Chữ Nôm ghi âm Nam Bộ trong tương quan với ngữ âm vùng miền - trường hợp văn bản nôm Kim cổ kỳ quan của Nguyễn Văn Thới

In bài này

TÓM TẮT

Chữ Nôm là hệ thống chữ viết ghi âm tiếng Việt, được sử dụng rộng khắp từ thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XX; tuy nhiên, chữ Nôm chưa từng được Nhà nước điển chế hoá. Do vậy, trong quá trình phát triển, chữ Nôm để lại nhiều cách viết, nhìn chung là thường mang màu sắc địa phương, phản ánh đặc điểm ngữ âm vùng miền. Chữ Nôm Nam Bộ rất tiêu biểu ở đặc điểm này. Bài viết này nhằm đưa ra một hướng lý giải mới ở một số phương diện chữ Nôm phản ánh ngữ âm địa phương (ngữ âm Nam Bộ), trên cơ sở khảo sát văn bản Nôm Kim cổ kỳ quan của Nguyễn Văn Thới.

Từ khoá: Chữ Nôm, chữ Nôm Nam Bộ, Kim cổ kỳ quan, Nguyễn Văn Thới.

-----------------------

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Chữ Nôm từ khi ra đời (khoảng thế kỷ X), được sử dụng rộng khắp cho đến lúc suy tàn vào đầu thế kỷ XX(1), chưa từng được điển chế hoá thành một hệ thống chữ viết chính thức để mọi người theo đó mà dùng (Nguyễn Khuê, 2009: 22, 26), tức chưa được nhà nước thực hiện chuẩn hoá thành chữ viết cho người Việt. Do vậy, hiện tượng một từ tiếng Việt có thể viết thành dăm ba chữ Nôm, hoặc một chữ Nôm có thể ghi âm dăm ba từ tiếng Việt là khá phổ biến. Hơn nữa là chữ viết chủ yếu ghi âm tiếng Việt, nên chữ Nôm thường mang màu sắc địa phương: phản ánh đặc điểm ngữ âm vùng miền. Trong vài thập niên qua, một số nhà nghiên cứu chữ Nôm quan tâm đến mảng chữ Nôm ghi âm Nam Bộ, cố gắng lý giải và khái quát những điểm cơ bản, nhằm giúp người đọc tránh được những sai lầm trong việc phiên âm. Tuy nhiên, các nghiên cứu nhìn chung chưa có những lý giải toàn diện và thực sự thuyết phục trong việc chỉ ra bản chất của vấn đề: chữ Nôm Nam Bộ phản ánh ngữ âm địa phương, hay ngữ âm địa phương Nam Bộ phản ánh vào chữ Nôm như thế nào. Góp phần nhìn nhận vấn đề này, bài viết của chúng tôi cố gắng đưa ra một hướng lý giải mới ở một số trường hợp chữ Nôm ghi âm Nam Bộ trong tương quan với ngữ âm vùng miền, trên cơ sở khảo sát văn bản Nôm Kim cổ kỳ quan của Nguyễn Văn Thới.

2. ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ NGUYỄN VĂN THỚI VÀ BỘ SÁCH NÔM KIM CỔ KỲ QUAN

Nguyễn Văn Thới (1866-1926) vốn người làng Mỹ Trà, huyện Cao Lãnh, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp, mất tại xã Kiến An, huyện Chợ Mới, nay thuộc tỉnh An Giang. Ông là một nhân sĩ có tinh thần yêu nước, chống Pháp, là tín đồ của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Bộ sách Nôm Kim cổ kỳ quan được ông sáng tác trong khoảng thời gian từ 1900 đến 1926, có dung lượng khá đồ sộ (khoảng 24.000 câu, số chữ nhiều hơn bảy lần Truyện Kiều). Kim cổ kỳ quan là tên gọi chung cho cả bộ sách gồm 9 quyển được gọi tên riêng: Kim cổ, Giác mê, Cáo thị, Vân Tiên, Ngồi buồn, Bổn tuồng, Thừa nhàn, Tiền Giang, Kiểng Tiên. Nội dung chủ yếu của Kim cổ kỳ quan là khuyến thiện trừng ác, yêu nước thương dân, chống ngoại xâm, hợp với tinh thần đạo lý của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, nên được xem như một bộ "Thánh kinh" đối với một bộ phận tín đồ tại miền Tây Nam Bộ trên 80 năm nay. "Về văn thể, chỉ riêng quyển Bổn tuồng có ngôn từ là lời thoại của kịch bản tuồng, có chen nhiều bài thơ ngắn; tám quyển còn lại đều là thơ, được viết bằng các thể lục bát, lục bát biến thể (thất-bát), thất ngôn, bát ngôn, song thất lục bát" (Nguyễn Ngọc Quận, 2018). Cũng như các sách chữ Nôm ra đời ở Nam Bộ như Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu của Nguyễn Đình Chiểu, tuồng Nôm Kim Thạch kỳ duyên của Bùi Hữu Nghĩa…, Kim cổ kỳ quan được viết bằng chữ Nôm mang đậm dấu ấn Nam Bộ, mà phản ánh lối phát âm Nam Bộ là một nét nổi bật.

 Xin xem toàn văn ở tập tin đính kèm để có thể đọc được toàn bộ các chữ Nôm: ở đây

Nguồn: Tạp chí KHXH TPHCM, số 5 (237), 2018.