Tiến sĩ trẻ Đào Lê Na: “Mình muốn tạo ra không gian thực tập hướng nghiệp cho sinh viên”

In bài này

"Khai sinh" nhiều dự án về học thuật, Tiến sĩ trẻ Đào Lê Na (Giảng viên khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) muốn tạo ra không gian thực tập hướng nghiệp cho sinh viên. Nhân dịp 8/3, Sinh Viên Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với chị.

CLB Sân khấu và Điện ảnh chính thức được chị thành lập từ khi nào?

CLB Sân khấu và Điện ảnh chính thức thành lập vào tháng 12/2016 để đem đến sân chơi cho những người yêu thích sân khấu, điện ảnh và là “Không gian thực tập hướng nghiệp” thực sự cho các bạn sinh viên khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM nói riêng và các bạn trẻ trên địa bàn TP. HCM nói chung. Các bạn phải có thời gian thực tập đủ dài, đủ lâu thì ra trường mới có thể tích luỹ được nhiều kỹ năng cho riêng mình, dễ dàng kiếm được việc làm và tiến xa hơn trong công việc. Bên cạnh đó, câu lạc bộ còn tạo sự gắn kết với các bạn sinh viên trong khoa, không phân biệt thế hệ, tạo kênh việc làm cho sinh viên. Do đó, mục đích chính của câu lạc bộ là đào tạo những kỹ năng thực hành cho sinh viên như: Viết kịch bản phim, viết phê bình phim, tổ chức sự kiện, thực hành kỹ năng truyền thông và đặc biệt là tổ chức Liên hoan phim để kết nối cộng đồng yêu điện ảnh trong cả nước.

Tiến sĩ trẻ Đào Lê Na: “Mình muốn tạo ra không gian thực tập hướng nghiệp cho sinh viên” ảnh 1TS Đào Lê Na (sinh năm 1986), sáng lập nhiều dự án về học thuật cho sinh viên.

Việc thành lập câu lạc bộ có phải do chị muốn sinh viên được tiếp cận có chiều sâu với nghệ thuật?

CLB Sân khấu và Điện ảnh không chỉ hướng đến kỹ năng mà còn muốn sinh viên có thái độ nghiêm túc đối với nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu và điện ảnh. Do đó, bên cạnh các lớp đào tạo về kỹ năng, câu lạc bộ còn có hai dự án then chốt là Liên hoan phim ngắn FY và sân khấu kịch Văn khoa. Liên hoan phim ngắn FY được thành lập với mong muốn để sinh viên được học điện ảnh với những nhà làm phim nổi tiếng Việt Nam hiện nay như: Phan Đăng Di, Phan Gia Nhật Linh, Hồng Ánh…, phát huy được khả năng và cá tính của mình trong kể chuyện. Còn Sân khấu kịch Văn khoa hướng sinh viên tiếp cận các tác phẩm kịch kinh điển thế giới để sinh viên học được cách viết kịch bản từ những vở kịch hay. Các tác phẩm kịch kinh điển vừa cung cấp cho sinh viên kiến thức sâu rộng, vừa mở rộng tư duy sáng tạo cho các bạn.

Tiến sĩ trẻ Đào Lê Na: “Mình muốn tạo ra không gian thực tập hướng nghiệp cho sinh viên” ảnh 2TS Đào Lê Na và các bạn sinh viên tổ chức thành công Liên hoan phim ngắn FY. 

Đưa ra sân chơi “Liên hoan phim ngắn FY”, phải chăng chị muốn sinh viên có thêm nhiều trải nghiệm thực tế?

Bây giờ là thời đại khoa học công nghệ, kỹ thuật số, điện ảnh truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Do đó, các chuyên ngành giảng dạy về điện ảnh rất được các nhà tuyển dụng, quan tâm, chú ý. Hiện nay, khoa Văn học may mắn mở được chuyên ngành Biên kịch điện ảnh truyền hình để sinh viên được học chuyên sâu hơn các môn liên quan đến nghệ thuật, điện ảnh, biên kịch. Tuy nhiên, nếu việc học chỉ đóng khung trong những kiến thức sách vở thì sinh viên sẽ không có những trải nghiệm thực tế khi ra đi làm. Nếu sinh viên lúng túng trong khâu thực hành hoặc không va chạm nhiều với môi trường điện ảnh sớm thì khi đi làm các bạn rất dễ bị nản, sốc. Vì vậy, việc thực hành ở CLB Sân khấu và Điện ảnh cũng giúp sinh viên xác nhận lại niềm đam mê của mình với ngành học và tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân.

Điều làm nên thành công của dự án "Liên hoan phim ngắn FY" là mình nhận được nhiều ủng hộ từ thầy cô khoa Văn học, bạn bè, sinh viên CLB Sân khấu và Điện ảnh, các anh chị cựu sinh viên, các đơn vị tài trợ và đặc biệt là sự ủng hộ rất lớn từ các anh chị trong giới điện ảnh... Mình nghĩ, nếu không có những người mang tư duy mở như các thầy cô khoa Văn học và những người luôn tâm huyết phát triển điện ảnh Việt Nam như các anh chị giám khảo thì chắc chắn "Liên hoan phim ngắn FY" sẽ không thành công.

Tiến sĩ trẻ Đào Lê Na: “Mình muốn tạo ra không gian thực tập hướng nghiệp cho sinh viên” ảnh 3Dự án "Cải lương và bạn trẻ" do TS Đào Lê Na và Bùi Thiên Huân khởi xướng.

Chị từng có thời gian theo học Cao học Quản lý Nghệ thuật tại ĐH Nguyên Trí (Đài Loan, TQ) 2011 – 2013, chị có thể chia sẻ thêm về giai đoạn học tập này của mình?

Ở Việt Nam, nghệ thuật học chưa được phát triển và đào tạo chuyên nghiệp. Đa số các trường chỉ đào tạo kỹ thuật, thực hành nghệ thuật, còn việc nghiên cứu và quản lý nghệ thuật phần lớn đều phải đi học ở nước ngoài. Mình được phân công giảng dạy các môn liên quan đến nghệ thuật học, điện ảnh, sáng tạo nên mình nghĩ cần phải đi học đúng chuyên ngành thì mới tích luỹ đủ kiến thức và kinh nghiệm giảng dạy sinh viên. Khi học ở Đài Loan, bên cạnh việc nghiên cứu trên lớp, mình còn phải thực tập tổ chức 4 triển lãm nghệ thuật trong năm học đầu tiên và Đại hội nghệ thuật cho năm học thứ hai. Bên cạnh đó, mình cũng được mời tham gia tổ chức các hoạt động nghệ thuật cho một số đơn vị ngoài trường, trong đó đáng nhớ nhất là tham gia tổ chức triển lãm cho đạo diễn nổi tiếng của Đài Loan là Thái Minh Lượng và diễn viên Lục Dịch Tĩnh. Việc tham gia vào đời sống nghệ thuật của Đài Loan đã thay đổi mình rất nhiều. Người trẻ ở Đài Loan dễ dàng có cơ hội tiếp cận các loại hình nghệ thuật họ yêu thích, luôn sống trong bầu không khí sáng tạo, nghệ thuật. Môi trường như vậy đã nuôi dưỡng rất nhiều tài năng nghệ thuật nên mình đã áp dụng các chương trình mà mình học được về nước giảng dạy. Liên hoan phim ngắn FY, Sân khấu kịch Văn khoa và Dự án YUME, dự án phát triển nghệ thuật và sáng tạo dành cho cộng đồng đã ra đời từ những mong muốn đó.

20210328 5

CLB Sân khấu và Điện ảnh với dự án "Chim hải âu".

Trong quá trình hình thành và phát triển CLB Sân khấu và Điện ảnh, chắc hẳn chị cũng gặp không ít những khó khăn?

Vì CLB Sân khấu và Điện ảnh mới nên quá trình ổn định nhân sự là điều khó khăn nhất. Các bạn sinh viên năm nhất, năm hai còn ít kinh nghiệm, các bạn năm thứ tư thì chuẩn bị đi làm. Do đó thời gian các bạn gắn với câu lạc bộ không dài. Bên cạnh đó, Biên kịch điện ảnh – truyền hình cũng là chuyên ngành rất mới của khoa Văn học nên các bạn phải thay đổi cách tiếp cận từ từ vì phim ảnh, sân khấu sẽ không giống với nghệ thuật ngôn từ. Vì công việc chính của mình là nghiên cứu và giảng dạy nên không thể "theo" các bạn sinh viên trong tất cả các hoạt động. Tuy nhiên, khi sinh viên làm Chủ nhiệm câu lạc bộ thì có rất nhiều vấn đề phát sinh, do các bạn chưa có nhiều người quen trong cộng đồng làm phim ở Việt Nam và các bạn cũng chưa quen nhiều với các sự kiện của sân khấu và điện ảnh. Khi các bạn quen việc hơn thì các bạn lại tốt nghiệp và đi làm. Cho nên câu lạc bộ vẫn thiếu đi những nhân sự có thể gắn bó với câu lạc bộ lâu dài và có quen biết rộng rãi với người trong nghề để tham vấn hoặc kết hợp tổ chức các hoạt động.

Dự án “Cải lương và bạn trẻ” cũng là dự án chị dành nhiều tâm huyết, chị có thể chia sẻ thêm về dự án này?

Dự án "Cải lương và Bạn trẻ" hay còn gọi là “Tiếp bước trăm năm” là dự án đào tạo cải lương miễn phí cho người trẻ do Hội đồng Anh tài trợ. Đây là dự án của YUME Art, do mình và bạn Bùi Thiên Huân khởi xướng, nhằm lan truyền cải lương đến người trẻ thông qua hoạt động đào tạo khán giả cải lương và nghệ sĩ cải lương mới. Ba mươi năm trở lại đây, cải lương có xu hướng xa rời người trẻ trong khi tinh thần của cải lương là sáng tạo và đổi mới. Với hoạt động này, mình muốn cùng các bạn trẻ chung tay giữ gìn nghệ thuật cải lương và cải biên cải lương cho phù hợp với thị hiếu của người trẻ. Hoạt động này nhận được sự hỗ trợ chuyên môn của NSND. TS Bạch Tuyết, thầy Huỳnh Khải, thầy Trương Văn Trí, thầy Lê Hồng Phước, thầy Nguyễn Thanh Phong. Buổi tổng kết dự án đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người trẻ vì lần đầu tiên họ được xem trọn vẹn một vở cải lương được viết riêng cho họ, vô cùng gần gũi với họ, với đề tài về: Robot trí tuệ nhân tạo, về cải lương xưa và nay...

Tiến sĩ trẻ Đào Lê Na: “Mình muốn tạo ra không gian thực tập hướng nghiệp cho sinh viên” ảnh 5CLB với dự án "Liên hoan múa rối Đông Nam Á".

Ngoài dự án “Liên hoan phim ngắn FY”, “Cải lương và bạn trẻ”, hiện nay chị và câu lạc bộ có đang triển khai thêm dự án nào khác cho sinh viên?

Hiện tại, mình và câu lạc bộ đang chuẩn bị tổ chức dự án “Bao giờ cho đến cuối tuần”, một dự án sinh hoạt điện ảnh thường kỳ, chiếu những bộ phim hay của điện ảnh Việt Nam và mời đạo diễn, diễn viên đến trao đổi, giao lưu để các bạn sinh viên có cơ hội học tập những người trong nghề. Đây cũng là hoạt động giúp cho sinh viên lẫn các nhà làm phim trẻ kết nối với nhau, cùng nhau xem những thước phim Việt Nam xuất sắc, thể hiện sự tri ân với thế hệ trước và tôn vinh những bộ phim hay, những bộ phim có giá trị trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. Tuần phim dự kiến kéo dài một năm, chiếu vào mỗi chiều thứ bảy hàng tuần, do Rạp chiếu Dcine hỗ trợ địa điểm.

Và dự án sắp tới tiếp theo của mình là tiếp tục đổi mới nghệ thuật cải lương bằng những cách dàn dựng mới, mang tính sắp đặt, thể nghiệm với nòng cốt sản xuất chương trình là sinh viên và các bạn trẻ. Bên cạnh đó, câu lạc bộ cũng đang khởi động "Liên hoan phim ngắn FY" mùa 3 và các dự án về phê bình phim trực tuyến.

Xin cảm ơn chị!

Hà Chi
Nguồn: Sinh viên Việt Nam, ngày 08.3.2021.