Vài lời về một bài tản mạn

In bài này

 

Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh

 

 

 

Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh cho rằng, ở bài viết về cuốn “Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên”, do ông dịch và giới thiệu, đăng trên Tia Sáng mới đây, ngoài những điểm chính xác và rất đáng suy nghĩ, còn có một số chỗ ông thấy cần trao đổi lại với tác giả bài viết Nguyễn Bá Dũng.

 

Tạp chí Tia Sáng số 23 ra ngày 5/12/2011 có đăng tải bài Tản mạn với “Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên” của tác giả Nguyễn Bá Dũng (trở xuống xin phép được viết tắt là NBD) nhận xét về quyển sách mới đây của tôi. Sách có chỗ đúng sai hay dở là chuyện thường, việc người đọc hỷ nộ ái ố càng là chuyện thường, nếu thấy bất cứ ý kiến nào cũng “nói lại cho rõ” thì rất dễ mang tiếng ham hơn thua bằng miệng lưỡi. Nhưng ngoài những điểm chính xác và rất đáng suy nghĩ, bài viết nói trên còn có một số chỗ tôi thấy cần có vài lời trao đổi lại mới nên. Bài của tác giả NBD được sắp xếp thành 8 điểm, ở đây cũng xin theo 8 điểm ấy để tiện trình bày.

 

 

 

Trước hết, tôi cảm ơn tác giả NBD đã công tâm ở điểm 2, chia sẻ ở điểm 3 và tán đồng ở điểm 4. Nói thêm thì tôi đã sử dụng những nguyên tắc phiên âm phiên dịch tên riêng ấy khi hiệu đính và giới thiệu quyển Quốc triều Hương khoa lục của Cao Xuân Dục (NXB TP Hồ Chí Minh, 1993).

 

 

 

Ở điểm 1, tác giả NBD tản mạn qua chuyện in ấn phát hành với nguồn tin “có người nói” thư ký của tôi cho biết sách in 2.000 cuốn đã phân phối hết. Thư ký của tôi không bao giờ khoác lác như thế, với những lời đồn đại vô bằng ông đừng vội tin là hay.

 

 

 

Trong điểm 5, tác giả NBD nói đúng về những sai sót trong phần Phụ lục, ngoài ra phần Sách dẫn cũng còn một số sai sót không đáng có. Đây là do sau khi sửa morasse tôi đề nghị người dàn trang đổi maquette tức dàn lại hai phần này nhưng lại sơ ý gởi nhầm hai file Sách dẫn và Phụ lục chưa hoàn chỉnh, chuyện này tôi xin chịu lỗi hoàn toàn với người đọc. Nhưng hai Phụ lục 05, 07 không phải là thừa nếu tác giả NBD đọc điều 1850 trong đó có đoạn “chiểu nghị định ngày 22.11.1904 trích Darlac của nước Lào sáp nhập vào Trung Kỳ”. Lối ghi chép trong bộ sử này có khi quá vắn tắt mà thiếu hệ thống nên dễ gây ngộ nhận, đây lại là một chuyện không được sơ suất, tôi phải đưa hai Phụ lục ấy vào để giải thích tại sao nguyên bản lại chép như thế, vì Darlac vốn không thuộc lãnh thổ nước Lào. Về hai Phụ lục 14, 15 tác giả NBD cho rằng tôi tham công cầu danh nên in lại hai bài đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển Huế, thì tùy tôn ý. Tôi đưa chúng vào Phụ lục để những người chưa đọc có cái đọc thêm, vì không phải ai cũng có hai số tạp chí ấy dưới tay.

 

 

 

Về điểm 6, tôi cảm ơn tác giả NBD có hảo ý, nhưng trước nay tôi làm sách vì thích và cũng để học thêm được cái gì đó, chứ được giải thưởng thường chuốc tiếng thị phi, nhận tiền giúp dễ nếm mùi tủi nhục, đối với những vinh dự và lợi ích loại ấy thì kẻ biết phận không nên mong cầu. Riêng bộ Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ thất kỷ thì nguyên bản có chú thích tên riêng chữ Pháp mặc dù chưa đầy đủ, tôi hy vọng là có thể làm người đọc hài lòng hơn.

 

 

 

Trong điểm 7, tác giả NBD đã tản mạn rất hay về một vấn đề rất lớn. Có điều nếu có một Đề án Phiên dịch sử liệu quốc gia như ông đề xuất được phê chuẩn, thì còn phải nghĩ tới lực lượng thực hiện. Trong khoa học thì lao động không đồng nghĩa với sản xuất, nếu không có những người làm việc tự giác và có hiệu quả thì chương trình đề án, chiến lược tầm nhìn gì gì cũng chỉ giống như kiếm cớ lấy tiền nhà nước chia nhau mà ăn một cách hợp pháp thôi. Hai bộ Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biênĐại Nam Thực lục Chính biên Đệ thất kỷ ở Thư viện Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp được anh Nguyễn Huệ Chi nhắc tới từ khoảng 1988 – 1990, ký hiệu sách được đưa vào công trình Di sản Hán Nôm – Thư mục đề yếu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp từ 1993, bản sao ảnh được một nhóm Việt kiều đưa về tặng Viện Sử học từ 2003, tất cả chỉ khoảng 3.000 trang mà đến nay vẫn chưa thấy bản dịch nào được phía quan phương công bố. Về điều này tác giả NBD có cách lý giải của ông, nhưng đó không chỉ là vấn đề của một đơn vị hay một số người nghiên cứu. Đây chủ yếu vì cơ chế hoạt động khoa học quan phương không bắt buộc họ phải làm, thị trường khoa học kém phát triển mà nhiều khuyết tật càng không kích thích họ muốn làm. Sự dấn thân trong hoạt động nghiên cứu không thể có được nơi đội ngũ công chức khoa học hiện nay dù rằng trong đó có nhiều cá nhân thực sự có học vấn và nhân cách. Việc nhiều cán bộ khoa học bị hành chính hóa về lề lối tác nghiệp và ỷ lại vào các nguồn tài trợ (chủ yếu là kinh phí nhà nước) tới mức mất hết thái độ chủ động cũng như tinh thần năng động trong các hoạt động khoa học mới là nạn đề lớn nhất trong sự phát triển của nền sử học nói riêng cũng như khoa học xã hội quan phương Việt Nam hiện nay nói chung.

 

 

 

Sau cùng, về điểm 8 thì tôi cũng mong mỏi không kém gì tác giả NBD, nhưng nếu “một nhà phê bình sử học chính danh” được thay thế bằng “các nhà sử học có đủ tư cách học thuật” thì chắc chắn có lợi hơn cho cả nhiều người đọc lẫn cá nhân tôi.

 

 

 

Nguồn: Tạp chí Tia sáng

 

http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=4704