Cà phê học thuật Nhân văn: “Kịch nói phía Nam, dấu ấn các thế hệ”

In bài này

Chiều 27/12, tại hội trường Văn Khoa, Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và Phát triển nguồn nhân lực - Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tổ chức chương trình “Cà phê học thuật nhân văn: Kịch nói phía Nam, dấu ấn các thế hệ” thu hút hơn 500 sinh viên, học sinh tham dự. NSND Kim Cương và NSƯT Thành Lộc là hai diễn giả khách mời của chương trình.

20201229 3

Theo NSND Kim Cương, “Tôi là mẹ” do bà chấp bút với sự tham gia của Lam Phương, Túy Hồng, Kim Vui, Xuân Phát... là vở kịch dài đầu tiên xuất hiện tại Sài Gòn năm 1962 đưa thoại kịch ra sân khấu chứ không ghi hình rồi phát trên tivi như trước.

Nói về những khó ngăn buổi đầu của thoại kịch khi diễn trên sân khấu, nghệ sĩ Kim Cương cho biết: “Khó khăn đầu tiên là tìm diễn viên vì khi đó ở miền Nam chưa có trường sân khấu. Kế tiếp là không có kịch bản vì vào những năm 1950, cải lương đang rất thịnh hành, phần lớn các tác giả viết hay và nổi tiếng đều tập trung viết cho cải lương. Ngoài ra  không có sân khấu phần lớn rạp diễn  đều dành cho cải lương”.

Khi được hỏi về tâm niệm làm nghề của mình, nghệ sĩ Kim Cương  bộc bạch: “Sân khấu, đi hát không phải là nghề, mà là cái đạo - đạo làm người”.  Bà cho biết mình trưởng thành trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Từ một nghệ sĩ cải lương bà đã chuyển hẳn sang sân khấu thoại kịch và cho ra đời thể loại kịch gắn liền với tên tuổi của mình - “Kịch Kim Cương”.

Nhắn nhủ với lớp trẻ muốn theo đuổi loại hình nghệ thuật này, nghệ sĩ Kim Cương nhấn mạnh: “Người nghệ sĩ phải hoạt động nghệ thuật bằng cả tâm hồn của mình. Họ phải làm cho khán giả cảm nhận, xúc động và khóc bằng chính cái tâm của mình. Sống với khán giả là phải sống hết mình và cháy hết mình”.

Nghệ sĩ Thành Lộc cho biết, hơn 30 năm làm nghề, ông đã cống hiến hơn 200 vai diễn khác nhau không chỉ trên sân khấu mà còn điện ảnh. Nam nghệ sĩ thừa nhận bản thân đôi lúc mệt mỏi, kiệt sức song chính tình yêu nghệ thuật và sự ủng hộ của khán giả đã trở thành điểm tựa để ông giữ vững ngọn lửa yêu nghề. 

“Tôi trả ơn cuộc đời bằng cách sáng tạo nghệ thuật và cống hiến cho khán giả những tác phẩm hay và ý nghĩa” - Nghệ sĩ Thành Lộc tâm niệm.

Ông cũng đặt vấn đề về cách kiểm soát và điều khiển cảm xúc của khán giả bằng chính cảm xúc của mình. Trách nhiệm của mỗi nghệ sĩ là phải biết kiểm soát mọi lời thoại, hành động của mình diễn ra một cách đúng lúc để khán giả có thể cảm nhận được.

“Giọt nước mắt rơi đúng lúc là giọt kim cương. Nếu lời thoại, hành động của người nghệ sĩ diễn ra đúng lúc, nó sẽ có giá trị. Ngược lại, mọi thứ sẽ trở nên vô nghĩa, tác động tiêu cực đến khán giả. Bởi một nhà văn hóa làm tư tưởng sai lầm thì có thể giết hại cả một thế hệ” - Nghệ sĩ Thành Lộc bày tỏ.

NSND Kim Cương tại buổi giao lưu. Ảnh: THU THẢO
NSƯT Thành Lộc ký tên cho người hâm mộ. Ảnh: THU THẢO

Hương Nhu

Nguồn: Đại học Quốc gia, ngày 27.12.2020.