Thử lí giải sức hấp dẫn của một số hiện tượng thơ trẻ Việt Nam gần đây

In bài này

Sau những hiện tượng “đình đám” của dăm năm đầu thiên niên kỉ mới như Nguyễn Vĩnh Tiến, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly…từ sau 2005, thơ trẻ Việt Nam cơ hồ rơi vào tình trạng “khủng hoảng”. Người viết cứ viết, còn bạn đọc khá thờ ơ và lạnh nhạt với thơ. Họ dường như đã không còn quan tâm tới những vần thơ lạm dụng quá nhiều yếu tố dục tính, bản năng và vô thức. Họ cũng không còn để tâm nhiều vào những biến đổi về mặt hình thức với cách chơi chữ cũng như sự biến tấu thể loại… Đã có lúc, người ta phải đặt ra câu hỏi: liệu rằng thơ còn đủ sức để tồn tại và phát triển trong cơ chế thị trường? Liệu rằng thơ còn đủ sức để cảm hóa và chinh phục bạn đọc?

Tuy nhiên, từ 2010 trở lại đây, một làn gió tươi mới và đầy hi vọng được thổi vào sân thơ trẻ. Bạn đọc đã có sự quan tâm và hào hứng nhiệt thành trở lại đối với sự ra đời của những tuyển tập thơ. Bên cạnh những cây bút thơ trẻ chấp bút từ trước và vẫn miệt mài sáng tác, một số cây viết mới xuất hiện và được chào đón khá nồng nhiệt như Lệ Bình Quan, Nguyễn Phong Việt, Du Nguyên, Nồng Nàn Phố, Trần Việt Anh, Lương Đình Khoa, September Rain… Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến ba tác giả mà tác phẩm của họ thời gian gian gần đây đã ít nhiều tạo ra những dấu ấn khá đậm nét đối với bạn đọc: Nguyễn Phong Việt, Trần Việt Anh và Lương Đình Khoa.

Nguyễn Phong Việt 

Dấu ấn đầu tiên chúng tôi muốn đề cập đến là những bằng chứng cụ thể đầy ấntượng về sự tiếp nhận của bạn đọc đối với thơ của ba tác giả trẻ kể trên. Trên thực tế, việc các nhà xuất bản mua bản quyền và chủ động in thơ của những tác giả trẻ là rất ít trong điều kiện sang tác thơ đìu hiu những năm gần đây. Những tác giả được lựa chọn in thơ thường là những tên tuổi lớn đã khẳng định được chỗ đứng và sức hút của mình trên văn đàn. Nhưng cả ba tác giả nói trên đã tạo ra những sự ra mắt không thể “ngọt ngào” hơn. Cuối năm 2012, nhà báo – nhà thơ trẻ Nguyễn Phong Việt trình làng độc giả tập thơ Đi qua thương nhớ và chỉ sau 50 ngày, 10.000 cuốn sách được bán hết. Tính đến thời điểm 12/2013, đã có 35.000 bản in Đi qua thương nhớ được bán ra với sự phản hồi tích cực từ bạn đọc. Con số phát hành này là một “hiện tượng” thực sự trong giới xuất bản và phát hành. Không lâu sau đó, tập thơ Ai rồi cũng phải học cách cố quên đi một người của Lương Đình Khoa được Người Việt Trẻ mua bản quyền xuất bản và đạt số lượng 750 cuốn trong một tháng, cùng với 1500 cuốn chưa in hết, tạo ra một cơn sốt nhẹ đối với thị trường sách. Đầu năm 2014, những vần thơ nhẹ nhàng của tác giả trẻ Trần Việt Anh tập hợp trong cuốn Rẽ lối nào cũng gặp nhớ thương cũng được coi là một cuốn sách bán chạy với 4.000 bản in cho lần phát hành đầu tiên. Những con số đó cho thấy sức hút của thơ ca dường như đã trở lại, cả trên hai phương diện: năng lực của người viết và sự quan tâm chú ý của độc giả.

Vì đâu các tác giả Nguyễn Phong Việt, Trần Việt Anh, Lương Đình Khoa lại có thể tạo ra một “cú hích nhỏ” đối với đời sống thơ ít nhiều khủng hoảng trong một thời gian khá dài? Vì đâu bạn đọc lại bắt đầu hào hứng, quan tâm và có sự chờ đợi chở lại đối với sự ra đời của mỗi tác phẩm thơ? Trên thực tế, sức sống của nghệ thuật nói chung, thơ ca nói riêng phụ thuộc vào nhiều yếu tố và việc lí giải một cách thỏa đáng thật không hề đơn giản. Chúng tôi cho rằng, điều này nên được nhìn nhận trên hai phương diện chính yếu: Chủ quan (Người viết, tác phẩm thơ) và khách quan (Những yếu tố ngoại cảnh xã hội mang tính nâng đỡ). Trên cơ sở đó, bước đầu chúng tôi đưa ra một số lí giải về sức hấp dẫn của ba hiện tượng thơ trẻ trên.

Trước hết, trên phương diện cảm hứng nghệ thuật và cái tôi trữ tình, chúng tôi nhận thấy có một sự “lội ngược” dòng quay trở về với những vấn đề đời thường muôn thủa trong thơ ba tác giả này. Suốt một thời gian khá dài, bạn đọc dường như bị “bội thực” và “bão hòa” với những bài thơ đòi nữ quyền, giải phóng bản năng và tràn ngập yếu tố sex, đề cao vô thức và tâm linh… Nhiều sáng tác thơ rơi vào tình trạng cầu kì, rối rắm, khó hiểu. Điều này thực sự là một trở ngại đưa thơ đến với số đông công chúng. Những bài thơ đi theo hướng như vậy thường chỉ tồn tại trong một số lượng bạn đọc nhỏ hẹp và không có sức lan tỏa cũng như phù hợp với cảm nhận chung của độc giả phổ thông. Dường như nhận ra “yếu điểm” ấy, cả ba tác giả Nguyễn Phong Việt, Trần Việt Anh, Lương Đình Khoa đều hướng ngòi bút của mình tới những vấn đề quen thuộc, gần gũi nhất của con người. Ấy là tình yêu nam nữ trên phương diện cảm xúc, là những nỗi buồn thăm thẳm của những cá nhân cô đơn trong đời sống đô thị, là những tình cảm muôn đời như tình cha con, tình mẹ con, tình cảm với một miền quê thân thuộc… Cảm hứng thơ giản dị và chân mộc. Cái tôi trữ tình tác giả cũng theo đó mà thủ thỉ, mà giãi bày và sẻ chia… Sau bộn bề cuộc sống của cơ chế thị trường, đến với thơ của ba tác giả này, chúng ta như được vỗ về và dỗ dành, được cảm thông và lắng nghe… Thơ Nguyễn Phong Việt từ tập thơ đầu tiên Đi qua thương nhớ đến tập thơ thứ hai Từ yêu đến thương viết chủ yếu về tình yêu, từ tình yêu đầu đời nhung nhớ, tình yêu tan vỡ trong khắc khoải… đến tình cảm vợ chồng gắn bó, sẻ chia. Mỗi bài thơ của tác giả này chảy tràn những triết lí nho nhỏ mà thú vị, không đao to búa lớn nhưng lại có sức ám ảnh đối với con người: Cay đắng của mỗi người đều được giữ theo một cách riêng/ khi người này khóc, người này chờ người kia đi ngủ/ khi người kia đau, người kia xiết tay người này như một trò chơi thuở nhỏ/ Người nào thua phải tự mình nín thở/ tự mình giúp cho mình được chết đi (Đừng nói nữa, được không? – Nguyễn Phong Việt). Tác giả trẻ Nguyễn Việt Anh mang đến những vần thơ nhẹ nhõm, phóng khoáng như một cơn gió dại, nhưng lại dịu dàng và trầm buồn như một tiếng thở dài: Chiều nay anh đọc lại/ Bài thơ của Olga/ Năm tháng đắng cay/ Năm tháng ngọt ngào/ Những hàng cây vẫy tay chào/ Ngả đầu nhìn tuổi trẻ/ Chỉ cuộc đời vẫn thế (Tuổi trẻ của mỗi người – Việt Anh). Trong thơ của Lương Đình Khoa, tình yêu không phải chỉ trong trẻo như một câu chuyện cổ tích: Tháng bảy ngủ rồi/ Lưng đồi tí tách/ Cỏ hôn mưa ngọt/ Xanh vào mắt nhau/ Mắt anh bắc cầu… (Nói với em về cổ tích tình yêu – Lương Đình Khoa) mà còn đầy rạo rực đam mê: Bầy đom đóm hiện ra trộn hòa vào những bông hoa – những bông hoa lấp lánh/ Lũ dế mèn trộn vào cỏ xanh – cỏ xanh ngân tiếng hát/ Vũ trụ trộn vào nhịp tim – nhịp tim thổn thức/ Con trộn vào nàng…/ Trái đất rùng mình – chợt hóa lời ru (Nói với mẹ ngày yêu – Lương Đình Khoa). Ngoài tình yêu, tác giả này còn giành những vần thơ xúc động viết cho gia đình: Đời mỗi người chỉ có một gia đình/ Để học cách yêu và học cách đau/ Như trái tim con lúc này/ Quả sung non tứa nhựa vặt lìa khỏi cây/ Con cá mắc lưỡi câu, giãy giụa hoài, miệng càng thêm rách toác/ Cánh cò mềm ngã gục vào đêm đen (…) Con mất mẹ rồi, tháng Mười mồ côi (Mỗi người chỉ có một gia đình để học cách yêu và học cách đau – Lương Đình Khoa). Những vần thơ giản dị, trữ tình như thế, lẽ tất nhiên sẽ có sức lan tỏa vào trí nhớ bạn đọc hơn hẳn những vần thơ cao siêu và cầu kì.

Thứ đến, trên phương diện hình thức nghệ thuật, cả ba tác giả này đều có những “điểm dừng” nhất định trong nỗ lực làm mới thể loại cũng như ngôn ngữ. Điều này vừa cấp cho thơ họ sự mới mẻ đồng thời tránh được việc xa rời tầng lớp độc giả phổ thông. Họ dùng chủ yếu thơ tự do như một yếu tố đắc địa để diễn tả cảm xúc chảy tràn. Thơ Nguyễn Phong Việt chứng kiến sự lấn sân trên diện rộng của văn xuôi, tạo ra một thứ thơ - văn xuôi đặc trưng. Mỗi bài thơ là sự cộng gộp của những câu hỏi và những lời giải thích điệp trùng. Tác giả này có xu hướng sử dụng khẩu ngữ và điệp ngữ một cách phổ biến: Chúng ta đã nhiều lần chết đi dù vẫn đang tồn tại giữa bao người/ khi nhìn thấy nhau nhưng không cách nào bước tới/ khi lướt qua nhau và nghe rõ nhịp tim của người kia đau nhói/ khi rời xa nhau mà ngay cả ánh mắt cũng không bước đi nổi/ xót xa nào hơn… (Bởi vì không thể quên – Nguyễn Phong Việt). Thơ Nguyễn Việt Anh và Lương Đình Khoa là sự đan xen nhuần nhị của các câu ngắn dài khác nhau, đôi chỗ như được cắt ra từ những câu nói thường ngày: Hoa cúc vàng một chậu/ Chiều nay thả kén vàng/ Thôi anh ạ, đừng trách cứ thời gian/ Chuyện đã qua rồi, chẳng nên khơi lại nữa/ Bình minh lại gõ cửa/ Mở ra muôn vàn ngày (Em không còn biết khóc – Trần Việt Anh). Tay run run vịn vào hờ hững những nông nổi/ Rút ra từ lồng ngực những hoang mang, bối rối/ Cả những giấc mơ chơ vơ khao khát buồn/ Ném lên bức vách đời mình. Tròng trành… Giấc mơ ngu ngơ đã lỡ/ Ta vỡ/ Lại cộng mình vào đêm (Bò chênh vênh trên vách cô đơn ru buồn – Lương Đình Khoa). Về mặt ngôn ngữ, các tác giả này có xu hướng sử dụng dày đặc các từ ngữ mang tính biểu cảm cao nhưng lại giản dị và gần gũi với đời sống. Họ không cố gắng làm mới ngôn ngữ bằng cách tìm đến những cách diễn đạt tân kì. Điểm họ hướng tới chính là đằng sau lớp vỏ thể loại ngôn ngữ kia đâu là chất thơ thực sự có thể làm rung động bạn đọc.

Cuối cùng, theo chúng tôi, một lý do khách quan không kém phần quan trọng khiến cho sự xuất hiện của ba tác giả Nguyễn Phong Việt, Lương Đình Khoa, Trần Việt Anh tạo ra hiệu ứng tích cực chính là internet và mạng xã hội. Có một điểm chung là cả ba tác giả này đều có xuất phát điểm từ báo chí (Nguyễn Phong Việt từng là phóng viên mảng Văn hóa Nghệ thuật của báo Mực tím, Trần Việt Anh là phóng viên – biên tập viên chuyên mục Thơ của báo Sinh viên Việt Nam, Lương Đình Khoa là sinh viên ngành báo). Khi bắt đầu sáng tác, họ hiểu rõ thơ đang có vị trí nào trong công chúng cũng như sức mạnh của truyền thông. Ở cả ba tác giả này, các bài thơ nhỏ lẻ trước khi được tập hợp vào thành tập đều được trình diện trên trang cá nhân (Facebook) và nhận được sự quan tâm (Like), các ý kiến bình luận (Comment) cũng như những lượt chia sẻ (Share) rộng khắp. Đây chính là một bước chuẩn bị tốt cho quá trình tác phẩm thơ đến với bạn đọc.

Trở lên, chúng tôi đã bước đầu lí giải sức hấp dẫn mà sáng tác thơ của ba tác giả Nguyễn Phong Việt, Lương Đình Khoa, Trần Viết Anh đưa lại. Dù chịu ảnh hưởng của cả yếu tố chủ quan cũng như khách quan, nhưng chúng tôi cho rằng, lí do cuối cùng quyết định sức sống của các tác phẩm thơ ấy chính ở bản thân tác phẩm thơ. Một tác phẩm nói được tâm tư của nhiều người, giàu chất thơ, với một hình thức nghệ thuật phù hợp tất yếu sẽ chiếm được chỗ đứng trong lòng người đọc.

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ quân đội

http://vannghequandoi.com.vn/802/news-detail/1539172/phe-binh-van-nghe/thu-li-giai-suc-hap-dan-cua-mot-so-hien-tuong-tho-tre-viet-nam-gan-day.html