Sự phân biệt về phương diện xã hội dành cho giới nam và giới nữ trong văn hóa Việt Nam truyền thống đã có ảnh hưởng lớn đến các biểu tượng về người nam và người nữ trong văn học Việt Nam từ văn học dân gian, qua văn học trung đại đến văn học đầu thế kỷ XX. Vấn đề này là đề tài cho một công trình nghiên cứu công phu, còn ở đây tôi chỉ xin phác thảo một số ý tưởng.

Cái chết của anh cái chết một nhà văn

Không bao giờ là cái chết.

Văn Cao.

 

Những người sinh ra ở giữa lòng thế kỉ trước, khi bước vào năm 1960 trở đi, họ chừng trên dưới 10 tuổi. Khi ấy ở miền Bắc, đặc biệt là vùng châu thổ sông Hồng, không ai không đọc Lá cờ thêu 6 chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng. Nó phổ cập đến nỗi, tất cả học sinh cấp 1, cấp 2, từ lớp 1 đến lớp 7, một tập hợp đến hàng triệu trẻ con nhớ vanh vách chuyện Trần Quốc Toản đứng ngoài cuộc họp ở hội nghị Bình Than bóp nát quả cam lúc nào không biết và tự mình thành lập đội quân với lá cờ thêu 6 chữ: phá cường địch - báo hoàng ân. Không ai trong số hàng triệu trẻ con vô lo vô nghĩ thời ấy biết rằng, chỉ sau đó vài năm, họ cũng đi ra chiến trường đem theo tinh thần phá cường địch ấy vào cuộc chiến sinh tử đuổi bầy giặc dữ.

Trong lịch sử văn chương Việt Nam thời hiện đại, ít ai sớm nhận ra ý nghĩa và thành công trong việc lấy cảm hứng từ các đề tài lịch sử và thậm chí viết theo cảm hứng ấy ở ngay cả các đề tài hiện đại để xây dựng thành các tác phẩm văn học có tầm vóc thuộc đủ các thể loại từ kịch, tiểu thuyết đến ký sự như Nguyễn Huy Tưởng. Và điều quan trong là cảm hứng ấy xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của ông, bắt đầu từ rất sớm, khi ông khởi sự cầm lấy việc bút nghiên và dấn thân vào cuộc đời văn sỹ sóng gió mà đầy thử thách. Năm 1942, khi ông 30 tuổi, Đêm hội Long Trì được đăng trên tạp chí Tri Tân. Chủ đề lịch sử tiếp tục được triển khai trong Cột đồng Mã Viện, An Tư, Vũ Như Tô… Những đề tài hiện đại được ông viết ra trong Bắc Sơn, Những người ở lại, Bốn năm sau, Sống mãi với thủ đô, Lũy hoa… Ngay cả Ký sự Cao Lạng, còn nóng hổi sự kiện và con người của chiến dịch biên giới 1950, bằng cảm hứng bi hùng. Phải chăng cảm hứng lịch sử như là nét nhạc chủ đạo của một đời văn đã làm nên vẻ đẹp đặc sắc nhất của văn chương Nguyễn Huy Tưởng. Ông đã ghi tên tuổi của mình lên cái giá sách vinh quang của văn đàn Việt Nam hiện đại bằng một phong cách tiềm ẩn sự ca vang của bi hùng mà hào hoa kỳ lạ. Sách Văn Tâm Điêu Long trong thiên Tri âm có viết: Người tính tình khảng khái thích văn chương hùng tráng. Người sâu sắc thích văn chương súc tích. Người phù phiếm thích văn chương hoa mĩ. Người hiếu kỳ thích văn chương quái lạ. Tôi nghĩ nhà văn họ Nguyễn Huy thuộc loại người thứ nhất. Ít ai bị Nguyên Huy Tưởng mê hoặc kéo đi theo văn chương của mình như trường hợp ông Nguyễn Tuân. Khi đọc bản thảo Sống mãi với thủ đô để viết lời giới thiệu, dường như Nguyễn Tuân bị ám, tựa hồ như ông không thoát ra được miên man chắp nối thêm cho ông Tưởng về cái nhát cuốc đầu tiên phá thành Hà Nội, bổ vào thân thành một sớm mùa thu 10-8-1894. Đến 6 tháng sau thì Hà Nội bắt đầu thắp điện. Năm 1902 làm xong cầu sắt xe lửa qua sông Hồng. Cứ như là Nguyễn Huy Tưởng đi trước, Nguyễn Tuân theo sau, dẫn người ta bước vào với Sống mãi với thủ đô, thấy ở ngày hôm nay Hà Nội vẫn gây gây mùi khói vấn vương ngàn năm Thăng Long chốn cũ. Nguyên Tuân đã giành cho người bạn văn của mình hai lần sang trọng.

Trong toàn bộ sự nghiệp của Nguyễn Huy Tưởng có nhiều tác phẩm nổi tiếng, nhưng kiệt tác đưa ông đứng vào hàng của một trong những vị trí dẫn đầu của làng văn hiện đại, không thể không kể đến Vũ Như Tô. Đúng như ông Nguyễn Tuân đã từng nói: cả một đời viết văn, với kịch Vũ Như Tô là yên tâm được rồi. Vũ Như Tô được viết từ năm 1943 và xuất bản lần đầu sau cách mạng tháng 8 – 1945 bởi Hội Văn hóa cứu quốc vào tháng 9 – 1946.

Đại Việt Sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên, vị quan sử quán tu soạn thời Lê Thánh Tông biên khảo hồi cuối thế kỉ 15 vẻn vẹn chỉ có 3 đoạn ngắn nói về Vũ Như Tô. Gộp cả 3 đoạn ấy lại cũng chưa đầy một trang khổ sách bây giờ.

…Đại hạn, trong nước đói to.

Làm điện lớn hơn trăm nóc. Trước đây người thợ ở xã Minh Quyết huyện Cẩm Giàng là Vũ Như Tô (tức đô Nhạn) ở nhà lấy cây mía làm thành điện lớn trăm nóc, đến đây đem kiểu nhà ấy dâng lên khuyên vua xây dựng.

…Vua…sai bọn nữ sử cởi truồng, chèo (thuyền) ở hồ Tây, Vua cùng chơi, lấy làm thích lắm. Người thợ Vũ Như Tô làm điện hơn trăm nóc, hết kiệt tiền và sức dân trong nước,… Có chỗ đã làm xong lại đổi lại, đắp đổi lại, đắp lại mấy năm không cùng. Quân lính bị bệnh dịch đến một phần mười.

Võ sỹ tên là Hạnh cầm giáo đâm vua ngã ngựa rồi giết chết… giết chết Vũ Như Tô ở ngoài cửa kinh thành. Trước đây Vũ Như Tô xuất thân là thợ, lấy kỹ xảo mà mê hoặc vua, được lạm bổ đô đốc kiêm các sở bộ công giờ đương làm điện lớn trăm nóc chưa xong, dân gian ai cũng nghiến răng tức giận. Đến khi vua bị giết, Như Tô cũng bị bỏ xác ở chợ. Quan dân ai cũng chê cười hoặc có người nhổ vào xác…

Nếu chỉ dựa vào chừng ấy sử liệu và viết theo tinh thần của sử quan Ngô Sỹ Liên, chắc Nguyễn Huy Tưởng sẽ có được một vở kịch hay. Có điều tầm vóc tư tưởng và ý nghĩa nghệ thuật sẽ không thể vượt qua Đêm hội Long trì. Đó chỉ là một bức tranh sinh động về một chế độ chính trị suy tàn và phi luân mà lịch sử tuy không vô tình mà lại vô tình bởi sự đau đớn và nhục nhã phải đi qua. Nhưng tài năng của Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng được một tình huống kịch có điểm sáng nảy sinh từ xung đột giữa cái thiện, cái nhân bản của con người mà Vũ Như Tô, Đan Thiềm là đại diện, đối lập với mặt bên kia của mâu thuẫn đại diện cho các ác, cái phi nhân của thế lực vua quan thối nát là Lê Tương Dực, Trịnh Duy Sản… và không thể có bi kịch nếu không có sự éo le của lịch sử, khi cùng là xây dựng Cửu Trùng Đài, Lê Tương Dực chỉ mong có chốn ăn chơi sa đọa, còn Vũ Như Tô coi đó là điểm nhấn của Kinh thành lộng lẫy, đó là nơi thể hiện lương tâm, trách nhiệm, tài năng trước đất nước và thời cuộc. Không khí bi tráng khi xung đột được giải quyết; Cả Kinh thành và Cửu Trùng Đài rừng rực cháy bởi sự phẫn nộ của người dân và binh lính. Cửu Trùng Đài thiêu rụi sự mong muốn sa đọa của cái ác, nhưng cũng chưa hẳn soi sáng cho cái thiện vì việc lớn chưa thành. Bản lĩnh của Nguyễn Huy Tưởng không phải ở chỗ là một người chép sử, ông đã xây một Cửu Trùng Đài khác trong văn chương để chỉ ra cái quy luật muôn đời trong sự éo le của cái thiện, trong tình huống không bao giờ đồng thuận với cái ác, làm nên một trong những vở kịch mẫu mực của nền văn học kịch nói Việt Nam hiện đại.

Nguyễn Huy Tưởng đã chiêu tuyết cho Vũ Như Tô và phả vào lịch sử một tinh thần hoàn toàn mới, một mẫu thuẫn có tính phổ biến, mang ý nghĩa nhân loại và ông đã viết nên một khúc ca bi tráng về lương tâm của người nghệ sĩ trước đất nước và thời đại, và bi kịch của họ khi phụng sự trong một thời kì lịch sử suy tàn. Vũ Như Tô như là tiêu điểm của xung đột kịch khi được đặt trong tình huống ba lần bị giết bởi ý định có sẵn của vua, của quan và của lòng hận thù của dân bị cùng cực bởi Cửa Trùng Đài. Vũ Như Tô đâu muốn điều đó.

Vở bi kịch 5 hồi Vũ Như Tô mang vóc dáng và tầm cỡ của các vở bi kịch phương Tây, ngay từ đầu những năm 1940, đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của nền văn học kịch hiên đại. Có thể nói thể loại kịch xuất hiện ngay từ nửa đầu thế kỉ 20, cùng với phong trào thơ mới (1930-1945). Đó đều là sản phẩm của sự gặp gỡ giữa văn hóa phương Tây và phương Đông. Nhưng dường như thơ có sự bùng nổ đồng loạt và đông đảo hơn. Chỉ trong vòng 10 năm đã hình thành một thế hệ các nhà thơ mới. Ít nhất cũng là 44 người được đứng tên trong Thi nhân Việt Nam năm 1942. Ở thể loại kịch có khác. Cả thế kỷ 20 tính từ Tản Đà, Vi Huyền Đắc, Đoàn Phú Tứ… đến những người viết kịch sau này như Lưu Quang Vũ, Nguyễn Huy Thiệp… chỉ vẻn vẹn có 43 người. Trong đó Nguyễn Huy Tưởng là một tác giả thuộc lớp các nhà văn đi tiên phong. Và trong số 43 tác giả kịch ấy, nếu được chọn ra 5 người ở lớp tiêu biểu nhất thì phải kể đến Nguyễn Huy Tưởng. Và truyền thống văn học trong quá khứ của dân tộc ta lại chủ yếu phát triển loại hình ca kịch - kịch hát. Nói lên điều đó càng thấy thêm sự đóng góp của Nguyễn Huy Tưởng cho văn học kịch hiện đại.

Điều đáng quý và đáng trân trọng nhất ở Nguyễn Huy Tưởng là sự thống nhất của lý tưởng xã hội, lý tưởng thẩm mĩ trong tác phẩm văn chương và nhân cách sống của ông. Trong lịch sử văn học không một nhà văn nào liên tục viết nhật ký 30 năm liền từ 1930, khi ông 18 tuổi, đến 1960, chỉ dừng lại 2 tháng trước khi ông mất. Cảm ơn bà quả phụ Trịnh Thị Uyên cùng người nối dõi tông đường nhà văn Nguyễn Huy Tưởng – anh Nguyễn Huy Thắng đã gìn giữ cẩn thận và đầy yêu thương hơn 40 cuốn sổ nhật ký được viết ra và theo chân nhà văn đi qua bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu vùng đất của xứ sở này. Họ đã gìn giữ tài liệu ấy từ năm 1960 để đến gần nửa thế kỷ sau, 46 năm sau, năm 2006, Nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng đã được nhà xuất bản Thanh Niên công bố. Gồm 3 tập với khoảng 1500 trang sách. Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng là một tài liệu lịch sử quý giá. Biết bao nhiêu con người, sự kiện được tỏa sáng bởi tấm lòng trung thực, chân thành và mình bạch của một con tim yêu thương luôn luôn đập giữa lòng thời cuộc, thể hiện sâu sắc mà sinh động một nhân cách cao quý và bình dị trong làng văn hiện đại. Ớ đó ta bắt gặp một Nguyễn Huy Tưởng đời thường vô cùng hiếu đễ với bậc sinh thành, như nghe tiếng kêu dứt ruột của ông: Mẹ ơi, có thấu lòng con. Tôi nhớ mãi những đoạn nhật ký buồn thương được ghi vào tháng 12 – 1942 khi Nguyễn Huy Tưởng ngóng chờ và mong đợi nhuận bút của cuốn tiểu thuyết Đêm hội Long trì để làm quà dâng mẹ. Bà cụ lúc ấy đã ốm liệt giường và không ăn uống được gì nữa. Và những trang Nguyễn Huy Tưởng viết về bà Uyên, người vợ yêu quý của ông, vừa trang nhã vừa nồng thắm mà mỗi người đọc làm chồng như tìm được một phần mình trong đó. Nhưng nổi trội hơn cả là nỗi lo toan ưu thời mẫn thế luôn luôn thường trực và đau đáu trong ông. Đến cái ổ khóa nhà ông, ông cũng đặt theo năm Cách mạng Pháp 1789. Ngày 17/6/1960, già một tháng sau đấy thì ông mất, ông vẫn lo tình hình chính trị ở Á Châu…Trước những sai lầm của Cải cách ruộng đất làm cho xóm làng thêm xơ xác, ông đau đớn vô cùng. Ngày 16/6/1956 ông cho biết đã trực tiếp viết thư gửi Hồ Viết Thắng, một cán bộ cao cấp về công tác này để xin gặp. Nhưng Hồ Viết Thắng đã từ chối. Nếu cuộc gặp ấy xảy ra chắc chắn Nguyễn Huy Tưởng sẽ nói những điều ông viết trong Một ngày chủ nhật. Đức tính trung thực và ngay thẳng của Nguyễn Huy Tưởng trong tình bạn là biểu hiện cao quý nhân cách của một nhà văn, đặc biệt trong những giai đoạn sóng gió của thời cuộc. Ngày 14/12/1956: Tiền nong cho già đình thì thiếu, con lên sởi, lo vì công việc, lo cho bạn, không sao ngủ được. Cái nhóm Trần Lê Văn, Quang Dũng, Hữu Loan, Thanh Châu vắng vẻ chuyện trò. Ta nói thẳng với T.C… anh ta nói ta nặng vế trách Đảng. Nhưng có lo gì? Nghĩ thế nào nói thế. Anh em càng tin. Trước đó một ngày, nhật kí viết: Khi gặp đồng chí T.C, khi mình nói không nên có thành kiến với Nguyễn Hữu Đang, thì thiếu bình tĩnh ngay. Rồi quay sang vặc: Sao anh chỉ trách Đảng mà không trách bọn họ... Ta để việc này trôi đi ư?... Đã bao nhiêu người oan uổng vì những báo cáo không xác thực này. Thời gian đã đi qua 60 năm, bao nhiêu điều đã được nhận thức lại mà đọc những trang viết này vẫn cảm thấy nóng bỏng lòng trung thực, ngay thẳng của nhà văn. Nguyễn Huy Tưởng đâu phải chỉ bị thôi thúc tình cảm giữa con người với con người. Đó không chỉ là kinh nghiệm mà còn là bản lĩnh chính trị của ông. Nhà văn đã từng tham gia Hội truyền bá Quốc ngữ, Hội Văn hóa cứu quốc những năm trước Cách mạng, từng là một trong số những người đầu tiên xây dựng báo Tiền Phong bí mật từ tháng 6/1945. Người cất lên tiếng nói thẳng thắn ấy như vừa bước ra từ Hội trường quốc dân đại hội Tân Trào tháng 8/1945, từ Quốc hội khóa 1 năm 1946, từ những trang ký sự chiến trường rực lửa Thu đông 1947 và chiến dịch biên giới 1950. Biện chứng về truyền thống và thời đại, lịch sử và cách mạng dẫn dắt tư duy sáng tạo nghệ thuật của ông. Nhật kí Tết Mậu tuất 1958 viết: T.H nói ăn cơm bây giờ thì phải phục vụ bây giờ. Có biết đâu ăn cơm bây giờ nghĩa là ăn cơm của cả tổ tiên và của cả con cháu. Nói thẳng, nói thật, nói có tổ chức, vì sự sống còn của lợi ích chung là phong cách của Nguyễn Huy Tưởng. Nếu ông im lặng chắc cũng chẳng ai trách ông. Nhưng nhân cách nhà văn không cho phép ông làm điều đó. Ông đã từng viết: Phải cao quý, hỡi nhà văn.

Tôi cho rằng một trong những nội dung quý giá nhất của Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng là những quan niệm của ông về sáng tác văn học cũng như trách nhiệm của người cầm bút. Ở đây hội tụ một chuỗi những suy tư, trăn trở mà Nguyễn Huy Tưởng đã chắt lọc từ trí tuệ, tâm hồn, máu và nước mắt của suốt một đời lao động nghệ thuật tràn trề say mê và đầy nghị lực của người nghệ sỹ. Những điều gan ruột ấy đã được ông viết ra từ rất sớm. Nhật ký ngày 24-12-1930, ông khao khát: làm chóng xong quyển truyện để tôi cống hiến cho quốc dân tôi, cho dân Việt Nam tôi, là dân mà tôi yêu một cách vô hồi, vô hạn. Nhật ký ngày 17-9-1931 viết: Corneille, Racine, Molière sở dĩ bất tử vì các nhà ấy phần lớn là nhà tâm lý học, thường trọng tình hơn trọng cảnh. Tả cảnh chỉ là cách làm cho sự tả tình đúng mà  thôi. Văn chương thuần tả cảnh không mấy lúc mà tiêu diệt. Dường như, toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng đã làm ra theo tinh thần ấy. Nhật ký những năm kháng chiến chống Pháp nhiều lần đề cập đến quan niệm văn chương. Ngày 6-9-1949, bằng trực giác của mình, nhà văn đã sớm linh cảm thấy những điều chưa hiện rõ mặt đằng sau của cái mới: Ta muốn viết chế diễu một thứ bôn-sê-vích, đạo đức hẹp hòi, có cái vẻ Khổng Tử ngày xưa, xét nét về luân lý một cách chật hẹp. Nguyễn Huy Tưởng dường như đồng điệu với Nam Cao trong sự lo lắng người lãnh đạo không hiểu về Văn nghệ… Đến nhật ký ngày 6-7-1957, lo lắng này thể hiện càng rõ: Trong nội bộ Văn nghệ. T.H xem phim Anna, có hình ảnh người phụ nữ déscolletée (hở vai): bèn cấm! (…). Nhật ký ngày 2-2-1957 ông nhìn nhận đúng đắn vấn đề muôn thuở của sáng tạo văn học gắn bó với những vui buồn trăn trở của nhân loại mọi thời và vẻ đẹp vĩnh cửu của thi ca: Thơ Lý Bạch và cái hào khí của nhà thơ… Làm thơ tiễn bạn có phục vụ chính sách nào mà sao bây giờ truyền tụng? Ai truyền tụng những câu bảo vệ chính sách? Nên suy nghĩ nhiều về vấn đề này. Phải đến cuối thế kỷ 20, những năm đổi mới, tức là hơn 30 năm sau, chúng ta mới nhìn nhận toàn diện vấn đề ấy. Nhật ký ngày 28-2-1957 cho thấy Nguyễn Huy Tưởng đã nhìn xa trông rộng được nhiều vấn đề của mấy chục năm sau: Tổng kết đại hội (Văn Nghệ). T.H lại bốc. Vẫn cái luận điệu cũ. Rào trước đón sau. Nói cần phải đoàn kết nhưng thực sự có đoàn kết được đâu. Hẹp hòi đến thế, hỏi tranh thủ sao được văn nghệ sỹ miền Nam.

Trong cuộc sống đời thường, Nguyễn Huy Tưởng luôn bày tỏ sự đồng cam cộng khổ với các bạn văn. Ông lo lắng cho Nguyễn Sáng, một họa sĩ có tài, trong kháng chiến chống Pháp từng vẽ giấy bạc cho Chính Phủ, vậy mà hòa bình không có thuốc để vẽ. Ông chia sẻ cảnh ngộ của Bùi Xuân Phái, nghèo túng chỉ mong có được một commande nào đó để có tiền nuôi vợ nuôi con. Và ông đặt câu hỏi: chế độ ta cứ để cho những nhân tài ấy sống mai một đi ư?… Nguyên Hồng rất yêu quí ông Tưởng, thường hay gọi đùa Nguyễn Huy Tưởng theo tên gọi một nhà văn nổi tiếng nước ngoài nói lạc đi là Mao Thuỗn. Là con mõ già của văn hóa cứu quốc. Là ông Chánh Hòa. Hồi ký văn học Những nhân vật ấy đã sống với tôi, in năm 1978, Nguyên Hồng đã viết ngay ở những trang đầu: Ngày xưa có… Trương Chi chỉ là cái cớ. Nguyên Hồng giành phần trang trọng nhất cho ông Tưởng: Một buổi đạp xe trên quốc lộ 1, đi qua giữa vùng chợ Dầu và chợ Lim - ông Chánh Hòa… người rất chi đôn hậu, rất chi say viết, ngồi “cắn” bàn như bắt vít vào ghế được anh em rất mến, cho biết: Có một khúc của sông Tiêu Tương chảy qua đây và gốc chuyện Trương Chi là ở đấy… Nguyễn Huy Tưởng có ý định sau này sẽ về làm nhà ở trên quãng di tích sông Tiêu Tương ấy để sẽ viết thêm tiểu thuyết và kịch lịch sử.

Ước mộng này của nhà văn đã không biết trước phải đổi mặt với thách thức cuối cùng cay nghiệt nhất của đời ông. Trong một tờ giấy nhỏ bằng lòng bàn tay đã ố vàng tôi được nhìn thấy Nguyễn Huy Tưởng ghi chương trình tháng 4 - 1960 có 5 việc đánh rõ thứ tự a, b, c, d, e. Mặt sau của tờ giấy ghi bằng tiếng Pháp tên một nhà văn phương Tây và giá một số quyển sách. Lưu ý đó không phải là tên thuốc. Đó là chương trình làm việc cuối cùng của nhà văn được ông viết trên giường bệnh. Như thể ông không để ý đến cái gì sẽ xảy đến. Như thể ông cố làm hết những việc cần thiết nhất ở dương thế này. Đó cũng là thể hiện nhân cách của một nhà văn đã sống hết lòng vì đất nước và nhân dân mình. Ngày 25/7/1960 (tức 2 tháng 6 âm lịch), Nguyễn Huy Tưởng thở hơi thở cuối cùng trên giường bệnh. Nhưng như Văn Cao trong bài thơ của ông ấy có tiêu đề Nguyễn Huy Tưởng đã viết Cái chết của anh cái chết một nhà văn - không bao giờ là cái chết.

Tôi đã sống ở Hà Nội chừng nửa thế kỷ rồi, không biết bao nhiêu lần đi qua hồ Tây mà không sao tìm được cái cảm giác của ông Nguyễn Tuân nghe chuông chùa Trần Quốc bồi hồi bên hồ, lại muốn bóng hồ trả lại cho Hà Nội hôm nay cái bóng mái cong những chín tầng đài ngày nọ - Cửu Trùng Đài. Lịch sử cứ thầm lặng đi qua mà chẳng bao giờ trở lại được nữa. Nhưng Cửu Trùng Đài ngày xưa đã sụp đổ mà không còn dấu tích gì nữa trong bóng mây bóng nước mặt hồ. Biết bao nhiêu thăng trầm hưng vong, hoang phế cuộc đời tưởng đã đi vào quên lãng cùng với sự vô tâm của thế thái nhân tình. Nhưng không. Có một miền ký ức lóng lánh ánh vàng của thời gian trong tác phẩm văn học của những văn tài. Sự nghiệp văn học của Nguyễn Huy Tưởng mà những chữ Vũ Như Tô như được thêu bằng vàng của thời gian sẽ còn lại mãi mãi. Bởi vì đó là vẻ đẹp của tâm hồn Việt Nam. Nó nhắc nhở và đưa ra lời cảnh báo cho mọi thời đại về những gì kỳ vĩ sẽ bị thiêu rụi nếu không vì những giá trị căn bản của con người. Nó chỉ ra bi kịch không thể tránh khỏi của những nhân tài, trong một xã hội suy tàn, mạt pháp và phi luân. Nhà văn không chỉ là chứng nhân của lịch sử mà còn là lương tâm của thời đại. Điều đó thật rõ ràng trong trường hợp của Nguyễn Huy Tưởng. Hơn thế nữa, ông còn là nhà văn hóa tiêu biểu của thời ông đã sống.

Nguyễn Huy Tưởng sinh 1912, con một người hàn sĩ ở xử Kinh Bắc; Mấy khóa thi đều hỏng cả, sớm phải về cõi âm, để lại Huy Tưởng khi mới lên 7 tuổi. Rồi cậu bé phải sớm lang bạt xứ người ở đất Hải Phòng. Cái mảnh đất mà Claude Bourrin, trong cuốn Bắc Kỳ xưa - một cuốn sách khảo cứu về sân khấu, thể thao, đời sống đô thị từ 1884 đến 1893 đã ca ngợi: khi đổ bộ xuống một xứ sở mới, người Anh chỉ biết xây dựng một ngân hàng thì người Pháp xây rạp hát. Và thành phố Cảng là nơi đầu tiên nền kịch nói phương Tây đổ bộ vào. Chính ở cái thành phố hoa lệ mà đầy những cạm bẫy người ấy, nhà văn của chúng ta đã học hành một cách nghiêm cẩn và thành người lớn ở đây. Ít nhất là cũng khác so với thời còn bé ở quê. Thời đó cậu bé quê làng Dục Tú còn rụt rè và thích làm thơ, thỉnh thoảng cùng người cháu họ trốn nhà đi Lý Nhân, Mai Động xem và chính ông cũng nhảy vào hát ống. Một thứ văn nghệ bình dân 100%. Ống sữa bò dán da ếch 2 đầu, giữa giăng dây chỉ. Trai gái hát đối với nhau, thường là những đêm trăng nông thôn Việt Nam bình dị quê mùa. Có lẽ cái chất hào hoa trong văn chương Nguyễn Huy Tưởng là sự hợp lưu của 3 dòng chảy văn hóa Kinh Bắc - thành phố Cảng và Thăng Long Hà Nội âm thầm hòa quyện vào nhau.

Sau năm 1960, không hiểu Nguyễn Huy Tưởng có về làm nhà trên đất huyện Tiên Du - một vùng lúa xanh rời rợi có sông Tiêu Tương chảy ngầm dưới đất như có lần ông nói với Nguyên Hồng hay không? Ở đó ông tiếp tục nghĩ suy và mách bảo một người nào đó trong số chúng ta ở thời đại bây giờ tiếp tục viết trên cảm hứng lịch sử về những chủ đề quá khứ cũng như hiện đại? Ai mà biết được? Tháng 10/1996, Nguyễn Huy Tưởng cùng với Văn Cao, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng… và nhiều người khác đến nơi trang trọng nhất của đất nước này để nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Lúc ấy Cửu Trùng Đài còn chưa tắt lửa sau lưng họ.

Tháng 5/2017

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ số 23 ngày 8-6 2017

 Không có nhiều hiện tượng nổi bật như 15 năm cuối thế kỷ 20: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, văn xuôi Việt Nam mười lăm năm đầu của thế kỷ 21 đi vào tiếng rì rầm của đời thường, cạnh tranh với các lĩnh vực nghệ thuật khác trong chinh phục công chúng. Đời sống mạng, dồn dập thông tin, người viết và người đọc như ngập trong biển lớn. Một số nhà văn trẻ Việt Nam viết theo xu hướng giải trí. Các quầy sách tràn ngập các bản in mới, đa dạng và bắt mắt về hình thức. Đã có một số nhà văn chuyên nghiệp. Văn học Việt Nam trở lại con đường hiện đại hóa và hội nhập một cách chậm chạp, sau hai cuộc chiến tranh. Một nền văn học chịu nhiều phân tán, ngập ngừng, nhiều lần mở, khép. Một nền văn học dung hợp cả các yếu tố truyền thống, hiện đại và hậu hiện đại.

1. Tiểu sử tác giả

Tác gia Thẩm Thệ Hà tên thật là Tạ Thành Kỉnh, sinh ngày 9/3/1923 tại làng Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh. Cha ông là Tạ Thành Tàu, mẹ là Nguyễn Thị Tám. Sinh trưởng trong một gia đình trung lưu. Thẩm Thệ Hà học tiểu học ở Trảng Bàng, trung học ở Sài Gòn, đỗ tú tài Pháp và lập gia đình năm 22 tuổi. Ông tham gia Cách mạng từ 1945, hoạt động trong Ban điệp báo Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Năm 1949, cùng với Vũ Anh Khanh (1926 - 1956) thành lập nhà xuất bản Tân Việt Nam. Từ 1952, để kiếm sống và hoạt động trong vùng tạm chiếm, Thẩm Thệ Hà dạy Việt văn ở các trường trung học Nguyễn Văn Khuê, Chi Lăng, Tân Thanh, Đặng Văn Trước, Đức Trí, Dân Trí, Trần Hưng Đạo. Năm 1966, cùng với Tô Nguyệt Đình (1920 - 1988) thành lập nhà xuất bản Lá Dâu. Hai nhà xuất bản Tân Việt Nam và Lá Dâu đã in được nhiều tác phẩm văn chương có khuynh hướng đấu tranh cách mạng. Trước 1975, Thẩm Thệ Hà từng viết bài cộng tác và biên tập các báo và tạp chí Văn hóa, Việt bút, Đại chúng, Lẽ sống, Tiếng chuông, Tin sớm, Ánh sáng, Dân tộc, Tin lửa, Nhân loại, Tiểu thuyết thứ bảy; phụ trách mục “Phê bình sách mới” và “Những áng thơ hay” trên tạp chí Phổ thông (1958 - 1965) của Nguyễn Vỹ (1912 - 1971) giới thiệu cả những tác giả miền Bắc đương thời như Huy Cận, Thanh Tịnh, Ngân Giang, Yến Lan, Lưu Trọng Lư. Sau 1975, ông cộng tác với các báo và tạp chí Văn, Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Bách khoa văn học, Sân khấu, Sài Gòn giải phóng thứ bảy, Giác ngộ. Ông là hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh khóa đầu tiên và hội viên Hội Văn nghệ Tây Ninh. Qua một thời gian đau yếu, ông mất ngày 20/6/2009 tại TP. Hồ Chí Minh, hưởng thọ 88 tuổi.

2. Sự nghiệp văn chương

Nghiệm sinh trên cõi đời 88 năm tuổi trời và 63 năm tuổi văn, Thẩm Thệ Hà đã để lại hàng chục tác phẩm dài ngắn khác nhau, bao gồm nhiều bộ môn chuyên ngành, nhiều thể loại và thể tài, nhiều hình thức và phương thức sáng tác. Trên thực tế, số lượng tác phẩm của Thẩm Thệ Hà phân chia theo thể loại có 7 tiểu thuyết (1 tiểu thuyết còn ở dạng bản thảo), 14 truyện ngắn, 14 truyện viết cho thiếu nhi, 2 vở kịch, 2 tập thơ (di cảo), 3 tác phẩm dịch, 2 tập khảo cứu, 5 bộ sách giáo khoa, 1 tập hồi ký, nhiều bài phê bình văn học đăng báo…

Thẩm Thệ Hà đến với văn chương khi còn học trung học. Năm 1937, với bút hiệu Thành Kỉnh, ông đã có thơ đăng trên Phổ thông bán nguyệt san ở Hà Nội và các báo ở Sài Gòn như Đồng trinh, Chúa nhật, Thanh niên, Điện tín. Các bài thơ được độc giả biết đến và mang lại chút tiếng tăm cho tác giả như Trịnh Đán, Rồi mỗi chiều xuân, Dòng mơ chung thủy, Xuân thanh sắc,… Sau Cách mạng tháng Tám có các bài Trời nổi phong yên, Việt Nam mến yêu, Tống biệt hành, Khóe mắt u hoài, Trường thành sông Đua,… Thơ của ông được tập hợp thành hai tập chưa xuất bản là Thâm thúy (Thơ trước 1945) và Trời nổi phong yên (Thơ sau 1945). Về văn xuôi có các bộ ngựa cầu thu (Tân Việt - 1949), Gió biên thùy (Tân Việt - 1949), Người yêu nước (Tân Việt Nam - 1949), Đời tươi thắm (Lá Dâu - 1956), Hoa trinh nữ (Sống mới - 1957), Bạc áo hào hoa (Miền Nam - 1969), Tủi phấn thẹn hồng (bản thảo chưa in),…; các truyện ngắn Nàng Phượng tóc thề (1960), Ai nghe lòng đất quặn đau (1961), Tình yêu và lý tưởng (1989), Thằng đưa đám (1990), Lửa tình (1991), Nhan sắc tàn phai (1991), Cánh hồng lưu luyến (1993), Duyên dáng Quỳnh Như (1994), Tổ ấm chim bay (1994), Thanh mai trúc mã (1994), Nhà sư dị thường (1996),…; truyện viết cho thiếu nhi Bài học thương nhau, Con chim xanh, Tàn giấc mơ tiên, Tiểu anh hùng, Thần điểu và hoa hồng, Thiên tài lạc lối, Nhân ngư công chúa, Ngọc tuyền thảm sử,…; biên khảo Việt Nam trên đường cách mạng tân văn hóa (1949); dịch tiểu thuyết Con đường cứu nước (Maroussia của P. J. Satahn, Nam Việt - 1947) và Mũi tên đen (The Black Arrow của S. L. Stevenson, Sống mới - 1965).

Với những đóng góp quan trọng cho văn học và Cách mạng giải phóng dân tộc, Thẩm Thệ Hà được ghi nhận là “một nghệ sĩ đa năng” (Hoàng Tấn, trong Thanh Việt Thanh: Thẩm thệ Hà - thân thế và sự nghiệp, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr.12), “Một cấy bút khả kính” (Trần Hữu Tá, Một cây bút khả kính, Tuổi trẻ chủ nhật, số 9 - 2003, ra ngày 9 - 3 - 2003, tr. 24), tác phẩm của ông có mặt trong một số chuyên luận và tuyển tập như Thi nhân Việt Nam hiện đại của Phạm Thanh, Thi ca Việt Nam hiện đại của Trần Tuấn Kiệt, Thơ mùa giải phóng (Nxb Sống chung), Văn chương tranh đấu miền Nam của Nguyễn Văn Sâm, Tuyển tập thơ, truyện ngắn Thành phố Hồ Chí Minh (Kỉ niệm 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh), Thẩm Thệ Hà - thân thế và sự nghiệp của Thanh Việt Thanh, Nhìn lại một chặng đường văn học của Trần Hữu Tá, Từ điển Văn học (bộ mới) của nhiều tác giả, Văn học nơi miền đất mới của Nguyễn Q. Thắng,… Điều đó cho thấy tác giả xứng đáng có một chỗ đứng trong lịch sử văn học, đặc biệt là văn học Nam Bộ.

Lĩnh vực để lại nhiều dấu ấn nhất của Thẩm Thệ Hà chính là văn xuôi và những tác phẩm có giá trị nhất tập trung chủ yếu trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Trong giai đoạn 1945 - 1954, ông sáng tác tổng cộng 3 bộ tiểu thuyết: ngựa cầu thu, Gió biên thùy, Người yêu nước. Ba bộ tiểu thuyết này đều được xuất bản năm 1949. Tiểu thuyết Thẩm Thệ Hà sở dĩ được hoan nghênh vì “chủ đề rất tập trung, nhất quán: sự trăn trở và động viên nhau tìm đến với lý tưởng cứu quốc của thế hệ thanh niên trong một bối cảnh không gian xác định (miền Nam Việt Nam) và trong một thời gian cụ thể (Những năm trước Cách mạng tháng Tám 1945 và những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp)”1.

Vó ngựa cầu thu là một trong những tiểu thuyết biểu của Thẩm Thệ Hà viết về những năm trước Cách mạng tháng Tám. Sơn sinh ra trong một gia đình trưởng giả và sớm có tư tưởng cách mạng. Chàng từng theo một chiến sĩ Quốc dân đảng sang Trung Quốc và học Trường võ bị Hoàng Phố. Sơn xót xa vì những nghĩa sĩ của phong trào phải lên đoạn đầu đài. Từ nước ngoài, chàng và những người đồng chí nhận thấy các quan niệm quốc gia cổ truyền của ta không còn hợp nữa. Sơn và người đồng chí tên là Thái vượt biên giới về nước gây cơ sở phong trào trong nước.

Sơn và Thái tạm chia tay nhau vì Thái có việc riêng gia đình. Trên đường đi, Sơn tình cờ ngụ trong nhà của một cụ già yêu nước muốn lập lại chế độ phong kiến. Cụ từng có liên hệ với các sĩ phu trong phong trào Cần vương. Sống với cụ có hai người cháu là Phương Lan và Phượng Nhi. Phương Lan - người cháu lớn, nết na xinh đẹp chịu ảnh hưởng sâu sắc tinh thần phục cổ của cụ. Ba tháng sống trong không khí thân tình, đùm bọc của ba ông cháu nhà chí sĩ, Sơn có cơ hội hướng tâm hồn Phương Lan theo cách suy nghĩ và hành động phù hợp với tình hình hiện tại của đất nước. Tình yêu bắt đầu nảy nở giữa Sơn và Lan. Thế nhưng, vì đất nước, Sơn phải chia tay ông cháu Phương Lan để cùng Thái thi hành nhiệm vụ bí mật.

Trên đường lên Bắc Sơn, Sơn và Thái bị bắt giam. Họ đang tìm cách vượt ngục thì có người đến cứu thoát. Trên đường chạy trốn Sơn tự nghĩ mình đừng nên mơ tưởng về Phương Lan nữa. Nhưng không ngờ, chính Phương Lan là người cứu sống chàng và Thái, sau đó nàng bị truy đuổi và hi sinh. Phương Lan đã giác ngộ theo con đường của Sơn. Trước khi nhắm mắt trong vòng tay của Sơn, Phương Lan đã xúc động “từ ngày nghe được lời anh em đã giác ngộ. Em đã theo hai anh từng bước, tiếc thay em không phải là một chiến sĩ có tài... Chết vì nghĩa vụ là danh dự của người chiến sĩ, được chết trên tay anh là diễm phúc của em rồi”.

Nội dung Vó ngựa cầu thu cho thấy dự đồ sáng tạo của tác giả: viết về những con người trẻ tuổi đi theo cách mạng. Không khí truyện khiến chúng ta nghĩ đến phong trào khởi nghĩa Yên Bái. Tiếng vọng của cuộc khởi nghĩa Yên Bái cùng sự hi sinh của các nhà cách mạng có tác động ít nhiều đến ngòi bút Thẩm Thệ Hà. Thế nhưng, về mặt hình tượng văn chương, Sơn và Thái là sự tiếp nối các hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn: có nhiều sự đồng cảm với nhân dân, sẵn sàng quăng mình vào gió bụi. Tuy vậy, khác với các nhân vật Dũng, Thái, Tạo trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, các nhân vật của Thẩm Thệ Hà đã có những ý hướng, lý tưởng cụ thể trong hành động. Nổi bật trong Vó ngựa cầu thu chính là mối tình giữa Sơn và Lan. Tình yêu của họ được ngòi bút tác giả thể hiện theo kiểu tình yêu trong các cuốn tiểu thuyết theo khuynh hướng lãng mạn, có kết thúc buồn. Hình ảnh Sơn và Lan đi chơi Tùng Lâm rồi suối Ngọc Tuyền đã là một dự cảm buồn cho kết cục một cuộc tình. Cốt truyện Vó ngựa cầu thu nhẹ nhàng, không phức tạp, ít có những xung đột. Tác giả tỏ ra khéo léo trong việc mô tả tâm trạng của Sơn và Lan, những cung bậc tình cảm của hai người đang yêu trong một không gian truyện cổ kính.

Nếu Vó ngựa cầu thu viết về những năm trước Cách mạng tháng Tám thì Người yêu nước viết về không khí của những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Người yêu nước viết về những trí thức trên đường đến với cách mạng. Ngay lời phi lộ, tác giả đã cho biết mình chủ trương viết theo khuynh hướng “Văn chương tranh đấu”. Viết về những trí thức thành thị hẳn Thẩm Thệ Hà có nhiều thuận lợi. Công việc dạy học và sinh hoạt ở thành thị đã cung cấp cho ông những trải nghiệm quý báu khi viết về những con người này. Vũ, nhân vật chính của truyện, sinh ra trong gia đình giàu có, thích đọc sách tư tưởng và làm thơ, con quan tri phủ. Phượng, người bạn gái của Vũ, xinh đẹp, từ thuở nhỏ đã say mê nghệ thuật. Bão, sinh ra trong gia đình nghèo khó và là bạn học của Vũ. Từ khi chia tay Vũ ở trường học, Bão giác ngộ và đi theo cách mạng nhờ sự hướng đạo của giáo sư T và các bạn trong tù. Họ gặp lại nhau trong một hoàn cảnh đặc biệt: Bão bị bắt và tạm giam nơi dinh thự của quan tri phủ. Cuộc gặp gỡ nơi hầm tối nhà giam đã làm thay đổi cuộc đời của Vũ. Những cuộc tiếp xúc với Bão đã làm chàng hiểu được vẻ đẹp của lý tưởng cách mạng. Từ một người sống mộng mơ, làm thơ ủy mị và ít có mối liên hệ với quần chúng, Vũ từ bỏ gia đình và cuộc sống sung túc để bước vào con đường hoạt động cách mạng. Hành động cao đẹp và tình yêu trong sáng của Vũ đã giác ngộ Phượng đi theo lý tưởng cách mạng. Và cũng chính cô đã giác ngộ cho cha mình con đường đấu tranh để giải phóng dân tộc. Phượng trở thành cán bộ chỉ huy lực lượng vũ trang cách mạng bên cạnh Vũ và Bão. Trong một trận đánh, cô bị bắt giam nhưng vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Phượng bị thực dân kết án tử hình. Nhờ sự can thiệp của một người Pháp, trước đây thọ ơn cha con cô trong cuộc bố ráp của hiến binh Nhật, Phượng được giảm xuống án chung thân. Trong tù, Phượng viết cho Vũ một bức thư thể hiện niềm tin về một tương lai tươi sáng.

Người yêu nước ra đời được báo chí tiến bộ đương thời đánh giá rất cao. Dương Tử Giang (1918 - 1956) nhà văn cùng thế hệ với Thẩm Thệ Hà đã viết trên Nguồn sống (số 3): “Người yêu nước có lẽ là quyển truyện dài khá nhất đã xuất bản từ sau chiến tranh đến ngày truyện ấy ra đời”; Nguyễn Bảo Hóa (bút hiệu Tô Nguyệt Đình) viết trên báo Ánh sáng (số 346-347): “Sáng tác được một tác phẩm như Người yêu nước chẳng phải là một việc dễ. Tác giả đã tỏ ra sự cố gắng trong lúc ghi chép những phản ảnh của thời đại, nó đánh dấu một biến chuyển lớn lao của nền văn hóa nước nhà”; Việt báo (số 4) cũng nhận định: “Hành văn trong sáng và linh hoạt. Cốt truyện cảm động và ý nhị. Có thể nói đó là tác phẩm đặc sắc nhất của tác giả, và Thẩm Thệ Hà đã thành công ở công cuộc biểu dương nền ‘văn chương tranh đấu’ với tác phẩm này”.

Người yêu nước viết về cuộc sống xã hội của những con người, đặc biệt là những thanh niên trí thức, trước cách mạng tháng Tám và những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Vũ là nhân vật tiêu biểu cho lớp thanh niên trí thức thành thị, sống sung sướng, những ngày đầu cuộc kháng chiến còn bỡ ngỡ, hoài nghi. Sau khi được Bão giác ngộ, Vũ đi theo cách mạng và cảm thấy ngạc nhiên với sự thay đổi của mình. Chàng lặn lội khắp các vùng quê hẻo lánh và đem những hiểu biết của mình dạy cho những người dốt nát. Vũ nhận ra rằng cách mạng chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ. Điều kiện đủ chính là sự hưởng ứng nhiệt liệt của quần chúng nhân dân lao động. Bởi “cách mạng là ngày hội của quần chúng nhân dân”, “dân là gốc” là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của mọi cuộc cách mạng. Trong Người yêu nước ta thấy xuất hiện một kiểu nhân vật tương đối gần gũi với kiểu nhân vật mà sau này trở thành phổ biến trong các tác phẩm văn xuôi giai đoạn chống Mỹ cứu nước: nhân vật “người Đảng”. Nhân vật “người Đảng” là nhân vật đã giác ngộ và đi theo cách mạng rồi quay trở lại tác động, giác ngộ cho những nhân vật khác. Trong Người yêu nước: Bão giác ngộ cho Vũ; Vũ giác ngộ cho Phượng; Phượng lại giác ngộ cho cha mình. Trong tiểu thuyết Vó ngựa cầu thu, nhân vật Sơn cũng có một kiểu thức như vậy. Sơn đã giác ngộ cho Lan Phương. Những nhân vật như Vũ, Sơn có những nét gần gũi với A Châu trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Thế trong Đất nước đứng lên và Quyết trong Rừng xà nu của Nguyên Ngọc, Chị Ba Dương trong Một chuyện chép ở bệnh viện của Bùi Đức Ái,… đó là nhân vật xuất hiện để giác ngộ quần chúng đi theo cách mạng. Với họ, tình yêu của cá nhân, nhiệm vụ đối với gia đình đành tạm gác lại và dành tất cả sức lực, trí tuệ cho nhiệm vụ cứu nước. Họ đến với cách mạng với tinh thần tự nhiệm. Hình ảnh của Vũ khiến chúng ta không thể không liên tưởng đến nhân vật Dũng trong Đoạn tuyệt của Nhất Linh (1905 - 1963). Cũng như Dũng, Vũ cảm thấy khổ sở và dằn vặt trước đời sống sung túc của mình và muốn làm một điều gì đó có ích cho giới cần lao. Và cuộc “tìm đường” của Vũ cũng khiến ta nhớ đến những trí thức tìm đường và nhận đường trong Đôi mắt của nhà văn Nam Cao (1915 - 1951). Người yêu nước có nhiều trường đoạn về sự triết lý con đường giải phóng dân tộc của những người trí thức. Cũng có lúc họ dao động, mất niềm tin vào “đám cần lao, cùng khổ, thất học” nhưng rồi chính họ lại tự đánh tan ngờ vực và thấy ở khối người đó có sức mạnh to lớn. Nguyễn Văn Sâm có lý khi cho rằng Người yêu nước đã thể hiện một “diễn trình ý thức cách mạng”2 của tác giả. Người yêu nước là tác phẩm có chiều sâu nhất của Thẩm Thệ Hà: giọng kể thay đổi linh hoạt khi thì ngôi thứ nhất, khi thì ngôi thứ ba; cuộc sống và cách mạng được thể hiện qua điểm nhìn từ nhiều phía của các nhân vật. Nó xứng đáng được xem là cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất trong văn nghiệp của nhà văn.

3. Thẩm Thệ Hà và con đường cách mạng tân văn hoá

Viết về chân dung phê bình văn học Thẩm Thệ Hà trước 1954 cần tập trung vào cuộc bút chiến trao đổi giữa nhóm Chân trời mới Tân Việt Nam trên Việt bútTiếng chuông.

Trong bài viết Tâm sự của nhà phê bình trước thềm năm mới, Thẩm Thệ Hà tâm sự về công việc giữ mục “Phê bình sách mới” trên tạp chí Phổ thông: “Tôi rất ái ngại khi nhận phụ trách mục “Phê bình sách mới”. Nhiều nhà phê bình đã than phiền với tôi rằng: “phê bình thẳng thắn thường hay bị đụng chạm. Nhà phê bình bị oán ghét nhiều hơn là được khích lệ”. Chính tôi cũng công nhận điều nhận xét ấy: phê bình thiên lệch, ca ngợi vì tình cảm cá nhân sẽ bị độc giả khinh bỉ; phê bình khách quan, chỉ trích thẳng tay sẽ bị nhà văn, nhà thơ ác cảm. Vậy thì nhà phê bình biết trọng thiên chức, sứ mạng của họ thật khó khăn và bạc bẽo biết bao. Tôi thường nghĩ: “sinh hoạt văn nghệ thiếu phê bình sẽ trở nên tẻ nhạt. Phê bình rất cần để đem lại sinh khí mới mẻ cho vườn hoa nghệ thuật” vì vậy tôi không ngại sứ mạng khó khắn và bạc bẽo, vui vẻ cầm bút phê bình sách mới cho tạp chí Phổ thông” (Tâm sự của nhà phê bình trước thềm năm mới, Tạp chí Phổ thông, số 120, 1964). Đó là tâm sự của một người có “thâm niên” trong lĩnh vực phê bình văn học trước 1954.

Nhóm Chân trời mới chủ trương Văn chương tả chân xã hội (tức văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa), còn nhóm Tân Việt Nam và nhiều nhà văn độc lập khác chủ trương Văn chương tranh đấu. Nhóm Chân trời mới đại diện là Thiên Giang và Thê Húc, “phủ nhận văn chương tranh đấu” (lời Thẩm Thệ Hà), vì vậy xảy ra cuộc bút chiến hàng mấy tháng trời trong năm 1948 trên các báo Việt bút, Tiếng chuông giữa Thẩm Thệ Hà và Thiên Giang, Thê Húc. Các bài viết trên Việt bútTiếng chuông về sau được tập hợp và biên tập thành cuốn Việt Nam trên đường cách mạng Tân văn hoá.

Việt Nam trên đường cách mạng Tân văn hoá có tác động đối với đời sống văn học và định hình thiên hướng của gương mặt phê bình Thẩm Thệ Hà trong đường hướng: đọc văn chương như một hoạt động văn hoá để bảo vệ dân tộc. Trong tác phẩm này, ông đã viết: “Sau khi phong trào giải phóng bột khởi, văn hoá Việt Nam bước qua một giai đoạn mới: văn hoá là một lợi khí sắc bén để tranh đấu cho sự mất còn của một dân tộc. Văn chương là một hoạt động của văn hoá, lẽ tức nhiên cũng góp phần nào vào cuộc tranh đấu ấy. Trước ngày giải phóng, văn chương là một lợi khí vị nhân sinh, nay vì lẽ tồn vong của nước nhà mà chuyển thành một lợi khí tranh đấu” (Việt Nam trên đường cách mạng Tân văn hoá, Tân Việt, 1949, tr.40). Tinh thần ấy cũng được tác giả nhắc lại trong lời tựa tiểu thuyết Người yêu nước (1949).

Thẩm Thệ Hà viết phê bình có quan điểm và sứ mệnh rõ ràng. Giữa quan điểm phê bình và ý hướng sáng tác của ông là khá thống nhất. Ông viết nhiều bài phê bình sau 1954 khi phụ trách chuyên mục “Phê bình sách mới” và “Những áng thơ hay” trên tạp chí Phổ thông (1958 - 1965) của Nguyễn Vỹ. Nhìn chung, tác giả vẫn giữ được phong cách và quan niệm về phê bình trên Việt bútTiếng chuông.

Nghiên cứu phê bình văn học, Thẩm Thệ Hà thiên về phương pháp phê bình lịch sử xã hội. Trong các bài viết, ông cho thấy sự bao quát lịch sử xã hội đồng thời là sự cảm thụ tinh tế. Cần chú ý, bên cạnh những bài phê bình văn học, các sách nghị luận, giảng văn (chủ yếu sau 1954) cũng cho thấy rõ xu hướng thẩm bình của ông.

Tác giả là cây bút sở trường văn xuôi đồng thời lại có khả năng thẩm định thơ tinh tế (tác giả cũng là một người làm thơ, bắt đầu bước vào con đường văn nghệ bằng những vần thơ).

Phong cách chuẩn mực nơi ngòi bút Thẩm Thệ Hà có lẽ do ảnh hưởng từ học vấn và nghề nghiệp (ông sống chủ yếu bằng nghề dạy học), ông đặc biệt yêu thích và tỏ ra tinh tế nơi những tác phẩm gắn với môi trường giáo dục?

4. Tạm kết

Có thể thấy, so với thời kỳ trước 1954, văn phong của Thẩm Thệ Hà không mấy thay đổi, có chăng là trong cách nhìn nhận đánh giá hiện thực cuộc sống. Trước đây văn ông đầy chất lãng mạn, lạc quan thì nay lại thêm dư vị đắng cay, đôi chút đượm buồn. Các tiểu thuyết của Thẩm Thệ Hà dù được viết sau 1945 nhưng nhiều nhân vật vẫn mang hơi thở của các nhân vật thời tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Những Sơn và Lan (Vó ngựa cầu thu), Vũ và Phương (Người yêu nước), Thúy (Đời tươi thắm) dù sống trong thời chiến nhưng họ vẫn mang những tâm tình lãng mạn, có lúc họ mơ mộng viển vông, chìm đắm trong những nỗi buồn vô cớ. Thế nhưng, điểm làm cho người đọc yêu thích nhân vật của Thẩm Thệ Hà chính là nhờ vào quá trình thay đổi nhận thức của họ trước thời cuộc. Con người trong tiểu thuyết Thẩm Thệ Hà được miêu tả sẵn sàng hi sinh tình yêu riêng tư cho hạnh phúc chung của toàn dân tộc. Tình yêu nhiều khi đóng vai trò là động lực tinh thần giúp cá nhân vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ đối với đất nước.

Nhận xét về các tiểu thuyết của Thẩm Thệ Hà, nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá cho rằng: “Thời gian qua đi, giờ đây đọc lại người đọc dễ thấy những khiếm khuyết của tác giả về phương diện dựng truyện, khắc họa tính cách tâm lý… nhưng vẫn không thể không xúc động: người viết đã gửi vào trang sách của mình một tấm lòng nặng tình với đất nước”. Cái làm nên tầm vóc Thẩm Thể Hà đúng là qua trang sách tác giả đã thể hiện được tấm lòng “nặng tình với đất nước” và chúng tôi xinh nhấn mạnh thêm điểm quan trọng khác chính là ở sự chân thật trong ngòi bút và nhân cách trí thức của nhà văn(3).

 

Chú thích:

  1. Nhiều tác giả: Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, 2004, tr.1643.
  2. Nguyễn Văn Sâm: Văn chương tranh đấu miền Nam, Kỷ Nguyên xb, Sài Gòn, 1969, tr.150.
  3. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) trong khuôn khổ đề tài mã số 2013B-18b-05.

 

 

Tài liệu tham khảo

  1. Nhiều tác giả (2004), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới.
  2. Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng (chủ biên) (1998), Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, tập III, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Trần Tuấn Kiệt (1967), Thi ca Việt Nam hiện đại 1880 - 1965, Khai Trí xuất bản, Sài Gòn.
  4. Võ Văn Nhơn (1997), “Văn xuôi yêu nước và tiến bộ trong các thành thị bị tạm chiếm (1945 - 1954)”, Tập san Khoa học Xã hội & Nhân văn, số 5.
  5. Trần Hữu Tá (2003), “Một cây bút khả kính”, Tuổi trẻ chủ nhật, số 9, ra ngày 9 /3/2003.
  6. Trần Hữu Tá (2000), Nhìn lại một chặng đường văn học, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
  7. Thanh Việt Thanh (1993), Thẩm thệ Hà - thân thế và sự nghiệp, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
  8. Nguyễn Q. Thắng (2008), Văn học Việt Nam nơi miền đất mới, Nxb Văn học, Hà Nội.
  9. Nguyễn Văn Sâm (1969), Văn chương tranh đấu miền Nam, Kỷ Nguyên xuất bản, Sài Gòn.
  10. Nguyễn Văn Sâm (1972), Văn chương Nam Bộ và cuộc kháng Pháp 1945 - 1950, Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn.
  11. Nguyễn Thị Thanh Xuân (1998), Nhìn lại văn học kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ (1945-1954), In trong Bình luận văn học, niên giám 1997, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí khoa học Văn hóa và Du lịch, số 2&3 (82&83), tháng 3&5/2016

Tóm tắt

Trong giai đoạn đầu của nền quốc văn, du ký quốc ngữ phát triển sôi nổi như một thể tài tiên phong mang nhiệm vụ tiếp biến nền văn học. Từ những tác phẩm khởi đầu với quy mô, tầm vóc lớn như “Sách sổ sang chép các việc” của Philipphê Bỉnh, “Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi” của Trương Vĩnh Ký đến hai du ký bằng thơ trường thiên của Trương Minh Ký, “Như Tây nhựt trình”, ‘Chư quấc thại hội”, du ký đã chứng minh được sự tiếp nối vững chắc của nền văn chương mới. Nhiệm vụ tiếp biến nền quốc văn của du ký xuất phát từ hiện thực lịch sử đất nước, biến động xã hội như nhu cầu đi để duy tân, tự cường, sự bế tắc của lớp nhà nho trước nhiệm vụ mới của lịch sử, sự phát triển của các điều kiện giao thông…

“Cuốn Thơ văn Lý-Trần, Tập II, Quyển Thượng do Nguyễn Huệ Chi làm chủ biên, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành tại Hà Nội vào năm 1988.

[…] Theo tôi tìm hiểu thì bộ này hiện được giới nghiên cứu văn học, nhất là sinh viên chọn làm sách tham cứu tư liệu văn học Lý-Trần đáng tin cậy. Bản thân chúng tôi cũng rất trân trọng bộ sách này và nghĩ rằng phải lâu về sau mới có một bộ khác cùng thể loại có giá trị tốt hơn. Công của nhóm Nguyễn Huệ Chi đối với nền văn học nước nhà nói chung và văn học Lý-Trần nói riêng thật đáng quý. Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm thì bộ sách này vẫn còn những chỗ sơ sót cần phải góp ý để cho viên ngọc bích còn có chút gợn được hoàn toàn bóng láng. Vì lý do sức khỏe nên chúng tôi mới góp ý cho Quyển Thượng, Tập II bộ Thơ văn Lý-Trần (và cũng chưa góp ý trọn vẹn, tạm dừng ở trang 548). Hy vọng khi sức khỏe hồi phục, chúng tôi sẽ góp ý tiếp. Việc làm của chúng tôi chỉ là thành toàn giá trị cho viên ngọc bích mà thôi. Những kiến giải góp bàn của chúng tôi chỉ là những hiểu biết chủ quan, mong ông Nguyễn Huệ Chi và các bậc thạc học túc Nho vui lòng chỉ dạy lại để tôi có dịp học tập và sửa chữa lỗi lầm. Hân hạnh thay!”

Bài viết của Hậu học Song Hào Lý Việt Dũng. Xin xem toàn văn trong tập tin đính kèm.

Trần Phong Sắc (1873?-1928?)([1]) là nhà văn, soạn giả cải lương, dịch giả tiểu thuyết Trung Quốc nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ 20. Tên thật là Trần Đình Diệm, bút danh Đằng Huy, tự là Phong Sắc([2]). Người làng Tân An, tỉnh Tân An, nay thuộc thành phố Tân An, tỉnh Long An.

Trong bối cảnh từ sau thời đổi mới, văn học Việt Nam chứng kiến những thay đổi khá bất ngờ. Đặc biệt bước vào thời hội nhập, toàn cầu hóa từ cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, không gian sáng tác ngày nay không chỉ giới hạn ở một quốc gia, một vùng lãnh thổ. Chúng tôi gọi là những sáng tác “xuyên quốc gia” (transnational). Việc miêu tả cuộc sống không chỉ trong quá khứ mà thường là những tiến trình đang xảy ra, vì những quan hệ xuyên quốc gia càng ngày càng phổ biến, nếu không muốn nói chúng đã biến thành kinh nghiệm phổ quát của đa số con người trên mặt đất ở thế kỷ chúng ta. Chuyện du lịch, làm việc, định cư tại một nước khác không còn là chuyện xa lạ hay thiểu số để trở thành một đề tài mang tính chất bi kịch nữa.

 1. Trang Thế Hy, cây bút truyện ngắn quen thuộc

Trang Thế Hy (1924 – 2015), tên thật Võ Trọng Cảnh, là một trong những cây bút tiêu biểu thuộc hàng ngũ nhà văn yêu nước vùng đô thị miền Nam trước 1975, đồng thời là “cây cổ thụ của văn học Nam Bộ” (Ngô Thảo) thời kỳ hiện đại. Ngày 08-12-2015 vừa qua, tại quê nhà huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, “ông đầu bếp già” từng nấu cho thực khách văn chương nhiều món ngon nhớ đời ấy đã vĩnh viễn “đi chỗ khác chơi” (chữ của Trang Thế Hy) khi ở tuổi 91, để lại niềm tiếc thương cho bạn đọc nhiều thế hệ về một ngòi bút tinh tế, mẫn tiệp, thâm trầm, pha chút hài hước, hóm hỉnh.

Theo tin từ nhà báo Vũ Kim Hạnh, nhà thơ Việt Phương - tác giả tập thơ Cửa Mở nổi tiếng một thời - vừa qua đời tại Hà Nội lúc 8g50 sáng nay, 6-5-2017.

Nhà thơ Việt Phương sinh năm 1928, tên thật là Trần Quang Huy, đậu tú tài thời Pháp thuộc. Năm 17 tuổi, ông tham gia hoạt động bí mật chống thực dân Pháp, từng bị bắt giam.

Ông là thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ năm 19 tuổi.

 

Hoàng Trọng Quyền[*]

Thơ Huỳnh Văn Nghệ tuy số lượng sáng tác không nhiều, nhưng khá nổi bật trên nền thơ hiện đại Việt Nam. Cái làm nên nét đặc thù với sức hấp dẫn đặc biệt của thơ Huỳnh Văn Nghệ chính là hiệu ứng nghệ thuật của cấu trúc thẩm mỹ. Trong đó, các yếu tố Tình – ThépLửa với các sắc thái độc đáo và đa dạng, hài phối tự nhiên, nhuần nhị và luôn thống nhất từ cách biểu lộ xúc cảm, xây dựng và triển khai hình tượng, cách lựa chọn các điểm nhìn nghệ thuật và diễn trình đối tượng thẩm mỹ trong những hình tượng không gian và thời gian nghệ thuật giàu ấn tượng, biểu cảm và mới lạ. Tình là gốc của Thép, Thép hướng về Tình. Tình hài kết với Thép làm nên Lửa yêu thương con người; Lửa tự hào về giòng giống, Tổ quốc; Lửa của khát vọng đấu tranh vì độc lập tự do. Những đặc điểm đó làm cho thơ Huỳnh Văn Nghệ thực sự là một thế giới nghệ thuật có những sắc thái, vẻ đẹp và sức hấp dẫn đặc thù trên nền thơ yêu nước và cách mạng Việt Nam.

Là nữ thi sĩ, thật tự nhiên, Xuân Quỳnh có một quan niệm riêng về giá trị cũng như hạnh phúc của người nữ, trong cái nhìn tổng quan của chị về những giá trị sống, giá trị thơ ca, cũng như cuộc đời. Không vờ như không biết tới vị thế giới nữ của mình để hướng tới một cảm quan chung chung về con người, một tinh thần nhân loại quan liêu, Xuân Quỳnh thông qua những vui buồn day dứt của một người phụ nữ Việt Nam để khắc họa sâu xa hơn những giá trị mà chị cho là tinh tuý của con người. Cá tính cứng cỏi, mạnh mẽ, trái tim độ lượng vị tha và một thẩm mỹ cổ điển nhưng luôn cởi mở, hướng tới sự khai phóng, đã kết tinh trong thơ Xuân Quỳnh dòng cảm hứng nữ quyền tự nhiên, vừa gần gũi với những tiêu chí nữ quyền đương đại đồng thời mang vẻ đẹp riêng tư sâu sắc.

 TS. Hà Thanh Vân

(Khoa Ngữ văn – Đại học Thủ Dầu Một)

            Khung cảnh và con người của một đất nước, một vùng miền, bao giờ cũng là nguồm cảm hứng bất tận cho văn học. Văn học Việt Nam sau năm 1975 là sự kết tinh của nhiều thành quả văn học vùng miền với một đội ngũ tác giả và tác phẩm hùng hậu trải khắp từ Nam ra Bắc. Hòa chung vào dòng chảy của nền văn học dân tộc từ sau năm 1975, văn học của vùng đất Nam Bộ nói chung, vùng đất Đông Nam Bộ nói riêng đã có những đóng góp xứng đáng của riêng mình. Từ sau năm 1975, văn học Việt Nam nói chungvà văn học Đông Nam Bộ đã có sự thay đổi về cả lượng và chất. Số lượng tác giả văn học đông đảo hơn, đa dạng hơn về phong cách viết. Tính chất, đặc điểm của nền văn học cũng có nhiều thay đổi, từ một nền văn học giàu tính chiến đấu với nội dung chính là phản ánh cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chuyển sang một nền văn học thời bình, viết về những con người mới của một chế độ mới. Đó là nền văn học của chế độ mới, con người mới, cũng là nền văn học đượm tính nhân văn, giàu tình người với những tên tuổi như Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Khôi Vũ, Trần Ngọc Tuấn, Nguyễn Một, Thu Trân...

Mỗi lần có hội sách văn chương Nam bộ xưa, người ta lại thấy ban tổ chức tìm cách liên lạc với một cụ già ở Cai Lậy Tiền Giang, nhờ tìm sách để trưng bày, đó là nhà sưu tập Trương Ngọc Tường – người đang giữ nhiều tư liệu quý giá về một nền văn chương tiên phong từng bị hậu thế quên lãng.

Ông Lê Văn Hòe có xuất bản cuốn Truyện Kiều chú giải ở Hà Nội từ năm 1953, sách khổ lớn, dày 772 trang, là một cuốn sách viết rất có công phu, kỹ càng và đầy đủ, so với loại sách ấy đã ra từ trước đến giờ. Muốn viết bài phê bình nó, tôi phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới dám hạ bút, tức là bài này. Với sự thận trọng ấy, tưởng cũng đủ tỏ một độc giả là tôi, biết quý chuộng và không phụ công lao của tác giả.

1. GIỮA CHỢ ….KHÔNG AI HỎI?

Quái lạ, suốt bao nhiêu năm làm báo ở Hà Nội, bao nhiêu lần đạp xe qua phố Hòa Mã, mà sao mình không biết ở đó có nhà của thi sỹ Hồ Dzếnh?

Đó là câu hỏi có phần ngạc nhiên và ân hận, khi tôi xin được địa chỉ của nhà ông. Lúc này đã vào năm 1991 khi tôi đã chuyển vào Sài Gòn sống, lúc nào nghĩ về quê nhà xa xôi là liền nhớ về trên cái “gam“ nền những rung động buồn thương thuở thiếu thời ôm cuốn Chân trời cũ…

Đoàn Lê Giang ([1])

Ngày 15/4/1865 tờ Gia Định báo ra số báo đầu tiên, đánh dấu chữ Quốc ngữ đã ra khỏi nhà thờ Thiên chúa giáo để gia nhập đời sống văn hóa chung, mở đường cho nền văn học mới ra đời.

Trải qua một quá trình dài gần 80 năm, từ một vùng văn học mới phôi thai, văn học quốc ngữ Nam Bộ trở thành một vùng văn học phát triển, có nhiều thành tựu phong phú và giàu bản sắc.

Thông tin truy cập

60537936
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
19429
10018
60537936

Thành viên trực tuyến

Đang có 620 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website