Văn bia chùa Cảnh Phúc tại Bảo tàng Mỹ Thuật

In bài này

20210429 5

Văn bia chùa Cảnh Phúc là một trong những văn bia đặc trưng cho phong cách mỹ thuật thời Lê Trung hưng. Chính bởi lẽ đó, văn bia này đã được các cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tầm về từ những thập niên cuối của thế kỷ XX. Văn bia hiện để ngoài trời tại sân Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Qua ba chục năm bảo quản trong khuông viên ngoài trời, dưới nắng gió, bụi bặm, khói xăng chì và mưa axit của Hà Nội, bia Cảnh Phúc hiện chỉ còn là một di vật tàn khuyết. Các hình điêu khắc trang trí đã bị phong hóa nặng, các chữ viết cũng đã mài mòn, rất khó đọc. Mặt khác, bia được sưu tầm trước khi Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện công tác sưu tầm tại địa phương, nên bia cũng không hề có thác bản trong kho của Viện.

Nhận thức được tầm quan trọng của văn bia này, chúng tôi đã tiến hành đến khảo sát và nghiên cứu văn bia tại Bảo tàng Mỹ thuật, chụp ảnh, ghi chép, và in rập lại toàn bộ văn bản.

Về hình thức, bia hình hộp 4 mặt, chữ viết chân phương. Mặt thứ nhất ghi tên bia là Cảnh Phúc tự bi ký景福寺碑記. Bi ngạch được trang trí hình kỷ hà chữ vạn, giật cấp lên trên là các hình ô vuông hoa lá. Chóp bia thót dần và vun cao lên trên. Trên gần đỉnh chóp mặt này là hình khắc chim phượng với đôi giò khỏe khoắn và đôi cánh đang vỗ mạnh. Hệ thống chóp bốn cạnh của bia này trên thực tế là mái chảy thoát nước, che nắng và che mưa. Diềm bia vẫn tiếp tục các hình kỷ hà chữ vạn liên hoàn chảy dọc từ trán bia xuống tận dưới chân bia. Dưới chân bia là một ô diềm trang trí, những hiện đã quá mờ nên không rõ là trang trí hình linh thú gì. Diềm và mặt dưới của bia đã bị vỡ lớp mặt trên. Dưới diềm ô trang trí là các cánh sen ngược mềm mại chảy xuống chân bia. Chân bia có khắc ba ô trang trí các loại vật đồng quê thôn dã, nhưng hiện chỉ còn nhìn rõ, hình con cua. Mặt thứ hai, trang trí diềm bia là hình chữ vạn và hoa cúc, trán bia và chóp bia khắc rồng, ô diềm bia hình trâu, và chân bia hình một đàn thú, nội dung là tiếp bài ký của mặt một. Mặt thứ ba, trán bia khắc hình rồng uốn theo chiều ngang, chóp bia khắc hình phượng bay ngang từ phải sang trái, ô diềm là hình song lân chầu hoa lá, chân bia đã vỡ mất hết các họa tiết điêu khắc. Nội dung mặt này ghi thập phương công đức. Mặt thứ tư của bia cũng tiếp nối phong cách trang trí kiểu chữ vạn liên hoàn từ trán diềm đến chân bia. Tuy nhiên, trán bia mặt hai không có chữ, chỉ có hình đôi chim đang chầu một bông sen cắt trắc diện khá hiện đại. Chóp bia khắc hình một con rồng trong tư thế cuộn tròn hồi đầu vào giữa. Ô diềm trang trí là hình rùa và linh thú đang tranh một dải lụa. Chân bia có khắc hình voi và mãng xà. Mặt 4 ghi nội dung bài minh và phần lạc khoản.

Về niên đại, văn bia được soạn vào ngày lành tháng giêng năm Chính Hoà thứ 16 (1695) bởi Sinh đồ Nguyễn Dã Đạt người xã Đồng Nhất. Ngoài ra, trợ giúp và chứng giám còn có Quan viên hương lão trưởng thôn trên dưới xã Đồng Kính huyện Duy Tiên phủ Lị Nhân. Nguyên nhân dựng bia được ghi như sau: “Tỉ khưu tăng Đại đạo Nguyễn Tiên Chân Pháp Tính là người thôn Nham Cát, xã Châu Xuyết, huyện Nông Cống, phủ Tĩnh Gia, Thừa tuyên Thanh Hóa nước Đại Việt đã nhân Hải Tạng Linh Không Thiền sư trụ trì Cảnh Phúc bồi luyện nền nhân nghĩa mà cũng còn chưa đủ trọn, nên đến ngày tháng năm Giáp Dần mới tu tạo nền móng tiền đường đã thành nhân duyên tốt đẹp. Lại đến ngày tháng năm Ất Mão lập bia đá chất phác, khắc thành rất mỹ lệ. Đến ngày tháng năm năm Kỉ Tị, mắt thấy tiền đường đã hư hỏng, nên Tiểu tăng Nguyễn Tiên mới mua gỗ lim để trùng tu lại tiền đường năm gian. Công quả trùm trời đất, để làm sáng tỏ chùa Cảnh Phúc. Giờ Canh Thìn ngày Canh Dần ngày 16 tháng Quý Sửu năm Nhâm Thân thứ 12 (1692) thụ trụ thượng lương toàn một màu sắc gỗ lim cùng ngói sáng lợp. Nay vào ngày tháng năm Giáp Tuất, hợp cùng trời đất, lại qua ngày lành tháng Giêng năm Kỉ Hợi thì hoàn thành, cưu công hoàn hảo để lại cho người đời sau, cho nên cấu tác”.

Nguyên văn:

大越國清華承宣靖嘉府農貢縣珠綴社嵓葛村比丘僧大道阮先真法性因海藏靈空禪師住持景福寺培補仁基少有未足至甲寅年月日修造前堂基址既成因緣作好來乙卯年月日始立石碑質朴用成陶冶麗美至己巳年月日目見前堂益已頹弊茲小僧阮先始買铁林重修更作前堂五間功塞乾坤用昭景福於壬申年十二癸丑十六庚寅庚辰時豎柱上梁全色铁林並行蓋瓦茲甲戌年月日挺 [...] [...] [...] [...] 天地粵己亥年正月穀日頗有圓成鳩功完好[...] [...]後人茲構)

Trên đây là đoạn cuối của bài văn bia, có ghi một số thông tin đến niên đại, người viết và việc hưng công, tạo bi. Tuy nhiên, theo chúng tôi, giá trị của bài văn bia còn thể hiện ở nhiều mặt khác, như nội dung phản ánh tinh thần hỗn dung Nho - Phật, đạo - đời. Đoạn đầu văn bia ca ngợi hồng đồ của vua Lê chúa Trịnh, tán dương cái thể và dụng của đạo Trung Hòa, lại vừa tụng niệm đạo thiền, ví dụ như: “Nối sáng mối xưa, trải trăm đời kính ngưỡng cao sơn; đoái dạy rừng thiền, soi thiên cổ chủ trì kinh kệ”. Mặt khác bài văn bia còn có những câu văn rất hay ca ngợi vẻ đẹp của non nước, như: “Lẫy lừng kẻ chợ sáng trong; hòa hài trời Nam tục đẹp. Huyện Duy Tiên nước chầu cuồn cuộn, mé trái rồng vờn cuộn quanh co; làng Đồng Kính núi ấp trùng trùng, đầy đặn tạo ba gò hổ phục. Thực Cảnh Phúc chùa dựng nguy nga, đúng nước Nam khí thiêng ngùn ngụt.” Về mặt ngôn ngữ, bài văn bia có thể coi là một biểu hiện cho cái đẹp hoàn mỹ của văn chương cổ. Câu chữ điển nhã, điển cố uyên áo thâm trầm. Lời văn như gấm thêu hoa dệt, các cặp câu đối ngẫu cứ liên hoàn bất tận, khiến cho người đọc có cảm giác “quái chá nhân khẩu”. Tuy nhiên, vì giới hạn bài viết chúng tôi xin đề cập vấn đề này sâu hơn trong một dịp khác.

 

Phạm Văn Tuấn, Trần Trọng Dương

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2010, tr.400-404