hiện được một ước mong, sở thích của người mang tên: Nguyễn Ái Quốc, Trần Đại Nghĩa, Hồ Anh Dũng. Ở trường hợp này cũng có thể coi tổ hợp Ái Quốc, Đại Nghĩa, Anh Dũng là tên ghép. Lúc đó, tiếng lót là zéro hay vắng khuyết như tên người có cấu trúc họ + tên ghép.

Một khi thành phần chỉ họ và chỉ tên là những yếu tố biệt lập, có thể tách riêng khỏi kết cấu tên người, thì tiếng lót, cả tiếng lót đặc biệt như Khoa, Đắc... lẫn tiếng lót tự do, như Văn, Đình... cũng có khả năng trở thành yếu tố biệt lập hoặc được tri giác như yếu tố biệt lập.

Nói tóm lại, các tiếng trong tên riêng người Việt hoạt động tự do, độc lập làm cho kết cấu của tên riêng của người Việt là kết cấu lỏng lẻo giữa các âm tiết. Mỗi âm tiết trong tên riêng người Việt có tư cách là một từ. Và, về bản chất, tên riêng người Việt là một cụm từ.

Phân tích quy tắc viết hoa hiện hành - “viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết trong tên người” [4], dễ dàng nhận thấy, việc viết hoa tên riêng người Việt là dựa theo quy tắc lấy từ làm đơn vị viết hoa. Điều này cũng nhất quán với việc viết hoa tên người nước ngoài (kể cả phiên qua âm Hán Việt, lẫn phiên thẳng ra tiếng Việt hay viết nguyên dạng) – lấy từ làm đơn vị viết hoa. So sánh: Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Vla-di-mia I-lich Lê-nin, Karl Heinrich Marx, v.v.

III. TÊN ĐỊA LÝ LÀ MỘT TỪ

3.1. Tên địa lý đơn âm tiết và tên địa lý đa âm tiết trong tiếng Việt

Tên địa lý Việt Nam có thể có cấu tạo gồm 1 âm tiết: làng Cót, làng Chuông, sông Hồng, sông Đáy, châu Á… với tên riêng địa lý đơn âm tiết, dễ dàng xác định tư cách từ của các âm tiết đó.

Tuy nhiên, cũng cần làm rõ các trường hợp trung gian giữa tên riêng địa lý đơn âm tiết với tên riêng địa lý đa âm tiết.

Các tên địa lý thường được dùng kèm sau các danh từ chung, các thuật ngữ địa lý, hành chính như sông, núi, hồ, làng, xã, quận, huyện, khu... Ví dụ, sông Hồng, núi Tam Đảo, hồ Trúc Bạch, xã Chiến Thắng, huyện Từ Liêm, tỉnh Thái Bình, quận Đống Đa...

Do đặc tính này, nhiều tên địa lý, nhất là các tên một âm tiết, có xu hướng gắn kết chặt chẽ với danh từ chung gây ra cảm giác rằng, danh từ chung cũng thuộc thành phần cấu tạo của tên địa lý. Chẳng hạn, không thể nói *đi Hôm mà phải nói đi chợ Hôm v.v... Từ đó nhiều người đề nghị phải coi danh từ chung đó là yếu tố đầu của tên địa lý.

Tuy nhiên, xét trong toàn bộ hệ thống, các danh từ chung đi kèm trước tên địa lý phải được coi là yếu tố biệt lập, nằm ngoài kết cấu tên địa lý. Có thể nói Trên dãy Tam Đảo luôn luôn có mây mù hoặc cũng có thể nói Trên hòn Tam Đảo luôn luôn có mây mù. Điều này chứng tỏ rằng, mối quan hệ giữa danh từ chung đứng đầu tên với bộ phận sau nó là rất lỏng lẻo, tuỳ tiện và có thể lựa chọn biến thể, hoặc có thể bỏ.

Ở đây, cần phân biệt điều vừa nói với trường hợp với tên địa lý do riêng hóa các danh từ chung mà thành, như Cầu Giấy, Sông Bé, Bến Lức, Bãi Cháy, Vũng Tàu, v.v. Trong trường hợp này, các yếu tố cầu, sông, bến, bãi, vũng... đã mất tính chất của các danh từ chung như khi chúng đứng một mình hoặc đứng trước các tên địa lý khác như cầu Thăng Long, sông Vàm Cỏ, bến Nhật Tảo, bãi An Dương và đã trở thành các yếu tố cấu thành của tên địa lý. Những tên địa lý dạng này (Cầu Giấy, Sông Bé, Bến Lức, Bãi Cháy, Vũng Tàu…) được coi là các tên địa lý đa âm tiết, khác với các trường hợp làng Cót, làng Chuông, sông Hồng, sông Đáy… nêu trên.

3.2. Vai trò của âm tiết trong tên riêng địa lý đa âm tiết tiếng Việt

Đối với các tên địa lý đa âm tiết (gồm nhiều âm tiết) thì mỗi âm tiết đó có đủ tư cách là từ như các âm tiết trong tên riêng người Việt hay không?

Câu trả lời là không.

Các âm tiết trong cấu tạo tên riêng địa lý đa âm tiết tiếng Việt có đặc điểm cơ bản là kết hợp với nhau chặt chẽ, làm thành một chỉnh thể, được sử dụng nguyên khối khi nói và viết. Mỗi âm tiết không thể tách ra sử dụng độc lập. Chúng ta thường nói đầy đủ, nguyên khối các tên riêng địa lý tiếng Việt, như thành phố Đà Nẵng, Cần Thơ, tỉnh Ninh Bình… mà không dùng từng âm tiết như thành phố Đà hay thành phố Nẵng, tỉnh Ninh hay tỉnh Bình…, chúng ta cũng không thể nói và viết Hoàng, Liên hay Sơn một mình, để chỉ tên núi Hoàng Liên Sơn, mà phải nói, viết đầy đủ các thành phần của nó: Hoàng Liên Sơn. Thỉnh thoảng, chúng ta gặp một vài tên địa lý nói tắt, như (tàu) Phòng (Hải Phòng), (lên) Thái (Thái Nguyên), (lên xứ) Lạng (Lạng Sơn), (vào xứ) Nghệ (Nghệ An)... nhưng chủ yếu dùng trong khẩu ngữ. Tính chặt chẽ về kết cấu giữa các âm tiết trong tên riêng địa lý đa âm tiết tiếng Việt, về bản chất, cũng giống với các âm tiết trong tên riêng địa lý và tên riêng người nước ngoài phiên trực tiếp ra tiếng Việt: Ác-hen-ti-na, La Ha-ba-na, Sô-lô-khốp,... Cũng như tên riêng địa lý tiếng Việt, tên riêng địa lý nước ngoài - đôi khi cũng được nói tắt, như Bun (Bun-ga-ri), Hung (Hung-ga-ri), Ru (Ru-ma-ni)...nhưng cũng chỉ gặp trong ngôn ngữ nói, hầu như không dùng trong ngôn ngữ viết.

Xét trong mối quan hệ với các kiểu từ phân loại theo cấu tạo của tiếng Việt, dễ dàng quy các tên riêng địa lý đa âm tiết tiếng Việt vào loại từ đơn đa âm tiết, kiểu như: bồ hóng, mồ hôi, lê ki ma, …

Phân tích quy tắc viết hoa hiện hành - “viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết trong tên địa lý” [4], dễ dàng nhận thấy, quy tắc viết hoa tên địa lý không giống như quy tắc viết hoa chỉ người (lấy từ làm đơn vị viết hoa) mà chọn bộ phận của từ làm đơn vị viết hoa.

VI. KẾT LUẬN

Đối chiếu tên riêng người Việt với tên địa lý tiếng Việt, chúng ta thấy có một sự đối lập rõ rệt giữa tên người với tên địa lý: đối lập lỏng - chặt về kết cấu. Giữa các yếu tố cấu tạo tên chặt và tên lỏng có sự khác nhau về cấp độ: một bên là từ một bên là âm tiết, và giữa tên chặt và tên lỏng cũng có sự khác nhau về cấp độ ở bậc cao hơn - một bên là cụm từ một bên là từ đơn đa âm.

Nhìn trong quan hệ với quy tắc viết hoa tên riêng hiện hành – viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết trong tên riêng chỉ người và tên riêng địa lý, có thể thấy quy tắc viết hai loại tên riêng này giống nhau về hình thức những khác nhau về bản chất, một bên lấy từ làm đơn vị viết hoa, còn một bên lấy bộ phận của từ là đơn vị viết hoa

Đối chiếu với tên riêng nước ngoài (phiên qua âm Hán Việt và phiên trực tiếp ra tiếng Việt) có thể thấy trong tên riêng người Việt và tên riêng người nước ngoài phiên qua âm Hán Việt, các âm tiết có kết cấu lỏng lẻo bao gồm các từ tương đối độc lập, trong khi đó, các âm tiết của tên riêng địa lý đa âm tiết, tên riêng người nước ngoài và tên địa lý nước ngoài có kết cấu chặt chẽ - mỗi âm tiết chỉ là một yếu tố trong một từ đa âm tiết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Dương Lan Hải (1972), Bàn thêm một số điểm xung quanh việc viết hoa tên riêng, Ngôn ngữ, số 1.

[2] Anh Hiền (1972), Bàn thêm về quy tắc viết hoa tên riêng chỉ người và chỉ đất trong tiếng Việt, Ngôn ngữ, số 3.

[3] Nguyễn Lân (1972), Góp ý kiến về vấn đề quy tắc viết ho, Ngôn ngữ, số 2.

[4] Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa (Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 13-3-2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

[5] Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt (Ban hành kèm theo Quyết định số 240/QĐ, ngày 5-3-1984 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo)).

[6] Lê Xuân Thại (1973), Nhìn lại cuộc thảo luận về quy tắc viết hoa, Ngôn ngữ, số 2.

[7] Phan Thiều (1972), Bàn về quy tắc viết hoa tên người, tên đất trong tiếng Việt, Ngôn ngữ, số 1.

ABSTRACT

By studying, comparing proper names of the people and geographical names (place names) of Vietnam, ways of representing - for example, the looseness and tightness of structures differ - are found. On that basis, the author explores the role played by syllables in forming such proper names. These are issues that relate to the ways of forming Vietnamese proper names and need to be further studied.

 

Đỗ Việt Hùng - GS.TS.,

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..

Nguồn: Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, số 2 (22) 2013

SGGP - Sáng nay 15-12, tại Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng (Đại học Đà Nẵng) và Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế: “Ngôn ngữ học Việt Nam - những chặng đường phát triển và hội nhập Quốc tế”. 
 Hội thảo quốc tế: “Ngôn ngữ học Việt Nam - những chặng đường phát triển và hội nhập Quốc tế”
 
Hội thảo quốc tế: “Ngôn ngữ học Việt Nam - những chặng đường phát triển và hội nhập Quốc tế”Tham dự buổi hội thảo là các nhà khoa học, các Nghiên cứu sinh của Việt Nam và các nước: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan…Hội thảo là diễn đàn học thuật nhằm kết nối các nhà khoa học trong nước và quốc tế trình bày các kết quả nghiên cứu về ngôn ngữ trên thế giới hiện nay và việc ứng dụng vào thực tiễn nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam và khu vực qua các chặng đường giao lưu, tiếp xúc ngôn ngữ - văn hóa.Hội thảo đã phân nhánh thành 4 Tiểu ban: Ngôn ngữ học lý thuyết; Ngôn ngữ học liên ngành; Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, lịch sử tiếng Việt và phương ngữ; Ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ học ứng dụng và ngôn ngữ học so sánh đối chiếu. 

Ngành ngôn ngữ học Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức ảnh 1GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ trình bày tham luận: Các tiểu từ tình thái cuối câu trong tiếng Việt nhìn từ góc độ "dị thanh"

Qua hội thảo, có thể hình dung được sự phong phú của các vấn đề nghiên cứu mà các tác giả đã đặt ra và đang chờ đợi những trao đổi khoa học của những người tham gia.

Các báo cáo được chọn trình bày tại hội thảo sẽ gợi lên những trao đổi, thảo luận sâu sắc, mới mẻ để Ngôn ngữ học Việt Nam nói riêng và ngành Ngôn ngữ học nói chung nhìn lại và mở thêm ra những xu hướng nghiên cứu về các góc độ của ngôn ngữ học (cả ngôn ngữ học lý thuyết và ngôn ngữ học ứng dụng). 

Những lĩnh vực nghiên cứu mà các tác giả khơi dậy và bàn luận trong Hội thảo này sẽ là những gợi dẫn phong phú, đa dạng để các Viện nghiên cứu, cũng như các cơ sở giáo dục và cả những người quan tâm đến Ngôn ngữ học có thêm một số ý tưởng thực hiện các đề tài nghiên cứu.Nội dung của Hội thảo này cũng sẽ là nguồn ngữ liệu đáng quý, góp phần làm cho ngành Ngôn ngữ học cũng như các lĩnh vực KHXHNV vốn đang tiềm ẩn nhiều vùng nghiên cứu còn bỏ trống sẽ có thêm những gợi mở thú vị. Đồng thời, có những tác động nhất định đến bối cảnh giáo dục hiện nay.

Ngành ngôn ngữ học Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức ảnh 2PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng

Trường ĐHSP-ĐHĐN là 1 trong 7 Trường ĐHSP trọng điểm của Việt Nam và là Cơ sở giáo dục được kiểm định và công nhận đạt chất lượng giáo dục đầu tiên của cả nước, chúng tôi đã đang nỗ lực không ngừng để thực hiện sứ mạng của mình. Vì vậy, với sự phối hợp với Viện Ngôn ngữ học, hy vọng sự thành công của Hội thảo cũng là một dấu mốc quan trọng góp thêm vào sự phát triển khoa học, giáo dục của Nhà trường; giúp Trường ĐHSP-ĐHĐN càng tăng thêm nội lực cho công tác đào tạo, nghiên cứu ở cả bậc Đại học và Sau Đại học; thực hiện được sứ mạng và tầm nhìn trong chiến lược phát triển vừa toàn diện, vừa tập trung vào mũi nhọn trong xu thế Việt Nam, trong đó có giáo dục Đại học Việt Nam đang phải từng bước hội nhập toàn cầu hóa như hiện nay.
 

PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết, Hội thảo lần này nhận được 212 bài viết được gửi đến từ các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Và từ kết quả thẩm định của các nhà khoa học, Ban tổ chức đã chọn được 88 bài viết đăng trong kỷ yếu. Con số này cho thấy tính khách quan và và coi trọng khoa học của một Hội thảo Quốc tế.

Bên cạnh những bài không được chọn đăng do chưa đạt yêu cầu, còn có nhiều lý do khác nhau như: không đảm bảo quy định của Hội thảo, không phù hợp với chủ đề của Hội thảo… 

“Nhưng chúng tôi đều rất trân trọng các tác giả đã gửi bài tham gia Hội thảo này. Diễn đàn khoa học hôm nay phần lớn thành công là do sự hưởng ứng tham gia viết bài của nhiều tác giả. Điều đó chứng tỏ Hội thảo Quốc tế Ngôn ngữ học lần thứ 1 đã tạo được sức lan tỏa trong cộng đồnghọc thuật và thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học trong cả nước và trên thế giới. Có được kỷ yếu này là tâm sức và sự nỗ lực hết mình của các nhà khoa học đã tham gia phản biện, thẩm định; các nhà khoa học trong BTC đã tham gia tư vấn, chủ trì chuyên môncũng như đội ngũ quý thầy cô giáo khoa Ngữ văn trường ĐHSP đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Ban tổ chức chúng tôi đánh giá cao cách làm chuyên nghiệp và khoa học của những người chịu trách nhiệm chuyên môn của hội thảo, để Trường ĐHSP-ĐHĐN và Viện Ngôn ngữ học cùng làm nên một Hội thảo Quốc tế đúng nghĩa, có chất lượng cao, tạo nên uy tín trong cộng đồng học thuật trong và ngoài nước.” – PGS.TS. Lưu Trang cho biết.

Ngành ngôn ngữ học Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức ảnh 3PGS.TS Bùi Trọng Ngoãn báo cáo đề dẫn 

PGS.TS Bùi Trọng Ngoãn (Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) cho biết: Biểu hiện “phát triển” và dấu ấn “hội nhập” của ngôn ngữ học Việt Nam đã được thể hiện rõ rệt trong các báo cáo gửi đến Hội thảo. Đó là những nghiên cứu mới, tiếp cận được những khuynh hướng hiện đại của ngôn ngữ học trên thế giới, là những kết quả nghiên cứu mới về những đối tượng nghiên cứu tưởng chừng như đã cũ; đó là sự mở rộng biên độ của ngôn ngữ học trên cả hai bình diện là đường hướng nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu.

“Chúng tôi không nghĩ rằng thảo luận trong một hội thảo ngữ học như hôm nay là hướng tới một tiếng nói chung mà chính là sự gợi mở vấn đề một cách rộng rãi nhất, khoa học nhất nhằm vào một mục đích thiết thực là góp phần thúc đẩy những nghiên cứu mới của giới ngữ học nước nhà. Theo tinh thần đó, tất cả các báo cáo được tuyển chọn vào tập kỷ yếu đều là những bài viết gợi dẫn khả năng thảo luận cao" - PGS. TS Bùi Trọng Ngoãn nói.

Ngành ngôn ngữ học Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức ảnh 4Rất đông những nhà nghiên cứu ngôn ngữ, nghiên cứu sinh, học viên Cao học và Sinh viên tham dự hội thảo

Đặt trong bối cảnh chung là sự phát triển của ngôn ngữ học trên thế giới và từ những vấn đề tiếng Việt đang đặt ra với giới ngôn ngữ học, từ những yêu cầu thực tế của ngôn ngữ và đời sống, và căn cứ vào khuynh hướng chung của các báo cáo khoa học được gửi đến Hội thảo, ban tổ chức đề xuất các nội dung cần được ưu tiên thảo luận trong hội thảo này:

(1) Những khuynh hướng nghiên cứu ngôn ngữ học trên thế giới hiện nay và khả năng áp dụng những kết quả đó ở Việt Nam. Hy vọng rằng những báo cáo về ngữ pháp chức năng, về ngôn ngữ học tri nhận sẽ là những gợi ý thú vị, phát lộ những khoảng trống mà ngôn ngữ học ở Việt Nam cần tiếp cận và thu hẹp khoảng cách.

(2) Thành tựu của Việt ngữ học theo quan điểm chức năng luận. Ngữ pháp học tiếng Việt theo hướng chức năng luận đã có thể miêu tả một cách đầy đủ và thuyết phục về cơ chế văn phạm của tiếng Việt? Các vấn đề ngữ dụng học của tiếng Việt, câu và nghĩa của câu, về phạm trù nghĩa tình thái.

(3) Các vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa, ngôn ngữ văn chương, về lý thuyết phân tích diễn ngôn.

(4) Vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chính tả chữ quốc ngữ, chuẩn mực tiếng Việt được sử dụng trong hoạt động giảng dạy ở các cấp học. Vấn đề giảng dạy tiếng Việt trong tư cách ngôn ngữ thứ hai đối với người học. Bên cạnh đó là các vấn đề về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số và sự bảo tồn tiếng nói của các dân tộc ít người.

(5) Các vấn đề liên quan tới ký hiệu học ngôn ngữ và các dịch vụ thông tin ngôn ngữ.

"Chúng tôi quan niệm mỗi một cuộc hội thảo là một điểm nối trên hành trình chạy tiếp sức không có điểm dừng, những gì được trình bày ở trên chỉ là những phác thảo khái lược về một điểm nối như vậy.”– PGS.TS Bùi Trọng Ngoãn cho biết.

Ngành ngôn ngữ học Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức ảnh 5GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ phát biểu tại hội thảo

GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), cho biết: Là một người làm chuyên môn ngôn ngữ học, đã có nhiều trải nghiệm về hội thảo quốc tế về ngôn ngữ học, trong nước và quốc tế, tôi cũng rất ấn tượng về cái mới trong tổ chức hội thảo quốc tế này, đó là: thứ nhất, lần đầu tiên, hội thảo quốc tế về ngôn ngữ học ở Việt Nam hướng đến chuẩn chung của Hội thảo quốc tế trên thế giới: các báo cáo đều được phản biện độc lập, tức phản biện kín, người phản biện và tác giả báo cáo không biết ai là ai. Thứ hai, lần đầu tiên, hội thảo yêu cầu tác giả xác nhận bằng văn bản là báo cáo chưa từng được công bố trước đó.

“Trong quá trình chuẩn bị hội thảo, trao đổi với các thành viên của Ban tổ chức và các trưởng tiểu ban, chúng tôi cũng nhất trí với tinh thần của hội thảo lần này là tinh thần tranh luận, thẳng thắn. Bởi vì hiện nay ngành ngôn ngữ học Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức: vừa phải tiệm cận với trình độ của ngôn ngữ học thế giới, vừa phải trực tiếp tham gia giải quyết những vấn đề của xã hội đặt ra, trong đó có những vấn đề đòi hỏi phải tiệm cận với trình độ của thế giới, như vấn đề ngôn ngữ học tham gia vào cuộc cách mạng 4.0. Bối cảnh như vậy, đòi hỏi hội thảo phải có những tranh luận thật sự. Hội thảo này là hội thảo có nhiều tác giả trẻ, và chúng tôi tin rằng người trẻ sẽ đi đầu trong hoài nghi và tranh luận khoa học. 

Và nói như nhà Ngữ học tài danh Jakobson trong một lần tổng kết hội thảo: Nếu hội thảo này khi nêu những vấn đề khoa học ra để tranh luận mà không ai chịu ai, thì đó là một hội thảo thành công.” – GS.TS Nguyễn Văn Hiệp cho biết. 

Nhiều nội dung quan trọng về Ngôn ngữ học được "mổ xẻ"Về các nội dung được "mổ xẻ" tại hội thảo quốc tế này, PGS.TS Bùi Trọng Ngoãn cho biết, các nhà Ngôn ngữ học trong nước và quốc tế sẽ tập trung thảo luận, phản biện các nhóm nội dung:(1)  Về Ngôn ngữ học lý thuyết, các báo cáo đã có sự trải rộng từ từ vựng, ngữ nghĩa, ngữ pháp đến ngữ dụng học.Trong đó, những nghiên cứu theo hướng chức năng luận đã đem đến những kiến giải mới lạ và có sức thuyết phục. Đáng chú ý là khi nhà nghiên cứu dùng lý thuyết “dị thanh” (hetoroglosia) của nhà ngữ học P.P.R. White để phân tích nghĩa của các tiểu từ tình thái cuối câu tiếng Việt.Bao quát cả cấu trúc luận và chức năng luận là những nghiên cứu mới về loại hình học cú pháp và về cấu trúc câu tiếng Việt. Người đọc, người nghe có thể gặp ở đây một thuật ngữ như đã quen thuộc nhưng lại chứa đựng những thông tin mới là “loại hình học cú pháp” và những kiến giải khúc chiết về loại hình học trật tự từ, loại hình học liên kết hình thái cú pháp và loại hình học cấu trúc cú pháp của tiếng Việt. Ở phạm vi hẹp hơn, lí thuyết điển mẫu của ngữ nghĩa học tri nhận cũng đã được áp dụng vào việc nghiên cứu nghĩa của câu tiếng Việt.  Lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận cũng đã giúp các nhà nghiên cứu có được cách đọc mới về những đối tượng quen thuộc. Các ý niệm “vui”, “buồn”, ý niệm “lực” - “sức mạnh” trong tiếng Việt đã được khảo sát, kiến giải dưới góc nhìn tri nhận luận.Các vấn đề như nghĩa logic và nghĩa ngôn ngữ của các từ logic trong tiếng Việt, các cấu trúc được ưu tiên lựa chọn khi hỏi - đáp, các mức độ phủ định và các biểu thức ngôn ngữ biểu thị về từng mức độ phủ định trong tiếng Việt cũng đã được các tác giả xới lên.(2) Về ngôn ngữ học liên ngành, như chính cách định danh về nó, các báo cáo trải ra trên một bề mặt khá rộng từ mối quan hệ ngôn ngữ - văn hóa, ngôn ngữ với văn chương đến ngôn ngữ - lịch sử, địa lí, văn hóa (địa danh học)Những thuyết giải về việc lựa chọn từ cực cấp của người Nam Bộ như: “ngay đơ’, ‘ngay chốc”, “ngay bon”… hoặc về cấu trúc “Đã + chủ ngữ + động từ + bổ ngữ” (Đã người ta hô là…), là những phát hiện đáng tin cậy. Cũng dưới cái nhìn liên ngành như vậy, những khảo sát về cách đặt tên nhân vật hay lớp từ vựng gắn liền với môi trường sông nước trong sáng tác của một nhà văn Nam Bộ sẽ là những thông tin lôi cuốn người đọc, người nghe.Về ngôn ngữ văn chương, những nghiên cứu về đồng nghĩa lâm thời trong văn bản thi ca với những khảo sát về hiện tượng này trong thơ Hồ Xuân Hương, Xuân Quỳnh, Vi Thùy Linh, về tính ký hiệu hóa trong ngôn ngữ văn chương, về tính vùng miền trong văn bản nghệ thuật đều là sự vận dụng đa dạng các lý thuyết ngôn ngữ học hiện đại để xem xét, đánh giá ngôn ngữ văn chương bằng những kiến giải có cơ sở lý thuyết đáng tin cậy. Hàng loạt các bản báo cáo về địa danh học có mặt trong Hội thảo sẽ góp phần lấp đầy dần tấm bản đồ địa danh học Việt Nam.(3) Về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, lịch sử tiếng Việt và phương ngữ, là sự tập hợp hàng loạt bản báo cáo có hàm lượng khoa học caoThể hiện một thái độ quan tâm đến chính sách dân tộc và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số trên lãnh thổ Việt Nam, các báo cáo về nhóm đề tài này đã có sự phân bố cho cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Trong đó, có bài viết đã tổng hợp và nhận diện về công cuộc nghiên cứu ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở phía Bắc, một khu vực không rộng nhưng có đến 31 dân tộc ít người định cư; từ đó tác giả đặt ra những vấn đề cấp bách như việc xây dựng chữ viết Latin hoá, soạn từ điển, sách học tiếng, tìm giải pháp bảo tồn cho một số ngôn ngữ. Cũng có tác giả nêu lên một vấn đề đáng quan tâm khác là thực trạng sử dụng tiếng mẹ đẻ của người dân tộc thiểu số. Từ kết quả khảo sát năng lực sử dụng tiếng mẹ đẻ của người Giẻ - Triêng và hiện tượng chuyển mã, trộn mã trong giao tiếp của họ, tác giả đặt ra vấn đề giải pháp giúp họ bảo tồn tiếng nói dân tộc mình.Cũng trong khuôn khổ tiểu ban thứ ba, bài viết về ngữ âm lịch sử tiếng Việt đã xem xét một số dãy phụ âm và tổ hợp phụ âm đầu tiếng Việt từ thời điểm ra đời cuốn Từ điển Việt - Bồ - La đến thời điểm ra đời Nam Việt Dương hiệp tự vị.Phương ngữ cũng là một đối tượng nghiên cứu được nhiều người lựa chọn. Đó là những bản báo cáo về đặc điểm ngữ âm Nam Bộ, về từ xưng hô và cách xưng hô trong tiếng Quảng Nam. (4) Về ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ học ứng dụng và ngôn ngữ học so sánh đối chiếu là bộ phận tập hợp một hệ thống bài viết rất phong phú.Đưa ngôn ngữ học vào đời sống, bản báo cáo về ngôn ngữ lệch chuẩn trên báo mạng điện tử giới trẻ đã phác thảo những đường nét căn bản cách sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay. Hoặc có bài viết phát hiện về hiện tượng “giao thoa cú pháp học” khi người Việt sống tại tỉnh Udon Thani sử dụng cấu trúc cụm từ số tiếng Thái để thay thế cấu trúc cụm từ số tiếng Việt.Đại diện cho lĩnh vực ngôn ngữ học ứng dụng là ý kiến về việc xây dựng cơ sở dữ liệu và khai thác dữ liệu chữ viết tắt tiếng Việt. Một ý kiến có tính thời sự về chữ quốc ngữ và chính tả hiện nay là bản báo cáo về thực tiễn phát âm và lịch sử chữ viết Quốc. Bài viết là những kiến giải của một nhà chuyên môn về một trường hợp “lệch chuẩn” của chữ quốc ngữ xét trên bình diện âm vị học.Về giảng dạy ngôn ngữ, bài viết về việc giảng dạy tiếng Anh tại Nhật Bản là một gợi ý đáng được tham khảo cho việc dạy - học ngoại ngữ hiện nay, cũng như việc dạy tiếng Việt trong tư cách ngôn ngữ thứ hai đối với người học. Về nội dung dạy học tiếng Việt, bản báo cáo về dạy nghi thức lời nói cho trẻ mầm non qua trò chơi đóng vai sẽ đem đến cho Hội thảo một vấn đề đáng được bàn thảo. Bên cạnh đó còn có một ý kiến đề cập về một khía cạnh ngôn ngữ trong diễn ngôn sư phạm, vốn là một vấn đề cấp thiết, cần có một hội thảo riêng.Theo hướng ngôn ngữ học so sánh đối chiếu, bài viết đối chiếu từ ngữ chỉ thời gian trong một ngày của tiếng Thái và tiếng Việt đưa đến những thông tin thú vị về các đối tượng được quy chiếu để xác định thời điểm ở từng ngôn ngữ.

 

NGUYÊN KHÔI

Nguồn: Sài Gòn giải phóng, ngày 15.12.2018.

20171030 Bung Binh ThienẢnh: Búng Bình Thiên (nguồn: wikipedia)

1. Khái quát

Nam Bộ là địa bàn sông nước nên các từ chỉ địa hình hầu hết đều gắn với sông nước. Đặc biệt, ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), do địa hình nhìn chung bằng phẳng nên các đường nước thường có hình dạng rất phức tạp, dẫn đến có rất nhiều từ chỉ địa hình mà phần lớn chúng đều mang tính địa phương nên không phải ai cũng hiểu rõ.(1) Cá biệt, trong số đó, có những từ chỉ địa hình “kỳ dị” mà ngay cả dân địa phương cũng ít có người hiểu rõ, do đó dễ dẫn đến hiểu lầm.(2) Hiểu lầm tức hiểu sai nguồn gốc/ ý nghĩa của địa danh và gây bất nhất về mặt chữ viết, làm trở ngại về mặt thông tin.

Từ chỉ địa hình trong địa danh Nam Bộ đã được giới thiệu trong một số bài viết(3) và trong Lê Trung Hoa (2015), Từ điển địa danh Nam Bộ (bản thảo). Tuy nhiên, trong các công trình này, các từ chỉ địa hình chỉ được giới thiệu chung chứ chưa chú trọng vào các từ dễ bị hiểu lầm. Do đó, trong bài viết này, chúng tôi tập trung cắt nghĩa những từ chỉ địa hình khá “kỳ dị” ở Nam Bộ có nguy cơ bị hiểu lầm như: búng + X, cái + X, cống + X, gãnh + X, tràm + X, voi + X.

 

2.  Các từ chỉ địa hình dễ hiểu lầm 

2.1.  Búng + X

Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của định nghĩa: Búng “chỗ nước sâu làm ra một vùng”. Theo chúng tôi, búng chính là biến âm của bung/ bụng, là chỗ sông sâu và phình rộng ra như cái bụng, cũng gọi là bùng binh. Chữ búng này được ghi trong Dictionarium Anamitico-Latinum (1772) của P. J. Pigneaux và Dictionarium Anamitico-Latinum (1838) của J. L. Taberd (mục từ Búng, Búng nước).

Do là một đoạn sông phình to nên búng có xoáy nước rất nguy hiểm cho ghe thuyền. Ngoại trừ búng Bình Thiên ở An Giang có hình dáng hơi khép kín, là dấu tích của một khúc sông bị chuyển dòng, các búng khác ở Nam Bộ không có hình dạng gì đặc biệt lắm. Về mặt cắt ngang, nó chỉ là khúc sông phình ra; về mặt cắt dọc thì (có khi) nó sâu hơn những đoạn khác, do đó tạo nên các luồng nước xoáy, có nguy cơ làm chìm ghe thuyền. Chẳng hạn: búng Bò, búng Đình, búng Xuyến (Vĩnh Long), búng Tàu (Hậu Giang, Sóc Trăng), xẻo Búng, búng Bình Thiên (An Giang)…Búng là tiếng Nôm, vốn chỉ hình dáng vật phình ra (có khuynh hướng tròn):

Chung búng má kèn chỉ vẻ mặt không hài lòng (sụ mặt), hai má hơi phình ra;

Miệng nhai cơm búng(4) chỉ hành động người lớn nhai cơm và thức ăn trong miệng rồi lừa ra để đút trẻ con ăn;

Búng ngón tay là hành động dùng đầu ngón tay cái kềm chặt đầu ngón còn lại tạo thành hình tròn rồi đột ngột buông ra. Đây cũng là cách đo kích thước của một vật nhỏ gọn: Con cá lóc bự (to) bằng một búng tay.

Hiện nay có nhiều trường hợp do không hiểu nghĩa của từ búng nên người ta tưởng lầm là bún (món ăn làm bằng bột gạo chín, có hình sợi) vì dân Nam Bộ phát âm hai từ này giống nhau. Chẳng hạn: rạch Búng Bò bị viết sai thành rạch Bún Bò (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), Búng Xáng bị viết sai thành Bún Xáng (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Sông Sài Gòn, đoạn chảy ngang thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) cũng một chỗ phình rộng ra gọi là Búng, nên chợ gần đó cũng gọi là chợ Búng, nhưng có người không hiểu nên gọi/ viết là chợ Bún.

2.2. Cái + X

Từ cái trong những địa danh có cấu tạo cái + X đã được Lê Trung Hoa nghiên cứu khá kỹ trong bài viết “Tìm hiểu ý nghĩa và nguồn gốc thành tố chung cái trong địa danh Nam Bộ”.(5) Trong bài viết này, Lê Trung Hoa đã dùng nhiều cứ liệu để bác bỏ các quan điểm sai lầm sau đây:

-  Quan điểm cho cái này nghĩa là “lớn” (vì thực tế ở Nam Bộ toàn bộ đường nước có tên gọi cái + X đều nhỏ);

-  Quan điểm cho rằng cái này là biến âm của kẻ, chỉ nơi, xứ, chỗ (vì thực tế nó để chỉ đường thủy chứ không phải chỉ vùng đất);

-  Quan điểm cho rằng cái này có nguồn gốc Khmer (vì tiếng Khmer gọi là prêk [rạch], không có đối ứng về ngữ âm với cái).

Từ đó, ông chứng minh rằng “Cái là danh từ, có nghĩa là nhánh sông hay con rạch. Về nguồn gốc, cái không thể phát xuất từ tiếng Khmer hay tiếng Hán, vì trong hai ngôn ngữ này không có từ hay từ tổ nào có âm na ná mà có ý nghĩa là con rạch. Có lẽ đây là một từ Việt cổ mà đến thế kỷ XIX, nó đã không còn khả năng dùng độc lập, chỉ còn xuất hiện trong các từ ghép hay từ tổ và trở thành địa danh.”

Thế nhưng trong công trình Lột trần Việt ngữ (1972), Bình Nguyên Lộc đã chứng minh rằng, trong ngữ hệ Mã Lai (mà theo ông thì tiếng Việt 100% có nguồn gốc Mã Lai) không có từ cái, mà đó chính là cách dịch âm của từ 个 (bính âm: ), danh từ đơn vị trong tiếng Hán mà người Việt tiến hành từ thời Bắc thuộc. Thật ra, ngữ nguyên này đã được ghi nhận từ năm 1898, trong Dictionnaire annamite - français của J. F. M. Génibrel: Cái []: cái nhà, cái bàn.(6) Trong chữ Hán,

个  và 個 được dùng như nhau (âm ) nhưng chữ Nôm thì dùng 個 để ghi âm cái.

Từ đó có thể suy đoán rằng từ cái chỉ nhánh sông hay con rạch ở Nam Bộ có nguồn gốc từ tiếng Hán chứ không phải bản địa.

Trong Di cảo Trương Vĩnh Ký (tr. 252-264), danh mục đối chiếu các địa danh Việt-Khmer có 9 địa danh có sự đối ứng giữa từ cái (Việt) và prêk (Khmer): Cái Cát - Prêk khsắc, Cái Lá - Prêk cau pona càk, Cái Thia - Prêk lau tie, Cái Muối - Prêk ambil, Cái Dầu Thượng - Prêk chotal khpòs, Cái Mơn Lớn - Prêk mơn thom, Cái Tàu Thượng - Prêk sampou lơ, Cái Cối - Prêk thbàl, Cái Trầu - Prêk mlu.(7) Prêk trong tiếng Khmer được dịch âm sang tiếng Việt là rạch. Như vậy, từ cái này tương đương về nghĩa với từ rạch. Bằng chứng là hầu hết các thủy lộ có tên cái

+   X đều có thể thay bằng rạch + X. Chẳng hạn: Cái Bát → Rạch Bát, Cái Bần → Rạch Bần, v.v... Tuy nhiên, không thể dịch dứt khoát cái = rạch, vì cái có khi còn chỉ nhánh sông, tức sông nhỏ đổ ra sông lớn, chẳng hạn: sông Cái Cỏ, sông Cái Dầu Thượng, sông Cái Mơn Lớn, sông Cái Muối, v.v... Đồng thời, không phải con rạch nào cũng có thể gọi là cái + X, ngoại trừ những con rạch đổ nước ra sông lớn.

Ngoài ra, cũng phải xác định rằng cái này ra đời trước rạch, bằng chứng là có thể nói Rạch Cái X chứ không thể nói Cái Rạch X.

Tóm lại, cái này chính là đường thủy nhỏ tự nhiên(8) ăn ra sông lớn chứ không có nghĩa là lớn như nhiều người tưởng lầm. Cái này là loại từ (cái + X) chứ không phải tính từ như trong trường hợp X + Cái (như sông Cái, đường Cái, bờ Cái, v.v.). Ở Nam Bộ có nhiều sông lớn và nhiều nhánh sông nhỏ hay rạch ăn thông với nó nên số đường thủy có tên cái + X rất nhiều (hơn 350 tên). Miệt vườn Nam Bộ nằm dọc theo hệ thống sông Mekong nên là khu vực có mật độ cái đổ nước ra sông cao nhất: Cái Bè, Cái Cối, Cái Lá, Cái Lân, Cái Nhỏ, Cái Nứa, Cái Rắn, Cái Sơn, Cái Thia (Tiền Giang); Cái Cấm, Cái Cát, Cái Cau, Cái Chát Lớn, Cái Chát Nhỏ, Cái Cối, Cái Gà, Cái Hàng, Cái Lứt, Cái Mít, Cái Mơn, Cái Muồng, Cái Ngang, Cái Nhum, Cái Nứa, Cái Ớt, Cái Quao, Cái Sơn, Cái Tắc, Cái Tôm, Cái Tre, Cái Trê, Cái Ván, Cái Xoài (Bến Tre); Cái Bần, Cái Bát, Cái Bầu, Cái Cá, Cái Cầu, Cái Chúc, Cái Cơ, Cái Cui, Cái Dầu, Cái Đôi, Cái Lá, Cái Lóc, Cái Sâu, Cái Sơn, Cái Tháp, Cái Tàu, Cái Tràm Dưới, Cái Tràm Trên (Vĩnh Long); Cái Hạt, Cái Bè Cạn, Cái Da Nhỏ, Cái Dao Dưới, Cái Dao Trên, Cái Dầu, Cái Dầu Bé, Cái Đôi, Cái Dứa, Cái Gia Nhỏ, Cái Hạt, Cái Nín, Cái Sao, Cái Sâu, Cái Sơn, Cái Tắc, Cái Tàu, Cái Tàu Hạ, Cái Tàu Thượng, Cái Xép (Đồng Tháp); Cái Hóp, Cái Già, Cái Già Bến, Cái Già Trên (Trà Vinh), v.v...

Bảng 1: Tiêu chí phân biệt sông, kinh (kênh), cái và rạch

Kích thước đường thủy Thiên tạo / Ăn ra sông Cách gọi tên
Nhân tạo
Lớn Thiên tạo Ăn ra sông lớn hơn hoặc không Sông
Lớn hoặc nhỏ Nhân tạo Ăn ra sông hoặc không Kinh (kênh)
Nhỏ Thiên tạo Ăn ra sông Cái (hoặc rạch)
Nhỏ Thiên tạo Không ăn ra sông Rạch

2.3. Cống + X

Hiện nay, ở Nam Bộ có hàng trăm địa danh cống + X. Phần lớn các cống này đều là công trình thủy lợi ngầm dưới đất(9) giúp nước lưu thông. Cống hiểu theo nghĩa đó là các loại cống hiện đại, vừa đáp ứng nhu cầu thủy lợi (tưới tiêu nước) vừa phục vụ giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, từ mấy trăm năm trước, khi vùng đất Nam Bộ còn thưa vắng người và giao thông đường thủy là chủ yếu, giao thông đường bộ hầu như chưa đặt ra, nghĩa là chưa có các cống ngầm như hiện nay, vậy mà khi đó đã có địa danh cống. Chẳng hạn: Cống Môn 槓門 ở thôn Tân Kiểng, tổng Dương Hòa, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An thời Gia Long.(10) Vậy chắc hẳn cống này không giống như các cống ngầm hiện nay chúng ta biết mà phải là một dạng địa hình đặc biệt nào khác.

Thật vậy, hai chữ 槓門 này được Lý Việt Dũng (Sđd) dịch là cống Môn (nghĩa là tên một cái cống) còn Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh và Đào Duy Anh dịch là cửa cống,(11) nghĩa là cả hai nhóm dịch giả đều thống nhất dịch 槓 là cống. Tuy nhiên, 槓 là chữ Hán được chữ Nôm mượn dùng để ghi âm cổng. Do đó chữ 槓 được các tự điển/ tự vị trước đó như Dictionarium Anamitico - Latinum (1772) của P.J. Pigneaux, Dictionarium Anamitico - Latinum (1838) của J. L. Taberd và Đại Nam quấc âm tự vị (1895-1896) của Huình Tịnh Paulus Của đọc là cổng, nghĩa là lối ra vào.

Chữ (Nôm) cổng 槓 này phải được hiểu là lối ra vào (đường tưới tiêu nước cũng chính là lối ra vào của nước) chứ không thể hiểu là cái cửa cổng, vì đương thời các ngôi chợ ở Nam Kỳ thậm chí còn chưa có mái che thì làm gì có cửa cổng.(12)

Ở  vùng Đồng Tháp Mười ngày trước có nhiều địa danh cống + X kiểu này. Đây là một bồn trũng nước tự nhiên nhiễm phèn nặng, không thể canh tác, do đó cần phải đào kinh tiêu úng rửa phèn thoát nước ra sông. Từ thời Nguyễn đã có nhiều đồn điền được lập ven Đồng Tháp Mười để tiến hành công việc này: Đào các kinh nhỏ từ nội đồng ra kinh lớn để tháo nước trong bồn trũng ra sông. Do đó, khảo sát ở địa bàn tỉnh Tiền Giang hôm nay, tức vùng ven Đồng Tháp Mười, thấy có nhiều địa danh xưa như: cống Bà Kỳ (xã Tân Phú, huyện Cai Lậy), cống Bà Láng (xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè), cống Bà Xá, cống Cả Sơn (xã Thanh Hòa, huyện Cai Lậy), cống Bộng, cống Đình, cống Ông Chủ, cống Tượng (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước), cống Chùa (xã Phú Cường, huyện Cai Lậy), cống Dứa (xã Tân Hội, huyện Cai Lậy), cống Huế (xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy), cống Trâu (xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè). Vùng đất này thuộc Đồng Tháp Mười, trước năm 1975 còn hoang vu, đường bộ chưa phát triển, nhưng các địa danh cống + X thì có trước đó từ rất lâu. Điều đáng nói hơn nữa là, từ xưa tới nay, tại các địa điểm tương ứng với các địa danh này chưa từng có cái cống ngầm nào được xây dựng cả. Nhất là đối với trường hợp cống Trâu, cống Tượng thì rõ ràng các cống này không thể là dạng cống ngầm như ngày nay (vì nếu như vậy thì trâu và voi/ tượng không thể chui vào đó(13)). Vậy các cống này là dạng địa hình gì?

Khảo sát thực tế tại các địa điểm có các địa danh nêu trên, dễ nhận thấy đây chính là các con kinh nhỏ tiêu nước từ nội đồng ra kinh lớn. Vậy các cống đang đề cập ở đây hoàn toàn khác với cống ngầm như ta biết ngày hôm nay, mà chính là các con kinh nhỏ dùng để thoát nước ở Đồng Tháp Mười. Các cống này là đường kinh nhỏ lộ thiên nên mới được sách Gia Định thành thông chí ghi bằng chữ các tự điển/ tự vị xưa nêu trên đọc theo âm Nôm là cổng (lối ra vào).

Hiện nay, ở Đồng Tháp Mười, người dân vẫn còn dùng từ cống để chỉ các con kinh thoát nước nhỏ này. Con kinh nào có quá nhiều cống thoát nước nhỏ kiểu này thì sẽ có hình dáng giống như các khoanh dây buộc dày khít trên đòn bánh tét, nên gọi là kinh Bánh Tét.(14) Khi đó, các cống (kinh nhỏ) này được gọi là cựa gà.(15)

Đồng thời, do đường bộ đã phát triển song song với nhu cầu thủy lợi và giao thông thủy nên nhiều cống ngày xưa giờ đã được nạo vét rộng ra và bắc cầu lớn hẳn hoi tại những điểm có đường bộ đi ngang. Do đó, từ vài chục năm nay đã xuất hiện các tên gọi: cầu Cống Bộng, cầu Cống Chùa, cầu Cống Huế, cầu Cống Tượng, v.v..., hiểu là cây cầu bắc ngang cống (kinh) Bộng, cống (kinh) Chùa, cống (kinh) Huế, cống (kinh) Tượng, tương tự như cầu Rạch Tượng. Như vậy, các địa danh mới này cũng góp phần cho biết các cống này có trước cầu (nên mới gọi là cầu Cống X) và nó vốn là con kinh, bởi nó là con kinh thì người ta mới bắc cầu ngang qua, chứ nếu đã là cái cống ngầm thì còn bắc cầu qua nó làm chi nữa.

Cuối cùng, điều đáng nói nữa là, cái cống (kinh nhỏ) thoát nước ngày xưa vốn chủ yếu xuất hiện ở vùng mới khai hoang để tiêu úng, đến sau này, khi các đô thị phát triển dẫn đến nhu cầu thoát nước tại đây rất cao, thì hàng loạt cống ngầm thoát nước mới xuất hiện và vẫn gọi là cống. Hệ quả là, ngày nay người ta biết đến cống (ngầm) chủ yếu ở các đô thị, trong khi nó vốn có xuất xứ từ xưa ở những vùng xa xôi hẻo lánh vừa mới khai hoang. 

2.4. Gãnh + X

Từ gành

Việt Nam có rất nhiều sông ngòi, địa hình lại phức tạp nên dòng chảy của các con sông thường không được suôn sẻ mà nhiều trường hợp có đá ngầm nổi lên dưới lòng sông, khiến cho dòng nước bị co thắt lại, chảy xiết và tạo nhiều xoáy nước rất nguy hiểm. Rất nhiều từ điển/ tự điển tiếng Việt gọi các đoạn sông như vậy là ghềnh (miền Bắc) hay gành (miền Trung và Nam Bộ), tức hầu hết đều cho gành là biến âm của ghềnh.(16)

Xét trên khía cạnh duy danh thì quả thực trải dài từ Bắc vào Nam có sự chuyển biến dần từ ghềnh sang gành. Khảo sát các địa danh từ Bắc vào Nam có thể nhận thấy: ở miền Bắc chỉ có địa danh mang yếu tố ghềnh, không có địa danh mang yếu tố gành; ở miền Trung vừa có địa danh mang yếu tố ghềnh, vừa có địa danh mang yếu tố gành còn ở Nam Bộ không có địa danh mang yếu tố ghềnh(17) mà chỉ có địa danh mang yếu tố gành.

Bảng 2: Sự phân bố tên gọi ghềnh/ gành ở ba miền

Địa danh miền Bắc Địa danh miền Trung Địa danh Nam Bộ
Yếu tố ghềnh + +/ - -
Yếu tố gành - +/ - +

Tuy nhiên, thực tế cho thấy gành ở Nam Bộ có nghĩa khác hẳn so với ghềnh

ở  Bắc và Trung: “Gành: chỗ đất đá gio gie bên mé biển”.(18) Lý do vì Nam Bộ có địa hình nhìn chung bằng phẳng, ngoại trừ một vài đoạn ngắn ở thượng nguồn sông Đồng Nai ra, hầu như khắp Nam Bộ không có ghềnh sông nào nguy hiểm như ở miền Bắc và Trung. Ngược lại, hầu hết các sông ở Nam Bộ đều có lượng phù sa cao, bồi đắp nên các bãi sông ven biển, tạo thành các doi đất lấn ra mé biển. Phương ngữ Nam Bộ gọi các doi đất này là gành. Khảo sát địa danh Nam Bộ chúng tôi ghi nhận được 10 địa danh mang yếu tố gành: Gành Hào, Gành Hào Lớn, Gành Hào Bé, Gành Rái (huyện Cần Giờ, TP HCM); Gành Dao, Gành Dầu, Gành Dinh Cậu, Gành Lớn (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang); Gành Hào (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau); cầu Gành (xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

…  đến gãnh

Ngoài 10 địa danh có yếu tố gành nói trên, ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre còn có 4 địa danh bắt đầu bằng yếu tố gãnh: gãnh Mù U (xã Bảo Thạnh), gãnh Bà Hiền(19) (xã An Thủy), gãnh Trên gãnh Dưới (xã An Hòa Tây).

Vậy gãnh là gì? Gãnhgành có liên hệ gì về nghĩa với nhau không?

Tra bản đồ, dễ nhận thấy các gãnh nói trên đều nằm sát cửa sông thuộc hệ thống sông Mekong. Nơi đây có lượng phù sa lắng đọng cao nhất nên hình thành các doi đất lấn dần ra cửa sông, hướng ra biển. Do là khu bãi bồi mới định hình, hẻo lánh và nước nhiễm mặn nặng khó canh tác nên cư dân thưa thớt, là nơi định cư của dân nghèo khó, sa cơ.

Như vậy, gãnh đích thực chính là gành, tức dạng địa hình doi đất gie ra ở cửa sông.

Nơi chôn nhau cắt rốn của Phan Thanh Giản ở gãnh Mù U nên ông lấy hiệu là Lương Khê 梁溪,(20) biệt hiệu là Mai Xuyên 梅川. Lương 梁 là dải đất doi ra mé sông, Khê 溪 là dòng nước, vậy Lương Khê nghĩa là nơi dòng nước có doi đất ở mé sông, tức là cách dịch Hán hóa từ gãnh trong tiếng Việt. Còn Mai Xuyên chính là con sông ven bờ có nhiều cây nam mai (tức cây mù u). Tóm lại, hiệu và biệt hiệu của Phan Thanh Giản chính là cách dịch Hán hóa của gãnh Mù U, nơi chôn nhau cắt rốn của ông.

Nói cách khác, hiệu và biệt hiệu của Phan Thanh Giản đã góp phần minh định nghĩa của địa danh gãnh Mù U: gãnh đây chính là gành (doi đất ven sông/ biển), còn mù u (cũng gọi là nam mai - cây mai phương nam) là tên một loài cây thân gỗ thường mọc ở mép nước, lá tròn, cứng, hoa trắng, trái tròn màu xanh, khi chín chuyển sang màu nâu.(21)

Nhưng tại sao dân địa phương không gọi là gành như những nơi khác mà lại gọi là gãnh?

Có thể lý giải như sau:

Ở  vùng này có hai doi đất lớn ven cửa sông, lẽ ra gọi là gành Mù Ugành Bà Hiền (gành Trên gành Dưới nhỏ hơn nhiều nên không bàn tới). Tuy nhiên, hai tổ hợp này (gành Mù Ugành Bà Hiền) toàn vần bằng, riêng gành Bà Hiền toàn thanh huyền, gây khó khăn trong việc phát âm. Trong trường hợp này tiếng Việt sẽ xuất hiện luật dị hóa (dissimilation) về mặt phát âm, biến gành thành gãnh, tức biến thanh huyền thành thanh ngã cùng âm vực.(22) Hiện tượng biến thanh huyền thành thanh ngã để tạo ra từ mới đồng nghĩa là khá phổ biến trong tiếng Việt, chẳng hạn: cồi (còi)→ cỗi, hầm → hẫm, rồi → rỗi.

Hiện tượng đắp đổi giữa hai thanh điệu cùng âm vực(23) như vậy là rất phổ biến để cấu tạo nên từ láy và chi phối quy luật biến âm trong tiếng Việt, đến mức trở thành một thứ mẹo luật chính tả.(24)

Một khi gành Mù U biến âm thành gãnh Mù U, gành Bà Hiền biến âm thành gãnh Bà Hiền thì tự nhiên gành Trên gành Dưới ở bên cạnh cũng sẽ bị “hưởng ứng” cái đà dị hóa này mà biến âm thành gãnh Trên, gãnh Dưới. Kết quả là trong khi 10 gành khác vẫn cứ là gành thì riêng 4 cái gành ở Ba Tri bị biến âm thành gãnh mà trong đó thường được nhắc tới là gãnh Mù U.

Nói tóm lại, các gãnh này là biến âm của gành, tức doi đất lớn sát mé

sông, gần cửa biển. Có nhiều người không hiểu điều này nên giải thích sai lầm, rằng gãnh này là biến âm của rãnh, tức đường nước nhỏ hẹp. Cách giải thích này tưởng chừng như hợp lý, vì nó xuất hiện ở miền Tây, nơi hiện tượng nói trại âm “g” thành “r” vốn khá phổ biến. Nhưng nếu căn cứ vào thực địa nơi có các địa danh có yếu tố gãnh + X sẽdễ nhận ra ở đó không có rãnh (đường thoát nước nhỏ) nào cả, vì là doi đất bồi ven cửa sông.

2.5. Tràm + X

Nam Bộ là vùng đất thấp nên thuận lợi cho cây tràm phát triển, do đó mà có hàng trăm địa danh có yếu tố Tràm. Tuy nhiên, phần lớn các yếu tố Tràm này đứng sau một loại từ khác theo công thức X + Tràm, chẳng hạn: rạch Tràm, lung Tràm, cầu Tràm, v.v... Cá biệt, ở Nam Bộ lại có vài chục địa danh mà yếu tố Tràm lại đứng đầu để làm loại từ theo công thức Tràm + X. Trong trường hợp này, Tràm vốn là danh từ khối lại được dùng làm loại từ.

X + Tràm: Tràm là danh từ khối;

Tràm + X: Tràm là loại từ.

Con số thống kê Tràm + X này lên tới 29 tên (Tràm Cát, Tràm Chẹt, Tràm Chim, Tràm Chúc, Tràm Cù Lao Dài, Tràm Chúc, Tràm Cù Lao Dung, Tràm Cu, Tràm Cứa, Tràm Dơi, Tràm Gộc, Tràm Lạc, Tràm Láng, Tràm Lầy, Tràm Lớn, Tràm Lụt, Tràm Một, Tràm Mù, Tràm Sập, Tràm Sình, Tràm Soái, Tràm Thẻ, Tràm Thuật, Tràm Tròn, Tràm Tôm, Tràm Trích (Tràm Chích), Tràm Tróc, Tràm Trổi, Tràm Xuyên,…), cho thấy đây chính là một hiện tượng chuyển loại của từ đáng quan tâm.(25)

Học giả An Chi, trong một loạt bài viết,(26) đã ra sức chứng minh rằng các địa danh nói trên thực ra có công thức Chằm + X, bị siêu chỉnh Chằm thành Tràm, vì ông cho rằng chỉ có Chằm mới có tư cách loại từ còn Tràm thì không.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chủ trương rằng trong Tràm + X thì Tràm là loại từ chứ không phải do Chằm bị nói trại thành. Bởi lẽ, từ xưa tới nay ở Nam Bộ không hề có bất kỳ địa danh nào có công thức Chằm + X cả. Và cho tới hôm nay cũng chưa có ai chỉ ra được ở Nam Bộ (từng) có cái chằm nào, ngược lại có đến ít nhất 29 địa danh Tràm + X.

Hơn nữa, giả sử cứ cho là Chằm Chim bị siêu chỉnh thành Tràm Chim thì tại sao cho tới hôm nay ở Nam Bộ vẫn còn ít nhất 2 địa danh có công thức tương tự như Tràm Chim (Loại từ “Tràm” + danh từ khối), mà yếu tố sau không thể nào tương hợp được về nghĩa với yếu tố đứng trước nếu yếu tố đứng trước là Chằm:

-  Tràm Kiến (xã Châu Hưng, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng). Nếu là Chằm Kiến thì kiến sao lại ở nơi chằm là vùng ngập nước?

-  Tràm Lựu (xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau). Nếu là Chằm Lựu thì lựu làm sao sống được dưới chằm nước?

Vả lại, xét về mô hình trọng âm thì Chằm Chim [sic] là một danh ngữ có cấu tạo danh từ + định ngữ nên có mô hình trọng âm [0 – 1](27) (nghĩa là trọng âm nằm

ở  âm tiết sau). Mô hình này cho thấy tiếng đầu (Chằm) bị nhược hóa (reduction) nên chịu sự đồng hóa (assimilation) mạnh mẽ về ngữ âm của tiếng sau (Chim), mà trước hết là âm CH-. Ở huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang có con rạch tên là Tràm Sập.(28) Chính danh là Tràm Sập nhưng dân gian thường nói trại thành Sầm Sập [sic], tức là tiếng đầu (Tràm) yếu nên bị tiếng sau (Sập) đồng hoá, biến TR-thành S-.

Theo quy luật đồng hóa này, giả sử có tồn tại địa danh Chằm Chim thì âm CH- trong Chằm phải được bảo lưu để đồng hóa với âm CH- trong Chim. Vậy mà ông An Chi lại chủ trương ngược lại: Âm CH- ở đây bị “siêu chỉnh” thành TR-, tức là dị hóa (dissimilation). Một âm tiết yếu, đang bị đồng hóa, có khi nào bỗng dưng “vùng dậy” để dị hóa như vậy hay không, nếu không có chủ ý cá nhân của một người nào đó?

Nếu lập luận như ông An Chi thì, tại sao 100% dân Nam Bộ lại phải “quyết tâm” từ bỏ âm CH- (âm mặt lưỡi, dễ phát âm) để đổi lấy âm TR- (âm quặt lưỡi, khó phát âm)?(29) Tại sao lại có chuyện chuyển đúng thành sai, chuyển dễ thành khó như vậy được?

Do đó, về các địa danh Tràm + X, chúng tôi vẫn chủ trương rằng Tràm này ban đầu là danh từ khối nhưng được chuyển thành loại từ dùng để chỉ một loại địa hình trũng thấp bao la mà cây tràm chiếm ưu thế. Kiểu loại từ này kể ra cũng khá đặc biệt và mang đậm dấu ấn sáng tạo của lưu dân người Việt ở địa bàn mới phương Nam buổi đầu, nơi mà cây tràm đóng vai trò chủ đạo.(30) Đặc biệt và mới mẻ không có nghĩa là không có tư cách ra đời và tồn tại. Trái lại, như thế đó mới thực là biểu hiện của quy luật sáng tạo không ngừng của ngôn ngữ.(31)

Tóm lại, trong các địa danh Tràm + X ở Nam Bộ, Tràm là loại từ chỉ một dạng địa hình, tương tự như lung, láng… chứ không phải là từ chỉ chủng loại (cây tràm).

2.6. Voi + X

Nếu để ý sẽ thấy hầu hết các địa danh Voi + X đều đối ứng với các mõm đất gie ra ở mé sông thuộc ĐBSCL như: (cầu) Voi Cái Mòi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), voi Chùa (xã Tam Giang Đông, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), (ấp) Voi Đình (xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, Long An), (ấp) Voi Lá (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, Long An), (ấp) Voi Lá (xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, Long An), (kinh) Voi Vàm (xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), (chợ) Voi Vịnh Lở (xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp).

ĐBSCL là vùng châu thổ trũng thấp được phù sa sông Mekong bồi đắp, nên địa hình nhìn chung trũng thấp, không thuận lợi cho loài voi sinh sống. Vả lại, người dân ĐBSCL có thói quen dùng tượng phổ biến hơn là voi, chẳng hạn: cống Tượng, láng Tượng, lung Tượng, núi Tượng,(32) v.v…

Nhưng quan trọng hơn, xét về mặt ngữ pháp, nếu voi là danh từ khối thì không thể kết hợp chặt với danh từ khối khác phía sau để làm thành địa danh, mà chỉ có thể nhìn nhận voi là loại từ, tức do doi bị nói trại thành, vì trong phương ngữ Nam Bộ voi với doi được phát âm giống nhau. Nói cách khác Voi + X này chính là hình thức viết sai chính tả từ Doi + X: (cầu) Doi Cái Mòi, doi Chùa, (ấp) Doi Đình, (ấp) Doi Lá,(33) (kinh) Doi Vàm, (chợ) Doi Vịnh Lở.

3. Một vài nhận xét

Địa danh, ngay bản thân danh xưng này đã mang nội hàm tính địa phương và tính thực tiễn sâu sắc. Do đó, nghiên cứu địa danh, ngoài những kiến thức chung về ngôn ngữ học ra, còn phải vận dụng một loạt kiến thức về địa phương như: lịch sử địa phương, địa lý địa phương, ngữ âm địa phương v.v… Những vấn đề về địa phương như thế buộc người nghiên cứu phải ra công đi điền dã để thâm nhập thực tế địa bàn thay vì chỉ trông cậy vào từ điển/ tự điển và các công trình khảo cứu sẵn có. Một bộ từ điển/ tự điển dù có uy tín đến đâu cũng không thể thay thế cho thực tiễn địa lý và thực tiễn ngôn ngữ, xã hội.(34)

Đặc biệt, Nam Bộ là địa bàn mới, có quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa, ngôn ngữ mạnh mẽ, cách phát âm địa phương lại khá dễ dãi nên dễ dẫn đến nhầm lẫn, ngay cả đối với chính quyền địa phương. Địa danh dân gian thì có thể chấp nhận những hình thức đa dạng, phong phú, nhưng một khi nó trở thành địa danh hành chính và địa danh chỉ công trình xây dựng thì cần phải chuẩn hóa để bảo đảm tính chính xác, tránh trở ngại về mặt thông tin. Thực tế cho thấy các địa danh có công thức búng + X, cái + X, cống + X, gãnh + X, tràm + X, voi + X ở Nam Bộ đang bị rất nhiều người hiểu lầm, kể cả một số chuyên gia về tiếng Việt và chính quyền địa phương. Do đó, nội dung bài viết này, như đã nêu trên, cần phải được quan tâm tranh luận để chỉnh lý, bổ sung hay phủ chính.

L C L

CHÚ THÍCH

  1. Chẳng hạn: ao, bãi, bàu, bùng binh, búng, bưng, cái, cạnh, cổ cò, cổ hũ, cồn, cù lao, đầm, đảo, đập, đìa, dớn, gành, gãnh, gãy, giáp nước, giồng, hồ, hố, hóc, hòn, khém, kinh/ kênh, láng, lòng, lung, mũi, mương, ngã, ngọn, rạch, rộc, rỏng, sình, tắc/ tắt, tràm, trấp, ụ, vàm, vịnh, vũng, xáng, xẻo/ xép, v.v…
  2. Thậm chí chính quyền địa phương có khi cũng hiểu lầm, hiểu sai địa danh, dẫn đến viết sai địa danh. Chẳng hạn, viết Búng Xáng thành Bún Xáng (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), Tràm Một thành Trầm Một (xã Tân Hòa Thành, Tân Phước, Tiền Giang), Doi Vàm thành Voi Vàm (xã Tam Giang Tây, Ngọc Hiển, Cà Mau), viết Doi Lá thành Voi Lá (thị trấn Bến Lức và xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, Long An), v.v…
  3. Chẳng hạn: Nguyễn Hữu Hiệp (2011), “Diện mạo các thủy hình, thủy mạch đặc trưng; khẩu ngữ về trạng thái nước và những tiếng người Nam Bộ thường dùng trong sinh hoạt đời sống có cội nguồn từ sông nước”, tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 4 (41); Nguyễn Hữu Hiếu (2014), “Ở đồng bằng sông Cửu Long chưa bao giờ có nước lũ”, Ấn phẩm Đồng Tháp xưa & nay, số 38; Lê Trung Hoa (2012), “Từ địa phương Nam Bộ chỉ địa hình trong địa danh Việt Nam” (bản thảo).

(4)                          “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa,

Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương” (Ca dao).

  1. Trong Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ và tiếng Việt văn học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005.
  2. Imprimerie de la Mission à Tân Định, Saigon, p. 61. Việt ngữ chánh tả tự vị của Lê Ngọc Trụ cũng ghi nhận ngữ nguyên này.
  3. Trích trong Lê Hương (1969), Người Việt gốc Miên, Tác giả xb, Sài Gòn, tr. 255-264.
  4. Đường thủy nhân tạo gọi là kinh (kênh). Tuy nhiên, trong quá trình làm thủy lợi, người ta thường dựa theo các con rạch (thiên tạo) để đào thành kinh, làm xuất hiện các tên gọi phức tạp như Kinh Rạch + X (như kinh Rạch Cơ, kinh Rạch Dinh, kinh Rạch Già, v.v...) hoặc Kinh Cái + X (như kinh Cái Hố, kinh Cái Nước, kinh Cái Sắn, v.v...).
  5. Hoặc có khi lộ thiên.
  6. Theo Trịnh Hoài Đức (1820?, tái bản 2005), Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, tr. 121 (phần dịch), 245 (phần nguyên văn).
  7. Theo Trịnh Hoài Đức (1820?, tái bản 1999), Gia Định thành thông chí, Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 86.
  8. Trong hồi ký Xứ Đông Dương (L’Indo-chine française, 1905), Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cho biết: “Ở Nam Kỳ chưa có khu chợ nào có mái che trước khi chúng ta đến. Ngày xưa chợ họp ngay trong làng hoặc trên một mảnh đất rìa làng”. Paul Doumer (1905, tái bản 2016), L’Indo-chine française (Xứ Đông Dương), Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 122.
  9. Trường hợp này chỉ có thể hiểu cống Trâu là con kinh nhỏ có trâu lội hay nằm vùng ở đó. Tương tự đối với cống Tượng.
  10. Chẳng hạn: kinh Bánh Tét ở xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy, Tiền Giang.
  11. Chẳng hạn: Cựa Gà ở xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang.
  12. Chẳng hạn: Văn Tân chủ biên (1967), Từ điển tiếng Việt, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội; Lê Ngọc Trụ (1967), Việt ngữ chánh tả tự vị, Khai trí xb, Sài Gòn; Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ (1972), Tự điển Việt Nam, Khai trí xb, Sài Gòn; Huỳnh Công Tín (2007), Từ điển từ ngữ Nam Bộ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội; Hoàng Phê chủ biên (2008), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng; Vũ Văn Kính (2002), Đại tự điển chữ Nôm, Nxb Văn nghệ, TP HCM, v.v...
  13. Ở xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vốn có địa danh cầu Gành, nhưng do cách viết của người miền Bắc nên hiện nay bảng hiệu cầu được viết cầu Ghềnh. Theo Phan Đình Dũng-Nguyễn Thanh Lợi (2010), Hỏi đáp về Biên Hòa - Đồng Nai, Nxb Đồng Nai, tr. 402.
  14. Huình Tịnh Paulus Của (1895-1896, tái bản 1998), Đại Nam quấc âm tự vị, Nxb Trẻ, TP HCM, tr. 348. Định nghĩa này được Lê Ngọc Trụ chép theo trong Việt ngữ chánh tả tự vị.

(19)                        Tiếng đồn gái gãnh Bà Hiền,

ăn thuần hậu, ấy duyên với mình (Ca dao).

  1. Tập san Sử địa, số 7 (năm 1967), tr. 175.
  2. Địa bàn Bến Tre có mật độ sông nước cao nhất ĐBSCL (cả tỉnh là 3 dải cù lao) nên có rất nhiều mù u. Chính Lãnh binh Thăng (Nguyễn Ngọc Thăng) xuất thân từ Bến Tre đã có sáng kiến dùng trái mù u làm vũ khí để đánh Pháp, gọi là “trận chiến mù u”.
  3. Từ điển từ ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín (Sđd, tr.536) ghi nhận gảnh (dấu hỏi) là biến âm của gành, tức là đã vi phạm luật biến âm cùng âm vực.
  4. Âm vực cao gồm các thanh: ngang, sắc, hỏi; âm vực thấp gồm các thanh: huyền, nặng, ngã.
  5. Để viết đúng dấu hỏi, dấu ngã xưa nay có mẹo luật được phát biểu bằng đôi câu lục bát theo kiểu khoán yêu như sau: “Anh Huyền mang nặng ngã đau,/ Em Ngang sắc thuốc hỏi đau chỗ nào”. Thí dụ: đằng đẵng (huyền - ngã), chậm rãi (nặng - ngã), trắng trẻo (sắc - hỏi), thăm thẳm (ngang - hỏi).
  6. Từ năm 2013 đến nay, học giả An Chi có tới 5 bài viết về địa danh Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) đăng trên Năng lượng mới/ Petrotimes (các số ra ngày 15/4/2013, 06/6/2014, 22/3/2015, 11/4/2015, và 19/4/2015). Đó là chưa kể bài của ông trước đó trên Kiến thức ngày nay số 599 (1/4/2007). Sở dĩ ông An Chi phải viết nhiều bài như vậy là vì có nhiều bài tranh luận với ông về đề tài này, mà tiêu biểu là hai ông Nguyễn Hữu Hiếu và Nguyễn Thanh Thuận.

Trong 5 bài đăng trên Năng lượng mới, ông An Chi dùng rất nhiều lý lẽ và dẫn chứng để bảo vệ quan điểm: “Gút lại, xin khẳng định rằng “tên cúng cơm” của Vườn Quốc gia Tràm Chim chỉ đơn giản và chính xác là Chằm Chim chứ không phải “Trầm Chim” hay “Tràm Chim” gì cả” (Petrotimes ngày 15/4/2013). Và ông đưa ra công thức mà ông cho rằng theo đó địa danh Chằm Chim [sic] bị “siêu chỉnh” (hypercorrection): Chằm Chim → Trầm Chim

Tràm Chim.

Trong khi đó, các quan điểm tranh luận với ông An Chi thì ra sức bảo vệ danh xưng “Tràm Chim”: “Tên gọi Tràm Chim, trong đó Tràm là một dạng địa hình sông nước đặc biệt ở Nam Bộ… chỉ nơi trũng thấp, nước ngập quanh năm” (Nguyễn Hữu Hiếu, “Bàn về địa danh Tràm Chim”, Xưa & Nay số 447, tháng 5/2014).

Vấn đề tưởng phức tạp đó cuối cùng được ông An Chi gút lại: “Nếu… tác giả Nguyễn Hữu Hiếu mà chứng minh được rằng trong tiếng Việt, người ta có thể nói theo cách của những danh ngữ trên đây [Xoài Chim, Mít Chim, Nhãn Chim] thì chúng tôi sẵn sàng tuyên bố rằng những bài chúng tôi đã viết về “Tràm Chim” đều vô giá trị” (Petrotimes ngày 22/3/2015).

Như vậy, cả hai quan điểm đối lập trên đều thống nhất nhau ở chỗ nhìn nhận địa danh Tràm Chim/ Chằm Chim [sic] có cấu tạo theo công thức: Loại từ + danh từ khối

Vấn đề chỉ còn là: Một bên (ông An Chi) thì cho rằng, trong “Tràm Chim” thì “Tràm” không thể là loại từ còn một bên (ông Nguyễn Hữu Hiếu) thì cho rằng “Tràm” chính là loại từ.

Do phủ nhận loại từ “Tràm” nên ông An Chi cho rằng “Tràm Chim” là “một cái tên méo mó, vô nghĩa” (vì nó không tuân theo quy tắc ngữ pháp tiếng Việt) và ông đề nghị tên khác là “Chằm Chim” (với loại từ “chằm” là “vùng đất thấp và rộng bỏ hoang, thường bị ngập nước”).

Phía ông Nguyễn Hữu Hiếu thì cho rằng tràm là một dạng địa hình sông nước” nên có tư cách là loại từ, xuất hiện trong các địa danh thuộc tỉnh Đồng Tháp như: Tràm Dơi, Tràm Sình, Tràm Cù Lao Dung, Tràm Thầy Ba Vỹ. Để củng cố thêm lập luận, ông Nguyễn Hữu Hiếu cho rằng, “Người Việt Nam Bộ thường phát âm /tr/ thành /ch/ chớ không ngược lại; [] phương ngữ Nam Bộ không có từ tố [sic] chằm để chỉ vùng ngập nước hoang hóa đầy lau sậy”. Và ông kết luận: “Địa danh Chằm Chim chỉ là một địa danh ảo”.

  1. Như ở chú thích số 25.
  2. [0] là khinh âm, [1] là trọng âm.
  3. Nằm ở ranh giới giữa hai xã Phú Mỹ và Hưng Thạnh.
  4. Mặc dù vẫn có một bộ phận phát âm lẫn lộn, nhưng phần lớn dân Nam Bộ vẫn phát âm phân biệt CH- và TR-. So với CH-, TR- khó phát âm hơn nhiều. Trẻ con tập nói thường nói âm môi (“mẹ”, “má”, “mum”…) và âm mặt lưỡi (“cha”, “chơi”…) trước, các âm tiết khác thường nói đớt quy về một trong hai âm này. Riêng phần lớn người dân tỉnh Bến Tre đều không phát được âm TR-.
  5. Ở Nam Bộ hiện nay vẫn còn hàng trăm địa danh có từ Tràm đã chứng tỏ điều này.
  6. Thực tế phương ngữ Nam Bộ còn có một loại từ chỉ địa hình còn đặc biệt hơn nữa là từ gãy trong địa danh gãy Cờ Đen ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Đầu thế kỷ XX, tại đây chỉ có 2 con kinh là kinh Lagrange và kinh Quatre Bis hợp thành một góc nhọn gãy khúc. Tại đây người ta cắm một cây cờ đen làm hiệu, nên gọi là gãy Cờ Đen. Ngôi chợ mọc lên tại đó gọi là chợ Gãy tương tự như chợ Giồng, chợ Gò, chợ VàmGãy ở đây đích thị là loại từ chỉ một dạng địa hình sông nước, tương tự như Tràm trong Tràm Chim.
  7. Địa danh núi Tượng đã có từ lâu đời còn tên xã Núi Voi (huyện Tịnh Biên, An Giang) chỉ xuất hiện từ năm 2003.
  8. Doi Lá là doi đất ven sông có nhiều cây dừa nước mọc (loại cây dùng để lấy lá lợp nhà). Ở Nam Bộ, ngày trước người ta dùng lá dừa nước để lợp nhà rất phổ biến, nên từ thường để chỉ là dừa nước, chẳng hạn Đám lá tối trời (nơi Trương Định lập căn cứ chống Pháp) chính là vùng rừng lá dừa nước.
  9. Không thể biện luận như ông An Chi: Trong các thế kỷ trước, ở Nam Bộ có vài bộ từ điển ghi nhận từ chằm thì nhất định thời đó ở Nam Bộ phải có chằm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. An Chi (2007, 2015), các bài viết về địa danh Tràm Chim đăng trên Kiến thức ngày nay số 599 (1/4/2007) và Năng lượng mới/ Petrotimes (các số ra ngày 15/4/2013, 06/6/2014, 22/3/2015, 11/4/2015, và 19/4/2015).
  2. Bình Nguyên Lộc (1972), Lột trần Việt ngữ, Nxb Nguồn xưa, Sài Gòn.
  3. Hoàng Phê chủ biên (2008), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.
  4. Huình Tịnh Paulus Của (1895-1896, tái bản 1998), Đại Nam quấc âm tự vị, Nxb Trẻ, TP HCM.
  5. Huỳnh Công Tín (2007), Từ điển từ ngữ Nam Bộ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  6. J.L. Taberd (1838), Dictionarium Anamitico - Latinum, J.Marshnam, Serampore (Bengale).
  7. J. F. M. Génibrel (1898), Dictionnaire annamite - français, Imprimerie de la Mission à Tân Định, Saigon.
  8. Lê Công Lý (2015), “Tại sao gọi là gãnh Mù U?”, tạp chí Xưa & Nay, số 466, tháng 12/2015.
  9. Lê Hương (1969), Người Việt gốc Miên, Tác giả xb, Sài Gòn.
  10. Lê Ngọc Trụ (1967), Việt ngữ chánh tả tự vị, Khai trí xb, Sài Gòn.
  11. Lê Trung Hoa (2005), Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ và tiếng Việt văn học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  12. Lê Trung Hoa (2015), Từ điển địa danh Nam Bộ, Đề tài Quỹ Nafosted (bản thảo).
  13. Lê Trung Hoa (2016), “Từ địa phương Nam Bộ chỉ địa hình trong địa danh Việt Nam” (bản thảo).
  14. Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ (1972), Tự điển Việt Nam (2 quyển), Khai trí xb, Sài Gòn.
  15. Nguyễn Hữu Hiệp (2011), “Diện mạo các thủy hình, thủy mạch đặc trưng; khẩu ngữ về trạng thái nước và những tiếng người Nam Bộ thường dùng trong sinh hoạt đời sống có cội nguồn từ sông nước”, tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 4 (41).
  16. Nguyễn Hữu Hiếu (2014), “Ở Đồng bằng sông Cửu Long chưa bao giờ có nước lũ”, Ấn phẩm Đồng Tháp xưa & nay, số 38.
  17. Nguyễn Hữu Hiếu (2014), “Bàn về địa danh Tràm Chim”, tạp chí Xưa & Nay số 447 (tháng 5/2014).
  18. Nhiều tác giả (1967), tập san Sử địa, số 7, Sài Gòn.
  19. Paul Doumer (1905, tái bản 2016), L’Indo-chine française (Xứ Đông Dương), Nxb Thế giới, Hà Nội.
  20. Phan Đình Dũng - Nguyễn Thanh Lợi (2010), Hỏi đáp về Biên Hoà – Đồng Nai, Nxb Đồng Nai.
  21. P.J. Pigneaux (1772), Dictionarium Anamitico - Latinum, bản chép tay.
  22. Trịnh Hoài Đức (1820?, tái bản 1999), Gia Định thành thông chí, Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  23. Trịnh Hoài Đức (1820?, tái bản 2005), Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch, Nxb Tổng hợp Đồng Nai.
  24. Văn Tân chủ biên (1967), Từ điển tiếng Việt, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  25. Vũ Văn Kính (2002), Đại tự điển chữ Nôm, Nxb Văn nghệ, TP HCM.

*    Lê Công Lý, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP HCM.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (129), 2016

TÓM TẮT

Chúng tôi phân tích tầm quan trọng của các thế hệ truyền giáo đạo Chúa Jesus dưới sự bảo trợ của Bồ Đào Nha đối với việc thực hiện chữ Quốc ngữ [ngôn ngữ quốc gia] ở Việt Nam ngày nay và sự miêu tả ngôn ngữ học các thanh điệu tiếng Đàng Ngoài (Annamese hay Tonkinese – những tên gọi trước đây của tiếng Việt). Cụ thể, chúng tôi phân tích văn bản Manuductio ad Linguam Tunckinensem (khoảng 1745 [bản đầu 1623]) của Francisco de Pina, S.J.(1585/1586–1625),và Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum và phần viết về ngữ pháp Linguae Annamiticae seu Tunchinensis Brevis Declaratio (Rome 1651)của Alexandre de Rhodes, S.J. (1593–1660). Chúng tôi chứng minh rằng Pina thực sự là người đầu tiên dùng hệ thống Latin hóa tiếng Việt và biện luận rằng ông là người đầu tiên miêu tả sáu thanh điệu của ngôn ngữ này một cách chi tiết. A. de Rhodes đã phát triển kiến thức của Pina, cụ thể là những điều được nói rõ trong miêu tả các thanh điệu tiếng Đàng Ngoài. Chúng tôi cũng lý giải rằng Rhodes sử dụng các từ điển đã thất lạc của Gaspardo Amaral, S.J. (1594–1646) và AntónioBarbosa, S.J. (1594–1647), màbằng chứng chủ yếu là việc dùng chữ kép <nh>của chính tả tiếng Bồ Đào Nha ghi âm vị /ɲ/.

GIỚI THIỆU

Chúng tôi phân tích công trình của các nhà truyền giáo tiên phong người Bồ Đào Nha ở Việt Nam trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XVII và văn bản siêu ngôn ngữ (metalinguistic) của họ. Bài viết có kết cấu như sau: trước hết chúng tôi trình bày bối cảnh lịch sử của những khám phá của Bồ Đào Nha, sự thành lập Hội Bảo trợ Bồ Đào Nha hay Ius Patronatus [Right of Patronage]theo các sắc lệnh của giáo hoàngvà tầm quan trọng của chúng đối với việc truyền bá đạo Chúa Jesus ở Đông Nam Á, cụ thể là Macau, nơi trở thành trung tâm của đạo Chúa Jesus ở Trung Quốc, Nhật Bản và các nước láng giềng, mặc dù nó chỉ là một Phụ Tỉnh. Sau đó, chúng tôi sẽ nói đến các hoạt động của các giáo sĩ tiên phong phục vụ dưới sự bảo trợ của Bồ Đào Nha, chủ yếu là các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Francisco de Pina, S.J. (1585/1586–1625), Gaspar do Amaral, S.J. (1594–1646) và António Barbosa, S.J. (1594–1647), và giáo sĩ người Pháp, Alexandre de Rhodes, S.J. (1593–1660).

Chúng tôi miêu tả các công trình siêu ngôn ngữ về tiếng Việt được xuất bản đầu tiên, như Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum và Linguae Annamiticae seu Tunchinensis Brevis Declaratio (Rome 1651) của Alexandre de Rhodes và các nguồn chính của chúng. Phần này được chia làm hai phần nhỏ. Trong phần thứ nhất, chúng tôi sẽ phân tích việc áp dụng hệ thống Latin hóa hiện giờ gọi là Quốc ngữ [ngôn ngữ quốc gia] và chính tả tiếng Bồ Đào Nha trong tiếng Việt, cụ thể là sự thể hiện âm vị /ɲ/ bằng chữ kép <nh> Bồ Đào Nha. Ở phần hai chúng tôi sẽ phân tích rõ ảnh hưởng của Francisco de Pina trong miêu tả của Rhodes về sáu thanh điệu của tiếng Đàng Ngoài, so sánh văn bản Manuductio ad linguam Tunchinensem (khoảng 1745 [trước 1623]) của Pina và Linguae Annamiticae seu Tunchinensis Brevis Declaratio (Rome 1651) của de Rhodes.

BỐI CẢNH LỊCH SỬ[1]

Hiệp ước Tordesillas (7/6/1494) và Zaragoza (22/4/1529), ký giữa vua Bồ Đào Nha và vua Tây Ban Nha quy định phạm vi ảnh hưởng hay các phần lãnh thổ thuộc địa/truyền giáo của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở phương tây và phương đông. Hai nước chia thế giới làm hai phần ngang nhau, phần đất giữa 370 dặm (khoảng 2,193 km) tây các đảo Cabo Verde (khoảng 46thkinh độ tây) và 297,5 dặm (khoảng 142ndkinh độ đông) thuộc về Bồ Đào Nha. Ngoài ra đối với các nước Thiên Chúa giáo như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, sự ủy quyền của Giáo hoàng đối với thuộc địa là bắt buộc vì lý do chủ yếu là hướng người bản xứ đến với đạo Chúa Jesus.

Theo đó, sau năm 1452, với sắc lệnh Dum Diversas (8/6/1452) và chủ yếu là sắc lệnh Romanus Pontifex (8/1/1455), Giáo hoàng Nicholas V (1397–1455) đã trao cho vua Bồ Đào Nha, D. Afonso V (1432–1481) Ius Patronatus [Quyền Bảo trợ] và toàn quyền pháplý đối với các vùng đất đã và sẽ tiếp tục phát hiện được ở nước ngoài (xem, ví dụ: Rego 1940, tr.7-8, Jacques 1999: 43-52). Các quyền này (và các bổn phận) được ghi trong sự giám quản riêng của các hoạt động hành chính và truyền giáo ở các vùng đất hải ngoại, việc thành lập các xứ đạo, giáo khu, việc thụ phong giám mục và các phúc lợi thuộc giáo hội, tài trợ cho các tăng lữ (thường kỳ và thế tục) cũng nhưviệc xây dựng và giám quản các nhà thờ, trường học và tu viện, v. v… (Sena 2014, tr. 91–92).

Các giáo sĩ Bồ Đào Nha – hay những ai phục vụ dưới sự bảo trợ của Bồ Đào Nha – lúc ban đầu không biết ngôn ngữ bản xứ. Họ đem theo thông dịch, dịch giả hay “linguas” như họ được biết. Như vậy một trong những công việc đầu tiên của họ là học ngôn ngữ của người bản xứ và viết các bài giảng đạo, các cuốn hội thoại, từ điển và ngữ pháp để giao tiếp với người bản xứ và để dạy các nhà truyền giáo đến sau họ.

Điều đó rất quan trọng sau khi Giáo hoàng Paul III (1468-1549) thành lập Dòng Tên (Society of Jesus) năm 1540, Công đồng Trento (1545–1563) và đặc biệt đối với châu Á, năm Hội đồng địa phận đầu tiên của Goa ở Ấn Độ (1567, 1575, 1585, 1592 và 1606), đã để lại một cuộc cách mạng về tôn giáo và xã hội của đế chế Bồ Đào Nha ở châu Á (Souza 2008, tr. 424).Mục đích chính là đảm bảo đầy đủ các giáo luật của Công đồng Trento hay Chấn hưng Tôn giáo(Counter-Reformation) đến các thực tế ở Phương Đông. Chẳng hạn, một trong những đề nghị của Hội đồng địa phận thứ ba ở Goa (1585) là xuất bản phép giảng bằng tiếng Bồ Đào Nha và tiếng bản xứ để truyền bá tốt hơn tín ngưỡng đạo Thiên chúa (Faria 2013, tr. 227; cũng xem Fonseca 2006, tr. 87).

Sự có mặt của người Bồ Đào Nha ở Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam xuất hiện vào giữa thế kỷ XVI (xem, ví dụ: Jacques 1999).Giáo khu rộng lớn ở Goa (Ấn Độ), được xây dựng theo sắc lệnh Romani pontificis circumspection (31/1/1533) của Giáo hoàng Clement VII (1478–1534) về pháp lý bao trùm toàn bộ phương Đông, tức là từ Mũi Good Hope (Cape Town,Nam Phi) đến

Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 1558, Giáo hoàng Paul IV (1476–1559) thành lập Giáo khu Malacca (Malaysia) bằng Tông hiến Pro Excellent! Praeminentia (4/2), và, 18 năm sau, Giáo hoàng Gregory XIII (1502–1585) thành lập giáo khu Macau (Trung Quốc) bằng Tông hiếnSuper specula militantis Ecclesiae (23/2/1576),những địa hạt dưới quyền Tổng giám mục Goa (Xem: Fernandes & Assunção 2014).

Macau trở thành thuộc địa của Bồ Đào Nha vào năm 1557 (xem, ví dụ: Correia 2012), nhận một Hiến chương từ vua D. Filipe I của Bồ Đào Nha (Filipe II của Tây Ban Nha) (1527–1598) năm 1586 và là trung tâm của Đạo chúa Jesus ở Trung Quốc, Nhật Bản và các vùng lân cận. Đó là bối cảnh ít nhất cho đến cuối thế kỷ thứ 17 với việc thành lập Giáo khu Nanjing bằng Tông hiến (apostolic constitution)Pontificis Sollicitudo và Giáo khu Bắc Kinh (Trung Quốc) bằng Romanus Pontifex, Beati Petri (April 10, 1690) của Giáo hoàng Alexander VIII (1610–1691), (xem: Teixeira 1996, tr. 15–16). Sự Bảo trợ của Bồ Đào Nha ở Viễn Đông chấm dứt với việc Macao được chuyển cho nước Cộng hòa Nhân dân trung Hoa ngày 19/12/1999.

Người Bồ Đào Nha đến vùng Chăm Pa (lãnh thổ Việt Nam ngày nay, lúc bấy giờ là Nam Trung bộ) vào giữa tháng Chín năm 1516 (xem, ví dụ: Manguin 1972, tr. 1-3; 45-46). Những tiếp xúc đầu tiên chưa được thực hiện và kết quả là một cơn bão đã buộc các thuyền phải đổi hướng và việc “khám phá” Đàng Trong của người Bồ Đào Nha phải lùi lại 7 năm sau, năm 1523. Trên thực tế, mặc dù người Bồ Đào Nha chưa bao giờ xâm chiếm Việt Nam, sự hiện diện của họ ở đây đã kéo dài hơn 3 thế kỉ, với nhiều mối liên hệ (xem, ví dụ:  Manguin 1972, tr. 1-3; 236), chủ yếu thông qua việc truyền giáo do các nhà truyền giáo tiến hành dưới sự bảo trợ của Bồ Đào Nha.

Vào thế kỷ thứ 17, quốc gia bị chia làm hai vương quốc theo vĩ tuyến 18 bắc: Tonkin, tức miền bắc Việt Nam với thủ đô Thăng Long (nay là Hà Nội) và Annam/Cochinchina là miền trung và nam Việt Nam với kinh đô Phú Xuân (Huế). Sau cuộc chiến năm 1614, nhà Trịnh thống trị Vương quốc Đàng Ngoài và nhà Nguyễn thống trị Vương quốc Đàng Trong (Annam/Cochinchina). Trong nước Việt Nam được gọi là Đại Việt, nhưng với bên ngoài, trong quan hệ với Trung Quốc họ dùng tên An Nam, cái tên được người Bồ Đào Nha gọi là “Cochin-China” (xem, ví dụ: Jacques 2004, tr. 56-58).

CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO ĐẦU TIÊN DƯỚI SỰ BẢO TRỢ CỦA BỒ ĐÀO NHA Ở VIỆT NAM

Cuốn sách đầu tiên nói đến những tiếp xúc đầu tiên giữa người Bồ Đào Nha và Việt Nam là của nhà ngữ pháp và biên khảo João de Barros (1496–1570), có tên Terceira decada da Asia: Dos feytos, que os Portugueses fizeram no Descobrimento & conquista dos mares & terras do Oriente (Lisbon 1563). Barros viết rằng Tổng trấn Ấn Độ, Afonso de Albuquerque (1453–1515), cử Fernão Peres de Andrade (1458–1552), một nhà hàng hải, thương gia và nhà ngoại giao đi khám phá bờ biển Trung Quốc và tạo lập quan hệ đầu tiên với người Trung Quốc. Ông ta rời Malacca vào ngày 12/8/1516, nhưng bị buộc phải chuyển hướng vì một cơn bão và họ đã đến Vương quốc Chăm Pa ở Đàng Trong. Fernão Peres de Andrade đặt chân lên bờ biển để nhìn làn nước trong lành và có thể tường trình về chất lượng cuộc sống của người dân. Sau ấn tượng đầu tiên, Fernão Peres ra lệnh cho các thủy thủ tặng quà cho người dân bản xứ, cố gắng làm giảm xung đột tạm thời và thiết lập quan hệ với họ. Fernão Peres tiếp tục hành trình của mình nhưng ông không thể đi đến Trung Quốc. Ông ta dừng lại ở Côn Sơn, trên bờ biển phía nam Việt Nam, thuộc quần đảo Côn Đảo hiện nay, ở miền Nam Việt Nam thuộc Biển Đông. Côn Sơn được người Bồ Đào Nha gọi là “Pullo Condor”, lấy từ tiếng Malaysia “Pu Lao Kundur”. Lúc bấy giờ Côn Sơn hay Pullo Condor chưa có người ở, nhưng nó được các nhà hàng hải biết đến rất rõ vì nguồn nước sạch, gia cầm, chim thú, rùa và nhiều loại cá khác nhau (Barros 1563, tờ. 42r-43v).

Một trong những văn bản tiếng Bồ Đào Nha đầu tiên khác viết về Việt Nam là giáo sĩ dòng Đa Minh, Gaspar da Cruz, O.P. (khoảng 1520–1570), có tênTratadoem que se contam muito por extenso as cousas da China (Évora 1570). Đây là cuốn sách châu Âu đầu tiên viết về Trung Quốc. Gaspar da Cruz là nhà truyền giáo đầu tiên ở Malaccavà ông quyết định đến Trung Quốc để biết rõ hơn về vương quốc nổi tiếng này. Trong chuyến đi của mình ông đã dừng chân ở vương quốc Cochinchina để nghỉ và lấy nước sạch. Ông mô tả đây là một vương quốc tuyệt vời với nhiều người và những người dân giàu có. Đặc biệt, ông viết rằng Cochinchina giáp với phía nam Trung Quốc với khoảng một trăm dặmbờ biển. Ông cũng nhận xét rằng Cochinchina lệ thuộc Trung Quốcvà con người cũng như ăn mặc giống người Trung Quốc. Đáng tiếc, ông ta không mô tả gì về tiếng Việt, nhưng ông nói rằng chữ viết của Cochinchina tương tự như chữ của Trung Quốc cho dù nó là ngôn ngữ khác hẳn. Đối với ông, người Việt Nam và người Trung Quốc chỉ hiểu được nhau qua chữ viết chứ không phải bằng lời nói bởi vì Trung Quốc có nhiều ngôn ngữ khác nhau và người nói các ngôn ngữ này cũng không hiểu được nhau (Cruz 1569, tờ. b iiir; về các tư liệu khác, xem Fernandes & Assunção 2014, p. 9-10).

Roland Jacques, O.M.I, hiện nay là giáo sư danh dự của Đại học Saint Paul ở Ottawa và đại diện của Việt Nam từ giáo đoàn “Missionary Oblates of Mary Immaculate”, là một học giả người Pháp đã nghiên cứu chi tiết về quan hệ giữa Việt Nam và các nhà truyền giáo dưới sự bảo trợ của Bồ Đào Nha.Khi nghiên cứu các thế hệ tiên phong của giáo đoàn được tổ chức[2] đầu tiên, ông bàn về các nhà truyền giáo phục vụ dưới sự Bảo trợ của Bồ Đào Nha giữa năm 1623 và 1678 với sự tập trung vào Francisco de Pina,S.J. (1585/1586–1625), Gaspar do Amaral, S.J. (1594–1646), António Barbosa, S.J. (1594–1647) và Alexandre de Rhodes, S.J. (1593–1660) (xem Jacques 2012, tr. 43–48).

Francisco de Pina sinh ở Guarda, miền bắc Bồ Đào Nha giữa năm 1585 và 1586. Ông gia nhập Dòng Tên năm 19 tuổi và dành một số năm học ở Học viện Madre de Deus ở Macau, nơi ông là học trò của Cha João Rodrigues “Tçuzu” (1562–1633) và có khả năng sử dụng năng khiếu ngôn ngữ của mình. Ông đến Việt Nam ở Chăm Pa (Hội An, được người Bồ Đào Nha gọi là “Faïfo”) vào năm 1617 và qua đời trong một tai nạn chỉ tám năm sau (15/12/1625) ở tuổi 40 khi cố gắng cứu khách đang gặp nguy hiểm ở ĐàNẵng (“Turam” or “Turão” theo cách gọi của người Bồ Đào Nha), một cảng trên sông Hàn ven bờ biển miền Nam Trung Bộ của Việt Nam (Jacques 2002, tr. 24–27; Mourão 2005, tr. 317–319).

Gaspar do Amaral sinh ở Corvaceira, một huyện thuộc Viseu, miền bắc Bồ Đào Nha năm 1594; ông được phong linh mục Dòng Tên năm 1622, và năm sau ông được cử đến Nhật Bản, sau khi đã ở Học viện Madre de Deus ở Macau. Ông được Giám đốc Học viện, Cha Pedro Morejón (khoảng 1562–1639) cử đến Tonkin năm 1629, bởi vì “ông này không có tin tức gì từ các nhà truyền giáo” (Ribeiro 2001, tr. 68). Gaspar do Amaral là Giám đốc Học viện Macau và Phó Tỉnh dòng Tên Nhật Bản (1641–1645) (Wernz, Schmitt & Goetstouwers 1950, tr. 650). Ông qua đời trong một tai nạn đắm tàu ở gần đảo Hải Nam trên biển Đông (26/2/1646) lúc khoảng 52 tuổi (Mourão[3] 2005, tr. 310–313, 2012, tr. 54–61).

António Barbosa sinh ở Arrifana do Sousa, Penafiel, một huyện của Porto,cũng ở miền bắc Bồ Đào Nha năm 1594. Ông gia nhập Dòng Tên năm 1624, vàđến Goa và Macau để cộng tác với Gaspar do Amaral làm phiên bản tiếng Bồ Đào Nha của cuốn từ điển tiếng Việt (Zwartjes 2011, tr. 291). Năm 1635,ông dạy ở Học viện Macau, và, giữa năm 1636 - 1642, ông ở Tonkin. Năm 1644 có tin về sự có mặt của ông ở Macau (Mourão 2012, tr. 59, chú thích16); ông bị ốm, vì thế, “được gửi đến Goa điều trị và mất ở đây năm 1647 (Jacques 2002, tr. 30, chú thích 36).

Alexandre de Rhodes sinh năm 1593 ở Avignon, miền nam nước France,

trong một gia đình gốc Do Thái. Tổ tiên ông đến từ Calatayud, ở Aragon gầnZaragoza,Tây Ban Nha, “chạy trốn các cuộc khủng bố của người Iberia và đổi tên của họ từ Rueda[4], sống ở Avignon” (Maryks 2010, tr. 151). Rhodes đã giấu nguồn gốc Do Thái và Tây Ban Nha của mình khi gia nhập trường dòng Thánh Andrew ở Rome năm 1612 để được nhận vào Dòng Tên. Nhưng, ông coi mình là người Pháp, như ông nói rõ trong cuốn sách Divers Voyages: “ma chere patrie” (de Rhodes 1653, tờ. ẽ ii v., “Epistre à la Reyne”). Ông xin được nhận vào tỉnh dòng Roman thay vì Lyon bởi vì thành viên của nó dễ được nhận nhiệm vụ của vua Bồ Đào Nha đi truyền giáo ở Ấn Độ hơn (Phan 1998, tr. 39).Rhodes được thụ phong năm 1618 và cùng năm đó được cử đi Viễn Đông. Ông đến Lisbon bằng đường bộ, từ đó ông lên tàu “Santa Teresa”, dưới sự bảo trợ của Bồ Đào Nha và năm sau đến Goa. Theo Fidel González Fernández (2011), hoạt động truyền giáo của Rhodes có thể chia làm ba thời kỳ khác nhau: 1) giữa 1619 và 1645 ở Viễn Đông dưới sự Bảo trợ của Bồ Đào Nha; 2) giữa 1645 và 1655 ở châu Âu, chủ yếu ở Pháp và Italia, và 3) giữa 1655 và1660 ở Ba Tư, hiện nay là Iran, nơi ông mất vào năm 1660, ở tuổi 67.

Alexandre de Rhodes muốn đi theo dấu chân của Thánh Francisco Xavier, S.J.(1506–1552), nhưng, vì khủng bố ở Nhật Bản sau năm 1614, Rhodes buộc phải ở lại Goa hai năm rưỡivà dành thời gian học ngôn ngữ bản địa, Ông đến Malacca năm 1622 và Macau năm 1623; ở đây ông được nhận vào học viện Madre de Deus, nơi ông bắt đầu học tiếng Trung Quốc và tiếng Nhật Bản. Một năm sau, năm 1624, ông có chuyến đi đầu tiên đến Chiêm Thành (Chăm Pa), Cochinchina. Ở đây ông gặp Francisco de Pina, và bắt đầu học tiếng Việt với ông ấy. Tuy nhiên, một năm sau, Pina bị chết trong một tai nạn đắm tàu ở Đà Nẵng (González Fernández 2011, tr. 283). Rhodes còn ở lại một số năm ở ven biển Trung Bộ thuộc tỉnh Nghệ An, Tonkin, nơi ông gặp Gaspar do Amaral. Năm 1630, trong thời gian trị vì đầu tiên (1619–1642) của vua Lê ThầnTông (1607–1662), chúa Trịnh Tráng (1577–1654) xem Đạo Thiên chúa nguy hiểm và bắt đầu cấm đạo (Brockey 2009: 338–339).

Rhodes bị trục xuất khỏi Tonkin, ông trở lại Macau cho đến năm 1640, nơi ông vẫn có thể biết cha João Rodrigues “Tçuzu”, S.J. (1562–1633) và liên hệ lại với Gaspar do Amaral, S.J. (1594–1646). Rhodes trở lại Cochinchina, nhưng, trong cuộc nội chiến Trịnh–Nguyễn (1627–1673)[5], ông bị chúa Nguyễn Phúc Tần (1620–1687) buộc tội tử hình (chặt đầu) ở Phú Xuân (Huế) miền trung Việt Nam. Ông được người của vua Tonkin, Lê Thần Tông (1607–1662) cứu thoát. Tuy nhiên, tội chết được thay bằng việc bị trục xuất. Vì vậy, ông lên một chiếc tàu Bồ Đào Nha ở Hội An vào ngày 3/7/1645, và không bao giờ trở lại nữa (GonzálezFernández 2011, tr. 288).

Một điều cũng quan trọng là cần đề cập đến nhà ngôn ngữ nổi tiếng đầu tiên về tiếng Nhật Bản, giáo sĩ Bồ Đào Nha, João Rodrigues “Tçuzu”, S.J. (1562–1633)[6], cho dù ông chưa hề đặt chân đến Việt Nam. Ông ở Macau giữa 1614 và 1633 và có lẽ đã làm thay đổi ngôn ngữ học Việt Nam, chủ yếu là hoạt động tiếp theo của đồng nghiệp và là học trò của ông là Francisco de Pina.Nói vắn tắt, João Rodrigues đã viết một tác phẩm khởi nguồn, thêm vào đó những sáng tạo ngôn ngữ và tạo ra một tác phẩm siêu ngôn ngữ từ vốn kiến thức của ông về xã hội và văn học Nhật Bản. Ông là người đầu tiên viết về tiếng Nhật Bản bằng các kí tự Latin, và những miêu tả của ông về xưng gọi của người Nhật Bản, việc sử dụng sắc thái kính trọng, các quan hệ tôn ti trong xã hội Nhật Bản và những sự khác nhau về xã hội cụ thể giữa nam và nữ (Zwartjes 201, tr. 94–142; Rodrigues 1604 [-1608],1993 [1620]). Cha João Rodrigues[7]xứng đáng, như Zwartjes (2011, tr. 141) nói “được xếp là một trong năm nhà ngữ pháp Đạo Thiên Chúa nổi tiếng nhất từ thời thuộc địa”, chủ yếu là với tác phẩm Arte da lingoa de Iapam (Nagasaki 1604–1608).Roland Jacques (2012: 44) gọiônglà “một thiên tài ngôn ngữ học - un génie de la linguistique” và CharlesRalph Boxer (1904–2000), “cha đẻ của nghiên cứungôn ngữ Nhật Bản” (Boxer1950, p. 363). Về cuốn ngữ pháp chính của ông (1604-08), Richard L. Spear cho rằng “về mọi phương diện nó là nghiên cứu ngữ pháp tuyệt vời nhất về tiếng Nhật ra đời trong thế kỷ đạo Thiên Chúa” (Spear 1975, tr. 2).

NHỮNG VĂN BẢN SIÊU NGÔN NGỮ TIẾNG VIỆT ĐẦU TIÊN ĐƯỢC XUẤT BẢN[8]

Văn bản siêu ngôn ngữ đầu tiên được xuất bản về tiếng Việt là Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum và Linguae Annamiticae seu Tunchinensis Brevis Declaratio của Alexandre de Rhodes. Chúng được Propaganda Fide (Bộ Truyền giáo) in (Rome 1651) sáu năm sau khi ông rời Việt Nam. Như vậy, ông không thể hoàn thành chúng ở đấy và có khả năng ông mang theo văn bản của Gaspar doAmaral và António Barbosa mà ông dùng để biên soạn cuốn từ điển, như chúng ta sẽ thấy. Dictionarium có tất cả591 trang. Riêng phần từ điển gồm 450 trang chia thành 900 cột, Rhodes gọi là trang hay tờ; kèm theo nó là một phụ lục giải thích, một đính chính bằng tiếng Việt, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Latin và một index với các mục từ Latin ([440]–[490]). Trái lại, LinguaeAnnamiticae seu Tunchinensis Brevis Declaratio là (một khái lược) một miêt tả về ngữ pháp tiếng Việt, đối chiếu, trong một số bản, ở đầu cuốn từ điển, và một số trường hợp ở cuối. Nó gồm có 31 (độc lập-autonomous) trang, trong đó Rhodes phân tích tiếng Việt hay những vấn đề ngữ pháp tiếng Đàng Ngoài, chẳng hạn như chữ cái và âm tiết (2–7), các biến thể và các dấu (8–10), các danh từ (10–14), các đại từ trang trọng (“honorific”) (14–20), các đại từ khác (21–23), các động từ (23–26), các phầnkhông biến cách khác (26–29) và một số châm ngôn cú pháp (29–31).

Lời nói đầu của từ điển, “Ad lectorem” [với bạn đọc] (6–7), nói rất rõ ràng về nguồn tài liệu chính của de Rhodes và giải thích về tiếng Annam hay tiếng Đàng Ngoài như thế nào. Những chi tiết này trên thực tế quan trọng với các nhà truyền giáo châu Âu trong tương lai, những người có thể là những người đọc tiềm năng của nó. Chẳng hạn,Rhodes giải thích rằngtiếng Annam hay Tonkin được nói không chỉ ở hai vương quốc này, Tonkin và Annam (Cochinchina), mà cũng được dùng như một ngôn ngữ chung lingua franca ở các vương quốc lân cận ở Cao Bằng (ở đông bắc Việt Nam ngày nay), Chăm Pa (Trung BộViệt Nam), Cambodia,Lao và Siam (Thái Lan) (de Rhodes 1651a, tr. [VI]).

Rhodes cũng nói rằng ông ta dành mười hai năm nghe người bản xứ nói và, thêm nữa, ông bắt đầu học tiếng này với giáo sĩ người Bồ Đào Nha, Franciscode Pina, người mà theo ông, thông thạo tiếng Việt và là một trong những giáo sĩ đầu tiên nắm vững và giảng đạo không cần phiên dịch:

In hoc autem opere praeter ea quae ab ipsis indigenis didici per duodecim fermeannos quibus in illis egionibus tam Cocincinae quam Tunkini sum commoratus, ab initio magistrum linguae audiens Patrem Franciscum de Pina lusitanum e nostra minima Societate IESV, qui primus e Nostris linguam illam apprimecalluit, et primus sine interprete concionari eo idiomate caepit (de Rhodes 1651a, [VI-VII]).

[Nhưng, trong tác phẩm này, bên cạnh điều tôi tự học được từ người bản xứ trong suốt mười hai năm tôi sống ở các vùng Annam và cả ở Tonkin, tôi đưa vào điều tôi đã học từ lúc đầu với cha Francisco de Pina, một người Bồ Đào Nha từ Dòng Tên nhỏ bé của chúng ta, người đầu tiên trong số chúng ta có kiến thức sâu toàn diện về thứ tiếng này và người đầu tiên bắt đầu giảng đạo bằng thứ tiếng đó mà không cần phiên dịch.]

Lời tán dương này được nhắc lại trong Divers Voyages, nơi Rhodes khẳng địnhsự am hiểu tuyệt vời của Pina về tiếng Việt:

Nous partimes de Macao au mois de Decembre de cette année 1624. et dix-neufjours, nous arrivâmes tous en la Cochinchine, pleins du desir d’y bien travailler: Nous y rencontrâmes le Pere Pina qui s’estoit rendu sçavant en la langue du païs entierement differente de la Chinoise. (de Rhodes 1653, p. 71-72)

Ngoài ra, trong lời nói đầu của Từ điển, Rhodes cũng nói thêm rằng ông dùng công trình của hai nhà truyền giáo khác của Dòng Tên, hai giáo sĩ Bồ Đào Nha là Gaspar do Amaral và António Barbosa. Họ biên soạn từ điển Việt-Bồ Đào Nha (Gaspar do Amaral) và Bồ Đào Nha-Việt (António Barbosa), mặc dù các từ điển này chưa được hoàn thành vì họ đột ngột qua đời. Rhodes giải thích rằng ông đã phát triển chúng và thêm tiếng Latin qua hiểu biết của ông (de Rhodes 1651a, tr. [VII]). Trong số những người khác, Michel Ferlus (1982, tr. 85), đã chứng minh rằng từ điển của de Rhodes là công trình được biên soạn dựa trên các công trình đã có.

Vay mượn bảng chữ cái tiếng Latin và chính tả tiếng Bồ Đào Nha

Trong một bản sao một bức thư gửi Giám sát Tỉnh dòng Nhật Bản và Trung Quốc, có thể được viết vào năm 1623, Francisco de Pina nói rằng ông đã viết một miêu tảvắn tắt về việc dùng chính tả và thanh điệu tiếng An Nam - Đàng Ngoài và ông bắt đầu soạn một cuốn về ngữ pháp. Ông cũng nói rằng ông viết nó bằng tiếng Bồ Đào Nha để “chúng ta” (người Bồ Đào Nha và/hay các giáo sĩ đạo Thiên Chúa) có thể đọc nó và học thuộc lòng được.

Eu já tenho feito hum Tratadozinho sobre a orthografia e toadas desta lingua, vou entrando pela Arte (…) eu escrevilas [em] letra portuguesa, e para os nossos poderem lelas, aprendendo de cor (Pina ca. 1745b [ca. 1623], f. 414v).

[tôi đã viết một mô tả nhỏ về việc dùng chính tả và thanh điệu ngôn ngữ. Tôi bắt đầu với ngữ pháp… Tôi viết chúng bằng chữ Bồ Đào Nha để những người anhem của chúng ta có thể đọc và học thuộc lòng.]

Trong đoạn trích này, Pina đã dùngmutatis mutandisnhững lý do tương tự với lý do của João Rodrigues “Tçuzu” in the Arte da Lingoa de Iapam:

No escreuer esta lingoa em nossa letra seguimos principalmente a o mutatis mutandis rtographiaatina, e a Portuguesa, assi por ter a pronunciação de Iapão semelhança com aPortuguesa em algũas syllabas como sam, cha, chi, cho, chu, nha, nho, nhu, etcetera. Como tambem por que Iapão em os Padres e irmãos entre si usam dalingoa e ortographia Portuguesa. (Rodrigues 1604[-1608], f. 55v)

[Viết ngôn ngữ này [tiếng Nhật] bằng chữ của chúng ta, chúng tôi chủ yếu dựa vào chính tả tiếng Latin và tiếng Bồ Đào Nha bởi vì việc phát âm tiếng Nhật tương tự như tiếng Bồ Đào Nha trong các âm tiết, gồm chachichochu,nhanhonhu, etc., và cũng bởi vì, ở Nhật Bản, các giáo sĩ và những người anh em dùng tiếng và chính tả Bồ Đào Nha với nhau.]

João Rodrigues, đã viết trongArte Breve, một vài năm trước bức thư của Pina, rằng ông chủ yếu dựa trên chính tả tiếng Latin vì tất cả các giáo sĩ biết nó. Ông cũng nói rằng ông cần dùng tiếng Bồ Đào Nha bởi vì nó có nhiều sự giống nhau về ngữ âm với tiếng Nhật và ít giống với tiếng Italia và tiếng Tây Ban Nha:

E por que a latina he commum a todas as naçoens, essa seguimos em geral,e o que falta à latina tomamos, ou do Portugues, que tem muitas syllabassemelhantes às Iapoas, que algũas terras de Europa nam tem, ou do Italiano, oufinalmente do Castelhano (Rodrigues 1993 [1620], f. 6r, p. 367).

[Và,vì tiếng Latin là thứ tiếng chung của tất cả các dân tộc, chúng ta dựa vào nó [language] về cơ bản, và điều gì thiếu trong tiếng Latin, chúng ta lấy từ tiếng Bồ Đào Nha, thứ tiếng có nhiều âm tiết giống tiếng Nhật. Điều này không có đối với các ngôn ngữ khác ở lục địa châu Âu, chẳng hạn tiếng Italia và tiếng Tây Ban Nha.]

Có thể là Pina, trong bức thư, đã ám chỉ đến Manuductio ad Linguam Tunckinensem [Sổ tay về tiếng Tonkin], tài liệu mà một bản sao từ thế kỷ 18 hiện có trong Biblioteca da Ajuda (Lisbon, Bồ Đào Nha) và một bản sao đã được Jacques (2002, tr. 146-167) công bố. Roland Jacques cho rằng tác giả của nó là người Thụy Sĩ, Honufer Bürgin, trong tiếng Bồ Đào Nha là Onofre Borges (1614-1664). Tuy nhiên, các chứng cứ của Jacques không hoàn toàn thuyết phục. Ảnh hưởng ngữ âm của tiếng Bồ Đào Nha là bằng chứng trong toàn bộ văn bản, Rhodes không thể bổ sung vào một văn bản được viết khoảng 15 năm sau khi ông đã rời Việt Nam và bức thư của Pina nói rõ rằng ông đã viết một mô tả về hệ thống thanh điệu tiếng Việt. Ngoài ra, Jacques tin rằng “tratadozinho” [miêu tả vắn tắt] của Pina ảnh hưởng tới Manuductio của Bürgin (xem Jacques 2002, tr. 31-39). Như vậy, cho đến khi phát hiện được tư liệu mới, chúng ta vẫn tin rằng nguồn tư liệu chính của Rhodes đúng thực là của Francisco de Pina và Manuductio ad Linguam Tunckinensem do ông viết.

Trên thực tế, Manuductio là một tóm tắt ngữ pháp hay một mô tả ngắn về tiếng Annam hay Đàng Ngoài. Nó gồm 22 trang, chia làm ba phần chính (về thanh điệu (accents), các con chữ của bảng chữ cái và các danh từ) và một số ghi chú thêm (hội thoại, phát ngôn thường dùng, một số cách diễn đạt quen thuộc hàng ngày vàmột số câu có thể có nghĩa tục tĩu). Đó là một phiên bản sao lại từ một bản được Cha João Álvares, S.J. (?–cuối 1762) viết năm 1745 tại học viện Madre de Deus ở Macau và được gửi tới Đại diện Tỉnh dòng Nhật Bản ở Lisbon khoảng năm 1747 cùng với các bản sao những tài liệu tôn giáo quan trọng khác(Rodrigues1931–1950, tập. 4, tr. 162).

Những năm gần đây, chủ yếu là sau nghiên cứu của Roland Jacques (2002, 2004, 2012), dường như các học giả quốc tế thiên về giả thiết rằng Francisco de Pina là người sáng tạo thực sự của chữ Việt Latin hóa (dựa trên cơ sở bảng chữ cái tiếng Latin), chữ viết hiện nay gọi là chữ Quốc ngữ “ngôn ngữ quốc gia” (xem thêm: Guillemin 2014). Việc nó được dùng làm chữ viết chính thức của hệ thống hành chính Việt Nam được quy định vào năm 1898 bằng một Nghị định của Toàn Quyền Pháp ở Đông Dương (và tổng thống tương lai của Pháp) Paul Doumer (1857–1932). Tuy nhiên, việc thực hiện nó chỉ được hoàn tất năm 1909 và cuối cùng, một sắc lệnh bãi bỏ phương pháp dạy truyền thống với việc đưa vào hệ thống giáo dục chữ Pháp và chữ Quốc Ngữ (xem: Jacques 2004, tr. 24, chú thích 3). Sau khi độc lập (2/9/1945) và thống nhất (30/4/1975), quốc ngữ vẫn giữ vị trí là văn tự chính thức ở Việt Nam (xem: Thompson 1987).

Tóm lại, mặc dù các nhà truyền giáo châu Âuđược cung cấp mọi thứ, Francisco de Pina rõ ràng chịu ảnh hưởng từ Cha João Rodrigues “Tçuzu”, như trong trường hợp tiếng Nhật Bản. Gaspar do Amaral, António Barbosa và Alexandrede Rhodes đã phát triển và nâng cao phương pháp. Gần đây, chẳng hạn, OttoZwartjes (2011: 291) và Fidel González Fernández (2011, tr. 299) nhận thấy rằng các tác phẩm của Rhodes dựa trên các công trình của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha trước đó.

Mặt khác, Thompson lưu ý rằng có nhiều ảnh hưởng của Bồ Đào Nhatrong từ điển của de Rhodes, song ông không hiểu vì sao nó lại xảy ra:

Điều rắc rối nhất có lẽ là Alexandre de Rhodes, người chịu trách nhiệm đối với những nội dung cơ bản, là một người Avignon ở miền nam nước Pháp, mà hệ thống chữ viết có lẽ thể hiện nhiều nét đặc biệt liên quan tới tiếng Bồ Đào Nha hơn bất cứ một thứ tiếng nào khác. Liên quan tới điều này, điều quan trọng là bên cạnh tiếng Bồ Đào Nha từ điển của de Rhodes gồm nhiều điểm đặc trưng của tiếng Latin hơn tiếng Pháp. (Thompson 1987, tr. 55)

Lập luận của ông ấy chỉ dựa trên niềm đam mê hàng hải và thương mại của người Bồ Đào Nha trong khu vực đó chứ không phải trên hoạt động của các nhà truyền giáo trước đó: 

Suốt thời kỳ ban đầu ấy chính niềm đam mê buôn bán và hàng hải của người Bồ Đào Nha đã thể hiện các cam kết quan trọng nhất của người châu Âu trong khu vực và như một hệ quả, tiếng Bồ Đào Nha dường như là ngôn ngữ phổ biến nhất của người châu Âu lúc bấy giờ (Thompson 1987, tr. 55)

Đáng tiếc là chúng ta không thể đánh giá mức độ ảnh hưởng của Gaspar do Amaral và António Barbosa đếnRhodes bởi vì công trình của họ không bao giờ được in và bản thảo của họ vẫn chưa được tìm thấy. Bên cạnh việc Rhodes nói rằng ông dùng các từ điển của Amaral và Barbosa, có một số thư thường niên của các nhà truyền giáo (annuaelitterae) khẳng định rằng họ đã sử dụng các cuốn từ điển (xem, ví dụ: Rodrigues 1917, tr. 360; 1931–1950, tập. 3, vol. 2, tr. 157; hộp 2002, tập.1, tr. 189). Cho rằng Gaspar do Amaral mất một năm sau khi Rhodes rời khỏi Việt Nam, rất có thể là ông đã sao chép phiên bản tiếng Việt và tiếng Bồ Đào Nha và hoàn thành bản dịch tiếng Latin ở châu Âu. Tuy nhiên, những dấu ấn của các tác giả Bồ Đào Nha là không thể phủ nhận.

Ngoài ra sự thực là từ “Portuguese” được lặp lại hơn 70 lần— “portugueses”, 6 lần; “lusitani” “dicunt” hay “vocant”, 29 lần; “a” hay “pro” “lusitanis”, 24 lần; “lusitana” “lingua”, 5 lần; “apud” “lusitanos”, 3 lần, v.v... — có một phép chính tả đặc trưng của tiếng Bồ Đào Nha: âm vị vòm mặt lưỡi mũi (dorso-palatalnasal) được thể hiện bằng kí hiệu /ɲ/ trong Bảng Ngữ âm Quốc tế (IPA)được viết bằng chữ cái Bồ Đào Nha <nh>chứ không phải bằngkết hợp chữ cái (archigrapheme)của tiếng Italia hay tiếng Pháp<gn>[9]. Rhodes chỉ ra điều đó một cách rõ ràng nhưng không nói rằng nó là phép chính tả riêng của tiếng Bồ Đào Nha: “(…). adhibemus etiam simul cum, n,vt nhà, domus, & facit idem quod apud Italos, gna” (de Rhodes 1651b, p. 4) [wealso add [h] with n, like “nhà”, house, and does the same like the Italian “gna”]. Phép chính tả “Portuguese” này hiện vẫn được dùng trong tiếng Việt, chẳng hạn như, “nhà” [house], “quạnh” [be solitary, deserted], lành-lạnh” [be abit cold], “mình” [oneself], “nhẹ” [be light, in weight], “nhè-nhẹ” [be rather lightin weight], “nhỏ” [be small], “nhưng” [but, however] (xem, ví dụ: Michaud, Ferlus,Nguyễn 2015; Haudricourt 2010; Thompson 1987).

Rhodes học một số ngôn ngữ và ông đương nhiên nói rất giỏi tiếng Bồ Đào Nha, ngôn ngữ thông dụng của các nhà truyền giáo dưới sự bảo trợ của Bồ Đào Nha cùng với tiếng Latin. Tuy nhiên, ông chỉ viết bằng tiếng Latin và tiếng Pháp (xem Rhodes1653). Như vậy, Gaspar do Amaral và António Barbosa rõ ràng là những người đã đưa tổ hợp <nh> (chứ không phải kết hợp<gn> của tiếng Pháp hay tiếng Italia) để ghi âm vị /ɲ/ tiếng Việt.

Miêu tả các thanh điệu

Ảnh hưởng của Pina đối với Rhodes không chỉ ở việc sử dụng hệ thống Latin hóa mà cả ở việc miêu tả hệ thống thanh điệu. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng Pina và Rhodes đã không phân biệt giữa tiếng/phương ngữ Đàng Ngoài (Tonkinese) ở bắc Cochinchina và Annamese ở nam Cochinchina[10]. Đối với cả hai tác giả, ngôn ngữ là mutatis mutandis như nhau, mặc dùDictionarium của Rhodes có thể được coi là một sự hòa lẫn các phương ngữ của tiếng Việt (xem, ví dụMaspero 1912). Michel Ferlus cho rằng từ điển của Rhodes dựa trên phương ngữ miền Trung Việt Nam: “Le Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum du Père Alexandre de Rhodes (1651), rédigé dans la romanisation qui deviendra le quốcngữ (…) semble élaboré à partir d’un parler du centre” (Ferlus 1982, tr. 85).

Nhưng, Maspero cho rằngDictionarium của Rhodes vàBrevis Declaratio liên quan đến phương ngữ miền Bắc “serapportent au dialecte tonkinois” (Maspero 1912, tr. 9, chú thích 1). Trên thực tế, Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes giải thích rằng ngôn ngữ này và các thanh điệu của nó có thể được miêu tả với các đặc điểm như các ngôn ngữ châu Âu, nghĩa là bằng các chữ cái Latin. Manuductio của Pinas nói rằng ông cần bắt đầu bằng việc giải thích bảng chữ cái Latin, theo truyền thống, song theo ông, việc học các thanh điệu (hay “accents”, theo thuật ngữ ông dùng) là quan trọng hơn rất nhiều:

Mos est alias in tradendis, discendisque linguis ab alphabeto seu litteris initium ducendi, quem utique morem tenuissem, nisi accentuum notitia ad meliorem litterarum intelligentia hac in lingua praeprimis esset necessaria. (Pina ca.1745a [ante 1623], f. 313r)

[Truyền thống phổ biến trong việc dạy và học tiếng là bắt đầu với bảng chữ cái hay các con chữ. Rõ ràng tôi cần theo truyền thống đó nếu kiến thức về thanh điệu (accents) không phải là cái cần thiết nhất để hiểu biết tốt hơn về chữ viết trong ngôn ngữ này.]

Duo tamen praecipue sunt in hoc idiomate notanda, e quibus tanquamfundamentis tota ratio bene addiscendae huius linguae pendet, ita ut sine illis anostratibus haec lingua vix teneri possit; si uti enim homo constat ex corpore etanima, sic etiam hoc idioma constat ex characteribus quibus a nobis conscribitur,et ex tonis seu accentibus quibus notatur et pronunciatur: quibus duobus priusexplicatis et positis tanquam fundamentis, de partibus Orationis, et praeceptis inipsa oratione seruandis agendum postea. (de Rhodes 1651b, tr. 1).

[Thay vào đó,về mặt nguyên tắc, hai [vấn đề cơ bản] cần được chú ý trong ngôn ngữ này, theo cơ sở của việc học ngôn ngữ này là dựa vào đó, vì nếu thiếu chúng, chúng ta khó có thể hiểu được ngôn ngữ này; quả thực như con người được làm từ thể xác và linh hồn, ngôn ngữ này cũng được tạo thành bởi các đặc trưng được chúng tôi miêu tả và bằng các thanh điệu và giọng nhờ chúng nó được phát âm. Hai cơ sở được giải thích trước đây, các phần của lời nói và các châm ngôn liên quan đến mỗi phát ngôn sẽ được nhận xét sau.]

Mặt khác, cả hai miêu tả sáu thanh điệu (“de accentibus”) của tiếng Đàng Ngoài[11] giống nhau. Nguyễn và Edmondson, không biết công trình của Pina, đã viết rằng […] nhà ngữ âm tiếng Việt đầu tiên để lại tư liệu, Alexandre de Rhodes(1651) […] miêu tả chúng bằng các thuật ngữ impressionisticnhư sau: “acuteangry”(sắc), “smooth-rising” (hỏi), “level” (ngang), “chesty-raised” (ngã), “chesty-heavy” (nặng), “grave-lowering” (huyền) […]. Ba thế kỷ rưỡi sau những đặc trưng này vẫn giữ nguyên tính hợp lý và sáng suốt.(Nguyễn & Edmondson 1998, p. 2)

Đôi khi Rhodes dùng những từ giống như Pina, và thỉnh thoảng họ thêm những chi tiết khác nhau. Trong lời giới thiệu, Rhodes so sánh thanh điệu với trọng âm tiếng Hy Lạp (acute, grave and circumflex) và cả dấu phụ dưới của i từ tiếng Hy Lạp cổ. Pina ngắn gọn hơn, đưa ra những chi tiết này bằng cách miêu tả từng thanh điệu riêng:

Accentus hac in lingua seu tonorum mutationes sunt sex, ex quibus solismultoties significationum diuersitas sumi debet; unde patet huiusmodi tonos exarte callendi necessitas [esse]. (Pina ca. 1745a [ante 1623], f. 313r)

[Trong ngôn ngữ này có sáu giọng hay sự thay đổi thanh điệu, mà nó thường phụ thuộc tính đa dạng của sự quan trọng. Vì vậy, điều rõ ràng là nó cần thiết để học cách phát âm chính xác các thanh điệu.]

Diximus accentus esse quasi animam uocabulorum in hoc idiomate, atque ideosumma diligentia sunt addiscendi. Vtimur ergo triplici accentu linguae Graecae,acuto, graui, et circunflexo, qui quia non sufficiunt, addimus iota subscriptum,et signum nterrogationis nostrae; nam toni omnes huius linguae ad sex classesreducuntur, ita ut omnes prorsus dictiones huius idiomatis ad aliquam ex his sexclassibus seu tonis pertineant, nulla uoce prorsus excepta (de Rhodes 1651b, p. 8);

[Chúng tôi nói rằng các giọng dường như là hồn cốt của từ trong ngôn ngữ này, và vì vậy, cần hết sức chú ý tới chúng. Bởi thế, chúng tôi dùng dấu của tiếng Hy Lạp, sắc (acute), huyền (grave) và dấu mũ (circumflex) cho chúng, bởi vì chúng không thích hợp, chúng tôi thêm dấu phụ vào i và một dấu hỏi; Tuy nhiên, tất cả các thanh điệu của ngôn ngữ này được quy về sáu lớp, như vậy tất cả các từ của ngôn ngữ này thuộc về một của sáu lớp hay thanh điệu này, và trên thực tế không có từ nào ngoại lệ.]

Hơn nữa, cả hai giải thích mỗi thanh một cách riêng biệt. Francisco de Pina thêm vào khuông nhạc cho mỗi thanh trong khóa G (nốt Son), với nửa (minim) và một phần tư (crotchet) nốt. Giải thích của Pina rõ ràng hơn của Rhodes. Quả thực thanh điệu thứ nhất là thanh trung bình, không có sự thay đổi giọng, và cả hai tác giả đều bắt đầu với một câu giống nhau:

Primus tonus esta aequalis, et sine ulla vocis inflexione pronuntiatur, habeturquetum, quando vox aliqua nullo ex quinque signis ̀, ́, ̃, ʅ, ’, ͅ : hoc ultimumvocalibus tantum subscribitur ut apud Graecos jota subscritum, ͅ notatur. Suntquidem et alia signa, sed quia non ad vocis inflexionem, verum ad literarumcertam pronunciationem dignoscendam adiiciuntur […].

(Pina ca. 1745a [ante 1623], f. 313r).

[Thanh điệu đầu tiên bằng phẳng và được phát âm không thay đổi giọng vì nó mặc nhiên (implied) khi không có cái nào trong năm dấu được dùng ̀, ́, ̃, ʅ, ’, ͅ . Dấu cuối cùng được để phía dưới từ bằng dấu phụ của chữ i Hy Lạp. Cũng có những dấu phụ khác không ảnh hưởng đến sự thay đổi của giọng nói, song chúng được dùng để phân biệt sự phát âm khác nhau của các chữ mà chúng được gắn vào…]

Primus igitur tonus est aequalis, qui sine ulla vocis inflexione pronunciatur, utba, tres: quod ita verum est, ut etiam si quis aliquem interroget per vocem,chang, quae est aequalis, ut có chang, est ne; nullo modo debeat inflecterevocem interrogando, quia vox interrogativa, chang, nullo notatur accentu, quodsi inflecteretur vocis tonus, tunc esset alia significatio: voces itaque quae huncaequalem habent tonum, nullo notantur accentu; et hoc est sufficiens illarumdistinctivum signum, cum omnes aliae suum accentum habeant. (de Rhodes1651b, tr. 8)

[Vì vậy, thanh đầu tiên là thanh bằng. Nó được phát âm với giọng không thay đổi. Ví dụ:ba, “three”; điều này rất đúng nếu một ai hỏi ai đó khác điều gì dùng từ chăng, cũng bằng, kiểu nhưcó chăng, “it isnot”, khi hỏi không được uốn giọngbởi vì từ để hỏichăng khôngmang thanh điệu. Nếu thanh điệu của giọng có ảnh hưởng, nó sẽ có nghĩa khác; như vậy, các từ có thanh điệu giống nhau không có sự phân biệt giọng, và điều này là một dấu hiệu đủ để phân biệt với các từ khác có thanh (accents) khác.]

Trong miêu tả về các thanh khác, văn bản của Rhodes gần giống như của Pina và cả hai luôn luôn dùng ví dụ bằng một từ (một âm tiết), “ba”, từ có các nghĩa khác nhau với các thanh cụ thể. Mặt khác, cả hai tìm thấy một sự tương tự trong các dấugiọng của tiếng Bồ Đào Nha (tiếng Hy Lạp, trongvăn bản của Rhodess) là (sắc, huyềnvàdấu mũ) để giải thích các thanh thứ hai, thứ ba và thứ tư:

Secundus est acutus: hic profertur voce acuta et quasi iram demonstrante, ut ineadem voce : concubina Regis vel Principis viri.

(Pina ca. 1745a [ante 1623], f. 313v).

[Thanh thứ hai, được phát âm với một giọng cao và với sự biểu lộ một âm thanh giống như sự giận dữ, như trong từ : “thiếp của vua, chúa”, hay “thiếp của các thủ lĩnh.” (Trong bản tiếng Anh, các tác giả dịch: “the Prince’s sons” có lẽ không chính xác-VXQ.]

Secundus tonus est acutus, qui profertur acuendo vocem, et proferendodictionem, ac si quis iram emonstraret, ut bá concubina Regis, vel principisalicuius viri. (de Rhodes 1651b, p. 8);

[Thanh thứ hai là giọng sắc, được phát âm bằng một giọng cao và phát âm từ như khi ai đó bày tỏ sự giận dữ, như trong , “thiếp của vua, chúa”, hay “thiếp của các thủ lĩnh”. (Trong bản tiếng Anh, các tác giả dịch: “the Prince’s sons” có lẽ không chính xác-VXQ)]

Tertius est gravis, et profertur deprimendo vocem; ut iterum in voce : aviaaut Domina usuvenit.

(Pina ca. 1745a [ante 1623], f. 313v).

[Thanh thứ ba trầm, và nó được phát âm với việc hạ thấp giọng, như thường được dùng lại với từ , grandmother” hay “lady”.]

Tertius est gravis, et profertur deprimendo vocem, ut , avia, vel Domina. (de Rhodes 1651b, tr. 8);

[Thanh thứ ba trầm, và nó được phát âm với việc hạ thấp giọng, như trong , “grandmother” hay “lady”.]

Quartus est circumflexus, qui exprimitur inflectendo vocem ex imo pectore prolatam et postea sonore elevatam: ut fit in voce βã[12]: colaphus.

(Pina ca. 1745a [ante 1623], f. 313v).

[Thanh thứ tư là giọng uốn cong, được diễn tả bằng sự thay đổi giọng phát âm từ độ sâu của lồng ngực sau đó nâng cao giọng, như được nói trong âm vã, “slap”.]

Quartus est circumflexus, qui exprimitur inflectendo vocem ex imo pectoreprolatam, et postea sonore elevatam, ut βã, colaphus, vel colaphizare. (deRhodes 1651b: 8);

[Thanh thứ tư là giọng uốn cong, được diễn tả bằng sự thay đổi giọng phát âm từ độ sâu của lồng ngực sau đó nâng cao giọng, như được nói trong âm vã, “slap”.]

Thanh thứ năm thấp hơn và đi xuống, được ghi bằng một dấu phụ phía dưới của chữ cái i Hy Lạp:

Quintus vocatur ponderosus seu onerosus, quia cum quodam pondere, seu onere ex imo pectore prolata voce exprimitur: ut in voce Bą: res derelicta.

(Pina ca. 1745a [ante 1623], f. 313v).

[Thanh thứ năm được gọi là nặng nề “ponderous” hay khó nhọc “onerous” bởi vì nó được phát âm bằng giọng phát ra từ sâu trong lồng ngực và tạo ra một lực nhất định, như trong từ , “thứ vô thừa nhận” (without owner).]

Quintus vocatur ponderosus seu onerosus quia cum quodam pondere seu onere ex imo pectore prolata voce exprimitur, et notatur cum iota subscripto ut bạ res derelicta. (de Rhodes 1651b, p. 8)

[Thanh thứ năm được gọi là nặng nề “ponderous” hay khó nhọc “onerous” bởi vì nó được phát âm bằng giọng phát ra từ sâu trong lồng ngực và tạo ra một lực nhất định, và nó được ghi với một dấu phụ dưới chữ chữ cái i Hy Lạp, như trongbạ, “thứ vô thừa nhận”.]

Thanh cuối cùng là một thanh điệu mềm, song với một giọng nghi vấn, như thể ai đó hỏi người khác điều gì đó:

Sextus denique dicitur lenis, quia leniter profertur, et per modum interrogantisv.g. itáne? Ut in voce Bả: sericum quoddam coloris lutei seu crocei.

(Pina ca. 1745a [ante 1623], f. 313v-314r).

[Cuối cùng, thanh thứ sáu được gọi khoan thai “lenient” vì nó được phát âm một cách mềm mại và với thức nghi vấn, kiểu như itáne?, trong từ bả, “một thứ lụa vàng hay vàng nghệ của người Tonkin”.]

Sextus denique dicitur lenis, quia cum leni quadam vocis inflexione profertur,sicuti cum interrogare solemus, itane? et similia; et idcirco signo illointerrogativo pro accentu notatur ut, bả, quoddam sericum apud Tunchinensescoloris lutei vel crocei. (de Rhodes 1651b, p. 9);

[Cuối cùng, thanh thứ sáu được gọi khoan thai “lenient” bởi vì nó được phát âm với một tuyến điệu mượt mà của giọng nói, như khi chúng ta thường hỏi, itáne?,và giống như các câu hỏi; vì vậy nó được ghi bằng một dấu hỏi, như trong từ bả, “một thứ lụa vàng hay vàng nghệ của người Tonkin”.]

Như chúng ta thấy, Francisco de Pina biểu thị mỗi thanh điệu trên một khuôn nhạc, còn Rhodes không làm thế. Song ông so sánh các thanh tiếng Việt với sáu nốt nhạc của thang âm nguyên C–D–E–F–G–A (“dò”, “rẹ”, “mĩ”, “pha”, “sổ”, “lá”), mặc dù ông không rõ như Pina:

Hos autem sex accentus ad nostrae musicae tonos sic accommodare possumus utaliquam cum illa, uideantur habere proportionem per has uoces ut, dò, pedica: re,radix, in pronunciatione cuiusdam Prouinciae; mĩ, nomen cuiusdam familiae;fa, uel pha, miscere; sổ, cathalogus; lá, folium; ita ut ex his uocibus etiam inlingua Tunchinica significatiuis, per sex tonos linguae Tunchinensis, dò, rẹ, mĩ,pha, sổ, lá, possimus referre aliquo modo sex tonos nostrae musicae, non tamenita exacte, quin magna intersit differentia; quare nullus istos tonos addiscerepoterit, nisi ab aliquo qui linguam bene calleat, illos per se ipsum audieritsaepius, ut illis assuescat: Quinque igitur sunt accentuum notae quia tonusequalis non indiget nota […]. (de Rhodes 1651b, p. 19)

[Tuy nhiên, nhờ thế chúng ta có thể sắp xếp sáu giọng này với các âm nhạc của chúng ta, vì chúng dường như có một số sự tương xứng về mặt âm thanh của chúng. Các ví dụ” dò, “trap”; rễ, “root” trong phát âm của một số địa phương;mĩ, tên của một họ cụ thể; fa or pha, “to mix”; sổ, “catalogue”; , “leaf”; như vậy, khi các âm này cũng có nghĩa trong tiếng Đàng Ngoài, dùng sáu thanh của tiếng Đàng Ngoài, dò, rễ, mĩ, pha, sổ, lá, chúng ta có thể nói đến, ở một số mức độ, đến sáu âm của âm nhạc chúng ta, mặc dù không chính xác, cái tạo ra một sự khác biệt lớn; bởi vì không ai có thể học được các thanh này, trừ người rất thông thạo ngôn ngữ này và nghe chúng thường xuyên hơn và đã trở nên quen thuộc với chúng; vì vậy có năm nốt nhạc bởi vì có một thanh bằng không cần nốt …]

KẾT LUẬN

Những ghi chép đầu tiên về Việt Nam từ bối cảnh châu Âu vào thế kỷ thứ 16 thuộc về nhà ngữ pháp và du kí João de Barros (1496-1570) năm 1563 vàgiáo sĩ dòng Đa MinhGaspar da Cruz (khoảng 1520–1570) năm 1570. Tuy nhiên, ghi chép ngôn ngữ học đầu tiên thuộc về nhóm mà Roland Jacques gọi là Các giáo sĩ Đạo chúa Jesus tiên khởi, đặc biệt là các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Francisco de Pina, S.J.(1585 / 1586-1625), Gaspar do Amaral, S.J. (1594–1646) và António Barbosa,S.J. (1594–1647) vàgiáo sĩ người Pháp, Alexandre de Rhodes, S.J. (1593–1660).

Hiện nay đã xác minh được rằng Francisco de Pina là người đầu tiên miêu tả tiếng Annam hay tiếng Tonkin bằng các kí tự Latin hay dùng hệ thống Latin hóa (ngày nay người Việt Nam gọi là Quốc ngữ, ngôn ngữ dân tộc) từ ảnh hưởng của giáo sĩ Bồ Đào Nha, João Rodrigues “Tçuzu”, S.J. (1562–1633). Gaspar doAmaral, António Barbosa và Alexandre de Rhodes đã phát triển và nâng cao phương pháp. Rhodes cũng dùng hai văn bản của từ điển do Amaral và Barbosa biên soạn và để lại dấu ấn riêng của chính tả Bồ Đào Nha (cả chính tả tiếng Việt hiện nay): tổ hợp con chữ<nh>ghi âm vị mũi mặt lưỡi-ngạc /ɲ/.

Mặt khác, Francisco de Pina cũng là một nguồn quan trọng trong miêu tả về các thanh tiếng Tonkin của Rhodes. Về điểm cụ thể này, sự tương tự giữa văn bản Linguae Annamiticae seu Tunchinensis Brevis Declaratio(Rome 1651) của Rhodes’svàManuductio ad linguam Tunchinensem (ante 1623) Pina là rất ấntượng. Chúng bổ sung cho nhau, nhưng văn bản của Pina rõ ràng hơn, bởi vì ông giải thích mỗi thanh với sự trợ giúp của khung nhạc, trong khóa G (nốt Son), với nửa (minim) và một phần tư (crotchet) nốt. Cả hai giải thích sáu thanh của tiếng Tonkin sử dụng các kí tự giống nhau như các ngôn ngữ châu Âu và họ miêu tả chúng với các từ giống nhau.

Tóm lại, đối với Pina và Rhodes, sáu thanh tiếng Tonkin có thể miêu tả như sau: Thanh thứ nhất là một thanh trung bình, không có sự thay đổi tuyến điệu (thanh ngang);thanh thứ hai là một thanh “sắc - giận dữ”, phát âm với giọng cao, thể hiện một giọng giống như giận dữ (thanh sắc); thanh thứ ba là một thanh bằng, phát âm bằng cách hạ thấp giọng (thanh huyền); thanh thứ tư là một thanh thở-lên cao, thay đổi giọng phát âm từ sâu trong ngực rồi nâng cao một cách dứt khoát (thanh ngã); thanh thứ năm là một thanh chesty-heavy, phát âm bằng cách phát âm ra từ sâu trong ngực và tạo ra một lực nhất định (thanh nặng); và, cuối cùng, thanh thứ sáu là một thanh hỏi, phát âm với một sự thay đổi giọng một cách mềm mại, giống như trong một câu hỏi, như ai đó hỏi điều gì (thanh hỏi).

Cuối cùng, trích dẫn của Nguyễn và Edmondson (1998, tr. 2) phải được sửa đổi, thêm tên Pina vào tên của Rhodes: Những đặc trưng này của các nhà ngữ âm học đầu tiên về tiếng Việt, Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes, “ba thế kỷ rưỡi sau […] vẫn còn giữ nguyên tính hợp lý và sáng suốt”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Barros, João de, 1563. Terceira decada da Asia: Dos feytos, que os Portugueses fizeram no Descobrimento & onquista dos mares & terras do Oriente, Lisboa, João Barreira. Online: http://www.archive.org/details/terceiradecadada00barr (last access: 24 July 2016)

Boxer, Charles Ralph, 1950. « Padre João Rodrigues Tçuzu S.J. and hisJapanese grammarsof 1604 and 1620 », Boletim de Filologia 11, 338-363.

— 2002. Opera Minora, 3 vols, Lisboa, Fundação Oriente.

Brockey, Liam M., 2009. Journey to the East: The Jesuit Mission to China, 1579–1724, Cambridge, Mass., Harvard University Press.

Catach, Nina (dir.), 1995. Dictionnaire historique de l’orthographe française, Paris, Larousse.

Correia, Pedro Lage Reis, 2012. « La Compagnie de Jésus à Macao et en Asie Orientale: la transmission du christianisme dans les ‘espaces de frontières’ (xvie siècle) », Hugues Didier & Madalena Larcher (ed.), Pédagogies Missionnaires: Traduire, transmettre, transculturer, 32e Colloque du CÉDRIC, Lisbonne 30 août-3 septembre 2011, Paris, Éditions Karthala, 261–276.

Cruz, Gaspar da, 1570. Tractado em que se cõtam muito por estẽso as cousas da China, cõ suas particularidades, e assi do reyno dormuz, cõposto por el. R. padre fray Gaspar da Cruz da ordẽ de sam Domingos, Évora, Casa de André de Burgos. Online: http://purl.pt/22928 (last access: 24 July 2016)

de Rhodes, Alexandre, 1651a. Dictionarium Annnamiticum Lusitanum, et Latinum ope Sacrae Congregationis de Propaganda Fide, Roma, Propaganda Fide.

— 1651b. Linguae Annamiticae seu Tunchinensis Brevis Declaratio. In Dictionarium Annnamiticm Lusitanvm, et Latinum ope Sacrae Congregationis de Propaganda Fide, Roma, Propaganda Fide, 1–31.

[de Rhodes, Alexandre], 1653. Divers voyages et missions du P. Alexandre de Rhodes en la Chine, & autres Royaumes de l’Orient, avec son retour en Europe par la Perse &l’Armenie, Paris, Sebastien et Gabriel Cramoisy.

Faria, Patricia Souza de, 2013. « Os concílios provinciais de Goa: reflexões sobre o impacto da ‘Reforma Tridentina’ no centro do império asiático português (1567–1606) », Topoi. Revista de História, 14/27, 218–238. On-line: http://www.revistatopoi.org/numeros_anteriores/topoi27/AF_TOPOI_27.pdf (Last access: 16/10/2014).

Ferlus, Michel, 1982. « Spirantisation des obstruantes mediales et formation du système consonantique du vietnamien », Cahiers de linguistique - Asie Orientale 11/1, 83-106.

Fernandes, Gonçalo & Assunção, Carlos, 2014. « Cuốn Từ Điển Tiếng Việt Đầu Tiên(Rome 1651): Đóng Góp Từ Chế Độ Bảo Trợ Của Bồ Đào Nha Đối Với Ngôn NgữHọc Phương Đông / The first Vietnamese Dictionary (Rome 1651): Contributions ofthe Portuguese Patronage to the Eastern Linguistics », Journal of Foreign LanguageStudies 41, Hanoi University, 3-25.

Fonseca, Maria do Céu Brás, 2006. Historiografia linguística portuguesa e Missionária:preposições e posposições no séc. XVII, Lisboa, Colibri.

González Fernández, Fidel, 2011. « La experiencia misionera de Alexandre de Rhodes SJ(1593–1660) », Sudia Missionalia 60, 277–317.

Guilday, Peter, 1921. « The Sacred Congregation de Propaganda Fide (1622–1922) », TheCatholic Historical Review 6/4, 478–494.

Guillemin, Alain, 2014. « Alexandre de Rhodes a-t-il inventé le quốc ngữ? Moussons 23,141-157.

Haudricourt, André-Georges, 2010. « The origin of the peculiarities of the Vietnamesealphabet », Mon-Khmer Studies 39, 89-104. On-line: halshs-00918824v2 (Last access:16/04/2016).

Jacques, Roland, 1999. De Castro Marim à Faïfo: Naissance et Développement du Padroado portugais d´Orient des origines à 1659, Lisboa, Fundação Calouste Gulbenkian.

— 2002. Portuguese Pioneers of Vietnamese Linguistics / Pionniers portugais de la linguistiquevietnamienne, Bangkok, Orchid Press.

— 2004. Các nhà truyền giáo Bồ Đáo vá thờ kỳ đầu của Giáo hội công giáo Việt Nam /Les missionnaires portugais et les débuts de l’Eglise catholique au Viêt-nam, 2 vols.,Reichstett, France, Định Hướng Tùng Thư.

— 2012. « De 1623 à 1955, options linguistiques des missionaires au Viêt-nam etaffirmation de l’identité nationale », Hugues Didier & Madalena Larcher (ed.),Pédagogies Missionnaires: Traduire, trasnmettre, transculturer, 32e olloque duCÉDRIC, Lisbonne 30 août-3 septembre 2011, Paris, Éditions Karthala, 41–51.

Manguin, Pierre-Yves, 1972. Les Portugais sur les côtes du Viêt-nam et du Campâ. Étudesur les routes maritimes et les relations commerciales, d’après les sources portugaises(16 e, 17 e, 18e siècles), Paris, Publications de l’ÉFEO.

— 1984. Nguyên Anh, Macau et le Portugal. Aspects politiques et commerciaux d’unerelation privilégiée, 1773-1802, Paris, Publications de l’ÉFEO.

Maruyama, Toru, 2004. « Linguistic Studies by Portuguese Jesuits in Sixteenth andSeventeenth Century Japan », Otto Zwartjes and Even Hovdhaugen (eds), MissionaryLinguistics/Lingüística misionera: Selected papers from the First InternationalConference on Missionary Linguistics, Oslo, 13–16 March 2003, Amsterdam, JohnBenjamins, 141-160.

— 2006. « Pioneering Portuguese linguistic works on sixteenth and seventeenth centuryKonkani and Japanese », Revista Portuguesa de Humanidades 10.1/2, 137-150.

Maryks, Robert Aleksander, 2010. The Jesuit Order as a synagogue of Jews: Jesuits ofJewish ancestry and purity-of-blood laws in the early Society of Jesus, Leiden / Boston,Brill.

Maspero, Henri, 1912. « Études sur la phonétique historique de la langue annamite: lesinitiales », Bulletin de l'École française d'Extrême-Orient 12, 1–124.

Michaud, Alexis, Michel Ferlus, Minh-Châu Nguyễn, 2015. « Strata of standardization: thePhong Nha dialect of Vietnamese (Quảng Bình Province) in historical perspective »,Linguistics of the Tibeto-Burman Area 38.1, 1-37. On-line: halshs-01141389 (Lastaccess: 12/05/2015).

Mourão, Isabel Augusta Tavares, 2005. Portugueses em terras do Dai-Viêt (Cochinchina eTun Kim), 1615–1660, Macau, Instituto Português do Oriente, Fundação Oriente.

— 2012. « Gaspar do Amaral au Tun Kim: Quelques aspects de la pédagogie missionnaireau xviie siècle », Hugues Didier & Madalena Larcher (ed.), Pédagogies Missionnaires:Traduire, trasnmettre, transculturer, 32e Colloque du CÉDRIC, Lisbonne 30 août-3septembre 2011, Paris, Éditions Karthala, 53–61.

Nguyễn, Văn Lợi & Jerold A. Edmondson, 1998. « Tones and voice quality in modernnorthern Vietnamese: Instrumental case studies », Mon–Khmer Studies 28, 1-18.

Nguyễn, Đình Hoà, 1997. Vietnamese, Amsterdam/Philadelphia, John Benjamins.

Phan Khoang, [1970] 2001. Việt sử xứ Đàng Trong, Hà Nội, Nhà xuất bản văn học.

Phan, Peter C., 1998. Mission and Catechesis: Alexandre de Rhodes and Inculturation inSeventeenth-Century Vietnam, Maryknoll / New York, Orbis Books.

[Pina, Francisco de], ca. 1745a [ante 1623]. Manuductio ad linguam Tunchinensem,Biblioteca da Ajuda, Lisboa, manuscript, collection “Jesuítas na Ásia”, Codex Ms.49-VI-8, 313r-323v.

— ca. 1745b [ca. 1623]. Pax Christi, Biblioteca da Ajuda, Lisboa, manuscript, collection“Jesuítas na Ásia”, Codex Ms. 49/V/7, 413r-416r.

Rego, António da Silva, 1940. O Padroado Português do Oriente: Esboço Histórico,Lisboa, Agência Geral das Colónias.

Ribeiro, Madalena, 2001. « The Japanese diaspora in the seventeenth century according toJesuit sources. Bulletin of Portuguese - Japanese Studies 3, 53–83.

Rodrigues, Francisco, 1917. A formação intelectual do Jesuíta: Leis e Factos, Porto,Livraria Magalhães & Moniz.

— 1931–1950. História da Companhia de Jesus na Assistência de Portugal, 7 tomes,Porto, Livraria Apostolado da Imprensa.

Rodrigues, João, 1604[-1608]. Arte da Lingoa de Japam. Nangasaqui: Collegio de Iapãoda Companhia de Iesu.

Rodrigues, João, 1993 [1620]. Arte Breve da Lingoa Iapoa. Fac-simile do original existentena Biblioteca Nacional da Ajuda, Lisboa, acompanhado da transcrição e traduçãojaponesa de Hino Hiroshi, Tokyo, Shin-Jinbutsu-Ôrai-Sha.

Sena, Tereza, 2014. « O Padroado Português no Extremo Oriente », Miguel Castelo-Branco(ed.), Portugal-China: 500 anos, Lisboa, Biblioteca Nacional de Portugal, 91–98.

Souza, Teotónio R. de, 2008. « O Padroado português do Oriente visto da Índia:instrumentalização política da religião », Revista Lusófona de Ciência das Religiões13/14, 413-430.

Spear, Richard L., 1975. « Introduction », Diego Collado’s Grammar of the JapaneselanguageInternational Studies, East Asian Series Research Publication, number 9,

Lawrence, Center for East Asian Studies (CEAS), The University of Kansas, 1-30.

Taylor, Keith Weller & John K. Whitmore, 1995. Essays Into Vietnamese Pasts, Ithaca,N.Y., Southeast Asia Program, Cornell University.

Teixeira, Pe. Manuel, 1996. A Igreja em Cantão, Macau, Instituto Cultural de Macau.

Thompson, Laurence C., 1987. A Vietnamese Reference Grammar, Honolulu, Universityof Hawai’i Press.

Wernz, Franz Xaver, Ludwig Schmitt, & J.B Goetstouwers (eds), 1950. Synopsis historiaeSocietatis Jesu. Lovanii, Typis ad Sancti Alphonsi.

Zwartjes, Otto, 2011. Portuguese Missionary Grammars in Asia, Africa and Brazil, 1550–1800. Amsterdam & Philadelphia, John Benjamins.



*Chúng tôi đề tặng bài báo này cho giáo sư Roland Jacques về sự đóng góp của ông vào việc nghiên cứu lịch sử và các mối quan hệ giữa Việt Nam và các giáo sĩ với sự bảo trợ của Bồ Đào Nha. Chúng tôi cũng xin cảm ơn TS. Nguyễn Vũ Thu Hà (Khoa Bồ Đào Nha, Đại học Hà Nội) đã giúp đỡ chúng tôi trong việc hiệu chỉnh miêu tả các thanh điệu tiếng Việt và cám ơn ban biên tập cũng như những người khác không được kể tên đã góp cho chúng tôi nhiều nhận xét để chúng tôi nâng cao bản thảo cuối cùng của bài báo này.

- Nguồn: Gonçalo Fernandes & Carlos Assunção, “First codification of Vietnamese by 17th-century missionaries: the description of tones and the influence of Portuguese on Vietnamese orthography”, trong: Histoire Épistémologie Langage 39/1 (2017), p. 155–176

[1]Chúng tôi dùng một số tư liệu từ một bài báo trước đây liên quan đến bối cảnh lịch sử, sự hiện diện của các nhà truyền giáo tiên khởi dưới sự bảo trợ của Bồ Đào Nha ở Việt Nam và miêu tả về văn bản siêu ngôn ngữ tiếng Việt đầu tiên (xem Fernandes & Assunção 2014).

[2]Về những chuyến đi không được tổ chức đầu tiên ở Việt Nam, xem, ví dụ: Jacques 1999, tr. 126-141.

[3]Isabel Mourão bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2011 ở École Pratique des Hautes Études, bộ môn Sciences Historiques et Philologiques, ở Paris, với sự hướng dẫn của Dejanirah Silva Couto, về các tác phẩm của Amaral, tiêu đề Gaspar do Amaral S.J. (1594-1646): La vie et l’oeuvre d’un jésuite portugais fondateur de la mission jésuite du Tun Kim à la cour des Trinh.Rất tiếc, công trình này vẫn chưa tiếp cận được, ngay cả ở Thư viện của French University. Tác giả nói với chúng tôi trong một trao đổi qua email rằng cô định xuất bản cuốn sách này trong thời gian sắp tới.

[4]“Rueda, viết như Rode ở Provençal (…), nghĩa là một bánh quay nhỏ mà người Do Thái cần để khoác quần áo của họ vào thời ký Trung Cố.” (Phan 1998, p. 39)

[5]Về lịch sử Vietnam, về Đạo Thiên Chúa ở Vietnam, về chúa Trịnh (1545-1787) và chúa Nguyễn (1558-1777) cũng như mối liên hệ phức tạp giữa họ với các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha, xem: Manguin 1972, 1984; Taylor & Whitmore 1995; Phan Khoang 2001; Guillemin 2014; and Fernandes & Assunção 2014.

[6]João Rodrigues sinh tại Sernancelhe, huyện Viseu miền nam Bồ Đào Nha; Ông gia nhập Dòng Tên ở tuổi 16 và dành toàn bộ cuộc đời cho việc truyền giáo ở Nhậ Bản và Trung Quốc cho đến khi qua đời ở Macau (Trung Quốc). Ông là bạn tâm giao và là thông dịch của đại danh (daimyos) Nhật Bản, Toyotomi Hideyoshi (1593–1598) và Tokugawa Ieyasu (1542–1616), người đã đặt cho ông tên thân mật “Tçuzu”, nghĩa là “thông ngôn” hay “thông dịch”.  Nhưng khi người Nhật bắt đầu cấm đạo và trục xuất các tín đồ theo đạo Thiên chúa ở Nhật Bản năm 1614, João Rodrigues, sau hơn 30 năm dành cho văn hóa và ngôn ngữ Nhật Bản phải sống ở một số thành phố của Trung Quốc, nhưng Macau là trung tâm hoạt động truyền giáo có hiệu quả của ông trong vòng 19 năm (Zwartjes 2011, p. 95).

[7]Về các công trình của João Rodrigues, xem thêm: Boxer 1950 và Maruyama 2004 và 2006.

[8]Chúng tôi chấp nhận tiêu chuẩn phiên âm như sau:

a)Chúng tôi giữ nguyên sự khác biệt gốc giữa viết hoa và viết thường các con chữ.

b) Chúng tôi để cách các từ kết hợp không đúng và gộp những từ được tách.

c) Chúng tôi giữ các dấu trong văn bản gốc để không thay đổi quan điểm hay diễn đạt của các tác giả.

d) Chúng tôi sửa các lỗi dễ nhận ra từ văn bản gốc, cả khi chúng không có trong đính chính.

e) Chúng tôi lược bỏ các dấu sư phạm Latin.

f) Trong tiếng Latin, chúng tôi thay thế các chữ <v> và <j> bằng <u> và <i>, và chữ dài

(trung bình hay hạ xuống) <ſ> bằng chữ ngắn (phần cuối hay vòng) <s>. Trong tiếng Bồ Đào Nha, chúng tôi giữ con chữ <u> với giá trị của phụ âm <v>.

g) Chúng tôi để nghiêng các ví dụ trong tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Việt và tiếng Nhật.

h) Chúng tôi mở rộng tất cả các chữ viết tắt và rút gọn (brevigraphs) trong tiếng Latin. Chúng tôi viết tắt “i.” (cả chữ thường và chữ hoa) khi tiếng Latin diễn đạt sự giải thích “id est”, ngay cả trong văn bản tiếng Bồ Đào Nha. Nó là một cách diễn đạt phổ biến trong các sách ngữ pháp tiếng Latin của các nhà truyền giáo, con chữ thường bị nhầm với chữ <L>. Một số tác giả dịch sai cách viết tắt này với liên từ phân biệt “vel”. Nhưng liên từ này luôn xuất hiện ở dạng không viết tắt.

i) Trong các trích dẫn tiếng Bồ Đào Nha, chúng tôi cũng mở rộng các dạng viết tắt, như: <ã> (<am> hay <an>), <ẽ> (<em> hay <en>), <õ> (<on>), <ũ> (<um> hay <un>), <q̃> (<que>) và kí hiệu <&> (<e>). Tuy nhiên, chúng tôi giữ quán từ/đại từ không xác định <hũa>, <algũa(s)> và <nenhũa>, để lưu giữ một nét ngữ âm riêng biệt của tiếng Bồ Đào Nha, hiện vẫn còn lưu giữ ở một số làng phía bắc Bồ Đào Nha.  

[9]Về lịch sử của phép chính tả của kết hợp <gn> trong tiếng Pháp, xem, v.g., Catach 1995, tr. 1138-1140.

[10]Về việc phân tích phương ngữ học tiếng Việt lịch sử và sự khác nhau giữa các thanh điệu ở hai thành phố lớn nhất của Việt Nam, Hà Nội và Hồ Chí Minh City (Saigon), xem, chẳng hạn: Maspero 1912 và Michaud, Ferlus & Nguyễn 2015.

[11]Ngày nay các học giả cho rằng tiếng Việt (phương ngữ Bắc Bộ) gồm có sáu thanh điệu(xem, v.g., Nguyễn &

Edmondson 1998, tr. 7-8) và tiếng Đàng Trong trên thực tế chỉ có năm thanh. Thanh hỏi và thanhngã ở một số tỉnh miền trung Việt Nam nhập làm một (xem, v.g., Nguyẽ̂n 1997, tr. 26).

[12]Thú vị là họ dùng con chữ tiếng Hy Lạp<β> để thể hiện phụ âm xát môi răng hữu thanh [v].

Người dịch: Võ Xuân Quế

Nguồn: Văn hóa Nghệ An, ngày 01.11.2018.

Thượng đế sinh ra muôn loài . Chỉ có loài người Ngài ban cho họ tiếng nói . Tiếng nói để giúp họ hiểu nhau. Lời nói gió bay , chỉ có chữ viết mới khiến cho tiếng nói được truyền đi mọi lúc mọi nơi, bất chấp không gian và thời gian . Nước Việt và Do Thái là hai quốc gia thông minh nhưng bị mất nước lần lượt là 1000 năm và hai ngàn năm. Tại sao hướng đi của hai dân tộc này càng lúc càng ly tâm . Một bên tốt hơn . Một bên " như Xê .! . Đau! . Người Do Thái đã tìm ra đáp số và họ đã giải quyết được tốt đẹp . Họ có chữ viết trong khi ta vay mượn, cho mãi đến năm 1916 chúng ta mới tạm thống nhất bằng thứ chữ quốc ngữ này . Lời chào mỗi ngày của người Do thái , " hẹn gặp tại JEUSALEM " với lòng quyết tâm . Người Việt chào mỗi ngày " anh/chị khỏe không ? " . Lời chào này có nghĩa là anh chị có " ổn "không. Ổn về sức khỏe , ổn về vật chất, ổn về tinh thần. Đất nước này còn long đong lắm về mặt tinh thần . Rằng có một cái gì đó không " khỏe " - Việt Nam khỏe không ? - không khỏe chút nào! . Một trong các lý do khiến Việt Nam không khỏe là -ngôn ngữ. !. Trong đó có hai âm Mít đặc đầy ma lực mà nay trên thế giới này không có một từ nào của bất cứ quốc gia nào có nghĩa tương đương . Vậy mà trong Từ điển Tiếng Việt của quốc gia ghi rằng nó là một từ Thông tục . Thông tục!..Tại sao nó lại là thông tục. Sự gán ghép này do chính các nhà làm từ điển " áp đặt lên " , quả thật đây là một tắc trách , do người lại không am tường độ đa nghĩa, độ sâu của nó, cho nên thuận tay phán bừa một cách VÔ TRÁCH NHIỆM chăng?

I-Mít đặc là gì ? - Anh từ đâu đến ngôn ngữ quê hương tôi ?

I--Cấu tạo

Theo cách lý giải thông thường thì Mít đặc gồm hai từ "mít" và "đặc" có nghĩa riêng biệt kết hợp lại với nhau . Mít ==> theo từ điển Tiến Đức năm 1931 . MÍT là kín lắm ,không hở . Nghĩa bóng là ngu tối, không hiểu,không biết cái gì . Ví dụ: hỏi đâu mít đó ( trang 345 ) . Sau này các Từ điển , Việt Nam Tân từ điển của Thanh Nghị SG 1952 ,Tự điển Việt Nam của Khai Trí SG ,1971 hay Tự điển Việt Ngữ Hoàng Phê 2003 sau 75 cũng đều định nghĩa như thế .

Mít có nghĩa trên do từ sụ biến âm từ mít hay không ?

Mít có liên thông với Mịt và Mật từ chữ Hán hay không hay không ? . -Tự điển Tiến Đức đã định nghĩa Mịt là tối lắm và không đề cập đến nghĩa bóng. Lưu ý rằng Mít của Việt Nam là âm ,đa nghĩa , mật của Tàu tuy cùng một âm , nhưng mật trong "ba la mật " có hai ký tự khác nhau . Một từ có nghĩa là mật ngọt ,có bộ trùng ,và mật là kín có bộ Miên .

Đặc là gì? ==>Đăc là đông lại, đọng lại, cứng lại,

Đặc là một từ hậu tố ( suffix) -hàm ý tăng cường độ cho từ đi trước nó . Mít đặc là "mít" hoàn toàn, mít 100% , Việt Nam Tân từ điển của Thanh Nghị đã định nghĩa ignorer complètement. Khẩu ngữ Quảng Nam có câu " nhìn tề , -Người đâu mà đôngđặc ". Có nghĩa là người ở đâu mà đông quá ,đông đen .

II- từ mít có từ bao giờ?

Chúng ta cần phân biệt Âm và chữ . Âm có trước chữ viết. Mít là âm Việt có từ thời rất xa xưa . Khi mà cây Mít theo các tăng sĩ người Ấn thả thuyền theo dòng hải lưu đến Giao châu truyền bá đạo Phật . Từ này có thể xuất hiện đồng thời với âm Bụt . Bụt là từ thu gọn của từ Buddha ( hai âm ).Mít là từ thu gọn của từ paramita ( 4 âm ) . Từ này vừa chỉ cây mít ,vừa là một thuật ngữ Phật giáo mà người Tàu phiên âm là ba la mật đa ( đủ 4 âm ) - người Việt gọi là Mít - người Tàu không gọi Mật là cây mít .Họ gọi đủ ba âm . Tàu gọi cây mít là 菠 蘿 蜜 "bō luó mì" / âm hán Việt là "ba la mật" nhưng ,mật ở đây là có nghĩa là ngọt ,như mật ngọt như đừơng , 蜜 bộ trùng trùng 虫,trong khi Mật là bí mật ,là đông đúc thì mật là 密, bộ miên 宀 . Vậy nó không hề liên quan nhau . Việt là Việt, Hán là Hán, Tàu là Tàu . Mít là mít . Mật là mật .

Trong ngôn ngữ Việt , mít xuất hiện dưới hình thức chữ nôm khá lâu . Thời vua Minh Mạng lệnh truyền trồng cây mít trên khắp đất nước . Vào ngày 1 tháng 3 năm 1837 vua Minh Mạng ban chiếu có đoạn "Chiếu sai các thành trấn, thành phủ và đường quan đều trồng cây mít, cách 5 thước trồng một cây. Đê sông lớn, đê sông nhỏ (d)ều trồng cây liễu; các vườn tược bỏ hoang đều phải trồng đay gai". Và cửu đỉnh ở Đại Nội HUẾ ́ có khắc cây mít. HUẾ ,Thừa thiên và Quảng Nam có lẽ là hai nơi hưởng úng nhiệt liệt nhất. Nhà nhà đều trồng mít do bởi đất đai và thổ nhưỡng tại hai nơi này khắc nghiệt ,và mít là cây dễ sống , chịu hạn tốt và không kén đất, kể cả những chỗ đất đai cằn cỗi. . Từ đây từ Mít được nhắc nhở trong từng bửa cơm gia đình . "Mít đẹt và mắc địt " xuất hiện trong Khẩu ngữ Quảng Nam ,từ đó có âm "Mít đặc" do việc gom hai từ thành một . Tại Quảng Nam âm mít xuất hiện khá đều đặn, họ có câu ca dao

"Ai về nhắn với bạn nguồn , 
Mít non chở xuống cá chuồn chở lên "

Còn Mít đặc thì sao? . Mãi đến khi Quôc văn giáo khoa thư viêt năm 1935 do Nhà cầm quyền ĐÔNG PHÁP giao cho cụ TRẦN TRỌNG KIM viết ,thì hai từ Mít đặc xuất hiện trong Quốc văn Giáo khoa thư,trở thành bài học thuộc lòng cho trẻ .

Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài 
Cũng thành vô dụng cũng hòai ngọc đi 
Con người ta có khác gì 
Học hành qúy giá ngu si hư đời 
Những anh mít đặc thôi thời 
Ai còn mua chuộc đón mời làm chi!

Ngữ cảnh trong bài học thuộc lòng này là gì ?. Mít đặc có thể là dốt nát do vì lười biếng không chịu học. Anh ta không phải là loại NGU ĐẦN mà anh có thể là người sáng dạ đàng khác. Hai là cũng có thể là anh chỉ biết mỗi thứ chữ Nho,thứ chữ Hán lúc chợ về chiều , nay không chịu học chữ quốc ngữ, anh ta ,"không thức thời ". Anh cũng là một người ngu vậy !.

Điểm đặc biệt cần để ý là từ Mít đặc lại không được nhiều người Nam Bộ thường xuyên xử dụng, một vài nơi ."Bọn trẻ hay nói " lêu lêu cái đồ mít đặc" ,chủ yếu bọn trẻ dùng mít đặc vì âm nói lái đầy thú vị với trẻ ,sau đó là tiếng cười dòn và rượt chạy " , theo LẠC NGUYỄN người Sóc Trăng . Ngoài ra người miền Nam không khai thác và suy nghĩ nhiều về âm đầy "ma thuật" này. Tự điển Phương ngữ Nam Bộ của Nguyễn Văn Ái không có . Từ điển đồ sộ có tên là "Từ Ngữ Nam Bộ" -của tiến sĩ giảng dạy Huỳnh Công Tín mới đây cũng không thấy có. Có lẽ cây mít không chịu đất ngập nước ở đồng bằng Nam bộ chăng? . Một khi trái mít không phải là thứ cây trái của nhà nghèo thì âm và từ mít không thường xuyên xuất hiện trong ngôn ngữ giao tế hằng ngày của người Nam bộ chăng?, âu cũng là điều dễ hiểu. Nhiều nơi ở Nam bộ đất thấp , nước ngập mít khó sống, nhà vườn không trồng . Người Đàng Trong ngoài mít ráo ,mít mật ,mít nghệ , họ còn thích ăn mít ướt, bởi chính "mít ước" khiến họ ăn được nhiều và thấy ngon .Từ đó từ "mít ướt" cũng trở thành một từ trong kho tàng ngôn ngữ của họ . "mít ướt <==> mít ước " là một danh từ chỉ người mau nước mắt. Nhiều người Việt ,trẻ có già có khi nghĩ đến "Chuyện gì đó ,mà mình thầm ước ao nay chưa đến , họ rơi nước mắt-"Mít ướt ==> mít ước ==> Mít đã là từ tình cảm trong tâm trí người Việt, điều này khiến cho ai đó lấy HÁN làm TRUNG ( chữ của anh Nguyễn Cung Thông ) -không có đất sống.

Trong cảnh cùng khổ, trên đe dưới búa,thời tiết và thổ nhưỡng khắc nghiệt, người Đàng Trong thường mau rơi nước mắt khi thấy trong chén cơm của mỗi thành viên trong gia đình mình, chiều nay không có gì ăn . Họ "mít ướt ==> mít ước" , Người Quảng Nam nói riêng và người đàn ông thuộc sắc dân Lạc Việt nói chung, ngó vậy mà Họ đều mau rơi nước mắt. Họ dễ bị " dụ " bởi hai từ yêu nước. "?" . Hiểu ra thì mới hay mình đã NGU "?" . Chết cho quê hương "? Hay ! "., Chết cho đồng bào mình sống "?hay !" . Trẻ thơ Việt Nam nay đang "được" học bài "Quê hương" trong SGK , với câu cuối vô cùng tình cảm, dạy điều khôn dại ... " là chùm khế ngọt " thơ của ĐTQ . Họ đâu biết rằng, khế ăn một ai lát thì không sao, dùng vài lát để át mùi tanh của cá biển, khử mùi đắng của các ion Ca2+ , Mg 2+ vị tanh của Fe 3+ , ...tồn tại trong muối hạt muối rang của các xứ quê nghèo Trung eo ; thế nhưng, " cho ta trèo hái mỗi ngày , TRẺ tử vong là chắc! . Bởi người lớn không dạy cho trẻ biết trong khế có chứa 1% Oxalic acid trong 100 gam nước cốt ( theo giáo sư Võ Quang Yến , Paris ) . Ngoài ra Khế còn chứa một độc tố dữ dội khác là "neurotoxin, có thể gây ói mửa, rối loạn tâm thần, hôn mê, động kinh hay thậm chí là tử vong. Độc tố này cũng tìm thấy trong một số loài rắn hay nhện..." theo trang web "tokhoe.com". Vậy mình chọn nên chọn Mít để yêu quê hương hay là chọn khế hở các Bạn hiền?

"Mít và mít đặc" và Mít ướt không phải là từ xa lạ với người miền Nam yêu thương nhưng quả thật là từ họ rất ít khi dùng đến khi giao tiếp hay suy nghĩ về nó. Họ chỉ dùng để châm chọc nhau lúc nhỏ .Dù gì thì gì thì từ mít vẫn là từ tình cảm trong tâm trí họ . 
  

Và người Tàu thì sao? .Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Cung Thông cho rằng, người Tàu, phương Bắc không có âm MÍT, nếu có chỉ là âm ngoại nhập vào ngôn ngữ của họ mà thôi, bởi Cây Mít không chịu được nhiệt độ lạnh, chính các ..." điều kiện môi trường này loại trừ Trung Quốc là một nguồn của loài mít, do đó không thể nào có cơ sở liên hệ bất cứ hiện tượng ngữ âm nào giữa tiếng Hán/TQ với loài mít! Ngoại trừ tiếng Hán/TQ nhập cảng tiếng nước ngoài vào ngôn ngữ mình " ,Nguyễn Cung Thông. Theo ngu ý, có thể nhà ngôn ngữ học người Tàu tên là Vương Lực, vào năm 1942 có qua Viện Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội làm việc chừng một năm; tại đây ông đã tìm lại cội nguồn tiếng nói của dân tộc ông . Ông cho là người Bắc là nơi còn ghi dấu " ngôn ngữ Tàu từ thời xưa , từ đời Ðường, mà sau này người Tàu Bắc kinh không còn ai dùng nữa" . Việc này cũng tương tự như người Việt chúng ta tìm về ngôn ngữ người MƯỜNG để tìm lại tiếng Việt xưa . Chính từ công trình của Vương Lực mà chúng ta cần giác từ các bài viết về từ nguyên học của các "nhà tự phong mình là nhà từ nguyên học ", bởi họ là "nhà từ nguyên học đường phố " đa phần là các anh Tàu sặc mùi Ðại Hán viết , Nhà Ngôn ngữ Ðông Phương trường lớp Nguyễn Cung Thông tặng cho họ " mỹ danh " này .

III Xét về thuộc tính của âm "ít" trong MÍT

Trong Âm mít , nếu ta để ý đến việc phân âm , cấu tạo từ khi đánh vần . Mờ (M) + ít sắc mít .Trong đó có phần tạo âm là ÍT . Thuộc tính của âm "it" là gì? . Đa phần các từ có cấu tạo "Phụ âm + ít " đều chỉ sự nhỏ nhoi, chật hẹp . Từ sẽ mang ý nghĩa tiêu cực nhiều hơn. Sự sinh động dãn nở vắng bóng . Bưng bít , vung vít , mít ,khít rịt , tíu tít ( quắn lấy nhau trong không gian hẹp) ,ghịt ,vít đầu xuống vv . Âm "ít " chỉ thuôc tính tiêu cực .

Mít đã để lại trong ngôn ngữ Việt Nam một lời nhắc nhở " buòn phiền " cho toàn dân tộc này. Rằng Bạn hiền " phải lận lưng cho đến lúc chết ,rằng DÂN TỘC NÀY hãy " trưởng thành lên " , để từ này mất hẳn trong ngôn ngữ Việt . Trước 75 tại Miền Nam Việt Nam có từ Mẽo ,từ gọi người Mỹ một cách xách mé ,nay đã mất hẳn , do Người Mỹ không hề xấu xa ,mọi sự bêu rếu đều vô nghĩa . Thế nhưng câu Khẩu ngữ mà mình phải nghe " _Lại một anh MÍT!" . Anh Mít là một anh "annamite " ,Người Việt đã bị người Pháp dè bỉu . Từ Annam đã xấu xa do Tàu đặt cho,sau khi người Việt mình mất nước 1000 năm , nay người Tây thêm âm "íte" vào sau 100 năm đô hộ . Hai lần vong quóc sử!. Lần trước 1000 năm , rước lấy tên AN NAM - mà Tàu đọc trài trại, nghe như là Ố NHÂN , bọn người xấu xa! . Nay đến phiên người Pháp thêm cho nó một suffix là "ITE" nữa .Vậy mà nay đến phiên các nhà ngữ học , các nhà ngôn ngữ học lại làm thinh cho " người ta bêu rếu dân tộc mình bằng cách phân tích từ nguyên đầy chất xỏ lá " .Xin đọc phần sau -Nhà từ nguyên học lừng lấy trong nước ANCHI*.

Với Tây , "Kẻ xâm luợc Tàu - hỗ lốn - gọi chúng tôi là An Nam, các học giả thực dân chỉ thêm một tiếp vĩ từ (suffixe)  "ite".  Theo văn học Pháp thế kỉ XVIII thì "ite" và "iens" là để chỉ những dân tộc lạc hậu, yếu kém, hoặc môt vùng nhỏ, ví d : Les Indiens, les Cambodgienes, les Moscovites;... Sao các ông không gọi chúngtôi là Vietnamais cũng như Francais, Anglais, Japonais;... Bà và ông thấy thế nào?" ,trích lại từ một blogger .

IV - Vài tạp nghĩ

Trong Từ Điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, Từ điển Việt ngữ này được xem như từ điển của người trong nước sau 75 , xếp từ Mít đặc vào nhóm từ thông tục .Thông tục là gì ? tại trang 953

Thông tục là 1- phù hợp với trình độ của quần chúng đông đảo ,quàn chúng dễ hiểu ,dễ tiếp thu .2- Quá thông thường ,tự nhiên ,thuộc từ ngữ chỉ quen dùng trong lớp người gọi là kém văn hóa (kém văn hóaLaiquangnam tô đậm ) . Điều này chỉ rằng đây là từ mà giới " có học thức không dùng " . quả thật ta không thấy nó được dùng trong ngôn ngữ trang trọng, không xuất hiện trong cac văn bản "nghiêm túc " của giới học giả hay trong văn bản của người được gọi là " trí thức " . Thật đáng tiếc.

`Chúng ta thử đọc và nghe các câu thoại dưới đây . Đây là mẫu đối thoại giũa hai người tạm gọi là A và B về sự hiểu biết .

Ví dụ: thứ nhất

1-A : Này B , 2 cộng bới 2 là mấy con ?

B- là năm

A-Đồ ngu ! , đồ "mít đặc *"

2- Ví dụ: thứ hai

1-A: - Này B , ngày nay theo anh chế độ chính trị nào là tốt nhất cho Việt Nam

B- Theo tôi là chế độ độc tài, phong kiến cha truyền con nối. Bởi người lãnh đạo quốc gia cần phải có gien di truyền

A- "mít đặc**! "

3- Ví dụ: thứ ba

1-A: này B , niết bàn ( Nirvana) là gì Bạn hiền.

B- Chuyện này tôi "Mít đặc*** "

Qua ba mấu đối thoaị đó , Chúng tôi lần lượt phân tích lại. Cả ba tình huống đều dùng ký tự tạm ghi là " Mít đặc" .Như Bạn hiền đã thấy , ứng với với ba tình huống khác nhau laiquangnam có ghi với dâu sao * khác nhau

1-Tại Ví dụ thứ nhất, từ " đồ ngu ! ", Mít đặc* có thể thay bằng Đần, ngốc ngếch.Trong trường hợp này khẩu ngữ của Quảng Nam dùng đúng là "mít đẹt ". ĐẸT , ET thay vì ẶC là mít đặc* . Từ này được dùng trong giới người thân trong gia đình trong nhà . Họ nói vói con cháu mình bằng thứ ngôn ngữ của người trưởng thượng, có chút ngậm ngùi, bất lực,cảm thương .

Vậy Mít đẹt là gì? . Mít là loại cây trái ta đã biết . Đẹt là không lớn lên nổi . Thứ này còn gọi là "Dái mít" lớn bằng cở ngón tay cái . Không lớn thêm . Người ta hái và ăn non , nó có vị chát đặc biệt, ăn non còn hơn là để nó tự rụng

2- Tại Ví dụ thứ hai , từ " Mít đặc** " "không thể thay bằng "Đần" , "ngốc ngếch" được bởi đây, là câu hỏi dành cho một người có ăn học tử tế . Nó liên quan đến thể chế quốc gia . Khi mình ở một trình độ nào đó thì câu hỏi này mới được đặt ra . Trong trường hợp này, khẩu ngữ của Quảng Nam là "mắc địt " . Từ mắc địt này được dùng khi người thân trong nhà nghe con cháu mình nói lời khó nghe, rất chướng tai. Người bình thường nào đó ,không quá đần đều cũng cảm thấy chướng tai như họ . Câu khẩu ngữ thường dùng của người Quảng Nam là " Mi nói Tau nghe muốn mắc địt! " . Tại sao lại mắc địt? , bởi khi nghe xong , trong bụng người nghe liền cảm thấy lình bình ,khó tiêu hóa, Họ chỉ mong được địt /tức đánh rấm ( BẮC ) một cái thì cái bụng mình mới nhẹ được . Ngữ cảnh của nó là , người phát ngôn dùng nó ở trạng thái chê bai, đầy chất miệt thị . Lời này được tặng cho viên chức , cho giáo sư tiến sĩ mà nói lời khó nghe , trái với lương tâm và công lý thương tình . Bạn hiền, bạn vào Facebook sẽ gặp hàng ngày các vị này .

Trong ngôn ngữ của người phát ngôn, âm " mắc địt " có chút gì trưởng thượng, đầy chất miệt thị khinh thường . Vậy cái ngu của B trong trường hợp này là cái ngu của một anh có được ăn học , không thể dùng từ ngu ,đần ,ngốc , dại ,khờ thay cho từ "Mít đặc **" được

3-Tại ví dụ thứ ba, từ " Mít đặc " không hàm ý mĩa, bởi ở đây không ai mĩa ai . Tự thân ngừoi phát ngôn nhận mình " không biết hoàn toàn " về điều mà A vừa hỏi . Có thể B biết Niết bàn là gì , nhưng biết một cách mơ hồ , không đủ để A thoải mãn nếu như B chịu khó trả lời cho A. Trong trường hợp này từ " MÍT " lại càng khòng dính dáng gì với định nghĩa mà từ điển Tín Đưc đã ghi. Nó không liên quan gì đến Mít ==> mịt ==> Mật ( Hán ) .Lần này nó liên quan đến một từ từ Phạn ngữ , thuật ngữ Phật giáo .

Bạn hiền cùng laiquangnam đọc lại đoạn này trên Chim Việt Cành Nam năm xưa ,bài do Thầy Minh Chí viết .

" Tôi muốn nói từ mít. Các tăng sĩ Nam Ấn Ðộ, vào đầu kỷ nguyên, khi đạo Phật đại thừa đã hưng khởi, thường hay đi truyền giáo nơi xa, đến đâu họ thường đem hạt giống cây trồng theo, khi họ đến Bắc Việt Nam và Nam Trung Hoa họ có đem theo hạt giống loại cây mà không hiểu sao họ gọi là cây Paramita. Paramita, Hán dịch âm Ba la mật chỉ cho đức hạnh bồ tát, mà bồ tát, như chúng ta biết, là nhân vật tiêu biểu của Phật giáo đại thừa, tức Phật giáo Bắc truyền. Một hình thức Phật giáo rất năng động, sáng tạo, đầy nhiệt tình truyền giáo, hưng khởi vào những thế kỷ đầu công nguyên. Paramita có nghĩa là đức hạnh hoàn thiện. Hán dịch âm đầy đủ là Ba la mật đa. Có thể là các tăng sĩ Ấn Ðộ thời ấy gọi cây đó là Paramita để tự nhắc nhủ mình về hạnh bồ tát chăng, về hạnh nguyện của các vị bồ tát không ngại đường xa gian khổ đi khắp nơi, cùng trời cuối đất để truyền bá giáo lý của Phật đà chăng? Từ đó về sau, người dân miền Nam Trung Quốc cũng theo các tăng sĩ truyền giáo Ấn Ðộ, gọi đó là cây Ba la mật (họ bỏ âm đa, theo thói quen). Còn người Việt ta thì bỏ cả những âm đầu và cuối, chỉ gọi là cây mít (Paramita: giản âm hóa thành cây mít). Cây mít thường trồng nhiều xung quanh chùa, gỗ mít được xem là gỗ thiêng, chỉ dùng làm mõ, làm bàn thờ v.v...

Nhưng tôi xin phép hỏi các nhà ngôn ngữ học có mặt ở đây, vì sao người Việt ta lại có từ mít đặc, để chỉ người dốt, hỏi gì cũng không biết: mít đặc. Phải chăng đây là một trường hợp biến nghĩa, thường gặp trong ngôn ngữ. Một từ ngữ bác học, sau khi đã xâm nhập vào dân gian, thì hay bị biến nghĩa. Cũng như từ thiên binh, chỉ cho binh đội nhà trời của nước Trung Quốc ngày xưa. Vua Trung Quốc gọi là thiên tử, triều đình của vua Trung Quốc gọi là thiên triều, còn binh đội của vua Trung Quốc gọi là thiên binh, là quân đội nhà trời, đáng lẽ người dân Việt Nam phải kính nể, khiếp sợ. Ấy thế mà người dân Việt Nam lại nói: chuyện thiên binh, như một chuyện khôi hài, láo khoác, không có thật, không đáng sợ. Có thể đây là trường hợp cũng giống như từ mít đặcnói trên chăng? Paramita, là hoàn thiện, siêu việt lại dám dùng trong trường hợp mít đặc, để chỉ sự dốt nát không biết gì hết."

Mít lần này là mít trong từ cây mít ==> paramita .Cũng do thói quen tinh gọn , nuốt âm thuòng ngày của người Việt . Như âm BỤT vốn là Buddha , hai âm còn một âm .Gọn nhẹ. Một âm nếu đã đủ thì tại sao lại không dùng một âm cho ngắn ngọn ! . "Mít đặc " ,có âm "mít" là một âm gọn trong từ thuộc từ Phạn ngữ là paramita . Đặc là làm đông cúng lại . Mít đặc từ đó thành hình và tặng độ lớn ,độ dãn cho từ Mít đặc vốn có từ trước trong Khẩu ngữ Quảng Nam. Lần này có nghĩa là , cho dù ông là người, một bậc thức giả, cho dù ông đã thông hiểu sâu về Tánh Không, về dòng Bát nhã Ba la mật đa ,thế nhưng với cái đầu "Mít đặc", ông không chịu xả bỏ "cái đã có trong đầu mình" để đón nhận một minh triết mới hơn, tốt hơn , thì đó là một cái đầu không " ngu"là gì ! . Một cái đầu NGU của một anh dại chữ . Ngu vì ngoan cố và cố chấp. Họ đã lọt vào vùng U minh khác. Hoàng Phong là một tiến sĩ khoa học nay sống tại Pháp đã viết : "vô minh" trong tiếng Phạn gọi là Avidya và tiếng Pa-li là Avijja, nghĩa từ chương của chữ này là sự "thiếu hiểu biết", thế nhưng cũng có thể hiểu đấy là một sự "nhầm lẫn". "Thiếu hiểu biết" không có nghĩa là thiếu sự hiểu biết mang lại từ sự học hỏi từ chương trong sách vở, hay sự thiếu hiểu biết mang tính cách thông thái của một nhà bác học. Vô minh là một cách "nhìn sai" hay "hiểu sai" của bất cứ ai cho dù họ là một người học vấn uyên bác hay một người thất học .

Sự lầm lẫn này có thể từ một hình thức thấp là liên hệ đến những biến cố và sự kiện thường tình trong đời sống cho đến một hình thức cao là liên hệ đến một sự quán thấy lệch lạc, không nhận biết được bản chất đích thật của chính mình và của mọi sự vật, không quán thấy được ảo giác của mọi hiện tượng đang biến động chung quanh mình và những xung năng trong tâm thức mình" . Hoàng Phong

Vậy trong trường hợp này Mít đặc không thể dùng bất cứ từ nào khác ,cho dù tiếng Hán ,tiếng của người Phương Tây * ? có thể thay thế được .

*Quả thật tôi không biết trong thuật ngữ Phương Tây /ANH PHÁP MỸ có từ nào nào tương đường với từ Mít đặc như trường hợp này của Việt ngữ hay không. Nhưng tôi nghĩ rằng tiếng Tàu không hề có một từ có thể thay thế nó. Trong Việt ngữ , cụm Khẩu ngữ hằng ngày là "dại chữ " . Từ dại chữ này được áp đặt cho người biết chữ Hán nhưng không thông về Việt ngữ mà nói chuyện từ nguyên .

"Ai đó" đã giảng Gần ( tiếng Việt ) phát xuất từ âm Cận của Tàu, bởi vì sự biến âm C <=> G trong khoa ngôn ngữ học . Tôi nghĩ không đúng, bởi Gần là một từ cơ bản của người Việt. Nó là từ sinh tồn, bởi ước độ khoảng cách thì GẦN và XA cùng xuất hiện cùng lúc ; Tàu thì Cận Viễn. Cận và Gần có thể có bà con xa gần ,có thể vì từ thuở hồng hoang rất xa xôi ,họ có cùng cội nguồn . Ví dụ dễ hiểu , giả định việc này xảy ra; sau 75 tại miền Nam Việt Nam có hai chiếc thuyền cùng thả ra biển. Họ trôi dạt vào hai hải đảo xa xôi ,không còn liên lạc với nhau được. 10 ngàn năm sau dó ,"Ai đó" khảo sát ngôn ngữ về hai sắc dân này , họ gặp vài âm trùng nhau một cách kỳ lạ, thế nhưng vào lúc này hai sắc dân đã có các thuôc tính hoàn khác nhau . Ta,người Giao châu ,Lạc Việt và Tàu thuộc dòng Nam Việt hay Mân Việt cũng thế . Không thể nói ai đã chịu ảnh huỏng của ai .Một ví dụ khác , "Ai đó" cho rằng Bố trong Bố Cái Đại Vương liên quan đến âm Phụ của Tàu Hán là một liên tưởng TRẬT , do bởi Bố và Phụ là từ cơ bản của dân tộc Việt và Tầu .Bố /Bu là cập từ chỉ song thân của Việt . Phụ Mẫu cũng là từ chỉ song thân của Tàu . Âm có trước , chữ viết có sau, sự nhập nhằng do cách tìm từ nguyên qua ngôn ngữ kiểu như giáo sư Nguyễn Tài Cẩn chỉ đúng với các từ Hán Việt thật sự , nay còn tồn tại trong ngôn ngữ của ta. Lý luận này không đúng lắm với các nhóm từ cơ bân của người Việt .

Kết luân

Vậy từ nguyên của từ Mít Đặc là gì ?

Có hai giả thiết

1-Một là, mít đẹt .Đó là một âm Quảng Nam , chỉ sự Ngu ,Đần do thiểu năng trong một thể trạng không phát triển cho nên, Ngu bẩm sinh ,khó khai hóa

2-Hai là, từ khẩu ngữ Quảng Nam "MẮC ĐỊT" . Do âm thô tục quá , và rõ quá , không thích nghi trong đối thoại trong một xã hội cần lịch sự hơn . Từ mang tính chất miệt thị rõ quá cho nên phải "nói lái" thành MÍT ĐẶC lại cho dễ nghe hơn ,lúc này thì âm và ngũ nghĩa MÍT đã khá rõ ràng . Dần dần theo luật LUẬT DARMESTETER về Ngôn ngữ Sinh hóa mà tăng dần độ " thâm và kỳ ảo " mà nay trên thế giới này không có một từ nào có thể tương đương với nó .

3- Ba là, từ một thuật ngữ Phật giáo về dòng BÁT NHÃ. Từ Paramita ==> âm mít là từ thu gọn của một từ Phạn ngữ gồm 4 âm, gom còn một từ MÍT .Sau đó ,từ Mít được gia cố bằng một hậu tố (suffĩx) - vốn là một tính từ "đặc" . Từ Mít đặc nay có nghĩa KHÔNG BIẾT 100% . Không biết không phải vì dại ,vì ngu ,vì đần mà vì DẠI CHỮ và vì cố chấp . Đây là cái NGU của một anh DẠI CHỮ. Và điều quan trọng cuối cùng nó chả liên quan gì đến Hán ngữ như MẬT hay Độn ,hay Đần gì cả .

Vậy,Ta không thể dùng cách giải Từ Nguyên Học thuộc từ trường phái Ngôn ngữ học lúc ban sơ , đặt trên nguyên lý " Cận âm" ,hoặc do nói đớt , nói ngọng , nói nặng hoặc do khi phát âm các phụ âm gần nhau do vùng bật môi ,vv ...theo giản đồ hình V ngược , mà "Kẻ lưu manh dấu mặt "nhất quán cho rằng ngôn từ Việt là Đứa Con Lai của Tàu. Bọn họ đã dựa trên công trình của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã dùng khi viêt về mối liên hệ ngôn ngữ Hoa Việt như một công cụ tuyệt đối đúng, bởi cách lý giải đó xuất hiện trong giai đoạn đầu về khoa từ nguyên học . Nay là thế kỷ 21 đã có những lý thuyết khả tín hơn nhiều .

Như vậy cho dù trong kho Việt ngữ xưa kia đã có các từ chỉ sự Ngu là " Ngu ,ngốc ,ngớ ,đần ,khờ ,dại , khạo , thộn, độn , chậm tiêu , con bò , bí rị , đực mặt ,đồ điên,u mê ,cà chớn... ". Thế nhưng từ Mít đặc vẫn là từ có thể thay cho các từ trên mà không sai lệch ngũ cảnh mà không có hiện tượng ngược lại .

SAIGON cuối tháng 9 . 
Lòng đầy nhớ thương .

Laiquangnam


=====o0o0o00===========

Phần chú thích và tham khảo

1-Minh Chi,Bàn về sự hội nhập của Phật giáo vào nền văn hóa Việt Nam

http://chimviet.free.fr/dantochoc/chung/chp0054.htm

2-Tiêu chí nghiên cứu từ nguyên học tiếng việt - Tạp chí khoa học Cần Thơ

https://sj.ctu.edu.vn/ql/docgia/download/baibao-4875/21-tran%20thanh%20ai.pdf

3- http://thuvienhoasen.org/a13717/khai-niem-vo-minh-trong-phat-giao#cmm_item_383698

4-Không phân biệt được các từ gốc Hán đã Việt hoá và các từ "thuần Hán" 

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=4143&rb=06

5-Hội Khai Trí Tiến Đức, Việt-Nam Tự-Điển, Trung-Bắc Tân-Văn, 1931.

6-Từ điển tiếng Việt hay Từ điển Hoàng Phê, NXB DANANG , năm 2003)

7-https://khoahocnet.com/2013/11/25/bui-xuan-dang-vietnam-hay-annamite/

8-https://thongism.wordpress.com/toi-la-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-vi%E1%BB%87t-nam/vietnamais-va-annamite/

9- không quên Vi-WIKIPEDIA và GOOGLE SEARCH .

10 - luật LUẬT DARMESTETER về Ngôn ngữ Sinh hóa

NGÔN NGỮ SINH HÓA , LUẬT DARMESTETER :

......" NGÔN NGỮ SINH HÓA là sự biến nghĩa theo thời đại, theo tác giả, theo vị trí lời văn....."

Định luật Darmesteter : "Ngôn ngữ có sinh hóa như một sinh vật. Nếu một sinh vật trải qua 3 thời kỳ ấu trĩ, trưởng thành, lão suy thì ngôn ngữ cũng có 3 thời kỳ : thô sơ với một vài nghĩa, phong phú với nhiều nghĩa tế nhị và cuối cùng mất hẳn nghĩa sâu xa chính yếu." trích nguồn từ Giáo sư Thạch Trung Giả

II - Phần đọc thêm

Mít đặc là gì ? .Do nhà TỪ NGUYÊN HỌC AN CHI viết

Khi bạn gỏ GOOGLE SEARCH "Anchi, ông là ai?"

Bạn sẽ gặp các bài viết ngợi ca này ,

http://nhavantphcm.com.vn/chan-dung-phong-van/an-chi-lam-rung-dong-nen-hoc-thuat.html

2- AN CHI - NHÀ NGHIÊN CỨU - Thư viện 
http://nhavantphcm.com.vn/an-chi-nha-nghien-cuu-thu-vien.html

3- Học giả An Chi 82 năm vẫn... rong chơi 
http://thanhnien.vn/van-hoa/hoc-gia-an-chi-82-nam-van-rong-choi-753033.html

Tuy nhiên với các bạn đã là bạn đọc của Chim Việt Cành Nam hay www.art2all.net thì không mấy xa lạ với nhà Từ nguyên học này, Các Bạn tôi, nếu đã chưa đọc thì nay xin đọc

1-Laiquangnam , tai sao goi Họ la người Tàu 
www.art2all.net/tho/laiquangnam/lqn_taisaogoiholanguoitau.htm

2- bạn gõ " Đêm đêm Hàn Thực,ngày ngày Nguyên Tiêu,( Kiều,942 )"

3-hay khi bạn gỏ "Qua Đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh Quan mới đây.

Từ bài đọc thêm này bạn sẽ hiểu tại sao nhà ngôn ngữ học trường lớp NGUYỄN CUNG THÔNG tặng cho Anchi nick name "nhà Từ Nguyên Học đường phố " .

--o0o0o—

Trong tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, số 580 trang 47, mục Truyện Đông Truỵện Tây, ANCHI, nhà từ nguyên học lừng lấy trong nước hiện nay đã trả lời câu hỏi của một bạn đọc như sau, laiquangnam sao lục

20171013

 Nguồn: Chim Việt Cành Nam

20180910 SGK1

Giáo dục Việt Nam đang tụt dốc nghiêm trọng. Góp phần chấn hưng giáo dục là nhiệm vụ của mọi người dân. Ở bình diện này, nghiên cứu cải cách phát âm tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại và các cộng sự rất đáng hoan nghênh, không có gì phải bàn cãi.

Nhưng tại sao người dân trong xã hội lại đang bất an? Chỉ là một đề tài nghiên cứu và thực nghiệm khoa học giáo dục như hàng vạn đề tài khác mà lại làm cho xã hội lo lắng?

Đó là vì người dân lo sợ Bộ GD&ĐT sẽ áp dụng phương pháp dạy phát âm tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại trên bình diện rộng toàn quốc. Mấu chốt vấn đề nằm ở điểm này. Nhưng trước khi đề cập đến điểm mấu chốt, hãy ngó sang vài điểm khác.

Bài viết này không đi vào phân tích về phương pháp cải cách tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại. Mà xác định nguyên do làm vấn đề phát sinh. Từ đó mà đề xuất giải pháp.

TẠI SAO PHẢI LÊN TIẾNG?

Trước đây dư luận đã râm ran về đề tài cải cách tiếng Việt của ông Bùi Hiền. Nhưng công trình cải cách tiếng Việt của ông Bùi Hiền vô nghĩa, và sẽ không bao giờ được sử dụng trong thực tiễn. Tất yếu sẽ không dẫn đến hậu quả tai hại. Nên chưa bao giờ bàn đến đề tài ông Bùi Hiền.

Nhưng nay thì khác. Cải cách phát âm tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại là một công trình nghiên cứu nhận dược sự ủng hộ công khai của lãnh đạo cấp cao và của Bộ GD&ĐT xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ. Bởi thế nên chương trình của GS Hồ Ngọc Đại đã được trải nghiệm thực tế nhiều năm, ở một số trường. Không chỉ dừng ở cách phát âm tiếng Việt, nhóm của GS Hồ Ngọc Đại còn đưa ra các phương pháp giảng dạy mới. Đó là những cố gắng nhằm thay đổi các phương pháp giáo dục truyền thống, cho một mục tiêu đổi mới và hoàn thiện phương pháp giáo dục.

Điều ngạc nhiên nằm ở chỗ, chưa bao giờ phương pháp giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại lại được dư luận quan tâm nóng đến mức lo lắng như bây giờ. Đó là lúc Bộ GD& ĐT để ngỏ khả năng nhân rộng mô hình của GS Hồ Ngọc Đại lên mức số đông đại chúng trong cả nước, song hành cùng với chương trình cải cách tổng thể.

Từ chỉ một số trường, đến nay buộc thầy cô giáo phải học theo cách phát âm mới của GS Hồ Ngọc Đại để đi dạy cho học sinh nhiều trường trên toàn quốc - nguy cơ áp đặt đại chúng đã là một trong những nguyên nhân làm cho người dân bất an.

Bởi thế, nếu không nhìn đúng bản chất vấn đề, chỉ lao vào tranh cãi những vấn đề kỹ thuật, thì sự việc sẽ còn tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc của nhân dân hơn nữa. Cho nên mạo muội lưu ý đôi điều.

3 ĐIỀU LO LẮNG CỦA DÂN

Đáng ra những cải tiến phát âm tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại phải mang đến niềm vui. Nhưng tại sao ngược lại, làm xã hội lo lắng? Trước hết xin nêu ra 3 điều lo lắng dưới đây của người dân.

1. Giáo dục Việt Nam đang xuống cấp nghiêm trọng. Sự xuống cấp của giáo dục kéo theo sự tụt dốc về dân trí, và hệ quả là sự tụt hậu của quốc gia. Từ những năm 1980 cho đến nay Bộ GD&ĐT đã đề ra nhiều biện pháp cải cách giáo dục. Nhưng tất cả các biện pháp đó đều cho kết quả xấu. Bởi thế, mọi sự đề xuất mới về cải cách giáo dục đều tự động khiến mọi người dân giật mình. Đó là nguyên nhân dẫn đến điều lo lắng đầu tiên khi nghe đến chương trình cải cách phát âm tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại.

2. Cải cách phát âm tiếng Việt không đơn thuần chỉ là cách phát âm, mà kéo theo là phải đào tạo giáo viên, là phải mua các bộ sách giáo khoa và các đồ dùng giảng dạy mới, không chỉ một năm mà nhiều năm. Hệ quả là các bậc phụ huynh phải trả một khoản tiền không nhỏ. Đó là điều lo lắng thứ hai.

3. Chưa nhìn thấy cái lợi của việc thay đổi cách phát âm. Chỉ thấy lạ và chưa thuận tiện. Cho nên không muốn con cái mình trở thành vật thí nghiệm mới. Một sự sợ hãi bị thí nghiệm đã thành thói quen phát sinh từ các thí nghiệm thất bại của Bộ GD&ĐT bắt đầu từ những năm 1980. Đó là nỗi lo lắng thứ ba.

ĐỘC QUYỀN ÁP ĐẶT THỊ TRƯỜNG

Chiếu theo quy luật thị trường, đề tài cải cách tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại nếu có giá trị thì sẽ được pháp luật bảo vệ về mặt phát minh sáng chế. Ai muốn sử dụng thì phải trả tiền. GS Hồ Ngọc Đại nhờ thế mà có thể kiếm được tiền từ bán bản quyền dạy phát âm tiếng Việt của ông.

GS Hồ Ngọc Đại cũng có thể tự thành lập trường riêng, chiêu sinh, thu học phí, đào tạo theo cách của ông. Ông tự đào tạo giáo viên theo phương pháp của ông và trả tiền cho các giáo viên dạy ở trường của ông. Phụ huynh muốn con em mình học ở trường của GS Hồ Ngọc Đại thì tự đến ghi tên đóng học phí theo quy định của nhà trường. Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, không ép buộc bất cứ trường, lớp nào phải học theo phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại.

Nếu được như thế thì đã không sinh chuyện. Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ, ở nước ta, không ai cho phép bạn được đào tạo theo phương pháp của mình. Sự độc quyền toàn tập không loại trừ ngành Giáo dục. Mọi thứ phải được phép của Bộ GD&ĐT. Phương pháp cải cách tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại còn lâu mới được chào đời, nếu ông không được sự hỗ trợ từ lãnh đạo cao nhất. Nhờ thế ông mới đục vỡ được một mảng của bức tường độc quyền giáo dục.

Ở mặt quan trọng khác, công trình nghiên cứu và triển khai thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại dựa hoàn toàn vào kinh phí nhà nước.

Do độc quyền, Bộ GD& ĐT đã không tuân theo quy luật thị trường, không theo nhu cầu của người tiêu dùng, mà áp đặt chính sách đào tạo của mình trên toàn quốc.

Trong số đó, không được phản biện một cách khoa học, không được thực nghiệm một cách dài lâu, Bộ GD &ĐT đã thực thi chính sách áp đặt, bắt hàng loạt trường phải học theo chương trình VNEN, ngoài ra khoanh vùng một số trường học theo chương trình của GS Hồ Ngọc Đại. Bắt nguồn từ phía sau là lợi ích của các nhóm buôn bán sách giáo khoa. Dẫn đến sự phẫn nộ của người dân trong cả nước.

Tóm lai, sự độc quyền đẻ ra chính sách áp đặt thị trường, là nguyên nhân sâu xa mang đến các phiền toái cho người dân.

PHẢN BIỆN CHỈ TỐT HƠN

Chúng ta ủng hộ cho sự cạnh tranh lành mạnh để Giáo dục Việt Nam thoát khỏi sự độc quyền. Có nhiều bộ sách giáo khoa với hàm lượng khoa học cao là điều rất mừng. Để giải một bài toán, có thể có nhiều cách. Vì vậy tồn tại nhiều phương phức giáo dục là điều rất bình thường, miễn là đúng, không độc hại. Nhưng chỉ có những phương thức thực sự khoa học mới có tuổi thọ cao.

Những phản biện của xã hội trong tuần qua sẽ làm cho nhóm nghiên cứu của GS Hồ Ngọc Đại không phải nổi giận hay buồn chán, bào chữa hay ngụy biện, mà nghiêm túc nghiên cứu để thêm hoàn thiện. Chính phản biện mới tạo nên con đường đến chân lý.

Ngược trở lại, chúng ta hãy bình tâm. Đề tài của GS Hồ Ngọc Đại là một công trình nghiên cứu khoa học đã có quá trình, tuy có điểm mạnh điểm yếu, nhưng đã được thực tế kiểm nghiệm một phần. Phản biện, chỉ ra cái khiếm khuyết là giúp cho công trình thêm hoàn thiện. Điều mà tất cả chúng ta đang lo lắng là nếu một công trình nghiên cứu khoa học chưa hoàn thiện, còn khiếm khuyết mà lại bắt buộc áp dụng đại trà trong thực tế thì sẽ vô cùng nguy hại. Giải pháp cho vấn đề này sẽ được đề cập ở phần sau.

Những ý kiến phản biện lại phương pháp cải cách tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại là rất đáng trân trọng, cần nghiên cứu một cách thành tâm và khoa học. Lướt qua các ý kiến phản biện, thì thấy mấy nhóm vấn đề sau đây phải được làm sáng tỏ hơn nữa.

1. TÍNH KHOA HỌC. Mọi cải cách đều phải dựa trên gốc khoa học. Cách phát âm mới có khoa học, có chính xác, có làm cho tiếng Việt thêm chặt chẽ và trong sáng? Có làm cho tiếng Việt bị hiểu nước đôi, không nhất quán? Những điểm nào còn thiếu căn cứ khoa học phải tiếp tục hoàn chinh?

2. TÍNH VƯỢT TRỘI. Học sinh học theo phương pháp mới có giỏi tiếng Việt hơn không? Có biết viết, biết đọc nhanh hơn không? Có điều gì vượt trội hay chỉ vụn vặt?
Nếu cải cách phải chịu nhiều sự tốn kém, mà không đưa lại những hiệu quả vượt trội thì có đáng cải cách hay không?

3. TÍNH GIẢN TIỆN. Nếu phương pháp mới phải được đào tạo rối rắm mới dạy được, trong khi phương pháp cũ các bậc phụ huynh đều có thể dạy cho con cái, thì có phải phương pháp mới đã thua về tính giản tiện và tính sử dụng hay không? Để dạy cho người nước ngoài thì phương pháp mới có lợi thế hơn không?

Đừng quên một nguyên tắc cốt lõi của giáo dục là biến phức tạp thành đơn giản chứ không phải ngược lại.

Đặc biệt với trẻ thơ rất cần đơn giản. Muốn rèn luyện cho trẻ thơ tư duy logic thì phải đơn giản. Đơn giản là thủy tổ của logic.

Vậy liệu phương pháp cải cách tiếng Việt mới có biến điều đơn giản thành điều phức tạp không?

4. TÍNH KẾ THỪA. Phương pháp mới có gây xáo trộn trong tiếng Việt về cả ngôn ngữ lẫn in ấn xuất bản? Liệu có làm mâu thuẫn các khoa học khác khi sử dụng thuật ngữ gốc La Tinh? Nên nhớ tiếng Việt có chữ cái La Tinh. Mọi sự đổi thay phải mang tính kế thừa và không chứa đựng mâu thuẫn.

5. TÍNH KINH TẾ. Phương pháp mới có kéo theo những chi phí đắt đỏ? Nguồn tài chính nào sẽ bù đắp cho công tác nghiên cứu? Nguồn tài chính nào sẽ bù đắp cho triển khai thực hành?

Dùng 5 tiêu chí trên mà chiếu rọi tất sẽ nhận ra được những cải cách của GS Hồ Ngọc Đại có thiếu sót và ưu điểm gì. 5 điều nêu trên mang tính thước đo gợi mở.

GIẢI PHÁP

Nghiên cứu cải tiến phương pháp giáo dục bao giờ cũng là điều đáng quý. Những nghiên cứu có giá trị cần phải được khuyến khích. Nhưng muốn biết có giá trị đích thực hay không thì cần quan sát từ hai góc độ: Giá trị khoa học và Giá trị thị trường. Hai nhân tố đó mới là các thước đo chính xác nhất về giá trị của một công trình nghiên cứu khoa học.

Công trình của GS Hồ Ngọc Đại nếu được sinh ra và phát triển trong một cơ chế thị trường thì đã không tạo nên những phản ứng dữ dội như bây giờ.

Cũng sòng phẳng, cải tiến tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại sẽ chẳng được đưa vào thực nghiệm ở một trường và ở nhiều trường liên tục trong mấy chục năm qua nếu GS Hồ Ngọc Đại không có được vị trí xã hội mà ông đã có. Chính vị trí đó cùng với thể chế áp đặt, cả hai nhân tố đó kết hợp, cộng với nỗ lực của ông, mới thúc đẩy đưa các nghiên cứu cải cách phát âm tiếng Việt của ông được thực thi trên một bình diện như hiện nay.

Về mặt Giá trị khoa học, những cải tiến của GS Hồ Ngọc Đại chưa thể hiện đạt mức sáng tạo chìa khóa. Công trình nghiên cứu và triển khai ứng dụng lại nhờ vào kinh phí nhà nước, không phải tự thu tự chi nên Giá trị thị trường đang ở mức chưa chứng minh.

Cũng cần lưu ý đến 4 từ “Công Nghệ Giáo Dục”, chưa phản ánh đúng nội dung cải tiến tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại, chịu hơi hướng của mốt quảng bá thị trường, ngôn từ âm vang mà rời xa thuộc tính sát thực của khoa học.

Phương pháp dạy phát âm tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại đã có chỗ đứng trong thực tế. Dẫu còn nhiều điều bàn luận, nhưng nó cần được tiếp tục phát triển. Chúng ta đón nhận, phản biện để nó ngày càng hoàn thiện.

Điều cần nhấn mạnh là phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại phải từng bước tự lập, mà không mãi đeo đẳng ký sinh vào cơ thể khác. Từ đây, Bộ GD& ĐT không áp đặt cho bất cứ trường, lớp nào phải theo học phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại.

Điều mà người dân lo lắng chính là sự áp đặt. Nếu giải phóng sự áp đặt tức khắc sẽ giải tỏa hết lo lắng của người dân, và phá tan các nước cờ đang bí trong đầu lãnh đạo.

Bởi thế, giải pháp cho tình trạng hiên nay nên đi theo hướng mở sau đây.

1. Bộ GD&ĐT không áp đặt hay định hướng cho bất cứ trường nào phải dạy theo phương pháp cải tiến phát âm tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại.

2. Mở ra khả năng cho phép phụ huynh được lựa chọn phương pháp dạy tiếng Việt.

3. Mở ra khả năng cho phép các trường dựa trên ý kiến của phụ huynh để quyết định tự chọn phương pháp dạy tiếng Việt mới, cho cả trường hay cho một số lớp.

4. Giáo viên được quyền tự chọn phương pháp dạy tiếng Việt.

5. Các trường có lớp học theo cách phát âm mới sẽ tự đào tạo giáo viên.

6. Quá trình trên phải được triển khai mở rộng dần theo một lộ trình mà thị trường đã được nghiên cứu cẩn trọng.

Cần sòng phẳng rằng, Nhân dân chào đón mọi sự cải cách giáo dục mang bản chất khoa học, vì lợi ích quốc gia. Nhưng cải cách giáo dục trong mấy chục năm qua bị các nhóm lợi ích bẻ lái dẫn đến những thất bại cay đắng. Cuộc cải cách chương trình giáo dục tổng thể hiện nay cũng không thoát được nanh vuốt của các nhóm lợi ích.

Điểm lại, tất cả các cuộc cải cách giáo dục đều dựa hoàn toàn vào kinh phí nhà nước chứ không phải tự thu chi. Nội dung cải cách không đúng. Chi tiêu hoang phí. Đem sự nghiệp giáo dục nhiều thế hệ ra để thử nghiệm không chút xót thương, lương tâm không mảy may áy náy. Đã thế còn tìm mọi cách để tận thu tiền của học sinh và phụ huynh. Cho nên, nghe nói đến cải cách giáo dục là người dân giật mình hốt hoảng và phẫn nộ.

Nhóm cải cách tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại có thánh thiện đến đâu, nếu muốn triển khai thành công chương trình cải cách tiếng Việt trên diện rộng, thì cũng không thoát được vòng kiêm toả của các nhóm lợi ích. Đó là điều người dân cảm nhận được mà lo lắng, rằng vì áp đặt ồ ạt mà đốt cháy giai đoạn như chương trình VNEN trước đây.

Mọi chính sách đề ra dù tốt đến đâu cũng thất bại nếu người thực thi kém. Ngược lại, một người thực thi giỏi sẽ bù đắp được những khiếm khyết chưa thể bao quát hết của một chính sách cơ bản đúng. Bởi thế cần có cả hai nhân tố vừa nêu: Chính sách đúng và người thực thi giỏi.

Bộ GD&ĐT cần phải mở cửa cho tự do lựa chọn chương trình và phương thức đào tạo mà không áp đặt. Bộ chỉ giữ vai trò định hướng khung và thực thi kiểm soát. Chỉ có tự do cạnh tranh trong giáo dục mới góp phần đưa giáo dục thoát ra khỏi hoàn cảnh tụt hậu hiện nay. Tự do cạnh tranh không chỉ trong lựa chọn giáo trình và phương thức giảng dạy. Mà cần hơn nữa là sự tự do cạnh tranh vị trí người đảm nhiệm chức năng thực thi ở mọi cấp độ. Tiếc thay, vẫn còn là ước mơ dài lâu.

Nguồn: Văn hóa Nghệ An, ngày 05.9.2018.

TTO - Trước sự phát triển của các chuyên ngành khoa học kỹ thuật, vốn từ tiếng Việt trong lĩnh vực này cũng đang ngày càng được cập nhật.

Việt hoá từ chuyên ngành cũng là làm quốc văn hay đẹp hơn lên... - Ảnh 1.

Sau 100 năm, kể từ tập sách giáo khoa Thiệt hành điển học (1917), đến nay đã có hàng chục vạn từ nước ngoài thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật được Việt hóa - Ảnh: L.M.Q. - Nhã Linh

Khi đánh chiếm Nam Kỳ, từ thời điểm nào người Pháp đã mở trường bá nghệ nhằm dạy nghề cho người bản xứ. 

"Ngày 11-4-1904, toàn quyền Đông Dương ra nghị định mở trường học nghề ở Sài Gòn. Trường gồm ba ngành: nguội, mộc, đúc loại nhỏ. Thời gian học: 3 năm.

Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858-1918 của Viện Sử học - NXB Giáo Dục, 1999, tr.284

 

Từ Danh từ khoa học...

Không rõ thuở ấy các học trò được học giáo trình nào do người Pháp biên soạn. 

Nhưng có một điều chắc chắn đã có không ít nhà giáo tâm huyết với chương trình học đã biên soạn sách giáo khoa nhằm phục vụ một môn học còn quá xa lạ, mới mẻ đối với người Việt nói chung.

Trong tài liệu sưu tập, người viết còn giữ được quyển sách giáo khoa Thiệt hành điển học do Alexis Lân, Ingénieur Électricien A. & M - I.E.G biên soạn, Imprimerie F.H Schneider xuất bản năm 1917 tại Sài Gòn: 

"Sách dạy những điều cần kíp cho những thợ Annam làm các máy điển khí và những học trò các trường bá nghệ". 

Sách in hai thứ tiếng Pháp - Việt, dạy tương đối đầy đủ môn học về điện mà học trò cần phải biết.

Chẳng hạn, đây là bài toán số 8: "Hai cái đèn thắp bằng than sức nó là 10 ampères mà câu en série theo một mạch hơi là 120 volts. Mình biết cái différence de potentiel của mỗi cái đèn không có quá trên 45 volts phải độ một cái résistance mà câu en série với hai cái đèn đó đặng cầm bớt volts cho vừa theo sức nó". 

Qua ví dụ trên, ta có thể thấy được vốn từ của tiếng Việt bấy giờ vẫn còn hạn chế đối với một số từ khoa học kỹ thuật.

Mãi đến năm 1942, nhà bác học Hoàng Xuân Hãn mới soạn xong quyển Danh từ khoa học (toán, lý, hóa, cơ, thiên văn) nhằm Việt hóa các từ cần thiết để người đọc/học dễ dàng tiếp thu. 

Ông tâm tình: "Tập Danh từ khoa học này mục đích là để người giảng với người nghe có một ngôn ngữ tương đồng khi bàn về khoa học". 

Có thể ghi nhận đây là một trong những đóng góp quan trọng trong hệ thống giáo dục Việt Nam và cả sự phát triển, bổ sung vốn từ cho tiếng Việt.

Nối tiếp vai trò tiên phong của Hoàng Xuân Hãn, đến nay đã có nhiều từ điển thuộc lĩnh vực khoa học, ngành nghề được thực hiện.

 

Vài thuật ngữ sáng tạo

- "Précipiter về hóa học là nói lúc ta rót một chất nước trong vào một chất nước trong khác, tự nhiên ta thấy một chất đặc hiện ra tua tủa và dần dần lắng xuống...

Tuy là một hiện tượng rất quen, ta không có danh từ để gọi. Tôi lấy 2 ý: kết thành và tủa ra mà gọi là "kết tủa" (Hoàng Xuân Hãn - Danh từ khoa học, NXB Trường Thi tái bản năm 1959, tr.XXXI).

- "Tunneling (Anh): Chui đường hầm - một thuật ngữ thường đi kèm với cổng dữ liệu VPN (tr.70).

Stellglied (Đức), Final control element (Anh): Cơ cấu tác chỉnh / cơ cấu tác động (tr.394)".

(Khảo sát từ chuyên ngành cơ điện tử - NXB Trẻ, 2017).

...đến bộ sách chuyên ngành Nhất nghệ tinh

Mới đây nhất, trong chương trình hợp tác Việt - Đức Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam, Nhà xuất bản hàng đầu của Đức Europa Lehrmittel đã cung cấp tài liệu về một số ngành nghề, theo đánh giá của TS Đặng Xuân Phúc - vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH, nhằm "cung cấp kiến thức kỹ năng để có thể đạt đến tiêu chuẩn quốc tế".

Một trong những rào cản khiến người dịch không thể trình bày đầy đủ, chuẩn xác các chi tiết đơn giản chỉ vì trong tiếng Việt chưa có từ tương đương. 

Mỗi người chọn lấy từ theo cách nghĩ của riêng mình, thiếu nhất quán - nhất là sách dạy nghề.

Nhằm khắc phục điều này, từ tháng 2-2010, Quỹ Thời báo kinh tế Sài Gòn, Ủy ban tương trợ người Việt tại CHLB Đức và NXB Trẻ đã lập dự án sách dạy nghề Nhất nghệ tinh. 

Họ đã "huy động" đội ngũ dịch giả gần 100 kỹ sư, trí thức gốc Việt ở Đức và một số nước khác. Ông Nguyễn Minh Nhựt - giám đốc Nhà xuất bản Trẻ - cho biết một chi tiết thú vị: 

"Làm sách khoa học thì tranh luận khoa học là chuyện xảy ra hằng ngày. Và để tăng thêm sự đồng thuận trong nhóm dịch, các anh chị dịch giả và một số nhà khoa học khác đã soạn ra trước mắt một từ điển trực tuyến Việt - Đức - Anh khoảng 20.000 từ và đang dần bổ sung".

Như vậy, trong vòng bảy năm với 4 cuốn sách Cơ khí (2013), Điện - điện tử (2014), Ôtô và xe máy hiện đại (2016), Cơ điện tử (2017) được dịch, đã có ngần ấy vốn từ chuyên môn tiếng Anh, Đức được chuyển ngữ sang tiếng Việt. 

Rồi sắp đến đây, với những bộ sách đang dịch như Cẩm nang hóa công nghiệp, Nhựa và sinh học thì cuốn từ điển trên càng đa dạng hơn nữa. Âu cũng là một tín hiệu, một đóng góp mới đáng mừng về sự phong phú của tiếng Việt.

Về phía người đọc, được hưởng các thành quả này, thật tâm đắc với lời dặn dò của một nhân vật trong truyện dài Một đứa con đã khôn ngoan của nhà văn Nguyễn Công Hoan: 

"Mình không có tài làm cho quốc văn hay đẹp hơn lên, thì phải có chút khuyến khích những người có công quý hóa ấy vậy".

Tác động của văn hóa còn là sự quyết liệt góp phần thay đổi về một nhận thức: Lâu nay, ai cũng biết "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" nhưng tại sao giới trẻ hiện nay thờ ơ, không hăm hở học nghề?

Do nhiều lý do, trong đó không ngoại trừ vì họ phải tiếp cận giáo trình quá cũ kỹ, lạc hậu, không theo kịp sự phát triển khủng khiếp của các chuyên ngành khoa học kỹ thuật.

Chưa kể một khi tham khảo tài liệu nước ngoài, họ phải "đối đầu" với không ít thuật ngữ, vốn từ chưa được Việt hóa.

LÊ MINH QUỐC
Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 3.10.2017

GS. TS. Nguyễn Văn Hiệp

Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học

Tưởng chuyện này đã êm rồi (xã hội còn nhiều chuyện cần bàn hơn) nhưng hôm nay đọc những dòng giận dữ của GS Trần Đình Sử trên Tin Nhanh 24h, tôi thấy cần lên tiếng để ủng hộ GS Trần Đình Sử, góp thêm tiếng nói bác bỏ đề nghị cải cách chữ Quốc ngữ của PGS Bùi Hiền (thông qua Bản đề xuất của tác giả).
Những điều tôi viết ra đây cũng là ý kiến của Viện Ngôn ngữ học gửi lãnh đạo cấp trên (tháng 1/2018), nhân có chỉ đạo đề nghị Viện Ngôn ngữ học cho ý kiến về Bản đề xuất cải cách chữ viết của PGS Bùi Hiền (một người mà trong quan hệ bình thường hàng ngày tôi rất kính trọng).
Hội đồng khoa học của Viện Ngôn ngữ học đã họp (mở rộng) thảo luận về đề nghị cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiển, sau đó đã tổng hợp các ý kiến để báo cáo lên lãnh đạo cấp trên. Ý kiến của Hội đồng khoa học Viện Ngôn ngữ gồm có 3 phần:
-Vài nét về lịch sử phát triển của chữ Quốc ngữ (bao gồm những điểm bất cập và những đề nghị cải tiến, sửa đổi trước đây)
-Những bất hợp lí trong đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền
-Kết luận của Viện Ngôn ngữ học
Với tư cách là Viện trưởng, tôi là người tổng hợp các ý kiến của Hội đồng khoa học mở rộng, tôi cũng trao đổi ý kiến với một số chuyên gia về ngữ âm, chữ viết có uy tín như GS Nguyễn Văn Lợi, PGS Hoàng Dũng ...Vì đây là nội dung được gửi lên lãnh đạo cấp trên (chắc không có ai là nhà ngôn ngữ học) nên cách viết phải giản dị, tuy nhiên vẫn không tránh được một số thuật ngữ chuyên môn. Sau đây là những nôi dung được tổng hợp:
1.Vài nét về lịch sử phát triển của chữ Quốc ngữ
Chữ Quốc ngữ được hình thành trong khuynh hướng chung của các giáo sĩ Tây Phương muốn Latin hóa các chữ Á Đông nằm trong địa bàn truyền giáo của họ. Quá trình xây dựng chữ Quốc ngữ là một quá trình lâu dài, với sự góp sức của nhiều người, trong đó có người Việt Nam. Các tài liệu cho thấy vào thế kỉ 17, chữ Quốc ngữ đã có một diện mạo khá ổn định, gắn với việc xuất bản cuốn Từ điển Việt - Bồ Đào Nha – Latin (Dictionarium Annamaticum Lusitinum et Latinum) của linh mục Alexandre de Rhodes tại Roma, năm 1651. Có thể nói, thế kỷ 17 với sự ra đời của Từ điển Việt - Bồ Đào Nha – Latin (Dictionarium Annamaticum Lusitinum et Latinum) của Alexandre de Rhodes đã đánh dấu diện mạo hiện đại của chữ Quốc ngữ. Thế kỷ 18, 19, chữ Quốc ngữ tiếp tục hoàn thiện và có hình thức như ngày nay.
Chữ Quốc ngữ là loại chữ ghi âm tương đối khoa học. Tuy nhiên nó vẫn có nhiều điểm không hoàn hảo như tất cả bộ chữ ghi âm khác. Ở diện mạo hiện nay, chữ Quốc ngữ vẫn tồn tại một số nhược điểm sau đây:
- Cùng một âm nhưng được ghi bằng những con chữ khác nhau. Ví dụ, 3 chữ cái “c”, “k” và “q” đều được dùng để ghi âm /k/, chữ “y” và “i” đều được dùng để ghi âm /i/;
- Âm đệm có lúc ghi là “u”, có lúc ghi là “o”;
- Các nguyên âm đôi có cách ghi lưỡng khả, phụ thuộc vào vị trí của nguyên âm đôi trong âm tiết, ví dụ: iê/yê/ia/ya, ươ/ưa, uô/ua;
- Vị trí đánh dấu thanh không theo nguyên tắc nhất quán: lúc thì đánh vào âm chính, lúc thì đánh ở giữa âm tiết cho cân đối.
Đây chính là lí do trong một thời gian dài, liên tục có những ý kiến cho rằng cần phải cải tiến chữ Quốc ngữ trên nhiều phương diện khác nhau. Năm 1902, một Uỷ ban cải cách chữ Quốc ngữ đã được thành lập (do Jean Nicholas Cheon đứng đầu). Năm 1956, ở Miền Nam, Uỷ ban Ngôn ngữ cũng đưa ra đề nghị cải tiến chữ Quốc ngữ; năm 1973 Uỷ ban Điển chế Văn tự cũng ra đời. Ở Miền Bắc, Hội thảo Cải tiến Chữ Quốc ngữ được tổ chức năm 1960. Từ đó đến nay đã có nhiều hội thảo khoa học tiếp tục đề cập đến chuyện cải tiến chữ Quốc ngữ. Gần đây nhất, trong ba cuộc hội thảo lớn về chữ Quốc ngữ (năm 2015 tại Phú Yên, năm 2016 tại Bình Định và tại Quảng Nam) đều có những tham luận nói đến những nhược điểm và ý tưởng cải tiến chữ Quốc ngữ. Như vậy, có thể khẳng định rằng, vấn đề cải cách chữ quốc ngữ đã từng được bàn đến nhiều lần, trên nhiều phương diện và đề xuất của PGS. TS Bùi Hiền không phải là một ý kiến mới trong giới ngôn ngữ học.
Tuy nhiên, ngôn ngữ nói chung và chữ viết nói riêng là một sản phẩm của cộng đồng và mang tính quy ước. Chính cộng đồng sẽ quyết định sự phát triển của chữ viết, chứ nó khó lòng bị chi phối bởi ý chí, nguyện vọng hay đề xuất của một cá nhân hoặc bị cưỡng bách thực thi bởi một mệnh lệnh hành chính.Chính vì thế, cho dù đã có những Hội nghị về cải tiến chữ Quốc ngữ với hàng loạt các đề xuất của các nhà ngôn ngữ học nhưng tất cả đều không được áp dụng vào thực tế.
Cho đến nay, đại đa số các ý kiến đều cho rằng, mặc dù có những nhược điểm như trên, chữ Quốc ngữ vẫn là một loại chữ ghi âm rất tốt, và hiện nay vẫn đang thực hiện tốt chức năng là chữ viết thống nhất của nước Việt Nam, dùng để ghi lại tiếng Việt vì những lí do sau đây:
Thứ nhất, chữ Quốc ngữ có đủ khả năng để ghi lại toàn bộ các âm có thể có trong tiếng Việt hiện đại. Không có một âm nào trong tiếng Việt lại không thể dùng chữ Quốc ngữ ghi lại.
Thứ hai, chữ Quốc ngữ đã phát triển đến giai đoạn ổn định, được cả cộng đồng chấp nhận và sử dụng một cách tự nhiên, mang tính quy ước và phổ cập.
Thứ ba, chữ viết của một ngôn ngữ không đồng nhất với ký hiệu ngữ âm quốc tế, nó còn ẩn chứa cả văn hoá nữa. Cho nên, không nhất thiết phải áp dụng nguyên tắc “một âm vị ghi bằng một kí tự và ngược lại”. Về nguyên tắc, ngôn ngữ (âm thanh) luôn biến đổi theo thời gian, trong khi chữ viết lại cố định, cho nên qua thời gian bao giờ cũng có sự vênh nhau giữa âm vị cần ghi và ký tự dùng để ghi.
Dĩ nhiên, nhằm giúp chữ Quốc ngữ thực hiện tốt chức năng của mình, giới ngôn ngữ học hiện đang rất quan tâm đến vấn đề chuẩn hóa chính tả (quy chuẩn cách viết), cách viết tên riêng gốc tiếng nước ngoài (đề nguyên dạng, phiên âm hay chuyển tự), tên riêng gốc ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Đây là những vấn đề mà việc giải quyết một cách triệt để đòi hỏi cần phải ban hành Luật Ngôn ngữ ở Việt Nam.
2.Những bất hợp lí trong đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền
2.1.Về mặt pháp lí
PGS.TS Bùi Hiền coi tiếng Việt là tiếng Kinh: "Tạm thống nhất lấy tiếng Hà Nội làm cơ sở ngữ âm cho việc xác định bảng chữ cái tiếng Việt (tiếng Kinh)...(tr.3 của Bản đề xuất)". Điều này vi phạm nguyên tắc bình đẳng dân tộc bởi Hiến pháp của Nhà nước CHXHCN Việt Nam coi tiếng Việt là Ngôn ngữ Quốc gia có nghĩa là của chung toàn dân tộc (Nation) Việt Nam chứ không chỉ của một tộc người. Ngoài ra, về mặt pháp lí, hiện nay chưa có văn bản chính thức nào của Nhà nước quy định tiếng Hà Nội là tiếng chuẩn.
2.2.Về mặt khoa học
Phương án đề xuất Cải tiến chữ quốc ngữ mà PGS.TS Bùi hiền nêu ra rất lộn xộn, chắp vá và hoàn toàn không mang tính khoa học. Điều này thể hiện ở các điểm dưới đây:
- Thứ nhất, đã là nghiên cứu khoa học không thể có cách diễn đạt mơ hồ như " Tạm thống nhất ..". Việc xác định tiếng nói vùng nào của Việt Nam làm chuẩn chính âm hiện chưa đươc khẳng định.
- Thứ hai, PGS.TS Bùi Hiền đã có những nhầm lẫn cơ bản về mặt ngôn ngữ học. Trong tiếng Việt, tiếng Hà Nội không phải là tiếng có thể đại diện cho một diện mạo ngữ âm trung thực và khách quan của tiếng Việt. Trên thực tế, tiếng Việt có nhiều vùng phương ngữ, thổ ngữ khác nhau với các biến thể đặc điểm ngữ âm, từ vựng khác nhau. Như vậy, nếu chỉ dựa vào hệ thống ngữ âm tiếng Hà Nội để làm cơ sở cải tiến chữ viết thì không phản ánh trung thực và đầy đủ ngữ âm tiếng Việt. Đề nghị của PGS.TS Bùi Hiền sẽ làm tăng vọt số lượng các từ đồng âm, đồng tự, gây khó khăn cho việc đọc hiểu văn bản.
Thứ ba, PGS.TS Bùi Hiền không phân biệt được các khái niệm ngữ âm - âm vị học, không phân biệt được âm và chữ. Các con chữ mà ông đưa ra không liên quan gì tới đặc điểm ngữ âm của nó.
Ông chưa nhận diện đầy đủ về hệ thống ngữ âm – âm vị học tiếng Việt. Bảng 16 nguyên âm được đề cập trong phần 2 của Bản đề xuất là không có cơ sở khoa học khi cho rằng có các âm vị /e, ɔ, o/ dài trong đối lập với /e, ɔ, o/ ngắn. Nhiều ví dụ dẫn ra khiến người đọc băn khoăn về sự tồn tại của nó trong tiếng Việt hay tính phổ biến của nó. Tác giả liệt kê âm vị /y/ trong đối lập với /i/ cũng hoàn toàn không có cơ sở khi không đưa được các cặp đối lập tối thiểu âm vị học mà lại dẫn ra các biến thể chữ viết “ti”~ “ty”.
Điều này còn được thể hiện khi tác giả xử lí trường hợp nguyên âm đôi /uo/ và tổ hợp bán nguyên âm /w/ + một nguyên âm giống nhau (trường hợp “cuốc” và “quốc” được thống nhất ghi thành “kuok”, hay “cua” và “qua” được thống nhất ghi thành “kuô” theo phương án của tác giả). Ví dụ này cho thấy ông đã đi ngược lại với nguyên tắc “một chữ ghi một âm và ngược lại” của chính mình.
Bên cạnh đó, cách trình bày của ông trong Bản đề xuất cũng thể hiện sự thiếu hiểu biết về cách kí hiệu phiên âm quốc tế: phiên âm âm vị học được quy định chung của thế giới là trong gạch chéo /.../, và phiên âm ngữ âm học được quy định chung của thế giới là trong móc vuông [...]. Nếu đã không hiểu được các khái niệm căn bản nhất (âm tố, âm vị, ngữ âm học, âm vị học,...) thì sao có thể bàn tới việc xây dựng (hay cải tiến, cũng như sử dụng) chữ viết cho ngôn ngữ của một cộng đồng dân tộc?
Thứ tư, PGS.TS Bùi Hiền không có sự hiểu biết về từ nguyên học và ngữ âm lịch sử tiếng Việt. Các chữ cái c-k-q tuy dùng để ghi cùng một âm vị /k/, chữ cái d, gi, r để ghi cùng một âm vị /z/, ch-tr để ghi cùng một âm vị /c/ trên bình diện đồng đại (nếu theo hệ thống ngữ âm tiếng Hà Nội) song về lịch sử chúng ghi các phụ âm khác nhau trong tiếng Việt ở thời kì xuất hiện chữ Quốc ngữ (Thế kỉ 17). Sở dĩ các linh mục dùng chữ d để ghi cái âm /z/ thời đó vì khi đó đối với các từ ghi "da", "dì" trong tiếng Việt thì cái con chữ “d “này được dùng ghi một âm có đặc điểm về phát âm gần với phụ âm được ghi “d” trong nhiều ngôn ngữ ở châu Âu. Việc đập nhập ch- tr và ghi bằng con chữ “c” cũng vậy
Thứ năm, đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền đi ngược lại hoàn toàn xu hướng chung của các nước sử dụng tự dạng Latin. Không có bất kì bộ chữ có tự dạng Latin nào sử dụng chữ cái “w” để ghi âm vị /ŋ/. Đề nghị dùng “w” thay cho “ng” sẽ phá vỡ tính hệ thống trong quan hệ giữa âm và chữ, khiến người học khó học, khó nhớ. Cách làm này khiến người nước ngoài vốn quen với các hệ chữ viết tự dạng Latin khó tiếp nhận chữ Quốc ngữ, vì thế gây khó khăn cho việc phổ biến tiếng Việt, chữ Việt (chữ Quốc ngữ) ra quốc tế.
Tương tự, không có bộ chữ có tự dạng Latin nào sử dụng con chữ “q” để ghi âm vị /tʰ/. Bên cạnh đó, việc tạo nên một con chữ mới để thể hiện phụ âm /ɲ/, không thể gõ trên bàn phím máy tính gây khó khăn lớn trong việc sử dụng trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay. Điều này vi phạm nguyên tắc tiện dụng trong xây dựng chữ viết.
Thứ sáu, tác giả còn đề xuất thêm tới 04 con chữ cái mới trong phương án cải tiến của mình. Điều này cho thấy hệ chữ viết của ông không tiết kiệm, gọn nhẹ hơn so với phương án cũ.
Thứ bảy, học tiếng Việt, chữ Việt là quyền lợi và trách nhiệm của mọi công dân Việt Nam thuộc các dân tộc khác nhau. Đề nghị cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền làm cho chữ Quốc ngữ trở nên khác xa chữ viết của một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số (phần lớn dựa trên tự dạng Latin), vì thế gây cho khăn cho người dân tộc thiểu số tiếp thu chữ Quốc ngữ.
2.3.Về mặt thực tiễn
Nếu cải tiến chữ Quốc ngữ theo đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền thì nó sẽ làm vô hiệu một kho văn liệu khổng lồ với các ấn phẩm được viết bằng chữ Quốc ngữ, làm đứt gẫy sự liên tục văn hóa của cả một dân tộc. Nếu muốn lưu giữ và truyền tải khối tri thức, văn hóa của dân tộc cho các thế hệ sau, chúng ta sẽ phải tổ chức in ấn, chế bản lại. Đây là một việc làm cực kì tốn kém. Không chỉ có thế, sự thay đổi này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh… do thay đổi toàn bộ hệ thống văn bản, giấy tờ, dữ liệu hiện hành đang được công nhận trên toàn thế giới.
Với tư cách là một loại chữ viết ghi lại ngôn ngữ dân tộc, trải qua những phát triển lịch sử, chữ Quốc ngữ ngày nay đã trở thành một tài sản văn hóa vô cùng quý giá của người Việt. Bản kiến nghị của PGS.TS Bùi Hiền chỉ là mong muốn của một cá nhân, hoàn toàn không xuất phát từ nhu cầu của xã hội. Chúng ta chưa có những điều tra về nguyện vọng của xã hội về vấn đề này nhưng những phản ứng của cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua đã cho thấy điều đó. Chữ viết, sau khi được xã hội thừa nhận là tài sản chung của mọi người. Xã hội chưa có nhu cầu thay đổi thì cá nhân không thể tùy tiện đề xuất thay đổi, đặc biệt là những đề xuất đó lại rất thiếu cơ sở khoa học như đã phân tích ở trên.
Mặt khác, bản thân hệ thống chữ Quốc ngữ hiện hành vẫn đang thực hiện rất tốt vai trò của mình trong đời sống của xã hội nước ta. Mặc dù có một số bất hợp lí nhưng những bất hợp lí này là có thể chấp nhận được và không cản trở đến quá trình giao tiếp bằng tiếng Việt. Vì vậy, bất cứ một sự cải tiến nào cũng sẽ làm đảo lộn mọi lĩnh vực trong xã hội.
3. Kết luận
Đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền như đã phân tích là ý kiến của một cá nhân có thể có xuất phát từ mục đích tốt nhưng lại thiếu kiến thức chuyên môn; hiểu biết chưa toàn diện về ngữ âm học, ký tự học nên thiếu tính khoa học và thực tiễn, không có tính khả thi. Trong tình hình chữ Quốc ngữ đang vận hành hiệu quả như hiện nay, Viện Ngôn ngữ học cho rằng hoàn toàn không nên và không cần thiết có bất kì cải tiến nào đối với chữ Quốc ngữ.

Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=288546931963902&id=100024257933167&__tn__=K-R

20170925 Lysenko

Ảnh: Con tem có in hình viện sĩ Nikolay Yakovlevich Marr (1865-1934), tác giả của “học thuyết mới về ngôn ngữ”, tuy gây ấn tượng mạnh cho người không phải chuyên gia, nhưng thực chất chứa đựng rất nhiều sai lầm, gượng gạo, thậm chí là hư ngụy.

Ngày 20.6.1950 báo “Pravda” tại Moskva đăng bài báo “Chủ nghĩa Marx và ngôn ngữ học” của Stalin, nhà lãnh đạo tối cao của đảng và nhà nước Liên Xô, một động thái trợ giúp một số nhà ngôn ngữ học trẻ nhằm lật đổ “học thuyết mới về ngôn ngữ” của Viện sĩ đã quá cố Nikolay Yakovlevich Marr (1865-1934), từng nhận được sự ủng hộ chính thống của nhà nước Liên Xô trong gần ba thập kỷ. Sự kiện này như sự giải cứu ngành ngữ học Xô-viết khỏi cái ách những lý thuyết ý thức hệ hóa phi lý.

Nikolay Yakovlevich Marr xuất thân từ Gruzia (như Stalin), học tập và sống đến cuối đời ở Petersburg. Tại Đại học Petersburg, Marr học đồng thời tất cả các ngành của Khoa Đông phương học và học tất cả các ngôn ngữ được dạy tại khoa này. Năm 1888 ông tốt nghiệp, trở thành một nhà nghiên cứu có những đóng góp đáng kể vào các ngành sử học, khảo cổ, dân tộc học về Gruzia, Armenia và vùng Kavkaz, đào tạo nhiều chuyên gia Đông phương học, trong đó có những người xuất sắc. Ông được bầu làm giáo sư (1902), trưởng Khoa Đông phương học Đại học Petersburg (1911), rồi trở thành Viện sĩ đặc cách Viện Hàn lâm Đế chế Nga từ 14.1.1912. Sau cách mạng tháng 10.1917, Marr tiếp tục là giáo sư đại học, Viện sĩ Viện Hàn lâm Nga, có uy tín lớn trong giới trí thức Liên Xô. Ông sáng lập Viện nghiên cứu Japhetic tại Petrograd (sau là Viện Ngôn ngữ và Tư duy mang tên ông); tháng 3.1930 ông được bầu làm Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô; được tặng Huân chương Lenin nhân 45 năm hoạt động khoa học (1933)…

Từ những năm đầu hoạt động khoa học, Marr đã quan tâm đến vấn đề liên hệ nguồn gốc giữa các ngôn ngữ vùng Kavkaz và đề xuất một loạt giả thuyết về sự thân thuộc giữa chúng về ngữ nghĩa, từ vựng. Ông gọi chúng là “những ngôn ngữ Japhet”, theo tên Japhet, con trai thứ ba của Noah trong truyền thuyết Kinh Thánh. Tháng 11.1923, Marr công bố “học thuyết mới về ngôn ngữ”, còn được gọi là “thuyết Japhetic”, “Japhetologia”, “Marrism”, “thuyết về tính giai đoạn”, với một số nội dung chính như sau:

1/ Các ngôn ngữ Japhetic. Marr cho rằng tồn tại cái mà ông gọi là “những ngôn ngữ Japhetic”, gồm những thứ tiếng như tiếng Gruzia (là bản ngữ của ông và ông buộc học trò phải học), các ngôn ngữ Kartvelian vùng nam Kavkaz, một số ngôn ngữ như Burushaki, Basque, v.v. Chúng được Marr lý giải như một giai đoạn phát triển ngôn ngữ, hiện diện trên toàn thế giới, gắn với cấu trúc giai cấp của xã hội.

2/ Bản chất giai cấp của ngôn ngữ. Marr khẳng định ngôn ngữ có bản chất giai cấp do nó là “thượng tầng” bên trên “hạ tầng” là các quan hệ kinh tế xã hội. Các giai đoạn ngôn ngữ gắn với các giai đoạn phát triển xã hội theo chủ nghĩa Marx: xã hội tiền giai cấp, chế độ chiếm hữu nô lệ, chế độ quân chủ phong kiến, chủ nghĩa tư bản; và do vậy, sẽ cần phải nảy sinh một ngôn ngữ mới của xã hội cộng sản chủ nghĩa, đó sẽ là “ngôn ngữ mới và duy nhất, ở đó cái đẹp đẽ cao nhất được hòa quyện với sự phát triển trí tuệ cao nhất”.

3/ Nguồn gốc của ngôn ngữ. Các ngôn ngữ đều có nguồn từ “những tiếng kêu trong lao động”, do “cách mạng âm thanh” và gắn với ngọn nguồn hoạt động lao động của con người. Nó có trước ngôn ngữ ra hiệu (ngôn ngữ cử chỉ). Mọi từ vựng của mọi ngôn ngữ đều chung nguồn gốc xuất xứ (monogenesis), chính là bốn yếu tố vốn là những tiếng kêu khởi đầu lao động: SAL, BER, ION, ROSH (thoạt tiên “không có bất cứ hàm nghĩa gì” và nhắm tới các mục đích ma thuật); bộ môn gọi là “cổ sinh học ngôn ngữ” có thể quy bất cứ từ vựng nào vào một trong số 4 yếu tố ấy.

Những quan niệm thông thường về lịch sử ngôn ngữ cho rằng một ngôn ngữ nguyên sơ (proto-language) duy nhất phân rã dần thành những ngôn ngữ đơn lẻ nhưng có liên hệ thân thuộc với nhau về nguồn gốc. Nhưng Marr lại cho rằng ngôn ngữ đi từ đa dạng, đa bội đến thống nhất, duy nhất. Theo ông, các ngôn ngữ nảy sinh độc lập với nhau: chẳng những tiếng Ukraina và tiếng Nga từ xa xưa không hề thân thuộc họ hàng với nhau, mà đến mỗi phương ngữ, biệt ngữ tiếng Nga trong quá khứ cũng đều là những ngôn ngữ nảy sinh độc lập. Về sau sẽ diễn ra quá trình gặp gỡ, giao cắt, lai ghép nhau, biến thành những ngôn ngữ con cháu; ví dụ tiếng Pháp là do ngôn ngữ Japhetic và ngôn ngữ Latin lai ghép nhau. Do nhiều giao cắt, lai ghép mà số lượng ngôn ngữ giảm dần và đến xã hội cộng sản thì quá trình này hoàn tất bằng việc tạo ra một ngôn ngữ toàn thế giới, khác với mọi ngôn ngữ đã tồn tại. (1)

Học thuyết của Marr còn nhiều nội dung khác nữa, ở đây tạm không đề cập.

Các luận điểm do Marr đề xuất với một khối tài liệu rộng lớn các ngôn ngữ xứ lạ, tuy gây ấn tượng mạnh cho người không phải chuyên gia, nhưng thực chất chứa đựng rất nhiều sai lầm, gượng gạo, thậm chí là hư ngụy, và thường có lối trình bày rối rắm, hay lướt từ đề tài này qua đề tài kia – đôi khi những điều đó gắn với bệnh trạng tâm lý của Marr.

Sự ủng hộ của Nhà nước

Ngay sau khi xuất hiện (1923), học thuyết của Marr lập tức thu được sự chú ý đặc biệt của nhiều quan chức cấp cao các ngành khoa học và giáo dục Liên Xô. Ngay trong thập kỷ 1920 có A. Lunacharsky, M. Pokrovsky, P. Lebedev-Polyansky, V. Friche, V. Bryusov, v.v. Dân ủy (bộ trưởng) giáo dục A. Lunacharsky viết rằng, “bộ óc sáng tạo hiệu quả của nhà ngữ văn vĩ đại nhất Liên bang chúng ta và có lẽ là vĩ đại nhất trong số những nhà ngữ văn đang còn sống” chính là Marr. Nhà vật lý, Viện sĩ Hàn lâm Abram Ioffe thì truyền bá giai thoại rằng Marr có thể, trong một ngày, học xong một ngôn ngữ trước đó ông chưa biết. Giám đốc Đại học Quốc gia Moskva khi đó là A. Vyshinsky yêu cầu đưa học thuyết của Marr vào giảng dạy.

Cuối những năm 1920, Marr bắt đầu trích dẫn Marx và Engels vào các bài viết của mình, khẳng định học thuyết của mình chính là “ngôn ngữ học Mác-xít”, quay lại lên án các bộ môn ngữ học đang có ở Tây Âu mà bản thân ông từng chịu ảnh hưởng. Ông tuyên bố ngữ học so sánh lịch sử là “khoa học tư sản”, học thuyết về ngữ hệ Ấn-Âu là “sự hỗ trợ về tư tưởng cho chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa chủng tộc”.

Năm 1930, Marr lên đọc báo cáo tại Đại hội 16 Đảng Cộng sản Liên Xô và ngay sau đó vào Đảng, là người duy nhất trong số các Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học đế chế cũ gia nhập Đảng Cộng sản, lại là trường hợp rất hiếm được miễn thời gian là đảng viên dự bị.

“Học thuyết mới về ngôn ngữ” chẳng những được ủng hộ bởi những cá nhân lãnh đạo cấp cao mà còn được tuyên truyền tích cực khắp Liên Xô và được vận dụng như “một lý thuyết duy nhất đúng đắn về mặt giai cấp”. Trong khi nhìn chung giới khoa học châu Âu hoàn toàn im lặng lảng tránh nó thì ở Liên Xô hình thành xung quanh Marr một “trường phái” những người tuyên truyền học thuyết của ông. Hầu hết đó là những kẻ háo danh, những “chuyên gia trẻ”, đôi khi không có chút học vấn nào về ngữ học, cũng không làm nghiên cứu mà chỉ chú trọng phỉ báng những ai phản đối lý thuyết của Marr bằng những quy chụp chính trị (“bọn theo Trotskyism”, “tư sản buôn lậu”, v.v.). Tuy nhiên, một số nhà khoa học có trình độ cao ở Liên Xô cũng tỏ ra đồng tình với đám tuyên truyền viên này.

Cuối năm 1929 xuất hiện một bản báo cáo kịch liệt phê phán học thuyết ngữ học của Marr, do một học giả Nga, E.D. Polivanov, viết, nhưng không được đồng nghiệp ủng hộ. Vì báo cáo này, ông bị phái đi Trung Á rồi tại đấy ông bị bắt, bị xử bắn (1938). Một ý đồ nữa chống học thuyết của Marr là của nhóm “Mặt trận ngôn ngữ” (của T. Lomtev, P. Kuznetzov) nhưng đến đầu 1932 thì bị các môn đồ học thuyết Marr đè bẹp.

Sau khi Marr qua đời (20.12.1934), và nhất là vào những năm 1940, những người tự coi là học trò và kế tục Marr (I. Meshchaninov, S. Katznelson, M. Gukhman, v.v.) trên thực tế đã vứt bỏ những quan điểm sai lầm trong “học thuyết mới về ngôn ngữ” của ông. Một số luận điểm được cho là “diễn giải chưa hoàn chỉnh” của Marr, được họ tuyên bố bảo lưu; một số luận điểm đã lộ rõ là hoang tưởng thì họ đem gán cho không phải Marr mà là một số “kẻ dung tục” vô danh.

Trong phạm vi cuộc đấu tranh gọi là “chống chủ nghĩa thế giới” (“Cosmopolitanism”, diễn ra những năm 1948-1953, nhắm vào lớp trung lưu trí thức, bị coi là đại diện xu hướng hoài nghi và thân phương Tây), khá đông tuyên truyền viên của học thuyết Marrism (như F. Filin, G. Serduchenko) mở chiến dịch chống “những kẻ giả danh của lý thuyết tư sản” trong ngữ học, trên thực tế là nhắm vào tất cả các nhà ngữ học lớn (V. Vinogradov, D. Bubrikh, thậm chí cả những người kế tục học thuyết của Marr). Lúc này, học thuyết Marrism được coi như một lý thuyết “yêu nước”, các công trình của Marr được đưa vào dạy ở bậc đại học, thậm chí cả ở trường phổ thông.

Gió xoay chiều và kết thúc một “huyền thoại”

Đầu năm 1950, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô lập ra một ban trù bị cho việc kỷ niệm 15 năm ngày mất của Marr. Nhưng ngay trong hai tháng 5 và 6, nhật báo “Pravda” mở cuộc thảo luận công khai về “học thuyết mới về ngôn ngữ” của Marr. Mở đầu là bài viết của A. Chikobava (lúc đó đang phụ trách Khoa Nghiên cứu Kavkaz, Đại học Tbilisi) kịch liệt phê phán học thuyết Marrism; đồng thời cùng theo hướng đó là các ý kiến của L. Bulakhovsky, G. Kapantzyan, B. Serebrenikov. Báo cũng đăng các ý kiến bảo vệ học thuyết ấy (I. Meshchaninov, N. Chemodanov, F. Filin, V. Kudryavtzev), và những ý kiến nhân nhượng, điều hòa (V. Vinogradov, G. Sanzheev, A. Popov, S. Nikiforov).

Khi cuộc thảo luận gần kết thúc thì xuất hiện bài báo của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Liên Xô, J. Stalin, đăng ngày 20.6.1950 với nhan đề “Về chủ nghĩa Marx trong ngữ học”. Ngày 4.7 báo đăng tiếp đoạn văn Stalin trả lời nữ phóng viên E. Krasheninnikova. Ngày 2.8 báo đăng đoạn văn Stalin trả lời thư một bạn đọc. Sau đó, tất cả các phần đăng tải này được soạn thành một văn bản dưới nhan đề “Chủ nghĩa Marx và vấn đề ngữ học”, được xuất bản với số lượng in lớn và được tuyên bố là “tác phẩm thiên tài”.

Trong bài báo của Stalin, ý tưởng xem ngôn ngữ là “kiến trúc thượng tầng”, “tính giai cấp của ngôn ngữ” do Marr đề xuất, đều bị bác bỏ; ngôn ngữ được xem như công cụ giao tiếp toàn dân; “học thuyết mới về ngôn ngữ” của Marr được khẳng định “không phải là ngữ học Mác-xít”.  

Chikobava sau này kể lại rằng bài của ông đăng báo “Pravda” là theo chỉ thị của Stalin(2). Trước đó Chikobava có thư gửi Stalin khi ông bị một số môn đồ học thuyết Marrism săn đuổi. Theo Chikobava, ông viết bức thư đó là do đề xuất của Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Đảng Cộng sản Gruzia Kandid Nesterovich Charkviani (1907-1994) và qua ông ta được gửi cho Stalin. Vậy có thể đây là sáng kiến của Charkviani, người che chở nhà ngữ học Chikobava.

Người ta nêu ra vài giả thuyết lý giải Stalin can thiệp sâu vào ngữ học như vậy. Một là với việc này, ông có thể củng cố vinh dự một lý thuyết gia của chủ nghĩa Marx. Hai là tư tưởng của Marr vốn nhắm vào tâm trạng những năm 1920 đã không còn tương thích với đường lối chính trị của Stalin thời hậu thế chiến.

Hầu như mọi công trình ngữ học ở Liên Xô sau đó đều trích dẫn bài báo của Stalin, đồng thời “học thuyết mới về ngôn ngữ” của Marr chính thức bị coi là phản khoa học. Những môn đồ của thuyết Marrism cũng bị đả kích đôi lúc quá đà, có người bị buộc thôi việc, hoặc buộc phải đi tỉnh lẻ, tuy nhiên nhìn chung không có sự trừng phạt nặng nề.

Giới ngữ học tại Liên Xô và cả nước ngoài đều đánh giá sự kiện này như sự giải cứu ngành ngữ học Xô-viết khỏi cái ách những lý thuyết ý thức hệ hóa phi lý. Tạp chí “Language” của Mỹ nhận định rằng, với vụ việc này, “ngành ngữ học Xô-viết đã bước được một bước theo hướng đúng, nhưng vẫn còn chưa bước khỏi bóng tối để ra ánh sáng, bởi vì tư tưởng Stalin, bất kể nội dung nào của nó, vẫn là giáo điều được tuyên ngôn bằng văn kiện chính thống”.(3) Mặc dù Stalin nói trong khoa học cần có tự do ý kiến, nhưng từ phía chính thống, người ta vẫn áp dụng sự phân giới giữa khoa học “đúng đắn”, “mác-xít” với mọi khuynh hướng còn lại, bị coi là “tư sản”, “lệch lạc về tư tưởng”.

Từ sau đại hội 20 Đảng Cộng sản Liên Xô (1956), việc bàn luận về học thuyết Marrism mất hẳn tính thời sự. Vào những năm 1960, liên quan đến việc phê phán Stalin cũng xuất hiện một số ý đồ phục hồi học thuyết Marrism, nhưng không có kết quả. Người ta càng thấy rõ, khi không còn sự ủng hộ từ phía chính thống, học thuyết này sẽ biến mất khỏi chân trời khoa học.

Nói gọn lại, có thể so sánh tác hại của thuyết Marrism với tác hại của thuyết Lysenko trong sinh học và nông học Liên Xô. Chính sự ủng hộ mang tính nhà nước đối với học thuyết này đã cản trở sự phát triển của khoa ngữ học Xô-viết.

Tuy nhiên, cũng cần ghi nhận chính nó đã khiến giới nghiên cứu ngữ học đương thời thấy không thể thỏa mãn với bộ môn nghiên cứu so sánh lịch sử, và thấy cần nghiên cứu tính quy luật đồng đại của ngôn ngữ, xã hội học ngôn ngữ, loại hình học ngôn ngữ.
--------
(1) Xem: V.M. Alpatov, Marr, Marrizm, Stalinism[Marr, học thuyết Marr, chủ nghĩa Stalin] // Filosofskiye Issledovahiya [Nghiên cứu triết học], 1993, № 4, tr. 271-288 [chữ Nga]
(2) Chikobava, A.S., Điều đó xảy ra lúc nào và như thế nào. // Niên giám Ngữ học Iberiisk-Kavkaz, XII, Tbilisi, 1985. [chữ Nga]; theo Alpatov, bài đã dẫn.
(3) Rubinstein H. The Recent Conflict in Soviet Linguistics.//Language.V.27, 1951, № 3. [chữ Anh]; theo Alpatov, bài đã dẫn.

Chỉ một tháng sau khi đăng ở Moskva, bài viết “Chủ nghĩa Marx và ngôn ngữ học” của Stalin đã có bản dịch Hoa văn mà dịch giả là một cán bộ cấp cao Trung Quốc lục địa, Lý Lập Tam (1899-1967), đăng báo “Đại Công” (số ra ngày 21.7.1950) ở Hương Cảng, khi đó đang thuộc quyền quản lý của Anh quốc. Ở Việt Nam, tại “thủ đô gió ngàn” Việt Bắc, ngay trong năm ấy, thường trực Ban Ngôn ngữ văn tự của Hội Văn hóa Việt Nam đã nhận được số báo “Đại Công” Hương Cảng kể trên. Người phụ trách Ban Ngôn ngữ văn tự lúc ấy là Phan Khôi đã bắt tay dịch ngay bài báo của Stalin ra tiếng Việt. Vừa lúc dịch xong, ông lại nhận được một bản dịch chữ Pháp đã đánh máy bài kể trên của Stalin, không ghi tên người dịch; ông đã đối chiếu một số điểm và thêm một vài chú thích vào bản dịch của mình. Bản dịch của Phan Khôi được công bố dưới dạng sách in, đứng tên Bộ Quốc gia Giáo dục và Ban Văn học Vụ Văn học nghệ thuật. Sách in xong và phát hành ngay trong năm 1951 tại Việt Bắc. Thái độ nhất quán của Phan Khôi trong và sau khi dịch bài này là cần rất mực thận trọng, rất mực dè dặt. Ông nhắc lại điều này ở lời ghi thêm cuối tập sách: “nhất là bạn nào để tâm về ngôn ngữ học nên đọc thật kỹ”. Tất nhiên, người ta biết, đương thời, uy danh của nhà lãnh đạo tối cao Liên Xô là cực lớn, hầu như mọi động thái phát ngôn của ông đều được truyền tin khắp Liên Xô và “phe” XHCN, lại cũng được các giới báo chí, truyền thông các nước phương Tây tư bản chủ nghĩa chú ý khai thác, đưa tin, bình luận. Tuy nhiên, một thông tin học thuật về một lĩnh vực tri thức tương đối hẹp là ngữ học, mà được lan truyền từ Moskva qua Hồng Kông đến một vùng rừng núi Việt Bắc trong thời gian ngắn như trên, quả là việc hiếm thấy. Báo chí ở vùng kháng chiến thường chú trọng nhiều sự kiện và vấn đề khác, quan thiết hơn các chuyện học thuật, nên ta khó tìm thấy phản hồi nào về tập sách dịch này. Dù sao, Phan Khôi cũng đã thực hiện được một thông tin về một sự kiện hệ trọng đời sống học thuật mà khá lâu về sau người ta mới biết đến.

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 25.9.2017.

Lời người dịch

Sau khi đọc bản dịch tiếng Anh “The origin of the peculiarities of the Vietnamese alpabet” do Alexis Michaud dịch[1] từ bản tiếng Pháp “L’origine des particularités de l’alphabet vietnamien”, của André-Georges Haudricourt (đăng trong Dân Việt Nam 3:61-68, 1949), tôi tìm được một phiên bản tiếng Việt “Nguồn gốc những điểm dị biệt trong bảng chữ cái tiếng Việt” do Cao Thành Việt dịch từ bản tiếng Anhnói trên[2]. Mặc dù trong lời giới thiệu phiên bản tiếng Việt này người dịch cho biết “bản dịch có nhận được góp ý qua đối sánh với bản gốc tiếng Pháp”, song tôi thấy bản dịch chưa thật sáng rõ,khá nhiều chỗ xa với bản nguồn tiếng Anh, một số chỗ dịch chưa chính xác (trong đó có một số khái niệm, thuật ngữ), thậm chí có một số đoạn, câu bị bỏ sót. Bởi vậy, tôi thấy cần dịch lại cho mình, và để những ai quan tâm đến lịch sử chữ quốc ngữ hiểu đúng hơn bài viết rất nổi tiếng của học giả nổi tiếng A.G. Haudricourt.

Bản này được dịch từ bản dịch tiếng Anh của Alexis Michaud, có đối chiếu với bản tiếng Việt của Cao Thành Việt. Trước và trong khi dịch, tôi và dịch giả Michaud có liên lạc và trao đổi qua email để làm rõ một số diễn đạt và đính chính một lỗi sai trong bản dịch tiếng Anh. Nhân đây tôi xin cảm ơn hai dịch giả Alexis Michaud và Cao Thành Việt đã đem đến cho tôi cảm hứng khi dịch lại bài này[3].

                                                                          Võ Xuân Quế 5.2018

----------------------------

Lời giới thiệu của Alexis Michaud(trong bản dịch tiếng Anh)

Đóng góp của André-Georges Haudricourt vào Đông Nam Á học trên tầm quốc tế là không thể phủ nhận, tham khảo cuốn Haudricourt Festschrift (Suriya, Thomas and Suwilai 1985). Tuy nhiên, nhiều công trình của Haudricourt vẫn chưa được phổ biến với người đọc tiếng Anh. Một tuyển tập các công trình nghiên cứu quan trọng nhất của André-Georges Haudricourt,đang được một nhóm học giả quốc tế biên dịch và chuẩn bị xuất bản. Mục đích của nó là nhằm chia sẻ với giới học thuật các trước tác của Haudricourt mà phần nhiều trong số chúng là đề cập tới các vấn đề trong các ngôn ngữ Đông Nam Á, về ngôn ngữ học và nhân học xã hội.

Nguồn gốc những điểm đặc biệt trong bảng chữ cái tiếng Việt” không phải là một trong những bài báo nổi tiếng nhất của Haudricourt, bởi vậy, nó sẽ không được đưa vào tuyển tập các trước tác của Haudricourt nói trên. Tuy nhiên, cho tới nay, bài báo này vẫn là một trong những nghiên cứu sâu sắc và có giá trị nhất về nguồn gốc chữ viết tiếng Việt hiện đại. Nó truy tìm nguồn gốc những con chữđặc biệt có trong chính tả của ngôn ngữ này bằng cách lần theo dấu vết các thói quen chính tả của các ngôn ngữ Roman,quen thuộc với những người đã chế tác ra nó. Bài báo thể hiện niềm đam mê của Haudricourt trong việc phục dựng nguồn gốc lịch sử của những hiện tượng phức tạp, cũng như kỹ năng thu thập các bằng chứng từ nguồn tư liệu cực kì phong phú của ông.

Bài báo này rõ ràngnhằm hướng đến một phạm vi bạn đọc rộng hơn hầu hết các công trình khác của Haudricourt. Văn phong của nó mang tính đại chúng và tránh dùng các thuật ngữ chuyên môn. Bài báo đã đăng trong số thứ ba, và cũng là số cuối cùng của tập san Dân Việt Nam, do Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp ở Việt Nam xuất bản năm 1948 và 1949. Bản gốc ngày nay rất khó tìm được, hơn nữa, đa số độc giả có quan tâm đến bài báo có thể không có vốn tiếng Pháp, trong khi vào năm 1949, Haudricourt tin chắc rằng đông đảo công chúng có thể đọc được tiếng Pháp. Bản dịch này nhằm đem tài liệu này đến với tất cả những ai quan tâm đến tiếng Việt và vấn đề văn tự nói chung.

Nhà xuất bản ở Việt Nam rõ ràng đã gặp nhiều khó khăn trong việc biên tập bài báo vốn sử dụng nhiều kí tự đặc biệt này. Bản dịch này sẽ đính chính những lỗi chính tả có trong tài liệu gốc. C được thay thế bằng G ở trang 64; dấu phụ trong p‘, t‘, k‘ lần lượt thay thế cho pc, tc, kc trong nguyên bản .v.v. Các phiên âm trong bản Phiên âm Ngữ âm Quốc tế IPA cũng được thêm vào một cách hệ thống trong bản dịch. Lời chú của dịch giả được để trong ngoặc vuông hoặc đặt ở phần chú thích cuối mỗi trang.

Dịch giả xin chân thành cám ơn Michel Ferlus vì đã giới thiệu bài báo này, cám ơn Boyd Michailovsky, Martine Mazaudon đã bỏ công nhuận sắc cho bản dịch và cám ơn Jean-Michel Roynard đã giúp đỡ dịch giả trong phần minh họa.

-------------------

TÓM TẮT

Những người có công sáng tạo bảng chữ cái Latin cho tiếng Việt là những nhà truyền giáo đến từ Bồ Đào Nha, Ý và Pháp. Kết quả là bảng chữ cái này kế thừa một số điểm đặc biệt có nguyên nhân từ hệ thống chính tả các ngôn ngữ Roman.

Các phụ âm bật hơi (aspirated) H, PH, TH, KH [IPA: /h/, /pʰ/, /tʰ/, /kʰ/] không có trong các ngôn ngữ Roman. Nhưng, trong các ngôn ngữ này, các tổ hợp chữ cái PH, TH, KH xuất hiện trong những từ gốc Hy Lạp, như những từ có phụ âm đầu trong tiếng Hy Lạp phi, theta, khi (φ, θ, χ), vốn là những phụ âm bật hơi trong ngôn ngữ này. Vì vậy những tổ hợp này đã được sử dụng để ghi các phụ âm tắc bật hơi tiếng Việt.

Các âm tắc mặt lưỡi (dorsal stop) C, G chỉ được sử dụng trước các nguyên âm /a/, /o/ và /u/. Lí do là trong các ngôn ngữ Roman đó là vị trí duy nhất mà những phụ âm này còn giữ được cách phát âm tắc (obstruent) mà chúng có trong tiếng Latin; GHE, GHI được dùng với giá trị ngữ âm mà chúng có trong tiếng Ý; tổ hợp KE và KI cần được lí giải từ chữ cái K được dùng trong tiếng Hy Lạp (kappa, κ) và trong các tiếng German.

Âm tắc môingạc mềm (labiovelar) QU và GU được mượn từ chính tả tiếng Ý và tiếng Latin.

Trong số những âm tiền ngạc (prepalatal), âm tắc vô thanh CH được lấy từ chữ viết Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, những chữ viết mượn tổ hợp đó từ chữ viết tiếng Pháp cổ, nơi nó được tạo ra để ghi một âm mới không có trong tiếng Latin.

Âm tắc hữu thanh D được dùng như một ký hiệu gần đúng để ghi một âm không có trong các ngôn ngữ châu Âu, nơi D là một âm hữu thanh tương ứng của T. Trong tiếng Việt, một chữ cái mới, Đ, được tạo ra [để ghi một âm tắc lợi-tiền thanh hầu hóa (preglottalized alveolar stop): /ɗ/], với nét ngang gợi lên một sự tương tự với chữ cái T.

Âm xáthữu thanh được viết là GI, như trong chữ Bồ Đào Nha và chữ Pháp (bấy giờ J vẫn chưa được sử dụng ở châu Âu).

Âm xát vô thanh X được mượn từ tiếng Bồ Đào Nha và các phương ngữ Bắc của tiếng Tây Ban Nha: trong các ngôn ngữ này, S được phát âm ở sau miệng [IPA: âm quặt lưỡi /ʂ/] như trong tiếng Việt, trong khi ở các ngôn ngữ châu Âu khác, S chỉ là một âm xuýt lợi(anterior sibilant) như trong tiếng Pháp [IPA: âm lợi /s/].

NH [ghi âm mũi ngạc cứng /ɲ/] được mượn từ tiếng Bồ Đào Nha; TR là một kí tự tương ứng ghi một âm không tìm thấy trong các tiếng châu Âu [IPA: /ʈ/].

Ô, Ê được mượn từ tiếng Bồ Đào Nha và đó là lí do tại sao cặp Ê, E không có được giá trị ngữ âm như trong tiếng Pháp. [Trong tiếng Pháp, Ê dùng cho /ɛ/, E dùng cho /e/, nhưng trong chữ Quốc Ngữ tình hình lại ngược lại, Ê dùng cho /e/ và E dùng cho /ɛ/.]

Y được dùng trong chữ Quốc Ngữ giống như được tìm thấy trong tiếng Tây Ban Nha, nơi nó thay I khi đi giữa các nguyên âm hoặc ở cuối các từ. Chữ cái Y bắt nguồn từ bảng chữ cái Hy Lạp (upsilon, v).

Ơ và Ư được tạo ra để ghi các nguyên âm tiếng Việt không có âm tương đương trong các ngôn ngữ châu Âu [IPA: /ɤ/, /ɯ/].

GIỚI THIỆU

Hệ thống chữ viết “alphabet” dùng để ghi lại phát âm của các từ. Trên lí thuyết, mỗi chữ cái ghi một âm [một âm vị], tức một chữ cái đã cho luôn luôn ghi một và chỉ một âm; và một âm đã cho chỉ được ghi bởi một và chỉ một chữ cái. Điều lí tưởng này không được tìm thấy trong một bộ chữ “alphabet” nào của các ngôn ngữ có lịch sử và truyền thống văn chương lâu đời. Bởi vì theo thời gian, hệ thống chữ viết của chúng giữ nguyên trong khi cách phát âm thì thay đổi. Các văn bản viết được truyền từ thế hệ người nói này tới thế hệ khác mà không có sự thay đổi (hoặc thay đổi rất ít, dẫn đến “lạc hậu” so với sự thay đổi của ngôn ngữ nói). Vì vậy, mối tương quan giữa các kí hiệu (chữ viết) và các âm (nói) thay đổi theo sự thay đổi của ngôn ngữ nói. Cái tôi gọi là những điểm đặc biệt của một bảng chữ cái bao gồm sự bất tương xứng một đối một giữa các chữ cái với các âm: một và cùng một chữ cái dùng cho nhiều âm, hoặc cùng một âm được ghi bằng nhiều chữ cái khác nhau. Những điểm đặc biệt này bắt nguồn trong tiến trình lịch sử phát âm của ngôn ngữ đang thảo luận.

Khi một ngôn ngữ được ghi lại bằng chữ viết lần đầu tiên, hệ thống chữ viết dùng để ghi lại ngôn ngữ đó thường dựa trên hệ thống chữ viết của một ngôn ngữ khác và hệ thống chữ viết mới kế thừa những điểm đặc biệt từ hệ thống chữ viết nó dựa vào. Như vậy, do được xây dựng dựa trên hệ thống chính tả của một số ngôn ngữ Roman mà chữ Quốc ngữ của tiếng Việt cũng thừa hưởng những điểm đặc biệt [có trong cácchữ viết này], có thể được giải thích căn cứ trên diễn tiến phát âm của tiếng Latin ở châu Âu. Vào thế kỉ thứ III trước CN, như chúng ta đều biết, tiếng Latin chỉ được nói ở thành Rome, rồi lan rộng ra khắp châu Âu vào thời kỳ đế chế Roman cho tới thế kỷ thứ V sau CN, trừ một ít vùng không nói tiếng Latin, ví dụ như một vùng nhỏ phía Tây Pyrénées, nơi tiếng Basque vẫn được lưu giữ. Về sau những biến thể tiếng Latin nói ở các vùng khác nhau thay đổi theo những cách khác nhau: tiếng Latin vùng Florence trở thành tiếng Ý, tiếng Latin vùng Paris trở thành tiếng Pháp và tiếng Latin vùng Burgos trở thành tiếng Tây Ban Nha. Tuy nhiên, trên toàn cõi Roman tiếng Latin cổ tiếp tục được dùng như là ngôn ngữ của tôn giáo và khoa học, cho dù cách phát âm nguyên gốc chính xác của nó đã thay đổi. Cho tới nay, tiếng Latin cổ vẫn là ngôn ngữ của Giáo hội Công giáo Roman và các nhà nghiên cứu lịch sử tự nhiên nói đến các cây trồng và vật nuôi bằng các tên Latin. Các ngôn ngữ như tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Bồ Đào Nha ngày nay được gọi là “các ngôn ngữ Latin”, “các ngôn ngữ Latin Mới” hay “các ngôn ngữ Roman”. Bảng chữ cái tiếng Latin được dùng cho các ngôn ngữ khác của châu Âu (tiếng Celtic, các tiếng German và các tiếng Slav) bởi các học giả biết cách phiên âm Latin các từ tiếng Hy Lạp (tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ văn hóa của thời kì Tiền Trung Cổ (Antiquity)).

Trong bài báo này, tôi sẽ chỉ ra những điểm đặc biệt mà bảng chữ cái tiếng Việt [hiện nay gọi là Quốc ngữ] đã thừa hưởng từ các ngôn ngữ Roman; vì sao nó khác với bảng chữ cái tiếng Pháp mặc dù tiếng Pháp cũng là một ngôn ngữ Roman; và hai bảng chữ cái tiếng Việt và tiếng Pháp khác với các bảng phiên âm của các nhà ngôn ngữ học như thế nào.

Trật tự sắp xếp các chữ cái trong một hệ thống chữ viết có một lịch sử lâu đời. Chúng ta biết rằng bảng chữ cái “alphabet” là phát minh của người Phoenicia (Tây-Bắc Palestine ngày nay) và từ đây lan đi khắp cộng đồng nói tiếng Hy Lạp. Ở Đông Hy Lạp, người ta đã cải tiến nó để cho ra đời bảng chữ cái tiếng Hy Lạp như ngày nay. Ở Tây Hy Lạp nó chuyểnsang một dạng thức hơi khác và lan truyền tới Ý, nơi người ta đã cải tiến nó để cho ra đời bảng chữ cái Latin (Roman). Thứ tự các chữ cái ngày nay trong bảng chữ cái Roman, chẳng hạn - thứ tự mà chúng ta dùng trong từ điển - là giống với thứ tự trong bảng chữ cái tiếng Hy Lạp và tiếng Hebrew (ngôn ngữ của các cư dân sống ở khu vực Palestine cổ). Nólà một thứ tự truyền thống đơn thuần màta không thể giải thích hay chứng minh. Thứ tự này khác hẳn với thứ tự trong bảng chữ cái tiếng Hindu cổ, được sắp xếp một cách khoa học, phân chia các phụ âm và nguyên âm, và phân loại các phụ âm theo vị trí cấu âm của chúng, bắt đầu từ vị trí sâu trong miệng sau tiến dần ra đến môi.

[Các phụ âm sẽ được trình bày đầu tiên (mục 1 của phần I) sau đến nguyên âm (mục 2); phần II sẽ bao gồm một số ghi chép về thanh điệu.]

Phần I: Các phụ âm và nguyên âm

Bảng chữ cái tiếng Hy Lạp và tiếng Latin được thiết lập rất tốt theo phát âm của tiếng Hy Lạp và tiếng Latin. Mỗi chữ cái ghi một âm.

1. Phụ âm

Tiếng Latin gồm hai loạt phụ âm tắc (phụ âm khi phát ra bị cản trở hoàn toàn tại một vị trí nào đó trong miệng) loạt hữu thanh (tức dây thanh rung), /b/, /d/, /g/, viết là B, D, G, và loạt vô thanh (tức dây thanh không rung), /p/, /t/, /k/, viết là P, T, C, Q. Hệ thống hai loạt phụ âm này vẫn còn tìm thấy trong tiếng Pháp. Trái lại, trong tiếng Hy Lạp cổ đại có tới 3 loạt phụ âm tắc: loạt hữu thanh (/b/, /d/, /g/, viết là Β, Δ, Γ), loạt vô thanh, không bật hơi (/p/, /t/, /k/, viết là Π, Τ, Κ), và loạt vô thanh bật hơi (/pʰ/, /tʰ/, /kʰ/, viết là Φ, Θ, Χ). Giới trí thức Latin ghi lại loạt phụ âm thứ ba này bằng cách thêm chữ H vào sau phụ âm tắc tạo thành các tổ hợp PH, TH, KH. Nhưngtrước khi thời kì Tiền Trung Cổ kết thúc, cách phát âm tiếng Hy Lạp biến đổi: tất cả các phụ âm tắc đều bị xát hóa, tức thay vì bị ngăn trở toàn bộ, luồng hơi vẫn thoát ra được từ một kẽ hở nào đó trên đường đi. Do vậy, khi bảng chữ cái Roman được dùng để phiên âm các ngôn ngữ German vào giai đoạn bắt đầu thời kì Trung Cổ, các tổ hợp PH, TH, KH vẫn còn được sử dụng nhưngcác từ chứa chúng bây giờ đã bị xát hóa. Kết quả là PH, TH, KH được các học giả sử dụng với giá trị ngữ âm mới, khác với giá trị của chúng trong tiếng Latin cổ: chúng được dùng để ghi các âm xát. Đây là lí do vì sao cho đến ngày nay, TH được dùng cho âm xát trong tiếng Anh và CH dùng cho âm xát trong tiếng Đức. Trong tiếng Latin PH (/pʰ/) phải được phát âm giống F (như /f/) và TH phải được phát âm giống T (/t/). Chính vì thế mà tiếng Pháp phát âm: /t/ cho TH và /f/ cho PH. Trong tiếng Việt, tình hình tương tự với tiếng Hy Lạp: TH vẫn là một âm tắc bật hơi giống như của tiếng Hy Lạp cổ; PH là một âm xát giống trong tiếng Hy Lạp hiện đại. Trong phiên âm khoa học, các âm xát cần phải được phân biệt một cách thận trọng với các âm tắc bật hơi. Âm xát thường được thể hiện bằng các con chữ Hy Lạp ɸ, Θ, χ cho loạt vô thanh (hai môi: /ɸ/, răng: /Θ/, ngạc mềm: /χ/) và β, δ, γ cho loạt hữu thanh (hai môi: /β/, răng: /δ/, ngạc mềm: /γ/). Các âm tắc bật hơi là ph, th, kh [IPA: /pʰ/, /tʰ/, /kʰ/], một sốtác giả phiên âm chúng là p‘, t‘, k‘, với một dấu móc nhỏ mà phần lõm hướng về bên phải: dấu “thở hắt” (spiritus asper) trong chữ viết tiếng Hy Lạp, được sáng tạo bởi người Hy Lạp thời Alexandria để miêu tả tính chất bật hơi có trong một số biến thể phương ngữ tiếng Hy Lạp (chứ không phải tiếng Hy Lạp vùng Athen), nơi mà chữ H đã được dùng để ghi một nguyên âm [viết hoa là H, viết thường là η]. Để ghi các âm trên, các nhà Anh Điêng học (Indianists) dùng chữ ph, th, bh, dh còn các nhà Hán học thì dùng p‘, t‘, b‘, d‘ để ghi chúng.

Tiếng Latin có bốn loại âm tắc: âm tắc môi (labials) B, P (/b/, /p/), được tạo ra với hai môi chạm nhau; âm tắc đầu lưỡi (apicals) - (dentals-âm răng) T, D (/t/, /d/), được tạo nên với đầu lưỡi (tên Latin là: apex) áp vào chân răng; âm tắc mặt lưỡi (dorsals, cũng gọi là âm vòm - palatals): C, G (/c/, /ɟ/), được tạo ra với gốc lưỡi tiếp xúc với ngạc cứng - vòm miệng (palate). Chữ cái Q ghi một âm tắc vòm mềm (velar stop), được tạo nên bằng gốc lưỡi tiếp xúc với phần ngạc mềm (velum); trong tiếng Latin, âm này luôn bị môi hóa [IPA /kʷ/], tức là khi phát âm phải tròn môi (như trong nguyên âm U [IPA: /u/] của tiếng Việt). Bởi vậy, trong hệ thống chữ viết Latin, Q có thêm chữ cái U theo sau. QU [IPA: /kʷ/] là một âm tắc vô thanh tương liên với âm tắc hữu thanh GU [IPA: /gʷ/]. Sự đối lập này được bảo lưu trong tiếng Rumani, nơi mà từ Latin AQUA “nước” chuyển thành apa trong khi LINGUA “lưỡi” lại chuyển thành limba [tức là, sự đối lập giữa /kʷ/ và /gʷ/ trước đây trong tiếng Latin vẫn còn giữ nét đối lập về tính thanh trong tiếng Rumani, giữa /p/ và /b/]. Trong tiếng Latin, QUI là một âm tiết đơn /kʷi/], trong khi CUI lại là một kết cấu hai âm tiết [IPA: /ku.i/].

Cách phát âm tiếng Latin cổ của cặp đối lập QU và GU chỉ được bảo lưu trong tiếng Ý, và chính từ tiếng Ý mà cách đọc này được mượn để dùng trong chữ viết tiếng Việt [nơi QU viết cho /kʷ/]. Trong tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha các âm môi ngạc mềm (labiovelar) biến thành âm mặt lưỡi (dorsal) (trừ khi đứng trước A). Vì vậy, từ Latin QUAMQUAM được phát âm là CANCAN [IPA: /kɑ͂kɑ͂/, với phụ âm đầu là /k/, chứ không phải /kʷ/] trong các trường học ở Paris thế kỉ XVI.

C, G

Lịch sử của C rất phức tạp. Để bắt đầu, bằng việc so sánh bảng chữ cái tiếng Latin và bảng chữ cái tiếng Hy Lạp, người ta thấy rằng chữ cái thứ ba của bảng chữ cái Hy Lạp là một âm mặt lưỡi hữu thanh (voiced dorsal), Γ (viết thường: γ), chứ không phải âm mặt lưỡi vô thanh (unvoiced dorsal) như trong tiếng Latin (C). Sở dĩ như vậy là vì bảng chữ cái tiếng Latin chịu ảnh hưởng bởi người “hàng xóm” của mình - người Etruscan, người phân biệt các âm tắc bật hơi và không bật hơi [ví dụ: /tʰ/ và /t/] nhưng không phân biệt các âm tắc hữu thanh và tắc vô thanh [ví dụ: /d/ và /t/]. (Người Trung Quốc ở Bắc Kinh và Quảng Đông cũng vậy). Vì vậy, người Etruscan đã dùng chữ cái thứ ba của bảng chữ cái để ghi một âm mặt lưỡi vô thanh.Người Latin, trái lại, có sự phân biệt giữa âm tắc vô thanh và hữu thanh nên việc dùng cùng một chữ cái cho cả hai loại âm tắc này là không hợp lí. Vì vậy, họ đã thêm một dấu ngang để phân biệt chữ G với chữ C. C vẫn ở vị trí thứ ba trong bảng chữ cái, trong khi G rơi xuống vị trí ban đầu thuộc về Z [viết thường: ξ] trong bảng chữ cái tiếng Hy Lạp, kí tự mà lúc bấy giờ không được dùng trong tiếng Latin. (Hai chữ cái tiếng Hy Lạp là Y và Z nằm ở những vị trí cuối cùng trong bảng chữ cái tiếng Latin, bởi vì, như chúng ta sẽ thấy ở dưới, mãi về sau chúng mới được vay mượn).

Trong tiếng Latin, C có cùng một cách phát âm trong âm tiết CE cũng như trong âm tiết CO. Điều này vẫn còn được bảo lưu trong các ngôn ngữ Celtic của các đảo nhỏ thuộc Anh (Ai-len và xứ Wale), những ngôn ngữ không phải Roman (non-Romance) đầu tiên vay mượn bảng chữ cái Latin. Nhưng, trong tiếng Latin, từ thế kỉ thứ IV trở đi, khi phụ âm mặt lưỡi đi trước các nguyên âm E, I (/e/, /i/) - những âm đòi hỏi vị trí trước của lưỡi, nó trở thành một phụ âm tiền ngạc (prepalatal), trong khi phát âm nó phần trước và sau của lưỡi đều đồng thời tiếp xúc với phần trước ngạc. Những phụ âm như thế có mặt trong hệ thống âm vị các ngôn ngữ Đông Dương trong một thời gian rất dàivà giữ vị trí vững chắc trong các ngôn ngữ này. Trái lại, ở châu Âu, những âm mới này rất khó thẩm âm và điều nổi bật dễ nhận ra là khi phát âm chúng, lưỡi phải có hình dạng giống như một cái “máng”(channel-like form): nếu như “máng” nghiêng về phía cuống lưỡi, ta được âm xuýt sau (non-anterior sibilant stop)[4] [kí hiệu IPA ngày nay là /ʧ/, một âm tắc xát-lợi], như CI, CE trong tiếng Ý; nếu máng nghiêng về phía đầu lưỡi, ta được âm tắcxuýt trước (anterior sibilant stop) [IPA: /ʦ/, âm tắc xát-lợi (alveolar affricate)]: đây là cách CI, CE được phát âm trong tiếng Pháp cổ và tiếng Tây Ban Nha cổ. Âm sau cùng này hiện còn tìm thấy trong tiếng Bắc Kinh và tiếng Quảng Đông, song không có ở Đông Dương.

Trong khi đó, các phụ âm trong các âm tiết tiếng Latin như TIA, TIO đã trở thành những âm tắcxuýt trước [tức là âm xát /ʦ/] trong tiếng Ý cũng như các ngôn ngữ Roman khác. Chữ Z của tiếng Hy Lạp được vay mượn để ghi âm tắcxuýt trước hữu thanh [tức âm /ʣ/]. Trong tiếng Ý, Z biểu thị cho cả âm hữu thanh lẫn vô thanh [tức cả /ʣ/ and /ʦ/].

K, KH, GH

Khi bảng chữ cái Latin được dùng để ghi các ngôn ngữ Germanic (vào thế kỉ thứ VII), sau đó là các ngôn ngữ Slav, những ngôn ngữ có các âm tắc này, Z và C được sử dụng. Người ta đã phải mượn chữ cái K của tiếng Hy Lạp (kí tự trong bảng chữ cái tiếng Latin vẫn giữ nguyên vị trí gốc như trong bảng chữ cái tiếng Hy Lạp) để biểu thị âm tắc-mặt lưỡi (dorsal stop).

Điều này giải thích cho chính tả chữ Quốc ngữ, trong đó người ta viết CA, CÔ, CU [cho /ka/, /ko/, /ku/] nhưng KÊ, KI [cho /ke/, /ki/].Trong tiếng Việt, QU không thể sử dụng theo cách mà nó được sử dụng trong tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha [tức cho /k/] vì QU đã được dùng để biểu thị một âm khác của tiếng Việt [IPA /kʷ/]; âm /k/ tiếng Việt cũng không thể được viết là CH (như nó được dùng trong tiếng Ý) vì CH đã được dùng để biểu thị âm tắcvô thanhtiền ngạc, như ta sẽ thấy dưới đây.  Điều này cũng loại bỏ việc dùng CH như một kí hiệu cho âm tắc bật hơi [IPA: /kʰ/]. Từ đó dẫn tới việc sử dụng KH để biểu thị âm tắc bật hơi này [IPA: /kʰ/], trước mọi nguyên âm. Tính mặt lưỡi hữu thanh cũng tạo ra một vấn đề tương tự: GA, GÔ, GU [cho các âm tiếng Việt /ɣa/, /ɣo/, /ɣu/], nhưng GHÊ và GHI [cho các âm /ge/ và /gi/, hiện nay là /ɣe/ và /ɣi/] chứ không phải là GÊ và GI; người ta cũng không thể dùng tổ hợp GUÊ và GUI, vốn được dùng trong trường hợpphụ âm đầu là một âm môi ngạc mềm, như cách ghi trong tiếng Ý, vì thế phải viết là GHÊ, GHI.

Trong ghi âm khoa học thì kí hiệu k vẫn thường được dùng cho âm tắcmặt lưỡivô thanh (unvoiced dorsal stop), và g được dùng cho âm tắcmặt lưỡivang (sonorant dorsal top).

CH

Trong các ngôn ngữ Tây Roman xuất hiện một âm tắc tiền ngạc (prepalatal stop) mới và sau đó chuyển thành một âm tắc xuýt sau (non-anterior sibilant stop) [IPA: âm xát sau lợi (postalveolar affricate), /ʧ/]. Trong tiếng Pháp, nó bắt nguồn từ âm tiết CA của tiếng Latin: ví dụ, calidum “nóng” thành chaud (tiếng Pháp), caballum “ngựa” thành cheval (tiếng Pháp). Âm tắc xuýt sau [IPA: âm xát sau lợi (postalveolar affricate), /ʧ/] được viết là CH, trong đó chức năng của H chỉ là báo hiệu rằng âm C này được phát âm khác với C trong CO và CE. Trong thời kì Charle Đại đế (Charlemagne) - thế kỉ thứ VIII, âm này vẫn là một âm tắc tiền ngạc (prepalatal stop); trong tiếng Pháp cổ (thế kỉ thứ IX), nó đã biến thành một âm tắc xuýt sau [IPA: /ʧ/] - một nét được bảo lưu trong tiếng Anh. Trong tiếng Bồ Đào Nha, nó lại bắt nguồn từ tổ hợp phụ âm đầu PL, CL; còn trong tiếng Tây Ban Nha, nó bắt nguồn từ tổ hợp CT nằm giữa từ (word-medial), ví dụ: tiếng Latin là noctem “đêm” ban đầu chuyển thành noite, như đang còn giữ trong tiếng Bồ Đào Nha, sau chuyển thành noche. Trong tiếng Basque, âm tắc tiền ngạc này vẫn còn tồn tại, ví dụ trong từ éche“ngôi nhà”.

Vận dụng tình hình đó trong các ngôn ngữ mà họ quen thuộc, thật dễ hiểu là những người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ ghi âm tắc tiền ngạc trong tiếng Việt bằng CH.

Kí hiệu khoa học của âm tắc ngạc (palatal stop), một âm ít gặp ở châu Âu, chưa thực sự thống nhất [IPA chuẩn hiện nay: /c/]; đôi khi nó được kí hiệu là kˈ hoặc tˈ trong đó dấu ˈ chỉ tính chất mềm hóa, một hiện tượng được đề cập đến trong tiếng Pháp là mouillure, nghĩa đen là ‘làm ướt’, vì khi phát âm âm này vị trí nằm ngang của mặt dưới lưỡi chạm vào ‘làm ướt’ ngạc. Kí hiệu này được mượn từ một ngôn ngữ Slav, tiếng Séc, và nó quen thuộc với công chúng châu Âu qua thương hiệu giầy Batˈa nổi tiếng. Các nhà ngữ âm học Anh và Trung Quốc phản đối cách thêm dấu phụ ở bên cạnh chữ cái và họ thêm một dấu lượn ở bên dưới con chữ. Các nhà Anh Điêng học ghi nó bằng C. Thực ra, âm tắc tiền ngạc này của tiếng Sanskrit chỉ đượclưu giữ ở Đông Dương, trong việc vay mượn chữ Sanskrit để ghi âm tiếng Khmer và tiếng Lào. Ở Ấn Độ, âm này đã chuyển thành một âm tắc xuýt sau [IPA: âm xát sau lợi (postalveolar affricate), /ʧ/]. Với những âm tắc xuýt (sibilant stop), các kí hiệu được dùng phổ biến trong tiếng Séc: C dùng cho âm tắc xuýt trước [tức /ʦ/], Č cho âm tắc non-anterior [tức /ʧ/] (vì vậy “Czech” được ghi là česky). Kí hiệu Č là một cách viết tắt của CZ, một tổ hợp vẫn còn được sử dụng trong tiếng Ba Lan. Tiếng Séc không có âm tắc xuýt trước hữu thanh (voiced anterior sibilant stop) nào, và Z được sử dụng để ghi một âm xát hữu thanh [tức âm xát /z/] như trong tiếng Pháp.

Tiếng Pháp cổ có những âm tắc như thế [IPA: tắc xát (affricate)]; vào thế kỉ thứ XIII chúng yếu dần thành những âm xát (sprirant). Âm tắcxuýt trước trở thành âm xát xuýtanterior. Kể từ đó, CE và CI được phát âm giống như SE và SI. Đồng thời, âm hữu thanh tương ứng biến thành âm hữu thanh tương ứng với /s/, tức /z/. Âm tắc xuýt sau[tức âm tắc xát /ʧ/] biến thành một âm xátnon-anterior: trong tiếng Pháp, CH không còn phát âm giống CH trong tiếng Anh [tức /ʧ/] nữa, mà phát âm giống SH trong tiếng Anh [tức /ʃ/]. Một âm đầu từ I của tiếng Latin theo sau bởi một nguyên âm cũng theo cách trên mà chuyển thành một âm tắcngạchữu thanh (voiced palatal stop) (giống như G trong GE, GI /ge/, /gi/), sau đó lại chuyển thành một âm tắc non-anterior hữu thanh (voiced non-anterior sibilant stop) [IPA /ʤ/] (âm đầu từ J, nguyên gốc trong tiếng Latin là I, vẫn có giá trị này trong tiếng Anh), và cuối cùng, vào thế kỉ thứ XIII chuyển thành một âm xátnon-anterior hữu thanh (voiced non-anterior spirant) như trong tiếng Pháp [IPA: /ʒ/].

GI, D, Đ

Kí hiệu của âm xát (/ʒ/) nói đến ở trên, như J trong tiếng Pháp, chỉ xuất hiện từ thế kỉ thứ XVII. Trước đó, J chỉ đơn giản là hình thức mà I biểu thị khi nằm ở vị trí đầu từ. Vì thế người ta từng viết jnde (trong tiếng Pháp hiện nay là Inde “Ấn Độ”), jure (hiện nay là ivre, “nói”), jean (cho danh từ riêng vẫn viết như Jeanngày nay; tương đương với “John” trong tiếng Anh).v.v. Trong tiếng Ý, tổ hợp GI từng được sử dụng trong tất cả các trường hợp mà âm tương ứng với nó là một phụ âm, ví dụ: Giovannis “John”. Như vậy, vào thế kỉ thứ XVII, khi một hệ thống chữ viết Roman được áp dụng cho tiếng Việt, J không tồn tại như một chữ cái riêng đối lập với I; cho nên ta có thể dễ dàng hiểu được vì sao GI sau đó được dùng để ghi âm xát hữu thanh tiền ngạc (/ʒ/). Khi nó trở thành kí hiệu ghi âm tắc tiền ngạc hữu thanh (voiced prepalatal stop)[5], mà người châu Âu nghe tựa như một âm ngạc hóa /d/ thì một chữ cái D đơn giản được dùng, không có thêm dấu phụ. Trong tiếng Việt cũng có một âm tắc răng [và tiền thanh hầu hóa - preglottalized] hữu thanh [IPA: âm khép hữu thanh (voiced implosive) /ɗ/] nên để ghi âm nó, những người sáng chế ra bộ chữ cái tiếng Việt đã nghĩ ra một chữ cái mới, Đ, bằng cách thêm vào chữ D một dấu ngang tương tự như cái trong chữ T, vốn là âm đối lập tính thanh với Đ.

S, TR

Âm tắcxuýt trước (anterior sibilant stop) của tiếng Tây Ban Nha cổ, được viết là C và Z khi phát âm nhẹ đi, nhưng không trở nên bị lẫn lộn với S giống như trong tiếng Pháp. Nó đã trở thành một âm xát răng (dental spirant) giống như TH trong tiếng Anh [IPA: /θ/]. Vì thế, khi phát âm nó lưỡi sẽ nhích ra trước hơn so với âm S tiếng Pháp. Ở một số vùng (đặc biệt là vùng Soule Basque), Z tương ứng với S tiếng Pháp: nó là một âm xát răng [IPA: /s/], trong khi S được phát âm lùi về sau hơn trong miệng và trở thành một âm xát quặt lưỡi (cacuminal/retroflex spirant) [IPA: /ʂ/]. “Cacuminal” có nghĩa là nó được phát âm ở đầu – tiếng Latin cacumen - vòm miệng, nó cũng có thể được gọi “quặt”, nghĩa là lưỡi quặt về sau. Tiếng Việt có một âm xát quặt lưỡi, nó được ghi bằng chỉ một chữ S đơn giản vì có sự tương đồng với âm S vừa nhắc đến ở trên, trong khi âm tắc tương ứng [IPA: /ʈ/] được ghi bằng kết hợp TR. Những phụ âm này hiếm gặp trong các ngôn ngữ châu Âu và người châu Âu thường nhầm chúng với những phụ âm xuýt sau (non-anterior sibilant). Chẳng hạn, tiếng Trung có một phụ âm được phiên âm là TCH trong hệ thống Latin hóa của EFEO (Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp), CH trong hệ thống Wade-Giles. Những kí tự này xuất hiện gợi ý rằng đây là một phụ âm tắcxuýt sau [IPA: /ʧ/], được phát âm với cuống lưỡi đồng thời chu môi ra trước, trong khi thực ra nó chỉ là một âm quặt lưỡi [IPA: /tʂ/], được phát âm với đầu lưỡi uốn cong lên chạm ngạc cứng. Những phụ âm như thế [IPA: âm quặt lưỡi (retroflex)] rất hay gặp ở Ấn Độ; các nhà Anh Điêng học phiên âm chúng bằng cách thêm một dấu chấm ở dưới: ṣ ṭ ḍ. Còn các nhà ngữ âm học Anh và Trung Quốclại thêm một dấu móc hướng về sau vào dưới chữ cái: ʂ ʈ ɖ [điều này đã trở thành chuẩn của IPA]. Những âm này hiếm gặp ở Đông Dương: ở đồng bằng Bắc bộ, chúng đã chuyển thành những phụ âm tiềnngạc (prepalatals).

X

Trong tiếng Latin, chữ cái X được dùng để ghi 2 âm: nó là chữ viết tắt cho CS. Trong các ngôn ngữ Roman, nhóm phụ âm này biến đổi theo cách giống nhóm CT: nó chuyển thành IS (vd: tiếng Latincoxa, tiếng Pháp cuisse [/kɥis/] “đùi”). Tuy nhiên vào thời Trung Cổ, xảy ra một thói quen chính tả liên kết các tổ hợp US và IS thành một kí hiệu đơn, kí hiệu phần nào nhìn qua giống với chữ X của tiếng Latin; thêm vào đó, từ có tổ hợp IS trong tiếng Pháp thường tương ứng với những từ có chữ X trong tiếng Latin; vì vậy, X trở nên được sử dụng thay thế cho S sau U hoặc I. Đó là lí do tại sao tiếng Pháp phát âm soixante ‘sáu mươi’ y như soissante [IPA: /swasɑ̃t/], Auxerre (tên một địa danh) y như Ausserre [IPA: /osɛʁ/], và Bruxelles (Brussels) y như Brusselles [IPA: /bʁysɛl/]; điều này cũng giải thích tại sao số nhiều của cheval‘ngựa’ là chevaux, số nhiều của genou ‘đầu gối’ là genoux. Đây đơn giản là một thói quen chính tả. Nhưng khi các từ được vay mượn từ tiếng Hy Lạp vào tiếng Pháp vào thế kỷ thứ XVI, chữ cái X lại được phát âm như KS, GZ [IPA: /ks/, /gz/].

Chúng ta đã thấy rằng trong tiếng Tây Ban Nha, tổ hợp IT đã biến đổi thành một âm tắctiền ngạc và điều tương tự cũng xảy ra với tổ hợp IS, được viết là X. Vì vậy, trong tiếng Tây Ban Nha cổ, X đại diện cho một âm xát tiềnngạc; song nó được người Pháp nghe như một âm xuýt sau(non-anterior sibilant): Don Quixotevà Ximena được người Pháp viết là Don Quichotte và Chimène [cả hai đều được phát âm với một /ʃ/]. Nhưng, tên của nhà truyền giáo nổi tiếng Xavier (một tên theo tiếng Tây Ban Nha xứ Basque, tương đương với tiếng Pháp vùng Basque là echeverry, ‘nhà mới’) lại được xem như một từ đã biết và được phát âm là Gzavié [IPA: /gzavje/].

Những dữ liệu này giải thích vì sao âm xát tiền ngạc (prepalatal spiral) trong tiếng Việt được ghi là X.

Kí hiệu của âm xát này trong bảng IPA là ç (chữ cái c với dấu móc câu nhỏ bên dưới), nhưng nếu nó được phát âm gần giống với một âm xuýt (trước, như trong tiếng Việt, hoặc không phải trước), thì dấu phụ biểu thị sự ngạc hóa được thêm vào phụ âm xuýt tương ứng (như được dùng trong tiếng Ba Lan: s’, c’). Những âm xát xuýt hàng trước luôn được ghi là S, Z [IPA: /s/, /z/]. (…)[6] Theo các nhà ngữ âm học Anhvà Trung Quốc, các âm tắc xuýt cần được ghi bằng hai kí hiệu, theo thứ tự tắc + xát: /ts/, /dz/ cho những âm xuýt trước lưỡi(anterior sibilants) và /ʧ/, /ʤ/ cho những âm xuýt sau (non-anterior sibilants). (…) Các âm tắc uốn lưỡi trong tiếng Việt và tiếng Hán đều được ghi là ṭṣ, ḍẓ hay ʈʂ, ɖʐ. Những âm tắc được các nhà ngữ âm học ghi với hai chữ cái được coi là bị tắcxát hóa (affricatived).

N, NH, NG

Các âm mũi (âm tắc hữu thanh với vòm mềm hạ thấp, khiến luồng khí từ phổi thoát ra một phần theo mũi) N, M có giá trị như nhau trong tất cả các ngôn ngữ. Nhưng trong tiếng Pháp, khi N, M ở vị trí cuối của một âm tiết, chúng không còn được phát âm như thế nữa: thay vào đó nguyên âm bị mũi hóa (vòm mềm hạ thấp trong khi phát âm nguyên âm). Trong tiếng Bồ Đào Nha, hiện tượng tương tự cũng xảy ra, nhưng N được viết thành dấu   ̃, viết trên đầu nguyên âm. Các nhà ngôn ngữ học sau này dùng kí hiệu này để chỉ các nguyên âm mũi, ví dụ /ɑ̃/. Trong tiếng Tây Ban Nha, chữ N kép (hai chữ N) viết thêm dấu   ̃, tức ñ; sau này chữ N kép này chuyển thành một âm mũitiền ngạc (prepalatal nasal); các nhà Anh Điêng học (Indianists)[7] đã mượn kí hiệu ñ này cho âm mũi-tiền ngạc. Trong tiếng Pháp và tiếng Ý, âm mũi-tiền ngạc bắt nguồn từ tổ hợp phụ âm GN của tiếng Latin; quy tắc chính tả này được bảo lưu trong tiếng Pháp và tiếng Ý, trong khi, trong phương ngữ Provençal và Gascon của tiếng Bồ Đào Nha, âm này được ghi là NH vì sự tương đồng với âm tắc tương ứng, CH. Cách viết NH này đã được vay mượn cho chính tả tiếng Việt. Các nhà ngữ âm học Anh ngữ và Hán ngữ học kéo dài và uốn cong nét đầu của N thành một nét cong: /ɲ/.

Cuối cùng, trong các ngôn ngữ Roman âm mũi mặt lưỡi (dorsal nasal) chỉ thỉnh thoảng mới gặp, khi N đi trước C hay G; âm này chỉ xuất hiện ở cuối từ trong tiếng Anh và tiếng Đức, và được viết là NG. Vì vậy thật tự nhiên để ghi âm này là NG trong tiếng Việt. Các nhà ngữ âm học Anh và Trung Quốckết hợp 2 kí tự này bằng cách kéo dài nét thứ hai của n như với chữ g, vì thế có: ŋ. Các nhà Anh Điêng học ghi âm này với một dấu chấm trên đỉnh n, tức ṅ.

V

Giờ chúng ta tìm hiểu nguồn gốc của V. Trong tiếng Latin, V và U không phân biệt nhau: V là kí tự dùng để ghi nguyên âm môi-ngạc mềm (labiovelar), còn U chỉ là dạng viết thảo của V. Khi theo sau U là một nguyên âm, nó trở thành một phụ âm môingạc mềm [IPA: /w/], rồi một phụ âm môirăng (tương ứng hữu thanh với F [IPA: /v/, đối lập với /f/]); sự biến đổi này xảy ra vào khoảng thế kỉ thứ VI sau Công nguyên. Trong khi đó không có sự thay đổi chính tả nào xảy ra cho đến tận thế kỉ thứ XVII, nên hai âm khác nhau này được viết như nhau. Chữ cái V được dùng ở vị trí đầu từ, khi nó biểu thị một nguyên âm (giống như trong vn “một” [trong tiếng Pháp hiện nay được viết là un]) cũng như khi nó biểu thị một phụ âm (như trong vent“gió” [vẫn được viết là vent trong tiếng Pháp hiện nay]). Ở vị trí giữa từ, U được dùng, như trong chanure “sợi gai dầu” [trong tiếng Pháp hiện giờ là chanvre] hay mur [tiếng Pháp hiện nay: mur]. Tuy nhiên, trong các ngôn ngữ khác, một kí tự khác được dùng sớm hơn thế kỉ thứ XVII: vì phụ âm môi ngạc mềm này đã chuyển thành một âm môirăng trong các ngôn ngữ Roman vào thế kỉ thứ VI, nên các học giả nói tiếng Roman, những người đã chế tác hệ thống chính tả cho các ngôn ngữ German, đã sáng tạo ra một kí tự mới cho phụ âm môingạc mềm mà họ bắt gặp trong các ngôn ngữ này: một chữ cái “double U” (trong tiếng Anh vẫn gọi như vậy), chữ cái đưa đến hình dạng ngày nay là W (được gọi là “double V” trong tiếng Pháp). Các phương ngữ của tiếng Anh và tiếng Pháp miền Bắc (Picard, Wallon) ngày này vẫn giữ một âm môingạc mềm này, bởi vậy cách phát âm từ Wallon [/walɔ̃/, chứ không phải /valɔ̃/]. Trong khi đó, trong tiếng Đức, Hà Lan và Ba Lan, W được dùng để ghi một âm môirăng (vì vậy mà phụ âm đầu Wagram, Würtenberg được phát âm như một âm môirăng [/v/]). Các nhà ngôn ngữ học phân biệt V môi-răng với W môingạc mềm.

H

Điểm cuối cùng cần chú ý về phụ âm, chúng ta biết rằng trong tiếng Pháp có một phụ âm có chữ viết nhưng không được phát âm: đó là âm “H bật hơi” (aspirated H) nhằm tránh việc đọc nuốt quán từ [vì vậy phải viết là la hache, le hibou “cái rìu”, “con cú” chứ không ghi là l’hache, l’hibou], song nó không còn được phát âm nữa, ngoại trừ ở một số khu vực (như Lorraine hay Normandie). Trái lại, tiếng Việt có một phụ âm được phát âm nhưng lại không có chữ viết: âm tắc thanh hầu (đột ngột mở thanh quản) đứng đầu các từ bắt đầu bằng nguyên âm. Trong phiên âm khoa học, âm này được ghi bằng một kí tự gọi là “spiritus lenis” của hệ thống chữ viết Hy Lạp, một dấu móc câu với phần lõm uốn về sau: ˁ.

Các nhà ngữ âm học Anh và Trung Quốc dùng dấu nghi vấn để ghi phụ âm này:? [IPA hiện thời: ʔ]

2. Nguyên âm

A, E, I, O, U

Tiếng Latin có 5 nguyên âm:

(i) A: một nguyên âm mở (tức với khoảng cách lớn nhất giữa lưỡi và vòm miệng)

(ii) và (iii): hai nguyên âm khép cực đại (maximally closed). I, một nguyên âm tiền ngạc (prepalatal), miêu tả chính xác hơn là một nguyên âm trước (anterior vowel), căn cứ vào vị trí lưỡi; I không phải là âm tròn môi, tức khi phát âm môi không mở rộng. U, một nguyên âm ngạc mềm, chính xác hơn là một nguyên âm sau (posterior vowel) (xét theo vị trí lưỡi) và là một âm tròn môi: môi chúm lại và tròn.

(iv) và (v): hai nguyên âm trung bình (nửa mở): E nằm giữa I và A; O nằm giữa U và A.

U, vào khoảng thế kỉ thứ 10, thay đổi giá trị ngữ âm trong tiếng Pháp cổ, trở thành một nguyên âm trước, tròn môi [IPA: /y/]. Phiên âm khoa học của nguyên âm tiếng Pháp này là ü (còn ö thì được dùng để kí hiệu cho nguyên âm nằm giữa ü và A); Phiên âm này bắt nguồn từ tiếng Đức, nơi xuất hiện dấu hai chấm (Tréma, hay Umlaut trong tiếng Đức) dùng cho E rút gọn: ü cho ue và ö cho oe. Trong khi đó, các nhà ngữ âm học Anh thích dùng cách phiên âm Y của Scandinavia hơn.

Y

Trong tiếng Hy Lạp cổ, nguyên âm khép dòng sau tròn môi [IPA: /u/], được ghi là Y, đã chuyển thành một phụ âm trước tròn môi (anterior rounded consonant). Các học giả Latin đã mượn chữ cái Y của Hy Lạp để kí hiệu cho nguyên âm này, hiện không còn trong tiếng Latin. Trong tiếng Hy Lạp, nguyên âm này sau đó bị lẫn lộn với I, và cả trong tiếng Latin nó trở nên được phát âm như I. Do đó mà người Pháp ngày này vẫn gọi chữ cái Y bằng cái tên “I Hy Lạp” (Greek I). Về vai trò của nó trong bảng chữ cái tiếng Việt: trong tiếng Pháp, Y thường được dùng để kí hiệu âm xát tiền ngạc hữu thanh (voiced prepalatal spirant) và liên hệ giữa Y với I giống như liên hệ giữa W với U; đây là cách ghi mà các nhà Anh Điêng học [và Phi-châu học] sử dụng. Song, các nhà ngữ âm học Anh lại ưa dung j để kí hiệu cho âm này hơn. [cách ghi là /j/ nay đã trở thành cách ghi chuẩn trong IPA].

Tiếng Latin phân biệt các nguyên âm ngắn và nguyên âm dài. Các kí hiệu là: a cho nguyên âm dài, ă cho nguyên âm ngắn; Kí hiệu thứ hai đã được dùng trong tiếng Việt. Các nhà Anh Điêng học thì chỉ ghi nguyên âm dài mà bỏ sót các nguyên âm ngắn. Các nhà ngữ âm học Anh và Trung Quốc thì biểu thị độ dài của các nguyên âm bằng dấu hai chấm viết sau nguyên âm hoặc viết kép “double” nguyên âm: a: hoặc aa. [IPA: /aː/]

Ê, Ô, Â

Trong các ngôn ngữ Roman, các nguyên âm dài xuất hiện khi hai nguyên âm đi cùng nhau; chúng được ghi tắt bằng cách chỉ ghi một nguyên âm đồng thời thêm dấu mũ ^ vào bên trên nó, ví dụ: trong tiếng Pháp aage được viết là âge, meur viết là mûr. (Trong tiếng Pháp, ^ thường thể hiện một âm vốn là s trước đây, ví dụ:fête “lễ mừng” có hình thức trước đây là feste, pâte “hồ dán” là từ paste.) Tình hình tương tự cũng xảy ra trong tiếng Bồ Đào Nha, khi oo viết thành ôee[8] viết thành ê. Trong tiếng Bồ Đào Nha, các nguyên âm mới có cách phát âm khép nhiều hơn: ô nằm ở vị trí trung gian giữa và u, và ê nằm giữa e và i. Đây chính là nguồn gốc các cách ghi được sử dụng cho các nguyên âm tiếng Việt. Trong tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý hay tiếng vùng Provence (Pháp) đều không có những phương tiện để phân biệt hai nguyên âm elẫn hai nguyên âm o khác nhau này.

Trong tiếng Pháp, ô [IPA: /o/] khép nhiều hơn so với o [IPA: /ɔ/], và ê [IPA: /e/] cũng khép nhiều hơn so với e [IPA: /ɛ/]; theo tiêu chí này, một số nhà ngôn ngữ học đã sử dụng dấu sắc: ó, é để biểu thị mức độ khép hơn của các nguyên âm, và dấu huyền, tức ò, è để biểu thị mức độ mở hơn của các nguyên âm. Một cách khác là dùng dấu chấm vào bên dưới để chỉ các nguyên âm khép hơn và dấu móc vào bên dưới để chỉ các nguyên âm mở hơn. Cuối cùng, các nhà ngữ âm học Anh ngữ sử dụng e, o cho các nguyên âm đóng hơn và ɔ, ɛ (tức chữ C ngược và chữ epsilon của tiếng Hy Lạp) cho các nguyên âm mở hơn. Kí hiệu æ được dùng cho nguyên âm nằm giữa a và ɛ, giống như nguyên âm trong từ cat của tiếng Anh. Một chữ a nghiêng (i.e., ɑ) được dùng cho nguyên âm của từ pâte tiếng Pháp.

Trong tiếng Việt có một số nguyên âm sau không tròn môi [IPA: /ɯ/, /ɤ/]. Chúng được viết là ư và ơ, có thể là do lấy cảm hứng từ kí hiệu ü, ö đã nhắc đến ở trên, cho dù trên thực tế ư đối lập hẳn với ü xét về vị trí môi và lưỡi: ư [IPA: /ɯ/] là một nguyên âm sau và không tròn môi, trong khi ü [IPA: /y/] lại là một nguyên âm trước và tròn môi. Những nguyên âm này không có trong các ngôn ngữ Roman phía Tây, tuy nhiên chúng lại có trong các ngôn ngữ Roman phía Đông châu Âu: ví dụ: trong tiếng Rumani, từ “chó” có thể được ghi theo chính tả tiếng Việt là cưn. Các nguyên âm này thỉnh thoảng được ghi với hai dấu chấm (Tréma): ï, ë hoặc là với một dấu tròn phía dưới. Các nhà ngữ âm học Anh ghi chúng là /ɯ/, /ə/ [IPA /ə/ ngày nay được coi là một nguyên âm hàng giữa thực thụ, còn /ɤ/ được dùng cho một nguyên âm hàng sau, không tròn môi, độ mở trung bình], và /ʌ/, tức lần lượt viết ngược m, e và v. Nguyên âm cuối cùng (/ʌ/) tương ứng với âm â trong tiếng Việt.

Phần hai: Thanh điệu

Cuối cùng, chúng ta hãy tìm hiểu cách ghi các thanh điệu được mượn từ tiếng Hy Lạp cổ. Tiếng Hy Lạp cổ có hai thanh, được ghi là ´ và ῀, và một dấu thứ ba được dùng để ghi thanh điệu của những từ không có trọng âm: `. Những kí hiệu này được bổ sung thêm với các kí hiệu đánh dấu câu. Quả thực, trong các ngôn ngữ Roman, thanh điệu không thể được dùng để phân biệt các từ, song nó có thể phân biệt các câu, chẳng hạn, trong tiếng Pháp, câu nghi vấn C’est vrai? “Việc đó thật à?” nhờ dấu câu mà phân biệt với và câu trần thuật C’est vrai “Đây là sự thật.” Vì vậy, người ta đặt một dấu chấm nhỏ (giống với dấu chấm câu) dưới nguyên âm và một dấu hỏi trên nguyên âm để biểu thị thanh điệu [ở đây minh họa cho hệ thống 6 thanh trên nguyên âm A là: a à á ạ ả ã].

Các nhà ngữ âm học Anhvà Trung Quốc dùng một dấu thẳng đứng đặt bên phải từ kèm theo một dấu nhỏ mô tả đường nét và âm vực và tuyến điệu (modulation) của thanh điệu để kí hiệu chúng [ví dụ: ˥ ghi thanh cao, ˧ cho một thanh trung bình.v.v.].

Kết luận

Như vậy bảng chữ cái tiếng Việt là một sản phẩm có những cứ liệu lịch sử được xác định rõ ràng.

Những người châu Âu đầu tiên đặt chân đến vùng Viễn Đông bằng đường biển đều đến từ bán đảo Iberia: họ là người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và xứ Basque. Trong số họ, những học giả đã sử dụng bảng chữ cái tiếng Latin để ghi âm tiếng Việt chính là các nhà truyền giáo đạo Thiên chúa - những người tinh thông tiếng Latin, tiếng Ý và tiếng Hy Lạp. Tất cả những điểm đặc biệt của bảng chữ cái tiếng Việt vì vậy mà có thể được giải thích trên cơ sở của những cứ liệu này.

Nhìn vào những bảng phiên âm khoa học dựa trên bảng chữ cái Roman đã được trình bày và thảo luận ở trên, ta thấy rằng chúng thuộc vào hai nhóm sau: (i) những bộ chữ được sử dụng cho các ngôn ngữ Phương Đông đã có chữ viết Latin hóa riêng trước đó của mình, trong trường hợp này việc phiên âm tiếng Latin cơ bản chỉ là việc chuyển tự, tức thay thế một chữ cái của bảng chữ cái bản địa bằng một chữ cái Latin nhằm tạo điều kiện dễ dàng nhất cho việc in ấn của các nhà in châu Âu; (ii) những bộ chữ được các nhà ngữ âm học, những người có mục đích phiên âm tất cả những sắc thái phát âm. Loại bảng chữ cái thứ hai này chủ yếu được dùng ở các nước không có bộ chữ cái Latin hóa (ví dụ: Trung Quốc) hoặc các nước mà chính tả khác xa với phát âm (ví dụ như Anh: rất khó có thể đoán được âm nguyên đích thực trong từ tiếng Anh, cho dù trên thực tế tiếng Anh dùng bảng chữ cái Latin). Nhưng, bảng chữ cái ngữ âm được thiết kế ra cho việc viết tay và rất khó cho việc in ấn.

Tài liệu tham khảo

1. Alexandre de Rhode (1991), Từ điển Annam - Lusitan -Latin (bản dịch của Hoàng Xuân Việt, Thanh Lãng, Đỗ Quang Chính), NXB Khoa học xã hội, TP. Hồ Chí Minh.

2. André Martinet (1956), La Description phonologique avec application au parler franco provençal d'Hauteville (Savoie), Genève: Droz.

3. André Martinet (1981), “Fricatives and spirants”, Suniti Kumar Chatterji commemoration volume ed. by B. P. Mallik, Burdwan, West Bengal, India: Burdwan University Press, pp. 145-151.

4. André Martinet (1985), “Two proposals”, The Study of Sounds (Onsei no Kenkyuu), Commemorative volume for the 50th anniversary of the Phonetic Society of Japan XXI, pp. 67-72.

5. Cao Xuân Hạo, Hoàng Dũng (2005), Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học đối chiếu Anh Việt - Việt Anh, NXB Khoa học Xã hội.

6. Haudricourt, A.G. (1949), “L’origine des particularités de l’alphabet vietnamien”, Dân Việt Nam (3), pp. 61-68.

7. Haudricourt, A.G. (1953), “La place du vietnamien dan les langues austroasiatique” (Vị trí của tiếng Việt trong các ngôn ngữ Nam Á), BSLP (49), pp. 122-128.

8. Haudricourt, A.G. (1954), “De L’origine Des Tons En Vietnamien” (Nguồn gốc thanh điệu tiếng Việt), Journal Asiatique (242), pp. 69–82.

9. Haudricourt, A.G. (2010), “The origin of the peculiarities of the Vietnamese alphabet” (Alexis Michaud trans.), Mon-Khmer Studies (39), pp. 89–104.

10. Jacqueline Thomas, Luc Bouquiaux and France Cloarec-Heiss (1976), Initiation à la phonétique: phonétique articulatoire et phonétique distinctive, Presses Universitaires de France, Paris.

11. Michel Ferlus (1982), “Spirantisation des obstruantes médiales et formation du système consonantique du vietnamien”, Cahiers de linguistique - Asie Orientale (11:1), pp. 83-106.

12. Michel Ferlus (2001), “Les hypercorrections dans le thổ de Làng Lỡ (Nghệ An, Vietnam) ou les pièges du comparatisme”, Paper presented at the Quinzièmes Journées de Linguistique de l'Asie Orientale, Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales, Paris.

13. Ratanakul Suriya, David Thomas and Premsrirat Suwilai, Eds. (1985), Southeast Asian Linguistic Studies presented to André-G. Haudricourt, Mahidol University, Bangkok.

Hình 1: Từ bảng chữ cái tiếng Hebrew và tiếng Hy Lạp đến bảng chữ cái tiếng Latin.

Hình 2: Những tương ứng qua bảng chữ cái tiếng Việt, tiếng Pháp và bảng phiên âm khoa học



[1]http://sealang.net/archives/mksj/pdf/MKSJ-39.89.pdf

[2]https://vnu-vn.academia.edu/VietCao

[3]Các thuật ngữ ngữ âm trong bản tiếng Anh được để trong ngoặc đơn để người đọc tiện đối chiếu.

[4]“non-anterior sibilant stop” đượcCao Thành Việt dịch là “tắc-xuýt-phi tiền” và “anterior sibilant stop” là “tắc-xuýt-tiền”. PGS. TS Phạm văn Hảo cho biết trong “Từ điển Thuật ngữ Ngôn ngữ học đối chiếu Anh-Việt, Việt-Anh” (2005) của Cao Xuân Hạo & Hoàng Dũng, hai thuật ngữ này trong tiếng Việt là: “tắc xuýt không hàng trước” và “xuýt hàng trước”. Tôi e cả hai thuật ngữ trên chỉ mới dịch theo nghĩa đen của từ “anterior” (trước), song trong ngữ âm học “anterior sounds” được hiểu là: “những âmđược cấu âm từ phía trước ổ răng (alveolar ridge)” (http://sites.fas.harvard.edu/~interns/eng101quiz/definitions.html). Ở đây tôi tạm dùng “tắc xuýt trước” cho (anterior sibilant stop) và “tắc xuýt sau” cho (non-anterior sibilant stop), và để nguyên từ của bản nguồn tiếng Anh trong ngoặc đơn (chú thích của VXQ). 

[5]Vào thời gian bài báo của Haudricourt được xuất bản (1949), người ta cho rằng dựa trên cơ sở việc phục nguyên âm và sự vay mượn của tiếng Việt từ các ngôn ngữ láng giềng, âm vị được viết là D trong chữ Quốc ngữ không phải là một âm tắc tiền ngạc-hữu thanh (voiced prepalatal stop) (tương ứng nhất trong IPA là /ɟ/) khi chữ Quốc ngữ mới ra đời, mà là một âm xát răng (dental sprirant), được Ferlus 1982 ghi là δ (Xem thêm Ferlus 2001). Tương ứng nhất trong IPA của âm này là /ð/. Tuy nhiên, Ferlus phân biệt rạch ròi giữa âm xát “spirant” và âm xát “fricative” dựa theo quan điểm của Martinet 1956:24-25. Martinet cho rằng, “spirant” và “fricative” là hai nhóm âm khác nhau: “Cần thiết phải minh định sự khác biệt giữa phương thức cấu âm lơi (relaxed) - có xu hướng gần với phương thức nguyên âm mà chúng tôi gọi là “sprirant” - với các phụ âm được cấu âm theo phương thức phụ âm đúng nghĩa, đặc trưng bởi sự cọ xát khi luồng hơi thoát qua vị trí cản trở: loại này chính là những âm “fricative” đúng nghĩa.”[trong bản dịch của chúng tôi]; xem thêmMartinet 1981, 1985 và Thomas, Bouquiaux and Cloarec-Heiss 1976:29-31. Tuy nhiên, Haudricourt không đưa ra sự phân biệt giữa hai thuật ngữ trên trong bài báo này: ông dùng “spirant” trong cả bài (Chú thích của Alexis Michaud).

[6]Trong bản dịch tiếng Anh có hai câu bị xóa được kí hiệu bằng (…), (chú thích của Alexis Michaud).

[7]Những người nghiên cứu ngôn ngữ các bộ tộc da đỏ ở châu Mỹ (ND).

[8]Trong bản dịch tiếng Anh ee bị nhầm thành ec (Alexis Michaud đã kiểm tra và khẳng định điều này với tôi qua trao đổi email - VXQ chú thích)

Nguồn: Tạp chí Văn hóa Nghệ An, ngày 06.8.2018.

20170916

 

TTCT - Giáo sư Nguyễn Lân là một tên tuổi lớn trong làng chữ nghĩa, nhất là về phương diện từ điển.

Đọc lý lịch của ông, thấy những nơi ông từng học, từng làm việc, ai cũng phải kiêng nể: tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương (đồng môn với các giáo sư Đặng Thai Mai, Hoàng Ngọc Phách, Ca Văn Thỉnh...), từng giảng dạy văn sử ở Trường Thăng Long, Chu Văn An (Hà Nội), Quốc Học (Huế), từng học ở khu học xá Quảng Tây (Trung Quốc), từng dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội từ ngày đầu thành lập, từng được phong là Nhà giáo nhân dân...

Sai sót đã được chỉ ra từ lâu

Các công trình để lại của ông cũng thật đáng nể: nghiên cứu về Nguyễn Trường Tộ từ năm 1941, tham gia biên soạn cuốn từ điển tiếng Việt nổi tiếng nhất ở miền Bắc trước 1975: Từ điển tiếng Việt do giáo sư Văn Tân chủ biên (1967).

Ông là tác giả của hàng chục cuốn từ điển nổi tiếng: Muốn đúng chính tả (1949), Từ điển chính tả phổ thông (1963, viết chung), Từ điển từ và ngữ Hán Việt (1989), Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam(1989), Từ điển từ và ngữ Việt Nam (2000)...

Các công trình về giáo dục học và từ điển tiếng Việt của ông được giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2001.

Thế nhưng ngay từ khi từ điển của giáo sư Nguyễn Lân ra đời không lâu, đã có phản ứng của giới học thuật.

Trên tạp chí Văn ở TP.HCM số 6, tháng 9 và số 8, tháng 11-2000, Huệ Thiên trong bài viết Đọc lướt Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân, mới ở các vần A, B, C (chiếm 1/5 quyển sách) đã chỉ ra 117 mục từ sai.

Tiếp đó, Lê Mạnh Chiến chỉ ra 170 sai lầm trong một cuốn từ điển để đăng nhiều kỳ trên tạp chí Thế Giới Mới... và nhiều bài phê bình khác nữa.

Mặc dù đã có một số người vạch ra chỗ sai cụ thể với số lượng rất lớn như thế, nhưng các nhà xuất bản (NXB) vẫn liên tục in với số lượng lớn:

Từ điển từ và ngữ Hán Việt được NXB TP.HCM in năm 1989, tái bản 1999; NXB Từ Điển Bách Khoa in lại, 2002; NXB Văn Học tái bản 2003, 2007; Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, xuất bản lần đầu năm 1989, NXB Khoa Học Xã Hội tái bản năm 1993.

Riêng NXB Văn Học năm 2003 tái bản lần thứ nhất, sau đó liên tục các năm 2014, 2015, 2016, 2017 tái bản tổng cộng đến gần 10.000 cuốn; Từ điển từ và ngữ Việt Nam, NXB Tổng Hợp TP.HCM xuất bản lần đầu năm 2000, tái bản 2006; Muốn đúng chính tả, Thịnh Đức xuất bản, 1949; NXB Văn Hóa Thông Tin tái bản 2010, 2012...

Quyển sách Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu của Hoàng Tuấn Công sửa chữa hàng ngàn lỗi trong Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Từ điển từ và ngữ Hán Việt, Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Muốn đúng chính tả của giáo sư Nguyễn Lân (NL).

Với mỗi mục từ giải thích sai, Hoàng Tuấn Công (HTC) đều trưng ra các cách hiểu đúng trong các từ điển uy tín khác, bằng tiếng Việt cũng như tiếng Hán hay ngoại ngữ khác, rồi biện luận nó.

Xin đưa vài ví dụ dễ thấy nhất và chỉ ở 3 mục A, B, C:

NL: Ái nam, ái nữ. Có cả hai bộ phận sinh dục ngoài của nam và nữ.

HTC: Nếu theo cách mô tả của giáo sư Nguyễn Lân, có lẽ đây là một ca sinh đôi có “cả hai bộ phận sinh dục ngoài” của một người nam và một người nữ nhưng chung một cơ thể chăng?

Theo Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức: “Ái nam. Tiếng gọi đàn ông hay đàn bà không đủ bộ phận sinh dục. Có khi gọi ái nam, ái nữ, cũng là người bán nam, bán nữ”.

Từ điển tiếng Việt của nhóm Hoàng Phê giải nghĩa: “Ái nam, ái nữ. Có bộ phận sinh dục ngoài không giống của nam, cũng không giống của nữ”. Như vậy cách “hình dung” về bộ phận sinh dục người ái nam, ái nữ của soạn giả không đúng và nghe thật đáng sợ!

NL: Anh hùng nhất khoảnh (khoảnh: thời gian ngắn). Nói người tự cho mình là hơn cả mọi người trong một thời gian: Ở bến xe có tên lưu manh tự mình cho là anh hùng nhất khoảnh.

HTC: Chữ “khoảnh” trong câu thành ngữ gốc Hán này tự dạng là (頃), có nhiều nghĩa: khoảng ruộng 100 mẫu; thoáng chốc, khoảnh khắc... Ở đây, khoảnh (nghĩa đen = khoảng rộng 100 mẫu) được hiểu là một vùng, một địa phận, khu vực (chỉ không gian) chứ không phải khoảnh khắc (chỉ thời gian) như giáo sư lầm tưởng.

Thành ngữ nói kẻ chỉ (dám) xưng hùng xưng bá, làm mưa làm gió trong một khu vực nhất định. Cái “bến xe” mà tên lưu manh tự xưng anh hùng trong câu dẫn chứng của giáo sư chính là “nhất khoảnh” (chỉ không gian) đấy thôi.

NL: Bất chắc. Không chắc nhưng có thể cũng sẽ diễn ra: Phòng khi bất chắc dụng binh (Tú Mỡ).

HTC: Người Việt chỉ nói không chắc chứ không dùng kết hợp từ: bất (không) + chắc (chắc chắn) = không chắc. Hơn nữa, soạn giả đã lẫn lộn giữa bất chắc (từ do tự giáo sư Nguyễn Lân nghĩ ra) có nghĩa không chắc và bất trắc với nghĩa không lường được trong câu thơ của Tú Mỡ.

Sai sót này xuất phát từ lỗi phát âm không phân biệt “ch” và “tr” dẫn đến lỗi chính tả, và cuối cùng là lỗi từ vựng của chính người làm từ điển.

NL: Cầm cương nảy mực (cầm cương ngựa và nảy mực lên mặt gỗ để cưa). Điều khiển và chỉ dẫn những người dưới quyền làm theo: Trong những năm Hồ Chủ tịch cầm cương nảy mực.

HTC: Nhầm lẫn. Cầm cân chứ không phải “cầm cương”. Có lẽ giáo sư cho rằng người cầm cương điều khiển để con ngựa rẽ theo ý muốn, còn người nảy mực nảy lên mặt gỗ để chỉ dẫn thợ mộc cứ thế làm theo?

Thế nhưng người ta dùng chiếc cân để so sánh với công lý, và nảy mực tàu được ví với cách làm thẳng thắn, khách quan, không thiên, không lệch (có câu Thẳng mực tàu làm đau lòng gỗ là vậy).

Hai vế của thành ngữ đều nói về sự thẳng thắn, công bằng, không thiên, không lệch, chứ không phải nói về sự dẫn đường chỉ lối. Cũng nên lưu ý soạn giả: người ta chỉ nảy mực lên mặt gỗ để xẻ (dọc) cho thẳng. Còn “cưa” (ngang) không ai nảy mực làm gì.

NL: Cử tọa (cử: cất lên; tọa: ngồi). Tất cả những người dự một buổi họp: Lời tuyên bố đó khiến cử tọa vỗ tay như pháo nổ.

HTC: Ở đây giáo sư giảng sai nghĩa của cả hai từ “cử” và “tọa”. Cho dù đều có tự dạng là 舉, nhưng chữ “cử” trong cử tọa nghĩa là hết thảy, tất cả, chứ không phải là “cất lên”.

Ví như cử quốc = cả nước (Hán Việt tự điển - Thiều Chửu). Hán Việt tự điển - Trần Văn Chánh giải nghĩa chữ “cử”: “Cả, khắp, tất cả đều, mọi, hết thảy mọi người: 舉座 Tất cả những người dự họp; 舉國歡騰 Khắp nước tưng bừng”. Thứ hai, chữ “tọa” (座) đây là chỗ ngồi chứ không phải chữ “tọa” (坐) là “ngồi”.

Về chính tả, sách giáo sư Nguyễn Lân sai sơ đẳng quá, không hiểu nổi:

Trỗi dậy, (sai) là: Chỗi dậy; Rớm máu, sai thành: Dớm máu; Quyến rũ, sai thành Quyến dũ; Sàm sỡ, sai thành: Xàm xỡ; Sặc sỡ, sai thành Xặc sỡ; Màu sẫm, sai thành Màu xẫm; Con rạ, sai thành Con dạ; Xơ cứng, sai thành Sơ cứng; Muỗi như trấu, sai thành Muỗi như chấu; Nõ điếu, sai thành Lõ điếu...

“Học phiệt” - chuyện xưa nay

Tại sao tác giả Nguyễn Lân sai nhiều như vậy? Theo tôi nghĩ, có ít nhất 4 nguyên nhân:

(1) Ông không có mẫn cảm về ngôn ngữ nhưng vẫn làm từ điển, ông không rành chữ Hán mà vẫn làm từ điển từ ngữ Hán - Việt. Làm từ điển tiếng Việt mà không rành chữ Hán là tử huyệt của nhiều người làm ngôn ngữ ở nước ta;

(2) Thiếu cẩn trọng: thực ra thì trước và cùng thời với từ điển của Nguyễn Lân đã có không ít từ điển tiếng Việt tốt, nếu ông cẩn trọng tra cứu, chỗ nào không rành thì chép của người ta cũng không đến nỗi sai;

(3) Thiếu kỹ năng làm từ điển: làm từ điển là một ngành học, phải có hiểu biết nhất định về từ điển học mới có thể làm từ điển được;

(4) Thiếu một thái độ cầu thị: khi người ta chỉ ra sai lầm của mình thì cần nghiêm túc xem xét lại, không được tự ái, cái gì sai thì nhận, cái gì đúng thì trao đổi lại cho rõ.

Rất tiếc là dưới những sai sót lớn như vậy của tác giả Nguyễn Lân, nhiều người bênh vực ông vẫn không cầu thị, còn phê phán người chỉnh sửa với thái độ cố chấp.

Rồi có quan chức trong ngành xuất bản còn nói như những người ngoại đạo hoàn toàn để bênh vực: “Chỉ có nhân dân hiệu chỉnh, còn nhà khoa học này không thể hiệu chỉnh nhà khoa học khác mà chỉ có thể trao đổi” (!) (cục trưởng Cục Xuất bản - in và phát hành Chu Văn Hòa trong trả lời phỏng vấn của VOV ngày 11-8-2017).

Chúng ta đều biết nhân dân là một khái niệm trừu tượng, làm sao họ sửa? Trong khoa học có sai có đúng, có những cái sai mà chỉ những người có chuyên môn sâu về lĩnh vực ấy mới hiểu được, nhưng cũng có cái sai mà người có hiểu biết ở trình độ phổ thông cũng hiểu, thậm chí có những cái sai mà một học sinh cũng có thể sửa được (như sai chính tả).

Trong khoa học hay trong đời sống cũng vậy, không ai biết hết được, sai thì sửa, không nên tự cao tự đại, tự ái, mình chỉ có đúng, không ai sửa được mình.

Năm 1930, trên Phụ Nữ Tân Văn (số 62 ngày 24-7), Phan Khôi lúc bấy giờ mới hơn 40 tuổi đã viết bài Cảnh cáo các nhà “học phiệt” nhắm tới Phạm Quỳnh, một học giả lừng danh bấy giờ.

Ông viết: “Học phiệt” là “Hạng người ấy ỷ có học rộng, tri thức nhiều, văn hay, trí thuật cũng khá, rồi tự coi mình như là bậc “thầy”, chẳng kể dư luận ra chi.

Đã hay rằng mình giỏi, song thế nào cho khỏi sự sai lầm, vậy mà họ tự phụ quá, cứ mạt sát hết. Ừ, cái dư luận nào không chánh đáng, họ mạt sát chẳng nói làm chi; cái nầy, khi người ta công kích họ một cách chánh đáng, mà họ cũng làm thinh.

Làm thinh, không phải tỏ ra là họ phục; nhưng làm thinh, tỏ ra là họ không thèm nói với, thế mới đáng ghét.

Tôi dâng cho họ cái huy hiệu “học phiệt”, lấy nghĩa rằng họ có ý kế nghiệp nhau mà chuyên quyền trong học giới, cũng như bọn “quân phiệt”, đã nối nhau mà chiếm cứ đất đai và quyền chánh trị bên Tàu”.

Ngay cả cuốn Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu của Hoàng Tuấn Công không phải không có sai sót, không phải không ít chỗ phải bàn lại, nhưng điều đáng ghi nhận là ở thái độ khoa học sòng phẳng.

Công trình này đã làm được công việc mà Phan Khôi nói trước kia: trong khoa học chỉ có đúng sai, không có chỗ cho học phiệt, nhờ thế nhận thức của con người mới tiến lên. ■

Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần, ngày 13.9.2017

20180311 chuan chinh ta

Cách viết tên riêng nước ngoài có sự thay đổi. Ảnh minh họa: Wikihow

 

Dự kiến, cách viết tên riêng nước ngoài sẽ thay đổi, việc sử dụng "i" hay "y" được giữ nguyên như quy tắc 40 năm trước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức hội thảo về chính tả trong chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới. GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, nhận định dự thảo này rất cần thiết trong bối cảnh nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa.

“Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ba văn bản quy định về chính tả trong sách giáo khoa vào các năm 1980, 1984 và 2003. Nếu không có quy định thống nhất, khó tránh khỏi tình trạng mỗi sách viết một cách, gây khó khăn cho việc dạy, học và đánh giá kết quả giáo dục”, GS Thuyết nói và cho biết thay đổi lớn nhất của dự thảo là cách viết tên người, tên địa lý và thuật ngữ nước ngoài.

Cách viết tên riêng nước ngoài thay đổi

Tên riêng bao gồm tên người, tên địa lý, tên các tổ chức, đơn vị, danh hiệu, giải thưởng… Theo GS Thuyết, cách viết tên riêng Việt Nam không thay đổi so với quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, cách viết tên riêng nước ngoài có một số điểm mới.

Những tên riêng nước ngoài được dịch nghĩa hoặc phiên âm qua âm Hán Việt mà đã quen dùng thì giữ nguyên và viết hoa giống như cách viết tên riêng tiếng Việt, ví dụ: Đại Tây Dương, Mỹ, Thượng Hải, Đỗ Phủ…

Các trường hợp còn lại, có ba cách viết. Một là viết nguyên dạng nếu đó là tên viết bằng chữ Latin, ví dụ: Albert Einstein, Thomas Edison, Paris... Hai là chuyển các ký hiệu của chữ viết đó sang chữ Latin đối với những chữ khó viết nguyên dạng, ví dụ: Volga, Moskva, Saint Petersburg... Ba là viết như cách viết trong tiếng Anh đối với trường hợp không chuyển tự được, ví dụ: Tokyo, Nile, Fuzhou...

Đối với những tên riêng liên quan đến nhiều nước thì dùng tên gọi phổ biến nhất hoặc tên phù hợp với ngữ cảnh cụ thể. Trường hợp tên riêng đã phổ dụng quốc tế thì giữ cách viết thông dụng, không viết như nguyên ngữ, ví dụ tên nước có thủ đô là Budapest được viết là của Hungary, không viết là Magyarország.

Thực chất, những quy định này giống như trong Quyết định 240 năm 1984 của Bộ Giáo dục về chính tả và thuật ngữ tiếng Việt trong sách giáo khoa. Theo GS Thuyết, việc áp dụng quy định này có lợi so với cách phiên âm có gạch nối, giúp học sinh tiện tra cứu tài liệu, hay giao dịch bằng tiếng nước ngoài. "Quy định này cũng phù hợp với chương trình giáo dục mới vì học sinh sẽ được học ngoại ngữ từ lớp 3", ông giải thích. 

Tuy nhiên, quy định viết nguyên dạng tên riêng nước ngoài không áp dụng với sách giáo khoa các lớp 1, 2, 3. Cấp học này sử dụng hình thức phiên âm, có gạch nối giữa âm tiết, ví dụ: Tô-ky-ô, Mát-xcơ-va.

Ở sách giáo khoa lớp 4 và 5, bên cạnh phiên âm có chua hình thức nguyên dạng trong ngoặc đơn, ví dụ Tô-ky-ô (Tokyo), Mát-xcơ-va (Moskva). Điều này giúp học sinh quen dần với cách viết nguyên dạng tiếng nước ngoài và phù hợp trình độ các em.

Thuật ngữ có tính hệ thống để nguyên dạng

Theo dự kiến của ban soạn thảo, những thuật ngữ tiếng Việt sẵn có hoặc dịch sang tiếng Việt dễ hiểu thì sử dụng các thuật ngữ này, ví dụ các chất vàng, bạc, đồng; hình tam giác, hình vuông, hình chữ nhật, hình bình hành...

Những thuật ngữ có tính hệ thống, tính sản sinh cao (tạo ra nhiều thuật ngữ cùng gốc) thì viết nguyên dạng tiếng Anh, hoặc viết theo ngôn ngữ thông dụng trong ngành khoa học tương ứng. Ví dụ không dịch hydrogen thành "khinh khí" hoặc không phiên âm thành "hyđrô", "hiđrô", "hy-đrô" hay "hi-đrô" mà viết nguyên dạng tiếng Anh để kết nối với các thuật ngữ liên quan như: hydrocarbon, hydrogen chloride, acid hydrochloric...

“Hãy tưởng tượng, nếu học sinh Việt Nam chỉ quen với tên các chất hóa học dưới dạng phiên âm thì khi thi quốc tế, các em sẽ lúng túng thế nào”, GS Thuyết phân tích.

Cách viết ‘i’ và ‘y’ trở lại 40 năm trước

Cách viết chữ "i" hay "y" sau các phụ âm h, k, l, m, s, t trong những âm tiết không có âm cuối dự kiến được giữ nguyên như quy định đã có từ năm 1980 của Bộ Giáo dục và Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam để tránh làm xáo trộn thói quen đã hình thành sau gần 40 năm áp dụng, ví dụ: viết là "bác sĩ", không viết "bác sỹ"; viết là "tỉ lệ", chứ không viết là "tỷ lệ".

Dấu thanh đặt ở âm chính

GS Thuyết thông tin, dự thảo quy định đặt dấu thanh vào âm chính. Điều này phù hợp với kết quả phân tích ngôn ngữ học là trong tiếng Việt, thanh điệu bao giờ cũng rơi vào âm chính. Trường hợp âm chính được thể hiện bằng một chữ cái, dấu thanh được đặt trên hoặc dưới chữ cái đó, ví dụ: nhà, vịt, hòa (trong tiếng "hoà", dấu thanh đặt trên âm chính là "a", "o" chỉ là âm đệm). Trường hợp âm chính được thể hiện bằng hai chữ cái, thì:

Đối với các ký hiệu "ia", "ua", "ưa", dấu thanh đặt trên hoặc dưới chữ cái thứ nhất, ví dụ: bìa, lụa, lửa…

Đối với các ký hiệu "iê", "yê", "uô", "ươ", dấu thanh đặt trên hoặc dưới chữ cái thứ hai. Ví dụ: biển, thuyền, nhuộm, được.

GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh phạm vi áp dụng quy định này là chương trình, sách giáo khoa mới. "Việc sử dụng thống nhất trong toàn ngành giáo dục sẽ tạo ra một lớp người mới quen với cách viết này, dần dần những quy định mang tính hợp lý sẽ lan tỏa ra toàn xã hội", ông Thuyết nói. 

Nguồn: VnExpress, ngày 8.3.2018.

Phần này bàn về cách dùng đỗ như "đỗ trạng nguyên", xuống thuyền/lên đất, trên và dưới vào thời LM Alexandre de Rhodes sang An Nam truyền đạo, cụ thể là qua tự điển Việt Bồ La và các tài liệu chữ Nôm hay tiếng Việt cùng thời đại.

Với cách nhìn rộng ra hơn, từ trục không gian đến thời gian, ta có cơ sở giải thích các cách dùng đặc biệt này trong tiếng Việt. Các tương quan ngữ âm ghi nhận trong bài viết không nhất thiết khẳng định nguồn gốc (Việt, Khme hay Hán cổ …) của các từ này. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là ba tác phẩm của LM de Rhodes soạn: cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn (xem link). Các chữ viết tắt khác là TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), PG (Phật Giáo), CG (Công Giáo), ĐCT (Đức Chúa Trời), ĐCGS (Đức Chúa Giê Su), KNLMPS (Kinh Những Lễ Mùa Phục Sinh), LM (Linh Mục), VN (Việt Nam), TQ (Trung Quốc), HV (Hán Việt), Bắc Kinh (BK). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm.

1. Đỗ trạng nguyên (VBL trang 225) 

1.1 Đỗ/đậu 

Ngay dưới mục đỗ trạng nguyên[1], VBL ghi đỗ cũng là đậu: điều này cho thấy hai cách đọc đỗ và đậu đã hiện diện vào thời VBL (1651). Động từ đậu HV có nghĩa là dừng lại, đùa giỡn, khiến - tiếng Việt thường dùng nét nghĩa thứ nhất. Chữ đậu 逗 (thanh mẫu trừng 澄 hay định 定, vận mẫu ngu 虞 hay hầu 侯 khứ thanh, hợp khẩu tam/nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

田候切 điền hậu thiết (TVGT, QV) - TVGT ghi 止也。从辵豆聲 chỉ dã, tùng sước đậu thanh. 

大透切,音豆 đại thấu thiết, âm đậu (TV, LT, VH, CV, TVi)

徒候切 đồ hậu thiết (TV, LT)

徒闘切 đồ đấu thiết (NT, TTTH)

音豆 âm đậu (LKTG, TNTTĐTA 精嚴新集大藏音)

持遇切 trì ngộ thiết (QV)

廚遇切, 音住 trù ngộ thiết, âm trụ (TV)

他候切, 音透 - 義同 tha hậu thiết, âm thấu - nghĩa đồng (TV/LT phiên thiết, KH)

去智切,音跂 khứ trí thiết, âm khí (TV, LT)

TNAV ghi vận bộ 尤侯 vưu hầu (khứ thanh)

CV ghi cùng vần/khứ thanh 豆 脰 逗 餖 酘 竇 窬 瀆 讀 投 (đậu *du đậu/độc *đầu)

大候切,音豆 đại hậu thiết, âm đậu (CTT) 

音住 âm trụ (CTT) ...v.v...

Giọng BK bây giờ là dòu tóu zhù qì tòu qí so với giọng Quảng Đông dau6 và các giọng Mân Nam 客家话:[海陆丰腔] teu5 teu6 [宝安腔] tiu5 | [梅县腔] teu5 [客英字典] teu5 [陆丰腔] teu5 [东莞腔] teu3 [台湾四县腔] teu5 teu5 [客语拼音字汇] teu4 潮州话:dau1, giọng Mân Nam/Đài Loan tou7, tiếng Nhật tou zu và tiếng Hàn twu.

VBL ghi "Chẳng đỗ lâu" là chẳng ở lâu ; "mà bay cho tao áo mặc cùng cho đỗ nhà" Đức Chúa Giê-Su quyển chi cửu/chi thập trang 140. Một dạng chữ Nôm dùng đỗ HV 杜 cho âm đọc đỗ hay đậu. Điều đáng chú ý là cách dùng "đỗ trạng nguyên" vào thời VBL.

1.2 Thi đậu và đỗ trạng nguyên

Động từ đậu hay đỗ (ở yên một chỗ, dừng lại - TVGT ghi là 止也 chỉ dã, NT ghi là 住也 trụ dã) để chỉ thi đậu hàm ý đã vượt qua các tiêu chuẩn thử thách của một kỳ thi và dừng lại. Ca dao VN đã ghi dấu ấn của cách dùng đỗ như "Học chẳng hay thi may thì đỗ" hay "Học trò đèn sách hôm mai, Ngày sau thi đỗ nên trai mới hào" ...v.v... Tư duy tổng hợp và cụ thể của người Việt đã phản ánh quá trình học hỏi ngày đêm để dẫn đến đích là đậu các kỳ thi hương, hội hay đình: dừng ở đó tức là đã đạt được mục tiêu rồi (đỗ đạt). Ngược lại với đậu là rớt, động từ này ghi lại hình ảnh rất thực quá trình không đạt tới đích mà mình mong ước, hay không ở (đậu) được trên cao nên phải rơi xuống phía dưới (rớt ~ hỏng). Đây cũng là dấu ấn của không gian cụ thể (trên cao/dưới thấp) trong một hoạt động mang tính chất văn hóa trừu tượng. So sánh với cách nói (thi) đậu trong tiếng Trung Hoa là cập cách 及格 (hợp thức, đạt đến tiêu chuẩn) hay thông qua 通過; hay tiếng Anh là pass an exam (thi đậu) ~ passer un examen (tiếng Pháp); các ngôn ngữ này đều dùng động từ đi qua/thông qua so với dừng lại như tiếng Việt. Cách dùng thi đỗ (đậu) tiếng Việt phần nào cho thấy cứu cánh hay mục đích cuối cùng của giới sĩ (học trò), đỗ đạt thì ra làm quan, trong tứ dân: sĩ nông công thương. Cách dùng *vượt qua kỳ thi (pass an exam) phản ánh đi qua một chặng đường hay chỉ là phương tiện trong tiến trình học hỏi. Chúng ta có thể nhìn rộng ra hơn (tư duy tổng hợp) để thấy diễn tiến từ lúc học hành ôn luyện cực khổ cho đến khi thi (giai đoạn cuối và có tính cách quyết định), như một mũi tên bắn ra sẽ không ngừng di chuyển cho khi đến khi dừng lại vì đã đụng mục tiêu (đậu/đỗ ngay tại mục tiêu). Nếu mũi tên không chạm được mục tiêu, hay đến đích không đúng góc độ thì mũi tên sẽ rớt xuống (đất). 

Ngoài cách dùng (thi) đỗ, tiếng Việt thời VBL còn khiến các giáo sĩ Tây phương ngạc nhiên không kém, như cụm từ xuống thuyền, lên đất, trên trời.

2. Xuống thuyền/lên đất, trên trời

2.1 Xuống thuyền (descendere in navigium/L), VBL ghi xuống thuyền hai lần (mục xuống và mụclên): "đức Chúa Iesu thì xuống thuyền Pedro, là đầy tớ cả mình" PGTN trang 182, "ĐCGS xuống thuyền ông thánh Phê-Rô, dạy cho ra khỏi đất và giảng cho người ta trên đất nghe" KNLMPS quyển ba trang 71. Ngoài những nhận xét về phong tục, tôn giáo vào thế kỷ XVII ở VN, LM de Rhodes còn đặc biệt chú ý đến cách dùng ‘xuống thuyền’ (VBL - trang 899) và ‘lên đất’ (VBL - trang 409) qua các cách giải thích trong VBL. Đến Việt Nam bằng tàu và di chuyển trong nội địa (qua Đàng Ngoài) cũng bằng tàu, nên LM de Rhodes không thể không quan tâm đến các cách diễn đạt liên hệ đến phương tiện di chuyển phổ thông này vào thời VBL. Trong từ điển VBL, LM de Rhodes thường phải giải thích thêm khi chính mình có những nghi vấn trong phạm trù nghĩa hay cách dùng tiếng Việt. Trong trường hợp "xuống thuyền", thì mặt nước thường thấp hơn mặt đất (tính chất của chất lỏng thường tụ lại ở nơi thấp), cho nên từ đất liền qua đến thuyền bè thì là xuống - khắc hẳn với cách nói "lên đất". Đây quả là một cách dùng hoàn toàn khác biệt[2] với các ngôn ngữ mà LM de Rhodes đã biết qua (Pháp, La Tinh, Bồ Đào Nha ...). ‘Xuống thuyền’ thật ra là vào trong thuyền hay lên trên thuyền (tiếng Anh: get on a ship, go aboard ship, embark[3] on) như lên xe, lên ngựa, lên đồi, lên lầu, lên núi ... So với tiếng Pháp embarquer sur, để ý các giới từ (preposition) on và sur là trên. Ngữ pháp này rất khác với cách dùng "thượng thuyền" (lên thuyền) 上船 hay “đăng thuyền” 登船 trong tiếng Hán. Để ý “xuống thuyền” (hạ thuyền 下船) tiếng Hán nghĩa là rời khỏi thuyền hay lên đất liền! Cách dùng “lên đất liền” hay rời thuyền (débarquer/P - debark/A) cũng giống như “đăng lục” 登陸 (đăng là lên, lục là đất cao hơn mặt nước). Nhưng tiếng Việt lại dùng xuống vì nhìn từ vị trí người nói hay từ góc nhìn xa hơn, không phải nhìn từ vị trí người đang di động để lên đến một nơi cao hơn (lên thuyền). Điều này phản ánh một tư duy tổng hợp (nhìn rộng ra thấy nhiều chi tiết hơn) so với tư duy phân tích (chi tiết) hay nhìn ngay từ vị trí của đối tượng đang đi lên thuyền, vị trí lại này cho thấy sự việc chính xác hơn (độ phân giải/resolution cao hơn vì mắt nhìn gần hơn). Tuy nhiên, tiếng Việt hiện nay lại có khuynh hướng dùng lên tàu so với xuống tàu/thuyền như thời VBL, có lẽ để phù hợp với các cách dùng khác như lên xe, lên máy bay...


VBL – trang 899

VBL – trang 409

2.2 Lên đất (ascendere/L), VBL ghi lên đất hai lần (mục xuống và mục lên), cũng như giải thích thêm là xuống khỏi tàu để đi lên đất liền - một cách dùng rất đặc biệt của tiếng Việt :"Lên đất liền thấy ĐCGS cùng thấy một con cá" ĐCGS quyển chi cửu trang 46. Lên đất bây giờ không thấy dùng nữa so với lên (trên) đất liền, lên bờ, lên (trên) cạn ...

2.3 Trên (tlên, supra/L):"Vì chưng trên trời thì có thiên đàng … thì ta mới được lên trên thiên đàng" PGTN trang 8, 9 ... Trên trời tiếng Anh là in the sky (*trong trời) cũng như tiếng Pháp là dans le ciel("trong" trời). VBL ghi trên trời là in caelo (tiếng La Tinh in là trong, caelo là trời/thiên đàng). Khi học tiếng Việt, LM de Rhodes phải dùng các từ để ghép thành câu hay nhóm từ nhưng khó mà quên đi các ngôn ngữ của chính mình (tiếng mẹ đẻ). Trong phần "Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh", LM de Rhodes ghi lại các giới từ như trên (supra/L), dưới (infra/L), trong (intra/L) ... Để diễn đạt "trên hết mọi sự" thì ghép từ khá dễ dàng: super omnia (VBL trang 809), nhưng khi diễn dịch "trên trời" hay "trên/lên thiên đàng" (một cách dùng cốt lõi  của Thiên Chúa giáo) thì sự khác biệt cách dùng trở nên rất rõ nét! VBL phải nhắc độc giả là khi dời từ vị trí thấp tới chỗ cao hơn thì thêm chữ trên. Nếu hiểu được tư duy tổng hợp (xã hội truyền thống nông nghiệp) : nhìn ‘mục tiêu mình đến và vị trí khởi hành cùng môi trường chung quanh’ từ một vị trí xa hơn thì có thể cảm thông cách dùng trên trời so với *trong trời (tư duy phân tích). Qua vài thí dụ ở trên, ta hãy tóm tắt những đặc tính của tư duy tổng hợp trong xã hội nông nghiệp truyền thống và thể hiện cụ thể trong tiếng Việt - các tính chất này không nhất thiết độc lập với nhau.

2.4 Ra (exeo/L): "ĐCT ra đời cứu thế ... ĐCGS phán rằng: tao đã ra đời đến phán xét thế này" PGTN trang 143, 199 ; "ĐCGS ra đời chuộc tội cho thiên hạ" ĐCGS quyển chi cửu/thập trang 14. VBL ghi nhận cách dùng ra đây (egredere huc/L, egredere là đi ra/xuất, huc là ở đây), so với come here! (A) và viens ici! (P) đều có nghĩa là đến/lại đây. Đến hay tới đây là kết quả từ cách nhìn của người nhận lệnh/thừa hành (moving ego). LM de Rhodes ghi ra cửa là exire è portu (ra khỏi cửa/L) so với vào cửa là ingredi in portum (đi vào trong cửa/L) ...v.v... Và nhận xét là các giới từ này dùng giống như các ngôn ngữ quen thuộc của ông (La Tinh, Pháp, Bồ Đào Nha ...). Tuy nhiên, ông phải chép lại cách dùng ra Kẻ Chợ (VBL trang 631) và ra ngoài (VBL trang 806) mang ý nghĩa đặc biệt là đi vào (khu vực) Kẻ Chợ và đi vào (khu vực) Đàng Ngoài. Ra đời là đến với đời, vào đời hay ‘chào đời’ (in mundum venere/L): hai cách dùng ra đời và vào đời thoạt xem thì trái ngược nhau nhưng lại cùng một nghĩa. Một cách giải thích là tư duy tổng hợp từ truyền thống nông nghiệp, nhìn từ xa hơn để thấy đối tượng (đời) có thể là đến/tới hay vào, hay nhìn từ vị trí người nói và môi trường chung quanh thì là ra khỏi (để vào đời). Từ một tư duy tổng hợp, vai trò của người nói/phát ngôn trong câu nói ra thể hiện rất rõ nét khi xem kỹ các cách dùng trên trời (so với *trong trời), xuống thuyền/lên thuyền, ra đời/vào đời, ra Bắc vào Nam, ra đây /vào đây, ra trận/vào trận, ra chợ/đi chợ/vào chợ, đi khám bác sĩ, chợt/bất chợt, thình lình/bất thình lình, áo lạnh/áo ấm, Lê Lợi đánh thắng quân Minh ~ Lê Lợi đánh bại quân Minh...v.v...

3. Tư duy tổng hợp truyền thống

3.1 Trọng thiên nhiên (cụ thể là không gian/môi trường chung quanh): nhà nông để ý đến các mối liên hệ thay vì từng yếu tố đơn lẻ: nắng tốt dưa, mưa tốt lúa; Quạ tắm thì ráo, sáo tắm thì mưa; Đông chết se, hè chết nước; Được mùa lúa thì úa mùa cau, được mùa cau thì đau mùa lúa; Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm; Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa ...v.v... Các câu ca dao trên phản ánh khả năng kết hợp không gian thiên nhiên (mưa, gió, động vật chung quanh) và thời gian (trồng trọt, gặt hái) để có lợi cho mùa màng và đời sống nhà nông. Không phải ngẫu nhiên mà tên 12 con giáp Tý Sửu Dần Mão Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi dùng để chỉ thời gian (mùa, năm, tháng, ngày, giờ), không gian (Tý ~ phương bắc, Ngọ ~ nam, Mão ~ đông, Dậu ~ tây ...) và 12 loài động vật rất gần gũi với đời sống nhà nông. Vết tích của góc nhìn tổng hợp đã hiện diện trong cách gọi 12 con giáp từ ngàn năm trước mà vẫn còn lưu truyền cho đến nay.

Tư duy tổng hợp cho thấy người nói/phát ngôn có khuynh hướng dự phần vào câu nói cũng như người nghe, hay là tổng hợp của các điều kiện/ thành phần trong môi trường lúc nói. Điều này giải thích được phần nào về cách xưng hô trong gia đình và ngoài xã hội của người Việt (honorifics, mà có người cho là rất phiền phức), thí dụ như Nguyễn Văn Danh là bác sĩ (nghề nghiệp) thì trong gia đình có thể gọi là Danh (tên riêng), anh, em, chú, bác, cha/ba (tía ở Nam Bộ), cậu, ông … tùy vào liên hệ của người nói với đối tượng. Ra ngoài xã hội, Nguyễn Văn Danh có thể được gọi là bác sĩ Nguyễn Văn danh, bác sĩ Danh, ông Danh, ngài ...v.v...  Từ một tư duy tổng hợp, vai trò của người nói/phát ngôn trong câu nói ra thể hiện rất rõ nét khi xem kỹ các cách dùng trên trời (so với *trong trời), xuống thuyền/lên thuyền, ra đời/vào đời, ra Bắc vào Nam, ra đây /vào đây, ra trận/vào trận, ra chợ/đi chợ/vào chợ, đi khám bác sĩ, chợt/bất chợt, thình lình/bất thình lình, áo lạnh/áo ấm, Lê Lợi đánh thắng quân Minh ~ Lê Lợi đánh bại quân Minh...v.v... Tư duy tổng hợp cho ta thấy sự khác biệt giữa cách dùng tôi/ta, chúng tôi/chúng takhi người nghe hay đối tượng có dự phần trong câu nói hay không. Đây là một tính chất đặc biệt của tư duy phân tích, phản ánh qua các ngôn ngữ Ấn Âu chú trọng nhiều về cá nhân (cái tôi) khi so sánh với các ngôn ngữ khác trên thế giới (exclusive/inclusive distinction). "Cái tôi" trong một tư duy tổng hợp đã mờ nhạt đi vì các tương quan gia đình và xã hội: phản ánh qua cách xưng hô rất linh hoạt trong tiếng Việt. Khuynh hướng khiêm nhường (hạ thấp cá nhân) này rất khác biệt với ngôn ngữ Ấn Âu, thường tôn trọng cá nhân: René Descartes đã lên tiếng "Cogito ergo sum" (je pense, donc je suis/I think therefore I exist - Tôi tư duy nên tôi hiện hữu). Khi nói chuyện với cha mẹ

"Sáng nay tôi đi chợ" là có vấn đề! So với cách nói "Sáng nay con đi chợ"

Hay khi vợ chồng nói chuyện với nhau

"Tao muốn mày ở nhà coi con" thì không biết là có chuyện gì lấn cấn ở đây không?

3.2 Trọng cộng đồng (cụ thể là tập hợp con người sống dựa vào môi trường thiên nhiên/địa phương): vì dựa vào kinh nghiệm về thời tiết (yếu tố thiên nhiên – trúng hay được mùa so với trái hay mất mùa) từ các thế hệ trước, nên xã hội nông nghiệp tôn trọng gia đình, làng xóm - "phép vua thua lệ làng". Gia đình là nền tảng cơ bản nhất trong xã hội nông nghiệp, vì nghề làm ruộng cần nhiều sức lực nên gia đình đông con trở nên thuận tiện hơn – “an cư lạc nghiệp”. Đây là một nguyên nhân dẫn đến họ (cộng đồng, huyết thống) luôn đứng trước tên riêng trong tiếng Việt như Nguyễn Văn Danh - tương phản với tư duy phân tích (Tây phương, chú trọng đến cá nhân) dẫn đến thứ tự đảo ngược trong khi viết tên một người như Robert Redford; Robert là tên riêng/given name, Redford là họ/family name - vì đặt ở cuối nên family name/surname còn gọi là last name và tên riêng còn gọi là forename (tên đứng trước tên họ) ...v.v… Một khuynh hướng đáng chú ý là vì quá gắn bó với ruộng đất (đất đai có giới hạn) và gia đình, mà càng ngày dân số (gia đình, dòng họ) càng gia tăng, nên tư duy tổng hợp của người VN thu hẹp lại và trở thành tư duy tiểu nông, địa phương (cục bộ). Trong khi đó, tư duy phân tích lại thiên về (nguyên tắc/máy móc) kỹ nghệ hóa và lại có khả năng khuếch trương nông nghiệp lớn hơn và hiệu quả hơn. Tư duy tiểu nông còn dẫn đến khuynh hướng bảo thủ hơn (không thích thay đổi) và không thích mạo hiểm, tìm tòi các vùng đất mới lạ trừ khi phải bắt buộc làm như vậy vì khả năng sinh tồn (Nam Tiến).

3.3 Trọng quá khứ (cụ thể là thờ cúng tổ tiên): vì dựa nhiều vào thiên nhiên (nông nghiệp) nên cần phải học hỏi từ các chuyện xẩy ra trong quá khứ (ký ức tập thể truyền lại) - "áo mặc không qua khỏi đầu", "tiên học lễ hậu học văn" ... Trọng quá khứ dẫn đến phong tục thờ cúng tổ tiên, tổ của một ngành nghề ... Đây là bản sắc văn hóa đặc thù của người Việt. Tuy nhiên, không phải lúc nào ông bà tổ tiên cũng truyền lại kiến thức và kinh nghiệm đủ để giải quyết một vấn đề nào. Có khi than vãn hay phải nhờ đến một thế lực tối thượng/siêu nhiên thì "lạy trời", "nhờ trời", "trời ơi" ... Ca dao VN còn ghi lại lòng tin vào trời đất như

Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày

Lấy đầy bát cơm

 

...

Quá khứ là những chuyện đã xẩy ra, là nền cho hiện tại và tương lai (kinh nghiệm nhà nông) - nên ta còn thấy cách dùng trước (trước mặt/không gian) để chỉ quá khứ (thời gian) như ngày/tháng/năm trước, người trước ...

3.4 Trọng tình so với lý "Một trăm cái lý không bằng một tí cái tình" (dù nhỏ đến đâu, "một tí" chính xác là bao nhiêu?): vì thường ở một chỗ cố định để chăm sóc ruộng vườn (khác với đời sống du mục) nên quan hệ tình cảm gia đình bè bạn trở nên gắn bó hơn. Ảnh hưởng của tình trở nên quan trọng so với lý, nhất là trong một vùng không gian giới hạn cùng lệ thuộc vào thiên nhiên:"Bầu ơi thươmg lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn", “Thương (yêu) nhau chín bỏ làm mười” - mức chính xác (chín/mười - định lương - đặc tính cốt lõi của khoa học tự nhiên của Tây phương) không còn quan trọng nữa

Thương nhau củ ấu cũng tròn, 

Ghét nhau đến quả bồ hòn cũng vuông

 

Không tình cảm gì rõ nét hơn quan hệ giữa con cái và các đấng sinh thành, không cách nào “định lượng” một cách chính xác công sức nuôi nấng và dạy bảo con cái

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
 
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

 

Tình cảm đạo đức thường tìm ẩn bên trong (phẩm), phù hợp với tư duy tổng hợp - so với những tính chất bên ngoài có thể quan sát và đo lường được như vẻ đẹp (màu da, khuông mặt, mũi dọc dừa, mắt to, chiều cao ...) phù hợp với tư duy phân tích hơn

Cái nết đánh chết cái đẹp 

Tốt gỗ hơn tốt nước sơn 

…v.v…

Tóm lại, dựa vào tư duy tổng hợp của truyền thống nông nghiệp, ta có khả năng giải thích một số cách dùng trong tiếng Việt như đỗ/đậu (thi đậu), xuống thuyền/lên đất, trên trời, ra/vào đời ...v.v... Thoạt nhìn thì có vẻ không phù hợp với lý luận theo kiểu phân tách, nhưng nếu nhìn rộng ra hơn thì ta dễ cảm thông với 'bức tranh toàn cảnh' của các cách nói trên.

4. Tài liệu tham khảo chính

 

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) - Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium Annamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM - 1999).

2) Đỗ Quang Chính (1972) “Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659” NXB Đuốc Sáng (Sài Gòn).

3) Huỳnh Tịnh Của (1895-1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II - Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d'Adran (SaiGon).

4) J. F. M. Génibrel (1898) "Dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

  

(1906) "Petit dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

5) Nguyễn Quang Hồng (2015) "Tự điển chữ Nôm dẫn giải" Tập 1 và 2 - NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).

6) Nguyễn Hồng (1959) "Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam - Quyển 1 - Các Thừa Sai Dòng Tên 1615 - 1665" NXB Hiện Tại (Sài Gòn).

7) Halario De Jesu (thế kỷ XVIII) "Sách Các Phép" bằng 3 thứ chữ Nôm, La Tinh và quốc ngữ. Sách lưu hành nội bộ (1997).

8) Nguyễn Văn Khang (Chủ biên), Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành (2002) "Từ điển Mường Việt" NXB Văn Hóa Dân Tộc (Hà Nội).

9) Phan Khôi (1954) "Việt ngữ nghiên cứu" NXB Đà Nẵng in lại (1997).

10) Vương Lộc (2002) "Từ điển từ cổ" NXB Đà Nẵng - Trung Tâm Từ Điển Học (Hà Nội).

11) Hoàng Văn Ma, Lục Văn Pảo, Hoàng Chí (1974) "Từ điển Tày-Nùng-Việt" NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội).

12) Nguyễn Thị Tú Mai (2012) "Chữ Nôm và tiếng Việt thế kỷ XVII qua Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông của Jeronimo Maiorica" Luận án TS Ngữ Văn - Đại Học Sư Phạm Hà Nội

13) Giêrônimô Maiorica (thế kỷ XVII) "Mùa Ăn Chay Cả", "Thiên Chúa Thánh Mẫu - Quyển thượng", "Thiên Chúa Thánh Mẫu - Quyển trung", "Đức Chúa Giê Su - Quyển chi cửu & Quyển chi thập", "Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh", "Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh - Quyển thứ ba". Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003).

14) Hoàng Thị Ngọ (1999) "Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh" NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội).

15) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" - Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 - Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính - NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

"Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên - Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

 

16) Nguyễn Ngọc San/Đinh Văn Thiện (2001) "Từ điển từ Việt cổ" NXB Văn Hóa Thông Tin (Hà Nội).

17) Thiên Nam Ngữ Lục (khuyết danh, chữ Nôm) xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVII, có thể đọc trên mạng (xem link) 

18) Jean Louis Taberd (1838) - tên Việt là cố Từ - "Dictionarium Annamitico-Latinum" Serampore (Bengale).

19) Nguyễn Cung Thông (2011) "A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật?" - có thể xem toàn bài trên các trang (xem link)  ...v.v...

(2016) "Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài ... thời LM Alexandre de Rhodes (phần 1)" có thể xem toàn bài trang này (xem link)
 

(2016) "Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min ... Tiếng Việt thời LM de Rhodes" - có thể xem toàn bài trang này (xem link)

(2015) "Sinh thì là chết?" - có thể tham khảo ba bài viết này (đánh số 11.1 đến 11.3) trên các trang mạng như (xem link

(2012) "Những đợt sóng giao lưu ngôn ngữ Việt-Trung qua con đường tôn giáo - vài vết tích sau thời nhà Nguyên trong từ điển Việt Bồ La (phần 1.3)" - có thể xem toàn bài trang này (xem link)

- Nguyễn Cung Thông/Phan Anh Dũng (2016) "Tản mạn về nghĩa của mực tàu (phần 1)" - có thể xem toàn bài trang này chẳng hạn (xem link) hay trang  (xem link

 Nguyễn Cung Thông[4]

-------
[1] Trạng nguyên  là hạng nhất (đầu) trong hàng văn nhân, thuộc học vị tiến sĩ. Đậu trạng nguyên là đạt được bậc cao nhất trong hàng văn nhân, trong mục ghi dạng đỗ trạng nguyên VBL ghi đậu cùng nghĩa, cho thấy hai dạng đậu và đỗ đã hiện diện vào thời này. Không thấy VBL ghi bảng nhãn và thám hoa. Các cách dùng đỗ/đậu, mũ/nón, min, qua thời VBL cho thấy ảnh hưởng phương ngữ đã có mặt trong tiếng Việt.

 

[2] Học giả Phan Khôi cách đây hơn nửa thế kỷ cũng có vài nhận xét về cách dùng đặc biệt này:"Một điều rất đáng chú ý là có khi lên và xuống dùng cho cùng một động tác, có thể coi là đồng nghĩa, là khi nói lên thuyền xuống thuyền. Lên thuyền là ở đất bước lên thuyền, xuống thuyền là ở trên bờ bước xuống thuyền, hai cách nói đều chỉ nghĩa là đi đến thuyền cả. Cũng đáng chú ý nữa là: xuống xe là ở xe xuống, xuống ngựa là ở ngựa xuống, mà xuống thuyền không thể có nghĩa ở thuyền xuống, muốn tỏ cái nghĩa này người ta không nói thế mà chỉ nói ở thuyền lên, tức là lên bờ. Điều này thật là điều quá rắc rối lôi thôi trong ngôn ngữ văn tự của ta. Ước gì cải cách nó đi, bắt nó theo một loạt như lên xe xuống xe, lên ngựa xuống ngựa: nói lên thuyền tức là ở đất bước lên thuyền, nói xuống thuyền tức là ở thuyền bước xuống đất. Nhưng, ngặt một nỗi đất là bờ, phần nhiều cao hơn thuyền, nếu nói xuống thuyền để chỉ nghĩa ở thuyền bước xuống đất thì có lắm khi trái với luận lý. Có lẽ vì e dè đến luận lý mà tiếng nói của ta từ xưa đến nay phải dung nhận cái điều quá rắc rối lôi thôi ấy chăng” (1954) “Việt ngữ nghiên cứu” NXB Đà Nẵng in lại (1997). Học giả Génibrel (1898) cũng nhận ra cách dùng tiếng Việt rất đặc biệt này "Les Annamites disent Descendre à bord de n'importe quelle embarcation" (sđd, trang 984).

 

 [3] Embark/A, embarquer/P bây giờ thường thấy dịch ra tiếng Việt là lên tàu/xe ... Cách nói như vậy phản ánh phần nào kết quả của tư duy tổng hợp truyền thống đã thay đổi khi tiếp cận văn hóa và ngôn ngữ Tây phương, cũng như cách dùng con và cái - xem thêm các mục cái, đỗ ...

 

 [4] Nhà nghiên cứu ngôn ngữ ở Melbourne (Úc) – email This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Nguồn: http://conggiao.info/tieng-viet-thoi-lm-de-rhodes---cach-dung-do-trang-nguyen-trenduoi%E2%80%A6-phan-4-d-42592

20170911 Dong kinh nghia thuc

Ảnh: Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907 chủ trương khai trí cho dân qua những lớp học chữ quốc ngữ

Gần đây nhiều người nói tới việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Nhưng tiếng Việt tự thân nó vốn rất trong sáng, chỉ vì sự sử dụng bừa bãi bậy bạ của xã hội và quan niệm lệch lạc méo mó của những người quản lý và qui hoạch chính sách mới làm nó trở nên không còn trong sáng, điều này thể hiện một phần nơi thực tiễn văn tự mà cụ thể là chữ quốc ngữ Latin. Cho nên phải xem lại cái phương tiện đóng vai trò trung tâm trong việc thể hiện sự trong sáng của tiếng Việt ấy nó đang thế nào. Chính từ chỗ này, độ lệch giữa chữ quốc ngữ và tiếng Việt là một vấn đề có thể và cần thiết được đặt ra.

20171229 bia nam phong

Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ XX, xuất hiện nhiều tổ chức và cá nhân truyền bá chữ Quốc ngữ. Trong đó, phương tiện quan trọng để phổ biến và hoàn thiện chữ Quốc ngữ, chính là sự xuất hiện và phát triển của báo chí Quốc ngữ. Tờ báo Quốc ngữ xuất bản lần đầu tiên ở Việt Nam là Gia Định báo, ra đời năm 1865, do Trương Vĩnh Ký điều hành. Trương Vĩnh Ký đã đưa ra ba mục tiêu cho tờ báo là “Truyền bá chữ Quốc ngữ trong nhân dân. Cổ động tân học trong nước. Khuyến khích nhân dân học chữ Quốc ngữ” (1). Đến cuối thế kỷ XIX, sau tờ Gia Định báo một số tớ báo chữ Quốc ngữ khác cũng được ra đời, như Phan Yên báo, (1868), Nhật Trình Nam kỳ (1883), Nam kỳ địa phận (1883).

Năm 1907, các nhà Duy tân trong Đông Kinh Nghĩa Thục sử dụng tờ Đại Nam đồng văn nhật báo, sau này đổi thành Đăng cổ tùng báo in bằng hai thứ chữ, chữ Hán do Đào Nguyên Phổ phụ trách, chữ Quốc ngữ do Nguyễn Văn Vĩnh phụ trách. Ngay trong số đầu tiên báo đăng tải bài “Người An nam nên biết chữ An nam”, của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, để tuyên truyền, cổ vũ việc học và sử dụng chữ Quốc ngữ trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.

Song, chỉ đến khi Đông Dương tạp chí (1913) và Nam Phong tạp chí (1917) ra đời, thì vai trò truyền bá, phổ biến và hoàn thiện chữ Quốc ngữ của báo chí mới thực sự nở rộ. Hai tờ tạp chí đều được xuất bản ở miền Bắc nên cách viết, cách sử dụng từ, sử dụng câu và cách phát âm có phần chuẩn hơn các tờ báo ở miền Nam. Cách viết tương đối thống nhất và hoàn chỉnh, dùng từ dễ hiểu, loại bỏ nhiều phương ngữ, góp phần không nhỏ vào quá trình hoàn thiện và phổ biến chữ Quốc ngữ trên hai tờ tạp chí này.

Đông Dương tạp chí do Nguyễn Văn Vĩnh điều hành, được sự tài trợ của chính quyền thuộc địa. Mỗi tuần ra một số, có sự tham gia công tác của những cây bút xuất sắc nhất về Tây học lúc bấy giờ, như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn và những cây bút xuất sắc về Nho học, như Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục. Trên Đông Dương tạp chí, xuất hiện nhiều bài viết luận bàn về cái hay, cái đẹp, cái lợi ích của chữ Quốc ngữ so với chữ Hán, chữ Nôm, qua đó khuyến khích, cổ vũ nhân dân theo học. Tạp chí Đông Dương đưa ra mục tiêu “Phổ biến văn hoá Tây Phương, cổ động học chữ Quốc ngữ, giới thiệu kiến thức thực nghiệm như canh nông, công nghệ…” (2). Việc Đông Dương tạp chí đăng tải các bài có nội dung phê phán những hạn chế của chữ Hán, chữ Nôm và lối học khoa cử, bàn về tính tiện ích của chữ Quốc ngữ, về cách in ấn, cách thống nhất trong khi nói và viết, hay bàn về sự cần thiết phải tiếp nhận chữ Quốc ngữ – một sản phẩm của phương Tây ảnh hưởng đến Việt Nam.

Ngoài ra, Đông Dương tạp chí đăng tải nhiều vấn đề về cách dạy chữ Quốc ngữ từ cách đánh vần, viết chính tả, cách phát âm, tư thế ngồi viết đến phân biệt cách phát âm giữa tiếng miền Nam với miền Bắc. Những bài luận bàn về chữ Quốc ngữ trên Đông Dương tạp chí, tiếp tục góp phần tích cực trong tiến trình cổ vũ, phổ biến và xác lập vị trí chủ đạo của chữ Quốc ngữ trong xã hội Việt Nam.

Người đóng góp lớn lao vào quá trình truyền bá, cổ vũ cho chữ Quốc ngữ trên Đông Dương tạp chí là Nguyễn Văn Vĩnh. Ông và những cộng sự trong tạp chí Đông Dương nhận thấy chữ Quốc ngữ là một lợi khí, một phương tiện để mở mang dân trí, nâng cao dân khí và phục hưng nền văn hoá dân tộc. Nên Nguyễn Văn Vĩnh đã tích cực viết nhiều về vấn đề này, tiêu biểu như: “Chữ Quốc ngữ”, “Cách viết chữ Quốc ngữ”, “Chữ Nho nên để hay nên bỏ”, “Tiếng An nam”….Qua đó, phân tích, lý giải để khẳng định, đối với nhân dân Việt Nam, việc cần thiết phải sử dụng chữ Quốc ngữ thay thế cho chữ Hán và chữ Nôm. Ông khuyên nhân dân bỏ chữ Hán, chữ Nôm mà học ngay lấy chữ Quốc ngữ, vì chữ Hán và chữ Nôm khó học, tốn nhiều thời gian không phải ai cũng học được, còn “Chữ Nho chỉ nên giữ lại để mà dạy ở khoa trung đẳng nam học mà thôi…Bây giờ trẻ con xin nhất quyết đừng cho học chữ Nho nữa, mà các tràng Pháp việt cũng xin bỏ lối dạy chữ nho đi” (3). Theo ông, người biết chữ Quốc ngữ  đọc được, hiểu được mà người không biết chữ nghe người biết chữ đọc cũng hiểu ngay. Ông khẳng định, việc học chữ Quốc ngữ ai có chí thì vài ngày, ngu đần một tháng cũng biết đọc, viết viết. Trong khi, việc học chữ Hán, chữ Nôm mất hàng nửa đời người, mà trăm người học không được một người hay, học được cũng chỉ ích lấy một mình. Công cuộc Truyền bá chữ Quốc ngữ, Nguyễn Văn Vĩnh nhận thấy, một mình ông thực hiện, thì không thể mang lại nhiều thành công và ông đã kêu gọi “những bậc tài hoa, những người có học thức trong nước, phải chuyên vào nghề văn quốc ngữ” và đề xuất “nào báo quốc ngữ, nào sách học quốc ngữ, nào thơ quốc ngữ, nào văn chương quốc ngữ, án kỳ, hành trình, tiểu thuyết, nghị luận, tờ bồi việc quan, đơn từ kiện tụng, nên làm bằng toàn chữ Quốc ngữ hết cả” (4). Ngoài việc kêu gọi, cổ vũ mọi người tham gia học và sử dụng chữ Quốc ngữ, Nguyễn Văn Vĩnh còn đưa vấn đề ngữ pháp ra bàn luận, nhằm cố gắng làm cho hoàn thiện chữ viết này. Ông nêu vấn đề cách đặt câu, chấm câu, cách viết, cách nói thống nhất trong cả ba miền “nay bản quán lấy việc cổ động cho chữ Quốc ngữ làm chủ nghĩa, tưởng cũng đem hết các khuyết điểm, các nơi không tiện ra mà bàn lại” (5).

Vai trò của của Nguyễn Văn Vĩnh đối với chữ Quốc ngữ và văn Quốc ngữ được nhà văn Vũ Ngọc Phan nhận xét “Nguyễn Văn Vĩnh là một người rất có công với quốc văn nhưng không phải chỉ nhờ ở những sách dịch trên này mà ông có công ấy. Ông có công lớn với quốc văn là vì ông đã đứng chủ trương một cơ quan văn học vào buổi mà đối với văn chương, mọi người còn bỡ ngỡ. Ông lại hội họp được những cây bút có tiếng, gây nên được phong trào yêu mến quốc văn trong đám thanh niên trí thức đương thời, vì ngoài một vài quyển tạp chí có giá trị, thanh niên hồi xưa không làm gì có những sách quốc văn như bây giờ để đọc. Mà Đông Dương tạp chí hồi đó như thế nào? Người Tây học có thể thấy trong đó những tinh hoa của nền cổ học Trung Hoa mà nước ta đã chịu ảnh hưởng lâu đời; người Hán học có thể thấy trong đó những tư tưởng mới của Tây phương là những tư tưởng mà người Việt Nam ta cần phải biết rõ để mà thâu thái. Những bài bình luận, những bài tham khảo về Đông phương và Tây phương đăng liên tiếp trong Đông Dương tạp chí, ngày nay giở đến người ta vẫn còn thấy là những bài có thể dựng thành những bộ sách biên tập rất vững vàng và có thể giúp ích cho nền văn học Việt Nam hiện đại và tương lai” (6).

Tiếp sau Đông Dương tạp chí, là sự ra đời của Nam Phong tạp chí, vào năm 1917, do Louis Marty, thanh tra mật thám Đông Dương sáng lập. Trong đó, Phạm Quỳnh phụ trách về phần chữ Quốc ngữ, Nguyễn Bá Trác chịu trách nhiệm về phần chữ Hán. Tạp chí nhanh chóng cuốn hút được nhiều cây bút xuất sắc lúc bấy giờ, như Nguyễn Bá Học, Lê Dư, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Hữu Tiến… Trong việc cổ vũ, truyền bá chữ Quốc ngữ trên Nam Phong, là sự kế tiếp và phát triển mạnh mẽ hơn Đông Dương tạp chí. Các tác giả trên Nam Phong tiếp tục nghiên cứu, biên soạn từ điển, dịch nhiều tác phẩm nước ngoài ra chữ Quốc ngữ, nhất là mạnh dạn đề nghị việc sử dụng chữ Quốc ngữ trong công văn giấy tờ và đưa chữ Quốc ngữ vào giảng dạy trong trường học. Nam Phong tạp chí còn có công lớn trong việc xây dựng và hệ thống hoá, chuẩn hoá kho từ vựng, bổ sung các thuật ngữ khoa học, kỹ thuật hiện đại.

Nam Phong tạp chí đăng tải nhiều nội dung bàn về các vấn đề liên quan đến chữ Quốc ngữ, tiêu biểu như “Công văn phải dùng bằng chữ Quốc ngữ”, “Quốc ngữ Cổ”, “Khảo về chữ Quốc ngữ”, “Quốc ngữ quốc văn”, “Phan Châu Trinh đối với chữ Quốc ngữ” hay “Sự tiến hoá của tiếng An nam”, “Tiếng An nam có cần phải thống nhất không”, “Văn Quốc ngữ”, “Văn chương Quốc ngữ”, “Bảo tồn Quốc ngữ”…

Người nổi bật nhất trong Nam Phong tạp chí, không ai khác, chính là chủ bút Phạm Quỳnh, ông đã góp phần vào công việc truyền bá, cổ vũ và sử dụng chữ Quốc ngữ thay thế cho chữ Hán, chữ Nôm, để xây dựng một nền quốc văn cho đất nước. Trong bài “Khảo về chữ Quốc ngữ”, đăng trên Nam Phong tạp chí, số 122, Phạm Quỳnh đã khảo sát về sự ra đời của chữ Quốc ngữ. Ông khẳng định, các nhà truyền giáo người châu Âu khi đến Việt Nam đã tìm mọi cách nhằm sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, để phục vụ cho công việc giảng kinh, truyền đạo. Ông nêu lên quá trình ảnh hưởng, phát triển của chữ Quốc ngữ đến với nhân dân, nhất là, khi thực dân Pháp sử dụng nó trong công việc hành chính. Phạm Quỳnh nhận thấy sự tiện ích và phù hợp của chữ Quốc ngữ đối với nhân dân Việt Nam, mà các nhà duy tân Đông Kinh Nghĩa Thục đã nêu ra hồi đầu thế kỷ XX. Và khẳng định, sự cần thiết phải cổ vũ, truyền bá chữ Quốc ngữ đến với nhân dân “Ngày nay chữ Quốc ngữ đã nghiễm nhiên thành thứ chữ Viết, cái văn tự chung của dân tộc Việt Nam vậy. Học vừa dễ vừa mau, dùng vừa hay vừa tiện, thật là một cái lợi khí để truyền bá sự học trong quốc dân. Nay chúng ta được dùng cái chữ thần diệu đó…” (7).

Ngoài ra, Phạm Quỳnh không khoan nhượng trước một bộ phận người Việt Nam có tư tưởng xem thường chữ Quốc ngữ, coi chữ Quốc ngữ là thứ chữ không đáng học, không thể bằng chữ Pháp “chữ Quốc ngữ được thí nghiệm trong ba trăm năm được tiện lợi như thế, vậy mà còn có người bài bác, bao phen vận động muốn sửa đổi lại. Những nhà muốn cải cách ấy chỉ có câu nệ rằng trong chữ Quốc nữ có nhiều vần không hợp với tiếng Pháp: nhưng tiếng Pháp là tiếng Pháp, Quốc ngữ là Quốc ngữ” (8). Không dừng lại việc bàn luận về tính tiện ích của chữ Quốc ngữ trong công cuộc nâng cao dân trí, chủ bút Nam Phong nêu lên mối quan hệ giữa chữ Quốc ngữ với tiếng Việt, và dùng chữ Quốc ngữ ghi âm tiếng Việt có thành văn chương như các thứ tiếng khác. Thời của Phạm Quỳnh, việc cổ vũ sử dụng chữ Quốc ngữ viết sách, báo là một khó khăn, thách thức lớn. Bởi một bộ phận người Việt Nam luôn cho có quan điểm: “Phàm văn tự, có khó khăn mới thâm thuý. Nay chữ Quốc ngữ dễ quá, đứa bé lên năm, học trò sơ học mở quyển sách ra cũng đọc lau láu được ngay, thì cái văn chương sản xuất bằng thứ chữ ấy tất là thô thiển bỉ tiện, không xứng đáng là văn chương được” (9), mà họ không biết rằng “chính chữ Quốc ngữ là cái bè để cứu vớt bọn ta trong bể trầm luân vậy” (10). Nhưng chủ bút Nam Phong với niềm tin “hậu vận nước Nam ta hay hay dở là ở chữ Quốc ngữ, ở văn Quốc ngữ” và ông tiếp tục viết báo, dịch thuật, diễn thuyết và cổ động cho chữ Quốc ngữ phát triển trong xã hội. Trước nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam nên sử dụng chữ Pháp làm quốc văn, làm văn tự chính thức cho dân tộc. Nhưng, Phạm Quỳnh phân tích, lý giải cả chữ Hán và chữ Pháp. Rồi đi đến kết luận, hai thứ chữ viết trên không thể dùng làm quốc văn, làm chữ viết chính thức cho dân tộc Việt Nam, vì “chữ Hán cũng như chữ Pháp, chỉ có một số người học làm một chuyên khoa, không thể cho quốc dân học làm quốc văn được” và ông khẳng định “chỉ duy còn có chữ Quốc ngữ. Chữ Quốc ngữ nói sao viết vậy. Mà cách viết ấy học rất mau, chỉ sáu tháng một năm là biết được cả” (11). Ông xem chữ Quốc ngữ là một thứ chữ “mầu nhiệm” cho nhân dân Việt Nam mở mang dân trí và tin rằng vận mệnh chữ Quốc ngữ sẽ gắn chặt với tiếng Việt, với người Việt và quốc văn cũng nhờ đó mà mỗi ngày một tiến lên rực rỡ. Cuối cùng, Phạm Quỳnh khẳng định, chính chữ Quốc ngữ là công cụ tuyệt diệu giải phóng trí tuệ và thâu thái các khoa học mới cho nhân dân Việt Nam.

Ngoài ra, vào những thập niên đầu thế kỷ XX, xuất hiện nhiều bài viết đăng tải trên các báo chí bàn về các vấn đề: thống nhất tiếng nói, chữ viết, cải cách văn tự để tiếng Việt và chữ Quốc ngữ trở thành phương tiện cho người Việt biểu hiện tình cảm, tư duy, tư tưởng. Cuộc tranh luận về vấn đề này diễn ra rất sôi nổi vào những năm đầu thế kỷ XX, mà tiêu biểu như; “Chữ Quốc ngữ ở Nam kỳ và thế lực của phụ nữ”, “Vấn đề viết chữ Quốc ngữ cho đúng”, “Viết chữ Quốc ngữ phải đúng”, “Phải viết chữ Quốc ngữ cho đúng, dùng danh từ cho đúng”, “Vấn đề viết chữ Quốc ngữ”, hay, “Muốn viết chữ Việt Nam cho đúng phải phát âm cho đúng”, v.v của nhiều tác giả. Trong cuộc tranh luận liên quan đến chữ Quốc ngữ, Phan Khôi đưa ra nhiều lập luận sắc sảo và chính xác. Ông nêu ra việc viết chữ Quốc ngữ sao cho thống nhất trong cả nước, khi mà việc phát âm tiếng Việt vẫn còn những dị biệt ở các địa phương. Ý kiến của ông gặp phải sự phản đối quyết liệt của một số trí thức bảo thủ, cố chấp nhưng phần lớn đều đồng tình và ủng hộ. Trong bài “Tại làm sao chúng ta không nên bỏ chữ Quốc ngữ và phải viết cho đúng”, đăng trên báo Trung lập, tác giả Phan Khôi đã thẳng thắn phên phán những quan điểm xem thường chữ Quốc ngữ, đồng thời ông phân tích sự tiện ích, phù hợp của chữ Quốc ngữ đối với nhân dân Việt Nam. Quan điểm của Phan Khôi về chữ Quốc ngữ cũng như Đông Dương tạp chí và Nam phong tạp chí. Mặc dù, họ đều đề cao và yêu mến chữ Pháp, nhằm nâng cao sự hiểu biết về văn minh Pháp và văn minh phương Tây, song giới trí thức trong Nam Phong và Đông Dương tạp chí không chủ trương dùng chữ của người Pháp làm văn tự chính thức cho dân tộc. Theo họ, tiếng Pháp không phải là lợi khí, là phương tiện hữu dụng để mở mang dân trí, nâng cao nhận thức cho nhân dân Việt Nam. Và khẳng định, chỉ duy nhất chữ Quốc ngữ mới là thứ chữ phù hợp với con người và văn hóa  Việt “chữ Quốc ngữ là một thành tựu mới so với chữ Nôm, phải nắm lấy nó, củng cố vững chắc của nó trong sự tồn tại và phái triển của dân tộc” (12).

Lê Văn Phong

Chú thích:

  1. Nguyễn Quang Ân (1998), Lịch sử văn hóa Việt Nam những gương mặt trí thức. Tập 1. Nxb Văn Hóa Thông Tin, tr.371.
  2. Nguyễn Văn Vĩnh (1913), Chủ nghĩa. Đông Dương tạp chí, tr.137.
  3. Hoàng Tiến (2003), Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ XX. Nxb Thanh Niên, tr.148.
  4. Hoàng Tiến (2003), Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ XX. Nxb Thanh Niên, tr.158.
  5. Hoàng Tiến (2003), Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ XX. Nxb Thanh Niên, tr.8.
  6. Vũ Ngọc Phan (2005), Nhà văn hiện đại. Tập 1. Nxb Văn Học, tr.52, 53.
  7. Phạm Quỳnh (1927), Khảo về chữ Quốc ngữ. Tạp chí Nam Phong, tr.335.
  8. Phạm Quỳnh (1927), Khảo về chữ Quốc ngữ. Tạp chí Nam Phong, tr.335.
  9. Phạm Quỳnh (1927), Khảo về chữ Quốc ngữ. Tạp chí Nam Phong, tr.337.
  10. Phạm Quỳnh (2005), Thượng chi văn tập. Nxb Văn Học, tr.59.
  11. Phạm Quỳnh (1927), Khảo về chữ Quốc ngữ. Tạp chí Nam Phong, tr.338.
  12. Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX, tập 1 (2001). Nxb Lao động, Hà Nội, tr.32.

Nguồn: Tạp chí Xưa và nay, ngày 03.10.2016.

20170821. Semantics

Nhà ngôn ngữ học Anna Wierzbicka đã từng khẳng định nghĩa của từ cung cấp bằng chứng rõ nét nhất về thực tế văn hóa, giống như cách nói, cách nghĩ và cách sống của dân tộc đó. Trong xu thế mở rộng giao lưu, hợp tác, khu vực hóa, quốc tế hóa và hội nhập, cùng với xu thế nghiên cứu kết hợp ngôn ngữ và văn hóa thì việc phân tích đối chiếu ngữ nghĩa của nhiều ngôn ngữ càng trở thành một nhu cầu cấp thiết. Với xu hướng nghiên cứu liên ngữ xuyên văn hóa, thông qua việc phân tích đối chiếu dung lượng nghĩa của một số nhóm từ khóa (key word), sẽ làm sáng rõ những thành tố văn hóa, những nét đặc trưng của từng quốc gia.

Theo tên gọi thì đây là chữ để ghi tiếng nước nhà, cách gọi đó là do các nhân sĩ yêu nước đề xuất vì thấy nó dễ học, có lợi cho việc canh tân nước nhà. Thực ra đây là chữ của các giáo sĩ Cơ đốc đặt ra để phiên âm tiếng Việt, để học tiếng Việt nhằm mục đích truyền đạo cho người bản xứ.

Họ từ Châu Âu tới một khu vực có nền văn hóa cao như Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam. Họ không thể đối xử như người Tây Ban Nha với người da đỏ ở Nam Mỹ. Buộc lòng họ phải thích nghi.

Tại Nhật, F.Xavier (1548) đã phiên một quyển giáo lý ra tiếng Nhật. Họ đã in nhiều sách vào cuối thế kỷ 16 như Ngữ pháp tiếng Nhật và Từ vựng Nhật – Bồ tại Nagasaki (1603). Ở Trung Hoa, giáo sĩ người Ý đã dịch Bộ Tứ thư ra chữ La tinh. Chính ông và một giáo sĩ khác đã soạn Từ điển Bồ - Hán (trong đó có chữ Bồ, chữ Hán gốc, chữ Hán phiên âm). Giáo sư người Pháp là Trigault (1626) đã cho in “Âm vận kinh vi toàn cục”, trình bày các phụ âm, nguyên âm, thanh điệu của tiếng Hán và sự kết hợp của chúng.

Như vậy là việc phiên âm tiếng bản địa bằng chữ La tinh nhằm mục đích truyền giáo là hiện tượng phổ biến, mang tính khu vực, chứ chữ quốc ngữ không phải là hiện tượng độc đáo, chỉ có ở Việt Nam như một số người đã lầm tưởng. Mặt khác, cần thấy rằng trong số các giáo sĩ Châu Âu có một số trước khi đến Việt Nam đã từng sống ở Nhật Bản. Việc phiên âm tiếng bản địa không phải là xa lạ với họ. Đương nhiên việc phiên âm này phụ thuộc vào trình độ tiếng Việt của họ. Bước đầu họ phải mò mẫm thử nghiệm. Đấy là chữ quốc ngữ ở giai đoạn manh nha.

Minh chứng cho thứ chữ phiên âm tiếng Việt ở thời kỳ này chỉ có thể tập hợp những bức thư, những bản tường trình lẻ tẻ viết tay bằng tiếng Ý, tiếng Bồ gửi cho cấp trên. Chẳng hạn João Roiz đến Cửa Hàn viết một báo cáo bằng tiếng Bồ gửi về La Mã (1621) trong đó có từ Annam (viết liền), unsai: ông sãi, ungue: ông Nghè (Nghè bộ - chức quan cai trị về địa ba tài chính), Cacham: Kẻ Chàm (Thanh Chiêm, Quảng Nam).

Văn kiện của Gaspar Luis viết từ Macao gửi về La Mã (đề ngày 17/11/1621) thuật lại các việc xảy ra ở miền Nam Việt Nam có những tên riêng như Facfo: Hải phố (Hội An), Tuson: Đà Nẵng, Cachiam: Kẻ Chàm, Noiicman: Nước Mặn (Bình Định) và danh từ chung như Ungue: ông Nghè, Ontrum: ông Trùm. Năm 1626, Gaspar Luis trong bản tường trình hàng năm, viết bằng tiếng La tinh ghi một số địa danh Dinhcham, Cacham, Nuocman, Quanghia, Quinhin, Ranran: Đà Nẵng. 

Chữ quốc ngữ hình thành như thế nào?

Gaspar d’Amaral, người Bồ được cử đi Nhật năm 1623 sau đến Việt Nam (1630) và ở lại làm trưởng phái đoàn tại Kẻ Chợ (Thăng long). Ông đã viết bản tường trình hàng năm về cho Cha Giám sát các tỉnh Nhật Bản và Trung Hoa (1632).

Ở đây, chữ viết phiên âm đã có dấu ghi thanh điệu như đàng tlão, đàng ngoày, đàng tlân: Đàng Trong, Đàng Ngoài, Đàng Trên(vùng Cao Bằng do nhà Mạc cai trị), Oũ nghè: ông Nghè, nhà phũ: nhà Phủ (mỗi xứ có nhiều nhà Phủ), nhà huyện: nhà Huyện(mỗi Phủ có một số Huyện), đức vương: Đức Vương (thời đó người dân gọi Chúa Trịnh Tráng là Đức Vương), giỗ: giỗ, ngày giỗ, chai: chay, ăn chay, ma chay, chặp: chạp, tháng chạp, Kẻ uạc: Kẻ Vạc (ở gần Kẻ Nộ trong tỉnh Thanh Hóa).

Chữ quốc ngữ hình thành như thế nào?

Đến đây kể như chữ Quốc ngữ đã được hình thành. Alexandre de Rhodes, tác giả cuốn Từ điển Việt – Bồ - La đã có mặt ở Việt Nam từ rất sớm, gần như đồng thời với Gaspar d’Amaral. Ông truyền giáo ở miền Bắc. Sau do Chúa Trịnh trục xuất, ông rời Bắc vào Nam. Truyền giáo được 5 năm (1640 – 1645). Rồi Chúa Nguyễn Phúc Loan cũng cấm đạo, ông đành trở về Châu Âu. Ngoài nhiều bài viết, ông để lại Từ điển Việt – Bồ - La, Ngữ pháp tiếng Việt và “Phép giảng tám ngày cho kẻ muấn chịu phép rửa tội mà beào đạo thánh Đức Chúa Blời”.

Về Từ điển Việt Bồ La ta sẽ xem xét vị trí của nó sau. Trong Ngữ pháp tiếng Việt có 2 chương trong 8 chương là 1 và 2 giới thiệu về lai lịch các con chữ, về các dấu trên nguyên âm và thanh điệu. Tác giả cho biết:

Về chữ viết như vậy là khá rạch ròi.

Còn trong Từ điển ta sẽ thấy diện mạo của các từ Việt vào thế kỷ 17 (không đơn thuần là cách ghi mà là cách phát âm của thời kỳ đó)

Có nhiều từ không khác ngày nay như: đi đây đi đó, dưa gang, ghen ghét, thơm tho. Có những từ khác cả về cách ghi lẫn cách phát âm: chuầng trâu bò, cớ gì cớ sao, blái giứa (trái dứa), tlả (trả), tlứng (trứng)…

Chữ Quốc ngữ thực sự trở thành một công cụ ghi chép với đầy đủ khả năng ghi phụ âm đầu, phần vần và thanh điệu mà bằng chứng là những tài liệu của Igesico Văn Tín và Bento Thiện, mặc dù thứ chữ phiên âm ấy không giống với chữ viết hiện đại.

Đến đây chữ Quốc ngữ được coi là bước vào giai đoạn hình thành. Từ điển Việt – Bồ - La là một cái mốc để gọi tên một thời điểm trong quá trình tiến hóa liên tục của thứ chữ phiên âm.

Sau thế kỷ 17 có “Sách sổ sang chép các việc” của Philiphê Bỉnh (bản viết tay năm 1822). Cuốn Từ điển Việt – La tinh của Pigneaux de Béhaine, trước tưởng rằng bị thất lạc trong một vụ hỏa hoạn ở Cà Mau, may có một bản sao được lưu trữ ở Văn khố Hội Truyền giáo ngoài.

Chữ Quốc ngữ trong từ điển này có những thay đổi cơ bản. Cuốn “Nam Việt Dương hiệp từ vựng” của JL.Taberd xuất bản tại Sérampore 1838 đã có cách ghi gần đúng với chữ Quốc ngữ ngày nay. Vậy mà tác giả đã nói rõ là ông chỉ sửa sang lại, còn bảo lưu cách viết của Pigneaux De Béhaine. Thấy có cách viết gần gũi với chúng ta ngày nay thì thật đáng mừng nhưng giải thích sao về sự đột biến này.

Từ điển Việt – Bồ - La thuộc thế kỷ 17. Từ điển Việt – La thuộc thế kỷ 19. Người viết bài này hiểu rằng giữa hai thế kỷ ấy có một khoảng trống vắng tư liệu cần phải lấp đầy và nếu làm được thì mới giải thích được cặn kẽ những biến đổi kia.

Quả thực trong kho lưu trữ của Hội Truyền giáo nước ngoài Paris còn bảo tồn được những bức thư của các giáo dân gửi bề trên hoặc ngược lại với niên đại rõ ràng từ 1702 đến 1792. Những tài liệu này đã được công bố trong cuốn sách “Chữ Quốc ngữ thế kỷ 18”(do Đoàn Thiện Thuật sưu tầm và chủ biên, Nxb Giáo dục, 2008).

Chữ quốc ngữ hình thành như thế nào?

Về phần vần, xét qua những vần mà ngày nay ghi là ung, ông, ong, ta thấy như sau:

Chữ quốc ngữ hình thành như thế nào?

Cách viết của tác giả Việt – Latinh dù sao cũng chỉ là cách viết của một người chứ không phải của tất cả mọi người. Nói như vậy để khỏi ngộ nhận là vào thời kỳ của ông, mọi người đều viết như thế. Bên cạnh ông vẫn có người viết khác, nhưng ông đã chấp nhận một cách thì ông luôn luôn nhất quán, ông làm cho hệ thống chữ viết tiết kiệm và xóa đi được dấu vết của hệ thống chữ Bồ.

Nhưng cách viết của ông còn lâu mới thắng thế được và giành được địa vị độc tôn nếu không được JL Taberd tiếp tay.

Từ điển Nam Việt Dương hiệp Từ vựng ra đời là rất quan trọng. Nó là chỗ dựa cho mọi người muốn học chữ Quốc ngữ. Nó điển chế hóa chính tả và làm cho cách viết của Pigneaux De Béhaine lưu truyền đến ngày nay.

GS Đoàn Thiện Thuật (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội)

                                                ***************************

Chữ quốc ngữ hình thành như thế nào?

Trước khi có những đề xuất cải tiến, chữ Quốc ngữ đã được công nhận là văn tự chính thức của Việt Nam vào thế kỷ 19. Nhà cầm quyền cũng có nhiều động thái để thúc đẩy sự truyền bá chữ quốc ngữ như đưa vào quy định bổ nhiệm, thăng tiến cho quan chức hay miễn thuế cho dân ở Nam Kỳ.

Chữ quốc ngữ hình thành như thế nào?

Chữ quốc ngữ hình thành như thế nào?

Thực hiện: Diễm Anh - Nguyễn Thảo - Ngân Anh

Nguồn: Vietnamnet.vn, ngày 03.12.2017.

20170818. Cac sai lam tchu Han

Đã nhiều năm nay, thuyết “chữ Hán ưu việt” rất thịnh hành ở Trung Quốc. Thuyết này trái ngược nghiêm trọng với các nguyên lý khoa học kỹ thuật, gây ra sự ngộ nhận lớn trong xã hội, và cho sự phát triển khoa học và công nghệ thông tin Trung văn. Do vậy, Trung Quốc cần phải tiến hành dọn sạch các sai lầm của thuyết “chữ Hán ưu việt”.

Tình hình nghiên cứu tiếng Việt, cụ thể là làm từ điển Việt ngữ trước Pháp thuộc, tức là trước nửa sau thế kỷ 19, như thế nào khi chữ nôm còn là chữ viết chính thức của tiếng Việt ? Câu hỏi này đáng được quan tâm và giải đáp.

Bắt đầu từ thế kỷ 15 với Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, kế đến thế kỷ 16 với Bạch Vân Am thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tiếng Việt đã chứng tỏ có nhiều khả năng diễn tả không những tình cảm mà còn tư tưởng nữa. Nhưng tiếng Việt được ghi dưới dạng chữ nôm chưa từng bao giờ là một đối tượng được nghiên cứu và tích trữ những tư liệu về chính nó.

Thông tin truy cập

60793850
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13351
24669
60793850

Thành viên trực tuyến

Đang có 243 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website