"Hôn phối" nghệ thuật Đông - Tây

In bài này

Cải lương ra đời vừa mang tính kế thừa sân khấu truyền thống vừa đón nhận cái mới từ văn hóa phương Tây. Đó là "tính mở", "tính động" của cải lương, đúng với tên gọi đổi mới, canh tân của nó

Cải lương là đặc sản văn hóa của người Nam Bộ, ra đời trong làn sóng canh tân đầu thế kỷ XX trên nền tảng của hát bội và nhạc tài tử. Tuy nhiên, nếu bàn về những ngày đầu của cải lương mà bỏ qua "yếu tố Tây", có lẽ là một thiếu sót.

Cải lương "chất Tây" ra đời

Từ rất sớm, Pháp đã đưa kịch nghệ của họ sang Nam Kỳ để phục vụ trước nhất cho quân đội viễn chinh. L’Opéra de Saigon (Nhà hát Thành phố bây giờ) xây theo kiểu Pháp được khánh thành vào năm 1900. Năm 1906, đờn ca tài tử Nam Bộ đã sang biểu diễn tại hội chợ Marseille. Như thế, các nghệ nhân của ta cũng đã có dịp biết đến nghệ thuật của các nước khác.

Nghệ sĩ và các nhà trí thức của ta trong những năm hình thành cải lương đã hiểu biết nhiều về văn học, kịch nghệ và phim ảnh Pháp. Để từ đó, họ đưa "chất Tây" vào trong nền nghệ thuật mới (cải lương). Soạn giả đầu tiên của gánh hát Thầy Năm Tú - ông Trương Duy Toản - cũng là dân Tây học. Ông Trương Duy Toản đã ra nước ngoài nhiều lần, từng đến Paris - thủ đô nước Pháp.

Hôn phối nghệ thuật Đông - Tây - Ảnh 1.

Những vở cải lương mang tính đương đại phản ánh cuộc sống mới được cảm tác từ tác phẩm văn học nước ngoài đã xuất hiện trên sàn diễn Sài Gòn những năm 1960 Ảnh: HUỲNH CÔNG MINH

Thời kỳ đầu, nghệ thuật cải lương cũng có tuồng đề tài cổ như hát bội, lấy từ truyện Trung Hoa, như: "Triệu Tử đoạt ấu Chúa", "Đắc Kỷ thọ hình"... Bên cạnh đó, những vở cải lương khai thác văn học, kịch nghệ và phim ảnh phương Tây (chủ yếu là Pháp) bắt đầu xuất hiện. Những người tiên phong cho khuynh hướng này có thể kể đến: Năm Châu (Nguyễn Thành Châu), Trần Hữu Trang, Lê Hoài Nở, Huỳnh Năng Nhiêu (Bảy Nhiêu), Tư Chơi (Huỳnh Thủ Trung), Ngô Vĩnh Khang...

Nhiều vở cải lương "có chất Tây" lần lượt ra đời. Tuồng "Tô Ánh Nguyệt" được cho là lấy cảm hứng từ "Back Street" - (tiểu thuyết của nhà văn nữ người Mỹ Fannie Hurst, năm 1931); "Tơ vương đến thác" - (phóng tác theo tiểu thuyết năm 1848 "La Dame aux Camélias" - Trà Hoa Nữ của Alexandre Dumas (con); "Áo người quân tử" từ phim Pháp "Un Homme en habit" năm 1931; "Sĩ Vân công chúa" phỏng theo tiểu thuyết Pháp "Tristan et Iseult" năm 1900; "Giá trị và danh dự" phỏng theo vở kịch nổi tiếng "Le Cid" thế kỷ XVII của đại văn hào Pháp Pierre Corneille; "Túy hoa vương nữ" phỏng theo kịch "Marie Tudor" năm 1833 của đại văn hào Pháp Victor Hugo...

Soạn giả cải lương thời kỳ này không lấy lại nguyên tên của tác phẩm Tây, họ am tường tác phẩm Tây và lấy cái tinh thần chính của tác phẩm đó để đặt tên cho vở cải lương phóng tác. Họ có một nền Tây học rất vững và có lối dịch rất lãng mạn và ăn khách. Chẳng hạn, tiểu thuyết "La Dame aux Camélias" của Alexandre Dumas (con) kể về mối tình ngang trái giữa một kỹ nữ và một chàng trai con nhà tư sản giàu có. Nàng phải âm thầm hy sinh tình yêu vì hạnh phúc của người tình mặc cho bị hiểu lầm, để trước lúc lâm chung vẫn còn gọi tên chàng. Soạn giả Ngô Vĩnh Khang đặt tựa cải lương "Tơ vương đến thác" đã nói lên tất cả.

Tiếp thu cái mới

Về cách dàn dựng sân khấu, cải lương dựng theo lối mới của kịch nghệ Tây, khác hẳn với sân khấu hát bội truyền thống. Có màn hạ xuống kéo lên, có vẽ tranh để tạo cảnh cho các màn khác nhau trên sân khấu, có sử dụng nhạc Tây viết lời Việt, bên cạnh dàn nhạc cổ thì có dàn nhạc Tây với piano, saxo, violon, guitar... để đệm khi trên sân khấu cần nhạc Tây hoặc hòa tấu lúc mở màn, đóng màn.

20181008 cai luong

Cảnh trong vở “Mùa Xuân của nàng” của tác giả Hà Triều - Hoa Phượng Ảnh: HUỲNH CÔNG MINH

Về bố cục, cải lương có phân ra màn, cảnh hẳn hoi giống như kịch cổ điển Pháp. Nghệ sĩ hóa trang cũng theo kiểu kịch Tây là rất đời thường khi hát tuồng xã hội. Dù đó là hát tuồng đề tài cổ thì lối hóa trang cũng nhẹ nhàng gần với đời thường chứ không hóa trang cách điệu và đậm như bên hát bội.

Cải lương buổi đầu có học theo kịch cổ điển Pháp nhưng không rập khuôn. Kịch cổ điển Pháp có nguyên tắc gọi là "Luật Tam Nhất" (Règle des 3 Unités). Theo đó, một vở kịch phải tuân thủ 3 điều sau đây: 1. Thời gian: câu chuyện diễn ra trong 1 ngày; 2. Địa điểm: chỉ diễn ra ở một nơi; 3. Cốt truyện: vở kịch chỉ tập trung thắt nút và mở nút 1 chuyện chính mà thôi. Nguyên tắc này nhằm tạo sự dễ hiểu cho người xem. Trong 3 quy định đó, có lẽ cải lương chỉ giữ được điều thứ 3, còn 2 điều kia cải lương rất khó tuân thủ. Kịch cổ điển Pháp cũng có nguyên tắc là không để cảnh bạo lực chém giết và cảnh kín đáo yêu đương trên sân khấu nhằm tránh gây khó chịu cho người xem. Nhưng cải lương buổi đầu có lẽ chỉ giữ được điều không đưa cảnh kín đáo lên sân khấu, còn những màn đánh nhau để tạo hồi hộp và sinh động thì cũng cần, đương nhiên là đánh nhau "theo kiểu cải lương".

Như vậy, cải lương ra đời vừa mang tính kế thừa sân khấu truyền thống vừa đón nhận cái mới từ văn hóa phương Tây. Đó là "tính mở", "tính động" của cải lương, đúng với cái tên cải lương - tức là đổi mới, canh tân; đúng với tôn chỉ của cải lương mà đoàn Tân Thinh đã đưa ra vào năm 1920 với đôi câu đối treo trước rạp:

Cải cách hát ca theo tiến bộ

Lương truyền tuồng tích sánh văn minh. 

Trí thức Tây học quyết định canh tân

Trong 3 miền của Việt Nam, Nam Kỳ là thuộc địa chính thức của Pháp. Khi lấy được Nam Kỳ, Pháp dần áp đặt nền giáo dục kiểu Pháp và đẩy lùi dần nền giáo dục Nho giáo. Năm 1864 là kỳ thi Hương cuối cùng ở Nam Kỳ. Hệ thống trường học kiểu Pháp được thiết lập, tiếng Pháp được chính thức đưa vào giảng dạy. Đến đầu thế kỷ XX, trí thức Tây học của Việt Nam đã có nhiều. Vừa có Tây học vừa giỏi Hán học, họ chính là những người góp phần quyết định trong việc canh tân sân khấu truyền thống (hát bội).

TS Lê Hồng Phước (Trường Đại học KHXH&NV TP HCM)

Nguồn: Người Lao Động, ngày 8.10.2018.