Hải quốc đồ chí của Ngụy Nguyên và ảnh hưởng của nó đến phong trào Duy tân Nhật Bản, Việt Nam

In bài này

Đoàn Lê Giang(*)

Tóm tắt

Trước khi phong trào Duy tân thực sự nổ ra ở các Đông Á: Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, có hàng loạt các sách Tân thư xuất hiện, trong đó được nhắc đến nhiều nhất là: Khôn dư đồ thuyết坤輿圖説 (Bàn về bản đồ địa lý thế giới), Doanh hoàn chí lược 瀛寰誌略 (Ghi chép về các nước trên địa cầu), Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư天下郡国利病書 (Sách về các xứ mạnh yếu trong thiên hạ), Hàng hải kim châm航海金針 (Hướng dẫn cách đi biển). Những sách ấy do các học giả phương Tây và Trung Quốc viết ra vào những thời điểm khác nhau, nhưng đến nửa cuối TK.XIX do nhu cầu nhận thức kẻ địch mà đồng loạt được chú ý. Cũng nằm trong số Tân thư, có một trước tác có ảnh hưởng rất lớn đến Nhật Bản và Việt Nam nhưng lại ít được nhắc đến hơn đó là Hải quốc đồ chí海國圖志của Ngụy Nguyên 魏源viết vào giữa TK.XIX. Bài viết này đi vào giới thiệu các sách Tân thư “khai sáng”, trong đó giới thiệu kỹ về Hải quốc đồ chí của Ngụy Nguyên và ảnh hưởng của nó đối với phong trào Duy tân/ Canh tân Nhật Bản và Việt Nam.

ABSTRACT

Illustrated Treatise on Maritime Kingdoms 海国 by Wei Yuan 魏源 and Its Impact on the Modernisation in Japan and Vietnam

A series of New Books had appeared in East Asian countries such as Japan, China, Vietnam and Korea even before the modernisation movement actually broke out in this area. The most noticeable works are About the World Geography 坤輿図説, Notes about Countries in the World 瀛寰誌略, Book of Strong and Weak Nations 天下郡国利病書, and Sea Travel Guide 航海金針. Had been written by Western and Chinese scholars at different time, those books simultaneously caught people’s attention in the second half of the nineteenth century due to the growing need of identifying the countries’ enemies. One of those books is Illustrated Treatise on Maritime Kingdoms 海国圖志 written by Wei Yuan 魏源 in the middle of the nineteenth century. It made a profound impact on Japan and Vietnam back then but has been rarely mentioned. This paper will introduce some New Books known as the masterpieces that “established the nation”, including Wei Yuan’s Illustrated Treatise on Maritime Kingdoms. It also analyses the book’s impact on the modernisation/ reformation movement in Japan and Vietnam.

 

*****

     Trong Vân Đài loại ngữ Lê Quý Đôn có nhắc đến Khôn dư đồ thuyết 坤輿圖説 và so sánh thuyết địa cầu, kinh tuyến vĩ tuyến với Lý học của Tống Nho để thấy sự hợp lý của khoa học Phương Tây. Có thể nói Khôn dư đồ thuyết là trước tác đầu tiên về khoa học phương Tây được biết đến ở Việt Nam, và Lê Quý Đôn là người đầu tiên tìm hiểu và giới thiệu loại sách này. Đến nửa cuối thế kỷ XIX, khi phương Tây xâm lược  nước ta thì nhu cầu tìm hiểu về phương Tây trở nên hết sức cấp bách. Đọc các trước tác của Đặng Huy Trứ, Nguyễn Thông, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Lộ Trạch, Trần Tiễn Thành…người ta nghe nhắc đến hàng loạt các sách mới của phương Tây và về phương Tây như:  Doanh hoàn chí lược 瀛寰誌略 (Ghi chép về các nước trên địa cầu), Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư天下郡国利病書 (Sách về các nước mạnh yếu trong thiên hạ), Bác vật tân biên博物新編 (Ghi chép về vạn vật), Hàng hải kim châm航海金針 (Hướng dẫn cách đi biển), Hải quốc đồ chí 海國圖志 (Ghi chép và vẽ bản đồ các nước trên bốn bể)… Những sách ấy thực sự là những sách “khai sáng” về thế giới năm châu đối với trí thức nước ta và có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào Canh tân cuối TK.XIX hay Duy tân đầu TK.XX. Trong bài viết này chúng tôi giới thiệu về các sách ấy, đặc biệt nhấn mạnh đến trước tác quan trọng nhưng ít được biết đến hơn là Hải quốc đồ chí của Ngụy Nguyên trong bối cảnh rộng lớn là phong trào Duy tân diễn ra ở Nhật Bản, Việt Nam và các nước Đông Á khác.

  1. 1.          Các sách tân thư “khai sáng” từ TK.XIX trở về trước
  2. 1.1.   Khôn dư đồ thuyết坤輿圖説

Sách địa lý do Nam Hoài Nhân TK.XVII viết bằng chữ Hán, và được xuất bản năm 1674. Sách chia ra làm 2 quyển: Thượng – Hạ, nhằm giải thích cho tập bản đồ khắc in cùng năm là Khôn dư toàn đồ.

Nam Hoài Nhân chính là Ferdinand Verbiest (1623-1688), người Bỉ, lúc nhỏ học ở trường dòng. Năm 1657 theo cha là M.Martin đến Trung Quốc truyền giáo ở Áo Môn, ở Trung Quốc nhiều năm. Sau vua Minh là Sùng Trinh đưa ông về Bắc Kinh phụ trách việc lịch pháp và toán pháp. Năm 1669 ông được vua Thuận Trị nhà Thanh phong chức Khâm Thiên Giám. Năm 1675 ông giúp vua Thanh chế tạo pháo và bình được loạn Ngô Tam Quế, nên càng được vua Thanh tín nhiệm. Verbiest tinh thông Thiên văn, Địa lý, Toán pháp, thường được mời vào dạy cho vua Khang Hy nhà Thanh, được vua Thanh cho chức Công Bộ hữu thị lang. Lúc mất ông được ban cho tên thụy là Cần Mẫn.

Nội dung Khôn dư đồ thuyết bao gồm 2 quyển: Quyển thượng chủ yếu trình bày về thường thức địa lý tự nhiên, Quyển hạ chủ yếu về địa lý nhân văn. Sách ghi chép về những điều liên quan đến năm châu, đa số là lấy từ Chức phương ngoại kỷ lược chép và gia công thêm.

Chi tiết hơn thì thấy: Quyển thượng bao gồm: Trái đất hình tròn, địa cầu có hai cực nam bắc, động đất, núi non, sự chuyển động của nước biển, hải triều, sông ngòi, các con sông lớn trên trái đất, sự lưu chuyển của không khí, gió, mây mưa, nhân vật…. Quyển hạ bao gồm: Châu Á và các nước, các đảo chia ra 14 tắc; Châu Phi và các nước, các đảo chia ra 14 tắc; Châu Mỹ và tổng quan về bốn biển. Cuối quyển hạ có phụ các vật lạ: động vật (chim, thú, cá, sâu…) tổng cộng 23 loại cùng 7 kỳ tích trên thế giới, tất cả 32 bức(1).

  1. 1.2.                                    Doanh hoàn chí lược 瀛寰誌略

Sách do Từ Kế Dư 徐 繼 畬 người đời Thanh biên soạn vào khoảng giữa TK.XIX. Hoàn thành vào năm 1849 thời Đạo Quang, toàn bộ có 10 quyển.

Từ Kế Dư (1795-1873), người Sơn Tây. Thủa nhỏ ông được thụ hưởng nền giáo dục tốt, năm 31 tuổi ông thi đậu tiến sĩ, làm Hàn lâm viện biên tu, Giám sát ngự sử Thiểm Tây. Năm 1836 ông làm chức Tri phủ Tầm Châu tỉnh Quảng Tây, rồi làm quan ở Phúc Kiến đúng vào lúc Chiến tranh nha phiến xảy ra. Năm 1842 Từ Kế Dư lãnh chức Tào vận sứ, rồi Án sát sứ Quảng Đông, Bố chánh sứ Phúc Kiến, Tuần phủ Phúc Kiến, rồi Tổng đốc Mân Triết (Phúc Kiến, Triết Giang). Do tiếp xúc nhiều với ngưới Tây phương, hiểu rõ tình hình các nước, nên ông đã biên soạn ra công trình Doanh hoàn chí lược. Năm 1852 do bị kết tội, ông bị cách chức cho về quê. Sau lại được bổ làm quan. Năm 1869 xin về hưu, năm 1873 mất ở quê nhà.

Mở đầu sách là giới thiệu địa cầu, sau đó là giới thiệu các châu: châu Á (Á Tế Á), châu Âu (Âu La Ba), châu Phi (A Phi Lợi Gia), châu Mỹ (Á Mặc Lợi Gia), trong đó giới thiệu phong thổ, nhân vật của các nước. Từ Kế Dư còn giới thiệu nền dân chủ của Phương Tây, và ông trở thành người Trung Quốc đầu tiên giới thiệu điều ấy. Bên trong có 42 tấm bản đồ, trừ bản đồ nhà Thanh, bản đồ Triều Tiên, Nhật Bản, còn lại đều là các bản đồ do người châu Âu vẽ ra(2).

  1. 1.3.                                    Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư天下郡利病書

Sách do Cố Viêm Vũ 顧炎武– người cuối đời Minh đầu đời Thanh soạn. Sách ghi lại lịch sử, địa lý ghi chép về tình trạng xã hội, chính trị, kinh tế mạnh yếu của các khu vực Trung Quốc đời Minh. Sách có 120 quyển chia ra làm 34 sách.

Cố Viêm Vũ顧炎武 (1613 thời Vạn Lịch đời Minh – 1682 thời Khang Hy đời Thanh), hiệu Đình Lâm 亭林người Côn Sơn, Giang Tô. Sau khi nhà Thanh vào Trung  Nguyên ông không chịu theo nhà Thanh, tổ chức đội quân khôi phục nhà Minh. Trước tệ lậu chính trị cuối đời Minh: nền chính trị hủ bại, dân chúng khốn cùng, ngoại xâm dòm ngó mà văn đàn chỉ bàn suông về tính, lý, tìm kiếm danh lợi, ông bèn đề xướng cái học giúp đời. Ông là tác giả của nhiều câu danh ngôn được nhiều người biết đến:

-       “Thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách” (Thiên hạ hưng vong, kẻ thất phu cũng có trách nhiệm)

-       “Lễ Nghĩa Liêm Sỉ thị vị tứ duy” (Lễ Nghĩa Liêm Sỉ đó là 4 giềng mối cơ bản của quốc gia)

-       “Cố sĩ đại phu chi vô sỉ, thị vị quốc sỉ” (Sĩ đại phu mà vô sỉ thì đó là nỗi sỉ nhục của quốc gia)

Từ sau năm 1639 Cố Viêm Vũ bắt đầu sưu tập sử liệu, sách địa phương chí cùng sớ tấu, văn tập và các tư liệu liên quan đến quốc kế dân sinh, khảo sát những sách ghi chép về núi sông, quan ải, phong thổ, dân tình, khảo sát thực địa để làm rõ đúng sai. Những gì thuộc về phong tục xã hội, lợi hại cho dân sinh, đều phải tự mình khảo sát. Ông chú trọng vào khảo chứng địa lý, không dựa hoàn toàn vào ghi chép trong các thư tịch cũ, coi trọng điều tra thực địa. Ông tự mình khảo sát vùng Nam Trực Lệ (nay là Giang Tô, Triết Giang), Bắc Trực Lệ (nay là Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc), Sơn Đông, Sơn Tây, Thiểm Tây, Hà Nam, đã cải chính rất nhiều sai lầm của tiền nhân. Trong khi khảo sát, ông tập trung vào 3 phương diện: quốc phòng, thuế má, thủy lợi. Sách làm đến khoảng đầu thời Khang Hy thì hoàn thành, sau đó không ngừng sửa chữa thêm. Đây là một trong những công trình quan trọng nhất của Trung Quốc nghiên cứu xã hội, chính trị đời Minh(3).

  1. 1.4.                                    Bác vật tân biên博物新編

Bác vật tân biên 博物新編là sách giới thiệu khoa học phổ thông do bác sĩ người Anh Benjamin Hobson (1816-1873) biên soạn.

Hobson có tên theo kiểu Trung Quốc là Hợp Tín 合信là bác sĩ đồng thời là giáo sĩ người Anh. Sau khi tốt nghiệp ngành y khoa, năm 1839 ông được cử đến Áo Môn (Trung Quốc) làm bác sĩ truyền giáo ở bệnh viện của Giáo hội. Năm 1843 được phái đến Quảng Châu phụ trách công tác ở hiệu thuốc và bệnh viện. Năm 1855 ở Quảng Châu ông biên soạn sách Bác vật tân biên để giới thiệu tri thức khoa học tự nhiên của phương Tây. Ông còn biên soạn nhiều sách khoa học nữa bằng tiếng Hoa: Toàn thể tân luận全體新論 (giải phẫu sinh lý người), Tây y lược luận西醫略論 (sơ lược về Tây y), Phụ anh tân thuyết婦嬰新說 (sách mới về phụ khoa, nhi khoa), Nội khoa tân giới 內科新誡 (giới thiệu mới về nội khoa)…sách đều do Thượng Hải Mặc Hải thư quán xuất bản. Sách ông được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, từng được dịch ra tiếng Nhật, tiếng Hàn. Năm 1859 ông về Anh và sống ở đó cho đến cuối đời(4).

Bác vật tân biên tập trung giới thiệu khoa học cận đại của Phương tây, toàn bộ có  3 tập:

-       Tập 1: Vật lý: nhiệt, nước, ánh sáng, điện, các thể khí…

-       Tập 2: Thiên văn, Địa lý (mặt trời, sao chổi, quả đất, kinh tuyến, vĩ tuyến, các châu lục và đại dương…)

-       Tập 3: Động vật (các giống cầm thú trên trái đất) (5)

  1. 1.5.                                    Hàng hải kim châm航海金針

Sách chỉ cách đi biển do Daniel Jerome Macgowan (1814-1893) biên soạn. Ông có tên Trung Quốc là Mã Cao Ôn 瑪高温là bác sĩ và nhà truyền giáo người Mỹ, được phái đến Trung Quốc năm 1859. Sau đó được phái đến Nagasaki (Nhật Bản) dạy tiếng Anh. Năm 1862 về nước làm quân y trong cuộc chiến Nam Bắc ở Mỹ. Sau ông lại quay lại Trung Quốc, biên soạn sách giới thiệu khoa học phương Tây bằng tiếng Hán, rồi sang Nhật nghiên cứu văn hóa Nhật Bản. Năm 1893 mất ở Thượng Hải.

Hàng hải kim châm航海金針giới thiệu từ những tri thức nhập môn về khí tượng học (nguyên lý phát sinh bão), sau đó là các tri thức địa lý cần thiết cho việc đi biển. Sách được Ái Hoa Đường xuất bản ở Trung Quốc năm Hàm Phong thứ 3 (1853)(6).

  1. 2.                  Ngụy Nguyên 魏源Hải quốc đồ chí國圖

Ngụy Nguyên 魏源người huyện Thiệu Dương tỉnh Hồ Nam, là nhà tư tưởng tiêu biểu cho Trung Quốc cuối đời Thanh. Năm 21 tuổi, ông theo cha làm quan đến Bắc Kinh. Ông thường giao thiệp mật thiết với các trí thức yêu nước có tư tưởng canh tân bấy giờ như Lâm Tắc Từ 林則徐, Cung Tự Trân 龔自珍, nên chú trọng vào cái học giúp đời. Năm 1841 Ngụy Nguyên gặp tể tướng Lâm Tắc Từ mới bị cách chức ở Triết Giang, hai người bàn luận thâu đêm. Được Lâm Tắc Từ ủy thác, ông soạn một bộ sách để khích lệ quốc dân, phản đối chính sách xâm lược của Phương Tây. Dựa vào bộ sách Tứ châu chí四洲志do Lâm Tắc Từ làm chủ biên, đồng thời sưu tập rộng thêm các tư liệu khác, làm thành Hải quốc đồ chí 50 quyển, sau đó ông bổ sung thêm trong vòng 10 năm, cuối cùng bộ sách lên đến 100 quyển.

Hải quốc đồ chí được đánh giá là trước tác của thời đại khai sáng Trung Quốc. Với tư tưởng cơ bản “Sư Di chi trường kỹ dĩ chế Di” (Học sở trường của phương Tây để đánh phương Tây) mà ông đề xuất, Hải quốc đồ chí đã đả phá những tư tưởng lạc hậu truyền thống như: tư tưởng nội hạ ngoại di (Trung Quốc là văn minh, phương Tây là dã man), trời tròn đất vuông, thiên triều Trung Hoa là trung tâm; từ đó ông đã xác lập một cái nhìn mới bằng tri thức khoa học phương Tây như: thế giới bao gồm năm châu bốn biển, những kiến thức khoa học tự nhiên và các loại văn hóa phương Tây khác. Công trình của ông đã hướng người Trung Quốc đến thời đại học tập phương Tây.

Cấu trúc của Hải quốc đồ chí:

  1. 1)               Trù hải thiên (Thiên Phòng thủ ngoài biển)

-                   Bàn về Thủ 1 (Nghị Thủ thượng)

-                   Bàn về Thủ 2 (Nghị Thủ hạ)

-                   Nghị chiến

-                   Nghị hòa

  1. 2)               Đông Nam dương

-                   Tổng luận về châu Á

-                   Việt Nam

-                   Xiêm La

-                   Miến Điện

-                   Lữ Tống…

  1. 3)               Tây Nam dương

-                   Ngũ Ấn Độ đồ chí

-                   Ngũ Ấn Độ quốc

-                   Trung Ấn Độ các quốc

-                   Đông Ấn Độ các quốc

  1. 4)               Các quốc Hồi giáo tổng khảo
  2. 5)               Lợi vị Á châu các quốc đồ chí
  3. 6)               Đại Tây Dương
  4. 7)               Bắc Dương
  5. 8)               Ngoại Đại Tây Dương
  6. 9)               Quốc địa tổng luận
  7. 10)           Di tình lược thái (Sơ lược về tình hình Tây Dương)
  8. 11)           Tây Dương khí nghệ tạp thuật(7).
    1. 3.         Hải quốc đồ chí với phong trào Duy tân/ Canh tân Nhật Bản và Việt Nam 
      1. 3.1.      Với Nhật Bản

Hải quốc đồ chí có ảnh hưởng lớn đến phong trào Duy tân Nhật Bản nửa cuối TK.XIX:

Năm 1854 ở Nhật Bản Hải quốc đồ chí được dịch và khắc in thành 60 quyển. Nó có tác dụng vận động và khẳng định con đường Duy tân Nhật Bản thời Minh Trị. Cổ bản hiện đang lưu ở Thư viện Đại học Waseda.

Sách Nhật Bản hiện đại sử đánh giá: “Tư tưởng cách mạng của Yokoi Shonan 横井小楠 có khuynh hướng khai quốc chủ nghĩa là bắt nguồn từ việc ông đọc Hải quốc đồ chí” . Yokoi Shonan (1809-1869) xuất thân là vũ sĩ vùng Guma, là nhà chính trị, nhà duy tân hàng đầu của Nhật Bản. Ông được đánh giá là một trong “Duy tân thập kiệt” của Nhật Bản cùng với những: Saigô Takamori, Ôkubo Toshimichi, Komatsu Kiyokado, Ômura Masujiro, Kido Takayoshi, Maebara Issei, Hirosawa Saneomi, Etô Shinpei, Iwakura Tomomi.

  1. 3.2.                                    Với Việt Nam

Người chịu ảnh hường sâu sắc nhất tư tưởng của Ngụy Nguyên là Nguyễn Lộ Trạch 阮露澤, nhà tư tưởng của Phong trào Canh Tân Việt Nam cuối TK. Nguyễn Lộ Trạch (1853-1898) người làng Kế Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, ông là tác giả của các bản điều trần quan trọng: Thời vụ sách thượng, Thời vụ sách hạ, Thiên hạ đại thế luận và một ít thơ văn.

Thời vụ sách thượng 時務策上được biên soạn vào năm 1877, trong đó ông tập trung bàn về chiến lược: Chiến, Thủ, Hòa của nước ta.

Thời vụ sách hạ 時務策下đưa ra 5 chủ trương:

1) Dựa vào địa thế hiểm yếu để giữ vững gốc nước.

2) Tích lũy tiền gạo để có đủ lương thực.

3) Huấn luyện binh lính để có đủ binh lực.

4) Học kỹ thuật để chống giặc (Học trường kỹ nhi chế Di)

5) Ngoại giao rộng rãi để nhờ ủng hộ.

Chúng ta dễ dàng nhận thấy Thời vụ sách thượng của Nguyễn Lộ Trạch được viết ra với cấu trúc khá giống với Trù hải thiên (Thiên phòng thủ ngoài biển) trong Hải quốc đồ chí của Ngụy Nguyên với 3 vấn đề chính: Chiến, Thủ, Hòa.

Trong các chủ trương quyết liệt để ứng phó với tình hình mà Thời vụ sách hạ của Nguyễn Lộ Trạch đưa ra thì chủ trương thứ năm “Học trường kỹ dĩ chế Di” của ông rõ ràng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tư tưởng “Sư trường kỹ dĩ chế Di” của Ngụy Nguyên.

Tuy  nhiên, Nguyễn Lộ Trạch mặc dù chịu ảnh hưởng Ngụy Nguyên, nhưng ông vẫn giữ tinh thần độc lập, tiếp thu có phê phán. Trong Thời vụ sách thượng có khi ông còn tranh biện lại với Ngụy Nguyên: “Ngụy Nguyên có nói ‘Giữ ngoài biển không bằng giữ cửa biển, giữ cửa biển không bằng giữ trong sông’. Ngược lại, tôi cho rằng: giữ trong sông không bằng giữ cửa biển, giữ cửa biển lại không bằng giữ ngoài biển” (8).

Kết luận

Các sách tân thư khai sáng như đã nói trên có vai trò rất lớn trong việc thức tỉnh Trung Quốc và các nước Đông Á nói chung. Với các sách đó, lần đầu tiên các trí thức Đông Á biết rằng: thế giới là năm châu chứ không phải chỉ là “Thiên hạ” với trung tâm là Trung Quốc. Trong các sách ấy thì Hải quốc đồ chí của Ngụy Nguyên có vai trò quan trọng đối với phong trào duy tân Nhật Bản: nó là sách khai sáng cùng thời với các tân thư đầu tiên của Nhật Bản về thế giới năm châu có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng cải cách của Yokoi Shonan 横井小楠, một trong “Duy tân thập kiệt” của Nhật Bản. Riêng đối với Việt Nam cuốn sách này ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng canh tân của Nguyễn Lộ Trạch – một trong hai nhà canh tân tiêu biểu nhất của Việt Nam. Mảng sách này cần phải nghiên cứu sâu hơn và có hệ thống hơn để hiểu về sử Đông Á trong đó có Nhật Bản và Việt Nam.

CHÚ THÍCH

  1. Khôn dư đồ thuyết坤輿圖説, Nam Hoài Nhân (Ferdinand Verbiest), http://baike.baidu.com/view/2085921.htm
  2. Doanh hoàn chí lược瀛寰誌略,Từ Kế Dư soạn, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, Thượng Hải, 2001
  3. Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư天下郡国利病書, Từ Kế Dư soạn, “Tục tu tứ khố toàn thư”, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã.
  4. Nguyễn Q.Thắng trong Từ điển tác gia Việt Nam (NXB. Văn hóa Thông tin, HN, 1999), mục từ về Phạm Phú Thư có viết: “Ông là tác giả các sách: Bác vật tân biên, Hàng hải kim châm, Vạn quốc công pháp, Khai môi yếu pháp…”. Thực ra 4 quyển sách ấy là sách ông cho khắc in chứ không phải là sách ông biên soạn.
  5. Bác vật tân biên博物新編, bản cổ, Tây quốc y sĩ Hợp Tín trước, Nam Dương Trần Tu Đường đồng soạn
  6. Hàng hải kim châm航海金針, bản cổ, khắc in năm Hàm Phong năm thứ 3 (1853), Ái Hoa Đường tàng bản
  7. Hải quốc đồ chí海國圖志, Ngụy Nguyên soạn, bản cổ, khắc in năm Quang Tự thứ hai (1876); Hải quốc đồ chí海國圖志, Ngụy Nguyên soạn, “Trung Quốc cổ điển danh trước”, bản điện tử của Đại học Thanh Hoa
  8. Nguyễn Lộ Trạch – Điều trần và Thơ văn, Mai Cao Chương, Đoàn Lê Giang biên soạn, NXB. KHXH, HN, 1995, tr.83

Nguồn: Nhật Bản và Việt Nam trong phong trào « văn minh hóa » cuối TK.XIX đầu TK.XX¸ NXB. Giáo dục Việt Nam, 2012, tr.175

 


* PGS. TS, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM