Lịch sử hình thành và phát triển các tỉnh mang từ Quảng ở trước

In bài này

Hiện nay, nước ta có 5 tỉnh mang từ Quảng ở trước: Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Trong 5 tỉnh này, Quảng Ninh thành lập muộn nhất. Năm 1963, nhập hai tỉnh Quảng Yên và Hải Ninh thành tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay, tỉnh có 4 thành phố (Cẩm Phả, Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí), 2 thị xã (Đông Triều, Quảng Yên) và 8 huyện (Ba Chẻ, Bình Liêu, Cô Tô, Đầm Hà, Hải Hà, Hoành Bồ, Tiên Yên, Vân Đồn).

Thời Lê trung hưng, địa bàn của tỉnh Quảng Bình ngày nay có tên Tiên Bình. Đến năm 1604, đổi thành Quảng Bình. Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, vùng Quảng Bình ngày nay chia thành 3 dinh: Bố Chính, Mười và Quảng Bình. Năm 1831, thành lập tỉnh Quảng Bình.

Sau năm 1827, dinh Quảng Trị đổi thành trấn Quảng Trị. Năm 1832, thành lập tỉnh Quảng Trị. Ngày 3-5-1890, thực dân Pháp nhập hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị thành tỉnh Bình Trị. Năm 1906, tái lập tỉnh Quảng Trị. Tháng 3-1976, thành lập tỉnh Bình Trị Thiên do nhập ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên. Đến tháng 7- 1989, tách tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Năm 1471, vua Lê Thánh Tông lập thừa tuyên Quảng Nam. Năm 1831, đổi trấn Quảng Nam thành tỉnh Quảng Nam. Ngày 6-11-1996, tách thành phố Đà Nẵng ra khỏi tỉnh Quảng Nam. Tỉnh Quảng Nam hiện nay có diện tích 10.438,4km2, dân số 1.505.000 nhân khẩu (2015), gồm hai thành phố (Hội An, Tam Kỳ), 1 thị xã (Điện Bàn) và 15 huyện (Bắc Trà Mi, Duy Xuyên, Đại Lộc, Đông Giang, Hiệp Đức, Nam Giang, Nam Trà Mi, Nông Sơn, Núi Thành, Phú Ninh, Phước Sơn, Quế Sơn, Tây Giang, Thăng Bình, Tiên Phước). Sở dĩ gọi là Quảng Nam, là “phía Nam rộng lớn” vì lúc ấy tỉnh kéo dài từ đèo Hải Vân đến đèo Cù Mông, tức bao gồm thành phố Đà Nẵng và ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định hiện nay.

Năm 1602, trấn Quảng Nam đổi thành dinh Quảng Nam, phủ Tư Nghĩa đổi thành phủ Quảng Nghĩa (thuộc dinh Quảng Nam). Sau đó, vì kiêng húy thụy hiệu của chúa Nguyễn Phúc Thái (Hiếu Nghĩa hoàng đế -1650-1691), nên từ Nghĩa phải đọc là Ngãi. Năm 1771, nhà Tây Sơn khởi nghĩa, đến năm 1776, đổi phủ Quảng Nghĩa thành phủ Hòa Nghĩa. Năm 1803, nhà Nguyễn phục hồi tên phủ Quảng Nghĩa nhưng đọc Quảng Ngãi.

Năm 1832, tỉnh Quảng Ngãi được thành lập, là 1 trong 30 tỉnh của cả nước. Từ năm 1909 đến năm 1945, tỉnh có 4 phủ: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức và 2 huyện Nghĩa Hành, Đức Phổ. Sau Cách mạng tháng Tám, ban đầu tỉnh mang tên liệt sĩ Lê Trung Đình, sau phục hồi tên cũ.

Thời gian 1955-1974, Quảng Ngãi có 10 quận. Ngày 20-9-1975, nhập hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định thành tỉnh Nghĩa Bình. Đến ngày 1-7-1989, lại tách thành hai tỉnh như cũ. Ngày 12-12-2013, thành lập thành phố Quảng Ngãi. Hiện nay, tỉnh có diện tích 5.135,2km2, dân số 1.196.3000 nhân khẩu (2006).

Sở dĩ vùng đất hẹp nhất nước này lại có đến 4 tỉnh (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi) mang từ Quảng (nghĩa là “rộng”) vì đây là kết quả của ước vọng của người địa phương muốn quê hương mình có được chiều rộng như các tỉnh bạn.

Ngoài 5 tỉnh trên, còn có 2 tỉnh Quảng Đức và Quảng Tín được thành lập dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.

Tỉnh Quảng Đức thành lập ngày 23-1-1959, gồm 3 quận Đức Lập, Kiến Đức, Khiêm Đức, với diện tích 6.010km2, dân số 25.355 người (1967), giải thể tháng 2-1976, nhập vào tỉnh Đắk Lắk. Nay thuộc địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Còn một địa danh Quảng Đức là phủ, rồi đổi thành dinh dưới thời Gia Long nên gọi là Ngũ Quảng (gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Ngãi). Trước năm 1945, đổi Quảng Đức thành tỉnh Thừa Thiên.

Tỉnh Quảng Tín thành lập ngày 31-7-1962, gồm 6 quận: Hậu Đức, Hiệp Đức, Lý Tín, Tam Kỳ, Thăng Bình, Tiên Phước với diện tích 5.454km2, dân số 795.893 người (1967). Năm 1976, nhập Quảng Tín vào tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng, gọi là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Ngày 6-11-1996, tách và lập thành phố Đà Nẵng ra khỏi tỉnh Quảng Nam.

Còn các tỉnh Quảng Tín và Quảng Đức đã hình thành với ước mong đạo đức và uy tín của địa phương mình rộng lớn hơn. Còn Quảng Ninh là kết quả của sự kết hợp của hai tỉnh cũ.

Các địa danh chỉ đơn vị hành chính lớn, như mang tên tỉnh, quận, huyện thường thể hiện ước vọng của chính quyền và cư dân địa phương mà các tên tỉnh vừa trình bày là một minh chứng.

Lê Trung Hoa

Nguồn: Kiến thức ngày nay, số 958, ngày 20-3-2017, tr. 10-15