Diện mạo văn học dân gian của cộng đồng ngư dân vùng ven biển Bến Tre

In bài này

I. Đặt vấn đề

Theo nhận định của Đinh Gia Khánh: “Văn học dân gian yêu cầu chúng ta phải “quay trở lại” cái thời đại đã sản sinh ra và nuôi dưỡng nó, “sống lại” cuộc sống của bản thân những người đã sáng tạo và nuôi dưỡng nó, “cùng” lao động,  chiến đấu, sinh hoạt, mở hội, kết bạn,…với họ, vui những niềm vui và buồn những nỗi buồn của chính họ, nói tóm lại là “thể nghiệm lại” toàn bộ cuộc sống với tất cả những hoạt động sản xuất, hoạt động thực tiễn và hoạt động tinh thần muôn  màu muôn vẻ của nhân dân lao động. Chỉ có lúc đó chúng ta mới thấy hết được cái hay cái đẹp của văn học dân gian, mới thấy hết được y nghĩa và vị trí của loại hoạt động nghệ thuật đó trong đời sống hoạt động thực tiễn và đời sống tinh thần của nhân dân”[1]. Vì vậy, muốn tìm hiểu đặc điểm văn học dân gian của một địa phương, vùng miền nào đó nhất thiết phải đặt trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên, kinh tế, xã  hội và văn hóa của nơi ấy. Văn học dân gian của cộng đồng ngư dân vùng ven ven biển Bến Tre cũng không ngoại lệ. Nó là sản phẩm tinh thần của bao thế hệ ngư dân trong quá trình vươn mình ra biển khơi, chứa đựng nhiều khát vọng, niềm tự hào của họ và đồng thời có nhiều nội dung liên quan đến đặc điểm về tự nhiên, văn hóa, xã hội của bản thân cộng đồng. Nhưng nổi bật nhất, theo quan điểm của chúng tôi, điều kiện tự nhiên vùng ven biển chính là nhân tố quan trọng nhất trong việc hình thành nên môi trường sinh hoạt cũng như diện mạo văn học dân gian của cộng đồng ngư dân ở đây.

II. Nội dung văn học dân gian của cộng đồng ngư dân vùng ven biển Bến Tre

Vùng ven biển Bến Tre có chiều dài 65 km và đi qua 3 huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại. Về nguồn lợi thủy hải sản, vùng này được đánh giá như sau: “ Qua khảo sát ở sông và ven biển tỉnh Bến Tre đã phát hiện được 120 loài cá thuộc 43 họ, nằm trong 15 bộ cá. Bộ cá vược chiếm ưu thế cả về họ (21 họ) lẫn về loài (54 loài), bộ cá trích chiếm 2 họ gồm 15 loài, bộ cá bơn có 3 loài[2]. Mặt khác, theo tìm hiểu của người viết, đối với loài cá sống ven biển ở Bến Tre thì phổ biến là cá mòi, cá nục, cá đuối, cá gúng, cá trích, cá chim, cá thu, cá chẻm,…. Vì thế, dọc theo bờ biển của tỉnh đã có những làng chuyên nghề đánh bắt cá đã hình thành lâu đời. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện tại chỉ có  xã An Thủy (huyện Ba Tri) và Bình Thắng (huyện Bình Đại) là có nghề đánh bắt thủy hải sản phát triển, hình thành nên hai cộng đồng ngư dân ven biển của tỉnh Bến Tre. Do vậy, An Thủy và Bình Thắng là hai địa bàn được chúng tôi chọn để tiến hành khảo sát, sưu tầm tư liệu văn học dân gian. Qua phân loại cho thấy nội dung của văn học dân gian cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre gồm các chủ đề chính như sau:

II.1.   Giới thiệu sản vật của một vùng quê biển trù phú, dồi dào tôm cá.

Vùng ven biển Bến Tre vốn được thiên nhiên ưu đãi nên tôm cá dồi dào, góp phần nuôi sống con người và phát triển nghề đánh bắt. Vì thế, điều này đã trở nên niềm tự hào của bao thế hệ người dân nơi đây. Trong lời tâm sự của cô gái Bình Châu (xã Bình Thắng ngày nay) là niềm tự hào về những chuyến ra khơi trở về mang tôm cá đầy khoang:

                                                            “ Em là con gái Bình Châu

                                                   Một thân vượt biển cho tàu ra khơi

                                                       Bao ngày sóng nước chơi vơi

                                                 Thuyền em nhiều cá mọi nơi không bằng”

Còn với ngư dân An Thủy, nơi con rạch Bà Hiền chảy ra cửa sông Hàm Luông,  thì cũng không khác gì lời tâm sự trên:                                              

“ Mắm bần ven đất phù sa

            Bà Hiền Tân Thuỷ hằng hà cá tôm”          

Nhưng ở An Thủy, ngoài nghề đánh bắt tôm cá, ngư dân còn có các hoạt động kinh tế khác do sự  đa dạngvề sản vật:

“ Quê anh có cửa biển sâu

                                                                               Có ruộng lấy muối, có dâu nuôi tằm”

Ở Bình Thắng, cứ khoảng gần đến tết, bà con thường nhắc nhở lẫn nhau:

                                                     “ Dù ai buôn bán trăm nghề

                                                 Ba mươi tháng chạp nhớ về vớt rươi”

Rươi được bắt để chế biến thành nước mắm. Nước mắm rươi là thứ nước chấm ngon, có mùi thơm lừng, chỉ để dành ăn và biếu bạn bè thân thuộc. Đây là đặc sản của vùng ven biển Bến Tre.

II.2. Tri thức dân gian của ngư dân về nghề nghiệp và tự nhiên

Tri thức dân gian của cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre chính là những hiểu biết về biển cả được cha ông của họ truyền lại qua sự đúc kết các kinh nghiệm từ trong lao động hằng ngày. Các tri thức này là một tài sản vô giá cho hoạt động đánh bắt của ngư dân, đặc biệt trước đây khi công việc dự báo thời tiết trên biển còn dựa trên kinh nghiệm là chủ yếu. Vì thế : “Các kinh nghiệm đó không chỉ mang lại cho họ bát cơm manh áo, mà còn là bảo bối  để họ vượt qua hiểm nguy, cứu lấy tính mạng trước sự đe dọa của bão gió trên biển”[3]. Theo Ngô Đức Thịnh, tri thức bản địa hay tri thức dân gian (folk knowledge) được phân chia thành: Tri thức về tự nhiên và môi trường, tri thức về bản thân con người, tri thức về sản xuất, khai thác và sử dụng hợp lí các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tri thức về ứng xử  xã hội và quản lí cộng đồng, tri thức về sáng tạo nghệ thuật[4].

Đầu tiên, trong quá trình sinh sống với nghề đánh bắt, họ dần dà hiểu biết về hoạt động nghề nghiệp của mình và tạo nên tri thức về sản xuất. Câu đố về nghề đóng đáy theo kiểu” đố tục giảng thanh” là một ví dụ tiêu biểu:

                                                “ Canh một thì trải chiếu ra

                                         canh hai xét vú, canh ba rà mồm

                                                 canh tư khởi sự ép dồn

                                     canh năm cuốn chiếu, rửa trôn, việc rồi”

Sách Địa chí Bến Tre giải thích như sau: Cái nghề lao động khá vất vả trên sông nước này lại được mọi người xem như một cuộc”mộng du” theo trình tự thời gian từ canh một cho chí canh năm: “ trải chiếu” (giăng đáy), “ xét vú” (kiểm tra rốn đáy), “rà mồm” (rà soát lại miệng đáy), “ cuốn chiếu”, “ rửa trôn” (kết thúc vật lộn trên một đêm sóng nước)[5]

 Thế nhưng, quan trọng nhất là có nhiều câu tục ngữ liên quan đến tri thức dân gian về tự nhiên của nghề đánh bắt vốn phụ thuộc nhiều vào biển cả. Chẳng hạn, đó là qui luật của nhịp triều lên xuống: “ Ba mươi nước kém, mùng mười nước rong”, “ Nước kém cạn sông, nước rong cạn vũng”,... rất cần thiết cho việc neo đậu ghe xuồng hay tiến hành chài lưới. Về thời tiết, họ có những câu khá hay: “động nước trước động trời” (nhìn nước thấy đục và sôi nhẹ là hôm sau bắt đầu có giông gió mạnh), “đông già, bà chướng” (vào mùa Đông là bắt đầu có gió chướng), “ chớp Bắc thổi nồm, chớp Nam thổi chướng” (nếu có ánh chớp ở hướng Bắc thì gió Nồm thổi, nếu có ánh chớp ở hướng Nam thì bắt đầu có gió chướng),…Ngư dân có sự phân biệt cụ thể về hướng gió trong năm để có kế hoạch cụ thể: Gió Nồm là gió hướng Đông-Nam (khoảng tháng 3-4), gió Nam (khoảng tháng 5, 6, 7,8), gió Bắc (khoảng tháng 9), gió chướng là gió hướng Đông-Bắc (khoảng tháng 10- tháng 2). Nhìn vào các hiện tượng tự nhiên,  họ có thể biết được thời tiết. Ngày trước, trời đang êm mà hôm sau mặt trời đỏ bầm, có tia xung quanh thì sẽ có gió và mưa to. Thấy chim bay từ trong bờ ra là biển lặng. Đặc biệt, khi đang nấu bếp mà thấy lọ dưới đáy nồi có chớp lửa nhỏ tức hôm sau có gió thổi mạnh. Nếu ra khơi mà thấy cá mặt quỉ trồi lên mặt nước thì hôm sau trời sẽ có giông bão. Đi biển nhiều năm, mỗi khi nhìn mây, họ rất sợ:

                                 “ Khói đèn tui chẳng lo âu

                       Sợ mây ván cháo phủ đầu bay qua”

Nếu thấy mây đen tựa khói đèn thì chỉ dừng lại mưa to trong giây lát, nhưng nếu mây có màu xám và giống như từng  mảng ván cháo thì mưa sẽ âm ỉ đôi ba ngày, gây trở ngại cho đánh bắt.

Tri thức dân gian là nguồn tài nguyên của một nền văn hóa-xã hội nhất định. Nó góp phần bảo vệ và phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương. Cho nên, việc mở rộng quá trình tìm hiểu và nghiên cứu tri thức dân gian của cộng đồng ngư dân vùng ven biển Bến Tre nói riêng và nước ta nói chung sẽ giúp ích cho việc bảo tồn di sản văn hóa, hạn chế được những rủi ro thiên tai cho họ mỗi khi ra khơi đánh bắt. Vì thế, Sakurai Tatsuhiko, trong bài viết nhan đề Tìm hiểu “thảm họa thiên tai từ văn hóa dân gian”, đã đề xuất:” Cho  đến nay, dữ liệu văn hóa dân gian về thiên tai còn chưa đầy đủ. Từ nay trở đi, văn hóa dân gian về thiên tai cần phải được ghi nhận như một lĩnh vực độc lập của văn hóa dân gian…..Và khi chúng ta rút ra tri thức và trí khôn trong văn hóa dân gian về thiên tai từ những cơ chế giữ gìn kí ức tập thể (tượng đài, nghi lễ, diễn xướng, thói quen, hệ thống,….) chúng ta muốn có sự hiểu biết sâu sắc hơn về những biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa thảm họa”[6]

II.3. Những câu chuyện về thần linh của ngư dân

Trong quá trình đi sưu tầm, chúng tôi được nhiều ngư dân cao tuổi kể lại nhiều câu chuyện liên quan đến các vị thần được họ thờ cúng ở An Thủy và Bình Thắng[7]. Các vị thần này gồm: Cá Ông, Quan Công, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Bà Chúa Xứ, Thủy Long Thánh Mẫu. Điều này góp phần cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa tín ngưỡng tôn giáo với văn học dân gian trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của con người. Ngoài ra, một đặc điểm cơ bản của văn hóa dân gian là mang tính nguyên hợp. Tín ngưỡng tôn giáo không thể thiếu các huyền thoại, truyền thuyết, thần tích, thần phả, các hình thức giáo, kinh kệ,....Để miêu tả nguồn gốc, hình trạng, “đời sống” của các thần linh, diễn đạt các giáo lí, tín điều của tôn giáo tín ngưỡng....để diễn tải những nội dung trên, không chỉ cần có “ngôn ngữ” bình thường, mà phải nâng lên thành “nghệ thuật ngôn từ”[8]. Vì thế, những câu chuyện về thần linh của ngư dân ven biển Bến Tre là biểu hiện lòng ngưỡng mộ, niềm tin của cộng đồng về sự độ trì của các vị thần.

Ở An Thủy và Bình Thắng, nhiều thế hệ ngư dân còn nhớ lại khá nhiều câu chuyện liên quan đến Cá Ông. Theo lời kể lại của họ, Cá Ông,vốn là vị thần trên Thiên đình, được Ngọc Hoàng phái xuống trần, biến thành cá ở từng cửa biển để cứu giúp người dân mỗi khi gặp nạn. Cứu được càng nhiều người, cásẽ tích được công đức cho đến khi thiên đình tổ chức kỳ thi, nếu có công đức nhiều, sẽ vượt được vũ môn hóa thành rồng, bay về trời. Ngược lại, nếu tích ít công đức, cá tiếp tục quay trở lại nơi cũ tiếp tục sứ mệnh cho đến khi đầy đủ. Khi gặp người bị nạn, nếu không cứu sẽ bị cá đao phanh thây và lúc đó đất trời nổi sóng gió, sấm sét. Xác cá sẽ trôi vào bờ và dân gian gọi đó là trường hợp Cá Ông bị lụy[9]. Câu chuyện này nhằm lí giải nguồn gốc , chức năng chính của thần và mang tư tưởng của Đạo giáo rõ nét. Mặt khác, mối quan hệ giữa con người và Cá Ông là mối quan hệ hai chiều, có qua có lại. Câu chuyện này thể hiện điều đó: Năm đó, có một ngư dân địa phương đi kéo lưới ở phía ngoài cồn, bỗng thấy có cá ông giãy giụa, đau đớn trên bờ. Người này đến gần, vái lạy rồi nhìn thấy cá có vẻ khẩn cầu. Sau đó, cá hả miệng ra, người này thấy trong miệng có có nhiều con sam bám chặt vào thành miệng, hút máu. Ngư dân biết chuyện, vội lấy cây sào đến vái ông mở miệng ra, chống cây sào cho cá há miệng to, rồi chui vào miệng cá gỡ từng con sam ra. Sau đó, ông tháo cây sào ra và khấn cá ông đã gỡ hết sam. Cá nằm nghỉ rồi sau đó bơi ra biển, quay đầu vọi nước lên mấy lần tỏ ý cám ơn.Vài năm sau, trong một lần kéo lưới, ông này lỡ ngủ quên bên bờ bị sóng biển cuốn ra khơi. Ông nằm nửa mê nửa tỉnh trên sóng, phía dưới như có ai đang đỡ, chạy rất nhanh chừng một ngày. Sau đó, ông mở mắt ra và thấy mình được đưa vào trong bờ. Ông tìm đường về nhà và kể lại chuyện cho bà con, gia đình. Người ta cho rằng cá ông lúc trước được ông cứu đã trả ơn ông[10]. Nguyễn Duy Oanh còn cho biết một chi tiết khác: “Dân chài vùng Bãi Ngao (Ba Tri) cũng thuật rằng cũng có lần thuyền của vua Gia Long đến đây gặp sóng to gió lớn và cũng được Cá Ông hộ tống đến Bãi Ngao”[11]. Đây là truyện khá phổ biến ở vùng ven biển Nam bộ. Việc gắn cá ông với quá trình bôn tẩu của vua Gia Long phải chăng dân gian muốn góp phần nâng cao vị thế của vị thần này với triều đình nhà Nguyễn. Ngoài ra, cũng không loại trừ việc tuyên truyền, ca tụng sứ mạng thiên tử của Nguyễn Ánh trong lúc bôn ba phục nghiệp bằng khá nhiều giai thoại được truyền tụng  ở Nam bộ. Thông qui chi tiết mang yếu tố linh thiêng này,  đây là truyền thuyết được xếp vào nhóm truyện có xuất hiện yếu tố “vật linh điềm lạ” liên quan đến Chúa Nguyễn Ánh[12].

Tại Miếu Bà An Thạnh- nơi thờ Bà Thủy đểphù trợ cho nghề đánh bắt của ngư dân còn lưu lại một số câu chuyện liên quan đến sự linh ứng của vị thần này. Câu chuyện Bà Thủy hiển linh cứu dân vẫn còn được kể lại từ các cụ cao niên: Năm đó,  bọn lính Pháp đóng bốt ở Ba Tri tiến hành trận càn ở An Thủy để tìm bắt Việt Minh. Trên đường đi, chúng tha hồ bắn phá, đốt nhà dân, tạo nên cảnh thảm thương. Người dân An Thủy chỉ còn biết chạy trốn ra phía cồn, nắp vào những cây bần, cây đước. Bọn Pháp được bọn chỉ điểm báo nên hành quân về phía cồn để bắn giết. Trên đường đi, bỗng nhiên tên chỉ huy cho bọn lính ghé vào miếu Bà Thủy (ấp An Thạnh-xã An Thủy) để nghỉ ngơi. Chúng lục lạo, bắn phá bừa bãi trong miếu. Khi ra khỏi miếu, tên chỉ huy còn bắn vào ban thờ Bà mấy phát súng. Bỗng nhiên, hắn bị hộc máu mồm, giãy giụa thảm thiết, đau đớn kêu la. Thấy vậy, bọn lính vô cùng lo sợ, vội chuyển hắn về Ba Tri để chữa trị. Trận càn kết thúc và bà con An Thủy hết sức vui mừng đã thoát nạn. Nếu không thì người chết sẽ rất nhiều. Từ đó, họ càng tin tưởng vào Bà hơn[13]. Câu chuyện này cho biết một khía cạnh khác đó là sự tàn phá của chiến tranh, sự tàn bạo của kẻ thù trút lên đầu người dân địa phương. Bà Thủy, không chỉ độ trì cho ngư dân những chuyến ra khơi bình an, mà còn ra tay che chở họ trước kẻ thù hung ác.

Thiên Hậu Thánh Mẫu- vị thần của người Hoa, được thờ tại miếu bà An Thuận (xã An Thủy), được cả người Việt và Hoa hết sức sùng kính vì họ được Bà độ trì vượt qua bệnh tật. Dân gian còn kể lại câu chuyện: Năm đó, vùng Tiệm Tôm (nay là ấp An Thuận-xã An Thủy) có trận dịch tả hoành hành, người chết rất nhiều. Một số bà xẩm đến miếu bà An Thuận cầu khấn Thiên Hậu Thánh Mẫu cứu độ người dân. Mấy ngày sau, có một cơn gió lớn thổi ngang làm bật gốc cây trôm trước cổng miếu. Nhưng lạ lùng thay, cây trôm ngã mà không gây thiệt hại nhà cửa, chỉ nằm ven theo đường. Hôm sau, Bà đạp đồng về báo cho ngư dân nên lấy vỏ cây trôm về nấu nước uống để chữa bệnh. Họ làm đúng như vậy và đã hết bệnh, trận dịch bị dập tắt[14]. Ngày trước, với cộng đồng làng xã ở Nam bộ, bên cạnh thú dữ và thiên tai, bệnh tật là một trở ngại lớn đối với người dân. Vì thế, người dân chỉ còn biết đặt niềm tin vào sự hỗ trợ của thần linh. Nhưng đặc biệt, vị thần linh trong câu chuyện này là thần của người Hoa. Thiên Hậu Thánh Mẫu đã hiển linh chỉ cách chữa bệnh cho cộng đồng. Điều này phản ánh mối quan hệ giao thoa văn hóa trên lĩnh vực tín ngưỡng giữa hai cộng đồng Việt và Hoa tại đây.

Qua một số câu chuyện được trình bày ở trên cho thấy lòng tin tưởng sâu sắc của nhiều thế hệ ngư dân ở đây đối với vị thần linh. Chúng tôi cho rằng, mỗi khi ra khơi đánh bắt, trước những lo sợ trước bão bùng và sóng to gió lớn đã khiến cho họ đặt trọn niềm tin của mình vào các vị thần, đặc biệt là Cá Ông. Malinowski-nhà nhân học thuộc trường phái chức năng luận đã lí giải điều này: “Vấn đề quan trọng nhất là ở chỗ đối với việc đánh bắt cá ở phá, khi con người hoàn toàn dựa vào kiến thức và kỹ năng của mình, ma thuật không tồn tại, trong khi đối với việc đánh bắt cá ngoài khơi, đầy nguy hiểm và bất trắc, người ta sử dụng một hệ thống nghi lễ ma thuật với phạm vi rộng lớn để đảm bảo an toàn và kết quả cao”[15]. Từ đó, nhiều câu chuyện linh ứng về các vị thần đã được sáng tạo ra trong những lần ngư dân giong buồm ra khơi đánh bắt như một ước nguyện họ luôn được độ trì, an toàn và mang về những ghe cá đầy khoang. Mặt khác, những câu chuyện kể này còn cho biết cộng đồng này trong lịch sử đã gặp nhiều khó khăn, trở ngại từ kẻ thù ngoại xâm, bệnh tật chứ không chỉ do môi trường biển cả. Và khi đối mặt với những điều này, thần linh đã ra tay giúp họ.

III. Lời kết

Nhìn chung, qua tìm hiểu đã cho thấy vai trò của tự nhiên và hoạt động kinh tế ảnh hưởng đến sự hình thành môi trường sinh hoạt và nội dung của văn học dân gian của cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre. Điều này thể hiện khá rõ qua những lời ca ngợi sự giàu có về sản vật, những tri thức thức dân gian được đúc kết trong thực tiễn lao động của nghề đánh bắt tôm cá và cả những câu chuyện thần linh được kể đi kể lại trong cộng đồng. Biển cả là chất men để nhiều thế hệ ngư dân sáng tác ra những sản phẩm tinh thần của họ. Ngoài ra, đây còn là một minh chứng về vai trò của môi trường sống trong việc định hình diện mạo văn hóa dân gian ở từng vùng, miền khác nhau. Việc mở rộng nghiên cứu văn học dân gian của ngư dân ven biển Bến Tre nói riêng và nước ta nói chung chắc chắn góp phần rất lớn trong việc tìm hiểu văn hóa biển Việt Nam như lời nhắc nhở của Nguyễn Đức Từ Chi: “Biển là vùng môi trường mới mẻ, mới mẻ đối với sự khai phá của con người và mới mẻ cả trên lĩnh vực nghiên cứu. Chúng ta cần gia công thêm”[16]

 



[1] Đinh Gia Khánh,  Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, Hà Nội, NXB Khoa học xã hội, 2003, trang 31. 

[2] Thạch Phương-Đoàn Tứ (chủ biên), Địa chí Bến Tre, Hà Nội, NXB Khoa học xã hội, 2001, trang 228.

[3] Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Văn hóa dân gian làng ven biển, Hà Nội, NXB Văn hóa dân tộc, 2000, trang 65

[4] Ngô Đức Thịnh,  Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam, Hà Nội, NXB Khoa học Xã hội, 2006, trang 72.

[5] Thạch Phương-Đoàn Tứ (chủ biên), Địa chí Bến Tre, Hà Nội, NXB Khoa học xã hội, 2001, trang 682

[6] Sakurai Tatsuhiko, Tìm hiểu “thảm họa thiên tai từ văn hóa dân gian”. In trong: Hội Folklore Châu Á, Giá trị và tính đa dạng của Folklore Châu Á trong quá trình hội nhập, Hà Nội, NXB Thế Giới, 2006, trang 92.

[7] Ở An Thủy và Bình Thắng có 9 cơ sở thờ tự dân gian của cộng đồng. Tại xã An thủy có:  Lăng Ông An Thủy, Miếu Bà An Thạnh, Miếu Bà An Thuận, Miếu Bà An Bình. Còn ở Bình Thắng có: Lăng Ông Bình Thắng, Thanh Minh Tự, Miếu Bà Thiên Hậu, Miếu Bà Chúa Xứ, Miếu Bà Bình An.

[8] Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Hà Nội, NXB. Khoa học xã hội,  2001, trang 762-763.

[9] Nguồn: Ông Nguyễn Văn Xuân-Hương văn Lăng Ông An Thủy cung cấp cho tác giả.

[10] Nguồn: Ông Nguyễn Văn Xuân-Hương văn Lăng Ông An Thủy cung cấp cho tác giả.

[11] Nguyễn Duy Oanh, Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (từ năm 1757 đến 1945), Sài Gòn,Phủ  Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, 1971,  trang 356

[12] Lê Thị Diệu Hà, Về nhóm truyện ”vật linh điềm lạ” trong truyện dân gian về chúa Nguyễn ở vùng Nam bộ, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, số  22b  /2012, trang 89-96.

[13] Nguồn: Ban Khánh tiết Miếu Bà An Thạnh cung cấp cho tác giả.

[14] Nguồn: Ban Khánh tiết Miếu Bà An Thuận cung cấp cho tác giả.

[15] Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam,  Những vấn đề Nhân học tôn giáo,  Đà Nẵng: Tạp chí Xưa và Nay. Nxb.Đà Nẵng, 2006, trang 159

[16] Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hóa tộc người, NXB Văn hóa dân tộc-Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, 2003, trang 655. 

 

 

ThS. Dương Hoàng Lộc

                                                            (Trường ĐHKHXH&NV TpHCM) 

Nguồn:Tạp chí Văn hóa du lịch, số 10 (3/2013)