Bước đầu xác lập một số khái niệm trong phê bình văn học nữ quyền

In bài này

Khúc tự tình giữa hanh hao cái tiết giao mùa

 (Trích tham luận tại Tọa đàm “Văn xuôi nữ trong bối cảnh văn học Việt Nam đương đại”, Viện Văn học,  29/11/2012)

ThS Hồ Khánh Vân (Trường ĐHKHXH&NV, TP. Hồ Chí Minh)

“Hiện nay, nghiên cứu văn học từ cái nhìn của phê bình nữ quyền, hay rộng hơn là từ cái nhìn về giới đang dần thu hút sự quan tâm của những người làm công tác văn học ở Việt Nam. Bước đầu, chúng ta đã có một số thành tựu cụ thể, từ những bài viết có dung lượng nhỏ đến các công trình nghiên cứu có phần công phu, dày dặn. Tuy nhiên, có một số khái niệm cơ bản nằm trong phạm vi của khuynh hướng nghiên cứu, phê bình này vẫn còn bị sử dụng lẫn lộn, theo cảm tính chứ chưa được xác lập và phân biệt một cách rạch ròi, khoa học, đặc biệt là hai khái niệm trung tâm: phái tính (Sex) và giới tính (Gender)….. Khái niệm “sex” được sử dụng trên báo chí cũng như ở các bài viết, bài nghiên cứu văn học thường được hiểu là hoạt động tình dục của con người. Các tác giả thường có khuynh hướng không chuyển ngữ sang tiếng Việt mà sử dụng từ gốc trong tiếng Anh: “sex”. “Sex” nghĩa là hoạt động tính giao nam nữ trở thành đối tượng mô tả, phản ánh và tái hiện đời sống con người, xã hội trong các sáng tác nghệ thuật cũng như những hoạt động khác của con người. Chẳng hạn yếu tố “sex” trong sáng tác của Hồ Xuân Hương là cái nhìn mang đậm tín ngưỡng phồn thực dân gian, tạo ra nghệ thuật song quan giữa vịnh đồ vật và mô tả sinh thực khí, “sex” trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Đỗ Hoàng Diệu, Y Ban… là sự xuất hiện của việc miêu tả hoạt động tình dục giữa các nhân vật. Cũng như vậy, “sex” trong điện ảnh là những cảnh quay được xem là cảnh “nóng”: hình ảnh con người khoả thân, hoạt động tình dục…

Thế nhưng, khái niệm “sex” có nội hàm và ngoại diên rộng hơn nhiều và được chuyển ngữ sang tiếng Việt bằng khái niệm phái tính, để phân biệt với khái niệm giới tính (gender). Phái tính (sex) là một khái niệm chỉ sự phân chia con người dựa trên đặc điểm sinh học thành hai nhóm nam và nữ. Phái tính được xác định ở thời điểm đứa trẻ thụ thai trong cơ thể người mẹ và mang cặp nhiễm sắc thể giới tính (cặp nhiễm sắc thể số 23) đặc trưng, quy định nên phái nam (cặp nhiễm sắc thể XY) hay phái nữ (cặp nhiễm sắc thể XX). Đây là một bản đồ sinh học của con người, thuộc về kết cấu cơ thể, được tạo nên từ sự phân biệt đặc điểm phái tính sơ cấp (chỉ cơ quan sinh dục có chức năng sinh sản) và đặc điểm phái tính thứ cấp (chỉ đặc điểm cơ thể của phái nam và phái nữ không có chức năng sinh sản).

Tiếp theo đấy, khi người phụ nữ bắt đầu trở thành đối tượng nghiên cứu của các ngành khoa học, thì vào khoảng những năm 1970, khái niệm giới tính (gender) được đưa vào sử dụng như một thuật ngữ chỉ sự khác biệt của từng giới do quy định của văn hóa. Đó là sản phẩm của một phức hợp rộng, gồm các tập tục, phong tục phổ biến và những khuôn mẫu của một nền văn hoá đặc thù. Vì vậy, đó là điều tạo ra “nam tính” và “nữ tính” (chứ không phải là “nam giới” và “nữ giới”).  Do yếu tố văn hoá – xã hội (vốn chủ yếu được hình thành bởi bộ phận văn hoá có ưu thế vượt trội hơn và có thể chuyển đổi từ nền văn hóa này sang nền văn hoá kế cận trong tiến trình phát triển), mà đặc trưng và nhiệm vụ của mỗi giới trong xã hội được định hình.

Như vậy, khái niệm phái tính dựa trên đặc điểm thuần sinh học của cơ thể con người còn khái niệm giới tính lại dựa trên cấu trúc văn hoá – xã hội. Đồng thời, cũng có thể thấy rằng, thực ra về cơ bản, thuật ngữ giới tính vẫn bao hàm tiêu chí khác biệt sinh học giữa hai giới cùng với sự khác biệt do áp lực của văn hóa – xã hội.

………. Trào lưu phê bình Nữ quyền, cũng như lý thuyết nữ quyền nói chung, đều xác định đối tượng nghiên cứu trọng tâm là người phụ nữ, một bộ phận cơ bản của việc phân chia phạm trù giới. Về mặt từ nguyên, trong tiếng Latin, từ femina dùng để chỉ người phụ nữ, có nguồn gốc từ từ fellare (có nghĩa là bú mớm) để xác định phụ nữ là người có chức năng sinh sản và nuôi dưỡng con cái. Sau này, từ female (có nghĩa là giới nữ, người mang giới tính nữ, của tiếng Anh) đã hình thành dựa trên nguồn gốc Latin này. Trong tiếng Anh cổ, người ta sử dụng từ wer để chỉ người đàn ông và từ wyf  để chỉ người phụ nữ. Về sau, từ wyf này phát triển thành từ wife trong tiếng Anh hiện đại có nghĩa là người vợ, một sự xác định vai trò và địa vị của người phụ nữ trong quan hệ hôn nhân.

Về định nghĩa, từ phụ nữ (woman, female) hay đàn bà là từ chỉ giống cái của loài người. Phụ nữ thường được dùng để chỉ một người trưởng thành, còn con gái thường được dùng chỉ đến trẻ gái nhỏ hay mới lớn. Bên cạnh đó từ phụ nữ, đôi khi dùng để chỉ đến một con người giống cái, bất kể tuổi tác. Từ nữ tính được sử dụng vừa như là một danh từ (feminity, womanhood), vừa như là một tính từ (feminine). Nếu từ phụ nữ thường dùng để chỉ đối tượng, chỉ con người mang giống cái, thì từ nữ tính lại dùng để chỉ tính chất, bản tính, tức là đi vào vấn đề bản thể. Nữ tính bao hàm những tính chất đặc trưng của người phụ nữ bộc lộ trong hành vi ứng xử và những mối quan hệ mang tính chuẩn mực khuôn mẫu của xã hội và văn hoá. Trong mối quan hệ với hai khái niệm giới phái và giới tính thì khái niệm nữ tính có sự tương cận với khái niệm giới tính hơn. Nữ tính vừa có độ ổn định, vừa biến đổi theo môi trường văn hoá – xã hội trong những thời đại khác nhau, ở những nền văn hóa khác nhau….

Khái niệm nữ quyền (Feminism, women’s right) gắn liền với hoạt động chính trị và xã hội, sinh ra từ ý thức về sự bình đẳng trên phương diện giới. Nói một cách khái quát, khái niệm này chỉ quyền lợi về chính trị và xã hội của người phụ nữ. Thông qua những hoạt động đấu tranh chính trị và xã hội, giới nữ đòi lại những lợi ích chính đáng của mình để đạt đến sự bình đẳng với nam giới.

Đây là một khái niệm khá quen thuộc với con người thời hiện đại, có mức độ phổ biến rộng trong phạm vi xã hội. Tuy nhiên, với nội hàm và ngoại diên của nó, khái niệm này lại gây nên những phản ứng khác nhau do đặc thù lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội… gắn liền với vấn đề nữ quyền ở mỗi quốc gia, mỗi dân tộc lại khác nhau.

Ở phương Tây, nơi khai sinh ra phong trào nữ quyền, phụ nữ đặt mình trong tư thế đối lập với nam giới để đấu tranh giành quyền bình đẳng và dấy lên những hoạt động chính trị – xã hội mang tính nữ quyền thuần túy. Trong khi đó, ở phương Đông, đặc biệt là ở Trung Quốc và Việt Nam, phong trào nữ quyền gắn liền với phong trào cứu quốc và nữ giới sát cánh cùng nam giới có tư tưởng tiến bộ để vừa đấu tranh giải phóng dân tộc, vừa cởi trói cho giới của mình khỏi những ràng buộc cũ kĩ của xã hội. Chính vì vậy, trào lưu nữ quyền ở phương Đông không diễn ra một cách mạnh mẽ, độc lập và có tính đối kháng với nam giới quyết liệt như ở phương Tây. Đó không phải là cuộc đấu tranh của một giới phản kháng lại một giới mà là cuộc đấu tranh chung của một cộng đồng xã hội có tư tưởng cấp tiến về giới chống lại những hệ tư tưởng cổ hủ áp bức người phụ nữ. Phải chăng, vì có diễn trình lịch sử như vậy mà ý thức nữ quyền ở phương Đông tồn tại trong trạng thái thầm lặng, kín đáo và “nhu mì” hơn, có tính chất của một ý thức xã hội hơn là một hệ tư tưởng. Đồng thời, cũng chính vì lẽ đó, các nhà văn thường có tâm lý ngại khái niệm “nữ quyền” với sắc thái chính trị. Nhiều nhà văn nữ của Trung Quốc và Việt Nam khước từ hai chữ “nữ quyền” và thậm chí cả “hậu tố nữ” trong việc định danh họ và trong khi sáng tác, họ không có ý thức rõ ràng về cảm thức nữ quyền, dẫu cho tác phẩm của họ đề cập đến thân phận người phụ nữ với cái nhìn sâu sắc.

Trước tình hình trên, Wang Ning, giáo sư chuyên ngành Tiếng Anh và Văn học so sánh, đồng thời là Giám đốc Viện Văn học So sánh và Nghiên cứu Văn hoá thuộc Đại học Ngôn ngữ và Văn hoá Bắc Kinh đã đề ra hai khái niệm để phân định cấp độ ý thức nữ quyền trong sáng tác của nữ giới: Văn học nữ (Women’s literature) là văn học do phụ nữ sáng tác, không quan tâm có mang cảm thức nữ quyền hay không và Văn học nữ quyền (Female literature) bao gồm những sáng tác của phụ nữ có ý thức nữ quyền mạnh mẽ.

Tương tự như vậy, Elaine Showalter cũng phân chia thành các khái niệm văn học nữ tính (Feminine phase)văn học nữ quyền (Feminist phase) và văn học nữ (Female phase), dựa trên ý thức về nữ giới theo tiến trình lịch sử, quan niệm lịch sử phát triển của văn học nữ như là lịch sử phát triển của ý thức hệ, gắn chặt với sự chuyển đổi trong ý thức về vai trò, vị trí của bản thân đối với xã hội của người phụ nữ. Elaine Showalter đã phân kỳ lịch sử văn học nữ thành 3 giai đoạn, tương ứng với 3 thời kỳ phát triển ý thức hệ đặc trưng của nữ giới:

1.  Giai đoạn văn học nữ tính: giai đoạn các tác giả nữ phỏng mẫu văn học truyền thống của nền sáng tác nam quyền từ năm 1840 đến năm 1880.

2.  Giai đoạn văn học nữ quyền: giai đoạn các nhà văn nữ đứng lên đấu tranh bênh vực cho các thành phần thiểu số và bộc lộ tiếng nói kháng cự lại những giá trị và truyền thống văn chương nam giới từ năm 1880 đến năm 1920.

3.  Giai đoạn văn học nữ: giai đoạn phụ nữ khẳng định bản thể đặc trưng của mình, cưỡng lại sự phụ thuộc vào nam giới, đi tìm truyền thống văn học nữ và hình thành nên một nền văn học nữ tự trị. Đây là thời kỳ văn học nữ cắt đuôi các hậu tố “tính” trong nữ tính và “quyền” trong nữ quyền để người phụ nữ hiện hữu trong vai trò chủ thể với nguyên thể nội tại của chính họ. Thời kỳ này kéo dài từ năm 1920 đến nay.

Như vậy, khái niệm nữ quyền khi bước từ địa hạt chính trị sang địa hạt văn chương và thậm chí cả những lĩnh vực khác đã có sự chuyển biến và phân cấp về tính chất và mức độ. Trong hoạt động sáng tác và nghiên cứu, phê bình văn học, nữ quyền không chỉ là một ý thức chính trị mà còn là ý thức về giới nữ từ góc độ văn hóa, lịch sử, xã hội, tôn giáo… Bên cạnh đó, với việc xác lập và phân định các khái niệm để định tính đặc trưng ý thức nữ quyền của văn học nữ, có thể thấy rằng một tác phẩm, một trào lưu, một giai đoạn văn học có ý thức nữ quyền hay không không hoàn toàn phụ thuộc vào sự tồn tại hay không tồn tại ý thức nữ quyền của nhà văn khi sáng tác tác phẩm, mà ý thức này còn nằm trong nội tại bản thân tác phẩm và tồn tại từ góc nhìn của Phê bình văn học Nữ quyền (Feminist Literary Criticism) như một phương thức tiếp nhận văn học.

Nguồn: Tọa đàm “Văn xuôi nữ trong bối cảnh văn học Việt Nam đương đại”, Viện Văn học,  29/11/2012. http://phebinhvanhoc.com.vn