Dì Ba phải khác

In bài này

Nửa thế kỷ ăn cơm nghệ thuật, NSƯT Thành Lộc đã mang đến cho khán giả nhiều vai diễn đúng nghĩa rút ruột nhả tơ. “Phù thủy”, “bậc thầy sân khấu” đóng xuất sắc nhiều vai, từ trẻ con, thằng khùng, thanh niên ưu tú, trung niên bá vơ, giám đốc, phạm nhân, nông dân, thương nhân, công tử, phú ông, quan văn, quan võ đến... chó cưng. Nhưng hai dạng nhân vật khiến khán giả ấn tượng về anh nhất vẫn là ông già và phụ nữ. Ai đã “bồ kết” những vai diễn ông già Nam bộ xéo xắt, lém lỉnh mà cùng cực khổ đau của Thành Lộc trong Dạ cổ hoài lang, Tía ơi má về, Bông hồng cài áo... thì cũng rung rinh trước những màn hóa thân thành nữ giới duyên dáng, điệu đà của anh trong Tấm Cám, Hợp đồng mãnh thú và gần đây nhất là dì Ba trong Ngôi nhà không có đàn ông (soạn giả: Ngọc Linh, đạo diễn: Vũ Minh) trên sân khấu Idecaf.

Dù vậy, “dì Ba” lần này không được lòng tất cả khán giả. Đó đây trên báo chí, mạng xã hội, một số khán giả bày tỏ sự phiền lòng khi một nghệ sĩ lớn như Thành Lộc lại cất công giả gái chỉ để thủ “một vai hài đơn giản”.

Với tôi, dì Ba không phải là một vai hài, càng không phải là một vai đơn giản.

Hãy điểm qua “lý lịch” của “dì Ba phiên bản Thành Lộc”: 49 tuổi (ai mà nói dì Ba 50 tuổi là bị giận ngay), cô giáo dạy văn, chưa chồng, sống chung với người chị ruột và ba đứa cháu gái (mà sao có một luật bất thành văn là nhân vật cô giáo trên sân khấu, phim ảnh cứ phải dạy văn mà không phải là lý, hóa, địa, giáo dục công dân hay thể dục, cứ phải đeo mục kỉnh dày cộp, cứ phải hâm hấp, thuộc thơ như cháo và nhất là phải... ế!!!). Hàng ngày, nếu không đi dạy thì dì Ba phụ trông nom tiệm áo cưới Hạnh Phúc của chị gái (trớ trêu làm sao, dì mặc áo cưới cho bao nhiêu cô dâu mà chưa có dịp mặc cho mình). Vì ngôi nhà không có đàn ông, dì Ba gồng lên làm đàn ông, rành mạch chuyện đóng bàn sửa ghế, sẵn sàng cầm búa rượt đứa đàn ông nào dám làm khổ cháu mình. Dì Ba rất thời trang và... thời sự. Dì Ba mặc áo dài cách tân, áo tay phồng loe vai trễ với quần legging, điệu đà diện cả áo corset bên trong. Dì Ba giễu cợt “thời trang áo dài 12 mét” làm vệ sinh sân bay miễn phí của một quý bà mà ai cũng biết. Dì Ba vừa livestream cảnh vợ chồng sắp cưới đánh nhau vừa đe nẹt học trò không được “say hi” hay “like” mà phải đi học bài lập tức. Tất cả những điều đó tạo nên một dì Ba thời nay, hoạt náo, đủ giảm bớt không khí nặng nề, trầm uất của một bi kịch gia đình và tạo ra những tràng cười nghiêng ngả cho khán giả. Cứ thử để dì Ba làm “trung niên nghiêm túc” đi, vở sẽ bán vé được vài suất rồi... nghỉ khỏe. Sân khấu Sài Gòn muốn sáng đèn đều đặn ít nhiều phải có yếu tố hài.

Nhưng giá như dì Ba chỉ xuất hiện để gây cười thôi thì Thành Lộc có lẽ không đến mức lao tâm khổ tứ. Đằng này, dì Ba phải gồng gánh thêm nhiều trọng trách trong đường dây kịch bản. Có thể nói, dì Ba là nhân vật “chằng chịt” nhất về vai trò, thân phận và tâm lý trong vở diễn.

Trong gia đình, dì Ba là gạch nối giữa hai phe: một bên là người chị gái “bất tín đàn ông” và bên kia là ba đứa cháu - những “sản phẩm bị lỗi” từ lối giáo dục “một bề” của mẹ. Dì thương chị ruột đến mù quáng, kiểu “má tụi con hận đàn ông một thì dì Ba tự nguyện hận đàn ông mười”. Dì trở thành một công cụ thừa hành mẫn cán đến nỗi cuộc đời bị đánh cắp lúc nào không biết. Bênh vực và răm rắp tuân theo các “chỉ thị” của chị nhưng dì không phải là đao phủ trong mắt các cháu. Dì thương yêu, gần gũi chúng hơn cả mẹ ruột, dù có khi sự quan tâm của dì gần giống thói rình rập của loài cú đêm.

Còn ngoài xã hội, dì Ba là một người đơn độc. Không tri âm cũng chẳng bạn bè. Dì Ba dạy văn nhưng môn văn chẳng biến dì thành “hot teacher” được, nếu không muốn nói là làm đầy đặn thêm một dì Ba ngay ngắn, lỗi thời. Chính dì cũng chua chát nhận ra nét lạc điệu của mình trong lớp học. Đã là con người, ai mà chẳng có lúc tức giận, ta thán. Nhưng chữ “nhà giáo” to tướng trên đầu khiến dì phải cố định hình ảnh nền nã, nhã nhặn. Chỉ khi ở trong nhà, dì mới có vài phút được là chính mình, được ăn nói bỗ bã mà không sợ người đời bẻ bai, dè bỉu.

Hiện diện thường trực trong chuỗi ngày đằng đẵng nhọc nhằn của gia đình, điều mà dì Ba làm nhiều nhất là theo sát, an ủi các thành viên trong nhà. Thay vì phải oán người chị đã gieo vào đầu mình tư tưởng “đàn ông chỉ là heo nọc”, dì cho đi tình yêu thương của mình vô điều kiện. Cảnh dì Ba ôm người chị khắc nghiệt đầy thương xót, cảm thông rồi hai chị em khóc ngon lành là hình ảnh đẹp và sâu lắng nhất vở.

Cuối vở kịch, trong khi ai cũng tìm được hạnh phúc hay ít ra nhẹ nhõm hơn thì dì Ba vẫn “vô sản”. Dì lấy hạnh phúc của các thành viên trong nhà làm hạnh phúc của mình. Quai quái mà sâu sắc, cứng cỏi mà mềm mại, đè nén mà bùng nổ, dì Ba buộc người xem phải rơi nước mắt vì thương quá đỗi một tấm lòng chân thành, hào hiệp và nhiều giằng xé. Để có thể tải hết tất cả các đặc tính đối lập và phức tạp đó của dì Ba, Thành Lộc dĩ nhiên không thể chỉ dụng tài năng thiên phú. Ngoài việc nghiên cứu rất công phu nhân vật và đổ mồ hôi sôi nước mắt trên sàn diễn, anh đầu tư cho dì Ba những bộ đồ chỉn chu và phù hợp với lứa tuổi. Tôi chỉ ao ước sao Thành Lộc có nhiều bộ tóc giả đẹp và tự nhiên hơn để bề ngoài của dì Ba thêm hoàn hảo.

Bàn một chút về chuyện nam diễn viên giả nữ.

Ở góc độ khán giả, tôi thấy điều lý tưởng nhất là nam cứ đóng vai nam, nữ cứ đóng vai nữ. Nhưng ở một nhà hát, một ban kịch, nhóm kịch, bảng phân vai phải tùy thuộc vào số lượng và tạng, chất của các thành viên. Đó là chưa kể vì nhiều lý do, người ta hoán đổi giới tính của diễn viên và nhân vật một cách cố ý. Trong trường hợp của sân khấu Idecaf, vai dì Ba được đo ni đóng giày cho Thành Lộc. Và có lẽ, ngoài anh ra, sân khấu này khó có người thứ hai đảm đương nổi vai diễn.

Quay ngược thời gian, chúng ta hãy nhớ rằng thuở xưa, phụ nữ không được hoặc cực kì bị hạn chế bước lên sân khấu (cứ thử liệt kê, ta sẽ được một danh sách dằng dặc những điều phụ nữ không được làm từ xưa đến nay). Thế là, diễn viên nam đảm nhiệm hầu hết các loại vai trong kịch Hy Lạp cổ đại, kịch Phục hưng, kịch kabuki, kịch múa khon... và cả opera. Khái niệm “diễn xuyên giới tính” (cross-gender acting) có lẽ hình thành từ đó. Giới biểu diễn còn có một thuật ngữ là “travesti” để chỉ những vai được ca, diễn bởi người có giới tính trái dấu với nhân vật (chủ yếu chỉ nữ đóng vai nam). Ở nước ta, kép đóng vai đào chủ yếu vì lý do lễ giáo, còn đào phải đóng vai kép bởi đoàn hát thiếu nam diễn viên. Chúng ta có một “travesti” tài năng là NSND Phùng Há. Khán giả thích mê vai An Lộc Sơn, Lữ Bố... của cô Bảy. Thậm chí, diễn viên nam chưa chắc có khí chất kép võ như bà. Như vậy, không nên lên án việc Thành Lộc hay bất kỳ diễn viên nào “cross-gender acting”. Điều quan trọng là người diễn viên ấy có đủ duyên dáng, có trân trọng và dốc hết tâm lực để hóa thân trọn vẹn vào vai diễn hay không.

Còn nhớ, năm 1999, Tiếng chim trong vườn ngọc lan ra mắt khán giả ở sân khấu 5B. Bên cạnh những mỹ từ “sang trọng”, “diễn như xi-nê” mà báo giới tưởng thưởng cho nhân vật đồng tính Lữ Đạo Kinh thì cũng có bài viết bảo rằng Thành Lộc “mang khát vọng đời thường lên sàn diễn”. Thay vì đôi co, anh chọn giải pháp im lặng. Theo thời gian, tên tuổi Thành Lộc không chỉ tiếp tục bảo chứng cho doanh thu phòng vé mà những nhân vật được anh “cover” lại cũng hết sức thuyết phục và có nét riêng. So với dì Ba “nữ tính một chiều” do nghệ sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc thủ diễn, “dì Ba Thành Lộc” không hề kém cạnh, rất đa sắc và mới mẻ. Dì Ba hôm nay khác dì Ba của hơn 20 năm trước cũng là hợp lẽ, dù bi kịch không hề vơi giảm.

Trong nghệ thuật, một trong những điều thú vị nhất mà một tác phẩm vĩ đại hay một nghệ sĩ lớn có thể tạo ra là thổi bùng lên những cuộc tranh luận. Ít ỏi trong số các nghệ sĩ Việt Nam làm được điều đó là NSƯT Thành Lộc. 

Ảnh: Dì Ba Thành Lộc (bìa trái) trong vở Ngôi nhà không có đàn ông.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/264933/Di-Ba-phai-khac.html