Một vài nhận xét về ý niệm “tim”

In bài này

 

          1. Khởi đi  từ lý thuyết nghiệm thân, một lý thuyết xuất phát từ nhiều trường phái ngôn ngữ học khác nhau, với những cách kiến giải rất phức tạp [8], nhưng giữa các kiến giải ấy, lại có đặc điểm chung, các tác giả đều cho rằng, cách thức tư duy của con người có liên quan đến những trải nghiệm cơ thể và con người dùng những kinh nghiệm ấy để tương tác với môi trường vật chất chung quanh, dưới sự chi phối của một nền văn hóa nhất định.

Trái Tim

           Với cách hình dung này, chỉ trong vòng một thời gian không dài, trên cứ liệu nhiều ngôn ngữ, một số công trình nghiên cứu ngữ nghĩa của từ tim và một số ý niệm nghiệm thân trực tiếp, rất thú vị xuất hiện, nhất là từ quan điểm so sánh đối chiếu. Qua đấy, có thể thấy, cơ sở nghiệm thân, nhất là những ẩn dụ ý niệm đơn giản, là như nhau, nhưng thang độ ưu tiên (priority scale) trong lựa chọn các bộ phận cơ thể con người như thế nào, giữa các nền văn hóa là không đồng nhất.

Tim liên quan đến trường từ vựng ngữ nghĩa chỉ bộ phận cơ thể con người hầu như ngôn ngữ nào cũng có, đó là sản phẩm của những trải nghiệm có tính tương tác của một cộng đồng diễn ngôn. Nói một cách đơn giản, con người với tư cách là chủ thể giao tiếp, thường dùng những kinh nghiệm, những hiểu biết thu nhận được hoặc có tính cá nhân hoặc được hấp thụ từ cộng đồng diễn ngôn như một điều mặc nhiên, làm xuất phát điểm để tri nhận thế giới.Trong đó, những trải nghiệm về chính cơ thể là một trong ba cơ sở quan yếu để ý niệm hóa và phạm trù hóa. Chẳng hạn, từ lòng người (một bộ phận cơ thể của con người) đến lòng sông, lòng đò, lòng đường, lòng chảo, lòng đất… lòng đô thị, lòng xã hội, lòng dân…, tuy mối quan hệ đậm nhạt có khác nhau, mức độ cụ thể và trừu tượng có khác nhau, nhưng đều xuất phát từ một cách hình dung. Theo ngôn ngữ học truyền thống, đó là kết quả của một sự trừu xuất. Còn theo tri nhận luận, đây là những ẩn dụ nghiệm thân. Và mỗi bộ phận cơ thể con người với những thuộc tính hữu quan đều có giá trị biểu trưng như: ấm bụng, mát dạ, nóng lòng, sốt ruột, lạnh gáy…, rõ ràng, nhiệt độ, chính xác hơn sự cảm nhận về thân nhiệt là những trải nghiệm có giá trị biểu đạt cảm xúc. Ngay cả việc phân lập hiện thực, vốn là một dải liên tục thành những đơn vị gián đoạn kiểu như góc phố, bờ rào, ngã tư… đều có dấu ấn của nghiệm thân, bởi việc áp đặt các ranh giới nhân tạo, là bắt nguồn từ vị trí của con người với tư cách là những thực thể tách biệt và vận động trên mặt phẳng.

           2.Nhìn một cách khái quát, trong nhiều ngôn ngữ, tùy thuộc vào mô hình văn hóa khác nhau, một số bộ phận cơ thể con người thường được dùng để biểu trưng cho một số phạm trù như tinh thần, lý trí, nhận thức, tình cảm, thái độ, ý chí… Chúng, về mặt ẩn dụ, hoán dụ và cả ẩn - hoán dụ, trước hết được  là một vật thể, một vật chứa hữu hình, đôi khi được ẩn dụ là con người hoặc / và thay cho con người mà trọng lượng (nặng /nhẹ), trạng thái (động/tĩnh), tính chất (mềm/cứng), hình dáng (lớn/bé) màu sắc (tối/sáng) và cả việc định vị trên hay dưới, lên hay xuống, rộng hay hẹp, trong hay ngoài, theo phương thằng đứng hay phương nằm ngang đều được nhận thức dưới nhiều góc độ khác nhau. Có lẽ đây là điểm tương đồng duy nhất về nghĩa của từ tim và trường ý niệm nghiệm thân có tính phổ quát đang bàn. Còn với cách định vị, chức năng biểu đạt, lại hoàn toàn lệ thuộc vào sự hình dung của từng nền văn hóa, từng loại đức tin mà con người với tư cách là một thành tố trong hệ thống đó.

2.1. Với Ki tô giáo, tâm có thể là linh hồn, tâm hồn… trong thế đối lập với thân xác, thể xác, nhưng có lẽ dễ nhận diện nhất: tâm là tính. “Những điều từ miệng nói ra đều xuất phát từ tâm” (Kinh Thánh) cho nên, tâm tham lam thì cuộc sống dối trá; sự hận thù, đố kỵ có nguồn gốc từ tâm ghen ghét; tâm mà lệch lạc thì cuộc sống đảo điên, tâm trong sáng thì cuộc sống vững chãi bền chắc. Cho nên, đối với con người, việc tịnh tâm, yên tâm (an tâm), bình tâm, tĩnh tâm… có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong cuộc sống, vì một lý do nào đó ta không làm chủ được mình, không kiểm soát được hành động của mình, lúc này cần phải định tâm thậm chí phải hồi tâm.

          2.2.Với nhà Phật, tâm thức bao gồm cả ý thức và vô thức. Tâm là căn nguyên của mọi căn nguyên, là hạnh phúc, là khổ đau. Tất cả từ đó mà ra: “Nhất thiết duy tâm tạo” (Kinh Hoa Nghiêm) và do vậy, cần phải phân biệt đâu là vọng tâm, đâu là chân tâm. Truyền thuyết về cuộc đối thoại giữa Đức Phật với A Nan, giữa Bồ Đề Đạt Ma và thiền sư Huệ Khả về tâm, cho thấy tính chất khó định vị: nó vừa hiện thực, lại vừa hư ảo, có tính chất hướng nội, trực giác ; đòi hỏi con người một sự đốn ngộ không dễ dàng. Nhưng với Phật giáo, nó là tất cả, chi phối mọi giác quan, chi phối mọi suy nghĩ và hành động của con người.

          2.3.Trong văn hóa Ai Cập, tim có hình dáng như một chiếc bình cầm tay, và được hình dung là vật thể chứa đựng cảm xúc và cả lý trí. Khi tiến hành ướp xác, người ta thường bỏ ra ngoài lục phủ, ngũ tạng, kể cả óc cũng được lấy ra hết đằng mũi, duy chỉ có trái tim thường là để nguyên trong lồng ngực. Về biểu tượng của nó đang sử dụng hiện nay với hai bán cầu, có thể khiến ta liên tưởng đến tâm thất và tâm nhĩ, nhưng nó không hoàn toàn mô phỏng từ hình dáng trái tim mà là lại được cách điệu từ cơ thể của người phụ nữ.

          2.3.Regina Gutiérez Pérez (2008) [3] đã tiến hành so sánh ý niệm tim trong 5 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha và nhận thấy rằng, khác biệt chỉ là trên bề mặt, còn về cơ bản, chiều sâu nhận thức thể hiện trong các ngôn ngữ trên là khá  giống nhau.

          Ning Yu (2009) [9] trong một cuốn sách dày, đã tiến hành khảo sát ý niệm này trong tiếng Trung từ nhiều góc độ: y học, triết học, ngôn ngữ học trên cả bình diện đồng đại cũng như lịch đại. Công trình này cho thấy người Trung Quốc nhận thức về “xin” (tâm) bên cạnh những nét chung giống với các dân tộc phương Đông, có không ít nét khác biệt, ít nhất là so với người Việt.

          Erich A. Berendt và Keiko Taniba (2011) [2] đã dành nhiều công sức trong việc phân tích và so sánh ý niệm jai (tim) trong tiếng Thái, hara (bụng) trong tiếng Nhật và heart (tim) trong tiếng Anh. Ngữ liệu cho thấy, tuy không thật đậm nét, nhưng trong tiếng Anh cổ, trái tim cũng được biểu trưng cho lý trí. Tính chất nhất nguyên, nghĩa là cùng một khởi nguyên, cả lý trí và tình cảm đều được thể hiện tập trung ở một cơ quan, jai tiếng Thái. Tương tự, tuy có phần phức tạp hơn, nhưng tiếng Nhật, cũng chỉ tập trung chủ yếu ở hara, trong khi đó tính chất nhị nguyên nổi rõ trong tiếng Anh, với sự đối lập, head, mind (lý trí) / heart (tình cảm).

          Susan  Mol (2004) [6] xuất phát từ ngôn ngữ học dữ liệu, với tư liệu khảo sát khá lớn, dựa vào ẩn dụ và hoán dụ ý niệm, thông qua các văn bản dịch mà tiếng Anh là nguồn, tiếng Na Uy là đích, đã tiến hành so sánh ý niệm head/ hode (đầu) và  heart/ hjerte (tim) trong hai ngôn ngữ, tác giả cũng ghi nhận sự phân công ngữ nghĩa của hai ý niệm này trong các ngôn ngữ vừa nhắc, về cơ bản là khá giống nhau.

          Lý Toàn Thắng và Lê Thị Kiều Vân (2013) [4] đã tiến hành so sánh các ý niệm bụng,ruột, gan,  lòng, dạ trong tiếng Việt với một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam như Mường, Khmer, Chăm, Êđê, Hmong, Hoa, Tày và nêu lên được một số nhận xét thú vị.

          2.4.Trong tiếng Việt, tâm / tim là những ý niệm rất gần gũi nhau nhưng không hoàn toàn đồng nhất về mặt nội hàm, ngoại diên, về mặt nghĩa đồng đại, lịch đại, về mặt ẩn dụ, hoán dụ, cũng như quan niệm về vị trí tồn tại của chúng. Điều thú vị là, theo cách mà dân gian Việt Nam hình dung, tâm có thể là trái tim, tâm cũng có thể là tâm trí, tâm cũng có thể là lòng, dạ, bụng, ruột, thậm chí cũng có thể là gan… còn ý niệm tim như cách dùng hiện nay, không khác gì với các ngôn ngữ châu Âu, thì hình như là một cách định danh chỉ xuất hiện khoảng vài thế kỷ nay.

          Trong văn học cổ Việt Nam, tâm được nhận diện là trái tim - vật chứa, là tấm lòng với nghĩa tích cực, là thần trí như trong truyện Kiều: Tâm thành đã thấu đến trời… Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai… Thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài…

 Dân gian dùng tâm với nghĩa lòng, thực thể bên trong đối lập với phương tiện ngôn ngữ, cái thể hiện ra bên ngoài, theo hoặc cùng hướng nghĩa như tâm phật, khẩu phật; tâm phục, khẩu phục; tâm thị khẩu phi… hoặc theo hướng trái ngược như khẩu phật, tâm xà, ngoài miệng nam mô, trong bụng một bồ dao găm  Để biểu đạt cảm xúc và cả lý trí, người Việt dùng các cơ quan bụng, dạ, gan, lòng, ruột, trong đó gan thường biểu trưng cho ý chí và lòng can đảm. Các bộ phận còn lại, ngữ nghĩa của chúng vừa có thể tương đương với đầu mà cũng có thể tương ứng với tim hoặc cả với hồn / tâm hồn như cách tri nhận của phương Tây.

          Theo quan sát của chúng tôi, các bộ phận cơ thể của con người vừa kể, xuất hiện rất nhiều trong thành ngữ - tục ngữ. Chỉ riêng yếu tố ruột, không kể các dạng biến thể, xuất hiện một mình hoặc kết hợp với một yếu tố khác trong cả thảy 51 đơn vị. Đáng chú ý là, nhiều thành ngữ - tục ngữ có chứa từ ruột đều có thể dùng để biểu trưng cho cả lý trí cũng như tình cảm như: (nghĩ, lo) rối ruột, (nghĩ, lo, buồn) thối ruột, thối gan… và không ít trường hợp các bộ phận cơ thể này có thể hoán đổi cho nhau trong tổ hợp mà nghĩa biểu trưng về cơ bản là không đổi.

          Khảo sát Từ điển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (1895), ở các mục từ: bụng, dạ, gan, lòng, ruột, chúng tôi ghi nhận các trường hợp biểu đạt sau: chỉ cơ quan lý trí, nhận thức, suy nghĩ, ghi nhớ: bóp bụng, để bụng, chủ dạ, sáng dạ, tối dạ, suy nghĩ nát gan, nát ruột, nói xúc gan, vỡ lòng, học thuộc lòng, đem lòng, ghi lòng tạc dạ, rút ruột… chỉ cơ quan cảm xúc, tình cảm : ưng bụng, mát bụng, chột bụng, ngại dạ, phỉ dạ, hản dạ, nở gan, nổi gan, sôi gan, dằn lòng, mở lòng, trải lòng, rối lòng, cầm lòng chẳng đậu, xót ruột, đứt ruột, rút ruột, buồn ruột…, để chỉ tính tình: xấu bụng, hẹp bụng, thiệt bụng, độc dạ, bạo dạ, ngay dạ, cả gan, lớn gan, dạn gan, gan dạ, thật lòng, lòng son, hai lòng, trở lòng, xấu ruột, chặt ruột… Trong khi cách giải thích các mục từ đầu tim, cũng của từ điển này, ngoại trừ cứng đầu (cứng cỏi, khó dạy bảo), tim đen (sự kín đáo trong lòng kẻ khác) có phần giống với cách dùng ngày nay, còn lại, như sơ lược vừa liệt kê bên trên, từ điển đã dành cho bụng, dạ, lòng, gan ruột, một mô tả với nhiều minh họa khá đa dạng.

          Tình hình cũng tương tự ở Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931), từ đầu chỉ có hai nghĩa: 1. Phần trên nhất trong thân thể người ta 2. Dùng để chỉ từng đơn vị một, còn tim còn nghèo nàn hơn: Bộ phận về bộ máy tuần hoàn ở giữa ngực, hai bên có lá phổi: quả tim. Nghĩa rộng: phần ở giữa: tim đất, tim đèn.

          Trong hai từ điển trên, các từ đầu tim, bên cạnh việc có ít mục từ minh họa hơn, còn không thấy xuất hiện các nét nghĩa: Đầu, được coi là biểu tượng của suy nghĩ, nhận thức, Tim được coi là biểu tượng của tình cảm, tình yêu, như Từ điển Tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học (2009) ghi nhận.

          Như vậy, phải chăng sự lưỡng phân, đầu: lý trí, tim: tình cảm trong tiếng Việt hiện nay, là một hiện tượng vay mượn?

          Tưởng cũng cần lưu ý, trước đây cách hình dung về bụng, dạ , gan, lòng, ruột như là cơ quan của hoạt động trí tuệ, thường được các học giả xếp vào hệ tri thức thơ ngộ (naive), nhưng với một số công trình y học của phương Tây công bố gần đây, lòng ruột và nói rộng ra hệ tiêu hóa, được thừa nhận là cơ quan não bộ thứ hai (second brain) tức chúng cũng có chức năng trí não [1 và 5]. Điều đó cho thấy, trước khi được các nhà nghiên cứu đúc kết thành các giả thiết khoa học, các quy luật tiềm ẩn đã được dân gian cảm nhận dù chỉ là trực giác.

          2.5.Trong tiếng Anh, ngoài dấu vết learn by heart, tiếng Pháp, apprendre à coeur (học thuộc lòng) ít nhiều liên quan đến trí nhớ, còn nhìn chung có sự lưỡng phân rất triệt để:  HEAD, MIND, đầu, tâm, cơ quan lý trí, suy nghĩ, ra quyết định /  HEART, tim, cơ quan của cảm xúc, thái độ, biểu hiện lòng can đảm. Thật ra, tư tưởng này có thể tìm thấy trong triết học Hy Lạp cổ đại với souma (vật chất, xác) và nous (tinh thần, hồn), hoặc trong triết học R. Descartes (1596 -1660) với sự lưỡng phân tự nhiên/con người, về sau thường được gọi là tự nhiên và tâm linh (La nature et  L' esprit).

          Với mô hình tri nhận nghiệm thân thiên về phương thẳng đứng của cơ thể, thang độ ưu tiên dành cho vị trí trên có giá trị hơn dưới, đầu quan trọng hơn tim, lý trí quan trọng hơn tình cảm. Và chúng cũng chi phối mạnh mẽ đến cách định vị không gian trong nền văn hóa phương Tây.

          Sự phân chia rạch ròi như vậy, từ góc độ triết học đã làm tốn nhiều giấy mực. Blaise Pascal (1623-1662) trong Pensées, đã từng khẳng định: trái tim có những lý lẽ riêng mà lý trí không thể nào biết được.

          Ngày nay các trạng thái vật chất cụ thể của con tim trong tiếng Anh làm thành những dãy nghĩa biểu trưng đối lập: (i) tiêu cực (cứng, rắn, nặng) như broken heart, heart of stone, hard - hearted, heavy heart, britte heart…; (ii) tích cực (mềm, nhẹ, ấm) light heart, soft heart, tender heart, warm heart… Trong tiếng Việt hiện đại, ta thường diễn đạt các trạng thái cảm xúc thông qua hình ảnh hoạt động của tim như: đứng tim, giựt thót tim, tim muốn nhảy khỏi lồng ngực, tim đập bấn loạn, nhịp tim không bình thường, tim đập loạn xạ, tim đập liên hồi, trái tim quặn thắt… hoặc dùng trái tim để biểu trưng những cung bậc tình cảm khác nhau: trái tim mềm yếu, trái tim sắt đá, trái tim chai lỳ, trái tim nhân từ, trái tim độc ác, trái tim nhân hậu

          2.6.Như vậy ở bình diện đồng đại, cách nhìn nhận thông qua những đặc điểm vật chất, cụ thể, hữu hình của tim để xây dựng nên những biểu thức ẩn dụ là cách lập thức mang tính phổ quát. Bên cạnh sự phân lập trạng thái của tim để tạo nên những dãy nghĩa đối lập trong tiếng Anh như sơ lược dẫn chứng bên trên, còn có thể kể đến đặc điểm hình dáng lớn / nhỏ, kích thước rộng/ hẹp, trọng lượng nặng/nhẹ… cũng đều biểu đạt nghĩa theo hai hướng, có thể dễ dàng tìm thấy trong tiếng Việt và các ngôn ngữ khác.

          Mặt khác, tuy không thật rõ nét nhưng do ảnh hưởng của môi trường thảo mộc và cách hình dung đời người là cỏ cây, nên người Việt tri nhận tim trái / quả (xem thêm cách định danh một số bộ phận cơ thể theo cách định danh cây cỏ như buồng phổi, gan, phổi, trái / quả thận, bắp vế, bắp đùi, bắp chân , bắp taynở nụ cười, trái tim héo úa, công việc đơm hoa kết quả, tình yêu nẩy nở, tình cảm đâm chồi nảy lộc…) và trái tim là vật chứa nước, sự hiện diện của loại chất lỏng này nhiều hay ít đều làm nên những giá trị biểu đạt rất khác nhau, ví dụ trái tim tràn ngập yêu thương, trái tim tràn đầy nỗi nhớ, trái tim dào dạt cảm xúc… trái tim khô không khốc, trái tim cạn kiệt cảm xúc, trái tim ngưng đọng... mà về mặt sâu xa là bắt nguồn từ ẩn dụ rất quen thuộc cảm xúc là nước. Còn đầu (có khi óc) với tư cách là một bộ phận biểu tượng cho cơ quan suy nghĩ như nghĩ nát óc, vắt óc, dịch vụ săn đầu người, đầu đất sét, đầu rỗng, điên đầu… có khi đầu thay cho người, đầu là vật chứa, đầu là bộ phận quan trọng nhất… Những cách hình dung này, ở hiện đại, tiếng Việt so với tiếng Anh, có thể thấy chúng tương đồng nhiều hơn dị biệt.

          3.Với một số kết quả đúc kết từ quan điểm tri nhận của người Việt, kế thừa một số thành tựu của các công trình đi trước về ngữ nghĩa của từ tim và một số ý niệm hữu quan trong một số ngôn ngữ, đến đây, bài viết thử nêu lên một giả thiết, chủ yếu  để định hướng cho những nghiên cứu tiếp theo.

          Đó là, trong việc phân lập các bình diện lý trí, tình cảm, tương ứng với các cơ quan đầu và tim, nói rộng ra là giữa hồn và xác trong văn hóa phương Tây, tính chất nhị nguyên - nhị vị nổi lên như một đặc điểm khó lẫn lộn. Nói rõ hơn, sự lưỡng phân lý trí / tình cảm và tương ứng với chúng là hai vị trí, đúng hơn là hai bộ phận cơ thể của con người như những vật chứa một cách rạch ròi, dứt khoát là đầu / tim là nét riêng của văn hóa phương Tây. Những trải nghiệm này, dựa vào kinh nghiệm nghiệm thân thiên về phương thẳng đứng cho nên thang độ ưu tiên trên/dưới, lên/xuống được lựa chon.

          Trong khi đó, văn hóa phương Đông, giải quyết vấn đề theo hướng nhất nguyên – nhất vị. Nói rõ hơn, nhất thể hóa tất cả cội nguồn của lý trí, tình cảm, cảm xúc, thái độ và tập trung duy nhất ở một vị trí.  Jai trong tiếng Thái, xin trong tiếng Trung, saz (gan) trong tiếng Mông [7], là như vậy.

          Và tuy cùng là nhất thể hóa, nhưng  văn hóa phương Đông không thuần nhất, có thể còn một biến thể khác, đó là nhất nguyên - đa vị. Chẳng hạn như trong tiếng Nhật, bên cạnh hara (bụng), còn có kokoro (tim), mune (vú, ngực), những cơ quan này đều là những ảnh tượng biểu đạt các ý niệm tương đương với cả tim và đầu trong văn hóa phương Tây. Còn tiếng Việt, có thể coi là một trường hợp thể hiện rõ nhất nguyên lý này, 5 bộ phận cơ thể bụng, dạ , gan, lòng , ruột đều có thể biểu đạt lý trí và tình cảm, tức là nhất nguyên nhưng đa vị.

          Và nếu như, trong tiếng Anh (head và heart) và cả 5 bộ phận đang khảo sát trong tiếng Việt, chúng đều được hình dung là các vật chứa, được định vị bên trong (inside) thì trong tiếng Nhật lại được tri nhận cả bên trong như hara, kokoro, lẫn bên ngoài (outside) như mune. Bức tranh tri nhận trong tiếng Việt còn cung cấp điều này nữa, trải nghiệm nghiệm thân thiên về phương nằm ngang nên trước hết, là các vị trí của bộ phận cơ thể con người được định vị có vai trò bình đẳng như nhau, thứ đến, các thuộc tính như mở rộng, giãn nở, hay thu hẹp, co rút và cả tối/sáng, nói khái quát, đây là  những đặc điểm quan yếu xuất phát từ tính tương hợp của tổng thể hệ thống (coherence within the overall system) trong văn hóa Việt Nam.

          Một giả thiết như vậy, có khả năng dẫn đến 3 mô hình tri nhận sau:

- Nhị nguyên - nhị vị (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức…)

- Nhất nguyên - nhất vị (tiếng Thái, tiếng Trung, tiếng Mông…)

- Nhất nguyên - đa vị (tiếng Việt, tiếng Nhật…)

          4. Hiển nhiên, đem cách hình dung này vào xem xét, trước hết ở một số miền ý niệm trong định vị phương hướng, định vị dòng chảy…, việc xác lập các đặc trưng về thực phẩm, về cây trái…, với tư cách là miền nguồn trong tiếng Việt, hay khảo sát, so sánh đối chiếu ý niệm tim trong tiếng Việt, với một số ngôn ngữ khác, hẳn sẽ thu hoạch được nhiều điều thú vị, hoặc cứ liệu sẽ củng cố cho những nhận định, phân tích của bài viết, hoặc cũng có thể phản bác lại giả thuyết vừa xác lập.

Tài liệu tham khảo chính

1. Berthelot L. - Warnet J. (2011), Les secrets de l’ intestine, filter de notre corps, Albin Michel.

2. Berendt Erich A. – Tanika Keiko (2011), The “Heart” of things: A conceptual metaphoric analysis of heart and related body parts in Thai, Japanese and English, intercultural communication studies, vol 20 Issue 1.

3. Gutiérrez Pérez R. (2008), Across - cultural of heart metaphors, Revisa Alicantina de estudios ingleses, n 21, Pablo de Olavide University.

4. Ly Toan Thang and Le Thi Kieu Van (2013), A cross- cultural study of conceptualizing internal body organs in SEA languges, paper presented at 23th South East Asia languages conference Bangkok Thai land .

5. Michael D. Gershon (1999), The second brain, a groundbreaking new understanding of nervous disorders of the stomach and intestine, Hapercollins publisher.

6. Mol Susan (2004), Head and heart: metaphor and metonymies in across-linguistic perspective, in “Translation and Corpora: selected papers from the Göteborg - Oslo symposium 18 – 19, October 2003, Karin Aijmer & Hilde Hasselgard (eds), Göteborg, Sweden: Acta University Gothoburgensis.

7. Nguyễn Trung Kiên (2014), Thử bàn về “saz” (gan) trong tiếng Mông, tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, số 4 (222).

8. Rohrer Tim (2007), Embodiment and experientialism, in Dirk Geeraerts and Hubert Cuyckens (eds), The Oxford handbook of cognitive linguistics, Oxford University press.

9. YU Ning (2009), The Chinese Heart in a cognitive perspective: culture, body and language, Berlin & New York: Mouton de Gruyer.

NGUỒN  : Đã in trong Tạp Chí Tự Điển Học & Bách Khoa Thư số 4(30) 7-2014, từ tr.35-40