Địa danh gốc Chăm ở Trung Bộ

In bài này

Gần một nghìn năm cộng cư với người Chăm, người Việt đã tiếp thu hàng trăm địa danh ở dọc dải đất miền Trung. Cà Ná là tên núi ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cao 339m. Sau đó, Cà Ná trở thành tên xã của huyện Thuận Nam cùng tỉnh. Cà Ná, có nhiều cách lý giải, nhưng cách được tin tưởng nhiều là Canah/Canaq Klou (Canah: tẽ ra; Klou : ngã ba) vì hòn núi nằm ở chỗ có ngã ba tẽ ra.

Ở gần Cà Ná, núi Chà Bang ở thôn Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cao 432m. Người Việt gọi Tam Sơn. Chà Bang gốc Chăm Cabang, nghĩa là “núi chẻ”. Còn Tam Sơn, vì núi “có ba đỉnh vươn lên trên cao”.

Một số địa danh bắt nguồn từ tên cây.

Là A là tên làng ở tỉnh Ninh Thuận. Là A mang dạng gốc Laa, nghĩa là “cây là-a». Tên cây này chưa được các từ điển Việt Nam ghi nhận.

Sông Mao ở tỉnh Bình Thuận. Mao gốc Chăm Pa-auk, nghĩa là “cây xoài”. Vậy âm P- trong tiếng Chăm được người Việt nói thành M-.

Tâng Hơkek là vực ở phía tây tỉnh Phú Yên. Tâng Hơkek có nghĩa là “vực cây dứa dại” vì hai bên vực có nhiều cây này.

Vực cũng ở phía tây tỉnh Phú Yên, Tâng Hra, dài 20m, rộng 6m, sâu 2m. Tâng Hra nghĩa là “vực cây sung” vì bên cạnh vực có cây sung lớn.

Tên vịnh Nha Trang cũng là tên thành phố du lịch thuộc tỉnh Khánh Hòa. Nha Trang gốc Chăm Ia Tran, chỉ sông Ngọc Hội, và có nghĩa là “sông có nhiều lau sậy”.Địa danh này xuất hiện lần đầu năm 1653. Ý kiến cho rằng Nha Trang do Nhà Trắng biến thành bởi người Pháp là hoàn toàn sai vì địa danh này đã có trước khi người Pháp đến.

Có quan hệ nguồn gốc với Nha Trang là Nha Me và Nha Phu.

Nha Me là suối ở tỉnh Ninh Thuận, nước suối có lẫn diêm mà người Chăm xem như nước thánh, dùng để rửa các pho tượng cho trơn láng. Nha Me do Ia Moemith, nghĩa là “ nước ngọt”.

Vịnh Nha Phu ở phía nam thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà, diện tích 4.500ha, có nhiều hải sản giá trị. Nha Phu gốc Chăm (paley) Ia Ru, nghĩa là “(xứ) thác nước”, và có nhiều tên phiên âm khác nhau: Nha Du, Nha Lỗ, Nha Tù; đến năm 1833, phiên thành Nha Phu. Trên đảo Hòn Khỉ tại vịnh này, người ta thấy một thác nước tràn qua mỏm đá.

Tên ba con sông lớn ở tỉnh Quảng Ngãi là Trà Khúc, Trà Bồng, Trà Câu đều có quan hệ tới tiếng Chăm. Trà trong tên ba con sông trên bắt nguồn từ tiếng Chăm Ia, nghĩa là “sông, nước”.

Trà Khúc là do tên Trà Giang Cửu Khúc (“sông Trà có 9 khúc”, dài 135km) nói rút gọn; Trà Bồng do sông này bắt nguồn từ làng Thanh Bồng; còn Trà Câu là vì sông ngắn (40km) so với hai sông kia, nên ghép từ Câu (“rãnh nước”) vào sau từ Trà.

Sông ở miền núi tỉnh Phú Yên mang tên Cà Lúi . Sau đó, là tên xã của huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Cà Lúi gốc Chăm Ta Lui, nghĩa là “bé nhỏ”.

Chà Vang là vùng đất thuộc tỉnh Lâm Đồng. Chà Vang có âm gốc Rivang, nghĩa là “viếng thăm”.

Xóm ở tỉnh Ninh Thuận mang tên Chá. Chá gốc Chăm Cwah, nghĩa là “cát”.

Di Om là vùng đất ở thuộc tỉnh Lâm Đồng. Di Om gốc Jăm, nghĩa là “lấp”.

Hà Ra là cửa biển có hải tấn ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định và là cầu trên quốc lộ 1A, tại xóm Bóng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà. Tên cũ của địa danh là Hà La, cách phiên âm Hà Ra sang từ Hán Việt. Hà Ra gốc Chăm Kauthara, tên tiểu quốc của Chiêm Thành nằm về hướng bắc Bình Thuận.

Làng ở tỉnh Ninh Thuận mang tên Lô Ông. Lô Ông có dạng gốc Liong, nghĩa là “vực sâu”.

Lúi là sông ở tỉnh Ninh Thuận. Lúi gốc Chăm Luic, nghĩa là “cuối cùng”.

Nha Trinh là đập của người Chăm xưa, đưa dòng nước của sông Dinh về tưới cho  cánh đồng ở các huyện Ninh Hải, Ninh Phước và Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Nha Trinh gốc Chăm Chaklin, tên ông bà nuôi vua Pô Klong Girai lúc còn nhỏ, cộng đồng Chăm cứ bảy năm làm lễ tế một con trâu để tạ ơn ông bà.

Một làng ở tỉnh Ninh Thuận mang tên Nhà É. Nhà É phiên từ Ia Aik, nghĩa là “nước hạt quế”.

Ba địa danh nổi tiếng nhất nơi cực nam vùng Chăm là Phan Rang, Phan Thiết, Phan Rí.

Phan Rang bắt nguồn từ Panduranga, tên một vương quốc cũ của người Chăm.

Phan Thiết do từ tổ Hamu Lithit mà thành. Hamu là «ruộng»; Lithit là «gần biển». Vậy Hamu Lithit là «vùng ruộng ở ven biển».

Phan Rí là sông chảy qua thị trấn Phan Rí, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Còn gọi là sông Luỹ, Man Rí.

Phan Rí gốc Chăm. Phan có lẽ mượn tiếng đầu của Phan Rang; còn Rí có thể mượn tiếng sau của Man Rí.

Ría là đập ở vùng Bình Thuận-Ninh Thuận. Ría gốc Chăm Riya, nghĩa là “lớn”.

Sông Quao là công trình thủy lợi ở huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận với 24km kênh chính, 54km kênh cấp 1, gần 100 công trình trên kênh chính, hàng trăm km kênh nhánh, mỗi năm đã cứu 8.200ha đất Bình Thuận có nguy cơ khô hạn, sa mạc hóa, thu hoạch 70.000 tấn lúa.

Sông Quao còn là hồ ở xã Thuận Hoà, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, xây dựng trong thời gian 1988-1997, dung tích 73 triệu m3 nước.

Có người cho rằng Sông Quao gốc Chăm Krong Nao, nói chệch mà thành. Nao chưa rõ nghĩa là gì; Nao rất khó chuyển thành Quao; có lẽ Quao vốn là tên cây như Gò Quao ở tỉnh Kiên Giang. Quao là “tên giống cây, lá có chất nhuộm màu đen”.

Tánh Linh là huyện của tình Bình Thuận, diện tích 1.174,2km2, dân số 92.600 người (2006), gồm thị trấn Lạc Tánh và 13 xã: Bắc Ruộng, Đồng Kho, Đức Bình, Đức Phú, Đức Tân, Đức Thuận, Gia An, Gia Huynh, Huy Khiêm, La Ngâu, Măng Tố, Nghị Đức, Suối Kiết. Cũng gọi Tấn Linh, Tính Linh.

Tánh Linh, có hai cách lý giải: 1. Một phần gốc Chăm Danaw Haling, nghĩa là “ao haling”. 2. Gốc Chăm T’nao Linh, nghĩa là “bàu nước thiêng” theo tín ngưỡng của người Chăm.

Cảng ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định mang tên Thị Nại.  Năm 1471, vua Lê Thánh Tông đem quân chinh phục  nơi này. Thị Nại còn là tên cầu vượt đầm, nối thành phố Qui Nhơn với khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định, cầu dẫn dài 771m, cầu chính dài 2.477,3m-dài nhất VN tính đến thời điểm này-rộng 15,5m, với tổng kinh phí 530 tỉ đồng, khởi công ngày 3-11-2002, khánh thành ngày 12-12-2006. Tên chữ là Hải Hạc đàm “đầm hạc biển”.

Thị Nại còn là tên phường của thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, diện tích 1,86km2, dân số 10.367 người (1999). Âm gốc của Thị Nại là Cri Banoi, nên thường phiên là Thi Lị Bị Nại, chưa rõ nghĩa.

Trà Co là làng ở tỉnh Ninh Thuận. Trà Co gốc Chăm Cako, nghĩa là “móng (tay, chân)”. Chưa rõ vì sao có tên gọi như thế.

Vực ở phía tây tỉnh Phú Yên mang tên Tâng Lơ Boang, nghĩa là “vực quan tài” vì trước kia có người chèo cái mảng chở quan tài qua vực, quan tài rớt xuống sông chìm, ba ngày sau mới kéo được lên bờ.

 Tâng Pơyưa là vực ở phía tây tỉnh Phú Yên. Tâng Pơyưa nghĩa là “vực cá sấu” vì dưới vực trước đây có một cặp cá sấu sống.

Với sự gia nhập của một số địa danh gốc Chăm, địa danh Việt Nam trở nên phong phú và đa dạng.  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1-Ka Sô Liễng, Các con sông, con suối thuộc miền núi tỉnh Phú Yên, trong “Văn hoá sông nước miền Trung”, HN, Nxb KHXH, 2006, tr. 155 – 165.

2-Lê Trung Hoa, Từ điển địa danh Trung Bộ, Hà Nội, Nxb KHXH, 2015.

3-Moussay, G., Dictionnaire Căm-Vietnamien-Francais (Từ điển Chăm-Việt Pháp), Phan Rang, Trung tâm Văn hóa Chăm, 1971. Phú Văn Hẳn dịch một số địa danh Chăm trong từ điển này.

(Nguồn: tạp chí Kiến thức ngày nay, số 914, ngày 1-1-2016, tr. 16-18)