Những nguyên tắc và thủ pháp chuyển thể truyện thơ Nôm: trường hợp Truyện Song Tinh

ThS. Nguyễn Văn Hoài

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. HCM

Tóm tắt

Truyện Song Tinh là truyện thơ Nôm có tên tác giả sớm nhất được Nguyễn Hữu Hào chuyển thể từ Định tình nhân là một tiểu thuyết chương hồi thuộc thể tài tài tử giai nhân của Trung Quốc. Từ tiểu thuyết chương hồi chuyển thể thành truyện thơ Nôm thì có những biến đổi gì trên phương diện nguyên tắc nghệ thuật, và người làm truyện đã sử dụng những thủ pháp gì để tạo nên những biến đổi ấy? Những nguyên tắc và thủ pháp chuyển thể được rút ra từ việc nghiên cứu so sánh Truyện Song Tinh với lam bản của nó tuy là một trường hợp đơn lẻ, nhưng có thể góp phần vào việc tìm hiểu những nguyên tắc và thủ pháp chuyển thể truyện thơ Nôm nói chung.

Từ khoá:  Truyện Song Tinh, Định tình nhân, Nguyễn Hữu Hào, nguyên tắc và thủ pháp chuyển thể

Truyện Song Tinh (Song Tinh Bất Dạ) là truyện thơ Nôm có tên tác giả sớm nhất được Nguyễn Hữu Hào chuyển thể từ Định tình nhân là một tiểu thuyết chương hồi thuộc thể tài tài tử giai nhân (viết tắt: TTGN) của Trung Quốc. Việc vay mượn tác phẩm văn học thông tục Trung Quốc (tiểu thuyết chương hồi, tạp kịch, ca bản,...) thuộc thể tài TTGN chuyển thể thành truyện thơ Nôm là một hiện tượng phổ biến, tạo thành một trào lưu đạt được những thành tựu lớn trong nền văn học cổ Việt Nam. Điều đó đã thể hiện tinh thần Việt hóa đáng trân trọng của bao thế hệ người Việt.

Từ tiểu thuyết chương hồi chuyển thể thành truyện thơ Nôm thì có những biến đổi gì trên phương diện nguyên tắc nghệ thuật, và người làm truyện đã sử dụng những thủ pháp gì để tạo nên những biến đổi ấy? Đó là những vấn đề thiết thực mà chúng ta cần tìm hiểu. Đã có một số nhà nghiên cứu, đặc biệt là một vài nhà nghiên cứu Trung Quốc xem những tác phẩm chuyển thể này đơn thuần là tác phẩm dịch, hoặc phỏng dịch, phóng tác và xem nhẹ giá trị của tác phẩm, không xem chúng là những tác phẩm có sinh mệnh riêng. Cách nhìn nhận này đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước phủ nhận thông qua nhiều bài viết và công trình nghiên cứu có giá trị thuyết phục. Nhưng, theo quan sát của chúng tôi, những công trình nghiên cứu như thế chủ yếu chỉ tập trung vào Truyện Kiều. Thiết nghĩ, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa để có những khẳng định khoa học khách quan về mảng văn học này. Với tình hình như thế, bài viết này có thể xem là một hướng tìm hiểu thiết thực trong tình hình nghiên cứu văn học hiện nay ở nước ta đặt trong bối cảnh giao lưu văn hóa, mở cửa đối với tất cả các nước trên thế giới.

Định tình nhân 定情人tên gọi đầy đủ ở nguyên bản khắc in là Tân thuyên phê bình tú tượng bí bản Định tình nhân 新鐫批評繡像秘本定情人. Tuy đề là “tú tượng” nhưng không có tranh vẽ minh họa. Một số nhà nghiên cứu đoán định nó được hoàn thành vào khoảng đời Thuận Trị đến đầu đời Khang Hi. Sách không đề người soạn. Ở đầu sách có bài “Định tình nhân tự”. Cuối bài tựa này ghi “Tố Chính Đường Chủ Nhân đề ư Thiên Hoa Tàng素政堂主人題於天花藏”. Trung Quốc cổ điển tiểu thuyết đại từ điển viết rằng “Tố Chính Đường Chủ Nhân có thể chính là Thiên Hoa Tàng Chủ Nhân”[1, tr.728]. Thiên Hoa Tàng Chủ Nhân 天花藏主人 là một tiểu thuyết gia trứ danh đầu đời Thanh, tác giả của rất nhiều bộ tiểu thuyết chương hồi, còn có các biệt hiệu khác như Di Thu Tản Nhân 荑秋散人, Di Địch Tản Nhân 夷狄散人, Địch Ngạn Tản Nhân 荻岸散人, Di Địch Sơn Nhân 荑狄山人, Di Thu Sơn Nhân 荑秋山人. Ngoài bút hiệu ra thì tên thật và thân thế tác giả không ai biết rõ.

Văn bản tác phẩm Định tình nhân mà chúng tôi dùng so sánh với Truyện Song Tinh do Lý Lạc và Miêu Tráng hiệu điểm, Xuân Phong Văn nghệ xuất bản xã xuất bản năm 1986. Tác phẩm gồm 16 hồi, tổng cộng có 159 trang, in ấn theo kiểu hiện đại đọc từ trái sang phải, chữ giản thể [2].

Nguyễn Hữu Hào (? - 1713) là một danh tướng của chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Cha ông là Nguyễn Hữu Dật (1614 - 1691), một đại công thần văn võ kiêm toàn của chúa Nguyễn. Nguyễn Hữu Hào là con đầu, em trai kế là Nguyễn Hữu Cảnh (1650 - 1700) là một danh tướng có công khai mở vùng đất Nam Bộ.

Theo Hoàng Xuân Hãn, Trần Văn Giáp là người đầu tiên thấy trong Đại Nam liệt truyện tiền biên chép rằng Nguyễn Hữu Hào là tác giả Truyện Song Tinh. Căn cứ vào phát hiện của Trần Văn Giáp phần lớn các nhà nghiên cứu đoán định rằng Truyện Song Tinh được Nguyễn Hữu Hào viết trong những năm làm Trấn thủ Quảng Bình (1704-1713), còn Hoàng Xuân Hãn thì cho rằng tác phẩm được soạn “vào khoảng trong ngoài năm 1700” [4, tr.21].

Truyện Song Tinh trong nguyên bản chữ Nôm có tên là Song Tinh Bất Dạ 雙星不夜. Đông Hồ Lâm Tấn Phác kể rằng: Khoảng trước năm 1900, bác của ông là Lâm Hữu Lân phát hiện tập truyện bằng chữ Nôm này. Sách đã cũ lắm, không có tên tác giả, không có lời tựa, lời bạt. Bìa sách đã rách, còn sót lại vẻn vẹn có bốn chữ “Gia Long nguyên niên” [5, tr.XXII]. Theo Hoàng Xuân Hãn thì bản Nôm này đã bị mất và bản Nôm được ông phiên âm là bản ông nhờ nhà nho Lưu Trần Thiển sao lại từ bản gốc ấy. Chúng tôi khảo sát bản Nôm Song Tinh Bất Dạ “Ảnh sao tại Xưởng in Funam, Paris ngày 25 tháng 5 năm 1984” thì thấy bản này đúng như mô tả của Hoàng Xuân Hãn, tức bản mà ông nhờ chép. Văn bản gồm 181 trang, chữ Nôm được viết theo lối hành thư khá đẹp. Đây là bản Nôm Truyện Song Tinh mà Nguyễn Thị Thanh Xuân phiên âm công bố năm 1984 và Hoàng Xuân Hãn phiên âm công bố năm 1987.

Hiện tại chúng ta có 3 bản phiên âm tác phẩm này. Bản đầu tiên được Đông Hồ công bố vào năm 1962 [5]. Đây là bản phiên âm có sửa chữa và rút ngắn của ông Lâm Hữu Lân, chỉ có 2.216 câu, chưa sát với nguyên bản. Năm 1984, Nguyễn Thị Thanh Xuân công bố bản khảo đính, phiên âm và chú thích mới [6]. Đến năm 1987, Hoàng Xuân Hãn công bố tiếp bản biên khảo, giới thiệu hoàn hảo hơn [4].

Trong bài viết này chúng tôi dùng bản phiên âm của Hoàng Xuân Hãn làm bản so sánh với lam bản của nó. Tác phẩm gồm 2.396 câu (tính cả những phần thơ văn không viết theo thể lục bát), đoạn kết bị mất nên không biết chính xác tác phẩm cụ thể có bao nhiêu câu (theo Hoàng Xuân Hãn thì mất chỉ khoảng 4 câu là nhiều). Chúng tôi không đặt vấn đề khảo sát lại việc phiên âm, vì tin rằng với một học giả có uy tín như Hoàng Xuân Hãn thì sai sót là rất ít, hơn nữa, sai sót một vài chữ thì cũng không ảnh hưởng bao nhiêu đến bài viết.

Truyện Song Tinh tuy không phải là tác phẩm xuất sắc, đạt đến những giá trị văn học như Truyện Kiều hay Hoa tiên, nhưng khi nói đến truyện thơ Nôm người ta không thể không nghĩ đến nó. Bởi vì đây là tác phẩm có niên đại sinh thành sớm nhất trong số truyện thơ Nôm có tên tác giả. Tác phẩm đã đóng một dấu mốc hết sức quan trọng trong lịch sử thể loại truyện thơ Nôm và lịch sử tiếp nhận tiểu thuyết Trung Quốc ở Việt Nam.

Trước đây, trong luận án tiến sĩ Nghiên cứu mối quan hệ giữa truyện Nôm Việt Nam với tiểu thuyết Trung Quốc Trần Quang Huy không xếp Truyện Song Tinh vào nhóm truyện chuyển thể (cải biên), mà xếp vào nhóm tác phẩm do tác giả tự sáng tác và chỉ chịu sự ảnh hưởng tiểu thuyết Trung Quốc ở phương diện mô típ, tình tiết mà thôi. Cho nên ông xếp tác phẩm này vào cùng nhóm với Sơ kính tân trang, Lục Vân Tiên. Ông viết: “Nhưng đến nay vẫn không có cách nào tìm ra câu chuyện được kể trong truyện này có nguồn gốc từ sách nào. Rất có khả năng đây là câu chuyện do tác giả tự sáng tác nhưng thác xưng là tác phẩm phiên dịch” [3, tr.49]. Vậy rõ là lúc bấy giờ ông không biết tác phẩm này được chuyển thể từ Định tình nhân.

Hiện Định tình nhân chưa được dịch sang tiếng Việt nên việc nghiên cứu so sánh giữa hai tác phẩm vẫn còn bỏ ngỏ. Đối với người nghiên cứu không đọc được Hán văn thì đây là một trở ngại lớn. Cũng chính vì vậy mà những công trình nghiên cứu Truyện Song Tinh đã được thực hiện vẫn còn những chỗ bất cập, chưa đạt được độ bao quát, sâu sắc, khoa học như mong muốn. Chẳng hạn, khi thực hiện công trình Ngôn ngữ nghệ thuật “Truyện Song Tinh” tác giả Lê Thị Hồng Minh phải nói:

Bởi một vấn đề khá hóc búa đặt ra đối với chúng tôi là: dùng tiêu chí nào để khẳng định những đóng góp về mặt nội dung của tác phẩm? Truyện Song Tinh cũng giống như một số truyện thơ Nôm bác học khác, là loại truyện thơ lấy cốt truyện từ truyện hoặc tiểu thuyết Trung Quốc. Trong điều kiện của chúng ta hiện nay, chúng tôi không có văn bản truyện Định tình nhân hoặc bản dịch truyện này, do đó, không có cơ sở so sánh để tìm ra những đóng góp, sáng tạo về mặt nội dung của Nguyễn Hữu Hào so với nguyên tác, như có thể so sánh Truyện Kiều với tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân…[7, tr.14]

Bài viết của chúng tôi không nằm ngoài mục đích nhằm khắc phục những bất cập nói trên. Nhưng do dung lượng bài viết có hạn nên chúng tôi chỉ đề cập những thủ pháp chuyển thể chính yếu của tác giả truyện thơ Nôm, từ đó sơ bộ rút ra những nguyên tắc nghệ thuật căn bản khi một tiểu thuyết văn xuôi tự sự được chuyển thể thành truyện thơ.

1. Nguyên tắc thứ nhất: Giản hoá tác phẩm

Khi so sánh một truyện thơ Nôm được chuyển thể với lam bản của nó (thường là một tiểu thuyết văn xuôi có hình thức chương hồi), thì cái dễ nhận thấy nhất đó là dung lượng của truyện thơ Nôm ít hơn rất nhiều so với lam bản. Đây là một nguyên tắc nghệ thuật căn bản được quy định bởi đặc tính thể loại khi chuyển thể từ tiểu thuyết chương hồi sang truyện thơ Nôm. Lí giải điều này Hoàng Xuân Hãn nói: “Cớ lớn là văn vần ở bản Nôm không thể kéo dông dài những câu chuyện mà văn xuôi ở nguyên bản khai triển dây dưa” [4, tr.28]. Một đặc điểm quan trọng của tiểu thuyết là có nhiều chi tiết phức tạp về cuộc sống, những chi tiết không nhất thiết bám sát vào cốt truyện nhân quả, phục vụ cho cốt truyện. Đối với truyện thơ Nôm bác học (hay của văn nhân) mà cốt truyện mượn từ tiểu thuyết, ca bản của Trung Quốc thì truyện thơ Nôm luôn cắt bớt chi tiết, sự việc. Trần Đình Sử nhận xét rằng: “Bởi vì truyện thơ Nôm, với tư cách truyện thơ, nó không thể dung chứa nhiều sự việc và chi tiết. Đó là vì với hình thức văn vần lục bát, truyện Nôm không thể kể, tả, thuyết minh tường tận chi tiết, quan hệ, nhân quả của sự việc như văn xuôi được” [8, tr.94]. Có lẽ vì vậy việc rút ngắn dung lượng tác phẩm luôn được các nhà làm truyện Nôm triệt để thực hiện. Chẳng hạn:

Tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện có dung lượng khoảng 120.000 chữ, được Nguyễn Du viết gọn lại với 3.254 câu lục bát = 22.778 chữ. Vậy lam bản có số lượng chữ nhiều gấp 5 lần truyện thơ Nôm; Tiểu thuyết Hảo cầu truyện có dung lượng khoảng 130.000 chữ, được Vũ Chi Đình diễn Nôm thành Hảo cầu tân truyện khoảng 1.800 câu lục bát (tác phẩm bị mất đoạn cuối, chỉ còn lại 1.718 câu lục bát) = khoảng 12.600 chữ. Vậy lam bản của Hảo cầu tân truyện có số lượng chữ nhiều gấp 10 lần nó; Với Truyện Song Tinh thì tình hình cũng vậy. Văn bản tác phẩm mất trang cuối. Theo Hoàng Xuân Hãn thì chỉ mất độ 4 câu lục bát là nhiều. Ta có thể tạm coi truyện Nôm này dài 2.400 câu (trong đó có 2 bài thơ luật 16 câu, 1 bức thư 40 câu, 1 bài văn tế 38 câu và 2.306 câu lục bát). Đại khái truyện có khoảng 16.800 chữ. Vậy tiểu thuyết Định tình nhân (khoảng 85.000 chữ) có số lượng chữ nhiều gấp 5 lần Truyện Song Tinh.

Người làm truyện thơ Nôm đã giảm thiểu dung lượng tác phẩm như thế nào? Dưới đây là một số thủ pháp chính yếu được chúng tôi quy nạp trong quá trình đọc đối sánh hai tác phẩm.

1.1. Cắt bỏ, tóm lược những chỗ kể, tả chi tiết, cụ thể trong lam bản

Tiểu thuyết với đặc trưng của nó là thường có những đoạn kể chuyện mở rộng hoặc miêu tả chi tiết sự vật, sự việc. Theo nhà nghiên cứu văn học Nga A. Chichêrin thì “nó chứa bao nhiêu cái “thừa” so với truyện vừa và truyện ngắn trung đại, mà nó lại là một phần chính yếu trong cấu thành của tiểu thuyết: các suy tư của nhân vật về thế giới và cuộc đời, sự phân tích cụ thể, cặn kẽ các diễn biến trong tình cảm nhân vật, mọi quan hệ, chi tiết hay sự việc trong tiền sử của nhân vật, môi trường, nói chung là về sự tồn tại của con người” [dẫn lại từ: 8, tr.98]. Đọc so sánh Truyện Song Tinh và tiểu thuyết Định tình nhân chúng ta thấy rõ ràng điều đó. Mở đầu truyện ta đã thấy biện pháp cắt bỏ này. Tiểu thuyết viết:

Chuyện kể rằng trước đây, ở huyện Song Lưu, phủ Thành Đô, Tứ Xuyên, có một người thuộc dòng dõi nhà quan, họ Song, nhân vì mẹ là Văn phu nhân nằm mộng thấy sao Thái Bạch đầu thai mà sinh ra, bèn lấy tên gọi là Song Tinh, tự Bất Dạ. Cha chàng là Song Giai Văn, từng làm đến chức Lễ bộ thị lang. Năm Song Tinh lên ba tuổi thì cha qua đời, dưới Song Tinh còn có người em trai, tên gọi Song Thần, kém Song Tinh hai tuổi. Hai anh em chàng, bởi vì cha đã khuất, đều do một tay Song phu nhân nuôi dưỡng và dạy bảo thành người. Thời gian này mặc dù hoàn cảnh gia đình sa sút, không sánh bằng năm xưa, nhưng may mắn ở chỗ Song Tinh trời sinh tài năng tuyệt vời, từ thuở nhỏ đã thông minh hơn người, lại thêm dung mạo đẹp đẽ, oai nghi xuất chúng. Đến tuổi trưởng thành, chàng học sâu hiểu rộng làu thông ngũ kinh, các bậc sĩ đại phu trong vùng đã gặp qua, không ai mà không chú ý đối đãi. Năm chàng 15 tuổi, ngẫu nhiên ra dự thi vào trường thử cho vui, không ngờ lại đậu. Đến ngày đưa chàng đi học, người ta thấy chàng cài trâm hoa khoác áo lụa, ấn đường rộng mở, mặt trắng như tuyết, môi đỏ như son, ngồi trên lưng ngựa, đi thẳng về phía nhà học, thật bội phần tươi đẹp. Những người trông thấy không ai mà không khen ngợi, cho rằng đây đúng là trang tú tài trẻ tuổi phong lưu, vậy là một thời làm xôn xao các nhà có con gái trong thành, tất thảy đều ao ước, hoặc là cậy nhờ bạn bè, hoặc là giao phó cho kẻ mối mai, muốn cầu Song Tinh làm con rể. Nào ngờ Song Tinh tuy tuổi đời còn trẻ nhưng tâm ý đã định rất già dặn, từ thuở nhỏ đã có người cùng chàng nói chuyện kết thân, chàng chỉ lắc đầu không ưng.

(Trong các đoạn trích dẫn tiểu thuyết Định tình nhân phần chữ nghiêng là biểu thị những nội dung được người làm truyện thu nhận chuyển sang truyện thơ Nôm có thể tương đối trung thành hoặc chỉ tóm lược, còn phần chữ đứng là biểu thị những nội dung đã bị người làm truyện thơ cắt bỏ)

Đoạn trên được tác giả truyện Nôm diễn âm lại như sau:

9. Thục Xuyên có gã họ Song,

Tự là Bất Dạ, nho phong nổi nền.

Lễ văn họp bạn nhà chiên,

Mực rơi điểm ngọc, thơ nên gõ vàng.

Thế tình khí vũ hiên ngang,

Thẳm khơi độ lượng, rỡ ràng nghi dung.

15. Đòi nơi phủ tía lầu hồng,

Chốn lăm quyến phượng, chốn hòng rủ tơ.

(Con số ở đầu câu thơ là số câu thơ trong truyện Nôm)

Đối chiếu cụ thể ta thấy tác giả truyện thơ Nôm đã dùng hai biện pháp chính yếu để rút ngắn. Biện pháp thứ nhất là cắt bỏ những chỗ kể, tả chi tiết và biện pháp thứ hai là tóm lược.

Chi tiết liên quan đến “tiền sử của nhân vật”, cho biết vì sao mà nhân vật được đặt tên là Song Tinh, tự là Bất Dạ đã bị cắt bỏ. Tiếp theo, những thông tin có tính lập hồ sơ “khai lí lịch” nói về cha mẹ, anh em, gia cảnh cũng đã bị người làm truyện “mạnh tay” cắt bỏ. Chi tiết tài năng của chàng được các bậc sĩ đại phu trong vùng trọng vọng, thi cử đỗ vào trường học trong vùng khi mới 15 tuổi ra sao cũng bị cắt bỏ. Và những miêu tả cụ thể dung mạo của Song Tinh, những thông tin nói về sự già dặn, không vội vàng trong chuyện hôn nhân của chàng cũng không còn nữa.

Tiểu thuyết viết bằng văn xuôi có thế mạnh là miêu tả tỉ mỉ, tường tận sự vật, sự việc đi ra ngoài mạch chính của câu chuyện mà không sợ mắc phải lỗi kể lể cà kê dê ngỗng như truyện thơ. Khuôn khổ và đặc trưng thi pháp của thể loại đã hạn chế truyện thơ trong việc tái hiện lại những chi tiết quá ư tỉ mỉ, cụ thể trong lam bản. Chẳng hạn đoạn Nhuỵ Châu ra mắt Song Tinh, mặc dầu tác giả truyện thơ đã dùng đến 26 câu lục bát để tái hiện lại một đoạn miêu tả không dài lắm trong tiểu thuyết, nhưng xem ra rất nhiều chi tiết hiện thực được miêu tả tỉ mỉ, cụ thể trong tiểu thuyết đã bị bỏ mất. Đặc biệt là đoạn miêu tả Nhuỵ Châu trang điểm, chải tóc, vẽ mày, cài trâm ra sao, mặc áo trong áo ngoài, váy xiêm, trang sức như thế nào:

Tiểu thư nghe xong, thấy không thể chối từ, đành phải đến trước bàn trang điểm, chải lại mái tóc mềm, tô đậm đôi mày cong, cài trâm hai bên trái phải, phụng vàng điểm trang lên đầu. Bấy giờ đang là đầu hạ, tiểu thư mặc chiếc áo trong bằng gấm màu xanh liễu non điểm những chấm hoa tròn, bên ngoài khoác áo màu xanh đen có nhiều đóa hoa nối tiếp nhau, là váy the tám nếp, lại buộc sợi dây ngũ sắc, trên đó mắc vào mấy món ngọc bội điểm trang, chân vận ống váy làm bằng lụa có vân thêu thành những cánh hoa sen, thấp thoáng lộ ra một chấm hài hồng.

Những dòng miêu tả hết sức cụ thể, chi tiết tường tận ấy có lẽ là một thách thức khó vượt qua đối với người làm truyện thơ. Hai câu diễn Nôm tương ứng “Nàng bèn trở lại song sa,/ Phấn hương trang điểm, ỷ là đổi thay” chỉ là một sự lược thuật hoàn toàn thiếu vắng màu sắc, hình khối, đường nét, số lượng cụ thể.

Nhiều chi tiết hiện thực hết sức trần tục được miêu tả cụ thể trong tiểu thuyết khi chuyển sang truyện Nôm thì thông tin trở nên chung chung, mờ nhạt. Chẳng hạn, khi nghe Viên Không nêu ra mối nguy Nhuỵ Châu có thể trả thù khi được chọn làm phi tần của thái tử, rồi trở thành hoàng hậu uy quyền thì:

Hách công tử nghe xong lời này, bất giác trên đầu giống như có thiên lôi đánh xuống, trong lòng vô cùng sợ hãi, chân khụy xuống đất. Mọi người vội dìu về phủ, giao cho bọn tì nữ đưa vào. Ái Thư liền thu xếp đưa lên giường nghỉ ngơi. Mối tâm sự này y lại không dám nói ra, chỉ rầu rầu giấu trong lòng. Si công tử từ hôm bị Ái Thư dùng chiêu hàng ma phục hổ kiềm chế, dấy lên tâm lí sợ vợ, lại không dám để lộ ra không có khả năng, sớm tối đương không nổi những ngón nghề riêng do cha mẹ truyền cho của Viên thị. Nàng ta đem những tuyệt chiêu dụ ong gọi bướm, khiến cho Si công tử truy hoan đến nỗi bất chấp tính mạng, cổ họng ho hen, thân thể hao gầy, không đầy hai năm thì Diêm Vương đã gọi về cõi u minh. Ái Thư hối hận thì đã muộn, sau đó chịu khổ như thế nào không nhắc đến nữa.

Đoạn tiểu thuyết trên được diễn Nôm như sau:

1449. Hách Sinh tỏ nỗi sự cơ,

Phách hồn phiêu lạc, tâm tư lềnh chềnh.

Bỗng đâu gió lửa bội chừng,

Ô hô! Hách đã chơi miền âm cung.

1453. Cho hay thiên đạo chí công,

Bởi mình ích kỉ, mống lòng hại nhân.

(Những câu thơ do người làm truyện Nôm sáng tạo, không có trong nội dung lam bản, chúng tôi biểu thị bằng chữ đứng)

Đọc mấy câu trên của truyện Nôm thì người ta chỉ biết đại khái Hách Viêm vì lo sợ quá, hồn bay tâm loạn, bị cảm gió bốc hỏa mà chết. Thông tin về nguyên nhân dẫn đến cái chết của Hách Viêm rõ ràng còn thiếu sót rất nhiều. Phải chăng truyện thơ với đặc tính thể loại của nó mà tác giả đã bỏ qua, không nêu ra cái nguyên nhân quá ư trần tục, không được “nhã” trong cái chết của gã Si công tử?

 Có thể nói, rất nhiều chi tiết đời sống, cử chỉ, lời nói bộc lộ tâm lí của nhân vật được miêu tả hết sức cụ thể, tinh tế trong tiểu thuyết đã bị người làm truyện thơ bỏ qua một cách đáng tiếc, hay nói như Phan Ngọc là bị loại bỏ một cách “tàn nhẫn”.

Tiểu thuyết linh hoạt hơn truyện thơ rất nhiều trong việc chuyển tải thông tin đến độc giả. Tác giả tiểu thuyết có thể kết hợp thoải mái các thủ pháp miêu tả, đối thoại, độc thoại nội tâm và cả thơ từ đề vịnh, còn truyện thơ thì khó thể hiện hơn nhiều. Hình thức ngôn từ của thể loại đã câu thúc người viết rất nhiều, trung thành với những tình tiết, ý tứ, cách biểu đạt trong lam bản (tiểu thuyết), thì chỉ cần non tay một chút đã tạo ra những câu thơ kể lể, thô vụng. Khái quát, cô đọng, lời ít ý nhiều là đặc trưng của truyện thơ. Nhưng những đặc trưng thể loại đó lại rất dễ biến truyện thơ thành lời kể chuyện đơn tuyến, một giọng khô khan. Trần Đình Sử nhận định: “Việc miêu tả hành động trong truyện Nôm rất giản lược, và hành động ở đây mang nhiều tính chất tỏ lòng, ước lệ, và người ta không mong muốn tìm thấy bóng dáng sự sống thực ở hành động” [9, tr.343].

Có thể nói, cắt bỏ, tóm lược những chỗ kể, tả chi tiết, cụ thể trong lam bản là biện pháp chính yếu để người soạn truyện Nôm giảm dung lượng của tiểu thuyết. Biện pháp này ta bắt gặp đều khắp ở các hồi của tiểu thuyết. Ngoài ra, tác giả truyện Nôm còn dùng một biện pháp giảm dung lượng mạnh tay hơn nữa, đó là lược bỏ những đoạn tiểu thuyết rời xa mạch chính của câu chuyện.

1.2. Cắt bỏ những đoạn tiểu thuyết rời xa mạch chính của câu chuyện

Khi tiểu thuyết triển khai những câu chuyện phụ với những sự kiện, nhân vật rời xa mạch chính của truyện thì đó là những chỗ dễ bị người làm truyện Nôm cắt bỏ nhất. Dẫu cho câu chuyện ấy có lí thú đến đâu đi nữa thì vẫn có nguy cơ làm cho mạch kể của truyện Nôm bị loãng. Đứng ở góc độ thi pháp tiểu thuyết văn xuôi thì ta có thể nói rằng những câu chuyện rời xa mạch chính ấy không phải là thừa, nhưng đứng ở góc độ thi pháp truyện thơ Nôm thì có thể xem nó là thừa, bởi thể loại truyện thơ không thể dung chứa quá nhiều những chi tiết cành nhánh rườm rà.

Trong hồi 1 của tiểu thuyết có một đoạn dài gần 4 trang Hán văn kể lại việc Bàng Tương, bạn học của Song Tinh, giúp Song phu nhân khuyên chàng cưới vợ, tận tình đưa chàng đến từng nhà xem mắt các cô gái đẹp tuổi đôi tám, nhưng Song Tinh không để mắt đến ai cả, và giữa hai người có một cuộc tranh luận sinh động, lí thú về tình yêu - hôn nhân. Đây là đoạn quan trọng Song Tinh phát biểu quan niệm tình yêu - hôn nhân tiến bộ, không theo lẽ thường tình của mình, đồng thời cũng là đoạn bộc lộ chủ đề tư tưởng cốt lõi được đúc kết thành tên tác phẩm Định tình nhân. Nhưng tiếc là người làm truyện Nôm đã cắt bỏ tất cả (Vì đoạn văn khá dài nên chúng tôi xin không trích dẫn).

Đáng chú ý là, tiểu thuyết Định tình nhân gồm 16 hồi, thế mà trong đó người viết tiểu thuyết đã dành đến gần 3 hồi kể chuyện Hách Viêm cầu hôn Nhuỵ Châu không được rồi quyết tâm lập kế trả thù, kể việc y câu kết với tên Viên Không như thế nào, bị Viên Không lừa gả con gái của y là Ái Thư ra sao, sự việc bại lộ dẫn đến cơ sự như thế nào,…rất là tường tận, chi tiết. Câu chuyện rời xa mạch chính này ở tiểu thuyết có nhiều tình tiết đan cài vào nhau, được kể đến gần 3 hồi, tổng cộng 28 trang, khoảng 16.000 chữ, gần như được người làm truyện Nôm cắt bỏ hết, chỉ diễn Nôm một vài tình tiết ở phần đầu, cụ thể là từ câu 1079 đến câu 1104.

Việc cắt bỏ như thế là do quyết định của cá nhân người làm truyện, hay phải chăng là do truyện thơ Nôm là thể loại khó có thể dung chứa những chi tiết rườm rà, quá nhiều cành nhánh vươn ra khỏi thân cây tiểu thuyết? Hoàng Xuân Hãn cho rằng: “Làm thế, thì cốt chính chuyện được bật rõ ra, nhưng cũng làm bớt tính cách hiện thực của các tiểu thuyết Trung Quốc từ đời Trung cổ” [4, tr.31]. Quả thật là vậy. Khi so sánh hai tác phẩm chúng ta phải căn cứ vào đặc trưng thi pháp của hai thể loại mà nhận xét, đánh giá. Ta có thể nói, việc Nguyễn Hữu Hào mạnh tay cắt bỏ phần rời xa mạch chính đó là hợp lí, là thích đáng, vì khuôn khổ của truyện thơ không cho phép dàn trải, kể tả chi tiết. Nhưng không thể vì vậy mà ta cho rằng phần tiểu thuyết mà người làm truyện Nôm cắt bỏ là thừa thải, là lan man, không cần thiết. Bởi vì tiểu thuyết có một đặc điểm quan trọng là “nó có nhiều chi tiết phức tạp về cuộc sống, những chi tiết không nhất thiết bám sát vào cốt truyện nhân quả, phục vụ cho cốt truyện” [8, tr.94]. Cho nên ta không thể nhận định một cách phiến diện, chủ quan rằng truyện thơ Nôm không thừa thải, rất súc tích, hay hơn lam bản của nó. Như Hoàng Xuân Hãn đã nói, phần tiểu thuyết bị cắt bỏ thể hiện cái “tính cách hiện thực của các tiểu thuyết Trung Quốc”, thông qua đó ta nhận thức được bức tranh xã hội Trung Quốc trước đây như thế nào.

Hơn nữa, việc tác giả truyện Nôm cắt bỏ những đoạn, những hồi ở lam bản cũng đã dẫn đến hệ quả là khá nhiều nhân vật phụ trong tiểu thuyết đã biến mất khỏi tác phẩm. Đây cũng là một điểm chung của những truyện Nôm được chuyển thể từ tiểu thuyết Trung Quốc. Trong Truyện Song Tinh việc cắt bỏ ấy đã làm cho các nhân vật trong tiểu thuyết như Bàng Tương, sư thầy Tĩnh Viễn, sư thầy Huệ Độ, Mạc Tri phủ, Ái Thư, Mục thị - vợ của Viên Không, Hách phu nhân - mẹ của Hách Viêm,… không còn nữa.

Việc tác giả truyện Nôm cắt bỏ những đoạn tiểu thuyết kể các câu chuyện cành nhánh rời xa mạch chính của truyện và hệ quả là các nhân vật trong đó cũng không còn, đứng ở góc độ thi pháp truyện thơ Nôm có thể xem đó là biện pháp hợp lí. Quả thật khuôn khổ, dung lượng, hình thức kể chuyện bằng thơ đã bó buộc thể loại truyện Nôm rất nhiều về phương diện tự sự. Song, không vì vậy mà ta không nhìn nhận những sáng tạo của tác giả truyện thơ Nôm ở phương diện khác.

Theo Trần Đình Sử, về phương diện tự sự thì truyện Nôm đã “thể hiện sự đi sau” của nó so với “tư duy tiểu thuyết của Trung Quốc” [8, tr.99]. Nhưng, việc chuyển từ một tác phẩm văn xuôi tự sự tương đối dài, với nhiều chi tiết rườm rà, phồn tạp sang một tác phẩm bằng văn vần, thể hiện bằng ngôn từ thi ca, không tiện lợi cho việc trần thuật, thì truyện Nôm là một công trình đòi hỏi sự sáng tạo không nhỏ của tác giả. Hơn nữa, xét ở góc độ thi ca, trữ tình thì thể loại này có thể đạt đến những giá trị kinh điển vào bậc kiệt tác như Truyện Kiều. Đó chính là những giá trị sáng tạo chính yếu của truyện thơ Nôm. Vì vậy chúng tôi xem xét những sáng tạo của tác giả truyện thơ Nôm nói chung, Truyện Song Tinh nói riêng trên nguyên tắc nghệ thuật cốt lõi là việc nhã hoá tác phẩm.

2. Nguyên tắc thứ hai: nhã hoá tác phẩm

Từ một tiểu thuyết viết bằng văn xuôi vốn nhiều chi tiết rườm rà, chuyện kể dàn trải, chuyển sang truyện thơ Nôm, một thể loại bị gò bó về dung lượng, phải thể hiện bằng văn vần với ngôn từ thi ca, đó là một thách thức đối với người chuyển thể tác phẩm. Khi làm truyện Nôm, tác giả phải trải qua quá trình lựa chọn, xem nội dung nào thì lấy nội dung nào thì bỏ, rồi tái tạo sao cho thành những câu lục bát có vần có điệu, ngôn ngữ thanh thoát có chất thơ. Đấy là một việc làm đòi hỏi phải dụng công nghệ thuật. Trong Truyện Song Tinh ta bắt gặp rất nhiều đoạn Nguyễn Hữu Hào diễn Nôm hết sức điêu luyện, không những nội dung truyện Nôm tái tạo được chi tiết trong lam bản mà câu chữ còn thể hiện những những ý tứ uẩn súc, tinh tế đậm chất thơ. Chẳng hạn, dưới đây là lời Thái Vân an ủi Nhuỵ Châu:

Thái Vân bèn đứng bên an ủi rằng: “Tiểu thư không phải quá đau lòng, việc trong thiên hạ rất khó lường được. Tiểu thư là người đẹp tuyệt thế, Song công tử là tài tử trời sinh, đã vừa khéo gặp nhau, kết làm vợ chồng, trong chuyện này nếu như không phải có ý trời, quyết là không đến như thế được. Nay bỗng nhiên gặp cơn sóng gió này, chính là cái gọi có chí thì nên mà thôi. Làm sao biết được khổ tận lại chẳng có cam lai! Xin tiểu thư nhẫn nại”.

Lời an ủi trên được diễn Nôm lại như sau:

1269. Vân nghe sẩy chạnh ngùi ngùi,

Lệ châu chan chứa, gạn lời khuyên lơn:

- “Dám xin gác lấy cơn phiền,

“Tùy cơ ứng biến ngõ tuyền cựu minh.

“Xưa nay mấy khách chung tình,

Hễ là hảo sự, đã đành đa ma.

1275. Trời còn có bụng thương ta,

Đắng qua ngọt lại, thu xa đông vầy.

Chân duyên chẳng nệ kíp chầy,

Ngự câu hồng diệp xưa nay còn truyền”.

Số chữ của đoạn diễn Nôm tương đương với tiểu thuyết, câu chữ khá mượt mà, thanh thoát. Trong đó hai thành ngữ “đắng qua ngọt lại”, “thu xa đông vầy” được thể hiện bằng hình thức tiểu đối hết sức điêu luyện (câu 1276), điển tích “hồng diệp” (lá thắm) ở câu 1278 ngầm chỉ chia li rồi cũng có ngày đoàn tụ được dẫn dụng cũng hết sức tự nhiên.

Đọc đối sánh hai tác phẩm chúng ta thấy sự khác biệt khá rõ về phong cách giữa hai thể loại: tiểu thuyết Trung Quốc mang phong cách thông tục, còn truyện thơ Nôm có phong cách cao nhã. Hai phong cách này thể hiện rõ qua ngôn ngữ nghệ thuật. Đánh giá ngôn ngữ nghệ thuật của truyện thơ Nôm, thông thường người ta xét cách dùng từ đặt câu của tác giả, trong đó tiêu biểu là những biện pháp tu từ mà tác giả sử dụng. Chẳng hạn, trong công trình Thi pháp Truyện Kiều tác giả Trần Đình Sử đã rất thành công khi nghiên cứu ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm thông qua các biện pháp đối ngẫu, sóng đôi, ẩn dụ, điển cố. Các biện pháp tu từ nói trên là những đặc tính nổi bật của ngôn ngữ thơ ca cổ điển. Các biện pháp trên nếu được dùng nhiều và điêu luyện thì tác phẩm sẽ được đánh giá cao vì nó là biểu hiện của ngôn ngữ bác học, hay văn học cao nhã. Truyện thơ Nôm vì được viết bằng thơ nên cũng như vậy. Nghiên cứu so sánh loại truyện thơ Nôm được chuyển thể từ tiểu thuyết thông tục Trung Quốc mà không xét sự sáng tạo của tác giả truyện Nôm ở khía cạnh ngôn ngữ thì đó là một thiếu sót lớn. Dưới đây chúng tôi trình bày sơ lược về ba biện pháp tu từ nổi bật là đối ngẫu, sóng đôi và điển cố trong Truyện Song Tinh. Ba biện pháp này có thể xem là những thủ pháp nghệ thuật căn bản để tác giả nhã hoá tác phẩm.

2.1. Đối ngẫu

Như chúng ta đều biết, đối ngẫu trong thơ ca tạo hiệu ứng vững chãi, cân đối, nhiều tương phản, giàu nhịp điệu, tạo cảm xúc thơ và thể hiện tính bác học cho ngôn ngữ thơ. Trong các truyện thơ Nôm được xếp vào loại bình dân chúng ta ít bắt gặp biện pháp tu từ này. Đối ngẫu trong thơ lục bát hay truyện thơ Nôm viết theo thể lục bát là loại tiểu đối. Tuy ra đời trước Hoa tiên, Truyện Kiều cả trăm năm, nhưng những câu thơ có cấu trúc tiểu đối trong Truyện Song Tinh có số lượng hết sức lớn. Trong tác phẩm, ta bắt gặp thường xuyên những câu có cấu trúc tiểu đối điêu luyện, tài hoa như:

04. Chấp kinh mặc khách, tòng quyền dầu ai; 20. Dễ lời môi ước, tiện bề hôn nhơn; 34. Trăng già mối kết, đào non thơ bài; 36. Đạo hòa cầm sắt, duyên hài phượng loan; 66. Ý xuân giục khách, bạn thơ quyến người; 70. Đá hang rêu tỏa, cỏ cây khói lồng; 76. Rong treo tường biếc, lau dừng lối hoa; 88. Liễu khoe mày lục, đào cười môi son; 90. Xe dừng điếm nguyệt, ngựa bon dặm hòe; 98. Khăn lòa tóc hạc, áo nồng khói hương; 150. Sớm han bạn rượu, tối chào khách thơ; 168. Quán kình sớm náu, am thiền tối chơi; 224. Rương không châu báu, giá đầy thi thư; 226. Đông chày áo mỏng, bếp trưa khói tàn; 228. Sân sương sớm lại, nhà huyên tối gìn; 242. Xuân vầy hang lạnh, mưa nhuần rễ khô; 244. Núi non ơn đội, hải hà lượng dong; 292. Hoa xuân thức ánh, nguyệt thu vẻ bày; 336. Đài gương hoa ánh, đáy hồ nguyệt in; 338. Mày nga khói dạm, tóc choang mây lồng; 340. Sóng ngời mắt phượng, ráng phong má đào; 358. Kẻ chờ cá nhảy, người trông chim truyền; 658. Reo cười nhà vắng, than chào vách không; 894. Phấn mai nắng ánh, áo hồng gió bay; 898. Kẻ trong tường phấn, người ngoài song mây; v.v…

Ở đây chúng tôi không dẫn ra những kiểu đối một phần trong câu như đối nửa đầu câu (thí dụ: Phong lưu,/ phú quý ai bì), đối nửa cuối câu (như: Trải bao thỏ lặn,/ ác tà), đối giữa câu (như: Nghĩ người ăn gió/ nằm mưa xót thầm), đối hai đầu câu (như: Tình sâu mong trả nghĩa dày),… mà chỉ kể ra kiểu đối chỉnh chia đôi câu thơ ra làm hai vế. Về kiểu đối chỉnh này, trong Truyện Song Tinh hầu như nằm ở câu bát, ít bắt gặp ở câu lục. Có khi trong mỗi vế đối lại có đối hết sức điệu nghệ, như:

1276. Đắng qua ngọt lại,/ thu xa đông vầy.

Trong câu trên tác giả dùng hai thành ngữ để đối nhau, nhưng bản thân hai thành ngữ đó cũng có cấu trúc tiểu đối: Đắng qua/ ngọt lạithu xa/ đông vầy. Cũng có câu cấu trúc đối gần giống như trên, nhưng có hình thức như kiểu liệt kê khá đặc biệt, hao hao như câu “Giọt dài/ giọt ngắn,/ chén đầy/ chén vơi” trong Truyện Kiều:

64. Đeo cầm,/ tròng hạc,/ gác yên,/ giục lừa.

Cũng có khi ta bắt gặp một đoạn truyện thơ có cấu trúc đối liên tiếp ở cả câu lục và câu bát hết sức điêu luyện, tài hoa, như:

599.Ví đem tình bạc/ tính khinh,

Liễu tường sớm viếng,/ trăng thành tối đưa.

Vui quen quyến gió/ rủ mưa,

Bấm cầm xui Trác,/ gieo thơ ghẹo Hàn.

Hoa tường/ cỏ nội vơ càn,

Hôi thơm chẳng biệt,/ mọc tàn nào hay.

605. Rỗng không gan cáo/ ruột cầy,

Béo bùi xum tới,/ đắng cay lánh rời.

Đặc biệt, ta còn thấy cả một đoạn truyện thơ dài có cấu trúc đối liên tiếp, cũng điêu luyện, tài hoa chẳng kém bao nhiêu so với đoạn trên. Đó là đoạn thơ từ câu 481- 518:

481. A hoàn hầu dõi năm ba,

       Xạ hương mùi nức,/ ỷ là thức phau.

…………………………………

517. Tưởng thôi nổi trận tương tư,

       Giấc mai phảng phất,/ hồn mai mơ màng.

Đoạn thơ này gồm 38 câu, trong đó cấu trúc đối ở câu bát có 17 câu, ở câu lục có 7 câu, tổng cộng có đến 24 câu. Tần suất đối ngẫu liên tiếp như hai thí dụ vừa nêu thì đến cả Truyện Kiều cũng không thể vượt qua. Với biện pháp đối ngẫu thể hiện trong tác phẩm chúng ta càng thấy rõ hơn sức sáng tạo của Nguyễn Hữu Hào trong Truyện Song Tinh, sức sáng tạo mà không phải văn nhân nào cũng có được. Những câu thơ đối ngẫu điêu luyện ấy đã góp phần nhã hoá tác phẩm cao độ.

2.2. Phép sóng đôi

Sóng đôi hay gọi chuẩn xác hơn là sóng hàng, bài tỉ. Sóng đôi có tác dụng làm cho cấu trúc của lời văn, lời thơ chỉnh tề, nhất quán; đồng thời do sự lặp lại của từ ngữ, cấu trúc câu mà lời văn lời thơ có nhịp điệu tuôn chảy, có khí thế mạnh mẽ. Chính vì vậy mà người viết thường dùng phép sóng đôi để thể hiện ý tứ, tình cảm có tính tăng cấp, tạo hiệu quả nhấn mạnh điều được nói đến. Trong Truyện Song Tinh biện pháp tu từ này nhìn chung không được dùng nhiều, hình thức bài tỉ phần lớn còn đơn lẻ, chưa có những đơn vị bài tỉ trùng điệp tạo hiệu quả cao như trong Truyện Kiều. Dưới đây là một số câu thơ có hình thức sóng đôi:

Để nhấn mạnh việc Song Tinh được rất nhiều gia đình quyền quý muốn kén chàng làm rể, tác giả viết:

15. Đòi nơi phủ tía lầu hồng,

Chốn lăm quyến phượng, chốn hòng rủ tơ.

Hay để cho Giang Chương tỏ rõ việc đi câu của mình chính yếu là để hóng gió chứ đâu thích câu hay thèm cá:

125. “Dủ cần mảng hứng đông phong,

“Há rằng thèm cá, há rằng ham câu!”

Để tả trạng thái tương tư Nhụy Châu đến mức mê mẩn thần hồn của Song Tinh tác giả đã dùng cấu trúc lặp lại này:

519.  Bên màn ngọc ỷ ghé nương,

Mĩa dường nửa tỉnh, mĩa dường nửa say.

Hay để nhấn mạnh tâm trạng lo lắng, không yên của Nhuỵ Châu về mối lương duyên của mình với Song Tinh:

587. Hoặc là tài đức chưa tuyền,

Hoặc lo quê vực xa miền nước non.

“Hay là muốn nối nghĩa con,

“Cho nên chưa quyết, hãy còn ngại chăng?”

Vì lo lắng không kết được mối duyên lành với Nhuỵ Châu nên Song Tinh thất tình ngã bệnh. Sau khi được Thái Vân nói rõ căn nguyên trong lòng Nhuỵ Châu chất chồng, đan xen nhiều thứ tình cảm trái ngược nhau:

707. Nàng nghe, phút chốc đã tường,

Nực cười, nực giận, nửa thương, nửa sầu.

Cười vì vả đấng mày râu,

Minh cầu không chước, ám cầu không nhân.

Giận vì chút chẳng cơ quan,

Ví thông lời ngỏ, khôn hàn tiếng bay.

Thương vì cách trở nước mây,

Lối kia dù trái, nghĩa này ắt vơ.

715. Sầu vì dì gió lẳng lơ,

Đã day lòng thắm, lại sơ mối mành.

Nhìn chung phép sóng đôi trong Truyện Song Tinh hãy còn đơn giản, cú thức chưa được chặt chẽ, nên hiệu quả nghệ thuật vẫn còn hạn chế. Nhưng có thể xem đó là những bước đi nghệ thuật ban đầu của truyện thơ Nôm để sau đó Hoa tiên, Truyện Kiều bước tiếp lên đỉnh cao của thể loại, làm khuôn mẫu của loại truyện thơ Nôm bác học.

2.3. Điển cố

Điển cố là một trong những biện pháp tu từ cơ bản của văn chương cổ điển. Điển cố thỏa mãn nhu cầu tiết kiệm câu chữ, ít lời nhiều ý, ngoài ra nó còn đắc dụng trong những trường hợp tế nhị, nói điều không tiện nói rõ ra. Tuy nhiên, dùng điển cố không dễ, không phải cứ dùng điển cố là hay, là thể hiện được tính bác học, cao nhã. Nếu không khéo léo thì việc dùng điển sẽ rơi vào hình thức chủ nghĩa, cốt chỉ khoe lòe sự uyên bác của người làm văn mà thôi. Trong Truyện Song Tinh ta thấy tác giả sử dụng khá nhiều điển cố, nhưng so với lam bản thì chưa hẳn đã nhiều hơn, chứng tỏ người làm truyện không bị ảnh hưởng lam bản, sử dụng điển cố có chọn lọc. Phần lớn những trường hợp dẫn dụng điển cố của tác giả là thỏa mãn nhu cầu dùng điển, dẫn khéo dùng tinh nên đạt hiệu quả nghệ thuật.

Chẳng hạn, khi nói về tình duyên thiên định, hôn nhân đôi lứa, tác giả đã kết hợp dùng hai điển “trăng già”, “đào non” hết sức tự nhiên, nhuần nhị:

33. “Mặc cơn kỳ ngộ dẩy dun,

“Trăng già mối kết, đào non thơ bài”.

Hoặc để nói ý tình duyên có khi trắc trở, phân li, nhưng rồi vẫn có hi vọng đoàn tụ bên nhau như đôi tình nhân trong tích “hồng diệp” (lá thắm) ngày nào:

1277.Chân duyên chẳng nệ kíp chầy,

Ngự câu hồng diệp xưa nay còn truyền”.

Hay trong câu sau người viết truyện đã sử dụng điển “thủ châu đãi thố” (ôm cây đợi thỏ > chờ thỏ ấp cây) khá khéo léo để chỉ sự mong chờ, khao khát được đến bên nhau của đôi lứa:

539. Muốn toan chờ thỏ ấp cây,

Lại lo từ mẫu chầy ngày ỷ lư.

Để chỉ thời gian qua nhanh, đời người chẳng mấy chốc, má hồng nhanh chóng tàn phai, tác giả đã khéo léo lồng vào lời khuyên của Thái Vân điển “ngựa qua song” (bạch câu quá khích, bóng câu qua cửa):

557. Quen nhau, dường biết ý nhau.

Thể Vân thỏ thẻ châm sâu kẽ lòng:

- “Người đời dường ngựa qua song,

“Xuân qua thu lại, má hồng dễ phai”.

Thể Vân và Nhuỵ Châu tranh luận về chuyện nên chủ động hay không trong tình yêu. Nhuỵ Châu mắng Thái Vân đừng có hồ đồ đóng vai Hồng Nương, còn Thái Vân thì cãi rằng, nếu Thôi Oanh Oanh không tạo điều kiện thì đừng hòng Trương Sinh đến gần. Điển được dẫn hết sức tự nhiên:

619 - Nàng rằng: “Mày khéo mô hồ!

“Lướt vai Quế Nữ, mĩa đồ Hồng Nương!”

- Vân rằng: “Người luận cho tường,

“Ngươi Thôi chẳng hở, họ Trương dễ gần!”

Còn đây là lời chất vấn Nhược Hà của Thái Vân sau khi Nhược Hà nói cho Song Tinh biết chàng không có hi vọng cưới được Nhuỵ Châu, khiến Song Tinh tuyệt vọng ngã bệnh. Điển Điêu Thuyền, Lã Bố trong Tam quốc được dẫn cũng hết sức khéo léo:

787. - “Mày cùng Sinh lại hoa viên,

“Cớ sao bổng chốc hóa nên bệnh nghèo?

“Hay là học thói ả Điêu,

“Phượng Đình thấy vắng mà trêu Ôn Hầu?”

Tóm lại, trong các biện pháp tu từ trình bày ở trên, ta thấy biện pháp đối ngẫu là sở trường nổi bật của tác giả; việc sử dụng điển cố cũng cho thấy tác giả là một cây bút tài hoa; phép sóng đôi trong tác phẩm tuy chưa đạt đến trình độ điêu luyện, nhưng có thể xem đó là những bước đi nghệ thuật ban đầu của truyện Nôm để sau đó thể loại này vươn tới đỉnh cao của nó là Truyện Kiều. Truyện Song Tinh ra đời trước Truyện Kiều cả trăm năm, nhưng có thể nói ta bắt gặp trong tác phẩm này nhiều câu thơ điêu luyện, tài hoa không thua kém gì của Nguyễn Du. Những biện pháp nghệ thuật trên đã góp phần tạo phong cách bác học, nhã hoá tác phẩm. Truyện Song Tinh của Nguyễn Hữu Hào xứng đáng là một dấu mốc đặc biệt trong diễn trình của thể loại truyện thơ Nôm.

***

Việc diễn Nôm của nhà văn thời trung đại khác với việc phiên dịch của dịch giả thời hiện đại ở chỗ là khá tự do. Không những người làm truyện tự do trong việc chọn hay bỏ tình tiết, câu chuyện nào trong lam bản, tái tạo truyện ra sao, bám sát hay không bám sát nội dung lam bản, mà còn có thể thoải mái đưa vào truyện những nội dung không có trong lam bản. Có thể nói, lam bản chỉ là tấm vải và tác giả truyện thơ Nôm như người thợ, họ tự do cắt xén tấm vải ấy theo kiểu mẫu mình muốn, tự do thêu thùa hoa lá lên nền vải, và nếu thích thì có thể may chen vào những miếng vải khác của riêng mình. Những nguyên tắc và thủ pháp chuyển thể được rút ra từ việc nghiên cứu so sánh Truyện Song Tinh và lam bản của nó tuy là một trường hợp đơn lẻ, nhưng có thể góp phần vào việc tìm hiểu những nguyên tắc và thủ pháp chuyển thể truyện thơ Nôm nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. 刘叶秋 朱一玄 张守谦 姜东赋 主编 :《中国古典小说大辞典》, 石家庄, 河北人民出版社, 1998.

2. 佚名:《定情人》, 明末清初小说第一函,李洛 苗壮 校点,春风文艺出版社,沈阳,1986.

3. 陳光輝:《越南喃傳與中國小說關係之研究》,國立台灣大學中國文學研究所博士論文, 1973 .

4. Nguyễn Hữu Hào, Truyện Song Tinh, Hoàng Xuân Hãn biên khảo-giới thiệu, Nxb Văn học, Hà Nội, 1987.

5. Nguyễn Hữu Hào, Truyện Song Tinh, Đông Hồ khảo cứu và sao lục, Nxb Bốn phương, Viện Văn nghệ-Hiên cổ lục, Sài Gòn, 1962.

6. Nguyễn Hữu Hào, Truyện Song Tinh, Nguyễn Thị Thanh Xuân khảo đính, phiên âm và chú thích, Nxb Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 1984.

7. Lê Thị Hồng Minh, Ngôn ngữ nghệ thuật “Truyện Song Tinh”, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2006.

8. Trần Đình Sử, Thi pháp Truyện Kiều, Nxb Giáo dục, 2002.

9. Trần Đình Sử, Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005.

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Niên san Bình luận văn học 2016, tr. 106-118.

Thông tin truy cập

60532882
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14375
10018
60532882

Thành viên trực tuyến

Đang có 315 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website