Các từ điển – tự điển chữ quốc ngữ từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX thể hiện hai dòng chính tả -ngoại nhập và Việt hóa.


Thời gian qua, vấn đề dạy chữ Hán (tức mảng từ Việt Hán) trong nhà trường được báo chí đề cập nhiều lần và dư luận quan tâm. Có điều dạy chữ Hán trong trường phổ thông hay đại học thì từ việc đào tạo giáo viên tới xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình v.v sẽ rất tốn tiền, mất nhiều thời gian, mà cung cách nhồi nhét phổ biến trong nhà trường hiện nay chỉ làm công việc ấy trở thành một chuỗi các hành vi bị động, thiếu hứng thú và ít sáng tạo ở phần đông chủ thể tiếp nhận, trong khi đó phải là một quá trình tự nhiên và tự nguyện được nhất hóa vào hoạt động sống của từng cá nhân. Cho nên phải nhìn nhận từ một góc độ khác, hành động theo một cách thức khác.

20170724. Northrop Frye statue

Ảnh: Tượng của Northrop Frye ở thư viện Moncton Public Library (MPL) in Moncton, New Brunswick, Canada

 

1. Northrop Frye với con đường lý thuyết ngôn ngữ và văn học

Thế kỷ XX chứng kiến ngã rẽ vào ngôn ngữ của triết học và văn học. Wittgenstein nhìn thế giới dưới các quy tắc và đặc điểm ngôn ngữ, M.Heidegger xem ngôn ngữ là ngôi nhà của chủ thể, F.D.Saussure quan tâm nghĩa tạo ra giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt, M.Foucault lại tập trung vào dòng chảy ngầm vận động sau ngôn ngữ, Barthes tuyên bố cái chết tác giả, Derrida nhấn mạnh kết cấu vẫy gọi của văn bản. Từ trò chơi ngôn ngữ, qua tường giải học, cấu trúc rồi hậu cấu trúc, giải cấu trúc… con đường định tính ngôn ngữ, văn bản, văn học như trận chiến không hồi kết của các chuyên gia. Công chúng dường như phải chờ đến Northrop Frye mới dự phần vào. N. Frye (1912-1991) có lẽ là nhà phê bình, lý thuyết văn học Canada có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ XX. Điểm qua hành trình nghiên cứu của Frye, có thể nhận thấy nổi lên hai trọng tâm: Lãng mạn và Cổ mẫu – hai cực hút xung quanh nó những đề tài thứ cấp như Tưởng tượng, Eliot, Shakespeare và Kinh Thánh, Thiên đường đã mất, Huyền thoại, Ngôn ngữ…

Từ công trình nghiên cứu về thơ Blake, người ta đã thấy N.Frye định hình một lý thuyết về kỹ thuật và nguyên lý phê bình như chiếc cầu nối hai bờ nghệ thuật và khoa học thông qua giáo dục trí tưởng tượng.  Ông đề cập một khung quan niệm toàn vẹn, không bó hẹp trong phạm vi nhà văn hay nghệ thuật đơn lẻ mà mở đến nhân chủng, lịch sử… nhằm hé lộ khuynh hướng chung từ cổ đại đến các hình thức cổ điển chuẩn mực. Nhờ đó, người ta có thể thấy một trật tự tự nhiên đằng sau các khoa học, văn học không chỉ là một “đống chữ” mà là một hệ thống trật tự của từ, ngữ. Ngôn ngữ, từ đó, cũng mang tầm vóc rộng hơn. Đó là cấu trúc mà người đọc và văn học dựa vào tưởng tượng, căn cứ văn cảnh mà hoàn thành, là những cổ mẫu bao gồm ẩn dụ và huyền thoại quy ước. Nhà phê bình phải tìm ra cái khung toàn thể trong lòng văn chương, không khen chê mà phải làm rõ khung của nó nói gì và trật tự ngôn ngữ của nó như thế nào. Phê bình văn học nhưng quan tâm đến giáo dục sinh viên, công chúng và người đọc, phương pháp của Frye vừa hướng tâm vừa ly tâm: thơ ca là hướng tâm, tiểu thuyết là ly tâm, phê bình bao hàm tất cả, đúng với chức năng kép: thẩm mỹ - xã hội của văn học.

Nằm ở trung tâm lý thuyết của Frye dường như là giấc mơ đẹp mà nhà Lãng mạn xây dựng trong tiểu thuyết, trong thơ tình nay được vận dụng thành nguyên lý phê bình văn học: Thuyết Tưởng tượng. Frye đề cao tưởng tượng và cảm nhận cá nhân. Ông quy các phạm trù như nghi lễ, huyền thoại và cổ tích vào dạng thức tiền văn học, có khả năng kích thích trí tưởng tượng. Văn học là phần trung tâm và mở rộng nhất của huyền thoại, nó vận hành trong một thế giới những quy tắc, bởi những trạng thái, biểu tượng, huyền thoại và loại thể đặc thù. Huyền thoại cấp cho văn học cái khung phổ quát vì văn học là dạng thay thế huyền thoại: Câu chuyện là trung tâm, của cả văn học và xã hội; trong khi đó nền tảng xã hội chính là huyền thoại và tự sự.

Chọn Frye và The Educated Imagination để khảo sát, chúng tôi lưu ý tính chất giáo dục xã hội đậm nét trong sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy của ông. Frye ý thức rõ mình viết tác phẩm này dành cho sinh viên và công chúng chứ không phải cho các chuyên gia. Ông khẳng định mình đang nói với tư cách là một nhà phê bình văn học về vấn đề giảng dạy văn học (105), rồi đề xuất vị trí thực sự của văn học trong quá trình giáo dục (124), thậm chí ông còn quan tâm đến việc nên đọc cái gì và quy đó là một vấn đề giáo dục (64). Đóng góp quan trọng nhất của Frye cho giáo dục chắc hẳn là lộ trình dạy và học cái gì, lúc nào từ tiểu học đến đại học. Những đề xuất này chắc hẳn gợi mở nhiều điều trong quá trình đổi mới căn bản giáo dục mà ngành đang tiến hành.

2. Northrop Frye và Educated Imagination

Educated Imagination ra đời sau hai công trình là Fearful Symmetry (1947) và Anatomy of Criticism (1957), khi hệ thống lý thuyết văn học gắn với hoàn cảnh lịch sử và văn cảnh xã hội, những trọng tâm: thể loại, huyền thoại, cổ mẫu… cơ bản đã thành hình. Năm 1962, N.Frye được mời tham gia chương trình CBC Massey Lectures(1) và liên tục trong 06 tuần, ông trình bày những vấn đề như Sức mạnh của ẩn dụ, Dàn đồng ca (mã văn hóa của văn học), Những gã khổng lồ thời đại (nhìn văn học từ các văn hào như Shakespeare, Worthword, Ionesco…), Chìa khóa vào cõi mơ (tính mơ tưởng của văn học), Những cột trụ của Adam (cổ mẫu văn học) và Thiên hướng tu từ (các khuynh hướng ảo tưởng xã hội). Những nội dung này vận động trong một hệ thống kép kín từ cơ sở nội tại, đẩy về quá khứ, đến hiện đại, tập trung tâm điểm và phóng chiếu ra toàn xã hội; cả hai trục đồng đại và lịch đại của lý thuyết, vì thế, được đảm bảo. Do là chương trình phát thanh nên tác giả luôn có phần tóm tắt vào cuối mỗi chương và nhắc lại vào đầu chương mới nội dung phần trước bằng một văn phong trong sáng và gần gũi. Frye ví dụ một vụ đắm tàu lạc trên hoang đảo và phân tích những giai đoạn nhận thức con người ứng với loại ngôn ngữ và thể loại văn học nhất định để truy tìm những nguyên mẫu, những hệ hình huyền thoại có tính chu kỳ trong tự nhiên và xã hội. Bản thân ông cũng đặt các tiêu đề nhỏ như sự tái lặp các mẫu hình sáng tác khác.

2.1. Câu hỏi bản mệnh: văn học là gì?

Là một nhà lý thuyết, Frye không quên xác định bản chất văn học: …Văn học không phải một thế giới mơ tưởng, bởi nó có đến hai giấc mơ, một là giấc mơ mong mọi điều tốt viên thành, hai là thế giới mơ của nỗi lo âu khắc khoải, văn học tập trung vào cả hai mặt này, như hai tròng kính và trở nên một cảnh tượng ý thức đầy đủ (99). Theo đó, những mẫu gốc được khảo sát kéo dài từ thời nghệ thuật tự do đến văn chương nhân văn Phục Hưng nhằm xây dựng một thế giới khác lạ bởi đơn giản văn chương thuộc vào thế giới nhân tạo, không phải thế giới người ta trông thấy. Đây chính là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan mà lý luận văn nghệ Marxist nói đến nhưng khác biệt là Frye nhấn mạnh khả năng tưởng tượng làm nên sức mạnh văn học.

Trí tưởng tượng không phải trò trẻ con mà là nguồn sức mạnh cấu trúc ngôn ngữ, văn học và cả xã hội. Giới hạn của tưởng tượng là do thế giới con người tức hệ thống quan niệm. Văn học cũng chỉ có thể phát sinh từ bản thân nó những hình thức từng tồn tai, giới hạn của tưởng tượng nếu có là chính văn học. Sự mở rộng được thực hiện bằng hệ thống trích dẫn, đọc và lý giải các tác phẩm văn học. Vai trò của tưởng tượng trong đời sống hằng ngày là sản sinh ra xã hội ta sống, tạo nên một hình tượng xã hội mà ta muốn bằng sự hòa hợp giữa cảm xúc và trí tuệ. Chính hai thành tố này giúp người ta có ý tưởng (trên cơ sở liên kết những mẫu gốc có sẵn), hiểu và sáng tạo để không rơi vào đám đông hỗn tạp hay ảo ảnh xã hội – kiểu những quảng cáo mà ta (bị) tiếp nhận hằng ngày, nhờ đó có một diễn ngôn độc lập chống lại mọi ước định ràng buộc. Tưởng tượng không phải trên mây mà là "cung cấp một thế giới tốt đẹp hơn hoặc xấu xa hơn cái mà ta thường sống, và yêu cầu ta tiếp tục quan sát kiên nhẫn cả hai” (104), có nghĩa là phải nhìn trong tổng thể. Tính tổng thể của văn học được quy định do đặc trưng tiếp nối, tái sinh liên tục các mẫu gốc. Frye cho rằng nếu ta không biết Kinh Thánh và các câu chuyện thần thoại Hy Lạp La Mã thì ta cứ đọc nhưng khả năng tưởng tượng sẽ không tiến triển. Huyền thoại là nguyên ủy của văn chương khi nó kể lại câu chuyện thần linh, anh hùng phiêu lưu, thắng lợi, thất bại chết rồi tái sinh như khi người ta nghĩ về chu kỳ mặt trăng, mặt trời.

Như vậy, tưởng tượng không chỉ tốt cho văn học mà còn cho cả khoa học. Không tưởng tượng được thì không thể làm khoa học nhưng tưởng tượng khoa học phải đến đích thực nghiệm nếu không thì bị loại bỏ, tưởng tượng của văn học lại khác. Ta không quy chiếu tưởng tượng văn học với đời sống mà là giữa chúng với nhau. Thật ra Frye quy giản văn học vào mối quan hệ bản thân chúng và bỏ quên mất nhiều chức năng khác của văn học như nhận thức, giáo dục… là có phần cực đoan nhưng lại phục vụ hữu hiệu cho ý đồ nhấn mạnh mẫu thức chung mà ông hướng văn học đến. Không chỉ thế, xác định giá trị văn học có quy vào văn hóa hay thực dụng đều phải xuất phát từ tổng thể mà chúng ta đọc, lâu đài ngôn ngữ xây dựng theo kiểu Frye là đọc kiểu chuyên gia, trong khi chức năng trải nghiệm, thỏa mãn cảm xúc cũng quan trọng không kém đối với công chúng, mà công chúng thì khó có thể đọc tác phẩm trong tổng thể như nhà phê bình. 

2.2. Ngôn ngữ cấu trúc xã hội như thế nào?

Frye xác định có ba dạng ngôn ngữ. Ngôn ngữ khoa học cung cấp thông tin, kiến thức nên tác động trực tiếp đến đời sống với tiêu chí là đúng (Chân). Loại ngôn ngữ này nặng tính miêu tả và cá nhân, nó mang những đặc điểm khu biệt, cho phép hình thành cái riêng đến tận cùng, nó tạo tính phong phú bởi đây là “ngôn ngữ của danh từ và tính từ” (11). Thứ hai là dạng ngôn ngữ hành động, hướng đến cái thiện, lành tốt, thúc người ta hành động theo định hướng xã hội. Đây là dạng ngôn ngữ tỉ lệ thuận, là các quy chuẩn, khế ước xã hội. Nó là nơi khoa học kết thúc và khởi đầu của nghệ thuật. Dạng ngôn ngữ mang ý nghĩa thực dụng của động từ, ví dụ như ngôn ngữ quảng cáo. Dùng một mã ngôn ngữ cùng loại với thần thoại, tức hiểu theo một nghĩa khác, quảng cáo là hành động nhấn mạnh, khuếch đại giá trị và thúc giục người nghe thực hiện hành động mua nằm ở trung tâm. Đây là dạng ngôn ngữ kết nối xã hội, tạo ra các mối quan hệ liên nhân. Dạng thứ ba là ngôn ngữ văn chương. Chúng tác động đời sống một cách rất riêng theo sở thích và nhu cầu con người, hướng đến cái đẹp. Buổi sơ khai nhân loại, khả năng tưởng tượng phát huy, nếu khả dĩ nó trở thành hành động, đi vào đời sống theo kiểu ước mơ thành hiện thực: máy bay, điện thoại; nếu không nó sẽ để lại dấu vết trong văn chương. Ngôn ngữ đậm tính tưởng tượng. Hiểu được điều này giúp chủ thể nói đúng lúc, đúng chỗ, hiểu đúng ý nghĩa kép đạo đức - thẩm mỹ.  Ngôn ngữ được tri nhận như thế sẽ mang tính mềm dẻo, dung hòa và phân hóa những cực điểm. Chính xác nó là dạng ngôn ngữ điều chỉnh các cực đoan: quá tin lời quảng cáo, khăng khăng phiến diện…

Ba dạng ngôn ngữ trên xuất phát từ ba cấp độ nhận thức của con người. Thứ nhất là tự thể hiện, tương ứng dạng ngôn ngữ ý thức – phân biệt bản thân và sự vật hiện tượng xung quanh. Đây là cơ sở cho dạng ý thức tự mình, tự do; tồn tại trong ngôn ngữ đối thoại thông thường của tư duy con người. Đôi khi nó là ngôn ngữ của cái tôi cá nhân thầm kín và sâu sắc, bản năng nhất, là huyền thoại cá nhân. Thứ hai, ngôn ngữ hành động song hành cùng cấp độ gia nhập xã hội của nhận thức. Trong thế giới thực tế, hành động có giá trị hơn ngôn ngữ, đây là hành động biến đổi tự nhiên theo sở thích của con người vì sẽ luôn có một khoảng cách giữa những gì xã hội đề xuất và những gì cá nhân ước mơ. Xã hội tạo những huyền thoại để cá nhân chấp nhận dù không tin nhằm giữ tính ổn định cho chính nó. Cá nhân phải có trí tưởng tượng tạo ra một thế giới thực độc lập xã hội, thế giới của nghệ thuật, văn chương để hiểu và chấp nhận nó. Cấp độ thứ ba, hiển nhiên là tưởng tượng. Đây là dạng ngôn ngữ/ý thức định hướng giá trị xã hội để tư duy tự thể hiện có thể gia nhập xã hội tốt. Bắt nguồn từ hình mẫu tự nhiên, con người bắt đầu ý thức và muốn làm hài hòa cuộc sống bằng cách tái lập các chu kỳ tự nhiên, sinh học thành thẩm mỹ. Mối quan hệ của dạng ngôn ngữ này với đời sống là phức tạp bởi đặt trên cơ sở sự kết hợp giữa ngôn ngữ thể hiện và ngôn ngữ hành động, giữa ý thức và kỹ năng thực hành.

Có thể thấy cấu trúc này như mô hình tâm lý Freud đề xuất: cái Tôi trung hòa, nối liền, chuyển hóa Tự ngã và siêu tôi của con người và xã hội, tự tập trung vào bản thân nó theo những quy tắc nhất định để thực hiện chức năng điều chỉnh thẩm mỹ của văn học. Hiểu như vậy thì ngôn ngữ mà Frye đề xuất rất gần với hệ thống diễn ngôn khi nó giữ lại cấp độ hệ thống tín hiệu và ứng dụng vào hoàn cảnh, văn bản cụ thể. Nhìn cụ thể mối quan hệ văn học và ngôn ngữ, có thể thấy điểm tương đồng ở hành trình tìm lại bản ngã nhất thể giữa con người và tự nhiên khi tái lặp những mẫu hình quen thuộc, từ đây cái khung chung cho chủ đề văn chương và ngôn ngữ hé lộ: tái lặp những phương tiện có sẵn thành những mô hình tương tự theo kiểu thế giới được cấu trúc như một ngôn ngữ. Trong đó, tưởng tượng là thành tố quan trọng của hành động nói. Tưởng tượng cấu trúc hội thoại, lời nói chia thành “thứ ta có thể nói và thứ ta không thể nói”, trí tưởng tượng phân biệt điều này để ta nói đúng lúc đúng chỗ.

3. Mối quan hệ ngôn ngữ và văn học - Ứng dụng vào giáo dục

Cả đời hoạt động giáo dục, N.Frye ý thức rõ vai trò của giáo dục đến sự phát triển của cá nhân và xã hội: Giáo dục là thứ ảnh hưởng toàn thể cá nhân, không phải từng phần hay cục bộ. Giáo dục không chỉ đơn thuần định hình suy nghĩ mà thúc đẩy sự phát triển của xã hội và đạo đức (151).

Frye cho rằng dạy văn học nên đi từ trung tâm hướng ra bên ngoài tức bắt đầu với nghệ thuật sử dụng từ ngữ hay chiến lược giao tiếp hiệu quả của thơ, đến các văn bản tự sự sau đó đến ngôn ngữ ứng dụng vào thương mại hay đời thường. Bởi thơ là phương tiện đơn giản và chính xác nhất thể hiện bằng ngôn ngữ, các cộng đồng sơ khai nhất đã có thơ trong khi có nhiều cộng đồng vẫn không có văn xuôi; văn xuôi ít tự nhiên hơn thơ. Nhưng đây là bậc đại học. Còn tiểu học thì trước hết nên dạy hài kịch và truyện lãng mạn bởi chúng mang tính giải trí. Từ cấp hai trở lên thì nên dạy bi kịch và thể loại châm biếm để bước đầu học sinh phân tích, vận dụng ngôn ngữ. Với bậc đại học thì thơ là quan trọng trước nhất. Dạy thơ cho sinh viên trước hết là làm cho họ cảm nhận chuyển động vật lý bởi lẽ thơ không in thành dòng như văn xuôi mà có cấu trúc đặc biệt, gần với khiêu vũ và âm nhạc. Tính nhịp nhàng này về sau còn truyền cả sang văn xuôi dù bị thoái hóa dần. Nhà giáo dục cần quan tâm cách chọn từ và hình ảnh thơ. Các biện pháp tu từ, dùng hình ảnh tối thiểu để nói lượng nghĩa tối đa, hiểu như vậy thì thơ chính là một kiểu thần thoại và vì vậy cần đọc cho ra câu chuyện của nó. Tóm lại, văn học là những kiểu mẫu mà sinh viên đã biết qua. Ở đây không nên đánh giá hơn kém giữa các tác phẩm, dạng thức kể chuyện bởi mỗi thứ đều có câu chuyện và cần được đọc theo cách nó là một câu chuyện. Đây chính là nghệ thuật lắng nghe câu chuyện, là khâu cơ bản trong rèn luyện trí tưởng tượng ở bậc đại học. Khâu cuối cùng của quá trình này là dạy cho sinh viên viết thứ mình nghĩ, dù ít hay nhiều, điều đó giúp anh ta đọc tốt và dần hoàn thiện khả năng ngôn ngữ - văn chương.

Quan trọng nhất ở giáo dục đại học là trí tưởng tượng: Rõ ràng kết quả quá trình giảng dạy văn học không đơn giản là sự ngưỡng mộ văn chương, nó phải là thứ gì giống với việc chuyển giao năng lượng tưởng tượng từ văn học đến sinh viên (127).  Nhờ đó, sinh viên mới có thể hiểu và thưởng thức nghệ thuật, sống và thích ứng đúng đắn với xã hội. Con đường đi từ hiểu đến sống này nhắc nhở nhà giáo dục về mục tiêu học tập của UNESCO: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình. Để giáo dục trí tưởng tượng, Frye đề xuất phương pháp đọc tác phẩm văn học, sử dụng văn học để am hiểu và cấu trúc cá nhân, thích nghi xã hội. Đây chính là khả năng Đánh giá (thẩm định, phê bình, so sánh) mà Bloom trong Taxonomy of educational objectives: The classification of educational goals đã xây dựng từ 1956 bao gồm Biết – Hiểu – Vận dụng – Phân tích – Tổng hợp – Đánh giá. Giáo dục trí tưởng tượng, như Frye nhấn mạnh, bao hàm mối quan hệ hài hòa giữ cảm xúc và trí tuệ. Trong đó có niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc, đau khổ; có những bài học nhận thức, trí tuệ, triết học; kỳ diệu là văn học có thể cung cấp tất cả những điều đó. Hai yếu tố cảm xúc và trí tuệ kết hợp với nhau theo mỗi kiểu đều có tác dụng. Hướng đồng đại: một con người hoàn thiện phát triển đầy đủ mọi mặt; hướng lịch đại: cảm xúc cho ta biết thích gì, không thích gì và trí tuệ cho ta khả năng để thay đổi điều không thích; cá nhân, như vậy, chính là động lực cho xã hội phát triển. Ngược lại, xã hội muốn phát triển phải đầu tư giáo dục trí tưởng tượng, những hoạch định vĩ mô lâu dài đều có thể tìm thấy bước đầu tiên trong việc tiếp xúc và thưởng thức văn chương, nghệ thuật. Kết quả là khả năng tưởng tượng hình thành nơi người học sự kết hợp trọn vẹn giữa ý thức (logic, tri thức) với kỹ năng thực hành.

Nhận thức mối quan hệ ngôn ngữ và văn học trên diện tâm lý, nhà giáo dục cũng lưu ý đến quá trình chuyển hóa giữa ý thức và vô thức để tìm ra cấu trúc ngầm, mô hình trung tâm nằm đằng sau những dạng thức ngôn ngữ và cổ mẫu văn học. Sự chuyển hóa này đi từ vô thức ngôn ngữ đến ý thức văn học khi ta phát hiện ra các mẫu gốc Kinh Thánh bởi thần thoại tiếp cận và chuyển hóa. Thần thoại thành cấu trúc chính của truyện kể, cấu trúc thần thoại là hành trình đi tìm lại của con người mất bản ngã mà tiêu biểu nhất là Kinh Thánh – dạng thức văn học cơ bản nhất. Thật ra xác định như vậy chỉ tương hợp phương Tây, trong khi ở phương Đông thì các câu chuyện cổ dân gian chiếm vai trò này, nếu cần một cấu trúc thì người Ấn có Kinh Phật, người Ả Rập có Qu’ran… và bản thân Kinh Thánh cũng là sự tập hợp của nhiều nguồn khác nhau. Vấn đề là Kinh Thánh không chỉ ảnh hưởng rộng, thành nếp nghĩ, có ý nghĩa giáo dục và tôn giáo mà còn có một cấu trúc tổng thể hoàn chỉnh từ khởi nguyên đến khải huyền chuyển tải toàn bộ lịch sử con người dưới những cái tên biểu tượng Adam, Israel… Ngược lại, việc giảng dạy Kinh Thánh phải do những người thông thạo cấu trúc văn học đảm nhiệm chứ không chỉ minh họa ý tưởng như hiện nay (trong Nhà thờ).

Tóm lại, những quan niệm khá mới mẻ về văn học và ngôn ngữ của Frye, tuy còn phải tranh luận nhiều, đã định hình một khung lý thuyết hữu hiệu trong hệ thống hóa thể loại văn học. Trên cơ sở đó, quá trình giá dục có thể được hoạch định từ tiểu học đến đại học với chương trình, tác phẩm giảng dạy và định hướng giáo dục trí tưởng tượng nhằm phát triển cá nhân hoàn bị.

Chú thích

(1) Chương trinh phát thanh hằng năm của Canada, được phát sóng từ năm 1961 để vinh danh Toàn quyền Canada Vincent Massey, bao gồm những bài nói chuyện chính trị, văn hóa triết học do các học giả danh tiếng trình bày. Bài thuyết trình đầu tiên là Nước giàu và Nước nghèo của Barbara Ward.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Frye, N. (1964), The educated imagination, Bloomington, IN: Indiana University Press, 156 pages.

-------------

ThS. Nguyễn Thành Trung, Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận Văn học, Niên giám 2016.

Nguyễn Cung Thông[1]

Phan Anh Dũng[2]

Tiếp theo bài 1 "Tản mạn về nghĩa của mực tàu", phần này (bài 2) bàn sâu hơn về phạm trù nghĩa của mực và tàu qua các văn bản Hán Nôm với lăng kính văn hóa và ngôn ngữ mở rộng. Dựa vào các dữ kiện từ văn bản Hán Nôm, phạm trù nghĩa của mực (tiếng Việt) và tàu (tiếng Việt) đã từng có nhiều nét nghĩa mà hầu như ngày nay ít ai biết đến, hay chỉ còn vết tích trong một số từ kép. Một khuyết điểm của chữ La Tinh (chữ quốc ngữ) cũng có thể dễ dàng nhận ra khi mực chỉ mực viết, ghi bằng chữ Hán  墨 mặc bộ thổ, so với mực là dây ghi bằng chữ Hán 纆 mặc bộ mịch. Chữ mặc bộ thổ có tần số dùng là 25920 trên 434717750 so với chữ mặc bộ mịch (dây) có tần số dùng là 39 trên 237243358 (chữ hiếm). Cách ghi âm tiếng TQ hiện đại trong các bài này dựa vào hệ thống pinyin (Bính Âm) phổ thông hiện nay. Các tài liệu viết tắt là TVGT Thuyết Văn Giải Tự (khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), Tập Vận (TV/1037/1067), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), Tự Vị Bổ (TViB/1666), KH (Khang Hi/1716), HNĐTĐ (Hán Ngữ Đại Tự Điển/1986), Thiết Vận (ThV/601), Vận Kinh (VK/1161), VBL (Dictionarium Annamiticum-Lusitanum-Latinum, Alexandre de Rhodes, 1651), PGTN (Phép Giảng Tám Ngày), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển/1931/1954), HV (Hán Việt), Trung Quốc (TQ), BK (Bắc Kinh), tiếng Pháp (P.), tiếng Anh (A.). Phần này có trọng tâm là nêu ra các liên hệ ngữ âm nhưng không nhất thiết xác định nguồn gốc (Việt cổ hay Hán cổ …) của các trường hợp này.

 

 20170714 Manuel de Franco Tonkinois  20170714 Elements de Grammaire Annamite

“Manuel de conversation Franco – Tonkinois.

Sách dẫn đàng nói truyện bằng tiếng Phalangsa và tiếng Annam” (Cuốn 1).

“ Éléments de Grammaire Annamite” - Những yếu tố văn phạm tiếng Annam.(Cuốn 2).

 

1. Mở đầu

Để học được một thứ tiếng, người học cần hội đủ nhiều yếu tố, giáo viên, tài liệu học tập, môi trường học, các điều kiện về thời gian, mục đích học,… Trong các yếu tố đó, tài liệu học tập, tức là sách để học thường được coi là điểm khởi đầu cho quá trình học. Rất nhiều nhà nghiên cứu về phương pháp dạy tiếng, nhiều nhà ngôn ngữ học đã nhấn mạnh yếu tố này như: Palmer. H. (1964) [8]; Hornby, A.S. (1973) [3]; Fries, C.C. (1954) [1]; Lado, R. (1964)[6]…Tiếng Việt hiện nay là một ngôn ngữ có số người học đang ngày càng tăng lên do nhu cầu giao lưu, nghiên cứu quốc tế ngày càng được mở rộng. Các sách tiếng Việt cho người nước ngoài đã ngày càng được thay đổi về số lượng cũng như về chất lượng cùng với sự phát triển của các phương pháp dạy tiếng cũng như sự cải tiến của phương pháp biên soạn sách. Chúng tôi có ý định thực hiện một công trình khảo cứu về diễn trình của các sách dạy tiếng Việt cho người nước ngoài từ xưa đến nay, ít nhất là từ giữa thế kỉ XX trở lại đây. Thật may mắn là chúng tôi hiện đang có được 2 cuốn sách có thể gọi là cổ, xuất bản vào cuối thế kỉ XIX, được dùng để dạy tiếng Việt cho người dùng tiếng Pháp. Chúng tôi hi vọng rằng, qua việc khảo sát sơ bộ 2 cuốn sách này, chúng ta sẽ có được một vài hình dung về quan niệm giảng dạy, phần nào về cách lí giải tiếng Việt của giai đoạn cuối thế kỉ XIX, có thể thấy được một số yếu tố từ vựng, ngữ pháp hiện không còn được sử dụng nữa, cũng có thể thấy được đôi nét của đời sống xã hội thời đó qua nội dung những câu ví dụ, qua những đoạn thoại chi tiết và khá sinh động. Hai cuốn sách được khảo sát, đó là: Cuốn (1) “Manuel de conversation Franco – Tonkinois” (Sách dẫn đàng nói truyện bằng tiếng Phalangsa và tiếng Annam)vàcuốn hai (2): “ Éléments de Grammaire Annamite” (Những yếu tố văn phạm tiếng Annam). 

2. Khảo sát

2.1. Cuốn một (1): Manuel de conversation Franco – Tonkinois    

Tác giả  của cuốn sách này là 2 nhà truyền giáo của tòa thánh:  Bon (Cố Bần) và Dronet (Cố Ân). Đây là cuốn sách giáo khoa dạy Hội thoại tiếng Việt cho người nước ngoài, (cụ thể đây là người nói tiếng Pháp) cổ nhất mà chúng tôi có được. Sách được xuất bản ở Bắc kì vào năm 1889, cách nay 124 năm, khổ 12x18, 466 trang, cỡ chữ khoảng 11.  Sách gồm phần mở đầu và 3 phần nội dung:

(i) PHẦN MỞ ĐẦU gồm 15 trang với Lời nói đầu (Avant-propos), bảng chữ cái (Alphabet), phần ngữ âm (Prononciation). Trong phần ngữ âm, sách giới thiệu về phụ âm (consonnes), nguyên âm (voyelles), thanh điệu và ngữ điệu (tons et accents) và một bảng chữ viết tắt (abbreviations).

(ii) PHẦN THỨ NHẤT (PREMIÈRE PARTIE) là phần tự vị - (vocabulaire) theo chủ đề. Các từ được giới thiệu qua cột thứ nhất là tiếng Pháp ứng với cột thứ hai là tiếng Việt với 38 chủ đề chính, một số chủ đề chính lại bao gồm nhiều chủ đề nhỏ, ví dụ chủ đề “về những đồ thường dùng trong nhà” gồm 4 chủ đề cụ thể là: 1. Các đồ trong phòng ở. 2. Đồ dùng khi ăn cơm. 3. Đồ dùng trong nhà bếp. 4. Những đồ về hầm rượu. 38 chủ đề chính đó bao gồm tổng cộng 74 chủ đề nhỏ.

Phần tự vị song ngữ Phalangsa – Annam này gồm 261 trang, khoảng 6500 đơn vị từ vựng. Điều thú vị là có nhiều từ hiện nay không hoặc không thường được sử dụng nữa, ví dụ tên các quốc gia: nước Phalansa, nước Phú lãng sa, đại Pháp quốc; Đan Mạch thì gọi là Liên quốc, Lệ ni quốc, nước Dania, Ấn độ thì gọi là nước Thiên Trúc… Từ trang 261 đến trang 272 là 2 mục ngữ pháp, giải thích và liệt kê về (1) Numeraux –lượng từ = những từ mà hiện nay được gọi là danh từ đơn vị hoặc giới dạy tiếng gọi là loại từ và (2) Du pronom personnelĐại từ nhân xưng.

Phần Numeraux, sau khi đã dành 9 dòng để giải thích, (Tiếng Annam không có các mạo từ - articles nhưng có một số lượng lớn các từ mà thường được gọi là Numeraux) các tác giả đã giới thiệu 164 Numeraux tiếng Việt (theo quan niệm của tác giả) xếp theo ABC và kèm theo lời dịch một hoặc một số ý nghĩa tương đương trong tiếng Pháp. Ví dụ:Con, numeral des êtres animés, des instruments tranchants, des cours d’eau, des cachets,.etc.(chỉ những vật hoạt động, những dụng cụ sắc, dòng nước, con dấu…).

Phần Pronom Personnel, các tác giả dành hơn 3 trang (269-272) để giải thích và giới thiệu về các đại từ nhân xưng tiếng Annam. Ngoài những đại từ thường gặp, chúng ta có thể thấy một đại từ ngôi thứ nhất là MIN, hiện nay không còn được sử dụng. Ngay cả thời đó, tác giả cũng chú giải là ít được dùng hơn “Tôi s’emploie entre égaux, et surtout d’inferieur à supérieur. Min, d’ailleurs assez peu usité, a presque le même sens, mais indique un léger degré de supériorité dans selui quy l’emploi.” (Trang269). Chúng ta có thể thấy từ MIN được sử dụng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du [7] một lần ở câu 964 “Thôi đà cướp sống chồng min đi rồi” (với nghĩa tôi). Trong cuốn “Tự vị An nam La tinh – Dictionarium Anamitico Latinum 1772-1773” của Pierre Pigneaux de Béhaine Bá Đa Lộc Bỉ Nhu [11], được Hồng Nhuệ và Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu , ở trang 293, từ MIN cũng xuất hiện và có nghĩa là tôi, ta, với một sự cao sang nào đó.

Những từ chỉ quan hệ thân thuộc trong gia đình cũng được giới thiệu khi dùng để xưng hô như cha mẹ, cụ, cố…Thời đó chắc chắn còn chế độ quân chủ nên cuốn sách này cũng giảng giải cách nhà vua xưng hô là Trẫm (trang 270). Cuốn sách cũng phân chia ra những đại từ kính trọng và những đại từ không kính trọng, như : ông lí-monsieur le maire, bà lí-madame l’espuose du maire, ông lớn-monsieur le grand mandarin, anh ấy, chị ấy, kẻ ấy, người ấy hoặc thằng ấy, đứa ấy, quân ấy, tên ấy, con ấy, con mẹ ấy…tao mày, chúng tao, chúng mày…(Trang 271). Cuốn sách giải thích cách dùng những lượng từ chỉ số nhiều trước các đại từ số ít nhưng: chúng, các, những,…Ví dụ: CHÚNG NÓ, CÁC ĐỨA ẤY, PHÔ ÔNG ẤY, PHÔ BÀ ẤY, CÁC KẺ ẤY, NHỮNG KẺ ẤY, BẤY NHIÊU KẺ ẤY, …(trang 272). Điều thú vị ở đây là chúng ta có thể bắt gặp từ phô với nghĩa gần như những, các mà hơn 1 thế kỉ nay không còn xuất hiện. Về từ phô này, xin xem thêm bài Một vài nhận xét về cách dùng các từ “một, phô, thay thảy, cả và v.v…” trong văn xuôi cuối thế kỉ XIII đầu thế kỉ XIX (cứ liệu rút từ “Sách sổ sang chép các việc”)  mà chúng tôi thực hiện vào năm 1981 [11] .

(iii) PHẦN THỨ HAI (DEUXIÈME PARTIE) từ trang 273 đến trang 291 được gọi là MẤY CÂU DỄ, PHRASES ÉLÉMENTAIRES. Phần này bao gồm những câu thông dụng về những chủ đề thông dụng như: về khí giời (trời), về tuổi (annam), về tuổi (tây), những câu xin, những câu dâng, những câu chối, những câu ưng, những câu giã ơn, những câu nhận lời giã ơn, những câu chỉ sự lấy làm lạ, những câu tỏ ra lòng buồn hay là đau đớn, những câu tỏ ra lòng mừng, những câu tỏ ra không được bằng lòng; câu quở trách… Khi giảng giải về cách hỏi tuổi, sách viết: Bên Annam, dù không được tròn năm, thì cũng kể là một tuổi; cho nên những câu in vào đoạn này, thì đặt kiểu Annam cả. Về đoạn này và các đoạn sau những tiếng ngoặc đi ngoặc lại (ngoặc đơn) thì phải đổi tùy tiện:

Quel âge avez-vous? Quel est votre âge?    (Con) mấy tuổi?/J’ai douze ans                                       (Tôi) lên mười hai tuổi)…(Trang 275)

(iv) PHẦN THỨ BA (TROISIÈME PARTIE) từ trang 293 đến trang 440 được gọi là MẪU NÓI TRUYỆN, CONVERSATION. Phần này gồm 22 chủ đề hội thoại, tuy nhiên với nội dung và cấu trúc văn phạm tương đối tự nhiên, gần giống như lời của vở kịch, vì vậy khá phức tạp. Ví dụ ở đề mục Ra chơi ngoài vườn, chúng ta hãy quan sát đoạn thoại sau: NGHĨA: - Anh Minh, có muốn ra chơi vuối tôi một chốc ngoài vườn chăng?/ MINH: - Tôi bằng lòng đi; nhưng mà xin anh đợi tôi một nhát./ N: - Sao lôi thôi thế vậy?/ M: - Tôi  có ý biên mấy điều khí khó thày giáo ta cắt nghĩa lúc nãy./ N. - Sao anh viết xấu thế?/ M. – Vì tôi viết vội quá…/M. – Đất vườn ưa thứ phân nào hơn?/ N. – Tôi nghĩ rằng: phân ngựa đã ải thì tốt nhất. Phân lợn cũng khá; song le phân trâu xấu vì nó nóng quá. Có muốn bỏ gio và phân bắc cũng được nhưng mà phải bỏ ít vậy. (Trang 340-341)

Nhìn chung, đã hơn một trăm năm nhưng chúng ta hoàn toàn hiểu được nội dung của những cuộc thoại này. Có một số cách dùng khác với hiện nay như cách viết chữ với được thể hiện bằng vuối, cách dùng từ song, song le với nghĩa là nhưng, nhà tràng thay cho nhà trường… Điểm thuận lợi của cuốn sách đối với người học thời đó là toàn bộ nội dung đều được dịch sang tiếng Pháp. Đúng hơn là người viết đã lấy tiếng Pháp làm hệ quy chiếu, sau đó viết tiếng Việt. Việc nhồi từ ngữ và câu thoại liên tục trong 300 trang chữ nhỏ chắc chắn tạo sự lặp lại từ cũng như cấu trúc câu cho người học. Cuốn sách không có bài tập và cũng không có giải thích ngữ pháp, ngoại trừ phần giải thích về NumerauxPronom personnel. Với một khối lượng chủ đề và từ vựng phong phú, với hàng loạt cuộc thoại có nội dung cụ thể, gần như có cốt truyện, cuốn sách có lẽ có giá trị ứng dụng cao trong việc truyền giảng tiếng Annam lúc bấy giờ.

2.2. Cuốn hai (2): Éléments de Grammaire Annamite

Tác giả là Édouard Diguet, một Trung tá Lục quân Thuộc địa Pháp (Lieutenant-colonel D’infanterie coloniale).

Cuốn này gồm 136 trang, cỡ chữ khoảng 12. Rất tiếc là trang in năm xuất bản và nơi xuất bản thì bị mất. Tuy nhiên, quan sát ngôn ngữ được thể hiện trong sách thì chúng tôi phỏng đoán cuốn này ra đời có lẽ cùng thời hoặc sau cuốn “Sách dẫn đàng nói truyện bằng tiếng Phalangsa và tiếng Annam” một chút. Chúng tôi phỏng đoán như vậy vì một vài nguyên do sau: (i) Trong sách vẫn có cách sử dụng chữ vuối biểu thị nghĩa với hiện nay:    Tôi mời các ông ăn cơm vuối tôi (trang 79) ; (ii) Sự xuất hiện của từ cả và trong nhóm từ mà tác giả gọi là Adjectifs numéraux indéfinis tính từ chỉ số lượng bất định (trang 66): Cả, tout, tous; cả và, tout, tous; hết, tout, tous; hết thảy, tout, tous; hết cả, tout, tous; mọi, chaque, tous; mỗi, chaque (se répète souvent après le nom)… ;(iii) Không thấy xuất hiện từ MIN với nghĩa tôi và không thấy xuất hiện từ PHÔ với nghĩa những, các… ;(iv) Tuy bị mất trang có năm xuất bản nhưng tại trang 65, trong một ví dụ về ngày tháng năm thì đã có xuất hiện năm 1892) như vậy ít nhất tác giả đã xuất bản cuốn sách này sớm nhất là năm 1892).

Cuốn sách này gồm 9 bài.

(1)  Bài thứ nhất, từ trang 1 đến trang 9, giới thiệu về cách phát âm thanh điệu tiếng Việt và được đặt tên là De L’intonation (ngữ điệu). Bài này giới thiệu về cao độ và cách phát âm của 6 thanh điệu với trật tự là : sắc, ngang, huyền, hỏi, ngã, nặng: má, ma, mà, mả, mã, mạ.

(2) Bài thứ hai, từ trang 10 đến trang 38, giới thiệu về ngữ âm (De la Pronomciation). Từ trang 11 đến trang 23, tác giả dạy cách phát âm các nguyên âm và các phụ âm. Về nguyên âm gồm có A (có kết hợp với các ký hiệu để trở thành các nguyên âm khác, mà có lẽ lúc đó tác giả chưa phân biệt được: Ă, Â), E, Ê, O, Ơ, Ô, U, Ư, và các kết hợp mà tác giả cho là nguyên âm đôi như: ao, eo, iê, oi, ôi, ơi, oai. Về phụ âm, tác giả dạy các từ có các phụ âm sau: Ch, Đ, D, Gh, Gi, Kh, H, Ng, Ngh (đối với kết hợp 3 chữ cái Ngh, tác giả viết: A la même pronunciation queng – phát âm giống ng), và Nh, S, Th, Tr, V, X. Như vậy, tác giả chỉ lấy những nguyên âm, phụ âm đó làm đại diện mà không dạy hết. Tuy nhiên, dưới mỗi nguyên âm hoặc phụ âm được dạy đều có 2 phần, 1 phần ví dụ gồm khoảng 5 đến 10 từ có chứa nguyên âm hoặc phụ âm đó, 1 phần bài tập (exercice) gồm 10 đến 15 câu song ngữ Việt Pháp.

(3) Bài thứ ba , từ trang 39 đến trang 53, giới thiệu về Mạo từ và Danh từ (DE L’ARTICLE ET DU SUBSTANTIF). Tác giả giới thiệu rằng, trong tiếng Annam cùng một từ có thể thỉnh thoảng là danh từ, và động từ hoặc như tính từ, trạng từ hay giới từ.  Ví dụ:  Nó lấy một cái cưa mà cưa cái ván. Il prend une scie pour scier la planche./ Tôi tới Sài gòn. J’arrive à Saigon./ Nó đi tới cái nhà.Il va jusqu’à la maison./ Cha bảo đi tới.Le père dit de marcher en avant./ Nó lên trên cái giường.Il monte sur le lit./ Treo cái áo lên.Suspendez la veste (en haut). (Trang 39). Tác giả đã giải thích rất chính xác nghĩa của hai từ “cái” và “con” (trang 41) : Il y a en annamite deux articles quy sont:Cái, pour les choses inanimées; (dành cho những vật không hoạt động). Con, pour les êtres animés (dành cho những sự vật hoạt động).Ví dụ: Cái hoa ấy đỏ. Cette fleur-là est rouge./ Ở trong cái chuồng có hai con trâu. Dans l’étable, il y a deux buffles. (Trang 41). Tác giả cũng chỉ ra sự phân biệt đực, cái mà hiện nay hầu hết sách dạy tiếng Việt của chúng ta lại quên đưa vào và một số trường hợp ngoại lệ về con: Par exeption, quelques noms d’objets inanimés se font précéder de l’article con des êtres animés (Trang 44). Có ngoại lệ là đôi khi có một số danh từ sự vật không hoạt động nhưng có mạo từ con của sự vật hoạt động đặt trước. Ví dụ: Con nước, la marée/ Con mắt, l’oeil/ Con dao, le couteau/Con ốc, la vis/Con cò, le chien du fusil/Con dấu, le cachet. Tiếp đó là các ví dụ khá sinh động: Bây giờ con nước lớn/Thợ mọc vặn một con ốc vào cái xe./ Cái tay nắm con cò súng/Thằng này có ăn trộm con dấu của ông phủ. (Trang 44)

Tiếp đó tác giả đã giới thiệu một số danh từ chủng loại (Des noms génégiques) tiêu biểu, những từ mà hiện chúng ta có thể gọi là danh từ đơn vị. Có tất cả 20 danh từ chủng loại được giới thiệu là: Bánh, bộ (bộ bài), bong, cây, chiếc, củ, cuốn, đám (ruộng, ma), điều, đồng, đứa, hòn, miếng, ống (điếu), phát (bảy phát súng), phiên, quả, sợi (dây), tấm, thằng. Sau danh từ chủng loại là 8 danh từ ghép-Des substantifs composes: Bề (bề ngoài), đồ (đồ ăn), lòng (lòng thật thà), phép (phép toán), sự (sự chết), thầy (thầy sãi, thầy thông-l’interprète), thợ (thợ may, thợ rèn), việc (việc quan, việc làm).

(4) Bài thứ tư (từ trang 54 đến trang 73) giới thiệu về tính từ (DE L’ADJECTIF). Tác giả đã giới thiệu khá cụ thể và dễ hiểu với 19 tiểu mục của các tính chất, đặc điểm, cách dùng và các loại tính từ. Ví dụ:

Mục 1, tính từ được cho là không biến hình và được đặt sau danh từ, với một số ví dụ: Tôi có một cái giường rộng.  J’ai un large lit./Tôi mua một đôi giày đẹp. J’achète une paire de soulier noir. (Trang 54)

Mục 2 là so sánh hơn của tính từ:  Nó giàu hơn là tôi. Il est plus riche que moi./ Thằng nầy dại hơn thằng kia. Cet individu est plus stupide que celui-là. (Trang 55)

 Mục 3 là so sánh bằng của tính từ: Người này cao cũng bằng cha. Cet home est aussi grand que le père. (Trang 55)

 Mục 4 là so sánh không được… bằng:  Cái nhà không đặng gần bằng cái cây. La maison n’est pas aussi proche que l’arbre.. (Trang 56)

Mục 5 là từ chỉ mức độ lắm: Tôi gặp một con gái đẹp lắm.Je rencontre une très jolie fille.

Mục 6 là từ chỉ mức độ cực cấp: Du superlative excessif. Ngoài từ quá, tác giả còn liệt kê 13 từ và kết hợp từ với tính từ để chỉ mức độ cực cấp: dữ, hung, quá chừng, quá lẽ, thấy mẹ, thấy cha… : Thợ bạc là người khéo dữ.L’orfèvre est un home excessivement habile./ Việc nầy khó hung.Ce travail est extrêmement difficile./ Cha đánh nó mạnh thấy mẹ.  Le père le bat très fort.

Mục 7 là những từ như hơn hết, hơn hết thảy : Chỗ này là mát nhứt.  Cet endroi-ci est plus frais.(Trang 58)

Mục 8 là các số từ…. Mục 9 là cách nói tuổi, nói số lượng. Mục 10 là ví dụ về cách dùng số từ. Mục 11 là cách nói số thứ tự. Mục 12 là cách nói phân số. Mục 13 là cách nói bằng hai, bằng ba, bằng rưỡi. Cha cao bằng rưỡi tôi.

Mục 14 nói về tháng, ngày: Ngày hai mươi ba tháng giêng, năm một nghìn tám trăm chín mươi hai . Le 23 du premier moir, 1892/ Ngày thứ tư, tôi muốn đi thăm chú lí trưởng. Mercredi, je veux aller voir le maire. (Trang 65)

Mục 15 là nói về tính từ chỉ số lượng bất định (Adjectifs numéraux indéfinis) với 20 từ: cả, cả và, hết, hết thảy, hết cả, mọi, mỗi, mỗi một, trót hoặc sốt (tout), những, các, mấy, bao nhiêu (tout les), một hai, vài, ít, một ít, nhiều, bấy, bấy nhiêu. Điều đáng chú ý nhất ở mục này là từ cả và, hiện nay không còn sử dụng nhưng trong những cuốn từ điển, tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của. 1895, 1896; J. F. M. GÉNBREL. 1898 mà chúng tôi tra cứu, từ cả và này cũng được giới thiệu và giải thích hoặc dịch với ý nghĩa như cả, tất cả. Như vậy cả và ít nhất đến cuối thế kỉ 19 vẫn chưa mất hẳn.

Mục 16 là bài tập nêu các câu mẫu cho mục 15: Anh làm việc cả và năm. Vous travaillez tout l’année./ Tôi không biết gì sốt. Je ne sais rien du tout. (Trang 67).

Mục 17 giới thiệu về tính từ sở hữu (Des adjectifs possessifs), từ của : Nó đánh con chó của tôi.

Mục 18 giới thiệu các tính từ liên kết và nghi vấn (Des adjectifs conjonctifs et interrogatifs) như nào (quell), gì, chi (quell, quelconque): Mầy về làng nào? De quel village es-tu?/Làng này gọi là làng gì? (Village celui-ci s’appeller village de quoi.) Comment s’appelle ce village? (Trang 69).

Mục 19 giới thiệu tính từ chỉ định (Des adjectifs démonstratifs) như: nầy, kia, nọ, ấy, khác, một, thể ấy. Có thể thấy những từ này hiện nay vẫn được sử dụng, chỉ có từ thể ấy nay được ghi là thế ấy, từ nầy hiện nay thường được ghi là này : Cha thể nào, con thể ấy . Tel père, tel fils./ Đám ruộng nầy khô hơn đám ruộng kia. Cette rizière-ci est plus sècheque celle-là. (Trang 70)

Mục 20 giới thiệu các tính từ phủ định – Les adjectifs négatifs như vô, bất, không, chẳng, mất : Mầy vô phép lắm. Tu est très impoli/ Con tôi mất trí khôn.Mon enfant est inintelligent. (Trang 71)

Mục 21 giới thiệu một số tính từ tiếng Pháp có đuôi ard, âtre, ble, eux được dịch sang tiếng Annam bằng một périphrase : Người hay giận. Homme irritable/ Những người đàn bà hay nói. Les femmes sont bavardes. (Trang 72)

(5) Bài thứ năm từ trang 75 đến trang 83, giới thiệu về đại từ (Du Pronom). Tác giả đã chia ra ba loại đại từ nhân xưng trong một bảng:1 là người trên nói với người dưới ( Supérieur à inférieur); 2 là người ngang hàng nói với nhau (Égal à égal); 3 là người dưới nói với người trên (Inférieur à Supérieur). So với ngày nay, có một số khác biệt như sau: tác giả đưa vào một số từ trong một số cách nói mà ngày nay có thể mang tính bộ phận, cá nhân, ví dụ: đây, đây ta, người ta (ngôi thứ nhất), thím (ngôi thứ hai), thím ấy (ngôi thứ ba); những từ mà nay không còn dùng: quan lớn, ông lớn, bà lớn (ngôi thứ hai và ngôi thứ ba). Tác giả đã dành 4 trang để giải thích về cách dùng của đại từ nhân xưng tiếng Việt theo cách hiểu của tác giả.

(6) Bài thứ sáu từ trang 84 đến trang 104 giới thiệu về động từ - Du verbe. Tác giả cũng đã dựa vào động từ tiếng Pháp rồi đối chiếu, chia ra 10 mục chi tiết trong bài động từ này như Thức (Des modes) với những từ như: hãy, phải, nên; Thời (Des temps passes, Des temps futures) với những từ như đã, đang, sẽ;  Phủ định (De la négation) với những từ như: không, không có, chẳng, chả, đừng, đừng có; Nghi vấn (De l’interrogation) với những hình thức như “có + động từ + không/hay không?”, “đã + động từ + chưa?”, vì làm sao? Làm sao, sao mà, phải không?;  Động từ bị động (Du verbe passif)kết hợp với những từ như được, chịu, bị, mắc, phải; động từ phản thân (Du verbe réfléchi) kết hợp với từ mình; Động từ tương hỗ (Du verbe réciproque) kết hợp với từ nhau;, Động từ vô nhân xưng (Du verbe impersonnel) với những từ như: cháy nhà, nổi gió, nó nhức cái đầu; Động từ phức (Des verbes composes) với những từ như ăn ở, ăn cướp, ăn cắp, chạy thuốc, chạy tiền, chạy ăn, làm tôi, làm thịt, làm mướn, làm bộ, làm biếng, làm giặc...

(7) Bài thứ bảy từ trang 106 đến trang 120 giới thiệu về trạng từ với 14 mục nhỏ. Chẳng hạn như: (1) Trạng từ chỉ nơi chốn (Adverbes de lieu) với những từ như đâu, ở đâu, đây, ở đây, đấy, trên, dưới, trong ngoài ; (2)Trạng từ chỉ thời gian (Adverbes de temps) với 31 từ một âm tiết như chưa, còn, đã, đoặn (đoạn), hoài, sớm, trưa và 61 từ 2 âm tiết như bây giờ, ban ngày, đến tết, mai mốt…(3) Trạng từ phương thức (Adverbes de manière) với 2 từ cách cho. (Ở đây có lẽ tác giả muốn nói tới từ một cách : Người nầy ăn ở cách thật thà. Cet home vit simplement) ; (4) Trạng từ tính chất (Adverbes de quantité) với những từ như bằng như, cũng như, càng, lắm, nhiều, ít… ; (5) Những từ tương đương với từ oui là (người trên trả lời người dưới), (trả lời một câu hỏi), phải (dùng khi tán đồng), dạ ( dùng khi người dưới nói với người trên), vâng (cũng dùng khi nói với người trên). ; (6)Những cách thức kính trọng (Formules de respect).  Ví dụ, khi nói với quan (En parlant à un mandarin): Bẩm quan lớn/ Lạy quan lớn/ Bẩm lạy quan lớn. (Trang 116); các từ: thưa, trình ; (7)Các trạng từ khác dùng để xác nhận-Autres adverbs d’affirmation như: Chẳng sai (sans manquer), Chắc (certainenment), Mà (à la fin de la phrase a un sens affirmative), một hai (malgré tout), thật (vraiment) ; (8)Đáng chú ý là từ cũng được tác giả chú ý và liệt vào loại xác nhận, kiểu như nhấn mạnh sự xác nhận: Tôi nhớ chắc tôi gặp người nầy hôm kia mà. Je me souviens parfaitement avoir rencontré cet home avant-hier.(Trang 118) ; (9)Các trạng từ phủ định (Adverbes de negation): Bất (san), chả (ne pas), chẳng, chẳng có (ne pas), chớ (ne pas), đừng, đừng có (ne pas), không, không có (ne pas), vô (sans) ; (10)Các trạng từ nghi vấn và ngờ vực (Adverbes d’interrogation et de doute): Bao (combien), biết? (savoir?), chi, gì? (quoi? Pourquoi?), họa, họa là? (peut-être, quy sait?), chớ? (est-ce que?), làm sao? (Pourquoi?), vì làm sao? (puorquoi?), mấy? (combien?), nào? (comment? est-ce que?), sao? (puorquoi? Comment?).

(8) Bài thứ tám từ trang 121 đến trang 127 giới thiệu về giới từ. Tác giả chia bài này thành 3 mục nhỏ: Các giới từ nơi chốn (prepositions de lieu); các giới từ khác (autres prepositions); bài tập.

Ở mục giới từ chỉ nơi chốn, tác giả đã giới thiệu 30 từ mà tác giả quan niệm là giới từ. Trong đó có 6 từ hiện nay không được dùng hoặc không thông dụng nữa: 1. Bát (à tribord) nghĩa là bên mạn phải tàu. 2. Cạy (à bâbord) nghĩa là bên mạn trái tàu. 3. Bên tả (à gauche). 4. Bên hữu (à droit). 5. Bởi (de, hors de, par). 6. Đàng (dans la direction de.).

Từ bởi được dùng với nghĩa từ: Anh ấy bởi trong nhà mà ra. Il sort de la maison./ Anh bởi đâu lại? D’où venez-vous?/Mầy làm biếng lắm, mày làm việc bởi sợ. Tu es très paresseux, tu travailles par crainte.(Trang 123). Có thể thấy trong ba ví dụ trên thì từ bởi ở hai ví dụ đầu hiện nay có nghĩa là “từ/ở” và từ bởi trong ví dụ thứ ba thì có thể dùng được nhưng từ hay dùng hơn là do hoặc bởi vì, vì.

Ở mục các giới từ khác, tác giả giới thiệu 15 từ mà tác giả gọi là giới từ ví dụ như: ban (pendant), bằng (en, de, avec), cho (à, puor), của (à, de), cùng (avec), nghịch (contre), về (de, au sujet de),vuối, với (avec)…

Trong 15 giới từ này thì cách viết giới từ “vuối, với” được thể hiện bằng 2 cách, và đây là lần đầu chữ “với” được xuất hiện. Trong quyển “sách dẫn đàng nói truyện bằng tiếng Phalangsa và tiếng Annam cũng chỉ có hình thức “vuối”. Như vậy có thể thấy ở đây dường như có sự cạnh tranh giữa cách viết “vuối”“với”. Ngoài ra, giới từ “nghịch”  với nghĩa là lại, chống lại, có thể do tác giả dịch nhầm nghĩa ngữ cảnh và không được người bản ngữ chữa giúp. Câu ví dụ chứa từ nghịch này là: Lính ta đang đánh nghịch lũ giặc.  Nos soldats sont à se batter contre une bande pirates. ( Giặc đây nghĩa là cướp biển). (Trang127)

(9) Bài thứ chín từ trang 128 đến trang 137, giới thiệu về liên từ và thán từ (De la conjunction et de l’interjection). Trong bài này, tác giả chia làm 6 mục nhỏ là: 1. Liên từ liên hợp (Conjonction de coordination), 2. Bài tập, 3. Liên từ phụ thuộc (Conjonctions de subordination), 4. Bài tập, 5. Thán từ (De l’interjection), 6. Bài tập.

Ở mục liên từ liên hợp tác giả giới thiệu 20 liên từ, là những từ như: và (et); cùng, cùng là (et, ainsi que); đều (ensemble); lại (et, encore, de pus); thì (alors); mà, nhưng mà (mais), song, song le (mais)…Ví dụ: Hai sự đều trọng cả.Les deux choses sont également importantes./Anh có trí khôn, nhưng mà anh làm biếng. Vous êtes intelligent, mais paresseux. (Trang 129). Trong những liên từ này, chỉ có liên từ song le là bây giờ không còn được dùng.

Ở mục liên từ phụ thuộc, tác giả giới thiệu 33 liên từ như: Bằng không, chẳng vậy (sinnon); dầu, dầu mà (quoique); dầu…mặc lòng (quoique); như (comme, si); nếu, nếu mà (si); càng…bao nhiêu, càng…bấy nhiêu (plus…plus…); khi…rồi hoặc là đoặn (lorsque-passé); đặng, cho đặng (pour, affine de) giả như, thí dụ, ví bằng (supposé que)… Ví dụ: Cha có bảo làm việc, bằng không sẽ hay. Le père a dit de travailler, sinon il avisera./ Dầu anh ấy nghèo mặc lòng, anh ấy cũng mạnh giỏi. Quoiqu’il soit pauvre, il est bien portent./ Anh tránh ra, đặng họ đi. Écartez-vous puor qu’on passé. (Trang 133). Trong những liên từ trên thì những liên từ như bằng không,… mặc lòng, đoạn, đặng hiện không còn được sử dụng nữa.

Ở mục thán từ (De l’interjection), tác giả đưa ra 20 từ mà tác giả gọi là thán từ như: nầy! (eh! Dites donc!); ớ, bớ! (cri d’appel); ôi, ơi! (placé après le nom); á ngộ! (comme c’est curieux!); cơ khổ! (malheur); ố hộ! (ce n’est rien!)…Ví dụ: Ớ! Thuyền ôi! Ghé lại đây cho tôi xuống. Eh! Le bateau! Accostez-ici que je monte./ Á ngộ! xe máy hai bánh chạy mau dữ. Oh! Que c’est curieux! Comme cette bicyclette (voiture machine deux roués) marche vite./ Ố hộ! khoan đã, sẽ hay. Ce n’est rien! Attendez un peu, je vais voir. (Trang 136, 137)

Trong những thán từ được tác giả liệt kê, có 2 thán từ không còn thấy được sử dụng, hay nói chính xác hơn là không được ghi âm lại như thế nữa. Đó là á ngộ, ố hộ. Riêng bớ cũng là một từ nay dường như không còn được sử dụng. Có điều đáng chú ý là tác giả có đưa vào danh sách thán từ một câu: Anh đi chơi đâu? Où allez-vous vous promener? Với nghĩa là bonjour! Và tác giả đã giải thích là trong tiếng Annam, không có những cách nói như; bonjour, bonsoir, bonne nuit,…mà thay vào đó thường dùng những câu hỏi để chào kiểu Anh đi chơi à? (Vous vous amusez-là?)…Ví dụ này chứng tỏ tác giả đã khá tinh tế khi quan sát cách sử dụng ngôn ngữ của người Việt lúc đó.

 20170714 Muc luc cuon 1  20170714 Bang dai tu cuon 2
Mục lục của cuốn 1 Bảng đại từ  của cuốn 2

3. Nhận xét chung

Hai cuốn sách này xuất hiện vào những năm cuối thế kỉ XIX. Cuốn (1) là cuốn được đặt tên là “Manuel”-sách giáo khoa mà tác giả gọi là sách dẫn đàng nói truyện và cuốn (2) là cuốn giảng về ngữ pháp như chính bản thân tên sách đã chỉ rõ.

1) Cả hai cuốn được xuất bản cách nhau chừng 3 năm. Cuốn (1) lấy tiếng Bắc kì làm chuẩn trong khi đó cuốn (2), tức cuốn ngữ pháp, lại sử dụng khá nhiều từ Nam kì.

2)  Cuốn (1) chủ yếu giới thiệu từ mới theo chủ đề và các đoạn thoại với mức độ khó tăng dần. Đây là một cuốn sách song ngữ Pháp-Việt, ngoại trừ một số trang giới thiệu bằng tiếng Pháp về ngữ âm, giải thích ngữ pháp về Numeraux và Pronom personel thì cuốn (1) này không có những chỉ dẫn ngữ pháp cho từng bài.

3) Cuốn (2) lại là một cuốn sách chỉ dẫn khá chi tiết về ngữ pháp. Những nội dung ngữ pháp được tác giả giới thiệu dựa vào sự quy chiếu từ hệ thống từ loại của tiếng Pháp. Tuy nhiên, có lẽ nhờ ngữ cảm của người đã từng học tiếng và thành thạo tiếng Việt, tác giả đã giải thích một cách dễ hiểu, rất thực tế, rất có tính ngữ dụng những vấn đề ngữ pháp khá phức tạp của tiếng Việt. Đặc biệt là khác với cuốn (1), tác giả của cuốn (2) đã rất nhiều lần so sánh cách dùng từ của 2 tiếng địa phương Bắc kì và Nam kì. Tác giả thường chú thích, ghe, Bắc kì (Tonkin): thuyền; heo, Bắc kì: lợn; hoài, Bắc kì: mãi (Trang 28), chúng tôi thống kê được 36 trường hợp giải thích cách dùng từ khác nhau giữa Tonkin và Cochinchine.

4) Cả hai cuốn đều cho chúng ta thấy một hiện tượng là có một số yếu tố ngữ pháp hoặc từ vựng hiện nay không còn được sử dụng nữa. Đó là trường hợp các yếu tố như: cả và, min, phô…Chúng tôi đã tra cứu cuốn Đại Nam Quấc Âm tự vị TOME I (1895) [4] và TOME II (1896) [5] của Huình-Tịnh Paulus Của, xuất bản tại Sài gòn cũng như cuốn Dictionnaire Vietnamien-Francais, Từ điển Việt – Pháp xuất bản lần thứ 2 (1898) [2] của J. F. M. GÉNBREL, thì đều thấy có ba từ này (cả và có nghĩa là chung tất; min có nghĩa là tôi, ta với địa vị cao sang; phô với nghĩa như những, các, dùng trước các đại từ chỉ người: phô ông, phô bà). Có một số yếu tố vẫn còn trong các văn bản của nửa đầu thế kỉ 20 nhưng hiện không còn dùng: đặng (để), song le (nhưng), đoạn (rồi sau đó),… Ngoài ra, có nhiều từ chỉ sự vật hiện nay đã không còn được sử dụng nữa hoặc tên riêng hiện nay đã được thay thế bằng cách dịch hoặc ghi âm khác. Ví dụ: cơ lính trấn thủ, lính thị vệ (vệ binh) ngũ sắc (màu sắc), con hát (ca sĩ)…

5)Tác giả của 2 cuốn đều là người nước ngoài giỏi tiếng Việt. Viết được sách bằng tiếng Việt chắc chắn phải giỏi. Tuy vậy, vì là người nước ngoài, cho dù phần nhiều là trước khi đưa in, cả hai cuốn sách hẳn đều đã được người Việt đọc và chữa giúp nhưng có thể vẫn còn một số lỗi, không giống cách diễn đạt của người Việt, ví dụ: Cái đường đê đi theo cái sông (trang 125); Khi tôi sẽ có bặc, tôi mới mua hoa tai cho em được (trang 130).

6) Hai cuốn sách này, một cuốn nặng về dữ liệu từ ngữ và hội thoại, một cuốn nặng về giải thích ngữ pháp và ví dụ minh họa. Nếu người học thời đó, cùng lúc sử dụng 2 cuốn này, sẽ là một sự kết hợp tốt. Có thể những người viết sách không quan tâm đến phương pháp, nhưng cả hai cuốn sách có ảnh hưởng của phương pháp ngữ pháp dịch một cách không đầy đủ.

7) Chúng ta có thể thấy được cảnh sinh hoạt của thời đó: phu xe kéo tay, cảnh bài trí trong trại lính, sinh hoạt trong trường học, ẩm thực…Chúng tôi hi vọng rằng, những nội dung khảo sát trên đây về hai cuốn sách dạy tiếng Việt hồi cuối thế kỉ 19 có thể đem đến đôi điều bổ ích cho công cuộc nghiên cứu Việt Nam học của chúng ta ngày nay.

 20170714 Phan thu nhat tu vi  20170714 Phan thu 2  20170714 Gioi tu
Phần thứ nhất, tự vị, quyển 1 Phần thứ 2, mấy câu dễ, quyển 1 Giới từ, quyển 2

____________________

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Fries, C.C. (1954), Teaching and learning English as a foreign language, University of Michigan Press.

2. J. F. M. GÉNBREL. (1898), Dictionnaire Vietnamien-Francais, Từ điển Việt-Pháp, Deuxième Édition. Saigon: Imprimerie de la mission à Tân Định.

3. Hornby, A.S. (1973), The teaching of structural  word and sentence patterns, Oxford University Press.

4. Huình,-Tịnh Paulus Của. (1895), Đại Nam Quấc Âm tự vị, TOME I. Saigon: Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4, Rue d’Adran, 4.

5. Huình,-Tịnh Paulus Của. (1896), Đại Nam Quấc Âm tự vị, TOME II. Saigon: Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4, Rues Catinat & d’Ormay.

6. Lado, R. (1964), Language teaching: A scientific approach, Mc Graw-Hill.

7. Nguyễn Du (1820-1825), Truyện Kiều, Bản do Việt Chương chú giải, NXB Văn hóa thông tin in lại năm 2000.

8. Palmer, H. E. (1964), The principles of language study, Oxford University Press.

9. Philipphê Bỉnh (1822), Sách sổ sang chép các việc. Viện Đại học Đà lạt xuất bản bản chụp lại năm 1968.

10. Pierre Pigneaux de Béhaine Bá Đa Lộc Bỉ Nhu. (1772-1773), Tự vị An nam Latinh – Dictionarium anamitico latinum. Hồng Nhuệ và Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu. Nhà xuất bản trẻ in lại năm 1999.

11. Trần Thị Mĩ & Nguyễn Thiện Nam (1981), Một vài nhận xét về cách dùng các từ “một, phô, thay thảy, cả và v.v…trong văn xuôi cuối thế kỉ XIII đầu thế kỉ XIX (cứ liệu rút từ “Sách sổ sang chép các việc”.Tạp chí Ngôn ngữ, số 1.

 

Tài liệu dùng để khảo sát

1. Bon et Dronet (1889), Manuel de conversation Franco – Tonkinois. Sách dẫn đàng nói truyện bằng tiếng Phalangsa và tiếng Annam. Tonkin Occidental: Ke-So Imprimerie de la mission.

 2. Édouard Diguet (1892),  Éléments de grammaire annamite” - Những yếu tố văn phạm tiếng Annam. Imprimerie National.

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận văn học, Niên san 2013

                                                         (Lê Trung Hoa,  Kiến thức ngày nay, số 940, ngày 20-9-2016, tr. 12-14)

1.Trong tiếng Việt, còn nhiều địa danh chưa lý giải được một cách dứt khóat, thuyết phục được mọi người. Trong bài này, chúng tôi nêu một số địa danh tương đối phổ biến, có khả năng gây tranh luận và cố gắng lý giải với hy vọng góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc và ý nghĩa của chúng.

1. Dẫn nhập

1.1. Quá trình hình thành và phát triển tiếng Việt, xét theo quan điểm giao lưu (interchange) và tương tác (interaction), là quá trình tiếp xúc ngôn ngữ (TXNN). Ở thời kì hình thành đó là sự giao lưu và tương tác giữa các thứ tiếng thị tộc, bộ lạc hoặc liên minh bộ lạc để hợp thành hạt nhân của tiếng Việt. Bắt đầu thời kì phát triển, cùng với các bước lưỡng phân(1), là những giai đoạn tiếp xúc của tiếng Việt với các ngôn ngữ ngoại lai - được hiểu như các thứ tiếng ngoài gia đình ngôn ngữ Nam Á (AA) và Nam Thái (AT) (P.Benedict, 1996). Ở thời kì phát triển, sự tiếp xúc ngôn ngữ Việt–Hán hay Việt–Trung (từ đây gọi chung Việt–Hán) là dài lâu nhất và hình thái tiếp xúc cũng có nhiều kiểu loại nhất. 

1.2. Trong bài viết này có mấy từ (ngữ) khoá sau đây được sử dụng: tiếp xúc ngôn ngữ, ứng xử ngôn ngữ, yếu tố gốc Hán. Thuộc số đó có từ (ngữ) đã quen thuộc, nhưng khi xuất hiện trong bài viết này một đôi trường hợp mang một sắc thái hơi khác.

Tiếp xúc ngôn ngữ là “sự tiếp giao nhau giữa các ngôn ngữ do những hoàn cảnh cận kề nhau về mặt địa lí, tương liên về mặt lịch sử xã hội dẫn đến nhu cầu của các cộng đồng người vốn có những thứ tiếng khác nhau phải giao tiếp với nhau” (O.S. Akhmanova, 1966). TXNN còn được hiểu là “sự tác động qua lại giữa hai hoặc nhiều ngôn ngữ tạo nên ảnh hưởng đối với cấu trúc và vốn từ của một hay nhiều ngôn ngữ. Những điều kiện xã hội của sự TXNN được quy định bởi nhu cầu cần thiết phải giao tiếp lẫn nhau giữa những thành viên thuộc các nhóm dân tộc và ngôn ngữ do những nhu cầu về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội v.v. thúc đẩy” (V.N.Jarceva, 1990). Với tình hình TXNN ở Việt Nam, cũng như với một số nước từng có sự xâm lược và chiếm đóng của một thế lực ngoại quốc, ta còn có thể thêm vào đoạn dẫn trên: nhu cầu giao tiếp giữa cư dân bản địa với những người thuộc bộ máy cai trị và đội quân xâm lược hoặc chiếm đóng ngoại quốc. Trong hình thái TXNN này, sự ứng xử ngôn ngữ của cư dân bản địa là vấn đề hết sức tế nhị. Trong nhiều trường hợp nó làm nổi rõ bản sắc dân tộc của cả một nền văn hoá.

Ứng xử ngôn ngữ (Language Treatment) có nội dung khái niệm thuộc lĩnh vực xã hội ngôn ngữ học. Cách diễn đạt này được xem là tương đương với Kế hoạch hoá ngôn ngữ (Language Plan/Planning). Ứng xử ngôn ngữ là sản phẩm của những quyết định có ý thức về sự lựa chọn mã (code) trong hoạt động giao tiếp (John Gibbons, 1992 ). Ứng xử ngôn ngữ mang tính xã hội được thể hiện trong chính sách ngôn ngữ của nhà nước hoặc một tổ chức xã hội. Chẳng hạn chính sách ngôn ngữ hiện nay của nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; chính sách ngôn ngữ của Đảng Cộng sản Đông Dương được thể hiện trong Đề cương văn hoá Việt Nam năm 1943. Ứng xử ngôn ngữ cũng có thể là sự lựa chọn của một người về ngôn ngữ mà mình dùng trong hoạt động giao tiếp bằng ngôn từ. Sự ứng xử ngôn ngữ của mỗi người được quy định bởi nhiều nhân tố vừa khách quan vừa chủ quan, trong đó nhân tố chủ quan có tính quyết định. Ứng xử ngôn ngữ là một thành phần về ứng xử văn hoá. Do đó, truyền thống văn hoá, truyền thống ứng xử ngôn ngữ của cộng đồng, của dân tộc có ảnh hưởng quan trọng đến thái độ ứng xử ngôn ngữ của các thành viên trong cộng đồng.

Yếu tố gốc Hán không chỉ là những từ bắt nguồn từ tiếng Hán xưa nay được gọi là từ Hán - Việt. Trong bài này yếu tố gốc Hán được hiểu là tất cả những đặc điểm hoặc thành tố ngôn ngữ nào mà qua sự tiếp xúc ngôn ngữ Việt–Hán tiếng Hán có thể có ảnh hưởng đến tiếng Việt ở mặt này hay mặt khác. Chẳng hạn các đặc điểm về ngữ âm, đặc điểm về cấu trúc ngữ pháp, các thành tố từ vựng ngữ nghĩa. Tuy trong bài viết này các thành tố từ vựng ngữ nghĩa là ngữ liệu được đề cập đến nhiều hơn, nhưng các phương diện khác của tiếng Hán cũng sẽ được nhắc đến khi cần.

1.3. Trong nhiều trường hợp bài viết sử dụng các dẫn liệu ngôn ngữ rút từ những công trình đã công bố và được thừa nhận rộng rãi của các tác giả khác cùng với những ngữ liệu mà người viết bài này dùng trong các lập luận của mình. Đề cập đến một vấn đề thuộc lĩnh vực xã hội - ngôn ngữ học, khi cần thiết chúng tôi cũng đụng chạm đến những dẫn liệu thuộc các lĩnh vực ngoài ngôn ngữ để làm rõ thêm cho những lập luận liên quan với hiện tượng nội tại ngôn ngữ.

2. Tiếp xúc ngôn ngữ Việt–Hán

2.1. Các giai đoạn tiếp xúc và đặc điểm

Trong khoa học nói đến thời kì hoặc giai đoạn tức là bàn về sự phân kì có tính lịch đại (diachronic division of events into periods) về diễn tiến hay quá trình phát triển của một hiện tượng, một sự kiện nào đó. Mỗi sự phân kì nhằm vào một/vài mục đích nhất định và có tiêu chí định hướng cho sự phân kì. Sự phân kì hiện tượng TXNN dựa vào các hình thái tiếp xúc, điều kiện xã hội - lịch sử và hệ quả mà sự TXNN dẫn tới về mặt cấu trúc cũng như về chức năng xã hội của ngôn ngữ.

2.2. Theo các định hướng trên đây ta có thể hình dung sự phân chia quá trình tiếp xúc Việt–Hán thành sáu giai đoạn (hoặc thời kì):

  • Giai đoạn hình thành nhà nước Văn Lang chuyển sang Âu Lạc.
  • Giai đoạn Triệu Đà sáp nhập lãnh thổ Âu Lạc vào Nam Việt.
  • Giai đoạn Nam Việt bị Đế quốc Hán khuất phục và lãnh thổ cũng như cư dân Âu – Lạc (từ đây gọi một cách quy ước là Việt Nam)(2) trong cương vực Nam Việt cũng bị đế quốc Hán thôn tính. Trong chính sử Việt Nam giai đoạn này được gọi là Thời kì Bắc thuộc.
  • Giai đoạn nền độc lập (trong lịch sử có khi gọi là nền tự chủ) Việt Nam được khôi phục và xây dựng nhà nước Việt Nam theo chế độ vương quyền.
  • Giai đoạn Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược và thiết lập chế độ thuộc địa Pháp trên đất Việt Nam.
  • Giai đoạn Việt Nam giành quyền độc lập từ tay thực dân Pháp cho đến nay.

2.2.1. Có thể xem giai đoạn hình thành nhà nước Văn Lang (VL) và từ VL chuyển sang nhà nước Âu - Lạc (ÂL) là khởi điểm quá trình TXNN trên miền đất Việt thời kì mở cõi, dựng nước này. Đây là thời kì của các huyền thoại và giả thiết, giống như ở bất kì dân tộc và đất nước nào trên thế giới. Vì vậy nơi đây tồn tại nhiều truyền thuyết, huyền thoại và trên cơ sở đó mà các nhà nghiên cứu đã có những giả thiết khác nhau về dân tộc Việt Nam hiện nay và về quá trình hình thành vùng khai nguyên của Việt Nam hiện đại. Tiếp cận từ lí thuyết TXNN ta có thể hình dung trước hết đó là quá trình tiếp xúc giữa các ngôn ngữ bản địa mà kết quả là sự hình thành của tiếng Việt thời cổ(3). Tiếp theo đó là sự tiếp xúc với các thứ tiếng đến từ ngoài vùng đất khai nguyên.

Về mặt này giả thiết mà K.W.Taylor đưa ra, theo tôi, là đáng chú ý hơn cả. Trong sách Sự ra đời của Việt Nam, ngay trang đầu chương I, tác giả đã dựa vào truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân trong Lĩnh Nam Chích Quái (LNCQ) và Đại Việt sử kí toàn thư (TT), để giải thích cuộc hôn phối giữa hai nhân vật huyền thoại này. K.W. Taylor hình dung rằng Lạc Long Quân là một người dòng dõi đế vương vốn ở phương bắc, Trung Hoa (A Monarch from the North, China...) từ biển xâm nhập vào lục địa và khi nhận thấy nơi đây không có vua bèn xưng vương để cai quản. Nhưng cư dân địa phương không chấp nhận và nhân vật ngoại bang này buộc phải ra đi(4). Qua mối liên kết tượng trưng đó ta có thể hiểu: đây là sự tiếp xúc Việt–Hán đầu tiên trong lịch sử. Có điều là giai đoạn tiếp xúc này ắt là không lâu bền và chưa tạo nên tác dụng gì sâu sắc về mặt ngôn ngữ, nếu có.

Cách hình dung như K.W.Taylor, theo tôi, rõ ràng là có sức hấp dẫn, và cách hiểu dựa vào sự hình dung ấy là hợp lô gích. Tuy nhiên, tất cả những điều đó đều thuộc phạm trù huyền thoại và giả thuyết, gắn với giai đoạn dã sử, phải chờ đợi những cứ liệu hiện thực chứng minh. Dẫn sao giả thuyết này cũng gợi cho ta một hướng suy nghĩ lí thú.

2.2.2. Trong lịch sử Việt Nam giai đoạn Triệu Đà chinh phục và sáp nhập Âu Lạc vào phạm vi quốc gia Nam Việt rồi chia đất đai Âu Lạc ra làm hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân được xác định là từ 179 đến 111 TCN. Vốn là con nhà tướng gốc Hán, cuối đời nhà Tần, Triệu Đà lên thay Nhâm Ngao cầm quyền, rồi khi nhà Tần bị diệt, tự xưng làm Nam Việt Vương. Việc Triệu Đà có thể tập hợp để làm chỗ dựa cho quyền lực của mình những người Hán từ phía bắc di cư vào cương thổ này (K.W.Taylor, tr.23-24; Phan Huy Lê, 1983, tr.234) chứng tỏ số lượng cư dân gốc Hán ở đây đã có một số lượng đáng kể. Và với tư cách những thành phần cư dân trong cùng phạm vi quốc gia Nam Việt, dĩ nhiên người dân Âu Lạc có quan hệ giao tiếp với toàn bộ cư dân của quốc gia này, trong đó gồm cả bộ phận người Hán. Sự giao tiếp này hẳn là có giới hạn. Lịch sử Việt Nam ghi nhận. Sứ giả nhà Triệu tiến hành lập sổ cư dân Giao Chỉ, Cửu Chân... "Giúp việc sứ giả, có thể có một số quan chức, cả Hán lẫn Việt” (sđd tr.234). Từ sự kiện đó có thể suy ra, đây là lần đầu tiên sử sách ghi lại có sự TXNN Việt–Hán. Đặc điểm của sự TXNN Việt–Hán trong giai đoạn này là nó được gộp trong bối cảnh tiếp xúc chung với các ngôn ngữ trong “quốc gia li khai” Nam Việt, ở đó bao gồm các ngôn ngữ của các dân tộc thuộc Bách Việt. Tiếng Hán lúc này một mặt là ngôn ngữ của giới cầm quyền và mặt khác là tiếng nói của một nhóm dân di cư từ phương bắc tới. Sự cai trị của nhà Triệu chưa kịp đụng chạm nhiều đến cơ cấu xã hội Âu Lạc trước đó. Do vậy ảnh hưởng ngôn ngữ qua sự tiếp xúc có tính đa hướng hơn là song phương Việt–Hán và chưa sâu sắc mấy.

2.2.3. Giai đoạn từ khi Nam Việt bị đế quốc Hán khuất phục trở đi trong sự phân kì của các tác giả khác nhau có cách gọi không giống nhau đối với phần lãnh thổ và cư dân trước đây thuộc Âu - Lạc. Với mục đích nghiên cứu của mình, tôi tán thành cũng như dùng theo cách phân kì của John DeFrancis và gọi chung là giai đoạn Bắc thuộc.

Đặc điểm của giai đoạn TXNN Việt–Hán này về mặt văn tự và tiếng nói đã được John DeFrancis và Nguyễn Tài Cẩn chỉ rõ (Mặc dù Nguyễn Tài Cẩn chỉ giới hạn “vào khoảng các thế kỉ 8,9”, TLTK đã dẫn, tr.8. H Maspéro chỉ ghi chung là trước thế kỉ 10). Một đặc điểm khác về chính trị – xã hội nên được lưu ý là giai đoạn này không phải diễn ra xuyên suốt, mà bị cách quãng bởi hai cuộc khởi nghĩa, đánh đuổi quân xâm lược giành lại quyền độc lập.

1. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Hai Bà Trưng lên ngôi các năm 40-43 Công nguyên.

2. Cuộc khởi nghĩa Lí Bí và sự thành lập nhà nước Vạn Xuân (542-602) Giai đoạn này chính sách Hán hoá của phương bắc ngày càng được đẩy mạnh và được các quan thái thú thực hiện chính sách đó triệt để tại miền đất họ chiếm đóng. Số lượng người Hán ở đây không chỉ có các quan chức trong bộ máy cai trị, đội quân chiếm đóng, mà cả gia đình con em của họ. Ngoài ra còn có lớp người Hán theo chính sách di dân cũng lần lượt kéo đến định cư nơi đây. Họ bao gồm những người lao động thường, người có tay nghề thuộc các nghề nghiệp khác nhau. Dù hình thái cư trú trên miền đất cùng chung sống này là thế nào (biệt lập của người Hán, kề cận với các đơn vị hành chánh cư dân Việt, hay có mức độ sống xen kẽ nhất định) thì cũng đều phải có sự giao tiếp Hán – Việt. Chính do đó mà sự TXNN Hán – Việt trở nên ngày càng sâu sắc hơn. Hệ quả của sự TXNN này là trong sinh hoạt ngôn ngữ và trong đời sống xã hội hình thành tình thế các cộng đồng Hán di cư đến kết giao với các cộng đồng cư dân bản địa, tạo nên hình thái song ngữ song văn hoá Việt–Hán.

2.2.4. Các giai đoạn tiếp theo của quá trình tiếp xúc Việt–Hán, tuy cách gọi của John DeFrancis có ít nhiều không giống với những sự phân kì của H.Maspéro, Nguyễn Tài Cẩn, D.J.Whitfield, nhưng ở ông các nhận xét về trạng huống ngôn ngữ và văn tự hầu như không có gì khác. Trạng huống đó vào thời kì Bắc thuộc (111 TCN đến 939 CN) là trong xã hội Việt Nam có hai ngôn ngữ Việt và Hán, và một văn tự là chữ Hán hoạt động trên mọi lĩnh vực giao tiếp. Kế đến là:

1/ Giai đoạn độc lập, xây dựng chế độ vương quyền (939-1651) Hai ngôn ngữ: Việt và Hán

Hai hệ thống văn tự: chữ Hán và chữ Nôm Chữ Hán được tiếp tục sử dụng với hình thức Hán – Việt. Xây dựng chữ Nôm theo loại hình chữ ghi ý (ideographic).

2/ Giai đoạn độc lập dưới chế độ vương quyền và có một bộ phận cư dân theo công giáo (1651-1861)

Hai ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Hán

Ba hệ thống văn tự: chữ Hán – Việt, chữ Nôm và chữ La tinh hoá, tức là dùng hệ chữ viết La tinh ghi tiếng Việt.

3/ Giai đoạn trở thành thuộc địa Pháp (1861-1945)

Ba ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Hán và tiếng Pháp

Bốn hệ thống văn tự: chữ Hán–Việt, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ và chữ Pháp.

4/ Giai đoạn độc lập dân tộc, từ 1945 đến nay

Một ngôn ngữ: tiếng Việt

Một văn tự: chữ Quốc ngữ.

(John DeFrancis, xem phần Mục lục)

Điều đáng nhấn mạnh là, tuy mức độ có khác nhau, nhưng sự TXNN Việt–Hán vẫn tiếp tục ở tất cả các giai đoạn đã nêu. Trên cơ sở đó mà chúng ta có thể thảo luận về thái độ ứng xử ngôn ngữ của các thế hệ người Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử TXNN.

________________

(1) Trong bài Thử phân kì lịch sử thế kỉ 12 của tiếng Việt; tác giả Nguyễn Tài Cẩn viết: “Tiếng Việt có một lịch sử chỉ khoảng hơn 12 thế kỉ. Sự hình thành tiếng Việt là một kết quả của 2 bước lưỡng phân, một trước, một sau. Bước lưỡng phân đầu là bước chia ngôn ngữ mẹ Proto – Việt – Chứt thành hai nhánh: nhánh Việt – Mường ở phía bắc và nhánh Pọng – Chứt ở phía Nam... Ảnh hưởng của tiếng Hán không những mạnh ở Bắc hơn Nam mà ở đồng bằng sông Hồng cũng mạnh hơn ở miền núi. Do đó lại nảy sinh một bước lưỡng phân thứ hai bắt đầu từ khoảng thế kỉ 18, tạo ra sự đối lập giữa hai ngôn ngữ mới, một bên là Proto Việt, một bên là Proto Mường" (N.T.Cẩn, 1998, tr.7)

(2) Trong lịch sử, tuỳ từng thời kì lịch sử tên gọi chỉ nước Việt Nam hiện nay có sự thay đổi Giao Châu, Giao Chỉ, Đại Cồ Việt, Đại Việt... Tên gọi Việt Nam về sau mới xuất hiện. Tuy nhiên, để tiện cho việc trình bày, trong bài này chúng ta có thể lấy tên gọi Việt Nam mà hiện nay đang dùng để đại diện chung cho tất cả các tên gọi có trước, nếu không có nhu cầu phân biệt chính xác.

Thảo luận về đề tài này, chúng tôi sử dụng các công trình của một số tác giả. Ở những công trình đó, căn cứ vào những chỗ dựa ít nhiều khác nhau, các tác giả đã đề nghị cách phân kì tuỳ theo sự tiếp cận của mình.

I. Dựa vào sự hình thành tiếng Hán–Việt, cuốn An Nam dịch ngữ và cuốn từ điển Alexandre de Rhode (1651), H.Maspéro chia thành:

A) Proto Việt trước thế kỉ 10

B) Việt tiền cổ: thế kỉ 10 (hình thành tiếng Hán - Việt)

C) Việt cổ: thế kỉ 15 (An Nam dịch ngữ)

D) Việt trung đại: thế kỉ 17 (từ điển A.de Rhôde 1651)

E) Việt hiện đại: thế kỉ 19

(Dẫn lại theo Nguyễn Tài Cẩn, 1998, tr.8)

II. Dựa vào thế tương tác giữa các ngôn ngữ, văn tự có sự tiếp xúc với nhau trong mỗi giai đoạn N.T.Cẩn (1998) có bảng phân kì:

A) Giai đoạn Proto Việt Có 2 ngôn ngữ: tiếng Hán (khẩu ngữ của lãnh đạo) và tiếng Việt; 1 văn tự: chữ Hán Vào khoảng các thế kỉ 8, 9.
B) Giai đoạn tiếng Việt Có 2 ngôn ngữ: tiếng Việt (khẩu ngữ của lãnh đạo) và văn ngôn Hán; 1 tiền cổ văn tự: chữ Hán Vào khoảng các thế kỉ 10,11,12
C) Giai đoạn tiếng Việt cổ Có 2 ngôn ngữ: tiếng Việt và văn ngôn Hán; 2 văn tự: chữ Hán và chữ Nôm Vào khoảng các thế kỉ 13, 14, 15, 16
D) Giai đoạn tiếng Việt trung đại Có 2 ngôn ngữ: tiếng Việt và văn ngôn Hán; 3 văn tự: chữ Hán và chữ Nôm và chữ Quốc ngữ Vào khoảng các thế kỉ 17, 18 và nửa đầu thế kỉ 19
E) Giai đoạn tiếng Việt cận đại Có 2 ngôn ngữ: tiếng Pháp, tiếng Việt và văn ngôn Hán; 4 văn tự: Pháp, Hán, Nôm, Quốc ngữ Vào thời gian Pháp thuộc
G) Giai đoạn tiếng Việt hiện nay Có 1 ngôn ngữ: tiếng Việt; 1 văn tự: chữ Quốc ngữ Từ 1945 trở đi

III. John DeFrancis (1977) trong Colonialism and Language Policy dựa vào sự thể hiện chính sách ngôn ngữ từ 111 TCN trở đi chia sự phát triển tiếng Việt thành 4 giai đoạn với các đặc điểm về trạng huống ngôn ngữ và văn tự khác.

IV. Keith W.Taylor (1983) trong sách The Birth of Vietnam, tuy không trực tiếp đề cập đến sự phân kì về quan hệ tiếp xúc Hán - Việt nhưng những cứ liệu của tác giả này về thời kì hình thành Việt Nam trước khi bị đế quốc Hán xâm chiếm và đặt ách thống trị cũng có nhiều cứ liệu và ý tưởng soi sáng cho sự tiếp xúc ngôn ngữ Việt–Hán.

(3). Cách dùng “tiếng Việt thời cổ” ở đây được hiểu như tiếng nói của “người Việt Cổ” (L.sử I) về hạt nhân đầu tiên của tiếng Việt hiện đại mà ngành ngôn ngữ học lịch sử Việt Nam chưa có những công trình nghiên cứu vượt khỏi các giả thuyết.

(4). Theo Taylor, qua huyền thoại Âu Cơ–Lạc Long Quân ta có thể biết về quan niệm trong dân gian xưa về quan niệm huyết thống giữa các vua Hùng và Lạc Long Quân (LLQ). LLQ từ phía biển thâm nhập vào đồng bằng sông Hồng. Đến đây LLQ chế phục “các yêu quái” trong miền rồi khai hoá họ, dạy họ trồng trọt, bắt đầu biết ăn mặc. Sau đó trở về biển cả và dặn lại rằng khi nào gặp nguy khó thì hãy lên tiếng và LLQ sẽ trở lại… Rất có thể Lạc Long Quân là hoàng tử xứ biển cả và Âu Cơ là một Mị Nương của vùng núi đồi. Khi Lạc Long Quân ra đi, Mị Nương ở lại và sinh hạ các vua Hùng. Người Việt Nam đời nối đời xem Lạc Long Quân và Âu Cơ là tổ tiên của mình.

Taylor viết tiếp: Huyền thoại bao quanh câu chuyện Lạc Long Quân và Hùng Vương ngụ ý về một nền văn hoá từ đất liền hướng ra phía biển. LLQ là nhân vật văn hoá mang nền văn minh đến từ biển. Nhân vật này chạm trán với quyền lực từ đất liền, liên kết với đối thủ ấy bằng một cuộc hôn nhân và cuối cùng kẻ vốn là đối thủ trở thành mẹ của người thừa kế mình. Chủ đề về nhân vật văn hoá bản địa có cách ứng xử để vô hiệu hoá sự đe doạ từ phương bắc bằng cách dung hợp cội nguồn chính thống của nền văn minh ấy cũng phù hợp với mối quan hệ lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc (K.W.Taylor, 1977, tr.1).

3. Thái độ ứng xử ngôn ngữ của người Việt

3.1. Không giống như một số quốc gia hoặc dân tộc khác, thái độ ứng xử ngôn ngữ của các thế hệ người Việt không bị ảnh hưởng của chính sách do bộ máy cai trị của thế lực chiếm đóng ngoại bang hoặc tâm lí dân tộc cực đoan. Ngược lại, theo ý chúng tôi, thái độ ứng xử đó được chi phối bởi tiềm thức về nhu cầu giao tiếp xã hội. Tiềm thức này ngày càng tăng do thực tiễn giao tiếp xã hội cho thấy giá trị đích thực của các yếu tố gốc Hán, nói chung là tiếng Hán, chứ không phải do sự áp đặt, ép buộc từ một chính sách của lực lượng chiếm đóng.

3.2. Ứng xử ngôn ngữ đầu tiên của người Việt được quy định, có thể nói, một cách khách quan bởi nhu cầu giao tiếp với lớp người Hán di cư vào đất Việt. Trong Sự ra đời của Việt Nam, K.W. Taylor tỏ ra khách quan khi có nhận xét đại ý: Không phải tất cả người Hán di cư đến miền đất Âu Lạc trước đây đều thuộc tầng lớp quan quyền. Nhiều di dân là lính tráng (ở lại sau khi mãn hạn lính), những người lao động bình thường, những người thợ có tay nghề. Tầng lớp di dân ở vị trí xã hội thấp này có xu hướng kết nhập với giới xã hội người Hán còn ở lại làm ăn sinh sống sau cuộc hành quân Mã Viện. Nhiều người Hán di cư có xu hướng kết hợp giá trị Hán chính thống của họ với các đặc điểm xã hội tại chỗ. Điều này được thể hiện trên thực tế bằng các cuộc hôn nhân hỗn hợp và các hoạt động của người Hán di cư với tư cách đại diện cho cộng đồng từng khu vực trong các cuộc khởi nghĩa địa phương nổ ra vào thế kỉ thứ hai.

Hoàn toàn có lí khi cho rằng người Hán di cư dần dần trở thành các thành viên thuộc xã hội tại chỗ. Họ gầy dựng cuộc sống của riêng mình theo mô thức văn hoá Hán. Họ mang đến Việt Nam vốn từ ngữ và kĩ thuật Hán, nhưng họ phát triển tất cả theo quan điểm riêng, dựa rất nhiều vào di sản thuộc miền đất họ đến sinh sống. Tiếng Việt tiếp tục tồn tại, và lẽ đương nhiên là sau một vài thế hệ, con cháu người Hán di cư nói tiếng Việt, dùng tiếng Việt trong giao tiếp. Xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, có thể nói, hầu như tách biệt hoàn toàn với văn minh Hán, và xã hội Hán–Việt tồn tại như một chi thể của thế giới văn hoá tự trị. Người Hán di cư trải qua quá trình “Việt Nam hoá” một cách có hiệu quả hơn (more effectively) là người Việt Nam bị Hán hoá (John DeFrancis, p.53).

Về phần mình, ngoài sự giao tiếp và quy hợp ở các tầng lớp dưới của xã hội, một số nhân vật ở tầng lớp trên do yêu cầu của hoàn cảnh hoặc chức trách, cũng có thể do chủ động, tiếp xúc ngày càng sâu bền hơn với ngôn ngữ, văn tự và nói chung là văn hoá Hán. Đó là khi các Thái thú Hán, bắt đầu từ Sĩ Nhiếp, cho mở trường dạy học. Đầu tiên người học ở các trường này chủ yếu là con em quan chức Hán, kế đó trường cũng dần dần thu nhận thêm viên chức Việt; và cuối cùng con em các gia đình Việt khá giả cũng được đến học. Từ cơ hội ấy mà dần dần hình thành tầng lớp trí thức Việt xuất thân từ Hán học, trong số này đã có những nhân tài xuất hiện. Và “Như thế nhân tài nước Việt cũng được tuyển dụng như người Hán, mở đầu là Lí Cầm, Lí Tiến” (Dẫn theo bản dịch tiếng Việt: Đại Việt sử kí toàn thư, Hà Nội, 1983, tr.182)(5).

3.3. Sau thời Bắc thuộc, sang giai đoạn tự chủ xây dựng chế độ vương quyền của mình, các triều đại phong kiến Việt Nam dùng tiếng Hán–Việt, chữ Hán như ngôn ngữ và văn tự văn hoá đương nhiên của Việt Nam. Dấu chỉ của thực tế đó là những văn kiện chính thức hoặc huyền thoại, cắm mốc cho các sự kiện lịch sử, đều bằng tiếng Hán–Việt và ghi lại bằng chữ Hán: Chiếu dời đô của Lí Thái Tổ, bài thơ thần Nam quốc sơn hà vang vọng trên bờ sông Như Nguyệt, Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, và Bình Ngô đại cáo vàQuân trung từ mệnh tập dưới ngòi bút của Nguyễn Trãi thời Lê. Trong lĩnh vực phục hưng nền văn hoá dân tộc tiếng Hán–Việt và chữ Hán là công cụ để ông cha ta thời Lí – Trần xây dựng cả một gia tài văn học chữ Hán đồ sộ. Nền giáo dục cổ điển Việt Nam bắt đầu từ triều Lí (1076) cũng được xây dựng theo mô hình Nho học, ngôn ngữ dùng trong giáo dục cũng là tiếng Hán–Việt và chữ Hán. Các học quan, thày dạy đều xuất thân từ Hán học. Nền giáo dục này góp phần chủ yếu đào tạo nên các thế hệ trí thức hoạt động trên mọi lĩnh vực của đời sống một quốc gia độc lập thời phong kiến Việt Nam tồn tại mãi đến triều Nguyễn.

Nếu khảo sát hệ thống từ ngữ dùng trong quá trình xây dựng chế độ phong kiến Việt Nam – từ tên gọi các cơ chế tổ chức, hệ thống quan chức, hệ thống luật pháp v.v. – ta có thể thấy số từ ngữ Hán–Việt chiếm phần lớn. Đó cũng là tình hình trong lĩnh vực khoa học quân sự, lĩnh vực kinh tế và nhiều ngành khoa học xã hội khác. Nói tóm lại trong giai đoạn này tiếng Hán và chữ Hán là ngôn ngữ và văn tự của nền hành chánh và của giới trí thức Việt Nam giống như tiếng Hi lạp và La tinh đối với xã hội Châu Âu thời kì tiền hiện đại. Trong quá trình đó người Việt Nam vừa sử dụng vừa chọn lọc từ vốn từ ngữ vay mượn ấy để làm phong phú cho ngôn ngữ và văn hoá của mình.

3.4. Một trong những biểu hiện thành công của quá trình tiếp biến văn hoá và TXNN Việt–Hán là sự xây dựng chữ Nôm Việt Nam (khoảng thế kỉ 13). Từ thành công đó một nền văn học Hán–Nôm ra đời tiếp tục giai đoạn văn học cổ điển sáng tác chỉ bằng tiếng Hán–Việt và chữ Hán. Các nhà văn hoá Việt Nam xuất thân từ Hán học là tác gia lớn, vừa có tác phẩm bằng tiếng Hán–Việt, chữ Hán, vừa sáng tạo những kiệt tác bằng tiếng Việt và chữ Nôm như Nguyễn Trãi, Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu... Họ cùng với đông đảo tác giả khuyết danh của các truyện thơ Nôm làm phong phú cho kho tàng văn chương chữ Nôm, góp phần chung vào dòng văn học Hán–Nôm xuất hiện từ thế kỉ 15 trở đi. Hiện tượng văn hoá ấy là một bước phát triển mới của thái độ ứng xử ngôn ngữ đúng đắn ở người Việt Nam.

3.5. Có chữ Nôm, rồi chữ Quốc ngữ được chế tác và được điển chế hoá dần bằng các từ điển, sách ngữ pháp(6), số người biết chữ Quốc ngữ ngày càng tăng, đầu tiên là trong giáo dân, trong nhà thờ công giáo. Tiếp đến là các viên chức trong bộ máy của chính quyền thuộc địa. Từ đầu thế kỉ 20 chính quyền thuộc địa có quyết định bãi bỏ nền giáo dục cựu học. Hệ thống giáo dục tân học, tức theo mô hình hiện đại Tây phương được thiết lập từng bước trên toàn cõi Việt Nam. Giới trí thức tân học Việt Nam lần lượt tăng lên về số lượng và chất lượng và dần dần chiếm ưu thế trong xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà đã có lời than:

Nào có ra gì cái chữ Nho
Ông nghè ông cống cũng nằm co...

Nhưng nhìn vào tầng sâu của văn hoá xã hội Việt Nam thì không phải như vậy. Những trí thức cựu học như Nguyễn Lộ Trạch, Trần Quý Cáp, Lương Văn Can, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh... vẫn là những đại thụ về mặt tinh thần trong xã hội. Chữ Hán, tiếng Hán vẫn tiếp tục được các vị ấy sử dụng để trước tác nhằm giáo dục tinh thần yêu nước của đồng bào (Hải ngoại huyết thư), bàn thảo về những điều làm cho dân giàu, nước mạnh (Thiên hạ đại thế luận), bảo vệ nền văn hoá dân tộc.

Trong quá trình tiếp nhận nền giáo dục theo kiểu mới để xây dựng nền khoa học kĩ thuật cho mình các trí thức tân học, cũng không phải vì thế mà bỏ quên vốn quý có nguồn gốc Hán. Tiêu biểu cho thái độ ứng xử ngôn ngữ này là cố GS. Hoàng Xuân Hãn với đề nghị của ông nên “lấy gốc chữ Nho” làm một trong ba “phương sách đặt danh từ khoa học”. Phương sách ấy hiện nay vẫn còn nguyên giá trị và trở thành một trong những quy tắc xây dựng thuật ngữ khoa học kĩ thuật đang phát triển rất nhanh chóng ở nước ta và khoa học kĩ thuật Việt Nam ngày càng tiếp cận nhiều với khoa học kĩ thuật qua các ngôn ngữ Ấn - Âu.

3.6. Về thái độ ứng xử ngôn ngữ của người Việt đối với các yếu tố gốc Hán, nhân vật văn hoá tiêu biểu nhất là chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta. Trên cơ sở của truyền thống văn hoá Hán học của gia đình, Người bước vào lịch sử hấp thụ thêm nguồn học vấn phương Tây, tích luỹ sự hiểu biết từ tinh hoa của nhiều dân tộc, nhiều đất nước trên bước đường hoạt động cách mạng. Dầu vậy, trong quá trình tiếp thu những bài học cách mạng từ Người, những lời giáo huấn của Người, và nhất là đọc các tác phẩm trong di sản của Người, chúng ta luôn luôn cảm nhận được qua vốn văn hoá đa dạng đó, tinh hoa văn hoá, tinh hoa ngôn ngữ Hán được Người tinh lọc, tiếp biến thành các giá trị Việt Nam. Trong tù Người viết Ngục trung nhật kí (Nhật kí trong tù). Người dùng danh ngôn, tục ngữ Hán khi trao đổi ý kiến với các bậc đại nho Việt Nam. Trong kháng chiến Người cũng đã có những bài thơ tuyệt tác viết bằng chữ Hán. Thái độ ứng xử ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các yếu tố gốc Hán là lĩnh vực có ý nghĩa khoa học lớn, vượt ngoài khuôn khổ bài viết nhỏ này và phải là một đề tài nghiên cứu riêng.

_____________

(5) Lí Cầm là người Giao Châu, đậu tiến sĩ, làm quan đến Tư lệ hiệu uý. Lí Tiến đậu tiến sĩ, là người Giao Chỉ đầu tiên giữ chức thứ sử năm 187 CN, dưới triều Hán.

(6) Cuốn Từ điển Việt–Bồ–La, có phần giới thiệu về cơ cấu tiếng Việt ở đầu sách do A.de Rhode biên soạn và ấn hành năm 1651 là công trình đầu tiên. Từ đó dần dần loại sách này ngày càng xuất hiện nhiều hơn để cung ứng cho nhu cầu học chữ Quốc ngữ, học tiếng Việt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. O.S. Akhmanova (1969). Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học (bằng tiếng Nga). Nxb Từ điển Bách khoa Xô viết Moskva.
  2. Paul Benedict (1996). Interphyla Flow in Southeast Asia, In Proceeding of the Forth. International Symposium on Languages and Linguistics. 8 - 10, 1996. Vol. V, pp.1579-1590.
  3. Bùi Khánh Thế (2000). Tiếp xúc ngôn ngữ Việt - Hán và hệ quả tích cực của quá trình đó đối với sự phát triển tiếng Việt. Kỉ yếu Hội thảo Việt–Trung.
  4. John DeFrancis (1977). Colonialism and Language Policy in Vietnam. Monton Publishers - The Hague, Paris. New York.
  5. John Gibbons (1992). Sociology of Language. In International Encyclopedia of Linguistics, Vol.4, pp.22-24, William Bright (Editor in Chief).
  6. Hứa Tuyên (1994). Sơ lược về việc sử dụng chữ Hán ở Việt Nam và Đông Á.
  7. V.N.Jarceva (chủ biên, 1990). Từ điển bách khoa về ngôn ngữ học (bằng tiếng Nga). Nxb Từ điển Bách khoa Xô Viết Moskva.
  8. Nguyễn Đình Đầu (1997). Công lao của G.S Hoàng Xuân Hãn trong quá trình xây dựng và hoàn chỉnh nền quốc học nước ta bằng chữ quốc ngữ và tiếng Việt. Trong Kỉ yếu Hội nghị khoa học: Chữ quốc ngữ và sự phát triển chức năng xã hội của tiếng Việt, tháng 3/1997, tr.174-184.
  9. Nguyễn Tài Cẩn (1998). Thử phân kì lịch sử 12 thế kỉ của tiếng Việt. Tạp chí Ngôn ngữ, số 6/1998, tr.7-12.
  10. Tập san khoa học, A.Annals of HCM University, số 1/1994.
  11. Keith Weller Taylor (1983). The Birth of Vietnam. University of California Press, Berkeley, Los Angeles - Oxford.
  12. Danny J.Whitfield (1976). Historical and Cultural Dictionary of Vietnam. The Scarecrow Press, Inc. Metuchen, N.J.

Nguồn: Tập san khoa học Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQG TP. Hồ Chí Minh), số 38 (2007), trang 3–10.

1.Trong tiếng Việt có một hiện tượng rất đáng quan tâm mà chúng tôi tạm gọi là “mượn âm”. Hiện tượng này diễn ra trong các từ ngữ hằng ngày và cả địa danh. Trước khi miêu tả hiện tượng xảy ra trong địa danh, chúng tôi đề cập đến một số trường hợp trong từ ngữ thông thường.  

Chúng tôi thống kê về sự phân bố họ của 805 người ở Nam Bộ và 1.136 người ở Bắc Bộ, thấy được phần nào tỉ lệ phân bố của các họ ở nước ta (chủ yếu là người Kinh). Trong số hơn 1.000 họ của người Việt, 13 họ sau đây chiếm số lượng nhiều hơn cả.

Hiện nay, nước ta có 5 tỉnh mang từ Quảng ở trước: Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Trong 5 tỉnh này, Quảng Ninh thành lập muộn nhất. Năm 1963, nhập hai tỉnh Quảng Yên và Hải Ninh thành tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay, tỉnh có 4 thành phố (Cẩm Phả, Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí), 2 thị xã (Đông Triều, Quảng Yên) và 8 huyện (Ba Chẻ, Bình Liêu, Cô Tô, Đầm Hà, Hải Hà, Hoành Bồ, Tiên Yên, Vân Đồn).

KS Phan Anh Dũng (Huế, Việt Nam)
Nguyễn Cung Thông (Melbourne, Úc)

Lịch sử hình thành tiếng Việt bao gồm nhiều giai đoạn đặc biệt, phản ánh giao lưu ngôn ngữ vùng cũng như lịch sử phát triển dân tộc qua nhiều thời kỳ: từ khi giành lại độc lập từ phương Bắc và khai phá vùng đất phương Nam (Nam Tiến). Phần này chú trọng vào phạm trù nghĩa của cụm danh từ "mực tàu" và khuynh hướng thay đổi nghĩa trong văn bản Hán, Nôm và chữ quốc ngữ hiện nay. 

Ngày 1-1-1882, chính quyền thực dân Pháp đã buộc người Việt ở Nam kỳ “phải dùng chữ quốc ngữ”. Nội dung quan trọng này nằm trong nghị định ra ngày 6-4-1878 “về việc dùng tiếng An Nam bằng mẫu tự Latin” do thống đốc Nam kỳ Lafont ký.

Nghị định trên ra đời sau 20 năm Pháp xâm chiếm nước ta và sau thế kỷ ra đời và phát triển của chữ Việt.

Thử tìm cách đối lại vế ra của cụ Nguyễn Khoa Vy: "Tết tới túng tiền tiêu, tính toán toan tìm tay tử tế"

CON GÀ TRỐNG ĐÃ RA THỦ ĐÔ ĂN TẾT
Từ khi công bố câu đối thách cách nửa thế kỷ của nhà thơ Nguyễn Khoa Vy, tòa soạn đã đi từ trạng thái hồi hộp, lo lắng đến… bối rối.
Con gà trống đã ra thủ đô ăn Tết

                          (Lê Trung Hoa, Kiến thức ngày nay, số 935, ngày 1-8-2016, tr. 16-17)

            Trong tiếng Việt có một số thành ngữ, tục ngữ có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, khiến nhiều người không hiểu đúng hoặc đôi khi xảy ra các cuộc tranh luận gay gắt.

  Tóm tắt

            Những đặc trưng ngôn ngữ-văn hóa của địa danh Nam Bộ

1.Tổng số địa danh Nam Bộ thu thập được 70.000 đơn vị. Những đặc trưng chính:

2.1.Tính hiện thực: Địa danh bắt nguồn từ: tên các nhân vật chính trị; tên các nhân vật văn hóa; tên các anh hùng, liệt sĩ; tên các nhân vật dân gian; tên các tổ chức, công trình lịch sử; tên các địa hình thiên nhiên.

Các từ của các dân tộc anh em phía Nam trong tiếng Việt

(Lê Trung Hoa, Kiến thức ngày nay, số 927, ngày 10-5-2016, tr. 9-10)

Dân tộc Kinh sống cộng cư với 53 dân tộc anh em trên mảnh đất hình chữ S qua hàng nghìn năm. Do điều kiện địa lý và lịch sử đặc biệt đó, dân tộc Kinh đã tiếp thu khá nhiều từ của các ngôn ngữ dân tộc anh em. Trong số các dân tộc này, hai dân tộc phía Nam có ngôn ngữ tiếp xúc nhiều với tiếng Việt là tiếng Chăm và tiếng Khơ-me.

             Nhà xuất bản Từ điển bách khoa vừa cho in một tuyển tập các công trình nghiên cứu của GS Nguyễn Lai – vốn được ông dùng như là bộ bài giảng cho sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).

1.Kiêng húy là một phong tục đã có từ lâu đời trong văn hóa Việt  Nam cũng như Trung Quốc. Kiêng húy là tránh nhắc đến tên những người đã chết, theo mê tín của người xưa, không bị những điều không hay xảy đến. Những tên của thần linh, vua chúa, ông bà, các bậc trưởng thượng,…đều không nên nói đến.

1. Trí não của con người, thông qua những trải nghiệm hoặc có tính cá nhân hoặc dựa vào hệ thống ý niệm của cộng đồng diễn ngôn, dung nạp, xử lý, lưu trữ, phục hồi và cả truy xuất tri thức không hoàn toàn thụ động mà có tính tương tác theo những phương thức tri nhận nhất định.

Thông tin truy cập

60798440
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
17941
24669
60798440

Thành viên trực tuyến

Đang có 273 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website