Những đặc trưng ngôn ngữ-văn hóa của địa danh Nam Bộ

In bài này

  Tóm tắt

            Những đặc trưng ngôn ngữ-văn hóa của địa danh Nam Bộ

1.Tổng số địa danh Nam Bộ thu thập được 70.000 đơn vị. Những đặc trưng chính:

2.1.Tính hiện thực: Địa danh bắt nguồn từ: tên các nhân vật chính trị; tên các nhân vật văn hóa; tên các anh hùng, liệt sĩ; tên các nhân vật dân gian; tên các tổ chức, công trình lịch sử; tên các địa hình thiên nhiên.

2.2.Tính dân dã: Nhiều địa danh bắt nguồn từ danh từ chung: tên các giao lộ; tên các địa hình; tên các công trình xây dựng; tên các chức danh; tên các đồ dùng.

2.3.Tính chệch chuẩn về ngữ âm và chính tả do hạn chế của phương ngữ Nam Bộ: rút gọn những ngữ/câu thành địa danh rất độc đáo; nhiều từ ngữ có ngữ âm nôm na vẫn được dùng làm địa danh; tên nhiều tổ chức, đoàn thể trở thành địa danh; nhiều địa danh có cấu tạo không hợp chuẩn ngữ nguyên;

tên nhiều tổ chức, đoàn thể trở thành địa danh;

2.4. Tính bảo lưu được nhận thấy trong việc còn hàng trăm từ cổ, từ lịch sử và từ địa phương xuất hiện trong địa danh Nam Bộ.

2.5. Tính tỉ dụ thể hiện qua việc sử dụng hai biện pháp ẩn dụ và hoán dụ.

2.6. Tính tiếp biến được nhận thấy trong việc tiếp thu văn hóa Khmer và Pháp trong quá trình cộng cư với hai dân tộc này.

3.Kết luận

Từ khóa: Tính hiện thực, tính dân dã, tính chệch chuẩn, tính bảo lưu, tính tỉ dụ, tính tiếp biến.

 

1.Sau khi sưu tập được hơn 70.000 địa danh của 19 tỉnh, thành Nam Bộ, chúng tôi nhận thấy có thể khái quát những đặc trưng ngôn ngữ - văn hóa sau đây: tính hiện thực, tính dân dã, tính chệch chuẩn, tính bảo lưu, tính tỉ dụ và tính tiếp biến. Chúng tôi sẽ lần lượt triển khai từng đặc trưng trong phần dưới đây.

            2.1.Tính hiện thực thể hiện ở điểm khá nhiều địa danh phản ảnh cuộc sống của con người và thiên nhiên của vùng đất này.

2.1.1.Tên các nhân vật chính trị:

Hồ Chí Minh là thành phố trực thuộc Trung ương, được thành lập ngày 2-7-1976, do sát nhập các thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn, tỉnh Gia Định và một số vùng đất các tỉnh lân cận.       

Hồ Chí Minh là Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Vì ngày 5-6 -1911, Nguyễn Tất Thành (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) đã ra đi tìm đường cứu nước từ thành phố này nên thành phố được mang tên Người.

Võ Văn Kiệt là kênh ở trên địa phận 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang, dài 36,7km, khởi công ngày 22-4-1997, hoàn thành sau 220 ngày. Ban đầu gọi là kênh T5, sau khi hoàn thành, người dân gọi là kênh Ông Kiệt. Võ Văn Kiệt còn là tên đường nằm trên địa bàn các quận 1, 5, 6, Bình Chánh, từ hầm sông Sài Gòn đến quốc lộ 1A, dài 13.428m, lộ giới 60m. Đường này vốn là các đường Chương Dương, Hàm Tử, Trần Văn Kiểu nhập lại và mở rộng, khánh thành ngày 29-4-2011.

           Võ Văn Kiệt (1922-2008) quê ở Vĩnh Long, đã kinh qua các chức vụ: Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ chính trị, Đại biểu Quốc hội nhiều khóa, Thủ tướng Chính phủ. Ông có công lớn trong việc đổi mới đất nước.

2.1.2.Tên các nhân vật văn hóa :

Nguyễn Đình Chiểu là đường nằm trên địa bàn quận 1 và quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu từ đường Hoàng Sa đến đường Lý Thái Tổ, dài 3.934m, lộ giới 20m.

Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) quê ở Gia Định. Ông đỗ tú tài năm 1843. Ra Huế chờ kỳ thi sau thì mẹ mất, phải về chịu tang. Giữa đường, ông bị bệnh và mù mắt. Ông cư tang và làm thầy thuốc. Pháp chiếm Gia Định, ông chạy về Cần Giuộc, rồi về Ba Tri và mất ở đây. Ông để lại nhiếu tác phẩm, nổi tiếng nhất là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Lục Vân Tiên.

Nguyễn Hiến Lê là đường nằm trên địa bàn quận Tân Bình, thành phố.Hồ Chí Minh, dài 340m, lộ giới 12m.

Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) quê ở Sơn Tây, tốt nghiệp Cao đẳng Công chánh, làm việc ở nhiều tỉnh Nam Bộ. Năm 1952, lên Sài Gòn mở nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê. Tài năng và nhân cách của ông được giới trí thức kính nể. Trong thập niên 1960, ông 2 lần từ chối giải thưởng của chính quyền Sài Gòn kèm hiện kim trị giá vài chục lượng vàng. Ông dịch và viết gần 100 cuốn sách, nhiều cuốn giá trị, như Đại cương triết học Trung Quốc, Đại cương văn học Trung Quốc, Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam,…

2.1.3.Tên các nhân vật quân sự :

Nguyễn Huệ là đường nằm trên địa bàn phường Bến Nghé, quận 1, từ đường Tôn Đức Thắng đến đường Lê Thánh Tôn, dài 821m, lộ giới 64m.

Nguyễn Huệ (1753-92) tức vua Quang Trung, quê ở Bình Định. Ông là vị tướng kiệt xuất, đã tiêu diệt 5 vạn quân Xiêm và 20 vạn quân Thanh xâm lược.

       Trần Đại Nghĩa là đường nằm trên địa bàn huyện Bình Chánh, thành phố.Hồ Chí Minh, từ quốc lộ 1A đến đường Thanh Niên, dài 12.000m, lộ giới 40m.

Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ (1912-1997) quê ở Vĩnh Long. Được học bổng của hội phụ huynh, năm 1935, ông du học Pháp. Học ở 3 trường Đại học: Điện, Mỏ, Bách khoa và Viện Kỹ thuật hàng không nên có 4 bằng đại học. Nhờ sự giúp đỡ của một số người Pháp tiến bộ, ông tích lũy được nhiều kiến thức về chế tạo vũ khí. Về nước, ông chế tạo bazoka, SKZ. Được phong Cục trưởng Cục Quân giới, quân hàm Thiếu tướng. Được phong Anh hùng Lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh.

2.1.4.Tên các anh hùng liệt sĩ:

Trương Định là đường nằm trên địa bàn quận 1 và quận 3, thành phố.Hồ Chí Minh,, từ đường Lê Lai tới đường Rạch Bùng Binh, dài 2.229m, lộ giới 20m.

Trương Định (1820-1864) quê ở Quảng Ngãi. Năm 1859, ông ngăn giặc Pháp ở đồn Cây Mai. Khi đồn Chí Hòa thất thủ, ông rút quân về Gò Công, lập căn cứ chống Pháp, được dân tôn xưng “Bình Tây đại nguyên soái”. Bị Huỳnh Tấn phản bội, ông bị vây, rút kiếm tự sát để khỏi rơi vào tay giặc.

Nguyễn An Ninh là đường nằm trên địa bàn quận 1, từ đường Phan Chu Trinh đến đường Trương Định, thành phố.Hồ Chí Minh, dài 141m, lộ giới 15m.

Nguyễn An Ninh (1900-1943) quê ở Long An, con của Nguyễn An Khương. Đỗ cử nhân luật ở Pháp (1920). Ông có tài hùng biện, tổ chức nhiều cuộc diễn thuyết. Ông ra các báo La Cloche fêlée (đăng toàn văn Tuyên ngôn Cộng sản), L’Annam. Những người ái mộ tập hợp thành “Hội kín Nguyễn An Ninh” hay “Đảng Thanh niên cao vọng”. Trong các năm 1926-1939, ông bị bắt 5 lần, lần cuối bị kết án 5 năm tù, đày ra Côn Đảo. Kiệt sức vì chính sách hành hạ, mất ở Côn Đảo. Ông có một số tác phẩm dịch và sáng tác.

2.1.5.Tên các văn nghệ sĩ:

            Cao Văn Lầu là đường nằm trên địa bàn quận 6, từ đường Võ Văn Kiệt đến đường Lê Quang Sung, thành phố.Hồ Chí Minh, dài 814m, lộ giới 16m.

Cao Văn Lầu (1892-1976) quê ở Long An, là nhạc sĩ cổ nhạc. Năm 1918, sáng tác bài Dạ cổ hoài lang (nghe tiếng trống đêm, nhớ người yêu), sau trở thành bản vọng cổ nổi tiếng. Ông tham gia công tác Liên Việt ở Bạc Liêu. Năm 1947, ông được phân công giải cứu nhiều cán bộ bị địch bắt và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hai con ông tham gia Quân đội nhân dân và ngoại giao.

Lưu Hữu Phước là đường nằm trên địa bàn quận 8, thành phố.Hồ Chí Minh, từ kênh Ngang số 2 đến chợ Rạch Cát, dài 1.971m, lộ giới 20m.

Lưu Hữu Phước (1921-1989) quê ở Cần Thơ, là một trong những nhạc sĩ hàng đầu ở nước ta. Trước Cách mạng Tháng 8, nhiều ca khúc của ông được ái mộ và phổ biến rộng rãi: Bạch Đằng giang, Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên, Hội nghị Diên Hồng,…Trong kháng chiến chống Mỹ, chính quyền Sài Gòn đã phải dùng bài Tiếng gọi thanh niên làm quốc ca. Ông giữ các chức vụ: Viện trưởng Viện âm nhạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa trong Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Được Giải thưởng Hồ Chí Minh.

2.1.6.Tên các nhân vật dân gian:

Vĩnh Tế là kênh nối hai tỉnh cũ Châu Đốc và Hà Tiên, dài 65,5km, do Nguyễn Văn Thoại (1762-1829) chỉ huy đào từ năm 1819 đến năm 1824.

Vĩnh Tế vốn là tên phu nhân Châu Thị Tế (1766-1826), vợ của Nguyễn Văn Thoại, người có công giúp chồng đào con kinh này. Chữ Vĩnh thêm vào trước tên bà vốn là tên đệm dòng họ của cha bà: Châu Vĩnh Huy.

       Cao Lãnh là thành phố của tỉnh Đồng Tháp, lập năm 2007.

Cao Lãnh có nguồn gốc như sau: Ông Đỗ Công Tường, người miền Trung vào Nam lập nghiệp. Ông có tên thường gọi là Lãnh, làm chức câu đương (chuyên giải quyết các xích mích trong làng) nên người ta thường gọi ông là Câu Lãnh. Ông có một khu vườn rộng, sau trở thành cái chợ và người dân quen gọi là chợ Câu Lãnh. Vợ chồng ông là người nhân đức (đã chết thế dân làng trong một trận dịch) nên dân làng rất kính phục. Nơi ông ở được gọi là Câu Lãnh, về sau bị nói chệch thành Cao Lãnh, theo hiện tượng biến âm: tậu (ruộng)- tạo (ruộng), (cô) đầu-(cô) đào, bầu (cử) – bảo (cử),…Năm 1999, Uỷ ban nhân dân thành phố.Hồ Chí Minh lấy tên Đỗ Công Tường đặt cho một con đường ở phường 16, quận Tân Bình. Đường dài 340m, lộ giới 12m vì ông đã có công khẩn hoang, lập làng, lập chợ ở Nam Bộ và có đạo đức.

2.1.7.Tên các tổ chức, công trình lịch sử:

            Bình Dương Thi Xã là đường nằm trên địa bàn quận 11, thành phố.Hồ Chí Minh, từ đường Âu Cơ đến hẻm 202, Ông Ích Khiêm, dài 1.000m, lộ giới 16m.

Bình Dương Thi Xã vốn là Hội thơ quy tụ nhiều danh sĩ người Hoa như Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định,…ở đất Gia Định xưa.

Lũy Bán Bích là đường nằm trên địa bàn quận Tân Phú, thành phố.Hồ Chí Minh, từ đường Âu Cơ đến cầu Tân Hóa, dài 4.200m, lộ giới 30m. Lũy Bán Bích do Nguyễn Cửu Đàm đắp năm 1772, nằm trên vòng đai bảo vệ cho vùng Bến Nghé.

2.1.8.Tên các địa hình thiên nhiên:

            Chúng tôi chỉ xin nêu một số dòng chảy và địa hình đặc biệt:

-Gãy: chỗ dòng chảy gấp khúc không được thẳng như bình thường: gãy Cờ Đen (ĐT), gãy Lâm Vồ (TN), gãy Lồ Ồ (BD, BR-VT), chợ Gãy (ĐT),...

            -Hóc: xẽo nhỏ, về sau chuyển thành hói: hóc Bà Tó (CM), hóc Kên Kên (ĐN), rạch Hóc Hươu, huyện Hóc Môn, rạch Hóc Ớt (giữa TN-tp.HCM), rạch Hói, rạch Bàu Hói (tp.HCM),...

            -Khém: đường nước hẹp: khém Cồn (VL), khém Bà May (VL), rạch Khém Cạn (ST), hóc Khém Dưới (BT),...

-Lòng tàu: khúc sông sâu như lòng chiếc tàu: sông Lòng Tàu (tp.HCM, ĐN).

-Lươn/con lươn: dòng nước ngắn, nhỏ, tập trung ở tp. HCM: kinh Lươn Bèo, rạch Lươn Cạn, rạch Lươn Ngang, rạch Lươn Giữa, rạch Con Lươn, rạch Con Lươn Quyền,...

-Hàn: vật chắn ngang sông rạch, có thể là đá, gỗ, ...: hàn Bảy Đá (ĐN), rạch Cầu Hàn, rạch Đá Hàn (tp.HCM),

-Láng: chỗ ngập nước, đồng nghĩa với đầm, đìa: rạch Láng Bần, cầu Láng Chà, vùng Láng Le, rạch Láng Thé, vùng Láng Thọ, rạch Láng Tiến, cầu Láng Mặn (tp.HCM), vùng Vàm Láng (TG), chợ Láng Dài (BR-VT), cầu Láng Cháy (TV), rạch Láng Bồn Bồn (ST),

-Lung: chỗ trũng ở giữa đồng, giữa rừng, tương đối lớn: lung Ngọc Hoàng (HG), rạch Lung (tp.HCM), rạch Lung Ấu (AG), kinh Lung Cái (VL), rạch Lung Chim (VL), cầu Lung Cần Thơ (CM),...

-Ô: ao/bàu/vũng: huyện Ô Môn (tp.CT), địa điểm Ô Ma (Camps des Mares: trại lính có nhiều ao, tp.HCM), Ô Cấp (BR-VT),...

-Trấp: khu đất trũng, ngập nước quanh năm, có nhiều loại dây hoang, cỏ dại bám thành giề nổi trên mặt nước: trấp Mốp Xanh (LA), trấp Rùng Rình (LA), kinh Trấp Bèo (TG),...

-Ụ: chỗ sâu trên một dòng sông và ăn sâu vào đất liền để ghe thuyền đậu lại, và bờ sông ở đây lài lài để dễ kéo thuyền lên sửa: rạch Ụ (KG), đảo Ụ (KG), ụ Ông Cai Việc (BT), kinh Ụ Trâu (TV), địa điểm Ụ Giữa (TG), bến Ụ Ghe, rạch Ụ Cây (tp.HCM), địa điểm Ụ Tàu (KG), kênh Ụ Trâu (TV),...

-Vàm: (gốc Khmer: piêm) ngã ba sông/rạch: vàm Bà Huề (VL), vàm Cả Cau (BT), vùng Vàm Láng (TG), sông Vàm Nao (AG), cầu Vàm Sác (tp.HCM), sông Vàm Trà (TV),...

2.2. Tính dân dã thể hiện trong việc sử dụng các từ ngữ trong ngôn ngữ hằng ngày của quần chúng, đôi khi quá dung dị.Tính dân dã do tác giả của các địa danh này là những người thuộc tầng lớp ít học trong xã hội. Chúng ta có thể khái quát các nguyên nhân sau.

   Trong địa danh Nam Bộ có khá nhiều đơn vị bắt nguồn từ danh từ chung:

2.2.1. Tên các giao lộ trở thành địa danh

-Ngã ba: kênh Ngã Ba, sông Ngã Ba. Ở Trung Bộ, Bắc Bộ chỉ có từ Hán Việt đồng nghĩa: Tam Kỳ (thị xã của tỉnh Quảng Nam), Tam Kỳ (xã của huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương).

-Ngã tư: rạch Ngã Tư, sông Ngã Tư Nhỏ , rạch Ngã Tư, khu vực Ngã Tư. Ở Bắc Bộ chỉ có từ Hán Việt đồng nghĩa: Tứ Kỳ (huyện của tỉnh Hải Dương), Tứ Kỳ (thị trấn của huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương).

-Ngã bảy: chợ nổi Ngã Bảy, phường Ngã Bảy, sông Ngã Bảy, khu Ngã Bảy,…

   Một số từ tổ chỉ thứ tự cũng dùng làm địa danh:

-Thứ ba: kênh, thị trấn Thứ Ba ở tỉnh Kiên Giang.

-Thứ mười một: chợ, thị trấn Thứ Mười Một ở tỉnh Kiên Giang.

2.2.2. Tên các địa hình trở thành địa danh

-Búng: chỗ nước sâu và xoáy ở giữa dòng, có thể làm lật tàu thuyền: địa điểm Búng, ấp Búng Lớn, ấp Búng Nhỏ.

-Bưng: (gốc Khmer bâng) chỗ ngập nước ở giữa đồng, có nhiều cỏ lác: bưng Sấu Hì (ĐT), chợ Bưng Cốc (ST), chợ Bưng Riềng (BR-VT), khu di chỉ khảo cổ học Bưng Bạc (BR-VT), vùng Bưng Sáu Xã (tp.HCM), chợ Bưng Chông (ST), khu Bưng Thơm (BR-VT),...

-Cù lao: khoảng đất ở giữa sông rạch hoặc biển: khu vực Cù Lao.

2.2.3.Tên các công trình xây dựng trở thành địa danh:

-Bảo: đồn binh cố định, được xây dựng kiên cố: cù lao Bảo.

-Bót: đồn lính hoặc cảnh sát (gốc Pháp poste; đồn lính): cầu Bót .

-Chùa: nhà thờ Phật: rạch Chùa, xóm Chùa.

-Dinh: núi/sông Dinh; khu Bạch Dinh.

-Đình: nhà công cộng của làng thời trước, dùng làm nơi thờ thành hoàng và họp việc làng (thường là nhà to, rộng nhất làng): rạch Đình.

-Lăng: công trình xây dựng làm nơi cất giữ di hài của vua chúa (ngày xưa) hoặc của một vĩ nhân (ngày nay): rạch Lăng, cầu Rạch Lăng.

-Miếu/miễu: nơi thờ thần thánh (hoặc những nhân vật đã được thần thánh hóa); đền thờ nhỏ: rạch Miễu, cù lao Miếu Nổi,

-Nhà bè: nhà xây trên cái bè: huyện Nhà Bè .

-Nhà rồng: ngôi nhà có đặt hai con rồng trên nóc: bến Nhà Rồng.

-Nhà việc: nơi làm việc của các viên chức xã ấp dưới thời phong kiến: xóm/ấp/ngã ba Nhà Việc. Cũng gọi là Nhà Vuông, Nhà Làng.

-Xã tây: trụ sở cơ quan hành chính của một tỉnh dưới thời Pháp thuộc: chợ Xã Tây.

2.2.4. Tên các chức danh trở thành địa danh

-Bang biện: “chức phụ việc. Có bang biện tỉnh vụ, bang biện phủ vụ, huyện vụ; bang biện đội, bang biện tổng,v.v.”: cầu Bang Biện.

-Điều bát: chức quan võ lo việc điều khiển binh lính: chợ Điều Bát.

-Điều khiển: dinh của quan trấn thủ cai quản cả phủ Gia Định, tức Nam Bộ ngày nay: chợ Điều Khiển - dinh xây năm 1731, gần chợ, nay ở vào khoảng từ ngã sáu Sài Gòn đến đường Cống Quỳnh, quận 1, tp. HCM. Chợ bị bỏ khi người Pháp quy hoạch thành phố.

-Hương chánh: đồng nghĩa với hương sư, hương giáo: rạch Hương Chánh.

-Hương sư: thầy làng, cũng gọi hương chánh, hương giáo: rạch/cầu Hương Sư.

-Tham tướng: chức quan võ chỉ huy một địa khu hay một lộ, một dinh quân; địa vị dưới Tổng binh và Phó tổng binh: rạch/cầu/chợ Tham Tướng.

-Thủ ngữ/thủ ngự: “chức quan giữ cửa biển. Đồn thủ tại cửa biển”. Thủ Ngự là “quan chức trông coi một thủ, nhỏ hơn Tuần ty, giữ việc thu thuế. Đặt năm Minh Mạng thứ 13”: bến phà Thủ Ngữ ; cầu và rạch Thủ Ngữ.

2.2.5. Tên các đồ dùng

-Chẹt: “một loại ghe có mui, mũi bằng để xe cộ có thể chạy xuống” [HCT]: sông Chẹt.

-Xáng: thường gọi là chiếc sà-lan, trên đó người ta đặt cái máy đào kênh, vét bùn. Kinh xáng là con kinh do xáng đào. Ở Nam Bộ có nhiều con kinh đào mang tên này [LVĐ]: kênh ở các tỉnh TV, VL, tp.HCM,...Xáng gốc Pháp chaland,

2.3. Rút gọn những ngữ/câu thành địa danh rất độc đáo

-Cánh đồng nơi lính tập nhảy dù: căn cứ Đồng Dù .

-Khu đất không cày được mà chỉ dùng cuốc: Đất Cuốc.

-Nhiều cây gáo mọc trên giồng đất: kênh, xã, khu du lịch Gáo Giồng.

-Khu tràm có nhiều chim sinh sống: thị trấn Tràm Chim (Tam Nông).

-Nhà giã cỏ bàng: thị trấn Nhà Bàng.

Riêng từ nước đã được nhiều từ xác định về nghĩa để nói lên đặc trưng của dòng nước ở đó:

Nước Đục là cầu ở tỉnh Tiền Giang, là rừng ở tỉnh Vĩnh Long và là sông ở tỉnh Hậu Giang. Nước đục vì nước nhiễm màu của lá cây chìm trong nước và lắm phù sa.

Nước Lên là rạch ở thành phố Hồ Chí Minh, do hiện tượng thủy triều lên xuống.

Nước Mặn là kênh nối sông Cần Giuộc với sông Vàm Cỏ, tỉnh Long An. Nước Mặn vì nước biển xâm nhập vào dòng sông.

Nước Mục là rạch ở tỉnh Long An. Nước Mục vì xưa kia nơi đây lá cây rừng rụng nhiều trôi về làm nghẽn lối đi của ghe xuồng.

Nước Ngọt là đèo ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nơi núi vươn ra biển. Nước ở dòng sông cạnh đèo lẽ ra phải mặn vì gần biển nhưng lại ngọt.

Nước Sôi là vịnh ở tỉnh Cà Mau. Nước Sôi có lẽ do ở nước xoáy tại đây giống như nước sôi.

Nước Trong là sông ở tỉnh Hậu Giang. Vì nước trong dòng sông trong hơn nước chung quanh.

Nước Xoáy là ấp của tỉnh Vĩnh Long. Nước Xoáy vì “khi nước ròng thì nước ở rạch Ông Nam và Ông Cớ đổ ra rất nhiều với nước vàm Tân Khai hình thành nên nước xoáy rất mạnh và nguy hiểm” [TĐVL]. Nước Xoáy còn là rạch ở tỉnh Đồng Tháp. Nước Xoáy là chỗ nước xoáy tròn giữa dòng. Người Khmer cũng gọi như thế Prêk Tưk Vil “rạch nước xoáy” [TVK, TVC].

   Và từ đường có nhiều cách cấu tạo rất đa dạng và phong phú:

-Đường nước ghe xuồng thường đi lại: kênh Đường Xuồng.

-Đường giống như do lưỡi cày xới lên: rạch/cầu Đường Cày, rạch Đường Cày Lớn.

-Đường thủy chảy qua khu cầm giữ gia súc lúc nông nhàn: rạch Đường Cầm.

-Đường nước thường dùng ghe kéo hàng hóa: rạch Đường Kéo.

-Đường nước thường chở củi: rạch Đường Củi, cầu Đường Củi Lớn, cầu Đường Củi Nhỏ.

-Đường nước do voi thường đi lại tạo thành: mương Đường Voi.

-Đường nước trâu thường đi lại: rạch Đường Trâu, kênh/rạch Đường Trâu Lớn, Đường Trâu Nhỏ.

2.4. Nhiều từ ngữ có ngữ âm nôm na vẫn được dùng làm địa danh

   Vùng Lái Thiêu, huyện Gò Quao, ngã năm Chuồng Chó, chợ Chuồng Bò, ngã ba Chú Ía, khu Bà Quẹo, khu Bà Hom, rạch Bàu Hói, chợ Gãy, địa điểm Gãy Cờ Đen, kênh Chết Chém, rạch Trẹm, sông Trèm Trẹm, ấp/cầu/kênh Chòi Mòi, hồ Gia Hoét, kênh Già Giách, cầu Am Lôi Thôi, tổng An Thít, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Chợ, sông/cầu Ba Càng, cầu Ba Cẳng, cầu Bảy Nhạo, dốc Ba Lơn, cầu Ba Nanh, rạch Ba Rẹt, sông Ba Thắc, mương Bà Cọc, ao Bà Om, núi Bà Kéc, núi Bà Khẹt, rạch Bà Ngợt, rạch Cái Mơn, quận Cái Răng, khúc sông Eo Lói, thị xã Sa Đéc, huyện Bù Đốp, Gia Mập, huyện Cần Giuộc, huyện Cần Đước, ngã ba Chó Tru, rạch Xoài Mút, kinh Xoài Cà Lăm, địa điểm Đồng Chó Ngáp, kinh Trời Đánh, xã Quê Mỹ Thạnh, rạch Tám Khùi,…

   Sở dĩ những địa danh có ngữ âm rất nôm na nhưng vẫn tồn tại lâu dài vì những lý do sau đây:

   -Trình độ văn hóa của cư dân Nam Bộ ngày xưa nói chung chưa được cao lắm nên ngôn ngữ của họ giản dị, dễ hiểu, cụ thể, ít có từ trừu tượng: cầu Ba Cẳng, ngã ba Chuồng Chó, đường Ba Khía, Chòi Mòi,…

   -Nhiều địa danh do chính người bình dân đặt nên dễ được quần chúng chấp nhận và sử dụng lâu dài.

   -Một số địa danh có nguồn gốc của các dân tộc thiểu số nên ngữ âm lạ lẫm với người Việt nói chung:

+gốc Khmer: huyện Lấp Vò, rạch Gòi, quận Cái Răng, hang Tức Dụp, Ba Vát, Sa Đéc, Cần Giuộc, Cần Đước, rạch Ba Rài,

   +Gốc Chăm: Bà Rịa, cầu Gọ,…

   +Gốc Stiêng: Bù Đốp, Bù Gia Mập,…

   +Gốc Hoa: ngã ba Chú Ía, ấp Chủ Chọt,…

2.4. Nhiều địa danh có cấu tạo không hợp chuẩn ngữ nguyên

   Theo cách kết hợp từ ghép của tiếng Việt, các thành tố phải cùng một ngôn ngữ. Nhưng trong địa danh Nam Bộ có nhiều địa danh có cấu tạo chệch chuẩn.

   -Từ thuần Việt + từ Hán Việt: huyện Long Đất (sau 30-4-1975 đã bị thay đổi), xã Phú Riềng,

   -Từ thuần Việt + từ tiếng Anh: xóm Đường Rầy – rầy <rail (đường xe lửa).

   -Từ thuần Việt + từ gốc Pháp: ngã ba Cua Heo- cua <courbe (khúc ngoặt trên đường đi của xe cộ, tàu bè” [HP].

   -Từ thuần Việt + từ Khmer: rạch Gòi Lớn, rạch Gòi Bé, kênh Xóm Thum.

2.5. Tên nhiều tổ chức, đoàn thể trở thành địa danh

-Nhà nước: kênh Nhà Nước.

-Bộ đội: suối Bộ Đội.

-Dân quân: kênh Dân Quân.

2.6. Nhiều hình ảnh dung dị được dùng làm địa danh

-Tư thế của con người: kênh Chổng Khu, tắt Chàng Hảng: ngã ba có hai nhánh tẽ ra như người đứng giạng háng.

-Bộ phận của con người: ấp Vú Nàng; cầu, rạch Nách Ông Tường,

-Bộ phận của y phục: ngã ba Ống Quần: ngã ba có hai nhánh tẽ ra như hai ống quần.

2.3. Tính chệch chuẩn về ngữ âm và chính tả do hạn chế của phương ngữ Nam Bộ.

            2.3.1.Về phụ âm đầu, phương ngữ Nam Bộ lẫn lộn 11/22 âm sau đây: Ch-/Tr-, S-/X-, V-/D-/Gi-, W-/Hw-/Ngw-/Qu-.

Bình Giã là xã của huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, diện tích 1.794,83ha, ds. 9.782 người (1999). Đây là nơi ghi chiến công của quân dân ta trong trận chiến chống Mỹ kéo dài từ 2-12-1964 đến 3-1-1965. Bình Giã có dạng gốc Bình Dã, là “đồng bằng” [LTH].

Hàng Xanh là vòng xoay và cầu vượt nằm trên đường Điện Biên Phủ, thuộc quận Bình Thạnh, tp. HCM, tổng đầu tư xây dựng 61,3 tỉ đồng, khánh thành ngày 29-4-1995. Hàng Xanh có dạng gốc là Hàng Sanh, là “hàng cây sanh”, vì trước năm 1945, hai bên đường, nay là đường Bạch Đằng, gần vòng xoay, có trồng hai hàng cây sanh, sau mở rộng đường nên người ta đốn hết [LTH]. Sanh là “cây cùng loại với sung, si, rễ mọc thõng từ cành xuống, lá đơn nguyên, thường trồng làm cảnh” [HP].

Hóc Quả là rạch ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, và là địa điểm ở tỉnh Bến Tre, là “dòng nước nhỏ hai bên có nhiều trái cây”. Nhiều người nói và viết lầm thành Hóc Hỏa.

2.3.2.Về vần, người Nam Bộ lẫn lộn 120/162 vần: -an/-ang, -ưn/-ưng, -at/-ac, -it/-ich,…Vì vậy, số từ bị sai lạc về chính tả khá lớn:

Gành Hào là sông ở ranh giới hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, dài 55km, rộng 300m. Gành Hào còn là thị trấn nằm bên sông Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Gành Hào có dạng gốc là Gành Hàu, vì tại gành này có nhiều hàu.

Tắc Ráng là ấp của phường Vĩnh Hiệp, tp. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Tắc Ráng có âm gốc là Tắt Ráng, nghĩa là “dòng nước để đi tắt từ nơi này đến nơi khác, hai bên có nhiều cỏ ráng”. Tại nơi đây, năm 1959, ông Dương Văn Năm là người đầu tiên sản xuất ra loại xuồng nhỏ, chạy rất nhanh, sau người ta lấy tên nơi sản xuất đặt tên cho sản phẩm theo phương thức hoán dụ.

Xoài Cà Lâm là kênh ở phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Xoài Cà Lâm có âm gốc là xoài cà lăm, “thứ xoài cây to, sai trái; trái nhỏ hơi giẹp, hột to, chỉ ăn sống” [LVĐ].

Chun là rạch ở xã Tân Túc, huyện Bình Chánh, tp. HCM. Vì hai bên rạch có nhiều lùm cây nên người đi xuồng vào đó kiếm củi, bắt rùa, rắn, kì nhông, phải vạch lùm bụi mà chun vô, trong đó đôi khi có cọp. Nhiều người phát âm và viết sai thành rạch Chung [NVT].

2.3.3.Về thanh điệu, người Việt Nam Bộ không phân biệt các từ mang thanh “hỏi” và các từ mang thanh “ngã”. Theo thống kê của chúng tôi, số từ mang thanh ngã trong tiếng Việt có độ 900 từ; số từ mang thanh ngã có độ 1.900 từ. Do đó, số lượng địa danh bị viết sai chính tả cũng khá lớn:

Tẻ là kinh nằm trên ranh giới quận 4 và quận 7, tp. HCM, được đào năm 1905, dài 4.360m. Đây là thuỷ đạo quan trọng nối thành phố với các tỉnh miền Tây. Tẻ vốn là Tẽ, viết sai chính tả, vì đây là một nhánh của rạch Bến Nghé tẽ ra nên mang tên trên. Lộ Tẻ ở Hậu Giang cũng thế.

Thị Vải là núi ở huyện Châu Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cao 461m. Thị Vải có dạng gốc là Thị Vãi, nơi bà vãi Lê Thị Nữ tu hành và đắc đạo (Gia Định thành thông chí Đại Nam nhất thống chí). Thị Vải còn là tên sông bắt nguồn từ vùng núi tỉnh Đồng Nai, chảy qua huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, dài độ 13,4km. Vì sông chảy gần núi Thị Vãi nên mang tên trên.

            Ngoài ra, do tục kiêng húy, một số địa danh đã bị cố ý nói và viết chệch:

Phước Kiển(g) là xã của huyện Nhà Bè, tp. HCM. Phước Kiểng do hai xã Phước Long Đông và Long Kiểng nhập lại. Thường bị viết sai thành Phước Kiển. Kiểng Phước là xã của huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Tân Kiểng là phường của quận 7, tp. HCM từ ngày 6-1-1997, vốn là một phần của ba xã Tân Qui Đông, Tân Qui Tây, Tân Thuận Tây. Vì phường vốn là một phần ba xã bắt đầu bằng từ Tân, lại ở gần bến đò Long Kiểng nên mang tên trên. TKiểng trong các địa danh trên vốn là Cảnh. Nhưng để tránh xúc phạm đến tên vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh và Nguyễn Phúc Cảnh – con vua Gia Long), phải nói tránh.

Ở thủ đô Hà Nội có phố Ngô Thì Nhậm. Ở tp. Hồ Chí Minh cũng có đường mang tên nhân vật lịch sử này nhưng lại gọi Ngô Thời Nhiệm. Sở dĩ cùng một người nhưng có hai tên khác nhau vì ở miền Bắc không kiêng húy các vua nhà Nguyễn còn trong Nam thì có. Tên vua Tự Đức là Hồng Nhậm, Nguyễn Phúc Thì.

2.4. Tính bảo lưu được nhận thấy trong việc còn hàng trăm từ cổ, từ lịch sử và từ địa phương xuất hiện trong địa danh Nam Bộ.

Xin nêu một vài từ cổ tiêu biểu:

Bảy Háp là sông ở tỉnh Cà Mau, chảy từ thành phố Cà Mau vào vịnh Thái Lan, dài độ 48km, cửa sông rộng 500m. Nguyên có một mùa cá tôm, gia đình một ngư phủ đánh bắt được kỷ lục 7 háp. Có hai cách giải thích háp: 1.Bảy háp có trọng lượng 42.000 kg [NVL]. 2. Háp là đơn vị trọng lượng tương đương 50kg: 1 háp là 10 yến, 1 yến là 10 nan, 1 nan phỏng chừng 1 livre (= nửa ký) [PPDB]. Vậy bảy háp tương đương 350kg. Trọng lượng kỷ lục này trở thành tên sông. Số lượng tính theo cách thứ hai hợp lý hơn. Háp ngày nay không còn sử dụng mà gọi là nửa tạ.

Mỏ Cày là vùng đất hai bên quốc lộ 1A ở phía bắc thị trấn Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Mỏ Cày cũng là tên huyện của tỉnh Bến Tre – nay được chia làm hai huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam. Mỏ Cày vốn là tên một bộ phận của cái cày, từ tay cầm đến lưỡi cày (Dictionnaire Annamite – Français của Génibrel dịch la manche d’une charue “cán cày). Mỏ cày hình cong như chữ Z nên những vật có hình dáng tương tự thì gọi là mỏ cày, như sao mỏ cày. Đoạn quốc lộ 1A chạy qua vùng này của tỉnh Quảng Ngãi cong như cái mỏ cày nên mang tên trên. Sông Hàm Luông ở tỉnh Bến Tre cũng có hình cong như cái mỏ cày. Sách chữ Hán dịch là Lê Đầu giang “sông giống đầu cái cày” [LTH]. Ngày nay, người ta không còn dùng mỏ cày mà gọi chuôi cày.

            Xin nêu vài địa danh mang từ lịch sử:

Châu Phê là địa điểm thuộc xã Nhơn Thạnh Trung, thị xã Tân An, tỉnh Long An. Châu Phê là “phê bằng bút đỏ”, vì nơi đây năm 1705, tướng Nguyễn Cửu Vân cho quân khẩn hoang. Năm 1715, con ông là Nguyễn Cửu Triêm xin chúa Nguyễn cấp cho 1 khu làm “quan điền biệt thực” (ruộng công thu thuế riêng) và chúa chấp thuận. Khu đất này gọi là ruộng Châu Phê, diện tích 31 mẫu, 1 sào, 9 thước [TP-LQT].

Tham Tướng là rạch, cầu và chợ ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, tp. Cần Thơ. Tham Tướng là Phó tướng, chức danh của Mạc Tử Sanh, con út của Mạc Thiên Tứ. Ông có công gìn giữ an ninh, tổ chức nạo vét kinh rạch và tử trận ở đây nên dân biết ơn [NVL].

Địa danh mang tên cây khá phong phú, chỉ nêu vài cây chủ yếu:

Thai Thai là rạch ở xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, tp. HCM, chảy vào sông Sài Gòn. Thai Thai là tên một giống bắp ngắn ngày [LTH].

Tham Rôn là rạch ở xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Tham Rôn gốc Khmer, có nghĩa là “cây trôm” [THD-NQA].

Thiềng Liềng là rạch ở xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, tp. HCM, dài độ 3.500m. Âm gốc là Thiền Liền. Thiền Liền vốn là tên một loại ngải [LTH].

Thốt Nốt là huyện của thành phố Cần Thơ, diện tích 171,1km2, dân số 189.600 người (2006), gồm thị trấn Thốt Nốt và 7 xã. Thốt Nốt gốc Khmer To-noot, tên một loại cây cùng họ với dừa, thân thẳng và cao, cho một chất để nấu đường.

Một số từ chỉ các con vật sinh sống ở địa phương.

Ba Khía là đường phố ở tp. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.Ba Khía là “loại còng vỏ tím, nhỏ con, càng ngoe dẹp có cạnh” [LVĐ].

Cá Nâu là rạch ở huyện Cần Giờ, tp. HCM. Cá Nâu là “thứ cá biển tròn mình mà giẹp, có nhiều sắc nâu” [HTC].

Cá Tra là rạch ở huyện Nhà Bè, tp. HCM. Cá Tra gốc Khmer Pra, là “loại cá nước ngọt, không vảy, lưng đen, bụng trắng, mình có lớp mỡ dày”.

Rạch Vượt là cầu trên tl. 933B, thuộc tỉnh Sóc Trăng, dài 27m. Rạch Vượt có âm gốc là Rạch Vược. Vược là “loại cá sủ, mềm thịt cùng ngon hơn” (HTC).

2.5. Tính tỉ dụ thể hiện qua việc sử dụng hai biện pháp ẩn dụ và hoán dụ.

Ẩn dụ là biện pháp lấy tên vật này để chỉ vật khác căn cứ vào sự giống nhau của hai đối tượng

Mẹ Bồng Con là dốc ở gần ngã ba Dầu Giây, huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Gọi Mẹ Bồng Con vì có hai dốc liên tiếp, dốc lớn tượng trưng cho mẹ, dốc nhỏ tượmg trưng cho con.

Phụ Tử là đảo có hình hai cột đá, một cao một thấp, ở gần bờ biển Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Giữa năm 2006, hòn phụ đã bị nước biển bào mòn, ngã đổ. Phụ Tử là “cha và con”, vì hai cột đá giống như hai cha con.

Con Rắn là đèo ở xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Con Rắn vì đường đèo ngoằn ngoèo như con rắn.

Chữ Y là cầu bắc qua kinh Tàu Hủ và kinh Đôi, nối quận 5 với quận 8, tp. HCM. Cầu có 3 nhánh, tổng chiều dài 493,3m, được xây dựng trong các năm 1938-1941, được sửa chữa lớn năm 1992. Nâng cao một nhánh khi mở đường xuyên thành phố (2007-2009). Chữ Y vì cầu có hình chữ Y.

Còn hoán dụ là biện pháp lấy tên sự vật này để gọi sự vật khác căn cứ vào mối quan hệ gần gũi giữa chúng.

Cai Lậy là huyện của tỉnh Tiền Giang. Cai Lậy có dạng gốc là Cai Lễ. Ban đầu là tên một cái giồng, do Cai cơ Ngô Tấn Lễ chỉ huy khai khẩn, năm 1871 trở thành tên đơn vị hành chính [TNT]. Ý kiến này có thể đúng, vì hai vần -ê và -ây, hai thanh ngã và nặng có tiền lệ chuyển đổi: (con) (giác) – tây, để chếtẩy chay,…mãnh – mạnh, tự – chữ,…

Xá Hương là sông ở hạ lưu sông Vàm Cỏ Đông, tỉnh Long An. Xá Hương là cách gọi tắt sai Mai Công Hương, một viên chức vận lương bằng thuyền, bị quân Xiêm vây đánh, ông đục thuyền cho giặc khỏi cướp lương và hi sinh theo thuyền. Người đời sau lấy tên ông đặt cho sông và xây miễu thờ, gọi là miễu Ông bần quỳ (bần quỳ là cây bần có thân cong xuống), tức miễu Ông tại cây bần quỳ.

2.6. Tính tiếp biến được nhận thấy trong việc tiếp thu văn hóa Khmer và Pháp trong quá trình cộng cư với hai dân tộc này.

            Đối với văn hóa Khmer, người Nam Bộ tiếp nhận hàng chục địa danh của người Khmer để đặt tên tỉnh, thành, quận, huyện, như Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Thơ, Cần Giuộc, Cần Đước, Thốt Nốt...Và nhiều địa danh cấp thấp hơn, như: kênh Xà No, Sóc Chét, Tức Dụp,…

Đối với văn hóa Pháp, người Nam Bộ chấp nhận sử dụng tên các danh nhân khoa học và văn hóa chân chính của Pháp để đặt địa danh, như ở tp.HCM có các tên đường: Pasteur, Yersin, Calmette, Alexandre de Rhodes...;các quan lại Pháp đã có những đóng góp trong việc đào kênh để phát triển kinh tế: kênh Turc, kênh Maspero,… Ngoài ra, các từ ngữ gốc Pháp đã được sử dụng trong ngôn ngữ hằng ngày cũng được dùng làm địa danh, như: ngã tư Ga (gare), kênh Xáng (chaland), cầu Bót (poste)...

            3. Trong tất cả sáu đặc trưng trên, một số cũng có trong địa danh cả nước, nhưng nhiều đặc trưng của riêng Nam Bộ. Chính những đặc trưng đó tạo cho địa danh vùng đất này khá đặc biệt và thú vị. Do đó, chúng ta cần phát huy những ưu điểm và hạn chế những nhược điểm để địa danh vùng đất này ngày càng tốt đẹp hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Huỳnh Công Tín, Từ điển từ ngữ Nam Bộ, HN, Nxb KHXH, 2007.

2.Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt, Đà Nẵng, Nxb Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 2000.

3.Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quốc âm tự vị, SG, 1895-1896.

4.Lê Trung Hoa (cb)-Nguyễn Đình Tư, Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn-Hồ Chí Minh, tp. HCM, Nxb Trẻ, 2003.

5.Lê Văn Đức, Việt Nam từ điển, SG, Khai trí, 1970.

6.Nghê Văn Lương, Cà Mau xưa, HN, Nxb Thanh niên, 2003.

7.P. P. de Béhaine, , Tự vị An Nam-Latinh (Dictionarium Anamitico-Latinum, 1772-1773), Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, tp.HCM, Nxb Trẻ, 1999.

8.Từ điển Vĩnh Long, bản thảo.

9.Trần Hoàng Diệu, Nguyễn Quang Ân, Địa chí Tiền Giang, tập II, Ban Tuyên giáo tỉnh Tiền Giang và Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu Lịch sử văn hoá Việt Nam, 2007.

10..Trương Ngọc Tường, Một số địa danh ở Tiền Giang, Văn hoá nghệ thuật Tiền Giang, tháng 11-2000, tr.27-31.

11.Thạch Phương-Lưu Quang Tuyến, Địa chí Long An, Nxb Long An, NXB KHXH, 1989.

12.Trương Vĩnh Ký, x. Lê Hương, Người Việt gốc Miên, tr. 253 – 264. Thái Văn Chải dịch các địa danh gốc Khmer trong sách này.

     Nguồn: Tạp chí Ngôn ngữ số 12, th.12-2016, tr. 33-45