Hai mươi bài thơ Nôm lúc đi sứ Trung Quốc của Trịnh Hoài Đức

In bài này

Cao Tự Thanh, "Hai mươi bài thơ Nôm lúc đi sứ Trung Quốc của Trịnh Hoài Đức", Tạp chí Hán Nôm, số 1/ 1987 

Trong nhóm Gia Định tam gia, Trịnh Hoài Đức là người mà thơ văn hiện còn lại tương đối đầy đủ nhất. Ngoài Cấn Trai thi tập(1) và một số thơ văn chữ Hán khác(2), ông còn có một số thơ chữ Nôm, mà theo các tài liệu đã công bố, có thể kể ra các bài Từ mẹ đi sứ Tàu - Biệt mẫu như Thanh sứ(3), Qua đèo Hải Vân(4 ) và quan trọng nhất là cụm thơ liên hoàn làm lúc đi sứ Trung Quốc (1802-1804). Tuy nhiên, vì trước nay không được nhiều người quan tâm, nên từ ý nghĩa - nội dung đến thể loại - hình thức, từ văn bản đến hoàn cảnh ra đời..., tác phẩm này của Trịnh Hoài Đức hiện còn một số điểm cần được đi sâu tìm hiểu.

Về tác phẩm này, Lê Quang Chiểu - người có thể coi là đầu tiên công bố nó trên sách báo bằng chữ Quốc ngữ la tinh đã giới thiệu như sau: "Mười tám bài thơ sau này là của ông Trịnh Hoài Đức, lúc vua Cao hoàng sai đi sứ (...) ông ấy thấy triều Thanh soán triều Minh, có ý buồn, mà làm ra..."(5). Cũng với một văn bản gồm 18 bài tương tự có nhan đề Đi sứ cảm tác, Nam Xuân Thọ còn đi xa hơn trên lối giải thích ấy, cho rằng Trịnh Hoài Đức lúc nào cũng nhớ về nhà Minh(6). Nhưng cái "tâm sự di thần" nơi những người Trung Hoa yêu nước thất bại đào vong thế kỷ XVII đến thời Trịnh Hoài Đức thật ra cũng chẳng còn đậm nét tới mức như vậy, và riêng nhà Nho gốc Minh hương họ Trịnh thì đã Việt hóa gần như hoàn toàn. Trong những chuyến đi buôn lên Cam-pu-chia trước khi tham gia chính quyền Nguyễn Ánh ở Gia Định (1788), ông đã có một số bài thơ như Cửu khách Chân Lạp (1784), Hoài nội (1785) với lời lẽ và tâm tình hoàn toàn giống như của một người Việt sống xa nhà: "Man yên địa giác thiên trùng lộ. Việt khách thiên nhai nhất đoản bồng" (Một lá chân trời thuyền khách Việt. Muôn trùng góc đất nẻo sương Man), "Chế Lăng sơn thủy nhiêu yên chướng, Gia Định hương quan nhập mộng hồn" (Chế Lăng khói tỏa mờ sông núi, Gia Định hồn mơ lại xóm làng) v.v.. Sau này, ông cũng sẽ viết trong Gia Định thành thông chí những câu như "Vậy thì Gia Định của nước Việt ta không thấy nhắc tới trong thư tịch Trung Hoa có lẽ là vì như thế (vì người Trung Hoa chưa biết - CTT) chăng?" (Cương vực chí) hay "... Duy có người Việt ta noi theo tục cũ Giao Chỉ" (Phong tục chí) đầy lòng tự hào về đất nước và con người Việt Nam ở Gia Định thành (Nam Bộ), còn ngay trong bài thơ Việt Tây sứ quán nhuận nhị nguyệt khẩu chiếm (1803), ông đã coi mình là một người Việt khi so sánh khí hậu Gia Định và Quảng Đông "Âu nhân sạ báo canh xuân phục, Hàn thắng ngô hương Đông chí thiên" (Nghe báo tiết xuân rày đã tới, Lạnh hơn Đông chí ở quê mình). Rõ ràng, không thể nhận định ý nghĩa cụm thơ Nôm liên hoàn lúc đi sứ Trung Quốc của Trịnh Hoài Đức như Lê Quang Chiểu, Nam Xuân Thọ...

Mặt khác, Lê Quang Chiểu và Nam Xuân Thọ đã sử dụng những văn bản không hoàn chỉnh, khiến cho việc nhận định tác phẩm thiếu một cơ sở tài liệu chính xác khách quan. Một văn bản hoàn chỉnh của tác phẩm này, gồm 20 bài thơ liên hoàn, chép trong Tân tuyển Quốc ngũ tập thi, một hợp tập thơ văn Hán Nôm chép tay do Phòng Bảo tồn Bảo tàng Sở Văn hóa Thông tin Long An sưu tầm được năm 1982 cho phép tìm hiểu nó đầy đủ và chính xác hơn. Hợp tập này chép trên giấy bản thường, khổ 14 x 25cm, có một đôi chỗ sờn rách hay bị mối mọt đục làm mất chữ nhưng nhìn chung vẫn còn nguyên vẹn. Tất cả gồm 33 tờ không kể bìa, được đánh số thứ tự bằng mực son ở mép sách, nhưng chỉ mới chép tới tờ 29 a, chữ viết rõ ràng cẩn thận dễ đọc. Ngoài bìa có hàng chữ "Tân tuyển Quốc ngữ tập thi" ( ), không thấy đề tên người chép và niên đại sao chép, nhưng căn cứ vào một số thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu, Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị, Hồ Huấn Nghiệp... và nhất là bài Đồng hồ thơ bằng chữ Hán tả cái đồng hồ theo kiểu Tây phương được chép trong đó, thì áng chừng nó đã được sao chép vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Hai mươi bài thơ Nôm liên hoàn của Trịnh Hoài Đức được chép từ tờ 14b đến tờ 16b không thấy đề tên tác giả và nhan đề tác phẩm. Sau đây là phần phiên âm và chú thích văn bản nói trên, có bước đầu đối chiếu và hiệu đính trên cơ sở văn bản của Lê Quang Chiểu trong Quốc âm thi hiệp tuyển (viết tắt là bản TTQ-NTT và bản QÂTHT. Chữ số Ả Rập trong phần khảo đính chỉ số thứ tự của các câu trong mỗi bài).

I
Vuông tròn trời đất nói sao cùng
Tháng bảy ngày rằm tới Quảng Đông(7)
Kẹo kéo lằng nhằng nhai đã đứt
Tơ vò rối rắm gỡ hầu xong
Nửa năm cơm nước đôi tên khách
Ngàn dặm sông non bốn cái tròng(8).
Giờ gặp cố nhân bày khoản khúc(9)
Kẻo dây thương nhớ, đó ngùi trông.

1. QÂTHT: Vuông tròn trời đất nói không cùng.

2. QÂTHT: Tháng bảy ngày rằm đến Quảng Đông

3. QÂTHT: Kẹo kéo lăng nhăng nhai chẳng đứt

5. QÂTHT: Nửa năm cơm thịt đôi tên khách

6. QÂTHT: Ngàn dặm sông non một cái tròng.

7. QÂTHT: Chừ gặp cố nhân bày khoản khúc

8. QÂTHT: Kẻo đây thương đó, đó ngùi trông.

II.
Ngùi trông nên phải ráng chiều lòn
Tháng Tý ngày Dần tới Áo Môn(10)
Ngàn trượng ơn sâu lai láng bể
Muôn trùng nghĩa nặng chập chồng non
Dưới trời ai dễ không tôi chúa
Trên đất người đều có vợ con
Đồ sộ vật chi xem hãy đó
Chẳng sau chẳng trước chẳng đen mòn(11)

1. QÂTHT: Ngùi trông nên phải gắng chịu lòn

2. QÂTHT: Tháng Tý ngày Dần tới Ú c Môn

3. QÂTHT: Dưới đời ai dễ không tôi chúa

7. QÂTHT: Sồ sộ vật chi xem hỡi đây.

III
Đen mòn sao đặng nghĩ cùng ta
Năn nỉ(12) cùng nhau việc cửa nhà
Ít sống xưa nay người bảy chục(13)
Nhiều lo lui tới đạo năm ba(14)
Trăng tròn mặt ủ mây chưa vén
Biển mặn lòng thương nước khó pha
Cậy có dầm vàng(15) soi tỏ dạ
Dễ đâu chẳng thấy sự nhưng là

1. QÂTHT: Đen mòn sao đặng hỡi cùng ta

6. TTQNTT: Bề mặn lòng thương cỏ mượn pha. Đây theo QÂTHT.

7. QÂTHT: Cậy có dằm vàng soi tỏ dạ

8. QÂTHT: Dễ đâu chẳng biết sự nhưng là.

IV
Những là muốn tỏ nẻo chông gai
Chi quản đường xuân mấy dặm dài
Dưới nguyệt tham say nên rót rượu
Trong sương chịu lạnh bởi tìm mai
Đã cam mình chịu cây vô dụng
Khá nệ người chê đứa bất tài(16)
Nghĩa kể hai trăm năm có lẻ(17).
Xin đừng năn nỉ sự nay mai

1. QÂTHT: Nhưng là muốn mở nẻo chông gai

2. QÂTHT: Bao quản đường xa mấy dặm dài

3. QÂTHT: Dưới cuộc ham say nên trót chén

4. QÂTHT: Trong sương chịu lạnh phải tầm mai

6. QÂTHT: Chớ nệ ai chê đứa bất tài

7. QÂTHT: Nghĩ kẻ hai trăm năm có lẻ.

V
Nay mai còn có sự chưa tường.
Huống nữa xa xôi mấy tháng trường
Đường nọ phải chăng(18) còn nhộn nhộn
Sự này khôn dại hãy ương ương(19)
Linh chinh bởi đó gây lăng líu(20)
Mắc mỏ(21) vì dây phải vấn vương
Trình với bao nhiêu người thức kiến(22)
Rẽ ròi quân tử mặc đo lường.

2. QÂTHT: Huống nữa xa xôi mấy dặm trường

QÂTHT: Huống bạn xa xuôi mấy tháng trường. Đây tạm hiệu đính như trên.

3. QÂTHT: Đường nọ phải chăng còn lộn xộn.

5. QÂTHT: Linh chinh bởi đấy sao lăng líu

6. QÂTHT: Mắc mở vì ai khéo vấn vương

7. QÂTHT: Chường với bao nhiêu người quyến thức

8. QÂTHT: Đem lòng quân tử mặc đo lường.

VI
Đo lường lại giận sự con cua(23)
Tưởng đến càng thêm nỗi đắng chua
Mây mịt mù bay trời nhớ bạn
Nước minh mang chảy bể trông vua
Đi cờ thấy đó tay không thấp
Đếm đất lo đây cuộc chẳng thu(24)
Cho biết làm người thời phải vậy
Dễ đâu chẳng đáp một bàn ru(25)

1. TTQNTT: Đo lường những sự hận con cua. Đây theo QÂTHT.

2. QÂTHT: Tưởng lên càng thêm nỗi đắn đua

4. QÂTHT: Nước minh mông chảy biển trông vua

6. QÂTHT: Đếm đất lo ai cuộc chẳng thua

8. QÂTHT: Dễ đâu chẳng biết một bàn dùa

VII
Một bàn rũ sạch đám ngoan hung(26)
Phong cảnh như vầy phỉ ngóng trông
Lối vịnh năm ba thuyền đỗ liễu
Bên non bảy tám hạc về tùng
Vật còn chút biết trời khuya sớm
Người dễ không hay đất lạnh lùng
Lố thấy chín trùng chưa khỏe gối(27)
Dám âu mình chịu phận thung dung

1. QÂTHT: Một bàn rũ chảy đám ngoan hung

QÂTHT: Một bàn dùa sạch đám hoan hung. Đây tạm hiệu đính lại.

2. QÂTHT: Phong cảnh như vầy phỉ luống trông.

3. QÂTHT: Song vịnh năm ba thi Đỗ Phủ. Đây theo QÂTHT.

4. QÂTHT: Bên non bảy tám hạc trong tùng. Đây theo QÂTHT.

6. TTQNTT: Người dễ không năng đất lạnh lùng. Đây theo QÂTHT.

VIII
Thung dung như vậy dám phân bì(28)
Miệng mỏ(29) làm vui dễ có gì
Thu hứng tám bài thơ Đỗ Phủ(30)
Đông xem một bức họa Vương Duy(31)
Cầm xoang gióng phím thương tri kỷ
Cờ bố thưa con học chính sư(32)
Rồi đó thì thôi nguôi dễ đặng
Nguôi thì dễ đặng khó chi chi.

1. QÂTHT: Thong dong như vậy ít ai bì.

2. QÂTHT: Mượn mỏ làm vui dễ khó gì.

4. QÂTHT: Đêm ngâm một bức họa Vương Duy

5. QÂTHT: Cầm xang chống phím thương tri kỷ

6. QÂTHT: Cờ sắp thưa con học chánh sư

7. QÂTHT: Nguôi thế thì thôi nguôi dễ đặng.

IX
Chi chi nghe đến tấm lòng xiêu
Chập trỗi tỳ bà oán hận nhiều
Riêng trách chẳng vàng người vẽ tượng(33)
Tây than không bạc nịnh mua yêu
Đất Hồ hoa trổ mùi hương lịch
Trời Hán trăng tròn bóng xế theo
Bao dặm Ngọc Quan(34) tình mãi đượm
Mưa sầu gió thảm thuở Ban Siêu(35)

3. TTQNTT: Tự trách chẳng vàng người vẽ tượng. Đây theo QÂTHT.

5. QÂTHT: Đất Hồ hoa mùi khôn lạt

7. TTQNTT: Bao dặm Ngũ quan tình mãi đượm

QÂTHT: Bao quản Ngọc quan tình mấy dặm. Đây tạm hiệu đính lại

8. QÂTHT: Mưa sầu gió thảm buổi ban triêu. Đây theo QÂTHT.

X
Ban Siêu bên núi bóng cờ giơ
Tuyết trải năm ba hỡi đợi chờ
Ngù dựng ác vàng(36) lòng có Hán
Giải treo tuyết bạc mắt không Hồ
Chống sương một cán cây ngay thẳng
Dãi gió năm canh ngọn phất phơ
Vội hỏi xanh xanh kia biết chăng
Thời nào về đặng nước nhà xưa.

1. TTQNTT: Ban triêu bên núi bóng cờ giơ. Đây theo QÂTHT.

2. TTQNTT: Tuyết sạch trăm thư hãy đợi chờ. Đây theo QÂTHT.

3. QÂTHT: Lố dạng ác vàng lòng có Hỡn

4. TTQNTT: Giải treo tuyết bạc thấy chăng Hồ

QÂTHT: Liếc coi tuyết bạc mắt không Hồ. Đây tạm hiệu đính lại như trên.

5. QÂTHT: Chống sương một cán cờ ngay thẳng.

6. QÂTHT: Chải gió năm canh dạ phất phơ

7. QÂTHT: Vái hỏi xanh xanh kia biết chăng

8. QÂTHT: Ngày nào về đặng nước nhà xưa.

XI
Nước nhà xưa có phụ chi ai
Nhắn với bao nhiêu kẻ cõi ngoài
Gắng sức dời non khoan nói tướng
Trải lòng nâng vạc(37) mới rằng trai
Nắng sương chưa đội trời chung một
Sông núi đừng cho đất rẽ hai
Giúp cuộc Tũ Thang(38) ra sức đánh
Người coi để tiếng nhắc lâu dài.

2. QÂTHT: Cậ y với bao nhiêu kẻ cõi ngoài

3. QÂTHT: Gắng sức dời nang khoan nói tướng

4. TTQNTT: Trải lòng vực nước mới là trai. Đây theo QÂTHT.

6. TTQNTT: Sông bể đừng cho đất rẽ hai. Đây theo QÂTHT.

8. TTQNTT: Người xem để tiếng nhắc lâu dài. Đây theo QÂTHT.

XII
Lâu dài mong trả nợ quân thân(39)
Bao quản đường xa gánh nặng oằn(40)
Chớp lụy anh hùng khi tác biệt(41)
Bày lòng trung nghĩa đạo vi thần(42)
Con ve mấy chặp hơi kêu hạ
Cái võ(43) năm canh tiếng khóc xuân
Gió thảm mưa sầu đang dập dã
Bút hoa mượn ráp sự cùng căn(44)

1. QÂTHT: Lâu dài mong trả nợ quân thần

2. QÂTHT: Bao quản đường xuân gánh nặng hoằn

3. TTQNTT: Lệ vấy anh hùng khi tác biệt. Đây theo QÂTHT.

5. QÂTHT: Con ve mới đứt hơi kêu hạ

6. QÂTHT: Cái võ canh tiếng khóc xuân

8. QÂTHT: Bút hoa mượn chép sự khùng khằng

XIII
Cùng căn những tưởng sự lăng xăng
Gió tối mưa mai gẫm chẳng bằng(45)
Bến nước mười hai đưa chiếc lá
Đất trời ba bảy giại con trăng(46)
Thương đây lại dặn đừng thương lảng(47)
Nhớ đó thôi thì chớ nhớ nhăng
Mối nợ sự duyên e khó hỏi
Trước sau cũng một tấm lòng chăng

1. QÂTHT. Khùng khằng lại giận đứa lăng nhăng

2. QÂTHT: Sấm tối mưa mai gẫm chẳng bằng

3. TTQNTT: Bể nước mười hai đưa chiếc lá. Đây theo QÂTHT.

4. QÂTHT: Đất trời ba bảy đợi con trăng

5. TTQNTT: Thương đây lại dặn đừng thương nhớ. Đây theo QÂTHT.

6. QÂTHT: Nhớ đó thôi thì chớ nhớ sang

7. TTQNTT: Mối nước sự duyên e khó hỏi

QÂTHT: Mối nợ sự duyên ai có hỏi. Đây tạm hiệu đính lại như trên.

8. QÂTHT: Xưa nay cũng một tấm lòng chăng.

XIV
Tấm lòng chẳng phải phải phân trần
Ít nói là người dưỡng tính chân(48)
Đã bện bó rơm làm đứa qủy
Lại trau cục đá tượng ông thần
Dầu chưa đất phấn(49) tô gương mặt
Sẵn có cây da(50) cậy tấm thân
Cũng muốn đem mình đi thế ấy
Đem mình thế ấy cũng bần thần

1. TTQNTT: Tấm lòng chưa tỏ phải phân trần. Đây theo QÂTHT.

8. QÂTHT: Đem mình đi thế ấy bần thần.

XV
Bần thần lại giận đứa xung xăng(51)
Quán Sở lầu Tần(52) đã mấy trăng
Rỡ rỡ mưa xuân hang đã lấp
Chang chang nắng hạ lửa đang hừng
Thu trao thư nhạn(53) lời no ấm
Đông gặp tin mai(54) chuyện khó khăn
Trời đất bốn phương non nước đó
Làm chi nên nỗi sự băn khoăn.

3. QÂTHT: Phơi phới mưa xuân hang dễ lấp

7. QÂTHT: Trời đất bốn phương non nước ấy

8. QÂTHT: Làm chi nên nỗi việc lăng nhăng

XVI
Băn khoăn bữa diếp(55) sự hoang đàng
Tiệc ngọc thuyền hoa bạn đãi đằng
Than phận linh đinh đao thớ lợ
Cười duyên lỏng lẻo liễu xây quàng
Con trăng nhắm bóng cây mai bạc
Dì gió đưa duyên đóa cúc vàng
Ơn đội chúa xuân cơn gặp gỡ
Khay tiền chén rượu dám mê man

1. QÂTHT: Lăng nhăng bữa díp sự hoang đàng

4. QÂTHT: Trách duyên lạt lẽo liễu xây quanh

6. TTQNTT: gió đưa duyên đóa cúc vàng. Đây theo QÂTHT.

8. QÂTHT: Cây tiền chén rượu giáng mê man.

XVII
Mê man cho đến bực là tiên
Năm đấu trăm bài(56) giả dạng điên
Vui sẵn trước hoa vài đoá bạc
Lo chi trong dãy một văn tiền
Lưu Linh vợ lạy không thôi chén(57)
Lý Bạch vua kêu chẳng xuống thuyền(58)
Hầu muốn học đòi theo thế ấy
Song lo thời thế hãy chưa yên.

1. QÂTHT: Mê man cho đến bụt là tiên

2. TTQNTT: Năm đấu trăm bài giả trọc điên

QÂTHT: Năm đấu năm bài giả dạng điên. Đây tạm hiệu đính lại.

3. QÂTHT: Vui sãng trước hoa vài đóa cúc

4. QÂTHT: Lo chi trong đãy một đồng tiền

5. QÂTHT: Lưu Linh vợ lạy không buông chén

QÂTHT: Lưu Linh vợ lạy khôn thôi chén. Đây tạm hiệu đính lại như trên.

7. TTQNTT: Hầu muốn học đòi đem thế ấy. Đây theo QÂTHT.

8. QÂTHT: Song o vì thế hãy chưa yên.

XVIII
Chưa yên ta phải tính làm sao.
Cơm áo ngồi không dễ đặng nào
Phải mượn bình sương trừ giặc cỏ
Lại đem trận gió phất cờ lau
Đất yên cõi Việt rừng nho rậm
Trời giúp nhà Ngu(59) biển thánh cao
Mới rõ tài non đền nợ nước
Dám đâu nói chuyện ẩn nguồn Đào(60)

3. TTQNTT: Mượn lấy binh sương thăm giặc cỏ. Đây theo QÂTHT.

6. TTQNTT: Trời tỏ nhà Ngô bể thánh cao. Đây theo QÂTHT.

7. QÂTHT: Mới biết tài non đền nợ nước.

XIX
Nguồn Đào nghe nói chuyện vui mừng
Riêng chiếm yên hà(61) một cõi xuân.
Năm tháng dời hay sau chúa Tấn
Cháu con sách đọc trước vua Tần
Vài dây ruộng ở không đo mẫu
Trọn kiếp người sinh chẳng thuế thân
Núi khéo làm hang dung đứa lậu
Sao bằng trong nước có quân thần.

XX
Quân thần Nam Việt nghĩa vuông tròn
Một mối tay thu tám cõi còn
Chúa ví Thiếu Khang đam xã tắc
Tôi phen Đông Hán dựng sông non(62)
Chín trùng đòi bữa ra ơn thắm
Ba bực ghe phen trải dạ son(63)
Mừng thấy nước nhà nay thịnh trị
Quân thần Nam Việt nghĩa vuông tròn.

4. TTQNTT: Tôi phen Đông Hán dựng nước non. Đây tạm hiệu đính lại như trên.

Nhìn chung, bản TTQNTT chưa phải là một văn bản tối ưu, nhưng rõ ràng nó đã góp phần quan trọng trong việc làm sáng tỏ ý nghĩa cụm thơ Nôm liên hoàn lúc đi sứ của Trịnh Hoài Đức. Với hai bài XIX và XX trên đây, văn bản tác phẩm này đã có thể coi như hoàn chỉnh. Từ câu đầu bài I "Vuông tròn trời đất nói sao cùng" đến câu cuối bài XX "Quân thần Nam Việt nghĩa vuông tròn", chuỗi từ ngữ trong tác phẩm quả đã xếp thành một cái vòng (hoàn) liên lạc (liên).

Một vấn đề có thể đặt ra ở đây là hoàn cảnh và thời điểm ra đời của 20 bài thơ liên hoàn nói trên. Sau khi tới Trung Quốc, Trịnh Hoài Đức đã gặp một người "cố nhân" nào đó rồi mới viết tác phẩm này "Giờ gặp cố nhân bày khoản khúc" (bài I). Người "cố nhân" này chắc chắn phải là một người Việt để ông có thể "bày khoản khúc" bằng tiếng Việt - thơ Nôm. Nhưng người ta thấy ông nhắc tới sự kiện "Tháng Tý ngày Dần tới Áo Môn" (bài II), nghĩa là 20 bài thơ nói trên phải được sáng tác sau tháng 11 năm Nhâm Tuất 1802, mà từ tháng 10 sứ bộ Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Huỳnh Ngọc Uẩn đã khởi hành từ Quảng Đông sang Quảng Tây chờ gặp sứ bộ cầu phong của Lê Quang Định, Nguyễn Gia Cát, Lê Chánh Lộ để cùng nhau lên Yên Kinh: và hai đoàn sứ bộ đã gặp nhau ở Quế Lâm (Quảng Tây) vào dịp Tết Âm lịch Quý Hợi (1803), tính ra cũng đúng nửa năm kể từ khi Trịnh Hoài Đức đặt chân lên đất Trung Quốc "Tháng bảy ngày rằm tới Quảng Đông", "Nửa năm cơm nước đôi tên khách" (bài I). Những dữ kiện trên đây cho phép đoán định rằng 20 bài thơ Nôm liên hoàn của Trịnh Hoài Đức đã được sáng tác sau khi ông gặp sứ bộ Lê Quang Định: người "cố nhân" Việt Nam mà ông đã "xa xôi mấy tháng trường" (bài V) và mỏi mắt trông nhau qua "ngàn dặm non sông" (bài I) đây chính là Lê Quang Định, người vốn cùng ông và Ngô Nhơn Tịnh có mối giao tình từ trước đồng thời là người mà sự có mặt đã làm nên cuộc hội ngộ kỳ thú trên đường đi sứ của nhóm Gia Định tam gia.

CHÚ THÍCH

(1) Về thơ chữ Hán của Trịnh Hoài Đức, trước nay nhiều người vẫn lẫn lộn giữa Gia Định tam gia thi tập, Cấn Trai thi tậpBắc sứ thi tập. Thật ra, Gia Định tam gia thi tập là tên gọi chung của ba tập thơ: Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức (khắc in năm Gia Long thứ 18 -18?9). Hoa nguyên thi thảo của Lê Quang Định và Thập anh thi tập của Ngô Nhơn Tịnh (đều khắc in năm Minh Mạng thứ 3-1822); cả ba tập cùng do Trịnh Hoài Đức cho khắc in, vì lúc bấy giờ hai người kia đã chết. Riêng Cấn Trai thi tập gồm ba phần: Khả dĩ tập, Quan quang tập, Thóai thực truy biên tập, trong đó Quan quang tập (với ý nghĩa "Quan quốc chi quang", xem văn vật chế độ của một nước) chính là phần vẫn được gọi là Bắc sứ thi tập.

(2) Chẳng hạn bài thơ ngũ ngôn cổ điệu tặng Hòa thượng Viên Quang mà Nguyễn Liên Phong có chép trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, Phát Toán, Sài Gòn, 1909, cuốn thứ nhất, tr.28, hay đôi liễn ở đình Minh Hương Gia Thạnh (Sài Gòn) mà Nam Xuân Thọ có giới thiệu phần phiên âm Việt Hán trong Võ Trường Toản (phụ Gia Định tam gia), Tân Việt, Sài Gòn, 1957, tr.47.

(3) Theo Lê Quang Chiểu, Quốc âm thi hiệp tuyển, Sài Gòn, 1903, tr.63 và Lê Sum, Việt âm văn tuyển, Sài Gòn, 1919, tr.53.

(4) Theo Phan Thiết, Nam thi hiệp tuyển, Sài Gòn, 1948, tr.8. Nhưng theo nhóm Huỳnh Lý, Hợp tuyển thơ văn Việt Nam tập IV (1858-1920), Quyển I, Nxb Văn học, Hà Nội, 1984, tr.60 thì bài này là thơ của Huỳnh Mẫn Đạt.

(5) Lê Quang Chiểu, Quốc âm thi hiệp tuyển, Sđd, tr.12. Nguyên văn 18 bài thơ này ở tr.12-18.

(6) Nam Xuân Thọ, Võ Trường Toản (phụ Gia Định tam gia). Sđd, tr.24-28. Nguyên văn 18 bài thơ này ở tr.49-57.

(7) Tháng bảy ngày rằm tới Quảng Đông: Năm 1802, sau khi chiếm được Phú Xuân, chính quyền Nguyễn Ánh cử sứ bộ Trịnh Hoài Đức đem quốc thư cùng ấn sách của Tây Sơn qua nộp vua Thanh, chính thực đặt quan hệ ngoại giao giữa triều Nguyễn với Trung Quốc. Sứ bộ đi hai chiếc thuyền Bạch Yến và Huyền Hạc ra khỏi cửa Thuận An từ tháng 4 âm lịch năm ấy, nhưng vì gặp bão nên tháng 7 mới tới cửa Hổ Môn tỉnh Quảng Đông.

(8) Bốn cái tròng: bốn con mắt, ý nói hai người trông ngóng nhau.

(9) Khoản khúc: nỗi lòng gắn bó, đây chỉ nỗi nhớ nhung.

(10) Tháng Tý ngày Dần tới Áo Môn: Tháng Tý tức tháng 11 âm lịch. Tháng 11 âm lịch năm 1802 có hai ngày Dần: Mậu Dần (ngày 11) và Canh Dần (ngày 23), ngày Dần đây có lẽ là ngày Mậu Dần. Áo Môn tức Ma Cao, thuộc tỉnh Quảng Đông, chỗ góc phía nam tam giác cửa sông Việt Giang. Tháng 10 âm lịch năm 1802, sứ bộ Trịnh Hoài Đức được lệnh từ Quảng Đông theo đường Thủy sang Quảng Tây chờ gặp sứ bộ Lê Quang Định để cùng nhau lên Yên Kinh, có lẽ sang tháng 11 mới bắt đầu vào cửa Áo Môn.

(11) Chẳng sau chẳng trước chẳng đen mòn: Chẳng sau chẳng trước lấy ý câu của Lão Tử trong Đạo đức kinh: "Nghênh chi bất kiến kỳ thủ, tùy chi bất kiến kỳ hậu" (Đón nó thì không thấy đầu, theo nó thì không thấy đuôi). Chẳng đen mòn lấy ý câu của Khổng Tử trong Luận ngữ, Dương Hóa "Bất viết kiên hồ ma nhi bất lân, bất viết bạch hồ niết nhi bất chi" (Chẳng phải là cứng sao mài mà chẳng mòn, chẳng phải là trắng sao nhuộm mà chẳng đen). Đây ý nói đến "đạo", khái niệm người xưa thường dùng để chỉ chân lý, quy luật khách quan có tính chất tuyệt đối, vĩnh cửu; khái niệm này được Nho gia vận dụng vào đời sống xã hội để chỉ phận sự, trách nhiệm của con người.

(12) Năn nỉ: than thở (từ cổ). Xem thêm câu bài IV.

(13) Ít sống xưa nay người bảy chục: Dịch câu thơ của Đỗ Phủ "Nhân sinh thất thập cổ lai hy" (Người sống bảy mươi xưa nay hiếm).

(14) Năm ba: năm tức "năm đạo thường" (ngũ thường) là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; ba tức "ba giềng" (tam cương) là vua tôi, cha con, vợ chồng. "Tam cương ngũ thường" chỉ chung các quan hệ xã hội và chuẩn mực ứng xử cơ bản của con người theo quan niệm Nho gia.

(15) Dầm vàng: dầm tức màu dầm xanh, chỉ trời; vàng tức màu vàng, chỉ đất. Dầm vàng đây có nghĩa như trời đất.

(16) Đã cam... đứa bất tài: Nam hoa kinh chép Trang Tử đi trong núi, thấy một cây lớn, cành lá rậm rạp, nhưng người đốn cây đứng ngay bên cạnh mà không đốn. Hỏi duyên cớ, người ấy nói vì cây không dùng được vào việc gì cả (vô sở khả dụng), Trang Tử nói: "Cây này vì bất tài nên được sống trọn tuổi trời" (Thử mộc dĩ bất tài, đắc chung kỳ thiên niên). Khá nệ: nghĩa như chớ nệ. Hai câu này có ý nói thà chịu tiếng vô dụng, bất tài mà được yên ổn, an nhàn.

(17) Hai trăm năm có lẻ: Hơn hai trăm năm, đây chỉ cơ nghiệp họ Nguyễn Đàng Trong tính từ khi Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa (1558) đến khi Nguyễn Ánh đặt nền thống trị trên toàn cõi Việt Nam (1802).

(18) Phải chăng: dịch chữ "thị phi" (phải và trái, đúng và sai). Xem thêm câu 1 bài XIV.

(19) Ương ương: dở dở, không rõ ra thế nào.

(20) Linh chinh bởi đó gây lắng líu: Linh chinh là bấp bênh không vững, lăng líu là rối rắm.

(21) Mắc mỏ: Vướng mắc.

(22) Thức kiến: hiểu biết.

(23) Sự con cua: Có lẽ đây chỉ việc làm ngang trái, giống con cua đi ngang.

(24) Lo đây cuộc chẳng thu: ý nói là không thắng được.

(25) Dễ đâu chẳng đáp một bàn ru: Một bàn là một ván, ru là ư (nghi vấn từ). Cả hai câu ý nói sẵn sàng vào đời để hành đạo.

(26) Đám ngoan hung: Bọn giặc hung dữ, ngoan cố, đây chỉ Tây Sơn.

(27) Chín trùng chưa khỏe gối: chín trùng dịch chữ "cửu trùng", chỉ vua; khỏe gối dịch chữ "an chẩm", chỉ tình trạng an nhàn, vô sự.

(28) Phân bì: So bì, tỵ nạnh (từ địa phương).

(29) Miệng mỏ: Mồm mép, đây ý nói làm ra vẻ bề ngoài.

(30) Thu hứng, tám bài thơ Đỗ Phủ: Đỗ Phủ là một thi hào nổi tiếng đời Đường có sáng tác tám bài Thu hứng (Cảm hứng cảnh thu)

(31) Vương Duy: hoạ sĩ nổi tiếng đời Đường, sở trường về tranh sơn thủy (phong cảnh).

(32) Cờ bố thưa con học chính sư: Đánh cờ dàn quân thưa như lối đánh trận theo chính đạo, cốt điều động cho giỏi chứ không cốt nhiều. (Câu này và ba câu trên nhắc tới bốn thú vui cầm, kỳ, thi, hoạ của người xưa).

(33) Chẳng vàng người vẽ tượng: Đời Hán Nguyên Đế, trong cung có nhiều cung nữ, vua phải sai vẽ hình dâng lên xem ai đẹp mới cho vào hầu. Các cung nữ vì vậy đều đút tiền cho thợ vẽ để vẽ mình cho đẹp, riêng có Vương Tường (Chiêu Quân) cậy có sắc đẹp, không chịu đút tiền nên bị thợ vẽ vẽ cho xấu đi. Sau Vương Tường bị chọn gả cho chúa Thuyền Vu của Hung Nô. Câu này và câu dưới có ý nói không chịu luỵ để cầu tiếng tốt.

(34) Ngọc Quan: tức Ngọc Môn Quan, một cửa ải phía bắc Trung Quốc, tiếp giáp với đất Hung Nô, Chiêu Quân cống Hồ đi qua cửa ải này.

(35) Ban Siêu: Người đời Hán Minh Đế, đi sứ Tây Vực có công, được phong tước Định Viễn hầu.

(36) Ngù dựng ác vàng: ngù tức ngù cờ; ác vàng dịch chữ "kim ô" (quạ vàng) chỉ mặt trời.

(37) Nâng vạc: dịch chữ "phù cửu đỉnh". Ngày xưa vua Hạ Vũ cho đúc chín cái đỉnh (vạc) làm vật bá truyền quốc, nên về sau người ta dùng chữ "phù cửu đỉnh" để chỉ việc phò vua giúp nước.

(38) Cuộc Vũ Thang: Vũ Thang tức Vũ Vương nhà Chu đánh vua Trụ nhà Ân và vua Thành Thang nhà Ân đánh vua kiệt nhà Hạ, sau dùng ví với những vua có tài đức đánh những vua bạo ngược.

(39) Quân thân: Vua và cha mẹ.

(40) Đường xa gánh nặng oằn: dịch câu "nhiệm trọng nhi đạo viễn" (trách nhiệm thì nặng mà đường thì xa), chỉ phận sự giúp nước lo đời của người trí thức theo quan niệm Nho gia.

(41) Tác biệt: Chia tay.

(42) Đạo vị thần: đạo làm bầy tôi.

(43) Cái võ: tức chim đỗ vũ hay đỗ quyên (chim quốc). Tương truyền vua Thục là Đỗ Vũ mất nước, chết hóa thành chim này, luôn kêu nhớ nước cũ.

(44) Bút hoa mượn ráp sự cùng căn: ráp là nối vào. Cùng căn tức "cùng căn mạc kiếp" (khổ cực hết mức). Câu này có ý nói mượn thơ giải bày nổi khổ tâm.

(45) Chẳng bằng: dịch chữ "bất bình" (không quân bình), ý nói việc đời thay đổi khó lường.

(46) Đất trời ba bảy giại con trăng: ba bảy tức "ba vuông bảy tròn", đây có nghĩa như vuông tròn. Giại là ánh sáng chiếu vào.

(47) Thương lảng: Thương không đúng cách.

(48) Dưỡng tính chân: nuôi cái chân tính, tức tính lành trời cho.

(49) Đất phấn: dịch chữ "phấn thổ", lấy từ câu "tiền tài như phấn thổ" (tiền bạc như cát bụi), đây chỉ tiền bạc.

(50) Cây da: tức cây đa, lấy từ câu "Vì thần phải nể cây da", đây chỉ thần thế.

(51) Xung xăng: Vẻ lung lăng, hung hãn.

(52) Quán Sở lầu Tần: thời Chiến quốc, nước Sở ở phía nam, nước Tần ở phía tây Trung Quốc. Quán Sở lầu Tần đây chỉ cảnh sống trôi nổi, nay đây mai đó, ý nói việc đi sứ phải xa quê hương.

(53) Thư nhạn: Mùa đông chim nhạn bay về nam tránh rét, người xưa nhân đó gọi là "nhạn tín" (chim nhạn báo tin đông), sau dùng chỉ chung thư từ, tin tức.

(54) Tin mai: Vào cuối đông mai nở báo hiệu mùa xuân tới.

(55) Bữa diếp: Bữa trước (từ cổ).

(56) Năm đấu trăm bài: năm đấu chỉ rượu, trăm bài chỉ thơ. Năm đấu trăm bài đây chỉ cảnh sống nhàn tảng phóng dật.

(57) Lưu Linh vợ lạy không thôi chén: Lưu Linh là một trong bảy người ở ẩn ở Trúc Lâm (Trúc Lâm thất hiền) đời Tấn, tính ưa uống rượu. Có lần vợ năn nỉ xin bỏ rượu, ông bảo phải làm một mâm rượu thịt cúng thần mới được phép bỏ. Vợ tưởng thật, sắm sửa đủ lễ vật, Lưu Linh vào lạy lục khấn khứa rồi lại ngả mâm bát ra ăn uống say mềm.

(58) Lý Bạch vua kêu chẳng xuống thuyền: lấy ý hai câu thơ của Đỗ Phủ viết về Lý Bạch "Thiên tử hô lai bất thướng truyền, Tự xưng thần thị tửu trung tiên" (Nhà vua gọi đến không chịu lên thuyền, Tự xưng "thần là tiên trong làng rượu") Lý Bạch là một thi hào nổi tiếng đời Đường, tính phóng khóang, bạn thân của Đỗ Phủ.

(59) Nhà Ngu: Ngu tức Ngu Thuấn, theo truyền thuyết là một vị vua hiền đức thời thượng cổ ở Trung Quốc, trị nước yên ổn, làm cho dân hạnh phúc.

(60) Nguồn Đào: dịch chữ "Đào nguyên" tức "Đào hoa nguyên" (suối hoa đào), chỉ cảnh sống thanh bình, hạnh phúc ở nhân gian.

(61) Yên hà: Khói và ráng, đây chỉ cảnh sống tiêu dao thóat tục.

(62) Chúa ví... sông non: Thiếu Khang là con vua Đế Tương nhà Hạ. Đế Tương bị Hàn Túc giết chết cướp ngôi, vợ Đế Tương mang thai chạy trốn, sinh Thiếu Khang. Sau các bầy tôi cũ của nhà Hạ giết chết Hàn Túc, đưa Thiếu Khang lên làm vua. Đam tức đảm đương, gánh vác. Phen tức sánh ngang. Đông Hán là triều Hán đóng đô ở Lạc Dương, khởi từ Lưu Tú (Hán Quang Vũ). Nhà Hán bị Vương Mãng cướp ngôi, Lưu Tú là tông thất nhà Hán khởi binh giết được Vường Mãng, lên làm vua, sử gọi là Đông Hán để phân biệt với Tây Hán đóng đô ở Trường An, khởi từ Lưu Bang (Hán Cao Tổ).

(63) Ba bực ghe phen trải dạ son: ba bực dịch chữ "tam giai", chỉ chỗ đứng của các quan khi nhà vua thiết triều, đây dùng chỉ kẻ bầy tôi nói chung. Ghe là mấy, vài (từ cổ). Dạ son dịch chữ "đan tâm", chỉ lòng trung thành