Quan niệm của Northrop Frye về ngôn ngữ và văn học

In bài này

20170724. Northrop Frye statue

Ảnh: Tượng của Northrop Frye ở thư viện Moncton Public Library (MPL) in Moncton, New Brunswick, Canada

 

1. Northrop Frye với con đường lý thuyết ngôn ngữ và văn học

Thế kỷ XX chứng kiến ngã rẽ vào ngôn ngữ của triết học và văn học. Wittgenstein nhìn thế giới dưới các quy tắc và đặc điểm ngôn ngữ, M.Heidegger xem ngôn ngữ là ngôi nhà của chủ thể, F.D.Saussure quan tâm nghĩa tạo ra giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt, M.Foucault lại tập trung vào dòng chảy ngầm vận động sau ngôn ngữ, Barthes tuyên bố cái chết tác giả, Derrida nhấn mạnh kết cấu vẫy gọi của văn bản. Từ trò chơi ngôn ngữ, qua tường giải học, cấu trúc rồi hậu cấu trúc, giải cấu trúc… con đường định tính ngôn ngữ, văn bản, văn học như trận chiến không hồi kết của các chuyên gia. Công chúng dường như phải chờ đến Northrop Frye mới dự phần vào. N. Frye (1912-1991) có lẽ là nhà phê bình, lý thuyết văn học Canada có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ XX. Điểm qua hành trình nghiên cứu của Frye, có thể nhận thấy nổi lên hai trọng tâm: Lãng mạn và Cổ mẫu – hai cực hút xung quanh nó những đề tài thứ cấp như Tưởng tượng, Eliot, Shakespeare và Kinh Thánh, Thiên đường đã mất, Huyền thoại, Ngôn ngữ…

Từ công trình nghiên cứu về thơ Blake, người ta đã thấy N.Frye định hình một lý thuyết về kỹ thuật và nguyên lý phê bình như chiếc cầu nối hai bờ nghệ thuật và khoa học thông qua giáo dục trí tưởng tượng.  Ông đề cập một khung quan niệm toàn vẹn, không bó hẹp trong phạm vi nhà văn hay nghệ thuật đơn lẻ mà mở đến nhân chủng, lịch sử… nhằm hé lộ khuynh hướng chung từ cổ đại đến các hình thức cổ điển chuẩn mực. Nhờ đó, người ta có thể thấy một trật tự tự nhiên đằng sau các khoa học, văn học không chỉ là một “đống chữ” mà là một hệ thống trật tự của từ, ngữ. Ngôn ngữ, từ đó, cũng mang tầm vóc rộng hơn. Đó là cấu trúc mà người đọc và văn học dựa vào tưởng tượng, căn cứ văn cảnh mà hoàn thành, là những cổ mẫu bao gồm ẩn dụ và huyền thoại quy ước. Nhà phê bình phải tìm ra cái khung toàn thể trong lòng văn chương, không khen chê mà phải làm rõ khung của nó nói gì và trật tự ngôn ngữ của nó như thế nào. Phê bình văn học nhưng quan tâm đến giáo dục sinh viên, công chúng và người đọc, phương pháp của Frye vừa hướng tâm vừa ly tâm: thơ ca là hướng tâm, tiểu thuyết là ly tâm, phê bình bao hàm tất cả, đúng với chức năng kép: thẩm mỹ - xã hội của văn học.

Nằm ở trung tâm lý thuyết của Frye dường như là giấc mơ đẹp mà nhà Lãng mạn xây dựng trong tiểu thuyết, trong thơ tình nay được vận dụng thành nguyên lý phê bình văn học: Thuyết Tưởng tượng. Frye đề cao tưởng tượng và cảm nhận cá nhân. Ông quy các phạm trù như nghi lễ, huyền thoại và cổ tích vào dạng thức tiền văn học, có khả năng kích thích trí tưởng tượng. Văn học là phần trung tâm và mở rộng nhất của huyền thoại, nó vận hành trong một thế giới những quy tắc, bởi những trạng thái, biểu tượng, huyền thoại và loại thể đặc thù. Huyền thoại cấp cho văn học cái khung phổ quát vì văn học là dạng thay thế huyền thoại: Câu chuyện là trung tâm, của cả văn học và xã hội; trong khi đó nền tảng xã hội chính là huyền thoại và tự sự.

Chọn Frye và The Educated Imagination để khảo sát, chúng tôi lưu ý tính chất giáo dục xã hội đậm nét trong sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy của ông. Frye ý thức rõ mình viết tác phẩm này dành cho sinh viên và công chúng chứ không phải cho các chuyên gia. Ông khẳng định mình đang nói với tư cách là một nhà phê bình văn học về vấn đề giảng dạy văn học (105), rồi đề xuất vị trí thực sự của văn học trong quá trình giáo dục (124), thậm chí ông còn quan tâm đến việc nên đọc cái gì và quy đó là một vấn đề giáo dục (64). Đóng góp quan trọng nhất của Frye cho giáo dục chắc hẳn là lộ trình dạy và học cái gì, lúc nào từ tiểu học đến đại học. Những đề xuất này chắc hẳn gợi mở nhiều điều trong quá trình đổi mới căn bản giáo dục mà ngành đang tiến hành.

2. Northrop Frye và Educated Imagination

Educated Imagination ra đời sau hai công trình là Fearful Symmetry (1947) và Anatomy of Criticism (1957), khi hệ thống lý thuyết văn học gắn với hoàn cảnh lịch sử và văn cảnh xã hội, những trọng tâm: thể loại, huyền thoại, cổ mẫu… cơ bản đã thành hình. Năm 1962, N.Frye được mời tham gia chương trình CBC Massey Lectures(1) và liên tục trong 06 tuần, ông trình bày những vấn đề như Sức mạnh của ẩn dụ, Dàn đồng ca (mã văn hóa của văn học), Những gã khổng lồ thời đại (nhìn văn học từ các văn hào như Shakespeare, Worthword, Ionesco…), Chìa khóa vào cõi mơ (tính mơ tưởng của văn học), Những cột trụ của Adam (cổ mẫu văn học) và Thiên hướng tu từ (các khuynh hướng ảo tưởng xã hội). Những nội dung này vận động trong một hệ thống kép kín từ cơ sở nội tại, đẩy về quá khứ, đến hiện đại, tập trung tâm điểm và phóng chiếu ra toàn xã hội; cả hai trục đồng đại và lịch đại của lý thuyết, vì thế, được đảm bảo. Do là chương trình phát thanh nên tác giả luôn có phần tóm tắt vào cuối mỗi chương và nhắc lại vào đầu chương mới nội dung phần trước bằng một văn phong trong sáng và gần gũi. Frye ví dụ một vụ đắm tàu lạc trên hoang đảo và phân tích những giai đoạn nhận thức con người ứng với loại ngôn ngữ và thể loại văn học nhất định để truy tìm những nguyên mẫu, những hệ hình huyền thoại có tính chu kỳ trong tự nhiên và xã hội. Bản thân ông cũng đặt các tiêu đề nhỏ như sự tái lặp các mẫu hình sáng tác khác.

2.1. Câu hỏi bản mệnh: văn học là gì?

Là một nhà lý thuyết, Frye không quên xác định bản chất văn học: …Văn học không phải một thế giới mơ tưởng, bởi nó có đến hai giấc mơ, một là giấc mơ mong mọi điều tốt viên thành, hai là thế giới mơ của nỗi lo âu khắc khoải, văn học tập trung vào cả hai mặt này, như hai tròng kính và trở nên một cảnh tượng ý thức đầy đủ (99). Theo đó, những mẫu gốc được khảo sát kéo dài từ thời nghệ thuật tự do đến văn chương nhân văn Phục Hưng nhằm xây dựng một thế giới khác lạ bởi đơn giản văn chương thuộc vào thế giới nhân tạo, không phải thế giới người ta trông thấy. Đây chính là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan mà lý luận văn nghệ Marxist nói đến nhưng khác biệt là Frye nhấn mạnh khả năng tưởng tượng làm nên sức mạnh văn học.

Trí tưởng tượng không phải trò trẻ con mà là nguồn sức mạnh cấu trúc ngôn ngữ, văn học và cả xã hội. Giới hạn của tưởng tượng là do thế giới con người tức hệ thống quan niệm. Văn học cũng chỉ có thể phát sinh từ bản thân nó những hình thức từng tồn tai, giới hạn của tưởng tượng nếu có là chính văn học. Sự mở rộng được thực hiện bằng hệ thống trích dẫn, đọc và lý giải các tác phẩm văn học. Vai trò của tưởng tượng trong đời sống hằng ngày là sản sinh ra xã hội ta sống, tạo nên một hình tượng xã hội mà ta muốn bằng sự hòa hợp giữa cảm xúc và trí tuệ. Chính hai thành tố này giúp người ta có ý tưởng (trên cơ sở liên kết những mẫu gốc có sẵn), hiểu và sáng tạo để không rơi vào đám đông hỗn tạp hay ảo ảnh xã hội – kiểu những quảng cáo mà ta (bị) tiếp nhận hằng ngày, nhờ đó có một diễn ngôn độc lập chống lại mọi ước định ràng buộc. Tưởng tượng không phải trên mây mà là "cung cấp một thế giới tốt đẹp hơn hoặc xấu xa hơn cái mà ta thường sống, và yêu cầu ta tiếp tục quan sát kiên nhẫn cả hai” (104), có nghĩa là phải nhìn trong tổng thể. Tính tổng thể của văn học được quy định do đặc trưng tiếp nối, tái sinh liên tục các mẫu gốc. Frye cho rằng nếu ta không biết Kinh Thánh và các câu chuyện thần thoại Hy Lạp La Mã thì ta cứ đọc nhưng khả năng tưởng tượng sẽ không tiến triển. Huyền thoại là nguyên ủy của văn chương khi nó kể lại câu chuyện thần linh, anh hùng phiêu lưu, thắng lợi, thất bại chết rồi tái sinh như khi người ta nghĩ về chu kỳ mặt trăng, mặt trời.

Như vậy, tưởng tượng không chỉ tốt cho văn học mà còn cho cả khoa học. Không tưởng tượng được thì không thể làm khoa học nhưng tưởng tượng khoa học phải đến đích thực nghiệm nếu không thì bị loại bỏ, tưởng tượng của văn học lại khác. Ta không quy chiếu tưởng tượng văn học với đời sống mà là giữa chúng với nhau. Thật ra Frye quy giản văn học vào mối quan hệ bản thân chúng và bỏ quên mất nhiều chức năng khác của văn học như nhận thức, giáo dục… là có phần cực đoan nhưng lại phục vụ hữu hiệu cho ý đồ nhấn mạnh mẫu thức chung mà ông hướng văn học đến. Không chỉ thế, xác định giá trị văn học có quy vào văn hóa hay thực dụng đều phải xuất phát từ tổng thể mà chúng ta đọc, lâu đài ngôn ngữ xây dựng theo kiểu Frye là đọc kiểu chuyên gia, trong khi chức năng trải nghiệm, thỏa mãn cảm xúc cũng quan trọng không kém đối với công chúng, mà công chúng thì khó có thể đọc tác phẩm trong tổng thể như nhà phê bình. 

2.2. Ngôn ngữ cấu trúc xã hội như thế nào?

Frye xác định có ba dạng ngôn ngữ. Ngôn ngữ khoa học cung cấp thông tin, kiến thức nên tác động trực tiếp đến đời sống với tiêu chí là đúng (Chân). Loại ngôn ngữ này nặng tính miêu tả và cá nhân, nó mang những đặc điểm khu biệt, cho phép hình thành cái riêng đến tận cùng, nó tạo tính phong phú bởi đây là “ngôn ngữ của danh từ và tính từ” (11). Thứ hai là dạng ngôn ngữ hành động, hướng đến cái thiện, lành tốt, thúc người ta hành động theo định hướng xã hội. Đây là dạng ngôn ngữ tỉ lệ thuận, là các quy chuẩn, khế ước xã hội. Nó là nơi khoa học kết thúc và khởi đầu của nghệ thuật. Dạng ngôn ngữ mang ý nghĩa thực dụng của động từ, ví dụ như ngôn ngữ quảng cáo. Dùng một mã ngôn ngữ cùng loại với thần thoại, tức hiểu theo một nghĩa khác, quảng cáo là hành động nhấn mạnh, khuếch đại giá trị và thúc giục người nghe thực hiện hành động mua nằm ở trung tâm. Đây là dạng ngôn ngữ kết nối xã hội, tạo ra các mối quan hệ liên nhân. Dạng thứ ba là ngôn ngữ văn chương. Chúng tác động đời sống một cách rất riêng theo sở thích và nhu cầu con người, hướng đến cái đẹp. Buổi sơ khai nhân loại, khả năng tưởng tượng phát huy, nếu khả dĩ nó trở thành hành động, đi vào đời sống theo kiểu ước mơ thành hiện thực: máy bay, điện thoại; nếu không nó sẽ để lại dấu vết trong văn chương. Ngôn ngữ đậm tính tưởng tượng. Hiểu được điều này giúp chủ thể nói đúng lúc, đúng chỗ, hiểu đúng ý nghĩa kép đạo đức - thẩm mỹ.  Ngôn ngữ được tri nhận như thế sẽ mang tính mềm dẻo, dung hòa và phân hóa những cực điểm. Chính xác nó là dạng ngôn ngữ điều chỉnh các cực đoan: quá tin lời quảng cáo, khăng khăng phiến diện…

Ba dạng ngôn ngữ trên xuất phát từ ba cấp độ nhận thức của con người. Thứ nhất là tự thể hiện, tương ứng dạng ngôn ngữ ý thức – phân biệt bản thân và sự vật hiện tượng xung quanh. Đây là cơ sở cho dạng ý thức tự mình, tự do; tồn tại trong ngôn ngữ đối thoại thông thường của tư duy con người. Đôi khi nó là ngôn ngữ của cái tôi cá nhân thầm kín và sâu sắc, bản năng nhất, là huyền thoại cá nhân. Thứ hai, ngôn ngữ hành động song hành cùng cấp độ gia nhập xã hội của nhận thức. Trong thế giới thực tế, hành động có giá trị hơn ngôn ngữ, đây là hành động biến đổi tự nhiên theo sở thích của con người vì sẽ luôn có một khoảng cách giữa những gì xã hội đề xuất và những gì cá nhân ước mơ. Xã hội tạo những huyền thoại để cá nhân chấp nhận dù không tin nhằm giữ tính ổn định cho chính nó. Cá nhân phải có trí tưởng tượng tạo ra một thế giới thực độc lập xã hội, thế giới của nghệ thuật, văn chương để hiểu và chấp nhận nó. Cấp độ thứ ba, hiển nhiên là tưởng tượng. Đây là dạng ngôn ngữ/ý thức định hướng giá trị xã hội để tư duy tự thể hiện có thể gia nhập xã hội tốt. Bắt nguồn từ hình mẫu tự nhiên, con người bắt đầu ý thức và muốn làm hài hòa cuộc sống bằng cách tái lập các chu kỳ tự nhiên, sinh học thành thẩm mỹ. Mối quan hệ của dạng ngôn ngữ này với đời sống là phức tạp bởi đặt trên cơ sở sự kết hợp giữa ngôn ngữ thể hiện và ngôn ngữ hành động, giữa ý thức và kỹ năng thực hành.

Có thể thấy cấu trúc này như mô hình tâm lý Freud đề xuất: cái Tôi trung hòa, nối liền, chuyển hóa Tự ngã và siêu tôi của con người và xã hội, tự tập trung vào bản thân nó theo những quy tắc nhất định để thực hiện chức năng điều chỉnh thẩm mỹ của văn học. Hiểu như vậy thì ngôn ngữ mà Frye đề xuất rất gần với hệ thống diễn ngôn khi nó giữ lại cấp độ hệ thống tín hiệu và ứng dụng vào hoàn cảnh, văn bản cụ thể. Nhìn cụ thể mối quan hệ văn học và ngôn ngữ, có thể thấy điểm tương đồng ở hành trình tìm lại bản ngã nhất thể giữa con người và tự nhiên khi tái lặp những mẫu hình quen thuộc, từ đây cái khung chung cho chủ đề văn chương và ngôn ngữ hé lộ: tái lặp những phương tiện có sẵn thành những mô hình tương tự theo kiểu thế giới được cấu trúc như một ngôn ngữ. Trong đó, tưởng tượng là thành tố quan trọng của hành động nói. Tưởng tượng cấu trúc hội thoại, lời nói chia thành “thứ ta có thể nói và thứ ta không thể nói”, trí tưởng tượng phân biệt điều này để ta nói đúng lúc đúng chỗ.

3. Mối quan hệ ngôn ngữ và văn học - Ứng dụng vào giáo dục

Cả đời hoạt động giáo dục, N.Frye ý thức rõ vai trò của giáo dục đến sự phát triển của cá nhân và xã hội: Giáo dục là thứ ảnh hưởng toàn thể cá nhân, không phải từng phần hay cục bộ. Giáo dục không chỉ đơn thuần định hình suy nghĩ mà thúc đẩy sự phát triển của xã hội và đạo đức (151).

Frye cho rằng dạy văn học nên đi từ trung tâm hướng ra bên ngoài tức bắt đầu với nghệ thuật sử dụng từ ngữ hay chiến lược giao tiếp hiệu quả của thơ, đến các văn bản tự sự sau đó đến ngôn ngữ ứng dụng vào thương mại hay đời thường. Bởi thơ là phương tiện đơn giản và chính xác nhất thể hiện bằng ngôn ngữ, các cộng đồng sơ khai nhất đã có thơ trong khi có nhiều cộng đồng vẫn không có văn xuôi; văn xuôi ít tự nhiên hơn thơ. Nhưng đây là bậc đại học. Còn tiểu học thì trước hết nên dạy hài kịch và truyện lãng mạn bởi chúng mang tính giải trí. Từ cấp hai trở lên thì nên dạy bi kịch và thể loại châm biếm để bước đầu học sinh phân tích, vận dụng ngôn ngữ. Với bậc đại học thì thơ là quan trọng trước nhất. Dạy thơ cho sinh viên trước hết là làm cho họ cảm nhận chuyển động vật lý bởi lẽ thơ không in thành dòng như văn xuôi mà có cấu trúc đặc biệt, gần với khiêu vũ và âm nhạc. Tính nhịp nhàng này về sau còn truyền cả sang văn xuôi dù bị thoái hóa dần. Nhà giáo dục cần quan tâm cách chọn từ và hình ảnh thơ. Các biện pháp tu từ, dùng hình ảnh tối thiểu để nói lượng nghĩa tối đa, hiểu như vậy thì thơ chính là một kiểu thần thoại và vì vậy cần đọc cho ra câu chuyện của nó. Tóm lại, văn học là những kiểu mẫu mà sinh viên đã biết qua. Ở đây không nên đánh giá hơn kém giữa các tác phẩm, dạng thức kể chuyện bởi mỗi thứ đều có câu chuyện và cần được đọc theo cách nó là một câu chuyện. Đây chính là nghệ thuật lắng nghe câu chuyện, là khâu cơ bản trong rèn luyện trí tưởng tượng ở bậc đại học. Khâu cuối cùng của quá trình này là dạy cho sinh viên viết thứ mình nghĩ, dù ít hay nhiều, điều đó giúp anh ta đọc tốt và dần hoàn thiện khả năng ngôn ngữ - văn chương.

Quan trọng nhất ở giáo dục đại học là trí tưởng tượng: Rõ ràng kết quả quá trình giảng dạy văn học không đơn giản là sự ngưỡng mộ văn chương, nó phải là thứ gì giống với việc chuyển giao năng lượng tưởng tượng từ văn học đến sinh viên (127).  Nhờ đó, sinh viên mới có thể hiểu và thưởng thức nghệ thuật, sống và thích ứng đúng đắn với xã hội. Con đường đi từ hiểu đến sống này nhắc nhở nhà giáo dục về mục tiêu học tập của UNESCO: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình. Để giáo dục trí tưởng tượng, Frye đề xuất phương pháp đọc tác phẩm văn học, sử dụng văn học để am hiểu và cấu trúc cá nhân, thích nghi xã hội. Đây chính là khả năng Đánh giá (thẩm định, phê bình, so sánh) mà Bloom trong Taxonomy of educational objectives: The classification of educational goals đã xây dựng từ 1956 bao gồm Biết – Hiểu – Vận dụng – Phân tích – Tổng hợp – Đánh giá. Giáo dục trí tưởng tượng, như Frye nhấn mạnh, bao hàm mối quan hệ hài hòa giữ cảm xúc và trí tuệ. Trong đó có niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc, đau khổ; có những bài học nhận thức, trí tuệ, triết học; kỳ diệu là văn học có thể cung cấp tất cả những điều đó. Hai yếu tố cảm xúc và trí tuệ kết hợp với nhau theo mỗi kiểu đều có tác dụng. Hướng đồng đại: một con người hoàn thiện phát triển đầy đủ mọi mặt; hướng lịch đại: cảm xúc cho ta biết thích gì, không thích gì và trí tuệ cho ta khả năng để thay đổi điều không thích; cá nhân, như vậy, chính là động lực cho xã hội phát triển. Ngược lại, xã hội muốn phát triển phải đầu tư giáo dục trí tưởng tượng, những hoạch định vĩ mô lâu dài đều có thể tìm thấy bước đầu tiên trong việc tiếp xúc và thưởng thức văn chương, nghệ thuật. Kết quả là khả năng tưởng tượng hình thành nơi người học sự kết hợp trọn vẹn giữa ý thức (logic, tri thức) với kỹ năng thực hành.

Nhận thức mối quan hệ ngôn ngữ và văn học trên diện tâm lý, nhà giáo dục cũng lưu ý đến quá trình chuyển hóa giữa ý thức và vô thức để tìm ra cấu trúc ngầm, mô hình trung tâm nằm đằng sau những dạng thức ngôn ngữ và cổ mẫu văn học. Sự chuyển hóa này đi từ vô thức ngôn ngữ đến ý thức văn học khi ta phát hiện ra các mẫu gốc Kinh Thánh bởi thần thoại tiếp cận và chuyển hóa. Thần thoại thành cấu trúc chính của truyện kể, cấu trúc thần thoại là hành trình đi tìm lại của con người mất bản ngã mà tiêu biểu nhất là Kinh Thánh – dạng thức văn học cơ bản nhất. Thật ra xác định như vậy chỉ tương hợp phương Tây, trong khi ở phương Đông thì các câu chuyện cổ dân gian chiếm vai trò này, nếu cần một cấu trúc thì người Ấn có Kinh Phật, người Ả Rập có Qu’ran… và bản thân Kinh Thánh cũng là sự tập hợp của nhiều nguồn khác nhau. Vấn đề là Kinh Thánh không chỉ ảnh hưởng rộng, thành nếp nghĩ, có ý nghĩa giáo dục và tôn giáo mà còn có một cấu trúc tổng thể hoàn chỉnh từ khởi nguyên đến khải huyền chuyển tải toàn bộ lịch sử con người dưới những cái tên biểu tượng Adam, Israel… Ngược lại, việc giảng dạy Kinh Thánh phải do những người thông thạo cấu trúc văn học đảm nhiệm chứ không chỉ minh họa ý tưởng như hiện nay (trong Nhà thờ).

Tóm lại, những quan niệm khá mới mẻ về văn học và ngôn ngữ của Frye, tuy còn phải tranh luận nhiều, đã định hình một khung lý thuyết hữu hiệu trong hệ thống hóa thể loại văn học. Trên cơ sở đó, quá trình giá dục có thể được hoạch định từ tiểu học đến đại học với chương trình, tác phẩm giảng dạy và định hướng giáo dục trí tưởng tượng nhằm phát triển cá nhân hoàn bị.

Chú thích

(1) Chương trinh phát thanh hằng năm của Canada, được phát sóng từ năm 1961 để vinh danh Toàn quyền Canada Vincent Massey, bao gồm những bài nói chuyện chính trị, văn hóa triết học do các học giả danh tiếng trình bày. Bài thuyết trình đầu tiên là Nước giàu và Nước nghèo của Barbara Ward.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Frye, N. (1964), The educated imagination, Bloomington, IN: Indiana University Press, 156 pages.

-------------

ThS. Nguyễn Thành Trung, Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận Văn học, Niên giám 2016.