Tiếng Việt thời LM de Rhodes - cách dùng đỗ trạng nguyên, trên/dưới… (phần 4)

In bài này

Phần này bàn về cách dùng đỗ như "đỗ trạng nguyên", xuống thuyền/lên đất, trên và dưới vào thời LM Alexandre de Rhodes sang An Nam truyền đạo, cụ thể là qua tự điển Việt Bồ La và các tài liệu chữ Nôm hay tiếng Việt cùng thời đại.

Với cách nhìn rộng ra hơn, từ trục không gian đến thời gian, ta có cơ sở giải thích các cách dùng đặc biệt này trong tiếng Việt. Các tương quan ngữ âm ghi nhận trong bài viết không nhất thiết khẳng định nguồn gốc (Việt, Khme hay Hán cổ …) của các từ này. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là ba tác phẩm của LM de Rhodes soạn: cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn (xem link). Các chữ viết tắt khác là TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), PG (Phật Giáo), CG (Công Giáo), ĐCT (Đức Chúa Trời), ĐCGS (Đức Chúa Giê Su), KNLMPS (Kinh Những Lễ Mùa Phục Sinh), LM (Linh Mục), VN (Việt Nam), TQ (Trung Quốc), HV (Hán Việt), Bắc Kinh (BK). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm.

1. Đỗ trạng nguyên (VBL trang 225) 

1.1 Đỗ/đậu 

Ngay dưới mục đỗ trạng nguyên[1], VBL ghi đỗ cũng là đậu: điều này cho thấy hai cách đọc đỗ và đậu đã hiện diện vào thời VBL (1651). Động từ đậu HV có nghĩa là dừng lại, đùa giỡn, khiến - tiếng Việt thường dùng nét nghĩa thứ nhất. Chữ đậu 逗 (thanh mẫu trừng 澄 hay định 定, vận mẫu ngu 虞 hay hầu 侯 khứ thanh, hợp khẩu tam/nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

田候切 điền hậu thiết (TVGT, QV) - TVGT ghi 止也。从辵豆聲 chỉ dã, tùng sước đậu thanh. 

大透切,音豆 đại thấu thiết, âm đậu (TV, LT, VH, CV, TVi)

徒候切 đồ hậu thiết (TV, LT)

徒闘切 đồ đấu thiết (NT, TTTH)

音豆 âm đậu (LKTG, TNTTĐTA 精嚴新集大藏音)

持遇切 trì ngộ thiết (QV)

廚遇切, 音住 trù ngộ thiết, âm trụ (TV)

他候切, 音透 - 義同 tha hậu thiết, âm thấu - nghĩa đồng (TV/LT phiên thiết, KH)

去智切,音跂 khứ trí thiết, âm khí (TV, LT)

TNAV ghi vận bộ 尤侯 vưu hầu (khứ thanh)

CV ghi cùng vần/khứ thanh 豆 脰 逗 餖 酘 竇 窬 瀆 讀 投 (đậu *du đậu/độc *đầu)

大候切,音豆 đại hậu thiết, âm đậu (CTT) 

音住 âm trụ (CTT) ...v.v...

Giọng BK bây giờ là dòu tóu zhù qì tòu qí so với giọng Quảng Đông dau6 và các giọng Mân Nam 客家话:[海陆丰腔] teu5 teu6 [宝安腔] tiu5 | [梅县腔] teu5 [客英字典] teu5 [陆丰腔] teu5 [东莞腔] teu3 [台湾四县腔] teu5 teu5 [客语拼音字汇] teu4 潮州话:dau1, giọng Mân Nam/Đài Loan tou7, tiếng Nhật tou zu và tiếng Hàn twu.

VBL ghi "Chẳng đỗ lâu" là chẳng ở lâu ; "mà bay cho tao áo mặc cùng cho đỗ nhà" Đức Chúa Giê-Su quyển chi cửu/chi thập trang 140. Một dạng chữ Nôm dùng đỗ HV 杜 cho âm đọc đỗ hay đậu. Điều đáng chú ý là cách dùng "đỗ trạng nguyên" vào thời VBL.

1.2 Thi đậu và đỗ trạng nguyên

Động từ đậu hay đỗ (ở yên một chỗ, dừng lại - TVGT ghi là 止也 chỉ dã, NT ghi là 住也 trụ dã) để chỉ thi đậu hàm ý đã vượt qua các tiêu chuẩn thử thách của một kỳ thi và dừng lại. Ca dao VN đã ghi dấu ấn của cách dùng đỗ như "Học chẳng hay thi may thì đỗ" hay "Học trò đèn sách hôm mai, Ngày sau thi đỗ nên trai mới hào" ...v.v... Tư duy tổng hợp và cụ thể của người Việt đã phản ánh quá trình học hỏi ngày đêm để dẫn đến đích là đậu các kỳ thi hương, hội hay đình: dừng ở đó tức là đã đạt được mục tiêu rồi (đỗ đạt). Ngược lại với đậu là rớt, động từ này ghi lại hình ảnh rất thực quá trình không đạt tới đích mà mình mong ước, hay không ở (đậu) được trên cao nên phải rơi xuống phía dưới (rớt ~ hỏng). Đây cũng là dấu ấn của không gian cụ thể (trên cao/dưới thấp) trong một hoạt động mang tính chất văn hóa trừu tượng. So sánh với cách nói (thi) đậu trong tiếng Trung Hoa là cập cách 及格 (hợp thức, đạt đến tiêu chuẩn) hay thông qua 通過; hay tiếng Anh là pass an exam (thi đậu) ~ passer un examen (tiếng Pháp); các ngôn ngữ này đều dùng động từ đi qua/thông qua so với dừng lại như tiếng Việt. Cách dùng thi đỗ (đậu) tiếng Việt phần nào cho thấy cứu cánh hay mục đích cuối cùng của giới sĩ (học trò), đỗ đạt thì ra làm quan, trong tứ dân: sĩ nông công thương. Cách dùng *vượt qua kỳ thi (pass an exam) phản ánh đi qua một chặng đường hay chỉ là phương tiện trong tiến trình học hỏi. Chúng ta có thể nhìn rộng ra hơn (tư duy tổng hợp) để thấy diễn tiến từ lúc học hành ôn luyện cực khổ cho đến khi thi (giai đoạn cuối và có tính cách quyết định), như một mũi tên bắn ra sẽ không ngừng di chuyển cho khi đến khi dừng lại vì đã đụng mục tiêu (đậu/đỗ ngay tại mục tiêu). Nếu mũi tên không chạm được mục tiêu, hay đến đích không đúng góc độ thì mũi tên sẽ rớt xuống (đất). 

Ngoài cách dùng (thi) đỗ, tiếng Việt thời VBL còn khiến các giáo sĩ Tây phương ngạc nhiên không kém, như cụm từ xuống thuyền, lên đất, trên trời.

2. Xuống thuyền/lên đất, trên trời

2.1 Xuống thuyền (descendere in navigium/L), VBL ghi xuống thuyền hai lần (mục xuống và mụclên): "đức Chúa Iesu thì xuống thuyền Pedro, là đầy tớ cả mình" PGTN trang 182, "ĐCGS xuống thuyền ông thánh Phê-Rô, dạy cho ra khỏi đất và giảng cho người ta trên đất nghe" KNLMPS quyển ba trang 71. Ngoài những nhận xét về phong tục, tôn giáo vào thế kỷ XVII ở VN, LM de Rhodes còn đặc biệt chú ý đến cách dùng ‘xuống thuyền’ (VBL - trang 899) và ‘lên đất’ (VBL - trang 409) qua các cách giải thích trong VBL. Đến Việt Nam bằng tàu và di chuyển trong nội địa (qua Đàng Ngoài) cũng bằng tàu, nên LM de Rhodes không thể không quan tâm đến các cách diễn đạt liên hệ đến phương tiện di chuyển phổ thông này vào thời VBL. Trong từ điển VBL, LM de Rhodes thường phải giải thích thêm khi chính mình có những nghi vấn trong phạm trù nghĩa hay cách dùng tiếng Việt. Trong trường hợp "xuống thuyền", thì mặt nước thường thấp hơn mặt đất (tính chất của chất lỏng thường tụ lại ở nơi thấp), cho nên từ đất liền qua đến thuyền bè thì là xuống - khắc hẳn với cách nói "lên đất". Đây quả là một cách dùng hoàn toàn khác biệt[2] với các ngôn ngữ mà LM de Rhodes đã biết qua (Pháp, La Tinh, Bồ Đào Nha ...). ‘Xuống thuyền’ thật ra là vào trong thuyền hay lên trên thuyền (tiếng Anh: get on a ship, go aboard ship, embark[3] on) như lên xe, lên ngựa, lên đồi, lên lầu, lên núi ... So với tiếng Pháp embarquer sur, để ý các giới từ (preposition) on và sur là trên. Ngữ pháp này rất khác với cách dùng "thượng thuyền" (lên thuyền) 上船 hay “đăng thuyền” 登船 trong tiếng Hán. Để ý “xuống thuyền” (hạ thuyền 下船) tiếng Hán nghĩa là rời khỏi thuyền hay lên đất liền! Cách dùng “lên đất liền” hay rời thuyền (débarquer/P - debark/A) cũng giống như “đăng lục” 登陸 (đăng là lên, lục là đất cao hơn mặt nước). Nhưng tiếng Việt lại dùng xuống vì nhìn từ vị trí người nói hay từ góc nhìn xa hơn, không phải nhìn từ vị trí người đang di động để lên đến một nơi cao hơn (lên thuyền). Điều này phản ánh một tư duy tổng hợp (nhìn rộng ra thấy nhiều chi tiết hơn) so với tư duy phân tích (chi tiết) hay nhìn ngay từ vị trí của đối tượng đang đi lên thuyền, vị trí lại này cho thấy sự việc chính xác hơn (độ phân giải/resolution cao hơn vì mắt nhìn gần hơn). Tuy nhiên, tiếng Việt hiện nay lại có khuynh hướng dùng lên tàu so với xuống tàu/thuyền như thời VBL, có lẽ để phù hợp với các cách dùng khác như lên xe, lên máy bay...


VBL – trang 899

VBL – trang 409

2.2 Lên đất (ascendere/L), VBL ghi lên đất hai lần (mục xuống và mục lên), cũng như giải thích thêm là xuống khỏi tàu để đi lên đất liền - một cách dùng rất đặc biệt của tiếng Việt :"Lên đất liền thấy ĐCGS cùng thấy một con cá" ĐCGS quyển chi cửu trang 46. Lên đất bây giờ không thấy dùng nữa so với lên (trên) đất liền, lên bờ, lên (trên) cạn ...

2.3 Trên (tlên, supra/L):"Vì chưng trên trời thì có thiên đàng … thì ta mới được lên trên thiên đàng" PGTN trang 8, 9 ... Trên trời tiếng Anh là in the sky (*trong trời) cũng như tiếng Pháp là dans le ciel("trong" trời). VBL ghi trên trời là in caelo (tiếng La Tinh in là trong, caelo là trời/thiên đàng). Khi học tiếng Việt, LM de Rhodes phải dùng các từ để ghép thành câu hay nhóm từ nhưng khó mà quên đi các ngôn ngữ của chính mình (tiếng mẹ đẻ). Trong phần "Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh", LM de Rhodes ghi lại các giới từ như trên (supra/L), dưới (infra/L), trong (intra/L) ... Để diễn đạt "trên hết mọi sự" thì ghép từ khá dễ dàng: super omnia (VBL trang 809), nhưng khi diễn dịch "trên trời" hay "trên/lên thiên đàng" (một cách dùng cốt lõi  của Thiên Chúa giáo) thì sự khác biệt cách dùng trở nên rất rõ nét! VBL phải nhắc độc giả là khi dời từ vị trí thấp tới chỗ cao hơn thì thêm chữ trên. Nếu hiểu được tư duy tổng hợp (xã hội truyền thống nông nghiệp) : nhìn ‘mục tiêu mình đến và vị trí khởi hành cùng môi trường chung quanh’ từ một vị trí xa hơn thì có thể cảm thông cách dùng trên trời so với *trong trời (tư duy phân tích). Qua vài thí dụ ở trên, ta hãy tóm tắt những đặc tính của tư duy tổng hợp trong xã hội nông nghiệp truyền thống và thể hiện cụ thể trong tiếng Việt - các tính chất này không nhất thiết độc lập với nhau.

2.4 Ra (exeo/L): "ĐCT ra đời cứu thế ... ĐCGS phán rằng: tao đã ra đời đến phán xét thế này" PGTN trang 143, 199 ; "ĐCGS ra đời chuộc tội cho thiên hạ" ĐCGS quyển chi cửu/thập trang 14. VBL ghi nhận cách dùng ra đây (egredere huc/L, egredere là đi ra/xuất, huc là ở đây), so với come here! (A) và viens ici! (P) đều có nghĩa là đến/lại đây. Đến hay tới đây là kết quả từ cách nhìn của người nhận lệnh/thừa hành (moving ego). LM de Rhodes ghi ra cửa là exire è portu (ra khỏi cửa/L) so với vào cửa là ingredi in portum (đi vào trong cửa/L) ...v.v... Và nhận xét là các giới từ này dùng giống như các ngôn ngữ quen thuộc của ông (La Tinh, Pháp, Bồ Đào Nha ...). Tuy nhiên, ông phải chép lại cách dùng ra Kẻ Chợ (VBL trang 631) và ra ngoài (VBL trang 806) mang ý nghĩa đặc biệt là đi vào (khu vực) Kẻ Chợ và đi vào (khu vực) Đàng Ngoài. Ra đời là đến với đời, vào đời hay ‘chào đời’ (in mundum venere/L): hai cách dùng ra đời và vào đời thoạt xem thì trái ngược nhau nhưng lại cùng một nghĩa. Một cách giải thích là tư duy tổng hợp từ truyền thống nông nghiệp, nhìn từ xa hơn để thấy đối tượng (đời) có thể là đến/tới hay vào, hay nhìn từ vị trí người nói và môi trường chung quanh thì là ra khỏi (để vào đời). Từ một tư duy tổng hợp, vai trò của người nói/phát ngôn trong câu nói ra thể hiện rất rõ nét khi xem kỹ các cách dùng trên trời (so với *trong trời), xuống thuyền/lên thuyền, ra đời/vào đời, ra Bắc vào Nam, ra đây /vào đây, ra trận/vào trận, ra chợ/đi chợ/vào chợ, đi khám bác sĩ, chợt/bất chợt, thình lình/bất thình lình, áo lạnh/áo ấm, Lê Lợi đánh thắng quân Minh ~ Lê Lợi đánh bại quân Minh...v.v...

3. Tư duy tổng hợp truyền thống

3.1 Trọng thiên nhiên (cụ thể là không gian/môi trường chung quanh): nhà nông để ý đến các mối liên hệ thay vì từng yếu tố đơn lẻ: nắng tốt dưa, mưa tốt lúa; Quạ tắm thì ráo, sáo tắm thì mưa; Đông chết se, hè chết nước; Được mùa lúa thì úa mùa cau, được mùa cau thì đau mùa lúa; Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm; Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa ...v.v... Các câu ca dao trên phản ánh khả năng kết hợp không gian thiên nhiên (mưa, gió, động vật chung quanh) và thời gian (trồng trọt, gặt hái) để có lợi cho mùa màng và đời sống nhà nông. Không phải ngẫu nhiên mà tên 12 con giáp Tý Sửu Dần Mão Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi dùng để chỉ thời gian (mùa, năm, tháng, ngày, giờ), không gian (Tý ~ phương bắc, Ngọ ~ nam, Mão ~ đông, Dậu ~ tây ...) và 12 loài động vật rất gần gũi với đời sống nhà nông. Vết tích của góc nhìn tổng hợp đã hiện diện trong cách gọi 12 con giáp từ ngàn năm trước mà vẫn còn lưu truyền cho đến nay.

Tư duy tổng hợp cho thấy người nói/phát ngôn có khuynh hướng dự phần vào câu nói cũng như người nghe, hay là tổng hợp của các điều kiện/ thành phần trong môi trường lúc nói. Điều này giải thích được phần nào về cách xưng hô trong gia đình và ngoài xã hội của người Việt (honorifics, mà có người cho là rất phiền phức), thí dụ như Nguyễn Văn Danh là bác sĩ (nghề nghiệp) thì trong gia đình có thể gọi là Danh (tên riêng), anh, em, chú, bác, cha/ba (tía ở Nam Bộ), cậu, ông … tùy vào liên hệ của người nói với đối tượng. Ra ngoài xã hội, Nguyễn Văn Danh có thể được gọi là bác sĩ Nguyễn Văn danh, bác sĩ Danh, ông Danh, ngài ...v.v...  Từ một tư duy tổng hợp, vai trò của người nói/phát ngôn trong câu nói ra thể hiện rất rõ nét khi xem kỹ các cách dùng trên trời (so với *trong trời), xuống thuyền/lên thuyền, ra đời/vào đời, ra Bắc vào Nam, ra đây /vào đây, ra trận/vào trận, ra chợ/đi chợ/vào chợ, đi khám bác sĩ, chợt/bất chợt, thình lình/bất thình lình, áo lạnh/áo ấm, Lê Lợi đánh thắng quân Minh ~ Lê Lợi đánh bại quân Minh...v.v... Tư duy tổng hợp cho ta thấy sự khác biệt giữa cách dùng tôi/ta, chúng tôi/chúng takhi người nghe hay đối tượng có dự phần trong câu nói hay không. Đây là một tính chất đặc biệt của tư duy phân tích, phản ánh qua các ngôn ngữ Ấn Âu chú trọng nhiều về cá nhân (cái tôi) khi so sánh với các ngôn ngữ khác trên thế giới (exclusive/inclusive distinction). "Cái tôi" trong một tư duy tổng hợp đã mờ nhạt đi vì các tương quan gia đình và xã hội: phản ánh qua cách xưng hô rất linh hoạt trong tiếng Việt. Khuynh hướng khiêm nhường (hạ thấp cá nhân) này rất khác biệt với ngôn ngữ Ấn Âu, thường tôn trọng cá nhân: René Descartes đã lên tiếng "Cogito ergo sum" (je pense, donc je suis/I think therefore I exist - Tôi tư duy nên tôi hiện hữu). Khi nói chuyện với cha mẹ

"Sáng nay tôi đi chợ" là có vấn đề! So với cách nói "Sáng nay con đi chợ"

Hay khi vợ chồng nói chuyện với nhau

"Tao muốn mày ở nhà coi con" thì không biết là có chuyện gì lấn cấn ở đây không?

3.2 Trọng cộng đồng (cụ thể là tập hợp con người sống dựa vào môi trường thiên nhiên/địa phương): vì dựa vào kinh nghiệm về thời tiết (yếu tố thiên nhiên – trúng hay được mùa so với trái hay mất mùa) từ các thế hệ trước, nên xã hội nông nghiệp tôn trọng gia đình, làng xóm - "phép vua thua lệ làng". Gia đình là nền tảng cơ bản nhất trong xã hội nông nghiệp, vì nghề làm ruộng cần nhiều sức lực nên gia đình đông con trở nên thuận tiện hơn – “an cư lạc nghiệp”. Đây là một nguyên nhân dẫn đến họ (cộng đồng, huyết thống) luôn đứng trước tên riêng trong tiếng Việt như Nguyễn Văn Danh - tương phản với tư duy phân tích (Tây phương, chú trọng đến cá nhân) dẫn đến thứ tự đảo ngược trong khi viết tên một người như Robert Redford; Robert là tên riêng/given name, Redford là họ/family name - vì đặt ở cuối nên family name/surname còn gọi là last name và tên riêng còn gọi là forename (tên đứng trước tên họ) ...v.v… Một khuynh hướng đáng chú ý là vì quá gắn bó với ruộng đất (đất đai có giới hạn) và gia đình, mà càng ngày dân số (gia đình, dòng họ) càng gia tăng, nên tư duy tổng hợp của người VN thu hẹp lại và trở thành tư duy tiểu nông, địa phương (cục bộ). Trong khi đó, tư duy phân tích lại thiên về (nguyên tắc/máy móc) kỹ nghệ hóa và lại có khả năng khuếch trương nông nghiệp lớn hơn và hiệu quả hơn. Tư duy tiểu nông còn dẫn đến khuynh hướng bảo thủ hơn (không thích thay đổi) và không thích mạo hiểm, tìm tòi các vùng đất mới lạ trừ khi phải bắt buộc làm như vậy vì khả năng sinh tồn (Nam Tiến).

3.3 Trọng quá khứ (cụ thể là thờ cúng tổ tiên): vì dựa nhiều vào thiên nhiên (nông nghiệp) nên cần phải học hỏi từ các chuyện xẩy ra trong quá khứ (ký ức tập thể truyền lại) - "áo mặc không qua khỏi đầu", "tiên học lễ hậu học văn" ... Trọng quá khứ dẫn đến phong tục thờ cúng tổ tiên, tổ của một ngành nghề ... Đây là bản sắc văn hóa đặc thù của người Việt. Tuy nhiên, không phải lúc nào ông bà tổ tiên cũng truyền lại kiến thức và kinh nghiệm đủ để giải quyết một vấn đề nào. Có khi than vãn hay phải nhờ đến một thế lực tối thượng/siêu nhiên thì "lạy trời", "nhờ trời", "trời ơi" ... Ca dao VN còn ghi lại lòng tin vào trời đất như

Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày

Lấy đầy bát cơm

 

...

Quá khứ là những chuyện đã xẩy ra, là nền cho hiện tại và tương lai (kinh nghiệm nhà nông) - nên ta còn thấy cách dùng trước (trước mặt/không gian) để chỉ quá khứ (thời gian) như ngày/tháng/năm trước, người trước ...

3.4 Trọng tình so với lý "Một trăm cái lý không bằng một tí cái tình" (dù nhỏ đến đâu, "một tí" chính xác là bao nhiêu?): vì thường ở một chỗ cố định để chăm sóc ruộng vườn (khác với đời sống du mục) nên quan hệ tình cảm gia đình bè bạn trở nên gắn bó hơn. Ảnh hưởng của tình trở nên quan trọng so với lý, nhất là trong một vùng không gian giới hạn cùng lệ thuộc vào thiên nhiên:"Bầu ơi thươmg lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn", “Thương (yêu) nhau chín bỏ làm mười” - mức chính xác (chín/mười - định lương - đặc tính cốt lõi của khoa học tự nhiên của Tây phương) không còn quan trọng nữa

Thương nhau củ ấu cũng tròn, 

Ghét nhau đến quả bồ hòn cũng vuông

 

Không tình cảm gì rõ nét hơn quan hệ giữa con cái và các đấng sinh thành, không cách nào “định lượng” một cách chính xác công sức nuôi nấng và dạy bảo con cái

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
 
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

 

Tình cảm đạo đức thường tìm ẩn bên trong (phẩm), phù hợp với tư duy tổng hợp - so với những tính chất bên ngoài có thể quan sát và đo lường được như vẻ đẹp (màu da, khuông mặt, mũi dọc dừa, mắt to, chiều cao ...) phù hợp với tư duy phân tích hơn

Cái nết đánh chết cái đẹp 

Tốt gỗ hơn tốt nước sơn 

…v.v…

Tóm lại, dựa vào tư duy tổng hợp của truyền thống nông nghiệp, ta có khả năng giải thích một số cách dùng trong tiếng Việt như đỗ/đậu (thi đậu), xuống thuyền/lên đất, trên trời, ra/vào đời ...v.v... Thoạt nhìn thì có vẻ không phù hợp với lý luận theo kiểu phân tách, nhưng nếu nhìn rộng ra hơn thì ta dễ cảm thông với 'bức tranh toàn cảnh' của các cách nói trên.

4. Tài liệu tham khảo chính

 

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) - Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium Annamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM - 1999).

2) Đỗ Quang Chính (1972) “Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659” NXB Đuốc Sáng (Sài Gòn).

3) Huỳnh Tịnh Của (1895-1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II - Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d'Adran (SaiGon).

4) J. F. M. Génibrel (1898) "Dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

  

(1906) "Petit dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

5) Nguyễn Quang Hồng (2015) "Tự điển chữ Nôm dẫn giải" Tập 1 và 2 - NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).

6) Nguyễn Hồng (1959) "Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam - Quyển 1 - Các Thừa Sai Dòng Tên 1615 - 1665" NXB Hiện Tại (Sài Gòn).

7) Halario De Jesu (thế kỷ XVIII) "Sách Các Phép" bằng 3 thứ chữ Nôm, La Tinh và quốc ngữ. Sách lưu hành nội bộ (1997).

8) Nguyễn Văn Khang (Chủ biên), Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành (2002) "Từ điển Mường Việt" NXB Văn Hóa Dân Tộc (Hà Nội).

9) Phan Khôi (1954) "Việt ngữ nghiên cứu" NXB Đà Nẵng in lại (1997).

10) Vương Lộc (2002) "Từ điển từ cổ" NXB Đà Nẵng - Trung Tâm Từ Điển Học (Hà Nội).

11) Hoàng Văn Ma, Lục Văn Pảo, Hoàng Chí (1974) "Từ điển Tày-Nùng-Việt" NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội).

12) Nguyễn Thị Tú Mai (2012) "Chữ Nôm và tiếng Việt thế kỷ XVII qua Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông của Jeronimo Maiorica" Luận án TS Ngữ Văn - Đại Học Sư Phạm Hà Nội

13) Giêrônimô Maiorica (thế kỷ XVII) "Mùa Ăn Chay Cả", "Thiên Chúa Thánh Mẫu - Quyển thượng", "Thiên Chúa Thánh Mẫu - Quyển trung", "Đức Chúa Giê Su - Quyển chi cửu & Quyển chi thập", "Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh", "Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh - Quyển thứ ba". Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003).

14) Hoàng Thị Ngọ (1999) "Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh" NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội).

15) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" - Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 - Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính - NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

"Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên - Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

 

16) Nguyễn Ngọc San/Đinh Văn Thiện (2001) "Từ điển từ Việt cổ" NXB Văn Hóa Thông Tin (Hà Nội).

17) Thiên Nam Ngữ Lục (khuyết danh, chữ Nôm) xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVII, có thể đọc trên mạng (xem link) 

18) Jean Louis Taberd (1838) - tên Việt là cố Từ - "Dictionarium Annamitico-Latinum" Serampore (Bengale).

19) Nguyễn Cung Thông (2011) "A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật?" - có thể xem toàn bài trên các trang (xem link)  ...v.v...

(2016) "Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài ... thời LM Alexandre de Rhodes (phần 1)" có thể xem toàn bài trang này (xem link)
 

(2016) "Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min ... Tiếng Việt thời LM de Rhodes" - có thể xem toàn bài trang này (xem link)

(2015) "Sinh thì là chết?" - có thể tham khảo ba bài viết này (đánh số 11.1 đến 11.3) trên các trang mạng như (xem link

(2012) "Những đợt sóng giao lưu ngôn ngữ Việt-Trung qua con đường tôn giáo - vài vết tích sau thời nhà Nguyên trong từ điển Việt Bồ La (phần 1.3)" - có thể xem toàn bài trang này (xem link)

- Nguyễn Cung Thông/Phan Anh Dũng (2016) "Tản mạn về nghĩa của mực tàu (phần 1)" - có thể xem toàn bài trang này chẳng hạn (xem link) hay trang  (xem link

 Nguyễn Cung Thông[4]

-------
[1] Trạng nguyên  là hạng nhất (đầu) trong hàng văn nhân, thuộc học vị tiến sĩ. Đậu trạng nguyên là đạt được bậc cao nhất trong hàng văn nhân, trong mục ghi dạng đỗ trạng nguyên VBL ghi đậu cùng nghĩa, cho thấy hai dạng đậu và đỗ đã hiện diện vào thời này. Không thấy VBL ghi bảng nhãn và thám hoa. Các cách dùng đỗ/đậu, mũ/nón, min, qua thời VBL cho thấy ảnh hưởng phương ngữ đã có mặt trong tiếng Việt.

 

[2] Học giả Phan Khôi cách đây hơn nửa thế kỷ cũng có vài nhận xét về cách dùng đặc biệt này:"Một điều rất đáng chú ý là có khi lên và xuống dùng cho cùng một động tác, có thể coi là đồng nghĩa, là khi nói lên thuyền xuống thuyền. Lên thuyền là ở đất bước lên thuyền, xuống thuyền là ở trên bờ bước xuống thuyền, hai cách nói đều chỉ nghĩa là đi đến thuyền cả. Cũng đáng chú ý nữa là: xuống xe là ở xe xuống, xuống ngựa là ở ngựa xuống, mà xuống thuyền không thể có nghĩa ở thuyền xuống, muốn tỏ cái nghĩa này người ta không nói thế mà chỉ nói ở thuyền lên, tức là lên bờ. Điều này thật là điều quá rắc rối lôi thôi trong ngôn ngữ văn tự của ta. Ước gì cải cách nó đi, bắt nó theo một loạt như lên xe xuống xe, lên ngựa xuống ngựa: nói lên thuyền tức là ở đất bước lên thuyền, nói xuống thuyền tức là ở thuyền bước xuống đất. Nhưng, ngặt một nỗi đất là bờ, phần nhiều cao hơn thuyền, nếu nói xuống thuyền để chỉ nghĩa ở thuyền bước xuống đất thì có lắm khi trái với luận lý. Có lẽ vì e dè đến luận lý mà tiếng nói của ta từ xưa đến nay phải dung nhận cái điều quá rắc rối lôi thôi ấy chăng” (1954) “Việt ngữ nghiên cứu” NXB Đà Nẵng in lại (1997). Học giả Génibrel (1898) cũng nhận ra cách dùng tiếng Việt rất đặc biệt này "Les Annamites disent Descendre à bord de n'importe quelle embarcation" (sđd, trang 984).

 

 [3] Embark/A, embarquer/P bây giờ thường thấy dịch ra tiếng Việt là lên tàu/xe ... Cách nói như vậy phản ánh phần nào kết quả của tư duy tổng hợp truyền thống đã thay đổi khi tiếp cận văn hóa và ngôn ngữ Tây phương, cũng như cách dùng con và cái - xem thêm các mục cái, đỗ ...

 

 [4] Nhà nghiên cứu ngôn ngữ ở Melbourne (Úc) – email This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Nguồn: http://conggiao.info/tieng-viet-thoi-lm-de-rhodes---cach-dung-do-trang-nguyen-trenduoi%E2%80%A6-phan-4-d-42592