Truyện Kiều và văn học Quốc ngữ Nam Bộ - Khảo sát Túy Kiều phú và Túy Kiều án

In bài này

20201213 4

Tranh: Đoàn viên - Tác giả: họa sĩ Thành Chương 

Túy Kiều phú (Phú Túy Kiều) và Túy Kiều án (Án Túy Kiều) (người miền Nam ngày trước gọi Thúy Kiều là Túy Kiều) bản chữ Quốc ngữ đã từng được nhà nghiên cứu Thuần Phong Ngô Văn Phát[1] đề cập trong một biên khảo đăng trên tạp chí Bách khoa ở Sài Gòn cách nay năm mươi năm, nhân kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du (1965). Bốn bài viết của Thuần Phong gồm: Túy Kiều ở Đồng Nai (trình bày một cách tổng quát những ảnh hưởng của Truyện Kiều đến đời sống tinh thần, văn chương bình dân và văn chương của trí thức Nam Bộ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX); Túy Kiều với trí thức (nghiên cứu việc tiếp nhận Truyện Kiều của các tác giả: Trương Vĩnh Ký, Nguyện Văn Mai, Huỳnh Tịnh Của); Túy Kiều với đại chúng (những ảnh hưởng của Truyện Kiều đối với văn học dân gian, giới thiệu Túy Kiều ánTúy Kiều phú); Túy Kiều với kịch trường (giới thiệu nội dung và nghệ thuật tuồng hát bội Kim Vân Kiều, khẳng định Tuồng Kim Vân Kiều bản Trương Minh Ký phiên âm ra chữ Quốc ngữ (1895) là từ bản chữ Nôm của Bùi Hữu Nghĩa)[2]. Thuần Phong cũng cho biết các bài giới thiệu trên Bách khoa là một phần trong cuốn sách Túy Kiều ở đất Đồng Nai “sẽ được xuất bản trong nay mai”. Vì khuôn khổ tạp chí, nhiều tư liệu quý đã không được tác giả trình bày cặn kẽ. Chúng tôi mong muốn đọc trọn vẹn, đã cất công tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm thấy bản in sách công trình này. Hiện chúng tôi vẫn không biết là sách có được xuất bản hay không.

Nghiên cứu về quá trình lưu truyền, hình thức phổ biến Truyện Kiều ở Nam Bộ qua Túy Kiều phúTúy Kiều án, chúng tôi đã tựa trên những gợi dẫn, khai phá ban đầu hết sức quan trọng và thú vị của Thuần Phong Ngô Văn Phát trong các bài viết được công bố trên tạp chí Bách khoa.

1. Truyện Kiều và văn học Quốc ngữ Nam Bộ

Với chữ Quốc ngữ, Truyện Kiều đã xuất hiện trong đời sống người Nam Bộ với một hình thức mới, bên cạnh Kim Vân Kiều tân truyện bằng chữ Nôm của Duy Minh Thị. Truyện Kiều được tiếp nhận như thế nào ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX là một vấn đề thú vị. Trong văn học Quốc ngữ, Truyện Kiều là tác phẩm quan trọng, gợi nhiều hứng thú trong tiếp nhận của độc giả.

Trong xu hướng dịch thuật và giới thiệu văn học cổ dân tộc, Truyện Kiều được chú ý giới thiệu khá sớm. Trương Vĩnh Ký (1837-1898) là người đã phiên âm và chú giải Truyện Kiều ra chữ Quốc ngữ năm 1875, hơn nửa thế kỷ sau khi Nguyễn Du qua đời, và cách nay tròn 140 năm. Bản phiên âm của Trương Vĩnh Ký có tựa đề Kim, Vân, Kiều truyện[3]. Trong quá trình phiên âm chú giải, Trương Vĩnh Ký đã khéo đưa vào vốn từ đặc trưng phương ngữ Nam Bộ nhưng vẫn không làm mất đi vẻ đẹp nghệ thuật ngôn từ của Truyện Kiều. Góp phần đưa truyện thơ này đi sâu vào đời sống tinh thần người Nam Bộ còn phải kể đến sáng kiến của Trương Vĩnh Ký khi cho in kèm phần phụ lục là các tác phẩm thơ ca mang tính chất bình luận, phê bình, phân tích Truyện Kiều. Ngoài ra, Truyện Kiều được phổ biến sâu rộng còn nhờ công của một nhà văn Quốc ngữ khác là Huỳnh Tịnh Của (1830-1908) qua bộ từ điển Đại Nam quấc âm tự vị (1895; 1896). Nhiều ví dụ trong bộ từ điển này được lấy từ trong Truyện Kiều, nửa thế kỷ sau việc này mới được thực hiện trong Việt Nam tự điển của Hội Khai trí tiến đức.

Ở Nam Bộ trước 1945, các bản Truyện Kiều bằng chữ Quốc ngữ tương đối phổ biến, ngoài Kim, Vân, Kiều truyện của Trương Vĩnh Ký còn có các bản Kim Túy tình t của Phạm Kim Chi[4], Kim Vân Kiều (bổn cũ soạn lại) của Đặng Lễ Nghi[5], Truyện Kim Vân Kiều của Huyền Mặc Đạo Nhân[6].

Độc giả văn học Quốc ngữ Nam Bộ khi tiếp nhận bản Kim, Vân, Kiều truyện của Trương Vĩnh Ký không chỉ thích thú với nguyên tác Truyện Kiều mà còn dành tình cảm nồng hậu cho các phụ bản: một bài Kim, Vân, Kiều, phú; 36 bài Túy Kiều thi tập; 22 bài Kim, Vân, Kiều tập án. Nhà nghiên cứu Thuần Phong gọi ba phụ bản này là những “phó sản”. Ông cho rằng: “Chánh nguyên bổn Kim Vân Kiều đã gây nhiều vang bóng, phó sản của Kim Vân Kiều cũng đã gây nhiều ảnh hưởng rộng xa, - rộng xa hẳn hòi hơn nguyên truyện”[7].

Ba mươi sáu bài trong Túy Kiều thi tập, cách nay hơn một trăm năm đã góp phần tạo cảm hứng cho phong trào vịnh Kiều (t khoảng năm mươi năm trước) giữa những người trí thức tập trung quanh thi đàn Bạch Mai, Bình Dương, Chiêu Anh Các và Khổng Tước. Trong khi đó, số đông người đọc bình dân lại say mê Kim, Vân, Kiu phúKim, Vân, Kiều tập án.

Kim, Vân, Kiu phúKim, Vân, Kiều tập án có sự ảnh hưởng rộng xa trong đời sống xã hội Nam Bộ chính là nhờ được tách khỏi hình thức “cộng sinh”, “phụ bản”, “phó sản” với nguyên tác. Những “phó sản” này được in thành từng tập sách mỏng, những sinh thể văn nghệ độc lập được độc giả Nam Bộ đón nhận nồng hậu. Trương Vĩnh Ký có lẽ cũng không thể ngờ rằng, sáng kiến hoàn toàn cá nhân khi in kèm với nguyên tác những thơ án, phú, vịnh để làm những gợi dẫn đi vào thế giới Truyện Kiều lại được đồng bào của ông chuyển đổi, “soạn lại” thành những tác phẩm độc lập. Kim, Vân, Kiều tập án từ nguyên tác của Nguyễn Văn Thắng, qua bản phiên âm của Trương Vĩnh Ký đến những ấn bản in bằng chữ Quốc ngữ của các nhà in Huỳnh Kim Danh, Phạm Văn Thình, Nguyễn Văn Viết, Bảo Tồn, Xưa Nay, Thuận Hòa… đã mang những tên mới giản dị: Án Túy Kiều. Và Kim, Vân, Kiều phú chưa biết tên người sáng tác, từ bản phiên âm của Trương Vĩnh Ký biến thành Túy Kiều phú/ Kiều phú để đi sâu hơn vào đời sống tinh thần đại chúng. Những ấn phẩm ấy đã cho thấy một cách thức và hình thức đọc Truyện Kiều độc đáo ở Nam Bộ.

2. Từ Kim, Vân, Kiều tập án… đến Án Túy Kiều

Người khởi xướng làm văn án các nhân vật trong Truyện Kiều chính là Nguyễn Văn Thắng[8], Tham hiệp tỉnh Thanh Hoá. Tác phẩm của ông có tên Kim Vân Kiều án viết bằng chữ Nôm. Về sau, Kim Vân Kiều án được Trương Vĩnh Ký phiên âm ra chữ Quốc ngữ với tựa đề Kim, Vân, Kiều tập án, in kèm sau bản Kim, Vân, Kiều truyện. Trương Vĩnh Ký là người trước nhất phiên âm Kim Vân Kiều án ra chữ Quốc ngữ lưu hành ở Nam Bộ. Muộn hơn một chút, người Nam Bộ đã tiếp tục làm văn án các nhân vật Nguyệt Nga, Bùi Kiệm, Võ Phi Loan trong truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu.

Trên tạp chí Tri Tân, số 63, tháng 9-1942, có bài giới thiệu tư liệu Kim Vân Kiều án trong bài Án các nhân vật trong truyện Kiều. Tác giả sưu tầm giới thiệu tác phẩm này có nhầm lẫn khi cho rằng Kim Vân Kiều án là của Tam Nguyên Yên Đổ. Cụ Yên Đổ vốn có tên là Nguyễn Văn Thắng, lại là người từng tham gia vịnh Kiều nên người sưu tầm biên soạn đã có sự nhầm lẫn. Đến Tri Tân, số 85, tháng 3-1943, tác giả H.B (Hoa Bằng – PMH) đã đính chính nhầm lẫn ấy trong bài viết: Nguyễn Văn Thắng, soạn giả Kim Vân Kiều án khác với Nguyễn Văn Thắng, tên cụ Yên Đổ. Trong bài viết này, tác giả H.B cho biết thêm nhiều chi tiết liên quan đến Kim Vân Kiều án. Chẳng hạn, tư liệu văn bản các văn án đã giới thiệu trên Tri tân số 63 được trích trong Kim Vân Kiều án, bản chữ Nôm khắc in lần thứ 2, Tự Đức nguyên niên (1848). Ngoài ra, bài viết của H.B đã công bố một đoạn dịch trong lời tựa bằng Hán văn của tác giả Nguyễn Văn Thắng. Lời tựa đã cho biết thêm về hoàn cảnh sáng tác Kim Vân Kiều án:

“(…) Mỗ sinh không gặp thời, phải thất học, nhưng từng được nghe về Kim Vân Kiều quốc ngữ truyện: xưa nhà Ngũ Vân Lâu bên Tàu in bản thực lục (?) đã lưu hành khắp chỗ, từ trước đến nay. Kịp đến quan Đông các (trỏ cụ Nguyễn Du - HB) nước ta phu diễn ra quốc âm, truyền rộng ở đời, nhiều người đã được tai nghe mắt thấy. Chẳng những văn nhân tài tử mắt nhìn truyện ấy thì tâm thần vui tươi khoan khoái, mà đến cả hạng bố cu mẹ đĩ hễ miệng đọc thì cũng khoa chân múa tay.

Bây giờ tôi đang lênh đênh giang hồ, dâu bèo trôi giạt, sau khi đọc xong rồi thì vô tâm không nghĩ đến.

Mùa đông năm Canh dần (1830), tôi bị hạ ngục, suốt ngày ngồi ngây, không biết lấy gì để khuây khỏa. Nhân thường đọc Truyện Kiều nôm, may cũng lĩnh hội được lời lẽ, rồi ngẫm kỹ về văn chương. Thiết tưởng trong 1575 câu thật là lời văn liền nối, tình tự tinh công, dẫu Bằng quận công (Nguyễn Hữu Chỉnh – HB) và Long Lĩnh hầu (?) ngày xưa cũng khó lòng giữ riêng được cái hay ho tốt đẹp mà không san nhường? Như bọn tôi đây đâu dám tầm chương trích cú mà so sánh được?

Nhưng xét ra nhân vật trong truyện: hoặc đáng yêu vì tài, hoặc đáng khen vì nghĩa, hoặc đáng tiếc vì hèn, hoặc đáng thương vì tình, lại có người tính xấu đáng làm gương răn, có kẻ lòng ác đáng ghét. Vậy thì lưỡi gươm ba thước giữ vô tư, há dung tới ai mà bàn sơ được? Cái án trăm năm còn để đó, văn phân xử chưa ổn thoả rõ ràng!

Vậy theo luật lệ của Quốc triều, tôi xin xét rõ chân tình khiến cho án các nhân vật khỏi đọng lại ở dưới ngàn năm. Bởi thế tôi quên mình quê kệch xin trình bày văn án ra đây để chuốc lấy trò cười”[9].

Kim Vân Kiều án (Kim, Vân, Kiều tập án bản do Trương Vĩnh Ký phiên âm) nội dung lần lượt xét: Hoạn Thơ án; Thúc Sanh án; Từ Hải án; Túy Kiều án; Túy Vân án; Kim Trọng án; Đạm Tiên án; Vương Viên ngoại án; Vương Quan án; Thúc Chánh ông oán; Tể Tri phủ án; Đồ lão lại án; Hoạn A gia án; Giác Duyên án; Thằng bán tơ án; Đề đại chung án; Mã Giám Sinh, Tú bà án; Sở khanh án; Bạ Hạnh, Bạc Bà án; Hoạn phu nhân án; Thằng khuyển, thằng ưng án; Hồ Tông Hiến án. Thuần Phong nhận xét: “Mỗi bài án là một bổn lý đoán trình bày nhân vật, mô tả đức tánh và hành tung của mỗi người, và phê bình một cách vắn tắt. Có thể nói, mỗi văn án là một tiểu sử của một nhân vật”[10].

Ngoài Kim, Vân, Kiều tập án, bản chuyển ngữ của Trương Vĩnh Ký, bước đầu chúng tôi ghi nhận có 3 bản in Quốc ngữ về văn án các nhân vật trong Truyện Kiều lưu hành ở Nam Bộ: Án Túy Kiều do Nguyễn Liên Phong [11] soạn, in tại nhà in Phát Toán, Sài Gòn, 1910; Án Túy Kiều do Nguyễn Liên Phong soạn, nhà in Xưa nay, in lần thứ 3, 1929; và Kim Vân Kiều án do Trần Phong Sắc[12] soạn, Imp. Schneider, Sài Gòn, 1914.

Kim Vân Kiều án (Kim, Vân, Kiều tập án) được Nguyễn Liên Phong biên soạn lại bằng chữ Quốc ngữ với tên gọi Án Tuý Kiều. Chúng tôi hiện vẫn không biết chính xác là Nguyễn Liên Phong đã dựa trên văn bản nào: trực tiếp từ bản chữ Nôm của Nguyễn Văn Thắng hay là từ bản chữ Quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký. Bản của Nguyễn Văn Thắng được khắc in và lưu hành hạn chế ở khu vực miền Bắc, do vậy, nhiều khả năng Nguyễn Liên Phong đã dựa vào bản của Trương Vĩnh Ký. Văn bản Án Tuý Kiều chúng tôi khảo sát dưới đây in tại nhà in Xưa Nay, in lần thứ 3, 1929, bìa ghi chủ bút Nguyễn Liên Phong, chủ bổn Phạm Văn Thình với ghi chú “Bổn này M. Đinh Thái Sơn đã bán đứt cho tôi/ Cấm không ai đặng in trùng bổn này”. Với những ghi chú về sở hữu bản quyền nơi bìa sách, cho thấy một ý thức sở hữu của người khai thác bản thảo, phần nào có thể hình dung sự sôi động của thị trường in ấn đương thời (chuyển nhượng quyền khai thác bản thảo và có thể là hiện tượng “in lậu” sách).

Giữa bản Kim, Vân, Kiều tập án của Trương Vĩnh Ký và bản Túy Kiều án của Nguyễn Liên Phong xét thấy có nhiều dị biệt:

Kim, Vân, Kiều tập án, bản của Trương Vĩnh Ký (những so sánh dưới đây đều lấy từ Kim, Vân, Kiều truyện, bản in năm 1911 của Trương Vĩnh Ký):

Túy Kiều án

“Hiếu tình có một,

Tài sắc gồm hai

Hoa ghen thắm, liễu hờn xanh,

Ngọc trắng gương trong nền quốc sắc.

Cá mê vần, chim đắm khúc,

Non cao nước chảy bậc thương cung.

Gái thuyền quyên đã đáng chứa nhà vàng,

Sắc tài nữ cũng nên trao thức ngọc.

Tranh thuỷ mạc bốn câu ba vận,

Khách chung tình rối ruột động niềm tây.

Thơ đoạn trường một vẽ mười bài,

Bạn tri kỷ giật mình nhường giải nhất.

Kiếp má phấn tới khi rơi phận bạc,

Tấm lòng son không chút thẹn vầng hồng”

Túy Kiều án, bản của Nguyễn Liên Phong:

“Thảo thân trọn một,

Sắc tốt nghiêng thành.

Hoa thua thắm liễu hờn xanh,

Mặt trắng da thanh màu bạch cúc.

Cá mê vần chim đắm khúc,

Non cao nước đục bực cung trang.

Gái thuyền quyên đã đáng chứa nhà vàng,

Sức tài nữ cũng nên ban thẻ bạc.

Đề ba vạn nơi bức tranh thuỷ mạc,

Khách chung tình xao xác động niềm thương.

Vịnh mười chương trong thập thủ đoạn trường,

Bạn tri kỷ khiêm nhường cho giải nhứt.

Kiếp má phấn đỏng đưa cho đến sức,

Hoạ khi không, oan ức tỏ cùng ai”.

Có thể thấy, hai mươi hai bài văn án là kết tinh nội dung Truyện Kiều. Để xét các nhân vật, tác giả đã dùng lối văn án. Đây là loại văn thiên về mô tả, xét đoán, vì vậy thể phú tương đối phù hợp. Hai mươi hai bài văn án đã đi sâu miêu tả chi tiết tính cách, số phận, hành động các nhân vật trong Truyện Kiều, đồng thời đưa ra những bình luận của người viết văn án. Đây có thể xem là một kiểu phê bình, phân tích bình luận nhân vật xuất hiện khá sớm trong lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều.

Nhận xét các bài văn án của Nguyễn Văn Thắng, nhà nghiên cứu Thuần Phong cho rằng: “Lời văn của một tấn sĩ đời Lê, ắt không có chỗ nào bị một kẻ vãn bối dốt nát chỉ trích, và câu văn của một bài phú rất linh động, chỉ có cần hoan nghinh. Ở đây chưa phải nơi bình luận những bài án này, chỉ cần nhận thấy rằng tác giả cố giữ cú pháp vững chãi: các thể văn vần đều được áp dụng, khi đơn độc trong liên song quan, khi hỗn hiệp trong liên hạc tất”[13]. Nguyễn Liên Phong đã dụng công chỉnh đốn, sắp xếp, chuyển giọng phú bác học của Nguyễn Văn Thắng thành giọng phú bình dân cho phù hợp với trình độ và sở thích của đại chúng. “Giọng phú bình dân đòi hỏi một mạch thẳng thét trong câu văn; nếu có phân nhịp là để mạch văn tiến tới đường thẳng. Còn giọng phú bác học có khi cắt đứt mạch văn ra nhiều vế, làm cho mạch văn dường như vấp nhầm chướng ngại, để tiến mạnh hơn lên, sau bước ngập ngừng”[14].

Việc chú trọng mạch thẳng trong câu văn vốn phù hợp với lối thuật chuyện theo tuyến tính và câu thơ thường được gieo vần lưng khiến Tuý Kiều án của Nguyễn Liên Phong được độc giả bình dân yêu thích. Xét riêng câu đầu của Kim, Vân, Kiều tập ánTuý Kiều án như trong hai đoạn trích trên đây, Nguyễn Văn Thắng viết: “Hiếu tình có một,/ Tài sắc gồm hai” sang đến Nguyễn Liên Phong: “Thảo thân trọn một,/ Sắc tốt nghiêng thành” là cả sự khác biệt về quan niệm hiếu tình. Rõ ràng, “thảo thân”, hiếu - yếu tố đạo lý, lược bỏ yếu tố tình, nhà văn Nguyễn Liên Phong đã chọn một con đường quan trọng đi vào đại chúng ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX.

 Túy Kiều án đã phê bình một cách chi tiết 25 nhân vật Truyện Kiều. Thế nhưng, người đọc đại chúng Nam Bộ thực sự chỉ chú ý một số nhân vật tiêu biểu như Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, Hoạn Thư, Thúc Sinh. Họ chỉ muốn biết đại lược về các nhân vật ấy mà thôi, đặc biệt là những mô tả xung quanh đoạn đường lưu lạc của Thúy Kiều. Do vậy, một bản dạng như tóm tắt cốt truyện là Túy Kiều phú ra đời rất được yêu thích.

3. Tuý Kiều phú

Tuý Kiều phú được tái bản nhiều lần. Chúng tôi hiện ghi nhận có 7 bản Túy Kiều phú: Túy Kiều Phú, bổn cũ soạn lại, Nguyễn Kim Khuê soạn, nhà in Thuận Hóa không đề năm xuất bản; Kiều phú, phòng diễn văn nhà in Xưa Nay giữ bản quyền, in lần thứ 3, không đề năm xuất bản; Túy Kiều phú, Phụng Hoàng Sang, Võ Thành Ký biên soạn lại bằng chữ Quốc ngữ, Ménard et Rey, in lần thứ 4, năm 1904; Túy Kiều phú, Phụng Hoàng Sang, Võ Thành Ký biên soạn lại bằng chữ Quốc ngữ, nhà in Bảo tồn in lần thứ 16 (PMH nhấn mạnh), không đề năm xuất bản; Túy Kiều phú, Phụng Hoàng Sang, Võ Thành Ký biên soạn, nhà in Bảo tồn, 1928; Kim Vân Kiều phú, Huỳnh Khương Thái biên soạn, nhà in Huỳnh Kim Danh, 1926; Túy Kiều phú, Phan Ngọc Nhân biên soạn, nhà in Đức Lưu Phương, in lần thứ 12 (PMH nhấn mạnh), 1930.

Kim, Vân, Kiều phú cho đến nay vẫn không biết do ai sáng tác, nguyên tác bằng chữ Hán, Nôm hay Quốc ngữ. Chúng ta chỉ biết tác phẩm này được Trương Vĩnh Ký cho in kèm phía sau bản Kim, Vân, Kiều truyện do ông phiên âm ra chữ Quốc ngữ. Giống như Kim, Vân, Kiều tập án (bản Trương Vĩnh Ký) và Tuý Kiều án (bản Nguyễn Liên Phong), giữa văn bản Kim, Vân, Kiều phú (in trong Kim, Vân, Kiều truyện của Trương Vĩnh Ký) và Tuý Kiều phú (bản Phụng Hoàng Sang, Võ Thành Ký) có nhiều nét khác biệt:

Kim, Vân, Kiều phú in trong Kim, Vân, Kiều truyện của Trương Vĩnh Ký:

“Diễn Minh triều đời vua Gia Tĩnh,

Có hai người con gái họ Vương:

Túy Vân vốn nở nang đầy đặn,

Túy Kiều thêm sắc sảo khôn ngoan:

Nước tóc đuột đuột mây cũng kém,

Màu da phớt phớt tuyết nên nhường.

Kim hay cả tài tình thi hoạ.

Lại làu thông kinh sử văn chương.

Tết thanh minh đi viếng mả đạm tiên,

Đấng thục nữ vã cùng loài hào kiệt.

Khi bán dạ hà phân cung cầm nguyệt,

Kết châu trần giao ước với Kim lang.

Ba sanh gắn vó lửa hương,

Duyên kỳ ngộ chỉ vừng trăng bạc,

Muôn kiếp hẹn hò ân ái,

Lời non sông khi tạc kim hoàn”.

Tuý Kiều phú bản của Phụng Hoàng Sang và Võ Thành Ký:

“Nàng Túy Kiều là con Viên Ngoại,

Lúc sanh thành ở tại Bắc Kinh.

Thuở Túy Kiều còn niên thiếu ấu sinh,

Chị em xúm xít ngồi chơi trước cửa.

Tên đâu lạ bất tường hương sở.

Xưng rằng: thầy tướng sĩ du phang,

Vừa ngẫu nhiên bước tới gặp nàng.

Đứng nhìn lại mới xem qua tài tướng

Như nàng ni là:

Dung nghi đáng thiên kim vạn lượng,

Uổng cho nàng tuyết nguyệt phong hoa.

Tiết Thanh minh nhằm lúc tháng ba,

Chị em mới rủ nhau đi tảo mộ.

Tiếng lạc ngựa chàng Kim tới đó,

Gặp Túy Kiều lại với Túy Vân.

Vương gặp Kim vội vã chào mừng,

Người bạn học khổng môn đồng nhứt mạch”.

Tuý Kiều phú có tổng cộng 473 câu (không kể 8 câu chuyển đoạn) giới thiệu cuộc đời nàng Kiều một cách giản dị. Phú ở đây không hiểu là thể loại phú, mà “phú” theo nghĩa rộng là ngâm ngợi, giãi bày sự tình qua thơ ca có vần điệu, bản chất của nó là kể và tả. Với Túy Kiều phú các dấu hiệu của hoạt động kể được nhận biết qua các cụm từ: “Như nàng ni…; Ôi thôi thôi…; Cô nó ôi…; Bởi vậy cho nên…; Như thân tôi bây chừ…; Chẳng qua là…”. So với bản Kim, Vân, Kiều phú (khuyết danh, in trong Kim, Vân, Kiều truyện của Trương Vĩnh Ký) thì Túy Kiều Phú dùng từ, đặt câu giản dị hơn, gần với thể vè, phổ biến câu sáu và bảy tiếng. Với Túy Kiều phú, như Thuần Phong nhận xét: “tác giả không chăm chú vào cú pháp và tự pháp như tác giả khuyết danh của bài Kim, Vân, Kiều phú đăng trong bổn Kim, Vân, Kiều truyện của Trương Vĩnh Ký. Bài sau này (bản Trương Vĩnh Ký - PMH) viết theo nhiều thể văn biền ngẫu, bút pháp dường như cao kỳ, tiếc thay sao chép lại có nhiều sai suyển. Vì những khuyết điểm quá nhiều mà bài Kim, Vân, Kiều phú này không hề được phổ biến; trái lại bài kia (Túy Kiều phú - PMH), bút pháp non kém hơn, lại được toàn thể xứ Đồng Nai thuộc làu”[15]. Cần lưu ý, Thuần Phong hẳn từng có cơ hội cảm nhận được không khí của đời sống văn nghệ bình dân ở Nam Bộ trước 1945. Do vậy, những nhận xét ấy không phải không có những cơ sở của thực tiễn.

Cuối thế kỷ XIX, Trương Vĩnh Ký đã phiên âm chú giải và đem phổ biến hai truyện thơ quan trọng ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX là Kim, Vân, Kiều truyện (1875) và Lục Vân Tiên truyện (1889). Thế nhưng, người Nam Bộ lại có những ứng xử khác nhau đối với hai kiệt tác này. Trong khi Lục Vân Tiên đi sâu vào đời sống người Nam Bộ (cả trí thức và bình dân) bằng hình thức nói thơ thì Kim Vân Kiều chỉ được phổ biến thành bài phú giản dị. Nhu cầu nắm đại lược cốt truyện, nhân vật và khai thác, tô đậm yếu tố đạo lý đã khiến Túy Kiều phúTúy Kiều án phổ biến rộng trong đời sống Nam Bộ. Cần thấy rằng, không phải ngẫu nhiên, sau mấy dòng tiếng Pháp: “(…) thơ này được yêu thích hơn cả, với người có học cũng như vô học, kể cả phụ nữ, vì thơ này mang một nền đạo đức được định nghĩa rất khéo léo, được diễn tả dưới mọi quan hệ, được thích ứng với mọi hoàn cảnh của đời người” (Nguyễn Đình Đầu dịch), thay vì giới thiệu phân tích vẻ đẹp của tác phẩm, Trương Vĩnh Ký đã tóm tắt nội dung Truyện Kiều dưới tựa là Tích Túy Kiều. Người Nam Bộ rất ít khi lẩy Kiều, tập Kiều, hãm Kiều, bói Kiều. Trong đại chúng bình dân Nam Bộ, Truyện Kiều nhìn chung ít được tiếp nhận từ phương diện văn chương mà chủ yếu là phương diện luân lý.

Khác với kết thúc của Kim, Vân, Kiều phú (khuyết danh, in trong Kim, Vân, Kiều truyện của Trương Vĩnh Ký), kết thúc Túy Kiều phú (bản Phụng Hoàng Sang và Võ Thành Ký) là một tổng kết về phương diện luân lý:

Chẳng qua là:

“Trời khiến phải hồng nhan nghiệp chướng,

Lòng hiếu từ thiên cao phủ ngưỡng.

Bán mình vàng trọn thảo với thân.

Hai mươi bốn thảo trong trần,

Kiều đà trọn một, bán mình chuộc cha”.

Túy Kiều phú nhấn mạnh phương diện đạo hiếu của Thúy Kiều. Mở đầu bài án về nhân vật Thúy Kiều trong Án Túy Kiều, tác giả Nguyễn Liên Phong cũng đã khẳng định: “thảo thân trọn một”. Tới đây, thêm một lần khẳng định truyện Kiều, trong đời sống tinh thần người dân Nam Bộ “là một bài luân lý về hiếu tình, đến sau gương tiết hạnh của truyện Lục Vân Tiên”[16].

Cho đến 1933, báo Phụ nữ tân văn nhân dịp phát hành số đầu đã phát động cuộc thi phê bình Truyện  Kiều với câu hỏi: “Mấy năm gần đây có chẳng biết bao nhiêu bài văn nghị luận truyện Túy Kiều. Nay bổn báo mới ra đời xin có một câu hỏi thử: Túy Kiều nên khen hay nên chê? Nếu nói rằng nên khen thì sao? Nếu bảo rằng nên chê thì xin nói rõ cớ nào?”[17]. Việc đặt vấn đề nên khen hay chê, Phụ nữ tân văn đã đánh trúng tâm lý của độc giả. Trong số các bài gửi đến, Phụ nữ tân văn chọn đăng 18 bài. Trong những bài này, có nhiều ý kiến xét Truyện Kiều trên phương diện luân lý. Sau cuộc thi, Trần Trọng Kim có gửi đến Phụ nữ tân văn bài viết trao đổi. Bài được Phụ nữ tân văn giới thiệu với tựa Một cái nghĩa mới về Truyện Kiều. Trần Trọng Kim đã cho thấy cách hiểu khác về Truyện Kiều so với độc giả Nam Bộ: “Cứ như ý riêng của chúng tôi, thì chủ ý của tác giả là Nguyễn Du, không phải làm một chuyện để dạy luân lý. (…) Nhưng quyển truyện ấy lại có cái lý thuyết cần phải biết, thì mới hiểu rõ những mối đoạn trường mà người giai nhân làm cho ta phải đau lòng. Cái lý thuyết làm chủ động lực trong truyện Túy Kiều là lý Phật học”[18].

Như vậy, Truyện Kiều có những con đường riêng để đi vào đời sống. Với người bình dân Nam Bộ, Truyện Kiều được tiếp nhận qua nhiều hình thức, nhưng tiêu biểu là những ấn phẩm Quốc ngữ Kiều ánKiều phú giản dị, âm thầm bền chặt trong lòng độc giả Nam Bộ một thời đã xa.

Phan Mạnh Hùng

Đã in trong sách: Khoa Văn học và Ngôn ngữ (2015), Đại thi hào dân tộc Danh nhân văn hóa Nguyễn Du - Kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, trang 726-738.

_____________

Bài viết có sử dụng một số tư liệu văn bản Túy Kiều ánTúy Kiều phú của PGS.TS Đoàn Lê Giang. Nhân đây chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến quý thầy.


[1] Thuần Phong Ngô Văn Phát (1910-1983), các bút danh khác như Tố Phang, quê ở Vĩnh Lợi, Bạc Liêu. Ông là nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, từng giảng dạy ở đại học Văn khoa Sài Gòn, Vạn Hạnh, Sư phạm Huế và Cần Thơ trước 1975. Tác phẩm tiêu biểu gồm: Ngụ ngôn I, II; Bức tranh vân cẩu; Bóng ngày qua; Giữa Đồng Tháp Mười; Chinh phụ ngâm khúc; Ca dao giảng luận; Tôn Thọ Tường, Hồ Xuân Hương thi tập

[2] Túy Kiều ở đất Đồng Nai, Tạp chí Bách khoa, số 200, 15-9-1965, tr.33-46; Túy Kiều với trí thức, Tạp chí Bách khoa, số 210, 1-10-1965, tr.33-40; Túy Kiều với đại chúng, Tạp chí Bách khoa, số 211, 15-10-1965, tr.59-66; Tuồng hát bội Kim Vân Kiều, Tạp chí Bách khoa, số 212, 1-11-1965, tr.55-64.

[3] Kim, Vân, Kiều truyện, Trương Vĩnh Ký chuyển ngữ, bản in nhà nước 1875; tái bản có bổ sung, Claude et Cie 1898; tái bản lần 3 năm 1911 của Saigon F.H.Scheider, Editeur Illustrations de Nguyễn Hữu Nhiêu. Bản in 1911, được tái bản năm 2015, (Trần Nhật Vy sưu tầm giới thiệu, NXB Văn hoá – Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2015). Các trích dẫn bản Truyện Kiều do Trương Vĩnh Ký chuyển ngữ đều theo bản in 2015.

[4] Kim Túy tình từ (chuyện tình của chàng Kim và nàng Túy), Phạm Kim Chi diễn ra quốc ngữ (chép từ Nghè Mai - cháu cụ Nguyễn Du), nhà in Huỳnh Kim Danh, 1917, 156 trang. Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, tái bản, Sài Gòn, 1973.

[5] Đặng Lễ Nghi,  Kim Vân Kiều (bổn cũ soạn lại), , nhà in Phát Toán, Sài Gòn, 1912.

[6] Huyền Mặc Đạo Nhân, Truyện Kim Vân Kiều, , nhà in Tín Đức Thư xã, Sài Gòn, 1930.

[7] Thuần Phong Ngô Văn Phát, Túy Kiều với đại chúng, Tạp chí Bách khoa, số 211, 15-10-1965, tr.62.

[8] Tác giả H.B cho biết: “Cụ Nguyễn Văn Thắng, người làng Yên Thái, huyện Vĩnh Thuận, phủ Phụng Thiên (nay là Hoài Đức thuộc Hà Đông), Bắc thành, sinh năm 1803. Năm 23 tuổi, cụ đỗ cử nhân khoa Ất dậu niên hiệu Minh Mạng thứ sáu (1825), ở trường thi Thăng Long. Qua năm sau, khoa Bính tuất (1826) cụ lại đỗ luôn Tam giáp tiến sĩ. Bấy giờ mới 24 tuổi. Làm quan đến Tham hiệp, cụ đã từng gánh cái trọng trách “trí trạch” ở tỉnh Thanh Hóa. Theo lời tựa của cụ trong Kim Vân Kiều án thì mùa đông năm Canh Dần, tức là năm 1830, cụ bị hạ ngục nhưng không thấy nói rõ việc gì. Ngoài tập Kiều án, cụ có tập thơ đề là Ước phủ thi tập (Ước phủ chắc là tên tự của cụ)” - H.B (Hoa Bằng - PMH), Nguyễn Văn Thắng, soạn giả Kim Vân Kiều án khác với Nguyễn Văn Thắng, tên cụ Yên Đổ, Tạp chí Tri Tân, số 85, ngày 4-3-1943, tr.4-5.

[9] H.B (Hoa Bằng - PMH), Nguyễn Văn Thắng, soạn giả Kim Vân Kiều án khác với Nguyễn Văn Thắng, tên cụ Yên Đổ, Tạp chí Tri Tân, số 85, ngày 4-3-1943, tr.4-5.

[10] Thuần Phong Ngô Văn Phát, Túy Kiều với đại chúng, Tạp chí Bách khoa, số 211, 15-10-1965, tr.62.

[11] Về tiểu sử của Nguyễn Liên Phong hiện còn nhiều hi tiết chưa rõ. Qua các tài liệu sách báo, chúng ta có thể biết: “Nguyễn Liên Phong sinh khoảng 1843-1847, mất ngày 30-5-1917. Ông tự nhận là người Bình Định, giỏi cổ nhạc và thơ văn, có lẽ từng tham gia phong trào nghĩa hội ở miền Trung, khi phong trào này bị đàn áp thì lánh vào Nam Kỳ (…) Cũng hưa rõ Nguyễn Liên Phong có phải là tên thật của ông hay không, nhưng ông còn có biệt hiệu là Giang hồ Lão sư (Ông thầy già trên giang hồ). Sau khi vào sống ở Nam Kỳ, ông đi khắp nơi dạy đàn, làm thuốc, dạy chữ Nho, viết văn bia, đặt câu đối kiếm sống, khoảng 1906-1907 là cộng tác viên của báo Nông cổ mín đàm, ngoài ra có cộng tác với Nguyễn An Cư (em Nguyễn An Khương, chú Nguyễn An Ninh) dịch Tam quốc diễn nghĩa”. (Cao Tự Thanh, Nguyễn Liên Phong trên Wikipédia bản tiếng Việt, Về tiểu sử của Nguyễn Liên Phong, Tạp chí Xưa và Nay, số 441, tháng 12-2013, tr.40).

[12] Trần Phong Sắc (1873?-1928?), nhà văn, soạn giả cải lương, dịch giả tiểu thuyết Trung Quốc nổi tiếng đầu thế kỷ XX. Tên thật là Trần Đình Diệm, bút danh Đằng Huy, tự là Phong Sắc. Người làng Tân An, tỉnh Tân An, nay thuộc thành phố Tân An, tỉnh Long An. Tác phẩm của Trần Phong Sắc thuộc nhiều lĩnh vực: sưu tầm, phiên âm, dịch thuật, sáng tác; nhiều thể loại: thơ, phú, truyện thơ, văn tế, tiểu phẩm, luận thuyết, truyện ký, truyện kiếm hiệp, tuồng, luân lí, khoa học tự nhiên. Tác phẩm tiêu biểu có: Phong thần diễn nghĩa (1906), La Thông tảo bắc (1906), Tam hạ Nam Đường diễn nghĩa (1906), Vạn Huê lầu diễn nghĩa (1906), Tiết Đinh San chinh tây (1907), Anh hùng náo tam môn giai (1907), Du long hí phụng Chánh Đức du Giang Nam (1907), Tây du diễn nghĩa (1907); loại sáng tác có: Thơ Phạm Công, Hậu Vân Tiên diễn ca (1925), Tân soạn cổ tích (1910), Chuyện khôi hài (1913), Kim Vân Kiều án (1914), Tân tiếu lâm…

[13] Thuần Phong Ngô Văn Phát, Túy Kiều với đại chúng, Tạp chí Bách khoa, số 211, 15-10-1965, tr.63.

[14] Thuần Phong Ngô Văn Phát, Túy Kiều với đại chúng, Tạp chí Bách khoa, số 211, 15-10-1965, tr.63.

[15] Thuần Phong Ngô Văn Phát, Tuý Kiều với đại chúng, Tạp chí Bách khoa, số 211, 15-10-1965, tr.66.

[16] Thuần Phong Ngô Văn Phát, Túy Kiều với đại chúng, Tạp chí Bách khoa, số 211, 15-10-1965, tr.66.

[17] Phụ nữ tân văn, số 1, 1929, tr.30.

[18] Trần Trọng Kim, Một cái nghĩa mới về truyện Kiều, Phụ nữ tân văn, số 17, 1929, tr.9.