Thời thơ ấu của Ivan - Một mệnh đề đảo trong hiện thực chiến tranh

In bài này

Ivan

 

Cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai kết thúc nhưng để lại dưới gót chân đầy sức nặng hủy diệt của nó sự hoang tàn, đổ nát kinh hoàng và tàn khốc cả tài sản vật chất đến tài sản tinh thần của con người. Trong bối cảnh của thời hậu chiến, các nhà đạo diễn đã nhìn lại chiến tranh bằng những con mắt khác nhau. Mỗi người đứng ở một giác độ riêng biệt và đem lại sự soi ngắm thế giới, soi ngắm hiện thực mang tính khám phá từ trên phương diện tư tưởng đến phương diện nghệ thuật. Bài ca người lính không đặt người anh hùng vào tư thế trận mạc uy nghi, lẫm liệt mà đưa họ trở về với khuôn thước đời thường, hiện lên cao cả và giản dị trong cái thường ngày của chiến tranh. Đàn sếu bay là khúc bi thương của số phận tình yêu, của số phận con người bị xô nát bởi đạn bom, bởi chiến cuộc tàn khốc. Cũng giữa thời kỳ này, Tarkovsky với Thời thơ ấu của Ivan trở thành một hiện tượng kỳ lạ, độc đáo của điện ảnh Nga. Từ điểm nhìn mang cảm hứng bi kịch, người đạo diễn này đã tạo dựng nên một mệnh đề đảo của cái hùng tráng, cao cả, vĩ đại trong chiến tranh xuyên suốt toàn bộ tác phẩm bằng một phương thức tư duy ngôn ngữ điện ảnh mới mẻ, sáng tạo.

 

Toàn bộ những thước phim hiện ra trên màn ảnh là một mệnh đề đảo của nhan đề. Tác phẩm mang tên Thời thơ ấu của Ivan, thế nhưng, gần 100 phút phim nhằm hướng đến tái hiện một thời thơ ấu không tồn tại, thời thơ ấu bị mất cắp, bị hủy hoại của Ivan, một cậu bé chỉ trạc 12 tuổi. Trong Ivan luôn tồn tại song song hai con người: một cậu bé con và một người đàn ông lớn giữa trận mạc cũng như hai mệnh đề tính cách đảo ngược. Gắn với hình hài của một cậu bé, Ivan luôn khao khát tình yêu thương, sự chở che của người lớn, mà trước hết, như mọi đứa trẻ trên cuộc đời này, đó là nỗi khao khát tình mẹ đến tận cùng. Chàng thanh niên – người anh hùng 19 tuổi của Bài ca người lính cũng trở nên gần gũi, đời thường và hóa trẻ con bởi nỗi nhớ mẹ, bởi ước mong trở về bên mẹ, một phần thưởng quý giá hơn mọi huân chương. Với Ivan, giấc mơ về người mẹ luôn trở đi trở lại, ngọt ngào, dịu mát và cũng đầy ám ảnh, luôn đến khi cậu bé chìm vào giấc ngủ, khi Ivan sống và cả khi Ivan đã chết. Giấc mơ về những trò chơi trẻ thơ, về người bạn gái bé nhỏ tạo nên những thước phim mềm mại, nhẹ nhàng và căng trải thế giới tuổi thơ đúng nghĩa trong mộng tưởng của Ivan. Giấc mơ này hòa lẫn, kết hợp với nhau, tạo thành một cấu trúc vòng tròn bao bọc toàn bộ tác phẩm, mở ra là cũng khép lại bộ phim vừa như một dưỡng chất tinh thần nuôi nấng cậu bé đi qua tháng ngày bom đạn khốc liệt, vừa là biểu tượng lớn lao của khát vọng trẻ thơ, khát vọng sống, khát vọng yêu thương không với chạm đến được. Ngoài người mẹ của tâm tưởng, cậu bé cũng luôn tìm kiếm và gởi gắm tình yêu của mình nơi Kholin, người nuôi cậu bé sau khi gia đình cậu bị phát xít Đức giết hại. Một Ivan kiên cường, lãnh đạm như một viên tướng lĩnh, mới phút trước còn dõng dạc ra lệnh cho Gryaznov bỗng phút sau thoắt phục hiện sự trẻ con trong trẻo, hồn nhiên tuyệt đối khi lao chầm đến để ôm lấy Kholin cùng những nụ hôn và niềm vui sướng vỡ òa. Ivan nhỏ bé bởi những cơn hờn dỗi, sự bướng bỉnh khi bị buộc phải quay lại trường học, bởi những giọt nước mắt và sự sợ hãi của một đứa trẻ con. Và như mọi cậu bé, Ivan thích bắt chước người lớn, thích đóng vai người anh hùng. Vào cái đêm ở trong căn cứ một mình, với con dao của Gryaznov, cậu bé bày trận giả để tập trận và rồi quay cuồng sợ sệt vì bom đạn có thực đang liên hồi dội xuống. Đồng thời, Ivan chững chạc, vững chãi, dày dặn giữa chiến tranh lại như một người đàn ông thực thụ, một người lớn thực thụ trong vóc người nhỏ bé. Thái độ, ngôn ngữ, ánh mắt, cách thức ứng xử của Ivan với Gryaznov, với những người lính cho thấy sự tự ý thức của cậu bé về vai trò của mình trong quân ngũ, về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Hành động cuối cùng của Ivan trước khi chết là một hành động dũng cảm và tự lập. Trong đêm tối, giữa bùn lầy, cậu bé đã không để Kholin dẫn đường vì sợ ông bị quân địch giết mà bước đi một mình, đối mặt với hiểm nguy trước mặt, những hiểm nguy vượt ngưỡng đối với một đứa trẻ. Hình tượng Ivan là một hình tượng đa tính cách, chuyển biến liên tục giữa hình thái người lớn và trẻ con. Và từ đấy cho thấy rằng chiến tranh không chỉ thuộc về những anh hùng, những người đàn ông trưởng thành mà còn thuộc về những đứa trẻ, thuộc về mọi con người. Thế nhưng, cảm hứng chủ đạo của tác phẩm không phải là cảm hứng tụng ca mà là cảm hứng hiện thực. Tarkovsky đã tái hiện hiện thực về con người trong chiến tranh, tất cả đều phải dự phần, đều phải biến đổi tầm vóc trong cuộc chiến ấy để sinh tồn.

 

Những bối cảnh được tạo dựng trong bộ phim cũng là các mệnh để đảo của nhau, tương phản với nhau. Bối cảnh hiện thực diễn ra giữa cuộc chiến tranh luôn hiện lên ngổn ngang, đổ nát, hoang tàn và trơ khấc, tạo cảm giác âm u, xơ xác với sình lầy, bùn nước. Sau chiến tranh, trường đoạn trong thư viện bị Đức quốc xã phá nát cũng được tạo dựng trong khung cảnh tan hoang, rời rã. Trong khi đó, bối cảnh giấc mơ diễn ra trong đời sống tâm thức sâu thẳm của con người lại luôn hiện lên tươi mát, tinh khôi, tràn đầy sức sống và gợi cảm với dòng sông lấp loáng nước, những cơn mưa, vòm cây, chiếc xe chở đầy táo và chú ngựa ăn từng quả táo mọng nước đổ đầy mặt đường. Trong bối cảnh hiện thực, gương mặt nhân vật rất ít được chiếu sáng toàn bộ mà luôn mang sự tương phản giữa ánh sáng với bóng tối. Ở bối cảnh giấc mơ, những gương mặt quay cận cảnh bừng lên trong ánh sáng, quyện lẫn với ánh sáng của lòng sông, của nước mưa tạo nên nét lung linh, huyền ảo, rực rỡ. Góc quay thấp đặc trưng của điện ảnh Nga thời hậu chiến phối hợp với sự thiết kế bối cảnh cũng tạo nên các giá trị biểu hiện đối lập này. Trong đoạn Ivan bơi qua đầm lầy trong đêm vào vào căn phòng của Gryaznov, góc máy thấp làm hiện lên hình ảnh Ivan và người lính trong căn hầm với mái trần thấp đổ xuống, tạo cảm giác không gian tối bị dồn đè, nặng nề và khô khốc. Vào đêm đối mặt với kẻ thù, máy quay đi theo chiếc thuyền của hai người lính, đi qua những bóng cây đổ trên mặt nước, dọc theo mặt sông và cuối cùng, cú máy dài dừng lại ở bối cảnh cồn cát, tạm bỏ chiếc thuyền đang tiếp tục chèo đi. Lúc này, máy quay dịch chuyển sang góc máy thấp để đặt vào khuôn hình xác chiếc máy bay cắm dốc vào cồn cát như trở nên phình to hơn, phía sau là một khoảng trời đầy khói. Dường như không gian không khoáng đãng mà chật chội vật thể đổ nát, vẽ lên hiện thực tàn bạo, đầy hủy hoại của chiến tranh, đè nặng lên sự sống của con người. Thế nhưng, khi tạo dựng các giấc mơ, góc máy thấp lại đưa nhân vật vào bầu trời rộng trên mặt sông, vào bầu trời có cơn mưa lấp loáng nước và những vòm cây rợp bóng. Không gian thiên nhiên rộng mở, quyện với con người và tràn đầy màu sắc lãng mạn. Sự đối lập trong bối cảnh nhấn đậm sự đối lập giữa hiện thực đời sống và thế giới giấc mơ tinh thần của con người, khát vọng của con người. Hiện thực càng thô nhám, khốc liệt, xám xịt thì giấc mơ càng tươi mát, tràn trề sự sống. Hai thế giới này song hành tồn tại với nhau, thậm chí tương tác và dẫn dắt nhân vật từ thế giới này bước sang thế giới kia. Âm thanh tiếng nước giọt trong căn hầm đưa Ivan đến với những giọt nước đổ sâu vào lòng giếng và hình ảnh người mẹ thân thương cùng chiếc gàu. Sự chuyển nhập từ thế giới thực sang thế giới ảo vừa mang lại tính linh hoạt cho nghệ thuật chuyển cảnh bằng cầu nối hình ảnh và âm thanh, vừa khắc họa đậm theo sự đối lập của bối cảnh, của hiện thực đời sống và ước mơ tinh thần của con người.

 

Phối kết chặt chẽ với bối cảnh, âm thanh trong phim cũng tạo nên những ấn tượng cảm xúc đặc biệt. Trong hầu hết các cảnh quay, những âm thanh hiện thực nổi lên rất rõ, gắn liền với bối cảnh. Trong căn hầm, trên nền phẳng, tĩnh của cảnh đêm, âm thanh bập bùng của lửa cháy, tiếng nước giọt, tiếng cử động của con người hiện lên rõ rệt. Những cảnh trong đầm lầy lại luôn có tiếng pháo sáng, tiếng lội nước bì bõm và tiếng súng nổ. Âm thanh mang lại cảm giác hiện thực, đồng thời, làm bật lên sự im lặng chết chóc đầy đe dọa và dồn nén của chiến tranh. Dường như xuyên suốt bộ phim, âm nhạc rất ít khi xuất hiện. Trong những đoạn cảnh hồi hộp, căng thẳng, tiếng đàn bật ra từng nốt xen tiếng trống hòa phối với hình ảnh, màu sắc làm tăng thêm cảm giác sợ hãi. Những nốt nhạc rời, không tạo thành giai điệu đi nối theo nhau càng khiến không khí trở nên dồn nén, bức vỡ cùng tâm trạng của nhân vật. Âm nhạc chỉ thực sự phát ra bằng chiếc máy hát của người lính và cũng là âm thanh thực trong bối cảnh chứ không phải âm nhạc hậu trường. Tiếng nhạc ấy trở thành một chi tiết, như là sự giải tỏa những dồn nén của anh lính giữa không khí im lặng, nặng nề, tù túng. Ngược lại, những hình ảnh của giấc mơ lại luôn hiện trên nền âm nhạc mượt mà, tươi tắn, thanh thoát và nhịp nhàng. Hai thế giới tương phản về ý nghĩa, về hình ảnh cũng mang sự tương phản về âm thanh và mang lại cho khán giả sự cảm nhận thị giác, thính giác hòa nhịp cùng với sự cảm nhận về nội dung tác phẩm. Bên cạnh đó, sự dàn dựng âm thanh còn thể hiện rõ sức gợi tả mềm mại, giàu ý nghĩa biểu tượng. Trong buổi sáng ngay sau đêm diễn ra trận oanh tạc kinh hoàng của bom đạn, trên nền khuôn hình tĩnh lặng chứa đựng một mặt trời mờ ảo hiện ra sau làn khói chiến tranh với hai thanh sắt đan vào nhau hình thánh giá, tiếng chim nổi lên thánh thót, âm vang. Không gian dường như phẳng phiu trong buổi sáng sớm, sau sự hủy diệt và tiếng chim rõ rệt vang lên ấy làm mềm khuôn hình, gợi lên sự thanh bình, yên ả, trong vắt.

 

Điểm đặc biệt tạo nên màu sắc sáng tạo trong Thời thơ ấu của Ivan là phương thức tư duy nghệ thuật mới mẻ của ngôn ngữ điện ảnh. Tác phẩm không phải được xây dựng trên một cốt truyện mà là trên một ý tưởng, một ấn tượng, một sự thức nhận và cảm nghiệm về ý nghĩa đời sống. Chính vì vậy, chuỗi tình tiết và hình ảnh trong phim không xuất hiện theo sợi chỉ xuyên suốt của quy luật nhân quả mà cùng nhằm khắc họa, tô đậm ý nghĩa tác phẩm, đời sống nhân vật theo cấp độ tăng tiến. Nhiều trường đoạn trong phim có cảm giác như những cảnh quay rời được đặt cạnh nhau, nối ghép vào với nhau. Chi tiết trước được tạo ra không phải để dẫn đến chi tiết sau mà để xoáy sâu vào nội dung biểu đạt. Trường đoạn Kholin tỏ tình với Masha trong rừng bạch dương và mối quan hệ giữa Kholin, Gryaznov và Masha không nhằm tạo nên kịch tính gay cấn của một cuộc tình tay ba. Mối quan hệ nam nữ ở đây cho thấy sức tác động của chiến tranh làm xô lệch và đè nén tình cảm tự nhiên, nhân văn của con người. Cuối cùng, Masha ra đi theo lệnh của Gryaznov. Cô quay lưng và lặng lẽ rời khỏi căn hầm trong khoảnh khắc Kholin bật đĩa nhạc lên như mang đến một âm thanh tươi tắn cho tình yêu, cho hạnh phúc. Khi phát hiện cô đã ra đi, anh ném chiếc ghế bằng tất cả sự giận dữ bùng nổ. Đó là nỗi căm giận chiến tranh, căm giận bom đạn đã gieo rắc sự hủy hoại lên đời sống con người. Điều mà Tarkovsky muốn đạt đến là tái hiện thế giới bên trong của con người, tái hiện hiện thực đời sống nội tâm sâu thẳm vốn vô hình, vô ảnh. Vì vậy, hình ảnh – một thứ ngôn ngữ đắc lực của nghệ thuật thứ 7 – được ông sử dụng và khai thác tối đa, triệt để. Không phải là hành động và tình tiết mà là hình ảnh và chi tiết mới là chất liệu trung tâm của Tarkovsky. Đào sâu vào chi tiết của hình ảnh, Tarkovsky khắc họa thế giới bên trong của con người với diễn biến của nỗi sợ hãi, niềm khao khát, nỗi đam mê, hạnh phúc, niềm vui, sự đau đớn, dỗi hờn… Do vậy, những cảnh quay cận cảnh và lặp lại thường xuất hiện. Cái xác 2 người đàn ông bị treo cổ với tấm biển ghi hai chữ: “Chào mừng” (Wellcome) đầy đe dọa lặp lại 3 lần, lần sau được quay gần hơn lần trước khắc đậm cảm giác sợ hãi. Giấc mơ được xây dựng 4 lần, cảnh lội nước trong rừng đêm hiện ra 2 lần. Trường đoạn trong thư viện chứa đựng rất nhiều hình ảnh lặp lại ấn tượng. Những quyển sách nằm trên nền đất, những mảnh giấy bị xé rời trùng điệp vào nhau giữa thư viện đổ nát, ngổn ngang thanh gỗ và dây kẽm gai hình thành một bối cảnh tan hoang. Khi Gryaznov lật từng hồ sơ, hai chữ “bị giết” và “bị treo cổ” cứ lặp đi lặp lại liên tục rồi dừng lại với hồ sơ của Ivan. Thế giới tâm tưởng của nhân vật được hình ảnh hóa cụ thể, rõ nét. Từ bên trong Gryaznov, những chiếc thòng lọng, máy chém, những vũ khí giết người dã man, tàn bạo của Đức quốc xã hiện lên trước mặt. Cuối cùng, chiếc đầu của Ivan rơi xuống, vừa thực, vừa ảo, quyện lẫn giữa hiện thực với sự tưởng tượng của tâm trí con người. Ống kích dịch chuyển dần từ cận cảnh cái đầu cho đến đặc tả đôi mắt mở to đầy căm hờn và kiên cường của Ivan.

 

Thời thơ ấu của Ivan đọng lại trong khán giả những ấn tượng sâu, những cảm xúc dai dẳng từ cái nhìn hiện thực đầy cảm hứng bi kịch về chiến tranh. Thời thơ ấu của Ivan được gọi tên nhưng bị phủ định. Hình tượng một đứa trẻ không có tuổi thơ mang sức nặng lên án chiến tranh mạnh mẽ và đồng thời cũng là biểu tượng cho cả một nhân loại rã rời, mất mát vì bom đạn khốc liệt. Ngôn ngữ điện ảnh mới mẻ và sáng tạo đem lại thành công cho Thời thơ ấu của Ivan được nối tiếp và hình thành nên đặc trưng thi pháp ngôn ngữ điện ảnh của Tarkovsky trong các tác phẩm về sau như Andrei Rublev, Solaris, Stalker...

 

ThS. Hồ Khánh Vân, giảng viên của Khoa Văn học và Ngôn ngữ ,vừa hoàn thành lớp Biên kịch Điện ảnh do Quỹ Ford tài trợ ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội tổ chức.  Đây là một bài viết trong thời gian tác giả học tập ở Hà Nội.