Thơ xướng họa của sứ thần Đại Việt - Hoàng giáp Nguyễn Đăng với sứ thần Joseon - Lý Đẩu Phong

In bài này

20180126 Dai Viet su ky

Tư liệu Hán Nôm ghi chép về những cuộc tiếp xúc giữa các sứ thần Đại Việt với các sứ thần Joseon(1)ở nước ta có thể bắt đầu từ Lê Quí Đôn trong tác phẩm Kiến văn tiểu lục 見聞小錄, sau nàyPhan Huy Chú trong tác phẩm Lịch triều hiến chương loại chí 歷朝憲章類志 cũng đề cập đến vấn đề này.Trong nhiều năm gần đây, tư liệu Hán Nôm về mối quan hệ bang giao giữa Đại Việt và Joseon được nhiều người quan tâm quan tâm nghiên cứu trên nhiều phương diện khác nhau, như: văn hóa, văn học nghệ thuật, ngôn ngữ văn tự, Nho giáo, v.v.... Đặc biệt về những chuyến đi sứ của các sứ thần Đại Việt đến Trung Quốc có gặp sứ thần Joseon tại Yên Kinh (Bắc Kinh) cũng được các nhà nghiên cứu giành nhiều thời gian sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch và giới thiệu. Đã có những chuyên luận, bài viết, bản dịch thơ văn xướng họa giữa các sứ thần hai nước Đại Việt và Joseon được công bố giới thiệu, xin nêu một số trường hợp như:

- Trong sách Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan và Thơ văn Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan do Bùi Duy Tân chủ biên, đã giới thiệu 14 bài thơ của Phùng Khắc Khoan xướng họa cùng sứ thần Triều Tiên(2).

- Nguyễn Minh Tường trong bài Một số cuộc tiếp xúc giữa sứ thần Việt Nam và sứ thần Hàn Quốc, đã liệt kê được 11 lần tiếp xúc giữa sứ thần Việt Nam và sứ thần Hàn Quốc thời trung đại trên đất Trung Quốc, trong đó có 10 lần sứ thần hai nước Việt Nam và Hàn Quốc có thơ văn xướng họa(3).

- Nguyễn Minh Tường trong bài Cuộc tiếp xúc giữa sứ thần Đại Việt Lê Quí Đôn và sứ thần Hàn Quốc Hồng Khải Hy, Triệu Tiến Vinh, Lý Huy Trung tại Bắc Kinh năm 1760, đã giới thiệu thơ văn xướng họa của sứ thần hai nước trong cuộc tiếp xúc này(4).

- Lý Xuân Chung trong công trình Nghiên cứu đánh giá thơ văn xướng họa của các sứ thần hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đã thống kê được 15 lần sứ thần Việt Nam và sứ thần Hàn Quốc gặp nhau trên đất Trung Quốc, nhưng do điều kiện tư liệu hiện chỉ còn sưu tầm được 10 lần sứ thần hai nước Việt Nam và Hàn Quốc có thơ văn xướng họa. Đồng thời bước đầu xác nhận có 33 sứ giả - nhà thơ hai nước Việt Nam và Hàn Quốc có thơ văn xướng họa, với 92 bài thơ và 11 bài văn (trong đó sứ thần Việt Nam là 12 người và sứ thần Hàn Quốc 21 người), đã dịch và công bố 30 bài thơ(5).

- Nguyễn Đức Nhuệ trong bài Cuộc tiếp xúc giữa sứ thần Đại Việt Lưu Đình Chất và sứ thần Triều Tiên Lý Đẩu Phong đầu thế kỷ XVII, đã giới thiệu 2 bài thơ của sứ thần Việt Nam họa thơ sứ thần Triều Tiên(6).

- Nguyễn Minh Tuân trong bài viết của mình đã giới thiệu thêm 4 bài thơ xướng họa giữa Lê Quí Đôn và sứ thần Triều Tiên(7).

Như vậy đủ thấy thơ văn xướng họa giữa sứ thần Đại Việt và sứ thần Joseon được các nhà nghiên cứu chú trọng sưu tầm và giới thiệu, cũng như luôn được đánh giá cao trong nghiên cứu lịch sử mối quan hệ bang giao giữa hai nước thời trung đại. Có điều việc xử lý các văn bản, số lượng thơ văn xướng họa giữa sứ thần Đại Việt và sứ thần Joseon đến nay chưa có một số liệu đáng tin cậy. Theo điều tra của chúng tôi có 11 lần sứ thần hai nước Đại Việt và Joseon có thơ văn xướng họa với tổng số bài: 101 bài thơ và 17 bài văn, trong đó sứ thần Việt Nam có thơ văn xướng họa là 16 người. Vấn đề này chúng tôi sẽ trình bày trong bài viết tiếp theo.

Bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu thêm 2 bài thơ của Hoàng giáp Nguyễn Đăng trong chuyến đi sứ của đoàn sứ thần Việt Nam vào năm 1613 mà Nguyễn Đăng và Lưu Đình Chất cùng làm Chánh sứ, cả hai ông đều có thơ xướng họa cùng các sứ thần Joseon.

1. Về chuyến đi sứ năm Quí Sửu niên hiệu Hoằng Định thứ 14 (1613) của sứ thần Đại Việt(8).

Lần theo những ghi chép trong thư tịch Hán Nôm, chúng ta thấy chuyến đi sứ năm 1613 của sứ thần Đại Việt đã được sử sách ghi chép:

Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Quý Sửu (Hoằng Định) năm thứ 14 (1613), ... Mùa hạ, tháng 4, sai đoàn sứ bộ gồm Chánh sứ Lưu Đình Chất và Nguyễn Đăng, cùng Phó sứ Nguyễn Đức Trạch, Hoàng Kỳ, Nguyễn Chính, Nguyễn Sư Khanh sang tuế cống nhà Minh"(9).

Sách Đại Nam nhất thống chí viết: "Nguyễn Đăng người xã Đại Toán (tục gọi làng Tỏi) huyện Quế Dương, đỗ Giải nguyên khoa thi Hương, đỗ Hội nguyên khoa Nhân Dần (1602) đời Hoằng Định, thi Đình đỗ Hoàng giáp Đình nguyên, đỗ đầu kì thi ứng chế, người ta gọi là Tứ nguyên, phụng mệnh sang sứ nước Minh, những bài ngâm vịnh và xướng họa với người phương Bắc và sứ Triều Tiên... được người đời truyền tụng, làm quan đến Hữu Thị lang Bộ Hộ"(10).

Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú mục Nhân vật chí ghi: "Năm Quí Sửu, Nguyễn Đăng cùng Nhân Lĩnh bá họ Lưu (Lưu Đình Chất) và Nguyễn Đường Xuyên (Nguyễn Chính) vâng mệnh đi sứ nhà Minh (Trung Quốc), trên đường ngâm vịnh và họa đáp các bài thơ của người Trung Quốc và sứ giả Triều Tiên có nhiều câu hay”(11).

Như vậy chuyến đi sứ năm 1613 của đoàn sứ bộ Đại Việt sang Minh (Trung Quốc) do Lưu Đình Chất và Nguyễn Đăng làm Chánh sứ cùng Nguyễn Đức Trạch, Hoàng Kỳ, Nguyễn Chính, Nguyễn Sư Khanh làm Phó sứ đã được tư liệu lịch sử nghi nhận. Trong chuyến đi này, Lưu Đình Chất và Nguyễn Đăng có thơ xướng họa cùng sứ thần Joseon - Lý Đẩu Phong và được ghi trong Toàn Việt thi lục 全越詩錄 của Lê Quí Đôn. Về tiểu sử và những bài thơ xướng họa của sứ thần Lưu Đình Chất với sứ thần Joseon đã được Nguyễn Đức Nhuệ giới thiệu, nhưng rất tiếc là không nêu nguồn dẫn(12), chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu về tiểu sử và những bài thơ xướng họa của sứ thần Nguyễn Đăng với sứ thần Joseon.

2. Về tiểu sử Hoàng giáp Nguyễn Đăng

Nguyễn Đăng阮登(1577-?) người xã Đại Toán huyện Quế Dương (nay thuộc xã Chi Lăng huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông thi Hương, thi Hội, thi Đình đều đỗ đầu. Năm Nhâm Dần niên hiệu Hoằng Định thứ 3 (1602) Nguyễn Đăng thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Khoa thi này không lấy Tam khôi, nên Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân là cao nhất). Văn bia Hoằng Định tam niên Nhâm Dần khoa Tiến sĩ đề danh bi 弘定三年壬寅科進士題名碑(Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Dần niên hiệu Hoằng Định năm thứ 3), ghi như sau: “Hôm sau Điện thí, vua đích thân xem xét, định thứ tự cao thấp. Cho bọn Nguyễn Đăng 2 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Cung 8 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân”(13). Sau khi thi đỗ Tiến sĩ, ông làm quan Tả Thị lang Bộ Hộ, tước Phúc Nham hầu và được cử làm Chánh sứ (năm 1613) sang nhà Minh (Trung Quốc). Nguyễn Đăng là người có tài về văn chương, khi đi sứ giao lưu các sứ thần Trung Quốc và Joseon, các sứ thần đều mến phục tài năng của ông. Khi mất, ông được phong phúc thần. Tác phẩm của Nguyễn Đăng có Phi lai tự phú (chép trong Lịch triều hiến chương loại chí mục Nhân vật chí) và thơ chép trong Toàn Việt thi lục

Sách Toàn Việt thi lục ghi về tiểu sử của Nguyễn Đăng như sau:

“阮登桂陽大蒜人弘定壬寅科正進士鄉試首選五場及應制皆第一弘定十四年以寺卿北使還陞戶部右侍郎福岩侯遷左侍郎卒進封福神”(14)

Phiên âm:

Nguyễn Đăng, Quế Dương Đại Toán nhân. Hoằng Định Nhâm Dần khoa Chính Tiến sĩ. Hương thí thủ tuyển ngũ trường cập ứng chế giai đệ nhất. Hoằng Định thập tứ niên dĩ Tự khanh Bắc sứ hoàn thăng Hộ bộ Hữu Thị lang Phúc Nham hầu, thiên Tả Thị lang. Tốt tiến phong Phúc thần.

Dịch nghĩa:

Nguyễn Đăng, người xã Đại Toán, Quế Dương. Đậu Chính Tiến sĩ khoa Nhâm Dần niên hiệu Hoằng Định (1602). Thi Hương đỗ đầu cả 5 trường, đến kỳ ứng chế cũng đỗ đệ nhất. Năm Hoằng Định thứ 14 (1613), giữ chức Tự khanh đi sứ Bắc quốc. Khi về được thăng Hộ bộ Hữu Thị lang, Phúc Nham hầu, sau thăng làm Tả Thị lang. Khi mất được tiến phong làm Phúc thần.

Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú mục Nhân vật chí đánh giá tài văn chương của Nguyễn Đăng như sau: "Văn chương của Nguyễn Đăng hơn các đồng bối, triều đình lấy làm tôn trọng, nhiều lần được cất nhắc... Khi qua chùa Phi Lai, ông làm bài phú tám vần, mọi người tranh nhau truyền tụng"(15).

3. Về hai bài thơ giao lưu với sứ thần Joseon của Hoàng giáp Nguyễn Đăng

Hai bài thơ này được chép trong sách Toàn Việt thi lục全越詩錄của Lê Quí Đôn, kí hiệu A.132/4, tờ 95a - 96b và tờ 97a-97b, đó là hai bài thơ của Hoàng giáp Nguyễn Đăng họa thơ sứ thần nước Joseon là Lý Đẩu Phong, xin được giới thiệu cùng bạn đọc.

Bài thứ nhất

古體詩一首

和朝鮮國使李斗峰寄柬長篇

青海汪洋翠岱從

波澄日皜湛穹蔥

盤桃異種厭芎藭

萋萋菶菶朝陽桐

物珍珠貝銀沙銅

皮革文斑虎豹熊

千年春蔭鶴龜嵕

秀鍾精毓全化工

俊彥挺出科場中

茞藹人賢國不空

多聞博覽發心聾

一代山斗仰鉅公

高詞健筆策奇功

燁燁才華蓋世雄

氣凌長劍倚崆峒

筆挽文星焰吐紅

喉舌班聯台座降

腰佩鏗鏘玉色瓏

雅詠黃華盛選充

輕駕征鞍拂柳風

懸河對語沛無窮

都得實學得心胸

吾道相傳無極翁

雲萍萬里慶來同

九重乍奏一書封

使星密接紫微宮

鵷行獸舞映鵝絨

五鳳樓前八百鍾

仰瞻皇極天形容

萬歲連呼祝岱宗

喜今千載一奇逢

三生自覺脫塵蹤

拜觀熙朝協和衷

聲明均囿世融融

詩懷洒落旨怔忡

家情何必寄書筒

荏苒初秋客思忽

斷續閒聞砌傍虫

一輪明月斡雲蓬

衡南凝目曉歸鴻

相憶更深夢亦慵

天邊望闊海之東

余聞

遼堧產出神草叢

醫國良方脈理通

勻調仙劑駐春容

壽涼髮白盎顏童

旦華堯舜歲喬松

得朋載酒且相從

美哉

得朋載酒可相從

 

Dịch nghĩa:

Thơ cổ thể (một bài)

Họa thơ sứ thần nước Triều Tiên là Lý Đẩu Phong,

gửi đến bài trường thiên(a)

Biển xanh rộng lớn núi biếc hòa theo,

Sóng lặng trời quang sáng đến tận từng cao.

Tiệc Bàn đào giống lạ hơn cả giống cỏ thuốc khung cùng (b),

Tươi tốt um tùm như cây ngô đồng hướng về ánh dương.

Các thức vật trân quý như vỏ sò; hạt bạc rải như đồng,

Giáp da vẽ hoa văn hổ báo vẻ oai hùng.

Muôn thủa hơi xuân phủ hình như hạc như rùa,

Trời đất chung đúc tinh tú toàn nhờ công tạo hóa.

Người tài tuấn nổi danh từ trong khoa trường,

Hiền tài như cỏ thì nước nhà chẳng phải là trống rỗng.

Đọc rộng xem nhiều sự phát tiếng từ ở trong lòng,

Là đấng danh nho một đời như Thái Sơn Bắc Đẩu ai cũng hướng về.

Ngôn từ cao, bút lực mạnh, dựng được công nghiệp lớn lao lạ kỳ,

Trói lọi tài hoa anh hùng trùm cái thế.

Khí phách lăng lướt, như trường kiếm dựa vẫy khoảng không rộng,

Bút điểm kéo cả sao băng, sáng vọng tỏa ánh hồng.

Triều quan trọng yếu ngồi liền ở giáng tòa,

Lưng đeo ngọc bội vang tiếng thanh sắc linh lung.

Câu thơ tao nhã vịnh sứ hoàng hoa tuyển sung vào thịnh hội,

Xe nhẹ, yên xa phất phơ gió liễu.

Nói chuyện thao thao, miệng như nước chảy đến vô cùng,

Đều là người thực học tâm đắc ở trong lòng.

Đạo Nho ta được truyền nối, như còn mãi mãi,

Bèo mây tan hợp, muôn dặm gặp gỡ mừng vui như nhau.

Chín tầng bệ báu thư một bức tấu lên,

Sứ giả kìn kìn tiếp về cung tử vi(c).

Quan hàng như chim uyên, như thú múa, ánh lông vũ,

Trước lầu Ngũ Phượng (d), chuông gióng tám trăm tiếng.

Ngửa trông ngôi hoàng cực giữa trời,

Tiếng hô vạn tuế chúc người thọ như núi Đại Tông (e).

Mừng được gặp kỳ thịnh hội nghìn năm một thủa,

Ba sinh tự cảm thấy thoát khỏi áng trần lao.

Cùng các quan bái triều thịnh trị trong lòng hòa hiệp,

Thanh minh muôn vật cùng đời vui tươi.

Lòng thơ lai láng bồi hồi lo lắng,

Tình nhà đâu phải gửi nơi ống thư đồng.

Thấm thoát thu qua tình khách tứ chuyển hoài,

Dứt nối tiếng côn trùng nghe lượt này lượt nọ.

Một vầng trăng sáng rạng chuyển dưới mây vần như cỏ bồng,

Người đi về nam còn để mắt trông rõ bóng chim hồng đang về mất.

Thương nhớ canh khuya, sâu trong giấc mộng cũng trễ nhác,

Bên trời biển rộng ngóng về đông.

Ta nghe rằng:

Vùng đất Liêu (f) xa sản sinh lắm loại cỏ thần, mọc thành bụi.

Có thể dùng làm phương thuốc chữa bệnh cho nước, mạch lý thông,

Điều hòa thuốc tiên để giữ được tuổi xuân.

Giúp sống lâu, tóc bạc mà dung nhan đẹp như thanh niên,

Điểm tô đời Nghiêu Thuấn, tuổi sánh cội tùng cao.

Được gặp bằng hữu, có rượu, đến cùng vui với nhau,

Đẹp thay!

Được gặp bằng hữu, có rượu, đến cùng vui với nhau.

Chú thích:

(a) Bài này làm theo lối trường thiên độc vận.

(b) Khung cùng: tức loại có làm thuốc, còn gọi là Xuyên khung.

(c) Nguyên văn là Sứ tinh, cũng chỉ Sứ giả; Cung Tử Vi là cung sao chính trong các sao, còn dùng để chỉ ngôi đế vương, ngôi thiên tử.

(d) Lầu Ngũ Phượng, chỉ lầu của nhà vua ngự; Tám trăm tiếng chuông: hiện chưa rõ, có phải ý nói đến bát bách hộc của Nguyên Tái Tể tướng đời Đường Đại Tông, tham lam tích trữ hồ tiêu 800 hộc hay không ?

(e) Đại tông: tên gọi khác của núi Thái Sơn.

(f) Joseon xưa tiếp giáp vùng Liêu Đông.

Dịch thơ:

Biển xanh rộng, núi biếc trùng,

Trời quang sóng lặng từng không soi cùng.

Bàn Đào giống lạ cỏ khung,

Um tùm tươi tốt ngô đồng ánh dương.

Vật trân quý, bạc rải đường,

Giáp da hổ báo còn nhường oai phong.

Hơi xuân rùa hạc tuổi đồng,

Đúc chung tinh tú nên công đất trời.

Tài danh nổi tiếng trong đời,

Hiền tài khoa bảng há người hư không.

Hiểu sâu rộng, tự trong lòng,

Thái Sơn Bắc Đẩu nho danh hướng về.

Từ cao, bút lực lạ kỳ,

Tài hoa cái thế cũng vì văn chương.

Khí phách cao, vẫy kiếm trường,

Bút hoa khéo điểm kéo đường sao băng.

Triều quan trọng yếu tọa trông,

Lưng đeo ngọc bội linh lung sắc vàng.

Câu thơ đẹp, sứ hoa hoàng,

Nhẹ yên xe ngựa trên đường liễu đưa.

Thao thao ngọn nước chảy đua,

Là người có học thực tu trong lòng.

Đạo Nho ta nối con dòng,

Bèo mây muôn dặm vui mừng gặp nhau.

Chín tầng bệ báu thư tâu,

Ùn ùn sứ giả về chầu Tử Vi.

Hàng quan chim thú vẻ gì,

Trước lầu Ngũ phượng, chuông thì tám trăm.

Ngưỡng xem hoàng cực cao thâm,

Tiếng hô vạn tuế muôn năm tuổi trời.

Nghìn năm thịnh hội một thời,

Ba sinh cảm thấy thoát đời trần lao.

Theo quan triều bái đi vào,

Thanh minh muôn vật đẹp sao vui cười.

Lòng thơ lai láng bồi hồi,

Tình nhà đâu phải gửi nơi thư đồng.

Thu qua thấm thoát tình nồng,

Dứt lòng nghe tiếng côn trùng ngân nga.

Một vầng trăng tỏ sáng lòa,

Về nam người có trông qua bóng hồng.

Canh khuya thương nhớ giấc mòng,

Bên trời biển rộng bên đông ngóng về.

Ta từng nghe rằng:

Đất Liêu sinh lắm cỏ thần,

Làm phương chữa bệnh cho dân giúp đời,

Thuốc tiên giữ được tuổi trời.

Sống lâu tóc bạc rạng ngời sức xuân,

Ngày Nghiêu tháng Thuấn điểm phần.

Gặp người thi hữu, rượu tuần cùng vui,

Đẹp thay!

Gặp người thi hữu, rượu tuần cùng vui.

 

Bài thứ hai

 

近體詩

和朝鮮國使李斗峰窗前種竹之作

傲霜剄節傍高齋

卻俗偏宜洒落懷

月影飾金供逸興

風聲戛玉助吟佳

幹栖鳳侶光生彩

枝長龍孫迸出階

堪狀有文君子德

行行綠色自雲排

Dịch nghĩa

Thơ cận thể

Họa thơ sứ thần nước Triều Tiên là Lý Đẩu Phong, làm bài tả cảnh trồng trúc trước cửa sổ

Ngạo nghễ tuyết sương, cứng cáp bên ngôi nhà cao nhân,

Nên tránh phàm tục, riêng về lòng thoải mái.

Ánh trăng tô sức vẻ vàng cung thi hứng nhàn dật,

Tiếng gió vi vu, làm giáp ngọc họa ngâm tiếng vang hay.

Cành cho phượng đậu, thành đôi sinh vẻ sáng ngời,

Nhánh dài cho cháu rồng lớn vụt lên ngoài bệ.

Xem ra hình trạng có văn vẻ, đức người quân tử,

Hàng hàng sắc biếc tựa mây bầy ra.

 

Dịch thơ:

Tuyết sương ngạo nghễ đứng bên ngoài,

Phàm tục riêng ra thoải mái ngồi.

Ánh trăng tô vẻ thơ thêm hứng,

Gió thổi vi vu giáp ngọc tươi.

Cành đậu phượng loan tăng sức sống,

Nhánh mọc cháu rồng vụt lớn coi.

Hình trạng xem như đức quân tử,

Hàng hàng sắc biếc tựa mây trời.

Như vậy, Nguyễn Đăng có 2 bài thơ (một bài cổ thể theo theo lối trường thiên độc vận, một bài cận thể) họa thơ của Lý Đẩu Phong sứ thần nước Joseon trong chuyến đi sứ năm 1613, rất tiếc là bài thơ của Lý Đẩu Phong hiện chúng tôi chưa sưu tầm được. Theo chúng tôi, hai bài thơ của Nguyễn Đăng là những tư liệu có giá trị, góp phần nghiên cứu lịch sử quan hệ ngoại giao Đại Việt và Joseon thời trung đại thông qua giao lưu giữa các sứ thần hai nước.

Bài viết được sự tài trợ của Quĩ Phát triển khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted - Mã số VIII.2-2011.05), chúng tôi xin chân thành cảm ơn.

Chú thích:

1. Hiện nay khi nghiên cứu về bán đảo Triều Tiên thời trung đại, các học giả Việt Nam có khi gọi Triều Tiên và có khi gọi Hàn Quốc. Những năm gần đây, khi mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng phát triển, những nghiên cứu về thời kỳ trung đại ở bán đảo Triều Tiên thường dùng tên gọi là Hàn Quốc, theo chúng tôi như vậy có phần chưa được thỏa đáng. Triều Tiên (1392 - 1910), phiên âm tiếng Triều Tiên làChosŏn, Choson, Chosun, Joseonhay còn gọi là nhà Lý, một triều đại được thành lập bởi Thái Tổ Lý Thành Quế (太祖-李成桂) và tồn tại hơn 5 thế kỷ. Nhà Triều Tiên là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Triều Tiên. Đây cũng là vương triều theo Nho giáotồn tại lâu dài nhất. Văn hóa Triều Tiên phát triển rực rỡ trong thế kỷ XV, dưới thời Thế Tông Đại Vương (世宗大王). Sau đó Triều Tiên rơi vào cảnh đình trệ và đến cuối thế kỷ XIX bị các thế lực nước ngoài xâm lăng. Triều Tiên xưa, hiện nay được chia ra nước: Đại Hàn Dân quốc (Hàn Quốc) và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Triều Tiên). Khi nghiên cứu thời kỳ trung đại ở bán đảo này, một số chuyên gia Hàn Quốc ở Trung tâm Hàn Quốc học thuộc Đại học Inha (Hàn Quốc) đã gợi ý với chúng tôi nên dùng theo phiên âm là Chosŏn hay Joseon (조선).

2. Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Nhà xuất bản Hà Tây, năm 2000 và Thơ văn Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2007 do Bùi Duy Tân chủ biên.

3. Nguyễn Minh Tường: xem Tạp chí Hán Nôm, số 6 (85)-2007.

4. Nguyễn Minh Tường: xem Tạp chí Hán Nôm, số 1 (92)-2009.

5. Lý Xuân Chung: LA Tiến sĩ, năm 2009.

6. Nguyễn Đức Nhuệ: Tạp chí Hán Nôm, số 5 (96)-2009.

7. Nguyễn Minh Tuân: Thêm bốn bài thơ xướng họa giữa Lê Quí Đôn và sứ thần Triều Tiên, Tạp chí Hán Nôm, số 4 (41)-1999.

8. Trong công nghiên cứu của mình, Nguyễn Minh Tường và Lý Xuân Chung không đề cập đến chuyến đi sứ này, còn Nguyễn Đức Nhuệ ghi chú: "Tài liệu do GS.TS. Trịnh Nhu cung cấp". Bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu các tài liệu lịch sử ghi chép về chuyến đi sứ năm 1613 mà Nguyễn Đăng và Lưu Đình Chất cùng làm Chánh sứ, cả hai ông đều có thơ xướng họa cùng các sứ thần Joseon.

9. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. KHXH. H. 1992, tr. ... Những dấu ba chấm (...) là chúng tôi lược bỏ không trích.

10. Đại Nam nhất thống chí, Tập 4 (bản dịch), Nxb. Thuận Hóa, 1992, tr.127.

11. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 1 (bản dịch), Nxb. KHXH, H. 1992, tr.383.

12. Nguyễn Đức Nhuệ: bài đã dẫn, Tạp chí Hán Nôm, số 5 (96)-2009. Trong bài viết của mình, Nguyễn Đức Nhuệ không nêu xuất xứ các bài thơ xướng của sứ thần Lưu Đình Chất với sứ thần Joseon. Chúng tôi xin thông tin, các bài thơ này được chép trong Toàn Việt thi lục 全越詩錄 của Lê Quí Đôn, bản ký hiệu A.132/4, tờ 100a, tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

13. Văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam, Trịnh Khắc Mạnh giới thiệu, Nxb. Giáo dục, H. 2006, tr.216.

14. 黎貴敦 : 全越詩錄, A.132/4, tờ 95a.

15. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, sđd, tr.383./

 

PGS.TS. TRỊNH KHẮC MẠNH

ThS. NGUYỄN ĐỨC TOÀN

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 3 (112) 2012, tr.3-10.