Múa Kiều và câu chuyện tương tri của văn hóa Đông Á

In bài này

Trong suốt Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Du nhiều lần không giấu được nỗi xót xa cho bước đường trầm luân của Kiều, đến mức tự hỏi “Tình kia hiếu nọ ai đền cho đây?”. Thì đây, hậu thế đã đền và sẽ còn đền cho Kiều. Có những nghệ sĩ vì yêu Kiều (và các nhi nữ nước Nam như Mị Châu, Hồ Xuân Hương) mà lặn lội từ Hàn Quốc đến Việt Nam, ròng rã lao động hơn năm trời để có thể trình bày cô đúc, tinh tế nhất câu chuyện đời Kiều bằng ngôn ngữ hình thể và âm nhạc. Múa Kiều kéo dài 60 phút trên sân khấu Nhà hát Thành phố (chỉ trong hai đêm 10/3 và 11/3), là tác phẩm múa đương đại của Yoo-Oh Chun (biên đạo), Sun-Goo Jung (kịch bản và đạo diễn) cùng rất nhiều nhạc sĩ, vũ công, ca sĩ, họa sĩ, nhà thiết kế (phục trang, ánh sáng, sân khấu) Hàn Quốc và Việt Nam. Hầu hết vai diễn đều do các nghệ sĩ múa Việt Nam như Phan Tiểu Ly, Nguyễn Thu Trang, Trần Hoàng Yến, Hồ Phi Điệp, Phan Thái Bình, Sùng A Lùng… đảm nhiệm. Riêng vai Giác Duyên do chính Yoo-Oh Chun thủ diễn. “Cũng giống như thơ, điệu múa ngoài việc thể hiện vui, buồn, đau khổ còn thể hiện sự cảm tạ và còn là căn nguyên của niềm hạnh phúc”. Trung thành với ý niệm đó, biên đạo múa Yoo-Oh Chun đã cảm tạ người sáng tạo Truyện Kiều bằng một vở múa chắc gọn, thể hiện sự am hiểu đáng nể về tinh thần nguyên tác cũng như văn hóa nghệ thuật Việt Nam. 3254 câu Kiều đã được nhóm nghệ sĩ nghiền ngẫm và chắt lọc thành 6 chương múa: Mơ, báo mệnh; Mối tình đầu; Trâm gãy. Hi sinh; Bước đường phong trần; Cứu rỗi; Đoàn tụ. Với các chủ điểm như vậy, vở tập trung vào bốn chữ Duyên, Mệnh, Tâm, Tài. Phần múa cũng như các câu thơ được chọn lựa kỹ lưỡng chứng tỏ năng lực tiếp nhận Truyện Kiều đạt mức tinh nhạy. Thành công này một phần cũng vì người Hàn Quốc có Chun Hyang Jeon (Xuân Hương truyện) – một tác phẩm có nhiều nét tương đồng với kết cấu và nội dung Truyện Kiều. Sự lan tỏa mạnh mẽ của Nho giáo và Phật giáo tại xứ sở Cao Ly cũng là cơ sở để nhóm tác giả thấu hiểu lòng Nguyễn Du đến vậy. Trung thành với quy tắc múa đương đại, vở diễn là sự tích hợp nhiều loại hình nghệ thuật và các quan niệm thẩm mỹ khác nhau, chủ ý kết hợp các giá trị truyền thống và hiện đại. Ở phần múa, các diễn viên khước từ giày vải, để chân trần chạm trực tiếp vào sàn gỗ. Các chuyển động nương theo đường nét tự nhiên của cơ thể, chú trọng sức bật và treo lửng người tạo ra hàng loạt tượng đài mang tính quy ước, khơi gợi tưởng tượng nơi người xem. Chẳng hạn, nàng Kiều với đôi tay giơ cao và động tác chồm quá đà về phía trước hoặc uốn dẻo về phía sau biểu trưng cho sự ngả nghiêng, mỏng mảnh cũng như đức hiếu hạnh, đoan trinh. Trong nhiều lớp múa, các diễn viên thực hành quan điểm múa đương đại của Graham, đặt thân mình gần chạm sàn, tập trung cao độ vào chuyển động bụng và xương chậu. “Hành vi múa” mang đầy tính đối kháng với ballet cổ điển này khá phù hợp để nói lên cảnh tình “sự đâu sóng gió” và “ầm ầm tiếng sóng” của Kiều. Shakespeare đã nói: “Nếu âm nhạc là thực phẩm của ái tình, hãy trỗi nó lên” (If music be the food of love, play on). Dĩ nhiên, trong câu chuyện “mắc điều tình ái” này, âm nhạc là phần sống còn bên cạnh vũ đạo. Vở sử dụng các giai điệu thính phòng mang âm hưởng phương Tây với tiếng piano đặc trưng, bè phối với dàn nhạc dân tộc Việt Nam (chơi sống) bao gồm đàn T’rưng (Hồ Nga), sáo trúc (Trần Khánh Tường), đàn tỳ bà (Nghiêm Thu) và đàn đá (Lê Hoài Phương). Tiếng chuông chùa và âm thanh sóng biển điểm xuyết rất đúng hồn vía “nhẹ như bấc, nặng như chì” của Truyện Kiều. NSND Thanh Hoài thể hiện các bài ca trù với phần lời dựa hoàn toàn trên văn bản truyện thơ. Một sự hòa trộn dễ chịu, thể hiện hiểu biết về nghệ thuật dân tộc Việt Nam rất đáng trân trọng ở những người bạn Hàn Quốc. Và chắc chắn, Yoo-Oh Chun sẽ không hạnh phúc nếu không có cơ hội tri ân quê hương đã cho bà những thành quả hôm nay. Nữ biên đạo múa mạnh dạn lồng ghép bản sắc Hàn vào một câu chuyện Việt chừng mực và ý nhị. Vai Giác Duyên của bà… đậm đặc chất Hàn, từ tạo hình cho đến vũ điệu. Giác Duyên mặc hanbok cách điệu màu trắng có in hoa tím chìm ở phần chân váy, phần tay áo mỏng dài thậm thượt được tung tẩy bởi đôi dùi gỗ trên tay. Đó là phục sức của các nghệ sĩ biểu diễn Jeju obbang gaksichum. Nối tiếp giọng ca trù sắc từng chữ một của NSND Thanh Hoài ở phần giữa vở, nữ ca sĩ Kwon-Soon Kang bước ra trong trang phục hanbok và cất cao giọng hát đầy nội lực như nói hộ những cơn giông bão trong lòng Kiều. Một số vũ điệu của vở cũng mang đậm phong cách múa Hàn Quốc có nguồn gốc hàng ngàn hoặc hàng trăm năm như: Salpuri (điệu múa nghi lễ của pháp sư), Buchaechum (điệu múa quạt do nữ vũ công thực hiện với các vũ điệu lượn vòng), Seung Mu (điệu múa của nhà sư)... Bên cạnh vũ điệu và giai điệu, trong một khoảnh khắc, vở còn gom vào mình tiếng hét phẫn thiết của nhân vật và không ngại dung nạp cả sân khấu mặt nạ. Có thể hiểu chiếc mặt nạ hahoe xuất hiện duy nhất ở phân đoạn Kiều bắt đầu chặng đường lưu lạc là thần Bạch Mi – khắc tinh của đời Kiều – và cũng có thể là các thế lực đen tối vây quanh nàng. Không màng đong đếm chính xác thời điểm, bối cảnh mà câu chuyện ra đời, Kim Trọng và Kiều có thể dùng nón lá đội đầu hay che chở lấy nhau. Phông nền Múa Kiều là mặt trời, mặt trăng và con thuyền tượng trưng cho sự cứu vớt phận Kiều. Trang phục của vở là sự kết hợp giữa áo tứ thân mớ bảy mớ ba, áo dài tha thướt nhưng lại phá cách với tay sát vai cho cả nam và nữ. Gam màu pastel thời thượng như cam, hồng, xanh, kem chiếm phần chủ đạo, tạo vẻ mềm mại và tươi sáng cho vở diễn. Đó là một tín hiệu để thấy rằng vở không tô đậm phần tăm tối, bi ai trong đời Kiều mà hướng đến niềm hy vọng. Phần ánh sáng lung linh, rực rỡ tuyệt diệu trong vở diễn cũng góp phần khẳng định thông điệp đó. Nam nữ vũ công thường mỉm cười trong lúc múa. Điều đó không có nghĩa là nỗi buồn không tồn tại. Nụ cười là một cách chế ngự nỗi buồn hoặc cho thấy vẻ đẹp sâu thẳm của nó. Cách đan xen, cài cắm các kiểu thức như vậy, nếu không khéo léo sẽ dẫn đến sự lợn cợn cho người thưởng ngoạn. Nhưng rất may, Múa Kiều dù dung nạp các hình thái nghệ thuật đa dạng mà vẫn mượt mà. Những tràng pháo tay vang dội, những giọt nước mắt và thái độ nấn ná của khán giả khi màn nhung khép lại bảo chứng cho điều đó. Quan trọng hơn cả, vở diễn có lẽ đã chạm sâu vào trái tim người xem. Tuyệt phẩm này đã lần dò và biểu hiện một đường dây tinh thần bền chặt của đời Kiều bằng ngôn ngữ múa. Một hồn ma và một sư nữ xuất hiện suốt vở diễn, song hành với Kiều, nâng đỡ tâm hồn Kiều những lúc nàng tuyệt vọng, bi thương nhất. Tri âm mà Kiều khao khát tìm kiếm là Đạm Tiên và Giác Duyên chứ không phải Kim Trọng, Thúc Sinh hay Từ Hải – những người đàn ông thoắt đến thoắt đi trong chuỗi cay đắng đời nàng. Nguyễn Du, nhân những lần sang đất Trung Hoa, trót “mang vào thân” Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà phải viết Đoạn trường tân thanh. Yoo-Oh Chun dựng Múa Kiều bởi “vào một ngày kia, có một niềm tin mãnh liệt như ánh sáng soi chiếu vào để thôi thúc tôi tạo nên tác phẩm”. Trong tác phẩm về Kiều mới nhất Việt Nam này, ta có thể thấy sự nỗ lực kết nối hai nền văn học, văn hóa cũng như lòng tự tôn về kỹ thuật múa đương đại của người Hàn Quốc. Trong quá khứ, nghệ thuật múa Hàn Quốc có lúc khuất lấp dưới cái bóng quá lớn của các điệu nhảy Nhật Bản. Vượt thoát khỏi sự kềm tỏa đó, những tâm hồn đòi hỏi được yêu hiểu đã có một chuyến hành trình vòng quanh Đông Á, đặt các giá trị cổ điển và hiện đại lại thật gần để xúc cảm cũng như khát vọng sáng tạo được thăng hoa. Sẽ có khán giả ngỡ ngàng vì sự tinh gọn quá mức của Múa Kiều. Các tình tiết tưởng chừng quan trọng như Kiều bị Hoạn Thư đánh ghen, Kiều báo ân báo oán, Kiều mắc lừa Hồ Tôn Hiến… đã được cắt xén để thay vào đó là những trường đoạn “rụng rời lắm phen” của tâm hồn. Tin rằng hôm nay Nguyễn Du đã “vén mây giữa trời” để rơi nước mắt hạnh phúc với một hình hài Kiều vừa quen vừa lạ nhưng vẫn là Kiều “khổ tận cam lai” khiến ông “Nghĩ đòi cơn lại sụt sùi đòi cơn”. “Madam” Oh và những đồng sự đã băng về ngày cũ, vượt khỏi biên giới ngôn ngữ để cùng Nguyễn Du cảm Kiều, đau với Kiều và mơ ước thay Kiều. “Tương tri dường ấy mới là tương tri”!

Nguồn: Saigon Times số 11/2018

Ành: Cảnh trong vở "Múa Kiều" (Trần Hoàng Sơn)