Về tác giả bài thơ Xuân nhật tức sự

In bài này

Xuân nhật tức sự là một bài thơ hay, được các thi tuyển xưa chép vào phần thơ của Huyền Quang (1), do đó được nhiều người dẫn và bình luận (2). Có điều trong thơ văn chữ Hán của nước ta, đặc biệt trong thơ văn chữ Hán của các nhà sư Việt Nam có lẫn rất nhiều bài thơ của Trung Quốc. Chẳng hạn, trong số 40 bài thơ do Lê Quý Đôn chép lại trong Kiến Văn Tiểu Lục và nói là của Thiền sư Hương Hải, thì có đến 32 bài là của tác giả Trung Quốc đời Tống (3) mà ta có thể tìm lại trong các sách Trung Quốc hiện còn. Trường hợp Chân Nguyên cũng thế (4). Thậm chí những tác giả sống gần thời với ta như Viên Thành (1879-1928) cũng có những bài thơ chữ Hán của Trung Quốc chép trong thi tập của mình, mà những người sau do thiếu cẩn thận đã cho là của chính Viên Thành (5). Vậy Xuân nhật tức sự có ở trong trường hợp nhầm lẫn, gán ghép đó không?

Những ai có dịp đọc các bộ chính sử của Thiền Tông Trung Quốc, thì biết ngay Xuân nhật tức sự là một bài thơ của Thiền sư Ảo Đường Trung Nhân (?-1203). Người đầu tiên ghi lại tiểu sử và bài thơ nói trên của Trung Nhân không phải ai khác mà là học trò của ông, tức Thiền sư Lôi Am Chính Thọ (1145-1208), tác giả bộ Gia Thái phổ đăng lục, là bộ lịch sử Thiền Tông viết trong khoảng Gia Thái đời Tống Ninh Tông (1201-1204). Chính trong Gia Thái phổ đăng lục 15, tờ 117c 14-d12 mà cuộc đời và tác phẩm của Trung Nhân được ghi lại như sau:

“Thiền sư Ảo Đường Trung Nhân chùa Linh Phong ở Nhạn Sơn, Ôn Châu là người Lạc Dương. Thuở nhỏ xuất gia ở viện Phụng Tiên tại Đông Kinh. Trong khoảng đầu năm Tuyên Hòa (1119-1125), được cấp điệp ở viện Khánh Cơ, bèn xuống tóc thọ giới Cụ túc, sau đó lui tới Sở dịch kinh Tam tạng, nghiên cứu khắp hết kinh luận, nhưng đặc biệt đối với Thiền Tông thì chưa tin. Đến khi Viên Ngộ (Khắc Cần, 1063-1135) được chiếu vua mời tới ở chùa Thiên Ninh, sáng sớm bèn yết kiến. Ngộ khi ấy mới vì chúng nhập thất. Sư vừa thấy liền kính phục, hớn hở bước tới mặt. Ngộ nói: “Dựa kinh giải nghĩa ba đời oan Phật, rời kinh một chữ tức giống thuyết ma, nói mau!”. Sư đang cách trả lời thì Ngộ vung tay đánh vào miệng, nhân thế làm gãy một răng. Sư tức thì đại ngộ. Do thế, sư ở lại Thiên Ninh. Từ đó, thầy trò tương hợp, hỏi đáp không ngừng. Từ khi (nhà Tống) vượt về phương Nam, trong năm đầu Long Hưng (1163-1164) bèn lúc đầu mở trường giảng ở Đại giác, rồi dời chùa về Trung Thiên Trúc, rồi lại dời tới chùa Linh Phong. Sư thượng đường nói:

            “Chín chục tia Xuân quá nửa đêm,

            Vun hoa thiên khí chính dung hòa.

            Hải đường cành ấy oanh ríu rít,

            Đạo với dòng đời thấy được ha?”

Nhưng tuy thế, khi đã rõ thanh rõ sắc thì một câu hỏi, làm sao nói ra?

            “Đàm vàng ngựa hí đất thơm cỏ

            Lầu ngọc người say trời hạnh hoa”

Sư thượng đường nêu chuyện con chó không có tính Phật, nói:

            Đôi tám giai nhân thêu chậm dân

            Tử kinh hoa rộ hót hoàng anh

            Đáng yêu vô hạn thương xuân ý

            Dồn ở dừng kim chẳng nói năng.

Nguyên văn chữ Hán:

            Nhị bát giai nhân thích tú trì,

            Tứ kinh hoa hạ chuyển hoàng ly.

            Khả lân vô hạn thương Xuân ý,

            Tận tại đình châm bất ngữ thi.

Ngày 8 tháng 4 năm Thuần Hy, Giáp Ngọ (1174), vua Hiển Tông xuống chiếu mời vào, ban cho chỗ ngồi để thuyết pháp. Vua nêu chuyện không cùng với muôn pháp làm bè bạn, để xin sư niêm đề. Sư niêm xong làm bài tụng:

            Quả cân lấy khởi làm đầu,

            Thôi đừng nói dài lâu.

            Lưng đeo tiền mười vạn,

            Cỡi hạc lên Dương Châu.

Trong năm Quí Hợi (1203), sư thượng đường từ biệt mọi người mà mất.

Tiểu sử trên, sau này Ngũ đăng hội nguyên 19, tờ 383a9-b6 do Đại Xuyên Phổ Tế viết trong khoảng 1228-1233 và Tục truyền đăng lục 28, tờ 657b4-22 do Viên Cực Cư Đình (?-1404) hoàn thành từ khoảng 1396 trở đi, đã sao y nguyên văn, còn Thiền tông chính mạch 19, tờ 31a 13-14 của Như Cẩn viết xong năm 1489 thì lược bớt nhưng còn giữ lại bài thơ “Nhị bát giai nhân ...”, trong khi Nam Tống Nguyên Minh Thiền lâm Tăng bảo truyện 4, tờ 331a3-c2 của hai thầy trò Tự Dung và Tĩnh Lôi viết xong vào năm 1664 thì không còn thấy chép bài thơ ấy nữa.

Thế là rõ ràng Bài thơ với nhan đề đặt thêm Xuân nhất tức sự không phải của Huyền Quang, một nhà sư Việt Nam sống giữa những năm 1254-1334, mà là của Ảo Đường Trung Nhân (-1203), một Thiền sư đời Tống. Nó đã được chép vào những sách vở, chủ yếu là Gia Thái phổ đăng lụcNgũ đăng hội nguyên, ra đời trước khi Huyền Quang có mặt trên cõi thế.

Cũng cần nói thêm, Phổ Hội có chép một bài thơ xuất nhập với bài thơ của Trung Nhân trong Thiền tông tụng cố liên châu thông tập và ghi là của Nam Tẩu Sực. Bài thơ đó như sau:

            Nhật noãn giai nhân thích tú trì,

            Tử kinh chi thượng chuyển hoàng ly.

            Dục tri vô hạn thương Xuân ý,

            Tận tại đình châm bất ngữ thi.

Thiền tông tụng cố liên châu thông tập là một tác phẩm do Phổ Hội chỉnh lý và bổ sung. Thiền tông tụng cố liên châu tập của Pháp Ứng hoàn thành giữa những năm 1295-1418 và được khắc bản vào năm 1318. Bài thơ nói trên của Nam Tẩu Sực cho thấy, ngay ở Trung Quốc thời Huyền Quang đã có một dị bản của bài thơ Trung Nhân, chứng tỏ nó lưu hành khá rộng rãi.

Chúng tôi có ý giám định về mặt văn bản học toàn bộ thơ văn Huyền Quang hiện biết đã rồi mới công bố kết quả cho đầy đủ. Song vì bạn Nguyễn Phương Chi đã có nhã ý nhắc đến chúng tôi khi đề cập tới bài thơ Trung Nhân nói trên (6) nên chúng tôi công bố trước tư liệu này, trong khi tiến hành một công trình nghiên cứu nghiêm túc hơn về toàn bộ thơ văn được biết dưới tên Huyền Quang về mặt văn bản học.

Chú thích:

1. Chẳng hạn Việt âm thi tập, soạn xong 1459, bản in hiện còn 1729.

2. Đặng Thai Mai: Mấy điều tâm đắc về một thời đại văn học trong Thơ văn Lý-Trần I. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 44. Đinh Gia Khánh và nnk. Văn học Việt Nam thế kỷ XVII, nửa đầu thế kỷ XVIII, NXB Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1978, tr. 67, Tổng tập văn học Việt Nam I, NXB Khoa học xã hội, 1980, tr. 104.

3. Xem Lê Mạnh Thát: Thơ văn Thiên sư Minh Châu Hương Hải, Viện Phật học Vạn Hạnh, TP. HCM, 1980 (bản đánh máy). Đấy là chưa kể những câu ngữ lục và một số bài thơ dôi ra trong Hương Hải Thiền sư ngữ lục, bản in năm Cảnh Hưng thứ 8 (1747).

4. Xem Lê Mạnh Thát: Chân Nguyên Thiền sư toàn tập III, Viện Phật học Vạn Hạnh, TP. HCM, 1979 (bản đánh máy). Thí dụ bài:
            Hữu thuyết giai thành báng,

            Vô ngôn diệc bất dung

            Vị quân thông nhất tuyến,

            Nhật xuất lĩnh đầu hồng

Trong Ngô đạo nhân duyênKiến tinh thành Phật của Chân Nguyên, thực sự là một bài thơ của Dã Phụ đạo xuyên đời Tống.

5. Chẳn hạn bài Sơn cư ngẫu tác trong Lược ước tùng sao, tờ 54b.

6. Nguyễn Phương Chi: Huyền Quang nhà sư thi sĩ ,Tạp chí Văn học số 3 năm 1982, tr. 79.

Nguồn: Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh (2001), Kỷ yếu Khóa 4, niên khóa 1997 – 2001, Nxb TP. Hồ Chí Minh.

 

http://old.quangduc.com/cuusinhvien/13kyyeu.html#V%E1%BB%81%20t%C3%A1c%20gi%E1%BA%A3%20b%C3%A0i%20th%C6%A1: