Tôi rất khâm phục ông thưa ông Boristo Nguyen, trong việc ông chuẩn bị rất bài bản bài viết này để hạ nhục tôi sát đất, bằng nhiều cách khôn khéo. Chẳng hạn ngay mở đầu ông đã trình ra mấy lời tôi “tự khoe khoang” làm độc giả mất cảm tình, mà mấy lời đó chỉ là phản ứng tức thời của tôi viết trên Facebook của ông Sơn Kiều Mai nhằm chống lại dụng tâm của ông Sơn Kiều Mai mượn miệng ông Nguyễn Văn Hoàn (không biết thật hay giả) nói những lời mạt sát tôi về tư cách nhà nghiên cứu. Tiếp đó ông trưng một cái hình mập mờ về bản khai lý lịch khoa học của tôi (nhưng lại cố tình ghi ở dưới là bút tích cụ Đào Phương Bình), để bạn đọc nhìn vào tưởng nhầm rằng mấy lời trên là ông trích từ lý lịch tự khai của cá nhân tôi, nhưng do cụ Đào Phương Bình sao chép (nghĩa là bảo đảm rất thật). Lắp hai mảnh ghép khác nhau lại như thế, nếu không phải là khôn khéo thì còn gì nữa, bởi những ai đã đọc vào bài ông đều đinh ninh rằng đấy là lời khai trong lý lịch, thì còn ai chịu đọc tiếp cái chú thích vắn tắt của ông ở dưới bài để hiểu cho được nguyên ủy vì sao tôi lại tự khoe mình với một người mà mình chưa bao giờ quen biết như ông Sơn Kiều Mai. Vâng, nếu quả tôi là con người kiêu căng, hợm hĩnh, thích huênh hoang trước mọi người kiểu ấy, thì ông làm như thế có thể nói là đạt rồi đấy. Tiếc thay tôi lại không phải là người như ông hình dung. Ông cứ tìm hiểu những ai từng quen biết tôi mà xem. Tôi nghĩ, nên xem xét người khác một cách cầu thị hơn và không định kiến, không cố ý tách câu này chữ nọ ra khỏi văn cảnh để đánh vào tâm lý người đọc, thì mới tìm ra sự thật, đó là điều cần cho con người nhân văn trong thế giới hôm nay.

Ông lại có đưa những lời của GS Nguyễn Đình Chú viết trên talawas nhiều năm trước để làm dẫn chứng tiếp về sự lúng túng chịu trận của tôi trước một chân lý khó chối cãi là cụ Nguyễn Đức Vân và cụ Đào Phương Bình là hai người khởi thảo bản dịch thơ văn Lý-Trần đầu tiên và tất nhiên đóng một vai trò đi đầu rất quan trọng trong bộ sách Thơ văn Lý-Trần. Tôi đã quyết không trả lời GS Chú ngay lúc ông ấy vừa đăng, dù rằng cô Phạm Thị Hoài và một số bạn bè đã rất muốn tôi trả lời. Xác nhận vị trí của hai dịch giả tiền bối thì đó là điều đã hiển nhiên trong cả 3 tập của bộ sách. Trong tập I, ngoài việc ghi tên hai cụ vào “nhóm biên soạn”, Lời nói đầu cũng viết những dòng rất đúng đắn về công lao của hai cụ mà GS Nguyễn Đình Chú đã trích dẫn. Trong Tập III, tuy không viết vào Lời dẫn (tức lời nói đầu) nhưng tên hai cụ vẫn được ghi theo trình tự a, b, c trong “nhóm biên soạn”. Còn trong Tập II Quyển Thượng, tên hai cụ được ghi ở trang nhất trong “nhóm dịch thơ” mà không ghi ở trang hai, “nhóm soạn thảo”, bởi khi Hội đồng duyệt bộ sách gồm 13 thành viên họp và bỏ phiếu, có một thành viên trong Viện phát biểu rằng đặt như thế không trang trọng và cũng không đúng với thực tế, vì hai cụ là thế hệ làm trước, ở bản thảo đầu tiên, nay đã là bản thảo làm đi làm lại đến lần thứ mấy rồi. Vì thế thay cho việc đó, Lời nói đầu Tập II Quyển Thượng đã viết rõ như sau:

“Cũng như đối với các tập I và III, ở [Tập II] Quyển [Thượng] này tập thể soạn giả vẫn tích cực kế thừa các bản tuyển dịch thơ văn Lý-Trần do các nhà Hán học, nhà nghiên cứu, nhà thơ, như ĐINH VĂN CHẤP, NGÔ TẤT TỐ, NGUYỄN ĐỔNG CHI, NGUYỄN HỮU TIẾN, NGUYỄN LỢI, NGUYỄN TRỌNG THUẬT… đã làm từ trước Cách mạng, cũng như hai cụ NGUYỄN ĐỨC VÂN và ĐÀO PHƯƠNG BÌNH đã làm vài chục năm nay. Và trong quá trình biên soạn, ở mọi khâu công việc lớn hay nhỏ, đều có sự giúp đỡ, cộng tác mật thiết của các cụ, các đồng chí Trần Lê Văn, Đào Duy Anh, Lê Tư Lành, Khương Hữu Dụng, Trần Nghĩa, Nguyễn Cẩm Thúy, Tảo Trang, Phan Đại Doãn, Lê Hữu Nhiệm, Nguyễn Văn Lãng, Hoàng Lê, Ngô Thế Long, Nguyễn Văn Phát… Xin ghi nhận ở đây tình cảm biết ơn chân thành của tập thể soạn giả và của Viện chúng tôi” (tr. 9).

 

Hình chụp trang 9, Tập II Quyển Thượng

Đọc đi đọc lại Lời nói đầu Tập II Quyển Thượng này, tôi thấy viết như thế là tương đối nghiêm chỉnh, đặt hai cụ vào giữa lớp dịch giả tiền bối và lớp hiện tại là xác đáng, và không chỉ coi trọng các bậc tiền bối và hai cụ mà cũng không bỏ sót bất cứ ai chúng tôi đã từng tham vấn dù chỉ một điển cố hay một chữ, kể cả với các bạn ở nhóm Lý-Trần 2 như Trần Nghĩa, hoặc các bạn trước ở trong cùng nhóm biên soạn với mình mà lúc này đã đi sang cơ quan khác. Tất nhiên khi GS Nguyễn Đình Chú có ý không hài lòng về tên nhạc phụ của ông không có trong những người soạn thảo thì tôi đã cân nhắc lại, nhận lỗi mình sơ suất và hứa rằng nếu tái bản tôi và anh chị em lại sẽ đưa tên hai cụ vào vị trí đó, mặc dù thật ra như trên cũng đã đủ.

Tôi biết trả lời chừng ấy ông Boristo vẫn không đời nào thỏa mãn, vì ông coi bộ sách là một “đại án văn chương của thế kỷ XX” kia. Sau việc hạ nhục tôi về nhân cách thì đây mới là mục tiêu chính của ông. Ông có ý đổ riệt cho tôi cái tội tiếm danh, xóa tên hai cụ đi để bộ sách nghiễm nhiên là sách của tôi. Ừ thì cứ cho là tôi có ý đồ như vậy, nhưng đây có phải sách của riêng tôi đâu. Chúng tôi là hai nhóm biên soạn Thơ văn Lý-Trần được đích thân Viện trưởng ký quyết định thành lập, nằm trong Tổ văn học Cổ cận đại lúc bấy giờ, nếu tôi xóa tên hai cụ đi để nổi danh một mình thì vẫn còn 12 người nữa, biết xóa làm sao được? Vì vậy, phải trở lại một chút lý do vì sao thay vì một việc nhẹ nhàng hơn là đưa ngay bản thảo của hai cụ ra xuất bản, Viện lại phải tổ chức ra hai nhóm Lý-Trần trong khoảng 1968-1970 làm gì cho thêm rắc rối (làm mệt lũ trẻ chúng tôi và vô tình lại sinh chuyện về sau). Muốn thế, thì cần trích tiếp một đoạn trong Lời nói đầu Tập I, tiếp theo đoạn mà GS Nguyễn Đình Chú đã trích, mới giúp sáng tỏ thêm ít nhiều. Đoạn đó như sau:    

“Đến năm 1965 thì việc sưu tập cũng như việc phiên dịch [của hai cụ] bước đầu đã hoàn thành. Nhưng cũng vào thời gian đó, giặc Mỹ gây chiến tranh phá hoại trên miền Bắc. Các thư viện lớn đều đi sơ tán. Bộ phận Hán học của Viện lúc này tập trung vào nhiệm vụ đào tạo một lớp cán bộ Hán học trẻ tuổi. Công tác biên soạn đành tạm thời gác lại. Phải đến cuối năm 1968, vấn đề thơ văn Lý-Trần mới lại được tiếp tục đề ra. Do yêu cầu mới của công tác nghiên cứu, lúc bấy giờ, Viện nhận thấy cần đặt lại một cách hệ thống và toàn diện hơn việc khai thác di sản văn học Lý-Trần, tiếp tục tìm tòi bổ sung những tài liệu mới, cũng như đối chiếu, tra cứu lại tất cả những văn bản trước đây đã tuyển lựa. Có thế mới hy vọng cung cấp cho bạn đọc một tập tài liệu không đến nỗi quá tản mạn, nghèo nàn”[HC nhấn mạnh].

“Từ yêu cầu nói trên, trong khoảng 1969-1970, hai nhóm biên soạn thơ văn Lý-Trần đã được thành lập. Nhóm 1 gồm các đồng chí Nguyễn Huệ Chi (nhóm trưởng), Đỗ Văn Hỷ, Trần Thị Băng Thanh, Hoàng Lê, Phạm Tú Châu, Ngô Thế Long, Nguyễn Văn Phát. Nhóm II gồm các đồng chí Trần Nghĩa (nhóm trưởng), Trần Lê Sáng, Tiên Sơn, Phạm Đức Duật, Đào Thái Tôn. Cả hai nhóm đã kế thừa bản thảo của các vị túc nho làm từ trước, khảo đính lại văn bản và phiên dịch tiếp những phần chưa dịch, đồng thời đi về các địa phương còn khả năng lưu trữ tài liệu Lý-Trần để tìm kiếm; nhờ đó đã kịp thời phát hiện được một số trường hợp sai dị hoặc lầm lẫn về tác giả tác phẩm vốn bắt nguồn trong các sách vở cũ, cũng như đã tìm thêm được ít nhiều văn bia, thư tín, thơ, phú có giá trị nằm lẫn lộn đó đây, chưa kịp sao chép, sưu tầm. Và cũng do vậy, bản thảo bộ sách lại phải kéo dài thêm một thời gian, cho đến hết năm 1974 mới tạm gọi là xong” (tr. 8).

Nói cho đúng, tập bản thảo này đã được Viện mời nhà thơ Nam Trân, Trưởng phòng Tư liệu và Thư viện, đứng ra chỉnh lý, nhưng ông chỉ mới dịch và sửa được hơn vài chục bài thì năm 1967 bị bạo bệnh qua đời. Lúc đầu GS Đặng Thai Mai quyết định chỉ thành lập một nhóm biên soạn thơ văn Lý-Trần do tôi làm nhóm trưởng. Tuy nhiên, sau hai năm đi điều tra điền dã cũng như tiến hành đọc sách trong Thư viện Khoa học, chúng tôi bị ngốt bởi một đống tư liệu quá bề bộn, thấy không thể nào kham nổi, bèn đề xuất lên Viện và được Viện trưởng cho lập thêm một nhóm thứ hai, nhận một phần bản thảo (Tập III) nhằm chia sẻ gánh nặng với chúng tôi. Mặt khác, nói là “năm 1974 mới tạm gọi là xong” nhưng trên thực tế thì năm đó chỉ mới xong Tập I (nhóm 1) và đưa duyệt được một phần Tập II và Tập III. Phải đến 1978 mới xong Tập III (nhóm 2), và mãi đến 1989 mới xong Tập II (nhóm 1). Và vì càng làm thì việc càng đẻ ra, văn bản càng phát hiện thêm nhiều nên lại nẩy sinh thêm một tập nữa, đành phải đổi Tập II thành Tập II Quyển Thượng để còn có tiếp Tập II Quyển Hạ. Mãi cho đến tận lúc tôi về hưu (2005) Quyển Hạ này mới duyệt trọn vẹn nhưng tôi đã kiên trì không cho in vì những mắc míu trong sắp xếp: có 21 bài thơ của Phạm Nhữ Dực (đều nằm chung trong Toàn Việt thi lục) không hiểu sao các cụ lại bỏ lại không dịch, lẽ ra đã phải đặt vào Tập III (in năm 1978). Có nhiều văn bia thời Lý và thịnh Trần nay mới phát hiện, lẽ ra đã phải đưa vào Tập I (in năm 1977) và Tập II Quyển Thượng (in năm 1989). Có tác giả Nguyễn Trung Ngạn với Giới Hiên thi tập phải loại bỏ đi hơn một phần ba vì đều là thơ của thế kỷ XVIII lẫn vào, phần còn lại cũng thuộc về Tập II Quyển Thượng. Có những tác giả như Trần Ích Tắc, Lê Trắc đều là “tội đồ của xã tắc” có nên đưa vào không, đưa thế nào cho thỏa đáng, mà chắc chắn cũng phải đặt vào Tập II Quyển Thượng vì họ sống cùng thời với thế hệ kháng Nguyên. Vân vân… Nếu nay cứ dồn tất cả vào Tập II Quyển Hạ thì trình tự khoa học bị phá vỡ mất còn gì.

Hãy đặt một vài câu hỏi để ông Boristo rõ: Ví thử cả hai nhóm biên soạn được thừa kế sẵn một tập bản thảo đã thật hoàn chỉnh thì công việc đâu phải kéo ra lâu như đã thấy, nhiều lắm in xong toàn bộ cũng chỉ một hai năm là cùng. Và nếu định tiếm danh thì làm theo cách in mau có ngay sản phẩm có khỏe hơn mà danh cũng dễ kiếm hơn không? Đằng này mỗi tập phải kéo dài trên dưới 10 năm, riêng nhóm chúng tôi thì kéo cho đến hết cuộc đời nghiên cứu, như thế là khổ nạn chứ danh đâu ở đó?

Mượn ý GS Chú, ông Boris Nguyen cho rằng với cái vốn 3 năm Trung văn tôi làm gì dịch được chữ Hán nếu không thừa hưởng thành quả của các cụ. Xin thưa, thừa kế những gì các cụ để lại là việc không có gì phải xấu hổ mà chối bỏ, nhưng nói rằng tôi chỉ có cái vốn 3 năm Trung văn thì nhầm. Tôi không trả lời GS Chú cũng vì nghĩ việc trả lời là thừa. Khi vào Khoa Ngữ văn ĐHTH năm 1956 tôi đã được học chuyên Trung văn suốt 3 năm. Tôi còn được học chữ Hán với thân phụ mình ở nhà. Vì thế vừa về Viện tôi đã được ông Trần Thanh Mại là Tổ trưởng giao cho đi sưu tầm và chép lại toàn bộ tài liệu chữ Hán về Nguyễn Trãi trong Thư viện Khoa học để nhờ cụ Nguyễn Văn Huyến dịch, sau đó biên soạn cuốn Mấy vấn đề về sự nghiệp và thơ văn Nguyễn Trãi xuất bản năm 1963, có phần so sánh giữa Việt sử thông giám cương mụcĐại Việt sử ký toàn thư (cuốn sau bấy giờ chưa dịch) của tôi. Sau khi tốt nghiệp thêm Đại học Hán học 4 năm (1972) chúng tôi đều đọc và dịch được chữ Hán cổ, tất nhiên là còn phải học hỏi rất nhiều mới mong theo chân các cụ.

Bây giờ xin nói vào vấn đề then chốt nhất mà ông Boristo Nguyen mong đợi: lại cũng cứ coi như tôi cố tình xóa tên các cụ để thay tên mình vào các bài thơ các cụ dịch, nếu đúng thế thì tôi dám nhận ngay. Khốn nỗi tôi lại là người kỹ tính đến độ một bài thơ do mình dịch ra bao giờ cũng nâng lên đặt xuống, xóa đi dịch lại nhiều lần. Phải hơi kỳ khu trong dùng chữ, phải hiện đại một chút trong biểu đạt mới chịu. Ông biết đấy, chỉ một việc dịch thơ đã làm khổ tôi đến thế thì đi nhận xằng những bài dịch mộc mạc chân chất của người sẽ còn khổ tôi đến thế nào(2). Huống nữa bộ sách là một công trình tập thể, lại do hai nhóm khác nhau phụ trách, chẳng lẽ tôi làm việc “chiếm đoạt” mà các bạn đồng nghiệp không biết, hay là các bạn đồng nghiệp của tôi cũng đều ngấm ngầm thông đồng với tôi? Cấu trúc Tập I chủ yếu là do chúng tôi dựng lên chứ các cụ không có thêm các triều đại trước đời Lý, nên hãy tạm để sau. Cụ thể ở Tập II Quyển Thượng, không nói những bài thơ đứng riêng, tôi chủ yếu nhận dịch tác phẩm Thượng sĩ ngữ lục chung với anh Đỗ Văn Hỷ, thì tác phẩm này bấy giờ các cụ đều chưa biết hoặc chưa coi trọng, bởi tác giả Trần Tung chưa ai biết tên. Cho nên chỉ có 4 bài thơ dịch của cụ Đào Phương Bình mà cụ tưởng đó là của Trần Quốc Tảng nên chỉ chọn có thế – là những bài thiên về cảm hứng nhàn của một nhà nho ảnh hưởng Lão Trang chứ không có một bài nào dịch phần thơ Thiền cả. Còn những cuốn danh tiếng hơn như Khóa hư lục, gồm 58 bài văn xen với thơ, thì tôi mời anh Đỗ Văn Hỷ và chị Trần Thị Băng Thanh đảm nhiệm. Nay nhìn vào thì thấy cụ Nguyễn Đức Vân có 6 bài dịch, cụ Đào Phương Bình 3 bài (trong đó có 1 bài gồm 4 bài gộp chung lại dưới một tiêu đề), ông Lê Hữu Nhiệm 3 bài (trong đó cũng có 1 bài gồm 40 bài tứ tuyệt gộp lại dưới một tiêu đề, dịch chung với Băng Thanh), Thiều Chửu 3 bài lấy từ bản dịch cũ, tôi dịch 1 bài và 1 bài dịch chung với Đỗ Văn Hỷ, còn lại đều là bản dịch của hai bạn Hỷ và Băng Thanh. Lại nữa, anh Hỷ là người có vốn Hán học uyên thâm nhất trong anh em, nên tôi mời anh dịch những tác phẩm dài và khó như văn bia. Soát kỹ lại phần văn bia khá phong phú ở cả hai tập thì thấy cụ Nguyễn Đức Vân chỉ dịch một bài văn bia Linh Xứng ca ngợi công lao Lý Thường Kiệt (mà anh Hỷ có xin chỉnh sửa lại cả văn và ý), là bài văn đã được GS Hoàng Xuân Hãn ca ngợi trong sách của ông; số còn lại phần lớn đều do anh Hỷ dịch. Tôi không tin có chuyện cụ Vân vốn dịch nhiều bài hơn mà anh Hỷ và chị Băng Thanh đã tự ý đoạt lấy rồi thay bằng tên của hai người. Chỉ có thể giải đáp là các cụ đã tuyển chọn khá ít văn học Phật giáo và rất ít văn bia. Các cụ không có điều kiện đi về địa phương để đọc văn bia. Còn chúng tôi thì đã về tận nơi có bia để dập bia và mang về dịch trực tiếp. Nhìn sang Tập III do nhóm anh Trần Nghĩa phụ trách cũng vậy. Cuốn Nam Ông mộng lục gồm 30 truyện, không thấy cụ Vân dịch bài nào mà chỉ một mình tên ký của anh Nghĩa. Anh Nghĩa đã làm cái việc soán danh chăng? Tôi tin chắc là không. Bởi vì cuốn Nguyễn Phi Khanh thi văn cũng trong tập ấy, tuyệt đại đa số do cụ Bình dịch, vẫn giữ nguyên tên dịch giả Đào Phương Bình.

Bên Tập III còn có một hiện tượng rất đáng chú ý: trong 415 đơn vị tác phẩm, thì có đến 145 đơn vị chỉ có dịch nghĩa, không có dịch thơ. Cụ Nguyễn Đức Vân dịch 26 bài ½ và cụ Đào Phương Bình dịch 86 bài ½ (chỉ những bài hai cụ ký tên chung mới tính mỗi cụ một nửa), cộng lại cũng chỉ mới có 113 bài thơ thôi. Nhóm dịch đã cố gắng dịch thêm và tìm kiếm thêm bản dịch cũ hoặc mời một vài người cùng dịch nhưng cũng chỉ thêm được 162 bài. Rõ ràng 145 bài để trống tức là 35% đơn vị tác phẩm của Tập III đã không có ai dịch ra thơ, tính từ thời các cụ cho đến thời anh em trẻ tiếp tục công việc. Nay nếu bỏ con số 162 bài thơ dịch của những người biên soạn sau ra ngoài, thì cái tỷ lệ không dịch thơ trong bản thảo của hai cụ tăng lên suýt soát 80%. Điều đó cho phép xác nhận ý kiến của tôi – mà ông Boristo Nguyen khăng khăng bác bỏ – là hoàn toàn có cơ sở: trong bản dịch thơ văn Lý-Trần do các cụ để lại, các cụ chú trọng dịch nghĩa là chính mà không dồn tâm sức nhiều vào dịch thơ. Các cụ chú trọng chọn thơ văn nhà nho qua các bộ tuyển tập theo con mắt Nho gia ở thế kỷ XV và thế kỷ XVIII (Toàn Việt thi lục), chứ không lưu ý mấy đến văn học phi Nho. Các cụ chỉ khoanh trong hai triều Lý và Trần, ngay thơ văn hai triều ấy, các cụ cũng làm tuyển mà không làm toàn bộ.

Trở lại Tập I và Tập II Quyển Thượng do tôi phụ trách. Sở dĩ bạn đọc không thấy để trống bài nào không dịch thơ hoặc văn biền ngẫu, không phải vì các cụ đã dịch hết những bài này mà chúng tôi cố tình chiếm lấy, mà chỉ đơn giản vì chúng tôi không chịu để bài nào trống. Chúng tôi cố gắng dịch và chỉnh sửa cho nhau để bài dịch đáp ứng được yêu cầu khắt khe mà chủ biên đòi hỏi. Chúng tôi còn tìm trong các dịch giả quá khứ, ai đã dịch được bài nào hay thì đều chọn lại. Như Ngô Tất Tố chọn 22 bài, Đinh Văn Chấp 7 bài, Cao Huy Giu 31 bài, Đồ Nam Tử 3 bài, Trần Trọng Kim 3 bài, Hoàng Xuân Hãn 2 bài, Đông Châu 1 bài, Trúc Thiên 8 bài, Nguyễn Đổng Chi 13 bài ½, Nguyễn Lợi 5 bài, Nhóm Lê Quý Đôn 6 bài, Phan Võ 3 bài, Hoa Bằng 3 bài, Trần Văn Giáp 2 bài, Lê Thước 1 bài, Đào Duy Anh 1 bài, Phạm Trọng Điềm 1 bài, Lê Tư Lành 1 bài, Hải Thạch 1 bài, Khương Hữu Dụng 1 bài, Bùi Văn Nguyên 1 bài, Trần Quốc Vượng 4 bài, Đinh Gia Khánh và Nguyễn Ngọc San 1 bài, Kiều Thu Hoạch 3 bài... Ngoài ra chúng tôi còn mời năm người là nhà thơ Trần Lê Văn dịch 23 bài, nhà thơ Hoàng Trung Thông 3 bài, nhà nho Lê Hữu Nhiệm 26 bài ½ , Trần Nghĩa 7 bài, Nguyễn Văn Lãng 2 bài. Lại thêm nhà thơ Nam Trân đã dịch 13 bài và sửa 9 bài, cả cụ Cao Xuân Huy trong khi duyệt cũng đã thuận tay chỉnh sửa và dịch lại 3 bài. Nhờ thế hai tập I và II trám được hết những bài chỉ có phần dịch nghĩa. Thử hỏi nếu các cụ Vân (dịch 20 bài) và Bình (dịch 37 bài) dịch được nhiều hơn con số ấy và đều là tuyệt phẩm cả, thì chúng tôi còn cần phải chọn thêm ở các dịch giả quá khứ và mời thêm người dịch hiện đại với số lượng bài dịch lớn như vậy làm gì? Phàm ăn cắp thì lo nuốt cho trôi chứ cần gì bày mâm bát.

Bổ sung cho điều vừa nói, một việc cuối cùng cũng cần nhắc cho phân minh và nhẹ lòng: GS Nguyễn Đình Chú trong bài viết trên talawas đã nhắc ở trên(3) cho rằng tôi có sửa lại và ký thêm tên vào một bài dịch của cụ Vân (đặt tên mình sau tên của cụ) là không làm cho bài đó hay hơn mà lại làm bài thơ dịch “hụt ý”. Bài của cụ dịch:

Muôn duyên cắt đứt một thân nhàn, 

                                  Bốn chục năm dư những hão huyền.

                                  Nhắn nhủ người đời xin chớ hỏi,

                                  Bên kia trăng gió ấy vô biên.

 Nguyễn Ðức Vân dịch

 

Bài tôi sửa lại:

Một thân nhàn nhã dứt muôn duyên,

                                 Hơn bốn mươi năm những hão huyền. 

                                 Nhắn bảo các người đừng gạn hỏi, 

                                 Bên kia trăng gió rộng vô biên.

 Nguyễn Ðức Vân và Nguyễn Huệ Chi dịch

 

GS Nguyễn Đình Chú bình: “Tôi chỉ nói qua thế này: pha chế lại như thế không thêm gì mà còn hụt đi đấy. Ở câu 3 làm mất cái nhã của lời thơ. Ở câu 4, đã "vô biên" thì sao lại còn phải "rộng". Trong khi "ấy vô biên" mới gây được ấn tượng đậm về sự vô biên, sự mênh mông chứ”. Vâng, tôi xin lắng nghe. Với tôi, sở dĩ phải chữa là vì bài dịch không đồng vần nên âm điệu câu thơ chưa nhịp nhàng lắm. Nguyên tắc căn bản mà tôi tuân thủ là chỗ ấy. Nhưng điều tôi muốn nói đến ở đây là: GS Chú chỉ mới tìm thấy bản thảo lần thứ nhất mà tôi chỉnh lý. Khi xem vào sách in (in 1989, trước bài viết của GS Chú 19 năm)(3), có một điều khác lạ đã xảy ra. Ở trang 648 Tập II Quyển Thượng, sách in như sau:

                                 Một thân nhàn nhã dứt muôn duyên,

                                 Hơn bốn mươi năm những hão huyền. 

                                 Nhắn bảo các người đừng gạn hỏi, 

                                 Bên kia trăng gió rộng vô biên.

                                                                 Theo Nguyễn Ðức Vân

Bản dịch đã chỉnh lý thì không khác. Chỉ khác là… cái tên Nguyễn Huệ Chi đã bị xóa đi, chỉ còn lại một mình tên Nguyễn Đức Vân. Trong khi dịch thơ văn Lý-Trần, chúng tôi thường chữa cho nhau hay chữa lại người khác theo đề nghị của người duyệt, có khi ký thêm tên mình bên cạnh cho có trách nhiệm. Điều ấy là bình thường. Nhưng với cụ Nguyễn Đức Vân, sau khi cân nhắc, tôi đã không ký thêm tên mình. Tôi tôn trọng cụ. Trong các bài dịch của cả hai cụ, tôi có thể có chỉnh sửa chút ít ở bài này bài khác, nhưng cũng không ghi thêm tên mình ở một bài nào cả. Thêm một minh chứng nữa cho thấy, việc gán cho tôi ý đồ xóa tên cụ đi để cho mình nổi danh là điều phi lý.

Hình chụp trang 648, Tập II Quyển Thượng

Ngẫm nghĩ lại, tôi có một cái lỗi rất nặng đối với hai cụ, đó là tôi đã không giữ lại được bản thảo chép tay của hai cụ (đúng hơn là bản do cụ Bình chép lại, có một phần nhỏ hình như chưa kịp chép, còn nguyên chữ cụ Vân) do anh Nguyễn Văn Hoàn trao cho trước mặt GS Viện trưởng vào cuối tháng 11-1968. Thời đó nhìn chung đều như vậy, máy photocopy còn rất lâu mới du nhập, chúng tôi lại trẻ người non dạ, bảo làm thì cắm đầu làm. Nhận cả tập giấy đen dày xong đem phân chia cho mọi thành viên trong nhóm, anh em cứ thế đem đi tra cứu, đối chiếu, viết thêm, gạch xóa vào chi chít, rồi về sau khi viết tinh lại (và viết đi viết lại nhiều lần) thì loại bỏ mất bản gốc. Cả nhóm tôi và nhóm anh Trần Nghĩa đều có chung tình trạng đó. Cầu mong hai cụ nơi suối vàng tha thứ cho những ấu trĩ không thể tránh của tất cả anh em chúng tôi.

Tôi nghĩ mình vẫn chưa nói hết, mà nói làm sao hết được, nhưng thế cũng tạm xong. Xin trình ông Boristo Nguyen cùng bạn đọc xa gần.

26-6-2018

 

N.H.C.

 

___________

 

 (1) Nhân đọc bài Thơ văn Lý - Trần – Nghĩ về “tư cách trí thức” (1) của GS. Nguyễn Huệ Chi trên tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh số 502. Đường link mạng của bài báo: http://tuanbaovannghetphcm.vn/tho-van-ly-tran-nghi-ve-tu-cach-tri-thuc-cua-gs-nguyen-hue-chi-so-502/

(2) Tôi có mượn một vài đoạn câu hoặc chữ ở 1-2 bài dịch của Trúc Thiên, là những cụm từ ngữ rất đắt, khó lòng thay thế cách dịch khác cho hay hơn.

(3)(4) Bài của Nguyễn Đình Chú trên talawas công bố năm 2008 (xin xem:  http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=14539&rb=0202), sau khi đã in Tập II Quyển Thượng (1989) mười chín năm. Tức là việc xóa bỏ tên Nguyễn Huệ Chi như một đồng dịch giả với cụ Nguyễn Đức Vân, là do chính tôi chủ động ngay từ lúc in Tập II Quyển Thượng Thơ văn Lý-Trần, chứ không phải như một sự sửa chữa sau khi bị GS Chú phê phán.

Nguồn:  http://www.viet-studies.net/NguyenHueChi_vs_Boristo.html

Thơ văn Lý – Trần là bộ sách đồ sộ gồm 3 tập: tập 1 (1977), tập 2 quyển thượng (1988), tập 3 (1978), dày 2.419 trang, bao gồm 914 đơn vị văn bản. Đây là bộ tuyển tập thơ văn Việt Nam tính từ khi Ngô Quyền dựng nước (938) cho đến sát trước khi Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh (1418), trải qua 5 thế kỉ, 7 triều đại: Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Trần.

Thơ văn Lý – Trần là một công trình nổi tiếng của ngành nghiên cứu văn học và theo như lời của GS. Nguyễn Huệ Chi trong video trả lời phỏng vấn của Văn Việt, “là một trong những công trình nghiên cứu khoa học hàng đầu của Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(2). Bộ sách là một công trình tập thể, có sự đóng góp của nhiều người nhưng với tư cách là người chủ chốt, có công lao chính, Thơ văn Lý – Trần đã đem lại danh tiếng cho vị giáo sư này. Nguyễn Huệ Chi được đánh giá cao không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài. Đây là những “tiết lộ” của ông:

“Xin được tiết lộ thêm, trong suốt thời gian làm bộ sách, tôi được cả Viện đánh giá rất cao, là Chiến sĩ thi đua toàn UBKHXH trong rất nhiều năm (Viện Văn học chỉ có mình tôi), sau khi Tập I in ra lại được Công đoàn toàn ngành Khoa học xã hội biểu dương là một công trình khoa học nổi bật, bắt phải đi trao đổi kinh nghiệm đây đó, rồi lại được Chi bộ nhất trí kết nạp vào Đảng”, “Sau này, khi bộ sách đã in ra và nổi tiếng, tôi chịu nhiều hệ lụy về sự nổi tiếng ấy…” (3).


Phụ lục ảnh: Bút tích cụ Đào Phương Bình, người cùng cụ Nguyễn Đức Vân biên soạn 
bộ Thơ văn Lý – Trần từ 1960 đến 1967, tư liệu do Kiều Mai Sơn cung cấp.

Nhưng thực sự là thế nào? Có việc khuất tất hay tranh cướp kết quả, công sức lao động của người khác trong Thơ văn Lý – Trần? Thậm chí có người còn nói “Vụ Thơ văn Lý – Trần, có thể coi là đại án văn chương của thế kỉ XX, trong đấy nhân vật chính là GS. Huệ Chi!”.

Đây là lời của GS. Nguyễn Văn Hoàn kể cho nhà báo Kiều Mai Sơn, ngày 20-4-2014:

“Còn bộ Thơ văn Lý – Trần thì nhiều người làm. Sau này ông Huệ Chi có hơi lạm dụng công của mình ở trong đó. Ví dụ như những bài nghiên cứu đầu thì những ý chính và chỉ đạo là Huệ Chi chịu khó nghe và ghi chép của cụ Đặng Thai Mai với cụ Vân rồi viết thành bài. Rồi việc dịch thì chính tay tôi đưa cho nhóm Huệ Chi mà làm chưa xong thì trong đó nhiều cụ làm lắm. Sau khi Huệ Chi trình bản thảo lên để đưa in thì những bản gốc cậu hủy đi. Cái này tôi không nắm vững cụ Vân dịch bao nhiêu bài, cụ Đào Phương Bình dịch bao nhiêu bài nhưng công dịch phải nói đến 2 người, nếu hai người đó không dịch thì cũng tổ chức đưa những cụ khác dịch. Trong Thơ văn Lý – Trần quyển 1, 2 quyển sau này Trần Nghĩa làm nhiều. Còn quyển đầu cụ Vân cụ Bình làm nhiều. Sau dần dần biến thành cuốn của Huệ Chi. Thành ra Việt kiều bên Pháp cứ coi trọng Huệ Chi, coi như là nhà Hán học… Chuyện đấy cũng khó làm chi li mà cũng chả cần làm chi li. Sau đó ông Chú có cãi cọ và viết thành bài trên mạng…” (3).

Tôi được nghe không ít người kể về việc Nguyễn Huệ Chi lèm nhèm, cướp công của cụ Nguyễn Đức Vân trong bộ sách Thơ văn Lý – Trần. Tuy nhiên, tôi sẽ không sử dụng những câu chuyện qua lại đó mà chỉ sử dụng thuần túy logic và những tài liệu đã được công bố, những bằng cứ có trong tay để minh chứng cho những phát biểu của mình. Những nguồn thông tin không chính thức, những trao đổi qua lại mang tính riêng tư giữa Nguyễn Huệ Chi và người khác mà có người cóp lại cho cũng sẽ không được sử dụng tại đây.

Bộ tuyển tập đồ sộ này có 914 đơn vị tác phẩm (tập I: 136 đơn vị; tập II, quyển thượng gồm 363 đơn vị; tập III: 415 đơn vị)(4). Cụ Nguyễn Đức Vân (1900-1974) ngày còn sống có kể cho con cháu phần cụ đã làm được 600 đơn vị văn bản, tức cỡ 600/914=65,6% số đơn vị văn bản. Tuy nhiên, trong bộ sách 3 tập in ra này “phần cụ Vân chỉ là 34 đơn vị rưỡi trong đó tập I là 9 rưỡi trên 136, tập II (Quyển thượng) là 6 trên 363, tập III là 19 trên 415. Trong 3 tập, hai tập I và III in trước thì còn có tên cụ Vân trong nhóm biên soạn. Nhưng đến tập II (Quyển thượng) in sau vào năm 1988 (lúc này cụ Vân đã qua đời 14 năm) thì không còn tên trong nhóm biên soạn nữa” (4). Như vậy, từ 65,6% phần cụ Nguyễn Đức Vân chỉ còn lại 3,77%! Bạn có thấy sự chênh lệch đó là không bình thường?

Cụ Nguyễn Đức Vân là người hiền lành đức độ và rất khiêm nhường. Đây là những trích đoạn trong bài “Nguyễn Đức Vân: một người xứ Nghệ” của GS. Nguyễn Đình Chú, con rể cụ Vân:

“Học giả Đặng Thai Mai, sư phụ của tôi, đã nói với tôi: “Ông Vân của chú là người trung hậu, làm việc nghiêm túc và giỏi”. Còn học giả Cao Xuân Huy (hồi ở cùng nhà với tôi) thì cũng hai lần nói với tôi: “Anh có một nhạc phụ tuyệt vời”. Chẳng bằng cấp gì cả mà xem ra cử tú cũng khó bằng” (4).

“Bấy giờ, có nhóm dịch thuật Hồng Lâu Mộng do cụ Phó bảng Bùi Kỷ làm trưởng nhóm, nhưng vừa khởi công chút ít thì cụ Bùi Kỷ qua đời. Công việc do đó gặp khó khăn bởi các vị khoa bảng tham gia dịch thuật tuy là bậc thầy về kinh truyện, nhưng lại không mấy thông thạo ngoại thư (8), nhất là với ngôn ngữ của tiểu thuyết đồ sộ Hồng Lâu Mộng. Cụ Vân đã hầu đỡ các cụ trong việc khắc phục khó khăn ngoài phần dịch riêng của mình. Khi đem in, nhà xuất bản có ý định ghi tên cụ Vân là người hiệu đính. Nhưng Cụ nhất định từ chối với lời lẽ: tôi chỉ là phận học trò các cụ, đâu dám, làm thế là hỗn” (4).

Để hiểu rõ thêm về con người cụ Nguyễn Đức Vân bạn có thể đọc bài viết nói trên, hay bài “Tưởng nhớ cụ Nguyễn Đức Vân (1900-1974): Nhà Hán học uyên thâm xứ Nghệ” của PGS.TS. Nguyễn Công Lý (5), hoặc đơn giản sử dụng công cụ google để tìm kiếm các bài viết, phim truyền hình nói về cụ.

Tuy nhiên, những điều viết trên chỉ mang tính tham khảo. Chúng ta sẽ xem xét bằng các luận cứ khác, khách quan hơn.

Trong lời nói đầu (trang 5-6) quyển 1 (1977) ghi rõ: “Năm 1960, tổ Hán Nôm của Viện được giao nhiệm vụ sưu tập và phiên dịch ra tiếng Việt toàn bộ thơ văn từ thời Hồ đổ về trước, trong các sách vở chữ Hán còn lưu trữ tại các thư viện và trong một số tài liệu bi kí còn nằm rải rác ở các đình chùa trên miền Bắc. Các đồng chí Nguyễn Đức Vân, Đào Phương Bình, cán bộ trong tổ, đã trực tiếp tiến hành công việc đó. Nhờ nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, lại có sự giúp đỡ tận tình của những anh em khác trong tổ, nên công việc đã tiến hành tương đối thuận lợi; mỗi năm, mỗi năm khối lượng thơ văn tập hợp được một phong phú dần. Đến năm 1965 thì việc sưu tập cũng như việc phiên dịch bước đầu đã hoàn thành” (6).

Những điều ghi trên phù hợp và chứng tỏ điều cụ Vân kể lại với con cháu là đúng: phần cụ đã làm là 600 đơn vị văn bản. Năm 1965, “việc phiên dịch bước đầu đã hoàn thành”. Mãi đến tháng 11-1968, Nguyễn Huệ Chi mới được GS. Đặng Thai Mai giao nhiệm vụ nhóm trưởng, năm 1969-1970 hai nhóm biên soạn mới được thành lập. Vậy tại sao phần của cụ Vân từ 65,6% chỉ còn lại 3,77%?

Trả lời cho câu hỏi này như thế nào?

Theo cách giải thích của con cháu thì sau khi cụ Vân mất (năm 1974), toàn bộ bản thảo cụ nộp cho Viện Văn học đã bị sang tên người khác. Đây là đoạn đối thoại qua điện thoại giữa GS. Nguyễn Đình Chú và Nguyễn Huệ Chi được ghi lại trong bài “Cuộc đối đáp chung quanh công trình Thơ văn Lý – Trần” (7):

“… Cuộc thứ hai (cách một ngày sau) NHC:

Alô! anh Chú à.

NÐC: Vâng, tôi đây!

NHC: Hôm qua, tôi đã đến Viện Văn lục lạo những văn bản của cụ Vân. Nhưng cô Lan và cô Yến nói tất cả đã phôtô đưa anh rồi.

NÐC: Ðúng thế! Trước khi viết bài về cụ Vân, tôi và cả nhà tôi đã đến xin phôtô tất cả những gì mà cụ Vân đã dịch ở Viện để lưu niệm cho con cháu lâu dài thì tình hình là thế này. Những gì do Thư viện bảo quản thì cơ bản còn đủ cả. Còn phần do Ban cổ cận của ông bảo quản thì chỉ còn lại rất ít [10] . Ðặc biệt, trong đó có một mẩu cụ Vân đã dịch nghĩa, dịch thơ và khảo đính mà ông đã pha chế thì chẳng ra gì, thậm chí còn là hao hụt, rồi đề thêm tên mình cùng cụ Vân. [11]

NHC: Hồi bấy giờ, cụ Nam Trân cũng làm thế. 

NÐC: Tôi chả biết cụ Nam Trân có làm hay không, chỉ biết ông làm thế…”.

Bài viết được đăng trên Talawas từ tháng 10-2008, chỉ ra những chứng cứ với những cáo buộc nặng nề, công bố công khai. Từ đó đến nay đã 10 năm, Nguyễn Huệ Chi không có một lời cải chính chính thức, đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho những cáo buộc này. Thay vào đó, ở những chỗ không chính thức ông đưa ra những cách trả lời vòng vo, ngụy biện, bất nhất. Và hơn nữa, Nguyễn Huệ Chi vẫn quanh đi quẩn lại tự khoe mình tài giỏi, làm việc có phương pháp (2) (3). 

Một trong những lí lẽ mà Nguyễn Huệ Chi dùng để lấp liếm cho việc làm không hay của mình là đổ cho năng lực hạn chế của cụ Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình:

“Lúc ấy tôi có hỏi sao không đưa nguyên bản thảo của hai cụ Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình ra in luôn, thì anh Hoàn nói: Còn lủng củng lắm chưa in được, còn cụ Mai nói: Chỉ nên coi đây là bản phác thảo của hai cụ, các bạn trẻ có nhiệm vụ biên soạn hoàn chỉnh thành một bộ sách hẳn hoi. Rút kinh nghiệm năm 1964 tôi (cụ Mai) đã đồng ý gửi một bản thảo của hai cụ Vân và Bình dịch thơ chữ Hán Nguyễn Trãi sang NXB Văn học chỗ anh Như Phong, nhưng rồi bị anh ấy trả lại, sau phải nhờ anh Trần Thanh Mại chần từng chữ, làm lại rất khổ công mới in được”.

GS. Đặng Thai Mai và Nguyễn Văn Hoàn đã thành người thiên cổ nên không còn có điều kiện để hỏi lại đúng sai thế nào? Nhưng thiết nghĩ những gì mà cụ Nguyễn Đức Vân đã làm được sẽ nói lên năng lực của cụ. Xin liệt kê một số trong rất nhiều công trình mà cụ đã dịch hoặc tham gia dịch: Hồng Lâu Mộng – bộ tiểu thuyết đồ sộ của Tào Tuyết Cẩn (dịch cùng Bùi Kỷ và một số người khác), Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (dịch cùng Nguyễn Khắc Hanh), Tùy Viên thi thoại – bộ sách lý luận văn học nổi tiếng của Viên Mai (với cả nghìn trang dịch viết tay), Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô gia văn phái (dịch cùng Kiều Thu Hoạch), cùng với Nguyễn Sĩ Lâm và Nguyễn Văn Hoàn chú giải truyện Kiều, dịch Trung Quốc tư tưởng sử của Dương Vinh Quốc, Tuyển tập Dân ca Trung Quốc… và rất nhiều tác phẩm khác. Không phải tự dưng mà các học giả GS. Đặng Thai Mai và Cao Xuân Huy đã có những đánh giá cao về cụ Nguyễn Đức Vân như đã trích ở trên. Thiết nghĩ, những kết quả dịch thuật và những lời đánh giá của các học giả hàng đầu của Việt Nam nói trên cũng đủ cho ta thấy năng lực của cụ Vân, cái năng lực mà không dễ mấy người có được.

Nếu lỡ làm điều khuất tất thì việc ngụy biện, chống chế còn có thể hiểu và thông cảm phần nào. Nhưng để lấp liếm bằng cách hạ thấp người khác, thiết nghĩ là cách xử sự không nên có của một người mang danh trí thức!

Tôi sẽ đưa ra một luận cứ nữa để cho thấy cái lí do mà Nguyễn Huệ Chi đưa ra để biện minh cho hành động của mình là hoàn toàn vớ vẩn.

Không phải dân nghiên cứu văn học hay thậm chí làm việc trong ngành Khoa học xã hội, nhưng cũng dễ thấy Thơ văn Lý – Trần sẽ bao gồm các loại công việc: tìm kiếm – sưu tầm, chọn lọc, dịch nghĩa, chú giải, dịch thơ, khảo đính, khảo luận, index. Công đoạn nào cũng quan trọng, để có chất lượng tốt đều đòi hỏi người làm phải mất nhiều công sức và có trình độ chuyên môn cao. Tuy nhiên, Thơ văn Lý – Trần có những đặc thù riêng mà các bộ tuyển tập hay các công trình khác không có. Chỉ cần ngẫm một chút ta sẽ thấy vai trò quan trọng cốt lõi của 2 công đoạn: tìm kiếm – sưu tầm và dịch nghĩa, mà thiếu chúng thì sẽ không có bộ tuyển tập này.

Tìm kiếm – sưu tầm quan trọng vì sự khó khăn, phức tạp của nó. Đây là một giai đoạn lịch sử đã trôi qua 5 thế kỉ rưỡi (tính đến năm 1960 khi tổ Hán Nôm bắt đầu tiến hành sưu tầm và phiên dịch), kéo dài 5 thế kỉ, trải qua 7 triều đại với rất nhiều biến động lịch sử. Số lượng tác phẩm là vô cùng nhiều nhưng lại thất tán và tản mát, biến dạng rất nhiều. Để tìm kiếm – sưu tầm lại chúng không chỉ đơn thuần là vào thư viện hay kho lưu trữ tra cứu mà còn phải đi các đền chùa ở miền Bắc, tìm kiếm các văn bia, tư liệu còn lưu truyền…

Ngay tại trang 9, trong lời nói đầu của Thơ văn Lý – Trần cũng đã ghi rõ:

“đã trải qua gần 600 năm lịch sử – lại là sáu trăm năm đầy những biến thiên dữ dội – cho nên bộ mặt của nó chắc chắn từng bị sứt mẻ và biến dạng rất nhiều; ngay những phần hiện ít có vấn đề nhất cũng chưa thể nói là còn nguyên vẹn. Khôi phục cho được cái đường nét, cái hình dáng đích thực của những tài liệu còn lại đó cũng như làm sống lại những tài liệu tưởng chừng đã mất, là việc cần phải làm, song cũng là việc vô cùng khó khăn phức tạp” (7).

Và đây là lời của GS. Nguyễn Đình Chú, con rể cụ Vân:

“… riêng về cụ Vân thì trong mấy năm đó, ngoài chuyện gắn bó với các thư viện, đặc biệt là Thư viện Khoa học (vốn là thư viện Viễn Đông bác cổ), với một chiếc xe đạp cọc cạch, đã đi hết chùa này đình khác ở nhiều nơi trên miền Bắc để sưu tầm, sao chép những gì liên quan đến thơ văn Lý – Trần. Và nhiều ngày Chủ nhật, đã từ nội thành ra nhà tôi lúc này còn thuộc ngoại thành, để vừa thăm con cháu vừa tranh thủ làm việc dịch thuật” (4).

Mục đích đầu tiên và cốt lõi của Thơ văn Lý – Trần theo tôi hiểu là khôi phục, nhận diện lại bức tranh văn học của thời kì đó, hay nói cách khác như Nguyễn Huệ Chi “dựng lên bộ mặt văn chương của cả một thời đại bao gồm 6 thế kỷ dưới một tên chung: Lý – Trần (X – đầu XV)” (3). Những mục tiêu khác như nghiên cứu, đánh giá, phân tích, phê bình… sẽ chỉ là những cái tiếp theo. Tìm kiếm được thông tin, tư liệu nhưng không giải nghĩa, đọc hiểu được văn bản thì lấy cái gì để làm tiếp? Nên nhớ đây là các văn tự cổ, văn bia, cổ văn và là văn bút, ngoại thư, khó hơn rất nhiều so với sử bút. Đọc hiểu được thứ cổ văn với văn bút này không hề đơn giản! Học Trung văn 3 năm không chuyên, cho dù được hạng ưu như Nguyễn Huệ Chi vẫn khoe, đọc và dịch nghĩa được những văn bản cổ này có lẽ là điều không tưởng, trừ phi ông có một tài năng xuất chúng đặc biệt.

“NÐC: Ðiều thứ 4 tôi phải nói thẳng với ông là trong bài viết tranh cãi giữa ông với ông Nguyễn Văn Hoàn từ chuyện về bác Trần Thanh Mại, ông bác ý kiến ông Hoàn cho là trước khi có lớp Ðại học Hán văn ở Viện Văn học, trong số cán bộ trẻ chỉ có ông Kiều Thu Hoạch là người đọc được cổ văn. Ông cãi lại mà nhận mình đã biết. Ấy là ông nói với ai, chứ với tôi là không xong rồi. Bởi lẽ: Ông nói là ông đã học Trung văn 3 năm ở khoa Văn, Ðại học Tổng hợp thì tôi xin nói rằng: Tôi biết 3 năm không chuyên đó, các ông học được tới đâu, và cho dù có qua chuyên Trung 4 năm, 5 năm trong nước hay ở Trung Quốc thì vẫn chưa thể dịch được cổ văn đâu. Ông còn nói là ở thời gian đó (quãng 1960 – 1965), trong khi làm sách về Nguyễn Trãi, ông đã tìm đọc Ðại Việt sử ký toàn thư và Việt sử thông giám cương mục những đoạn nói về Nguyễn Trãi để đối chiếu. Ừ thì tôi cứ cho là ông đọc được các thứ đó, nhưng đó cũng chỉ là mấy dòng. Vả chăng, ông còn phải biết rằng trong cổ văn, giữa sử bút và văn bút vẫn có khoảng cách khá rõ. Với sử bút, cú pháp và từ vựng nói chung là đơn giản, dễ đọc chứ với văn bút, cổ văn thì không dễ gì dịch đâu.

NHC: (Im lặng)” (7).

Đọc đến đây, chắc bạn đọc cũng đã hình dung về công sức và mức độ (tỷ trọng) đóng góp của cụ Nguyễn Đức Vân (và Đào Phương Bình) vào công trình Thơ văn Lý – Trần. Vậy thì nguyên cớ gì mà phần của cụ Vân từ 65,6% chỉ còn lại 3,77% và “Trong 3 tập , hai tập I và III in trước thì còn có tên cụ Vân trong nhóm biên soạn. Nhưng đến tập II (Quyển thượng) in sau vào năm 1989 (lúc này cụ Vân đã qua đời 15 năm) thì không còn tên trong nhóm biên soạn nữa”(7)?

Và hơn nữa, còn có sự cố tình xóa bỏ dần vai trò cũng như đóng góp của các cụ Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình. Như trên đã nói, hai cụ bắt đầu tiến hành từ năm 1960 và đến năm 1965 đã bước đầu hoàn thành việc sưu tập và biên dịch. Thế nhưng, ngày 5-9-2007, trong nghiệm thu đề cương công trình “Tuyển tập thơ văn Lý – Trần” do Nguyễn Huệ Chi làm chủ biên thì phạm vi công việc đã bị thu hẹp lại một cách đáng kể, chỉ còn lại các tác phẩm đã in từ trước. Tức là những tìm kiếm – sưu tầm (và biên dịch) các tác phẩm, văn bia thất tán, tản mác tại các đình chùa khắp nơi trên miền Bắc không còn được tính đến:

“Viện Văn học đã giao cho nhóm cụ Nguyễn Đức Vân – Tổ Hán văn, các cụ chỉ tuyển trên cơ sở các tác phẩm đã in từ trước, từ thế kỷ X – XV nên không được thông qua” (8).

Tiếp theo, trong thuyết minh đề tài “Tuyển tập thơ văn Lý – Trần” cho “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” cũng do Nguyễn Huệ Chi chủ biên thì vai trò của hai cụ Vân và Bình hoàn toàn bị gạt bỏ. Trong phần “Mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ” của bản đề cương ghi rõ:

“Việc sưu tầm, nghiên cứu được đặt ra từ 1968…” (9).

Tức là chỉ tính từ khi Nguyễn Huệ Chi được giao nhiệm vụ làm nhóm trưởng còn trước đó coi như không có.

Tôi sẽ để bạn đọc tự đánh giá, liệu có chuyện cố tình muốn chiếm đoạt công sức, kết quả lao động của người khác hay chỉ là sơ suất như Nguyễn Huệ Chi trả lời GS. Nguyễn Đình Chú qua điện thoại:

“NHC: Tôi sơ suất – xin lỗi.

NÐC: Huệ Chi mà cũng sơ suất thế à?

NHC: Ðược rồi, rồi đây tôi sẽ đưa tên các cụ lên đầu” (7).

Còn một trong những lí do nữa mà Nguyễn Huệ Chi dùng để biện minh là cụ Vân chỉ dịch nghĩa mà không dịch thơ. Như đã nói ở trên, với bộ tuyển tập này, theo tôi việc dịch thơ chỉ là thứ yếu. Thứ nhất, cái khó là ở chỗ hiểu được văn bản và dịch nghĩa. Không dịch được nghĩa đừng nói đến chuyện dịch thơ. Ngược lại, khi đã có người dịch nghĩa cho rồi, người dịch được thơ chắc không phải hiếm. Thiếu gì trường hợp người dịch thơ mà không biết tiếng nước ngoài, chỉ cần người khác dịch nghĩa hộ. Thứ hai, với số lượng tác phẩm đồ sộ và mục đích của bộ tuyển tập là tái hiện, khôi phục lại bức tranh văn học của giai đoạn lịch sử chứ không phải mục đích chính là dịch thơ sao cho hay. Cái cớ không dịch thơ chỉ là lí do vớ vẩn. Đấy là chưa nói đến chuyện những điều mà Nguyễn Huệ Chi nói đã chắc gì đúng. Và chắc gì Nguyễn Huệ Chi đã dịch hay và đúng hơn cụ Vân? Hay chỉ là xào xáo rồi sang tên?:

“Ðặc biệt, trong đó có một mẩu cụ Vân đã dịch nghĩa, dịch thơ và khảo đính mà ông đã pha chế thì chẳng ra gì, thậm chí còn là hao hụt, rồi đề thêm tên mình cùng cụ Vân.
NHC: Hồi bấy giờ, cụ Nam Trân cũng làm thế.

NÐC: Tôi chả biết cụ Nam Trân có làm hay không, chỉ biết ông làm thế” (7).

Còn có thể kể tiếp nhiều điều bất nhất khác để chứng minh sự khuất tất của GS. Nguyễn Huệ Chi nhưng bài viết kể cũng đã dài và mọi chuyện cũng đã rõ, để bạn đọc tự đánh giá và rút ra kết luận.

Trong comment cuối cùng tại stt “trích Nhật kí KMS” (3), GS. Nguyễn Huệ Chi có đề nghị nhà báo Kiều Mai Sơn cho phép khi tái bản Thơ văn Lý – Trần sẽ đưa đoạn nhật kí nói trên của GS. Nguyễn Văn Hoàn và có nói đến “tư cách trí thức” của GS. Hoàn. Chắc mọi người sẽ đồng ý với tôi, người trí thức có tư cách phải là người trung thực, không giả khoa học, không đạo văn và đặc biệt là không trộm cướp công sức lao động của người khác.

Tư cách trí thức không phải nơi đầu môi chót lưỡi!

Với những điều được trình bày ở trên liệu GS. Nguyễn Huệ Chi có đủ tư cách để nói về tư cách trí thức? Tôi nghĩ là không!

Moscow, 4-5-2018

Boristo Nguyen

______________

(1) “Tư cách trí thức” – chữ của Nguyễn Huệ Chi trong comment trả lời stt Trích Nhật kí KMS đăng trên fb Son Kieu Mai, 5-5-2017.
(2) Video: Văn Việt trò chuyện cùng Nhà nghiên cứu, GS. Nguyễn Huệ Chi, youtube, 20-2-2018.
(3) Kiều Mai Sơn. Trích Nhật kí KMS đăng trên fb Son Mai Kieu ngày 5-5-2017, các comments của Nguyễn Huệ Chi. 
(4) Nguyễn Đình Chú. Nguyễn Đức Vân: một “Người xứ Nghệ. Văn hóa Nghệ An, 26-2-2010.
(5) Nguyễn Công Lý. Tưởng nhớ cụ Nguyễn Đức Vân (1900-1974): Nhà Hán học uyên thâm xứ Nghệ. Chuyên san KHXH&NV Nghệ An, số 9/2012. Bài viết này đã được bổ sung thêm từ bài Tưởng nhớ nhà Hán học Nguyễn Đức Vân, công bố trên Tạp chí Hán Nôm, số 3 (44) – 2000.
(6) Thơ văn Lý – Trần, tập 1, Nhà xuất bản KHXH, 1977.
(7) Nguyễn Đình Chú. Cuộc đối đáp chung quanh công trình Thơ văn Lý – Trần. Talawas, 22-10-2008.
(8) Nghiệm thu đề cương công trình “Tuyển tập thơ văn Lý – Trần” do GS. Nguyễn Huệ Chi chủ biên tại NXB Hà Nội, 5-9-2007.
(9) Đề cương biên soạn “Tuyển tập thơ văn Lý – Trần” thuộc tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, chủ biên: GS. Nguyễn Huệ Chi.

Nguồn: Tuần báo Văn Nghệ TP.HCM số 502, ngày 14/6/2018

NVTPHCM- Hội đồng Lý luận phê bình - Dịch thuật Hội Nhà văn TP.HCM đã tiến hành cuộc họp mở rộng và liên hoan thân mật đầu Xuân Mậu Tuất 2018, do PGS.TS Đoàn Lê Giang chủ trì vào ngày 3.3.

Nhà thơ Phan Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM đã đến tham dự, phát biểu và chung vui.

Ngoài PGS.TS Đoàn Lê Giang - Chủ tịch Hội đồng, cuộc họp còn có sự hiện diện của PGS.TS Võ Văn Nhơn - Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên: nhà phê bình - dịch giả Tô Hoàng, nhà nghiên cứu - dịch giả Nhật Chiêu (một uỷ viên khác là PGS.TS Trần Hoài Anh vắng mặt vì bận đi công tác xa).

Hội đồng cũng mời một số nhà lý luận phê bình, dịch thuật cùng tham dự: PGS.TS Lê Tiến Dũng, PGS.TS Nguyễn Công Lý, TS. Phan Xuân Viện, nhà thơ - dịch giả Vũ Xuân Hương, TS. Hà Thanh Vân,…

Cuộc họp đã bàn luận sôi nổi nhiều vấn đề học thuật, nhất là khoảng trống về lý luận phê bình văn học ở phía Nam, sự thiếu chuẩn mực về việc giới thiệu sách và phê bình văn học trên một số phương tiện báo chí - truyền thông. Cuộc họp cũng đề ra phương hướng hoạt động sắp tới của Hội đồng Lý luận phê bình - Dịch thuật.

Theo đúc kết của PGS.TS Đoàn Lê Giang, Hội đồng sẽ gắn kết thường xuyên hơn giữa các thành viên, mỗi năm họp toàn thể 2 lần, phối hợp với Khoa Văn học Trường Đại học KHXH & NV TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia về văn học chiến tranh, xuất bản tuyển tập phê bình văn học thành phố, hỗ trợ bài viết cho trang web Hội, đề xuất đầu tư công tác nghiên cứu, dịch thuật và tìm nguồn hội viên mới từ các trường đại học…

Nhà thơ Phan Hoàng chúc mừng 2 thành viên Hội đồng Lý luận phê bình - Dịch thuật là PGS.TS Võ Văn Nhơn và PGS.TS Trần Hoài Anh đã có tác phẩm được trao Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn TPHCM 2017.

Võ Văn Nhơn là đồng tác giả với Nguyễn Thị Phương Thuý của công trình Văn chương phương Nam một vài bổ khuyết nhận giải thưởng chính thức duy nhất. Trần Hoài Anh là tác giả cuốn Đi tìm ẩn ngữ văn chương được tặng thưởng. 

Đồng thời, nhà thơ Phan Hoàng cũng chúc mừng hai tân hội viên mới do Hội đồng Lý luận phê bình - Dịch thuật đề cử là PGS.TS Nguyễn Công Lý và TS. Phan Xuân Viện. Đây là hai nhà giáo, nhà nghiên cứu kỳ cựu của đời sống giáo dục, văn học, văn hoá thành phố.

Nhà thơ Phan Hoàng cảm ơn những đóng góp của Hội đồng Lý luận phê bình - Dịch thuật cho Hội Nhà văn TP.HCM trong nửa nhiệm kỳ qua và đề nghị nên tiếp tục củng cố nhân sự, hoạt động tích cực hơn, vì đây là hội đồng chuyên môn rất quan trọng của Hội.

Hy vọng trong thời gian tới với sự nỗ lực của mỗi thành viên, Hội đồng sẽ đóng góp thiết thực hơn cho Hội Nhà văn TP.HCM cũng như đời sống văn học thành phố. Và trong khả năng có được, lãnh đạo Hội cũng sẽ tạo mọi điều kiện để Hội đồng hoạt động hiệu quả, đi vào chiều sâu học thuật.

Sau cuộc họp, Hội đồng Lý luận phê bình - Dịch thuật đã liên hoan thân mật đầu xuân.

Nguồn: http://nhavantphcm.com.vn/hoat-dong-hoi/hoi-vien-phong-trao/hoi-dong-ly-luan-phe-binh-dich-thuat-gap-xuan.html

PB

Những trang sách này thể hiện nỗ lực nhìn và làm cho nhìn thấy Con Người sẽ như thế nào và đòi hỏi điều gì, nếu ta đặt Con Người vào khung cảnh của những hiện tượng bề ngoài, một cách toàn diện và triệt để.

Pierre Teilhard de Chardin

Hãy cầm lấy và đọc (Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, 2016), là công trình sưu tập những bài báo ngắn của giáo sư tiến sĩ Huỳnh Như Phương, dày 343 trang, gồm có hai phần như tác giả đã giãi bày trong Lời nói đầu rằng: “Cuốn sách gồm hai phần. Phần đầu dành cho những bài viết bàn về việc đọc sách cùng một số hiện tượng của xuất bản và tiếp nhận văn học. Phần sau là những bài viết về một số tác giả, tác phẩm văn học hiện đại mà người viết có cơ may tiếp xúc” (tr.9-10). Nội dung của hai phần này thực chất là sự trình bày quan điểm của tác giả về văn hóa đọc và đọc văn hóa.

Phần 1, cũng mang tiêu đề là Hãy cầm lấy và đọc, gồm có 27 bài (mỗi bải từ 4 đến 14 trang), hướng theo một chủ đề rất rõ, đó là văn hóa đọc. Người viết đã tập trung lý giải, phân tích mục tiêu, động lực, tác dụng của việc đọc sách, các cách/ nghệ thuật đọc sách, lợi ích đem lại từ tấm gương của người đọc nhiều sách (Hãy cầm lấy và đọc, Có chăng nghệ thuật đọc sách, Một tượng đài của văn hóa đọc), rồi đi vào công việc bếp núc của người viết sách, in sách, các loại sách, các loại giải thưởng dành cho sách hay, các tủ sách gia đình, các hiện tượng xuất bản, thị trường tiêu thụ và môi trường tiếp nhận tác phẩm văn học… Điều hiển nhiên trong cuộc sống, từ thuở thơ ấu còn cắp sách đến trường cho đến lúc trưởng thành, con người ai cũng ít nhiều cần đến sách, nhưng mấy ai nhận ra rằng: “Cùng với thức ăn để duy trì sự sống của cơ thể, con người còn cần thức ăn nuôi dưỡng cho tinh thần. Đọc là một cách nạp năng lượng cho sự sống tinh thần. Người tuyệt thực, không ăn uống, có thể chết. Người không đọc, không xem, không nghe cũng có thể “chết”, cái chết dần dần, êm ái, không dễ nhận ra” [1, tr.14].

Không dừng lại ở ý nghĩa vật chất của nó, người viết còn khẳng định ý nghĩa cao cả của việc tiếp nhận tác phẩm văn học, không chỉ là việc thu nạp năng lượng tinh thần, mà còn tham gia vào quá trình sáng tạo tác phẩm. Đọc là quá trình thổi hồn cho tác phẩm, là hình thức sáng tạo lại tác phẩm, nên mỗi người đọc phát hiện ra một thế giới hình tượng, một chỉnh thể nghệ thuật trong tâm tưởng của riêng mình, đó chính là tiếp nhận tác phẩm văn học với ý thức văn hóa: “Có thể nói số phận lịch sử của tác phẩm văn học phụ thuộc rất lớn vào sự tiếp nhận của người đọc. Qua sự tiếp nhận đó, các thế hệ người đọc đã thổi sức sống của thời đại mình vào tác phẩm, làm cho nó không bao giờ già cũ mà luôn luôn mới mẻ. Đọc tác phẩm là mở rộng chân trời văn bản và đưa nó vào những mối quan hệ mới với bối cảnh và tâm lý của người tiếp nhận. Cả tác phẩm và người đọc đều được hưởng lợi từ mối quan hệ đó. Như vậy, đọc là khám phá, sáng tạo lại tác phẩm và cũng đồng thời là khám phá, sáng tạo chính bản thân mình” [tr.55-56].

Ngày nay, khi công nghệ nghe, nhìn phát triển cao, tất cả mọi thông tin đều dễ dàng tiếp cận qua máy tính hoặc qua chiếc điện thoại di động. Ngay cả đọc sách qua mạng cũng tiện ích hơn nhiều. Nhưng suy cho cùng, đọc mạng chỉ là nhằm để cập nhật thông tin nhanh và mới, còn đọc có sự suy ngẫm từ trang đầu đến trang cuối, có sự so sánh, đối chiếu, liên tưởng có tính chất liên văn bản…, nghĩa là văn hóa đọc theo đúng nghĩa của từ này, thì đọc trên trang giấy tỏ ra tiện ích hơn. Tôi nhớ, cách đây mấy năm, trên sóng truyền hình trong chương trình Người đương thời, nhà báo Tạ Bích Loan có gặp gỡ tổng giám đốc của một nhà máy giấy; xen kẽ với câu chuyện trao đổi, trên màn hình xuất hiện một thống kê nhằm khẳng định nước nào dùng giấy để phục vụ văn hóa đọc cao nhất, nước đó là nước văn minh nhất. Số lượng giấy tiêu tốn cho văn hóa đọc, tính bình quân trên mỗi đầu người trong một năm, nước đứng đầu là Mỹ 440kg, xếp thứ nhì là Nhật 220kg,… nước ta mỗi năm chỉ có 10kg! Những nước khoa học công nghệ phát triển đến đỉnh cao và trở thành hàng đầu thế giới, mọi thứ hầu như đã được số hóa, cứ tưởng họ hoàn toàn lệ thuộc vào công nghệ, nhưng hóa ra họ vẫn cần đến sách, nhất là tác phẩm văn chương, bởi lẽ, hồn của văn nằm ép mình trên từng trang sách. Chỉ là động tác cơ học thôi, nhưng chữ được viết nên bởi tay người. Chữ qua tay ai, đều mang hơi ấm tâm hồn người đó. Chính vì thế, khi xác định mục tiêu của hành động đọc, có liên quan đến chức năng của văn chương, Huỳnh Như Phương cũng đã nhấn mạnh rằng: “Đọc văn là một cách thế để con người mở rộng chiều kích tồn tại của mình, sống thêm nhiều cuộc đời khác, thông qua những mối tương giao tinh thần với nhân loại. Đọc tác phẩm là mở tâm hồn mình ra, là nỗ lực khắc phục nỗi cô đơn, là bộc lộ nhu cầu được giao tiếp, trao đổi, giãi bày và thông cảm với tha nhân. Văn học là nhịp cầu cho sự giao lưu đó, là cánh cửa của đối thoại. Vì vậy, về bản chất, văn học đích thực mâu thuẫn với sự phong bế, đóng kín và những rào cản” [tr.54]. Ở tầm khái quát rộng lớn hơn có ý nghĩa nhân loại, trong thời gian lịch sử và không gian địa lý, đặt trong mối quan hệ giao lưu với các dân tộc, các nền văn hóa trên thế giới: “Có thể nói, sách văn học chính là cánh cửa của đối thoại, nhịp cầu của sự giao lưu văn hóa. Đọc văn học là hướng tâm hồn mình về những nền văn hóa khác, là đánh thức khát vọng đồng cảm với nỗi thống khổ và niềm hạnh phúc của nhân loại. Sách văn học mở rộng sự giao tiếp không chỉ về mặt thời gian – giữa các thế hệ, các thời đại khác nhau, mà còn về mặt không gian – giữa các dân tộc và các nền văn hóa xa cách nhau” [tr.73-74].

Đọc cũng là đi tìm hồn của văn bản. Sách có hồn sách, chữ có hồn của chữ. Sách gắn liền với chữ. Theo các nhà cổ học, chữ xuất hiện trong đời sống con người khoảng từ thiên niên kỷ thứ IX đến thiên niên kỷ thứ IV trước Công nguyên. Ở nước ta, có ba cuộc “cách mạng” về chữ viết, trong đó có hai lần, xét về mục tiêu ban đầu, gắn liền với sự phát triển của tôn giáo: chữ Hán du nhập vào Việt Nam từ thời Triệu Đà và sau đó trở thành công cụ chép kinh của các nhà sư, và sau này khi các nhà truyền giáo phương Tây sáng tạo ra chữ quốc ngữ cũng gắn với nhu cầu truyền giáo của các cha cố. Ở một phương diện nào đó, các trí thức sáng tạo ra chữ Nôm, từ trong ý thức đã nhằm mục đích thoát Trung, mang đầy hào khí của lòng tự tôn dân tộc. Hồn dân tộc được đánh thức trong từng bước đi của đất nước. Chữ thông qua sách là phương tiện dùng để cố định và lưu truyền cho hậu thế dưới nhiều dạng vật chất, nhưng tiện ích nhất lâu nay vẫn là trang giấy. Hàng nghìn năm nay, sách đã gắn bó với người và góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Và, về căn bản, “sách không đơn thuần là một tập hợp những trang giấy, hay ngược thời gian, những thanh tre, tấm lá cọ, những phiến đất sét nung như gạch ngói ta vẫn dùng… sách có hồn, hồn của sách chính là hồn nhân loại” [2, tr.30].

Là người quê gốc Quảng Ngãi, nhưng gần nửa thế kỷ sống và làm việc ở Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, Huỳnh Như Phương đã trở thành công dân “thứ thiệt” của thành phố, bởi cách anh phân tích, lý giải các vấn đề đều xuất phát từ các sự kiện/ hiện tượng của thành phố, đều lấy thành phố làm trung tâm (Người Sài Gòn và tình yêu sách, Sách ở miền Nam trước 1975 được tái bản, Truyện ngắn lên hương, Những nhà xuất bản đoản mệnh,…). Điều quan trọng hơn, là lúc nào anh cũng nhìn mọi việc bằng con mắt của người thành phố, bằng tâm thức sáng tạo của người thành phố, dường như tất cả mọi thứ, từ ánh nắng ban mai, âm thanh xe cộ, tiếng chim hót, tiếng rao hàng, đến những dịp hội hè, giao lưu văn hóa, ngày hội thi sách, tủ sách gia đình… đều phát ra từ hơi thở và nhịp đập của trái tim tác giả, về một thành phố văn hóa sôi động, một thị trường tiêu thụ tất cả các loại sách, từ sách văn học đến sách giáo khoa, sách dạy kỹ năng sống, sách mới, sách cũ, tuyển tập, toàn tập…, có thể nói là cả sản xuất và tiêu thụ đều vào loại bậc nhất nước ta.

Là nhà giáo, nhà văn, nhà lý luận phê bình và hoạt động văn hóa, đã từng sống trong vùng tạm bị chiếm của chế độ cũ, với cái nhìn trung thực, thẳng thắn, tạo cho anh lối viết điềm đạm với đầy đủ số liệu, dữ liệu của văn chương thông tấn, xen lẫn với lối trần thuật mang tính chất hồi ký (Đưa sách về vùng xa, Sách ơi, nhiều lỗi quá…), đặc biệt là những phát hiện thú vị và có giá trị đối với đời sống văn học, về các gia đình có anh em ruột đều là người hoạt động văn chương nghệ thuật như ba anh em Phạm Văn Ký, Phạm Hổ và Phạm Thế Mỹ, hai anh em Nhật Tiến, Nhật Tuấn, rồi Chinh Văn, Chinh Ba hoặc Võ Phiến (Đoàn Thế Nhơn) và Lê Vĩnh Hòa (Đoàn Thế Hối). Điều đáng lưu ý là sáng tác của họ ra đời trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, ý thức hệ chính trị khác nhau, thậm chí trên hai chiến tuyến đối lập nhau, nay đã bắt đầu có dấu hiệu xích gần lại với nhau, trong khát vọng chung của cả đất nước là hòa hợp hòa giải dân tộc, thông qua Tác phẩm văn chương như chiếc vé trở về: “Khi rời đất nước ra đi, nhiều nhà văn Sài Gòn chỉ cầm trên tay chiếc vé một chiều. Không phải vé khứ hồi. Nhưng tự trong thâm tâm, người Việt đi xa nào không mong có một chiếc vé trở về, về với nơi chôn nhau cắt rốn, với anh em ruột thịt, với bà con, đồng bào […], tác phẩm văn chương mang nặng tình tự dân tộc của họ thực sự là những chiếc vé trở về, là nhịp cầu nối lại những chia xa, là thuốc chữa những vết thương còn rỉ máu. Chính những chiếc vé đó đã ghi rõ địa chỉ của ga cuối: Quê nhà, Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng, Đường về nước, Quê hương tôi…[tr.140].

Là một người viết báo, anh phản ánh và cổ vũ cho những hoạt động xuất bản, in ấn, giới thiệu và đọc sách, trong đó có việc đề xuất giải pháp để Hướng tới một thị trường xuất bản lành mạnh. Là nhà văn, nhà khoa học, anh khẳng định ý nghĩa khách quan và tích cực ủng hộ để Trả lại vị trí xứng đáng cho những tác phẩm giá trị trong lịch sử văn học đã từng bị vùi lấp bởi những thiên kiến nằm bên ngoài văn học. Nhiều vấn đề được tác giả nêu ra không còn là vấn đề của một nhóm người, một giới, một tầng lớp người trong xã hội, không còn nằm trong phạm vi của thành phố, của cái “miền Nam trước 1975” của anh, mà đã trở thành vấn đề buộc cả nước hoặc cả thế giới phải quan tâm như Khi nhà giáo viết sách, Sách và giáo dục, Sách cho thiếu nhi, Sách – nhịp cầu giao lưu văn hóa, Mùa xuân, sinh thái và văn chương…

Phần 2, Sách và người gồm có 34 bài phê bình về tác giả và tác phẩm, thậm chí đôi khi chỉ Từ một bài báo xuân của Đoàn Giỏi, Huỳnh Như Phương đã tạo dựng thành một bài phê bình tác phẩm Nhớ cố hương của Đoàn Giỏi rất thú vị và làm giàu có thêm cho giọng điệu phê bình điềm đạm mà đặc sắc. Tất nhiên, không phải bao giờ cũng phải đọc sách để viết phê bình mới là văn hóa, nhưng có lẽ trước tiên hoạt động đọc của người làm công việc phê bình là hành động văn hóa, hơn nữa, đối tượng lại là sản phẩm văn hóa, nên đọc để phê bình chẳng khác nào đọc văn hóa. Lại một lần nữa, tác giả dù vô tình hay cố ý, đã chứng minh mình là nhà phê bình của một vùng đất, một thành phố, bởi vì các tác giả, tác phẩm trở thành đối tượng người viết cảm thụ và rút ra hiệu ứng thẩm mỹ đều phần lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Về phần sách, Huỳnh Như Phương giới thiệu các tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau, như tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi ký, tản văn, tạp văn của các tác giả Lê Văn Thảo, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Hồ, Trần Kim Trắc, Nguyễn Nhật Ánh, Phan Triều Hải, Trần Nhã Thụy, Lê Văn Nghĩa, Việt Linh, Huỳnh Dũng Nhân, nhà văn, nhà giáo người Việt sống và làm việc tại Pháp Cao Huy Thuần… Người viết phê bình thường chọn lựa tác giả, tác phẩm mà mình yêu thích, trong đó thông thường vẫn là những tác giả thời danh, tên tuổi đã trở nên quen thuộc đối với bạn đọc. Huỳnh Như Phương còn quan tâm đến những tác giả trẻ hoặc những tên tuổi mới xuất hiện còn lạ lẫm đối với người đọc (tập hợp trong tập sách này có đến 9 lời tựa, lời bạt anh viết cho các tập sách), nhưng tác phẩm của họ đã sớm tạo nên ấn tượng mạnh mẻ đối với người đọc như hồi ký Cùng anh đi suốt cuộc đời của bà Trương Thị Sáu là vợ của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh và con gái là Nguyễn Thị Minh,  hồi ký Nhớ và quên của hai vợ chồng Phạm Hồng Sơn và Đặng Anh Đào, bút ký Đi…và tìm trong đất của nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, tập văn thông tấn Bật một que diêm của nhà báo Lưu Đình Triều, tập thơ Giọt sương lạc loài  của Trương Quang, một chuyên gia ngành quản trị hành chính, sống và làm việc tại Hà Lan, tập truyện ngắn Một phút tự do của nữ tác giả người Việt Elena Pucillo Trương…. Nhiều nhất là sách nghiên cứu lý luận phê bình như Tự điển văn học bộ mới (nhiều tác giả), Tuyển tập Hoàng Như Mai, Từ bục giảng đến văn đàn (Trần Hữu Tá), Cảm nhận và suy tưởng (Hoàng Thiệu Khang), Cảm nhận mỹ học âm nhạc (Thế Bảo), Tư tưởng văn hóa văn nghệ của chủ nghĩa Marx phương Tây (Phương Lựu), Mênh mông chật chội (Lại Nguyên Ân), Trần Tiêu - nhà văn độc đáo của Tự Lực văn đoàn (Vu Gia), Ấn tượng văn chương phương Nam (Nguyễn Mẫn)… Không dừng lại ở văn chương, tác giả còn “lấn sân” sang các lĩnh vực khác như Trò chuyện triết học của Bùi Văn Sơn Nam hoặc Tìm về dân tộc, sách chính luận của Lý Chánh Trung. Có một trường hợp cần lưu ý là tập chân dung văn học Những gương mặt – những câu thơ của nhà thơ Ý Nhi, tuy người viết có ý đặt nó trong lĩnh vực sáng tác, nhưng thực ra nó không dừng lại ở tiểu loại ký chân dung, mà từng diện mạo các tác giả sừng sững như những tượng đài, đã trở thành những chân dung văn nghệ, có thể xếp vào lĩnh vực nghiên cứu phê bình, hoặc chí ít cũng nằm trong vùng giao thoa giữa hai lĩnh vực. Ngay cả khi rút ra các phẩm chất ít nhiều có tính chất đối lập trong các nhà thơ nữ như Phan Thị Thanh Nhàn “vừa duyên dáng vừa vụng về, vừa sâu sắc vừa nông nổi, vừa chi chút vừa hào phóng”; Phạm Thị Ngọc Liên “vừa yếu đuối vừa mạnh mẽ, vừa cả tin vừa tự tín, vừa mê đắm vừa sáng suốt, vừa hồn nhiên vừa cay đắng”… [tr. 309-310], là cách nói thường gặp trong phê bình văn học, mà có lẽ người mở đầu là Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam thuở nào.

Sách do người sáng tạo ra, nên phần người đã ít nhiều được đề cập đến trong những bài viết về sách, mà biểu hiện rõ nhất có sự giao thoa giữa hai yếu tố này là bài Ba cuốn sách, một tấm lòng viết về ba công trình nghiên cứu của Hà Minh Đức về ba nhà thơ mới Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, ra đời trong cùng một thời điểm (2009, 2010). Chẳng hạn, mấy câu sau đây thể hiện rõ sự hòa quyện giữa sách và người: “Những năm 60-70 của thế kỷ trước, Hà Minh Đức hãy còn là nhà phê bình trẻ. Nhưng nhờ năng lực nghiên cứu, cùng với thái độ hòa nhã, điềm đạm trong giao tiếp, ông có nhiều dịp làm việc chung với các nhà thơ lớn. Tiếp cận với tác phẩm qua bản thảo nguyên gốc của nó, ông nắm được đặc trưng của lao động sáng tạo và ngôn từ nghệ thuật của nhà thơ. Với cuốn sổ tay bên mình, ông cẩn trọng ghi lại những ý kiến thẳng thắn, sắc sảo mà họ bày tỏ trong việc đánh giá đồng nghiệp cũng như tự đánh giá bản thân mình” [tr.208-209]. Bên cạnh đó, còn có những phác thảo chân thực và cảm động của Huỳnh Như Phương trong tập sách là chân dung các tác giả như Võ Hồng, Trang Thế Hy, Lê Hồng Sâm, Hoàng Như Mai… Vào đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước, tôi cũng đã có thời gian hàng tháng trời làm việc với nhà văn tài danh và đáng kính Võ Hồng, nên rất tâm đắc và khâm phục Võ Hồng trong trí nhớ của Huỳnh Như Phương với nét bút tài hoa và lịch lãm: “Lần đầu tiên gặp ông mà tôi cảm thấy như mình đã quen từ lâu cái dáng người cao ráo mảnh mai, đôi mắt tinh anh giấu sau cặp kiếng lão, nụ cười hóm hỉnh và giọng nói Phú Yên thuần chất đó. Đúng như trong hình dung của tôi khi đọc văn ông và xem tấm ảnh ông đăng trên bìa tạp chí Văn, ông là một nhà giáo thuần thành và một nhà văn đôn hậu” [tr.174]. Xúc động hơn, anh buồn bã tiễn đưa Trang Thế Hy về nơi an nghỉ cuối cùng, bỗng hiện lên cái ý nghĩ về cuộc sống lặng lẽ, hiu hắt của nhà văn và nỗi nhớ/ buồn phố thị: “Những năm tháng cuối đời, trong căn nhà bên một con lộ nhỏ ở ngõ vào thành phố Bến Tre, đêm đêm Trang Thế Hy nghe tiếng thời gian qua những tàu lá dừa khô rụng ngoài vườn. Chắc có lúc ông nhớ đến tiếng rền u u đơn điệu gây buồn ngủ của nhà đèn Chợ Quán, tiếng chuông xe điện leng keng trên đại lộ Galliéni, tiếng cười nói ồn ào trước chung cư Nam Kỳ Khởi Nghĩa nơi cái thành phố đã mở cánh cửa văn chương cho ông nhìn ra thế giới. Nhưng thế giới của ông bây giờ thu lại trong những suy tưởng miên man về phận người và đời văn: Đêm nay mực chảy thành thơ / Giữa tiếng cười man dại / Tôi ngồi một mình trong bóng tối / Thách tất cả gông cùm trên thế giới / Làm sao xiềng đôi cánh của tình thương. Đêm qua Trang Thế Hy ra đi trong tiếng lá dừa rơi…” [tr.183].

Tôi bỗng nhận ra rằng, tuy là người làm lý luận phê bình, nhưng văn chương của Huỳnh Như Phương cùng “tạng” với kiểu văn chương của Thạch Lam, Võ Hồng, Trang Thế Hy, Trần Thùy Mai… Cái kiểu người không nghĩ xấu về ai bao giờ, nên văn chương cũng khó mà tả hay về cái ác, chỉ một giọng điệu buồn thương man mác, nhẹ như sương khói, đẹp mà buồn. Anh không phải là kiểu nhà phê bình văn học lớn tiếng với nhiều kiểu nhân danh hoặc chuyên vạch lá tìm sâu. Hãy xem nhà phê bình tỏ ra thiếu tin tưởng khi nhận ra trong một công trình nghiên cứu phê bình về Tư tưởng văn hóa văn nghệ của chủ nghĩa Marx phương Tây lại sử dụng nguồn tài liệu chủ yếu từ phương Đông, không được chú thích thận trọng: “Viết về những trường phái lý luận phương Tây, nhưng nguồn tài liệu chủ yếu mà tác giả sử dụng là của Trung Quốc, với một số trích dẫn không được chú thích đầy đủ, cũng có thể khiến cho những bạn đọc trong giới chuyên môn băn khoăn” [tr.199]. Hoặc khi chê nhà văn Lê Văn Thảo miêu tả về tình yêu quá khô khan và vụng về, anh chuyển giao điều đó trở thành trách nhiệm của độc giả, còn anh chỉ là người đặt câu hỏi mà thôi: “Có điều đáng tiếc là nhà văn kể chuyện tình yêu hiền quá. Từ hồi nào tới giờ, kể cả khi viết Chuyện nhỏ tình yêu, hầu như ông không tính rằng tình yêu tất yếu đi liền với tính dục. Suốt cả cuốn tiểu thuyết này, quan hệ của Tân với Quyên và Thắm, của Khiêm với An là những tình yêu thuần khiết, họ không hề bày tỏ một chút khát khao, không hề trao cho nhau một nụ hôn ngay khi có cơ hội bên nhau, riêng nhau, may lắm là cái đụng nhẹ vô đôi vai rất mềm của cô gái. Đó là ưu điểm hay là nhược điểm của nhà văn?” [tr.260-261]. Nhà phê bình ơi, riêng tôi vẫn nhận thấy rằng, kiểu phê bình nhược điểm của “ông” còn “hiền” hơn cả việc miêu tả tình yêu của nhà văn Lê Văn Thảo! Hơn nữa, trong tập sách này, tôi tìm mãi trong cả 61 bài viết, rất hiếm khi tìm thấy những lời chê trách. Tuy tác giả có rào đón một cách khiêm tốn rằng, “những bài viết trong tập sách này thường có tính chất giới thiệu, điểm sách” nhưng đã đem lại hiệu ứng thẩm mỹ sâu sắc, thể hiện phong cách và bản lĩnh của nhà phê bình, nhất là khả năng đọc và cảm thụ tác phẩm vừa rộng vừa sâu, thể hiện kiến văn dồi dào, nếu không muốn nói là uyên bác. Điều đặc biệt là, đọc Huỳnh Như Phương – hay theo dõi sự “đọc” của anh, ta dễ nhận ra một không khí văn hóa được tạo nên bởi một nhân cách trí thức.

Không chỉ có người sáng tác, mà ngay cả những người làm nghiên cứu lý luận, phê bình – một công việc mà theo Huỳnh Như Phương “là rất nhàm chán đối với người sáng tác” [tr.309], xét cho cùng, mỗi người đều có một cái nhìn ấm áp đối với con người và cuộc sống, để từ đó tìm một lối riêng, một thứ ánh sáng lung linh mà chỉ một mình mình theo đuổi để tiếp cận đời sống tâm hồn con người, ở một tầm cao mang ý nghĩa văn hóa nhân văn. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Teilhard de Chardin, trong Hiện tượng con người, đã dẫn nhập bắt đầu từ cái nhìnlàm cho thấy con người: “Nhìn. Chúng ta có thể nói rằng tất cả Sự Sống là việc đó – nếu không phải sau chót thì ít nhất căn bản cũng là việc đó. Tồn tại hơn nữa tức là thống nhất hơn nữa – đó chính là lời tóm tắt và thậm chí là kết luận của cuốn sách này. Nhưng, chúng ta hãy nhấn mạnh lại rằng tính thống nhất chỉ tăng lên nếu được hỗ trợ bởi sự phát triển của ý thức, hay chính là của sự nhìn” [3, tr.23]. Chắc chắn đây không phải là tác phẩm cuối cùng của Huỳnh Như Phương. Người đọc còn mong đợi ở anh nhiều trang viết tham gia vào đời sống văn học sôi động, bên cạnh các giáo trình, các công trình nghiên cứu mà anh đã và đang thực hiện. Hơn ai hết, anh phải ý thức về điều đó, về trách nhiệm của một trí thức trong quá trình phát triển của đất nước. Khi viết về tác phẩm Tìm về dân tộc của Lý Chánh Trung xuất bản công khai ở Sài Gòn (Nxb Trình Bầy, 1967; Nxb Lửa Thiêng tái bản năm 1973; Nxb Trẻ Tp Hồ Chí Minh in lần thứ ba năm 1990), Huỳnh Như Phương tôn vinh bản lĩnh về Sự chọn lựa của người trí thức. Tôi xin mượn câu kết trong bài viết của anh làm câu kết cho bài viết của mình: “ Ở một thời điểm mà đất nước đứng trước yêu cầu cấp bách phải vừa tự đổi mới để hòa nhập vào thế giới hiện đại, vừa phải giữ gìn bản sắc của chính mình, thì việc suy nghĩ về truyền thống dân tộc, về môi trường văn hóa mà nhân dân đang hít thở, về những bài học của lịch sử và những nhiệm vụ của ngày hôm nay, đó hẳn là một công việc mà những người trí thức phải gánh trên vai của mình và không bao giờ có thể xem như đã hoàn tất” [tr.189].

                                                                                           P.P.P.

Nguồn: Tạp chí Sông Hương số 351, tháng 5-2018.

[1] Những trích dẫn đánh số trang, là trích từ tác phẩm Hãy cầm lấy và đọc của Huỳnh Như Phương, Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, 2016.

[2] Phan Quang (2016), “Người bạn muôn đời”, Tạp chí Hồn Việt, số 110, tháng 12 năm 2016.

[3] Teilhard de Chardin (2014), Hiện tượng con người, bản dịch của Đặng Xuân Thảo, Nxb Tri Thức.

Một buổi sáng nọ, mấy người bạn rủ nhau lên Bình Dương mừng nhà mới của nhà thơ Chim Trắng. Theo chỉ dẫn của ông, mọi người dừng xe giữa một vùng đất rộng. Đất đã được chia lô, cắm mốc nhưng chỉ có vài ba căn nhà được xây cất. Nhà của nhà thơ Chim Trắng là một trong vài ba căn đó, nằm ở góc của hai con đường nhỏ.

1.

Nhà gọn gàng, xinh xắn. Trên tường rào lác đác hoa ti-gôn màu hồng, hoa tầm xuân tím biếc. Ao nhỏ trước nhà có hoa súng vàng. Toàn bộ đồ nội thất như tủ, giường, bàn ghế đều làm bằng tre. Giản dị mà độc đáo. Sau bữa cơm với canh chua cá lóc, thịt kho tộ, Chim Trắng mời mọi người ở lại nghỉ trưa. Ông mở tủ, lấy ra mấy chiếc võng, phát cho từng người, rồi cười: “Ngủ võng nha. Mỗi người tự tìm chỗ để treo”.

Đã gần 30 năm sống ở một thành phố lớn mà trong tủ nhà Chim Trắng vẫn còn những chiếc võng. Ký ức chiến tranh, nếp sống thời gian khổ vẫn còn đọng lại nơi ông - nhà thơ bước vào cuộc chiến ở độ tuổi đôi mươi, người từng viết những câu thơ:

Tôi chọn nơi sinh ra những căn hầm
Thời mặt đất là đêm chưa có lửa
Tôi chọn tiếng mõ tre làm điểm tựa
Mang âm thanh đi suốt cuộc đời mình.

Đã gần 30 năm sau cuộc chiến tranh, Chim Trắng vẫn còn trong cuộc đối thoại âm thầm, da diết:

Phố trưa nghiêng võng nhớ rừng
Rừng giương mắt lá như chừng ngó ta.

2.

Trong bài thơ Phía sau mình, viết năm 2002, Chim Trắng viết: “Lặng lẽ kỷ niệm, âm thầm kỷ niệm, hừng hực kỷ niệm phía sau mình, mỉm cười với mình”.

Chim Trắng sống nhiều với kỷ niệm. Thơ ông cũng vậy. Giữa phố chợ “mịt mù bụi hoa” là buổi chiều “ướt đẫm chiến khu”, là “những con đường, những cánh rừng ngùn ngụt lửa khói”, là “Lúc đốt lửa chôn đồng đội/ Lá bỗng thành con mắt đỏ tiễn đưa nhau”, là “Một tiếng ru, một nụ hôn, một góc rừng/ Một cơn sốt, một loạt bom rơi”, là “Sóng bạc đầu bầm đỏ ở đâu đây”, là người mẹ “lượm từng miểng bom”, là cô gái “Bàn chân con gái bàn chân nhỏ/ Quỵ xuống bao lần lại đứng lên”...

“Tiếng trực thăng đè nặng trong đầu”, “Tiếng chim kêu bên kia hố bom” vẫn còn vang vọng trong mỗi ngày sống, vẫn còn vang vọng trong mỗi trang thơ. Có lúc nhà thơ tự hỏi: “Lật đời ta, hỏi đời ta/ Một thời đáng nhớ thì ta nhớ gì”. Rồi lại tự trả lời: “Một thời du kích xa lơ ấy/ Mà gần như thể mẹ gần ta”. Và: “Thời gian im tiếng bom/ thời gian không chết”. Dường như, luôn luôn ông “Bơi ngược dòng sông tìm lại một bến đò/ Tìm lại một cuộc đời có đời tôi trong đó”. Dường như, luôn luôn, ông ngoái nhìn lại “Dòng sông mãi thét gào/ Thuyền em một mũi tên lao âm thầm... Nơi dày những hố bom sâu/ Máu xương đã bắc nhịp cầu tôi qua”...

Những ai không có một tuổi trẻ như nhà thơ, không trải qua cuộc chiến khốc liệt, khó có thể hiểu hết thơ ông - dòng thơ chất chứa bao hoài niệm. Có lúc ông nhẹ nhàng giải thích: “Em bây giờ làm sao em hiểu nổi/ Chuyện chiếc lá của riêng ta, chiếc lá ở rừng”. Có lúc ông quyết liệt: “Đừng hòng mong tôi đốt cháy những cánh rừng/ Tôi đã từng qua”. Có lúc ông nói với riêng mình: “Ta vuốt mặt ta, vuốt tràn bão tố”.

Những năm tháng chiến tranh là một vùng đất riêng biệt, là máu thịt, là tình yêu, là lý tưởng sống của nhà thơ:

Vì tất cả tôi ra đi
Vì tất cả tim tôi hằng ngoảnh lại.

3.

Có lần, nhân lúc vui, người bạn hỏi Chim Trắng chuyện tình duyên của ông. Chim Trắng có vẻ bối rối, nói lảng sang chuyện khác. Nhưng rồi, một lát sau, ông tự quay lại câu chuyện: “Coi dữ vậy chớ cũng đâu có gì”. Người bạn gợi chuyện: “Nhài là ai mà thấy thơ anh nhắc nhiều vậy?”. Chim Trắng đáp, giọng trầm xuống: “Là một cô bạn từ hồi còn đi học.

Sau khi trốn khỏi nhà tù ở Mỹ Tho, tôi chạy lên Sài Gòn, đổi tên, đi học lại. Nhà cô ấy ở gần chỗ trọ của tôi. Cô ấy rất xinh, là người Bắc di cư. Hai đứa rủ nhau đi coi phim, đi lên miệt Bà Điểm chơi. Cô ấy thường đợi tôi ở góc đường bên hông chợ Bà Chiểu. Ít lâu sau tôi lại bị bắt. Ra tù là lên luôn chiến khu. Tôi có dò hỏi tin tức về cô ấy. Nghe nói cô ấy lấy chồng mà không được hạnh phúc. Có lúc cô ấy còn bị bệnh tâm thần nữa”.

Người bạn vội hỏi thêm: “Thế còn BH?”. Có lẽ đã vượt qua được sự ngần ngại ban đầu, Chim Trắng kể: “Tên đầy đủ của cô ấy là Lưu Thị Bích Hồ. Cô ấy là giao liên đưa tôi đi công tác. Đoạn đường ngắn, đêm lại tối. Tôi ngồi ở mũi xuồng hút thuốc, cô ấy im lặng chèo thuyền ở phía sau. Cả hai im lặng, lúc chia tay mới nói vài câu. Cô ấy hoạt động nội thành, vừa từ Sài Gòn vào cứ. Tôi chỉ kịp nhìn thấy mái tóc thật dài của cô ấy.

Sau này, khi làm việc tại báo Văn nghệ TP.HCM, tôi có nhận được tập thơ Đồng bằng tình yêu của tôi in trong chiến khu, do cô ấy gửi tặng. Tập thơ bị cháy xém. Cô ấy còn gửi mấy bài thơ để in báo. Nhưng cô ấy không đến, cũng không cho địa chỉ. Tôi áng chừng cô ấy ở vùng Bà Quẹo hay quận Tư nhưng nhờ đến cả công an khu vực mà vẫn không tìm ra. Rất lâu sau tôi mới nghe tin hình như cô ấy bị bom napalm, da mặt bị nám đen.

Rồi Chim Trắng lặng im hút thuốc, lặng im cho đến khi người bạn chào ra về.

“Chim Trắng rất để ý đến việc ăn mặc. Ông ăn mặc lịch sự nhưng không cứng nhắc, lại có pha một chút gì bụi bặm, phong trần”. Ảnh: Hồ Thi Ca

Khi lên chơi Bà Điểm, Bất chợt mùa hè, Ẩn hiện một chân dung, Khi trở về Bà Chiểu, Trên sông Nhe-va, Thư cuối năm 2000, Cỏ khóc dưới chân tôi là những bài liên quan đến Nhài, nhắc nhớ đến Nhài. “Không có cuộc chia tay nào giữa anh và em đâu Nhài”, “Nhài ơi, tôi viết lên da/ Hỏi em còn mất, hỏi ta mất còn”, “Nhài ơi, không có bông lài ở rừng”, “Nhài ơi, đâu đó em còn hát”... Đọc thơ, khó có thể tin rằng đó chỉ là lưu dấu của một mối tình tuổi học trò.

Tín hiệu lúc hoàng hôn, Khi tình yêu lên tiếng, Với sông là những bài thơ liên quan, nhắc nhớ đến người con gái có tên BH.

Với sông là một bài thơ hay của Chim Trắng, viết vào năm 1980. Nhà thơ đã coi lời chào chia tay năm nào như một lời hẹn ước: “Tôi đi qua suốt bao miền/ Có đâu tôi dám quên nhìn lại sau”. Bài thơ được đề tặng BH và những giao liên trên tuyến sông rạch đồng bằng sông Cửu Long, với lời cảm ơn: “Cám ơn em đến vô cùng/ Cho thơ tôi viết ngược dòng sông xưa/ Để từ nơi ấy tôi đi/ Để từ nơi ấy ta về với nhau”. Câu hỏi: “Em bây giờ ở đâu” được lặp lại sau mỗi đoạn thơ là lời nhắn gửi đến người con gái có “mái tóc thật dài” trong đêm chiến tranh ngày đó. Nếu như cuộc tìm kiếm Nhài phần nào là cuộc tìm kiếm lại tuổi thiếu niên trong trắng, đẹp đẽ thì cuộc tìm kiếm BH lại chính là cuộc tìm kiếm phần nào thời thanh niên đầy hy sinh quả cảm.

Thế nhưng, nếu những người con gái ấy may mắn, hạnh phúc, chắc chắn Chim Trắng không day dứt đến vậy, chắc chắn thơ ông không có tiếng gọi tìm thống thiết nhường ấy.

Chim Trắng là vậy. Ông thường đến bên khi ai đó gặp hoạn nạn, khốn khó.

4.

Nhà thơ Thanh Thảo kể, vào cái ngày anh bị “tai nạn thơ” hồi chiến tranh, Chim Trắng, bất chấp bom đạn, bất chấp đường sá xa xôi, đã lội bộ suốt một ngày để đến thăm anh. Hai người mắc võng, nằm nói chuyện qua đêm. Sáng ra, Chim Trắng lại lội bộ về cứ của mình. Tình bạn của họ bắt đầu từ đó.

Chim Trắng hiền hòa, thảo tính nhưng khi đụng đến những vấn đề có tính nguyên tắc sống của mình, ông không bao giờ nhân nhượng. Đôi khi, ông cứ như tự rước sự vất vả, cực nhọc, rước họa vào mình vậy.

Chim Trắng cũng chỉ thực sự thân thiết với Trang Thế Hy khi nhà văn viết tác phẩm Bức tượng, bị phê phán có vấn đề về tư tưởng, khi nhà văn sống khá cô độc. Sau này, khi Tư Sâm (tên thường gọi của Trang Thế Hy) nghỉ hưu, về Bến Tre, Chim Trắng đi đi về về, chăm nom nhà văn như một người ruột thịt. Nghe tin đoàn làm phim của VTV dự tính làm phim chân dung Trang Thế Hy, Chim Trắng mừng lắm.

Chim Trắng tìm mọi cách thuyết phục, dỗ dành ông già khó tính. Chim Trắng liên hệ với Ủy ban tỉnh, với Hội Văn nghệ tìm chỗ ăn, chỗ nghỉ cho đoàn. Rồi ông tự mình lái xe đưa đoàn về Bến Tre, đưa Trang Thế Hy và đoàn làm phim đi quay hết chỗ này đến chỗ khác. Cả đạo diễn, cả quay phim, cả biên kịch suốt ngày gọi chú Ba (tên thật của Chim Trắng), hỏi chú Ba điều này điều khác, vì chú Ba rất rành Bến Tre và cũng rất rành Tư Sâm - Trang Thế Hy. Nhìn Chim Trắng lái xe, đầu húi cua, mặc áo ca-rô, đeo kính râm, cậu quay phim bảo: “Chú Ba chịu chơi thật”.

Quả thực, Chim Trắng rất để ý đến việc ăn mặc. Ông ăn mặc lịch sự nhưng không cứng nhắc, lại có pha một chút gì bụi bặm, phong trần. Chú Ba là người rất hiền, rất chu đáo. Có điều gì trục trặc, ông thường bảo “Không sao. Đừng lo” rồi tự mình tìm cách tháo gỡ. Lúc đoàn rời Bến Tre, Chim Trắng mua kẹo dừa, bánh tráng sữa để họ đem về Hà Nội làm quà. Khi phim hoàn tất, Chim Trắng lo in sang ra nhiều bản để đem về tặng Trang Thế Hy.

Thế nhưng, có lần Trang Thế Hy lạt lòng, nhận trả lời tờ báo nọ về một việc mà Chim Trắng thấy không nên, ông cự nự nhà văn. Đuối lý, nhà văn cười móm mém: “Sao ông cứ rượt tôi hoài vậy”. Trong thâm tâm, Chim Trắng không muốn có điều gì làm phương hại đến thanh danh người bạn vong niên của mình.

Chim Trắng hiền hòa, thảo tính nhưng khi đụng đến những vấn đề có tính nguyên tắc sống của mình, ông không bao giờ nhân nhượng. Đôi khi, ông cứ như tự rước sự vất vả, cực nhọc, rước họa vào mình vậy. Ông thân với Nguyên Ngọc khi Nguyên Ngọc đang bị phê phán. Ông cho in thơ Bùi Minh Quốc khi Bùi Minh Quốc còn bị nạn ở Lâm Đồng. Thời kỳ ông làm Tổng biên tập báo Văn nghệ TP.HCM, không ít lần ông bị nhắc nhở, khiển trách vì những bài tranh luận về văn học, hội họa khác với quan điểm chính thống.

5.

Nhà văn Trang Thế Hy kể: “Ổng (nhà thơ Chim Trắng) đi thực tế chiến trường ở đồng bằng. Khi trở về cứ, đến núi thì trời đã xế chiều, ổng luần quần cho tới tối thì bị lạc. Không định hướng được cơ quan ở phía nào, ổng đành giăng võng ngủ, đợi sáng. Mệt và đói mà chỉ có một trái khóm (dứa). Ổng đập trái khóm vào thân cây, bẻ ra, cạp ăn. Sáng dậy, ổng thấy trên sợi dây thắt lưng Mỹ của ổng, ngoài khẩu súng lục, còn có một con dao găm rất bén”.

Tôi tin câu chuyện này, bởi, nếu không nói đến tính đãng trí của Chim Trắng thì chưa thể hoàn chỉnh bức phác họa chân dung của ông.

Chim Trắng có thói quen rủ bạn bè đi ăn sáng, uống cà phê để trao đổi, thăm hỏi, trò chuyện (ở Sài Gòn nếu không có hẹn thì gần như người ta không bao giờ có thể nhìn thấy nhau ngoài phố đông). Mà hình như lần nào cũng xảy ra “sự cố” vì sự đãng trí của ông. Sự cố thường xảy ra nhất là quên vé gửi xe, quên chìa khóa. Sau khi ăn uống, trò chuyện, mọi người chào nhau ra về thì Chim Trắng không biết phiếu gửi xe của mình lạc đi đâu. Ông để chùm chìa khóa lên một chiếc yên xe nào đó, quày quả quay lại quán. Lát sau ông bước ra, tươi cười giơ cao mảnh giấy nhỏ nhưng chùm chìa khóa thì đã biến mất. Biết vậy, mọi người thường nhắc ông nhưng rồi sự cố vẫn cứ xảy ra.

Những ai không có một tuổi trẻ như nhà thơ, không trải qua cuộc chiến khốc liệt, khó có thể hiểu hết thơ ông - dòng thơ chất chứa bao hoài niệm.

Một nhân viên làm việc tại tuần báo Văn Nghệ TP.HCM kể, có lần thấy Chim Trắng nhấc máy cố định gọi đi đâu đó. Trong lúc ông cầm máy đợi thì điện thoại di động của ông đổ chuông, ông vội vàng cầm lên, alô, alô một hồi, chẳng có ai trả lời. Ông đeo kính nhìn vào màn hình mới biết mình đang gọi vào số di động của chính mình. Cái điện thoại di động ấy hành hạ ông không ít. Có lần nó biến mất. Ông tìm kiếm, gọi hỏi chỗ này chỗ khác mà không thấy tăm hơi, đành đi mua cái mới.

Trong lúc đó, nhân viên kháo nhau, thỉnh thoảng lại nghe tiếng gì như tiếng dế kêu trong cốp xe đậu ở sân cơ quan. Ngày nọ, Chim Trắng mở cốp xe, ông nhìn thấy chiếc điện thoại nằm chỏng chơ giữa đống sách vở, tài liệu. Ông cười: “Cũng may. Quên nó ở đầu máy thì chết”.

6.

Thế rồi, vào cuối năm 2006, Chim Trắng nhận lời đóng vai một thám tử tư trong phim của đạo diễn Mỹ Hà. Có thể, đạo diễn Mỹ Hà nhận ra chất điện ảnh trên khuôn mặt đăm đăm, trên ánh mắt gườm gườm của nhà thơ Chim Trắng. Cũng có thể, đạo diễn muốn tạo ra một sân chơi mới cho người bạn vong niên của mình. Nhưng Chim Trắng bảo đóng phim cực nhọc lắm.

Một sáng đầu năm 2007, sau một đợt đóng phim, Chim Trắng hẹn mấy người bạn ăn sáng tại 45 Đinh Công Tráng (quán này rộng rãi, yên tĩnh, có thể vừa ăn uống vừa trò chuyện lâu được). Thấy ông có vẻ bồn chồn, một người bạn hỏi: “Anh Ba có chuyện chi à”. Ông cười: “Chuyện nhỏ thôi. Mấy bữa trước nhận tiền cát-sê đóng phim cất đó. Rồi tiền nọ tiền kia cũng bỏ chung một chỗ, tiêu xài, mua sắm lung tung. Hôm qua giở ra, thấy sao còn nhiều quá. Tự nhiên nghĩ, có thể cô kế toán tính nhầm, đưa dư cho mình. Sáng nay gọi điện mà chưa gặp cô ấy. Lát nữa phải chạy qua đoàn làm phim xem sao. Chuyện có bấy nhiêu mà mất ngủ. Dạo này hay mất ngủ quá”.

Cuối đời Chim Trắng thường ở Bình Dương. Ở cái ngôi nhà có hoa hồ điệp trắng, có bầy chim sẻ hay về ấy. Ở, để “Mỗi ngày nhìn mặt trời lặn/ Cắn móng tay nhìn hoa móng tay chơi”, và để chiêm nghiệm: “Những gì đã xa/ Những ngả đường thật xa/ Thời gian phủ kín/ Những gì thật gần làm tôi bịn rịn/ Muốn tự mình hoang đi”. Và, cũng có thể, chỉ là để: “Lắc lư võng nhớ về sông quê nhà”. 

Nhà thơ Chim Trắng (1938-2011) tên thật là Hồ Văn Ba, quê ở Bến Tre. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ phong trào “Bảo vệ hòa bình” của luật sư Nguyễn Hữu Thọ năm 1955, bút danh Chim Trắng cũng ra đời trong giai đoạn này. Ông từng bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam hai lần ở Mỹ Tho và Sài Gòn.

Đầu năm 1961, ông trốn ra khỏi nhà tù ở Sài Gòn, vào chiến khu, làm công tác thanh niên, làm báo, viết báo, làm thơ, biên tập và sáng tác văn học ở báo Văn nghệ Giải phóng. Sau năm 1975, ông về làm việc ở báo Văn Nghệ TP.HCM.  Những năm cuối đời ông sống tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, cho đến khi mất.

Ý Nhi

Nguồn: http://nguoidothi.net.vn/pho-trua-nghieng-vong-nho-rung-12596.html

Nguyễn Nam(*)

Tự sát là một trong những "vấn nạn" của phụ nữ ở Việt Nam những năm cuối thập niên 1920.  Đáng chú ý là xã hội lại quy tội nguyên nhân của vấn nạn này cho tiểu thuyết.  Trong bản in năm 1932 của bản dịch quốc ngữ  truyện Tuyết hồng lệ sử có một bài tựa của nhà in Nam Ký, cho thấy công luận xã hội đã nối kết tiểu thuyết "ngôn tình" với "phong trào tự tử" trong quan hệ nhân quả như thế nào: "Gần đây trong nước ta nhân có phong trào tự tử của các cô 'gái mới', vài nhà 'văn sĩ' bèn thừa dịp làm án mấy bộ tiểu thuyết ngôn tình, qui tội cho các nhà viết tiểu thuyết ấy, cho rằng các cô gái chán đời phần nhiều là bởi nhiễm phải cái độc trong những tiểu thuyết kia.  Tuyết hồng lệ sử cũng bị liệt vào hạng sách bị kết án nói trên."[1]  Đọc xong đoạn trích ngắn này, người đọc hẳn sẽ băn khoăn: Cái gọi là "phong trào tự tử" ấy trên thực tế đã diễn ra chủ yếu ở đâu và như thế nào?  Những cô "gái mới" ấy là ai?  Nội dung cụ Tuyết hồng lệ sử ra sao mà nó bị kết tội đầu độc những cô gái tân thời khiến họ phải quyên sinh?  Ba thập niên đầu thế kỷ XX là một giai đoạn chuyển tiếp trong lịch sử văn học Việt Nam từ cận đại sang hiện đại.  Giai đoạn này đã chứng kiến không chỉ sự phát triển của tiểu thuyết Việt Nam qua giao thoa - tiếp xúc với văn chương thế giới (đặc biệt là Pháp và Trung Quốc), mà còn thấy được sự hình thành của một cộng đồng độc giả nữ đối với tiểu thuyết.  Sự tăng trưởng trong việc đọc tiểu thuyết của phụ nữ cũng lại gợi lên thêm nhiều câu hỏi nữa: Những bạn đọc nữ ấy là ai và học vấn của họ như thế nào? Họ đọc những loại tiểu thuyết gì? Việc đọc của họ có được theo dõi và hướng dẫn hay không? Ai chủ động việc ấy và có ý kiến như thế nào?  Trả lời tất cả những câu hỏi trên đây là góp phần phục hiện một góc nhìn về phụ nữ với văn chương và xã hội đầu thế kỷ XX.  Hồi ứng của bạn đọc nữ thời ấy đối với tiểu thuyết Việt Nam và nước ngoài (trực tiếp với nguyên tác và thông qua bản dịch tiếng Việt) có thể được tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin khác nhau.  Trong điều kiện khiếm khuyết những điều tra thống kê cụ thể, bài viết sử dụng báo chí đương thời để kiểm nghiệm mối liên hệ giữa ảnh hưởng của tiểu thuyết ái tình (đặc biệt qua trường hợp Tuyết hồng lệ sử của Từ Chẩm Á) và việc phụ nữ tự sát.      

Từ Chẩm Á 徐枕亞  (1889-1937) và văn phái Uyên hồ  鴛蝴

Từ Chẩm Á người Thường Thục 常熟 (tỉnh Giang Tô), tên gốc là Giác 覺, viết với nhiều bút danh, như Từ Từ 徐徐, My Tử 眉子, Khấp Châu Sinh 泣珠生, Đông Hải Tam Lang 東海三郎, Đông Hải Giao Nhân 東海鮫人, hay Thanh Lăng Nhất Điệp 青陵一蝶.  Năm 1914, sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Ngu Nam 虞南 ở Thường Thục, Từ Chẩm Á dạy tiểu học ngay tại quê nhà.  Từ năm 1909-1911, ông dạy trường tiểu học Hồng Tây 鴻西 ở Vô Tích 無錫 dưới chân núi Hồng 鴻山, tá túc gần nhà thư pháp gia nổi danh Thái Ấm Đình 蔡蔭庭, nhân đấy nhận làm gia sư cho gia đình này.  Nhà họ Thái có người con dâu goá tên Trần Bội Phân 陳佩芬, vốn giòng thư hương.  Nàng Bội Phân có cậu con trai 8 tuổi là Mộng Tăng 夢增, theo học với thầy Từ.  Chẩm Á và Bội Phân trước vì yêu tài, mến đức mà sau tình cảm càng trở nên nồng thắm, thường ngầm trao đổi thư tín, thi từ qua lại qua trung gian cậu bé Mộng Tăng.  Vì lễ giáo đương thời, vì danh tiết của nàng và cũng vì tương lai của Mộng Tăng, Chẩm Á và Bội Phân đã không thể theo gương chàng Tư Mã Tương Như và nàng Trác Văn Quân khi xưa mà cùng nhau bỏ trốn.  Trong hoàn cảnh nan giải ấy, để báo đáp tình yêu của chàng, Bội Phân nghĩ đến cách "tháp cành, ghép hoa" để Chẩm Á kết hôn với em chồng mình là Thái Nhị Châu 蔡蕊珠.  Dẫu thế, sau khi thành thân với Nhị Châu và lên Thượng Hải làm báo, Chẩm Á vẫn không quên được Bội Phân mà còn treo cả một bức ảnh lớn của nàng trong phòng làm việc ở thư cục.  Mối tình này được Từ viết lại thành tiểu thuyết Ngọc lê hồn 玉梨魂, đăng nhiều kỳ trên phụ san của Dân quyền báo 民權報.  Theo hồi ức của Trịnh Dật Mai 鄭逸梅, cùng đăng chung với Ngọc lê hồn là tiểu thuyết Nghiệt oan kính 孽冤鏡 của Ngô Song Nhiệt 吳雙熱 (1884-1934), chiếm lĩnh phần lớn phụ san: cả hai bộ tiểu thuyết này đều kết hợp biền văn với tản văn, tựa như cùng nhau tung hứng trên hý đài, nhân đấy mà được xưng tụng là uyên ương hồ điệp phái 鴛鴦蝴蝶派.[2] 

Tiểu thuyết Ngọc lê hồn cùng với hậu thân của nó, Tuyết hồng lệ sử 雪鴻淚史, là hiện tượng đặc biệt trong lịch sử văn học Trung Quốc hiện đại.  Tuy chưa có thống kê đầy đủ, kể từ khi xuất bản thành sách năm 1912 cho đến nay, hai bộ tiểu thuyết này đã được tái bản đến vài chục lần, nâng tổng số bản in của nó trong khu vực Hoa ngữ ước tính tổng cộng lên đến hơn triệu bản, một số lượng tiêu thụ khổng lồ chưa từng có trong lịch sử văn học cận - hiện đại Trung Quốc.  Ngay sau khi ra đời, bộ tiểu thuyết này đã được "Thượng Hải dân hưng xã" biên diễn thành kịch nói, và được "Minh tinh ảnh phiến công ty" cải biên thành tác phẩm điện ảnh năm 1924.[3]  Ngọc lê hồn kể chuyện chàng thanh niên trí thức tài hoa Hà Mộng Hà 何夢霞 do gia cảnh khó khăn nhận lời mời của bạn về dạy ở trường tiểu học Thạch Hồ 石湖.  Cũng nhân dịp này, Mộng Hà đồng ý dạy giúp cho cậu bé Bằng Lang 鹏郎, cháu nội của một người họ hàng xa.  Bằng Lang sớm mồ côi cha, ở với ông nội và người mẹ goá trẻ 27 tuổi là Lê Nương 梨娘.  Tình thầy-trò khăng khít giữa Mộng Hà và Bằng Lang khiến Lê Nương vô cùng cảm kích.  Một hôm, Lê Nương đang ngoạn cảnh trong vườn thì bắt gặp "Lê hoa hương trũng梨花香冢" (Mồ thơm hoa lê) do Mộng Hà vì thương hoa rụng mà đem chôn, đắp nên phần mộ.  Lê Nương trông mộ hoa mà thương phận mình, nhân đấy lại càng cảm thông Mộng Hà.  Thông qua trung gian bé Bằng Lang, Mộng Hà và Lê Nương trao đổi thư từ, rồi phát sinh yêu thương.  Không muốn vượt phạm lễ giáo "quả phụ thủ tiết", Lê Nương bộc bạch ưu tư của nàng với Mộng Hà, ngỏ ý không muốn mối tình của hai người ảnh hưởng đến tương lai của chàng.  Để trả lời nàng, Mộng Hà thề sẽ không kết hôn với ai cho đến trọn đời.  Cả hai con người quyết liệt trong tình trường này đều ngã bệnh trước những quyết định của người mình yêu.  Thế nhưng sau đó Mộng Hà nhượng bộ, chiều theo ý Lê Nương mà kết hôn với Quân Thiến筠倩, em chồng của Lê Nương, một cô học sinh trường nữ học đã "được kết giao cùng các hiền nữ sĩ bốn phương, tầm mắt được mở rộng, học thuật nhân đó mà tấn tới."[4]  Mộng Hà miễn cưỡng kết hôn với Quân Thiến nhưng vẫn thầm yêu Lê Nương.  Tuy chấp nhận lời khuyên nhủ của chị dâu mà kết hôn với Mộng Hà, Quân Thiến hoàn toàn không biết gì về mối tình thầm vụng giữa hai người.  Để giải phóng Mộng Hà khỏi những mối dây ràng buộc với mình, Lê Nương gửi trả lại chàng tập "Hồng lâu ảnh sự thi 紅樓影事詩" chàng viết và trao nàng khi trước, cùng với một mớ tóc mây gói trong tấm khăn đầy ngấn nước mắt của nàng, làm dấu cho sự đoạn tình.   Mộng Hà cắn đầu ngón tay lấy máu viết thư phản đối quyết định của Lê Nương.  Nhận được bức huyết thư, Lê Nương quyết định phải chết để Mộng Hà quên hẳn nàng và dành tình cảm cho Quân Thiến.  Nhân khi Mộng Hà về thăm nhà, Lê Nương nằm liệt giường, và mặc cho Quân Thiến hết lòng chăm sóc, nàng từ chối thang thuốc mà chết.  Nhân đọc được bức di thư của Lê Nương mà Quân Thiến biết được mối tình của hai người.  Quân Thiến bị chấn động mạnh, ngã bệnh, rồi cũng chọn cái chết như chị dâu.   Theo như ước nguyện của Lê Nương, Mộng Hà sang Nhật lưu học để về phục vụ đất nước.  Khi khởi nghĩa Vũ Xương 武昌 nổ ra[5], Mộng Hà ném bút, tòng quân, xông pha chiến địa, rồi tử trận với tập "Tuyết hồng lệ thảo 雪鴻淚草" bao gồm thi từ xướng họa giữa chàng và Lê Nương luôn mang trong mình.  Chi tiết tập thi từ ấy sau được Từ Chẩm Á phát triển lên thành tiểu thuyết viết theo thể nhật ký mang tên Tuyết hồng lệ sử, đi sâu hơn vào những góc kín trong tâm tư Mộng Hà - Lê Nương, và cũng như Ngọc lê hồn, đã lấy đi vô vàn nước mắt của bạn đọc.  

Những phát hiện và công bố của Thời Manh 時萌 liên quan đến thi từ, thư tín trao đổi giữa đôi tình nhân Từ Chẩm Á và Trần Bội Phân yết lộ rõ hơn khía cạnh "tự truyện" của Ngọc lê hồn, tái xác định nguyên mẫu các nhân vật của nó, cũng như mức độ tình cảm thâm sâu của Chẩm Á và Bội Phân.[6]  Trong bài tựa Tuyết hồng lệ sử, Từ từng viết: "Khi tôi viết bộ sách này...thực sự trong tâm trí không hề có hai chữ 'tiểu thuyết', vậy nên hết lòng mong bạn đọc chớ lấy nhãn quan tiểu thuyết mà nhìn nhận lầm sách của tôi."  Toàn bộ 93 trang tư liệu tìm được từ nhà họ Từ cho thấy những sự kiện thực trong mối tình Chẩm Á - Bội Phân đã đi vào Ngọc lê hồn như thế nào.  Ví như chuyện nhân vật nam Mộng Hà cắn ngón tay lấy máu viết huyết thư gửi góa phụ Lê nương có nguyên hình trong đời thực như nàng Bội Phân đã ghi lại: "Trưa hôm qua nhận được huyết thư mà tim gan em đau nhói.  Lúc này nhìn chữ mà lòng em đau đớn không thôi, chỉ muốn sớm chết đi cho xong..."  Những tư liệu này cũng cho thấy mức độ tình cảm thân cận, nồng thắm của Chẩm Á và Bội Phân trong đời thực đã đi xa hơn rất nhiều so với Mộng Hà và Lê nương, một quan hệ được miêu tả trong truyện là "phát hồ tình nhi chỉ hồ lễ nghĩa 發乎情而止乎禮義" (nảy sinh từ tình cảm, nhưng dừng lại trong vòng lễ nghĩa).  Để đến được với nhau, cửa sau phòng riêng của Chẩm Á và Bội Phân đêm đêm thường để ngỏ.  Những cuộc hẹn hò như thế được ghi lại khá nhiều trong thi từ trao đổi giữa hai người.  Khác với Mộng Hà và Lê nương trong truyện chỉ hai lần lén lút hò hẹn, nhưng ngoài việc tuôn nước mắt, họ cũng chẳng dám chạm đến tay nhau, Chẩm Á và Bội Phân trên thực tế đã ngầm gặp nhiều lần trong đêm, và tình thân của họ hẳn đã đi xa hơn rất nhiều so với hai nhân vật tiểu thuyết rất nhiều, như được ghi lại trong mấy vần thơ dưới đây,

Nguyên văn Phiên âm Dịch nghĩa
深夜相逢陽氣和 Thâm dạ tương phùng dương khí hòa Đêm khuya gặp gỡ giữa khí dương hòa hợp,
誰知巫峽夢中多 Thùy tri Vu Giáp mộng trung đa Ai hay Vu Giáp trong mộng đã bao phen.[7]
若能同剪西窗燭 Nhược năng đồng tiễn tây song chúc Ví được cùng tỉa bấc đèn bên cửa sổ mé tây,[8]
再托陽臺撲飛蛾 Tái thác Dương đài bộc phi nga Lại xin thác làm thân ngài chết ở Dương đài.[9]

và:

Nguyên văn Phiên âm Dịch nghĩa
相敬相愛兩情真 Tương kính, tương ái lưỡng tình chân Kính trọng, yêu thương nhau: đôi chân tình
攜手頻頭笑語親 Huề thủ, tần đầu, tiếu ngữ thân Cầm tay, kề đầu, nói cười thân mật.
一雙暗渡誰知覺 Nhất song ám độ thùy tri giác Một đôi lén lút ai hay biết,
傷心不是蓮枝人 Thương tâm bất thị liên chi nhân. Đau lòng chẳng phải kẻ phân ly. [10]  

Hiển nhiên, những phát hiện trên đây cho thấy Từ Chẩm Á đã không vượt ra ngoài những hạn định đạo đức của thời đại trong tác phẩm của ông.  Ông tiểu thuyết hóa mối tình của mình, nhưng kìm nó lại trong vòng lễ nghĩa.  Mặt khác, Ngọc lê hồn đã yết lộ hình ảnh nhân vật lý tưởng mà Từ hướng đến nhưng không thực hiện được trong đời thực của mình.  Đó là một Mộng Hà sống chết với tình riêng nhưng vẫn nặng tình chung yêu nước.     

Khởi sự từ sau vận động Ngũ Tứ, tác phẩm của Từ Chẩm Á bị liệt vào loại văn chương uyên ương hồ điệp với hàm ý tiêu cực,[11]  bị xem là mắc chứng "vô bệnh thân ngâm 無病呻吟" (không bệnh mà rên), và bị xếp vào hạng du hí tiêu khiển, đơn thuần "mua vui, giải trí," sướt mướt nhãn lệ, tị thế 眼淚鼻涕 đầm đìa nước mắt, nước mũi. [12]  Trên thực tế, Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á vượt ngoài cái khung bi tình mà những bộ tiểu thuyết sau này học theo, bởi nó đã đề xuất được vấn đề xã hội cần phải quan tâm giải quyết như Chu Tác Nhân 周作人 (1885-1967) từng thừa nhận:

Sách Ngọc lê hồn lưu hành gần đây, văn chương tuy phát ngán (...) nhưng sự việc ghi chép trong ấy cũng có thể xem là một vấn đề.  (...) Còn như việc "có người quả phụ thấy kẻ độc thân mà muốn lấy" thì tuyệt đối không thể chấp nhận được.  Loại đạo đức này thực có thể gọi là thứ hiếm có.  Trung Quốc có một số người có thái độ lạ kỳ đối với loại hiện thực này.  Họ tiếc thương những kẻ bất hạnh trong Ngọc lê hồn nhưng lại không xem xã hội hiện tồn tạo nên nỗi bất hạnh này là sai trái.  Phát ra ở tình, dừng nơi lễ nghĩa, cuối cùng thì chết - ấy cũng rất đủ để làm niềm vinh quang xã hội của họ, cung cấp cho họ tài liệu để mà ngâm vịnh, ta thán.  Đây gọi là thứ thưởng ngoạn thống khổ phi nhân tình.  Những kẻ làm tiểu thuyết khổ tình, ai tình, ai ai cũng có loại thái độ này, vậy mà họ lại không biết nguyên ý của người viết Ngọc lê hồn là như thế nào hay sao?[13]        

Quả thực, bi kịch luyến ái giữa goá phụ trẻ và người tài tử đa tình đã phản ánh sự khốc hại của luân lý gia đình của xã hội phong kiến đối với phụ nữ, đặc biệt là quả phụ.  Bị trói buộc trong lễ giáo nghiêm nhặt đến mức phi nhân tình ấy, những góa phụ trẻ như Bạch Lê Ảnh không chỉ đau lòng tự dằn vặt, mà còn đưa cả người thân của mình (như Quân Thiến) vào vòng khổ lụy, để rồi cuối cùng chỉ biết tìm sự cứu chuộc trong cái chết.[14]  Tuy nhiên, do khối bi tình tay ba giữa Mộng Hà, Lê Ảnh và Quân Thiến quá thảm đạm đôi khi đã khiến cho vấn đề xã hội mà Chu Tác Nhân chỉ ra bị mờ đi trong nước mắt.  Nối theo Từ Chẩm Á, những nhà văn về sau đi sâu khai thác bi tình đẫm lệ khiến khía cạnh phê phán nội tại của nguyên ủy ngày càng mờ nhạt.  Hậu quả là văn phái uyên hồ bị lên án là đại biểu cho thế lực phong kiến với ý thức thẩm mỹ đơn thuần là tiêu khiển, du hý.  Trong một thời gian dài, giới nghiên cứu phê bình miệt thị, xem đó là văn học "nghịch lưu" thông tục cần phải phê phán, phủ định, thậm chí vứt bỏ như phế phẩm.  Tất nhiên, cũng có những nhà phê bình công tâm (như Lỗ Tấn, Mao Thuẫn) nghiêm túc nhận định một cách khách quan phương diện "thú vị" của dòng văn học này trong bối cảnh thời đại của nó. [15]  Phải đến những năm 1980, cùng với những biến đổi chính trị - văn hóa - xã hội ở Trung Quốc, học giới mới khởi sự có một tác phẩm nghiên cứu văn phái này một cách toàn diện và hệ thống.  Sau nhiều năm khảo cứu, Phạm Bá Quần 范伯群 nhận định rằng uyên ương hồ điệp là một lưu phái tiểu thuyết thông tục thừa tập truyền thống tiểu thuyết cổ đại Trung Quốc xuất hiện trong quá trình hưng kiến những đô thị lớn trong khoảng cuối Thanh - đầu Dân quốc.  Thông qua việc nghiên cứu văn phái này từ nhiều góc nhìn, tầng bậc khác nhau, có thể thấy được những biến đổi xã hội - văn hoá đa dạng của xã hội Trung Quốc giữa thời quá độ, với những những quá trình tương tạp giao và đối kháng của dân tục trong khi kinh trải Âu phong Mỹ vũ (gió Âu, mưa Mỹ), cũng như sự bột hưng của một nền văn học mới.  Phạm Bá Quần tự nhận để có được những phát kiến, kiến giải mới đối với lưu phái này thật không dễ, bởi lẽ tựa như người phụ nữ bó chân, nay tháo cởi vải bó để bước đi với đôi chân trần tự nhiên của mình, người nghiên cứu sao tránh khỏi những bước chao đảo, nghiêng lệch không vững trên con đường mới trước mắt.[16]  Ngoài bộ Uyên ương hồ điệp phái nghiên cứu tư liệu 鸳鸯蝴蝶派研究资料của Ngụy Thiệu Xương 魏紹昌 (1922-1998) do Thượng Hải văn nghệ xuất bản xã in lần đầu năm 1962, các tập Uyên ương hồ điệp phái văn học tư liệu 鴛鴦蝴蝶派文學資料 và Ngã khán uyên ương hồ điệp phái 我看鴛鴦蝴蝶派 đã góp thêm nhiều tư liệu quan trọng làm cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo sau.[17]

Đáng chú ý là Từ Chẩm Á và văn phái uyên hồ đã thu hút sự chú ý của một thế hệ nghiên cứu trẻ đầu thế kỷ XXI.[18]  Với nhãn quan mới, họ xem các nhà văn thuộc văn phái này là những người tiên phong (avant-garde) bị lãng quên."[19]  Triệu Hiếu Tuyên 趙孝萱chỉ ra tính phức tạp của văn phái uyên hồ, khởi sự từ định nghĩa, ấn phẩm (tạp chí, sách in), văn thể (ví như tản văn, tùy bút, nhật ký, thi từ, tiểu thuyết), ngữ ngôn (ví như biền văn, bạch thoại theo lối khẩu ngữ, hay bạch thoại chịu ảnh hưởng Âu Tây), cho đến nội dung đề tài mở rộng (ngôn tình, khoa huyễn, trinh thám, lịch sử, hoạt kê, hay võ hiệp).[20]  Riêng đối với Ngọc lê hồn, các nghiên cứu cũng đồng thời chỉ ra những đặc điểm kế thừa và sáng tân của nó.  Kế thừa văn học truyền thống, hòa phối tiểu thuyết cũ và mới và tạo ra đột phá văn chương, đây là bộ "kỳ tác" trường thiên tiểu thuyết biền văn thứ ba trong lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc nhưng lại sử dụng thể nhật ký mô phỏng Trà hoa nữ với nhân vật kể chuyện xưng "tôi." [21]  Với nhân vật cách mạng Mộng Hà, nhân vật phụ nữ "tân học" Quân Thiến, Ngọc lê hồn đã phản ánh xã hội Trung Quốc trong giai đoạn chuyển hóa với những xung đột giữa hai phái tân-cựu, nhân đó chỉ ra những tư tưởng ái quốc, cách mạng trong Ngọc lê hồn và Tuyết hồng lệ sử.[22]  Các nghiên cứu này cũng đặt văn phái uyên hồ chung với văn học Ngũ Tứ vì cả hai đều là phương thức biểu ý của tính hiện đại, chỉ khác là văn học Ngũ Tứ tập trung vào trí thức, quyết liệt giải quyết xung đột tân-cựu, trong khi văn phái uyên hồ lại hướng về thị trường, thế tục, đi theo con đường tiệm tiến cải lương xã hội.[23]  Truyện như nhóm lên vài đóm lửa nhỏ vừa kịp phát sáng nhu cầu tự do hôn nhân - luyến ái thì đã vội tắt ngúm trước áp lực của đạo đức truyền thống.[24]  Mở rộng ra ngoài phạm vi văn học, các nghiên cứu cũng chú ý đến ảnh hưởng của Ngọc lê hồn nói riêng, và của văn phái uyên hồ nói chung đối với điện ảnh và truyền thông Trung Quốc buổi sơ khai.[25]    

Như E. Perry Link, Jr. đã chỉ ra, xét trong bối cảnh quốc tế, tiểu thuyết uyên hồ  có những khía cạnh lịch sử và đặc điểm văn chương tương đồng, tương cận với tiểu thuyết bình dân đô thị ở những nước diễn ra cách mạng công nghiệp.  Trên toàn thế giới, sự ra đời của tiểu thuyết giải trí phong cách hiện đại (modern-style entertainment fiction) luôn đi kèm với chủ nghĩa công nghiệp như nó đã xảy trong những buổi đầu của nước Anh thế kỷ XVIII, rồi lan trải sang Tây Âu và châu Mỹ.  Trong nhiều trường hợp, tiến trình này diễn ra thông qua vay mượn: vượt qua những đường biên quốc tế, truyện được in lại hay dịch sang bản ngữ.  Ở Đông Á, Nhật là nước đầu tiên trải nghiệm quá trình này.  Trong hai thập niên 1870 và 1880, các bản dịch và phỏng tác tác phẩm của các nhà văn đại chúng phương Tây như Charles Dickens, H. Rider Haggard và Jules Verne được xuất bản ở Osaka và Tokyo.  Cuộc chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất (1894–1895) kết thúc với Điều ước Shimonoseki (Hạ Quan điều ước 下関条約, Shimonoseki Jōyaku, hay Mã Quan điều ước馬關條約) ký kết năm 1895 buộc Trung Hoa phải công nhận Triều Tiên độc lập, nhượng bán đảo Liêu Đông, quần đảo Đài Loan và Bành Hồ cho Nhật.  Thêm vào đó, Trung Hoa phải bồi thường chiến phí và ký điều ước thương mại với Nhật, cho phép nước này sử dụng một số cảng và sông ngòi vào mục đích thương mại.  Điều ước này đã dẫn đến sự tăng trưởng dân số và sự ra đời của một trung tâm đô thị công-thương Thượng Hải với sự hình thành tầng lớp tiểu thị dân bao gồm những người buôn bán nhỏ, thư lại, học sinh, các bà nội trợ, và những cư dân đô thị có chút học vấn.  Cũng chính thành phố đô thị hóa đầu tiên này của Trung Hoa đã sản xuất ra hàng loạt tiểu thuyết giải trí (phần lớn thông qua bản dịch Nhật ngữ).  Đồng thời kế thừa truyền thống tiểu thuyết thông tục bản địa sẵn có, quy phạm Trung Hoa trong lĩnh vực tiểu thuyết giải trí theo sát lược đồ có sẵn của Nhật Bản.  Cũng như ở châu Âu, châu Mỹ và Nhật Bản, những loại chính của tiểu thuyết giải trí ở Trung Hoa bao gồm: (1) chuyện tình, (2) chuyện phiêu lưu của anh hùng nghĩa hiệp, (3) chuyện thu hút sự chú ý của công chúng, scandal, và (4) chuyện trinh thám.  Tất nhiên những loại chuyện này đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc, thế nhưng tiểu thuyết giải trí hiện đại được sáng tác, xuất bản, phát hành và duyệt đọc theo lối mới, khác hẳn với những gì đã có trong quá khứ.  Cùng với sự phát triển của công nghệ in ấn hiện đại khiến giá thành của sách giảm xuống đáng kể, tỷ lệ biết chữ của cư dân đô thị lại tăng cao nhiều lần so với trước đây, người đọc giờ đây mua sách về nhà đọc trong một không gian riêng tư với khuynh hướng hướng nội, thoát ly khỏi môi trường ngày càng phức tạp bên ngoài.  Link nhận định, "Chức năng của tiểu thuyết uyên hồ như một niềm an ủi trong hoàn cảnh này là một khía cạnh tách biệt nó khỏi những tác phẩm có trước."[26]        

Một trong những nỗ lực nhằm khẳng định và đề cao đóng góp của văn phái uyên hồ là khảo sát nó trong tương quan văn học khu vực Đông Á, đặc biệt là Nhật Bản.  Đáng chú ý là nghiên cứu của Vương Hướng Viễn 王向遠 chỉ ra những nét tương đồng giữa văn phái uyên hồ Trung Quốc và Ken'yūsha 硯友社 (Nghiên hữu xã) Nhật Bản.  Năm 1885, một nhóm sinh viên rất trẻ của Đại học Tokyo, đứng đầu là Ozaki Kōyō 尾崎紅葉 (Vĩ Kỳ Hồng Diệp, 1867-1903), cùng với Yamada Bimyō 山田美妙 (Sơn Điền Mĩ Diệu, 1868-1910), Ishibashi Shian 石橋思案 (Thạch Kiều Tư An, 1867-1927),  và Maruoka Kyuka丸岡九華 (Hoàn Cương Cửu Hoa, 1865-1927), thành lập Nghiên hữu xã; sau nhóm có thêm sự tham gia của một thân hữu khác, như  Kawakami Bizan 川上眉山 (Xuyên Thượng Mi Sơn, 1869-1908), Iwaya Sazanami 巌谷小波 (Nham Cốc Tiểu Ba, 1870-1933).  Ngay sau khi ra đời, văn xã này liền xuất bản tạp chí văn chương đầu tiên ở Nhật thời kỳ hiện đại, mang tên Garakuta bunko 我楽多文庫 (Ngã lạc đa văn khố) đăng tải tiểu thuyết, thi ca, tiểu luận phản ánh phong cách, lý tưởng của những tác gia gesaku戯作 (hí tác) thế kỷ XVIII-XIX.[27]  Thông qua khảo sát, Vương Hướng Viễn chỉ ra rằng văn phái uyên hồ và Nghiên hữu xã là hai lưu phái có tính chất tương thông, song song phát triển trong lịch sử văn học Trung - Nhật hiện đại: cả hai đều hình thành sau tiểu thuyết chính trị của chủ nghĩa khải mông, nhưng do chủ trương thuần văn học, đều phản đối và phủ định tiểu thuyết chính trị; cả hai đều ít nhiều chịu ảnh hưởng văn học nước ngoài nhưng về căn bản gắn bó với không khí phục cổ và chủ nghĩa quốc tuý phản kháng Âu hóa đương thời; cả hai đều mang dấu ấn của văn hóa thương nghiệp đô thị, công bố tiểu thuyết trên mặt báo, tạp chí (như tập san Thứ bảy - Lễ bái lục 禮拜六và Garakuta bunko), coi trọng hồi ứng của bạn đọc và theo đó mà điều chỉnh sáng tác với ý thức thị trường.  Xét về mặt sáng tác, yếu tố cơ bản trong tác phẩm của uyên hồ và Nghiên hữu xã là "ai 哀" và "ái 愛" (hay "tình 情"), mục đích sáng tác cơ bản là "du hí tiêu khiển", và phương pháp sáng tác cơ bản là chủ nghĩa tả thực.  Tuy nhiên thái độ của học giới Trung Quốc và Nhật Bản đối với hai hiện tượng văn học tương tự này lại rất khác biệt.  Đánh giá cao thái độ khách quan trong việc bình giá Nghiên hữu xã của học giả Nhật Bản, Vương cho rằng không nên chỉ đứng trên lập trường của một giai đoạn hay một lưu phái tư tưởng nào đó của văn học hiện đại Trung Quốc mà đánh giá phái uyên hồ; trái lại, phải xem xét văn phái này trong chỉnh thể lịch sử phát triển của văn học Trung Quốc, để xác lập địa vị của nó với những thành-bại và được-mất.[28]      

Tiểu thuyết Từ Chẩm Á ở Việt Nam

Tiểu thuyết của Từ Chẩm Á được du nhập và dịch ra quốc ngữ ở Việt Nam khá sớm, trong thời kỳ văn quốc ngữ còn đang chập chững trau giồi, và chưa hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của Hán văn.  Thoạt đầu, tiểu thuyết của ông có lẽ chỉ được lưu hành trong phạm vi hẹp của trí thức Nho học Việt Nam, những người trực tiếp hân thưởng tiểu thuyết của Từ qua nguyên tác chữ Hán.  Phải đợi đến năm 1919 mới có bản dịch quốc ngữ đầu tiên cho một bộ tiểu thuyết đề tên Từ Chẩm Á.  Trong bài tựa cho bộ tiểu thuyết Đa tình hận 多情恨 (?) đề năm 1918, Phan Mạnh Danh[29] viết: "Đa tình hận là một bộ tiểu-thuyết của Từ-Chẩm-Á.  Truyện có Lê-Tố-Trinh, một cô gái-mới nước Tầu, yêu một người bạn-giai là Mẫn-Minh-Đạo; vì Minh-Đạo không lấy nàng nên nàng giận mà tự-tử."[30]  Người dịch cũng luận ra khả năng cảnh tỉnh mê tình của Đa tình hận:

Ở đời con giai con gái, phần nhiều nhầm về một chữ tình, nào là trộm gương dòm ngọc, nào là bẻ liễu vin hoa, gần ngày cái án phong lưu thường thường vẫn có.  Sách này riêng vì kẻ dụng tình ấy làm gương, để khỏi sa nơi bể khổ, mà người làm sách cũng hiểu được tình lý ấy, cho nên muốn giẹp sóng cuồng.  Trong sách này tả những giai gái tình si, dụng tình lắm mối, và gồm đủ (...) mọi loại tình, thành ra một bộ tình sử nhỏ, thực là có thể đánh thức những người si-nam oán-nữ đang trong giấc mộng say-mê.[31]       

Do hiện thời vẫn chưa tìm được nguyên tác Hán văn của Đa tình hận, nên thực khó khẳng định tác giả của sách có thực là Từ Chẩm Á hay không.[32]  Hiển nhiên, đây là một bộ tiểu thuyết ngôn tình, tập trung miêu tả những trái ngang, buồn vui, sầu hận trong tình trường, với một kết cục bi thương.  Xét về phương diện đạo đức và ảnh hưởng xã hội, loại tiểu thuyết này uyên hồ đứng chênh vênh trên phân giới giữa tích cực và tiêu cực.  Những người cổ vũ cho tiểu thuyết ngôn tình đều cố gắng trình bày mặt sáng của nó.  Họ lấy mối bi tình trong tiểu thuyết làm tấm gương răn đe, nhằm đánh thức những mảnh hồn đang mê đắm ngụp lặn trong biển tình như Phan Mạnh Danh đề xuất.  Thế nhưng cũng có không ít người đọc học theo tiểu thuyết, trốn đời mà mê mải sống chết với những nhân vật trong truyện.  Đó chính là góc tối, là khía cạnh "tiêu cực" thường bị phê phán của loại tiểu thuyết này.  Hai cách nhìn gần như đối lập ấy (một ủng hộ, một lên án) đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc và sẽ tiếp tục đồng hiện trong những năm 1920 và 1930 ở Việt Nam, mỗi khi công chúng đối mặt và phân tích ảnh hưởng của những bộ tiểu thuyết ngôn tình.                        

Để tìm hiểu việc du nhập và ảnh hưởng của văn phái uyên hồ (qua đại biểu của nó là Từ Chẩm Á) ở Việt Nam trước hết cần xác lập được một danh sách các bộ tiểu thuyết, truyện ngắn xuất bản dưới tên tác gia này, được dịch sang tiếng Việt, đặc biệt là trong khoảng từ 1923-1931.   Danh sách này không những cho thấy Từ Chẩm Á đã được giới thiệu như thế nào ở Việt Nam, mà còn chỉ ra những khía cạnh khác của đời sống văn học trong nước trong thập niên thứ hai của thế kỷ XX.  Trong bản danh sách hiện có, ngoài hai tựa sách Ngọc lê hồn và Tuyết hồng lệ sử được phiên âm Hán-Việt mà không dịch, ở các trường hợp còn lại tựa đề đều được dịch sang tiếng Việt.  Việc phiên dịch này một mặt giúp người đọc hiểu rõ hơn tựa sách, nhưng ở mặt khác nó cũng tạo ra không ít khó khăn trong việc truy nguyên, nhất là khi người dịch không cung cấp tựa gốc kèm theo.  Quả là không quá khó để xác định tựa gốc của Chồng tôi, Vợ tôi, hay "Gương tự do" vốn là Dư chi phu, Dư chi thê, "Tự do giám", nhưng không phải tất cả đều dễ dàng như thế.  Khi chưa có điều kiện tiếp cận với toàn bộ các bản dịch được nêu, người đọc không thể xác quyết nguyên tác của tất cả các bản dịch tiếng Việt.  Giấc mộng nàng Lê là một ví dụ: phải chăng đó cũng chính là Ngọc lê hồn (còn gọi là Lê Quân lệ sử 梨筠淚史[33]), hay là một tác phẩm nào khác?  Nếu Giấc mộng nàng Lê và Ngọc lê hồn chỉ là một, bộ tiểu thuyết này đã được dịch bởi 2 dịch giả khác nhau (Trúc Khê và Nhượng Tống), in tổng cộng 4 lần chỉ trong vòng 3 năm (1928-1930).  Tương tự, Dư chi phu có hai bản dịch khác nhau của Nguyễn Đôn Phục và Nguyễn Đỗ Mục công bố trong cùng một năm (1927).  Trong khi chờ đợi khảo sát tường tận, bản danh sách đành phải chất nghi đối với vấn đề nguyên tác của một số bản dịch.

Việc truy tìm nguyên tác của các bản dịch tuy khó khăn nhưng nó cũng giúp thanh lọc những tác phẩm của các tác giả khác, mà do vô tình hay cố ý đã được gắn nhầm với tên Từ Chẩm Á, như trong một số trường hợp sau đây.  Quyển Bể tình nổi sóng in rõ tác giả là "Từ Trẩm Á," và Nhan Bảo xác định nguyên tác của nó là Tình hải phong ba 情海風波.  Thế nhưng khảo sát sơ bộ cho thấy có ít nhất ba tác giả khác nhau cho cùng một tựa sách Tình hải phong ba xuất bản ở Thượng Hải trong nửa đầu thập niên 20 của thế kỷ trước, và đáng chú ý là Từ Chẩm Á không có trong số này.[34]  Sách Song hiệp phá gian雙俠破奸 (Hai chàng nghĩa hiệp) in chung với Dư chi phu (Chồng tôi) dưới tên Từ Chẩm Á, nhưng đây chính thực là Song hiệp phá gian ký 雙俠破奸記 (còn gọi là Tam mệnh kỳ án 三命奇案), tiểu thuyết trinh thám của Trang Bệnh Hài莊病骸 (tức Trang Vũ Mai 莊禹梅, 1885-1970) do Dân lập đồ thư quán xuất bản lần đầu ở Thượng Hải năm 1919.  Tập Phù dung nương 芙蓉娘 (Bóng hiệp hồn hoa) thực ra là tiểu thuyết của Ngô Khởi Duyên 吳綺緣 (1899-1948), mà Từ chỉ là người bình hiệu.[35]  Tiểu thuyết Vân Lan lệ sử 芸蘭淚史 (Giọt lệ phòng văn) là tác phẩm của Dụ Huyết Luân喻血輪 (1892-1967)[36], nhưng không rõ vì lẽ gì mà dịch giả Lâm Kiều đã không ghi tên tác giả cùng với tựa gốc, và lại càng khó hiểu hơn khi sau này bộ thư mục sách Đông dương của Thư viện quốc gia Pháp lại xếp tiểu thuyết này dưới tên Chẩm Á.  Kết quả khảo sát trên đây trình hiện thêm một số tiểu thuyết gia Trung Quốc, như Trang Bệnh Hài, Ngô Khởi Duyên, và Dụ Huyết Luân, đã được dịch sang tiếng Việt nhưng lại bị phủ lấp bởi tên tuổi của tị tổ văn phái uyên hồ Từ Chẩm Á.        

Tiểu thuyết biền văn tràn ngập thi từ của Chẩm Á là bữa tiệc cao sang cho khách văn chương có khả năng đọc trực tiếp nguyên tác, nhưng là thử thách lớn với văn tài người dịch trong việc chuyển tải cả phần hồn (tinh thần, ý tưởng) và phần xác (hình thức, nghệ thuật ngôn từ) của tác phẩm sang một ngôn ngữ khác.  Chính vì thế mà trong lời quảng cáo cho hai bộ sách Vợ tôi (Dư chi thê) và bộ Chồng tôi (Dư chi phu), nhà xuất bản Tân-Dân Thư-Quán đã nhấn mạnh đây là "hai bộ tiểu thuyết hay vô cùng, lạ vô cùng, của nhà tiểu-thuyết trứ-danh Từ-Trẩm-Á.  Văn Từ-Trẩm-Á cần phải tay dịch khá.  Vậy xin nói để các bạn đọc tiểu-thuyết biết cho rằng Vợ tôi chính Nguyễn-Đỗ-Mục dịch, mà rồi đến Chồng tôi có lẽ cũng Nguyễn-Đỗ-Mục dịch.  Dám quyết rằng các nhà đọc tiểu-thuyết nước ta, ai cũng lấy cái tin Vợ tôi và Chồng tôi sắp ra đời làm một tin muốn nghe trong thế-giới tiểu-thuyết vậy."[37]  Tất cả những người dịch tiểu thuyết Chẩm Á đều xuất thân từ gia đình danh giáo Nho học, và trong số họ, nhiều người đã có thành tựu trên đường khoa cử.  Cũng như Phan Mạnh Danh (1866-1942) là con quan Thị độc, thi Hương đã vào đến kỳ đệ tam, Nguyễn Đỗ Mục (1866-1949) xuất thân là ấm sinh, đỗ tú tài khoa Kỷ Dậu (1909), từng thi Hội nhưng không trúng[38]; Nguyễn Đôn Phục (1878-1954) là con quan tri phủ, từng thi Hương rồi bỏ ngang vì "chủ-nghĩa phản-đối văn-chương khoa-cử"[39], nhưng sau cũng đỗ tú tài[40]; Đoàn Tư Thuật (1886-1928) là con quan Bố chính, học giỏi chữ tốt, sở trường về văn quốc âm[41]; Nguyễn Tử Siêu (1887-1965) đã qua tam trường trước khi chuyển sang thi cử quốc văn.[42]  Những dịch giả sinh vào nửa sau thế kỷ XIX trên đây là người đương thời với Từ Chẩm Á, trưởng thành trong những hoàn cảnh lịch sử, xã hội tương cận với nhà tiểu thuyết uyên hồ này, và cũng như Chẩm Á, họ đều có những đóng góp nhất định trong lĩnh vực báo chí.  Một số người dịch khác trẻ hơn, như Trúc Khê Ngô Văn Triện (1901-1947),[43] Nhượng Tống (1904-1949),[44] Nguyễn Khắc Hanh (?-?),[45] đều ít nhiều có khả năng tham khảo thêm sách báo Pháp văn, có tinh thần dấn thân cách mạng, và từng bị giam cầm trong nhà tù thực dân Pháp.  Xét về mặt phiên dịch văn chương, họ thuộc về lớp dịch giả của làn sóng phiên dịch tiểu thuyết Trung Quốc đợt 2 lan rộng chủ yếu ở Hà Nội từ sau khi chế độ khoa cử Hán văn bị bãi bỏ hoàn toàn trong cả nước (1919).  Viết về phong trào dịch tiểu thuyết Trung Hoa sang tiếng Việt ở đầu thế kỷ XX, Thúc Ngọc Trần Văn Giáp nhận xét:

Từ ngày có chữ Quốc ngữ, thật là một vật báu cho ta (...)  Các cụ Nho ở Nam Kỳ còn sót lại hồi ấy, tự cho mình là không thích hợp với phong trào thái tây, mà kể ra cũng trái mùa thật.  Hoặc vì sinh kế, hoặc vì buồn không có việc, đem các tiểu thuyết Tàu dịch ra Quốc ngữ; các nhà xuất bản lợi dụng đem in ra để trục lợi.  Rồi từ đó ở Nam Kỳ lan ra đến Bắc, các nhà hàng sách mua truyện về cho thuê (...)  Hồi đó Quốc ngữ gọi là phổ thông nên các thanh niên mê thích tiểu thuyết Tàu lắm, các thanh niên hồi đó mê thích truyện Tàu không khác gì các thanh niên hiện thời mê thích Cinéma (...)  Đến hồi bãi bỏ khoa cử ở Bắc Kỳ thì trào lưu truyện Nam Kỳ cũng theo đó mà kém dần đi.  Các văn sĩ Hán học ở Bắc lúc bấy giờ vô sự cũng lại soay ra dịch truyện Tàu, phần thì bán cho các nhà nhật trình in vào phụ trương.  Từ khi xuất hiện các truyện dịch ở Bắc thì phong trào cho thuê truyện Nam kỳ kém hẳn vì giọng văn Bắc thích hợp với người Bắc hơn. [46]

Thông tin từ đoạn trích này đã lược phác nên mấy nét chính về tình hình phiên dịch tiểu thuyết Trung Quốc qua hai giai đoạn khác nhau ở hai miền Nam-Bắc đầu thế kỷ XX.  Cụ thể hơn, giai đoạn đầu diễn ra ở Nam kỳ trong hai thập niên đầu của thế kỷ với những dịch giả Nam kỳ như Trần Phong Sắc, Nguyễn Liên Phong, Nguyễn An Cư, Nguyễn An Khương, Nguyễn Ân Linh, Hồ Văn Trung, Trần Văn Me, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Công Kiêu.  Giai đoạn sau khởi sự từ năm 1919 với sự tham gia của các "văn sĩ Hán học" Bắc kỳ: bên cạnh những bộ tiểu thuyết chương hồi cổ điển như Tam quốc, Thủy hử, Tây du, họ còn dịch tiểu thuyết võ hiệp và tiểu thuyết ngôn tình thời thượng ở Trung Quốc bấy giờ.  Tuy nhiên, động cơ và mục đích dịch tiểu thuyết Từ Chẩm Á của các dịch giả thời ấy có lẽ có phần phức tạp hơn nhận định tổng quát của Thúc Ngọc Trần Văn Giáp.  Đơn cử trường hợp Phan Mạnh Danh.  Đào Sỹ Nhã cho rằng ông dịch Đa tình hận vì nó "nói về cái họa tự do trong nữ giới nước Tàu."[47]  Lại xét ngay trường hợp Từ Chẩm Á để hiểu thêm về thái độ của xã hội đối với "tự do" của phụ nữ.  Vừa khi đăng xong bản dịch Tuyết hồng lệ sử vào tháng 6 năm 1924, đến tháng 9 cùng năm, tạp chí Nam phong lại công bố tiếp một truyện ngắn khác của Từ Chẩm Á nhan đề "Gương tự do" (Tự do giám 自由鑑).[48]  Truyện kể những bước đường đời của nàng Phương Tuệ Lan 方慧蘭 con nhà khá giả nhưng sớm mồ côi cha, sống với người mẹ học thức và em gái là Tuệ Quỳnh 慧瓊.  Nhân mẹ được mời làm hiệu trưởng trường nữ học Chính Nghị 正誼, cả hai chị em đều nhập học ở đấy.  Tuệ Lan tuy thông minh, nhưng "tuổi hậu còn non, tơ tình dễ vướng, mắt xanh dễ đã phân biệt được kẻ dở, người hay,"[49] vì thế mà mê muội tin lời kẻ gian giảo Chương Vũ Thiến 章雨倩; mặt khác, cũng như mẹ, Lan "tiêm nhiễm cái cách văn minh mới, vẫn cho bốn chữ 'hôn nhân tự do' là cái sinh mệnh thứ hai của người con gái, không có ngăn cấm gì cả,"[50] nên lầm lạc trao thân cho Vũ Thiến, để rồi tủi hận mà chết khi nhận ra chân tướng của kẻ lừa tình.  Chẩm Á kết thúc câu chuyện với lời bình phẩm và kêu gọi: "Hỡi! Đồng bào nữ giới ta ơi!  Nên coi cái gương nàng Tuệ Lan đó, chớ ham cái hư danh phóng túng tự do, mà mắc phải cái họa danh nhơ chết uổng."[51]  Có thể diễn giải việc đăng tải "Gương tự do" tiếp theo sau Tuyết hồng lệ sử trên Nam phong theo nhiều cách khác nhau.  Đó có thể là do sự đón nhận nồng nhiệt của bạn đọc đối với Từ Chẩm Á mà Nam phong cung cấp thêm một văn phẩm nữa của ông để thỏa lòng độc giả.  Đó cũng có thể là nỗ lực của tạp chí để góp phần "định hướng" công chúng, bên cạnh những "phản hồi" đạo lý từ phía bạn đọc sau khi Tuyết hồng lệ sử kết thúc (xem phần "Dịch Từ Chẩm Á - Trường hợp Tuyết hồng lệ sử" dưới đây).  Dẫu sao các dịch giả, hoặc là các văn sĩ Hán học có chính kiến, xuất thân danh gia, hay là những thanh niên giàu lý tưởng, thụ hưởng cả tinh thần Hán-Pháp dịch Từ Chẩm Á sang tiếng Việt không hẳn chỉ vì động cơ thương mại, hay vì vô công, túng quẫn.  Xung đột cũ - mới của các trào lưu tư tưởng, đạo đức Đông - Tây có mặt trong tiểu thuyết của ông cũng rất gần với những vấn đề của xã hội Việt Nam đương thời.  Nói cách khác, những người dịch Chẩm Á có thể đã cảm thông với những vấn đề xã hội được đề cập trong tác phẩm của ông đồng thời với cảm thụ văn chương tài hoa của họ Từ, vì thế họ đã ra sức chuyển tải những điều tâm đắc, tạo ra hiệu ứng xã hội và khoái cảm thẩm mỹ đối với người đọc. Tám năm sau khi bản dịch quốc ngữ Tuyết hồng lệ sử ra mắt bạn đọc trên tạp chí Nam phong, năm 1932, trong bài "Lược-khảo về sự tiến-hóa cuả quốc-văn trong lối viết tiểu-thuyết," Trúc Hà có nhận định về bản dịch và bản thân bộ tiểu thuyết ấy như sau:

Kể trong các tiểu-thuyết dịch của Tàu, quyển Tuyết-hồng lệ-sử của ông Đoàn Tư-Thuật là đặc sắc lắm.  (...) [Q]uyển Tuyết-hồng đã trải qua nhiều lần công-kích bởi là một thứ ngôn-tình tiểu-thuyết.  (...) Tuy đắm đuối trong biển tình, nhưng vẫn giữ tấm lòng sương-tuyết (...) thì dẫu chẳng là cái gương tốt cho đời cũng không đến là cái thói xấu.  Huống-chi, khối tình người ta vẫn có nhiều vẻ ly-kỳ u-uẩn, không thể vạch một đường thẳng buộc ai nấy cùng bước theo một lối.  Quyển Tuyết-hồng sở dĩ bị công-kích là bởi lời văn hay, khiến cho người xem đọc dễ say-sưa mê-mẩn, mà về sau các nhà dịch truyện tàu xem chừng ảnh hưởng ở đấy rất nhiều.[52]

           

Danh sách tiểu thuyết, truyện ngắn dịch đề tên Từ Chẩm Á

(dịch và in trong khoảng 1923-1931)[53]

 

Số TT

Năm xuất bản

 

 

Tựa gốc

 

Tựa dịch

 

Người dịch

 

Nhà xuất bản/tạp chí/báo

1

1919 (?) Đa tình hận

Phan Mạnh Danh

(?)
2

1923-1924

Tuyết hồng lệ sử 雪鴻淚史 Tuyết hồng lệ sử M.K./Đoàn Hiệp Nam Phong, 77-84
3 1924 "Tự do giám 自由鑑" "Gương tự do" Đông Châu

 

Nam Phong, 87

4 1925 Phiến phiến đào hoa 片片桃花 (?) Hoa đào trước gió, 268 trg.

Nguyễn Khắc Hanh

Hà Nội: Bùi Xuân Học
5 1927 Dư chi phu 余之夫 Chồng tôi, 193 trg.

Nguyễn Đỗ Mục

Hà Nội: Tân Dân
6 1927

 

Dư chi phu 余之夫 / Song hiệp phá gian 雙俠破奸

 

Chồng tôi / Hai chàng nghĩa hiệp, 327 trg. Nguyễn Đỗ Mục, Nghiêm Xuân Lãm Hà Nội: Tân Dân
7 1927-1928 Dư chi phu 余之夫 Chồng tôi

Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục

Nam Phong, 119-130
8 1927 Dư chi thê 余之妻 Vợ tôi, 186 trg.

Nguyễn Đỗ Mục

Hà Nội: Tân Dân

9

1927

 

Vân Lan lệ sử 芸蘭淚史

 

Giọt lệ phòng văn, 84 trg. Lâm Kiều

Hà Nội: Hưng Phú Đường

10 1927 Tình hải phong ba 情海風波 Bể tình nổi sóng - Trung hoa luân lý tiểu thuyết,44 trg.

Nguyễn Tử Siêu

Hà Nội: Nhật Nam
11 1928 Phù dung nương 芙蓉娘 Bóng hiệp hồn hoa - Hiếu liệt tiểu thuyết, 90 trg. Nguyễn Tử Siêu Hà Nội: Nhật Nam
12 1928

 

Ngọc lê hồn 玉梨魂

 

Dưới hoa,128 trg. Nhượng Tống

Hà Nội: Vạn Quyển / Long Quang

13 1928 Lê Quân lệ sử 梨筠淚史 (?)

 

Giấc mộng nàng Lê, 105 trg.

Trúc Khê Hà Nội: Nhật Nam
14 1928 Tuyết hồng lệ sử 雪鴻淚史 Tuyết hồng lệ sử, 36 trg.

M.N. Đoàn Tư Thuật

Hà Nội: Đồng Văn / Long Quang
15 1928 Tình hải phong ba 情海風波

 

Bể tình nổi sóng - Trung hoa luân lý tiểu thuyết, 42 trg.

Nguyễn Tử Siêu

Hà Nội: Nhật Nam
16 1929 Tình hải phong ba 情海風波

 

Bể tình nổi sóng - Trung hoa luân lý tiểu thuyết, 49 trg.[54]

Nguyễn Tử Siêu

Hà Nội: Nhật Nam
17 1929 Lê Quân lệ sử 梨筠淚史 (?)

 

Giấc mộng nàng Lê : ái tình, hiệp tình tiểu thuyết, 104 trg.

 

Trúc Khê Hà Nội: Nhật Nam
18 1930 Ngọc lê hồn 玉梨魂 Ngọc lê hồn, 218 trg.

Trúc Khê Ngô Văn Triện

Hà Nội: Tân Dân
19 1930 Tuyết hồng lệ sử 雪鴻淚史 Tuyết hồng lệ sử, 101 trg.

M.N. Đoàn Tư Thuật

Hà Nội: Nam Ký
20 1930 Vân Lan lệ sử 芸蘭淚史

 

Giọt lệ phòng văn, 71 trg.

 

Lâm Kiều Hà Nội: Đông Tây
21 1931 (?) "Đống xương vô định" Mai Khê

 

Phụ nữ thời đàm, 29/7-2/8/1931

 

Dịch Từ Chẩm Á - Trường hợp Tuyết hồng lệ sử

Ngay khi khởi sự đăng trên Nam phong, do tính chất ngôn tình "nhạy cảm" của nó, Tuyết hồng lệ sử đã phải có những che chắn cùng với lời mào đầu cẩn trọng để giúp nó chào đời thuận lợi.  Dẫu rằng trong lần in thành sách và các lần tái bản về sau, tên dịch giả đều được ghi rõ là M. N. (Mai Nhạc) Đoàn Tư Thuật, ở bản dịch đăng thành nhiều kỳ trên Nam phong người dịch là được ghi nhận là khuyết danh.  Đoàn Hiệp trong "Lời chua riêng của người sao-lục" cho biết:

Bỉ-nhân có lục được một quyển văn dịch Tuyết-hồng lệ-sử mà không đề tên ai dịch cả, trên đầu có chua nhỏ mấy câu rằng: "Quyển này nguyên-văn của Từ Trẩm Á, văn cũng hay, tình cũng sâu, nhưng dịch-giả có chút ý kiến riêng không muốn công-lãm chi, nên dịch để những đồng-hiếu quân-tử xem chơi thì hơn, v.v."  Bỉ-nhân duyệt khắp bản sao-lục ấy, xét cái thể-tài văn quốc-ngữ, nhiều chỗ hoạt-bát, mới mẻ lắm, vậy sao-lục để cống duyệt-giả.  Còn văn hay hay dở đã có công-luận."[55]

Người soạn "Lời chua" ý thức rất rõ vai trò của người đọc, đặc biệt là với những người "giá trị" như Đức Khổng tử, trong việc kiến tạo ý nghĩa của tác phẩm.  Kinh Thi, Kinh Xuân thu nhờ Khổng tử san định, phẩm bình mà người đọc nhìn ra những tấm gương khuyến-giới.  Mặt khác, đối với một tác phẩm văn học, bên cạnh những giá trị đạo đức cần được nhận chân thông qua chủ thể người đọc, giá trị văn chương là khía cạnh thẩm mỹ không thể xem nhẹ: 

Đức Khổng-tử san kinh Thi mà không san bỏ thơ Trịnh Vệ, sửa kinh Xuân-thu mà không tước bỏ sự soán thí, nghĩa là sự hay thì khuyên cho người ta, sự dở thì răn cho người ta, thứ nhất là một điều quan-hệ về việc đạo-nghĩa, thứ hai là quan-hệ về việc văn-chương, thế là một sự bất-hủ truyền lại.  Bất cứ truyện hay, truyện dở, người phải, người trá, đã trải qua tay một người giá-trị phẩm-đề vào thì cũng đủ là một cái văn có giá-trị và cái truyện có giá trị.  Truyện Tuyết-hồng lệ-sử là một truyện rất mới, cách nay mới độ 15 năm, là một sự nên xem.  Nhân-vật truyện ấy lại là một người học-giới mới buổi này, lại càng nên xem lắm.  Tuy rằng đối với bản-phận người trong truyện chưa chắc đã hợp với đạo-lý, nhưng mà văn hay, tình vui, người rất gần, truyện rất mới, thấy câu văn hay thì ta khen, thấy điều trái đạo-nghĩa thời ta răn, nên cũng là cái tiểu-thuyết có giá-trị. 

Chỉ cho đến khi bản dịch được công bố trọn vẹn, Đoàn Mai Nhạc mới soạn "Bài tựa truyện Tuyết-hồng lệ-sử," ra mặt là dịch giả của bản lược dịch này.  Qua bài tựa, có thể thấy sự cảm thông được người dịch ưu ái dành cho Mộng Hà; niềm thương xót đối với Lê Nương, Quân Thiến, tuy có nhưng vẫn dựa trên cơ sở nam quyền:

Rượu ngon gần gái, bệnh Tín-lăng là bệnh anh-hùng[56]; hoa rụng tiếc xuân, sầu Đỗ Mục là sầu phong-nhã.[57]  Đời bạc-mệnh hại lây người tri-kỷ, Mộng-Hà sao khéo vô duyên?  Truyện ai-tình thưởng chén rượu đa-sầu, Mai-Nhạc thật là sinh-sự. (...)  Vậy nên: có chôn thì trước hết hãy chôn ngay người luân-lạc, hơi đâu chôn cánh hoa tàn; có thương thì trước hết hãy thương lấy kẻ râu mày, rồi sẽ thương người son phấn.  (...)  Tuy rằng: Gặp người tri-kỷ, đố ai ngoảnh mặt làm thinh; trong cuộc chung-tình, khôn thể cầm lòng cho đậu.  Nhưng mà tài-tử hỡi!  văn hay, chữ tốt còn vô-số chốn phong-lưu; giai -nhân kìa! thề quế, cung trăng, xin hãy rửa lòng phiền-não.  Xem khắp truyện này một lượt, vì tài-tình thương bác Mộng-Hà; thắp hương ra viếng hái hoa, xin sám hối cùng người bạc-mệnh.[58]

 

Tiếp theo Đoàn Mai Nhạc, ý kiến của Minh-phượng Nguyễn Như-Cương trong bài "Bàn về truyện Tuyết-Hồng lệ-sử" là một trong những hồi đáp sớm nhất của người đọc đối với bộ tiểu thuyết này.  Xót xa với tấn thảm kịch tay ba Lê Nương - Mộng Hà - Quân Thiến, Nguyễn Như Cương đứng trên lập trường đạo đức mà lên án lối sống của họ, những con người lẽ ra không nên vực sống dậy trên những trang sách văn chương:  

Ta thật ghê thay cho chữ si-tình và người si-phụ.  Xưa nay không gì khó hơn sự chết, lại không gì khó hơn chết mà mình tự chết, thế mà yêu-kiều mặt phấn, buổi xuân xanh liễu-yếu đào thơ nỡ đem mòn-mọi má hồng, chút phận bạc hoa tàn nguyệt khuyết; cha già chẳng đoái, con trẻ không thương, thì há chả phải si-tình và si-phụ ru?

Hà há không biết Ảnh là vị-vong-nhân hay sao, mà còn dạy con toan gạ mẹ; khóc hoa chôn hoa, luận văn đàm kiếm, khêu tình những sự chi chi, khiến người sắt đá cũng si vì tình? (...) [P]hương-chi nhà sương vừa buổi xuân xanh, cầm lòng sao dễ, sử-nữ đương tuần hoa nở, bấm chí tự-do...Vậy bảo Hà giết hai người cũng phải, bảo hai người giết Hà cũng phải, mà bảo Hà tự giết Hà cũng phải nữa.

Đọc sách mà cay mắt, nghe nói lại thương-tâm; nhưng thương-tâm vốn thật thương-tâm, so vào bút pháp mười phân lỗi mười (...) Ấy câu chuyện có thế mà Từ-quân không xét lý, chỉ tự-tình, làm ra bộ Tuyết-Hồng (...) khiến người đọc đến nát ruột tan gan (...) tưởng-tượng đến người trong truyện như một bức truyền-thần trước mắt.  Than ôi!  Lê-Ảnh chết rồi, Quân-Thiến chết rồi, Mộng-Hà cũng chết rồi, Trẩm-Á còn làm sống lại nữa mà chi?[59]  

Hai tiểu thuyết tiêu biểu của Từ Chẩm Á được dịch sang tiếng Việt theo trình tự nghịch đảo: Tuyết hồng lệ sử ra mắt bạn đọc Ngọc lê hồn.  Nguyên nhân chính có lẽ là do việc du nhập ít nhiều mang tính ngẫu nhiên các tác phẩm của tiểu thuyết gia này vào Việt Nam ở đầu thế kỷ XX.  Sau khi Tuyết hồng lệ sử đã đăng xong trên Nam phong, Mai Khê viết bài "Bổ truyện Tuyết-hồng lệ-sử", cho biết nhân đọc các bài tựa trong quyển Tuyết hồng lệ sử mới biết là bộ tiểu thuyết nhật ký này được viết tiếp theo sau Ngọc lê hồn, và nhờ tham khảo thêm Ngọc lê hồn mà hiểu được số phận chung cuộc của Mộng Hà,

  

Xem hết các bài tựa mới biết khi trước Từ-Trẩm-Á đã làm một quyển Ngọc-Lê-Hồn, sau soạn quyển nhật-ký này, đặt tên là Tuyết-hồng Lệ-sử, thì quyển Ngọc-lê-hồn như một các khu-xác, mà quyển Tuyết-hồng ví như một cái linh-hồn.  Bỉ-nhân duyệt qua quyển Tuyết-hồng lệ-sử, nhưng tiếc rằng chỉ đến khi Mộng-Hà đi du-học là hết, vậy phải tham-sát đến cả quyển Ngọc-lê-hồn thì mới biết truyện sau như thế này, vậy nên phụ-dịch cho đủ.  Đoạn văn này là của Từ Trẩm Á chép vì cớ sao mà có quyển nhật-ký ấy.[60]

Phần dịch bổ sung thêm từ chương 29 của Ngọc lê hồn được xếp thành một trong hai bài tựa của Từ Chẩm Á cho bản dịch tiếng Việt của Tuyết hồng lệ sử.  Giải pháp văn bản này khác hẳn với phương án ban đầu, dự định dịch thêm một phần trong Ngọc lê hồn để cấu thành chương XV cho Tuyết hồng lệ sử kết thúc ở chương XIV trên Nam phong: " Đến đây là hết nhật-ký của Mộng-Hà (Còn chương thứ 15 dịch bổ thêm ở quyển Ngọc-lê-hồn về việc khi Mộng-Hà chết, và dịch các bài tựa và lời phê-bình của Từ Trẩm Á, và phụ những lời bình phẩm của người sao-dịch)."[61]  Chương 29 của Ngọc lê hồn nhắc chuyện một người họ Hoàng, trong khởi nghĩa Vũ Xương, tình cờ chứng kiến một người dáng vẻ như du học sinh sức yếu "trói gà không chặt", khi ấy dù đã bị trúng nhiều phát đạn, máu nhuộm đầy mình, vẫn giương súng bắn hạ ba quân địch, rồi mới ngã xuống hấp hối.  Sau khi quân địch rút lui, Hoàng vội chạy đến gần thăm hỏi.  Người ấy bảo: "Ông nói giọng phương Nam, hẳn là người Giang Tô có phải?  Tôi cũng là người miền Nam, cùng là người đồng hương với ông.  Nay tôi đã bị trọng thương, không có hy vọng sống sót.  Bên mình tôi còn lại một vật này; sau khi tôi chết, xin ông hãy giữ cho."  Hoàng lục túi người ấy, thấy một tập sách nhỏ, bèn cất lấy.  Người tử sĩ ấy là Mộng Hà, và tập sách nọ chính là "Tuyết hồng lệ thảo".[62]  Bài "Tựa 1" đã chuyển thuật câu chuyện cái chết của Mộng Hà qua lời người họ Hoàng như sau,

Tôi nhân khi đó du lịch có qua một cánh đồng vắng, thấy một người con trai độ 30 tuổi, nằm sóng sượt vẫy tay gọi tôi đến gần, tôi vội vàng chạy lại hỏi rằng: 'Nghe tiếng thày hình như người Ngô, có phải không?  Có muốn dặn câu gì xin cứ nói.'  Nhìn gần thì thấy đạn bắn suốt đùi, máu chảy lai láng, thổn thển bảo tôi rằng: 'Tôi bây giờ trên trời dưới bể núi Bắc sông Nam, vì quyết chí về việc nước để đền lòng người tri kỷ không dám tiếc gì đời, may được gặp ông đây, xin ông móc túi áo tôi lấy quyển nhật ký này, để truyền bá cho người thứ hai được biết, thì tôi cảm tạ lắm.'  Nói xong thì tắt nghỉ.[63]        

Chuyển thuật trên đây lộ rõ nhiều yếu tố tự sự không có trong nguyên tác, giả như tuổi đời của người con trai, ý nguyện "quyết chí về việc nước để đền lòng người tri kỷ," hay yêu cầu truyền bá "quyển nhật ký" cho "người thứ hai được biết."  Chuyển thuật này đã đặt cái chết của Mộng Hà, vốn là một câu chuyện hư-cấu (fiction) vào văn cảnh phi-hư-cấu (non-fiction) của một bài tựa (ký tên Từ Chẩm Á), dùng chất liệu của tiểu thuyết hư-cấu để tạo nên văn bản phi-hư-cấu.  Bài "Tựa 1" không dừng ở đó mà tiếp tục khiến người đọc phân vân, đứng bấp bênh trên lằn ranh giữa thực và ảo của mối tình và cuộc đời của 3 nhân vật Mộng Hà 夢霞, Lê Ảnh 梨影, và Quân Thiến 筠倩 bằng cách đọc ra hàm nghĩa trong tên gọi của họ, 

Mộng Hà có phải người thật hay là giấc chiêm bao, Lê Ảnh có phải người thật hay là cái bóng hoa, Quân Thiến có phải là tên thật hay là tên mượn, thì chưa dám biết, nhưng sau khi quyển Lệ sử ra đời, xin duyệt giả đừng nhận lầm là chuyện tình thì phải.[64]           

Lời nhắn "đừng nhận lầm là chuyện tình" trong bài "Tựa 1" chính là lược giải lời Từ Chẩm Á trong bài "Tự tự 自序" (Bài tựa tự viết) của ông.  Trong bài tựa cho Tuyết hồng lệ sử, Chẩm Á viết,

Cái "tình" mà tôi nói đến thực là chuyện mà các nhà tiểu thuyết gia cao hứng, nhiệt liệt thời nay bỏ qua, không buồn đả động đến.  Đây có thể chứng minh lòng tôi cô độc, mà sách tôi viết vậy nên không muốn bị gọi là tiểu thuyết.  Tôi viết sách này là có ý riêng, bụng dạ hoàn toàn chưa từng nghĩ đến hai chữ "tiểu thuyết," mong ước sâu xa xin người đọc chớ lấy nhãn quang tiểu thuyết mà hiểu lầm sách của tôi.[65] 

Việc "có ý riêng" (ý biệt hữu tại 意別有在) của Chẩm Á ở đây là gì?  Nhân viết bài tựa cho Tuyết hồng lệ sử của em mình, Từ Thiên Khiếu 徐天嘯 (1886-1941) cho rằng tiểu thuyết ngôn tình là tả chân tình chủng 情種 (nòi tình), "Nói chung tình chủng 情種có chân tướng của tình chủng; tình chủng có đặc tính của tình chủng.  Chân tướng này, đặc tính này chỉ riêng tình chủng mới có thể biết, duy có tình chủng mới có thể tự biết."[66]  Theo đó, chỉ có người thuộc nòi tình, tự thân trải nghiệm mới có thể nắm được chân tướng, đặc tính của giống đa tình, mới có thể viết được ngôn tình tiểu thuyết theo đúng nghĩa của nó.  Trong bài tựa tự viết, Chẩm Á dự đoán sau khi Tuyết hồng lệ sử ra đời, những người yêu mến ông sẽ bảo rằng đây là bức ảnh tả chân của Chẩm Á (Thử Chẩm Á chi tả chân ảnh phiến 此枕亞寫真影片).  Niềm riêng của Chẩm Á ở đây hẳn là tự truyện ái tình của ông đã được mã hóa thành Ngọc lê hồn và Tuyết hồng lệ sử.  Thế nhưng, do hoàn cảnh khách quan, bài "Tựa 1" hư cấu không biết được điều ấy.  Vả lại, khi khuyến cáo Lệ sử không phải là "chuyện tình," bài "Tựa 1" rõ ràng đã muốn dẫn dắt bạn đọc theo một hướng khác.  Năm 1932, nhân tái bản Tuyết hồng lệ sử, Nam Ký thư quán có lời mở đầu "Cùng độc giả", dùng bài "Tựa 1" nhằm phản bác những ý kiến phê phán tập sách này,

Bảo rằng đọc Tuyết hồng lệ sử có ích lợi gì, chúng tôi chưa dám bảo; nhưng nói đọc Tuyết hồng lệ sử có hại thì chúng tôi quyết không nói được: cứ xem ở bài tựa của tác giả, thấy Tuyết hồng lệ sử nguyên là một tập văn nhật ký của một vị thanh niên "Vì quyết chí về việc nước để đền lòng tri kỷ."[67]              

Ý tưởng "quyết chí về việc nước để đền lòng tri kỷ" có xuất xứ lá thư của Tần Thạch Si 秦石痴 ghi lại lời bạn mình là Mộng Hà sau khi Lê Nương quá vãng: "Tôi nén đau, ôm hận mà đến đây [du học ở Đông Kinh], là vì theo lời của người ấy thuở trước, tạm hoãn cái chết trong chốc lát mong có được cơ hội để báo ơn đất nước, tức hẳn cũng là để báo đền người tri kỷ dưới suối vàng."[68]  Hình ảnh đôi tình nhân Mộng Hà - Lê Nương cân bằng được tình riêng cá nhân với tình chung đất nước chính là tiêu điểm mà bài "Tựa" hư cấu cố gắng hướng độc giả đến, nhằm chống đỡ lại những phê bình xã hội đối với Lệ sử.  Cũng đáng chú ý là ý nghĩa chính trị của việc Mộng Hà tham gia khởi nghĩa Vũ Xương nhằm lật đổ Thanh triều, kiến lập thời đại Dân Quốc đã bị "trung tính hóa" thành chuyện chàng gia nhập vào "trận chinh cách ở tỉnh Mỗ," cùng với "những bọn thanh-niên tráng-sĩ nước Trung-Hoa đem thân đền ơn nước ở chốn sa tràng" ở bài "Tựa 1"[69], hay thậm chí chỉ vì "giặc giã nổi lên," mà Mộng Hà tòng quân, theo chân "chí-sĩ danh-nhân đều bỏ nghề văn-chương mà [x]ô nhau đi đánh giặc" như trong bản dịch của Trúc Khê.[70]  Hiển nhiên, vấn đề nữ quyền nhức nhối mưu cầu hạnh phúc cho người phụ nữ trong Lệ sử cuối cùng đã bị bỏ rơi hoàn toàn ở đây. 

Tuyết hồng lệ sử có ảnh hưởng nhất định đối với văn học hiện đại Việt Nam.  Một số tiểu thuyết Việt Nam hoặc mô phỏng cách đặt tựa, hay dựa theo văn phong, văn thể của Lệ sử như Kim Anh lệ sử của Trọng Khiêm (1924), Minh Châu lệ sử  của Tam Lang (1930).[71]  Do Tố Tâm được hoàn tất năm 1922, Hoàng Ngọc Phách có thể đã không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bản dịch Tuyết hồng lệ sử của Đoàn Tư Thuật trên Nam phong khi viết Tố Tâm, nhưng trước đó rất có thể ông đã đọc và chịu ảnh hưởng của Từ Chẩm Á trực tiếp qua nguyên tác Trung văn.[72]  Qua ngòi bút dịch thuật tài hoa của các dịch giả, tiểu thuyết Từ Chẩm Á đã chinh phục tình cảm của người đọc Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ.           

Phụ nữ với báo chí, văn chương, và thị trường tiểu thuyết

Việc thành lập trường nữ học đầu tiên ở Hà Nội năm 1908 sau đó lan rộng đến Huế và Saigon đã góp phần cho sự hình thành một giai đoạn mới trong sự phát triển đời sống trí thức của phụ nữ Việt Nam.  Tuy số lượng nữ sinh còn rất khiêm tốn so với nam sinh (xem Thống kê 1 và 2 dưới đây),[73] phụ nữ đã có điều kiện chính thức bước vào học hiệu, thụ hưởng giáo dục, trở thành bộ phận của phong trào nữ quyền đòi hỏi bình đẳng nam-nữ đang lan tỏa rộng khắp trên thế giới thời hiện đại.  Bước phát triển này đã tạo điều kiện để phụ nữ lần đầu tiên được tham gia vào các ngành nghề xã hội như giáo dục, y tế, và đặc biệt là trong một lĩnh vực hết sức mới mẻ thời bấy giờ - báo chí với tư cách là người đọc, người viết.

 

 

Giai đoạn 1918-1921

Số lượng học sinh
Nam sinh Nữ sinh Tổng số
Annam (Trung kỳ) 31,240 760 32,000
Cochinchine (Nam kỳ) 62,730 9,220 71,950
Tonkin (Bắc kỳ) 47,200 2,700 49,900
Thống kê 1: Giáo dục Pháp - bản xứ, giai đoạn 1918-1921

Giai đoạn 1930-1931

(Tính đến tháng 1/1931)

Số lượng học sinh trường phổ thông cơ sở
Nam sinh Nữ sinh Tổng số
Annam (Trung kỳ) 9,404 750 10,154
Cochinchine (Nam kỳ) 72,032 20,012 92,044
Tonkin (Bắc kỳ) 44,667 2,587 47,254
Thống kê 2: Giáo dục Pháp - bản xứ cấp phổ thông cơ sở, 1930-1931

Ngay từ năm 1913, trên những số đầu của Đông dương tạp chí đã có mục "Lời đàn bà", với những bài viết về các vấn đề phụ nữ của các nhà báo nam ký bút hiệu nữ, như Nguyễn Văn Vĩnh (ký tên Đào Thị Loan) hay Nguyễn Văn Bổng (dưới tên Nguyễn Thị Bổng).  Tiếp theo Đông dương tạp chí, hầu như tất cả các tờ báo xuất bản trong mấy thập niên đầu thế kỷ XX đều có một mục riêng dành cho phụ nữ.  Phải đến năm 1918 mới có một tờ báo riêng định hướng xã hội cho phụ nữ: Nữ giới chung.[74]  Tờ tuần báo này đã mở đầu cho một loạt những tuần báo khác chọn phụ nữ làm đối tượng độc giả như Phụ nữ tân văn (1929-1934) và Phụ nữ thời đàm (1930-1934).    

Sự ra đời của tuần báo Nữ giới chung năm 1918 không chỉ là sự kiện văn hóa quan yếu đầu thế kỷ 20, mà còn là một cột mốc trọng đại trong lịch sử của phong trào phụ nữ Việt Nam hiện đại.  Báo ra đời nhân chủ trương thay đổi chính sách văn hóa của Toàn quyền Albert Sarraut (1872-1962), đặc biệt trên phương diện báo chí.  Nhận thức rõ về thế lực của phương tiện truyền thông đại chúng dựa trên công nghệ in ấn hiện đại này, Sarraut tăng cường sử dụng báo chí vào mục đích tuyên truyền nhằm chống lại ảnh hưởng của Đức đang ngấm ngầm lan toả trong xã hội Việt Nam qua những ấn phẩm nhập từ Trung quốc, chống lại những tư trào của các nhà cải cách Trung quốc như Khang Hữu Vi康有為(1858-1927) và Lương Khải Siêu梁啟超 (1873-1929), đồng thời tách rời trí thức bản địa khỏi ảnh hưởng Trung hoa và gầy dựng tâm lý sùng Pháp qua việc truyền bá văn minh Tây Âu.[75]  Không chỉ nhắm vào đối tượng trí thức, Sarraut còn chú mục đến phụ nữ như một lực lượng xã hội giàu tiềm lực nhưng còn ít được quan tâm.  "Mấy lời kính tỏ" đăng trang trọng trên trang nhất của báo nói rõ: "Nay nhơn quan Toàn-quyền Sarraut đang sốt sắng về sự nữ-học, cho phép bổn-báo chủ-nhơn là ông Blaquière lập ra tờ nữ-báo này, đặng giúp ích trong cuộc phổ-thông một đôi chút."               

Năm 1917, thông qua quen biết với người con rể của bà Sương Nguyệt Anh, ban biên tập báo mời bà đứng làm Chủ bút.  Do đã ngoài 50 tuổi, bà không lên Saigon để trực tiếp tham gia làm báo: "Người cũng sẵn có lòng nhiệt thành về sự báo, nhưng vì già cả, và trở nhiều việc, chỉ ở nhà viết bài gởi lên mỗi tuần mà thôi."  Trong "Lời tựa đầu," báo nêu rõ "cái chủ-nghĩa (cái nghĩa của mình chăm chủ) cần nhứt là đề-xướng (đứng xướng lên) việc nữ-học (sự học của đờn bà con gái), chớ chẳng dám can-thiệp (gính giấp, đả động) đến cả chánh-trị (cai trị) cũng chẳng dám tranh đua với bực tài trai."  Trên cơ sở này, báo xác lập mục đích chính là "muốn đem một tấm lòng ngay, giúp trong bạn gái, gây cái nền tứ-đức (Một là nghề nghiệp, hai là ăn nói, ba là giáng điều, bốn là nết na) một đôi chút."  Với định hướng này, báo định ra bốn "tánh chất riêng" cho mình.  Một là Vun trồng gốc Luân lý (đạo làm người ở với cha mẹ, anh em, họ hàng, và nước nhà) thông qua việc tồng thuật các khuôn mẫu phụ nữ Âu Á xưa nay.  Hai là Trau giồi lẽ biết thường qua việc lược thuật học thuật xưa nay, trình bày hiện trạng diễn biến trong và ngoài nước sao cho phù hợp với trình độ của phụ nữ.  Ba là Gây dựng cuộc công-thương bằng cách diễn giải các khoa chuyên môn thiết dụng, chỉ rõ tình hình cạnh tranh trên thương trường, khuyến khích phát triển lợi thế thủ công nghiệp, cổ vũ hàng hóa trong nước sản xuất, và bảo vệ không để lợi quyền rơi vào tay người nước ngoài.  Bốn là Liên lạc mối cảm tình (lòng biết thương xót nhau) bằng cách chỉ rõ nghĩa chủng tộc, Bắc-Trung-Nam đồng tâm hiệp lực đề cùng tiến bộ.  Báo định ra 8 mục thường kỳ là Xã-thuyết, Học-nghệ, Gia-chánh, Văn-uyển, Tạp-trở, Thời-đàm, Truyện-ký, và Tiểu-thuyết.  Đáng chú ý là các mục liên quan đến văn chương đều nhằm xây dựng nền tảng tinh thần, đạo đức.  Mục Văn-uyển bao gồm từ, phú, thi, ca của các danh gia là nhằm "di dưỡng tánh tình," "vẽ vời tư tưởng."  Mục Truyện-ký nêu gương "mẹ hiền, dâu thảo, đức-hạnh tài-ba xưa nay."  Mục Tiểu-thuyết đăng tải "những truyện có lý-thú của mấy nhà Đại-tiểu-thuyết-gia ký-thác làm người trong sách, mà tả cái chơn tướng thói đời lòng người," ngụ ý khuyên răn, ngăn ngừa những "thói xấu trong xã-hội."  Dù tuyên ngôn "không can thiệp đến cả chính trị," việc báo nỗ lực cổ vũ phát triển đất nước, nâng cao dân trí (trước tiên là trong nữ giới), đoàn kết dân tộc, thống nhất ba miền đã là nỗ lực chính trị của Nữ giới chung trong điều kiện thuộc địa. 

Với phương châm và tôn chỉ như trên, Sương Nguyệt Anh chủ trương thay vì lãng phí thời giờ với sáng tác văn chương, phụ nữ nên đặt tâm trí vào thực nghiệp để góp phần xây dựng quốc gia phú cường, nhằm theo kịp các nước đang phát triển ào ạt trong thời đại mới của khoa học và công nghệ.  Thực nghiệp không chỉ là con đường đưa phụ nữ Việt Nam lên ngang hàng với phụ nữ thế giới, mà còn dẫn họ đến bình quyền nam-nữ:   

Nghĩa câu thơ vận phú, là thú giải phiền, cũng như cái vườn kiển [kiểng/cảnh], ngắm chơi vui mắt, chớ thiết-dụng, chắc không bằng đám rau.  Tuy vậy, nhưng con người ta ở trong chốn bụi hồng, lúc trăng trong, có năm ba tri-kỷ, thú thanh-cao còn chi bằng cái thú văn-chương.  Song nghĩ lại nước nhà đang buổi phôi-thai, trăm điều còn kém thua người cả trăm, mà mảng vui rượu sớm cờ trưa, câu thần nối thơ, tay tiên rót chén, dẫu tài trai cũng chưa khỏi tiếng thi-cuồng (điên thơ); sách họ Tào[76] há dễ nấu ra cơm, bút chàng Giang[77] khó bề may đặng áo.  Huống chi đờn bà, đôi vai gánh nặng nỗi nhà, mà muốn chen lên trên chốn văn-đàn (chỗ văn-chương) làm chị ông Lý-Thái-Bạch; ngâm trăng ngợi tuyết, cợt gió cười mây, thì sao cho tròn cái nghĩa vụ làm con, làm vợ, làm mẹ?

(...)  Ngày nay ngọn sóng Âu-trào, tràn qua Nam-hải, các khoa-học minh mông trời biển, công-nghệ thế ấy, học thuật thế kia, trông người mà gẩm đến ta, tình buồn cảnh buồn, mà không buồn, lại buồn đến cánh bông tàn, buồn vừng trăng khuyết, thiệt lý-tưởng cao mà lý-tưởng lạ vậy! 

Kìa ta mở cặp mắt ngó ra hườn- [hoàn] hải, người Âu, Mỹ, làm thầy giáo cũng đờn bà, thầy thuốc cũng đờn bà, mà thầy kiện cũng đờn bà, trong tay sẵn có một nghề, không phải nương nhờ vào người nam-tử.  Ấy học người ta như thế, há phải như ta không bệnh mà rên?

Chị em ôi!  Cái chết đánh chết cái hay, dẫu văn như ả Tạ nàng Ban,[78] cũng chẳng qua một cái trò chơi của ông tạo-vật.  Nếu muốn có cái địa vị ngang ngang với người nam-tử, thì việc tề-gia nội-trợ, phải thuộc làm lòng, tình trong thế ngoài, ráng nên ghé mắt, tuy chưa được như người Âu, Mỹ, song cũng đừng phụ tiếng Lạc-Hồng (Lạc-Hồng là tổ nước ta).  Vậy chẳng những phước riêng trong gia-đình, vả lại cũng ích chung cả xã-hội nữa, ấy mới gọi mượn phước-trạch đua chí với văn chương, chi phải bắt chước cái giọng hàn-toan (chua cai [cay]) như nhà học-cứu? (thầy đồ).[79]

Để thi hành thực nghiệp, phụ nữ cần nâng cao tri thức, học vấn của mình thông qua việc đọc.  Sương Nguyệt Anh cho rằng do thế giới ngày nay đã mở rộng đón chào cả nam lẫn nữ vào một "phong hội" mới, phụ nữ cần phải trang bị cho mình kiến thức như nam giới.  Họ cũng cần phải tránh xa tiểu thuyết mà đầu tư thời gian cho việc đọc những bộ sách quốc ngữ có ích cho giáo dục gia đình và thực nghiệp xã hội:

Phàm người biết nghĩ, chẳng nói thì ai cũng biết rằng, sách dạy đờn-bà con gái đời xưa, trừ ngoài một khoa luân-lý, quyết nhiên không còn gì hiệp với thời-thế bây giờ.  Vì thế-giới xưa là thế-giới riêng của đờn ông, mà thế giới nay là thế-giới chung cả đờn bà; phong-hội đã mỗi ngày một mở mang thì học-thuật cũng mỗi ngày một thêm rộng, nếu cứ khu khu một cái chủ nghĩa làm con làm vợ, thì kiến thức ắt hẹp hòi, sao có cái địa-vị tương đương với người nam-tử được?  (...)  Là đời cạnh-tranh nầy, bất câu là gái hay trai, ai ai cũng phải có một cái kiến-thức thông thường đặng cho hoàn-toàn nhơn cách.   

Trong ba xứ, như Bắc-kỳ, Trung-kỳ, đờn bà mà biết chữ quốc-ngữ, tuy chưa được bao nhiêu, chớ Nam-kỳ ta đây, mười phần cũng có đến bảy tám, mà không thấy một cuốn sách nào thuộc về giáo dục đờn bà cả.  Vậy có trách sao "Phản-đường," "Thuyết-nhạc," ai cũng thuộc lòng, "Gia-sự," "Thủ-công" hỏi thì dốt đặc.[80]   

 

Trong khi sách quốc ngữ còn chưa nhiều, phụ nữ nên tranh thủ đọc báo quốc ngữ vì "báo là một lò luyện-tâm đào-trí cho người, ta có xem thời mới có khôn."  Ngoài việc cung cấp tri thức căn bản, báo chí khi ấy còn đóng vai trò hướng dẫn phụ nữ sinh hoạt hợp thời, cập nhật với thời sự - thời thế:    

Ta hãy còn yếu đuối, báo là cái đại dược-phòng, ta muốn mạnh khỏe phải cần đến mới được.  (...)  Ta coi tờ báo có điều hay thời ta bắt chước, điều dở thời ta lánh xa.  Người xưa có câu: "khai quyển hữu-ích" nghĩa là không xem sách thời nó ngu dốt người đi, chớ nếu mở đến quyển sách xem lấy ít nhiều thời cũng là có ích rồi.  Thế thì tờ báo là một quyển sách theo phong-trào mà khích lệ lòng người khảo cứu giúp xã-hội, thời-thế thế nào thời đem bàn-bạc mà liệu cách duy trì cho vững-trải [chãi] nòi giống mình; nếu mà xem được tờ báo hay, tạp-chí khá mà xem, thì ích-lợi còn hơn là quyển sách chẳng hiệp thời.[81]  

Trên thực tế, khi ấy đã có một số nhỏ phụ nữ học trường Pháp, học lên cao đẳng sư phạm, và thậm chí còn du học ở Pháp.  Tuy chỉ là thiểu số, những người phụ nữ học vấn này sẽ góp phần thay đổi quan niệm về việc đọc của phụ nữ, cũng như ảnh hưởng của tư tưởng trong sách báo ngoại nhập đối với họ nói riêng, và với phụ nữ trong nước nói chung.  Tác giả khuyết danh của một bài báo trên Phong hóa đã miêu tả một bức tranh có phần ảm đạm của thị trường tiểu thuyết ở Hà Nội vào đầu thập niên 1930.  Theo bài viết này, trong khoảng 10 năm trước đó, dạo qua các nhà sách, người ta có thể thấy nhan nhản những tiểu thuyết trứ tác hay dịch thuật như Tố Tâm (1925) của Hoàng Ngọc Phách, Mồ cô Phượng (1928) của Tùng Lâm Lê Cương Phụng, hay Một tụi chán đời (1927) của Nguyễn Văn Lịch; bên cạnh tiểu thuyết của tác giả trong nước còn có Truyện ba người ngự lâm pháo thủ (1926), cùng một số tiểu thuyết dịch của Từ Chẩm Á như Vợ tôi (1927), Chồng tôi (1927), và Tuyết hồng lệ sử (1928).  Tuy nhiên vào thời điểm của bài báo, khách mua sách "không thấy bày một quyển quốc văn nào.  Họa chăng là những sách giáo khoa (...) thì còn thấy có in mà thôi."  Bài báo giải thích hiện tượng này bằng hai nguyên nhân.  Một là do "nhiều nhà trước thuật, dịch thuật ra đời quá".  Các "văn sĩ non" ồ ạt tràn ngập thị thường sách đã khiến chất lượng các tác phẩm văn chương sút giảm trầm trọng và làm người đọc mất hứng thú.  Hai là do "Pháp học lan rất rộng, rất mau chóng."  Một lớp độc giả có khả năng đọc trực tiếp tác phẩm qua nguyên tác Pháp văn đã hình thành, và với họ, "những tiểu thuyết, truyện ngắn của mình đem so với tiểu thuyết của Pháp văn thì có khác gì đem bài của học trò mà so sánh với các ông giáo."  Hệ quả là các hiệu sách, các nhà buôn phải chiều theo yêu cầu của thị trường, "đua nhau buôn đủ các sách chữ Pháp" và tất nhiên phải treo bảng "bán giá bên Pháp."[82]  Một số phụ nữ trí thức tất nhiên có mặt trong số bạn đọc tiểu thuyết Pháp văn ấy và tác phẩm văn chương Pháp tất yếu đã ảnh hưởng đến tư tưởng của họ.  Dư luận xã hội sẽ luận giải ảnh hưởng này theo những hướng khác nhau.

Ảnh hưởng tiểu thuyết Pháp: Vụ án "Bạn và Vợ"

Năm 1927, báo chí 3 miền khiến độc giả chấn động bởi tin ngoại tình giữa một người phụ nữ và hai người đàn ông, cả ba đều là trí thức bậc cao đẳng.  Cặp vợ chồng trong vụ án này là cô Hoàng Thị Khiêm và ông Trần Văn Khang, cùng tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Hà Nội.  Cô Khiêm ngoại tình với ông Vũ Tam Thám, bạn của chồng mình.  Cũng từng theo học Cao đẳng sư phạm, ông Thám nguyên là giáo sư trung học, sau chuyển sang làm tham biện ở một công sở, đã có vợ và 7 mặt con.[83]  Cô Khiêm và ông Thám dan díu với nhau, cùng bỏ trốn nhưng bị ông Khang bắt được.[84]  Vụ án ngoại tình này được đưa ra tòa vào tháng 4/1932, và nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận. 

Trong thời gian xử án, báo chí liên tiếp công bố thư từ và nhật ký của họ, và nhân đó công chúng có dịp biết thêm về những góc kín của ba nhân vật từng được đào tạo trong hệ thống giáo dục cao học Pháp ở Bắc kỳ thời ấy.  Theo nhật ký của cô Khiêm, hôn nhân của cô với ông Khang hoàn toàn không có tình yêu.  Vốn có bằng cao đẳng tiểu học, cô Khiêm trước đó dạy học ở Hà Tĩnh.  Mẹ mất sớm, cha tục huyền, cô Khiêm xin trở lại học ở trường Cao đẳng sư phạm học, và gặp ông Khang ở đấy.[85]  Ở tuổi 22, có lúc cô đã từng nghĩ đến chuyện quyên sinh.  Cô Khiêm đa cảm ấy viết những dòng sau đây trong nhật ký,

Sáng ngày tôi đi học, nhưng là đi cho có vị chứ tôi buồn lắm có làm được gì đâu.  Đi đến tôi trông thấy Khang tôi lại buồn.  (...) Từ nay tôi không muốn trông thấy Khang nữa, tôi không muốn cho Khang hỏi han gì đến tôi nữa cả.  Tôi điên lắm rồi, đừng làm tôi nói ra nhiều câu chua chát điên cuồng mà khổ thân!  Khổ, tôi thương Khang quá, tự nhiên phải chịu cái vạ! (...) Chiều hôm nay tôi lại vơ vẩn trên con đường Tây hồ, Trúc Bạch.  (...) Tôi ngồi mắt nhìn phong cảnh mà trí vẫn nghĩ đi đâu, nghĩ có lúc nó đau quá hình như muốn kêu muốn khóc cho hả, nhưng nào khóc nào kêu có được...lúc bấy giờ chỉ muốn nhảy tòm ngay xuống hồ...như thế là hết đau đớn hết buồn hết tức (...)  Tôi xét ra thì nay tôi lại buồn hơn trước, vì tôi là người đa cảm, nay cái buồn cái chán đời từ xưa chưa nhẹ đi tý nào (thêm vào thì có phần) mà lại thêm cái buồn là gây nên mối buồn về sau này cho Khang![86]       

Cô quý ông Khang vì ông là người "nghĩa hiệp, thực thà," nhưng ông không phải là người giúp cô hoàn thành mộng tưởng "một mái nhà tranh và một quả tim" (Mon rêve: Une chaumière et un coeur).  Kết hôn với ông Khang, cô giao hẹn: "Tôi chỉ lấy cậu trong năm năm mà thôi, sau đấy hai ta sẽ phải cùng nhau chia rẽ."[87]  Trong khi những cung phụng vật chất của ông Khang không thỏa mãn được nhu cầu tình cảm của cô, ông Thám xuất hiện và xen vào giữa quan hệ vợ chồng của họ.  Bỏ trốn cùng nhân tình, cô Khiêm để lại một bức thư viết bằng tiếng Pháp xin ông Khang tha tội ngoại tình trước khi tìm sự giải thoát trong cái chết, nhưng trước tòa, cô lại tự biện hộ bằng tiếng Pháp "kể nhiều chuyện có ý đổ lỗi cho chồng nên mình mới bán rẻ chữ trinh."[88]  Trong thời gian xử án, ở tầng dưới tòa án "người đông như kiến cỏ, hàng ngót năm sáu nghìn người, thở không kịp, xô đẩy nhau để muốn được vào xem mặt những vai chủ động trong tấn kịch bạn, vợ này."[89] 

Ngay khi vụ việc được đưa ra ánh sáng năm 1927,  Nguyễn Hữu Kim soạn ngay vở kịch Bạn và vợ, công diễn lần đầu ở Hà Nội ngay trong năm ấy, và tiếp tục đưa lên sân khấu vào những năm 1929 and 1933 ở Hà Nội và Saigon.[90]  Suốt trong thời gian phiên tòa, vở kịch trở thành đầu đề để công luận nhìn lại quá trình học hành của cô Khiêm để đoán định nguyên nhân phạm tội.[91]  Tự do luyến ái bị lên án, và suy nghĩ không chín chắn khi xem văn chương Tây (đặc biệt là tiểu thuyết) bị xem là nguyên nhân suy đồi đạo đức của nữ sinh viên trong hệ thống giáo dục cao đẳng Pháp.  Một nhà báo ký tên Thương Biên lên án,

Trên con đường học mới, nó có những cái trở ngại lớn cho các chị em đang theo đuổi, là những tiểu thuyết Tây.  Một điều nên nghĩ vậy. (...)  Đọc tiểu thuyết Tây tức là xem những cuốn chuyện tuỳ theo sở thích của mình, của những nhà văn sĩ hay thi sĩ Pháp.  Vậy, cứ theo ngu ý, thì, đối với chị em ở cái trình độ như trên, cái sự đọc tiểu thuyết Tây, không nên coi là sự hay cho chị em cần phải có.  Sự hay cho hạng chị em ấy ngày nay, là hãy bằng lòng với những môn học chữ Tây bị bó buộc phải học.  (...)  Mà nói đến ngọn bút của những nhà tiểu thuyết Tây tả đến tình cảm con người ta, thì tôi phải phục là cái tài nó khéo tô vẽ, trạm trổ cho đến cực điểm (...) Nhưng cái tình cảm tả trong những thiên tiểu thuyết Tây như thế - hay có thể nói được trong các thiên tiểu thuyết Tây - nó có hợp với bản chất của chị em Nam Việt ở cái trình độ học thức trên đâu!  Đã không hợp với bản chất chị em, mà lại chủ trương, lấn áp, chi phối được cái mảnh hồn chị em, thì điều đó, chỉ có hại to, mà không có lợi nhỏ vậy.  Bị lôi kéo một cách khốn nạn như vậy, chị em rồi linh đinh hoài trong cái bể tiểu thuyết sóng gió lụt trời, mà trở nên những người mất hẳn tâm hồn riêng, những người "thọ cảm" (...)  Một lũ điên bởi cái tâm hồn đã nát bét, nát bét bởi những sự kích thích vô vị của ngọn bút đại tài nhà tiểu thuyết, hay một áng thi nhân![92] 

Điểm qua chương trình giảng dạy văn chương Pháp với những nhà thơ, nhà văn bắt buộc phải đọc, như Lamartine, Alfred de Musset, Chateaubriand, và Victor Hugo - "những ngọn bút có thể cảm người ta một cách rất mãnh liệt", tác giả yêu cầu các nữ sinh viên phải biết dùng "cái thước đo của nhà sư phạm liệu chiều mà hạn chế cái cảm giác cho nó khỏi vượt bừa qua cái vòng 'sư phạm'."  Vụ án "Bạn và vợ" là một ví dụ cho thấy phương thức tư duy kết tội văn chương - tiểu thuyết tình cảm lãng mạn (Pháp) như là nguồn gốc dẫn suy đồi đạo đức và băng hoại xã hội ở những bạn đọc nữ thiếu suy xét, và không có đủ bản lĩnh tri thức.  Cũng trong vụ án này, đã thấy quyết định tự sát tồn tại như một giải pháp để thoát ra khỏi hoàn cảnh bế tắc về tinh thần và tình cảm ở những phụ nữ "tân thời."

 

Phụ nữ tự sát - Từ "Phong trào" đến "bệnh dịch"

 

Cho đến năm 1932, việc phụ nữ tự sát đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng khiến nhiều bậc thức giả phải quan tâm.   Phan Bội Châu viết bài “Nguyên nhân tự sát vì sao?” để công bố trong mục “Bức thư ở Huế” trên Phụ nữ thời đàm nhưng rất tiếc do kiểm duyệt, nay chỉ còn thấy được tựa bài đăng trên số báo ra ngày 18/6/1932.  Vào năm 1927, những vụ tự sát diễn ra nhiều như một "phong trào", và đáng chú ý là phần đông họ đều được cứu sống.  Tuy không có con số thống kê đầy đủ về tất cả các trường hợp, một điều tra sơ bộ tập hợp 43 trường hợp phụ nữ tự sát đăng tải trên báo chí trong khoảng từ 1927 đến 1934 ở Hà Nội, Huế, và Saigon.[93]  Kết quả này góp phần khẳng định tính xác thực của nhận xét sau đây viết vào tháng 7/1927,

Gần đây, nói về chị em chúng mình hình như cái phong trào tự sát đã nổi lên đùng đùng không mấy hôm là không nhận được tin tức, nào chị này đầm đầu xuống hồ Hoàn Kiếm, nào chị kia [gi]eo mình xuống hồ Tây, lại còn những cô tự tử bằng cách khác như uống thuốc phiện dấm thanh cũng không phải là ít.  Trong số những người muốn tự tử phần nhiều là các tiểu thư, ăn vận rất lượt là hoa mỹ, hình như con nhà tử tế cả, mà thường thường xuân xanh chỉ độ trong vòng mười tám đôi mươi có lẻ là cùng!  Có một điều lạ là tuy các cô muốn mượn [gi]òng nước hoặc chén dấm thanh mà rũ sạch nợ trần cho hả cơn hờn [gi]ận, cho khỏi phải đeo đẳng cái tấm thân cơ khổ ở cái đời tẻ ngắt buồn tênh, nhưng tuy người muốn thác [tr]ời nào có cho; thực các cô muốn chết mà chết cũng không thoát được vậy.[94]            

Năm năm sau (1932), tạp chí Nam phong đăng song song nguyên văn tiếng Pháp với bản dịch tiếng Việt tiểu luận về tự tử  của tiểu thuyết gia Edmond Jaloux (1878-1949).  Lời giới thiệu in ở đầu hai bản song ngữ Pháp - Việt phân tích vắn tắt nguyên nhân căn bệnh tự tử ở Việt Nam,   

Trong xã hội Việt Nam ta hiện nay, thường thấy nói có cái dịch tự tử.  Gái non trẫm mình xuống sông xuống hồ, trai trẻ uống thuốc độc bằng nha phiến với dấm thanh, những việc đó hằng thấy in trong mục thời sự các báo.  Một cái xã hội có nền nếp thì người ta không khi nào nghĩ đến quyên sinh.  Sở dĩ có kẻ chán đời đến không muốn sống nữa, là vì cái hoàn cảnh bực tức, khiến cho người ta đã không biết sống làm vui, thời sao có biết thiệt thòi làm thương.  Cái dịch tự tử trong xã hội ta, âu cũng là cái triệu chứng xã hội đương qua một hồi khủng hoảng về tinh thần vậy.[95]

Diễn giải phân tích trên đây, Phạm Thị Ngoạn đi ngược về 9 năm trước đó, tìm trong bài viết "Thanh niên có nên buồn không?"[96] của Phạm Quỳnh để hiểu xem cuộc khủng hoảng tinh thần ấy là gì.  Bà kết luận đó có thể là sự xung đột giữa một bên là trào lưu cá nhân và hoài bão tự do với một bên là gia đình truyền thống như một chướng ngại cho sự phát triển cá nhân, gây ra tâm lý "văn hóa mất rễ", mất phương hướng trong hoàn cảnh "Âu hóa" gần như "đoạn tuyệt với Đông phương."[97]  Trong bài xã luận mang tên "Chúng tôi hiểu cái lẽ cô Tuyết-Hồng tự vận," đăng trên Phụ nữ tân văn tháng 5/1931 tác giả khái quát hóa nguyên nhân chung của việc phụ nữ tự tử thông qua một trường hợp cụ thể.  Một tuần sau khi cưới, cô dâu trẻ 17 tuổi Đinh Thị Tuyết Hồng ở Hà Nội giao mình xuống hồ Trúc Bạch tự trầm vì bị kết tội thất tiết trước hôn nhân.  Tác giả bài xã luận tự tin khẳng định,

Mấy năm nay ở ngoài Bắc thường thấy con gái tự vận luôn, mà đám nào lại không phải là tự tình duyên trắc trở hay là gia đình nài ép mà ra.  Trước cô Hồng, sau cô Hồng cũng vậy hết. (...)  Các bực làm cha mẹ, làm chủ gia đình, đừng ép duyên, đừng thách cưới, đừng bắt buộc đè nén con cái thái quá, đừng lôi thôi sanh sự về việc hôn nhơn, thì tự nhiên là không có cô nà phải tự vận cả.  Chứng cớ là trong Nam, cái chế độ hôn nhơn đã bớt những thói tục xưa đi nhiều; người con gái không bị ép buộc quá, bởi vậy có ai nghe một người chị em chúng tôi đây tự vận về chuyện hôn nhơn bao giờ?[98]          

Trên thực tế, ở miền Nam cũng có không ít vấn đề trong hôn nhân - gia đình, và một trong số đó chính là chuyện lấy lẽ, vợ lớn - vợ bé.[99]  Chế độ đa thê cũng là nguyên nhân của nhiều thống khổ , ví như những vụ tự sát của cô Nguyễn Thanh Vân nhảy lầu khách sạn tự tử ở Saigon ngày 31/12/1931, hay cô Thị-Cái trẫm mình ở cầu Bình Lợi chỉ một tuần sau đó, vào ngày 6/1/1932.[100]  Cũng như hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội, đến năm 1934, cầu Bình Lợi đã có tiếng là mồ chôn những người con gái bạc mệnh ở Saigon.[101]  Bệnh   dịch tự sát đã lan vào đến cả trong Nam.  Đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thất nghiệp trầm trọng đầu thập niên 1930, một số phụ nữ cũng đã cùng chồng tự sát.[102] 

Dưới bút danh BOY, tác giả một bài báo có tựa là "Thuốc phiện dấm thanh..." đăng trên Phụ nữ thời đàm tháng 12/1932 đã lên tiếng phản bác cả phía bắt tội tính ảo mộng của một số chị em phụ nữ như là căn nguyên của việc tự sát, lẫn phía lập luận cho rằng những án tự sát nọ là điềm chứng của "phong hóa suy đồi" trong nữ giới.   Đầu tiên, tác giả cho rằng những vụ tự sát được tường thuật trên báo chí đương thời "không có gì là kỳ quặc", vì ngoại trừ những con người bất thường, làm sao một người con gái bị gả bán lại có thể chịu đựng được cay đắng trong cuộc hôn nhân thiếu vắng tình thương yêu và sự bênh vực của chồng hay cha mẹ chồng.  Ở trường hợp này, cha mẹ đẻ cũng chẳng giúp gì cho vì nghĩ rằng con mình đã thuộc về nhà chồng, nên đành phó mặc.  Thế nên khi một người phụ nữ quyên sinh, người ấy đáng được xã hội thương xót hơn là bị kết tội hay lên án.  Mặt khác, cũng không nên xem chuyện phụ nữ tự sát như là điềm ứng cho phong hóa suy đồi.  Phong hóa không phải là bất biến, mà tiến triển theo thời, phụ thuộc vào những tiếp xúc lịch sử, xã hội, văn hóa, và nằm ngoài nguyện vọng hay mong muốn chủ quan thủ cựu của cá nhân hay một tập thể người nào đó.  Do vậy, không nên xem những gì đi ngược lại một số giá trị đạo đức Nho giáo quen thuộc là bại hoại.  Hơn nữa, chính do sự phát triển và phát hành rộng rãi của báo chí mà công chúng được thông tin nhanh chóng về các vụ việc phụ nữ tự sát xảy ra tại những thành phố lớn như Saigon và Hà Nội: "Trước khi có báo trương ra đời (...) cái bệnh tự sát không phải là không có ở nước nhà.  Khi ấy giả thử có (...) hai trăm cái án tự sát ra nữa, chúng ta cũng không biết, không hay."  Tin tự sát đăng tải trên báo là nhằm thỏa mãn trí tò mò của bạn đọc, và báo chí đã thổi phồng những sự việc đau buồn này.  Qua lăng kính báo chí và lối đưa tin phóng đại, "một tin con con thế này cũng vang lừng như tiếng [s]ét, nên khi có một đám tự sát, nhân dân vẫn tưởng có tới dăm bẩy đám!"[103]  Bài viết trên là một tiếng nói điềm tĩnh nhận định hiện tình phụ nữ tự sát giữa những dư luận trái chiều đối nghịch.  Đây cũng là một trong những trường hợp hiếm hoi chỉ ra được vai trò của báo chí trong việc định hướng, dẫn dắt công chúng trước một hiện tượng xã hội phức tạp như phụ nữ tự sát.      

Đáng chú ý hơn là có nhiều trường hợp phụ nữ tự tử ở nơi công cộng, như hồ Gươm, hồ Trúc Bạch ở Hà Nội, cầu Bạch Hổ trên sông Hương ở Huế, hay cầu Bình Lợi trong Saigon.  Nằm ngay giữa trung tâm Hà Nội, hồ Gươm là địa điểm công cộng có khả năng trắc nghiệm, đánh động tâm lý, tình cảm, và quan điểm công chúng hiệu quả nhất.  Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà chị em hai cô Chu Thị Tiêu (19 tuổi) và Chu Thị Căn (18 tuổi) quê tận làng Phù Lưu cất công đáp xe lửa từ Bắc Ninh ra Hà Nội trẫm mình cùng chết ở hồ Hoàn Kiếm vào độ thu năm 1931.[104]  Quả nhiên, tự tử ở nơi công cộng dễ dàng đánh động sự quan tâm chú ý của công chúng, và  khơi dậy những quan điểm khác nhau đối với hiện tượng này.  Thế nên, cũng không lạ gì khi thấy các cô "ăn vận rất lượt là hoa mỹ" đi tìm cái chết và được cứu sống khỏi giòng nước oan nghiệt ở những địa điểm công cộng ấy.  Tự tử ở nơi công cộng đã trở thành đề tài cho tranh biếm họa thời bấy giờ.

   

- Ông cứ để mặc tôi đâm đầu xuống...

- Cô này mới ương giở quá!

- Lạy ông...ông cứ để tôi nhẩy xuống cho ướt rồi ông hãy cứu.

Cô con gái nhẩy xuống hồ tự tử bảo người phu xe mới vớt mình lên:

- Nhân tiện bác mò dùm hộ tôi chiếc giầy.

(Phong hóa tuần báo, 25/11/1932)

Phụ nữ tự sát - Lỗi tại tiểu thuyết?

Cùng với "phong trào", "bệnh dịch" phụ nữ tự sát là sự ra đời của một loạt tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói phản ánh, phân tích, phê phán hiện tượng này.  Năm 1928, nhà văn trẻ Nguyễn Lan Khai, khi ấy mới vừa 22 tuổi, ra mắt tập tiểu thuyết đầu tay Nước Hồ Gươm, một tập "Bi tình tiểu thuyết" kể "truyện người thiếu phụ trẫm mình."[105]  Đọc Nước Hồ Gươm,người đọc không khỏi liên tưởng đến cảnh bạo hành trong gia đình tường thuật ở truyện ngắn "Nước đời lắm nỗi" của Phạm Duy Tốn (1883-1927).[106]  Tương tự như Lương Duy Đạo trong truyện của Phạm Duy Tốn, cô Bích Hà trong Nước Hồ Gươm cũng tình cờ phải chứng kiến cảnh bạo hành của cha đối với mẹ.  Bạo lực bất thường của người cha hàng ngày chuẩn mực theo khuôn phép đạo đức Nho giáo đã dẫn đến cái chết oan ức của mẹ cô.  Sau khi vợ chết, ông cũng hối hận rồi mất.  Cảnh bạo hành gia đình ấy cũng đã sớm giết chết những mộng tưởng đẹp về cuộc sống trong tâm hồn cô thiếu nữ.  Lại cũng giống như Tuệ Lan trong "Gương tự do" của Từ Chẩm Á, Bích Hà ngây thơ nhận lầm chân tướng của "thầy sinh viên cao đẳng" Trịnh Thường, "người trắng trẻo đẹp trai, mà tâm tính thì rất giảo quyệt" mà lấy Trịnh làm chồng.  Bích Hà đã trả giá đắt cho cuộc hôn nhân ngộ nhận này: cô phải gánh chịu một loại bạo hành khác - bạo hành ngôn từ của chồng và gia đình chồng xúc phạm nặng nề đến tình cảm và lòng tự trọng của cô.  Không tìm được sự thông cảm của bất kỳ một ai trong gia đình, từ chồng đến bố-mẹ chồng, Bích Hà tìm đến "giải thoát cuối cùng," tự trẫm mình ở hồ Hoàn Kiếm trong một "đêm mùa thu sương móc đầy trời, bóng trăng nhạt nhẽo."  Quyển "ai tình tiểu thuyết" Quanh hồ Hoàn Kiếm của Tâm Việt (1929), tập Giọt lệ sông Hương (hay Minh Châu lệ sử) của Tam Lang Vũ Đình Chí (1930) đều phảng phất phong vị tiểu thuyết Từ Chẩm Á, thuật chuyện thanh niên nam-nữ do trắc trở trong tình yêu mà tự sát, hay u sầu đến chết.[107]  Một loạt truyện ngắn, truyện vui như "Giấc mộng hồ Gươm", "Một buổi xem xử án tự vẫn tại cung vua Diêm", "Lệ Hồng quyên sinh," "Trên sông Thương", "Chưa chết được", "Cái chết hiếu danh",[108] lần lượt ra đời hoặc đồng cảm, hoặc cười nhạo, phản ánh và tạo ra ấn tượng nạn tự sát đang tiếp tục lan rộng trong phụ nữ trong khoảng 3, 4 năm đầu thập niên 1930.

   

Bià sách Nước hồ Gươm của Nguyễn Lan Khai (1928)

và phiến đoạn truyện ngắn "Cái chết hiếu danh" của Lưu Trọng Lư (Phụ nữ thời đàm, 28/1/1934)

Hiện tượng phụ nữ tự sát càng trở nên phổ biến khi nó được đưa lên thành đề tài sân khấu.  Lấy cảm hứng từ câu hỏi "Ai chết trước nhất tại hồ Hoàn Gươm?" trên báo Thực nghiệp (25/9/1930), nhà hát Quảng Lạc (Hà Nội) dựng vở diễn cùng tên để bày ra "đoạn mật sử của một nhà nền nếp kia tại Hà thành, mà có thể làm gương phản chiếu được cái cuộc đời mới mẻ ở đất Hà thành ngày nay."[109]  Ít năm sau, hội Ái hữu hỏa xa Vân Nam lại công diễn vở "Vì đâu cô...tự sát" trên sân khấu nhà hát tây Hà Nội ngày 31/10/1933, "mô tả một cái gia đình bất hạnh có một cô con gái tự sát.  Cô ấy lại là một gái mới đời nay, thông minh nhan sắc, là một con cưng của một bậc thượng lưu trong xã hội."[110]  Rõ ràng mẫu số chung của hai vở kịch này là sự rạn nứt của hạt nhân gia đình nơi tầng lớp thượng lưu xã hội, trong đó xuất hiện cô gái mới tân thời vừa là tác nhân, vừa là nạn nhân của những xung đột tân cựu, hay tha hóa đạo đức giữa buổi giao thời.  Bài xã luận " Các vở kịch và cái nạn phụ nữ quyên sinh" đăng trên Phong hóa có thể vận vào cho cả tiểu thuyết.  Tiểu thuyết, kịch trường phân tích, phản ánh việc phụ nữ tự sát, nhưng bản thân các tác phẩm này cũng có thể là nguyên nhân khiến "nạn dịch" này càng thêm trầm kha,

Các vở kịch hiện thời có liên lạc tới sự quyên sinh của phụ nữ chăng?  Cái nạn phụ nữ quyên sinh có làm ý tưởng chủ yếu cho các vở kịch hiện thời chăng?  Cái đó không rõ.  Chỉ biết trong vòng mươi năm nay, đàn bà Annam tự tử cũng nhiều, mà các vở kịch dùng tới sự tự tử của đàn bà Annam viết ra cũng lắm.[111]

 
Kịch "Vì đâu cô...tự sát", Ban kịch hội Ái hữu hỏa xa Vân Nam (Rạng đông, 28/10/1933)

Tiểu thuyết quốc ngữ thường bị kết tội đã khiến người đọc chán đời, trốn sống, như trong trường hợp cô bé học sinh 13 tuổi Lưu Thị Đàm ở Hải Phòng chẳng hiểu vì lý do gì bỗng nhiên bỏ nhà xin vào chùa tu; tìm trong ngăn bàn cô, người ta thấy "còn quyển tiểu thuyết sầu với cảm.  Sách vở giết người."[112]  Truyện ngắn "Cô Sâm mê chuyện" kể việc một cô thiếu nữ mê "chuyện hoang đường, sầu thảm"  đến độ quên ăn, quên ngủ, quên cả thời gian, sống trong không gian huyễn hoặc cùng với những nhân vật tiểu thuyết Tây Du, Phong Thần, hay Song Phượng Kỳ Duyên.  Tiểu thuyết bòn rút sinh lực, trí tuệ của cô đến sinh bệnh: " Ái tình, dục tình theo tuổi cô mà dậy cả lên một loạt...Da dẻ hồng hào, thủa nhỏ, cô xinh đáo để đến bây giờ thì như tầu lá uá."  Ký bằng một bút danh nữ "Tuyết Mai," tác giả đặt những bộ tiểu thuyết cô Sâm mê đắm đối lập với các sách luân lý đạo đức, và cảnh tỉnh: "Tôi cũng biết [sách luân lý đạo đức] khí khó xem, nhưng nó có ích cho cô đó! cô Sâm! ...Ô hay! Tôi lạ cho cô Sâm ốm!  Nhà in, họ còn in tiểu thuyết nữa, mà cô ốm đến bao giờ?"[113]

Bắt đầu từ năm 1932, mỗi khi đả phá ảnh hưởng tiêu cực của tiểu thuyết, người ta thường liệt ra vài tựa sách để minh họa.  Tiểu thuyết của Từ Chẩm Á và Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách thường được nhắc đến thành một đôi, bị phê phán như một loại bệnh chứng của chủ nghĩa vị kỷ, thoát ly thực tế, 

Lối lãng mạn thần bí trong văn thơ bị cái thiệt tế khó khăn đánh đổ; hai kẻ yêu nhau cần phải phấn đấu để sanh tồn, thì còn làm sao than thỉ nỉ non như bao nhiêu vai chủ động trong truyện!  Ái tình như trong tiểu thuyết của Từ Trẩm Á, hay trong các chuyện như Tố Tâm vẫn có thật mà chỉ có trong vài cặp nam nữ trung lưu, mắc những bịnh thần kinh, mà không tự biết là mắc, hay là không có công việc làm mà thôi.  (...) [C]húng tôi khuyên chị em coi cái lối ái tình lăng nhăng trong tuồng chớp bóng và tiểu thuyết là một thứ thuộc về bịnh chứng.  Người ta có quyền mưu sinh tồn, nhưng mà không được hại đến sự sanh tồn của đại đa số loài người, nếu chỉ biết đắm đuối trong dục tình để thỏa thích riêng cho mình thì là ăn hại xã hội, mà tự mình nô lệ cái khoái lạc thô bỉ.  Té ra thoát khỏi ách [N]ho giáo mà lại sa vào vòng nô lệ của cái ích kỷ chủ nghĩa hay sao?[114]       

Cũng trong khoảng thời gian hai năm đầu thập niên 1930, trên Phụ nữ thời đàm xuất hiện một loạt bài lên án ảnh hưởng xấu của tiểu thuyết, và kết tội việc đọc tiểu thuyết là nguyên nhân dẫn đến chuyện phụ nữ tự sát.  Trong bài "Một cách chữa bệnh tiểu-thuyết" tác giả Thường Nga nhắc lại luận điệu phổ biến cho rằng tiểu thuyết là độc hại, là nguyên nhân dẫn đến những vụ án xã hội thương tâm, đồng thời đề xuất liệu pháp cho căn bệnh trầm kha mê tiểu thuyết của phụ nữ,

Tiểu thuyết có hại!  Cái đó hiển nhiên. (...)  Các ngài buộc tội tiểu thuyết: nào những án hồ Gươm, hồ Trúc Bạch, thủ phạm là tiểu thuyết, nào những án thuốc phiện dấm thanh, thủ phạm cũng là tiểu thuyết...nào những câu chuyện thương luân bại lý ở những hang cùng ngõ hẻm, thủ phạm cũng là tiểu thuyết.  (...)  Nếu ta đọc tiểu thuyết mà biết đặt mình lên trên tiểu thuyết mà phê bình tiểu thuyết, tôi dám chắc sẽ tránh được cái dở của tiểu thuyết và thâu thái được cái hay của tiểu thuyết.[115]  

Như đã thấy ở hai cách nhìn đối lập đối với tiểu thuyết của Từ Chẩm Á ở Trung Hoa, hay trong việc phê phán cái hại của phụ nữ Việt Nam đọc tiểu thuyết Pháp, "phương thuốc" trị liệu trên đây tiếp tục nhấn mạnh vai trò quan trọng của chủ thể đọc.  Xã hội đã phải công nhận quyền đọc sách, báo (bao gồm tiểu thuyết) của phụ nữ, nhưng yêu cầu họ cần tỉnh táo trong khi thưởng ngoạn, cần đọc một cách phê phán và có ý thức.  Những bộ tiểu thuyết như Ngọc lê hồn, Tuyết hồng lệ sử, hay Tố Tâm tựa như đồng tiền hai mặt, tùy theo tay người xoay lật mà mặt phải, mặt trái trình hiện ra ánh sáng.  Không phải ai đọc những tiểu thuyết ấy cũng đều chán đời, tự tử.  Nói cách khác, Lệ sử hay Tố Tâm không phải là nguyên nhân trực tiếp khiến phụ nữ tự sát.  Khi chủ thể đọc mê muội với ái tình trong truyện, mơ mòng nhập thân vào nhân vật tiểu thuyết để sống giữa đời thực, bi kịch là tất yếu, không tránh được.  Đã không đủ tỉnh táo để tách bạch xấu - tốt khi đọc truyện, một chủ thể đọc như thế lại càng dễ dàng lầm lạc giữa hiện thực phức tạp của cuộc sống:

Các tiểu thư nhàn rỗi (...) cũng mắc nghiện tiểu-thuyết (...).  Các tiểu-thư xem đến đó rồi cũng oán giời [trời], trách đất bầy chi những cuộc bể dâu, (...) cũng than than, khóc khóc mà chia buồn, sẻ sầu với vai trong truyện.  (...)  Các "tiểu-độc-giả" còn để trí suy nghĩ mà hi-vọng một ngày kia cùng ý-trung-nhân đóng vai tuồng mà phô-diễn trên sân khâu xã-hội, để cùng nhau say tỉnh tỉnh say như vai trong truyện.  Xem quyển Tố Tâm mà tránh đừng có đem thân vào cõi tình trường (...) thì còn gì bằng.  Nhưng không, các cô, các cậu lại muốn làm Đạm-Thủy, Tố-Tâm 'tái-sinh' (...) nhưng khốn nỗi có được cái chính đính quang minh như Đạm-Thủy, Tố-Tâm đâu, lại giở thói dâm bôn (...) đến khi con ong đã tỏ đường đi lối về rồi, thì anh chán chị, chị chán anh.  (...) [C]ó khi vì nhân-tình bạc bẽo mà cậu đem tấm thân bẩy thước liều với sợi giây oan nghiệt, mợ đem cái thân liễu bồ phó thác cho giòng nước biếc (...)  Ôi! cái bi-kịch ấy hàng ngày vẫn thường xẩy ra ở đất "nghìn năm văn vật" không phải là hiếm vậy.  Duyên cớ đó bởi đâu?  Chẳng qua bởi xem tiểu-thuyết mà có ảnh-hưởng một phần to dư.[116]

 

Lời kết

Từ Chẩm Á cùng hai bộ tiểu thuyết tiêu biểu của ông, Ngọc lê hồn và Tuyết hồng lệ sử, là một bước chuyển đáng chú ý trong văn học Trung Quốc hiện đại.  Do ảnh hưởng của những hoàn cảnh chính trị, lịch sử nhất định, trong một thời gian dài các vấn đề xã hội và những đóng góp nghệ thuật trong tiểu thuyết của ông đã không được giới phê bình công tâm luận định.  Do những khía cạnh “nhạy cảm” của câu chuyện tình trong tiểu thuyết của Từ, trí thức Nho học (và một phần tân học) ở Việt Nam đã dịch tác phẩm của ông với ít nhiều thận trọng trong buổi đầu.  Các dịch giả Việt Nam đã cố gắng làm nổi bật khía cạnh yêu nước trong tiểu thuyết của Từ, giới thiệu Từ như một nhà phê bình xã hội.  Tuy nhiên, sau khi đã nhận được sự chấp nhận của bạn đọc, tiểu thuyết Chẩm Á được dịch thêm khá nhiều, thậm chí nhiều tác phẩm của các tác giả khác trong văn phái uyên hồ được dịch sang tiếng Việt dưới tên của ông.  Tiểu thuyết Chẩm Á đã ghi ảnh hưởng trên văn học Việt Nam hiện đại: không ít nhà văn Việt Nam đã kể chuyện, gợi vấn đề, mô phỏng văn phong theo lối Chẩm Á.  Giữa lúc văn quốc ngữ còn non trẻ, những người dịch Chẩm Á đã đưa văn tiếng Việt lên một trình độ tinh luyện hơn.  Việc dịch tiểu thuyết của ông góp phần hình thành dòng văn học giải trí, tiêu khiển trong nước, theo xu thế phát triển chung của văn học hiện đại thế giới, với sự hình thành của đô thị và tầng lớp tiểu thị dân (bao gồm một bộ phận phụ nữ ít nhiều có học).  Một cộng đồng bạn đọc nữ đã hình thành trong khoảng 3 thập niên đầu của thế kỷ 20: họ đọc và viết cả quốc ngữ lẫn Pháp văn.  Cùng với sự phát triển của báo chí và công nghệ in, người đọc – người viết nữ đã tham gia vào nhiều hoạt động xã hội, và có diễn đàn riêng, khởi sự chính thức với báo Nữ giới chung.  Vấn đề phụ nữ nên và không nên đọc gì đến khi ấy đã không còn là đặc quyền của nam giới: phụ nữ đã có tiếng nói riêng cho việc đọc của mình.   Cùng với sự phát triển của báo chí là sự ra đời của kịch nói, cấp thời phản ánh những vấn đề “nóng” của xã hội, ví như chuyện phụ nữ tự tử.  Việc phụ nữ tự sát ở Việt Nam xảy ra do nhiều nguyên nhân xã hội phức tạp.[117]  Trong những năm 1929-1930, các báo Việt Nam không chỉ đưa tin phụ nữ tự sát ở trong nước, mà còn cả ở các nước Đông Á lân cận, như Trung Quốc và Nhật Bản.[118]  Báo chí, tiểu thuyết, kịch nói đã liên tục phản ánh hiện tượng này, và tất yếu có phần trách nhiệm trước việc phụ nữ tự sát lan rộng thành “phong trào” hay “bệnh dịch”.  Việc quy lỗi “bệnh dịch” này cho tiểu thuyết (Tuyết hồng lệ sử hay Tố Tâm) là một cách nhìn phiến diện, tập trung phản ứng đối với những lệch lạc của một bộ phận chủ thể đọc nữ, mà không thấy hết những tác động xã hội lên chủ thể ấy. 

 


* TS, Harvard Yenching Institute, USA

[1] Từ Chẩm Á.  Tuyết hồng lệ sử, M. N. Đoàn Tư Thuật dịch, Hà Nội: Nam Ký thư quán, 1932.

[2] Trịnh Dật Mai鄭逸梅, "Ngã sở tri đạo đích Từ Chẩm Á 我所知道的徐枕亞" (Từ Chẩm Á như tôi biết), Đại thành 大成, số 154 (1/9/1986); dẫn từ Phạm Bá Quần 范伯群 (Chủ biên), Trung quốc cận hiện đại thông tục văn học sử 中國近現代通俗文學史, Nam Kinh: Giang Tô giáo dục xuất bản xã, 1999, t. 270.

[3] Xem E. Perry Link, Jr.  Mandarin Ducks and Butterflies - Popular Fiction in Early Twentieth-Century Chinese Cities (Uyên ương hồ điệp - Tiểu thuyết bình dân trong những đô thị Trung Quốc đầu thế kỷ XX), Berkeley: University of California Press, 1981, trg. 53; Lưu Dương Thể 劉揚体 (tuyển bình).  Uyên ương hồ điệp phái tác phẩm tuyển bình 鴛鴦蝴蝶派作品選評, Thành Đô: Tứ Xuyên văn nghệ xuất bản xã 四川文藝出版社, 1987, trg. 621.  

[4] Từ Chẩm Á.  Ngọc lê hồn trong Uyên ương hồ điệp phái tác phẩm tuyển bình, sđd., chương 12, trg. 507.

[5] Khởi nghĩa Vũ Xương: Do bất mãn nhà Thanh quốc hữu hóa đường sắt để gán nợ cho các nước Anh, Pháp, Đức, Mĩ, , những nhà tư sản, tiểu tư sản, binh sĩ giác ngộ và đông đảo quần chúng từ các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, Quảng Đông, Tứ Xuyên tập hợp lại dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc Đồng minh hội nhằm lật đổ triều đình Mãn Thanh, thành lập Trung Hoa dân quốc. Rạng sáng ngày 11/10/1911, quân khởi nghĩa chiếm được Vũ Xương. Thắng lợi này đã cổ vũ các tỉnh khác tuyên bố li khai với nhà Thanh.  Chính phủ lâm thời Trung Hoa dân quốc được thành lập, và Tôn Trung Sơn được bầu làm tổng thống (1/1/1912).     

[6] Thời Manh, "Ngọc lê hồn chân tướng đại bạch 玉梨魂真相大白" (Công bố chân tướng Ngọc lê hồn), Tô Châu tạp chí, số 1/1997; dẫn từ Phạm Bá Quần, sđd., t. 271.

[7] Trong bài "Cao Đường phú 高唐赋" Tống Ngọc đời Chiến quốc nhắc chuyện Sở Hoài vương 楚怀王 hội ngộ thần nữ Vu sơn.  Về sau nhân đấy dùng "Vu Giáp" để chỉ chuyện nam nữ lén lút gặp nhau.

[8] Lý Thương Ẩn đời Đường 李商隱 viết trong bải thơ "Dạ vũ ký bắc 夜雨寄北": "Hà đương cộng tiễn tây song chúc - Khước thoại Ba sơn dạ vũ thời何當共剪西窗燭,卻話巴山夜雨時" (Khi nao lại được cùng tiả bấc bên cửa tây - Nhắc chuyện đêm mưa ở núi Ba).  Người sau dùng thành ngữ "tiễn tây song chúc" để chỉ vợ chồng xa cách trông mong hội ngộ.

[9] Cũng như thiêu thân, con ngài thường lao mình vào lửa mà chết như trong thành ngữ "phi nga bộc hỏa tự thiêu thân 飞蛾扑火自烧身" (Con ngài bay ném mình vào lửa tự thiêu).  Bài tựa "Cao Đường phú" kể việc vua nước Sở du ngoạn và nghỉ đêm tại Cao Đường, mộng thấy thần nữ Vu Sơn đến mời rượu tiệc, hầu chăn gối.  Trước khi đi, thần nữ bảo rằng: "Thiếp ngày đêm ở tại Dương đài."  Nhân đó, "Dương đài" dùng để chỉ nơi hội hoan của nam nữ.    

[10] Sách Nữ hồng dư chí 女紅餘志 chép truyện Tuân Phụng Thiến 荀奉倩 từ biệt vợ.  Do khi chia tay, người vợ cắt một cành sen trao tặng, "liên chi" (cành sen) trở thành một hình tượng của ly biệt.

[11] Theo như tên gọi, uyên ương hồ điệp nguyên thủy để mệnh danh cho các bộ tiểu thuyết ái tình nam-nữ.  Về sau, văn phái uyên hồ  là tên gọi chung cho tiểu thuyết giải trí, tiêu khiển, bao nhiều loại tiểu thuyết khác nhau, như truyện võ hiệp, trinh thám, hoạt kê, lịch sử vv.  Được xếp vào lưu phái này có đến hơn 200 tác gia từ nhiều địa phương khác nhau (như Giang Tô, Chiết Giang, An Huy, Giang Tây) nhưng tập trung ở một số thành thị lớn (như Thượng Hải, Thiên Tân, và Bắc Kinh), ví như Từ Chẩm Á, Bao Thiên Tiếu 包天笑 (1876-1973), Hướng Khải Nhiên 向愷然 (1890-1957), Chu Sấu Quyên 周瘦鵑 (1895-1968), Phạm Yên Kiều 范煙橋 (1894-1967), Trương Hận Thủy 張恨水 (1897-1967), Ngô Song Nhiệt 吳雙熱 (1884-1934), Ngô Nhược Mai 吳若梅, Trình Tiểu Thanh 程小青 (1893-1976), Tôn Ngọc Thanh 孫玉聲 (1864-1940), Lý Hàm Thu李涵秋 (1873-1923), Hứa Khiếu Thiên 許嘯天 (1886-1946), Tần Sấu Âu秦瘦歐 (1908-1993).

[12] Xem Bình Khâm Á 平襟亞.  "Uyên ương hồ điệp phái  mệnh danh đích cố sự 鴛鴦蝴蝶派命名的故事," trong Ngụy Thiệu Xương 魏紹昌.  Uyên ương hồ điệp phái nghiên cứu tư liệu 鴛鴦蝴蝶派研究資料, Hương Cảng: Tam liên thư điếm, 1980, trg. 127-129.

[13] Chu Tác Nhân.  "Trung Quốc tiểu thuyết lý đích nam nữ vấn đề 中國小説裏的男女問題," Mỗi châu bình luận 每周評論, 2/2/1919, dẫn theo Phạm Bá Quần.  Trung Quốc cận hiện đại thông tục văn học sử, sđd., tập 1, trg. 273-274.

[14] Tham khảo Trần Diễm Mai 陳艷梅, Dương Phi Dược 楊飛躍.  "Ngọc lê hồn trung quả phụ Bạch Lê Ảnh đích luân lý quan 《玉梨魂》中寡婦白梨影的倫理觀," An Huy văn học 安徽文學, 11/2007, trg. 4-5; Lý Hàng 李航.  "Thị giác cục hạn dữ tưởng tượng hoàn nguyên - Ngọc lê hồn trung Bạch Lê Ảnh hình tượng phân tích 視角局限與想象還原—《玉梨魂》中白梨影的形象分析," Giai Mộc Tư đại học xã hội khoa học học báo 佳木斯大學社會科學學報, số 26:3 (6/2008), trg. 62-63.

[15] Xem Tống Thanh Tuyền 宋聲泉.  "Trùng cổ Tân thanh niên đồng nhân đối 'uyên ương hồ điệp phái' đích phê phán 重估《新青年》同人對‘鴛鴦蝴蝶派’的批判," Trung Quốc hiện đại văn học nghiên cứu tùng san  中國現代文學研就究叢刊, 4/2009, trg. 33-43; Vương Cát Bằng 王吉鵬 và Vương Mẫn 王敏, "Lỗ Tấn dữ uyên ương hồ điệp phái văn học 魯迅與鴛鴦蝴蝶派文學," Tô Châu giáo dục học viện học báo 蘇州教育學院學報, số 25:2 (6/2008),  trg. 24-28; Trương Nghệ Phân 張藝芬.  "Thí luận văn học nghiên cứu hội đối 'uyên ương hồ điệp phái ' đích công kích 試論文學研究會對‘鴛鴦蝴蝶派’的攻擊," Tề Tề Cáp Nhĩ sư phạm cao đẳng chuyên khoa học hiệu học báo 齊齊哈爾師範高等專科學校學報, số 98 (4/2007), trg. 44-46; Vương Mộc Thanh 王木青.  "Luận Mao Thuẫn đối uyên ương hồ điệp phái đích phê bình cập kỳ sách lược 論茅盾對鴛鴦蝴蝶派的批評及其策略," Văn nghệ lý luận dữ phê bình 文藝理論與批評, 3/2007, trg. 100-102; Chu Nghiên朱妍.  "Cận thập niên uyên ương hồ điệp phái nghiên cứu thuật bình 近十年鴛鴦蝴蝶派研究述評," Khâm Châu sư phạm cao đẳng chuyên khoa học hiệu học báo 欽州師範高等專科學校學報," số 21:4 (8/2006), trg. 28-31, 42; Liêu Siêu Tuệ 廖超慧, "Đối uyên ương hồ điệp phái phê bình đích tư khảo 對鴛鴦蝴蝶派批評的思考," Giang Hán đại học học báo 江漢大學學報, số 16:2 (4/1999), trg. 51-56.

[16] Phạm Bá Quần范伯群.  Dân quốc thông tục tiểu thuyết uyên ương hồ điệp phái 民囯通俗小説鴛鴦蝴蝶派, Bắc Kinh: Quốc văn thiên địa tạp chí xã 國文天地雜誌社, 1989, trg. 3-4.

[17] Xem Nhuế Hòa Sư 芮和師 và Phạm Bá Quần 范伯群.  Uyên ương hồ điệp phái văn học tư liệu鴛鴦蝴蝶派文學資料, Phúc Châu: Phúc Kiến nhân dân xuất bản xã 福建人民出版社, 1984; Ngụy Thiệu Xương魏紹昌.  Ngã khán uyên ương hồ điệp phái 我看鴛鴦蝴蝶派, Trung Hoa thư cục Hương Cảng hữu hạn công ty 中华书局香港有限公司, 1990.   

[18] Một điều tra sơ bộ qua mạng CNKI Tri thức võng lạc phục vụ bình đài 知識網絡服務平臺 cho thấy trong khoảng từ 1994 đến 2009 chỉ riêng ở Trung Quốc đại lục có hơn 700 tiểu luận tập trung khảo sát uyên ương hồ điệp phái công bố trên tạp chí của các trường đại học và cao đẳng.  

[19] Lý Khâm Đồng 李欽彤.  "Bị di vong đích tiên phong - Trùng cổ uyên ương hồ điệp phái 被遺忘的先鋒——重估鴛鴦蝴蝶派," Tây An điện tử khoa kỹ đại học học báo 西安電子科技大學學報 (bản khoa học xã hội), số 17:5 (9/2007), trg. 111-115.

[20] Triệu Hiếu Tuyên 趙孝萱.  Uyên ương hồ điệp phái tân luận 鴛鴦蝴蝶派新論, Phật Quang nhân văn xã hội học viện 佛光人文社會學院 (Đài Loan), 2002.

[21] Hai bộ trường thiên tiểu thuyết biền văn trước đó là Du tiên quật 游仙窟 của Trương Vụ 張鶩 đời Đường và Yên sơn ngoại sử của Trần Cầu 陳球 đời Thanh.  Xem Vương Quốc Vĩ 王國偉, "Đối biền văn tiểu thuyết kỳ tác Ngọc lê hồn đích văn hóa giải độc 對駢文小説奇作《玉梨魂》的文化解讀," Bồ Tùng Linh nghiên cứu 蒲松龄研究, 1/2004, trg. 142-148.

[22] Xem Lý Thanh Quả 李青果.  "Tình cảm, cách mạng, quốc gia - Từ Chẩm Á Ngọc lê hồn, Tuyết hồng lệ sử cập kỳ chu biên 情感,革命,國家——徐枕亞《玉梨魂》,《雪鴻淚史》及其周邊," Thanh Hoa đại học học báo 清華大學學報, số 23:6 (6/2008), trg. 79-87; Mã Kha 馬珂.  "Ngọc lê hồn chủ nhân công nhân vật hình tượng phân tích 《玉梨魂》主人公人物形象分析," Cung canh 躬耕, 3/2009, trg. 61-62.

[23] La Kim 羅金.  "Uyên ương hồ điệp phái: Lánh nhất chủng hiện đại tính 鴛鴦蝴蝶派:另一種現代性," Việt hải phong 粵海風, 5/2002, trg. 28-31. 

[24] Tham khảo Vi Khánh Lệ 韋慶麗 và Trịnh Kiến Quân 鄭建軍.  "Tùng Ngọc lê hồn quản khuy 20 thế kỷ sơ tiểu thuyết đích sáng tác thực tiễn 從《玉梨魂》管窺20世紀初小説的創作實踐," Thương tang 滄桑, 5/2005, trg. 111-112; Trình Trí Trung 程致中.  "Lạc phách danh sĩ đích ai tình chi ca 落魄名士的哀情之歌," Giang hải học khan 江海學刊, 1/1994, trg. 186-189; Trần Thế Cường 陳世強.  "Uyên hồ phái thủy cơ Từ Chẩm Á đích suyễn thác hôn luyến dữ ai tình văn học sinh nhai 鴛蝴派始基徐枕亞的舛錯婚戀與哀情文學生涯," Nam kinh lý công đại học học báo 南京理工大學學報, số 18:1 (2/2005), trg.87-96; Cát Tuyết Mai 葛雪梅.  "Tùng huy hoàng đáo một lạc - Ngọc lê hồn tự sự mô thức biện tích 從輝煌到沒落—《玉梨魂》敍事模式辨析," Diêm Thành công học viện học báo 鹽城工學院學報 (bản khoa học xã hội), 3/2007, trg. 43-46; Lưu Nạp 劉納.  "Dân sơ văn học đích nhất cá kỳ ảnh: Biền văn đích hưng thịnh 民初文學的一個奇影:駢文的興盛," Trịnh Châu đại học học báo 鄭州大學學報 (bản triết học - khoa học xã hội), 5/1996, trg. 18-25; Lưu Thiện Tiệp 劉善婕.  "Sạ noãn hoàn hàn: Tùng Ngọc lê hồn tích Dân sơ đại chúng văn hóa tâm lý 乍暖還寒:從《玉梨魂》析民初大衆文化心理," Ngữ văn học san 語文學刊, 1/2007, trg. 95-97; Chu Giang Dũng 朱江勇, Bùi Thị Thúy Minh 裴氏翠明, "Đàm Ngọc lê hồn đích bi kịch ý thức 談《玉梨魂》的悲劇意識," Tuy hóa sư chuyên học báo 綏化師專學報, số 24:1 (3/2004), trg. 78-79.  

[25] Xem Thạch Thu Tiên 石秋仙.  "Thụ hiện đại ngôn tình tiểu thuyết ảnh hưởng đích tảo kỳ ái tình phiến 受現代言情小説影響的早期愛情片," Sơn Đông thương nghiệp chức nghiệp kỹ thuật học viện học báo 山東商業職業技術學院學報, số 6:2 (4/2006), trg. 75-78; Lý Trung Hoa 李中華.  "Luận uyên ương hồ điệp phái đối Trung Quốc điện ảnh sự nghiệp đích cống hiến 論鴛鴦蝴蝶派對中國電影事業的貢獻," Điện ảnh bình giới 電影評介, số 18 (2006), trg. 54; Vương Hoành Xương 王宏昌.  "Truyền bá thị dã hạ đích uyên ương hồ điệp phái điện ảnh sáng tác 传播视野下的鸳鸯蝴蝶派电影创作, Điện ảnh bình giới, số 14 (2006), trg. 65-66.

[26] E. Perry Link, Jr.  Mandarin Ducks and Butterflies - Popular Fiction in Early Twentieth-Century Chinese Cities (Uyên ương hồ điệp - Tiểu thuyết bình dân trong những đô thị Trung Quốc đầu thế kỷ XX), Berkeley: University of California Press, 1981, trg. 8-10.

[27] Về Nghiên hữu xã, xem Joshua Mostow (biên tập).  The Columbia Companion to Modern East Asian Literature (Sách tham khảo của Đại học Columbia về văn học Đông Á hiện đại), New York: Columbia University Press, 2003, trg. 66-68; Donald Keene.  Dawn to the West: Japanese Literature of the Modern Area (Hé rạng phương tây: Văn học Nhật Bản thời hiện đại), New York: Columbia University Press, 1998, trg. 119-149.

[28] Vương Hướng Viễn.  "Trung Quốc đích uyên ương hồ điệp phái dữ Nhật Bản Nghiên hữu xã 中國的鴛鴦蝴蝶派與日本的硯友社," Bắc kinh sư phạm đại học học báo (bản khoa học xã hội), số 131 (5/1995), trg. 74-80.

[29] Phan Mạnh Danh (1866-1942) vốn tên chữ là Trung, sau đổi thành Mạnh Danh, hiệu Thế Vọng, quê làng Phù Ủng, phủ Ân Thi, huyện Hưng Yên.  Ông là con trưởng của Thị độc Phan Trác Hoạt, cháu Hoàng giáp Phan Trứ (từng là tuần phủ Khánh Hòa).  Nổi tiếng thông minh từ thuở nhỏ, ông thi hương và được vào ngay kỳ đệ tam năm 17 tuổi.  Năm 1908, ông được cử làm giáo học trường đệ nhất cấp tỉnh Hưng Yên.  Ông là người tài hoa, xuất chúng trong lĩnh vực thi-họa.  Tác phẩm tiêu biểu: Phù giang thi tập, Phù giang văn tập, Bút hoa thi thảo, Cổ thi trích dịch, Tuồng Hoa tiên, Việt Nam danh nhân diễn ca, Điển cố.  Ông cũng là dịch giả tiểu thuyết Đa tình hận và Tình sử.  Theo Đào Sỹ Nhã, "Phan Mạnh Danh tiểu sử" trong Phan Mạnh Danh.  Bút hoa - Thơ tập cổ, Saigon: Phạm Văn Sơn, 1962, trg. 7-18.  

[30] Phan Mạnh Danh.  Thi văn tập trích lục, Nam Định: Nguyễn Trung Khác, 1942, trg. 110.  Trong phần quảng cáo Đa tình hận ở bìa sau của sách có nhấn mạnh "Mới dịch lại khác hẳn bản dịch cũ và sắp tái bản."  Mặt trong bìa sau sách Tình sử của Long-Tử-Do (Phan Mạnh Danh phiên dịch, Saigon: Phạm Văn Sơn, 1961) có in danh sách "Tác phẩm của Phan Mạnh Danh, 1866-1942," trong đó Đa tình hận được giới thiệu là "Dịch nguyên tác của Từ Trẩm Á (1919)."  Hiện chưa tìm được bản dịch này; sách Thi văn tập trích lục có in lại một trang dịch tiếng Việt của Đa tình hận (trg. 149).  

[31] Thi văn tập trích lục, sđd., trg. 113.

[32] Tiền Nhất Yên 錢一燕 có soạn bộ Đa tình hận - Trường thiên xã hội tả thực tiểu thuyết 多情恨: 長篇社會寫實小說 (Thượng Hải Đại minh thư cục上海大明書局 tái bản năm 1947).  Tuy nhiên, những nhân vật trong tiểu thuyết này không giống như tả thuật của Phan Mạnh Danh.

[33] Xem Từ Chẩm Á.  Lê Quân lệ sử, Phụng Thiên 奉天: Nghệ quang thư điếm 藝光書店, 1938.

[34] Đó là Lương Phượng Lâu梁鳳樓 (Thượng Hải: Hải tả thư cục 海左書局, 1925), Dụ Huyết Luân喻血輪 (Thượng Hải: Văn minh thư cục 文明書局, 1924), và Hồ Sấu Trúc胡瘦竹 (Thượng Hải: Tiểu thuyết ảnh hí xã 小說影戲社, 1925).

[35] Xem Ngô Khởi Duyên.  Phù dung nương, Từ Chẩm Á bình hiệu, Thanh Hoa thư cục 淸華書局, 1919. 

[36] Năm 1918, Dụ Huyết Luân đồng thời xuất bản 3 bộ tiểu thuyết: Vân Lan lệ sử, Huệ Phương bí mật nhật ký 蕙芳秘密日記, và Lâm Đại Ngọc nhật ký 林黛玉日記.  Tiếp nối theo Vân Lan lệ sử, vợ ông là Dụ Ngọc Đạc 喻玉鐸 viết Vân Lan nhật ký 芸蘭日記 có phụ thêm những lời bình "mi phê 眉批" của ông trên đầu các trang sách (xem Dụ Ngọc Đạc喻玉鐸.  Vân Lan nhật ký 芸蘭日記 in trong Trung Quốc cận đại tiểu thuyết sử liệu vựng biên 中國近代小説史料彙編, tập 10, Đài Bắc: Quảng văn thư cục 廣文書局, 1980).  Theo chân Từ Chẩm Á, Dụ Huyết Luân phát triển thể văn tiểu thuyết nhật ký, và hai tập Vân Lan lệ sử, Vân Lan nhật ký của vợ chồng ông không khỏi khiến người đọc liên tưởng đến Ngọc lê hồn và Tuyết hồng lệ sử.  Về Dụ Huyết Luân và văn nghiệp của ông, tham khảo Mi Tiệp眉睫.  "Dụ Huyết Luân hòa tha đích Lâm Đại Ngọc nhật ký 喻血輪和他的林黛玉日記" trong Lãng sơn bút ký - Hiện đương đại văn đàn lược ảnh 朗山筆記 - 現當代文壇掠影, Tú uy tư tấn 秀威資訊, 2009, t. 21-28 (có thể tham khảo trực tuyến tại http://www.housebook.com.cn/200612/17.htm).    

[37] Hà thành ngọ báo, 6/7/1927.

[38] Nguyễn Đỗ Mục: tự là Trọng Hữu, người làng Thư Trai, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây).  Ông là con Hoàng giáp Nguyễn Đình Dương (từng nhậm chức Án sát Hưng Yên, Bố chánh Quảng Bình, Biện lí bộ Lại).  Sau năm 1908, ông cộng tác biên tập và trợ bút cho các báo Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn về các vấn đề giáo dục, dịch một số tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc trong thời kỳ xây dựng nền móng của văn học quốc ngữ.  Ông là thân phụ họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, một trong những danh họa hàng đầu của hội họa Việt Nam hiện đại.  Xem http://www.vietgle.vn/trithucviet/detail.aspx?key=Nguy%E1%BB%85n+%C4%90%E1%BB%97+M%E1%BB%A5c&type=A0

[39] Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục.  "Lời cảm-cựu về mấy ngày chơi Bắc-Ninh," Nam phong, số 100 (10-11/1925), trg. 354. 

[40] Nguyễn Đôn Phục: người làng Uy-Nô-Thượng, tổng Cầu.  Do thân phụ làm tri phủ Điện Bàn (Quảng Nam), nên ông được mẹ trông nom và dạy chữ Nôm từ bé.  Ông là một trong những cây bút chủ chốt của Nam Phong.  Xem Phạm Thị Ngoạn.  Tìm hiểu Tạp-chí Nam-phong 1917-1934, nguyên tác Pháp văn, Phạm Trọng Nhân dịch, Yerres: Ý Việt, 1993, trg. 78; Vũ Ngọc Phan.  Nhà văn hiện đại (4 tập), Saigon: Thăng Long, 1959-1960, tập 1, trg. 79-89.

[41] Đoàn Tư Thuật: hiệu Mai Nhạc, người làng Tả Thanh-Oai (Hà Đông).  Theo Trúc Khê và Tiên Đàm, ông là người "tính tình phóng dật, tài tử phong lưu, hay rượu hay thơ, đã từ có hồi kết bạn thi tửu với nhà thơ Nguyễn Khắc Hiếu."  Ngoài bản dịch Tuyết hồng lệ sử, ông còn lược dịch Tỳ bà ký 琵琶記 của Cao Minh 高明.  Xem Trúc Khê và Tiên Đàm.  Chu Mạnh Trinh, Hà Nội: Cộng Lực, 1942, trg. 53-56. 

[42] Nguyễn Tử Siêu: Bút danh Nguyễn An Nhân, Liên Tâm lão nhân, Hoa Cương; nguyên quán xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội.  Thân sinh ông đỗ cử nhân, và anh ông trúng tú tài Hán học.  Ngoài những tác phẩm lịch sử - tiểu thuyết của ông như Tiếng sấm đêm đông, Hai bà đánh giặc, Vua bà Triệu, Vua Bố Cái, Đinh Tiên Hoàng, Việt Thanh chiến sử, Trần Nguyên chiến kỷ, ông còn soạn và dịch sách Đông y dưới bút danh Nguyễn An Nhân.  Xem Nguyễn Tử Siêu.  Tử Siêu y thoại, Hà Nội: Hội Y học dân tộc Hà Nội, 1990.   

[43] Ngô Văn Triện: bút danh Trúc Khê, Cẩm Khê, Kim Thượng, Đỗ Giang, Khâm Trai, Ngô Sơn, Hạo Nhiên Đình; người thôn Thị Cấm, tổng Phương Canh, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là xã Xuân Phương, quận Từ Liêm, Hà Nội).  Ông học chữ Hán với một ông đồ trong thôn từ năm lên 6.  Năm 11 tuổi, ông chuyển sang học chữ quốc ngữ ở trường Pháp - Việt, và tự học tiếng Pháp. Ông viết báo, tham gia “Nam Đồng thư xã”, và bị bắt sau khi khởi nghĩa Yên Bái thất bại.  Sau khi ra tù, ông mở Trúc Khê thư cục, cộng tác với các nhà xuất bản, viết bài cho các báo Khuyến học, Văn học tạp chí, Phổ thông bán nguyệt san, Thực nghiệp dân báo, Tiểu thuyết thứ bảy, Nước Nam, Ích Hữu, Tao Đàn, Tri Tân, Đông Tây... Ông là tác gia tiểu thuyết, biên khảo, và dịch giả của nhiều công trình đặc sắc.

[44] Nhượng Tống: tên thật là Hoàng Phạm Trân, còn gọi là Hoàng Nhượng Tống; nhà văn, nhà báo, và dịch giả.  Ông người làng Đô Hoàng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Thân sinh là ông Hoàng Hồ, đỗ Tú tài dưới triều Nguyễn, nặng tinh thần chống Pháp và có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chính trị của Nhượng Tống sau này. Sinh trưởng trong một gia đình Nho học, Nhượng Tống được học chữ Hán ngay từ nhỏ, sau tự học thêm quốc ngữ và tiếng Pháp. Dù học lực uyên bác, ông không đỗ đạt một văn bằng nào cả.  Ông cộng tác với các báo Khai hóa, Thực nghiệp dân báo, Hồn cách mạng, Hà Nội tân văn.  Cuối năm 1925, ông tham gia thành lập ra Nam Đồng thư xã chuyên xuất bản "tân thư" cổ vũ tinh thần yêu nước, cách mạng.  Năm 1929, ông bị bắt và bị đày ra Côn Đảo, đến năm 1936 mới được thả.  Tham khảo: http://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C6%B0%E1%BB%A3ng_T%E1%BB%91ng

[45] Nguyễn Khắc Hanh: Ông cộng tác với nhiều báo thời bấy giờ, như Nông công thương, Đông tây, Hà thành ngọ báo và là dịch giả Hán văn (thơ chữ Hán Nguyễn Du, Kim Vân Kiều truyện) và Pháp văn.  Tham khảo:

http://tintuc.xalo.vn/00-1077099345/ngon_but_trong_suong.html

http://www.cand.com.vn/vi-VN/thoisuxahoi/tintucsukien/2006/10/89424.cand

http://vnthuquan.net/diendan/tm.aspx?m=49341

[46] Trần Văn Giáp.  "Lược khảo tiểu thuyết Tàu," Thanh nghị, số 11 (4/1942), trg. 14.

[47] Đào Sỹ Nhã, "Phan Mạnh Danh tiểu sử," sđd., trg. 13.

[48] Từ Chẩm Á. "Tự do giám" trong Chẩm Á lãng mặc 枕亞浪墨, Thượng Hải: Tiểu thuyết tùng báo xã 小説叢報社, 1915, trg. 5-12.

[49] Từ Chẩm Á.  "Gương tự do", Đông Châu dịch, Nam phong, số 87 (9/1924), trg. 255.

[50] Như trên, trg. 256.

[51] Như trên, trg. 260.

[52] Trúc Hà.  " Lược-khảo về sự tiến-hóa cuả quốc-văn trong lối viết tiểu-thuyết," Nam phong, số 175 (8/1932), trg. 122. 

[53] Bản danh sách này thiết lập qua tham khảo Biliothèque Nationale - Département des Entrées, Département des Imprimés. Catalogue du Fonds Indochinois de la Bibiothèque Nationale, Vol. 1: Livres Vietnamiens imprimés en quốc ngữ, 1922-1954, do Christianne Rageau biên soạn, Paris: Bibliothèque Nationale, 1979; Yan Bao.  "The Influence of Chinese Fiction on Vietnamese Literature," trong Claudine Salmon (chủ biên).  Literary Migrations: Traditional Chinese Fiction in Asia (17th-20th Centuries), Beijing: International Culture Publishing Corporation, 1987, trg. 286-316 (có thể tham khảo thêm bản Trung văn của sách, Trung Quốc truyền thống tiểu thuyết tại Á Châu 中國傳統小説在亞洲, nhóm Nhan Bảo 顏保 dịch, Bắc Kinh: Quốc tế văn hóa xuất bản công ty, 1989, trg. 208-236; và bản dịch Việt ngữ của Trần Hải Yến, Tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc ở châu Á (từ thế kỷ XVII - thế kỷ XX), Hà Nội: Khoa học xã hội, 2004, trg. 221-268); và thư mục trực tuyến của Thư viện quốc gia Hà Nội, http://118.70.243.232/opac/.

[54] Báo Trung Bắc tân văn bình luận: "Chuyện cũng khá hay." (14-15/10/1929)

[55] Nam phong, số 77 (11/1923), trg. 421.

[56] Tín Lăng quân 信陵君 tức Ngụy Vô Kỵ 魏无忌 (?-243 TCN), công tử nước Ngụy thời Chiến Quốc.  Ông là một nhà chính trị và quân sự lỗi lạc, nhưng cuối đời do bị gièm pha mà bị phế truất, sa vào tửu sắc mà chết.

[57] Đỗ Mục 杜牧 (803-853): thi nhân đời Đường, tự Mục Chi 牧之, hiệu Phàn Xuyên cư sĩ 樊川居士.  Ông được gọi là Tiểu Đỗ để phân biệt với Đỗ Phủ.  Trong bài "Kim cốc viên 金谷園" (Vườn Kim cốc), ông viết:

Nguyên văn Phiên âm Bản dịch thơ của Trần Trọng San
繁華事散逐香塵 Phồn hoa sự tán trục hương trần Phồn hoa tan tác bụi trần
流水無情草自春 Lưu thủy vô tình thảo tự xuân Vô tình nước chảy cỏ xuân tươi màu
日暮東風怨啼鳥 Nhật mộ đông phong oán đề điểu Gió đông ai oán chim sầu
落花猶似墮樓人 Lạc hoa do tự trụy lâu nhân Hoa rơi giống kẻ rơi lầu ngày xưa

"Kẻ rơi lầu" ở đây chỉ người thiếp Lục Châu绿珠của Thạch Sùng石崇 đời Tấn.  Nàng nhảy lầu tự sát để tỏ lòng trung ái với họ Thạch.  Tương tự, ông tỏ lòng sầu trong bài "Thán hoa 嘆花" (Than tiếc hoa):

Nguyên văn Phiên âm Bản dịch thơ của Trúc Khê
自是尋春去較遲 Tự thị tầm xuân khứ hiệu trì Lỡ bước tìm xuân ngán nỗi mình
不須惆悵怨芳時 Bất tu trù trướng oán phương thì Dễ mà chuộc lại những ngày xanh
狂風落盡深紅色 Cuồng phong lạc tận thâm hồng sắc Cuồng phong bứt hết hồng tươi thắm
綠葉成蔭子滿枝 Lục diệp thành âm tử mãn chi. Lá đã um cây, quả trĩu cành.

[58] Đoàn Mai Nhạc. "Bài tựa truyện Tuyết-hồng lệ-sử," Nam phong, số 88, trg. 356-357.

[59] Minh-phượng Nguyễn Như-Cương. "Bàn về truyện Tuyết-Hồng lệ sử," Nam phong, số 99 (9/1925), trg. 283.

[60] Nam phong, số 86 (8/1924), trg. 170.

[61] Nam phong số 84 (6/1924), trg. 526.

[62] Uyên ương hồ điệp phái tác phẩm tuyển bình, sđd., trg. 608.  Trúc Khê lược dịch câu chuyện ấy như sau: "Có người bạn tôi là Hoàng Mỗ kể chuyện với tôi rằng: Khi giặc đã lui rồi, anh ấy đi qua chỗ chiến trường thấy một người [r]a dáng học trò bị tên bắn nằm lăn ra đấy, trông thấy anh ta nhận biết là người đồng hạt, bèn đưa gửi anh ta một gói gì không biết để đem về đưa cho nhà, rồi nằm trơ mà chết. Rồi sau có người khiêm liệm mai táng ở đấy.  Anh ta lại lấy được một quyển sách ở túi áo chàng đem về." (Từ Trẩm Á.  Ngọc lê hồn, Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch, Hà Nội: Tân Dân thư quán, 1930, trg. 205).

[63] Mai Khê. "Bổ truyện Tuyết hồng lệ sử," Nam phong, số 86 (8/1924), trg. 170.

[64] Như trên, trg. 171.

[65] Từ Chẩm Á.  Tuyết hồng lệ sử, Hô Hòa Hạo Đặc thị 呼和浩特市: Nội Mông Cổ Nhân dân xuất bản xã 内蒙古人民出版社, 2000.

[66] Như trên, trg. 1.

[67] Từ Trẩm Á.  Tuyết hồng lệ sử, M. N. Đoàn Tư Thuật dịch, Hà Nội: Nam Ký thư quán, 1932.

[68] Uyên ương hồ điệp phái tác phẩm tuyển bình, sđd., trg. 606. 

[69] Từ Trẩm Á.  Tuyết hồng lệ sử, M. N. Đoàn Tư Thuật dịch, sđd.

[70] Từ Trẩm Á.  Ngọc lê hồn, Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch, sđd., trg. 205. 

[71] Trọng Khiêm.  Kim Anh lệ sử, Hanoi: Đông-kinh ấn-quán, 1924; Tam Lang.  Giọt lệ sông Hương - Minh Châu lệ sử, Hanoi: Tân-dân thư-quán, 1930.

[72] John C. Schafer và Thế Uyên.  "The Novel Emerges in Cochinchina," Journal of Asian Studies, số 52:4 (11/1993), trg. 869.

[73] Theo Annuaire statistique de L'Indochine (Niên giám thống kê Đông Dương), tập 1, 1913-1922, Hanoi: Imprimerie d'Extreme-Orient, 1927, trg. 52; và Annuaire statistique de L'Indochine (Niên giám thống kê Đông Dương), tập 3, 1930-1931, Hanoi: Imprimerie d'Extreme-Orient, 1932, trg. 63.

[74] Tựa báo có thể đã dựa theo tên tác phẩm Nữ giới chung 女界鍾  (1903) của Kim Thiên Cách 金天翮 (1873-1947).

[75] Tham khảo Huỳnh Văn Tòng.  Lịch sử báo chí Việt-Nam - Từ khởi thủy đến 1930, Saigon: Trí Đăng, 1973, "Chính sách của Albert Sarraut và báo chí theo chủ thuyết của A. Sarraut," tr. 82-88.

[76] Không chỉ là nhà quân sự và chính trị trứ danh, Tào Tháo 曹操 (155-220) còn là thi nhân nổi tiếng.  Tào Phi 曹丕 (187-226), con trai trưởng của Tào Tháo và cũng là hoàng đế nước Ngụy thời Tam Quốc, có nhiều thành tựu văn học trong lĩnh vực thi, phú và phê bình.  Em ông, Tào Thực 曹植 (192-232), từng được xưng tụng là "thi thánh 詩聖" trước Đỗ Phủ. 

[77] Giang Yêm 江淹 (444-505) nổi danh về phương diện từ phú thời Nam triều. 

[78] Ban Chiêu班昭 (45-116) và Tạ Đạo Uẩn 謝道韞 (khoảng 376) là hai nữ tác gia nổi tiếng Trung Quốc cổ đại.

[79] S.N.A. "Đờn bà không nên chuyên về văn thơ", Nữ giới chung, số 8 (29/3/1918).

[80] S. Nguyệt-Anh, "Bàn về sách dạy đờn-bà con gái", Nữ giới chung, số 9 (5/4/1918).

[81] Nguyễn Thị Hồng, "Phải cần gì bây giờ?", Nữ giới chung, số 20 (28/6/1918).

[82] "Cũng bàn về quốc văn", Phong hóa tuần báo, 4/11/1932.

[83] T.A. "Cái án bạn và vợ hay là chương trình năm năm của nữ sĩ Hoàng-Thị-Khiêm", Phụ nữ thời đàm, 22/4/1932.  

[84] Vân Đình Tứ.  "Tin bợm mất bò - Một ông giáo sư dỗ vợ một người bạn rồi kéo nhau đi," Phụ nữ thời đàm, 2/3/1932.

[85] T.A. "Cái án bạn và vợ hay là chương trình năm năm của nữ sĩ Hoàng-Thị-Khiêm", Phụ nữ thời đàm, 20/4/1932.  

[86] "Quanh cái án bạn và vợ: Mấy trang nhật ký của nữ sĩ Mỹ-Khuê Hoàng-Thị-Khiêm", Phụ nữ thời đàm, 23/4/1932.

[87] T.A. "Cái án bạn và vợ hay là chương trình năm năm của nữ sĩ Hoàng-Thị-Khiêm", Phụ nữ thời đàm, 22/4/1932.  

[88] "Cái án bạn và vợ: Vũ-Tam-Thám Hoàng-Thị-Khiêm," Phụ nữ thời đàm, 4-5/4/1932. 

[89] Như trên

[90] Xem Hà thành ngọ báo, 31/5/1927 và 12/9/1929; cũng xem Phụ nữ tân văn, 24/8/1933, trg. 6-8.

[91] Xem các tranh biếm họa trên Phụ nữ thời đàm ngày 29/4 và 5/5/1932.

[92] Thương Biên.  "Một việc mà chị em học sinh phải thận trọng: Tiểu thuyết Tây", Phụ nữ thời đàm, 11/5/1932.  

[93] Các báo được sử dụng để thu thập tư liệu là Hà thành ngọ báo: 8 trường hợp (1927-1929), Trung Bắc tân văn: 4 (1929-1930), Phụ nữ thời đàm: 17 (1931-1932), Phụ nữ tân văn: 14 (1931-1932).

[94] "Hỡi các bạn chán đời", Hà thành ngọ báo, 13/7/1927.

[95] "Cái bệnh tự-tử" do Hồng Nhân dịch từ Edmond Jaloux, "Sur le suicide - Observations sur la psychologie du suicide" (Le Disque vert, 4th Series, số. 1, 1/1925), Nam phong, số 177 (10/1932), trg. 340.

[96] Phạm Quỳnh.  "Thanh niên có nên buồn không?" Nam phong, số 68 (2/1923), trg. 92-98.

[97] Phạm Thị Ngoạn.  Tìm hiểu Tạp chí Nam phong, sđd., trg. 308-309.

[98] "Chúng tôi hiểu cái lẽ cô Tuyết-Hồng tự vận," Phụ nữ tân văn, 21/5/1931.

[99] Chế độ đa thê này chỉ chính thức chấm dứt nhờ luật gia đình ban hành riêng lẻ nhưng hầu như đồng bộ ở hai miền Nam - Bắc vào năm 1959.

[100] "Trong một tuần lễ hai cái án phụ nữ tự sát - Người phạm có lẽ đều là đàn ông", Phụ nữ tân văn, 21/1/1932.

[101] "Cái chết khiếp nhược", Phụ nữ tân văn, 19/4/1934.

[102] "Vợ chồng tự tử vì thất nghiệp", Phụ nữ tân văn, 28/6/1934.

[103] "Thuốc phiện dấm thanh..." Phụ nữ thời đàm, 4 và 7/12/1932.

[104] "Yêu cảnh Kiếm hồ", Phụ nữ thời đàm, 13/8/1931.

[105] Nguyễn Lan Khai.  Nước hồ Gươm, Hà Nội: Nhật Nam thư quán,1928.

[106] Phạm Duy Tốn.  "Nước đời lắm nỗi", Nam phong, số 23 (5/1919), trg. 401-404.

[107] Tâm Việt.  Quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội: Nguyễn Du thư xã, 1929; Tam Lang Vũ Đình Chí.  Giọt lệ sông Hương (Minh Châu lệ sử), Hà Nội: Tân Dân thư quán, 1930.

[108] Th. Sơn.  "Giấc mộng hồ Gươm", Phụ nữ thời đàm, 24-25 và 26/8/1931; Mai Lâm.  " Một buổi xem xử án tự vẫn tại cung vua Diêm", Phụ nữ thời đàm, 6-10/6/1932; T. L. "Lệ Hồng quyên sinh", Phong hóa, 22/9/1932; Lê Thành Tỉnh.  "Trên sông Thương", Phong hóa, 19/5/1933; Tế Xuyên.  "Chưa chết được", Phụ nữ thời đàm, 15/10/1933; Lưu Trọng Lư.  "Cái chết hiếu danh", Phụ nữ thời đàm, 28/1/1934. 

[109] Quảng cáo kịch "Ai chết trước nhất tại hồ Hoàn Gươm?", Phụ nữ thời đàm, 1/2/1931.

[110] Hội Ái hữu hỏa xa Vân Nam.  "Vì đâu cô tự sát", Rạng đông, 21/10/1933.

[111] Phong Hóa.  "Các vở kịch và cái nạn phụ nữ quyên sinh", Phong hoá, số 6 (21/7/1932).

[112] "Sớm chán đời thế? Cô Lưu Thị-Đàm học trường Nam-sinh mới có 13 tuổi đầu vừa rồi trốn nhà đi tu", Hà thành ngọ báo, 27/7/1929.

[113] Tuyết Mai.  "Cô Sâm mê chuyện", Hà thành ngọ báo, 23/3/1929. 

[114] "Ái-tình trong tiểu-thuyết và trong thiệt-tế", Phụ nữ tân văn, 2/11/1933.

[115] Thường Nga.  "Một cách chữa bệnh tiểu-thuyết", Phụ nữ thời đàm, 4/7/1931.

[116] Vũ-hữu-San, "Cái hại đọc tiểu-thuyết," Báo Đông Pháp, 8/1/1929.

[117] “Phụ nữ đồng tình hội” đăng ở Phụ nữ tân văn, 8/5/1930: “Từ năm ngoái đến giờ, trong nước ta xảy ra không biết bao nhiêu là chuyện đàn bà tự sát.  Người nầy thì vì cảnh ngộ gia đình, kẻ nọ thì bởi tình duyên trắc trở, lại có nhiều người vì nghèo khổ, vì bịnh hoạn, cũng tính đến cái kế quyên sanh là kế cuối cùng. Thảm thương thứ nhứt là người đàn bà ở tỉnh Nam Định mới đây, gặp cảnh chồng chết con đông, bước cùng thân túng; trong lưng còn một đồng mấy bạc, để lại cả cho lũ con, rồi ra sông Vị Hoàng đâm đầu xuống đó ...Chúng tôi tưởng trong lúc vật giá lên cao, củi châu gạo quế nầy, chắc hẳn không thiếu chi người muốn theo bước bà kia.”

[118] Chẳng hạn, “Cũng bởi chán đời – Bốn cô nữ học sanh cùng tự vận trong một lúc,” Phụ nữ tân văn, 25/7/1929 thuật chuyện 4 cô nữ sinh ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) rủ nhau cùng tự tử chỉ vì chán đời, cảm thấy bị khinh rẻ, “sanh ra gặp phải cá hoàn cảnh bất lương, thường bị kích thích, mà chúng tôi non dạ trẻ người, không đủ sức để chống chỏi lại.”; Hoàng Hồ, “Cô thiếu nữ chết vì tình,” Hà thành ngọ báo, 27/4/1929 kể việc cô học sinh họ Hồng tự tử ở Thanh Đảo.  Bài “Phụ nữ đồng tình hội” (bđd.) ghi nhận: “Không biết tại sao một năm đó, người Nhựt Bổn đua nhau tự vận nhiều quá.  Thứ nhứt là đàn bà.  Có hơi một chút gì bất như ý, ví dụ như giận chồng, như mất việc, như hỏng thi, bấy nhiêu đó cũng đủ khiến cho họ nhảy xuống giếng sâu, hay là đâm đầu vào xe lửa rồi.  Họ tự vận sao mà mỗi ngày nội trong nước Nhựt có cả chục cả trăm đám, đến đỗi ở đất Thần hộ , có cái giếng kia, đàn bà nhảy xuống đó tự vận mà lấp đầy.”

Nhật Chiêu đến với văn chương Phù Tang như một nhân duyên tiền định. Truyện Genji, tanka, haiku, Kawabata Yasunari… đã ở đó bao đời, chờ người đến gõ cửa, và cánh cửa mở ra. Những mùa như nhiên, tịnh mặc, hoan lạc, trầm tư ùa về. Người choáng ngợp, người ngây ngất và người uống trọn hương xa của một nền văn chương kỳ diệu. Nhật Chiêu đi trọn một vòng với cái duyên ban đầu ấy từ tâm tưởng, từ ngôn từ, để rồi gần bước tới ngưỡng “cổ lai hy”, người lại trở về, hiện hữu bằng xác thân nơi quê hương tâm tưởng. Người du hành một chuyến Phù Tang, nhưng chắc chẳng ai quen biết người nghĩ rằng đó là chuyến đi lần đầu đến một xứ sở lạ, mà thực sự người đang về nhà, gặp lại lối xưa Bashō du hành, gặp nàng Ukifune- chiếc thuyền nổi trôi trong giấc mộng phù kiều, gặp con chim phượng hoàng trên nóc Kim các tự “sải cánh qua thời gian”, gặp con mèo dẫn lối đến thăm Natsume Sōseki... Những tình cảnh đó, những ý vị đó đã theo người suốt cuộc đời rong chơi cùng thơ văn xứ Nhật, có khác chăng trong lần này, chúng thoát thai từ vùng biên của ý niệm và ngôn từ để hiển hiện như là những hữu thể cho người chiêm ngắm. Và tâm hồn anh nhi của người thơ ấy lại thêm một lần vỡ oà những cảm xúc của thuở ban đầu, cái thuở chàng thanh niên phớt lờ thời cuộc tìm niềm vui trong từng trang sách bỗng chạm mặt nền thi ca của những đoá triêu nhan. Với Nhật Chiêu, trước sự kỳ diệu, bao giờ cũng là ban đầu. Có lẽ vì thế, dù gặp người thuở trung niên hay lão niên, ta vẫn gặp ở người cái tình sơ tâm chưa hề biến mất. Và cũng vì thế, người là người thơ.

“Từ trái tim con người như hạt giống, thơ ca mọc lên thành vô số lá cây của ngôn từ.” Người Nhật đầu tiên lý luận về thơ, Kino no Tsurayuki, trong thời đại định hình nền thơ ca đã tuyên ngôn như thế. Cội nguồn của thơ chính là trái tim con người. Khởi phát từ trái tim rung lên trong sự huyền nhiệm, thơ được tựu thành. Thơ của Nhật Chiêu, trong suốt cuộc rong chơi nơi xứ hoa anh đào, hẳn đã cất lên từ trái tim với rất nhiều xuyến xao và rung động, như nguyên lý ngàn đời của thơ ca xứ Phù Tang.

Đêm hôm ấy, một đêm huyền nơi chùa Kiyomizu huyền thoại, mùa thu xứ Mặt trời đã gọi Nhật Chiêu về, cất tiếng thơ, thủ thỉ vào cõi vô biên. Tiếng thơ như nhịp đập con tim này, chính là lá cây cả đời người ấp ủ, và một ngày tựu thành chu trình sáng tạo nơi Tsurayuki hơn 11 thế kỷ trước đã gọi tên quy luật của ngôn từ.

ĐÊM TRONG VƯỜN THIỀN

Đêm trong vườn thiền

U huyền lá đỏ

Giọt mưa thu nhỏ

Xuyên trời vô biên

Sương mờ mờ lên

Trăng từ từ đến

Chân trần em niệm

Sàn ngân tiếng huyền

Đêm trong vườn thiền

Đá nghiêng mình thở

Đá mê mà ngộ

Đá nhờ mà quên

Vườn thiền trong đêm

Mình đi qua mình

Ta chơi mà lặng

Gió lộng mà yên

Nhật Chiêu

Mùa thu Kyoto 2017

Cuộc trở về của người giữa mùa thu lá đỏ. Người hạnh ngộ lá đỏ vào một đêm, rất yên, trong vườn thiền. Vì người ngắm lá đỏ vào một đêm rất yên, trong vườn chùa thanh vắng xứ cố đô, nên cả những trở mình của thiên nhiên cũng được người thâu nhiếp:

Đêm trong vườn thiền

U huyền lá đỏ

Giọt mưa thu nhỏ

Xuyên trời vô biên.

Bước chân đầu tiên, cái chạm đầu tiên của người thơ vào đêm huyền nhiệm là một cái chạm khẽ khàng mà tóm thâu cả vũ trụ. Trong mắt người, trong tim người, những hình hài nhỏ bé: lá đỏ, giọt mưa đang chạm vào cái u huyền, cái vô biên của vũ trụ hay chính chúng, trong hình hài ấy là hiện thân của những vô tận của đất trời! Ta bỗng nhớ con ếch của Bashō, cũng nhỏ bé, cũng khẽ khàng mà gọi dậy cả mùa xuân của vũ trụ.

Màu của u huyền không chỉ là lá đỏ, màu của u huyền còn là màu của đêm, của sương mờ, của trăng lên. Khái niệm Yūgen trong mỹ học cổ điển Nhật, vốn u huyền, khó diễn đạt rõ ràng được bằng ngôn ngữ của nhận thức, trong những vần thơ này, lại được người định nghĩa nhẹ như không. Định nghĩa đó chẳng tìm thấy nơi từ điển, bởi ngôn từ lý trí, mà bởi sự phi ngôn truyền từ tâm đến tâm, qua con đường của hình ảnh thơ ca. Đêm đó, người đã nhìn rất sâu vào thinh không, vào vũ trụ, vào hai ngàn năm văn hoá Phù Tang, không chỉ từ những bước đi của mùa, mà còn từ bước đi của “em”, những bước đi cũng cất tiếng u huyền:

            Chân trần em niệm

            Sàn ngân tiếng huyền

Người phụ nữ Nhật đã hơn hai ngàn năm bước đi như thế, khoan thai, khẽ khàng trong bộ kimono truyền thống, nhưng có lẽ, chỉ mỗi Nhật Chiêu gọi tên bước đi đó là “niệm”, như một lời kinh, như một lời chiêm nghiệm. Và vì thế, vật vô tri cũng “ngân” lên “tiếng huyền” trong sự cộng hưởng thâm sâu của ngàn năm văn hoá.

Trong cái nhìn thấu suốt vào đêm nhiệm mầu đó, Nhật Chiêu còn chạm vào cả linh hồn của đá, những hòn đá vốn hiện hữu để tụng ca sự cô độc của u huyền.

Đêm trong vườn thiền

Đá nghiêng mình thở

Đá mê mà ngộ

Đá nhớ mà quên

Người nghe thấy tiếng thở của đá trong đêm thinh lặng. Người thấy trong đá sự nhớ- quên, mê- ngộ của kiếp người. Trong phút giây lắng nghe ngàn năm đó, người bắt gặp chính mình qua “chiếc gương soi” bản lai của mình:

Vườn thiền trong đêm

Mình đi qua mình

Ta chơi mà lặng

Gió lộng mà yên

Người không chỉ soi gương để tìm “bản lai diện mục”, người quyết định một cuộc xuyên không, mình của khoảnh khắc này, đi qua mình của muôn ngàn kiếp trước và muôn vạn kiếp sau, và thấu suốt cái u huyền của vũ trụ. Tâm tình của Nhật Chiêu đã hoá cùng vũ trụ, tĩnh tịch, an nhiên trong đêm ấy, để thấy bến bờ mê- ngộ, nhớ- quên, chơi- lặng, lộng- yên đều là một? Ta vẫn muốn đọc những vần thơ này một cách đời hơn, “mình” của đêm nay, một đêm u huyền của cố đô Kyoto, đã đi qua “mình” của những năm tháng cuộc đời lang thang bắt những giấc mộng văn chương Phù Tang, để khoảnh khắc đó người cảm nhận cái lặng- yên trong cuộc chơi suốt cả cuộc đời.

“Đêm trong vườn thiền”. Lời thơ cứ ngân lên như “niệm”. Nhẹ như hơi thở mà sâu thẳm khôn cùng. Như thơ Nhật Chiêu, văn Nhật Chiêu vẫn thường như thế.

“Đêm trong vườn thiền”. Bài thơ của u huyền.

                                                            Ngô Phương Từ

                                                            Saigon, mùa thu 2017

20180519 sinh thai

Ảnh: Internet

Thế kỉ 21 là thế kỉ mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, con người phải đối mặt với nhiều nguy cơ sinh thái nhất.

Trong xã hội hiện đại, cùng với tốc độ đô thị hóa và sự ỷ lại vào khoa học kỹ thuật, con người đang ngày càng khai thác tự nhiên quá mức, khiến cho tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Thiên nhiên trả thù con người không phải chỉ bằng các thảm họa, thiên tai, các bệnh hiểm nghèo… mà đáng sợ hơn, trả thù bằng sự biến mất của chính nó. Cái “dây chuyền sống” huyền diệu của tạo hóa đang ngày càng bị phá hủy. Phê bình sinh thái (Ecocriticism) nổi lên khi vấn đề biến đổi khí hậu, sự xuống cấp về môi trường không còn là vấn đề của mỗi quốc gia dân tộc nữa, mà đã ảnh hưởng đến toàn bộ sự sống trên trái đất. Văn học quan tâm đến sự sống cho nên xét đến cùng, phê bình sinh thái lại liên quan đến bản thể của văn học.

1. Khái niệm phê bình sinh thái

Sinh thái (oikos) theo nghĩa gốc tiếng Hy Lạp cổ là nhà ở, nơi cư trú, bất kì một sinh vật sống nào cũng cần nơi cư trú của mình. Thuật ngữ sinh thái học (ecology) có nguồn gốc từ chữ Hy Lạp, bao gồm oikos (chỉ nơi sinh sống) và logos (học thuyết, khoa học).

Thuật ngữ “sinh thái học” chỉ thật sự ra đời vào năm 1869 do nhà sinh vật học người Đức Ernst Haecker đưa ra. Ông là người đầu tiên đặt nền móng cho môn khoa học sinh thái về mối tương quan giữa động vật với các thành phần môi trường vô sinh. Trải qua hàng trăm năm phát triển, sinh thái học đã có rất nhiều định nghĩa nhưng chung nhất vẫn là học thuyết nghiên cứu về nơi sinh sống của sinh vật, mối tương tác giữa cơ thể sinh vật sống và môi trường xung quanh. Ngày nay, sinh thái học không chỉ tồn tại trong sinh học mà nó còn là khoa học của nhiều ngành khác, trong đó có khoa học xã hội và nhân văn. Nếu như ở Anh người ta thường sử dụng thuật ngữ “phê bình xanh” (green criticism) thì ở Mỹ lại thích sử dụng thuật ngữ “phê bình sinh thái” (ecocritism). Nhiều thuật ngữ khác cũng thường được sử dụng như “thi pháp sinh thái” (ecopoetics), “phê bình văn học môi trường” (environmental literary criticism), “nghiên cứu xanh” (green study) hay “nghiên cứu (văn hóa) xanh” (green (cultural) studies), sáng tác tự nhiên (nature writing), sinh thái học lãng mạn (Romantic Ecology)…

Với tư cách là một khuynh hướng phê bình văn hóa và văn học, phê bình sinh thái được hình thành ở Mĩ vào giữa những năm 90 của thế kỉ XX, đã hấp thu tư tưởng cơ bản của sinh thái học vào nghiên cứu văn học “dẫn nhập quan niệm cơ bản nhất của triết học sinh thái vào phê bình văn học”. Trong các định nghĩa về phê bình sinh thái, định nghĩa của Cheryll Glotfelty được xem là ngắn gọn và dễ hiểu hơn cả:

Nói đơn giản, phê bình sinh thái là nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường tự nhiên. Cũng giống như phê bình nữ quyền xem xét ngôn ngữ và văn học từ góc độ giới tính, phê bình Marxist mang lại ý thức của phương thức sản xuất và thành phần kinh tế để đọc văn bản, phê bình sinh thái mang đến phương pháp tiếp cận trái đất là trung tâm (earth-centered approach) để nghiên cứu văn học [4, 89].

Để hiểu rõ hơn định nghĩa này, chúng ta cần hiểu quan niệm của phê bình sinh thái về con người/ tự nhiên, tự nhiên/ văn hóa, những vấn đề làm nên tư tưởng đặc thù của phê bình sinh thái. Về mặt từ nguyên, tự nhiên (nature) mà gốc Latin của nó là “natura”, nghĩa là “đặc điểm thuộc về tự nhiên, vũ trụ” hay “nat” (sự sinh ra, được sinh ra)… để phân biệt với thế giới được chế tạo, như các đồ vật được làm bởi con người. Dẫu vậy, “tự nhiên” đã trở thành một diễn ngôn mơ hồ, luôn biến đổi, tồn tại mặc nhiên từ buổi hoang sơ, nhưng cũng là cái đã bị con người sở hữu và chiếm hữu theo nhiều cách. “Tự nhiên” do đó đã không còn là nó một cách nguyên thủy, mà các yếu tố cấu thành nó ít nhiều đều bị quy định bởi con người. Theo sự biến thiên này, cặp từ tự nhiên (nature)/ văn hóa (culture) không còn là sự đối lập đơn giản mà có sự xuyên thấm lẫn nhau. Thật khó có một thứ gì đó có thể phân loại rành mạch rõ ràng, nhất là cặp đôi “phiền phức” văn hóa/ tự nhiên. Peter Barry đã chứng minh bằng cách lấy thí dụ, cái chúng ta gọi là ‘môi trường bên ngoài’ là một chuỗi các khu vực xâm nhập, sấn chéo lên nhau và dịch chuyển dần dần từ khu vực tự nhiên sang khu vực văn hóa, theo trật tự như sau: Khu vực một: cái hoang dã (the wilderness). Thí dụ sa mạc, đại dương, những lục địa không có người sinh sống. Khu vực hai: Cảnh trí hiểm trở (the scenic sublime). Thí dụ rừng, hồ, núi, thác nước… Khu vực ba: vùng nông thôn (the countryside). Thí dụ đồi, cánh đồng, rừng cây… Khu vực bốn: cảnh trí nhân tạo quanh nhà (the domestic picturesque). Thí dụ công viên, vườn, đường… Khi chúng ta di chuyển (trong suy nghĩ) giữa các khu vực này, rõ ràng chúng ta đã di chuyển từ khu vực thứ nhất - “thuần túy” tự nhiên sang khu vực thứ tư - phần lớn là “văn hóa”. Dĩ nhiên, cái hoang dã bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng nhà kính - vốn là do văn hóa tạo ra, và các khu vườn thì tồn tại phụ thuộc vào ánh nắng - vốn thuộc lực lượng tự nhiên [1, 252]. Do vậy, các nhà phê bình sinh thái sử dụng thuật ngữ human/nonhuman khi chỉ mối quan hệ giữa con người và môi trường tự nhiên. Karen Thornber giải thích “sử dụng thuật ngữ “nonhuman” (thế giới phi nhân loại) để chỉ sinh học (nghĩa là, các sinh vật không phải con người) và vô sinh (có nghĩa là để nói, yếu tố vật chất không sống như không khí, nước và đất). Tôi sử dụng thuật ngữ “human” (nhân loại) để chỉ con người và công trình xây dựng của con người cả về vật chất và trí tuệ, bao gồm cả công nghệ” [10]. Phê bình sinh thái khẳng định tầm quan trọng của việc nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa nhân loại (human) và phinhân-loại (nonhuman) trong các diễn ngôn văn hóa. Phê bình sinh thái trở thành một giải pháp khôi phục ý nghĩa và tầm quan trọng của tự nhiên với con người cũng như khẳng định vai trò của ngôn ngữ trong việc định hình và thay đổi các quan niệm về tự nhiên như lời khẳng định của Glotfelty:

Toàn bộ phê bình sinh thái chia sẻ những giả thuyết cơ bản mà văn hóa con người kết nối với tự nhiên, ảnh hưởng tới nó và chịu ảnh hưởng của nó. Phê bình sinh thái đặt vấn đề quan hệ nối kết giữa tự nhiên và văn hóa, đặc biệt là sự tạo tác văn hóa của ngôn ngữ và văn học. Như một quan điểm phê bình, phê bình sinh thái đặt một chân ở văn học và chân kia trên mặt đất, như là một diễn ngôn lí thuyết, phê bình sinh thái dàn xếp giữa con người (human) và (thế giới) phi nhân loại (nonhuman) [5, 89].

Manh nha từ những năm bảy mươi của thế kỉ XX nhưng đến những năm 1990, phê bình sinh thái mới thực sự phát triển. Các hội nghị khoa học về vấn đề môi trường và văn học được tổ chức hằng năm. Năm 1992 ASLE (the Association for the Study of Literature and Environment) - Hiệp hội Nghiên cứu Văn học và Môi trường được sáng lập. Hiệp hội này trở thành tổ chức có hàng nghìn thành viên ở Mỹ, sau đó các chi nhánh mới thành lập ở Anh và tiếp theo là nhiều nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Ấn Độ, Đông Nam Á… Năm 1993, Patrick Murphy đã xuất bản tạp chí mới, là ISLE: Interdisciplinary Studies in Literature and Environment (Nghiên cứu Liên ngành Văn học và Môi trường) để cung cấp một diễn đàn nghiên cứu phê bình văn học quan tâm tới lí do môi trường. Đồng thời phong trào này cũng lan ra các trường đại học, một vài trường đã đưa vào trong các khóa văn học chương trình giảng dạy về nghiên cứu môi trường; một số học viện về tự nhiên và văn hóa được thành lập; một số khoa tiếng Anh yêu cầu những chương trình nhỏ về văn học môi trường. Nhờ đó, phê bình sinh thái đã chính thức trở thành một phong trào nghiên cứu hàn lâm. Hiện tại phê bình sinh thái đang là một trào lưu phê bình năng động trên thế giới, thu hút sự quan tâm ngày càng nhiều hơn các nước ngoài phương Tây.

2. “Phê bình sinh thái đảo lộn truyền thống phê bình”

Đây là nhận định của Peter Barry, trong tuyển tập giới thiệu những lí thuyết văn học Beginning Theory: An Introduction to Literary and Cultural Theory, phần đánh giá của ông về phê bình sinh thái [1]. Ông cho rằng phê bình văn học trước đây quá chú tâm vào con người - khai thác tính cách, tâm lí, tình cảm, hành động, nội tâm… Quả thật, nghiên cứu văn học sau khi “trở về chính mình” với những lí thuyết như chủ nghĩa hình thức, phê bình mới, chủ nghĩa cấu trúc… chủ yếu quan tâm đến những phương diện nội tại của tác phẩm, dường như nhiều khi trở nên tự thu hẹp, khó tiếp cận với những vấn đề đương đại rộng lớn. Mặt khác, các trường phái nghiên cứu văn học hiện nay với những mối bận tâm về con người: phê bình phân tâm học, phê bình Marxist, lí thuyết tiếp nhận… trên thực tế đã đạt được nhiều thành tựu nhưng có lẽ “đang trong giai đoạn thác ghềnh và thỉnh thoảng mất phương hướng” [4, 92]. Hiện nay, bên cạnh những hướng nghiên cứu văn học trước đó vẫn đang có những tìm tòi mới mẻ và đạt được nhiều thành tựu, thì cũng xuất hiện sự chuyển hướng văn hóa trong nghiên cứu văn học, xuyên qua văn học để quan sát sự đổi thay văn hóa, nghiên cứu ý thức văn hóa, xã hội được thể hiện như thế nào trong văn học, là một hướng đi mới, giúp văn học nhập cuộc với những vấn đề đang xảy ra trong đời sống đương đại, trong đó có vấn đề môi trường.

Phê bình sinh thái truy tìm căn nguyên của khủng hoảng môi trường hiện tại, phê phán thuyết con người là trung tâm (anthropocentrism). Quan điểm này vấp phải một rào cản đã tồn tại một cách thâm căn cố đế trong tư tưởng truyền thống coi con người là tinh hoa “Con người là kiểu mẫu của muôn loài”. Văn học từ xưa đến nay ngợi ca bao nhân vật mang vị thế chúa tể muôn loài bằng khát vọng chinh phục tự nhiên: từ Prômêtê, Hecquyn, Uylitxơ đến Hậu Nghệ, Nữ Oa, Ngu công, Sơn Tinh… Vậy nên văn học cũng có lỗi trong việc khiến cho trái đất đang ngày một kiệt quệ. Bởi vậy, sự thay đổi trong suy nghĩ liên quan đến con người với môi trường cần được đổi thay từ chính văn học, nơi thích hợp để phản biện lại những thói quen của tư duy. Phê bình sinh thái đã thay đổi một cách cơ bản cách nhìn nhận, tiếp cận đối tượng. Các phong trào nghiên cứu văn học từ trước đến nay đều lấy “con người làm trung tâm” (humancentred), còn phê bình sinh thái quan niệm đặt trái đất lên trước hết (Putting the Earth first). Bởi vậy, phương pháp tiếp cận trái đất là trung tâm (earth-centered approach) để nghiên cứu văn học của phê bình sinh thái đã chỉ trích lí tưởng đề cao cá nhân, từ đó tạo ra một phản đề đối với tư tưởng đã ăn sâu cắm rễ vào tư duy nhân loại, để đề xuất quan niệm đề cao tính tương quan giữa cá nhân và môi trường. Và như vậy phê bình sinh thái cũng mong muốn chấm dứt tình trạng li khai hàng nghìn năm nay giữa văn hóa và tự nhiên. Chủ nghĩa nhân văn sinh thái do phê bình sinh thái đề xuất không tách rời thiên nhiên và văn hóa mà nối lại mạch sống ngàn đời của con người với tự nhiên, coi con người là một phần cộng sinh của tạo hóa.

Cân bằng tự nhiên cũng đảm bảo cho cân bằng xã hội. Đó là lí do vì sao phê bình sinh thái tích hợp với các vấn đề xã hội: giới tính (sinh thái nữ quyền (ecofeminism), chủng tộc, giai cấp, xã hội (sinh thái hậu thực dân, sinh thái xã hội (social ecology), sinh thái chủ nghĩa Mác (eco-Marxism)...). Các học giả sinh thái thế giới rất lưu tâm tìm về với văn học lãng mạn (sinh thái học lãng mạn) vì văn học lãng mạn gắn liền với quá trình đô thị, khi văn minh xâm lấn, nhiều tác giả đã quay lưng bằng cách trốn vào thiên nhiên. Nhưng về sau, các tác phẩm quan tâm hơn đến các vấn đề xã hội, hướng về đô thị, những vấn đề nảy sinh trong quá trình công nghiệp hóa…

Như vậy, phê bình sinh thái làm đảo lộn truyền thống phê bình ở nhiều khía cạnh. Điểm thứ nhất, chuyển hướng trung tâm từ con người ra nghiên cứu bối cảnh xung quanh con người, cái nền tảng làm nên chân dung của nhân vật. Điểm thứ hai, là từ cái nhìn “sinh thái trung tâm”, phạm vi thế giới sẽ được mở rộng, không phải chỉ là phạm vi xã hội mà toàn bộ sinh quyển “Lí thuyết văn học, nhìn chung, nghiên cứu mối quan hệ giữa nhà văn, văn bản và thế giới. Trong hầu hết các lí thuyết văn học, “thế giới” đồng nghĩa với xã hội - phạm vi xã hội. Phê bình sinh thái mở rộng khái niệm “thế giới” bao gồm toàn bộ sinh quyển” [4, 90]. Thứ ba, “Tái kết nối tính xã hội và tính sinh thái” phê bình sinh thái giao cắt với chính trị, do vậy nó không hề “trong trẻo” mà kì thực rất nhạy cảm. Cũng nhờ vậy mà nó tiếp cận được với nhiều vấn đề đương đại rộng lớn.

Tính liên ngành cần được nhấn mạnh, ngoài các văn bản hư cấu, cần tìm hiểu các văn bản phi hư cấu, các loại hình nghệ thuật khác khá năng động như âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc… trong việc phản ứng với trào lưu sinh thái. Văn học cũng như điện ảnh, âm nhạc, kiến trúc, hội họa… là những loại hình nghệ thuật để đưa ra thông điệp của sự phản tỉnh. Vậy các loại hình nghệ thuật khác khá năng động phản ứng với các trào lưu sinh thái ra sao? Việc sử dụng phương pháp liên ngành, kết hợp văn học với khoa học, phân tích tác phẩm văn chương để rút ra những cảnh báo môi trường. Vận dụng những kiến thức của các ngành khoa học (sinh thái học, dân tộc học, sử học, triết học, chính trị học, đạo đức học, tôn giáo học, tâm lí học...) để hiểu và lý giải các tác phẩm, thì việc tìm hiểu các ngành khác cũng giúp nhìn ra nhiều vấn đề, nhiều phương thức giải quyết cho vấn đề sinh thái hiện nay. Do vậy, phê bình sinh thái đề xuất những khái niệm mà thông qua đó nhìn nhận thấy sinh thái có một mối liên hệ liên ngành, liên loài, xuyên hành tinh… trong việc nghiên cứu các vấn đề sinh thái toàn cầu như Cheryll Glotfelty mong đợi “Trong tương lai, chúng ta có thể mong rằng phê bình sinh thái trở thành liên ngành, đa văn hóa và mang tính quốc tế chưa từng thấy từ trước tới nay. Công tác liên ngành cũng được tiến hành và có thể được tạo điều kiện hơn nữa bằng cách mời các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực để làm diễn giả tại các hội nghị văn học và bằng việc đăng cai nhiều hơn những hội thảo liên ngành về các vấn đề môi trường” [4, 92].

3. Phê bình sinh thái - những khởi đầu mới mẻ ở Việt Nam

Cần có sự phân biệt giữa văn học sinh thái và phê bình sinh thái. Phê bình sinh thái là một khuynh hướng nghiên cứu mà dựa vào đó, nhà nghiên cứu có thể nghiên cứu văn học từ cổ đại đến nay, thông qua các tư tưởng truyền thống có thể rút ra các yếu tố sinh thái, ý tưởng sinh thái... còn văn học sinh thái xuất hiện cùng với những cảnh báo môi trường trong thời đại mà khủng hoảng sinh thái trở thành một vấn đề nghiêm trọng, do vậy, văn học sinh thái xuất hiện tương đối muộn. Theo Lawrence Buell, một tác phẩm được cho là viết theo định hướng môi trường sẽ mang những nội dung chính như sau:

1. Môi trường phi nhân không còn chỉ được nhìn đơn thuần như là một thứ công cụ làm khung nền cho sự xuất hiện của con người, ngược lại, sự hiện diện của nó cho thấy lịch sử nhân loại bao giờ cũng có mối liên hệ chặt chẽ với lịch sử tự nhiên. (…)

2. Quyền lợi của loài người không phải là quyền lợi chính đáng duy nhất.

3. Mức độ quan tâm của con người đối với môi trường là một phần thuộc giá trị đạo đức của mỗi văn bản. (…)

4. Theo một nghĩa nào đó, môi trường được nhìn như một quá trình, chứ không phải là một hằng số bất biến hay ít nhất, được cho là một thông điệp ẩn giấu đằng sau tác phẩm (...) [2, p 7-8].

Tác phẩm sinh thái được nhận diện ở dấu hiệu: khi tác phẩm từ bỏ cái nhìn mang tính ẩn dụ về tự nhiên để viết với ý thức sinh thái. Văn học sinh thái chống lại sự nhân hóa tự nhiên. Khác với các truyện truyền thống về thế giới tự nhiên, chỉ có một nhân vật xuyên suốt câu chuyện, chỉ có một tiếng nói cất lên sau hình tượng đó, tiếng nói mà con người phú cho. Ngược lại, trong các truyện sinh thái, bên cạnh thế giới con người là thế giới muông thú với những tình cảm, tính cách, cá tính… rất riêng. Tự nhiên có sinh mệnh độc lập, có địa vị bên ngoài mọi quan niệm của con người. Mặt khác, “Văn học sinh thái lấy chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái làm cơ sở tư tưởng, lấy lợi ích chỉnh thể của hệ thống sinh thái làm giá trị cao nhất để khảo sát và biểu hiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và truy tìm nguồn gốc xã hội của nguy cơ sinh thái” [8]. Thực chất, mối quan hệ giữa con người và sinh thái là mối quan hệ cộng sinh, do vậy tác phẩm viết về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên phải có quan điểm sinh thái. Lấy tư tưởng “sinh thái là trung tâm” không phải là tư tưởng hạ thấp con người mà thực ra lợi ích của sinh thái suy cho cùng chính là lợi ích bền vững của nhân loại. Vấn đề biến đổi khí hậu, nguy cơ sinh thái là vấn đề của toàn cầu chứ không phải là vấn đề riêng lẻ của mỗi quốc gia dân tộc. Văn học sinh thái chú trọng đến trách nhiệm của con người đối với tự nhiên, khẩn thiết kêu gọi bảo vệ vạn vật trong tự nhiên và duy trì cân bằng sinh thái.

Như vậy, mặc dù trước khi xuất hiện phê bình sinh thái, vấn đề con người trong mối quan hệ với tự nhiên đã được nghiên cứu. Trong lịch sử, con người đã trải qua nhiều cảm thức trong mối quan hệ với tự nhiên. Cảm thức kính sợ tôn sùng tự nhiên trong văn học cổ đại (thần thoại, sử thi). Trong văn học dân gian, mối quan hệ giữa con người và tự nhiên biểu hiện ở những công trình nghiên cứu về các loài vật, cây cỏ… Trong văn học trung đại, đó là cảm thức hòa điệu: sự ca tụng thiên nhiên, xem thiên nhiên là nơi lánh trú của tâm hồn, lí tưởng hóa sự tương tác giữa con người và môi trường (thơ sơn thủy, điền viên, thơ haiku, thể loại mục ca…). Văn học lãng mạn cũng đã có những quan tâm đến mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, đặc biệt đã có những nghiên cứu thể hiện sự mất dần những giá trị cổ truyền tốt đẹp vì sự xâm lấn của đô thị như trong các nghiên cứu về thơ Nguyễn Bính, thơ Bàng Bá Lân, thơ Anh Thơ… Tuy nhiên, những vấn đề mà các nghiên cứu đưa ra chưa thực sự là vấn đề của sinh thái hiện đại.

Từ năm 2011 đến nay, phê bình sinh thái bắt đầu được chuyển dịch, giới thiệu và thực hành nghiên cứu ngày một nhiều hơn ở Việt Nam. Điều đó, xuất phát từ nhu cầu bức thiết của dân tộc, nó cũng chứng tỏ sự hòa chung vào xu hướng toàn cầu hóa trong nghiên cứu văn học Việt Nam.

Năm 2011, Viện Văn học tổ chức buổi thuyết trình về vấn đề phê bình sinh thái. Karen Thronber sang Việt Nam trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế 2011 “Tiếp cận văn học châu Á từ lý thuyết phương Tây hiện đại: vận dụng, tương thích, thách thức và cơ hội”. Tại Viện Văn học, bà cũng đã có buổi giảng về Ecocriticism giới thiệu một cách tổng quan về bản chất, ý nghĩa và tiến trình của nghiên cứu văn chương môi trường và sau đó phân tích 6 điểm cơ bản mà phê bình sinh thái quan tâm. Từ đó, phê bình sinh thái đã được giới thiệu, ứng dụng nghiên cứu tại Việt Nam với các tác giả như Đỗ Văn Hiểu, Huỳnh Như Phương, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Trần Thị Ánh Nguyệt, Đặng Thị Thái Hà… Hiện tại, có hai cuốn sách về phê bình sinh thái đã được xuất bản: Con người và tự nhiên trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 từ góc nhìn phê bình sinh thái (Trần Ánh Nguyệt và Lê Lưu Oanh, 2016), Rừng khô suối cạn, biển độc... và văn chương (Nguyễn Thị Tịnh Thy, 2017). Các trường đại học, các Viện nghiên cứu cũng đã quan tâm đến phê bình sinh thái nhiều hơn, bằng chứng là tại các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, phê bình sinh thái đã xuất hiện trên diễn đàn trao đổi, đó cũng là khuynh hướng mà nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh lựa chọn.

Thành tựu về dịch thuật phê bình sinh thái còn khá khiêm tốn. Bài Phê bình sinh thái - cội nguồn và sự phát triển (2012) của Đỗ Văn Hiểu đã tổng hợp, giới thiệu phong trào phê bình sinh thái trên thế giới, đồng thời chỉ ra cội nguồn tư tưởng của các nhà triết học phương Tây làm tiền đề xuất hiện phê bình sinh thái. Trần Ngọc Hiếu với bản dịch Những tương lai của phê bình sinh thái và văn học (Karen Thornber, 2013) đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn nhiều gợi ý về triển vọng của phong trào. Các bản dịch của Đặng Thị Thái Hà (Phê bình sinh thái, Kate Rigby, 2014), Trần Thị Ánh Nguyệt (Nghiên cứu văn học trong thời đại khủng hoảng môi trường, Cheryll Glotfelty, 2014) từ những văn bản khá quan trọng của phê bình sinh thái thể hiện sự nỗ lực giới thiệu phê bình sinh thái ở Việt Nam. Gần đây là cuốn Phê bình sinh thái là gì? Viện Văn học chủ trì dịch, Hoàng Tố Mai chủ biên. Tuy nhiên, thành tựu dịch thuật mới chỉ dừng lại ở những bài viết, bài tổng thuật, cần có những công trình dịch dài hơi hơn về phê bình sinh thái.

Cuối năm 2017, đầu 2018 có 3 hội thảo về phê bình sinh thái: Hội thảo khoa học quốc tế “Phê bình sinh thái: tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu” của Viện Văn học tổ chức (12/2017); Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 2 “Sinh thái học trong văn học Đông Nam Á: Lịch sử, Huyền thoại và Xã hội” của Hiệp hội nghiên cứu liên ngành Văn học và Môi trường Đông Nam Á (ASLE ASEAN) diễn ra tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (01/ 2018); Hội thảo khoa học “Phê bình sinh thái: Lí thuyết và ứng dụng” của Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (01/2018) chứng tỏ sự quan tâm ngày càng nhiều hơn với phê bình sinh thái của giới nghiên cứu. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng phê bình sinh thái cần được dịch thuật, giới thiệu và nghiên cứu một cách nghiêm túc, bài bản và toàn diện hơn nữa; các nhà văn cần có nhiều tác phẩm viết về đề tài này để thúc đẩy tương lai sinh thái trong văn học. Văn học quan tâm đến sự sống, sự khủng hoảng sinh thái ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, vậy nên văn học cần có những tiếng nói mạnh mẽ hơn để bảo vệ sự sống trên Trái đất.

T.T.A.N (TCSH350/04-2018) -------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Peter Barry (2002). “Ecocriticism”, Beginning Theory: An Introduction to Literary and Cultural Theory, London, Manchester University.

2. Lawrence Buell (1995), The Environmental Imagination: Thoreau, Nature Writing, and the Formation of American Culture, Harvard University Press, p 7-8.

3. Nguyễn Đăng Điệp (2014), “Thơ mới từ góc nhìn sinh thái học văn hóa”, Thơ Việt Nam hiện đại tiến trình và hiện tượng, Nxb. Văn học, Hà Nội.

4. Cheryll Glotfelty (1996), “Nghiên cứu văn học trong thời đại khủng hoảng môi trường”, Trần Thị Ánh Nguyệt dịch, Tạp chí Sông Hương, số 305 tháng 7.

5. Đặng Thị Thái Hà (2014), Cái tự nhiên từ điểm nhìn phê bình sinh thái (Qua tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Ngọc Tư), Luận văn thạc sĩ, Đại học Sư phạm Hà Nội.

6. Đỗ Văn Hiểu (2012), “Phê bình sinh thái - khuynh hướng nghiên cứu văn học mang tính cách tân”, Tạp chí Phát triển Nghiên cứu và khoa học. Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, số15 (X2).

7. Nguyễn Thị Tịnh Thy (2013), “Phê bình sinh thái - nhìn từ lí thuyết giải cấu trúc”, Văn học hậu hiện đại - lí thuyết và thực tiễn, Lê Huy Bắc chủ biên, Nxb. Đại học Sư phạm Hà Nội.

8. Nguyễn Thị Tịnh Thy (2014), “Sáng tác và phê bình sinh thái - tiềm năng cần khai thác của văn học Việt Nam”, Hội thảo khoa học Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, Viện Văn học.

9. Thornber K. (2014), Những tương lai của phê bình sinh thái và văn học (Hải Ngọc dịch). http:// hieutn1979.wordpress.com

10. Thornber K., (2011). Ecocriticism and Japanese Literature of the Avant-Garde. http://interlitq. org/issue8/karen_thornber/job.php

Nguồn: Tạp chí Sông Hương, ngày 9.5.2018.

 

         Nghĩ về con đường của những nhà nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại thuộc thế hệ Lê Đình Kỵ, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Văn Hạnh, Hoàng Ngọc Hiến, Văn Tâm…, tôi thường suy ngẫm về cái tình thế mà họ đã trải qua từ khi vào nghề cho đến lúc hoàn thành sự nghiệp. Đó là cái tình thế đặc biệt, tình thế mà những tác giả Phê bình và cảo luận, Dưới mắt tôi, Thi nhân Việt Nam, Nhà văn hiện đại…không gặp phải và những nhà nghiên cứu hiện nay có lẽ cũng không hình dung được.

         Những người viết lịch sử khoa nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam thế kỷ XX chắc chắn phải tìm hiểu hoàn cảnh nào đã đưa những tác giả nói trên đến chọn lựa nghề nghiệp mà họ gắn bó suốt hơn nửa thế kỷ nay. Phải chăng là họ có thể đi một con đường khác: làm chính trị, làm kinh tế, nghiên cứu khoa học tự nhiên, dịch thuật hay sáng tác… Nếu như thế thì họ đã có một sự nghiệp, chưa hẳn đã yên bình hơn, nhưng chắc chắn để lại cho đời những công trạng khác, và đem lại cho họ một cuộc sống khác.

         Sau 1945, những văn nhân thi sĩ như Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài…, dù có những trăn trở, giằng xé, cũng thích ứng được với bước ngoặt lịch sử và khẳng định được vị trí phù hợp với sở trường của mình. Trong khi đó, hầu hết những nhà nghiên cứu, phê bình văn học lớp trước đều có những đứt gãy khiến họ xa rời lĩnh vực đã từng làm nên tên tuổi họ: Thiếu Sơn đi vào hoạt động xã hội, Trương Chính chuyên tâm với nghề giáo, Vũ Ngọc Phan chuyển sang văn học dân gian, Nguyễn Bách Khoa vướng vào Nhân văn – Giai phẩm…

        Phải chăng là cái khoảng trống mà các nhà nghiên cứu lớp trước để lại là một thuận lợi cho những nhà nghiên cứu đến sau? Câu trả lời có thể là vừa có, vừa không. Khi không còn những “mẫu mực” để kế thừa, người ta sẽ rộng đất hơn để thể hiện, nhưng cũng phần nào cảm thấy bơ vơ và lúng túng, nhất là khi họ phải tuân thủ những “mẫu mực” mới. Thú thật, là kẻ hậu sinh, lớn lên trong một hoàn cảnh khác, tôi không hiểu được tâm thế của những nhà nghiên cứu khi họ dấn thân vào nghề vào cuối những năm 50 – đầu những năm 60 ở miền Bắc. Liệu họ có hình dung cái tình thế mà họ sẽ đối diện và những gập ghềnh mà họ phải vượt qua hay không?

        Trong thực tế, tình thế khó khăn và tế nhị mà những nhà nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại gặp phải còn lớn hơn gấp bội lần so với những nhà nghiên cứu văn học cổ điển hay văn học nước ngoài. Những tranh luận về văn học cổ điển hay nước ngoài, nếu có, dễ được giải quyết bằng những chứng cứ và chứng lý khoa học hơn là đối với những hiện tượng văn học diễn ra ở đây, thời này, vốn chưa được thời gian thử thách. Làm văn học Việt Nam hiện đại tưởng như dễ dàng hơn về tư liệu, nhưng sự soi chiếu về lý thuyết lại có những lấn cấn, ràng buộc mà sự chính xác của tư liệu nhiều khi cũng phải xếp xuống hàng thứ yếu.

        Chính từ đây đặt ra cho những nhà nghiên cứu văn học hiện đại vấn đề thái độ ứng xử. Đó là sự ứng xử với những hiện tượng văn học còn tươi rói, ứng xử với những tác giả cùng thời, ứng xử với các luồng dư luận có “quyền lực mềm” của nó. Những nhà nghiên cứu văn học hiện đại dành công sức cho những ứng xử này có lẽ không ít hơn công sức họ dành cho việc khảo sát các hiện tượng văn học một cách nghiêm nhặt, bằng những thao tác khoa học. Chỉ cần thống kê những đề tài và số lượng bài viết mà họ dành cho một hiện tượng văn học cụ thể, với tần số những lời khen, lời chê, ta sẽ nhận ra điều đó.

        Theo thiển ý, Nguyễn Đăng Mạnh là một trong những trường hợp tiêu biểu cho cách ứng xử với tình thế để tự khẳng định phẩm giá của mình với tư cách một nhà khoa học. So với nhiều nhà nghiên cứu cùng thế hệ, ông là người không dính đến quan chức (trưởng khoa, trưởng ban, viện trưởng…); nhưng về danh hiệu khoa học thì ông không kém ai (giáo sư, nhà giáo nhân dân, giải thưởng Nhà nước…). Đối tượng nghiên cứu của ông hầu hết là những hiện tượng văn học đích thực, ít có những đề tài gì khiến người ta có thể trách cứ ông là xu thời. Và điều quan trọng là trong những công trình của mình, ông đã phát huy đến mức tối ưu sở trường cảm thụ tinh tế  và năng lực diễn đạt thành những văn bản có tính chất sáng tạo, như những văn bản nghệ thuật thứ hai. Những gì ông viết về Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Xuân Diệu…chứng minh điều đó.

         Nếu những ứng xử có tính chất “đắc nhân tâm” trong nghiên cứu có thể làm cho người ta mệt mỏi, thì việc chọn lựa và bảo vệ những giá trị văn hoá lại tạo ra một niềm vui lớn, giúp vượt qua những nhọc nhằn của nghề nghiệp. Nguyễn Đăng Mạnh vốn không phải là người “sùng bái” những lý thuyết văn học mới, vì ông đã có một “định hướng” ưa thích của mình là đi tìm cái đẹp trong những phong cách nghệ thuật độc đáo. Ông cũng là người không ưa “tầm chương trích cú”, không ưa tỉ mẩn so sánh, đối chiếu văn bản… Nhưng công phu chọn lọc để trích dẫn và bình giảng một câu thơ hay, một đoạn văn đẹp cho thấy nghề nghiên cứu cũng là một loại “phu chữ” nặng nề, cực nhọc. Đào sâu và nối dài ý nghĩa của những giá trị văn học bằng sức thuyết phục của ngôn ngữ chính luận và giọng văn cảm xúc, nhiều bài phê bình của Nguyễn Đăng Mạnh chiếm vị trí hàng đầu của những ý kiến có chọn lọc và sáng suốt nhất trong một thời kỳ văn học.

         Nguyễn Đăng Mạnh là người kỹ tính trong thẩm văn, bình thơ. Nhiều hiện tượng văn học từng gây xôn xao dư luận cũng không dễ thu hút ngòi bút của ông. Trong đời sống văn học, thiết nghĩ, rất cần những người kỹ tính như vậy, chính điều này góp phần tạo ra sự “cân bằng sinh thái học” trong sáng tác, nghiên cứu, phê bình. Trong văn chương, cái đáng chê là sự buông tuồng, suồng sã, xuê xoa và dễ dãi. Trong đào tạo, những người như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh lại càng phải kỹ tính và chặt chẽ hơn nữa khi góp phần cho xuất xưởng ngày càng nhiều những tiến sĩ và thạc sĩ văn học trên đất nước ta.

        Có thể nói Nguyễn Đăng Mạnh sinh ra là để làm văn. Ông là người chí thú với nghề nhưng có lẽ cũng là người hiểu sâu sắc những bạc bẽo của nghề. Nghề văn vừa đem lại danh tiếng, vừa bắt phải trả giá cho danh tiếng. Được và mất, hạnh phúc và tổn thương đi liền với nhau. Có lẽ đó cũng là đặc điểm của tình thế, trong đó không chỉ những tiếng chê mà cả những lời khen cũng có thể gây ngộ nhận, không chỉ những điều nói ra mà cả những điều không nói ra cũng có thể bị cho là có ngụ ý. Ở đây, không chỉ nói đến tình thế xã hội, mà cả tình thế văn hoá, phong tục…Nhưng làm sao người ta có thể tự nhấc chân ra khỏi hoàn cảnh của mình, để tìm chỗ ẩn náu nào bình yên, không va chạm?

         Ngày trước, nghĩ về nghề văn, Tản Đà từng viết: “Tôi từ khi theo về nghề quốc văn kể có tới gần mười lăm năm, lên bổng xuống trầm, vào trong ra đục, phong trần chẳng quản, phi nghị mặc ai, thực cũng mong tựa văn chương để có ít nhiều sự nghiệp […]. Cũng trong mười lăm năm mà tôi theo về quốc văn đó, đến nay hồi tưởng lại, chỉ thấy cuộc đời như trò rối, mình chẳng qua là một đứa ra oai. Bao nhiêu những cái cảnh bóng chìm trong đục, nhất thiết không có thú vị gì; có hứng thú ít nhiều, chỉ có ở những lúc làm được những câu đắc ý. Những lúc đó, không những một mình thú riêng với câu văn, mà lại có cái thú đối với những ai tình cảm ở mặt nước chân mây, tinh thần giao tiếp, dẫu xa xa ngoài bốn biển mà như họp mặt trong một nhà” (Sự nghiệp văn chương, Đông Pháp thời báo, ngày 17-12-1927).

         Nhà nghiên cứu cũng như người sáng tác là những người góp phần bảo toàn khuôn mặt tinh thần của giới trí thức một dân tộc. Qua những gì mà họ viết ra cũng như cách mà họ hành xử các mối quan hệ, có thể nhìn thấy phẩm chất và lương tri của tầng lớp trí thức, nội lực và tầm văn hoá của một dân tộc. Xã hội nhìn vào họ, đòi hỏi ở họ, nhất là trong những tình thế đặc biệt, vừa xây dựng được sự nghiệp, vừa bồi dưỡng được lương tri. Kẻ hậu sinh là chúng tôi, nhìn con đường chông gai mà thế hệ bậc thầy như  giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã đi qua, dẫu nghĩ đến cái phù phiếm của sự nghiệp văn chương để cho lòng thêm thanh thản, cũng không khỏi lo ngại về con đường xa tắp còn hiện ra trước mắt mình.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

20180504 Da ngan

Trong sáng tác văn học, khi các tác giả nữ lựa chọn và xác định nữ giới là đối tượng phản ánh trung tâm, đóng vai trò chủ đạo nghĩa là đã thể hiện sự ý thức về giới. Trước hết, đó có thể là một sự ý thức mang tính tự phát, bản năng của người phụ nữ có nhu cầu bộc bạch, giãi bày về chính mình, về giới của mình và cầm bút để thoả mãn nhu cầu, khát vọng đó. Nhưng xa hơn nữa, trong số phận chung của một nửa nhân loại luôn bị áp bức, đè nén, người phụ nữ viết để tái hiện và phơi bày hiện thực về giới nữ, cất lên tiếng nói kháng cự xã hội đầy rẫy sự bất bình đẳng giới và khiến cả nhân loại phải thức tỉnh trước hiện thực ấy. Khi đó, họ có thể viết dưới ánh sáng của tư tưởng nữ quyền hoặc không, nhưng ý thức về địa vị giới trên trang viết đã trở thành một ý thức xã hội mang tính tự giác. Nhìn chung, các tác phẩm văn xuôi của những nhà văn nữ hiện đại luôn là một phức thể của ý thức cá nhân và ý thức xã hội, vừa mang những trải nghiệm của bản thân người viết, vừa thẩm thấu cả trải nghiệm của một cộng đồng nữ vốn bao lâu nay bị chôn chặt, giấu kín, kìm nén và đã đến lúc cần được bộc lộ trong không khí của thời đại vang vọng những âm thanh đòi hỏi bình đẳng giới tính, tự do giới tính. Từ đó, điểm tương đồng nổi bật khi tái hiện hình tượng người phụ nữ là các nhà văn đều bộc lộ cái nhìn về thân phận, về địa vị. Trong quan niệm và cách nhìn nhận về hiện thực nữ giới, họ vẫn đưa người phụ nữ vào vị trí “giới hạng hai” trên thang bậc giới tính như Simone de Beauvoire đã xác định cách đây hơn nửa thế kỷ. Như vậy, người phụ nữ luôn ở trong trạng thái bị phân biệt giới tính, kỳ thị giới tính (sexism) và hạng hai là địa vị tất yếu, phổ biến của người nữ ở hầu hết các xã hội từ thời trung đại đến thời hiện đại, từ phương Đông đến phương Tây.

 Trong bối cảnh chung đó, trên lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc, dù cho tư tưởng nữ quyền đã xuất hiện và tồn tại hơn một trăm năm, nhưng trong xã hội, người phụ nữ vẫn chịu nhiều áp bức, bất công và thiệt thòi so với nam giới. Thiết chế nam trị vẫn còn in đậm dấu ấn trong tâm thức con người và hiện hành giữa đời sống xã hội. Cảm thức về thân phận người phụ nữ vừa là hệ quả của vô thức được hình thành từ quá khứ, vừa nảy sinh trên chính hiện thực đương thời được thể hiện khá đậm đặc trên trang viết của Dạ Ngân và Thiết Ngưng. Ý thức nữ quyền khiến cho người nữ tự nhìn nhận địa vị, thân phận của mình trong xã hội nhưng không chấp nhận một cách thụ động, yếm thế cái địa vị ấy. Ngược lại, sự tri nhận đầy thấu suốt đó sẽ thôi thúc người nữ đi đến động thái thay đổi địa vị của mình, đồng thời, soát xét lại địa vị của nam giới trên thang bậc giới tính, nỗ lực xoá bỏ những sự phân tầng phi lý trên thang bậc đó để đạt đến lý tưởng bình đẳng giới. Sáng tác văn xuôi của hai nhà văn nữ tiêu biểu cho văn học đương đại Việt Nam và Trung Quốc này vừa mang những điểm tương đồng thú vị, vừa bộc lộ những điểm khác biệt đặc sắc trong cái nhìn của người nữ về thể chế nam quyền.

Ý thức phủ định địa vị thượng đẳng của nam giới

Như một sự tất yếu xuyên suốt chiều dài lịch sử, nam giới được mặc định ở vị trí của giới hạng nhất, giới tối ưu, thượng đẳng và duy trì vị trí đó trong mọi lĩnh vực, mọi phạm vi đời sống. Như vậy, để đạt đến sự bình đẳng trong mối tương quan giới tính, con người cần loại trừ ý niệm phân định tầng bậc, trật tự và phủ định, lật đổ địa vị thượng đẳng của nam giới. Khi lấy chức năng gia đình và chức năng loài làm chuẩn, nhân vật Mỹ Tiệp trong tiểu thuyết Gia đình bé mọn của Dạ Ngân nhận ra người chồng của mình trở nên vô giá trị, đứng bên dưới các chuẩn mực bởi Tuyên là “người đàn ông không đóng ngọt một cây đinh hay chống được một chỗ dột trên mái” (Gia đình bé mọn- Dạ Ngân), vắng mặt trong tất cả những lần con cái chào đời, “không nhớ nổi ngày sinh của đứa con đầu”, vô hình trước mọi cảm xúc của những thành viên trong gia đình. Trong cái nhìn của người nữ, nhân vật nam này không đạt đến phạm trù nhân cách, luôn băn khoăn “không hiểu anh thuộc loại người gì”, “không xác định được chồng mình thuộc loại vô tâm, vô nhân tính hay thuần tuý kém cỏi khoa mồm miệng” (Gia đình bé mọn- Dạ Ngân). Dựa trên chức năng xã hội, Mỹ Tiệp nhìn thấy Tuyên trong vị trí của kẻ bên dưới quỵ luỵ, phục tùng quyền lực cấp trên, biến thành một công cụ của sự thực dụng trong lối miêu tả giàu chất biếm hoạ bằng thủ pháp so sánh mang tính “vật hoá”: “Cái nắm của bàn tay trái áp bên thái dương, tấm lưng làm thành chiếc lưỡi liềm áp với mặt bàn, cùi chỏ tay phải thô rám như đầu nhọn chiếc bánh mì thò ra, cặm cụi và tận tuỵ và hết sức đáng thương” (Gia đình bé mọn- Dạ Ngân). Hơn nữa, từ những tính cách tiêu cực “phẳng lì, nhạt nhẽo và ba phải” cố hữu của Tuyên, Mỹ Tiệp còn dự đoán nỗi “long đong” (Gia đình bé mọn- Dạ Ngân) trong sự nghiệp và sự thất bại giữa môi trường chính trị, xã hội của người nam này. Sự nhìn nhận của nhân vật biểu lộ nỗi thất vọng hoàn toàn, tuyệt đối trên mọi phương diện trước một người nam vô giá trị, người nam mà họ đánh giá “đầu óc da thịt xương cốt làm bằng đậu hũ” (Nước nguồn xuôi mãi- Dạ Ngân). Hơn nữa, từ cái nhìn đó, nhân vật nữ hạ thấp người nam, đặt người nam ở vị trí bên dưới, “xếp xuống hàng thứ” bằng “lòng thương hại” và cảm giác “trông anh thật thê thảm man dại, một kẻ sắp tử thương” (Nước nguồn xuôi mãi- Dạ Ngân). Ngòi bút bản lĩnh và sắc cạnh của Dạ Ngân sẵn sàng lột mặt nạ và lộn trái để phô bày cái giá trị thực của người nam khi nhà văn đã để cho nhân vật nữ khẳng khái tự lập một phiên toà vạch trần sự giả dối, tham lam, xấu xa của “bốn ông thường vụ” thường xuyên “ngoại tình” lại cho mình cái quyền xét xử tội “ngoại tình” của một người đàn bà trong Gia đình bé mọn cũng như khi tạo không gian cho người nữ diễn bày, bộc bạch, phân tích sự lệch pha tuyệt đối về cảm giác và nhân tính trong mối quan hệ tam giác: người nam- người nữ- con chó để tố cáo sự nhẫn tâm, lạnh lùng, vô cảm đến bất nhân của nam giới trong Con chó và vụ li hôn, truyện ngắn từng khiến Dạ Ngân bị dư luận “ném đá”[1] vì cái nhìn trực diện dữ dội, mạnh mẽ, khốc liệt của nhà văn vào hiện thực giới.

Sự khác biệt và sự đối lập về địa vị đã tạo nên cuộc chiến giới tính dai dẳng, phức tạp ở những phương diện cụ thể, hữu hình đến những phương diện trừu tượng, vô hình. Trên không gian cái giường đôi lứa, nhân vật nữ trong tác phẩm của Thiết Ngưng từng bị tổn thương, làm nhục, chà đạp, bỏ rơi như một món đồ vật đã ý thức được sự trỗi dậy với mục đích lật ngược tình thế. Kỳ Văn đưa ra tuyên ngôn hành động cho mình và phủ định sạch trơn giá trị nam giới, hạ thấp nam giới: “Tôi sẽ làm cho anh trong ngục tối phải quằn quại kêu la. Chính anh là đồ rẻ tiền, bẩn thỉu, thế gian này không ai bẩn thỉu như anh” (Cửa hoa hồng- Thiết Ngưng). Từ đó, trong cái nhìn của Kỳ Văn, Thiệu Kiệm  mang những biểu hiện “hèn hạ, nhục nhã, tự ti, căng thẳng, sợ hãi (…), ánh mắt ngơ ngác, tâm thần bất định” (Cửa hoa hồng- Thiết Ngưng). Hình tượng Trang Thản, “người đàn ông duy nhất của dòng họ Trang” được khắc hoạ với thân thể mất cân đối, thăng bằng, “thiếu hẳn sự linh hoạt” cùng tiếng “ợ” gây nên trạng thái bất lực, bạc nhược, trở thành một biểu tượng cho sự thoái hoá sức sống và quyền lực nam giới. Vì vậy, Trúc Tây “thường thường xuất hiện cái nhìn xuống đối với chồng và mẹ chồng, giống như người đứng từ trên cao nhìn xuống con mèo mẹ và con mèo con đang nằm” (Cửa hoa hồng- Thiết Ngưng). Trong Những người đàn bà tắm, cô gái nổi loạn Đường Phi truyền căn bệnh tình dục cho nam giới để trả thù và  để “muốn tưởng tượng cảnh đau đớn khó chịu của bọn chúng, khó chịu, lúng túng nhưng lại tỏ ra đạo mạo, mẹ kiếp chúng lắm” và khi ấy, Đường Phi thấy mình “không thấp hèn hơn bọn chúng, còn thản nhiên hơn bọn chúng nhiều” (Những người đàn bà tắm- Thiết Ngưng). Vị trí và thái độ của người nữ Trúc Tây, Đường Phi đã hạ bệ toàn bộ giá trị cũng như quyền uy của nam giới. Giao thoa với trường cảm xúc của Mỹ Tiệp trong Gia đình bé mọn, Trương Quế Tâm (Chơi vơi trời chiều- Thiết Ngưng) cũng đã ném vào chồng mình hai chữ “đồ hèn!” khi thấy anh “luống cuống” và “nhiệt tình đến bỉ ổi” (Chơi vơi trời chiều- Thiết Ngưng) trước ông tổng biên tập,  sợ hãi và quỵ luỵ thái quá trước quyền lực nhưng lại tàn nhẫn, lạnh lùng, hung bạo với vợ con như một kẻ hai mặt đầy giả trá. Tương tự như vậy, một chuỗi hình tượng nam giới như Phương Kăng, anh diễn viên múa (Những người đàn bà tắm), Vận Triết (Thành phố không mưa), Lý Lực (Hà Mị đi tìm tình yêu), người chồng của Trương Quế Phương (Chơi vơi trời chiều)… trở nên phi nhân hoá trong mắt người nữ, đánh mất tư cách và tư thế của con người. Nữ giới mang bi kịch vỡ mộng trước hình tượng người đàn ông bất toàn (the imperfect man) như là một mô thức chung cho hình tượng nam giới trên trang văn của các nhà văn nữ.

Ý niệm về người nam bất toàn không đồng nhất với triết lý về con người bất toàn như là một chân lý phổ quát của nhân loại vốn đã được khẳng định và biểu đạt qua biểu tượng cổ điển: gót chân Achilles. Trên trang viết của các nhà văn nữ, đó là sự bất toàn của một giới trong sự nhìn nhận và đánh giá của một cộng đồng giới khác, là sự bất toàn biểu hiện trong mối quan hệ giới tính. Nếu như suốt tiến trình lịch sử nhân loại, nam giới từng nhìn người nữ như là người nam bất toàn, người nam “thiếu chim”, “bị thiến hoạn” (castration) thì ở đây, người nữ công khai biểu lộ những khiếm khuyết của nam giới. Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở chỗ nam giới lấy mình làm chuẩn mực để đánh giá nữ giới, trước hết là dựa trên những khác biệt về đặc điểm và chức năng sinh học, sau đó đi đến những khác biệt về đặc điểm và chức năng văn hoá, xã hội để rồi đưa ra kết luận người nữ là giống loài bậc thấp còn nữ giới chủ yếu dựa vào các chuẩn mực nhân cách và giá trị của con người nói chung để lên án sự vi phạm của nam giới vào các nguyên tắc nhân quyền. Với ưu thế được hưởng những đặc quyền từ vị thế thượng tôn, cái tôi của nam giới được thổi phồng và người nam cho phép mình được lạm quyền, được chà đạp, đè nén, thao túng người nữ. Khi quan niệm xã hội đã thay đổi, ý thức về quyền con người, trong đó có quyền của nữ giới đã hình thành, tạo nên những khung giá trị mới nhưng người nam vẫn giữ nguyên cái nhìn và tập quán sống cũ thì họ sẽ bị trật khớp khỏi sự vận động của cộng đồng tân tiến và xu thế hiện đại. Những người nam có động thái duy trì, kéo dài sự thống trị của nam giới trong bối cảnh con người vươn đến khát vọng bình đẳng giới sẽ trở nên lạc hậu, khiếm khuyết, bất toàn và bị nữ giới lên án, hạ bệ, bãi nhiệm. Đánh đổ hình tượng này nghĩa là, nữ giới nhắm vào đánh đổ chính chủ thể tạo ra và vận hành cơ chế nam quyền để rồi đánh đổ toàn bộ nguyên lý nam giới trung tâm và cơ chế nam quyền. Xây dựng thế giới đàn ông bất toàn là một trong những phương thức nghệ thuật thể hiện nội dung tư tưởng thông qua hệ thống hình tượng nhân vật được các nhà văn vận dụng như một hệ hình thi pháp sáng tác nữ, bộc lộ một thế giới quan nữ tính mang tính giải thiêng, giải kiến tạo từ góc nhìn của mình: “Những nhân vật đàn ông bất toàn hiện ra phũ phàng nhưng hiện thực, thay cho hình ảnh cổ tích của những chàng hoàng tử hoàn hảo. Khá nhiều cây bút đã dành tâm lực của mình để nghiên cứu hình tượng con người nghệ thuật bất toàn này- một nửa thất lạc trong giấc mơ đời của chính họ”[2].

Thế nhưng, điểm khác biệt của ý thức nữ quyền phương Đông so với phương Tây nằm ở chỗ, trong khi nữ quyền phương Tây tô đậm sự đối lập nhị nguyên giữa hai giới đến mức tối đa, hướng đến sự ly khai tuyệt đối khỏi nam giới, thậm chí đến mức cực đoan như chủ trương xoá bỏ hôn nhân dị tính và ủng hộ phương pháp sinh sản vô tính cũng như quan hệ tình dục đồng giới nữ của các nhà nữ quyền cấp tiến (radical feminists) thì những người mang ý thức nữ quyền ở phương Đông (thể hiện trên văn bản văn học), trong khi đấu tranh xoá bỏ bất bình đẳng giới, lại có khuynh hướng cân bằng và dung hoà hơn, phối hợp giữa lý tính và cảm tính hơn. Thứ nhất, họ không khẳng định toàn bộ người nam đều mang bản chất xấu xa, suy thoái, phi nhân để tạo ra hai tuyến nhân vật nam/ nữ đối lập mà hướng vào những đối tượng cá nhân nam giới có những biểu hiện tiêu cực, xâm phạm đến quyền sống của nữ giới. Thứ hai, người nữ vẫn nhìn nhận những giá trị tích cực của nam giới. Thứ ba, người nữ không triệt tiêu và phủ định sạch trơn mối quan hệ giới mà vẫn biểu lộ sự cầu thị, niềm khao khát một mối quan hệ bình đẳng, lý tưởng. Thứ tư, khi lật đổ ngôi vị của nam giới, nữ giới không có tham vọng đặt vương miện lên đầu để trở thành giới thứ nhất, giới thống trị mà họ có khát vọng đạt đến sự cân bằng, bình đẳng, hoà hợp giới tính. Chính vì vậy, đi song song với cơn bất mãn và nỗi thất vọng, trên trang viết vẫn có những hình tượng người nam chân thành, tử tế, có sự thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ với người nữ; thậm chí, bản thân người nữ cũng cảm thấy thương cảm, xót xa cho những thân phận nam giới phải chịu đựng sự đè nén của xã hội, văn hoá, chính trị như Đính, Sếp nhà thơ, Thuần, Quý, Biên (Gia đình bé mọn), Tư Thọ, Tám Thuồi, Vững (Trăng về), Bảy Tháo (Gặp ở giáp nước), Ba Thời, Tư Đơ, Cang, Tường (Người yêu dấu), Tư Đông (Tình câm), P (Người lau kính), những người đàn ông không tên trong Bất giác sông dài, Ai người Hà Nội, Những tấm lưng đàn bà, Dấu tù… của Dạ Ngân; như ông Đạt, Long Bắc (Cửa hoa hồng), bác sĩ Đường, ông Thanh, Trần Tại (Những người đàn bà tắm), Hữu (Chơi vơi trời chiều), Mã Kiến Quân (Hà Mị đi tìm tình yêu)… của Thiết Ngưng. Có thể, do đặc trưng của nền văn hoá nông nghiệp gắn với tín ngưỡng thờ mẫu và sự tôn trọng người nữ cùng với tính không triệt để và phi lập thuyết của ý thức nữ quyền nên mâu thuẫn giới tính không bị đẩy đến mức cực đoan và ở trong tình thế giới này phải loại trừ giới khác để tồn tại. Thêm vào đó, những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt (chiến tranh và bối cảnh xã hội bao cấp ở Việt Nam, cuộc Cách mạng văn hoá ở Trung Quốc) khiến cho cả nam giới và nữ giới đều chịu cùng một hoàn cảnh khắc nghiệt nên sự đồng cảm giữa hai giới nảy sinh và được duy trì. Vì vậy, mối quan hệ giới tính trên trang viết uyển chuyển, mềm mại, phong phú, giàu tính hiện thực, gắn liền với cuộc sống đời thường đa dạng và sinh động, mang đậm bản sắc Á Đông hơn là để minh hoạ cho một hệ tư tưởng về giới dễ bị đẩy đến mức tột cùng và trở thành xơ cứng. Đồng thời, cái nhìn và sự thụ cảm về tương tác giới tính đó khiến cho trang viết của các nhà văn không rơi vào sự phân lập theo nhị nguyên hệ (binary system) thành các cặp phạm trù đối nghịch tuyệt đối (binary opposition) (nam/ nữ, thượng đẳng/ hạ đẳng, bên ngoài/ bên trong, văn hoá/ tự nhiên, chủ thể/ khách thể, trung tâm/ ngoại vi) như các nhà nữ quyền phương Tây đã vướng phải. Đây là một sự vướng mắc mà những nhà phê bình nữ quyền như Elizabeth Grosz[3], Judith Butler[4] đã nỗ lực tháo gỡ để xoá bỏ cái “bản lề”, cái “ngưỡng giới hạn”[5] giữa các phạm trù, giải vị trí trung tâm của người nữ da trắng trung lưu trong phong trào nữ quyền. Do đó, không chỉ nhìn nam giới và nữ giới như những cộng đồng giới, các nhà văn còn chú ý đến những cá nhân người nữ và cá nhân người nam, nhìn nhận họ như là các cá thể vừa mang bản chất chung của cộng đồng giới mình, vừa chứa đựng sự riêng biệt, độc đáo, khác lạ, mới mẻ của một hiện tượng giàu cá tính.   

Ý thức kháng cự thể chế nam quyền

Xuất phát từ cái nhìn về người nam bất toàn, người nam không mang theo và không kiến tạo được các giá trị, người nữ bắt đầu có những động thái lật ngược tình thế, đảo lộn trật tự, chuyển dịch mối quan hệ giới thông qua sự kháng cự các thể chế nam quyền. Họ phủ định uy thế và quyền lực của nam giới bằng cách chống đối, không tuân phục và có hành động đối nghịch. Miêu tả của Dạ Ngân cho thấy tư thế đối đầu quyết liệt của nữ giới trước các tín hiệu quyền lực đã trở thành công thức, thành một ký hiệu phổ biến của kẻ thống trị với kẻ bị trị: “Hai Khâm ra hiệu cho nàng chưa được nói, không được nói, không có gì phải nói lúc nầy cả. Nhưng nàng đã không vâng lời, đôi chân nàng không còn đầu gối nữa, nó run rẩy nhưng nó cương quyết không gấp lại nữa, nó phải giúp nàng một dáng đứng tự vệ chứ” (Gia đình bé mọn- Dạ Ngân). Nữ giới phản kháng lại tình thế bị biến thành khách thể, thành kẻ khác trong không gian của nam giới, phản ứng lại hành vi đàn áp, thống trị của người nam để thoát khỏi tình trạng bị động và lệ thuộc. Họ vượt ra khỏi các văn bản tâm thức văn hoá và chống chọi lại những cơ chế thực tại kìm nén mình. Từ đó, xuất hiện người nữ cất tiếng nói, người nữ có âm thanh để kháng cự quan niệm người nữ vĩnh viễn sống kín đáo và im lặng. Hành động nói của Mỹ Tiệp không chỉ là sự bộc bạch, giãi bày mà còn là sự công kích, là cú đánh trực diện vào thể chế nam quyền giả dối, phi lý, trịch thượng và lạm quyền. Các nhân vật nữ trong Gia đình bé mọn, Khoang tàu chật quá, Con chó và vụ ly hôn (Dạ Ngân), Cửa hoa hồng, Những người đàn bà tắm, Hà Mị đi tìm tình yêu (Thiết Ngưng) đã có ý thức tự do lựa chọn trong quan hệ tính dục và biết từ chối nhu cầu tính dục của nam giới. Như vậy, người nam không còn giữ vị thế của người quyết định, người hành động và người nữ phải tuân phục trong vị thế của người thừa hành, người chấp nhận hành động nữa. Suốt cuộc đời mình, Đường Phi không cho phép bất cứ người đàn ông nào hôn vào môi mình (Những người đàn bà tắm). Đôi môi trở thành biểu tượng của sự kháng cự, sự chủ động chối bỏ quyền lực và nhục cảm nam tính. Như vậy, đến lượt mình, nhân vật nữ kiến tạo nên sự cấm kị (taboo) đối với nam giới, đặt nam giới vào thế thụ động và đứng ở vị trí ngoại vi trong không gian bất khả xâm phạm của người nữ để họ bảo toàn giá trị sống của bản thân.

Đồng thời, xét về mức độ, sự phản kháng của người nữ không chỉ dừng lại ở việc chống đối, phá vỡ, đạp đổ để phủ định thể chế nam quyền mà còn được đẩy đến trạng thái nổi loạn. Họ có những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi lệch chuẩn, ngược chuẩn và vượt chuẩn, sống mạnh mẽ và mãnh liệt theo ý muốn của tự ngã, đi ngược với mọi chuẩn mực của cộng đồng và có xu hướng tiến đến cái lập dị (queer). Mẫu hình nhân vật nổi loạn trong văn xuôi của Thiết Ngưng xuất hiện rõ nét, giàu ấn tượng, đạt đến mức độ cao hơn so với văn xuôi của Dạ Ngân. Các nhân vật của Dạ Ngân ý thức sâu sắc về tình trạng bị áp bức và đè nén của mình, về sự khác biệt văn hoá, xã hội của hai giới và về sự suy thoái, giả trá, bất lực của nam giới. Từ đó, họ vùng vẫy để kháng cự và thoát khỏi cái khung hoàn cảnh đang điều kiện hoá mình. Tuy nhiên, người nữ trên trang viết của Dạ Ngân chỉ phá bỏ các nguyên lý của xã hội nam trị và vẫn xác lập, gìn giữ các nguyên tắc luân lý nền tảng của con người nói chung. Có thể, được sinh ra và nuôi dưỡng trong không gian văn hoá miền Nam Việt Nam, Dạ Ngân hấp thu đặc tính cởi mở, phóng khoáng, bộc trực và thẳng thắn trước sự thật, đồng thời, lại mang tinh thần khoan dung, giàu tính hoà giải và luôn có xu hướng hoá giải trước những xung đột của đời sống nên trong khi phơi bày một hiện thực giới tính sâu sắc và mạnh mẽ, Dạ Ngân cũng gỡ bỏ dần các mâu thuẫn bằng cách chấm dứt mâu thuẫn và chuyển đổi tình thế của nhân vật theo khuynh hướng hoà giải. Theo đó, ý thức về giá trị chung, nền tảng đạo đức chung của con người cũng được tác giả khẳng định như là cái khung chuẩn mực, phổ quát cho con người. Sự khao khát được “đường hoàng, công khai, chính danh” trong mối quan hệ với những người tình ngoài hôn nhân của Mỹ Tiệp (Gia đình bé mọn- Dạ Ngân), của người đàn bà trong Thời gian vĩ đại (Dạ Ngân) đã thể hiện trạng thái phức tạp của những người nữ vừa phá vỡ trật tự do nam giới thiết lập, lại vừa khao khát thiết lập một kiểu trật tự khác theo chuẩn giá trị của con người. Vì vậy, họ không mang tư thế của kiểu nhân vật nổi loạn, phá vỡ mọi trật tự, nguyên tắc, tạo ra sự hỗn độn phi giới hạn trong mọi mối quan hệ đời sống, đặc biệt là trong quan hệ tính dục như trong tiểu thuyết của Thiết Ngưng. Kỳ Văn chủ động xuất hiện trong tư thế “loã lồ”, “áp cái mảng đen sát mặt bố chồng”, “đè ông xuống” rồi “vận dụng” và “mô phỏng những ngón nghề của các cô gái buông thả cố đánh thức cái bộ phận của người đàn ông như vẫn được miêu tả một cách thô tục trong các tiểu thuyết chương hồi” (Cửa hoa hồng- Thiết Ngưng). Hành động loạn luân đầy khiêu khích, “khinh nhờn cuộc đời”, tạo ra “trò đùa bất kính với đời” (Cửa hoa hồng- Thiết Ngưng) ấy của người phụ nữ vừa hạ gục nam giới, vừa đánh đổ các phạm trù luân lý và phủ định tôn ti trật tự một cách khốc liệt, kỳ dị, khác thường. Cũng ở trong tình thế của kẻ ngoại tình như Mỹ Tiệp nhưng Chương Vũ của Những người đàn bà tắm (Thiết Ngưng) không mang trạng thái dằn vặt, tự tra vấn đến khắc khoải, không tự dày vò bằng nỗi mặc cảm tội lỗi mà tự do một cách bản năng trong sự tận hưởng khoái lạc của yêu đương và tính dục. Nếu Mỹ Tiệp day dứt, giằng xé khi không có khả năng thực hiện trọn vẹn vai trò của người mẹ thì Chương Vũ hoàn toàn dửng dưng khi không có “khả năng vỗ về và vuốt ve con cái”, gần như trống rỗng về tình cảm mẫu tử, có thể bỏ mặc các con, thoát khỏi chức năng loài để tận hưởng hạnh phúc cá nhân. Đường Phi và cô y tá (người tình cuối cùng của bác sĩ Đường) trong Những người đàn bà tắm là hai hình tượng điển hình cho sự nổi loạn. Họ nghiêng về trạng thái phá phách, buông thả, thác loạn theo chuẩn mực thông thường của con người trong quan hệ giới tính. “Với đàn ông”, cô y tá “chẳng từ một ai, mà cũng chẳng thèm để ý đến những lời bàn tán xôn xao. Vào thời đại “vấn đề sinh hoạt” được coi là nghiêm trọng sau chính trị, cô ta vì cuộc sống và cũng vì vui thú nên chẳng nề gì “vấn đề sinh hoạt” (…) Cứ như thế cô ta coi những chuyện khó hiểu, bí hiểm, nhơ bẩn rất bình thường như mua mớ rau, thổi nấu, ăn uống vậy” (Những người đàn bà tắm- Thiết Ngưng). Đường Phi chỉ sống “mê đắm trong lạc thú” và “thích nhất bệnh tình dục” để “đi truyền bệnh cho những thằng đàn ông sĩ diện” (Những người đàn bà tắm- Thiết Ngưng).

Như vậy, nhân vật của Dạ Ngân tạo ra sự bất thường (extraordinary) để phá vỡ cái bình thường và xác lập cái bình thường khác (normal), cái có thể nằm ngoài chuẩn mực thông thường của giới tính nhưng vẫn ở trong khuôn khổ chuẩn mực của nhân loại, nhất là nhân loại tiến bộ. Còn nhân vật của Thiết Ngưng tiến đến cái dị thường, quái đản (abnormal, queer), hoàn toàn phi chuẩn tắc và tuyệt đối không có nhu cầu thiết lập bất cứ hệ giá trị chuẩn nào. Sự khắc nghiệt, phi nhân của “thời đại đầy ức chế và thô bạo” đã dồn ép con người đến sự cùng cực và trở nên méo mó, dị dạng. Đồng thời, sự méo mó, quái đản đó cũng là phương cách để con người phản ứng lại thời đại, vạch trần và tố cáo cái cơ chế áp bức phi nhân, phi lý. Cô gái trẻ có những hành vi điên loạn, “trần truồng, đầu tóc rối bù, mặt mày nhem nhuốc (…) hai bầu vú vểnh lên thách thức” (Cửa hoa hồng- Thiết Ngưng) cầm nắm bùn đỏ bôi khắp người làm xáo động cả sân ga ở phần cuối tác phẩm Cửa hoa hồng là sự phản ứng vô cùng bi thương, nghiệt ngã nhằm lên án chủ trương đấu tố của cuộc cách mạng văn hoá. Bên cạnh đó, sự nổi loạn của các nhân vật nữ hầu hết là sự nổi loạn có ý thức. Thậm chí, ngay cả hành vi của cô gái khoả thân giữa chốn công cộng trong Cửa hoa hồng cũng là một dạng ý thức ẩn dưới vỏ bọc vô thức. Đó là ý thức phản kháng lại nam quyền, phản kháng lại chế độ xã hội bất công, tàn bạo đã làm biến dạng người nữ, tước đi quyền làm người, quyền tự do của họ. Họ lựa chọn động thái nổi loạn, thậm chí, hoá thân thành sự nổi loạn một cách có mục đích, có nguyên do như lời trần tình của Đường Phi những ngày cuối đời: “Ở những nơi như thế tớ vẫn tỏ ra khác người, tớ khác người vì tớ đâu sợ khi nói về bệnh tình dục. Tớ còn mong rằng, bệnh đe doạ con người như vậy thì cứ để tớ sống như bệnh, để tớ sống như bệnh… không, sống như bệnh có vẻ không thực, mà nên nói rằng tớ là bệnh, tớ là bệnh hoạn!” (Những người đàn bà tắm- Thiết Ngưng). Ở đây, phải chăng, quán tính của sự bất bình đẳng giới nặng nề vốn đã hình thành và kéo dài từ chế độ đại phong kiến cộng hưởng với sự khắt khe thái quá của thiết chế chính trị thời cách mạng văn hoá đã khiến cho phản ứng mang tính kháng cự của nữ giới ở Trung Quốc trở nên quyết liệt, cực đoan thành phản ứng nổi loạn theo nguyên lý sự áp bức càng mạnh mẽ thì sự phản kháng sẽ càng dữ dội kiểu “tức nước vỡ bờ”. Và có lẽ, với một vùng đất còn lưu giữ khá đậm đà tính tương thuận về giới như Việt Nam thì hiện tượng nổi loạn chưa đủ điều kiện để hình thành và biểu lộ mạnh mẽ như ở Trung Quốc.

            Tóm lại, ý thức phản kháng chế độ nam quyền là một bước quan trọng trong lộ trình phát triển ý thức nữ quyền của nữ giới. Lộ trình đó đi từ sự ý thức về tình trạng, địa vị hạng hai của người nữ trong đời sống xã hội đến ý thức thay đổi và phá vỡ tình trạng bị áp bức và cuối cùng, hướng tới ý thức kiến tạo giá trị nữ giới trong tư thế bình đẳng với nam giới. Từ đấy, người nữ thoát ly khỏi hệ giá trị nam giới trung tâm trên phương diện tư tưởng và đồng thời, dự phóng hành trình thoát ly về phương diện hình thức, lối viết, tạo lập nên hệ hình thi pháp nữ giới riêng biệt. Ngoài ra, vấn đề giới tính ở mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa có những nét đặc thù nên khi soi rọi từ góc nhìn của phê bình nữ quyền phương Tây, cũng cần chú ý đến các tính chất và quá trình diễn biến riêng biệt ở từng cộng đồng. Vì vậy, sự phản kháng nam quyền ở Việt Nam và Trung Quốc biểu hiện trong sáng tác văn xuôi của Dạ Ngân và Thiết Ngưng vừa giao thoa ở các điểm tương đồng, vừa phân lập trong các điểm khác biệt và thể hiện rõ rệt sự đa dạng trong vấn đề giới ở các quốc gia, các vùng văn hóa khác nhau.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tiếng Việt

  1. Thịnh Anh (chủ biên) (Vũ Thị Thanh Trâm lược dịch) (1995), Lịch sử văn học nữ tính Trung Quốc thế kỉ XX, NXB. Nhân dân Thiên Tân, Thiên Tân, Trung Quốc.
  2. Betty Friedan (Nguyễn Vân Hà dịch) (2015), Bí ẩn nữ tính, Đại học Hoa Sen và NXB. Hồng Đức, Tp.HCM.
  3. Trần Huyền Sâm (2016), Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại, NXB. Phụ nữ, Hà Nội.
  4. Phùng Gia Thế- Trần Thiện Khanh (biên soạn) (2016), Văn học và Giới nữ (Một số vấn đề lý luận và lịch sử), NXB. Thế giới, Hà Nội.
  5. Nguyễn Thị Thanh Xuân (2001), Người phụ nữ Việt Nam trong văn học, NXB. Đại học Mở bán công, Tp.HCM.
  6. Tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết của Dạ Ngân và Thiết Ngưng.

Tài liệu tiếng Anh

  1. Agnes Smedley (1976), Portraits of Chinese Women in Revolution, The Feminist Press, New York.
  2. Amy D. Dooling (2005), Women's Literary Feminism in Twentieth Century China, Palgrave Macmillan, New York.
  3. Amy Tak-yee Lai (2011), Chinese Women Writers in Disapora, Cambridge Scholars Publishing, England.
  4. Maggie Humm (1992), Feminisms- A Reader, Harvester Wheatsheaf, England.
  5. Maggie Humm (1994), A Reader’s Guide to Contemporary Feminist Literary Criticism, Harvester Wheatsheaf, England.
  6. Micheal S. Duke (1989), Modern Chinese Woman Writers- Critical Appraisals, An East Gate Book, M.E. Sharpe, Inc., New York.
  7. Mina Roces and Louise Edwards edited (2010), Women’s moverments in Asia, Routledge, New York.

Robin R. Warhol and Diane Price Herndl (2010), Feminism (An Anthology of Lietrary Theory and Criticism), Rutgers University Press, New Brunswick, New Jersey.


[1] “Dạ Ngân- Người đàn bà mang dấu chấm thiên di”, Báo An ninh Thế giới online, http://antgct.cand.com.vn/Nhan-vat/Nha-van-Da-Ngan-Nguoi-dan-ba-mang-dau-cham-thien-di-310510/, đăng vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 7/11/2007, truy cập lúc 7 giờ 30 phút ngày 10/11/2017.

[2] Nguyễn Kim Anh, Vũ Ngọc, Hà Thanh Vân, Hoàng Tùng, nghiên cứu, sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu (2002), Thơ văn Nữ Nam bộ thế kỉ XX, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, trang 42.

[3] Elizabeth Grosz (1952-): là giáo sư người Úc, giảng dạy tại đại học Duke, bang North Carolina, Hoa Kỳ. Bà chuyên nghiên cứu về vấn đề nữ quyền và tư tưởng của các triết gia Pháp nổi tiếng như Jacques Derrida, Jacques Lacan, Michel Foucault, Luce Irigaray, Gilles Deleuze…

[4] Judith Butler (1956-): triết gia người Mỹ có vai trò quan trọng trong sự phát triển của làn sóng nữ quyền thứ ba và lý thuyết đồng tính. Bà cũng chuyên nghiên cứu về lý thuyết hậu hiện đại, hậu cấu trúc. Từ năm 1993, Judith Butler giảng dạy tại trường đại học California ở Berkely.

[5] Phùng Gia Thế và Trần Thiện Khanh biên soạn (2016), Văn học và giới nữ (Một số vấn đề lý luận và lịch sử), NXB. Thế giới, Hà Nội, trang 159.

 

Hồ Khánh Vân, ThS, Trường Đại học KHXH và NV, ĐHQG TP.HCM

Nguồn: Số chuyên đề Bình luận văn học - Niên san 2017, Tạp chí Đại học Sài Gòn, số 34 (59), tháng 12.2017, tr.158-167.

Những năm đất nước còn chia cắt. Từ rất sớm miền Bắc đã chăm chú lắng nghe những tiếng vọng xa xôi của văn chương ở các đô thị, thành phố phương Nam. Cuốn thông báo khoa học của Đại học tổng hợp Hà Nội, in năm 1961 – 1962, giới thiệu những khuynh hướng văn học miền Nam đã nói đến Tôi không còn cô độc của Thanh Tâm Tuyền in ở Sài Gòn 1956. Thời gian đã ố vàng trên từng trang sách. Gọi nhớ nhiều kỷ niệm khó quên. Mùa xuân năm 1970 và trước đó, sinh viên văn khoa đã được nghe hệ thống các chuyên đề của thầy Hồ Tấn Trai về văn chương miền Nam. Vốn người Thừa Thiên Huế, trước cách mạng tháng 8-1945, thầy Trai dạy học tư ở Đà Lạt. Thời 1946 – 1947 từng là trưởng ty tuyên truyền của ta ở tỉnh Biên Hòa. Những năm 70, tóc thầy đã bạc sớm, thường chải ngôi ở giữa ngay ngắn. Mùa thu luôn luôn thấy thầy  diện chiếc áo  vest khaki màu trắng ngà. Không hiểu vì sao học trò lại rung cảm với Phục sinh của Thanh Tâm Tuyền. Có lẽ do giọng Huế của thầy nhẹ nhàng mà lại trầm buồn nữa. Thỉnh thoảng còn thêm tiếp đầu ngữ “Cho nên chi… cho nên chi” thật dễ thương. Với hoàn cảnh lịch sử thời “hai phe, bốn mâu thuẫn”, 2 dòng trong – đục trong văn chương mà Thanh Tâm Tuyền ở bên dòng đục, vậy mà sao sau khi gạt đi những từ ngữ vay mượn của chủ nghĩa hiện sinh, lời thơ Phục sinh thật trong sáng qua giọng đọc ngọt ngào xứ Huế; Dường như đã gặp cái ánh nắng trong lành và tiếng chuông yên bình ấy ở đâu đây trên xứ sở của mình mà tôi không nhớ được ra.

Ngoài phố nắng thủy tinh

Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ

Thanh Tâm Tuyền

Buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường

Đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi.

Không ai nói cho thầy Trai hay cái kết quả vô thức ấy.

Đã hơn nửa thế kỷ qua, hiện tượng thi ca Thanh Tâm Tuyền vẫn còn là ẩn số với những ý kiến đối lập nhau từ hồi 1956 đến nay. Ngay như ông Võ Phiến- Một nhà văn nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975 cũng coi nhẹ thơ Thanh Tâm Tuyền, mà hậu duệ của nhà văn  họ Võ mới đây gọi là một thứ hàng nhái cực mốt hồi cuối thập niên 1950. Không phải không có ý kiến còn cho là Thanh Tâm Tuyền làm thơ bằng tiếng Pháp rồi dịch sang tiếng… An Nam; Là đứa con ngoài giá thú của chủ nghĩa hiện sinh. Ngược lại, có người không ngần ngại coi Thanh Tâm Tuyền là thi sỹ tiên phong tiêu biểu cho cách tân thi ca Việt Nam lần thứ 2 sau Phong trào Thơ Mới 1930 – 1945. Còn thi ca ở miền Bắc chỉ là sự lặp lại thơ của phong trào ấy mà thôi. Số phận của thi nhân vẫn nằm giữa hai dòng nước chảy xiết ấy.

Không nghi ngờ gì nữa, cuộc cách mạng thơ ca lớn nhất thế kỷ 20 đã xảy ra hồi 1930 – 1945 mang tên gọi Phong trào Thơ Mới đã đưa thi ca Việt Nam có diện mạo khác, thậm chí so với cả 9 thế kỷ trước đó. Nửa sau thế kỷ 20, bắt đầu từ 1945, đã xuất hiện những hướng đi hứng khởi cho cuộc cách tân. Điều đáng lưu ý là nó không phải xuất phát và bị thúc đẩy bởi các lý thuyết và chủ nghĩa trong sáng tạo thi ca từ nước ngoài mà chính từ hiện thực cuộc sống của dân tộc đã cổ vũ và thổi vào hồn thi sỹ những giai điệu  bắt nhịp cho thi ca. Năm 1948 - năm vô cùng gian lao của cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm cầm cự và phòng ngự trên chiến trường đánh giặc. Vậy mà đó lại là mốc thời gian một loạt các thi sỹ bước lên diễn đàn thi ca với cảm hứng bi hùng và nhịp điệu thơ tự do dài ngắn linh động, dẽ dàng chưa từng thấy trong thơ 1930 - 1945. Tây Tiến của Quang Dũng. Nhớ của Hồng Nguyên. Bên kia Sông Đuống của Hoàng Cầm. Bài ca vỡ đất của Hoàng Trung Thông…. Và trước đó 1946 – 1947 là Nhớ Máu- Tình Sông Núi của Trần Mai Ninh. Đèo cả của Hữu Loan… Đến 1949, Nguyễn Đình Thi táo bạo với những sáng tác về thơ tự do, thơ không vần… Cuộc tranh luận quyết liệt giữa các thi nhân về đổi mới thi ca đã diễn ra dưới những cánh rừng già Việt Bắc. Không phải ở các salon văn học sang trọng trong thành phố sáng đèn. Nó diễn ra trong chiến hào đánh giặc đầy máu lửa và trong hoàn cảnh đội quân vệ quốc đoàn - Vệ túm áo rách dầm sương của cách mạng đang bị địch bao vây. Nói như thế để thấy hồn thơ ấy đẹp biết chừng nào.

Trường hợp của Thanh Tâm Tuyền có khác. Ông mong muốn cách tân thi ca từ lý thuyết hơn là từ thực tiễn đời sống. Chủ nghĩa hiện sinh thúc giục ông từ bỏ lối viết cũ để tiến đến một phương thức mới của sáng tạo thi ca. Mặc dù Thanh Tâm Tuyền viết Nỗi buồn trong thơ hôm nay như là một tuyên ngôn thơ cho bản thân mình lại có nội dung cốt lõi nhất là thi ca cần rời bỏ những tháp ngà nghệ thuật để đi vào đời sống hàng ngày. Nói theo cách nói của ông, thơ là phương tiện để gặp được cái hiện tại tầm thường. Ông kêu gọi những bậc tiền nhân hãy nhường cho mình hiện tại. Mặc dầu vào thời điểm đó chủ nghĩa hiện sinh đang rất thịnh hành ở phương Tây, đặc biệt là ở Pháp. Nhưng Thanh Tâm Tuyền chưa hẳn đã nẩy đom đóm mắt muốn nguyền rủa quá khứ và công đầu của ông cũng không đến nỗi biến nàng thơ thành… Prostitute như một nhà phê bình danh tiếng đã viết. Nặng nề quá. Một người có tâm địa như thế thì làm sao mà viết được thơ, theo ý nghĩa đơn giản nhất của từ đó.

Thanh Tâm Tuyền có 3 tập thơ. Tôi không còn cô độc. 1956. Liên – Đêm – Mặt trời tìm thấy. 1964. Thơ ở đâu xa. Xuất bản ở Mỹ năm 1990. Trong số này Tôi không còn cô độc viết năm thi sĩ mới vừa tròn 20 tuổi là đáng kể hơn cả vì nó tập trung những phẩm chất sáng tạo cũng như định vị Thanh Tâm Tuyền như một trong những người đầu tiên đột phá khẩu việc làm mới thơ Miền Nam những năm cuối cùng của 1950 ở hai phương diện. Một là. Nỗi buồn trong thơ hôm nay Thanh Tâm Tuyền nói rõ chủ ý: Thơ hôm nay không dừng lại ở thơ phá thể. Thơ hôm nay là thơ tự do. Độ dài ngắn của câu thơ khác nhau. Không câu nệ về vần. Nhịp điệu thơ thực hiện theo phương thức mới. Thanh Tâm Tuyền quan niệm nhịp điệu của thơ tự do là nhịp điệu của ý thức được kết thành từ nhịp điệu của hình ảnh và nhịp điệu của ý tưởng. Quá trình kết hợp ấy là tự do vươn tới sự thống nhất trong khi phải trải qua sự chia xé mãnh liệt.

Thứ hai là. Cảm xúc và hình tượng thơ phi lý và siêu thực được coi là phương tiện đặc trưng nhất của thi ca. Thanh Tâm Tuyền muốn làm một người hèn mọn kiêu hãnh để gặp được hiện tại tầm thường, trong con mắt nửa tỉnh nửa ngái ngủ để thấy sự vật hiện hình lên những hình thù quái đản. Đó là một kiểu Hàn Mặc Tử không phải trong Mùa xuân chín hay Đây Thôn Vỹ Dạ mà là đi dưới ánh trăng tàn úa không phải trên Thượng thanh khí mà ở dưới trần gian. Những bài thơ hay nhất của Thanh Tâm Tuyền gửi lại cho chúng ta ngày nay cũng thể hiện phẩm chất thi sỹ thành công nhất trên hai phương diện ấy. Ở đây tôi là vị Hoàng đế. Chim. Định nghĩa một bài thơ hay. Hoa. Mắt biếc. Mặt trời. Phiên khúc 20. Phục sinh. Về Quách Thoại. Với hai phương diện ấy, thơ Thanh Tâm Tuyền đã đưa tới một tiếng nói khác biệt cho thi ca. Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế ở Thanh Tâm Tuyền không ít bài thơ, câu thơ khó hiểu hơn cả thơ dịch. Đặc biệt hầu hết những bài thơ văn xuôi dài đều trúc trắc và đôi khi luẩn quẩn. Nhưng nếu chỉ có thế thôi đã không có một Thanh Tâm Tuyền như là một số ít tiêu biểu của thi đàn miền Nam trước 1975.

Không phải ngẫu nhiên trong tập thơ đầu tiên Thanh Tâm Tuyền giành nhiều tâm nguyện cho việc phát biểu quan niệm sáng tác. Không ở đâu như ở đây, Thanh Tâm Tuyền đã bộc lộ những mâu thuẫn giằng xé tưởng như không bao giờ dứt. Định nghĩa một bài thơ hay, Thanh Tâm Tuyền viết.

Hãy đánh rơi vào buổi chiều của trời

Một cuộc đời tròn như hạt cốm

Mùa thứ ba trong năm nhỏ sữa

May mắn như bài thơ gồm những âm trắc đồng tình.

Giá như ông dừng lại ở đây thì đẹp biết bao nhiêu. Vậy mà qua vài dòng ông lại viết.

Một câu thơ hay tự nhiên như lời nói

Một bài thơ hay là cái chết cuối cùng

Câu thứ nhất thật đúng. Câu thứ 2 có cần thiết phải kết cục như thế hay không? – Tôi nghĩ là không. Không nhất thiết như thế. Thi sỹ đã tự mâu thuẫn với bản thân mình không chỉ trong 2 dòng thơ mà suốt cả chiều dài Tôi không còn cô độc. Cũng như không phải một lần Thanh Tâm Tuyền muốn trở về với truyền thống, về với những câu lục bát rưng rưng cuối đường. Tự nhủ mình phải viết những lời thơ thật tự nhiên và nhất quyết một con đường.

Không đa đa siêu thực

Thẳng thắn

Khởi từ ca dao sang tự do.

Bài Mưa ngủ, có lẽ là một trong số ít bài thơ văn xuôi hay của Thanh Tâm  Tuyền. Mưa như nói hộ lòng yêu thương quê hương xứ sở. Khi mưa bên kia sông mưa nửa dòng nước để thi sỹ đưa em về bên ấy chân đê hoa cỏ hoang dại, những chuyến đi xa của đời ta theo mưa về ngủ trên mái rạ, đêm hiền lành như dâng lên từ cửa bể bến sông, giọt mưa đẹp như mắt ngủ, Thanh Tâm Tuyền đã hai lần nói về ước nguyện Hồn nhiên tôi trở thành thi sỹ ca dao. Nhưng thi sỹ đã tự mâu thuẫn với mình và đã không làm như vậy. Cái chất siêu thực và huyễn hoặc ẩn chứa trong nhiều dòng thơ tự do đã níu kéo ông trở lại. Thế giới nội tâm của Thanh Tâm Tuyền như mưa trên hai bờ của một dòng sông để Tâm hồn là cánh đồng chưa khai phá. Thơ ông trên bờ sương khói của siêu thực, ngả mình vào những cảm xúc phi lý suốt 20 năm một đời thơ (1955- 1975). Kỳ lạ thay, đến khi ông nằm trong trại cải tạo, dường như chỉ khi ấy ông mới thực sự chạm đến những đắng cay nhất để hiểu rằng cuộc đời không còn khoảng trống nào để viển vông được nữa. Khi ấy ông mới thực sự bước vào lĩnh vực đời thường mà buổi đầu tiên cầm bút làm thơ ông đã ước mơ. Một thi sỹ ca dao từng nắc nỏm trong thơ thuở trước. Tiếc thay. Bản năng sáng tạo của người thi sỹ khi ấy đã nhạt nhòa đi quá nhiều. Thanh Tâm Tuyền trong Thơ ở đâu xa trang trải với cuộc đời bình dị. Chiều cuối năm lũ trẻ mặt lem luốc co ro đứng xem đoàn tù nhân qua thôn hay cảnh cô sơn nữ áo hồng đi bừa với con trâu trắng mà ngỡ như Nhạn lai hồng lạc cuối thônThơ ở đâu xa mặc dù có rất nhiều mùa xuân, rất nhiều ánh nắng mà sao tôi thấy câu thơ nôm na quá chừng. Những bước đi cuối cùng không còn xuân sắc như một thi nhân. Thế giới nội tâm trong quan niệm sáng tác của Thanh Tâm Tuyền là một khối mâu thuẫn lớn. Khi ông tuyên bố thơ ông không hề có tình yêu - cái báu vật mà ông hằng mơ ước. Vậy mà chữ yêu dường như hiện lên ở tất cả các dòng thơ. Thanh Tâm Tuyền  bảo xin đừng gọi ông là thi sỹ. Vậy mà cả cuộc đời con người ấy lại chỉ sống chết với thơ mà thôi. Ít nhất cũng là ở cái phần tâm linh nhất.

Thi nhân tự nhận mình là Người bộ hành cô đơn chờ đêm để lên đường về quá khứ hay như chim bay vào trận mưa sao. Người bộ hành ấy đi mãi vào bóng đêm mà chưa ra khỏi được thế giới cô độc của bản thân mình. Có người nói: Cái tôi trong Thơ mới 1930-1945 là cái tôi đối diện và đúng hơn là đối đầu với thực tại. Còn ở Thanh Tâm Tuyền không có sự đối đầu ấy nữa mà lơ lửng giữa cái tôi và thực tại. Tôi không thấy sự khác nhau ấy. Bởi vì chính ông ấy đã từng nói người làm thơ hôm nay chỉ là tên ăn mày giữa đám đông mà thôi. Thơ Thanh Tâm Tuyền và Thơ mới 1930-1945 đều cùng phát triển theo một tuyến lấy cái tôi cô đơn như là một nét chủ đạo nhất của cảm xúc và hình tượng thơ. Nỗi cô đơn, cô độc là chủ thể trữ tình luôn choán chỗ cả một đời thơ Thanh Tâm Tuyền. Như một hồn lang thang không gặp được bóng mình. Có lúc bức bối. Ta đập tan hình hài và thức giấc. Bài thơ về Quách Thoại ở cuối tập Liên-Đêm-Mặt trời tìm thấy – 1964 lại cho thấy chẳng có mặt trời nào tìm thấy cả. Vẫn chỉ là lang thang cô độc của thân phận thi nhân.

Tôi bé nhỏ và tôi than thở

Những vì sao rụng bỗng đầy lề nhân gian

Người thi sỹ bay vào miền đất lạ

Không nhớ mảy may biển gió cát muôn trùng

Ở đây tôi còn mở mắt

Dìu linh hồn lang thang

Không có mặt trời tìm thấy, chỉ là những vì sao rơi rụng đầy lề nhân gian. Năm 1956 bài Mặt trời, Thanh Tâm Tuyền cho là Câu chuyện mặt trời hoang đường như đôi mắt tình nhân. Năm 1964, bài thơ văn xuôi Mặt trời tìm thấy còn loang lổ sự hoang đường thủa trước buổi sớm còn ánh trăng, đêm thành phố đã tắt thi nhân không biết nơi hẹn hò là nơi nào. Những chùm lá hiện lên mùa đông trong thành phố không quá khứ.

Những vần thơ mang đậm mầu sắc siêu thực hay nhất của Thanh Tâm Tuyền là nói về cô đơn. Thi sỹ không chuyển cô đơn lên bầu trời mà vục mặt vào cô đơn. Giữa màn sương khói ấy, tình yêu xứ sở có lần hiện lên thật giản dị. Như một chỗ trên xe buýt mà thôi.

               Mỗi ngày chúng ta đứng bên nhau không quen nhau

Thân mật ngó lên mái tóc rối nền trời khuya

Ngó vào mắt hoang xa dòng sông không bờ

Sau một ngày làm việc em mơ về khói ấm khuôn mặt riêng…

Rời khỏi thế giới cô độc, thơ Thanh Tâm Tuyền chạm vào sự thật trong sáng dịu hiền.

Tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ

Trong sạch như một lần sự thật

Chạm vào ước mơ có thật. Thóc gặt về người phải dư ăn, bột mịn màng thừa bánh đề dành. Một quê hương có sữa hoa huệ ấm và cánh hồng ngọt vị tình yêu.

Thời gian không rời nhau mang đến bao nhiêu mưa

Dạy em yêu phía sau cửa sổ

Xứ sở như là sự đoàn viên tuổi trẻ

Xóa sạch oán thù

Nhường nhau là hết nói

Con về dựng lại cửa nhà

Trẻ con đi học trên đường rộng

Xứ sở như là hy vọng ở ngày mai

Đất nước yên lành tình sông núi

Cả lòng người thơm hương dạ hội

Trọn ngày mai, ngày mai….

Bài thơ Vang vang trời vào xuân viết ở trại Tân Lập Vĩnh Phú những năm 1978 – 1982 thật hào sảng. Tôi như nhìn thấy một Thanh Tâm Tuyền khác.

Vang vang trời vào xuân

Ta bật kêu mừng rỡ.

Tôi không còn cô độc, Thanh Tâm Tuyền đã một lần để thi sỹ giữ vai trò lĩnh xướng hội xuân.

Trong thời buổi hai trận tuyến không thể điều hòa, các thế lực ngoại bang mang chiến tranh xâm lược và chia cắt ập đến từng mái nhà nhỏ bé Việt Nam, việc phải dạt vào phía bên này hoặc phía bên kia bởi gia tốc mạnh mẽ của lịch sử đã chia đẩy số phận của hàng triệu, triệu con người. Đâu phải việc của riêng ai. Nếu không trên tinh thần bao dung và thức tỉnh như thế thì làm sao hàn gắn cho lành những vết đau thương mà lịch sử hiện đại đã để lại. Khi xem xét bất kỳ một tác giả thơ nào, tôi trước hết không để ý đến việc họ theo trường phái mỹ học hay chủ nghĩa nào trong sáng tác văn chương mà trước hết xem xét thơ có hay không đã. Có phù hợp với những giá trị nhân bản của con người hay không? Cùng với Vũ Hoàng Chương và Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền là 3 gương mặt tiêu biểu của thi ca Miền Nam (1955-1975). Với Thanh Tâm Tuyền được ghi nhận như là một thi sỹ thực hiện việc mở cánh cửa để làm mới thơ Miền Nam, sau những năm dài ngự trị của phong trào Thơ mới 30-45. Góp phần đổi mới thơ Việt Nam hiện đại.

Mùa xuân năm 2011. Đất nước đã đoàn viên được gần nửa thế kỷ. Tôi có việc lên Đà Lạt. Đúng vào lúc nắng đẹp nhất trong năm. Cái nắng thủy tinh mà tôi đã gặp từ thời trai trẻ trong thơ Thanh Tâm Tuyền. Tĩnh lặng đâu đây tiếng chuông nhà thờ nhỏ nhẹ. Tôi giành một phần thời gian tìm thầy tôi – Giáo sư Hồ Tấn Trai. Để nói một điều dù đã muộn và dù là điều ấy cũng không có gì tuyệt đối hệ trọng nữa đối với ông. Nhưng không nói ra vẫn canh cánh bên lòng. Đó đâu phải là câu chuyện văn chương. Mà hơn thế nữa – là ân tình của cuộc đời này. Mọi số phận con người cứ bình thản trôi đi rồi có một lúc cũng như buổi chiều kia sao bỗng vỡ vào chuông giáo đường để chỉ còn lại ngân nga yêu thương và nhân ái giữa con người với con người. Nó như vượt qua được cái ranh giới của thực tại để đến được bình nguyên huyền diệu của chân thiện mỹ. Thi ca là tiếng chuông giáo đường của mọi thời đại để thức tỉnh tình yêu và lòng cao thượng của con người. Được biết sau 1975, Thầy Trai chuyển về đại học Văn Khoa ở Huế được mấy niên. Rồi lại chuyển lên Khoa Văn Đại học Đà Lạt. Tiếp tục nghề dạy học mà thầy đã làm ở đấy từ 1943. Nhưng đã muộn mất rồi. Thầy đã mất cách đó 6 năm. Từ 2005. Trước một năm Thanh Tâm Tuyền ra đi không trở lại ở Hoa Kỳ. Năm 2006. Những năm cuối đời ở Đà Lạt, thầy Hồ Tấn Trai có viết một trước tác với tiêu đề: Tôi học Phật. In trong tập kỷ yếu của khóa 1959 – 1963 – khoa văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thầy tôi bảo: Thầy học Phật để trị chứng nóng giận mà trị luôn chủ nghĩa cá nhân. Thiền để từ bỏ tham, sân, si. Thầy ước nguyện chỉ có một điều thật giản dị mà hư vô thăm thẳm: Làm sao tôi có thể sống như không có tôi. Thầy mồ côi cha từ rất sớm. Được tiếp xúc với đạo Phật từ khi còn bé ở huyện Hương Thủy – Phủ Thừa Thiên một thời xưa cũ.

Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, mùa xuân 1971- 1972. Thanh Tâm Tuyền lên Đà Lạt. Ông viết bài nghị luận Dấu chân cũng bàn về Thiền và Phật, đăng trên tờ bán nguyệt san Văn xuất bản ở Sài Gòn 1971. Thi sỹ tỏ ý nghi ngờ về thiền bởi ông cho sự tầm thường dằng dặc bao trùm lên hết thảy. Thi sỹ khuyên người khác tiếp tục thiền. Còn ông sẽ thiền chút chút trước ly cà phê buổi sáng trong một quán đông người. Năm 1990 Thanh Tâm Tuyền đi Mỹ. Thế hệ thầy Trai và Thanh Tâm Tuyền cho đến lúc cuối đoạn đường đời, vẫn chưa thể gặp nhau. Trên nhiều phương diện của từ ấy. Cuộc đời của họ đã vỡ vào chuông giáo đường để chi còn lại tiếng ngân nga của ân tình và thức tỉnh.

Con người điềm đạm, trầm ngâm, ít nói, khi nói thì nói chậm rãi, chưa bao giờ hô hoán hay dùng những chữ kích động” giờ đã định cư tại Hoa Kỳ dưới tấm bia đá trắng xám phẳng phiu chỉ đường có ghi rõ tên khai sinh DZƯ VĂN TÂM. To hơn rất nhiều tên bút danh: Thanh Tâm Tuyền.

Mùa xuân ở Đà Lạt bây giờ vẫn còn đó. Cả thầy tôi và Thanh Tâm Tuyền đều không biết, từ năm 2007, người ta đã mang cây hoa Ban từ xứ xở khác về trồng ở nhiều con đường, dãy phố. Cứ mỗi khi mùa xuân về, hoa Ban lại nở trắng muốt dưới bầu trời hiền dịu nắng thủy tinh như chẳng hề hay biết những số phận con người đã có mặt ở đây./.

                                                                                                          11.2017

Ảnh: Thanh Tâm Tuyền(1936-2006)-tranh Đinh Cường

LTS: Trong những ngày đầuNguồn: Tạp chí Văn Nghệ, số báo Tết Mậu Tuất, s.6-7-8/2018

Mọi câu chuyện vĩ đại, về cơ bản, là một sự phản tư lên chính nó chứ không phải là một sự phản tư về thực tại.
            Raymond Federman
Đối tượng mỹ học thuộc về cái tinh thần nhưng lại có cơ sở của nó ở trong cái có thực
            Roman Ingarden

Dẫn nhập vào lý thuyết siêu hư cấu của Patricia Waugh
GS Patricia Waugh - Ảnh: internet

1. Siêu hư cấu là gì? 

Siêu hư cấu (metafiction)1 là một thuật ngữ được nhà phê bình William H. Gass tạo ra trong tác phẩm của mình Hư cấu và những hình thể của đời sống (Fiction and Figures of Life) vào năm 1970. Ở đó, Gass tiến hành mô tả lối sử dụng siêu hư cấu xem như đó là hệ quả của một cách hiểu tốt hơn về hoàn cảnh đương đại, chính hoàn cảnh này đã đặt ra những thách thức đối với hư cấu theo lối truyền thống, theo đó xuất hiện hai vấn đề lý thuyết nổi cộm đó là tính tự phản tư (self-reflexivity) và tính bất định hình thức (formal uncertainty).2 Hai vấn đề này cũng đã được Patricia Waugh nhắc đến ở trong tác phẩm trứ danh bàn về siêu hư cấu có tên Siêu hư cấu - Lý thuyết và thực hành về lối viết truyện tự ý thức (metafiction - The Theory and Practice of Self-Conscious Fiction, 1984). Tuy nhiên, theo Waugh, sự nhận thức ngày một gia tăng hiện nay về các cấp độ “siêu” (meta) của diễn ngôn và kinh nghiệm như siêu chính trị học, siêu tu từ học và siêu khán trường một phần là hệ quả của sự tự ý thức (self-consciousness)gia tăng về mặt xã hội và văn hóa. Qua đó, yếu tố tự ý thức được Waugh xem như là một yếu tố chủ đạo để xác định đặc tính của nền văn hóa đương đại ngang bằng với yếu tố tự phản tư. Từ đó, Waugh tiến hành định nghĩa siêu hư cấu như sau: Siêu hư cấu (metafiction) là thuật ngữ được đề ra để chỉ lối viết truyện mà lối viết ấy hướng sự chú ý một cách tự ý thức và có hệ thống đến vị thế của nó như là một thể giả lập để đề ra những vấn đề về mối quan hệ giữa hư cấu và thực tại. Trong việc cung cấp một sự bình phẩm về những phương pháp triển khai lối viết, qua đó không chỉ thẩm tra các cấu trúc nền tảng của truyện kể, mà còn khám phá ra tính hư cấu khả hữu của thế giới bên ngoài văn bản hư cấu văn học.3,4

Xét theo một khía cạnh nào đó, thì siêu hư cấu dường như có điểm tương tự với lối giải thích của nguyên lý bất định Heisenberg. Nguyên lý này cho rằng mọi quá trình quan sát là nguyên nhân chính gây ra sự nhiễu loạn đối với việc xác định một đại lượng nào đó. Do đó, ta không thể mô tả thế giới khách quan bởi vì người quan sát (observer) luôn làm thay đổi cái được quan sát (observed). Thế nhưng, theo Waugh, quan tâm của siêu hư cấu thậm chí phức tạp hơn cả nguyên lý bất định của Heisenberg. Khi Heisenberg tin rằng ít ra người ta cũng có thể mô tả được một bức tranh trong quan hệ của người quan sát với tự nhiên, thì siêu hư cấu lại muốn tiến hành mô tả chính tính bất định của quá trình này. Câu hỏi đặt ra, đó là chúng ta làm sao để có thể “mô tả” một điều gì đó mà nó không tồn tại? Cho nên, vấn đề nan giải đọng lại ở chỗ sau: nếu người viết muốn trình hiện thế giới, anh ta sẽ liền đáp lại rằng thế giới đó không thể trình hiện được.

Qua tác phẩm vừa nêu, Waugh muốn chứng minh rằng, siêu hư cấu là một khuynh hướng hay một chức năng cố hữu ở trong mọi tiểu thuyết. Sở dĩ, tiểu thuyết được Waugh chọn nghiên cứu vì sự nổi bật của nó, cùng những cái nhìn sâu sắc mà nó thể hiện ra trong suốt lịch sử của thể loại văn học này. Thông qua việc nghiên cứu về siêu hư cấu, theo Waugh, cũng đồng nghĩa với việc người ta đang tìm cách mang lại cho tiểu thuyết điển dạng/căn cước của nó.5 Waugh cho rằng tiểu thuyết siêu hư cấu hướng đến một sự kiến tạo nên một ảo tượng hư cấu (fictional illusion) và sự thể hiện ảo tượng đó. Nói như thế có nghĩa rằng, nói đến siêu hư cấu có nghĩa là nói đến việc tạo ra một hư cấu và đồng thời tạo ra một phát biểu về sự sáng tạo nên chính hư cấu ấy. Hai diễn trình này được nắm bắt cùng với nhau, được phân định ra thành hai phân tuyến đó là: giải thích (interpretation) và giải kiến tạo (deconstruction). Quan niệm của siêu hư cấu đối với việc trình bày những sự bất thường và cảm thức hỗn độn bằng những lối nói hay những thuật ngữ văn học truyền thống đã có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thể loại tiểu thuyết. Khi diễn giải về điều này, Waugh nhắc đến lối viết điển hình tiến hành mô phỏng những cảm trạng này đó là lối viết may rủi (aleatory writing), lối viết theo đó có thể mô phỏng kinh nghiệm sống ở trong thế giới đương đại. Tuy nhiên, lối viết này không tìm cách kiến thiết nên một sự an ủi thông qua một ý nghĩa về cái kết như ở trong tiểu thuyết văn học truyền thống. Waugh cho rằng, tuy siêu hư cấu hướng đến sự cách tân, đổi mới, nhưng nó vẫn không quên đi các yếu tố quen thuộc qua việc khai quật theo lối riêng những quy ước quen thuộc ấy.6

2. Những hình thức chủ đạo của siêu hư cấu 

Siêu hư cấu là lối viết xuất hiện trong trào lưu văn hóa rộng hơn thường được biết đến như là chủ nghĩa hậu hiện đại. Ở loại hình văn học hậu hiện đại, từ lâu, chúng ta vẫn được biết đến các thủ pháp chính thể hiện được tính hậu hiện đại như: người kể chuyện dựng nên câu chuyện một cách rõ ràng, đầy khó chịu, ví dụ Thất lạc nơi hí trường của Barth, Pricksongs and Descants của Robert Coover; sự thể nghiệm việc in ấn một cách phô trương ví dụ Người lữ hành của B. S. Johnson, Double or Nothing của Raymond Federman; sự kịch hóa rõ ràng của người đọc ví dụ Nếu đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino; các cấu trúc hộp kiểu Trung Quốc ví dụ Cuốn sổ vàng của Doris Lessing, Điều hão huyền của John Barth; loạt danh sách phi lý và bí nhiệm ví dụ Bạch Tuyết của Donald Barthelme, The Inventory của Gabriel Josipovici; những phương cách cấu trúc được sắp xếp công khai một cách võ đoán hoặc quá hệ thống ví dụ Bảng mẫu tự châu Phi của Walter Abish; tháo dỡ toàn bộ sự tổ chức không gian và thời gian trần thuật ví dụ Một vài câu văn được chọn lọc của B. S. Johnson; hồi quy vô tận ví dụ Watt của Beckett; giải nhân cách hóa (dehumanization) về nhân vật, về sự giễu nhại kép, về các tên riêng đầy khó chịu ví dụ Cầu vồng của lực hấp dẫn của Pynchon; những hình ảnh tự phản tư ví dụ như những chiếc gương, bài thơ xếp theo chữ cái đầu, mê cung của Nabokov; những thảo luận mang tính phê bình về một câu chuyện bên trong một câu chuyện ví dụ Điều bí ẩn của Fowles, Kỳ nghỉ của giáo sư của Barth; sự bào mòn liên tục các quy ước riêng biệt của tiểu thuyết ví dụ mô hình tác giả gần như toàn tri của Muriel Spark, một lối kết thúc không theo kiểu Victoria trong tiểu thuyết Người tình của trung úy Pháp của Fowles; lối sử dụng những thể loại bình dân ví dụ A Confede- rate General from Big Sur của Richard Brautigan, Lò mổ số 5 của Vonnegut; sự giễu nhại công khai về những văn bản trước đó dẫu là văn học hoặc không phải là văn học ví dụ Mulligan Stew của Gilbert Sorrentino, Babel của Alan Burn, v.v.

Đóng góp củaWaugh nhắm đến thể hiện tính hậu hiện đại này được trình bày thông qua bốn hình thức chủ đạo thể hiện tinh thần siêu hư cấu như sau.

Thứ nhất, bẻ khung hay tháo khung siêu hư cấu. Theo Waugh, cả chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại đều bắt đầu với quan niệm cho rằng thế giới lịch sử cũng như tác phẩm nghệ thuật được tổ chức thông qua các cấu trúc (structures) hay còn được gọi là “các bộ khung” (frames).7 Cả hai đều ý thức được rằng sự phân biệt giữa “cái được đóng khung” (framed) và “cái không được đóng khung” (unframed) là không thể có được. Tất cả mọi thứ đều được đóng khung, dẫu trong cuộc sống lẫn trong tiểu thuyết. Waugh nhận định rằng, siêu hư cấu coi “cái đang được đóng khung” như là một vấn đề nổi bật và nó tiến hành thẩm tra các biện pháp đóng khung thông qua sự kiến tạo của thế giới hiện thực và của tiểu thuyết. Theo đó, thực tế cuộc sống cũng như tiểu thuyết luôn được kiến tạo nên bởi các bộ khung, và sau cùng, chúng ta không thể biết được rằng ở đâu một bộ khung bắt đầu và ở đâu nó kết thúc. Cụ thể, các bộ khung ở trong cuộc sống vận hành tương tự như những quy ước ở trong các tiểu thuyết, ở đó, chúng tạo điều kiện hoạt động và được bao chứa trong một hoàn/ ngữ cảnh. Ở các tiểu thuyết siêu hư cấu, hình thức đóng khung được thể hiện thông qua thủ pháp truyện lồng truyện như Thế giới theo cách nhìn của Garp (1976) của John Irving, các nhân vật đọc lên đời sống hư cấu của riêng chúng như Nếu đêm đông có người lữ khách (1971) của Calvino, cho đến những thế giới tự tiêu thụ hay những tình huống có chung mâu thuẫn như Cô giữ trẻ và Lá bài kỳ diệu (1971) của Coover. Bên cạnh đó, quan niệm “đóng khung” còn bao gồm cả các cấu trúc hộp kiểu Trung Quốc, ở đó, mỗi “hộp” (box) cá nhân giao tranh với nhau thông qua quá trình “làm tổ” của người kể chuyện như At Swim- Two-Birds(1939) của Flann O’Brien, Điều hão huyền (1972) của John Barth. Ngoài ra, Thư viện Babel của Borges cũng được biết đên với thể loại “truyện viết về sự vô tận.” Hình thức tháo dỡ bộ khung siêu hư cấu được thể hiện thông qua sự lẫn lộn các cấp độ hữu thể học như sự phân rã thành các giấc mơ, các trạng thái hưng phấn và các biểu trưng hình thể, ví dụ Bên trong mê cung (1959) của Alain Robbe-Grillert, Cầu vồng của lực hấp dẫn của Thomas Pynchon, Hồi ức của một kẻ sống sót (1974), và Lời chỉ thị tấn công xuống địa ngục (1971) của Doris Lessing. Những kiểu kết cấu song điệp giữa “cái được đóng khung” và “cái không được đóng khung” theo Waugh, về cơ bản, là một sự đăng đối giữa “hình thức” (form) và “nội dung” (content) của câu chuyện. Ở đây, sự tháo dỡ bộ khung siêu hư cấu được thực hiện thông qua hai thủ pháp chính đó là giễu nhại (parody) và sự nghịch đảo (inversion). Sự thay đổi giữa đóng khung và tháo khung hay còn được gọi là sự kiến tạo nên một ảo tượng thông qua tính bất khả tiếp nhận cung cấp một phương pháp giải kiến tạo đắc lực nhằm thiết lập nên mạng lưới ý nghĩa của văn bản.

Thứ hai, trò chơi siêu hư cấu. Waugh cho rằng, mọi loại hình nghệ thuật “chơi” trong sự sáng tạo của nó với những thế giới biểu tượng khác nhau. Cùng một quan niệm đó, Robert Detweiler cho rằng “tiểu thuyết về cơ bản là một cách giải thích về sự giả vờ (pretending), và sự giả vờ là một yếu tố cơ bản của chơi và trò chơi”.8 Theo Waugh, khi hư cấu/truyện tạo ra được sự chơi của nó nghĩa là nó đã kiến tạo nên một thực tại giao hoán (alter- native reality) bằng cách vận dụng mối quan hệ giữa một tập hợp các kí hiệu xét như là “thông điệp” (dẫu là ngôn ngữ hoặc không phải ngôn ngữ) và ngữ cảnh hoặc bộ khung của thông điệp đó. Quá trình tái ngữ cảnh hóa (recontextualization) được siêu hư cấu chú ý đến xảy ra khi ngôn ngữ được sử dụng có tính cách mỹ học (aesthetically), nói như thế có nghĩa là, ngôn ngữ được sử dụng mang tính bông đùa hay có tính chơi (playfully).9 Waugh kế thừa lý thuyết về sự chơi từ quan niệm của Johan Huizinga trong Homo Ludens: A Study of the Play Element in Culture (Người chơi: Một nghiên cứu về yếu tố chơi trong nền văn hóa - 1949) và quan niệm của Roger Caillois trong Human, Play and Games(Con người, sự chơi và trò chơi - 1962). Hui- zinga định nghĩa sự chơi như là một hoạt động tự do “diễn ra trong một thời gian và không gian đã được khuôn định rõ ràng, được thực hiện ở trong một dạng thức có trật tự theo các nguyên tắc có trước và nảy sinh việc tập hợp các quan hệ thường vây quanh chính chúng đầy vẻ huyền bí hoặc nhấn mạnh thông qua việc che đậy sự khác biệt của chúng so với thế giới thường nhật”10. Điều này, theo Waugh, phù hợp với quan niệm về “sự chơi” ẩn chứa trong phần lớn các tiểu thuyết siêu hư cấu.

Thứ ba, giễu nhại siêu hư cấu. Với Waugh, “giễu nhại ở trong siêu hư cấu có thể được xem xét một cách tương đương như là cái đòn bẩy dành cho sự thay đổi văn học thực sự, vì, bằng cách tháo dỡ tập hợp những quy ước hư cấu trước đó đã trở nên không thể tự động hóa được, người giễu nhại mở ra một nẻo đường dành cho một tập hợp quy ước mới, có thể dễ tri nhận hơn.”11 Một tiểu thuyết một khi sử dụng giễu nhại thì bản thân nó có thể được nhìn nhận hoặc vừa phá sản hoặc vừa định giá lại lẫn thuyên chuyển thành các khả năng sáng tạo mới mẻ hơn của nó. Cho nên, ở đây, chúng ta bắt gặp lý thuyết hình thức luận Nga khởi đi từ quan niệm của Viktor Shklovsky về ostranenie hay sự giải thân thuộc hóa (defamiliarization). Theo quan điểm của lý thuyết hình thức luận Nga về tiến trình văn học, thì sự giễu nhại được xem như là một điểm mốc thuộc về sự cách tân ở trong qua trình phát triển văn học, vì quan niệm “lạ hóa” (making strange) hay sự giải thân thuộc hóa hàm ẩn một tính năng động của văn học. Do đó, siêu hư cấu nắm bắt và thực thi điều này thông qua một sự tháo dỡ giễu nhại tự ý thức để “giải thân thuộc” những quy ước hư cấu đã trở nên tự động hóa lẫn không trung thực, và phóng thích những hình thái trung thực lẫn mới mẻ hơn. Waugh cho rằng chức năng phê phán của giễu nhại phát hiện ra những hình thức nào có thể biểu đạt những nội dụng nào, và chức năng sáng tạo của nó phóng thích chúng khỏi sự biểu đạt thường được nhận chân bởi những mối bận tâm thông thường nhằm đẩy tới những khả thể hư cấu mới.12

Thứ tư, các thế giới giao hoán siêu hư cấu (metafictional alternative worlds), hay còn được hiểu như là thế giới khả hữu (possible worlds) theo quan niệm của Umberto Eco. Theo Waugh, “các tác phẩm siêu hư cấu khám phá ra quan niệm “thế giới giao hoán” thông qua việc chấp nhận và thể hiện nghịch lý sáng tạo/ mô tả,13 qua đó thể hiện việc làm thế nào sự kiến tạo của các ngữ cảnh cũng là sự kiến tạo của các vũ trụ diễn ngôn khác nhau.”14 Đây là một trong những đóng góp to lớn của Waugh về lý thuyết siêu hư cấu, cụ thể là cấu trúc hữu thể học của tác phẩm/văn bản liên quan đến sự kiến tạo ngữ cảnh (contextual construction). Siêu hư cấu tìm cách điều dẫn người đọc vào một ngữ cảnh có trước và sau đó, đẩy nhận thức của họ hướng đến những sự giao hoán khả hữu với thực tại của thứ ngữ cảnh có trước này. Cơ sở chủ đạo để siêu hư cấu thể hiện được tác dụng của mình dựa vào ngôn ngữ, thông qua những sự biến đổi liên tục ở trong, và nhờ vào những sự hiện thân của ngữ cảnh, những bản văn siêu hư cấu phơi bày nghịch lý sáng tạo/mô tả. Waugh nhận định, các bản văn siêu hư cấu thể hiện rằng truyện văn học có thể chẳng bao giờ bắt chước hoặc “trình hiện” thế giới mà luôn bắt chước hoặc “trình hiện” những diễn ngôn trong khúc quạnh kiến tạo nên thế giới đó. Ngoài ra các tiểu thuyết siêu hư cấu không chỉ quan sát sự kiến tạo văn bản hay ngôn ngữ của câu chuyện mà còn kích thích và gợi dẫn vào thế giới ở trong truyện. Khi người đọc đọc tác phẩm, thì ít ra, thế giới thực tế của người đó ngang bằng với thế giới hư cấu của văn bản mà họ đọc. Đó chính là tính nhị nguyên của các văn bản hư cấu văn học, nó được Waugh phát biểu rằng “toàn bộ hư cấu hiện hữu như là từ ngữ ở trên trang giấy là “thực” (real) về mặt nguyên liệu, và cũng hiện hữu trong ý thức như là những thế giới được tạo nên thông qua những từ ngữ này.”15 Ở trong quan niệm về hình thái thế giới giao hoàn này của siêu hư cấu, Waugh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi quan niệm của Roman Ingarden về phân lớp đối tượng thực sự có một cách khả hữu (possibly real objects). Từ đó, Waugh đi đến kết luận rằng, hư cấu luôn mang tính bất toàn, nó luôn không được hoàn thành bởi một người đọc. Bởi vì, các nhân vật hư cấu không được xác định về mặt nhận thức luận theo cách của con người “có thực” như ở trong thực tế mà như là một bộ phận của một thế giới tưởng tượng, cho nên chúng luôn mang tính bất định về mặt hữu thể học, nghĩa là luôn đón đợi sự hoàn tất bất định. Một phiên bản hấp dẫn về quan niệm “các thế giới giao hoán” nhắm đến bản chất của hư cấu là quan niệm về cái huyền ảo (fantastic) của Todorov. Todorov cho rằng, diễn ngôn văn học không thể đúng hoặc sai, nó chỉ có thể có giá trị trong quan hệ với những tiền đề của riêng nó.16 Bản chất của “cái huyền ảo” lưỡng lự giữa cách hiểu và cách định nghĩa về “thực tại” bên ngoài hư cấu, do đó, sự hiện hữu của một sự đối lập như thế không thể giảm trừ giữa cái có thực và cái không thực. Những ví dụ cho mô hình thế giới giao hoán có thể kể đến như các vương quốc ám chỉ mang tính huyền thoại và xa lạ của Angela Carter, những “lữ điếm” của Gilbert Sorrentino, những thành phố vô hình của thành bang Thành Cát Tư Hãn của Italo Calvino; tất cả các hình tượng này, nói thẳng ra, là có tính “giao hoán” với thực tại/tế, và nói rộng ra, là có tính huyền ảo.

3. Các phạm trù hướng đến một định nghĩa triệt để về siêu hư cấu 

Trong chương cuối cùng của quyển Siêu hư cấu kể trên, Waugh đã tiến hành tổ chức các thủ pháp siêu hư cấu thành bốn phạm trù được bà xem như là một sự định nghĩa triệt để về siêu hư cấu. Bốn phạm trù đó lần lượt là:

Thứ nhất, mâu thuẫn.17 Theo Waugh, mâu thuẫn hàm ẩn tính đồng hiện (simultaneity). Các câu chuyện giống như “Cô giữ trẻ” (trong Pricksongs and Descants) của Coover và ‘Views of my Father Weeping’ (trong Đời phố thị) của Barthelme thể hiện tập hợp các câu chuyện giao hoán như một câu chuyện mà chúng có thể được giải thích hoặc chẳng phải như đang xảy ra đồng thời (bởi vì chúng chỉ có thể là những thứ bổ sung cho mỗi thứ khác) hoặc chẳng phải như đang xảy ra liên tục (bởi vì chúng không thể được tổ hợp theo điển mẫu logic: chúng tẩy xóa hoặc thoát khỏi cái kia). Waugh cho rằng, mâu thuẫn là cơ sở dành cho rất nhiều các thủ pháp siêu hư cấu khác nhau. Các truyện hay tiểu thuyết như ‘Tlưn Uqbar’ của Borges và Ada của Nabokov trình bày một cách tương tự “những thế giới” mâu thuẫn. Wattcủa Beckett, Ngọn lửa đìu hiu của Nabokov và The Black Prince của Murdoch thiết lập những mâu thuẫn giữa văn bản và những tư trang văn bản hoặc các cước chú. Bên cạnh đó, những cái kết luân phiên nhau trình bày một loại hình khác của mâu thuẫn. A Confe- derate General from Big Sur (1964) của Brautigan trình bày năm cách kết thúc và sau đó đề nghị quyển sách này đang có 186000 cách kết thúc mỗi giây. Ngoài ra, Waugh còn cho rằng sự lẫn lộn các thế giới phúng dụ và thế giới theo nghĩa đen là thủ pháp khác gây cho người đọc những mâu thuẫn không thể giải quyết được. Trong Bóng đêm khả kiến(Darkness Visible, 1979) nhân vật Matty của Goldingkhông những chỉ hiện hữu như là một đứa trẻ xa lạ, kẻ đã rời khỏi thành phố bị bom nổ. Anh ta còn là một minh chứng cho phúng dụ về những tính chất mờ đục của thiện và ác được khám phá thông qua hình tượng nhân vật.

Thứ hai, nghịch lý. Theo Waugh, nghịch lý là một hình thức của mâu thuẫn, nó tạo ra khẳng định ở thời khắc mà nó chối bỏ sự khẳng định đó và nó đề ra một phát biểu hữu hạn mà duy chỉ sự vô hạn mới có thể giải quyết được. Những nghịch lý như thế của sự vô hạn bao hàm khả năng của sự tái lập vĩnh viễn hoặc sự tuần hoàn vô tận. Trong các tiểu thuyết như Hopscotch 62: A Model Kit (1972) của Cortázar vàLetters của Barth, ở đó tiểu thuyết thể hiện một cách quay trở lại từ lần này đến lần khác với sự bắt đầu của nó. Hơn nữa, thủ pháp truyện lồng truyện, cách làm tổ (nesting) của người kể chuyện được coi là phương thức khác của việc đề xuất nên tính tuần hoàn vô tận của mạch truyện. Cách làm tổ vô tận tiềm tàng của sự trích dẫn có trong Điều hão huyền của Barth là một trong số những sự thừa nhận công khai nhất về điều này. Tuy nhiên, những hình ảnh có trong truyện (như nhân đôi, phản chiếu, làm tổ, tuần hoàn) sau cùng rõ ràng phải chịu sự điều khiển bởi một bộ khung bên ngoài bao quát toàn bộ câu chuyện. Nếu một khi những hình ảnh này không thể điều khiển được, thì xung lực đối ngẫu ở trung tâm của siêu hư cấu bị giải thể, khi đó văn bản sẽ bị xé toạc ra và không còn là nó nữa. Qua đó, để thấy rằng, siêu hư cấu phơi bày một cách hệ thống vị thế của nó như là một thể giả lập văn học.

Thứ ba, cắt dán siêu hư cấu (metafictional collage). Với Waugh, điều này thực hiện chức năng như là “lời nhắc nhở về tính bất khả của việc xác định kiểu mẫu ổn định của diễn ngôn văn học khi sự hợp nhất của bất kỳ diễn ngôn nào đó thành bộ khung văn học cũng đều đồng hóa nó thành thế giới hư cấu giao hoán và phân tách nó khỏi các chức năng quy chiếu thông thường ở trong bối cảnh hằng ngày.”18 Tiểu thuyếtThe Inventory (1968) của Gabriel Josipovici trình bày lặp đi lặp lại liên tục, với việc nảy sinh tính phi lý, sự phát minh ra ngôi nhà: ở đó có một loạt danh sách nêu ra các sự vật vô nghĩa nổi trôi trong thời gian và không gian. Mục đích của điều này là để thực hiện chức năng rằng một số nhân vật mà đời sống tự nó đơn thuần là một “phát kiến” (inventory). Trong dòng chảy của tiểu thuyết mới ở Pháp, Waugh cho rằng, thời gian biên niên (chronological time) giải thể thành không gian văn bản (textual space). Với truyện của Coover, người đọc không thể ổn định hóa những sự thay đổi của ngữ cảnh. Họ tiến tới nhận thức rằng một loạt những từ ngữ làm ổn định thực tại cũng là một “phát minh”: tức một tập hợp những lời nói dối, một nơi mà ở đó các truyện được tạo ra, một nghịch lý mô tả/sáng tạo.

Thứ tư, liên văn bản. Trong siêu hư cấu, kỹ thuật đồ sát liên văn bản (in- tertextual overkill) không chỉ khiến cho văn chương được coi như là một hệ thống thiêng liêng bị thách thức mà còn cả việc các nhà nghệ sĩ được coi như là những nhà giả kim đầy cảm hứng. Waugh nhận định, thay vì các văn bản/sự viết rõ ràng được nhìn nhận là để tạo ra các văn bản/sự viết, thì những sự lập luật ngôn ngữ lại bị phá vỡ thành những sự lập luật ngôn ngữ khác hơn. Đây là một kỹ thuật xuất hiện lặp đi lặp lại trong truyện theo lối hậu hiện đại kiểu Mỹ. Cầu vồng của lực hấp dẫn của Pynchon được dựng nên ngoài ngôn ngữ khoa học, công nghệ, liệu pháp tâm lý, giới tính, lịch sử, báo chí, hội trường âm nhạc. Những thứ này, một mặt, đề ra tình trạng hỗn độn trong sự vận động của mạch truyện, và đồng thời nhắm đến sự hiện hữu khả hữu của một ý định chung cuộc, một Cấu trúc có chiều sâu, hay một Văn bản, hoặc một Hệ thống cơ bản tự nó phát sinh một cách thất thường và âm thầm thông qua tính đa dạng ngôn ngữ của những biểu hiệnbề nổi của nó.

P.T.X.C.  
Nguồn: Tạp chí Sông Hương 349/03-2018, bản điện tử, ngày 06.4.2018.

-------------------
1. Về thuật ngữ “siêu hư cấu”, trong quyển Từ điển các thuật ngữ văn học và lý thuyết văn học [A  Dictionary of Literary Terms and Literary Theory] ở trang 431 (Wiley-Blackwell, 2013), John Anthony Cuddon giải thích như sau: “Bất kỳ một tác phẩm hư cấu nào dường như cũng đều lưu giữ một tính hư cấu (fictionality) của riêng nó hay một bản tính hư cấu (nature of fiction) nói chung. Theo cùng một cách như siêu ngôn ngữ (metalanguage) phản tư lên ngôn ngữ, siêu hư cấu là hư cấu mà chủ đề của nó là hư cấu. Siêu hư cấu khác với hư cấu theo lối hiện thực chủ nghĩa (realist fiction) khi mà lối hư cấu này sử dụng mọi loại thủ pháp như trần thuật tuyến tính, trần thuật theo lối nhân quả, mô tả chi tiết, có nhiều nhân vật và đối thoại để đảm bảo cho người đọc có được cảm nhận rằng những điều mà họ đang đọc tương ứng với hiện thực. Ngược lại, siêu hư cấu bắt buộc những người đọc của nó xem xét đến tính giả lập (artifice) của nó; nó phá vỡ ảo tượng mà hư cấu mang lại lối vào trực tiếp về phía “thế giới hiện thực”. Các thủ pháp của siêu hư cấu bao gồm những sự mở đầu và kết thúc bàn luận về bản chất của sự mở đầu và kết thúc của một câu chuyện; sự xuất hiện của tác giả như là một nhân vật (người có thể thảo luận về quá trình viết ra câu chuyện); và sự tương đối hóa bởi các nhân vật mà chúng đơn thuần chỉ là các nhân vật. Siêu hư cấu thường gắn kết rất chặt chẽ với văn học hậu hiện đại cuối thế kỷ XX, và thường được hiểu như được thúc đẩy bởi một sự nhận thức về những khiếm khuyết của hư cấu theo lối hiện thực chủ nghĩa. Ví dụ, tiểu thuyết siêu hư cấu tưởng niệm chiến tranh thế giới thứ hai của Kurt Vonnegut Lò mổ số 5 (19967) gợi ý rằng hư cấu theo lối hiện thực chủ nghĩa là không thỏa đáng để nói về chiến tranh bởi vì nó luôn mang lại trật tự và ý nghĩa cho điều gì đó mà trên thực tế là vô nghĩa. Tuy nhiên, siêu hư cấu, chắc hẳn có trước sự xuất hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại. Tiểu thuyết phản tư của Lawrence Sterne Tristram Shandy (1760-7) vẫn là một trong số những ví dụ nổi tiếng nhất.”

2. William H. Gass (1970) Fiction and the Figures of Life, New York: Alfred A. Knopf, trang 24-25.

3. Patricia Waugh (1984) metafiction - The Theory and Practice of Self-Conscious Fiction, London &  New York: Routledge, trang 2.

4. Ở đây, siêu hư cấu cũng có thể được hiểu/dịch là siêu truyện (meta-fiction). Tuy nhiên, để có được  sự rõ ràng hơn về nó chúng ta cần phải so sánh yếu tố hư cấu của câu chuyện với hoạt động kể chuyện hay còn được gọi là hoạt động trần thuật, cụ thể chúng ta phải xem xét siêu hư cấu với khái niệm đi liền với nó là siêu trần thuật (metanarration). Theo Birgit Neumann và Ansgar Nünning trong bài “metanarration and metafiction”:

“Siêu trần thuật (metanarration) và siêu hư cấu (metafiction) là hai thuật ngữ đặc biệt chỉ những phát biểu tự phản tư (self-reflexive utterances), tức là những bình luận nhắm đến diễn ngôn chứ không phải câu chuyện. Mặc dù chúng có liên quan đến nhau và thường được sử dụng thay thế lẫn nhau, nhưng hai thuật ngữ này lại khác nhau: siêu trần thuật nhắm đến những sự phản tư của người kể chuyện (narrator’s reflections) lên hành động hay quá trình kể chuyện; còn siêu hư cấu thì lại nhắm đến những bình luận về tính hư cấu (fictionality) và/hoặc sự kiến tạo (constructedness) của câu chuyện. Do đó, trong khi tính siêu hư cấu (metafictionality) dùng để chỉ đặc trưng cho việc khai mở tính hư cấu của một câu chuyện thì siêu trần thuật lại nắm bắt những hình thức kể chuyện tự phản tư, ở đó các khía cạnh của sự trần thuật được trình bày theo diễn ngôn trần thuật (narratorial discourse), tức là các phát biểu trần thuật (narrative utterances) về câu chuyện chứ không phải hư cấu về hư cấu [hay chuyện nói về chuyện].”

(Dẫn từ http://wikis.sub.uni-hamburg.de/lhn/index.php/metanarration_and_metafiction).

5. Waugh, sđd, trang 5.  

6. Theo Waugh, siêu hư cấu thể hiện một cách rõ ràng các quy ước của chủ nghĩa hiện thực truyền  thống, nó không phớt lờ hay từ bỏ chúng; siêu hư cấu không ruồng bỏ thế giới hiện thực để chạy theo những khoái cảm ái kỷ (narcissistic pleasures) của sự tưởng tượng. (Waugh, sđd, trang 18)

7. Phân tích của Waugh về thủ pháp tháo khung chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ những nghiên cứu  của Erving Goffman về “frame”, từ này chúng ta có thể dịch ra như là bộ khung, sự đóng khung, cơ cấu hay khuôn khổ. Theo Goffman, bộ khung là sự tổ chức của kinh nghiệm (organization of experience), và Waugh áp dụng cách nhìn này vào trường hợp tiểu thuyết, do đó, bộ khung của tiểu thuyết chính là sự tổ chức của các quy ước có tính hình thức của tiểu thuyết (formal conventional organization of novels). (Waugh, sđd, trang 28-34).

8. Detweiler (1976) Games and Play in Modern AmericanLiterature, Contemporary Literature, 17, 1.  

9. Waugh cho rằng, khi một ngữ cảnh thay đổi, nếu nó càng bất định thì chính sự thay đổi này càng  hoạt động một cách ngầm ẩn như là một bộ khung siêu bình giải (metacommenting frame), tuy nhiên, chẳng thể có một lời siêu bình giải nào rõ ràng cả, cho nên sự tái bối cảnh hóa không chắc sẽ được hiểu một cách đầy đủ, từ đó gây ra một sự mơ hồ nhất định lên trên các mặt phẳng hay các thứ bậc thực tại mà ngữ cảnh câu chuyện hướng đến. (Waugh, sđd, trang 36-37).

10. Huizinga (1949) Homo Ludens. R. F. C. Hull dịch Anh, London, trang 34-5.  

11. Waugh, sđd, trang 64.  

12. Waugh cho rằng, giễu nhại về một hình thức hay một kiểu mẫu văn học cũ thể hiện rõ những mối  tương quan của kiểu mẫu văn học đó với bối cảnh lịch sử của nó, và thông qua sự thiết lập ngữ cảnh giải thân thuộc (defamiliarizing contextualization) của nó ở thời điểm lịch sử hiện tại mà kiểu mẫu văn học đó đã thay đổi, cho nên, việc giễu nhại về một kiểu mẫu văn học cũ làm biến đổi mối quan hệ giữa quy ước văn học và những kiểu mẫu văn hóa lịch sử dẫn đến một sự thay đổi trong toàn bộ hệ thống của các quan hệ. (Waugh, sđd, trang 66).

13. Theo Waugh, sự mô tả một đối tượng ở trong hư cấu đồng thời là sự sáng tạo nên đối tượng  đó, mọi hư cấu đều phải kiến tạo nên một ngữ cảnh (context) đồng thời với việc kiến tạo nên một văn bản (text), siêu hư cấu, trong việc thực hiện chức năng của nó đồng thời vừa tạo ra một ngữ cảnh vừa tạo ra một văn bản, điều này được Waugh đặt tên là nghịch lý sáng tạo/mô tả. Xem thêm Waugh, sđd, trang 88.

14. Waugh, sđd, trang 90.  

15. Waugh, sđd, trang 104.  

16. Todorov (1973), The Fantastic: A Structural Approach to a Literary Genre [Cái huyền ảo: Một tiếp  cận theo hướng cấu trúc vào thể loại văn học]. Richard Howard dịch Anh. Cleveland, Ohio, trang 10.

17. Ở đây, Waugh chịu ảnh hưởng quan niệm “trò chơi ngôn ngữ” của Wittgenstein, khi Waugh cho  rằng, các tiểu thuyết siêu hư cấu thực hiện chức năng của mình thông qua một sự giải ngữ cảnh hóa triệt để (radical decontextualization). Chúng phủ nhận cách đọc tuyến tính của người đọc, bác bỏ lối giải thích theo hướng tự nhiên và kể cả lối giải thích muốn tát cạn toàn bộ ý nghĩa của câu chuyện. Ở các tiểu thuyết siêu hư cấu, logic của đời sống thường nhật được thay thế bởi sự mâu thuẫn và tính bất liên tục, chúng tiến hành thay đổi triệt để ngữ cảnh và đưa ra gợi ý rằng, thực tại cũng như hư cấu đều là một trò chơi cùng với từ ngữ. (Waugh, sđd, trang 137).

18. Waugh, sđd, trang 143-44.  

20180122 Discourse S Mills

           Cách phân tích theo quan điểm cấu trúc luận chủ yếu tập trung vào việc vạch ra các quy luật chi phối sự tạo lập các văn bản và hệ thống biểu nghĩa; những lý thuyết gia như Roland Barthes và Michel Foucault đều không chỉ quan tâm đến các cấu trúc có thể tìm thấy được trong các tạo tác văn hóa như văn bản mà còn chú ý đến những cấu trúc lớn hơn có thể phát hiện được trong bản thân diễn ngôn. Một trong những nhận định quan trọng được Michel Foucault trình bày trong cuốn Khảo cổ học tri thức (1972) là: diễn ngôn không đơn thuần là sự quy tụ các phát ngôn, được nhóm lại xung quanh một đề tài hay chủ đề, cũng không phải là một tập hợp các phát ngôn bắt nguồn từ một bối cảnh mang tính thiết chế cụ thể; diễn ngôn là tập hợp các phát ngôn hay nhận định chịu quy định nghiêm ngặt với các quy luật nội tại đặc thù của bản thân diễn ngôn. Diễn ngôn cũng cần phải được xem là tập hợp các phát biểu, nhận định được quy định bởi quan hệ giữa nó với các diễn ngôn khác. Như Julian Henriques đã diễn giải: Các quy luật này không chỉ là các quy luật nằm bên trong diễn ngôn mà còn bao hàm các quy luật về sự kết hợp với các diễn ngôn khác; quy luật về sự sai khác giữa các loại diễn ngôn (ví dụ, diễn ngôn khoa học tương phản với diễn ngôn văn chương, v.v…); quy luật về sự tạo lập các nhận định khả hữu. Các quy luật này định ra cái có thể nói ra. Song… chúng không hàm ẩn một sự đóng kín. Tính hệ thống của một diễn ngôn bao hàm cả sự ăn khớp hệ thống của nó với các diễn ngôn khác. Trên thực tế, các diễn ngôn phân định cái có thể được nói ra trong khi cung cấp không gian – các khái niệm, ẩn dụ, mô thức, sự đồng dạng, để tạo ra những nhận định mới bên trong bất kỳ diễn ngôn đặc thù nào… mọi diễn ngôn đều là hệ quả của một thực hành tạo lập mà cùng lúc, vừa mang tính vật chất, tính diễn ngôn và tính phức hợp, luôn luôn nằm nội tiếp với các thực hành khác của việc tạo lập diễn ngôn. Diễn ngôn nào cũng đều là một phức hợp diễn ngôn; chúng bị khóa lại trong một mạng lưới rối rắm của các thực hành, và chúng ta luôn phải ghi nhớ rằng mọi diễn ngôn, xét về mặt định nghĩa, vừa mang tính chất ngôn ngữ vừa mang tính vật chất. (Henriques, trích lại trong Kendall và Wickham, 1999:41).

           Trong chương này, tôi sẽ bàn về cái “mạng lưới của các thực hành” này – những yếu tố cấu thành bản thân diễn ngôn – cái thành tố trừu tượng hơn mà các diễn ngôn cụ thể được tạo lập bên trong nó. Diễn ngôn như một tổng thể bao hàm các diễn ngôn bị quy định. Các quy luật và cấu trúc của diễn ngôn không khởi phát từ các nhân tố kinh tế, văn hóa theo cách hiểu thông thường, mặc dù có thể chúng được nhào nặn bởi những nhân tố này; đúng hơn, chúng là một đặc điểm của bản thân diễn ngôn và được định hình bởi những cơ chế nội tại của diễn ngôn và những mối quan hệ giữa các diễn ngôn. Cả Barthes và Foucault trong các công trình về sau của mình đều rời bỏ giả thuyết ban đầu này song việc giữ lại quan điểm về diễn ngôn như là cái chịu chi phối bởi luật lệ và được cấu trúc từ bên trong vẫn có ý nghĩa quan trọng (Moss, 1998). Do đó, nghiên cứu diễn ngôn không đơn giản chỉ là việc phân tích các phát ngôn và nhận định; nó còn là sự quan tâm đến các cấu trúc và quy luật của diễn ngôn. Các cấu trúc và quy luật này là trọng tâm của chương sách. Foucault đã gọi kiểu phân tích các cấu trúc diễn ngôn này là “khảo cổ”. Theo ông, khảo cổ: “không hàm ý nói đến việc truy tìm một khởi nguyên; nó cũng không liên quan đến sự khai quật địa chất. Nó biểu thị chủ đề bao trùm một sự miêu tả mà sự miêu tả ấy tra vấn những gì đã được nói ra về sự tồn tại của chúng, về chức năng bộc lộ vận hành bên trong chúng, về sự kiến tạo diễn ngôn, về thư khố chung mà chúng thuộc về. Khảo cổ mô tả các diễn ngôn như là các thực hành được xác định rõ trong thành phần của thư khố.” (Foucault,1972:31).

           Cách phân tích khảo cổ học theo như mô tả trên đây, nghe qua, có vẻ như rất khó ứng dụng; trên thực tế, Foucault chỉ muốn nhấn mạnh rằng phân tích các cấu trúc của diễn ngôn chủ yếu không phải để bóc trần sự thật hay nguồn gốc của một nhận định, mà đúng hơn là để khám phá các cơ chế có tính chất bệ đỡ cho phép cái gì có thể được nói ra và đặt nó đúng vị trí. Các cơ chế bệ đỡ này vừa nằm bên trong bản thân diễn ngôn, vừa là cái bên ngoài diễn ngôn, có nghĩa là, chúng mang tính chất xã hội-văn hóa. Vì thế, trong trích dẫn ở trên, Foucault chú ý đến việc đặt các nhận định vào trong các khung diễn ngôn của chúng; do vậy, các nhận định không tồn tại cô lập vì có một tập hợp các cấu trúc khiến cho những nhận định trên trở nên có nghĩa và trao cho chúng quyền uy.

         Trước khi bắt đầu mô tả các cấu trúc diễn ngôn, cần thiết phải mô tả quan hệ giữa diễn ngôn và cái thực. Trọng tâm tác phẩm Khảo cố học tri thức của Foucault chủ yếu tập trung vào mối quan hệ giữa các văn bản và diễn ngôn với cái thực và sự kiến tạo cái thực bởi các cấu trúc diễn ngôn. Một cách hiểu phổ biến cho rằng cái thực được mô tả như là một tập hợp các kiến tạo được hình thành qua diễn ngôn. Nhưng chính Foucault chưa bao giờ đưa ra định nghĩa như vậy về cái thực; theo ông, chúng ta chỉ có thể tiếp cận với các cấu trúc diễn ngôn xác định những hình dung của chúng ta về cái thực. John Frow bình luận: “Tính diễn ngôn là một thực tại được kiến tạo về mặt xã hội, vừa kiến tạo nên cái thực lẫn cái tượng trưng và cả sự phân biệt giữa chúng. Tính diễn ngôn quy định cấu trúc cho cái thực nhưng đồng thời chính lúc đó, nó lại là một sản phẩm và một khoảnh khắc của các cấu trúc của cái thực.” (Frow, 1985:200). Đã có rất nhiều những tranh cãi khá vô bổ về việc liệu Foucault thực ra có phủ nhận sự hiện hữu của cái thực hay không khi ông nhấn mạnh vào quyền năng kiến tạo của diễn ngôn; đặc biệt các nhà sử học đã phê phán ông gay gắt vì đã phủ nhận sự tồn tại của các sự kiện lịch sử (xem Taylor, 1986 để nắm bắt tổng quan lịch sử vấn đề). Tuy nhiên, có lẽ hữu ích hơn khi xem xét quan điểm của Foucault về mối quan hệ giữa diễn ngôn và cái thực theo chiều hướng mà Laclau và Mouffe đã vạch ra: Việc mọi khách thể đều được cấu tạo như là khách thể của diễn ngôn không liên quan gì đến việc liệu có một thế giới nằm bên ngoài tư tưởng không, cũng như không liên quan gì đến sự đối lập giữa chủ nghĩa hiện thực/chủ nghĩa lý tưởng. Một trận động đất hay một viên gạch rơi là một sự kiện chắc chắn hiện hữu, nghĩa là, nó xảy ra ở đây và bây giờ, độc lập với ý chí của tôi. Song đặc trưng của chúng được kiến tạo dưới dạng là “các hiện tượng tự nhiên” hay là “sự biểu lộ cơn giận dữ của Thượng Đế” lại phụ thuộc vào sự cấu trúc hóa một trường diễn ngôn. Cái bị phủ nhận ở đây không phải là những khách thể tồn tại bên ngoài tư tưởng như thế, mà đúng hơn là một xác quyết khác, rằng chúng có thể tự kiến tạo chính chúng như là các khách thể, nằm bên ngoài bất kỳ một điều kiện diễn ngôn nào cho sự xuất hiện. (Laclau và Mouffe, 1985: 108).

            Như thế, không phải Foucault phủ nhận sự tồn tại của cái thực; ngược lại, ông khẳng định cái mà chúng ta xem là có ý nghĩa và cách chúng ta diễn dịch các khách thể, sự kiện, đặt chúng bên trong các hệ thống của ý nghĩa phụ thuộc vào các cấu trúc của diễn ngôn. Các cấu trúc diễn ngôn đó, theo Foucault, khiến các khách thể, sự kiện hiện diện trước chúng ta như là cái thực, mang tính vật chất và có ý nghĩa. Tuy nhiên, quan điểm về tính vật chất của các cấu trúc diễn ngôn đã nhận được nhiều phản biện từ các lý thuyết gia, trong đó đáng kể nhất là Terry Lovell, khi bà phê bình chính quan điểm mang tính chất tiền định này: ‘các ký hiệu không thể được phép nuốt trọn tất cả những cái quy chiếu của mình trong một chuỗi biểu nghĩa bất tận mà ở đó, một ký hiệu luôn trỏ một ký hiệu khác và chu trình này không bao giờ bị phá vỡ bởi sự xâm nhập của cái mà ký hiệu quy chiếu đến’ (Lovell 1980:16). Tuy nhiên, mặc dù Foucault cho rằng các diễn ngôn cấu trúc nên cảm quan của chúng ta về thực tại nhưng ông không xem những hệ thống này là trừu tượng và đóng kín. Ông quan tâm đến cách mà các diễn ngôn cho ta biết phạm vi cho phép chúng ta suy nghĩ và hành động của chúng ta chỉ trong một số giới hạn nhất định ở mỗi tình thế lịch sử. Do đó, tuy xem cái thực là cái được kiến tạo nhờ những áp lực của diễn ngôn nhưng ông cũng ý thức rất rõ về tác động của cái ‘thực tại’ này đối với suy nghĩ và hành vi của con người.

        Theo Foucault thì sự tri nhận của chúng ta về các khách thể được hình thành bên trong những giới hạn của những sự cưỡng chế diễn ngôn: diễn ngôn được xác định bởi “sự phân định một trường khách thể, sự xác lập một vị thế hợp pháp đối với tác nhân của tri thức, và sự cố kết các quy tắc đối với việc phát triển các khái niệm hay lý thuyết” (Foucault, 1977a: 199). Ta hãy phân tích chi tiết hơn ba nhân tố được xác nhận trong trích dẫn trên. Điều đầu tiên cần lưu ý là, theo Foucault, diễn ngôn gây ra một sự thu hẹp trường nhìn của con người, để loại trừ một phạm vi rộng các hiện tượng không được coi là thực hay đáng chú ý, thậm chí hiện hữu; do đó, việc định ra một trường khách thể là bước đầu tiên nhằm thiết lập một loạt các thực hành diễn ngôn. Sau đó, để một diễn ngôn hay một khách thể được kích hoạt, được xem như hiện hữu, kẻ nhận thức phải xác lập được quyền cho mình được lên tiếng. Do đó, đường vào diễn ngôn được xem là không thể tách rời với vấn đề quyền uy và tính hợp pháp. Cuối cùng, mỗi một hành động, bằng cách nào đó, vạch ra những cách sử dụng khả dĩ mà nhận định đó có thể tạo nên (mặc dù dĩ nhiên những hành động này không nhất thiết là cái đã xảy ra với nhận định đó). Mỗi một nhận định lại dẫn đến một nhận định khác và, theo nghĩa nào đó, nó đã phải gắn vào trong mình những giới hạn của những cách thức khả hữu mà theo đó, những phát ngôn tương lai có thể hình thành. Diễn ngôn, theo Foucault, cấu thành nên những khách thể cho chúng ta. Một trong những trích dẫn nổi tiếng nhất của Foucault về sự cấu thành khách thể là: “Chúng ta không được tưởng tượng rằng thế giới hướng về chúng ta với một khuôn mặt có thể đọc ra dễ dàng và chúng ta chỉ có việc giải mã nó mà thôi. Thế giới không phải là kẻ đồng lõa với tri thức của chúng ta; không có một thượng đế tiền diễn ngôn nào bày đặt ra thế giới theo cách có lợi cho ta.” (Foucault, 1981:67). Có nghĩa là, không có một trật tự nội tại nào của thế giới ngoài cái trật tự mà ta áp đặt lên thế giới thông qua sự miêu tả bằng ngôn ngữ về nó. Một ví dụ về sự cấu thành khách thể thông qua diễn ngôn là những thay đổi về ranh giới được vạch ra giữa động vật và thực vật qua các thời kỳ lịch sử khác nhau. Ở thế kỷ XIX, vi khuẩn được xếp vào loại “động vật” trong khi bây giờ chúng được xem là một loại riêng. Một vài sinh vật được đẩy từ loại này sang loại khác, ví dụ như tảo, rêu, nấm, tảo cát và các vi sinh vật khác. Trên thực tế, các loài “thực vật” và “động vật” liên tục được định nghĩa lại bởi việc sinh thể nào được đặt vào trong từng loại – một hệ thống phân loại xuất hiện sau, mang tính diễn ngôn hơn là được xác định bởi bản chất “thực” của các loài thực vật và động vật. Các loài thực vật, động vật có chung nhiều thành tố song việc chúng ta tách chúng làm hai nhóm cho thấy ta tập trung vào sự khác biệt giữa hai loài hơn là những đặc điểm chung giữa chúng. Sự thay đổi ranh giới giữa chúng thể hiện rõ rằng không có một thứ ranh giới tự nhiên, có sẵn giữa đời sống thực vật và động vật, mà vì con người thấy cần thiết phải vạch ra ranh giới này. Có thể sẽ hữu ích hơn khi xem sự khác biệt giữa động vật và thực vật như là tập hợp những điểm dị biệt giữa những sinh vật đồng loại hay như một thể liên tục nhưng trong phương thức tư duy phổ biến về vấn đề này, người ta thấy cần thiết phải tách bạch thực vật và động vật làm hai loài riêng biệt. Có thể liên hệ điều này với việc chúng ta đã không còn ở thế kỷ XIX, thời mà đầu óc của con người còn có khả năng bách khoa để đảm nhận những công việc đa ngành; thay vào đó, ở thời hiện tại, thực vật học và động vật học được xem là hai bộ môn khoa học độc lập, thuộc các khoa độc lập ở trường đại học, mỗi môn có phương pháp luận riêng cũng như mối quan tâm riêng.

         Thêm một ví dụ nữa cho thấy cách mà những ranh giới mang tính diễn ngôn đã cấu trúc nên cái mà chúng ta nghĩ là những phân loại thực tế là bảng phân loại thực vật của Linnaeus. Khi các nhà thực vật học thế kỷ XIX đến các xứ ngoại quốc để tìm hiểu các loài thực vật, họ mang theo mình một hệ thống phân loại vốn được Linnaeus xây dựng để phân loại các loài thực vật ở châu Âu. Như Mary Louise Pratt đã chỉ ra, điều này nghĩa là các loài cây cỏ được người châu Âu “khám phá” ở Ấn Độ và châu Phi được phân loại theo một hệ thống phân loại của châu Âu có tham vọng trở thành một hệ thống mang tính phổ quát toàn cầu (Pratt, 1992). Các loài thực vật bị trừu xuất khỏi những hệ thống phân loại mà người dân bản địa đã xây dựng để mô tả các đặc điểm, công dụng và môi trường sống của chúng, và chúng trở thành bộ phận của một dự phóng lớn hơn của chủ nghĩa thực dân, nhằm thể hiện sức mạnh “văn minh” của thế lực này. Các loài thực vật đã không còn được nhìn theo hệ thống phân loại nguyên khởi, vốn thường liên hệ với công dụng y học, giá trị dinh dưỡng, mối quan hệ của chúng với những thành tố khác trong một hệ sinh thái và vị trí của chúng bên trong một hệ thống mang tính vũ trụ quan và tượng trưng; đúng hơn, chúng được nhìn nhận tách rời khỏi ngữ cảnh, chỉ xét theo sự tương đồng hoặc không tương đồng về mặt hình thái (cấu trúc thực vật) với các chủng loại thực vật ở châu Âu. Khi những chủng loại thực vật được người châu Âu “phát hiện” thì tên của chúng bị thay đổi, từ tên bản địa sang những sự phân loại xuất phát từ hệ thống của Linnaeus (tức là căn cứ theo sự tương đồng với những cái tên Latin trước đó) và thường thì chúng được đặt tên theo người châu Âu đã “phát hiện” ra chúng. Như thế, chính thứ tri thức dĩ Âu vi tâm mang tính toàn cầu này không đơn giản chỉ đặt tên lại cho vài loài cây cỏ mà nó còn tẩy xóa những tri thức bản địa và chuyển tri thức về các loài thực vật ở những đất nước ngoài châu Âu thành tri thức thực dân (Mills, 1994b).

        Diễn ngôn không đơn thuần kiến tạo các khách thể vật chất như những nhóm thực vật cụ thể; diễn ngôn còn kiến tạo cả một số sự kiện và các chuỗi sự kiện thành các tự sự được một nền văn hóa cụ thể nào đó nhìn nhận như là chuyện có thực hay là những sự kiện quan trọng. Ví dụ, trong các nền văn hóa châu Âu, việc sẩy thai chỉ đơn thuần là việc một cái thai bị hỏng, chứ không hẳn là cái chết của một ấu nhi. Vì thế, không có các cấu trúc được nghi thức hóa (như lễ tang chẳng hạn) trong đó, những người bị sẩy thai có thể giải quyết sự mất mát của mình. Thông qua diễn ngôn, sẩy thai được kiến tạo như một sự kiện đã không xảy ra chứ không phải có tư cách của một sự kiện có thực. Theo cách tương tự, những quan hệ không dẫn đến việc đôi lứa chung sống với nhau hoặc đi đến kết hôn được nhiều người xem không phải là chuyện gì nghiêm trọng. Do đó, chỉ một tự sự mang tính chất răn đe trong địa hạt diễn ngôn về tình yêu lãng mạn mà thôi: có nhiều con đường để mỗi cá nhân xây dựng quan hệ của mình với người khác, nhưng chuỗi tự sự đặc biệt này, vốn thường kết thúc bằng một cảnh hôn nhân nào đó, đã loại trừ một số kiểu quan hệ khi không tính đó là là những quan hệ thực (Mills và White, 1999).

          Khi coi các khách thể và ý niệm được con người và các thiết chế tạo nên và chính điều này đã kiến tạo nên thực tại cho chúng ta, quan điểm của Foucault đã bị phê phán vì có vẻ như ông cho rằng chẳng có gì là phi diễn ngôn và nằm ngoài diễn ngôn. Nhưng Foucault không phủ nhận rằng có một thực tại tồn tại trước con người, ông cũng không phủ nhận tính vật chất của các sự kiện và kinh nghiệm như một số người phê bình ông quy kết; vấn đề chỉ là cách duy nhất mà chúng ta có thể lĩnh hội thực tại là thông qua diễn ngôn và các cấu trúc của diễn ngôn. Trong quá trình lĩnh hội, chúng ta phân loại và diễn dịch kinh nghiệm và các sự kiện theo những cấu trúc mà chúng ta có sẵn và trong quá trình diễn dịch, chúng ta cấp cho những cấu trúc này một sự kiên cố khiến người ta thường khó nghĩ được điều gì bên ngoài chúng. Foucault không xem những cấu trúc này đơn thuần là phát kiến của những thiết chế hoặc những nhóm quyền lực như một số nhà tư tưởng Marxist khi họ xác lập quan niệm về hệ tư tưởng, ông cũng không cho rằng chúng chỉ là cái mang tính trừu tượng và võ đoán. Đúng hơn, ông nghĩ rằng có một thứ hợp lực giữa áp lực của thiết chế và văn hóa, cùng với cấu trúc nội tại của diễn ngôn, đưa chúng ta diễn dịch cái thực thông qua những cấu trúc đã được hình dung từ trước.

       Phân tích của Roland Barthes về các cấu trúc diễn ngôn trong Những phiến đoạn: Diễn ngôn của một tình nhân (1990), có thể xem như một sự bổ túc cho công trình của Foucault, hiểu theo nghĩa, ông cũng quan tâm mô tả những cấu trúc mà bên trong những cấu trúc này, những cá nhân đang yêu phó mặc cho những phép diễn đạt, tâm trạng, cảm xúc, cử chỉ, giọng điệu mà diễn ngôn của tình nhân bày ra cho họ. Barthes coi tất cả những yếu tố được cấu trúc hóa này cấu thành nên cái mà ông gọi là “những phiến đoạn”, từ đó tạo thành diễn ngôn như một chỉnh thể. Ông viết: “trong bất kỳ một mối tình nào, những hình tượng xuất hiện trước người tình không theo một trật tự nào cả, vì mỗi lần xuất hiện, chúng lại phụ thuộc vào một sự cố (nội tại hoặc ngoại tại?)… chủ thể yêu đương dựa vào một nguồn dự trữ (hay một bộ từ điển từ đồng nghĩa?) những hình tượng… những hình tượng phi ngữ đoạn, phi tự sự.” (Barthes, 1990:6-7).

          Giọng điệu băn khoăn của Barthes trong trích dẫn trên điển hình cho sự phân tích của ông đối với các cấu trúc diễn ngôn nói chung – ông muốn phân tích cách mà các hình tượng này quy định những xúc cảm và kinh nghiệm mà người đang yêu trải nghiệm trong khi không cần phải bận tâm lý giải hay khám phá nguồn gốc những hình tượng này. Do đó, ông mang đến cho độc giả một danh sách những phiến đoạn được sắp xếp theo trật tự bảng chữ cái mà ông cho rằng, chúng kiến tạo nên diễn ngôn của tình nhân; những hình tượng này trải ra trên một phạm vi rộng, từ miêu tả những trạng thái như đợi chờ, lừa dối, vắng mặt đến những phân tích về đặc trưng ngôn ngữ của những người đang yêu. Đó là phép thử những giới hạn của cá nhân bên trong diễn ngôn hơn là một nỗ lực nhằm sơ đồ hóa “ngữ pháp” diễn ngôn của người đang yêu. Có thể thấy rõ ông chọn phân tích phân tích diễn ngôn của người đang yêu vì nó ngay lập tức và đồng thời là thứ kinh nghiệm mang tính chất cá nhân sâu sắc nhất đối với hầu hết mọi người và cũng là thứ được cấu trúc hóa cao độ về mặt diễn ngôn. Có lẽ, sự nước đôi này có liên hệ với thực tế rằng đó là thứ kinh nghiệm kiểm tra quyền năng biểu hiện của con người nhiều hơn cả: Barthes cho rằng dường như nó giống như là chỗ “tận cùng của ngôn ngữ”, nơi mà trên thực tế, người ta có thể lặp đi lặp lại không ngừng ‘Anh yêu em vì anh yêu em’ (ibid.: 21). Thể nghiệm mô tả những cấu trúc diễn ngôn của tình ái của Barthes mang những ngụ ý sâu rộng hơn đối với việc phân tích diễn ngôn nói chung. Phiến đoạn, như một bộ phận cấu thành diễn ngôn, rõ ràng là một cách gợi ý để vạch ra những cấu trúc này.

         Tuy nhiên, để tìm hiểu chi tiết hơn một số những thành tố của diễn ngôn, tôi sẽ trở lại với Foucault, vì tác phẩm của ông có lẽ mang “tính ngữ pháp” (grammatical) rõ hơn và theo nghĩa nào đó, dễ ứng dụng hơn đối với những ngữ cảnh khác. Tôi sẽ khảo sát những cấu trúc mà Foucault cho rằng chúng mang tính nội tại đối với diễn ngôn, nổi bật hơn cả là tri thức hệ (episteme), nhận định (statement), diễn ngôn (discourse) và thư khố (archive). Các đường biên và giới hạn là rất quan trọng trong việc vận hành những phạm trù và cấu trúc này, và do đó, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu những cách thức mà theo đó, cấu trúc quan trọng nhất của diễn ngôn đảm nhiệm chức năng loại trừ hơn là những bộ phận cấu thành. Từ đó, tôi sẽ xem xét cách mà các diễn ngôn nhất định được lưu thông và duy trì sự tồn tại của mình trên thực tế.

TRI THỨC HỆ (EPISTEME)

           Xem thế giới khách thể được kiến tạo bởi các thiết chế trong các nhóm xã hội, đặc biệt là thông qua ngôn ngữ, là điểm chung của rất nhiều những lý thuyết gia và các nhà ngôn ngữ học hậu cấu trúc. Song Foucault có lẽ là lý thuyết gia duy nhất đặc biệt chú trọng xem xét sự biến đổi theo thời gian của những hệ thống diễn ngôn này và những biến đổi mà điều này, đến lượt nó, gây ra đối với cảm quan của những nền văn hóa đó về thực tại. Trong Khảo cổ học tri thức (1972), Foucault đã cố gắng phác dựng những biến đổi này một cách hệ thống, từ đó, xác định những giới hạn diễn ngôn của một tri thức hệ, tức, một tập hợp các cấu trúc diễn ngôn nói chung mà bên trong tập hợp này, một nền văn hóa xác lập nên những ý niệm của nó1. Các nhóm diễn ngôn hình thành nên các cấu trúc của một khung tri thức và như Macdonnell phát biểu, một tri thức hệ có thể được hiểu như là nền tảng của tư tưởng mà trên đó, tại một thời điểm cụ thể, một số nhận định này – mà không phải những nhận định khác – được coi là tri thức (Macdonnell, 1986: 87). Những nhóm đơn vị diễn ngôn này không tạo thành một thế giới quan, vì điều này xác nhận một sự mạch lạc, nhất quán của các ý niệm. Như thế, chúng ta có thể bàn về “thế giới quan lãng mạn” hay “thế giới quan thời Elizabeth”, tức nền tảng triết học và văn hóa của một nhóm người cụ thể. Thay vào đó, một tri thức hệ lại bao hàm tổng cộng các cấu trúc diễn ngôn hình thành như là kết quả từ sự tương tác của nhiều loại diễn ngôn đang lưu thông và được ủy quyền (authorised) ở một thời điểm xác định. Do vậy, một tri thức hệ bao hàm các phương pháp luận mà một nền văn hóa mặc nhiên dựa vào đó để có thể tư duy về một số chủ đề nhất định. Foucault cho thấy, trong mỗi thời kỳ, thường có một xu thế cấu trúc suy nghĩ của con người về một chủ đề nào đó, theo một cách đặc thù nào đó và vạch ra những quy cách (procedures) cũng như những điểm tựa cho tư duy. Chẳng hạn, ở thời Victoria, tư tưởng khoa học được đặc trưng bởi khuynh hướng tạo ra những bảng biểu chi tiết, gọi tên và hệ thống hóa những chất liệu có vẻ như không đồng chất thành những hệ thống phân loại rất nghiêm ngặt. Có thể lấy bảng phân loại trong cuốn Các tộc người(1873-9) của Brown làm ví dụ:

Bảng liệt kê tên các dạng người lai ở Peru do Tschudi lập nên minh hoạ cho tính chất lai tạp của cộng đồng người châu Mỹ gốc Tây Ban Nha ở Peru

Cha mẹ Con
Cha da trắng và mẹ da đen Multato
Cha da trăng và mẹ da đỏ Mestiza
Cha da đỏ và mẹ da đen Chino
Cha da trắng và mẹ mulatto Cuateron
Cha da trằng và mẹ chino Creole (da nâu nhạt)
Cha da trắng và mẹ chino Chino-blanco
Cha da trắng và mẹ cuateron Quintero
Cha da trắng và mẹ quinteron Trắng

… Và cứ như thế, còn thêm 32 dạng người lai nữa giữa da trắng, da đỏ và da đen.

          Đối với những người sống ở thời Victoria, cách tư duy về thế giới như vậy có vẻ như hết sức “bình thường” để mô tả sự khác biệt chủng tộc, trong khi chúng ta lại thấy cách tư duy trên dường như là “bất bình thường” bởi sự chi tiết thái quá và tính hệ thống quá nghiêm ngặt của chúng. Chúng ta như bị làm cho tha hóa bởi ở đây, con người bị phân loại theo cùng một cách mà người ta tiến hành để phân loại chó mèo, căn cứ theo dòng lai và sự thuần khiết của nòi giống. Như Young đã chỉ ra, hệ thống phân loại sự cấy ghép trong thực vật và lai giống trong động vật được chuyển sang để mô tả người dân bản xứ (Young, 1995). Nhưng chúng ta cũng xa lạ với việc lập ra những sơ đồ phần tử cấu thành một lĩnh vực tri thức quá tỉ mỉ như thế vì hình thức tư duy này bây giờ đã bị vượt qua bởi những cách thức khác để tổ chức tri thức và thông tin. Tư tưởng phương Tây cuối thế kỷ XX đã không còn mặc nhiên cho rằng con người có thể nắm bắt bản chất của một vấn đề, trong trường hợp này là sự khác biệt chủng tộc, chỉ bằng cách tích lũy một khối lượng dữ liệu lớn liên quan đến vấn đề đó và tổ chức những dữ liệu này thành những dưới hình thức những bảng biểu.

             Foucault cho rằng có những sự đứt gãy tri thức hệ, nghĩa là, ở những thời điểm nào đó trong một nền văn hóa, có những sự phát triển gián đoạn trong các cấu trúc diễn ngôn, khiến cho đối với người ở thời Victoria, sự biểu hiện thực tại bằng hình thức bảng biểu có vẻ như là hoàn toàn bình thường, trong khi đến thế kỷ XX, phương pháp biểu hiện này bắt đầu có vẻ bất bình thường. Một ví dụ xa hơn mà Foucault đưa ra để minh họa là ý nghĩa được gán cho các sự kiện trong mối quan hệ với một trật tự thần thánh. Ở châu Âu thời hiện đại sơ kỳ, mọi sự kiện đều được diễn dịch theo một hệ thống tư tưởng kết nối trần thế với một trật tự siêu nhiên hoặc tôn giáo. Do đó, cái mà bây giờ được xếp vào nhóm các hiện tượng tự nhiên, như một cơn bão lớn chẳng hạn, vào thời đó, sẽ được phân loại theo ý nghĩa của nó trong cái hệ thống tượng trưng lớn hơn này, có thể là một điềm gỡ hoặc một dấu hiệu thể hiện sự tức giận của thần thánh. Các sự kiện thụ nghĩa từ vị trí của chúng trong hệ thống vũ trụ này, trong khi đó, ở châu Âu thế kỷ 21, không một ý nghĩa siêu nhiên rộng hơn nào được gắn cho những trận bão nữa. Các yếu tố cấu thành hình thức đặc thù này của tri thức đã thay đổi; và trong khi thông thường chúng ta nghĩ rằng nhận thức này do sự tiến bộ trong khoa học và tư tưởng thế tục đem đến thì Foucault lại cho rằng chính các hệ thống tri thức của cấu thành nên các tri thức hệ hiện thời của chúng ta rồi cũng sẽ trở nên giả tạo và xa lạ với các thế hệ tương lai. Xem xét các hệ tri thức thịnh hành trong các thời đại và các nền văn hóa quá khứ dễ dàng hơn vì cơ chế tư duy trong nền văn hóa đương thời đã được “bình thường hóa”.

          Quan điểm về sự gián đoạn của diễn ngôn cho phép Foucaut phản bác lại ý niệm về sự tiến bộ của các nền văn hóa văn hóa; thay vì nhìn lịch sử châu Âu như một tiến trình đi từ mông muội đến những chân lý lớn hơn, trên con đường đến hiện tại, các giai đoạn trước chỉ có thể được nhìn trong mối quan hệ với với một thứ hiện tại tiến bộ hơn, ông cho rằng thực ra chỉ nên đơn giản nhìn lịch sử tri thức như một loạt những dao động từ hệ thống phân loại và biểu hiện này sang hệ thống và biểu hiện khác. Theo nghĩa đó, tư tưởng của Foucault phân biệt với những mô tả lịch sử của cả trường phái thủ cựu và trường phái Marxist, vì ý niệm trung tâm của cả hai trường phái này đều là sự tiến bộ và cải thiện: đối với các nhà thủ cựu, những tri thức khoa học lớn hơn tất yếu sẽ đem đến những tiến bộ cho loài người; đối với các nhà Marxist, thay đổi cách mạng dẫn đến sự cải thiện hoàn cảnh của giai cấp lao động (Cliff, 1984). Đây có lẽ là chỗ mà Foucault gây được nhiều ảnh hưởng nhiều nhất đến tư tưởng hậu hiện đại, vì quan điểm không tưởng về lịch sử này lồng trong rất nhiều trong các hình thức của tư tưởng. Khi Catherine Belsey giải thích việc bà từ bỏ lập trường nữ quyền luận marxist sang cái mà bà gọi là lập trường nữ quyền luận duy vật, bà đã viện đến những thuật ngữ của Foucault: nhận thấy sự không ổn của việc vạch ra những dự phóng không tưởng và những mục tiêu rõ ràng mà nữ quyền luận có thể đạt được, sự thiếu nhất trí về những mục tiêu mà nó hướng tới, Belsey đi đến chỗ cho rằng mô hình đại tự sự về lịch sử – một bộ phận thiết yếu của tư tưởng Marxist dứt khoát phải bị gạt bỏ (Belsey). Khi xem xét vấn đề quyền phụ nữ đã đạt những bước tiến nào trong hai mươi năm qua, bà nhận thấy cũng cần phải lưu ý đến một số khu vực mà ở đó, quyền phụ nữ đã bị tha hóa. Mô hình về tiến trình liền mạch của các sự kiện hướng về một thứ tương lai được cải thiện hơn đã không chấp nhận sự tha hóa như thế. Mô hình lịch sử gián đoạn của Foucault chỉ đơn giản lập sơ đồ những thay đổi xuất hiện bên trong cơ chế tư duy.

NHẬN ĐỊNH (THE STATEMENT)

         Tri thức hệ được tạo dựng từ một loạt các nhận định, nhóm lại thành các diễn ngôn và các khung diễn ngôn khác nhau. Bây giờ, chúng ta hãy xem xét nhận định, với tư cách là đơn vị đầu tiên hình thành nên khối diễn ngôn (block of a discourse). Dreyfus và Rabinow nhận xét: “Nhận định không phải là một phát ngôn hay một mệnh đề, không phải một thực thể tâm lý hay logic, cũng không phải một sự kiện hay một hình thức lý tưởng” (Dreyfus và Rabinow, 1982:45). Một nhận định không phải là một phát ngôn, hiểu theo nghĩa một câu trên thực tế có thể là vài nhận định khác nhau, phụ thuộc vào ngữ cảnh diễn ngôn mà nó xuất hiện. Foucaut trình bày: “Ở một cấp độ nhất định của vi lịch sử, người ta có thể nghĩ rằng một khẳng định như “các loài tiến hóa” hình thành nên cùng một nhận định ở cả Darwin và Simpson; ở cấp độ lớn hơn, và nghĩ đến những trường sử dụng bị giới hạn hơn, (‘chủ nghĩa Tân Darwin đối lập với bản thân hệ thống của Darwin), chúng ta thấy trước mình là những nhận định khác nhau. Sự bất biến của nhận định, sự bảo tồn bản sắc của nó nhờ tính độc nhất của sự kiện phát ngôn, sự nhân bội của nó nhờ bản sắc của các hinh thức được kiến tạo bởi hoạt đồng của trường sử dụng mà nó được định vị trong đó.” (Foucault, 1972: 4)

Dreyfus và Rabinow rằng trên thực tế một vài diễn ngôn có thể tạo nên một nhận định duy nhất, giống như khi một tiếp viên hàng không đưa ra cùng một thông báo bằng mấy thứ tiếng khác nhau. Hai tác giả nói tiếp: “Tấm bản đồ có thể là nhận định nếu như chúng thể hiện một khu vực địa lý, và thậm chí một hình vẽ sơ đồ bàn phím máy tính cũng có thể là một nhận định nếu như chúng xuất hiện trong một cuốn sách hướng dẫn sử dụng như một minh họa cho thấy các chữ cái được sắp xếp theo chuẩn trên bàn phím như thế nào”(Dreyfus và Rabinow, 1982:45).

        Các nhận định dường như có một sự tương đồng đặc biệt với hành động ngôn từ mà John Searle (1979) và John Austin (1962) đã mô tả, mặc dù so với Foucault, các lý thuyết gia về hành động ngôn từ dành nhiều quan tâm hơn đến lực của phát ngôn, cách một phát ngôn được hiểu và phát huy hiệu lực2. Đối với ông, nhận định là phát ngôn có một lực thiết chế nào đó và do đó, được hiệu lực hóa bằng một hình thức quyền uy nào đó – những phát ngôn đó, theo ông, sẽ được coi là những phát ngôn “đúng đắn”. Ông diễn giải: “Người ta bao giờ cũng có thể nói sự thật trong sự trống không (in a void); tuy nhiên người ta chỉ có thể được coi là đúng đắn nếu tuân theo những luật lệ của một thứ “cảnh sát” diễn ngôn nào đó – yếu tố luôn được tái kích hoạt mỗi khi ai đó nói cái gì” (Foucault, 1972: 224). Những phát ngôn và văn bản mang hình thức khẳng định sự thật nào đó (truth-claim) (và vậy thì có bao nhiêu phát ngôn và văn bản không mang hình thức này?) và được phê chuẩn như là tri thức thì có thể được xem là nhận định. Theo nghĩa nào đó, nhận định có thể được xem như là những hành đông ngôn từ “nghiêm trọng” (serious) (Dreyfus và Rabinow, 1982:48). Sự phân tích theo phương pháp khảo cổ của Foucault chú ý đến các hệ thống bệ đỡ chi phối việc tạo lập và tổ chức các nhận định này, và, điều này có lẽ quan trọng hơn, đó là các hệ thống mà nhờ chúng, những phát ngôn khác không được tính là đúng đắn và do đó, không được coi là nhận định.

DIỄN NGÔN/CÁC DIỄN NGÔN

          Như tôi đã cố gắng làm rõ trong chương này, trong các tác phẩm của mình, Foucault đã đưa ra một sự phân biệt quan trọng giữa diễn ngôn nói chung – tập hợp những luật lệ và quy cách cho việc tạo ra diễn ngôn cụ thể với các diễn ngôn (discourses) hay nhóm các nhận định. Các diễn ngôn là tập hợp các nhận định được phê chuẩn, mang một thứ lực đuợc định chế hóa nào đó, điều đó có nghĩa là chúng có ảnh hưởng sâu sắc đến cách mà cá nhân hành động và suy nghĩ. Cái tạo nên biên giới của một diễn ngôn rất không rõ ràng. Tuy nhiên, ta có thể nói rằng các diễn ngôn là các nhóm nhật định có một thứ lực giống nhau- chúng được nhóm lại với nhau bởi một áp lực định chế nào đó, bởi sự tương tự giữa xuất xứ và bối cảnh hay bởi chúng cùng hành động theo một cách gần giống nhau. Do đó, thí dụ, diễn ngôn về nữ tính thuộc tầng lớp trung lưu ở thế kỷ XIX bao hàm một loạt những nhận định đồng chất (chẳng hạn, những phát ngôn, văn bản, điệu bộ, hành vi được chấp nhận như là sự mô tả bản chất người phụ nữ thời Victoria: khiêm cung, giàu trắc ẩn, vị tha) và tạo nên những giới hạn mà người phụ nữ trung lưu có thể hiện thực hóa cảm quan của chính họ về bản sắc. Có những diễn ngôn khác thách thức tri thức này (chẳng hạn, các diễn ngôn của chủ nghĩa nữ quyền) nhưng diễn ngôn về tính nữ này là thứ tri thức đã được phê chuẩn bởi các thiết chế trong thời đại Victoria – nhà Thờ, hệ thống giáo dục, v.v… Thứ tri thức này cùng tác hoạt với các thiết chế đó để đặt ra ranh giới của những hình thức khả hữu về tính nữ của tầng lớp trung lưu. Chính sự quan tâm đến những yếu tố cấu thành các diễn ngôn đã nhận được nhiều sự chú ý phê phán hơn cả và có lẽ cũng là điều hữu ích đối với các lý thuyết gia, như tôi sẽ trình bày trong chương 4 và 5 về lý thuyết nữ quyền và hậu thực dân. Bản thân Foucault dành ít quan tâm hơn đối với bản thân các nhận định mà lưu ý nhiều hơn đến cách mà chúng hòa kết lại thành các diễn ngôn hoặc khối diễn ngôn (discursive formations) và hình thành được một uy lực nào đó từ sự nhóm tụ lại như thế.

THƯ KHỐ (THE ARCHIVE)

Một cấu trúc diễn ngôn nữa được Focault bàn luận là thư khố. Foucault diễn giải thuật ngữ “thư khố” như sau:

“Tôi cho rằng tập hợp các luật lệ ở một thời kỳ nhất định và trong một xã hội xác định có thể được định nghĩa là: 1) các giới hạn và hình thức của khả năng diễn đạt (expressibility); 2) các giới hạn và hình thức của sự bảo tồn (conservation); 3) các giới hạn và hình thức của ký ức (memory); và 4) các hình thức và giới hạn của sự phục hoạt (reactivation).” (Foucault, 1978: 14-15)

Theo đó, ý niệm về thư khố có thể xem như song hành với ý niệm về tri thức hệ (episteme), và có lẽ, có thể được hiểu rõ hơn cả thông qua phân tích của Foucault trong một tiểu luận sau này – “Trật tự của diễn ngôn”, mà tôi sẽ trình bày dưới đây. Thư khố có thể được hiểu là tập hợp những cơ chế diễn ngôn làm nhiệm vụ giới hạn cái có thể được nói ra, trong hình thức nào và cái gì được xem là đảng để biết và nhớ. Tính giới hạn hay loại trừ bên trong diễn ngôn này là cái tôi mà bây giờ tôi muốn bàn kỹ hơn, vì nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để hiểu những thành tố cấu thành cấu trúc diễn ngôn.

SỰ LOẠI TRỪ BÊN TRONG DIỄN NGÔN

           Cũng như khi cố định nghĩa cách mà cấu trúc diễn ngôn vạch ra cái chúng ta có thể nói và xem là tri thức hợp pháp, luận văn “Trật tự của diễn ngôn” của Foucault (1981) bàn về những khó khăn khi phải đưa một bản ngã nào đó vào trong một diễn ngôn. “Trật tự của diễn ngôn” ban đầu là một bài thuyết trình tại trường College de France danh giá, nơi Foucault phải thỉnh giảng mỗi năm một lần. Foucault bình luận: “Tôi tin là rất nhiều người có cùng một ham muốn được giải thoát khỏi sự ép buộc để bắt đầu đầu, một ham muốn tương tự là được đứng ở bên kia diễn ngôn, ngay từ ban đầu, không phải đắn đo từ bên ngoài rằng nó có gì lạ lùng, đáng sợ, thậm chí có khả năng gây hại hay không. Trước mong mỏi phổ biến này, phản ứng của thiết chế lại mang tính chất mỉa mai, vì nó thường long trọng hóa sự bắt đầu, bao lấy sự bắt đầu bằng một không gian gây chú ý và im lặng, áp đặt những hình thức mang tính nghi thức lên sự bắt đầu, như thể làm thế, sự bắt đầu sẽ được nhận diện dễ dàng hơn từ xa” (Foucault, 1981:51).

Một bài giảng tại một nơi trang trọng như vậy thường được bắt đầu bằng lời giới thiệu về tiếng tăm của diễn giả, điều này trao cho diễn giả uy tín và quyền phát ngôn, quyền được coi cái mình nói ra là cái đáng nghe, và quyền bắt tất cả những tiếng nói phải im lặng. Nhưng cái mà Foucault cố gắng khu biệt ở đây là: ngay cả khi đường vào diễn ngôn (entry into discourse) được nghi thức hóa theo cách này đi nữa, thì nó cũng không hoàn toàn thắng được cách mà diễn ngôn tránh những cố gắng nhằm điều tiết nó. Trong “Trật tự của diễn ngôn”, Foucault đã nói đến việc các thiết chế điều tiết diễn ngôn để ngăn chặn một số nguy hiểm của nó. Ông mô tả phương thức loại trừ diễn ra bên trong diễn ngôn nhằm giới hạn cái có thể được nói ra và được coi là tri thức. Phương thức loại trừ thứ nhất là “cấm đoán”/”kiêng kỵ” (prohibition/taboo): có những chủ đề rất khó để bàn luận trong các xã hội phương Tây như cái chết hay tình dục. Trong văn hóa Anh, nhiều người thường kiêng tránh ngay cả người bạn thân nhất nếu như chồng hay vợ của người bạn đó qua đời, bởi sự khó khăn để nói về cái chết được hình dung từ trước và sự thiếu từ trong tiếng Anh để thể hiện cảm xúc của con người mà không phải vay mượn, thiếu tự nhiên hoặc trở nên hình thức quá. Ở các nền văn hóa khác, và ở nước Anh trong quá khứ, cái chết là chủ đề được nói đến thoải mái và có cả một loạt những “yếu tố” làm điểm tựa như các thực hành vật chất, nghi lễ, tạo tác, khiến việc nói đến cái chết là điều có thể. Ở một số nền văn hóa, chẳng hạn như Mexico, diễn ngôn về cái chết rất dồi dào, phong phú. Và thực ra, ở nước Anh thời Victoria, có cả một “lực lượng” những nhận định, tạo tác (artefacts) và thực hành mà giờ đây có thể bị coi là bệnh hoạn hoặc sến, nhưng nó lại cho phép bàn luận thoải mái, thẳng thắn về cái chết và tang lễ.

            Ở nước Anh thời Victoria, cũng rất khó để nói công khai về sex và đây vẫn còn là vấn đề phải kiêng dè; vào thời đó, những các chủ đề tình dục tuyệt nhiên bị tránh trong xã hội văn minh (polite) và các nhóm pha trộn (mixed groups). Một số nền văn hóa mà người Anh va chạm trong thời kỳ thực dân có quan điểm rất khác về tình dục, chẳng hạn, ở Ấn Đô, như Macmillan có lưu ý: Một số đền đài có những chạm khắc khá tục tĩu (hay gợi dục (erotic), tùy quan điểm của bạn). Các quý bà châu Âu đi ngắm cảnh đều được đám tùy tùng cẩn thẩn ngăn để không phải thấy những hình ảnh ấy; các sách hướng dẫn du lịch phổ biến ở thế kỷ XIX đều khuyên là nên bo tiền những người hướng dẫn địa phương ở một số ngôi đền tai tiếng để họ không làm mình phải trông thấy những cảnh tượng gây sốc. (Macmillan, 1988:105).

Đối với những chủ thể này, không có nhân tố bên trong nào khiến họ cảm thấy khó khăn khi nói về tình dục, nhưng đối với nền văn hóa Anh, nhất là ở thời Victoria, rõ ràng đây là những chủ đề rất khó nói, cũng như chỉ đến gần đây, ở phương Tây, người ta mới có thể dễ dàng nói chuyện về tình dục và tính dục (Bhattacharya, 2002). Đó đơn giản chỉ là một giới hạn diễn ngôn và thiết chế trở thành thói quen trong những nền văn hóa cụ thể ở những thời kỳ nhất định. Khi một chủ đề bị cấm, tình trạng đó bắt đầu trở thành hiển nhiên.

        Phương thức loại trừ thứ hai, để giới hạn những gì có thể nói ra được, tập trung xung quanh diễn ngôn của những người bị xem là điên khùng và do đó, lời họ nói ra là phi lý. Foucault phản biện rằng ở những thời kỳ lịch sử khác nhau, lời nói của người điên hoặc được coi là sự thấu thị thần linh, hoặc bị xem là hoàn tòan vô nghĩa (1989 [1961]). Ở nước Anh thế kỷ XX, ngôn ngữ của những kẻ tâm thần phân liệt chẳng hạn không hề được công nhận, vì thế khi những người có vẻ điên nói, họ không được để ý đến; nếu họ yêu cầu những cách đối xử đặc biệt mà những người có quyền uy trong xã hội không ủng hộ thì họ sẽ bị quên lãng. Điều đó xác nhận mong muốn và quan điểm của những người “lý trí” (rational) như các bác sĩ hay những người làm công tác xã hội có trọng lượng hơn.

          Sự loại trừ thứ ba xác định cái gì có thể được xem là một nhận định và do đó, trở thành bộ phận của một khung diễn ngôn. Sự loại trừ này được thực hiện trên cơ sở phân định tri thức nào được quan niệm là đúng và tri thức nào là sai. Foucault đã phác lại lịch sử của sự phân định này; ông cho thấy, ở thế kỷ VI, đối với người Hy Lạp, nội dung của một nhận định không hề đảm bảo cho việc nó được coi là đúng; thay vào đó, chính hoàn cảnh phát ngôn mới lại là cái quan trọng nhất: “đến một ngày, sự thật buộc phải rời khỏi cái hành vi phát ngôn hiệu nghiệm được nghi thức hóa và được coi là đúng đắn, để hướng về chính bản thân phát ngôn, ý nghĩa, hình thức, đối tượng cũng như mối liên hệ của nó với cái quy chiếu” (Foucault, 1981: 54). Foucault đã gọi sự quá độ này là sự vận động theo “ý chí đoạt sự thật”, cái ý chí “áp đặt lên chủ thể nhận thức, và bằng một thứ cảm quan có trước tất cả các kinh nghiệm, một lập trường, một cái nhìn, một chức năng nào đó (thấy hơn là đọc, xác nhận hơn là bình luận) (Foucault, 1981:55).

       Tác phẩm của Lennard Davis có thể lấy làm mình họa cho sự thay đổi diễn ra trong các nền văn hóa phương Tây. Ông đã cho thấy trong thế kỷ XVIII, có một bước quá độ từ một quan niệm rất lỏng lẻo về ranh giới giữa sự thật – hư cấu, đúng – sai đến một nỗi ám ảnh về việc phải rạch ròi, tuân theo luật lệ rõ ràng (Davis, 1983). Khởi đầu từ việc làm ra các bản tin, tức các văn bản nhằm mục đích trình bày chính xác, cập nhật những sự kiện đáng chú ý hơn là các sự kiện mang một ý nghĩa luân lý, tượng trưng hay tôn giáo dẫn đến việc có một nhu cầu khẩn thiết tạo ra sự phân định giữa sự thật và sai lầm ở không gian công (public domain) – sự phân định này được ủng hộ và thực hiện nhờ sự can thiệp của chính phủ, thông qua việc ban hành luật cầm phỉ báng và thuế tem (stamp duties) đối với một số hình thức xuất bản. Điều này tạo ra một hiệu ứng sâu rộng đối với việc viết các văn bản nói chung, và cũng chính vào thời điểm này, sự phân biệt giữa tiểu thuyết và những miêu tả “thực tế” (factual) bắt đầu rõ rệt. Foucault chứng minh rằng ý chí đoạt sự thật này được ủng hộ bởi một loạt thiết chế: các tổ chức giáo dục, nhà xuất bản, cơ quan pháp luật, thư viện, v.v… đến mức nó không để cho ta có thể hồ nghi nỗi ám bởi sự thật và thực tế này. Chúng ta công nhận đó là sự phân biệt cần thiết chỉ dẫn tư duy của chúng ta. Foucault chứng minh rằng chính điều này đã khiến văn học thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX ám ảnh với “tính giống như thật” (vraisemblance), cái được viết ra chỉ là bản sao của một thực tại bên ngoài. Đối với nhiều người, sự tái hiện “chân thực” (true) là điều hoàn toàn có thể và tìm kiếm “sự thật/chân lý” (truth) dường như trở thành một mục tiêu tất yếu của nghiên cứu hàn lâm. Mặc dù chúng ta thường trải nghiệm cái ý chí đọat sự thật này như một sự “phong phú, màu mở, một thế lực phổ quát tinh vi và quỷ quyệt ( a gentle and insidiously universal force)”, “chúng ta lại không nhận thức được… cái cơ chế phi thường (prodigious machinery) được thiết kế để loại trừ (Foucault, 1981:56). Sự loại trừ, về bản chất, thật nghịch lý, lại là một trong những cách quan trọng nhất để tạo ra diễn ngôn.

CHU TRÌNH CỦA CÁC DIỄN NGÔN

         Bên cạnh các phương thức loại trừ, Foucault còn lưu ý sự kiến tạo các diễn ngôn cũng có những cơ chế bên trong và bên ngoài, để duy trì sự tồn tại của các diễn ngôn. Một trong những cơ chế lưu thông của diễn ngôn là bình luận. Những diễn ngôn nhận được sự bình luận của các diễn ngôn khác được coi là những diễn ngôn có hiệu lực và giá trị: “chúng ta có thể ngờ vực rằng trong mọi xã hội, với một sự kiên định cao độ (consistency), có một sự thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái kia giữa các diễn ngôn: giữa những diễn ngôn được nói trong những trao đổi ngày thường và biến mất ngay khi chúng vừa được nói ra và những diễn ngôn làm nảy sinh một số hành động ngôn từ mới sử dụng chúng, biến đổi chúng hay nói về chúng, nói tóm lại, đó là những diễn ngôn, vượt qua công thức của chúng, được nói không ngừng, chúng vẫn đang được nói và sẽ còn được nói liên tục.” (ibid.: 57)

        Có thể xem Kinh Thánh là một văn bản thuộc loại này, một văn bản mà đã có và tiếp tục còn có những lời bình luận về chúng; theo một nghĩa nào đó, những bình luận này duy trì sự tồn tại của Kinh Thánh, đảm bảo cho việc nó được lưu thông như một thứ tri thức hợp thức. Sự bình luận gán cho văn bản sự giàu có, sự đầy đặn và sự vĩnh cửu. Nhưng đó không phải là một hành động hoàn toàn vô ngã: “Vai trò của sự bình luận… rốt cục, là để nói ra cái được hình thành âm thầm “bên ngoài” văn bản. Bằng một nghịch lý mà nó luôn muốn loại bỏ nhưng không bao giờ thoát khỏi, bình luận bao giờ cũng phải tiếng nói đầu tiên về cái mà trớ trêu thay thực ra đã được nói rồi và phải lặp đi lặp lại không biết mệt cái thực ra lại chưa từng được nói.” (ibid.: 58)

          Điều này gợi nhớ đến một trong những hình thái chiến lược được các nhà phê bình văn học quy phạm hơn khi họ cố gắng tạo nên cái gọi là ý nghĩa “đúng” của một văn bản văn chương. Các nhà phê bình mới chẳng hạn, cảm thấy họ phải đưa ra được một cách diễn giải văn bản văn chương mới, tốt hơn, toàn diện hơn, trong khi lại cho rằng ý nghĩa này đã nằm sẵn trong văn bản, chờ đợi được khám phá bởi một độc giả có kỹ năng đặc biệt hay một nhà phê bình. Theo quan điểm của Foucault, quá trình “phát hiện” ý nghĩa “thực sự” của văn bản đơn thuần là một thực hành mang tính ảo tưởng để đảm bảo cho chu trình của văn bản được vận hành.

          Cái quá trình đảm bảo cho chu trình của văn bản được vận hành bằng sự bình luận về nó đặc biệt quan trọng khi chúng ta xem xét hoạt động phê bình văn chương trong phạm vi nhà trường các cấp. Phê bình, đối với các lý thuyết gia, không đơn thuần chỉ là một hành vi nghiên cứu mà như các lý thuyết gia nữ quyền đã chỉ ra, nó tạo ra một hiệu ứng mà dựa vào đó, văn bản nào được đánh giá là có đáng xuất bản hay không, văn bản nào đáng được tái bản. Các nhà nghiên cứu văn học nhận thức rằng người ta khẳng định địa vị của mình bằng sự làm việc với những văn bản văn chương đã được thẩm định: đó là những văn bản được xem là điển phạm mẫu mực và/ hoặc những công trình lý thuyết phức tạp. Chính bởi khuynh hướng làm việc với những văn bản điển phạm mà những văn bản bị loại khỏi điển phạm được coi là không đáng phân tích. Vì thế, các nhà phê bình nữ quyền luận những năm 1960 không chỉ gặp khó khăn trong việc tiếp cận những văn bản đầu tiên của phụ nữ mà còn trong việc hợp thức hóa một nghiên cứu như thế (Showalter, 1977). Các văn bản phi điển phạm thường không được tái bản và do đó, sinh viên hay nhà nghiên cứu khó có điều kiện tiếp xúc, các giảng viên thì bất đắc dĩ lắm mới đưa chúng vào thư mục sách cần đọc. Do đó, bình luận đóng vai trò không phải chỉ như một đảm bảo để những văn bản nào đó sẽ luôn được in ra, luôn được giảng dạy trong các thiết chế giáo dục, luôn được các nhà nghiên cứu quan tâm đến, nó còn khiến cho việc phân tích những văn bản hầu như không mấy ai viết về chúng rất khó được hợp thức.

          Sự điều chỉnh nội tại thứ hai của diễn ngôn là ý niệm về nguyên tắc hàn lâm (academic discipline): đây là một nhóm diễn ngôn thuộc một trật tự lớn hơn xác định cái gì có thể được nói và được coi như là thực tế hay chân thực trong một phạm vi nào đó. Do đó, mỗi một nguyên tắc sẽ xác định phương pháp, những hình thức mệnh đề và lập luận, phạm vi đối tượng nào sẽ được coi là đúng. Tập hợp các cấu trúc này cho phép cấu tạo nên những mệnh đề mới nhưng chỉ trong những giới hạn diễn ngôn nhất định. Foucault cho rằng những cấu trúc diễn ngôn loại trừ nhiều mệnh đề hơn là chấp nhận chúng. Thậm chí, nếu công trình nghiên cứu của người nào đó thực sự chính xác và sâu sắc nhưng lại không tương hợp với hình thức và nội dung của những nguyên tắc cụ thể thì nó có thể bị coi thường hoặc chỉ được coi là thứ tri thức phi hàn lâm hay bình dân. Những nguyên tắc cho phép người ta “nói trong sự thật” (speak ‘in the true’), tức là nói trong phạm vi những gì được coi là “đúng” theo nguyên tắc đó, song chúng cũng loại trừ những tri thức khác có thể cũng khả dĩ. Chẳng hạn, nếu một nhà khảo cổ viết một bài báo khoa học thì trọng tâm của bài báo, do đặc trưng cấu trúc của lĩnh vực, tất yếu phải phải tập trung vào xã hội và sự biến đổi của xã hội người; song những dữ kiện mà các nhà khảo cổ khai phá được dễ bị xem là hệ quả của sự biến đổi môi trường hơn do hành vi con người. Nếu một nhà khảo cổ đứng trước một địa điểm có dấu hiệu của sự xói mòn đất hay hỏa hoạn thì anh ta thường có xu hướng diễn giải những dấu vết này như là chứng tích hoạt động của con người: con người trồng trọt khiến đất đai trở nên xói mòn; con người dùng lửa để phát quang một vùng nhiều cây cối. Nếu một nhà địa vật lý cũng bắt gặp những dấu hiệu đó tại một địa điểm thì họ có xu hướng nhìn chúng như bằng chứng của tác động môi trường: sông làm xói mòn đất, nơi này chịu một trận hỏa hoạn tự phát. Do đó, nguyên tắc của từng lĩnh vực sẽ xác định dữ liệu được phân loại thế nào. Cấu trúc của mỗi lĩnh vực không chỉ đơn thuần khu biệt một số loại tri thức, xếp chúng vào từng phạm vi cụ thể mà còn xây dựng phương pháp phân tích đặc trưng cho từng lĩnh vực và các trường đại học phân các khoa theo từng lĩnh vực, dẫn đến chỗ các triết gia, các nhà tâm lý, ngữ học và ký hiệu học, những người đều có cùng một đối tượng nghiên cứu – ngôn ngữ – có lẽ hầu hết không biết về công việc của nhau.

          Foucault trong “Trật tự của diễn ngôn”, cuối cùng tập trung vào sự loãng khí (rarefaction) của diễn ngôn như một sự kiềm tỏa diễn ngôn từ bên trong. Sự loãng khí ở đây, theo diễn giải của ông, là một thực tế đáng ngạc nhiên, rằng mặc dù diễn ngôn –cái mà bất kỳ ai cũng có thể tạo ra – trên lý thuyết, là vô hạn, nhưng trên thực tế, chúng lại rõ ràng mang tính chất lặp lại và vẫn còn giữ những ranh giới ít nhiều đã được thỏa thuận trong xã hội. Về lý thuyết, ai cũng có thể nói lên bất cứ điều gì mà mình muốn nhưng thứ nhất, khi lựa chọn chủ đề nói chuyện và từ ngữ, ta đều bị hạn chế bởi những quy tắc xã hội và cá nhân; thứ hai, ta cũng bị hạn chế nhiều xét từ sự kiến tạo những nhu cầu và ham muốn của mình. Do đó, cái mà ta cảm thấy mình muốn nói lại tương đối khả đoán và nằm trong tập hợp những tham số bị giới hạn. Có thể liên tưởng thực tế này với hệ thống mốt: chỉ có một số lượng hạn chế những kiểu trang phục, mẫu vải, màu sắc bày ra trong các cửa hàng để chúng ta mua. Chúng ta cấu trúc mong muốn của mình về hình ảnh bản thân trong những biên giới sẵn có. Những lựa chọn của chúng ta về trang phục tuy nhiên lại có vẻ như mang tính cá nhân. Foucault có lẽ sẽ cho rằng những giới hạn này được tạo nên bởi những giới hạn diễn ngôn; chúng ta nói và hành động bên trong những ranh giới mà các diễn ngôn vạch ra cho chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta phải mặc quần trừ phi việc không mặc quần được xác lập như là cái có thể chấp nhận được và khả dĩ trên phương diện diễn ngôn. Một sự phân tích ý hệ về ngành công nghiệp thời trang sẽ tập trung vào những hứng thú mà sự giới hạn những khả năng biểu hiện này có thể đem đến, và chắc chắn Foucault thấy rõ những giới hạn diễn ngôn là những giới hạn đã được phê chuẩn bởi một thiết chế nào đó. Tuy nhiên, ông quan tâm đến những hiệu ứng đối với sự biểu đạt mà những giới hạn trên tạo ra hơn là những hứng thú mà chúng đem đến.

           Diễn ngôn bị giới hạn bởi những nghi thức có chức năng khống chế số người có thể nói ra một số kiểu phát ngôn nhất định: ví dụ, ở Anh, chỉ có linh mục hay hộ tịch viên mới có thể cho phép một đôi nam nữ kết hôn hợp pháp; chỉ có quốc vương mới có thể khai mạc kỳ họp nghị viện. Nếu một người vốn không được phê chuẩn để phát ngôn những lời đó thì lời anh ta nói ra chắng có giá trị; do đó, một diễn viên “kết hôn” với ai đó trên sân khấu thì không phải là sự kết hôn hợp pháp. Foucault đặt ra câu hỏi: “Rốt cục, một hệ thống giáo dục là gì nếu không phải là một sự nghi thức hóa lời nói, xác nhận và cố định hóa vai trò của chủ thể nói, một sự thiết lập một nhóm giáo điều có khả năng phát tán, một sự phân bố và chiếm dụng diễn ngôn với quyền năng và các tri thức của nó?” (Foucault, 1981:64). Do đó, thay vì xem hệ thống giáo dục như một thiết chế khai sáng, nơi sự tư do truy cầu sự thật được khuyến khích, Foucault lại thấy nó chỉ như một hình thức điều tiết diễn ngôn mà thôi. Trong các thiết chế giáo dục, quyền nói nhiều khi bị khống chế nghiêm ngặt (ví dụ, trong một bài giảng, chỉ có diễn giả được nói mà thôi, tất cả những lời nói khác sẽ bị coi là lạc đề trừ phi được diễn giả chấp thuận) và cũng có những thứ luật rất chặt để xét xem cái gì có thể được coi là tri thức ( những cố gắng biểu đạt các ý tưởng không quy chiếu đến tri thức quá khứ, và không được thể hiện theo những quy ước về hình thức của các bài báo hay luận văn, nhìn chung đều bị phê phán và xem như là những sự thất bại).

           Ngược lại, những hình thức tri thức tuân thủ chính xác theo những luật tắc của diễn ngôn thì sẽ được công nhận. Ví dụ cho điều này là một bài báo khoa học “lỡm” gần đây đã tạo ra scandal: sau khi bài báo được xuất bản, người ta mới hay đó chỉ là một bài viết “chơi khăm”. Bài báo có tên: “Vượt qua những ranh giới: hướng đến một thông diễn học biến dạng về trọng lượng lượng tử”, do Alan Sokal, một nhà vật lý người Mỹ, làm việc tại Đại học New York, viết. Bài viết được gửi cho tạp chí nghiên cứu văn hóa Social Text như là một sự chơi xỏ. Sokal muốn chứng minh sự trống rỗng của nghiên cứu văn hóa bằng việc đăng một bài báo mà thực chất là vô nghĩa, nhưng bài báo đã tuân thủ chính xác cách trích dẫn các lý thuyết gia “đúng đắn” (correct) và đưa ra những lập luận “xác đáng” để vừa khuôn với khuynh hướng chính thống của nghiên cứu văn hóa. Bài báo được chấp nhận vì như Peter Jones nói: “Nó dùng biệt ngữ. Đó là tất cả những gì đáng kể. Đánh giá các luận điểm không phải là cái đáng để quan tâm.” (Jones, 1996: 16). Rõ ràng đây là một cách nói cường điệu nhưng thực sự bài báo đuợc đăng là vì nó tuân theo những nguyên tắc diễn ngôn thịnh hành trong lĩnh vực đó.

           Những phân tích diễn ngôn của Foucault trong “Trật tự của diễn ngôn” đạt đến tính chất thấu thị là vì ông tập trung vào sự cưỡng chế (constraint) – cách mà chúng ta hoạt động bên trong những giới hạn diễn ngôn – hơn là xác nhận rằng con người được tự do biểu đạt bất cứ cái gì mà mình muốn. Việc tập trung vào sự kiềm chế này có thể xem như là một sự phủ định cố hữu nhưng trong công trình sau này của ông, “Lịch sử tính dục”, mà ở chương trước đã đề cập đến, cảm thức về sự cưỡng chế này có thể được xem như là một sự giới hạn, mà còn là sự năng sản. Kiến thức chỉ có thể được tạo ra thông qua quá trình kiếm chế này.

           Quan niệm của Foucault về tác giả cũng rất quan trọng đối với việc phân tích các cấu trúc của diễn ngôn, vì tác giả đã thôi không còn là kẻ duyệt ý nghĩa của văn bản nữa mà trở thành một hình thức tổ chức một nhóm văn bản. Tác giả không còn là “một cá nhân cất lời, người nói hay viết một văn bản, mà… là một nguyên tắc để nhóm lại các diễn ngôn, được quan niệm như sự thống nhất và cội nguồn của ý nghĩa” (Foucault, 1981: 58). Các nhà phê bình thường sử dụng ý niệm về tác giả để áp đặt một cảm thức về trật tự và những mối bận tâm hết sức hạn hẹp (a set of restricted concerns) lên hàng loạt các văn bản hầu như có rất ít điểm chung. Cả Barthes và Foucault đều nói đến cái chết của tác giả, gợi mở một sự thay đổi động hướng từ chỗ quan tâm đến bản thân tác giả đến chỗ chú ý đến vai trò của độc giả trong việc tạo ra sự diễn dịch một văn bản, theo Barthes và đến vai trò của cái được gọi là “tác giả – chức năng” (author –function), theo Foucault (Foucault, 1980b; Barthes, 1986). Tác giả – chức năng là nguyên tắc tổ chức để nhóm các tác văn bản riêng rẽ vốn thường không có điểm chung nào lại. Như thế, sự nghiệp văn học của Jane Austen chẳng hạn, được cấp cho một sự mạch lạc và được nhìn nhận như một quá trình ngày càng hoàn thiện từ tiểu thuyết đầu tay đến những tác phẩm sau này và các tính ngữ như “còn non” (immature) hay “đạt đến độ chín” (mature) được dùng để mô tả tiến trình này. Tương tự, các tác phẩm của Shakespeare được tập họp lại và được bàn bạc trên cơ sở những đặc điểm chung về phong cách, cho dù vấn đề quyền tác giả của một số vở kịch và bài thơ vẫn còn thuộc diện nghi vấn. Thứ tự sự về quá trình tiến triển này và ý niệm về tác phẩm là điều mà Foucault nghi ngờ, ông đặt ra câu hỏi rằng thực ra, đây có phải là cái trật tự mà chúng ta áp đặt lên văn bản, theo những giả định của chúng ta dựa trên thông tin về tiểu sử tác giả? Sự phê phán của Focault đối với khái niệm tác giả trong các văn bản văn chương là hết sức sâu sắc, vì nó cho phép chúng ta thoát khỏi cách phân tích văn bản dựa vào cuộc đời nhà văn, cái mà Foucault cho rằng thực chất là một loạt những văn bản khác nữa.

          Foucault lưu ý việc một số diễn ngôn có tác giả trong khi đối với một số khác, khái niệm quyền tác giả lại gần như không cần phải đặt ra: một tài liệu pháp lý không có tác giả bởi lẽ quyền tác giả của nó bắt nguồn từ thiết chế, chính phủ phê duyệt nó hơn là từ cá nhân làm nhiệm vụ soạn thảo và biên tập. Một văn bản quảng cáo không có tác giả vì nó được xem là một thứ văn bản nhất thời và được sáng tạo bởi một nhóm người hơn là một cá nhân đơn lẻ. Nhưng văn bản văn chương có lẽ là điển hình cho loại văn bản có tác giả, cho dù vấn đề chủ sở hữu sáng tạo của nó rất phức tạp, vì hơn bất cứ loại văn bản nào khác, văn bản văn chương được hình thành như là phản ứng đối với những kiếm chế (constraints) của những văn bản khác. Bản thân chúng cũng nằm trong sự cưỡng chế này. Văn bản văn chương là thứ mang tính liên văn bản rõ nét nhất, nó quy chiếu đến những văn bản khác bằng sự dụng điển, bằng những cấu trúc hình thức ( giọng trần thuật, cốt truyện, nhân vật, v.v…), thế nhưng đó lại là những văn bản mà ở đó, sự độc sáng của cá nhân tác giả được xem là điều quan trọng nhất. Những quan điểm của chủ nghĩa lãng mạn thế kỷ XIX về người nghệ sĩ sáng tạo đã thấm nhuần vào cảm quan của chúng ta về quyền năng của tác giả. Như Diane Macdonnell nhận định: “Khái niệm tác giả như một nguồn cội sáng tạo tư do ý nghĩa của một cuốn sách bắt nguồn từ những hình thức mang tính pháp lý và giáo dục của diễn ngôn chủ nghĩa nhân văn tự do nảy sinh vào cuối thế kỷ XVIII- đầu thế kỷ XIX; đó không phải là một khái niệm tồn tại bên trong các diễn ngôn vừa mới phát triển gần đây.” (Macdonnell, 1986:3).

         Foucault hoài nghi ý niệm về sự sáng tạo, ông cho rằng người ta hiếm khi nói được cái gì hoàn toàn mới, thậm chí khi một ý tưởng mới được trình chánh thì nó cũng được hình thành bên trong sự cưỡng chế của những gì đã được tư duy trước đó; thêm nữa, khi một ý tưởng mới phát triển thì vấn đề quyền sở hữu cũng lại là điều khiến Foucault băn khoăn: có rất nhiều nhân tố khác ngoài trí tuệ của con người tham gia vào quá trình hình thành một ý tưởng. Do vậy, một sự phân tích theo kiểu Foucault sẽ tập trung vào hoàn cảnh tiếp nhận những ý tưởng mới và có lẽ sẽ cố gắng phân tích những ý tưởng và phát kiến không được một xã hội nào đó phê duyệt và xem như có thể chấp nhận được trong thẩm quyền của nó.

          Một ví dụ làm sáng tỏ điều này là tranh cãi ở phương Tây trong trường kỳ lịch sử về việc làm thế nào để có thể làm ra một bộ lịch chính xác, hoàn toàn ăn khớp và đánh dấu được các giai đoạn của các mùa và nhiều lễ hội khác nhau của đạo Thiên chúa như lễ Giáng Sinh và nhất là lễ Phục Sinh (Duncan, 1999). Mặc dù rõ ràng con người thời xưa ai cũng thấy bộ lịch không trùng khớp với các mùa, vì ngày hạ chí đôi khi lại rơi vào mùa thu, nhưng khi nhà khoa học kiêm tu sĩ Roger Bacon vào năm 1272 đề xuất với Giáo hoàng Clement về việc phải thay đổi lịch, vì ông đã tìm ra được một cách chính xác hơn để đo chuyển động của trái đất trong tương quan với mặt trời và mặt trăng, ông đã bị kết án vì đã có những “ý nghĩ lập dị đáng ngờ” (Duncan, 1999:8). Vì những bằng chứng thiên văn học của Bacon không ăn khớp với giáo điều của nhà thờ ở thời điểm đó, ông bị tống vào tù và bị cấm giảng dạy. Phải đến tận thế kỷ XVIII, lịch mới được cải tiến theo hướng mà Bacon đã đề xuất.

          Foucault không cho rằng không hề có sự sáng tạo cá nhân nào. Thay vào đó, ông cho rằng cá nhân nào cũng có tiềm năng sáng tạo bên trong sự cưỡng chế của diễn ngôn vốn cho phép tạo ra các ý tưởng và văn bản. Phần lớn chúng ta đều để cho năng lực sáng tạo của mình bị thui chột ngay từ khi còn nhỏ bởi những áp lực của xã hội bắt chúng ta phải thỏa hiệp thông qua hệ thống giáo dục. Có lẽ ông muốn chất vấn cái giả định cho rằng xã hội chia thành một nhóm rất nhỏ gồm các thiên tài như Einstein, Shakespeare và da Vinci và bộ phận còn lại là những người không có khả năng tư duy sáng tạo (tư duy thách thức những giới hạn của sự cưỡng chế diễn ngôn).

        Tất cả những cơ chế cấu trúc, cưỡng chế và truyền lưu thông tin đều có một hệ quả gần giống nhau: chúng dẫn đến việc tạo lập diễn ngôn, nhưng chỉ một số kiểu diễn ngôn mà thôi. Theo nghĩa nào đó, chúng khẳng định rằng: cái gì có thể nói được và cái gì có thể được xem là tri thức là rất hạn chế, chúng chỉ có thể xuất hiện bên trong những ranh giới được phân định rất rõ và đã được nhận thức. Điều này bảo đảm rằng tri thức ở một thời điểm cụ thể đều có một sự đồng nhất nhất định. Như thế không có nghĩa là mọi cả nhân ở một thời đại nào đó đều có cùng một thế giới quan đặc trưng; ở đây chỉ muốn nói rằng tất cả những phát ngôn và văn bản được chấp thuận đều được tạo ra bên trong những cưỡng chế diễn ngôn giống nhau.

KẾT LUẬN

         Điều mà ta có thể rút ra từ các công trình về cấu trúc diễn ngôn ở giai đoạn đi theo cấu trúc luận của cả Barthes và Foucault là diễn ngôn được tạo nên bởi một tập hợp những quy định bất thành văn. Những luật tắc đối với việc tạo lập diễn ngôn dường như không nhất thiết phải được một cá nhân hay một nhóm nào đó soạn ra, cũng không phải được tạo ra vì lợi ích của một nhóm cụ thể nào, mặc dù trên thực tế, chúng có thể phục vụ cho những lợi ích đó. Đối với nhiều người, sự tùy tiện của các cấu trúc diễn ngôn là ở sự rối rắm của chúng; chúng ta có cảm giác suy nghĩ và phát ngôn của chúng ta không đơn giản nảy sinh từ ý chí hay trí tuệ của mỗi cá nhân; thay vào đó, chúng ta nhận thấy cái mình có thể biểu đạt và cái mà ta nghĩ mình muốn biểu đạt bị cưỡng chế bởi những hệ thống và luật lệ mà trong chừng mực nào đó, nằm ngoài sự kiểm soát của con người. Đó là những hệ thống mà không phải bao giờ, ta cũng phải nhất thiết nhận thức được về chúng và chỉ có thể thông qua phương pháp khảo cổ mà Foucault và Barthes khởi xướng, ta mới bắt đầu nhận thức được nhưng khung khổ mà bên trong chúng, diễn ngôn được tạo lập và bên trong diễn ngôn này, chúng ta hình thành nên những phát ngôn và ý nghĩ của mình. Lý thuyết hậu cấu trúc và hậu hiện đại đã làm xói mòn phần lớn nền móng của chủ nghĩa cấu trúc, đặt ra nghi vấn về sự tồn tại của các cấu trúc nói chung. Tuy nhiên, công trình ở thời kỳ đầu của Barthes và Foucault có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy chúng ta tư duy sâu hơn về nguồn gốc của chính cái cơ cấu mà suy nghĩ của chúng ta nằm trọn trong đó.

CHÚ THÍCH

1. Episteme có thể được phát âm là ay/pis/te/may nếu muốn cho thấy đây là từ gốc Pháp (épistèmé) nhưng hầu hết mọi người đều phát âm nó trong tiếng Anh là ep/is/teem.

2. Foucault không bận tâm đến quan niệm dụng học về phát ngôn cá nhân; khác xa Austin hay Searle, vấn đề phát ngôn cá nhân không phải là tiêu điểm chú ý của ông, mà là những luật lệ chi phối việc hình thành phát ngôn nói chung và những giới hạn của cái có thể biểu đạt được (xem Searle, 1979).

3. Công trình của Norman Fairclough về sự biến đổi trong các cấu trúc diễn ngôn, ở phương diện này, rất lý thú, vì ông đã đưa ra những mô tả chi tiết từ những thay đổi ở mức rất nhỏ đến những tri thức hệ hiện thời (Fairclough, 1992b). Công trình của Jonathan Potter bàn về việc làm thế nào để một sự vật, sự việc nào đó được coi là một sự thực (fact) cũng rất đáng tham khảo.

4. Vì thế, gần đây, Anh đã xây dựng pháp chế để đẩy mạnh hơn nữa việc chăm lo thuôc thang cho những người bị coi là tâm thần (Bình luận xung quan vấn đền này, xin xem tạp chí Feminist Review, số 68, năm 2001 – số đặc biệt về phụ nữ và sức khỏe tâm thần )

                                                                                                                                                    

Hải Ngọc dịch, nguồn: Sara Mills, Discourse (New Critical Idiom), NY: Routledge 2004, p52-78.

Nguồn: Viện Văn học, ngày 14.3.2017.

Tranh minh họa thơ Hồ Xuân HươngTranh minh họa thơ Hồ Xuân Hương

Chúng tôi không phải là những người đầu tiên làm việc này. Nhiều người Việt nam trước chúng tôi đã viết bài bằng tiếng nước ngoài hoặc chính những ngưòi  nước ngoài, nhất là những nước vì nhiều lý do lịch sử đã dính líu sâu đậm vào thời cuộc Việt nam như Trung quốc, Pháp, Hoa kỳ, Liên xô. Nhiều người thuộc các quốc gia đó đã viết về lịch sử văn hoá văn học Việt nam.

 Có người đưa ra lối nhìn độc đáo trái ngược với lối nhìn quen thuộc. Chẳng hạn M.E.Villard viết bài biên khảo về văn chương An nam, thơ và ca dao dân gian ( Etude Sur la Littérature Annamite, Poésie et Chants Populaires đăng trong tạp chí Excursions et Reconnaissancesố 8-1880 in lại năm 1882 impr.du gouvernememnt Saìgòn.) Trong bài này Villard cho rằng Lục văn Tiên là một tác phẩm vô danh và thật là nhầm lẫn nếu gán cho Nguyễn đình Chiễu là tác gỉa vì Nguyễn Ðình Chiểu chỉ là soạn gỉa một bản được sao chép lại theo tiếng Nam Kỳ, còn chính bản gốc Lục Vân Tiên là một anh hùng ca, xuất phát từ thời thượng cổ ở Miền Bắc, sâu sắc về tư tưởng phản ảnh những giá trị nhân loại có tính cách phổ biến, còn về mặt văn chương thì tuyệt vời, trong khi truyện Kiều theo Villard chỉ là phóng tác theo 1 truyện Trung quốc có tính cách của 1 truyện phong tình tương tự truyện Justine của Pháp : "Nguyễn Đình Chiễu là tác giả 1 bản Lục Vân Tiên bằng chữ Nôm, nhưng về xuất xứ Lục Vân Tiên được biết đến ở Bắc Kỳ từ thời thượng cổ có thể do những người hát dạo sáng tác và truyền miệng. Sự kiện đó giải thích tại sao tôi có nhiều bản văn hơi khác nhau."

Rất tiếc tác giả đưa ra những khẳng định như vậy mà không giới thiệu các văn bản khác nhau mà ông nói đang có trong tay. Ước mong có những nhà biên khảo ở Pháp tìm đến gia đình con cháu của ông có thễ giữ những bản Nôm Lục vân Tiên "Xem Nghi Vấn Về Tác Giả Lục Vân TiênNguyễn Văn Trung, báo Khởi Hành số 45 tháng 7-2000 Hoa Kỳ,  và Tạp Chí Văn Học Viện Văn Học Hà Nội, tôi chưa tìm ra số báo đã gửi cho tôi.

Những người sống ở miền nam sau 1955 sẻ thú vị nếu được đọc những bài biên khảo gần đây của các nhà nghiên cứu Nga như viện sĩ Riplin, tiến sỹ Niculin và học gỉa người pháp Françoise Correze, Henry  Lopes phó tổng giám đốc UNESCO có những bài viết sâu sắc thú vị về Hồ Xuân Hương (theo Mai Quốc Liên, Bàn Lại Chuyện Xuân Hương, Tuần Báo Văn Nghệ, số 7, không ghi được năm tháng). Nhưng cũng thật tiếc nhiều nhà biên khảo về tôn giáo, Phật gíao, Kitô giáo, tín ngưỡng Dân Gian, không lưu tâm đến Việt Nam có người theo đạo Phật, đạo Chúa và có nhiều tín ngưỡng Dân Gian như các nơi khác, chẳng hạn giáo sư Stephen Teiser  viết bài : "Ghost And Ancestors In Medieval Chinese Religion : The Yu-lan Pèn Festival Of Morturary Ritual" ( Vong Hồn Và Tổ Tiên Trong Tôn Giáo Trung Quốc Thời Trung Cổ, Lễ Vu Lan Bồn Xét Như Một Nghi Thức Tang Lễ ) đăng trong tạp chí History of Religions, ÐH Chicago số tháng 8-1986. Nhà nghiên cứu nghi thức Kinh Vu Lan Bồn Trung Quốc và các nước Đông Nam Á nhưng không nhắc đến Việt Nam vùng Đông Nam Á như thể Việt Nam  không có nhiều người theo đạo Phật.

Ở Việt Nam  lễ Vu Lan được tổ chức trọng thể như lễ Phật Đản, có đọc Kinh Vu Lan Bồn bằng chữ Phạn nhưng cũng có Kinh Vu lan phóng tác bằng chữ quốc ngữ theo thể thơ cổ 4 chữ nôm na dễ hiểu. Ðó là phần đóng góp của Phật giáo Việt Nam vào Phật giáo quốc tế. Tìm hiểu rộng hơn, cũng phải ghi nhận trong sách Kinh Công Giáo của một vài địa phận miền Bắc có Kinh Cầu Hồn diễn tả bằng thể thơ bốn chữ cấu trúc lời kinh tương tự Kinh Vu Lan Bồn quốc ngữ. Kinh cầu hồn này khác hẳn Kinh Vực Sâu phóng tác theo ca vịnh Deprofundis bằng tiếng La tinh. Ðó là phần đóng góp của đạo Chúa ở VN vào văn học Công Giáo thế giới.Giáo sư Larissa Tracy làm một luận án tiến sĩ về Women of the Legende : A Selection of Middle English Saints Lives, Dublin xuất bản 2003, nói về ba Thánh Nữ được rút ra từ bộ Golden Legend của Jacobus Voragin sưu tầm và biên soạn từ thế kỷ 13 thời trung cổ cốt truyện của ba thánh nữ này Theodora, Marina,Margaret Pelagia thật giống nhau. Giáo sư sẽ ngạc nhiên nếu được biết ở Việt Nam có truyện Quan Âm Thị Kính trong truyền thống Phật Giáo và cốt truyện này y hệt cốt truyện Ba Thánh Nữ Tây Phương và giáo sư sẽ thích thú hơn nếu được biết thêm một trong ba Thánh nữ thời Trung Cổ Âu Châu Theodora được giới thiệu không phải bằng tiếng La tinh hay các tiếng Âu Châu nhưng bằng chữ Nôm vào thế kỷ 17 do Linh mục Dòng Tên Maiorica, sang giảng đạo ở Việt Nam đã phóng tác một bản nào đó bộ truyện các Thánh của Voragine vì bộ này có nhiều bản văn khác nhau với số lượng truyện nhiều ít khác nhau. Theo Philiphe Bỉnh, một Linh mục VN chết lưu vong ở Bồ Đào Nha thì bản Nôm các Thánh truyện do một Hoà thượng theo đạo Chúa cộng tác chặt chẽ với Maiorica.

Nhà thần học người Ðức nổi tiếng biên khảo một công trình gồm hai tập nguyên bản tiếng Ðức có bản dịch Pháp Văn về Phân Tâm Học và Khoa Chú Giải Eugen Drewermann : Tiefenpsychologie and Exegese, bản dịch tiếng Pháp: Psychanalyse et Exegèse, tome1.  La vériré des formes: rêves, mythes, contes, sagas, et légendes. Tome 2. La vérité des œuvres et des paroles, miracles, visions, prophéties, apocalypses, récits, histoires, paraboles. Paris, Seuil 2002 và 2002. Trong bộ biên khảo này, tác giả có ý chứng minh lời Chúa không phải chỉ được mặc khải và truyền đạt trong Kinh Thánh các sách Thần Học mà qua những biểu lộ của tín ngưỡng Dân Gian như các giấc mơ thần thoại truyền thuyết, phép lạ, ngụ ngôn…. Thật tiếc tác giả đã sưu tầm và sử dụng rất nhiều tài liệu về tín ngưỡng Dân Gian của hầu hết các nước thuộc năm châu nhưng không để ý đến Việt Nam mặc dâù Việt Nam có tục thờ kính năm Thánh Mẫu thuộc tín ngưỡng Dân Gian rất phổ biến và từ khi đạo Chúa được đưa vào Việt Nam từ những thế kỷ XVI, XVII, Việt Nam có thêm thánh mẫu Maria, không phải đối tượng của thần học Thánh Mẫu mà là đối tượng của tín ngưỡng Dân Gian qua việc sùng kính các Ðức mẹ La Vang, Bến tre, Trà Kiệu như đức mẹ Lộ Đức, đức mẹ Fatima. Người theo đạo Phật hay chỉ tin tín ngưỡng Dân Gian có thể đến một đền thờ thánh mẫu Liễu Hạnh để xin con cầu tự cũng như người công giáo có thể đến đền thờ đức mẹ La Vang để xin cầu tự. Những sự tích thực ra là những truyền thuyết về Quan Âm Thị Kính của Việt Nam và các Quan Âm Thị Kính của Tây Phương, tạo thành truyện của nhà Chùa và nhà Chúa giống nhau khít khao không thể không làm cho người đọc tìm hiểu tại sao như vậy. Những tìm hiểu bước đầu của chúng tôi đã cho thấy nổi bật lên vấn đề người đàn bà trong kinh thánh, kinh phật và trong các xã hội cổ xưa có người theo đạo Chuá và đạo Phật. Tại sao người đàn bà trong những xã hội đó phải giả trai làm quan để đi thi hay đi tu? Tại sao trước những bỏ vạ cáo gian, người đàn bà lại nhẫn nhục chịu đựng trong thầm lặng cho đến chết mà không thanh minh tự biện hộ và sau cùng tại sao những người trong cộng đoàn nhà Dòng, nhà Chùa lại dễ dàng tin theo những bỏ vạ cáo gian không chịu tìm hiểu và quyết định đuổi người chị em của mình ra khỏi Nhà Dòng nhà Chùa mà để họ nuôi con cho đến chết.

Việc tìm  hiểu đưa đến những quan niệm của đạo Chúa về tội lỗi, đền tội và của đạo Phật về luật nhân qủa, những nghiệp chướng của một kiếp người; nhưng cuối cùng giáo lý khác nhau của hai đạo đều đưa đến một thái độ giống nhau trước thử thách.Xin đưa ra một trường hợp khác : Jean Paul Sartre và Hồ Xuân Hương. Người đọc có thể thắc mắc làm sao quan niệm được có một mối liên hệ nào giữa hai tác giả khác nhau về nền văn hóa và sự nghiệp văn học? Trước hết xin thưa chúng tôi đi vào công trình tìm hiểu này là những người đã có một quá khứ hàng mấy chục năm nghiên cứu giảng dạy ở đại học về triết học văn học và đã  chỉ nhận ra mối liên hệ giữa hai tác giả kể trên về cuối đời của mình; ngoài ra chúng tôi muốn làm việc này một cách thật nghiêm chỉnh, còn thành công thuyết phục được người đọc hay không là một chuyện khác. Một sự kiện gợi ý cho chúng tôi làm việc nghiên cứu đối chiếu này là báo chí Pháp đã ra những số đặc biệt kỷ niệm 100 năm (1905-2005) ngày sinh của J.P Sartre. Nhân dịp kỷ niệm này người ta nhìn lại cuộc đời sự nghiệp văn học của Sartre và vì chúng tôi đã từng viết, dạy về Sartre mấy chục năm trước đây cũng muốn nhìn lại Sartre trong khuôn khỗ văn học Việt Nam. Sau khi Sartre qua đời 1980 phần lớn những gì ông đã viết về chính trị liên quan đến thời đại của ông bị ám ảnh chi phối bởi chủ nghĩa Mác và phong trào Cộng Sản và thái độ của ông đối với Mác, Cộng Sản có nhiều sai trái lệch hướng lỗi thời nên không được nói tới nữa chỉ còn con người và điều đáng qúy nổi bật là tấm lòng quảng đại hào hiệp của Sartre. Những số tiền lớn ông nhận được về bản quyền, ông không dùng để mua lâu đài, những bức tranh mắc tiền theo nếp sống trưởng gỉa mà ông rất gớm ghét; nhưng bất cứ ai đoàn thể hay phong trào nào đến gõ cửa nhà ông yêu cầu giúp đỡ về tiền bạc đều được như ý. Ði ăn tiệm ông tỏ  ra rất hào phóng về tiền (bo). Về già khi chết ông không còn tiền theo lời kể của Bernard Henry Levy trong Le siècle de Sartre. Người ta chỉ chú ý tới các tác phẩm văn học và triết học  đặc biệt cuốn L’Être et le Néant khó đọc khó hiểu vì Sartre tạo ra nhiều từ ngữ mới để tìm hiểu cấu trúc của ý thức con người, nhưng đi từ mô tả những thái độ nếp sống hàng ngày của mọi người trong chúng ta. Một mô tả nổi tiếng là về người hầu bàn trong quán cà phê. Bản thân người này không sinh ra là người hầu bàn nhưng anh đã chọn làm nghề này để sinh sống và anh phải đóng vai trò người hầu bàn đúng như ý chủ và khách hàng chờ đợi ở anh (Il joue à être un garçon de café). Thực ra ai củng đóng vai trò nhân vật theo cái nhìn của người khác của xã hội đã qui định nếu không muốn bị mất việc bị chỉ trích chê trách. Do đó con người sống với người khác bị lệ thuộc caí nhìn của người khác để tồn tại không phải được sống theo ước muốn tự do của mình. Nhưng có trường hợp người ta muốn sống đóng vai hai nhân vật để hưởng lợi của cả hai mặc dầu đã lựa chọn đóng vai một nhân vật nhưng lại làm như thể chưa lựa chọn để có thể đóng vai một nhân vật khác. Sartre đã mô tả thái độ gọi là ăn hai mang hay nói theo tiếng pháp jouer sur les deux tableaux . Trong l’Être et Le Néant, Sartre mô tả một người đàn bà có hẹn hò với một người đàn ông. Nàng tính toán nếu không đi thì mất cái thú một buổi hẹn hò; nếu đi có thể phải đi tới quyết định một lựa chọn. Cuối cùng nàng quyết định đi nhưng sẽ làm như thể không quyết định dấn thân với người đàn ông. Ðến chỗ hẹn hò hai người nói chuyện và điều gì phải đến đã đến. Người đàn ông cầm tay người đàn bà. Nếu rút tay ra thì mất thú vị nhưng cứ để tay trong tay người đàn ông thì điều đó có thể biễu lộ một quyết định lựa chọn dấn thân. Người đàn bà không rút tay nhưng lúc đó đưa người đàn ông vào những chuyện trên trời dưới đất như thể cả hai chỉ là hai tâm trí tinh thần không phải hai thân xác với những bàn tay nóng hổi nắm vào nhau. Sở dĩ làm được như vậy vì theo Sartre ý thức con người có khả năng phủ nhận nghĩa là có thể tự lừa dối rồi lừa dối người khác và sau cùng tin sự lừa dối đó là thật. Sartre gọi đó là thái độ ngụy tín.  Ngụy tín nghĩa là không muốn có lựa chọn dứt khoát để hưởng thụ cái lợi của cả hai thái độ. Trong đời sống hàng ngày thái độ bắt cá hai tay thường hay xảy ra hoặc tự ý hoặc bó buộc trong một chế độ phải sống hai mặt hai con người.

Sartre đưa ra phân tách về cái nhìn của tha nhân về sự lệ thuộc vào cái nhìn của tha nhân và thái độ nguỵ tín nhưng bản thân ông giải quyết thế nào trong chính cuộc đời của ông về vấn đề lứa đôi gia đình Sartre có một người bạn gái học cùng trường tâm đồng ý hiệp hoạt động chung về mọi lảnh vực đi đâu cũng đi chung với nhau như một lứa đôi nhưng không phải vợ chồng vì họ từ chối hôn nhân không phải đả phá chế độ hôn nhân mà chỉ từ chối cho chính họ vì tôn trọng tự do của nhau nên họ không quyết định tiến tới hôn nhân. Cả hai đều có bạn tình riêng nhưng không phải ngoại tình vì không có hôn phối. Dư luận lúc cả hai người còn sống và sau khi họ qua đời mặc dầu  có thể thù ghét, đả kích hai người về chính trị, nhưng theo chỗ chúng tôi biết không ai phê phán kết án đời tư của họ. Nếu có dư luận nói ra nói vào thì họ cũng bất chấp. Một nhà tư tưởng đưa ra những phân tách sâu sắc về tình cảnh bị nhìn nghĩa là bị lệ thuộc cài nhìn của người khác nhất là đối với người đàn bà và lấy chính cuộc đời của mình để chứng minh con người ở đời không thể thay đổi được thân phận sống với người khác nhưng vẫn cố gắng giữ được bản sắc của mình sống trung thực với chính mình không để cho dư luận người đời chi phối đè bẹp nhân cách của mình; con người như thế bày tỏ một thái độ gọi là không thích nghi gọi là non-conformiste.

Chúng tôi cho rằng đó cũng là thái độ của Hồ xuân Hương, một người đàn bà làm thơ có một không hai trong lịch sử văn học VN. Chúng ta không biết rõ cuộc đời Hồ Xuân Hương; những gì biết được có thể chỉ là những giai thoại truyền tụng; do đó hướng tìm hiểu Hồ xuân Hương không đi từ tiểu sử chưa biết rõ để tìm hiểu văn thơ mà trái lại đi từ văn thơ để tìm hiễu con người phong cách Hồ xuân Hương về những thái độ đối với đời người và người đời. Không nên gán cho Hồ xuân Hương những vai trò sứ mệnh này nọ như Hoa Bằng đã làm; Hồ Xuân Hương là nhà cách mạng, chống nam quyền, chống phong kiến, chống Tăng.. (xem Hồ Xuân Hương nhà Thơ Cách Mạng nhà xuất bản Bốn Phương Sài Gòn 1949). Sartre trong L’Être et le Néant có phê phán cái mà ông gọi là tinh thần quan trọng hóa để chế diễu những nhân vật đóng vai trò nọ vai trò kia trong xã hội nhất là vai trò của những người làm cách mạng. Chế diễu thái độ quan trọng hóa coi mọi sự là nghiêm chỉnh. Phải chăng đó cũng là phong cách của Hồ xuân Hương vì nhà thơ này nhìn các nhân vật lớn bé đều chỉ là đóng kịch trên sân khấu cuộc đời như người hầu bàn đóng vai người hầu bàn trong quán cà phê mà Sartre đã mô tả; dưới con mắt của Hồ Xuân Hương chẳng có gì đáng coi là quan trọng nghiêm chỉnh, ngay cả cái sống cái chết của những người thân yêu cũng chẳng nên bi thảm hóa than khóc hoặc trách móc ông trời cái chết là một hoàn cảnh giới hạn mà ai cũng phải trải qua. Con người không thể thay đổi được cái chết, những hoàn cảnh giới hạn nhưng có thể thay đổi thái độ đối với nó. Trước một người đàn bà có chồng chết, Hồ xuân Hương dỗ người đàn bà đang đau khỗ đó phải biết vượt qua không để cho cai chết dằn vặt làm khổ mình vô ích; văng vẳng bên tai tiếng khóc chồng.

                         

       Nín đi kẻo thẹn với non sông.

Hoặc trong bài Khóc ông Phủ Vĩnh Tường ông Tổng Cóc, Hồ Xuân Hương cũng nhắc đến cái hoàn cảnh giới hạn là cái nợ ba sinh, cái giới hạn của duyên kiếp đến một lúc nào đó phải chấm dứt: "Thiếp bén duyên chàng có thế thôi."  Chết là hết vì miệng túi càn khôn khép lại thì còn than tiếc làm gì và biết chấp nhận những cái giới hạn thế thôi đó là những thái độ đối với đời người; còn đối với người đời có thể có thái độ bất chấp hoặc hơn nữa châm biếm mỉa mai dư luận nguời đời gán cho mình. Người đàn bà chửa hoang khó tránh khỏi bị thế gian chê cười nhưng đối với Hồ Xuân Hương nữ sĩ đặt vào miệng người đàn bà chửa hoang một lời thách thức dư luận có chồng mà chửa thế gian là thườngkhông chồng mà chửa mới ngoan.  Ừ tôi không có chồng mà chửa đấy thì đã sao?Có mấy bài thơ Hồ xuân Hương liên quan đến thái độ gọi là ngụy tín mà Sartre đã mô tả. Trường hợp ông sư trong mấy bài thơ của Hồ Xuân Hương. Ông sư sinh ra đâu có phải là sư, ông chỉ chọn làm sư về sau. Nhưng có lúc lại vẫn ham muốn thú vui trần tục mà ông đã tự nguyện từ bỏ. Ông không thể bỏ làm sư đồng thời củng không muốn từ bỏ thú vui trần tục nên ông bắt cá hai tay, jouer sur les deux tableaux, vẫn làm sư mà như thể không phải sư, hoặc không còn phải là sư mà vẫn là sư. Trong bài "Thiếu Nữ Ngủ Ngày" trưóc cảnh một người đàn bà ngủ hở hang không thễ tự vệ được người đàn ông trông thấy đối xử ra sao nếu là tiễu nhân thì có thể hành động, còn người quân tử thì sao; Hồ xuân Hương mô tả thái độ lưỡng lự không dám lựa chọn bỏ đi thì tiếc; ở lại làm bậy cũng không được :

       Quân tử dùng dằn đi chẳng dứt
Ði thì cũng dở, ở không xong. Ðó là thái độ chưa phải là ngụy tín.

Ðem những mô tả, cách thức đối xử với người đời và đời người biễu lộ những tư tưởng về phong cách và đó là triết học như Sartre đã làm chiếu rọi vào phong cách Hồ Xuân Hương qua thơ văn vẫn được coi là của nữ sĩ, chúng ta còn có thễ hiểu thái độ của Hồ Xuân Hương trước thiên nhiên trời non nước và thế giới động vật sự vật gồm những đồ dùng do con người tạo ra. Sartre đã đưa ra một lối phân tách gọi là phân tâm hiện sinh  rất gần gũi với lối gọi là phân tâm học vật chất của Bachelard, một nhà khoa học chủ trương thái độ mơ mộng từ thuở nhỏ là chung cho cả nhà khoa học và nhà thơ dựa vào những tiếp xúc từ thời thơ ấu của đứa trẻ với các nguyên chất, chất rắn, chất mềm, chất lỏng, chất nhờn, chất nhày đả tạo ra những cảm xúc và đọng lại trong tiềm thức là nguồn gốc sáng tạo khoa học và thi ca. Trong chiều hướng đó có thễ tìm hiễu thái độ của con người và đặc biệt người đàn bà trước thiên nhiên được biễu lộ qua văn học dân gian và của người đàn bà mang tên Hồ xuân Hương. Thơ Hồ xuân Hương phản ảnh tâm tình phong cách người đàn bà VN, xử dụng ngôn ngữ văn học dân gian. Hồ xuân Hương như mọi người đồng thời không giống ai vì Hồ xuân Hương có cá tính bản lảnh và hơn nữa có ý thức tự thân. Hồ xuân Hương tự xưng tên trước người khác.

     Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi.

     Này của Xuân Hương mới quyệt rồi

Ngày nay nhiều ca sĩ tự xưng tên trên sân khấu trước khán gỉa mà không biết có người đàn bà thi sĩ đã làm như vậy trước mình hàng trăm năm rồi.Một nét bày tỏ bản lãnh của Hồ Xuân Hương là ít dùng điển tích; phải  chăng vì dùng điển tích có nghĩa là đồng tình với quan điểm, theo lối nhìn của người khác dù đó là người xưa tổ tiên của mình? Nhưng Hồ Xuân Hương không thể trách được không dùng điển tích trong trường hợp con người không có kinh nghiệm về những gì ở trên trời ngoài trần gian, về mối quan hệ giữa trần gian và ngoài trần gian, giữa thời gian và vĩnh cửu. Hồ Xuân Hương không có cơ sở kinh nghiệm để phủ nhận những niềm tin bao hàm trong ước mơ cái vĩnh cửu, cái không thay đỗi của con người ở trần gian. Tuy nhiên ít ra Hồ Xuân Hương có thể bày tỏ thái độ hoài nghi những nhân vật trong các sự tích về niềm tin ước mơ của họ. Mặt trăng được nhân hóa hơn nữa được nam hóa và nữ hóa. Sự tích Thằng Cuội và sự tích Hằng Nga tuy khác nhau về truyện kể lại giống nhau về cái cốt truyện: Mơ ước của con người sống lâu trẻ mãi không gìa nhờ thuốc trừơng sinh. Nhưng mặc dầu đã ra khỏi trần gian những nhân vật của các điển tích vẫn nhớ tiếc trần gian mà không trở về hoặc  nhớ tiếc trở về trần gian như các sự tích về Thiên Thai Ðào Nguyên. Hồ Xuân Hương có mấy bài thơ về trăng đặc biệt bài hỏi trăng. Mặt trời mặt trăng từ mấy vạn năm vẫn hãy còn đấy nhưng tại sao mặt trăng thay đổi khi còn khi khuyết còn mặt trời luôn luôn vẫn thế.Ngọc thỏ ngồi gỉa thuốc trường sinh trên mặt trăng, đã ra khỏi hẳn trần gian chưa và nếu chưa nay đã bao nhiêu tuổi?  Hằng Nga tiêu biểu giấc mơ trẻ đẹp không gìa đã có chồng con khi ở t̀rân gian, nay ở trên cung trăng với chồng đã mấy con rồi?  Sở dĩ Hồ Xuân Hương có thể chất vấn những nhân vật huyền thoại trong các điển tích là vì họ vẫn tưởng nhớ trần gian: Lên năm canh tưởng nhớ ai đó và vẫn vấn vương tình duyên với nước non.Còn thiên nhiên ở dưới đất có sông núi biển cả cây cỏ. Sông núi biển cả có thể đứng xa mà nhìn ngắm, hoặc đứng gần, thật gần tiếp xúc bằng giác quan chất rắn ̣̣(đất đá),chất lỏng ( nước). Hồ xuân Hương không có thơ ngắm cảnh hùng vỉ  của nước non hoặc cảnh mênh mông của biển cả, chỉ có bài tiếp xúc với đồi đèo là phần đất nổi có thễ trèo vượt qua, còn núi không có bài leo lên mà chỉ có bài tả cái bên trong của núi là hang động hoặc khe hẽm do núi tách làm hai dựng thẳng như bức tuờng ở giữa có dòng sông nhỏ chảy qua. Hình tượng thiên nhiên hay nhân tạo đuợc Hồ Xuân Hương đặc biệt lưu ý là chỗ trũng như ao hồ giếng hoặc chỗ trống trong hang động . Tất cả những chỗ trũng chỗ trống của thiên nhiên hay những cái lỗ do con người đào lên đễ đóng cọc. Cái lỗ trong thiên nhiên hay nhân tạo được xử dụng đễ ám chỉ cái lỗ trên thân xác con người từ mặt trở xuống, thân xác đàn ông đàn bà đều có những lỗ giống nhau trừ 1 cái lỗ chỉ đàn bà có cái lỗ đó liên quan đến sự sống sự chết của con người như tục ngữ thành ngữ đã nhắc đến: Không có cha mẹ ai ở lổ nẽ mà lên, chết là xuống lỗ.

Ðàn bà có một cấu trúc cơ thể và một thời gian khác hẳn đàn ông: tuổi dậy thì có kinh nguyệt lúc mang thai, lúc sinh con và lúc tắt kinh đó là những biến đổi cơ thể biểu lộ một thời gian đứt đoạn của người đàn bà. Nhưng biến cố quan trọng nhất của người đàn bà là biến cố sinh nở. Một người đàn bà thời nay, là nhà văn Lê Thị Huệ đang sinh sống ở California đã vìết một cuốn truyện nói về kinh nghiệm làm mẹ và làm mẹ Việt nam. Theo Lê Thị Huệ biến cố nội tại lớn nhất trong đời người đàn bà không phải là ngày đầu tiên có kinh hay ngày hôn phối mà là ngày lần đầu tiên sinh con tạo cho mình một kinh nghiệm về tha nhân, không phải ở ngoài mình mà ở trong cơ thể của mình. Tha nhân trong thời kỳ là bào thai là hoàn toàn bất lực tạo cho người mẹ quyền hành sử tuyệt đối và do đó cho người mẹ cảm nhận về quyền tham dự vào việc sáng tạo sự sống thường chì dành cho tạo hóa. Hồ Xuân Hương mượn hình tượng cái lỗ để nói về cả cái bên trong cái được che dấu mà chẻ mở ra với điều kiện. Người đàn bà sinh con rất nhạy cảm về tất cả những gì liên quan xa gần tới việc sinh nở và liên quan đến người đàn ông, tham dự vào việc sinh nở.

Hồ Xuân Hương không nhắc đến bọn tiễu nhân mà chỉ nói với hiền nhân quân tử: Quân tử có thương thì bóc yếm, xin đừng mó máy lỗ chân tôi. Những bài thơ của Hồ xuân Hương liên quan đến cảnh vật nói về đồi đèo (đèo Ba dội) Hồ xuân Hương mô tả ba đèo tiêu biễu cho ba chỗ nỗi lên trên thân xác người đàn bà có thễ vượt qua. Thật khó tìm ra những bài thơ bày tỏ tác gỉa gắn bó lưu luyến với phong cảnh đất nước vùng mình ở và lấy tên sông núi vùng mình làm bút hiệu như Tản Ðà. Hồ Xuân Hương không gắn bó với cảnh vật ở các địa phương mà nhà thơ đã đi qua tương tự thái độ người hát dạo thế nào thì Hồ Xuân Hương cũng làm thơ như vậy những bài thơ tả cảnh không những không bày tỏ một tình cảm quyến luyến quê hương mà còn bày tỏ thái độ tra hỏi chất vấn đôi khi một cách mỉa mai nhạo báng. Có ba bài thơ gọi là Tự Tình, nhà thơ nhìn lại cuộc đời mình cho thấy con người sinh ra sống trôi nỗi như con thuyền lênh đênh trên mặt nước không định hướng, đường tình duyên gặp nhiều trắc trở, thời gian qua đi đưa tuỗi xuân đến tuỗi gìa không gì cản nổi mặc dầu Hồ Xuân Hương vẫn thách thức không chấp nhận. Một cuộc đời như vậy có ý nghĩa gì có đáng sống hay không? Phải đặt ra những câu hỏi nền tảng kể trên để tìm hiểu phong cách sống theo Hồ xuân Hương. Phải chăng phong cách đó bày tỏ một thái độ hoài nghi không tin trời phật, trời của tín ngưỡng Dân Gian và Phật thuộc tôn giáo. Hồ xuân Hương không lưu tâm giáo lý đạo Phật mà chỉ nhìn đạo Phật qua những người mang danh nhà Phật là giới sư sãi, Hồ xuân Hương thấy những ông sư mà Hồ Xuân Hương gọi là sư hổ mang chỉ là những người phàm trần không dứt bỏ được tính ái. Những hiền nhân quân tử tiêu biểu cho đạo Nho cũng thuộc hạng người ai là chẳng mỏi gối chồn chân vẫn muốn chèo đến cái cửa son đỏ loét. Những kẻ cầm quyền cai trị vua chúa cũng yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày. Chúa dấu vua yêu một cái này.

Tất cả chẳng qua đều đóng vai những nhân vật và con người thực của họ đều rất tầm thường hạ cấp như vậy thật dễ hiểu Hồ Xuân Hương không kính trọng những nhân vật thường được kính trọng. Ngay cả gía trị đạo đức được coi là cao cả trong truyền thống Á Châu là tự sát được dân chúng lấp đến thờ không phải chỉ thờ những người chống xâm lược tự sát khi thất thế mà cả kẻ xâm lược vì đều giữ được cái gọi là khí tiết, Hồ Xuân Hương cũng coi thường (đền Sầm nghi Ðống). Sau cùng thái độ bất chấp dư luận người đời đối với mình, không phải mọi người thường đều có thái độ như Hồ Xuân Hương, người ta vẫn cầu trời vái phật tin vào số mệnh, kính trọng nhà tu vua chúa nhưng cũng có người có phong cách như Hồ Xuân Hương. Phong cách của người coi cuộc đời mình sinh ra không thấy hướng đi không có đấng nào đế tôn thờ không có một ai để kính trọng, không có giá trị nào đế gắn bó làm tiêu chuẩn cuộc đời không có cản vật nào để lưu luyến. Ði tìm hiểu một phong cách như thế. Nghe thấy văng vẳng (chữ của Hồ xuân Hương) tiếng của một nhà triết học sinh sau Hồ Xuân Hương hằng thế kỷ. Nhà triết học này suy nghĩ về hiện hữu có trước suy tư ( prereflexif) và sử dụng những khái niệm triết học vẫn có hay tạo ra những khái niệm mới để mô tả hiện hữu như một sự kiện có đó như thế đấy(facticite) một cách tình cờ vô thường không phải tất yếu (contingence). Hiện hữu đó thiết yếu bên cạnh người khác và cái nhìn của tha nhân biến tôi thành sự vật do đó tha nhân là sự sa đoạ nguyên uỷ của tôi (Ma chute est l’existence d’autrui) con người là một dự phóng nền tảng bao gồm những dự định này dự định kia nhưng rút cuộc mọi dự định đều đưa đến thất bại và do đó con người là một đam mê vô ích (l’homme est une passion inutile) đó là mấy ý tưởng then chốt của Jean-Paul Sartre

Ðó là một vài gợi ý về hướng nghiên cưú đối chiếu Jean-Paul Sartre và Hồ Xuân Hương. Chẳng may từ mười tháng nay tôi bị bệnh suy thóai mắt không đọc viết được, đang chữa trị và hy vọng sẽ phục hồi được thị giác đễ có thễ đọc lại cuốn L’être Le Neant mới viết bài được. Trước mắt xin giới thiệu bài của ông bạn Lê Phụng, bạn đọc có thễ đọc bài này net : http://www.vutien.com.

Chúng tôi không dừng lại công trình biên khảo về Sartre và Hồ xuân Hương, dự định tiếp tục với một vài tác gỉa khác như Nguyễn Công trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương mà chúng tôi đã nhận ra mối liên hệ của mấy nhà thơ Nôm này với các nhà triết học tây phương. Sau cùng chúng tôi cũng muốn làm nghiên cứu đối chiếu một vài tác gỉa viết chữ quốc ngữ với văn học pháp hồi đầu thế kỷ XX. Việc tìm hiếu này tương đối dễ dàng vì chính tác gỉa cho biết mình đã cảm hứng sáng tác sau khi đọc những tác gỉa pháp. Như trường hợp Hồ Biểu Chánh. Cuốn tiểu thuyết dài Ngọn Cỏ Gío đùa đã được sáng tác do cảm hứng bộ truyện Les Misérables của Victor Hugo. Người không đọc Victor Hugo không thể nhận ra mối liên hệ giữa hai nhà văn như Hồ hữu Tường đã ghi nhận (1).Trường hợp thứ hai là đối chiếu thơ Nguyên Sa với thơ Paul Eluard. Những trí thức sống ở pháp vào thời kỳ sau thế chiến thứ hai không thể không cảm xúc suy nghĩ, trong bầu khí chính trị văn hóa bị tư tưởng Mác xít và phong trào cộng sản chi phối. Nhóm sinh viên du học nguyên Sa, Ðỗ Long Vân, Trịnh Việt Thành, Hoàng Anh Tuấn…,  thật dễ hiểu họ không thể không liên hệ xa gần với những trào lưu tư tưởng chính trị văn học khuynh tả thân cộng hay cộng sản. Trịnh Viết Thành còn vào đảng cộng sản Pháp. Nhưng sau 1954 về Sài Gòn họ tạm gác hay quên đi những kỷ niệm đã tiếp nhận được ở Pháp. Nguyên Sa làm thơ tình giới hạn trong quan hệ anh em nam nữ. Nhưng khi chiến cuộc trở nên ác liệt. Nguyên Sa phải nhập ngũ đi học trường Võ Bị Thủ Đức và tình cảnh đó bó buộc Nguyên Sa phải nghĩ đến những quan hệ khác cũng thiết tha như quan hệ nam nữ, những quan hệ đối với đồng đội còn sống hay đã qua đời, những thơ văn viết trong thời kỳ này được đăng trong các tờ Ðất nước, Trình bày, Nghiên Cứu Văn Học nhưng những bài thơ đó bị kiểm duyệt không được xuất bản hoặc bị tịch thu ngay trên tờ báo. Trước tình hình đó Nguyên Sa và Thế Nguyên phụ trách nhà xuất bản trình bày đã quay roneo 200 trăm bản tập thơ Nguyên Sa những năm 60 để tặng bạn bè nhờ giữ hộ. Khi nguyên Sa còn sống và sau khi qua đời gia đình bạn bè đã xuất bản Nguyên Sa toàn tập nhưng thiếu mảng văn thơ  thời kỳ 65-75. Phải chăng vì những lời kết tội của Võ Phiến trong Văn Học Miền Nam coi những tờ Hành trình,  Ðất nước, Trình Bày là đóng góp cho cộng sản thôn tính Miền Nam và đó là loại văn thơ phản chiến. Những người làm văn thơ chống chiến tranh và bày tỏ tình cảm chống chiến tranh ngay trong các tập san của QÐCH một cách công khai không thể gọi thứ văn thơ đó là phản chiến. Từ phản chiến chỉ áp dụng ở Hoa Kỳ cho những người vì lý do lương tâm từ chối cầm súng còn những người sĩ quan làm văn thơ chống chiến tranh họ vẫn cầm súng để bảo vệ một vùng đất không phải là vùng tạm chiến theo ngôn ngữ của Miền Bắc và đó là một điểm để phân biệt quân đội VNCH với quân đội VNDCCH và ngay cả với quân đội của nhiều nước khác trên thế giới. Thử hỏi có quân đội nào kết hợp văn võ và cho ra những tờ nội san của các binh chủng đăng thơ văn của các sĩ quan bày tỏ công khai tinh thần chống chiến tranh chém giết nhất là chém giết những người cùng một dòng máu ngôn ngữ. Ðọc bài Nguyên Sa kể lại việc nhà thơ được một sĩ quan chỉ huy trường Võ bị Thủ Đức đề nghị làm một bài thơ để kỷ niệm mãn khóa bài thơ nhan đề Giã Từ Khóa Đàn Anh đã được đăng trong nội san nhưng không được đăng báo bên ngoài cho thấy chuẩn úy Trần Bích Lan ở trong quân trường cũng như ở ngoài đơn vị vẫn được trân trọng coi là nhà thơ, nhà giáo. Nếu đọc lại toàn thơ văn Nguyên Sa kể cả thời kỳ nhập ngũ này có thể nhận ra nguyên Sa đã tiếp cận thơ của những người như Paul Eluard, Louis Aragon. Chúng tôi mong ước có những người yêu thơ Nguyên Sa làm công trình nghiên cứu đối chiếu này, ông bạn Lê Phụng đã hứa sẽ đọc lại thơ Eluard và Aragon còn tôi cung cấp các tài liệu thơ văn chưa có trong toàn tập của Nguyên Sa.

Chúng tôi tin rằng những công trình nghiên cứu đối chiếu này có thể góp phần đưa tư tưỡng  văn học Việt Nam  vào diễn đàn tư tưởng văn học thế giới ngang tầm với các tác gỉa nổi tiếng Tây Phương.

Nguồn: Văn hóa Nghệ An, ngày 12.4.2018.

20180105 TZVETAN TODOROV

Ảnh: Nhà triết học, mỹ học và nhà lý luận văn học Tzvetan Todorov

Một luận đề cho rằng: văn học không liên quan gì về mặt ý nghĩa với cuộc sống, và theo đó, việc đánh giá văn học không cần để ý đến tác phẩm nói gì về cuộc đời. Luận đề này không phải do các giáo sư văn học thời nay bày ra, cũng không phải là một đóng góp đặc biệt của thuyết cấu trúc. Quan điểm đánh giá đó có một chiều dài lịch sử rất phức tạp, song song với sự thịnh hành của xã hội hiện đại. Để hiểu thêm và khách quan hơn, tôi muốn trình bày sơ qua những giai đoạn chính của sự hình thành đó. 
Để bắt đầu, cần phải nói ngay rằng, trong cái mà người ta gọi rất chính xác là lý thuyết cổ điển về thơ ca (la théorie classique de la poésie), đó chính là mối liên hệ với thế giới bên ngoài được khẳng định rất chắc chắn. Người ta nhớ và nhắc lại đến cả nhàm tai một vài cách diễn tả của các tác giả cổ điển, ngay cả khi người ta đã đánh mất đi ý nghĩa của tác phẩm. Chẳng hạn, theo Aristote, thì thơ ca là bắt chước (imiter) tự nhiên, còn theo Horace thì thi ca có sứ mệnh làm cho độc giả vui thích (plaire) và để dạy đời (instruire). Vì thế, mối liên hệ với thế giới bên ngoài, có một vị trí quan trọng đối với tác giả - người mà phải thấu triệt những gì xảy ra của thế giới ấy, và như vậy thì mới  có thể “bắt chước” được;  và cũng như đối với độc giả, thính giả thì mới có thể tìm thấy được niềm vui thú, và rút ra từ đó bài học cho chính cuộc sống của họ. 
Ở châu Âu, vào những thế kỉ đầu, Thiên chúa giáo bành trướng, thi ca có nhiệm vụ trước hết là truyền bá và biểu dương một triết lý, bằng cách giới thiệu một phiên bản dễ tiếp cận và ấn tượng nhưng lại kém chính xác. Đến lúc thoát ra khỏi cái triết lý nặng nề ấy, thi ca lại trở về bản chất hồn nhiên của nó. Thời Phục Hưng, thi ca có sứ mệnh phải Đẹp nhưng cái đẹp đó gắn liền với Chân và Thiện. Và ta cũng nhớ lại câu thơ của Boileau: “Không gì đẹp bằng chân lý và chỉ chân lý mới đáng yêu” (Rien n’est beau que le vrai, le vrai seul est aimable). Hẳn người ta cũng thấy rằng những công thức ấy chưa được đầy đủ, nhưng thay vì vứt đi, người ta tìm cách làm cho phù hợp với hoàn cảnh.
Đến thời hiện đại, quan niệm trên bị lung lay bằng hai cách khác nhau, mà cả hai đều do lối nhìn mới về việc thế tục hóa tôn giáo (sécularisation) và thiêng liêng hóa nghệ thuật (sacralisation) cùng xảy ra đồng thời.
Cách thứ nhất, lấy lại một hình ảnh xưa và khôi phục lại giá trị: nhà nghệ sĩ sáng tạo sánh với Đấng Tạo Hóa, đã tạo ra những quần thể chặt chẽ và khép kín. Thượng đế của thuyết độc thần (Dieu du monothéisme) là một đấng tạo hóa vô hạn, đã tạo dựng một vũ trụ hữu hạn; khi thi sĩ bắt chước Đấng Tạo Hóa, anh ta giống như một vị thần tạo ra những sự vật xác định (thường là so sánh với Prométhée). Hoặc thiên tài ở trần gian (génie humaine) bắt chước Thiên Tài Tối Thượng, đã tạo dựng ra thế giới chúng ta.
Quan niệm bắt chước còn được giữ lại, nhưng vai trò của nó không còn nằm ở giữa tác phẩm - một sản phẩm xác định với thế giới bên ngoài; bắt chước bây giờ nằm ngay trong công việc sáng tạo, một bên là đại vũ trụ, bên kia là tiểu vũ trụ, mà không thấy trong tác phẩm bắt buộc phải có dấu vết của sự liên quan giữa hai bên. Người ta đòi hỏi rằng mỗi bên, tự nó, phải được sáng tạo chặt chẽ, nhất quán và không đòi hỏi hai bên phải tương ứng trong kết quả.
Quan niệm cho rằng, tác phẩm là một tiểu vũ trụ xuất hiện trở lại vào đầu thời Phục Hưng ở Ý, chẳng hạn như Hồng Y Nicolas de Cues nhà thần học đồng thời là triết gia vào thế kỉ XV: “Con người cũng là một Đấng tạo hóa... với tư cách là người sáng tạo ra tư tưởng và các tác phẩm nghệ thuật”. Leon Battista Alberti, lý thuyết gia về nghệ thuật khẳng định rằng: người nghệ sĩ thiên tài vẽ hay khắc nên những con người sống và đã làm cho họ nổi bật lên như một vị thần linh bên cạnh những người trần. 
Người ta cũng nói rằng, Thượng đế là người nghệ sĩ đầu tiên. Landino một đồ đệ mới của Platon thành Florence , cũng khẳng định rằng: “Chúa là thi sĩ tuyệt vời và thế giới là bài thơ của Ngài” (Dieu est le poète suprême et le monde est son poème). Câu nói hình ảnh này, dần dần trở nên tiếng nói chủ đạo trong nghệ thuật và dùng để ca ngợi sự sáng tạo của con người. Từ thế kỉ XVIII trở đi, hình ảnh này thống lĩnh cả phê bình và sáng tạo, dựa trên sự ảnh hưởng của một triết lý mới, triết lý của Leibniz. Ông ta đã nghĩ ra những khái niệm “monade” (đơn tử) và “monde possible” (thế giới có thể có được), và cho rằng: nhà thơ minh họa cho những phạm trù này, bởi vì họ tạo ra song song với thế giới vật chất tồn tại, một thế giới độc lập, nhưng cũng rất nhất quán như thế giới hiện thực.
Cách thứ hai là phá tan cái nhìn cổ điển: khi nói lên mục đích của thơ ca  không phải là bắt chước thiên nhiên, cũng không phải dạy đời và mua vui, mà để tạo ra cái Đẹp. Nhưng cái Đẹp được đặc trưng bởi việc nó không tạo ra cái gì khác ngoài chính nó. Cách giải thích này về quan niệm cái Đẹp - một ý tưởng ngự trị ở thế kỉ XVIII, chính là sự thế tục hóa khái niệm thần thánh (laicisation). Bằng những thuật ngữ này, cuối thế kỉ thứ IV, thánh Augustin mô tả sự khác nhau giữa những tình cảm mà người ta dành cho Thượng đế và cho con người:  với mọi sự vật cũng mọi sinh vật, chúng ta có thể sử dụng (user), để làm cho nó trở nên siêu việt, nhưng chỉ với Thượng đế, chúng ta phải bằng lòng với việc hưởng thụ (jouir), có nghĩa là kính mến vì Chúa.
Phải nói rằng, bằng cách duy trì sự phân biệt của thánh Augustin giữa khái niệm sử dụng “user” và khái niệm hưởng thụ “jouir” trong phạm trù ngoại đạo của những hoạt động đơn thuần của con người, các lý thuyết gia thế kỉ thứ XVIII chỉ việc làm đảo ngược lại hành động của Augustin, bằng cách thêm vào lĩnh vực tôn giáo những phạm trù của Platon.
Chính Platon, người đã định nghĩa về Cái thiện tối thượng (Souverain bien) là cái thiện tự nó đáp ứng được chính bản thân nó: người mà mang cái thiện tối thượng trong mình, là có đầy đủ khă năng đáp ứng cho mình một cách hoàn thiện đến mức, không cần bất cứ điều gì khác. Chính Platon đã đề ra việc suy ngẫm một cách vô tư những khái niệm, và cũng chính ông là người mà, 22 thế kỷ sau, người ta sẽ viện dẫn, để bung phá ra một quan niệm khác về cái Đẹp. Như thế, nghệ thuật không còn bị quyết định bởi Thượng đế, mà là tác phẩm tự khẳng định, trong sự hoàn thiện của chính nó. 
Kết quả của những sự thay đổi này là vào thế kỉ XVII và thế kỉ XVIII, sự chiêm ngưỡng về cái đẹp, phán xét về sở thích, ý nghĩa của cái đẹp được xác định như những thực thể tự do. Không phải con người ở những thời kì trước không nhạy cảm với vẻ đẹp của tự nhiên, cũng như với vẻ đẹp của các tác phẩm nghệ thuật, mà trước đó, nếu không đặt trong triết lí của Platon - nơi cái đẹp hòa vào với cái chân và cái thiện, thì những kinh nghiệm này, chỉ là một mặt của hoạt động, mà mục đích chính của nó lại ở chỗ khác. Người nông dân có thể thích công cụ đồng áng của mình, nhưng trước hết, công cụ đó phải hữu ích. Giới quý tộc đánh giá cao những hình trang trí trong cung điện của mình, nhưng với điều kiện chúng phải thể hiện đẳng cấp của họ trong mắt những vị khách. Người tín đồ Tôn giáo say mê âm nhạc mà họ nghe được ở nhà thờ, là vì những hình ảnh mà họ thấy được ở đó; nhưng sự hài hòa của âm nhạc cũng như những hình ảnh mà nó trưng bày, đều phải nhằm để củng cố đức tin. Nhận biết tầm quan trọng của thẩm mĩ trong mọi hoạt động và trong việc sáng tạo là một đặc điểm của một người toàn năng (humain universel).
Một tinh thần mới nổi lên ở châu Âu vào thế kỉ XVIII, sẽ là sự tách biệt cái không gian của vô số các hoạt động và rồi, sẽ kiến tạo nó thành sự hóa thân của một thái độ duy nhất: việc chiêm ngưỡng cái đẹp. Thái độ này càng được yêu thích khi nó mang những thuộc tính của lòng yêu kính đối với Chúa. Chính vì thế, người ta yêu cầu người nghệ sỹ sáng tạo ra những tác phẩm chỉ dành cho Chúa. Quan niệm mới này đã được phác thảo trong những bài viết của Shaftesbury và Hutcheson ở Anh. Nó cũng đã dẫn đến sự ra đời của khái niệm “Mỹ học” - Esthétique, trích nguyên văn là “Khoa học của tri giác” (Science de la perception) vào năm 1750, trong một quyển sách mà Alexander Baumgarten  đã dùng để chỉ môn học mới này.

Tính chất đổi mới trong cách tiếp cận này, dẫn tới việc bỏ qua quan điểm của người sáng tạo (perspective du créateur), để chấp nhận quan điểm của người tiếp nhận (perspective du récepteur) - người mà mối quan tâm duy nhất đối với họ là chiêm ngưỡng cái đẹp. Sự thay đổi này đã dẫn đến nhiều hậu quả. 
Hậu quả thứ nhất, nó tách rời nghệ thuật ra khỏi các hoạt động và nghệ thuật trở nên tuyệt đối. Ngày nay, hoạt động này bị đưa xuống một lĩnh vực hoàn toàn khác biệt: ngành thủ công, hoặc ngành  kỹ thuật.  
Nhìn từ quan điểm sáng tạo, hay sản xuất, người nghệ sĩ chỉ là một nghệ nhân chất lượng cao: cả hai đều hành một nghề với ít nhiều tài năng. Nhưng nếu chúng ta đem sản phẩm của họ đặt cạnh nhau thì người nghệ nhân đối lập với nghệ sĩ: một người sáng tạo ra sản phẩm vị lợi, người kia để ngắm nhìn chỉ vì sở thích cái đẹp; một người tuân theo tiêu chuẩn về lợi ích, người kia làm việc một cách vô tư; người này đặt trong lôgíc của việc “sử dụng” (user), người kia là “thưởng thức” (jouir), để cuối cùng nghiệm ra rằng: người này vẫn chỉ đơn thuần là con người, người kia gần với Thượng đế.
Hậu quả thứ hai, các nghệ thuật thống nhất với nhau trong một phạm trù nhất định nhưng chúng vẫn gắn bó với hoạt động riêng của mình. Thơ ca, hội họa, âm nhạc chỉ thống nhất với nhau nếu chúng ta đặt trong quan điểm của người tiếp nhận, nó thể hiện một thái độ vô tư mà từ trước đến nay người ta gọi là thẩm mĩ. 
Một thuật ngữ như “văn chương” (belles-lettres) vẫn khiến người ta nghĩ đến hoạt động phi nghệ thuật (vẫn có những tác phẩm không hay). Cũng như đối với từ “beaux-arts” (mỹ thuật), việc người ta liên tưởng đến những ngành mỹ thuật vị lợi hay máy móc vẫn còn rất mạnh. Một khi mà quan niệm mới này được thông qua, tính từ “beau” (giống cái là belle có nghĩa là đẹp) trong từ “belles-lettres” và “beaux-arts” không còn cần thiết nữa, thuật ngữ trở nên thừa từ bởi vì nghệ thuật bây giờ được định nghĩa như cảm hứng dành cho cái đẹp. Những quyển sách cổ xưa về nghệ thuật chủ yếu được viết ra, để chỉ dẫn dành cho nhà thơ, họa sĩ hay nhạc sĩ. Từ đó, người ta chuyên việc mô tả quá trình nhận thức, phân tích về cách phán đoán sở thích, thông qua đó, người ta đánh giá giá trị thẩm mĩ. 

Việc dạy văn học ở Pháp đã minh họa sự chuyển bíên ấy với 100 năm chậm trễ, trong khi đến giữa thế kỉ XIX, việc dạy học vẫn xuất phát từ việc dạy Tu từ học (On apprend comment écrire - Người ta dạy viết như thế nào), bắt đầu từ lúc này, người ta chuyển sang dạy theo quan điểm lịch sử văn học, tức là dạy “cách đọc” (on apprend comment lire). 
Hậu quả tức thì: là bị cắt đứt với hoàn cảnh sáng tạo, nghệ thuật buộc phải có những nơi mà nó có thể tiêu thụ được. Để trưng bày tranh, người ta xây dựng những phòng triển lãm, xưởng vẽ, các viện bảo tàng: viện bảo tàng Anh đã bắt đầu mở cửa vào năm 1733, bảo tàng Uffixi và Vatican vào năm 1759, bảo tàng Louvre vào năm 1791.
 Lúc đầu, việc tập hợp các bức tranh vào một nơi duy nhất nhằm đảm nhận các nhiệm vụ khác nhau trong nhà thờ, cung điện, nhà của tư nhân; ngày nay, công việc ấy chỉ nhằm một mục đích duy nhất: để ngắm nhìn và đánh giá giá trị thẩm mĩ của chúng. 
Thứ bậc của ý nghĩa và giá trị đã bị đảo lộn: điều mà trước kia mong muốn là giá trị biểu diễn, nay trở thành điều cần thiết, còn điều mà trước kia cần thiết là giá trị thần học và huyền thoại, nay lại là điều không bắt buộc. Phòng triển lãm của viện bảo tàng hay xưởng vẽ trở thành nơi biến một vật bất kì thành một tác phẩm nghệ thuật: để cổ vũ việc nhận thức thẩm mĩ, chỉ cần vật này được trưng bày ở đó. Mối liên hệ tự động giữa nơi trưng bày với kiểu nhận thức như thế này dĩ nhiên là rất cần thiết, kể từ khi Marcel Duchamp đã đặt bức vẽ Chỗ đi tiểu (Urinoir...) nổi tiếng của mình tại một góc dành cho các tác phẩm nghệ thuật: chỉ với vị trí trưng bày của mình, nó đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật cho dù quá trình sáng tạo ra nó, chẳng giống gì với quá trình tạo ra một bức điêu khắc, hay một bức tranh. 
 Nói tóm lại, cả hai phong trào này đã làm thay đổi quan niệm về nghệ thuật, việc đồng hóa người sáng tạo với Chúa - người đã sáng tạo ra vũ trụ và việc đồng hóa tác phẩm với một vật đơn thuần chỉ để ngắm nhìn, đã minh họa cho việc thế tục hóa thế giớidần dần ở châu Âu, nhưng cũng góp phần kéo theo sự thiêng liêng hoá mới của nghệ thuật. Lúc ấy, nghệ thuật hoá thân thành sự tự do (liberté), quyền tối cao (souveraineté), sự tự tại (autosuffisance), sự siêu việt (transcendance) của người sáng tạo so với thế giới. Phong trào này củng cố cho phong trào kia: trên phương diện chức năng, cái đẹp được định nghĩa như một thứ không có mục đích ứng dụng, trên phương diện cấu trúc, cái đẹp được tổ chức với sự chặt chẽ của một vũ trụ. Việc thiếu mục đích bên ngoài được bù lại bằng vô số những mục đích bên trong, tức là mối quan hệ giữa các bộ phận và các yếu tố của tác phẩm. Nhờ vào nghệ thuật, cá nhân con người có thể đạt đến sự tuyệt đối.  
Paris 15-8, Huế 30-12

TRẦN HUYỀN SÂM và ĐAN THANH dịch  từ  nguyên bản tiếng Pháp
“La littérature en péril” (Nền văn chương đang lâm nguy) - Tzvetan Todorov -  Nxb Flammarion, năm 2007
Nguồn: Tạp chí Sông Hương, số 230 - 04- 2008 - bản trực tuyến, ngày 16.4.2008.

principal alfaguara publicara septiembre 2013 i b heroe discreto b i nueva novela b mario vargas llosa bMario Vargas Llosa (sinh năm 1936) là nhà văn đương đại nổi tiếng người Peru. Ông được trao giải de Cervantes năm 1994 và giải Nobel văn học năm 2010. Các tác phẩm chủ yếu của Mario Vargas Llosa như: “Thành phố và lũ chó”, “Dì Lulia và nhà văn quèn”, “Trò chuyện trong quán Catedral”… đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt.

Kể từ khi tôi viết truyện ngắn đầu tiên, người ta thường hỏi những gì tôi viết có “thật” hay không. Dù những câu trả lời của tôi đôi lúc cũng thỏa mãn được trí tò mò của họ, mỗi lần trong tôi, dù câu trả lời có thành thật đến mức nào, vẫn còn lại một cảm giác dai dẳng rằng tôi đã nói gì đó không trúng chủ đề cho lắm.

Với một số người, việc tiểu thuyết chính xác hay sai lệch cũng quan trọng như việc nó hay hay dở, và nhiều độc giả, hữu ý hay vô thức, đã liên kết hai vấn đề này với nhau. Ví dụ, các quan tòa dị giáo Tây Ban Nha đã cấm xuất bản hay nhập khẩu tiểu thuyết vào các thuộc địa châu Mĩ nói tiếng Tây Ban Nha, cho rằng những cuốn sách vô nghĩa, vô lí - tức là sai sự thật - ấy có thể làm hại sức khỏe tinh thần của người bản địa. Do đó, trong 300 năm, người châu Mĩ nói tiếng Tây Ban Nha chỉ đọc các tác phẩm tiểu thuyết lậu, và phải đến sau Độc lập (năm 1816, ở Mexico) cuốn tiểu thuyết đầu tiên được xuất bản ở châu Mĩ nói tiếng Tây Ban Nha mới xuất hiện. Thánh Bộ, trong việc cấm không chỉ các tác phẩm cụ thể mà còn cả một thể loại văn học nói chung, đã tạo nên trong đôi mắt của nó một luật lệ không có ngoại lệ: tiểu thuyết luôn dối trá, chúng thể hiện một góc nhìn sai lầm về cuộc sống. Mấy năm trước tôi đã viết một bài châm biếm những kẻ cuồng tín tùy tiện ấy. Giờ tôi tin các quan tòa dị giáo Tây Ban Nha là những người đầu tiên hiểu được - trước cả các nhà phê bình và tiểu thuyết gia - bản chất của văn học hư cấu và những khuynh hướng lật đổ của nó.

Trên thực tế, tiểu thuyết có nói dối - chúng không thể không làm như vậy - nhưng đấy chỉ là một phần của câu chuyện. Phần còn lại là thông qua việc nói dối, chúng thể hiện một sự thật lạ lùng, vốn chỉ có thể được thể hiện trong một thời trang che đậy và giấu kín, giả dạng là cái không phải là nó. Phát biểu này nghe có vẻ vô nghĩa. Nhưng thực ra nó khá đơn giản. Con người không thỏa mãn với số phận của mình và gần như tất cả - giàu hay nghèo, xán lạn hay tầm thường, nổi tiếng hay vô danh - đều muốn có một cuộc sống khác với cuộc sống họ đang có. Để (khéo léo) xoa dịu thèm muốn này, văn học hư cấu ra đời. Nó được viết và được đọc để cho con người những cuộc đời mà họ không cam chịu là không có. Mầm mống của mỗi tiểu thuyết đều chứa đựng một thành tố là sự không cam chịu và ham muốn.

Có phải điều này có nghĩa là tiểu thuyết đồng nghĩa với phi thực tế? Có phải những kẻ cướp biển hướng nội của Conrad, những quý tộc uể oải của Proust, những người bé nhỏ vô danh nguy khốn của Kafka, và những nhân vật siêu hình uyên bác trong những câu chuyện của Borges khơi gợi chúng ta hoặc khiến chúng ta cảm động bởi họ không liên quan gì đến chúng ta, và bởi không thể đồng nhất những trải nghiệm của họ với trải nghiệm của chúng ta? Không phải. Ta phải tiến bước thận trọng, bởi con đường - của sự thật và dối trá trong địa hạt tiểu thuyết - này chứa đầy cạm bẫy và bất kì ốc đảo hấp dẫn nào cũng thường chỉ là ảo vọng.

Nói tiểu thuyết luôn nói dối nghĩa là thế nào? Không phải là những gì mà các sĩ quan và học viên vẫn tin ở Học viện Quân sự Leoncio Prado nơi - ít nhất là có vẻ - cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi, Thành phố và những con chó, lấy bối cảnh, và là nơi nó bị đốt, với cáo buộc vu khống học viện này. Không phải là những gì mà người vợ đầu của tôi từng nghĩ sau khi đọc cuốn tiểu thuyết khác của tôi, Dì Julia và nhà biên kịch, bị cô hiểu không đúng rằng nó là chân dung của cô, và dẫn đến việc cô xuất bản một cuốn sách với ý định khôi phục sự thật đã bị văn học hư cấu thay đổi. Dĩ nhiên, cả hai câu chuyện đều chứa đựng nhiều sáng tác, sai lệch, và phóng đại hơn so với kí ức, và chưa bao giờ trong lúc viết chúng tôi tìm cách giữ độ trung thành với những con người và sự kiện nhất định, trước và không liên quan đến tiểu thuyết. Trong cả hai ví dụ, cũng như trong mọi thứ mà tôi từng viết, tôi bắt đầu với những trải nghiệm vẫn còn sống động trong kí ức và vẫn kích thích trí tưởng tượng của tôi rồi tưởng tượng ra những gì vốn là sự phản ánh rất không trung thành với chất liệu ban đầu ấy.
*
*   *
Tiểu thuyết không được viết nhằm kể lại cuộc sống mà nhằm biến đổi nó bằng cách thêm thắt vào nó. Trong những tiểu thuyết ngắn của nhà văn người Pháp Restif de La Bretonne, thực tại giống ảnh chụp nhất có thể, một biên mục phong tục Pháp thế kỉ 18. Nhưng trong danh mục phong tục hết mực kĩ càng ấy, nơi mọi thứ đều giống đời thực, vẫn còn thứ gì đó nữa, khác biệt, tối giản, và mang tính cách mạng - đó là việc trong thế giới này đàn ông không phải lòng phụ nữ vì sự thuần khiết của những đường nét của họ, vẻ đẹp của cơ thể họ, tư chất tinh thần của họ... mà chỉ vì vẻ đẹp của đôi chân họ.

Ít thô hơn, ít rõ ràng hơn, và cũng ít ý thức hơn, mọi tiểu thuyết gia đều tái tạo cuộc sống - tôn tạo nó hoặc cắt xén nó - như Restif phi thường đã làm với sự chân thật thú vị. Những bổ sung tinh tế hoặc thô thiển vào cuộc sống ấy - nơi tiểu thuyết gia vật chất hóa những ám ảnh của mình - tạo nên sự độc đáo của một tác phẩm hư cấu. Nó phụ thuộc sâu sắc vào việc nó thể hiện đầy đủ một nhu cầu chung đến đâu, và vào số lượng độc giả, qua thời gian và không gian, những người có thể nhận biết những muộn phiền tăm tối, ám ảnh của mình với những cuộc thâm nhập lậu vào cuộc sống ấy. Có thể nào trong những tiểu thuyết của mình, tôi đã cố gắng tạo ra một sự tương quan chính xác với những kí ức thực tế? Dĩ nhiên. Nhưng dù tôi có hoàn thành kì công tẻ nhạt của việc chỉ đơn giản thuật lại các sự kiện thực tế và mô tả những người có tiểu sử phù hợp với mô hình của họ như một chiếc găng tay thì những tiểu thuyết của tôi cũng không vì thế mà ít trung thực hay không trung thực hơn so với họ.

Giai thoại không phải là cái quyết định về cơ bản tính hiện thực hay giả dối của một tác phẩm hư cấu, mà đúng hơn là một ý tưởng không được sống mà được viết, được tạo nên từ từ ngữ mà không phải bằng những trải nghiệm sống. Sự kiện được chuyển dịch thành từ ngữ trải qua một quá trình sửa đổi sâu sắc. Thực tế - trận chiến đẫm máu mà tôi tham gia, mô tả kiểu Gothic người con gái mà tôi yêu - chỉ là một điều, trong khi những dấu hiệu để mô tả nó lại là vô số. Bằng cách lựa chọn một số và loại bỏ số khác, tiểu thuyết gia ưa chuộng một và giết chết vô số khả năng hoặc phiên bản khác của cái mà anh ta đang mô tả. Tiểu thuyết gia do đó làm thay đổi bản chất, cái mô tả trở thành cái được mô tả.

Ở đây tôi đang chỉ đề cập đến trường hợp của nhà văn hiện thực, trường phái hay truyền thống mà tôi thuộc về, với những cuốn tiểu thuyết có liên quan đến các sự kiện mà người đọc có thể nhìn nhận là hợp lí từ trải nghiệm thực tế của riêng họ. Trên thực tế, có thể mối liên kết giữa thực tế và hư cấu có vẻ thậm chí không phải là vấn đề đối với một nhà văn mang phong cách giả tưởng, người mô tả những thế giới không thể hòa giải và rõ ràng không tồn tại. Thật ra nó là một vấn đề nhưng theo một cách khác. Sự “phi thực tế” của văn học giả tưởng, đối với độc giả, trở thành một biểu tượng hay phúng dụ, nói cách khác, một đại diện của các thực tại, của những trải nghiệm mà anh ta có thể xem là có thể xảy ra trong đời sống. Cái quan trọng trong điều này - bản chất “hiện thực” hoặc “giả tưởng” của một giai thoại không phải là cái đánh dấu đường biên giới giữa sự thật và giả dối trong văn học hư cấu.

Cùng với sự thay đổi đầu tiên này - dấu vết của từ ngữ trong các sự kiện - còn có một sự thay đổi khác, không ít căn bản hơn: sự thay đổi của thời gian. Cuộc sống thực không ngừng trôi, thiếu trật tự, hỗn loạn, mỗi câu chuyện sáp nhập với mọi câu chuyện khác và do đó không bao giờ có một khởi đầu hay kết thúc. Cuộc sống trong một tác phẩm là một mô phỏng trong đó sự hỗn độn chóng mặt giành được trật tự, tổ chức, nguyên nhân và kết quả, khởi đầu và kết thúc. Phạm vi của một tiểu thuyết không chỉ được xác định bằng ngôn ngữ mà nó được viết mà còn bằng cả khung thời gian của nó, cách thức mà sự tồn tại diễn ra trong đó - những khoảng dừng và tăng tốc và góc nhìn theo trình tự thời gian mà người kể chuyện dùng để mô tả khoảng thời gian được tường thuật ấy.

Dù có một khoảng cách giữa từ ngữ và sự kiện, luôn có một vực thẳm giữa thời gian thực và thời gian hư cấu. Thời gian trong tiểu thuyết là một thiết bị được tạo ra nhằm đạt được những hiệu ứng tâm lí nhất định. Trong đó, quá khứ có thể đến sau hiện tại - tác động đến trước nguyên nhân - như trong Hành trình về hạt giống của Alejo Carpentier, bắt đầu bằng cái chết của một ông già và tiếp tục cho đến khi ông được thụ thai trong tử cung người mẹ. Nó cũng có thể chỉ là một quá khứ xa vời và không bao giờ chạm đến quá khứ gần đây, thời điểm mà từ đó người kể chuyện dẫn truyện, như trong phần lớn tiểu thuyết kinh điển. Nó cũng có thể là một hiện tại vĩnh cửu mà không có quá khứ hay tương lai, như trong các tác phẩm hư cấu của Samuel Beckett. Hoặc là một mê cung trong đó quá khứ, hiện tại, và tương lai cùng tồn tại, tiêu diệt lẫn nhau, như trong Âm thanh và cuồng nộ của Faulkner.

Tiểu thuyết có một khởi đầu và kết thúc và, ngay cả trong những tiểu thuyết lỏng lẻo và rời rạc nhất, cuộc sống cũng mang một ý nghĩa rõ ràng, bởi chúng ta được quan sát một góc nhìn không bao giờ có trong đời thực mà chúng ta chìm đắm trong đó. Trật tự này là một phát minh, một bổ sung của tiểu thuyết gia, người giả dối mang vẻ tái tạo cuộc sống khi, trên thực tế, anh ta đang chỉnh đốn nó. Văn học hư cấu phản bội cuộc sống, có lúc một cách tinh tế, có lúc một cách thô bạo, tóm gọn nó vào một sợi từ ngữ, làm giảm nó về quy mô và đặt nó trong tầm với của độc giả. Nhờ đó độc giả có thể đánh giá nó, thấu hiểu nó và, trên hết, sống cuộc sống đó mà không phải nhận sự trừng phạt như trong đời thực.

Như vậy, đâu là khác biệt giữa một tác phẩm hư cấu với một bản tin báo chí và một cuốn sách lịch sử? Chẳng phải chúng đều tạo nên từ từ ngữ hay sao? Và chẳng phải chúng, trong thời gian nhân tạo của tường thuật, cũng gói gọn cái thời gian thực, chảy vô bờ bến đó hay sao? Đó là câu hỏi về những hệ thống đối lập trong cách tiếp cận với thực tế: tiểu thuyết nổi dậy chống cuộc sống và vượt qua nó, các thể loại khác chỉ là nô lệ muôn kiếp của cuộc sống. Quan niệm về sự trung thực hoặc giả dối hoạt động khác nhau trong cả hai trường hợp. Trong lịch sử, nó xoay quanh mối tương quan giữa những gì được viết và thực tế tương ứng: càng gần thì càng đúng, và càng xa thì càng sai. Nói Lịch sử cách mạng Pháp của Michelet hay Chinh phục Peru của Prescott mang tính “tiểu thuyết” là một phê bình, một lời ám chỉ chúng thiếu nghiêm túc. Ghi lại những lỗi lịch sử trong Chiến tranh và hòa bình so với các cuộc chiến tranh của Napoleon thì thật phí thời gian - sự thật của tiểu thuyết không phụ thuộc vào sự kiện.

Thế thì nó phụ thuộc vào điều gì? Vào quyền lực thuyết phục của riêng nó, vào sức mạnh giao tiếp của tính giả tưởng của nó, vào kĩ năng của sự kì ảo của nó. Mỗi cuốn tiểu thuyết hay đều nói thật và tiểu thuyết dở thì nói dối. Với tiểu thuyết, “nói thật” là khiến độc giả trải nghiệm một ảo ảnh, và “nói dối” là không thể hoàn thành thủ đoạn ấy. Tiểu thuyết do đó là một thể loại phi luân lí, hay đúng hơn, đạo đức của nó là độc nhất, trong đó sự thật và giả dối là những khái niệm độc quyền thẩm mĩ.

Có thể nhận xét trên đây của tôi gợi ý rằng văn học hư cấu là một bịa đặt vô ích, một màn tung hứng thiếu sự siêu việt. Nhưng trái lại, dù có thể hoang dã, gốc rễ của văn học hư cấu lại chìm trong trải nghiệm của con người, từ đó nó nhận được nguồn sống và đến lượt mình nó lại nuôi dưỡng trải nghiệm đó. Một chủ đề xuyên suốt trong lịch sử văn học hư cấu là rủi ro trong việc tiến hành những gì tiểu thuyết nói theo nghĩa đen, trong việc tin rằng cuộc sống là con đường như những gì các tiểu thuyết gia mô tả. Những cuốn sách viết về tinh thần hiệp sĩ đã làm tê liệt bộ não của Don Quixote và đưa ông lên đường đánh nhau với cối xay gió, và bi kịch của Emma Bovary đã không xảy ra nếu nhân vật của Flaubert không cố gắng làm như các nhân vật nữ trong những tiểu thuyết lãng mạn mà bà ấy đọc.

Bằng cách tin rằng thực tế giống văn học hư cấu, Alonso Quijano và Emma Bovary đã trải qua những biến động kinh hoàng. Chúng ta có lên án họ vì điều đó không? Không, câu chuyện của họ khiến chúng ta cảm động và kính sợ; quyết định bất khả của việc sống trong tiểu thuyết ấy với chúng ta dường như là hiện thân của một thái độ lí tưởng chủ nghĩa tôn vinh loài người. Muốn khác đi khỏi cuộc sống của một người là khát vọng tối cao của nhân loại. Nó tạo nên điều tốt nhất và tệ nhất trong lịch sử được ghi nhận. Bao gồm cả các tác phẩm hư cấu.

Khi đọc tiểu thuyết, chúng ta không chỉ là chúng ta nữa mà bên cạnh đó còn là những sinh vật bị bỏ bùa ở giữa nơi tiểu thuyết gia đưa chúng ta vào. Sự đưa vào này là một cuộc hóa thân - nút thắt ngạt thở của cuộc đời chúng ta mở ra và chúng ta tiến tới trở thành những người khác, để có những trải nghiệm gián tiếp mà văn học hư cấu đã biến đổi thành trải nghiệm của chính chúng ta. Một giấc mơ kì diệu, một hiện thân giả tưởng, văn học hư cấu hoàn thiện chúng ta, những sinh vật hư hại mang gánh nặng của sự phân tách khủng khiếp giữa việc chỉ có một cuộc đời với khả năng mong muốn có một ngàn cuộc đời. Khoảng cách giữa đời thực với những mong muốn và tưởng tượng đòi hỏi nó phong phú và đa dạng hơn chính là địa hạt của tiểu thuyết.

Ở trung tâm của mọi tác phẩm hư cấu nổ ra một cuộc biểu tình. Tác giả tạo ra chúng bởi họ không thể nào sống trong chúng, còn độc giả (và người tin tưởng) chúng thì gặp trong những sinh vật tưởng tượng ấy những gương mặt và những cuộc phiêu lưu cần thiết để nâng cao cuộc sống của mình. Đó là sự thật được thể hiện bởi những dối trá trong văn học hư cấu - những dối trá mà chính chúng ta là chúng, những dối trá an ủi chúng ta và bù đắp cho những khát vọng và thất vọng của chúng ta. Thế thì đáng tin cậy đến đâu lời kể của một tiểu thuyết về chính xã hội đã tạo ra nó? Có phải những con người ấy thực sự như thế? Họ có như thế, theo nghĩa đó là cách mà họ muốn, đó là cách họ hình dung mình yêu thương, đau khổ, và vui mừng. Những dối trá ấy không ghi lại cuộc sống của họ mà thay vào đó là những muộn phiền của họ - những giấc mơ chuốc say họ và khiến cuộc sống của họ dễ chịu hơn. Sống trong một kỉ nguyên không chỉ có những sinh vật tạo nên từ máu thịt, mà còn có những sinh vật tưởng tượng mà chúng được biến đổi thành để phá vỡ những rào cản giới hạn chúng. 
*
*    *
Những dối trá trong tiểu thuyết không vô ích - chúng lấp đầy những thiếu sót của cuộc sống. Do đó, khi cuộc sống dường như vẹn toàn và tuyệt đối, khi con người vì một đức tin toàn tâm toàn ý mà cam chịu số phận, thì tiểu thuyết không phụng sự gì. Các nền văn hóa tôn giáo tạo thơ ca và kịch nghệ, không phải tiểu thuyết. Văn học hư cấu là một nghệ thuật của các xã hội mà trong đó đức tin đang trải qua một dạng khủng hoảng, trong đó người ta cần tin tưởng một điều gì đó, trong đó tầm nhìn nhất thể, tin tưởng, và tuyệt đối đã bị thay thế bằng một tầm nhìn tan vỡ và sự bất trắc về thế giới mà chúng ta đang sống và về hậu thế giới.

Mỗi tiểu thuyết, ngoài việc phi luân lí, còn chứa đựng trong cốt lõi của nó một thái độ hoài nghi nhất định. Khi văn hóa tôn giáo rơi vào khủng hoảng, cuộc sống dường như mất đi mọi khung đỡ, giáo điều, và giáo luật ràng buộc và biến thành hỗn loạn. Đó là thời khắc tối ưu của tiểu thuyết. Những trật tự nhân tạo của nó cung cấp nơi trú ẩn, an ninh, và tự do giải phóng những ham muốn và sợ hãi mà đời thực khơi gợi nhưng không thể thỏa mãn hay xua đuổi. Văn học hư cấu là sự thay thế tạm thời cho cuộc sống. Trở lại với thực tế gần như là một sự khốn cùng, sự chứng thực tàn bạo rằng chúng ta kém hơn những gì chúng ta mơ ước. Điều đó có nghĩa là văn học hư cấu, bằng cách khích lệ trí tưởng tượng, vừa xoa dịu bất mãn của con người đồng thời vừa kích động nó.

Tòa dị giáo Tây Ban Nha hiểu được mối nguy ấy. Sống cuộc sống qua văn học hư cấu mà không sống trong thực tế là một nguồn lo ngại, một sai lệch với sự tồn tại có thể biến thành sự phản kháng, một thái độ bất tuân với cái vốn có từ lâu. Ta có thể hiểu rõ tại sao các chế độ tìm cách nắm quyền kiểm soát toàn bộ cuộc sống lại ngờ vực các tác phẩm hư cấu và đưa chúng vào kiểm duyệt. Thoát khỏi bản ngã của một người, trở thành một người khác, ngay cả trong ảo tưởng, là một cách trở nên ít nô lệ hơn và trải nghiệm những rủi ro của tự do 

NGUYỄN HUY HOÀNG dịch

Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 17.10.2016.

Được sự đồng ý của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Văn học tiến hành hội thảo khoa học quốc tế Phê bình sinh thái: Tiếng nói bản địa - Tiếng nói toàn cầu tại Hà Nội. Hội thảo đã nhận được hơn một trăm tham luận từ các nhà khoa học nhiều nơi trên thế giới và ở Việt Nam. Với số đông người đọc Việt Nam, phê bình sinh thái vẫn là bộ môn khoa học đầy mới lạ. Bởi thế, việc tổ chức những hội thảo khoa học quy mô, những công trình dịch thuật và nghiên cứu chuyên sâu về phê bình sinh thái là một công việc cấp thiết, nhất là khi sự suy thoái về môi trường không còn là câu chuyện xa vời đâu đó mà đã hiện hữu ở Việt Nam đương đại. Trước thực trạng suy thoái của môi sinh, sự vào cuộc của văn học sinh thái và phê bình sinh thái có ý nghĩa như một cam kết tự nguyện về trách nhiệm của nhà văn trước vấn nạn môi trường.  Trước thềm hội thảo này, đầu tháng 11.2017, Viện Văn học phối hợp với nhà xuất bản Hội Nhà văn cho ra mắt công trình Phê bình sinh thái là gì? Đây là một tập hợp những bài dịch và tổng thuật một số công trình nghiên cứu của các nhà khoa học có uy tín về phê bình sinh thái để độc giả Việt Nam có thể mường tượng một cách cụ thể hơn về phê bình sinh thái, từ bản chất, đặc trưng, đối tượng, phương pháp cho đến mục tiêu nghiên cứu...

Xuất hiện tại Anh, Mỹ vào những năm cuối thế kỷ XX, trong bối cảnh môi trường sinh thái toàn cầu bị khủng hoảng trầm trọng, Phê bình sinh thái (hay còn có tên gọi khác là Nghiên cứu Xanh) đã nhanh chóng lan rộng đến nhiều quốc gia và trở thành bộ môn khoa học có khả năng thu hút sự quan tâm của tất cả những ai quan tâm đến vấn nạn môi trường. Đây là bộ môn nằm ở vị trí giao thoa giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn, có mục đích chung là nghiên cứu về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, văn học và môi trường sinh thái. Bởi thế, về bản chất, tiếp cận theo hướng nghiên cứu phê bình sinh thái là hướng tiếp cận liên ngành.

Thuật ngữ sinh thái học (Ecology) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, bao gồm Oikos (chỉ nơi sinh sống) và Logos (học thuyết). Theo đó, sinh thái học là bộ môn nghiên cứu về nơi sinh sống của các sinh vật, đối tượng của nó là toàn bộ mối quan hệ giữa các loài sinh vật với môi trường. Trong cái nhìn của sinh thái học, giữa các loài sinh vật và môi trường sống luôn có mối quan hệ chặt chẽ, một khi sinh thái bị đảo lộn, sự sống của muôn loài cũng chấm dứt. Trong thế giới sinh vật, con người được coi là sinh vật phát triển cao nhất, bởi thế, từ chỗ tập trung nghiên cứu mối quan hệ “cơ thể - môi trường”, sinh thái học dần chuyển sang nghiên cứu mối quan hệ “con người - tự nhiên”, “xã hội - sinh quyển”. Cùng với những chuyển dịch theo hướng mở rộng, sinh thái học đã vượt ra khỏi “phạm vi sinh vật học thuần túy; tiếp cận với những vấn đề triết học”

Từ Hoa Kỳ và Anh quốc, phê bình sinh thái nhanh chóng ảnh hưởng đến các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ngay từ đầu thế kỷ XXI, một số nhà nghiên cứu Việt Nam đã bắt tay dịch và giới thiệu về phê bình sinh thái, tạo đà cho bộ môn khoa học này thâm nhập vào các trường Đại học, các Viện nghiên cứu, trở thành một hướng nghiên cứu trong các luận án tiến sĩ và luận văn thạc sĩ.

Đến nay, sự xuất hiện của phê bình sinh thái được hiểu như là một chuyển hướng đầy thích ứng của nghiên cứu văn học trước bối cảnh văn hóa đương đại, nhưng về bản chất, đây là khuynh hướng mở, vì thế, nó cho phép các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu mối quan hệ giữa văn học và môi trường trong các thời đại văn học khác nhau, từ tiền hiện đại đến hậu hiện đại. Với một hướng nghiên cứu giàu tiềm năng như phê bình sinh thái, còn rất nhiều vấn đề cần đến sự chung sức tìm hiểu của giới nghiên cứu, giảng dạy văn học và của đông đảo những ai quan tâm đến chủ đề sinh thái trong các diễn ngôn văn học, nghệ thuật.

Phê bình sinh thái bắt đầu được nói đến ở Việt Nam trong khoảng trên dưới vài chục năm qua. Trước hết, trong lĩnh vực sáng tác, người đọc có thể nhận thấy tư tưởng sinh thái xuất hiện trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Ngọc Tư, Mai Văn Phấn, Đỗ Bích Thúy, Cao Duy Sơn,… Có thể coi Sống mãi với cây xanh của Nguyễn Minh Châu là tác phẩm mở đầu cho khuynh hướng văn học sinh thái ở Việt Nam đương đại. Trong lĩnh vực học thuật, bài thuyết trình của GS. Karen Thornber (Đại học Harvard – Hoa Kỳ) tại Viện Văn học vào năm 2011 là cú hích quan trọng để các nhà nghiên cứu Việt Nam hứng thú tìm hiểu về phê bình sinh thái. Mối quan tâm về phê bình sinh thái gần đây đã được nhiều nhà nghiên cứu hưởng ứng, trong đó đáng chú ý là các công trình của Trần Đình Sử, Đỗ Văn Hiểu, Trần Ngọc Hiếu, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Lê Lưu Oanh, Trần Thị Ánh Nguyệt, Huỳnh Như Phương, Nguyễn Đăng Điệp, Đặng Thị Thái Hà,… Đặc biệt, hai chuyên luận về phê bình sinh thái của Trần Thị Ánh Nguyệt - Lê Lưu Oanh và Nguyễn Thị Tịnh Thy đã được xuất bản.

So với văn học sinh thái, phê bình sinh thái xuất hiện muộn hơn và gây nhiều tranh cãi hơn. Nhiều người cho rằng, những sáng tác đầu tiên của văn học sinh thái đã xuất hiện trong thời kỳ lãng mạn thế kỷ XIX, trong bối cảnh con người bị cuốn theo phát triển kinh tế và choáng ngợp bởi những thành tựu của văn minh công nghiệp, gần như sao lãng môi trường sinh thái, thờ ơ với những thương tổn môi trường do chính con người gây ra. Từ thời đại khởi đầu công nghiệp hóa ấy, một số cây bút nhạy cảm của chủ nghĩa lãng mạn đã bắt đầu nhìn thấy được mặt trái của văn minh - đó là sự tước đoạt tàn nhẫn môi trường sinh thái của con người.

Phê bình sinh thái giai đoạn sơ kỳ coi trọng vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học và sự bình yên của môi trường sống ở các địa phương. Đến giai đoạn sau, nhất là từ thế kỷ XXI đến nay, phê bình sinh thái gắn với nhân học và văn hóa học, đặt bình diện xã hội làm trung tâm, đặc biệt quan tâm đến vấn đề đô thị hóa và công lý môi trường. Thực tế, ngay từ cuối thập kỷ 80, trong nhiều báo cáo về môi trường, người ta đã bắt đầu quan tâm đến sự biến đổi khí hậu, mức độ của carbon dioxide trong khí quyển và nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, làn sóng tị nạn môi trường do hạn hán, bão lụt, mưa axit diễn ra ở nhiều nơi. Tiến trình phá hủy sinh quyển ở quy mô lớn đã khiến cho nhiều loại sinh vật bị tuyệt chủng, nhiều dòng sông bị bức tử, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.

Những kêu gọi của các nhà khoa học theo chủ nghĩa môi trường hầu như bị lờ đi trong thực tế. Trước thực trạng ấy, sự vào cuộc của văn học sinh thái và phê bình sinh thái có ý nghĩa như một cam kết tự nguyện về trách nhiệm của nhà văn trước vấn nạn môi trường. Trong cái nhìn của các nhà phê bình sinh thái “mọi hành vi của con người đều làm biến đổi môi trường”. Vì thế, xây dựng đạo đức môi trường trên tinh thần nhân văn hiện đại phải được coi là câu chuyện liên quan đến bất cứ ai và ở bất cứ quốc gia nào, không phân biệt giới tính, giàu nghèo, địa vị xã hội.

Trước hết, sự xuất hiện của phê bình sinh thái có ý nghĩa như một đối thoại văn hóa, khi nó đề xuất tư tưởng lấy sinh thái làm trung tâm thay thế tư tưởng coi con người là trung tâm.

Thứ hai, như là hệ quả của việc định vị tư tưởng triết học sinh thái trung tâm, các nhà phê bình sinh thái không đối lập mà luôn tìm kiếm mối quan hệ giữa “văn hóa” và “tự nhiên”, “văn minh” và “hoang dã”. Họ nhận thấy một thực tế hiển nhiên rằng, xã hội ngày càng phát triển và quá trình đô thị hóa ngày càng diễn ra với tốc độ cao thì sự tàn phá của con người đối với tự nhiên nhiên ngày càng khủng khiếp. Sức tác động này không chỉ đơn giản dừng lại ở việc chặt phá một cánh rừng, giết chết một dòng sông mà ở mức độ lớn hơn, có thể làm đảo lộn chu trình sinh học tự nhiên, từ đó, gây mất cân bằng và phá vỡ ổ sinh thái, đe dọa đến sự sống còn của chính con người. Những nghiên cứu của phê bình sinh thái về văn học châu Á cũng đem đến những phát hiện bất ngờ. Trong tư tưởng triết học và văn học phương Đông, người ta bắt gặp đầy rẫy các câu nói thể hiện thái độ tôn trọng tự nhiên, ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên, coi con người chỉ là một phần của vũ trụ.

Bởi vậy, bên cạnh các nguồn nghiên cứu đến từ phương Tây, một số nghiên cứu về phê bình văn học sinh thái của Trung Quốc, Nhật Bản cũng bắt đầu được giới thiệu khá công phu. . Hơn nữa, văn minh nông nghiệp kéo dài ở phương Đông cũng đã phần nào khiến cho văn học viết về thiên nhiên phát triển mạnh. Nhưng thực tế không hoàn toàn diễn ra êm đẹp như thế. Có rất nhiều bằng chứng để nói về sự xâm hại của con người đến tự nhiên, thậm chí mang danh để bảo vệ tự nhiên nhưng lại cưỡng bức tự nhiên để tạo nên những công trình, khu vườn nhân tạo. Karen Thornber trong Mơ hồ sinh thái. Khủng hoảng môi trường và Văn học Đông Á đã dẫn lại lập luận của Suzuki Takehiro, Tổng Giám đốc Hiệp hội du lịch Hẻm núi Shosen tháng 8 năm 2008 để nói về hiện tượng này. Nói thế để thấy rằng, sự can thiệp của con người đến môi trường chưa bao giờ dừng lại kể cả khi con người nghĩ đến những viễn cảnh “nhân đạo” nhất trong quá trình sắp xếp lại tự nhiên bởi đó là sự sắp xếp để thu hút khách du lịch, mà ai cũng biết, phía sau nó là lợi ích kinh tế.

Có thể thấy ý nghĩa khoa học của phê bình sinh thái là hết sức rõ nét, nó được toát lên từ tư tưởng tìm kiếm sự hài hòa giữa con người với tự nhiên. Đây có thể coi là một tư tưởng thấm đầy tính nhân văn nhằm góp phần điều chỉnh mâu thuẫn trong phát triển, không vì mục tiêu phát triển mà hủy hoại môi trường sinh thái, bởi hủy hoại môi trường sinh thái chính là việc con người tự hủy hoại mình và hủy hoại mưu cầu hạnh phúc của toàn nhân loại.

Hội thảo khoa học quốc tế Phê bình sinh thái: Tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu do Viện Văn học tổ chức trong dịp này chính là nhằm nỗ lực thiết tạo một diễn đàn khoa học thực sự dân chủ, mời gọi những bàn thảo, đối thoại về phê bình sinh thái, khẳng định ý nghĩa và vị thế của nó trong khoa học nhân văn hiện đại. Hy vọng, những phân tích, diễn giải và bàn luận của các nhà khoa học Việt Nam và thế giới tại diễn đàn khoa học này sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nền tảng triết – mỹ và những vấn đề trọng yếu nhất của phê bình sinh thái, từ đối tượng đến bản chất, chức năng, nhiệm vụ và phương pháp tiếp cận, phương pháp phân tích văn bản,… Với tư cách là một diễn ngôn khoa học, phê bình sinh thái tất nhiên không thể thể đưa ra những giải pháp trực tiếp, tức thời để khắc phục những vấn nạn môi trường, nhưng trên cơ sở phân tích và truy vấn mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, nó sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, điều chỉnh  những nhầm lẫn tại hại về môi trường sinh thái, từ đó có những ứng xử phù với tự nhiên, biết lắng nghe tiếng nói của tự nhiên vì mục tiêu phát triển bền vững. Đây cũng là lý do để chúng ta hy vọng, với sự xuất hiện của sinh thái học nhân văn, một trào lưu nhân văn mới sẽ được hình thành trên cơ sở hài hòa giữa tam vị nhất thể: con người – xã hội – tự nhiên trong ngữ cảnh văn hóa đương đại.

VĂN NGHỆ, 50/2017

Ảnh: PGS. TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học

Nguồn: http://nhavantphcm.com.vn/doc-duong-van-hoc/huong-den-nhat-the-moi-con-nguoi-tu-nhien-xa-hoi.html

Nguyễn Thị Thanh Xuân[1]

1. Khi viết lại Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du đã cho tự nhiên tràn vào thế giới của người, với hơn 600 câu có các từ ngữ tự nhiên trên 3254 câu thơ lục bát.  Đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, sẽ thấy trang viết của ông đầy ắp một cảm thức xanh (green thought) và phập phồng nhịp đập của vũ trụ. Màu xanh ấy đậm đà, tươi thắm và nhịp đập của vũ trụ ấy rộn ràng, sinh sắc.

Trong một tham luận hội thảo cách nay hai năm, chúng tôi đã có dịp nhắc qua điều ấy: Truyện Kiều“không dừng lại ở câu chuyện của người. Nguyễn Du đã mở rộng chiều kích của tác phẩm, bằng các mối tương thông kỳ lạ giữa con người và tự nhiên, giữa cõi tục và cõi thiêng”[2].

Chính cảm thức xanhchảy mạnh trong tư duy và tâm hồn Nguyễn Du đã giúp ông liên kết rất nhiều các yếu tố đã có trong mỹ học phương Đông, được biểu thị thành công thức hiển lộ trong văn thơ, cái chúng ta gọi là điển tích và điển cố, và rồi không dừng lại ở đó, ông băng qua những lằn ranh của kỹ thuật nhân tạo để chạm đến những bờ cõi sâu hơn thao thiết mời gọi con người hãy quay về.

Vì vậy, khác với Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ…Nguyễn Du hình như chưa bao giờ có lằn ranh giữa xuấtxử.Ngay từ đầu, ông sớm nhận ra thế giới của con người thấm đẫm nỗi buồn.Trong khi làm quan, trên đường hoạn lộ, ông đã nhìn ra, nhìn thấu suốt những cái giả tạm, sai lầm của thế giới người.Có lẽ vì vậy, trong suốt cuộc đời, ông tựa vào tự nhiên để sống, để tỏ bày, để tìm thấy sự tương thông và để chữa lành những vết thương của chính mình.

Sinh ra từ tự nhiên, sống giữa lòng tự nhiên, đi lại, hít thở, nói năng, ngắm nhìn, thụ hưởng, tự nhiên chảy mạnh trong con người và hết sức đa dạng trong cái nhìn của con người.Có thể nói, những tác phẩm văn chương lớn thường dung chứa tự nhiên trong dáng vẻ muôn mặt này và Truyện Kiều của Nguyễn Du là trường hợp như vậy.

Như câu chuyện của con người, tự nhiên cũng là một đối tượng phản ánh của Truyện Kiều: Những nắng sớm, mưa chiều, cỏ non tháng Ba, lá vàng tháng Bảy, vầng kim ô lúc hoàng hôn hay mảnh trăng chênh chếch dòm song. Nhưng do phần lớn gắn bó với con người, tự nhiên có lúc như là nơi an trú, có lúc như là chốn giải thoát, có khi là lời chiêu niệm, là không gian để lại được phục hồi, là người chứng giám... Thấy sự vật trên cái nhìn nhất thể: tất cả là thành tố của vũ trụ này, toàn bộ các biểu hiện trên trong Truyện Kiều đều hàm chứa hai mặt: là phản ánh tự nhiên nhưng cũng là phản ánh con người; con người an trú trong tự nhiên, bởi vì bản chất tự nhiên là an hòa; con người tìm thấy tự do không đâu bằng giữa tự nhiên, vì tự nhiên không bao giờ câu thúc; con người chiêu niệm tự nhiên để nối hồn mình với một hồn thiêng vũ trụ; con người phục hồi mình trong sự hồi sinh của tự nhiên; con người nhờ tự nhiên làm chứng và tự nhiên chứng giám con người...

Mối tương liên của con người với tự nhiên thể hiện rõ nhất qua sự quy chiếu của cái nhìn, mọi cái đều gắn với tự nhiên.

Là “cõi người ta”, nhưng tự nhiên tham dự từng giây từng phút trong Truyện Kiều.

Ý thức về biến đổi, biến cố trong đời người được nén gọn trong hai chữ “bể dâu” (“Thương hải biến vi tang điền”), phải chăng điều ấy nói rằng sự thay đổi của tự nhiên là cái được con người chú ý hơn và nắm bắt trước so với sự thay đổi của xã hội?: Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Đặc biệt, con người khi xuất hiện là xuất hiện lồng trong sự tồn tại của tự nhiên.Tính chất lồng ghép song song như hình với bóng này diễn ra trong suốt truyện thơ, từ việc miêu tả cơ thể người, cho đến việc khắc họa tính cách, tâm lý hành động hay xây dựng tình huống...Tự nhiên như vậy, vừa là quan niệm nghệ thuật, vừa là cảm hứng, vừa là bút pháp. Tất cả quyện chặt với nhau, bất khả phân ly, làm thành một suối nguồn xanh biếc ào ạt chảy vào mảnh đất bị hằn nát bởi những dục vọng trần tục của con người.Sự kết hợp khăng khítnày mang lại một hình tượng quen thuộc ai cũng đều chấp nhận và cảm được, nhưng nếu dùng logic của lý trí mà phân tích thì thật khó, nếu không nói là bất khả: “Đề huề lưng túi gió trăng” “Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời”, “Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao”, “Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa”.”Hạt mưa sá nghĩ phận hèn. Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân”...

Này đây là sự hòa trộn của cơ thể người với cơ thể của tự nhiên: “khuôn trăng”, “nét ngài”, “hoa cười, ngọc thốt” “Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”, “Làn thu thủy, nét xuân sơn”, “châu sa”, “nét hoa”, “sen vàng”, tóc mây”...mà đỉnh điểm là câu thơ trác tuyệt, làm nên một tôn vinh kép: “Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Nếu phân tích tình huống (tắm), không gian (lầu xanh) và cái nhìn (Thúc Sinh hay Nguyễn Du và cả chúng ta, người đọc), sẽ thấy một mạng lưới văn bản và tiếp nhận dung chứa nhiều nghịch lý (theo cái chuẩn thông thường của người) mà ở đó nhờ  có tự nhiên (là nhân vật trội bật), nên đã điều hòa hết thảy. Ở trường hợp này, thật khó xác định là con người có quyền năng hay tự nhiên có quyền năng?

Khắc họa tính cách con người bằng những quy chiếu biểu tượngtừ tự nhiên, Nguyễn Du đã đi sát với công chúng Việt Nam, những người  từ lâu  quen thuộc với hệ biểu tượng văn hóa Trung Hoa: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”,  “ong bướm”, “yến anh”, “cành thiên hương”, “cỏ hoa”, “phượng chạ, loan chung” “cây quỳnh, cành dao”, “xuân lan, thu cúc”, “đầu trâu, mặt ngựa”, “ruồi xanh”, “mạt cưa, mướp đắng”, “trăng già”, “trời già”...Cách làm này, vừa là thủ pháp tương hợp với yêu cầu cô nén của thi ca, vừa chạm đến những đường dây ký ức trong lòng công chúng, bởi các hình tượng tự nhiên, dù đã được nâng lên tầm biểu tượng hay ẩn dụ, thường vẫn long lanh. Tuy nhiên, phải nói rằng, ở Truyện Kiều, cũng có những quy chiếu mang tính áp đặt bất công mà ngày nay chúng ta cần xem lại.

Nếu có người cho Truyện Kiều là “cuốn sách của một nghìn tâm trạng” thì quả thật sự đa dạng về tâm trạng ấy có vai trò không nhỏ của tự nhiên.Mới buổi sáng xuân thảnh thơi,cỏ non xanh bát ngát, hoa lê nở lác đác; đã chiều xuân tà bóng xế, nao nao giòng nước, dàu dàu ngọn cỏ; vừa mới “yến anh xôn xao ngoài cửa đã “Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”... Sự chuyển biến của tâm trạng và sự thay đổi của đời người như ánh chớp của bầu trời, như vệt nắng và bóng mây bay qua cửa sổ. Phải chăng do ảnh hưởng nhịp điệu chuyển động của tự nhiên mà tiết tấu của Truyện Kiều nhanh đến bất ngờ? Phải chăng cảm thức về thời gian là cái ám ảnh Nguyễn Du nhiều hơn hết? Ông mở đầu bằng “Trăm năm trong cõi người ta”, rồi ông kêu lên: “Ba thu dồn lại một ngày dài ghê!”.Một xã hội nông nghiệp Đông Á tiệm tiến xa xưa đã có thể sản sinh một tâm thế gấp gáp hiện sinh như ta nhìn thấy trong Truyện Kiều ư?

Tự nhiên cũng có mặt để làm nên những tình huống, những tình huống làm cho Truyện Kiều, dù ta đã đọc không biết bao nhiêu lần, thậm chí thuộc nằm lòng, khi giáp mặt lại, vẫn cảm thấy bị bất ngờ, vẫn cảm thấy bị lay động. Bởi tình huống ấy không đơn thuần là sự kiện được kể lại mà là hình ảnh đập vào tâm thức, trong đó hầu hết là hình ảnh của tự nhiên. Liệu có sự thay thế nào khả dĩ cho các câu sau: “Nổi danh tài sắc một thì/ Xôn xao ngoài cửa hiếm gì yến anh/Kiếp hồng nhan có mong manh/ Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”?;  “Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh/Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây”; “Tiếc thay một đóa trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về”...?

Những liên tưởng so sánh cũng vô cùng kỳ thú, không chỉ gợi trên mắt mà vang cả trong tai: Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như tiếng suối mới sa nửa vời/ Tiếng khoan như gió thoảng ngoài/ Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa. Còn ai có thể đưa tự nhiên vào để miêu tả một tiếng đàn tuyệt diệu như Nguyễn Du!

Tự nhiên là người chứng của biết bao thăng trầm, bể dâu trong đời Thúy Kiều.Đi giữa tự nhiên, mọi việc xảy ra với sự chứng giám của tự nhiên: lễ hội thanh minh: bát ngát cỏ, trời, tuyết, gió, cây, hoa, ánh nắng tà, giòng suối nhỏ lượn lờ sóng nhẹ, ở đó, ngôi mộ của Đạm Tiên là điểm nhấn, và dấu chân lướt trên rêu xanh là cái hồn lâu nay quyện cùng sương khói tự nhiên muốn tái hồi nối kết với một tấm tình tri kỷ. Những giòng thơ ghi lại trên gốc cây không chỉ là chứng tích tương giao ấy của người mà còn là biểu hiện của một thời khắc ghi hồn nhiên ký tự trên vạn vật xa xưa.Thời điểm trở lại nhà, trong tâm trạng bồi hồi nhớ lại phút giây gặp gỡ: “mặt trời, núi, mảnh trăng, nước, cây, hoa (hải đường, liễu), sương, gió, chim (oanh vàng), và giấc chiêm bao báo mộng tương lai.Và tìm kiếm, và nôn nao: dấu bèo, đá vàng, lá hoa sông suối, Và thề nguyền: “Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hai mặt một lời song song”...

Những trình bày trên đây cho thấy Nguyễn Du không lý tưởng hóa tự nhiên, hay nói khác đi là văn chương phương Đông không lý tưởng hóa tự nhiên.Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du rất ít thể hiện sự ngạc nhiên hay niềm ngưỡng mộ tự nhiên, bởi ông thấy con người là một phần trong ấy. Tự nhiên là cái gần gũi cận kề mà hàng ngày ta chạm phải Có một tiếng gọi tự nhiên nội tại (inner nature echo) trong lòng người. Từ đó tâm trí và tưởng tượng của con người không thoát ly bầu khí quyển của tự nhiên. Từ đó, tự nhiên và văn hóa không còn bờ ranh nào cả. Trong nhiều trường hợp, tự nhiên như là tâm hồn bạn (âme soeur) có khả năng tương thông, chia sẻ, giúp con người chữa lành những vết thương, hay điều hòa những xáo trộn của con người. Do vậy, Truyện Kiều vẫn không mang đến “một ảo ảnh về sự bình an và hài hòa trên cánh đồng xanh”.

Về phương diện cụ thể của từng biểu tượng, có thể Nguyễn Du vẫn phải tuân theo những quy ước chung nằm trong hệ thống mã mỹ học và văn hóa Trung Hoa nhưng về phương diện cấu trúc và mạch tư duy, Nguyễn Du luôn nương theo nhịp điệu vận hành của tự nhiên, vì vậy Truyện Kiều của ông luôn có khả năng tự điều chỉnh năng động, luôn có một cái nhìn mở và đôi khi có thể khiêu khích với những gì mang tính giáo huấn,

Điều đặc biệt là ý nghĩa của các biểu tượng tự nhiên không đơn nghĩa một lần cho tất cả, mà biến hóa thay đổi theo nguyên tắc cấu trúc lại trong ngữ cảnh hay tình huống mới. Có thể nhìn thấy điều ấy trên tất cả những từ ngữ chỉ tự nhiên mà Nguyễn Du dùng trong Truyện Kiều, nhất là những từ ngữ được dùng ở tần số cao như hoa, xuân, trăng và nước.

Ngoài ra, việc nhân cách hóa các yếu tố tự nhiên của Nguyễn Du trong Truyện Kiều hầu hết nhằm xác lập một tương giao hơn là mang tính ngụ ngôn giáo huấn, chúng đã nói lên vấn đề môi trường và công lý xã hội. Những gợi ý từ các khái niệm không gian của Gilles Deleuze và Félix Guattari[3], cũng có thể giúp ta khám phá trường hợp Từ Hải – Hồ Tôn Hiến như là một hệ quả tất yếu của đối kháng.Một không giancố định (espace sédentaire) là bộ máy nhà nước “Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng” tất sẽ không thể dung chứa một không gian du mục (espace nomade) là “khách biên đình” “Giang hồ quen thú vẫy vùng,Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”.

Truyện Kiều đã tràn đầy tinh thần sinh thái như vậy là nhờ Nguyễn Du sinh ra từ cái nôi của phương Đông, nơi có một chiều dài lịch sử gắn kết với tự nhiên, và ông là người con thụ nhận phần nhiều thiên hướng bản nhiên ấy.

2. Gần đây, một số học giả phương Tây đã vừa thừa nhận vừa tra vấn tinh thần sinh thái của phương Đông, cụ thể là các nước Đông Á. Chỉ từ một trường hợp là Truyện Kiều, luận điểm của chúng tôi liệu có vững không? Sau đây chỉ là những suy nghĩ nhỏ, xin cùng thảo luận.

Nếu lần lại ngọn nguồn, có thể nói, trên phương diện thực tiễn, nhân loại toàn cầu đã có những khởi đầu gần giống nhau trong mối quan hệ giữa con người và tự nhiên.Khởi nguyên, con người ở giữa muôn loài ruột rà với hết thảy. Từ khi biết nuôi trồng, thấy mình cũng có khả năng tạo ra những sản vật của thế gian; từ khi quần tụ lại thành những cộng đồng, những vấn đề của con người nảy sinh, các thiết chế văn hóa và những rào ngăn tự bảo vệ hình thành;  khi chủ nghĩa cá nhân và khoa học phát triển, con người có lòng tự tin chất ngất; luôn nghĩ mình là chủ nhân ông của thế giới này, con người bắt đầu dứt lìa cuống rún với vũ trụ. Từ đó con người mất đi cái nhìn nhất nguyên “thiên nhân hợp nhất”. Khai thác tự nhiên để phục vụ cho nền văn minh công nghiệp, con người lạm dụng, thậm chí hủy hoại vũ trụ.Sự dứt lìa ấy là một bất hạnh.Sự lạm dụng ấy là vô đạo. Sự chuyển đổi từ cái nhìn nhất nguyên sang cái nhìn nhị nguyên là một bước lệch xa rời tư duy minh triết.

Nhưng trên phương diện diễn ngôn, phương Đông đã thức tỉnh rất sớm. Trong khi thần thoại Hy Lạp chi chít những nhân vật thần linh nhân hóa và bi kịch cổ đại phương Tây đậm sắc những tính cách người sừng sững trong mâu thuẫn tinh thần và xã hội; thì văn học dân gian phương Đông và kinh Vệ Đà dành phần lớn số trang ngợi ca sức sống kỳ diệu của vũ trụ.Trong khi Cơ đốc giáo nói đến tội tổ tông qua truyền thuyết Adam và Eva ăn trái cấm, bị đuổi vườn địa đàng:  tráivườn đã trở thành sản phẩm đặc quyền của Thiên chúa; thì Tất Đạt Đa rời bỏ cung vàng điện ngọc, cha mẹ và vợ con để vào rừng, tu luyện trong tiếp xúc với tự nhiên.  Hôm nay những kinh sách Dịch học, Phật giáo, Đạo giáo, Khổng giáo…còn đó như là bằng chứng hiển nhiên.

Trong khi nghiên cứu văn học Đông Á, Karen Thornbern đã nhiều lần khẳng định sự thực này, từ các công trình lần lượt xuất bản từ 2012 đến 2014[4]: “Văn hóa Đông Á từ lâu được gắn với hệ thống những niềm tin chủ trương tôn sùng thiên nhiên, đặc biệt là Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo và Shinto cũng như nhiều triết lý và tôn giáo bản địa”.  “Đông Á, gồm các nước: Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, từ lâu được xem là những nước kính trọng tự nhiên, trong triết học và tôn giáo. Cho đến khi có ảnh hưởng của phương Tây, về công nghệ, môi trường Đông Á có những thay đổi lớn.”

Karen Thornbern cũng đã thừa nhận tác động của các diễn ngôn này với thế giới: “Những phương thức tư tưởng này đã khơi gợi ý thức về môi trường của rất nhiều người châu Á cũng như người Mỹ, châu Âu và một phạm vi nhỏ hơn là các trí thức Trung Đông và châu Phi”.

Công trình Cambridge người đồng hành cùng văn học và môi trường (The Cambridge companion to literature and the environment) do Louise Westling chủ biên, cũng nói rõ rằng, dù ngành học chỉ mới có vài thập kỷ, nhưng ý thức về môi trường thì đã có rất lâu, đặc biệt là với truyền thống tư tưởng phương Đông cổ đại.

Suy tư về cội nguồn của thành tựu này, một số học giả phương Tây đã đưa ra các giả thiết và lý giải, làm nên những đối thoại thú vị.

Những đối thoại ấy cho thấy tính phức tạp của vấn đề sinh thái trong mạng lưới tư duy và diễn ngôn hôm nay, và chúng ta cũng có thể tham gia ý kiến, với tinh thần “ý thức hành tinh- planet conscious), như Karen Thornbern từng mong đợi.

Trước hết là ý kiến về độ chênh giữa triết học, mỹ học, văn học, nghệ thuật và thực tế cuộc sống trong xã hội Đông Á.

Về thời điểm và mức độ phá hủy môi trường, Karen Thornbern cho rằng ý kiến sau của Rhoades Murphey là “quá lời”: “Thế nhưng những tư liệu ở châu Á lại cho thấy rõ rằng bất chấp những giá trị mà giới tinh hoa trí thức ở đây tuyên xưng, người dân đã làm biến đổi hoặc phá hủy môi trường châu Á sớm hơn và ở mức độ lớn hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, thậm chí so với cả phương Tây thế kỷ XX.” (“Góc nhìn châu Á”).

Về cội nguồn của tư tưởng, Karen Thornbern cho rằng Heiner Roetz đã “phóng đại” khi “khẳng định quả quyết rằng ở Trung Hoa thời kỳ cổ -trung đại, “một sự đồng cảm với thiên nhiên, như được biểu hiện trong sách Trang Tử, chỉ là một phản ứng đơn giản chống lại những gì thật sự đang diễn ra”. (85)

Dù vậy, qua khảo sát bốn nước ở Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, về căn bản, Karen Thornbern vẫn khẳng định “Tuy nhiên, sự không tương hợp giữa những niềm tin và những hành vi ở đây là rất đáng lưu tâm”.

Luận điểm này hết sức đáng chú ý. Karen Thornbern muốn nói lên một độ chênh, một khoảng cách và cũng là một nghịch lý mà bà nhận ra trong tập quán tư duy, trong phong thái cảm thức với cách hành xử thực tế của con người thuộc khu vực Đông Bắc Á đối với tự nhiên.

Tuy nhiên, theo thiển ý, hiện trạng “không tương hợp giữa những niềm tin và những hành vi” phải chăng là hiện trạng phổ biến của hành tinh chúng ta từ xưa đến nay, chứ không riêng Đông Á, và không chỉ trên phương diện sinh thái? Và phải chăng đó là lý do để nhân loại cứ mãi trầm luân trong những vấn đề của chính mình? Và phải chăng đó là lý do để các tôn giáo tiếp tục còn có mặt? Và phải chăng đó là lý do để Phật giáo kiên trì kêu gọi từng cá nhân phải biết “hành thiền” mong tìm lại được trạng thái “thân tâm hợp nhất”?

Từ thực tiễn văn học các nước Đông Bắc Á, Karen Thornber khai sinh khái niệm “Sự mơ hồ sinh thái” (Ecoambiguity).Đây quả là một kết hợp thú vị. Khái niệm ambiguity hoàn toàn không mới, bắt nguồn từ khái niệm latin ambiguous, có ý nghĩa nói lên một trạng thái khó xác định của nhiều phương diện, do nhiều lý do: lai ghép, vận động, dao động, đa nghĩa, mâu thuẫn...Như vậy, từ xa xưa, trí tuệ nhân loại đã ý thức được tính bất định và đa nghĩa, như là một trạng thái bao trùm trong mọi sự vật, trong mọi sự việc, của đời sống của chúng ta. Ambiguity trở thành một từ phổ biến trong nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, từ những ngành mà chúng ta tưởng là rõ ràng chính xác như: sinh học, toán học, vật lý, máy tính, cho đến những ngành khuyến khích sự mơ hồ: âm nhạc, hội họa, điện ảnh, nhưng đặc biệt văn học, do chất liệu là ngôn ngữ, lại dung chứa nhiều mơ hồ hơn hết. Vào thập kỷ đầu của thế kỷ XX, các nhà Phê bình Mới đã đưa khái niệm Ambiguity thành một từ khóa quan trọng để yêu cầu người đọc phải tập trung vào văn bản, tiến hành Đọc kỹ (Close- Reading) nhằm tránh những ngộ nhận (hay ngụy luận) trong cảm thụ và dự định).

Với kỷ nguyên hậu hiện đại, những khái niệm như tính bất định, tính bất xác quyết, tính triển hạn...theo thiển ý, chỉ là sự bổ sung theo tinh thần cụ thể hóa khái niệm ambiguity.

Như vậy, sự mơ hồ, nhập nhằng, đa nghĩa cũng đã là tính chất của tất cả, và  khả năng nhận thức của con người luôn hữu hạn, đó là điều mà kỷ nguyên hậu hiện đại lưu ý chúng ta.

Đề xuất khái niệm mơ hồ sinh thái (ecoambiguity) Karen Thornbern đã làm nên những kết hợp mới, kỳ tài, trong từ ngữ, theo kiểu tư duy phương Tây, chẳng phải để nói lên thực trạng mà chúng ta đang đối mặt hay sao?  Và từ những quan sát trong đời sống bốn nước Đông Bắc Á, bà cho là tình trạng ấy là bắt nguồn từ sự nhập nhằng phức tạp (complex ambivalence)[5]

Vậy có thể nghĩ đến việc sẽ xuất hiện một khái niệm mới nhập nhằng sinh thái (ecoambivalence) chăng? Bởi dù cả hai đều có tiền tố ambi (cả hai), nhưng trong khi guity (bắt nguồn từ agree) có nghĩa chuyển động về hai phía, thì valence (bắt nguồn từ valentia) có nghĩa là một năng lượng bên trong.

Với ecoambivalence, có thể cắt nghĩa sâu trạng thái hơn nước đôi trong tâm lý đối với tự nhiên có thể luôn diễn ra ở mỗi  con người chúng ta: Vừa gần gũi, vừa xa lạ; vừa ngưỡng mộ, vừa coi thường; vừa sợ hãi, vừa yêu mến, vừa nâng niu, vừa tàn phá…  dù hôm nay phải hết sức tránh cái nhìn theo tinh thần nhị phân.

Cùng với trạng thái tâm lý chung vốn có của loài người ấy, còn có nhiều lý do đẩy con người Đông Á nói chung, và con người Việt Nam nói riêng, vào con đường tàn phá, làm thay đổi môi trường: đói nghèo, lạc hậu, chiến tranh, hệ quả của chính sách thực dân, lòng duy lợi, tham vọng và áp lực cần phải phát triển…Nhưng quả thật, theo chúng tôi, mức độ lạm dụng và hủy hoại môi trường nơi đây chưa thể sánh với các khu vực phát triển phương Tây. Vì sao?Bởi vì nơi đây hoạt động sản xuất nông nghiệp là chính, máy móc của nền công nghiệp và các sản phẩm hóa chất đến muộn hơn, và thói quen tiêu thụ cũng hình thành chưa dài lắm. Nhưng điều quan trọng hơn, theo chúng tôi, chính là ở nền tảng của cảm thức và tư duy về tự nhiên. Nơi đây, những sức mạnh nội tâm hình thành rất sớm, nhưng tất cả chìm khuất trong đói nghèo, loạn lạc. Phần lớn người Châu Á yêu công việc chân tay và xa lạ với máy móc. Vì thế, như Việt Nam, đất nước trải dài theo đại dương mà gần đây mới phát triển hoạt động trên biển.

Vì vậy, thiển nghĩ là hơi vội khi nói về một sự phân ly rõ ràng trong lịch sử các nước Đông Á về “niềm tin và hành vi” đối với tự nhiên, xem những di sản văn học xưa nay như là thú thưởng ngoạn vô tư của tầng lớp tinh hoa tách rời cuộc đời chung, hay ngược lại, là phản ứng trực tiếp với hiện trạng nhãn tiền lúc bấy giờ.

Tất cả đều là giả thiết, cần phải có thời gian kiểm chứng.

Một trong những nét nổi bật của hầu hết các triết thuyết của phương Đông là khả năng lan tỏa rất tự nhiên trong cộng đồng trở thành tín ngưỡng  vàluôn đề cao trải nghiệm. Ở Việt Nam, hiện tượng tam giáo (Phật, Lão, Nho) đồng nguyên là có thật và có trong đại chúng, hòa trộn một cách sống động trong diễn ngôn văn học, cả truyền miệng và văn bản viết.

Nhưng ở kỷ nguyên này, khi các phát minh khoa học (đặc biệt là vật lý, và tâm lý học) đưa ra những khám phá mới, cho thấy chúng rất gần với các ước đoán và lý giải từ xa xưa của Đức Phật về vũ trụ và con người, thì có lẽ chúng ta cũng phải tin vào khả năng kỳ diệu của trực giác, có nơi những trí tuệ khác thường.Triết gia và người nghệ sĩ, hơn ai hết, có thể làm chúng ta ngạc nhiên về khả năng thấu thị, nhiều khi không giải thích được.

Đã có cội nguồn lớn như thế, vậy phải chăng tinh thần sinh thái hôm nay là vực lại ký ức từ quá khứ, nhằm soi sáng hiện tại, với vô số vấn đề vừa cụ thể, vừa trừu tượng mà chúng ta đang đối mặt trong từng giờ, từng phút?

Dường như nó buộc chúng ta phải soát xét lại toàn bộ hành trình mà nhân loại đã đi qua trong niềm tin về cái gọi là văn minh và phát triển, từ tu từ học cổ điển cho đến văn hóa học hay đồng tính…

Cần tìm ra cách nhìn và diễn ngôn về tự nhiên, đặc biệt là những cách nhìn và diễn ngôn chủ đạo chi phối sâu sắc nhân loại hàng bao thế hệ, như là chân lý, như là tín điều mặc nhiên không tra vấn. Và như vậy không có thành tựu nào là vô can, không có lý thuyết nào là đứng ngoài nhãn quan sinh thái.

Nhưng trước hết là ý thức lại đời sống sáng tác trong tiến trình lịch sử.Tự nhiên đã có mặt trong văn học từ bao giờ và như thế nào?Một câu hỏi lớn. Có phải bất kỳ tác phẩm nào dung chứa tự nhiên cũng mang tinh thần sinh thái? Thần thoại, đồng thoại, ngụ ngôn, truyện loài vật …cũng có thể vừa mang tinh thần sinh thái, vừa phản sinh thái.

Trong khi đi tìm những yếu tố tự nhiên trong văn học, phương Tây (vốn mạnh ở việc xác lập khái niệm mang tính khái quát), như tinh thần của công trình The Cambridge companion to literature and the environment đã quy về hai khái niệm chính: thể loại văn học điền viên (Pastoral Literature) và văn học thuộc trào lưu lãng mạn (Romantic Literature). Từ đó, các phân tích xoay quanh hai trục này, theo hướng phái sinh: điền viên (pastoral) phản điền viên (anti- pastoral) hậu điền viên (post-pastoral)[6] và Lãng mạn (Romantic), Phản lãng mạn (anti-romantic), Hậu lãng mạn (post-romantic). Tuy thế, cả hai loại văn này đều có tính nước đôi và nhập nhằng về khái niệm.Tính chính danh và tựa hẳn vào khái niệm, đã làm tốn bao giấy mực của nhân loại, nay gặp lý thuyết sinh thái, lại càng lúng túng.

Như vậy, có vô số con đường đến với phê bỉnh sinh thái, những khái niệm như vậy rất hấp dẫn, luôn mời gọi người nghiên cứu nắm lấy và đưa ngay vào không gian phân tích của mình. Nhưng quả thật, như văn học Việt Nam, thể loại điền viên chỉ là một phần rất nhỏ, và tự nhiên như phấn thông vàng xuất hiện khắp nơi, từ ngôn bản đến văn bản, từ thơ ca đến văn xuôi, từ trữ tình đến tự sự, từ truyền thống đến hiện đại…

  1. Có thể nói, trong lịch sử lý thuyết, chưa từng có một lý thuyết nào   thách thức con người như lý thuyết sinh thái. Cũng có thể gọi đây là liều thuốc thử lớn nhất với con người từ trước đến nay, bởi mấy lẽ.

Thứ nhất, xưa nay con đường của lý thuyết (văn học) chỉ xoay quanh trong cái vùng trời của con người, nay lý thuyết sinh thái nghiên cứu cái khung của con người trong tương quan với cái vùng trời của tự nhiên.

Thứ hai, lý thuyết sinh thái không dừng lại ở quan niệm, diễn ngôn, phương pháp như nhiều lý thuyết khác mà nó chủ yếu phải là cách sống, là trải nghiệm; sự nhận biết (tri thức) phải được chuyển hóa thành tình cảm, hành vi, thể hiện trong  từng giây phút, từng cử chỉ, trở thành nhu cầu và tâm thế thường trực nơi mỗi người. Vai trò của cá nhân như vậy, rất lớn.Đó là lòng từ ái, lân mẫn và sự tỉnh thức, được thấm nhuần từ những xác tín sâu xa. Nếu chỉ xuất phát từ tinh thần duy lợi và nhu cầu thực tế “bảo vệ tự nhiên vì sự bình an của con người”, nếu chỉ tiếp nhận kiến thức bằng logic của lý trí, và tuân theo những đặt định bên ngoài, chắc hẳn con đường “trở về nhà ngồi hát ca rất bình an” của con người sẽ còn rất xa, thậm chí có nhiều ngả rẽ “lạc lối về” bất ngờ, chờ chực.

Thứ ba, tinh thần sinh thái cuối cùng sẽ đưa ta đến việc khước từ những hành vi làm tổn hại muôn loài, việc ăn chay cũng như việc tối giản hóa nhu cầu vật chất là những thôi thúc lớn: nền văn minh của nhân loại đang trên đà phát triển như vũ bão có cho phép một ai đứng ngoài, một ai cưỡng lại?

Thứ tư, phương Tây, xưa nay vốn được xem là trung tâm ban phát lý thuyết, kể cả lý thuyết sinh thái, có chịu thừa nhận phương Đông với những trầm tích tư tưởng ẩn náu hàng nghìn năm về tự nhiên, và cùng nhau khám phá tối đa di sản này trong tinh thần mới?.

Trên chỗ đứng của văn hóa,văn học phương Đông, chúng tôi đặc biệt chú ý tinh thần của Sinh thái học chiều sâu (Deep Ecology) trong khuyến khích những trải nghiệm về tự nhiên qua việc xây dựng hình ảnh trong trang viết; và quan điểm của Martin Heidegger, ở việc nắm bắt những khoảnh khắc của trạng thái cá nhân con người trong không gian và tình huống giao kết với tự nhiên.

Martin Heidegger có nói, đại ý rằng: thơ ca là thể loại nói về tự nhiên quan trọng nhất. Ngôn ngữ thơ ca là “Ngôi nhà của Tồn sinh” (House of Being), nó giúp chúng ta dấn mình vào những điều và vật mà chúng ta nhìn thấy và miêu tả, Truyện Kiều của Nguyễn Du quả thật là “Ngôi nhà của Tồn sinh” đặc biệt, ở đó con người, văn hóa và tự nhiên tương chiếu nhau, làm nên ánh sángtừ muôn vàn cánh cửa.

                                                                             

Bài tham dự Hội thảo quốc tế

Phê bình sinh thái- Tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu, Hà Nội, 14-12-2017.

Tài liệu tham khảo:

  1. Karen Thorbern, Ecoambiguity: Environmental Crises and East Asian Literatures. University of Michigan Press. USA. 2012.
  2. Simon C. Estok, Won-Chung Kim. East Asian Ecocriticisms. A Critical Reader (Literatures, Cultures, and the Environment). Edition Palgrave Macmillan. USA. 2013.
  3. Louise Westling (chủ biên). The Cambridge companion to literature and the environment. Cambridge University Press, USA, 2014.
  4. 4.      Nguyễn Đăng Điệp. Thơ mới từ góc nhìn sinh thái học văn hóa

http://vannghequandoi.com.vn/Phe-binh-van-nghe/Tho-moi-tu-goc-nhin-sinh-thai-hoc-van-hoa-4743.html. (Dẫn nguồn 10-9-2017).

  1. Đỗ Văn Hiểu. Tính khả dụng của phê bình sinh thái. https://dovanhieu.wordpress.com/2016/09/15/tinh-kha-dung-cua-phe-binh-sinh-thai/ (Dẫn nguồn 10-9-2017).
  2. 6.      Cheryll Glotfelty (Trần Thị Ánh Nguyệt dịch). Nghiên cứu văn học trong thời đại khủng hoảng môi trường. http://tapchisonghuong.com.vn/tintuc/p0/c7/n16166/Nghien-cuu-van-hoc-trong-thoi-dai-khung-hoang-moi-truong.html. (Dẫn nguồn 10-9-2017).
  3. Trần Đình Sử. Phê bình sinh thái tinh thần trong nghiên cứu văn học hiện nay. https://trandinhsu.wordpress.com/2015/02/09/phe-binh-sinh-thai-tinh-than-trong-nghien-cuu-van-hoc-hien-nay/ (Dẫn nguồn 1-9-2017).
  4. 8.      Karen Thornbern. Những tương lai của phê bình sinh thái và văn học. http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/ly-luan-va-phe-binh-van-hoc/6289-nh%E1%BB%AFng-t%C6%B0%C6%A1ng-lai-c%E1%BB%A7a-ph%C3%AA-b%C3%ACnh-sinh-th%C3%A1i-v%C3%A0-v%C4%83n-h%E1%BB%8Dc.html (Dẫn nguồn 20-8-2017).

 


[1] PGS.TS. Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội  và Nhân văn, ĐHQG TPHCM.

[2]Nguyễn Du, người làm nên những cuộc hôn phối kỳ diệu trong thế giới văn chương. Tham luận tại Hội thảo kỷ niệm 250 năm, ngày sinh Nguyễn Du tại Viện Văn học, 2015.

[3]Trong Mille Plateaux, Éditions de Minuit, Paris, 1980.

[4] 2012: Karen Thornbern, Ecoambiguity: Environmental Crises and East Asian Literatures. University of Michigan Press. USA.

2013: Lời bạt tập East Asian Ecocriticisms. A Critical Reader (Literatures, Cultures, and the Environment) Edition Palgrave Macmillan. USA.

2014: The Cambridge companion to literature and the environment (Louise Westling chủ biên),Cambridge University Press, USA, p.198-211: Karen Thornbern, “Environmental Crises and East Asia Literature: Uncertain Presents and Futures”

[5] (this theme of how the love of wild nature co-exists with policies of ecological destruction in relationships of complex ambivalence ...)

[6] Terry Gifford. “Pastoral, Anti-pastoral, Post- Pastoral”, trong The Cambridge companion to literature and the environment.Sđd, p. 28.

Cần chấm dứt phê bình xã hội học dung tục

Chu Mộng Long

Cuộc sống và con người chỉ là chất liệu cho những tổ chức hình thức và tư tưởng nghệ thuật tinh tế chứ không đơn thuần là phản ánh hiện thực thô thiển. Văn học gánh sứ mệnh cao cả bằng lý tưởng hòa điệu những khác biệt, đúng nghĩa văn học là một sản phẩm sáng tạo thẩm mỹ.

Bài viết “Nên đưa tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình ngữ văn 11”(*) của tác giả Nguyễn Sóng Hiền gây không ít tranh cãi gần đây.

Theo tôi, những người yêu danh tác Chí Phèo hãy khoan “ném đá” tác giả mà nên bình tĩnh nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc. Điều Nguyễn Sóng Hiền nói có vẻ giật gân nhưng không có gì mới, bởi nó từng tồn tại trong nghiên cứu phê bình văn học, trong giảng dạy và học tập ở nhà trường.

“Văn học là nhân học”

Bài viết của Nguyễn Sóng Hiền chứa đựng cả hai thái cực của phê bình xã hội học dung tục. Điều anh ta đặt ra về tính giai cấp (đại diện cho ai), tính giáo dục - đạo đức (thiện/ác, tốt/xấu) đối với nhân vật Chí Phèo không phải là sai hoàn toàn.

Bởi đó là khuynh hướng phê bình xã hội học dung tục đã từng tồn tại trong không ít nhà phê bình trước đây, thậm chí vẫn đeo bám dai dẳng trong đầu, trong viết lách và thi cử của nhiều giáo viên, học sinh hiện nay.

Nhưng trong khi phê phán lối phê bình xã hội học dung tục cũ mèm ấy, tác giả này lại rơi vào xã hội học dung tục hơn cả dung tục.

Anh ta xem nhân vật như là một học sinh cá biệt và lấy quan điểm chính trị, pháp luật ra để đánh giá, buộc tội nhân vật (nổi loạn, ăn vạ, ăn quỵt, đốt nhà, cưỡng hiếp...) theo giọng điệu của nhà giáo dục học, thậm chí là giọng điệu hình pháp của quan tòa; trong khi văn học nghệ thuật thuộc những gì tinh tế, nhân văn nhất, vượt qua khỏi giới hạn của chính trị, đạo đức, pháp luật.

Cuộc sống và con người chỉ là chất liệu cho những tổ chức hình thức và tư tưởng nghệ thuật tinh tế chứ không đơn thuần là phản ánh hiện thực thô thiển.

Chí Phèo hay các loại nhân vật độc đáo kiểu Chí Phèo trong văn học chỉ là vấn đề nghệ thuật hóa, ký hiệu hóa, biểu trưng hóa con người trong tính phức tạp, bí ẩn nhất của nó - một khối xung đột có tính phổ quát giữa ý thức và vô thức, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa văn hóa và tự nhiên, giữa con người và bản năng hoang dã...

Chí Phèo là điển hình siêu mẫu (GS Đặng Anh Đào), bởi trong Chí Phèo có tất cả những gì thuộc về con người. Không phải ngẫu nhiên mà Chí Phèo thành điển hình cho mọi loại người của mọi thời đại và trở thành hình tượng bất hủ.

Chí Phèo là con người của mọi con người - con người phổ quát chứ không là đại diện cho một giai cấp, một thời đại. Không ngẫu nhiên mà Chí Phèo được dịch ra nhiều thứ tiếng, được nhiều dân tộc các nước ưa thích.

Văn học là nhân học. Mệnh đề này của M. Gorki luôn luôn đúng trong nghĩa nhân học sâu sắc nhất của văn học. Học văn để hiểu về con người, hiểu về chính mình. Trong mỗi con người có cả thiện/ác, tốt/xấu, ý thức/vô thức, văn hóa/bản năng hoang dã...

Khi một tác phẩm mà nhân vật vươn tới điển hình siêu mẫu, người đọc sẽ nhìn thấy chính mình trong nhân vật. Hiểu đúng con người của mình sẽ thoát khỏi tình trạng hoang tưởng và vô minh để sống chân thực, sống gần con người và sống tốt với cuộc đời.

Trong truyện ngắn Những truyện không muốn viết, Nam Cao từng kể về nỗi khổ của mình khi chuyển khuynh hướng sáng tác từ lãng mạn sang hiện thực. Khổ sở không phải vì phải vò đầu bứt tóc để viết ra câu văn hay, cũng không phải vì miếng cơm manh áo trì níu. Khổ sở vì viết cái gì cũng “động chạm”.

Viết về một người đàn ông tầm thường vô vị, hắn có thể là tôi, là anh hay là bất cứ người đàn ông nào, thế là có người đàn ông tự vơ ngay vào mình, hằn học với nhà văn, rằng tại sao viết về anh ta như vậy? Thôi thì không viết về “thằng người” nữa mà viết về con chó mực.

Tưởng chó thì nó không biết chữ nên yên thân. Nào ngờ có một thằng say đọc được, nó chặn đường chửi như tát nước vào mặt và đòi nện nhà văn vì sao viết về nó giống như con chó mực? Ức quá, nhà văn viết ngay truyện về thằng say, mày đã chửi thì ông cho mày chửi luôn.

Không ngờ có rất nhiều kẻ tỉnh, rất tỉnh, tấn công ném đá nhà văn, vì tại sao dám mượn thằng say chửi cả họ nhà ông?

Thì ra văn chương đích thực như là một cuộc trải nghiệm đớn đau, vật vã, hiểu người khác cũng là để hiểu chính mình và từ hiểu mình đi đến thấu hiểu cuộc đời, như từ bóng tối vươn ra ánh sáng. “Nghệ thuật vừa đau đớn vừa phát khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái và sự công bình. Nó làm cho người gần người hơn” - Nam Cao đã nói như thế trong tác phẩm nổi tiếng khác, Đời thừa. Và quan niệm nghệ thuật ấy kết tinh trong danh tác Chí Phèo.

Hiểu đúng và giảng dạy đúng giá trị văn chương như thế, tôi tin không có chuyện học sinh noi gương Chí Phèo rượu chè, ăn vạ, ăn quỵt, đốt nhà, cưỡng hiếp... như tác giả Nguyễn Sóng Hiền hiểu.

Ngược lại, những kẻ “giống Chí Phèo” khi đọc hiểu Chí Phèo sẽ thấy xấu hổ, đớn đau mà tự giải thoát, tự thay máu Chí Phèo, thay cái phần vô thức, bản năng hoang dã để sống như một chủ thể người.

Quan trọng hơn, đằng sau sự xấu hổ, đớn đau ấy còn là ý thức của cả cộng đồng về cải thiện môi trường xã hội, giải tỏa áp lực của những mối quan hệ phản nhân văn để xây dựng một xã hội người gần người hơn.

Thì ra văn chương đích thực như là một cuộc trải nghiệm đớn đau, vật vã, hiểu người khác cũng là để hiểu chính mình và từ hiểu mình đi đến thấu hiểu cuộc đời, như từ bóng tối vươn ra ánh sáng. 

Khả năng hòa điệu và thanh lọc

Đành rằng, văn chương ở nhà trường phổ thông phải có ý nghĩa giáo dục. Nhưng giáo dục sâu sắc không là giáo dục giáo điều. Văn chương không là công cụ minh họa cho khuôn khổ đạo đức của một thời đại, càng không là sản phẩm minh họa cho những điều luật trong luật pháp.

Nó tinh tế và đầy nhạy cảm chứ không phải cái robot lạnh lùng làm theo sự điều hành của trật tự và luật lệ cứng nhắc. Giảng dạy văn học khác với dạy bộ môn giáo dục học - đạo đức học.

Ở văn chương, không ai có thể đứng trên người khác để phán xét, nó bình đẳng đến mức ta cũng là người khác. Mỹ học gọi là khả năng tạo ra sự hòa điệu và khả năng tự thanh lọc.

Buộc tội Chí Phèo, kéo theo buộc tội Nam Cao, đòi loại trừ “Chí Phèo” ra khỏi nhà trường, là một cách đọc hiểu văn thô thiển, kéo theo tạo ra khoảng cách giữa ta và người khác, càng kích thích sự kỳ thị và gây mâu thuẫn, xung đột.

Nên nhớ, Chí Phèo là một hiện tượng xã hội trước khi trở thành hiện tượng văn chương chứ không có chuyện ngược lại. Cũng như thế, Kiều là một hiện tượng xã hội trước khi thành kiệt tác của Nguyễn Du.

Đọc Kiều bằng con mắt của nhà giáo dục - đạo đức, không chừng sẽ dẫn đến hô hào loại trừ luôn cả Truyện Kiều, như Truyện Kiều từng bị các nhà Nho giáo điều xem là “dâm thư”, và xem chừng lại đổ tội nạn mại dâm hiện đại là do ảnh hưởng từ Truyện Kiều.

Người Trung Quốc tự nhìn thấy mình trong AQ để chống lại AQ trong con người của mình và trưởng thành chứ không buộc tội AQ hay buộc tội nhà văn Lỗ Tấn.

Người Pháp từng thấy cái đê tiện của mình trong Tấn trò đời của Banzac để vươn đến kiến tạo một thế giới văn hóa văn minh cao nhất; thấy nỗi đau tột cùng của mình trong Những người khốn khổ của Hugo để chia sẻ với những Jean Valjean chứ không kêu gọi loại trừ các danh tác của họ vì sự keo kiệt bủn xỉn của giới tư sản giàu có hay hành vi phạm pháp của một con người khốn cùng.

Nhị nguyên luận với cách phân đôi phạm trù tục/thiêng, thiện/ác, tốt/xấu kéo theo phân đôi giai cấp nông dân/địa chủ, ta/địch... một cách cực đoan là cha đẻ của phê bình xã hội học dung tục.

Đành rằng sáng tạo, trong những thời điểm lịch sử nhất định, có những đối lập nhị nguyên cực đoan, nhưng phê bình hiện đại phải khách quan với cái nhìn đa chiều...

Phê bình văn học nghệ thuật đến lúc phải đoạn tuyệt với phê bình xã hội học dung tục. Xét đến cùng, bài viết với ý kiến cá nhân của Nguyễn Sóng Hiền tự phơi ra hai lỗi lớn của nghiên cứu phê bình và dạy học văn hiện nay.

Một là tàn dư của phê bình xã hội học dung tục tưởng đã chết từ sau đổi mới vẫn chưa chết hẳn. Hai là do sau các cuộc đổi mới thiếu thận trọng, phê bình xã hội học dung tục có cơ hội hồi sinh và phát triển.

Trong đổi mới giáo dục có vấn đề giáo dục tích hợp bị hiểu sai, rằng trong dạy học văn có dạy môi trường, lịch sử, địa lý, pháp luật, và đặc biệt là giáo dục đạo đức.

Tôi từng phê phán sách hướng dẫn giáo viên hướng dẫn dạy tích hợp môi trường trong Bình Ngô đại cáo. Câu “Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ” không được hiểu là cách nói phóng đại của ký hiệu văn chương mà bị hiểu là quân Minh tàn phá môi trường, dẫn đến câu: “Đánh một trận sạch sanh kình ngạc / Đánh trận nữa tan tác chim muông” dễ bị học sinh hiểu là ta đánh giặc kéo theo tàn phá môi trường hơn cả giặc, đến mức cá dưới nước, chim trên trời cũng bị hủy diệt?

Tích hợp theo cách ấy, văn chương không còn là văn chương nữa, đến khi tích hợp giáo dục đạo đức, các nhân vật trong mọi tác phẩm đều có vấn đề trục trặc, không chỉ là Chí Phèo, Thúy Kiều, Chị Dậu... của Việt Nam, hay AQ, Jean Valjean... của thế giới.■

(*): Đăng trên VietNamNet ngày 5-12-2017.

Nhìn văn chương không thể nhìn bằng con mắt của nhà đạo đức hay nhà hành pháp, thậm chí là nhà khoa học.

Nếu nhìn bằng con mắt nghiêm khắc, lạnh lùng của giới phi văn học, toàn bộ văn học, từ huyền thoại, sử thi, cổ tích đến các loại văn học hiện đại, đều phải bị tống cổ ra khỏi nhà trường vì toàn thấy nhà văn “bênh vực” cho những kẻ vô đạo đức, phạm pháp và tưởng tượng phản khoa học?

Chẳng phải huyền thoại toàn cả tin vào thần linh với những kiến giải phản khoa học? Chẳng phải sử thi toàn ngợi ca chiến tranh giành đất và giành đàn bà của đám đàn ông quyền lực mà Engels đã chỉ ra trong Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước? Chẳng phải cổ tích toàn nói chuyện ông Bụt bà Tiên để ru ngủ người nghèo, rằng cứ thật thà và hay khóc nhè thì Bụt Tiên sẽ hiện ra giúp cho?

Mỗi thể loại văn học đều có cái lý tồn tại trong tính lịch sử của nó, dù là huyền thoại hay cổ tích, văn học hiện thực phê phán hay văn học cách mạng. Văn học là ký hiệu của tư tưởng được hình thành trong những giai đoạn văn hóa khác nhau chứ không phải là bản sao hay minh họa cho hiện thực thô thiển, cho những luân lý giáo điều.

Nguồn: https://tuoitre.vn/can-cham-dut-phe-binh-xa-hoi-hoc-dung-tuc-1414305.htm

 

Lại chuyện anh Chí

Hà Thanh Vân

Không muốn nói chuyện nữa song vẫn phải nói chuyện khoa học 1 chút:

Ở bài viết thứ nhất, ông Nguyễn Song Hiền nói rằng: “Chí Phèo” có thể thành công về phong cách viết, nhưng không có giá trị giáo dục” (nguyên văn) và ông cho rằng cần phải loại tác phẩm này ra khỏi chương trình phổ thông. Sau đó ông phân tích 1 bài dài về việc Chí Phèo gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý học sinh phổ thông thế nào. Toàn bài viết đều lên án Chí Phèo gay gắt, y như Chí Phèo là một nhân vật ở ngoài đời thực. Đến nỗi tôi đồ rằng ông sẽ lên án Thị và Tràng vi phạm luật hôn nhân gia đình, dám sống thử, sống gấp. Rằng phụ nữ cần noi gương người đàn bà hàng chài vì nhịn nhục để giữ hạnh phúc gia đình, và ai xem phim sex thì cũng sẽ mắc tội cưỡng dâm.

Đến bài thứ hai, có lẽ do dư luận ném đá nhiều quá, cho nên ông bảo Chí Phèo là một tác phẩm kinh điển và nên học ở cấp cao hơn, với lý do học sinh lớp 11 là “ăn chưa no, lo chưa tới”. Hóa ra ông tự mâu thuẫn với chính mình vì lúc đầu bảo tác phẩm không có giá trị giáo dục, sau lại bảo là tác phẩm kinh điển. Có lẽ ông hiểu sai về một tác phẩm văn học kinh điển, cho rằng chỉ thành công về phong cách thôi là đủ kinh điển rồi. Nhưng điều này có thể thông cảm được vì ông vốn là giáo viên trường dạy nghề, và trường tin học, ngoại ngữ, không phải giáo viên văn.

“Chúng ta đã và đang chứng kiến quá nhiều cảnh đau lòng như bạo lực học đường, giết người cướp của, cưỡng hiếp... mà đối tượng không ai khác chính là các em-những trẻ vị thành niên. Ai dám phủ nhận rằng nó không phải là một lỗi của giáo dục? Và ai dám phủ nhận những hành vi bạo lực và thú tính ấy không phải bắt chước từ hành vi của Chí” – ông Hiền nói” (nguyên văn). Ông nói như đinh đóng cột như vậy.

Nói như ông Hiền, té ra thế hệ học sinh mấy chục năm nay đều chịu ảnh hưởng xấu của Chí Phèo. Mọi tệ nạn ở giới trẻ đều là vì Chí Phèo. Nếu vậy, cần phải làm một cuộc khảo sát khoa học, điều tra xã hội học về tác động xấu của Chí Phèo đối với các thế hệ học sinh, chứ nếu nói chung chung như vậy là võ đoán, không khoa học. Lẽ nào là một nghiên cứu sinh, mà phương pháp nghiên cứu cơ bản nhất ấy, ông cũng không biết? Ông viện lý do ông không ở Việt Nam, nên không khảo sát được. Song chưa khảo sát mà đã ông đã có kết luận như đúng rồi. Làm khoa học, có ai dám công bố kết luận trước khi đi thực nghiệm, chứng minh không?

Có, tất nhiên, ý kiến trái chiều nhau của nhiều người về tác phẩm này, tôi cho rằng đó là ý kiến cá nhân và tôi tôn trọng. Song đó chỉ là ý kiến, chưa qua khảo sát khoa học, thì vẫn chỉ là quan điểm cá nhân. Tôi chỉ xem trọng những nghiên cứu khoa học thực sự về hành vi, tâm lý lứa tuổi dưới tác động của một tác phẩm văn học như Chí Phèo. Ông Hiền đang làm người đốt đền (trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang cần có những người đốt đền để định hướng dư luận), song ông đốt đền có vẻ chưa thành thạo.

 

Tôi lo ngại xu hướng đọc văn từ xã hội học dung tục thành giáo dục học dung tục

Đoàn Lê Giang

Văn học có liên quan mật thiết đến xã hội, chính trị, đạo đức (trong đó có giáo dục đạo đức), nhưng văn học không phải là lĩnh vực sinh ra chỉ nhằm minh họa cho 3 lĩnh vực kia. Môn văn vừa đồng hành với 3 lĩnh vực trên vừa có những đặc thù riêng. Văn học phản ánh đời sống, tái hiện cuộc sống như là nó đang diễn ra. Người đọc thưởng thức tác phẩm như sống trong cảnh ngộ của nhân vật, vui buồn, yêu ghét cùng với nhân vật, thông qua những bi kịch của đời sống, những đau khổ và niềm xót thương mà người ta thanh tẩy tâm hồn mình. Văn học có phương tiện riêng, đó là ngôn ngữ văn học, một thứ ngôn ngữ có tính nghệ thuật cao, với mỗi một loại trình độ khác nhau mà người ta có thể khám phá nhiều tầng vỉa thú vị của nó. Đó là những bài học vỡ lòng về văn học.
Thế mà có những người nhân danh giáo dục đòi đưa một danh tác của văn học Việt Nam trước 1945 là truyện Chí Phèo ra khỏi chương trình vì nhân vật này không đại diện cho ai, kể cả giai cấp nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Với hành vi uống rượu say, rạch mặt ăn vạ, hiếp dâm, giết người có thể khiến cho học sinh bắt chước, mà hư hỏng đi. Thậm chí gần như quy kết tệ nạn giết người, hiếp dâm tăng cao có thể là do chịu ảnh hưởng của Chí Phèo.
Nếu theo cái lý ấy thì nạn trộm cắp nhiều hiện nay rất nhiều là do chịu ảnh hưởng của Giăng-Van-Giăng, con ngoài giá thú nhiều là chịu ảnh hưởng của Phăng-tin (tác phẩm Những người khốn khổ), số gái điếm tăng bội phần khắp cả nước là do chịu ảnh hưởng của Thúy Kiều (Truyện Kiều), cha mẹ đẻ ra con ngu nhiều là do chịu ảnh hưởng của truyện cổ tích "Đứa con trời đánh hay Tiếc gà chôn mẹ"…?
Nếu không hiểu những đặc trưng của ngôn ngữ văn học, hình tượng văn học thì rất dễ có những sai lầm ấu trĩ, thậm chí có thể dẫn đến việc đòi đưa tác phẩm ra khỏi chương trình. Ví dụ:
- Học làm gì cái ông Lý Bạch ngớ ngẩn với: "Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai/ Bôn lưu đáo hải bất phục hồi" (Thấy chăng ai ngọn nước tự lưng trời/ Trôi đến biển khôn vời lại được). Sao sông Hoàng Hà lại từ trời chảy xuống?
- Học làm gì Nguyễn Du với Truyện Kiều, tác phẩm này chỉ là dâm thư, Thúy Kiều chỉ là “con đĩ” (như cụ nghè Ngô Đức kế nói)! Học vậy là xui con cái chúng ta làm nghề buôn phấn bán hương hết à?
- Anh Chí hãy chịu trách nhiệm đạo đức cá nhân của anh chứ, anh phải biết tự phán chứ, sao cứ đổ thừa cho người ta: "Ai cho tao làm người lương thiện?". Hỏi vậy mà không cần biết anh Chí chứ có phải anh đâu? Vô duyên nhất là người đọc sách đời sau cứ đòi hỏi: sao nhà văn không viết thế này, thế khác, theo ý tôi cho là hay?!
Văn học có ý nghĩa giáo dục đạo đức, nhưng nó không phải là đạo đức, nó không đưa ra các khuôn mẫu đạo đức cho mọi người noi theo. Người làm giáo dục đừng nhân danh này khác để bắt nó làm cái việc không phải của nó. AQ là một "siêu mẫu" của châu Á; Chí Phèo, Bá Kiến cũng là các "siêu mẫu" vượt thời gian của Việt Nam. Ở nước ta, nhà văn có thể đem so sánh với Lỗ Tấn thì chỉ có Nam Cao. Nếu Nam Cao mà còn bị cho là kém hay thì nói gì đến Nhất Linh, Khái Hưng, và kể cả Thạch Lam... Vài tác phẩm của Nam Cao có thể đạt đến tính đa nghĩa, tính mở về thưởng thức. Nhà văn Việt Nam viết được những tác phẩm cỡ đó ít lắm, nửa đầu thế kỷ XX may ra chỉ có Nam Cao, Vũ Trọng Phụng... Tính khái quát từ làng Vũ Đại thì chỉ có Nam Cao - Làng Vũ Đại của Chí Phèo, Bá Kiến, Nam Cao, làng Vũ Đại của chúng ta: tăm tối và “quần ngư tranh thực”! Còn về ngôn ngữ tiếng Việt, so với Nam Cao thì các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn không thể sánh được ở tính đa dạng, sâu sắc, mới mẻ, đời thường, có khả năng khắc họa cao. Tác phẩm như thế có đáng để học sinh trung học học và suy nghĩ không, hay những học sinh này chỉ đáng đọc loại văn chương "si rô", "nước đường"? Cũng may, tôi biết được tuổi trẻ không phải ai cũng hời hợt, thô thiển và dung tục!
Có những người mới biết một chút mà đã tưởng là chân lý, mới đọc được vài quyển sách, mới đi ra được nước ngoài là cứ tưởng mình là Galile đến nơi rồi. Với văn học, họ không hiểu nhưng vẫn cứ chê văn, rồi đòi đưa tác phẩm này tác phẩm nọ ra khỏi chương trình. Có họ người ta cứ phải giảng lại bài những bài học nhập môn về văn học của hàng chục, hàng trăm năm trước. Phê bình xã hội học dung tục tưởng đã chết từ lâu rồi, bây giờ thông qua những người ngoại đạo nó lại có khả năng sống dậy và biến thái theo kiểu khác: “phê bình giáo dục học dung tục”. Những cách nói, cách nghĩ như thế kéo lùi đất nước biết bao nhiêu!

                                                                 Thi ca không phải là hình vuông, dù hình vuông đó có nằm trong bàn cờ người vô cùng thâm hậu. Bởi vì thi ca không phải là nơi được xây cất để chứa đựng sự khôn ngoan của con người

Khuất Bình Nguyên

Năm ấy, quãng đâu từ 20 đến 23 tháng 5 - 1945, mấy chàng văn sỹ bốn phương tụ họp lại ở đất Thăng Long. Họ là thành viên đã tham gia Hội Văn hóa cứu quốc, bí mật bơi thuyền qua Hồ Tây ra đảo để bàn việc văn nghệ sĩ sẽ làm gì khi tổng khởi nghĩa được trên phát lệnh. Nạn đói lúc ấy đang hoành hành dữ dội ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng bảo có cảm giác như họ lạc vào Lương Sơn Bạc. Còn Nguyên Hồng trong hồi ký Những nhân vật ấy đã sống trong tôi thì khoe được bốn ngày toàn cơm không độn và rau muống Hồ Tây ăn thật lực. Họ là Nam Cao, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Trần Huyền Trân. Sau đấy ít hôm, cuộc họp của nhiều anh em văn nghệ cứu quốc diễn ra ở La Khê, Hà Đông vào đầu tháng 7/1945 do Khuất Duy Tiến chủ trì, đã làm được nhiều việc quan trọng, trong đó có quyết nghị ra tờ tạp chí Tiên phong phục vụ cho tổng khởi nghĩa. Bắt đầu từ giữa tháng 7, có việc chuẩn bị bài vở cho tờ tạp chí đó. Nguyễn Đình Thi nhớ lại. Hồi ấy đã đến căn gác nhà Nguyễn Huy Tưởng thuê ở đằng sau chợ Hôm - Đức Viên để làm tờ Tiên Phong số 1. Những tên tuổi và địa chỉ đặt nền tảng cho một nền văn nghệ đã có mặt tại tờ số 1 ấy: Đề cương văn hóa văn nghệ - 1943; Mười chính sách của Việt Minh; Định nghĩa hai chữ văn hóa của Đặng Thai Mai và Nguyễn Hữu Đang; Dưới ánh sáng cứu quốc xét qua văn hóa Việt Nam sáu năm chiến tranh 1939-1945 của Nguyễn Đình Thi; Lớp người chưa chết – thơ của Trần Huyền Trân. Bài thơ miêu tả sự tang thương và khốc liệt của nạn đói và kết thúc bằng một vần lục bát rạng ngời hi vọng:

Máu bốc lên! Hỡi anh em

Chân trời đã rạng một nền tự do.

Nguyễn Đình Thi tự nhận lúc ấy là cây bút mới vào nghề, được giới thiệu với Trần Huyền Trân thì không khỏi sợ sệt thầm về người thơ đi trước. Những ngày đầu sôi sục của kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đình Thi lại được đọc trên tờ Cứu Quốc bài thơ Hải Phòng 19/11/1946 của Trần Huyền Trân, dài suốt dọc tờ báo. Hơi thơ bộc trực,dồn dập vang lên tiếng kèn trận. Vâng, thật không có lời nào xác đáng đến như vậy về bài thơ ấy của Trần Huyền Trân. Một sự đổi thay kỳ diệu của tâm hồn, cảm xúc thi nhân.

Còn nhớ chỉ cách đấy mấy năm về trước, có một Trần Huyền Trân đã khiêm tốn xuất hiện trên thi đàn Việt Nam. Vào tháng 11/1941, khi Hoài Thanh đã định khép cửa lại, dẫu có thiên tài đến gõ cũng không mở. Thế mà phải mở để đón Trần Huyền Trân. Mặc dù rào trước đón sau kỹ càng như thế, nhưng anh em ông Hoài Thanh, Hoài Chân không khỏi chắc lép khi chỉ trích dẫn một vài câu thơ mà không tuyển được bài thơ nào trọn vẹn. Cách bình của hai anh em ông có thể được hiểu theo nhiều nghĩa. Một người mới đến không mới lắm trong phong trào thơ Mới? Một người đang muốn có cái gì đó khác lạ để bước ra khỏi thơ Mới từ thơ Mới? Một người thơ thanh bần giống như các nhà nho nhàn tản của thế kỷ trước? Chỉ có Trần Huyền Trân và TTKH trong số 44 nhà thơ có mặt ở Thi Nhân Việt Nam là không được tuyển bài. Phần đánh giá thơ Trần Huyền Trân cũng không được đậm đà cho lắm. Nói là thơ ông không xuất sắc lắm, sau khi đọc hoài những câu rặt những anh anh em em đã tìm thấy cái thú của người đi đổi gió. Công bằng mà nói, bài Thu (sau này, vào hồi 1986 khi in tập thơ đầu tiên trong đời, lấy tên tập là Rau tần là ý trong bài thơ Thu), Trần Huyền Trân viết ở đầm Liên Hoa năm 1939 có thể đưa vào Thi Nhân Việt Nam được lắm chứ. Mang đậm phong cách cổ thi. Từa tựa như trích ra một đoạn ở đâu đó trong truyện thơ nôm thế kỷ 18:

Mưa bay trắng lá rau tần

Thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa

Có người về khép song thưa

Để rêu ngõ trúc tương tư lá vàng.

Lúc đầu tôi nghĩ rau tần chỉ là một thứ rau của văn chương, ngỡ như là mây tần ở bên Tàu vậy. Hóa ra nó là thứ rau kết thành bè xanh bạt ngàn trên mặt các ao hồ thuở trước, đằng sau dãy phố cô đào nhạt nhòa mưa nắng Khâm Thiên. Cái thứ rau Nguyên Hồng đã khoe được ăn cật lực cùng Trần Huyền Trân và anh em văn nghệ hồi tiền khởi nghĩa ở đảo Hồ Tây.

Phân tích ý tứ của Hoài Thanh, có nhà nghiên cứu lại cho rằng Trần Huyền Trân là nhà thơ kết thúc phong trào thơ Mới 1930-1945 không phải vì lẽ đến muộn với vận hội đã được nhiều người viết trước thành công mà vì thơ Trần Huyền Trân đánh dấu mọi tham số chủ yếu mà phong trào đó đã giành được cần khẳng định. Về mặt nội dung là sự kết cục của tiếng thơ trải rộng từ lòng người đến biến động chính trị, đụng tới vấn đề của chính trị. Về hình thức đã có cách đặt chữ táo bạo, đưa xa thêm trong hướng ngang tàng đời thường và thể lục bát vốn tự sự và dịu nhẹ được đẩy xa vào dữ dội… Thực là cách đặt vấn đề khác biệt so với sự dè dặt của Thi Nhân Việt Nam trong trường hợp Trần Huyền Trân.

Ở một góc nhìn khác, sau gần một thế kỷ, đầu năm 2018, nhà văn Thụy Khuê trong cuốn Phê bình văn học thế kỷ 20 đã có những đánh giá khá nặng nề về Hoài Thanh. Cho rằng Hoài Thanh không tinh bằng Vũ Ngọc Phan vì Thi Nhân Việt Nam đã thu thập không ít tác giả ngày nay không còn để lại dấu vết gì. Rằng Hoài Thanh quá chủ quan trong việc nhận định và đánh giá, đem tình cảm riêng để gán cho mọi người, tán thơ hơn là bình thơ. Tôi không muốn nhân đây để bình luận về Trần Huyền Trân. Điều lưu ý là Thi Nhân Việt Nam hoàn thành vào tháng 11/1941 là lúc phong trào thơ Mới đang diễn ra. Lịch sử thi ca gần 100 năm nay, cho thấy ý nghĩa và giá trị của Thi Nhân Việt Nam đối với phong trào thơ Mới và thơ ca Việt Nam hiện đại. Hoài Thanh làm quyển Thi Nhân Việt Nam không phải đem tình cảm riêng gán cho mọi người, dù chỉ là trong khi bình một bài thơ.

Với Trần Huyền Trân cũng vậy. Thi Nhân Việt Nam đã ghi nhận kịp thời tên tuổi của ông như một thi sĩ đã tham gia vào cuộc cách mạng thi ca lớn nhất thế kỷ 20 như một tên tuổi không thể bỏ ra ngoài phong trào ấy được. Phải chăng điều đáng ghi nhận ở Hoài Thanh là đã phát hiện ra được một Trần Huyền Trân trong phong trào thơ Mới đang đi tìm con đường đổi gió cách tân thơ giữa lúc tầm vóc và ảnh hưởng của phong trào ấy đang còn rầm rộ và xung mãn? Nó đã tạo ra một diện mạo mới khác hẳn với chín thế kỷ trước đó khi thơ được viết bằng chữ nho và chữ nôm. Những cảm hứng và hình tượng thơ lãng mạn đã lôi kéo được số đông công chúng độc giả, đặc biệt là tầng lớp thị dân ở các thành phố và đô thị, đồng thanh tương ứng với cuộc cách tân thơ ấy.

Động lực nào đã thúc đẩy thi ca Việt Nam không chỉ dừng lại kể tiếp câu chuyện cổ tích về một phong trào thơ chỉ diễn ra hơn mười năm thôi đã sản sinh ra ít nhất có tới 44 thi sĩ mà còn bước tiếp vào một cuộc cách tân mới. Điều kỳ diệu của thi ca Việt Nam thế kỷ 20 là như thế. Cách mạng tháng 8/1945 – một chấn động lịch sử vô cùng trọng đại, chấm dứt những gì tưởng như chẳng bao giờ thay đổi được để nước Việt Nam được độc lập, tự do Rũ bùn đứng dậy sáng loà và tiến hành cuộc chiến đấu sinh tử để bảo vệ nền độc lập ấy. Tầm vóc và những biến động dữ dội của lịch sử đòi hỏi thi ca đổi mới để theo kịp và viết tiếp những gì cuộc sống đang kêu gọi. Và Trần Huyền Trân là một trong số ít của 44 thi sĩ phong trào thơ Mới có khả năng bứt phá, vượt ra khỏi những khuôn mẫu hoàn thiện của thơ Mới 1930-1945 để bước vào cuộc cách tân thơ với tất cả sự dóng dả của tiếng gọi ban đầu.

Phải nói rằng Xuân Diệu, nhà thơ mới nhất trong phong trào thơ Mới, sau 1945 đã bước vào cuộc đổi thay sớm nhất. Ông không ngần ngại chê trường ca Từ đêm mười chín viết từ 1947-1948 của Khương Hữu Dụng sử dụng thể thơ cổ phong, nên không khác gì bài phú. Xuân Diệu đã có những sáng tác sớm nhất trong năm 1945 như Ngọn Quốc kỳ, Hội nghị non sông, … nhưng không được dư luận đánh giá cao. Có lẽ ông vẫn viết theo thi pháp cũ. Tạp chí Tiên Phong số 8/1946 Xuân Diệu có bài Nguồn Thơ Mới mà đọc lên nghe hơi hướng nhịp điệu của Lời kỹ nữ. Kiểu như là Suối thơ đây mang mê tối lòng người, nên bốn biển dạt dào trong đáy ngọc. Có lẽ Hoài Thanh đã đúng khi nhìn nhận Trần Huyền Trân là thi sĩ đi tìm đổi gió. Có thể nói toàn bộ cuộc đời của Trần Huyền Trân những năm từ 1944 đến 1947 là những trang đời đẹp nhất. Ông đến với cách mạng và bắt nhịp một cách hồ hởi và mãnh liệt bước đi của đời sống bằng cây bút của người thi sỹ. Bài thơ Hải Phòng 19/11/1946 của Trần Huyền Trân ra đời vào tháng 11/1946, trước cả Tình sông núi của Trần Mai Ninh, Nhớ của Hồng Nguyên, Tây Tiến của Quang Dũng, Đèo Cả của Hữu Loan, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm … Những bài thơ mở đầu cho thơ ca kháng chiến chống Pháp, mở đầu cho sự đổi thay của một nền thơ, sau phong trào thơ Mới. Hải Phòng 19/11/1946 chẳng những như một điểm sáng của đời thơ Trần Huyền Trân mà còn của thi ca Việt Nam nửa sau thế kỷ 20.

Trần Huyền Trân thành công hơn cả ở thể thơ lục bát như các bài Uống rượu với Tản Đà 1938, Nhớ nhau 1938, Khi đã về chiều 1938, Viếng nhau 1939, … Nhiều lắm ta cũng chỉ thấy cái mang mác Thề non nước của Tản Đà. Hải Phòng 19/11/1946 viết theo thể thơ tự do bao gồm 109 câu thơ với những dòng thơ dài, ngắn linh động miêu tả hào khí cuộc chiến đấu chống Pháp xâm lược tại Hải Phòng. Đây là tiếng súng nổ lần đầu tiên trong thi ca hiện đại.

Nổ súng rồi!

Nổ súng rồi!

Hải Phòng cuồn cuộn dâng như biển

Nước mặn đồng chua thêm máu người.

Cùng với tiếng súng nổ, hai hình tượng lửa reo lửa thét và dòng sông Thái Bình dậy sóng mang đến cho bài thơ giọng điệu sử thi mạnh mẽ. Hình tượng thơ không phải bắt nguồn từ tâm trạng của thi nhân. Ở đây nó như từ cuộc sống ào vào thơ, làm nên diện mạo của thơ.

Hải Phòng khu 7 tay ôm lửa

Một mái nhà thiêu một đạo binh.

Nếu như tất cả những âm thanh của cuộc sống đều vọng lên từ tâm trạng buồn và cô đơn của thi nhân trong phong trào thơ Mới, tiếng của dòng sông là tiếng buồn điệp điệp thì dòng sông Thái Bình của Trần Huyền Trân như từ cuộc sống oằn oại chảy trong thơ.

Dòng Thái Bình xuyên rừng leo núi

Oằn oại với chân người

Dòng Thái Bình xô ra biển rộng

Dòng Thái Bình vọt sóng …

Cùng những cảm xúc về ngọn lửa và dòng sông chiến trận mang âm hưởng lãng mạn, là những nhân vật phu phen, thợ thuyền, bấu xấu, “voi xanh”, dao bầu, gậy bẫy đi băm nát thời nô lệ được thi sĩ tả thực thật sinh động và bừa bộn xen lẫn những câu thơ lắng lại tâm tình và hi vọng như “bếp lửa đợi chờ thoi thóp” đến:

Cánh tay thợ thuyền rèn đêm tối

Chí đúc hôm sau đỏ mặt trời.

Hải Phòng 19/11/1946 chưa hẳn là bài thơ toàn bích, ngôn ngữ và hình tượng thơ không phải không có chỗ chưa được lựa chọn và trau chuốt kỹ càng. Nhưng điều đó không làm giảm đi ý nghĩa mở đường hướng cho một thi pháp mới trong sáng tạo thi ca mà phong trào thơ Mới chưa hề có. Có người nói bài thơ này đóng cọc mốc đầu tiên trong thơ chống Pháp. Nhưng còn hơn cả điều đó, Hải Phòng 19/11/1946 như một khởi đầu cho cuộc cách tân thơ từ 1948 đến 1949 trở nên cần thiết và rõ rệt hơn bao giờ hết.

Nhưng, thật như là một nghịch lý và một điều đáng tiếc. Hải Phòng 19/11/1946, người ta cho rằng, đã khép lại sự nghiệp thơ của Trần Huyền Trân. Và nếu sau này ông có viết thơ cũng chỉ là sự động bút nhớ nghề, thơ Trần Huyền Trân lại giống ca từ của chèo, tự sự lớp lang và ước lệ cổ kính. Quả là một nhận xét nghiêm khắc và cay nghiệt hơn cả những điều dè dặt mà Hoài Thanh đã giành cho ông buổi đầu khi mới bước vào làng thơ, khiến tôi chạnh lòng không dám chắc.

Nhưng, đó lại là một sự thực của lịch sử thi ca. Vào chiều ngày 28/9/1949, cái người đã sợ sệt thầm khi được giới thiệu với Trần Huyền Trân, người tự nhận là mới vào nghề làm thơ – Nguyễn Đình Thi mà không phải Trần Huyền Trân – đã trở thành tâm điểm của cuộc tranh luận cách tân thơ, chỉ sau 4, 5 năm phong trào thơ Mới kết thúc. Không phải ngẫu nhiên mà các vị chủ soái của phong trào thơ Mới (1930-1945) là Xuân Diệu và Thế Lữ đã kịch liệt phê phán và phủ định sự đổi mới của thơ Nguyễn Đình Thi. Họ cho là lệch lạc, đầu Ngô mình Sở, dáng điệu kiêu căng, không nói tiếng nói quần chúng, thơ anh Thi nguy hiểm và còn là một cái nguy cơ, có thể làm loạn thơ, một người trong văn nghệ dân chủ mà tại sao lại làm thơ người ta không hiểu, v..v… Đó là quan điểm không chỉ của Xuân Diệu, Thế Lữ mà còn của nhiều người khác như Ngô Tât Tố, Xuân Trường, Xuân Thủy, Thanh Tịnh, v…v… Ngay cả Tố Hữu, một người luôn nhắc nhở mọi người nhớ là ông không phải là nhà thơ làm Cách mạng mà là nhà Cách mạng làm thơ, khi kết luận cũng nói: Có những lúc tôi yêu thơ anh Thi, có nhiều lúc tôi thù ghét nó. Chỉ có Nguyên Hồng, Văn Cao bênh vực thơ Nguyễn Đình Thi. Văn Cao đã hai lần lưu ý lối thơ của Nguyễn Đình Thi, ông đã theo đuổi và nhiều người đã làm trước đó. Tôi nghĩ trong số ấy có Hải Phòng 19/11/1946 của Trần Huyền Trân. Tuyển tập Thơ Trần Huyền Trân do NXB Văn Học in năm 2001 có 99 bài. Chín mươi chín bài thơ tuyển tập lại, có tới 45 bài viết theo thể lục bát truyền thống mà ông ưa dùng và tôi thấy câu thơ Trần Huyền Trân trong cái khuôn khổ 6/8 thật thà đến mức mộc mạc, đôi lúc xen vào vài nét lãng tử cổ xưa. Trông trăng Hà Nội viết 1947 ở Phú Thọ. Đốt làng 1948. Đi dưới trời mưa xuân 1954. Bác với thủ đô 1970. Trên mấy tầng mây 1973 v.v..

Một vị giáo sư già không biết có phải vì quá yêu Trần Huyền Trân hay không mà ông đã trao cho bài thơ Cái thai hoang một dấu ấn lịch sử? Khi làm bài Cái thai hoang, Trần Huyền Trân chủ yếu chỉ xuất phát từ lòng nhân ái và thương cảm người con gái họ Trần bất hạnh mà đem lòng cưu mang và sau đó giãi bày bằng thơ. Chừng ấy thôi cũng đã vô cùng đáng quý về phẩm giá và lương tâm của người thi sĩ. Hơn thế nữa, ông còn lấy tên của cái thai hoang đó là bút danh của cả cuộc đời nghệ thuật của mình. Còn gì đáng trân trọng hơn! Vậy mà vị giáo sư già đáng kính của chúng ta lại trao cho bài thơ và người con gái ấy cái chức năng hơi xa vời quá chăng khi cho rằng người đàn bà có cái thai hoang ấy là tượng trưng cho đất nước Việt Nam hết bị thực dân Pháp chiếm đoạt lại bị phát xít Nhật giành giật. Hai bọn xâm lược này sẽ đày đọa Tổ quốc ta đến chết, nhưng còn cái thai hoang. Kết quả của cuộc chung đụng bắt buộc với Pháp và Nhật sẽ ra sao?... Tôi đành phải nói rằng liên tưởng như thế thì xa quá và cũng không làm cho tác giả bài thơ lớn hơn thêm; Cho dù trong bài thơ ấy có một số từ: thuế sống, viết mướn, may thuê, khói lửa trong cơn thế sự … thì cũng chỉ quá hơn một mức so với cái tiêu dao Thề non nước của ông Tản Đà.

Liên tưởng về Cái thai hoang dừng lại ở mức như Tô Hoài trong hồi ký Chiều Chiều thì phù hợp hơn chăng?

Tôi đọc hồi ký Chiều Chiều đoạn nói về Trần Huyền Trân xiết bao xúc động. Mở đầu bằng liên tưởng bài Cái thai hoang ấy khiến không ai không thương cảm cuộc đời của người nghệ sĩ bình dị, giàu yêu thương mà trắc trở bao nỗi gian truân. Chỉ vì đi diễn vắng mất ba kỳ sinh hoạt trong điều kiện chiến tranh như vậy mà chi bộ Đảng đã khai trừ Đảng nhà thơ. Vào thời kỳ đó là một án phạt rất nặng nề. Trần Huyền Trân – một chiến sĩ của văn hóa cứu quốc tham gia cách mạng từ thời kỳ khó khăn nhất nay chỉ vì cái lỗi hai, ba kỳ không sinh hoạt chi bộ mà không được trở lại Đảng vậy sao? Rồi bệnh tật. Bi kịch gia đình. Tô Hoài viết: Mấy ai thấu được cuộc đời Trân trầm luân đến thế. Nhưng chỉ có là như thế hay còn những điều đắng cay hơn thế nữa ở cuộc đời này, Trần Huyền Trân vẫn làm thơ với tất cả trân trọng và nâng niu những giá trị tinh thần của đời sống mà cả một đời người thi sĩ theo đuổi. Tôi chưa bao giờ nhận thấy một điều buồn nản hay oán trách. Chỉ có sự khích lệ tình yêu thương cuộc sống, dù thật là mộc mạc đơn sơ như hạt mưa xuân bình dị của hòa bình. Đất nước quê hương hiện về bao sắc gợi trong thơ ông. Như ngọt ngào đồng xanh biển xanh Minh Hải. Như hạt gạo Cửu Long. Như đất Minh Phương có ngã ba sông của mọi miền xứ sở đất đỏ phù sa.

Ngã ba sông một nhịp cầu

Phương trời sáng mãi một màu đất son.

Đó là nhân cách cao quý của một nhà văn, một thi sĩ đã bước lên thi đàn Việt Nam hiện đại không phải bằng bộ áo cánh lạ mốt tân thời mà ngay từ đầu đã từ những gì giản dị tưởng như xưa cũ rau tần, ngõ trúc, song thưa để đi khắp thế gian bao bọc lấy thân phận con người.

Nửa sau cuộc đời, nhà thơ Trần Huyền Trân dồn hết tâm huyết cho việc xây dựng văn hóa chèo truyền thống – một phương thức huyền diệu phản ánh và tôn vinh cái tinh khôi đáng quý của tâm hồn Việt Nam từ ngàn đời vẫn sống với đồng ruộng, làng quê. Ở đó cái thiện nhất định phải chiến thắng cái ác. Những lỗi lầm của con người được trang trải bao dung để nguôi ngoai, dù có lúc phải trả giá bằng cả mạng sống và sự xót xa vô hạn. Lương tâm và lẽ phải của con người đã và sẽ ngàn đời âm ỉ lửa khói nhân gian với Quan âm Thị Kính, với Xúy Vân giả dại … Trần Huyền Trân đã góp phần khôi phục lại những tích chèo kinh điển Việt Nam. Tôi không hiểu khi bỏ một đời say sưa với sân khấu chèo, với Thị Kính – Thị Màu, Kim Nham – Xúy Vân … điều gì là thiết yếu nhất mang đến cho Trần Huyền Trân những cảm hứng sáng tạo, lĩnh vực mà ông đã được trao giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật. Có lẽ một trong những điều đó là sức mạnh tinh thần của con người Việt Nam vượt qua thử thách, trớ trêu của số phận, dù có phải trải qua muôn đắng nghìn cay. Và phải chăng ông đã tìm thấy niềm an ủi chân thành qua những cung bậc cuộc đời của Thị Kính, Xúy Vân?

Thi ca không phải là hình vuông, dù hình vuông đó có nằm trong bàn cờ người vô cùng thâm hậu. Bởi vì nó không phải là nơi được xây cất để chứa đựng sự khôn ngoan của con người. Chả thế mà, từ thời xa xưa, khi quan tư huân lang trung Mạnh Khải viết cuốn Bản sự thi bàn về các nhà thơ đời Đường, trong bảy điều căn cốt nhất của sự làm thơ như Tình cảm, Sự cảm, Cao dật, Oán phẫn, Trưng dị, Trưng cữu, Trào hí … đã không hề nhắc đến trí khôn con người. Thi ca – thế giới tinh thần của loài người giống như là hình quả địa cầu mà kinh tuyến số 0 của quả địa cầu ấy là thi ca dân gian của các dân tộc. Đó là khởi nguyên của mọi nền thơ. Thế giới thơ ca của toàn nhân loại hay một quốc gia như những đường kinh tuyến tiếp nối nhau, kế thừa và bổ sung, soi sáng cho nhau trong ánh sáng huyền diệu của chân thiện mỹ, bởi lý tưởng từ con người, vì con người và do con người. Các nhà thơ trong một nền thơ như những đường kinh tuyến nối tiếp nhau vừa rất thực mà rất đỗi siêu hình, bởi trong khi giữ nguyên vẻ đẹp riêng có của từng người lại liên kết thành quả địa cẩu thơ đa sắc.

Không phải vô cớ mà Trần Huyền Trân gần gũi với Tản Đà cả rượu lẫn thơ vào một buổi chiều định mệnh khi họ gặp nhau. Cũng là khi Trần Huyền Trân làm thơ khóc Tản Đà năm 1939.

Chiều nao tám chín phương trời

Muôn ngàn người có một người đi qua.

Có người bảo: do thơ của Trần Huyền Trân ảnh hưởng bởi hai người bạn thân Thâm Tâm và Nguyễn Bính trong nhóm áo bào gốc liễu nên mang hơi hướng tráng sĩ không gặp thời. Ba chàng thi sĩ ấy đều được Hoài Thanh đưa vào Thi Nhân Việt Nam. Thâm Tâm (1917-1950) nổi tiếng với Tống biệt hànhChiều mưa đường số 5, cả đời thơ ngắn ngủi chỉ có chừng 18 bài, in hồi năm 1988 tức sau 38 năm ông mất, đã kịp có thơ đề tựa cho bạn mình là Trần Huyền Trân với sự hào hoa và kiêu hãnh lạ thường.

Ngâm thôi, quăng bút cười ha hả

Đây một loài hoa khác hải đường.

Nhưng không hiểu vì sao tôi bị ông Tản Đà đồng hương ấy ám hay sao mà cứ nghĩ có một phong thái Tản Đà thấp thoáng đâu đây trong thơ Trần Huyền Trân, không phải bởi do Trần Huyền Trân viết những ba bài thơ riêng cho ông ấy. Thậm chí hồi tháng 7/1940, sau một năm Tản Đà mất, trong một khúc liên ngâm vừa uống rượu vừa làm thơ có tiêu đề Ngô Sơn Vọng Nguyệt của bốn chàng say là Trúc Khê, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, chỉ có bốn người thôi mà tôi nhìn thấy có thêm một người nữa là ông Tản Đà thấp thoáng ở đằng sau. Tản Đà đã nhập vào Trần Huyền Trân để đọc những câu thơ mang ý vị Tản Đà.

Nghìn năm trăng sáng còn lên

Đời ly biệt mới biết duyên tương phùng.

Thậm chí, đến năm 1983, tôi vẫn thấy Tản Đà còn đâu đó trong bài thơ Mừng thọ bạn của Trần Huyền Trân. Vì sao? Vì sao? Thì tôi không biết được. Cũng như mấy năm đầu tôi rời xa chốn quan trường, có đôi lúc đã rơm rớm buồn tàn thu khi đọc tử vi hà lạc như ông Tản Đà ở cái phố nghèo xơ xác ngoại ô Ngã tư Sở sau khi đã vứt bỏ những Giấc mộng lớn, Giấc mộng con. Hóa ra đến được nơi ở của nàng thơ chỉ có trời xanh mây trắng để thanh lọc tâm hồn tưởng gạt hết được những nỗi buồn nhân thế mà có kẻ thi nhân vẫn còn chưa dứt món nợ làm người. Và cái thấp thoáng ấy trong thơ Trần Huyền Trân như là một ví dụ mơ hồ của việc thơ không phải là nơi chứa đựng trí khôn của con người. Nghề viết văn từ thời thượng cổ đến nay là nghề bạc nhất trần đời. Ấy vậy mà chỉ vì sự thấp thoáng ấy thôi nhiều người đã sống chết vì nó.

Cái người đi qua cuộc đời Trần Huyền Trân kể từ khi ông mở cửa để Hoài Thanh đón vào phong trào thơ Mới lưu giữ đến những năm tháng sau này có lẽ là bóng dáng của Tản Đà. Bóng dáng ấy làm thơ ông toát lên vẻ đẹp kiêu sa của một người tráng sĩ phong trần mà giản dị - nét độc đáo làm thành phong cách riêng, một đường kinh tuyến riêng của thi ca thế kỷ 20, bất chấp cả những vụng về còn để lại trên những dòng thơ. Con người ngược ngược xuôi xuôi ấy suốt đời chỉ mang tình người trên khắp thế gian rót vào lòng mình để trang trải một kiếp nhân sinh, đúng như bài thơ Khi đã về chiều viết ở Ngã tư Sở sau lần thăm Tản Đà năm 1938. Khi ấy chàng thanh niên Trần Đình Kim mới bước vào tuổi 25. Con người ấy đâu có gì xa lạ với thế gian này. Đâu cần gì một thứ tiếng vang vô vọng mà chỉ bình dị là một thứ người sống với một chút hoài bão riêng ở đời như có lần Nguyễn Tuân đã viết.

Xuân 2018

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ, số 10, 10-3-2018

TS Lê Thị Thanh Tâm (TS Văn học ĐHQG Hà Nội, kiêm nhiệm PGS ĐH Ngoại ngữ Tokyo) gửi tới VietNamNet bài viết "Sự thể tất của trí tuệ" với quan sát: Trong cuộc tranh luận “nên hay không nên để tác phẩm Chí Phèo trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11”, người đưa ra đề xuất và những người phản đối đề xuất đó đang nói hai câu chuyện khác nhau.

VietNamNet giới thiệu góc nhìn của TS Lê Thị Thanh Tâm.

Có 2 logic của 2 câu chuyện trong cuộc tranh luận “nên hay không nên để tác phẩm Chí Phèo trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11”.

Câu chuyện thứ nhất, logic về mặt giáo dục: nên chọn cái gì để có tính giáo dục liên quan đến tâm sinh lý học sinh?

Câu chuyện thứ hai, logic về mặt cảm thụ văn học: tôi không chọn tác phẩm này vì nó dở, xấu.

Những người ở hai câu chuyện này đang tranh cãi về hai câu chuyện khác nhau, với logic khác nhau.

Anh Nguyễn Sóng Hiền nói câu chuyện thứ nhất. Và những người phản đối anh Hiền đang nói câu chuyện thứ hai, hoặc giả thiết rằng anh Hiền cũng đang nói câu chuyện thứ hai. Vậy, suy ra, có một logic thứ ba nằm ở giữa là: hễ động đến câu chuyện thứ nhất thì sẽ có câu chuyện thứ hai. Nghĩa là: câu chuyện thứ hai là hệ quả tất yếu, và nghĩa là, không bao giờ có thể giải quyết câu chuyện thứ nhất, và nghĩa là: đi đường nào cũng về La Mã, nói thế nào cũng sai.

Anh Hiền không nói thay các nhà ngữ văn, cũng không “hỗn hào” gì với giới chuyên môn, rằng anh Hiền không có chuyên ngành văn học mà cũng có ý kiến. Anh Hiền được quyền đề xuất và góp ý từ góc độ một nhà nghiên cứu giáo dục.

Sự nhập nhằng đó khiến người trong cuộc “cũng tan nát lòng”. Người nói câu chuyện thứ nhất không mắc cái tội mà người nói câu chuyện thứ hai kết cho, nhưng anh ta phải chịu tội. Còn người nói câu chuyện thứ hai thì tưởng mình đang nói câu chuyện thứ nhất, hoặc cương quyết muốn hiểu câu chuyện thứ nhất thành câu chuyện thứ hai.

Và thế là có hai hệ quả: một cuộc tranh cãi mà ai cũng thấy bị tổn thương. Người yêu văn chương say đắm, nức nở với tâm sự của Chí Phèo, hoặc cảm thấy tâm đắc vô hạn với mô hình cái làng Vũ Đại năm xưa để nhận thức một xã hội đặc thù của Việt Nam thời Pháp thuộc, thời cũ mới đều bi thiết, thì thấy đau đớn như bị xúc phạm và phải lên tiếng rất quyết liệt. Người đang bàn chuyện về sự phù hợp của tâm lí, lứa tuổi khi tiếp cận kiến thức thì bị xem là tội đồ đốt đền, sinh chuyện, non nớt… Câu chuyện đầy sự chia rẽ, chia tay dữ dội này về quyền được yêu và quyền được “không yêu” đã đẩy đời sống học thuật Việt Nam sang một cánh cửa mới - nơi người ta buộc phải đối thoại với nhau một cách đau đớn. Tôi không tin có ai hả hê được trong chuyện này, và chuyện thắng thua lại càng không tưởng. Chỉ có những sự chia rẽ vô cùng sâu sắc về quan niệm giá trị. Cơn bão táp đổ lên tượng đài bấy lâu, có thể tượng đài không đổ, nhưng lộ ra rêu phong của nó bị giấu kín.

Khi Phan Khôi và Nguyễn Thị Kiêm (Manh Manh nữ sĩ) đăng đàn bảo vệ thơ Mới, có một sự phi logic đến kì lạ. Hai người này nói về thơ Mới rất hùng hồn, và làm thơ “mới” rất…dở, họ kiên gan dùng cái dở (thơ dở của mình) để chứng minh cái Mới (của thơ mới). Thế mà cái Mới (thơ Mới) vẫn ra đời, tất nhiên ra đời với một thế hệ tài năng hiếm hoi, nhưng kẻ khai trí vẫn không bị bỏ quên. Trong tiểu luận tài hoa trác tuyệt “Một thời đại trong thi ca” của Hoài Thanh, ông đã hoàn toàn thể tất điều ấy. Vì ông biết rằng, những người lên tiếng động đến một điều rất nghiêm trọng của thơ ca thời ấy. Họ vẫn xứng đáng là những nhà khai sơn phá thạch, vĩnh cửu có tuổi tên trong chặng đường khai sinh thơ Mới.

Sự thể tất có tính trí tuệ và trí thức của Hoài Thanh cắt nghĩa nền tảng học thuật trước 1945. Đó là sự thể tất rất tự nhiên, bởi khi có thể nhìn trực diện vấn đề và không cần phải bảo vệ một điều gì đó theo thói quen, thì người ta sẵn sàng thể tất. Đó là thứ phóng khoáng có được từ một tinh thần tự do nhận biết, chịu trách nhiệm về sự nhận biết của mình.

Anh Nguyễn Sóng Hiền đã viết một bài đề xướng đưa tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11. Đó là một mệnh đề có vẻ gây thách thức, nhưng đằng sau nó là cả một sự thật sống về những cái đang bị dồn nén và ứ đọng trong giáo dục, cảm thụ văn học.

Anh Hiền đề xuất khá giản dị và lập luận hơi chủ quan, có phần mộc mạc, nên “nhận được” một sự chống đối không thể lớn hơn, như thể cả một xã hội nổi lên cuồn cuộn, thương tiếc anh Chí đến trào nước mắt. Nhưng nếu nhìn trực diện vấn đề của cảm thụ văn học đối với lứa tuổi và sự chênh, độ chênh (không thể không có) giữa việc tôn vinh tác phẩm Chí Phèo, dạy Chí Phèo cách đây mấy chục năm, đến việc điều chỉnh lại cách hiểu, cách cảm nhận Chí Phèo trong thời kì đương đại của thế kỉ XXI thì chắc rằng, một sự thể tất tự nhiên là hoàn toàn có thể - thể tất cho cách nói đầy sơ hở của một nghiên cứu sinh đang có sự suy nghĩ tâm huyết cho nền giáo dục nhưng chưa thể “kín kẽ”, giàu “kinh nghiệm chinh chiến” như các đấng bậc ở quê nhà.

 
 

Ý kiến đề xuất của anh Hiền, tôi muốn nhấn mạnh, là một trường hợp khoa học cần suy nghĩ chính đáng và nghiêm túc.

Tôi tìm lại năm câu hỏi hướng dẫn học trò hiểu về tác phẩm Chí Phèo, bao gồm:

Câu 1: Cách vào truyện độc đáo của Nam Cao và ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo.

Câu 2: Ý nghĩa cuộc gặp gỡ giữa Thị Nở và Chí Phèo và diễn biến tâm trạng của Chí Phèo.

Câu 3: Tâm trạng của Chí Phèo khi bị Thị Nở từ chối chung sống.

Câu 4: Nghệ thuật điển hình hóa nhân vật đặc sắc và tư tưởng nhân đạo của Nam Cao.

Câu 5: Đặc sắc trong ngôn ngữ kể chuyện của tác giả và ngôn ngữ nhân vật.

Trước hết, cần phải nói rằng, không bao giờ có một cuộc chia li vĩnh viễn giữa cảm thụ văn học thuần tuý và cảm thụ văn học từ góc độ tâm lí lứa tuổi. Không ai có thể từ bỏ quy luật này, nếu từ bỏ nó thì giáo dục chẳng còn ý nghĩa bao nhiêu hoặc rất chông chênh. Vì thế, với mỗi câu hỏi trên, sẽ có cách giải thích kết hợp cả các mức độ, khía cạnh cảm thụ.

Về mặt cảm thụ văn học thuần túy, học sinh hầu hết sẽ trả lời các câu hỏi này một cách khá suôn sẻ, vì giáo viên sẽ hướng dẫn họ. Ngoài ra, câu 4 và câu 5 là hai câu hỏi hay, hoàn toàn không có gì để lo lắng, vì đó chính là biệt tài, là di sản khổng lồ của Nam Cao, đáng để học sinh học tập và hiểu thêm (dù khá khó).

Về mặt tâm lý lứa tuổi, trừ những em đặc biệt giỏi hoặc nền tảng nhận thức tốt, đặc biệt là nhận thức hư cấu nghệ thuật (tôi chắc rằng không thể là 100%) thì các em còn lại sẽ phải đối mặt với một hiện thực vô cùng méo mó và ghê rợn (từ câu 1 đến câu 3). Sau đó, các em ấy sẽ trấn tĩnh và hiểu rằng, đằng sau sự méo mó ghê rợn đó là một tâm hồn cao thượng của nhà văn, thương yêu những người dưới đáy xã hội, những người rất mong muốn làm người lương thiện.

Các em ấy sẽ cố nhớ sự cắt nghĩa này để làm bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết, thi học kì và thi đại học. Còn bản thân các em sẽ làm quen dần với những mệnh đề như: tiếng “chửi” xã hội rất có ý nghĩa, Thị Nở và Chí Phèo gặp nhau như một cặp “vừa đôi”, rồi các em sẽ ngạc nhiên sao giọng văn nhà văn bỡn cợt lạnh lùng đến thế, và rồi tiếp tục yên tâm là cô giáo nói, giọng văn (một khái niệm rất khó tư duy ở độ tuổi 16, 17) ấy thể hiện một sự cảm thương vô hạn.

Rồi khi Chí Phèo bị từ chối chung sống với Thị Nở thì tâm lý của nhân vật trở nên biến động dữ dội dẫn đến những cái chết rất thê thảm, các em học sinh tuổi hoa niên sẽ được nhắc nhở rằng Chí Phèo giết Bá Kiến không phải vì say rượu đâu, mà vì hắn nhận ra bi kịch cuộc đời và tuyệt vọng cùng cực. Một học sinh ở tuổi 17 (khung tuổi dễ bị trầm cảm và kích động) có chỉ số IQ và EQ bao nhiêu thì sẽ hiểu rằng: khi tuyệt vọng cùng cực, người ta không nên hành động như Chí Phèo? Nên nhớ, cái vô thức cũng vẫn tham gia chỉ đạo hành xử con người không thua kém ý thức là mấy. Chí Phèo đi vào vô thức - đó là điều đáng nghĩ.

Tôi chỉ làm một phép tính giả thiết đơn giản. Một lớp học có 50 em, tôi “thể tất” cho rằng 49 em đã hiểu trọn vẹn, hiểu sâu sắc, viết hay như người nghiên cứu, (lớp học trong mơ) sau khi được giáo viên “khai thị” thì vẫn còn 1 em rất khó khăn để… quên đi mọi cảm xúc, ấn tượng có phần “ghê rợn” mà tác phẩm mang lại. Một em đó nhân với bao nhiêu em nữa của mỗi lớp, và của cả nước?

Người làm giáo dục hoàn toàn có quyền đặt ra câu hỏi đó. Không có một quyền uy tối thượng nào không cho phép người ta suy nghĩ và giả thiết như thế. Người trí thức làm sang cho nhau bởi giúp nhau suy nghĩ, người ta cần phải suy nghĩ liên tục để tạo một môi trường nghĩ ngợi cho nhau và vì sự nghĩ ngợi mà đi xa hơn trong sự hồi âm chân thành về lý tưởng.

Nếu như cảm thụ văn học tách rời khỏi tâm lý học đường (tôi nhấn mạnh là tâm lý, không phải sự yêu thích thông thường hay khả năng cảm thụ) thì đó chỉ là câu chuyện của giới văn chương. Ở đây là câu chuyện của học sinh. Các em cần được chăm sóc cả về nhu cầu thẩm mỹ, nhận thức và cả sự sợ hãi, lo âu, bế tắc. Các em cần được hình dung như những con người bình thường và đi qua thời trung học như một kỉ niệm của những ngày tháng tốt đẹp, trong lành (không có nghĩa là nhạt nhẽo), chứ không phải những người sẽ thành các nhà bác học về văn chương, hiểu được cả sự sâu xa của làng quê Vũ Đại ngày ấy để… làm hành trang vào đời (!) với khung năng lực mới của kĩ năng thế kỉ XXI.

Khai phóng, lấy học sinh làm chủ, đổi mới giáo dục, những chủ đề đó, định hướng đó chắc chắn không phải đi liền với việc đưa "Chí Phèo" ra khỏi sách giáo khoa, nhưng nó được phép đặt lại câu chuyện về tâm lý giáo dục trong tiếp nhận văn học - tôi nhắc lại, nó được phép, được quyền - mà Chí Phèo là một “trường hợp nghiên cứu điển hình”. Chí Phèo là một ví dụ.

Một em bé 9 tuổi có thể tự đọc sách Những người khốn khổ của Victor Hugo (chính là trường hợp của tôi). Nhưng tác phẩm ấy, để được học và học được, cần đến 10 năm sau hoặc lâu hơn. Đọc sách, yêu và cảm thụ văn học là một chuyện khác hoàn toàn việc phổ cập giáo dục một tác phẩm, vì tác phẩm trong sách giáo khoa là một chiến lược tác động sâu rộng, gần như không có cơ hội để hối tiếc.

Tác phẩm văn học tất yếu không xui khiến người ta làm theo nó, vì nghệ thuật nói chung không phải là thông điệp hành động theo nghĩa đơn giản thô sơ (nghệ thuật là thông điệp của sự lắng đọng và sự ước lượng lại ý nghĩa đời sống), nhưng tác phẩm văn học “chuẩn bị” cho hành động. Xin đừng nói đấy là “xã hội học dung tục” hay “giáo dục học dung tục”, mà đó là nguyên lý của sự tiếp nhận văn học, là sự thật của yếu tố tác động xã hội mà nền văn học nào cũng có.

Ai biết được, trong sự “chuẩn bị” ấy, có cả những thứ bóng tối mà các em đã được biết đến quá sớm và quá khốc liệt, trong khi bối cảnh xã hội và định hướng giáo dục quốc tế đã thay đổi hơn cả thế kỉ. Dạy Chí Phèo trong thời chiến là một sách lược có ý nghĩa. Dạy Chí Phèo thời hậu chiến cũng có thể vẫn còn nhiều cảm xúc. Dạy Chí Phèo trong bối cảnh hiện nay, khi số lượng du học sinh mỗi năm tăng vùn vụt, người sống đã bớt nhu cầu “yêu, căm, chiến, lạc” và có nhu cầu thưởng thức một cuộc sống bình an, hạnh phúc trong tâm hồn thì việc giảng dạy ấy vẫn rất đáng để suy nghĩ, nghĩ đi và nghĩ lại. 

Trong những kĩ năng mới của người trẻ bước vào thế kỉ toàn cầu, có mấy kĩ năng rất khó dạy, đó là kĩ năng hợp tác và chịu trách nhiệm về bản thân. Bình thường đã khó để dạy, lại thêm một hình tượng văn học sừng sững kia, có bao nhiêu em học sinh vượt qua sự trải nghiệm của anh Chí để dự cảm rằng, tiếng than vãn khẩn thiết “Ai cho tao lương thiện” sẽ còn có thêm nhiều ý nghĩa khác, ngoài ý nghĩa tố cáo tận cùng một xã hội đau thương và bế tắc.

“Ai cho tao” tức là tao có quyền đòi hỏi, không được thì tao giết? “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn là sự phê phán nhược điểm quốc dân tính Trung Hoa. Còn Chí Phèo của Nam Cao được ưu ái vô hạn, mặc dù khoác lên mình nhiều thứ căn tính “bây giờ đang nhan nhản khắp nơi ở xã hội Việt Nam” nhưng được hiểu theo hướng “chủ nghĩa cảm thương”. Đó là sự khác biệt về tầm vóc.

Phê phán chính dân tộc mình qua hình tượng văn học hoàn toàn không giống phê phán cái gì đó bên ngoài để làm nguội hết sự phê phán dân tộc, biện minh cho sự phê phán. Sự khác biệt căn bản này khiến Chí Phèo chỉ có thể được vinh danh trên thế giới với tư cách là … “một bản sao hơi giống AQ” và mang đặc sản Việt Nam chứ không phải là một sáng tạo kiệt xuất của loài người.

Dạy Chí Phèo ở Đại học là một lựa chọn chuẩn xác, khi người học đã qua tuổi 18 và được nâng đỡ một cách chín chắn bởi nền tảng vốn sống, vốn chữ nghĩa đã phần nào đủ để nhìn ra Chí Phèo như một tác phẩm có giá trị mà không bị bất kì một sự ám ảnh non thơ nào. Năng lượng của tác phẩm Chí Phèo cần được phát tiết nhiều hơn ở những vỉa tầng sâu sắc hơn, va đập với hiện thực mới nhiều hơn, và tạo ra những ẩn nghĩa thú vị hơn theo những cách đọc chuyên nghiệp, thậm chí từ góc độ so sánh văn học thế giới. Còn học sinh phổ thông đại trà, trước khi theo được những cách đọc chuyên nghiệp và tròn trĩnh, đọc trang nào cũng rưng rưng nước mắt như những người yêu văn chương, thì họ còn có thêm gánh nặng về một anh Chí bị bóp nát và uốn lượn đủ kiểu để nói cho được “số phận người nông dân bị lưu manh hoá”.

Bênh vực Chí Phèo không khó, nhân vật này càng đau khổ bao nhiêu trong thế giới hư cấu của Nam Cao thì càng có đời sống phong lưu, ngạo nghễ bấy nhiêu trong sự tiếp nhận suốt mấy chục năm qua ở Việt Nam. Nhưng đặt lại và tìm hiểu lại (dù nhức nhối) cái ảnh hưởng có thật của Chí Phèo trong đôi mắt trong suốt của người học thời nay thì không phải ai cũng muốn làm, hoặc dám làm.

Khép lại câu chuyện, tôi đặt câu hỏi: Người bàn câu chuyện thứ hai (như tôi nói ở trên) có đang chắc rằng họ đang bàn câu chuyện thứ nhất không? Nếu họ đang thực sự nói câu chuyện thứ nhất, thì một sự thể tất để có một tiếng nói tranh luận phong nhã là điều hoàn toàn có thể.

Lo lắng “mất” Chí Phèo cao hơn cả sự lo lắng cho cách tiếp nhận và hệ quả tiếp nhận của học sinh - điều đó nói lên một thực tế gì trong não trạng giáo dục? Thực tế thì, Chí Phèo không bao giờ “mất”, một tác phẩm vĩ đại thế sao có thể mất, còn nhân cách học sinh có thể bị “chuyển biến” mà không ai hay. Và những người dạy học, sau khi “cháy hết mình” trong lớp học, trong tác phẩm, đã về nhà yên nghỉ như “người nông dân cày xong thửa ruộng của mình”, lòng phơi phới vì đã truyền đạt “cái đẹp của văn chương” đến cho các em học sinh thân yêu, thì có bao nhiêu tâm hồn thơ trẻ đang hồi hộp lo âu hoặc lãng quên vĩnh viễn một anh Chí không mấy ăn nhập với đời sống hiện tại.

Có thể sau cuộc tranh luận này, Chí Phèo vẫn được giới chuyên môn trân trọng đặt nằm yên trong chương trình sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11, và cách giảng dạy có thể sẽ khác đi phần nào (như là mở rộng “Chí Phèo trên các trường đại học thế giới” chẳng hạn…). Điều đó chưa quan trọng bằng sự việc: đầu thế kỉ XXI, một cuộc tranh luận có thật về một tượng đài văn học hiện thực phê phán đã diễn ra ở Việt Nam.

Cuối cùng thì Chí Phèo của Nam Cao cũng được thoát ra khỏi chiều ca ngợi để đối thoại với chiều đa diện, một bước tiến và vinh dự lớn dành cho anh Chí năm nào, vốn chỉ được “nuông chiều” trong cái làng nhỏ cũ kĩ. Cuộc sắp xếp và thử sức vĩ đại này có thể sẽ mang tên tuổi Nam Cao đi xa, bay cao hơn cả những đỉnh cao mà người ta nghĩ, hoặc trở về với “một sự thật khác” của giá trị. Đằng nào cũng rất tốt đẹp cho các bên tranh luận, vì Sự thật vẫn là thứ có đời sống trường cửu, hơn mọi sự vinh danh ngọt ngào.

Lê Thị Thanh Tâm(TS Văn học, ĐHQG Hà Nội)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/nghi-tu-de-xuat-dua-chi-pheo-ra-khoi-sach-giao-khoa-su-the-tat-cua-tri-tue-416087.html

Thông tin truy cập

60760085
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4255
10454
60760085

Thành viên trực tuyến

Đang có 503 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website