Từ Ngôi nhà búp bê của H. Ibsen đến Tiếc thương những ngày đã mất của Lỗ Tấn

In bài này

I.VỀ NGÔI NHÀ BÚP BÊ CỦA H.IBSEN.
Henrik Ibsen (1828-1906) là nhà viết kịch nổi tiếng người Na Uy. Ông bắt đầu viết kịch từ năm 1849 khi mới 21 tuổi với vở kịch đầu tiên là Catiline lấy bút danh là Brynjolf Bjarme. Nhưng phải đến năm 1856 ông mới nổi tiếng với vở Hội hè ở Solhaug (vở thứ 6). Ong viết khoảng 26 vở kịch. Vở cuối cùng là vào năm 1899 có tên Khi người chết thức dậy. Ngoài ra ông còn môt số vở khá nổi tiếng như: Bóng ma, Kẻ thù của nhân loại, Người đàn bà của biển cả…

Ngôi nhà búp bê là vở diễn thứ 16 của ông, được xem là thành công nhất.
Nhân vật trung tâm của vở kịch là Nora, vợ của Torvald Helmer. Nàng là một thiếu phụ xinh đẹp, hơi đỏm dáng và phù phiếm nhưng hết lòng vì chồng con. Bề ngoài Nora như một đứa trẻ con (lời của Kristine- bạn cô), hoặc là “người đàn bà bé nhỏ”, “con bồ câu bé nhỏ”, “con chim chiền chiện nhạy cảm và ngọt ngào”.. (như lời của Helmer, chồng cô). Nora được chồng yêu quý hết mực và cuộc sống của họ khá hạnh phúc. Tòan bộ xung đột kịch xảy ra vào ngày Giáng sinh (Ibsen tuân thủ cực kỳ nghiêm ngặt nguyên tắc tam duy nhất của kịch cổ điển: thời gian: 24 tiếng trọn ngày lễ Giáng sinh, không gian: ngôi nhà của Helmer, hành động kịch: xung đột giữa hai vợ chồng). Giáng sinh năm đó là môt dịp vui vẻ vì chồng của Nora được lên chức giám đốc ngân hàng. Và Nora gặp lại người bạn thuở nhỏ của mình là Kristine- một phụ nữ bất hạnh vừa mất chồng. Trong lúc hàn huyên, cô tâm sự với Kristine về một bí mật mà cô đã cất giữ bấy lâu, đó là việc để có tiền đưa chồng sang Ý chữa bệnh (nếu không anh ta sẽ chết), Nora đã giả mạo chữ ký của cha mình để vay tiền ngân hàng (phụ nữ thời này muốn vay tiền ngân hàng phải có chữ ký bảo đảm của chồng hay cha ruột). Thế nhưng có một sai sót nhỏ là cha cô đã mất trước ngày cô ký thay chữ ký của ông. Số tiền này cô đã nói dối chồng là thừa kế của người cha, và từ đó đến nay cô đã phải tiết kiệm để trả hết số nợ đó. Một nhân viên của Helmer là Krogstad đã trực tiếp điều tra vụ việc này và phát hiện sự man trá của Nora. Vì vậy khi ông ta bị một lỗi lầm và Helmer cho nghỉ việc, ông đã gây áp lực với Nora buộc cô phải xin chồng, nếu không ông ta sẽ nói rõ chuyện gian dối đó cho Helmer- một người xưa nay vốn tôn trọng sự thật và danh dự. Nora không thể buộc chồng thay đổi quyết định nên Krogstad đã viết thư cho Helmer. May mắn sao, Kristine lại là người trước đây Krogstad theo đuổi nhưng thất bại, giờ đây Kristine hứa sẽ chấp nhận lời cấu hôn của Krogstad với điều kiện ông ta phải viết bức thư thứ hai gửi trả chữ ký của Nora mà ông ta định dùng làm áp lực với cô. Đỉnh điểm xung đột xảy ra vào rạng sáng ngày lễ Giáng sinh. Mệt nhoài sau cuộc vũ hội, Helmer đọc bức thư thứ nhất của Krogstad. Anh ta hết sức giận dữ và ghê tởm sự dối trá của Nora. Anh ta chối bỏ sự thật là Nora làm tất cả mọi chuyện là vì cuộc đời, mạng sống của chính bản thân anh ta. Anh cho rằng cô đã phá hoại tương lai của anh ta, và cô không được phép nuôi con. Anh trút hết mọi trách nhiệm và tội lỗi lên đầu cô và hiện nguyên hình là một kẻ ích kỷ… Thế nhưng mọi trạng thái tiêu cực đó thay đổi cực kỳ chóng vánh khi anh ta đọc lá thư thứ hai. Anh lập tức vui mừng và xem như môt giấc mơ khủng khiếp đã qua. Anh ta lại quay ra vỗ về và an ủi Nora, nói rằng anh tha thứ cho cô, anh sẽ bảo vệ cô… với một vẻ ban ơn như dành cho một dứa trẻ. Khoảnh khắc đó, Nora nhận ra được bản chất của chồng mình và bản chất cuả cuộc hôn nhân giữa họ. Cô nhận ra chồng mình chỉ là một kẻ tàn nhẫn ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân anh ta, là môt người đàn ông gia trưởng nhìn phụ nữ một cách chuyên quyền và khinh thường. Cô nhận ra rằng thực chất tám năm trời lấy nhau, họ “chưa một lần ngồi với nhau một cách nghiêm túc đi đến tận cùng một vấn đề” (1). Cô nhận ra rằng đã có một “bất công lớn đối với em, trước tiên là từ cha em, sau là chồng em”… “em thường nghe cha em nói lên những quan điểm của ông, và nó trở thành suy nghĩ của em; ông thường gọi em là con búp bê của ông, và cư xử với em như em chơi với búp bê của mình vậy. Sau đó em tới nhà anh… Từ tay của cha, em chuyển sang vòng tay của anh, và cũng có cảm giác y như vậy (…) Anh rất tử tế với em. Nhưng nhà chúng ta chưa bao giờ là một “ngôi nhà”, mà là một phòng chơi. Em là con búp bê- vợ, như lúc ở nhà em là búp bê- con của cha. Và con của chúng ta, cũng là búp bê. Em thấy vui khi anh chơi đùa với em cũng như bọn trẻ con vui khi em chơi đùa với chúng. Đó là cuộc hôn nhân của chúng ta.” (2) Cô thốt lên cay đắng là “Anh đã ngăn cản em trở thành môt con người thật sự.” (3). Nora quyết định bỏ đi để tự giáo dục mình, tự học cái cách “ đối mặt với hiện thực- khi chỉ có một mình, không dựa dẫm vào ai hết” (4). Phút giây đó, khi Helmer gào lên rằng cô còn phải có trách nhiệm với chồng, con, thì cô đã bình tĩnh trả lời: “Trách nhiệm cao nhất là với bản thân.” (5)
Kết thúc vở kịch, Nora bỏ đi, nhận ra Helmer không phải là người chồng mà cô muốn chia sẻ cuộc sống chung. Màn hạ trong tiếng than van của Helmer.
Vở kịch đã gây tiếng vang rất rộng rãi thời bấy giờ, tạo nên môt sự rung động mãnh liệt khi công diễn; Huneker nhận xét: “Âm thanh dội lại của cánh cửa bị đẩy ra (của Nora) đã vượt lên mái nhà của thế giới” (6). Vở kịch đã làm một cuộc du lịch ngoạn mục, vượt biên giới Na Uy, sang các nước như Đức, Ý Pháp, Mỹ…
Nhiều nhà nghiên cứu nghĩ rằng, vấn đề mấu chốt, tư tưởng của vở kịch là vấn đề giải phóng phụ nữ. Đó là môt quan niệm khá đơn giản và dễ nhận thấy, và hơi thô thiển. Thực ra, vấn đề luôn hiện diện trong đầu Ibsen, và là tư  tưởng của Ngôi nhà búp bê, đó là vấn đề con người cá nhân. Ông đo lường giá trị của một cộng đồng theo cách mà xã hội đó giúp đỡ hay gây cản trở cho một cá nhân trong việc tự làm người. Ông có một chuẩn mực lý tưởng mà ông áp đặt lên cộng đồng, và từ đó, là cách ông đánh giá, phê phán xã hội.
Ibsen thường tự nhận mình không phải là một nhà văn theo “thuyết nữ quyền”. Tuy vậy, ông tin rằng phụ nữ có quyền ngang với nam giới để phát triển như một cá nhân và trở thành- nếu họ có quyền và có thể làm như vậy- một thực thể hoàn hảo. Vì vậy, chủ đề mà Ibsen quan tâm trong Ngôi nhà búp bê, là vấn đề vị trí của người phụ nữ trong xã hội.
Trong những ghi chép của ông về “bi kịch hiện đại” này- như ông gọi nó- Ibsen viết: “Phụ nữ không thể là chính họ trong xã hội ngày nay (thời Ibsen), là môt xã hội đặc quyền của đàn ông, với những luật lệ được đóng khung bởi đàn ông, và một hệ thống đánh giá hành vi của phụ nữ từ quan điểm của đàn ông.” (7)
Chủ đề hấp dẫn Ibsen trong vở kịch này gần như không phải là vấn đề tự do của người phụ nữ- cách gọi khác của sự giải phóng phụ nữ- mà là những mã đạo đức khác nhau của đàn ông và đàn bà trong một xã hội, từ đó suy ra vị trí của họ trong xã hội. Với Nora, thật tự nhiên và đúng đắn khi cô giả mạo chữ ký cha mình để vay tiền cứu mạng sống chồng mình. Cô nói: “Em không đồng ý nếu cho người đàn bà là có tội khi lừa dối người cha bệnh hoạn để cứu lấy mang sống chồng mình”(8) thì Helmer đã trả lời: “Em nói như một đứa trẻ. Em không có một chút hiểu biết nào về xã hội chúng ta đang sống.”(9). Rõ ràng hai người có những suy nghĩ, quan niệm khác nhau về đạo đức. Khi Helmer nói: “Không ai có thể  hy sinh danh dự của mình để cứu rỗi tình yêu.”(10) thì Nora đã trả lời giản dị: “Hàng triệu phụ nữ sẽ làm như vậy” (11)
Trong cảnh cuối cùng nổi tiếng của vở kịch, Nora chợt nhận ra rằng cô “lâu nay đã sống với một người xa la”. Không có bất cứ một sự cảm thông nào giữa họ, và sẽ không bao giờ có. Cho đến khi cô buộc phải có lúc đứng môt mình và nhận ra thật và giả trong cuộc đời mình. Cô đã chấp nhận, không thắc mắc, quan điểm của Helmer, tức đàn ông, trong tất cả mọi chuyện: tôn giáo, luật pháp, hành vi con người… thành quan điểm của mình, chúng đã bức chế chính cô, và nay Nora phát hiện thế giới mà cô đang sống là một thế giới ảo tưởng, giả dối, nó không thuộc về cô. Đó chính là nguyên nhân tạo ra sự nổi loạn của Nora.
Ơ vở kịch này chúng ta còn thấy được quan điểm của Ibsen về tình yêu- hôn nhân. Người ta có thể không hiểu là đối với ông, hôn nhân là một điều thiêng liêng đến nỗi ông tin rằng nó phải được xây dựng trên cơ sở những sự chia sẻ tinh thần; đơn thuần chỉ là “sống chung” thì chưa đủ. Đàn ông và đàn bà, một cách lý tưởng, là nên đi đến cuộc sống chung với sự bình đẳng hoàn toàn, lương thiện hoàn toàn, tự do phát triển, mỗi người theo cách của mình, để trở thành một thực thể hoàn hảo. Như Nietzsche từng nói: “Tự do là gì? Là sẵn sàng chịu trách nhiệm về bản thân mình.”
Trong bộ sưu tập các nhân vật của Ibsen, ông cũng có nhiều vai nam khá ấn tượng. Nhưng chỉ có dưới bàn tay của Ibsen, phụ nữ mới-lần đầu tiên- được chiếm lĩnh sân khấu như một cá nhân đầy đủ, hoàn hảo, thú vị và là chính cô ta, tách rời khỏi vai nam mà cô ta diễn chung. Có lần một nữ diễn viên nổi tiếng đã cảm ơn Ibsen vì đã sáng tạo ra những vai diễn tuyệt vời cho phụ nữ, ông đã giận dữ trả lời: “Tôi chưa bao giờ sáng tạo ra vai diễn, tôi chỉ viết về con người đang sống và số phận của họ.”(12) Nếu thế thì sự hiểu biết của ông về tính phức tạp trong tâm lý phụ nữ thực phi thường. Nora là một ví dụ. Ông đã miêu tả tinh tế sức mạnh ẩn giấu bên trong nhân vật này. Có lẽ một nhà thơ trong ông đã cho ông một giác quan nhạy bén có thể hiểu những bí ẩn khôn lường của cuộc đời những phụ nữ mà ông miêu tả, sâu sắc và chính xác đến từng chi tiết nhỏ nhất: hoang dại, tự nhiên, cứng rắng, nồng nàn, mạnh mẽ. Ông nhìn phụ nữ đúng như họ thực sự là; ông hiểu họ; và bằng việc tập trung vào họ sự đồng tình lương thiện không thỏa hiệp, không nhân nhượng, ông chấp nhận họ bình đẳng với đàn ông. Với tư tưởng thời Victoria, điều này dường như hơi bị sốc và không chịu đựng được, nhiều người thậm chí còn thấy phụ nữ của Ibsen quá lạ lùng. Một nhà phê bình đã nhận xét là “không có một sức hấp dẫn nào, không thể yêu được mà lại rất đáng ghét”(13), và một người khác thì mạt sát một cách khoa trương là “một lũ ngỗng cái điên rồ, ngốc nghếch (14).
Có lẽ quyền đánh giá thuộc về công chúng, thuộc về sự sàng lọc, thử thách khắc nghiệt của thời gian. Để ngày nay, vẫn còn ám ảnh chúng ta, là sự bay bổng của nàng Nora, sự tinh quái, vẻ ngây thơ, sự hài lòng về Torvald và vẻ quy phục anh ta, cái cách cô đùa nghịch với con cái, vẻ hơi phù phiếm, vẻ cảm động lâm ly chân thành trước “một điều tuyệt diệu nào đó”, sự tự hào của cô về trí thông minh của mình… tất cả những đặc điểm đó, làm nên một chân dung Nora rất riêng.

II.ĐẾN TIẾC THƯƠNG NHỮNG NGÀY ĐÃ MẤT CỦA LỖ TẤN.
Ngôi nhà búp bê khi sang Trung Quốc được dịch là Gia đình búp bê. Vở kịch này được người Trung Quốc diễn và gây chấn động không nhỏ đối với thanh niên Trung Quốc thế hệ mới lúc bấy giờ. Trong bộ tiểu thuyết Gia đình (1931), Ba Kim có nhắc đến chuyện vở kịch này khi công diễn được hoan nghênh nhiệt liệt ra sao, và thanh niên nam nữ đua nhau học theo tinh thần của vở kịch, là thoát khỏi cái lồng ràng buộc của gia đình phong kiến, tìm tự do. Tư tưởng của vở kịch, theo quan điểm của Ibsen về sự hòa hợp tinh thần của hai thành viên quan trọng nhất trong gia đình, về trách nhiệm đối với bản thân… đã thay đổi do tình hình xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ. Xã hội Trung Quốc thời sau Ngũ Tứ đang yêu cầu thay đổi, cải cách quyền con người, đặc biệt là vị trí của người phụ nữ trong xã hội. Vở kịch đã đánh đúng tâm lý, tư tưởng người Trung Quốc, vì vậy mà nó được tán thưởng, trước hết là ở tính xã hội của nó.
Nhưng cứ đua nhau đòi thoát ly gia đình mà không chuẩn bị cho bản thân một hành trang sự nghiệp, kinh tế nhất định, hay xã hội chỉ hô hào đổi mới về hình thức mà không tạo cho người phụ nữ một vị trí độc lập nào về kinh tế thì hoàn toàn vô ích, cũng chỉ là từ một cái lồng này sang một cái lồng khác mà thôi. Đứng trước tình hình đó, Lỗ Tấn đã bức xúc viết một bài tạp văn có tựa là Nora đi rồi thì ra sao? (1923). Trong đó ông phân tích, Nora ra đi không nghề nghiệp, không tiền bạc, thì chỉ có hai con đường, hoặc là truỵ lạc, vào nhà thổ, hoặc là chết đói. Ông nhấn mạnh: “để chuẩn bị đừng làm con búp bê, thì trong xã hội hiện nay, điều quan trọng bậc nhất là phải có quyền kinh tế. Một là, trong nhà trước hết phải giành cho được sự phân phối bình quân giữa con trai và con gái; hai là, ngoài xã hội, phải giành cho được thế lực ngang nhau giữa nam và nữ.” (15)
Chừng như chưa hài lòng với bài tạp văn này, và để làm rõ hơn quan điểm mà mình kêu gọi phụ nữ Trung Quốc nhìn ra thực chất của vấn đề giải phóng phụ nữ, Lỗ Tấn đã viết Tiếc thương những ngày đã mất (nguyên tác Thương thệ) không lâu sau đó (1924). Trong truyện ngắn này, Lỗ Tấn đã đề cập đến khá nhiều vấn đề mang tính thời đại: đặc điểm và vai trò  người trí thức trong cơn biến động của quá trình lột xác của một nước Trung Hoa muốn đổi thay để hiện đại hơn, tiến bộ hơn; vị trí và yêu cầu của người phụ nữ đòi hỏi được nhìn nhận khác với trước đó… Không chỉ là những vấn đề có tính thời đại, Lỗ Tấn còn đưa ra những vấn đề có tính muôn thuở, vĩnh cửu: tình yêu nam-nữ, trách nhiệm của từng thành viên trong tình yêu, trong gia đình, trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân. Tiếc thương… được xem như một tác phẩm “tiếp bút” của Ngôi nhà búp bê. Phân tích Tiếc thương… để thấy rằng không nên chỉ nhìn Lỗ Tấn một cách phiến diện, môt chiều là một nhà văn có tư tưởng cải cách xã hội, mà ông còn là một nhà văn có khuynh hướng gia tăng sự chú ý trong tâm thức mình những hiểu biết về con người.
Tiếc thương… là một chuyện tình đẹp giữa hai thanh niên trí thức Trung Quốc thời sau Ngũ Tứ là Tử Quân và Quyên Sinh. Họ sống trong một thời đại sôi nổi đổi thay: Khổng giáo bị liệng qua cửa sổ (hay là “đốt sạch cửa hàng họ Khổng”-Hỏa thiêu Khổng gia điếm), phụ nữ được lập trường Y khoa, Luật khoa… một trong những vấn đề sôi động lúc bấy giờ của xã hội Trung Quốc là tự do luyến ái và một cuộc sống độc lập không lệ thuộc ai. Trong Lịch sử văn minh Trung Hoa, Will Durant đã mô tả: “Họ tự cho là tự do, chẳng những muốn cưới ai thì cưới mà còn được làm những thí nghiệm (sống chung)” (16). Tử Quân và Quyên Sinh cùng là những trí thức mới, họ muốn “xây dựng một gia đình nho nhỏ, chứa chan hy vọng” (17)-theo đúng khuôn mẫu mà thanh niên bấy giờ cho là đúng đắn. Bất chấp những trở ngại của thế lực cũ (xã hội lên án, gia đình không dung…), họ tạo lập một gia đình riêng, thậm chí khó khăn còn làm cho họ thêm quyết tâm và kiêu hãnh. Thuê được một căn nhà ở riêng, ngày ngày Quyên Sinh đi làm, Tử Quân ở nhà nội trợ. Họ chìm ngập trong cái hạnh phúc nhỏ bé, tầm thường “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” đó. Hai người quên mất lý tưởng ban đầu đã gắn kết họ lại với nhau, đó là những tư tưởng tiến bộ, những mong muốn cải cách xã hội, những chân trời khoa học nghệ thuật rộng mở… Cuộc sống yên ổn, bình lặng, tình yêu ù lì đã giết chết phần nổi loạn độc đáo của Tử Quân từng hấp dẫn Quyên Sinh, Tử Quân chỉ còn biết “buồn giận vì con Tùy (con chó của nàng), chỉ biết chăm chú vào việc cơm nước mà thôi” (18). Tình yêu bắt đầu lung lay, rạn nứt. Song đó mới chỉ là “cơn sóng gío nhỏ trong tách trà” mà thôi. Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi Quyên Sinh mất việc. Tử Quân càng lo lắng, sợ sệt: “dưới ánh đèn heo hắt, trông mặt nàng thảm hại quá chừng(…) Gần đây nàng trở nên khiếp nhược lắm rồi.” (19)
Chứng kiến những đổi thay tiêu cực của Tử Quân, Quyên Sinh chán nản, và tình yêu biến mất. Không còn tình yêu, nàng còn sống trong mái nhà chung đó làm gì?Tử Quân trở về nhà, sống trong sự ghẻ lạnh của gia đình và cuối cùng chết dần chết mòn, kết thúc một bi kịch.
Tử Quân là một hình tượng trí thức “sống thừa” trong truyện ngắn Lỗ Tấn. Qua đó ông cho thấy nguyên nhân xã hội và đặc biệt là nguyên nhân nội tại trong bi kịch cuộc đời họ. Tử Quân là một thành viên trong xã hội mà ở đó con người vừa là nạn nhân- bị tha hóa trên con đường phát triển của chính mình, vừa là thủ phạm gây ra bi kịch cho mình mà không hề ý thức được. Cô muốn vươn lên, tách khỏi, thoát ly những định kiến xã hội để sống đúng với bản chất, nguyện vọng chính đáng của mình. Cô không bằng lòng với hiện thực nhưng cách chống đối của cô là thoát ly gia đình, lao vào một cuộc sống gia đình khác cũng chật hẹp và giam cầm như vậy mà thôi. Cũng giống như Nora, ở nhà là con búp bê của cha, về nhà chồng là búp bê của chồng. Lý tưởng của cô thiếu phương hướng cụ thể, và đặc biệt là Tử Quân không còn dũng khí và lòng quyết tâm để theo đuổi đến cùng. Tử Quân và Nora đều là nạn nhân của xã hội, nhưng họ cũng là thủ phạm của chính mình. Họ tự giam mình trong cái lồng son tù túng đó. Nora thì hết lòng vì chồng con quên cả bạn bè, Tử Quân thì suốt ngày chúi mũi vô chuyện cơm nước, chăn nuôi, cãi cọ với chủ nhà… Tử Quân và Nora đều muốn thoát ly gia đình ra xã hội, với yêu cầu tự do phát triển như một thành viên độc lập và hữu trách. Đó là quá trình “người trí thức bung mình khỏi nề nếp tư duy cổ truyền” (20), nhưng vấn đề chưa hẳn đã được giải quyết vì họ không có một chút địa vị kinh tế độc lập nào, thì con đường phát triển không thể rộng thênh thang. Nếu trong Ngôi nhà búp bê, Nora bỏ nhà đi, câu chuyện kết thúc, sân khấu hạ màn, thì vận mệnh bi thảm của Tử Quân sau khi ra đi xây dựng một gia đình mới đã nói rõ cho chúng ta, cho thanh niên trí thức tiểu tư sản thời đó mọi sự thật cay đắng. Nói Lỗ Tấn “tiếp bút” cho chỗ “dừng bút” của Ibsen chính là vì vậy.
Bi kịch của Tử Quân không phải chỉ ở việc đã ảo tưởng hóa cuộc sống và lý tưởng của mình, không phải chỉ vì nàng đã gục ngã trước sóng gió cuộc đời… và tài năng của Lỗ Tấn không phải chỉ ở chỗ nêu ra một vấn đề xã hội mà thôi…
Lỗ Tấn cũng là người nhìn thấy khía cạnh vĩnh cửu trong Ngôi nhà búp bê của Ibsen, đó là cách chiếu ứng quan hệ người- người, mà ở đây là trong tình yêu- trong vấn đề quan niệm trách nhiệm của hai thành viên trong gia đình với nhau và với bản thân.
Với Tử Quân, lý tưởng sống và tình yêu là một. Tình yêu tiếp sức cho nàng có được những tư tưởng mới, lòng ham hiểu biết, tiến bộ và nhiệt huyết muốn thay đổi (đó là trách nhiệm đối với sự tự giáo dục bản thân- Chú ý là Lỗ Tấn cũng chịu ảnh hưởng Nietszche như Ibsen): “Hồi đó sở dĩ nàng dũng cảm được, bất chấp được tất cả là vì yêu tôi” (21). Tình yêu chân chính biến đổi con người nàng, giúp nàng đấu tranh vượt qua những khó khăn, những định kiến của xã hội cũ. Nhưng khi tìm được hạnh phúc rồi thì nàng lại quên mất rằng: “tình yêu phải được đổi mới luôn, lớn dần lên và phải sáng tạo”. (22). Hơn 200 năm trước, nhà viết kịch T.Corneille đã kết luận: “tình yêu khi đã thỏa mãn thì sự hấp dẫn không còn nữa”. Khi Tử Quân hoàn toàn chìm ngập trong cái mà cô cho là đích đến của hạnh phúc”, nàng không nhận ra mình đã thay đổi theo hướng tiêu cực, thì Quyên Sinh đã nhận thấy. Anh thấy rằng: “hơn nửa năm nay, tôi chỉ sống vì tình yêu, một tình yêu mù quáng mà quên hẳn những ý nghĩa quan trọng khác của cu6ọc sống. Trước hết quên rằng phải sống cái đã. Con người ta có sống thì tình yêu mới có chỗ dựa”(23). Khi còn yêu nhau, tình yêu của họ là “cùng nhìn về một hướng” (S.Exupery), nhưng khi lấy nhau rồi, thì Tử Quân lại tụt hậu, đi sau Quyên Sinh: “trên con đường mưu sống đó thì cần phải nắm tay nhau cùng đi, hoặc một mình can đảm tiến lên. Còn như chỉ biết cầm lấy vạt áo người ta mà đi theo thì dù người kia là môt chiến sĩ đi nữa, cũng khó mà chiến đấu cho được. Rốt cuộc cả hai sẽ bị tiêu diệt.”(24). Và khi người này trở thành gánh nặng cho người kia, thì lúc đó tình yêu biến mất.
Ơ đây cũng thấy rõ Lỗ Tấn rất am hiểu tâm lý con người. Nhận thức về hiện thực của Quyên Sinh nhạy bén, sâu sắc hơn, còn Tử Quân thì nhạy cảm hơn. Đặc điểm của Tử Quân nói riêng, và nữ giới nói chung là không thích phiêu lưu, không thích tìm cảm giác mới lạ; sự nhàm chán đơn điệu của cuộc sống gia đình đem lại cho cô cảm giác yên ổn, an toàn, thì ngược lại tạo cho Quyên Sinh -nói riêng, và nam giới -nói chung sự tù túng, khó chịu, giam hãm, chật hẹp… và họ muốn thoát ra để tìm một chân trời mới.
Rõ ràng Lỗ Tấn không chỉ đã phân tích sự đổ vỡ của một cuộc hôn nhân lãng mạn ở chỗ nó thoát ly hiện thực (điều mà các tác phẩm lãng mạn chủ nghĩa thường gặp nhưng các gia đình lãng mạn đó không bao giờ đổ vỡ), mà ông còn nêu ra được những vấn đề quan trọng của một cuộc hôn nhân có tình yêu, phải dựa trên những yêu cầu gì, mà nếu thiếu chúng, hôn nhân sẽ tan vỡ. Ơ đây, quan niệm về hôn nhân của Lỗ Tấn và Ibsen khá giống nhau. Trong một cuộc sống chung, cần trách nhiệm vun đắp của cả hai thành viên để cùng phát triển, hòa hợp với nhau.
Trong bi kịch tình yêu này, Tử Quân là người gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất. Giờ đây cô phải đối mặt với chính mình- một bản thân thất bại trên con đường tự khẳng định cá nhân và con đường hôn nhân. Kết cục này buộc cô phải tự  xây dựng lại tất cả, tự tìm ra ý nghĩa cho cuộc sống tương lai. Nhưng Tử Quân còn có thể làm được gì? Khi không còn tình yêu, người ta còn có nhiều điều khác để sống, và hy vọng sẽ gặp một tình yêu khác hoàn thiện hơn. Đây cũng là quãng thời gian người ta nhìn lại mình để định hình một hướng đi mới, để mình ngày hôm nay khác ngày hôm qua theo nghĩa tích cực. Nhưng nếu đặt mình vào hoàn cảnh của Tử Quân, một cô gái hăm hở nhiệt tình với thời cuộc trong một nước Trung Hoa chuyển mình nhưng vẫn còn rất nhiều những định kiến cũ. Yêu và đến lúc nhận ra tình yêu của đối phương đã biến mất mà không hiểu tại sao, trong lúc cô không một lời trách cứ. Cô không biết mình sẽ bắt đầu lại ra sao, huống hồ xã hội đó lại không khuyến khích nàng vươn lên, cha mẹ không dung, bạn bè không nhìn, ai ai cũng muốn nàng quay về khuôn khổ cũ, thì lối thoát duy nhất của Tử Quân chỉ là quay trở về nhà trong nỗi tủi nhục ê chề vì thất bại, sống một cuôc đời vô nghĩa: “mang cái gánh hư không nặng trĩu đó trên vai mà bước đi trên cái gọi là đường đời, trước cái uy nghi của ông bố và sự khinh bỉ của người chung quanh, hỏi còn gì ái ngại hơn! Huống chi cuối con đường ấy lại chẳng qua chỉ là một nấm mồ…”(25). Bị ép vào một tình thế thụ động, cái chết đối với Tử Quân là điều tất yếu và đó là cái chết bi thảm nhất trong hệ thống thi pháp cái chết trong truyện ngắn của Lỗ Tấn.
Thế là ước mơ “xây dựng một gia đình nho nhỏ, chứa chan hy vọng” của Tử Quân và Quyên Sinh đã sụp đổ. Nhưng mọi chuyện không thể như xưa. Sự mất mát không chỉ ở phía Tử Quân, Quyên Sinh từ chỗ có được hạnh phúc, tình yêu, niềm tin cuộc sống đã trở thành mất tất cả, cô đơn, không việc làm, mất tình yêu của Tử Quân- người con gái đã dâng trọn tình yêu cho anh- và mất cả chính mình. Không chỉ “Nora đi rồi thì ra sao?” (nói về Tử Quân) mà cả Quyên Sinh, rồi đây anh sẽ ra sao khi đã mất niềm tin vào chính mình?

III.KẾT LUẬN.
1.Như vậy là qua bài viết nhỏ này, chúng tôi đã trình bày sự liên hệ giữa hai tác phẩm Ngôi nhà búp bê và Tiếc thương những ngày đã mất. Ở phần I, về Ngôi nhà búp bê của Ibsen, chúng tôi đã nhắc đến Ibsen, tóm tắt vở kịch Ngôi nhà búp bê, nêu lên quan điểm của Ibsen mà chúng tôi gọi là “vấn đề Nora”, ở đây chúng tôi nhấn mạnh đến hai ý nghĩa tích cực của quan điểm này là vị trí của người phụ nữ trong xã hội và trách nhiệm của đàn ông và đàn bà trong môt cuôc hôn nhân chân chính. Chúng tôi có nhắc đến vấn đề nhân vật, ở đây là nhân vật Nora, được Ibsen xây dựng như thế nào.
Ở Phần II, đến Tiếc thương những ngày đã mất của Lỗ Tấn, chúng tôi có nói đến ảnh hưởng quan trọng của Ngôi nhà búp bê khi được dịch và công diễn ở Trung Quốc, vì sao Lỗ Tấn lại viết Tiếc thương… như một sự “tiếp bút” cho chỗ “dừng bút” của Ibsen. Nhất là vấn đề vị trí của người phụ nữ trong xã hội mà trong bài tạp văn “Nora đi rồi thì ra sao?”ông đã có đề cập. Chúng tôi đã tóm tắt Tiếc thương… và phân tích “ vấn đề Tử Quân”, cũng ở hai ý nghĩa tích cực mà có lẽ Lỗ Tấn đã cảm nhận từ Ngôi nhà búp bê và phát triển trong truyện ngắn của mình …
2.Nora ra đời năm 1879, Tử Quân năm 1924, hai người phụ nữ này cách nhau 45 năm. Vấn đề mà hai xã hội Na Uy và Trung Quốc đối mặt cũng khá trùng hợp- đó là yêu cầu đánh giá và trân trọng vị trí đích thực của người phụ nữ- môt tiêu chuẩn đo lường mức độ văn minh phát triển của một xã hội hiện đại. Đồng thời, qua số phận hai nhân vật này, chúng ta thấy rằng Ibsen và Lỗ Tấn đều đưa ra những vấn đề không cũ: quan niệm của con người về một tình yêu, một cuộc hôn nhân, một gia đình đúng nghĩa; về trách nhiệm cao cả đối với bản thân trước khi bước vào đời; về ý thức xây dựng và vun đắp cho cuộc sống chung vững bền, sâu đậm… Và rõ ràng, những vấn đề này vẫn còn nguyên tính thời sự và muôn thuở của nó trong xã hội hiện đại của chúng ta ngày nay.



TƯ LIỆU THAM KHẢO
(1),(2),(3),(4),(5),(8),(9),(10),(11): Dolls House trong Six Plays by H.Ibsen- New York Library 1968.
(6),(7),(12),(13),(14): The Introduction của Evale Gallienne, trong Six Plays by H.Ibsen, Sđd.
(15) Nora đi rồi thì ra sao?- Tạp văn Lỗ Tấn-Trương Chính dịch, NXB Giáo dục 1998.
(16) Lịch sử văn minh Trung Hoa- Will Durant- Nguyễn Hiến Lê dịch, NXB VHTT 1996.
(17),(18),(19),(21),(22),(23),(24),(25) Tiếc thương những ngày đã mất-Truyện ngắn Lỗ Tấn- Trương Chính dịch, NXB Văn học 1994.
(20)Nhà soạn kịch H.Ibsen nổi tiếng của Na Uy- Bjorn Hemmer- TC Văn học 12-1997.