Nghìn lẻ một đêm và Mười ngày – Khảo sát từ các mô thức văn học

In bài này

Nguyễn Ngọc Bảo Trâm*

Trong kho tàng văn học thế giới, khi nói về nghệ thuật kể chuyện, Nghìn lẻ một đêm và Mười ngày thường được dẫn ra như những điển hình quan trọng. Với đặc thù là những truyện kể từ các nhân vật người kể chuyện, hai tác phẩm trở thành những đối tượng nghiên cứu đầy hấp dẫn.

 

Nhà nghiên cứu R.S.Gwynn đã nhận định “Tuyển tập những truyện kể văn xuôi hiện thực nổi tiếng hơn cả là Mười ngày của Giovanni Boccaccio (1313-1375). Mười ngày bao gồm những truyện kể riêng biệt do các chàng trai, cô gái trẻ tuổi kể lại khi họ đi về vùng nông thôn lánh nạn dịch hạch, là một ví dụ về kiểu truyện khung, kiểu truyện có những câu chuyện được “đóng khung” trong một truyện kể lớn hơn. Tuyển tập truyện Arab nổi tiếng Nghìn lẻ một đêm là một trong những ví dụ sớm nhất của kiểu loại này. Thông qua các bản dịch, các truyện này đã được phổ biến và được mô phỏng một cách rộng rãi ở nhiều quốc gia khác.[1].

Đặc thù nghệ thuật kể chuyện của Nghìn lẻ một đêmMười ngày được thể hiện rõ nét qua hình thức kiểu truyện khung với kết cấu tạo khả năng liên kết phong phú những mô thức văn học (như các motif, đề tài, cốt truyện, tình tiết) để tạo nên những tác phẩm lớn. Từ đó, bài viết hướng đến việc khảo sát các mô thức tạo dựng nên thế giới nghệ thuật của hai tác phẩm, mang những đặc trưng độc đáo cũng như thể hiện sự kế thừa di sản chung của văn học thế giới trên nền giao lưu ảnh hưởng văn hóa lâu dài và sâu sắc. Khái niệm mô thức sử dụng trong bài viết được hiểu là những kiểu mẫu thông qua nhận thức và lăng kính nghệ thuật để xây dựng nên thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Mô thức được xem như chất liệu tạo dựng và cũng là tấm bản đồ tinh thần để nhận diện tác phẩm. Mô thức vì vậy vừa có ý nghĩa chuyển tải nội dung vừa là biểu hiện nghệ thuật trong nghệ thuật kể chuyện của Nghìn lẻ một đêmMười ngày.

3.1. Nghệ thuật truyện khung và các mô thức truyện kể trong Nghìn lẻ một đêmMười ngày

Kiểu truyện khung (frame story hay frame narrative, frame tale) là kiểu truyện mà tác phẩm có thành phần cốt yếu là một câu chuyện có mở đầu và kết thúc đóng vai trò là truyện trung tâm (main story) hay còn gọi là truyện nền (basic story) tạo nên một khung truyện làm cơ sở cho những truyện kể khác có thể kết nối, tập hợp lại với nhau theo cấu trúc truyện lồng truyện, để từ đó tạo nên một tác phẩm có dung lượng lớn và nội dung phong phú. Truyện khung trở thành kiểu truyện phổ biến khắp vùng Ấn Độ, Trung Cận Đông, Đông Nam Á và lan sang cả Tây Âu.

Đã có nhiều tác phẩm lớn của văn học Ấn Độ được xây dựng trong hình thức truyện khung như Jataka, Panchatantra, Katha Sarit Sagara (Đại dương truyện), Những truyện kể của con vẹt,… Nhiều truyện kể trong số này đã lan truyền sang những khu vực văn học khác trên thế giới. Từ đó dẫn đến sự xuất hiện của nhiều motif, đề tài, cốt truyện có nguồn gốc Ấn Độ ở các tác phẩm văn học ngoài Ấn Độ, trong đó có Nghìn lẻ một đêmMười ngày.

Tiêu biểu cho sự phổ biến của kiểu truyện khung từ Ấn Độ sang phương Tây là trường hợp tác phẩm Bảy bậc hiền minh. Dù bản gốc tiếng Sanskrit không còn, tác phẩm này đã tồn tại trong nhiều ngôn ngữ và rất nổi tiếng ở vùng Trung Cận Đông và châu Âu thời Trung cổ. Thomas Frederick Crane (1844-1927) trong sách Italy Popular Tales (Những truyện kể Italy nổi tiếng) đã viết: “Bảy bậc hiền minh, đã được ưa chuộng suốt thời trung đại, phổ biến rộng rãi chỉ sau Thánh Kinh. Có vài truyện trong tuyển tập được dịch sang tiếng Italy và lan truyền tới thế kỷ XIV. Từ trong số đó, hoặc có thể từ truyền thống truyền miệng, những truyện kể đã được kể lại trong những truyện quen thuộc ở Italy[2]. Còn trong bản in năm 1884 với tựa đề The Book of Sindibad; or, The Story of the King, His Son, The Damsel, and the Seven Vazirs (Cuốn sách của Sindibad, hay Truyện về nhà vua, hoàng tử, giai nhân và bảy vị tể tướng), nhà nghiên cứu W.A.Clouston (1843-1896) đã có những khảo sát kỹ lưỡng về những motif, cốt truyện tương đồng giữa tác phẩm này và các tác phẩm nổi tiếng khác trong đó có Nghìn lẻ một đêmMười ngày.

Vượt khỏi biên giới Ấn Độ, kiểu truyện khung đã có những tác phẩm nổi tiếng trong văn học Trung Cận Đông như Nghìn lẻ một đêmNghìn lẻ một ngày ở Arab, Truyện bốn mươi tể tướng hay Truyện kể bốn mươi Ngày và Đêm ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong văn học châu Âu là các tác phẩm văn học Italy như Mười ngày (1348) của Giovanni Boccaccio, Le piacevoli notti (Những đêm thú vị) của Giovan Francesco Straparola (thế kỷ XVI), Pentamerone (1637) của Giambattista Basile (1575-1632) và cùng với đó là tác phẩm Những câu chuyện Canterbury (The Canterbury Tales) của nhà văn Geofrey Chaucer (1343-1400) nước Anh.

Bằng cách này hay cách khác, các tác phẩm trên đều tiếp nhận ảnh hưởng của văn học Ấn Độ ở nhiều phương diện như chủ đề, cốt truyện, motif, kết cấu truyện lồng truyện và đặc biệt là kiểu truyện khung. Trong đó, sự gần gũi trong hầu hết các truyện kể khiến cho Nghìn lẻ một ngày giống như một phiên bản rút gọn của Nghìn lẻ một đêm và nhiều truyện trong Những câu chuyện Canterbury có dấu ấn rõ nét từ Boccaccio.

Các tác phẩm truyện khung tạo nên di sản giá trị về truyện kể và nghệ thuật kể chuyện trong văn học thế giới cũng như ảnh hưởng sâu sắc và dài lâu trong tiến trình văn học. Các yếu tố motif, đề tài, cốt truyện trong các tác phẩm truyện khung cũng cho thấy quá trình di chuyển chất liệu văn học từ phương Đông sang phương Tây, trên nền tảng của mối giao lưu văn hóa đa dạng và lâu dài.

Hình thành từ sự tiếp xúc gần gũi với truyền thống truyện kể dân gian, Nghìn lẻ một đêmMười ngày đã kế thừa các tác phẩm truyện khung ra đời trước nó, thể hiện qua sự mô phỏng, lặp lại các mô thức văn học như các motif, cốt truyện, đề tài truyện kể phổ biến bên cạnh việc xây dựng những đặc trưng riêng. Chính quá trình đó tạo nên nhiều gặp gỡ giữa hai tác phẩm. Cũng những mô thức tương đồng đó góp phần nhận diện những nguồn gốc cổ xưa hơn của Nghìn lẻ một đêmMười ngày.

3.2. Sự kế thừa các mô thức phổ biến trong văn học thế giới

Trong nhiều thế kỷ hình thành, Nghìn lẻ một đêm đã thu nhận các bộ phận truyện kể, bao gồm những truyện cổ tích có nguồn gốc từ Ấn Độ, Ba Tư, Trung Quốc, thơ ca và truyện kể dân gian Arab, truyền thuyết Hồi giáo (hadith), Do Thái giáo kể về Abraham, Joseph, Solomon và hàng loạt cách ngôn, câu đố, tục ngữ,… Từ sự vay mượn phong phú đó, người ta xác định được trong Nghìn lẻ một đêm chứa đựng những truyện kể có niên đại cách xa nhau. Trong khi đó, nhiều truyện kể của Mười ngày đã được Boccaccio viết nên từ việc kế thừa nguồn truyện kể dân gian Italy, truyện kể có đề tài đời thường hay tình yêu lãng mạn kiểu hiệp sĩ thuộc thể loại fabliaux vốn phổ biến ở Tây Âu thời Trung cổ. Xa hơn nữa, nhiều truyện trong số đó có nguồn gốc từ Ấn Độ và đôi khi tạo nên sự tái hiện của cùng một mô thức văn học trong Nghìn lẻ một đêmMười ngày.

Người phụ nữ lừa gạt và phản bội, nguyên nhân gây ra cơn thịnh nộ và cuồng sát của vua Shahryar, vốn là đề tài văn học hết sức phổ biến. Nhiều truyện dân gian và văn học thành văn đã kể về những phụ nữ khôn ngoan, nhiều mưu mẹo trong quan hệ với đàn ông. Nghìn lẻ một đêmMười ngày cũng có nhiều truyện kể thuộc đề tài này, chẳng hạn chùm truyện gồm 27 truyện Những mánh khóe và sự độc địa của phụ nữ trong tập 6[3], bản tiếng Anh của Richard Francis Burton, hay những truyện kể về cách các phụ nữ lừa gạt chồng và ứng biến khi bị phát hiện trong ngày thứ bảy của Mười ngày. Truyện Anh chồng ngốc nghếch (tập 16) trong Nghìn lẻ một đêm và truyện Lidia và Pirro (VII,9)[4] trong Mười ngày đều kể về người vợ đã bày mưu để có thể quan hệ với tình nhân trước mặt người chồng bằng cách tự mình hoặc bắt chồng leo lên cây. Tình huống hài hước này cũng xuất hiện trong nhiều tác phẩm truyện khung khác, như truyện kể của nhà hiền triết thứ tư trong Bảy bậc hiền minh[5]; truyện kể của người lái buôn trong Những câu chuyện Canterbury; truyện kể của vị tể tướng thứ hai mươi chín trong Truyện bốn mươi tể tướng[6].

Con vẹt thông thái ngăn cản người vợ đi gặp tình nhân bằng cách kể chuyện trong Những truyện kể của con vẹt (Ấn Độ) xuất hiện lại ở Bảy bậc hiền minh và cũng kể chuyện trong Nghìn lẻ một đêm. Tuy nhiên, lần này người vợ khôn ngoan đã trả đũa (tập 1) khiến con vẹt trung thành bị chủ hiểu lầm và giết chết. Tình tiết này có phần tương tự như số phận con chim ưng trong truyện (VII,9) của Mười ngày bị Lidia khéo léo giết trước mặt chồng để chứng tỏ tình yêu với người tình. Những con vật trung thành và được yêu quý ấy đều bị giết vì mưu mô tàn nhẫn của người phụ nữ.

Tất nhiên, không phải tình yêu vụng trộm nào cũng thành công. Trong Nghìn lẻ một đêm, để ngăn cản con gái đến với người yêu, những người cha đem giấu con ở nơi xa xôi. Và có những phụ nữ ngoại tình bị trừng phạt khủng khiếp hoặc bị giết dã man. Trong truyện Người thương nhân và Jinni (tập 1), người vợ ngoại tình đã biến người chồng thành một con chó. Sau khi được một cô gái biết phép thuật giúp trở lại thành người, người chồng đã nhờ cô gái hóa phép biến vợ mình thành một con la.

Những chuyện biến người thành con vật, rồi biến con vật trở lại thành người nhờ phép thuật như vậy, xuất hiện trong rất nhiều truyện của Nghìn lẻ một đêm. Sự phù phép có thể là hành động trả thù, để người chịu kiếp vật phải sống đời sống cực khổ và nặng nhọc. Nhân vật Ali Thủy ngân bị phù phép hóa thành lừa trong truyện Những cuộc phiêu lưu của Ali Thủy ngân xứ Cairo (tập 7) tạo liên tưởng đến tác phẩm rất nổi tiếng của văn học La Mã Con lừa vàng của nhà văn Lucius Apuleius.

Trong truyện Công chúa đại dương Julnar và con trai là vua Badr Basim xứ Persia (tập 7), trên hành trình trở về, vua Ba Tư Badr Basim bị đắm thuyền, trôi dạt vào một hòn đảo, và bị rất nhiều gia súc ngăn cản không cho vào thành. Nơi đó là hòn đảo Phép thuật của phù thủy-nữ hoàng Lab. Nữ hoàng luôn lừa những chàng trai xinh đẹp từ xứ lạ đến, vui vầy với họ trong bốn mươi ngày rồi dùng ma thuật biến họ thành súc vật. Chi tiết này giống việc nữ thần phù thủy Circe biến những người đàn ông thành súc vật trong Odyssey. Thêm nữa, nữ thần Hy Lạp Circe là con của thần mặt trời Heliod, còn tên của nữ hoàng Lab trong Nghìn lẻ một đêm nghĩa là “Niên lịch Mặt trời” và đô thành của nàng thờ phụng thần lửa.

Một số truyện trong Mười ngày kể về những tình cảm ngang trái để lại nhiều ấn tượng bi thương. Motif Huyền thoại về trái tim bị ăn[7] xuất hiện qua hai truyện kể của Fiammetta và Filostrato trong ngày thứ tư làm cho câu chuyện trở nên rất bi thảm. Người chồng giết kẻ tình địch, lấy trái tim chế biến thành món ăn cho vợ. Trong sách A Perverse History of the Human Heart (Câu chuyện ngang trái về trái tim con người)[8], Milad Doueihi đã có những nghiên cứu về hình tượng trái tim trong văn học thế giới, qua đó ông đặc biệt chú ý đến Huyền thoại về trái tim bị ăn trong các bi kịch tình yêu. Trong nghiên cứu của mình, ông đề cập đến hai tác phẩm của Pháp là Lai d'Ignaure vốn được nhà thơ hát rong Renaut de Beaujeu kể vào đầu thế kỷ XII và Le Roman du Châtelain de Coucilet et la Dame de Fayel (Khúc Roman về lãnh chúa Coucilet và phu nhân xứ Fayel) của Jakemon Sakesep xuất hiện vào cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV.

Lai d'Ignaure là câu chuyện về trò chơi của mười hai thiếu phụ. Một người đóng vai cha cố để những người còn lại xưng ra người tình bí mật của mình. Sự thật đáng ngạc nhiên là chỉ duy có tên chàng Ignaure được thốt ra. Các thiếu phụ yêu cầu Ignaure phải chọn ra người chàng yêu nhất. Nhưng sau đó mười một người tình bị bỏ rơi tức giận tiết lộ cho các ông chồng chuyện tình vụng trộm đó. Những người chồng giận dữ giết chết Ignaure, lấy trái tim và dương vật làm thức ăn cho mười hai thiếu phụ. Khi biết sự thật, họ tuyệt thực và chẳng bao lâu đều chết đói.

Tác phẩm Khúc Roman về lãnh chúa Coucilet và phu nhân xứ Fayel kể về chàng hiệp sĩ xứ Coucilet khi tham gia Thập tự quân đã mang theo chiếc hộp đựng dải buộc tóc của người tình là một phu nhân ở Fayel. Khi bị trúng tên, chàng bứt trái tim của mình cho vào hộp, ra lệnh cho người cận vệ mang về cho tình nhân cùng lá thư tỏ rằng trái tim chàng thuộc về nàng. Chồng của thiếu phụ bắt được chiếc hộp đã đem trái tim đó làm thức ăn cho vợ. Khi biết sự thật nàng cũng tuyệt thực rồi chết.

Đến thời Phục hưng motif này một lần nữa xuất hiện trong tác phẩm Vita Nuova của Dante. Ở phần thứ ba của tác phẩm, nhà thơ Dante trong trạng thái ngất ngây vì tình yêu với nàng Beatrice rơi vào một giấc mộng kỳ dị. Ông nhìn thấy một hình bóng – là Tình yêu của ông – đang giữ chặt một thiếu nữ lõa thể phủ tấm vải màu đỏ thẫm. Hình bóng ấy cầm một vật đang bùng cháy trên tay hắn, nói với Dante “Trông này, trái tim của ngươi!” rồi bắt thiếu nữ – hiện thân của nàng Beatrice – ăn trái tim đó. Rồi hình bóng ấy choàng cánh tay lên mình thiếu nữ và họ cùng nhau đi về phía Thiên đường. Dante thức giấc, tràn đầy cảm hứng viết bài Sonnet gửi “tất cả những đề tài chung thuỷ của tình yêu” trong đó ông truy cầu giải thích cho giấc mơ của mình.

Trong nghiên cứu của mình, Laura A.Loomis đã xác định có ít nhất 14 tác phẩm văn học cùng motif này, chia làm hai nhóm[9]. Một nhóm người chồng giết kẻ tình địch bứt lấy trái tim, nhóm khác trái tim của người tình vô tình rơi vào tay người chồng. Khi đó, người chồng lấy trái tim chế biến thành món ăn cho vợ, biết được sự thật người vợ đã chết. Loomis cũng dẫn ra một mẫu xa xưa hơn từ Ấn Độ[10]. Chuyện kể rằng vua Rasalú (anh hùng dân tộc cổ xưa xứ Punjab) kết hôn với Koklan. Koklan sau đó yêu vị vua láng giềng Raja Hoji. Rasalú phát hiện mối tình thầm lén đó, mai phục giết chết Hoji, bứt lấy trái tim đem về làm món ăn cho vợ còn Koklan gieo mình qua tường thành lâu đài tự vẫn.

Motif Huyền thoại về trái tim bị ăn vừa tạo cảm giác ghê rợn vì hành động trả thù tàn nhẫn vừa mang lại cảm thức về sự đoàn tụ của những người yêu nhau. Thân thể người phụ nữ trở thành nấm mồ tình yêu, người chồng ghen tuông đã vô tình kết hợp vĩnh viễn vợ mình và tình nhân. Phản ứng của người phụ nữ làm cho tình yêu trong motif này mang một ý nghĩa cao cả hơn là những mối tình vụng trộm đầy nhục dục. Khi đó, trái tim của kẻ tình nhân trở thành biểu tượng cho tình yêu đam mê.

Khuôn mẫu gần gũi nhất với tác phẩm của Boccaccio là chuyện về chàng thi sĩ hát rong Guilhelm de Cabestaing phản bội chủ nhân của mình, vua Raimon xứ Rossiglione và nhận lấy kết cục bi thảm. Nhưng ở Mười ngày, thân phận nhân vật đã thay đổi, Cabestaing (tức Guardastagno) từ người hát rong trở thành một hiệp sĩ và vì thế có đẳng cấp ngang bằng với Rossiglione (tức Raimon). Khi đó, sự trừng phạt không còn là của người ở vị thế cao hơn (vua, lãnh chúa) đối với kẻ tình địch thấp kém nữa.

Phaedra và Hippolytus trong thần thoại Hy Lạp là chuyện về tình yêu cuồng si của người mẹ kế trẻ tuổi dành cho đứa con trai của chồng. Khi bị Hippolytus từ chối tình yêu, Phaedra thù hận vu cho chàng cưỡng đoạt mình để đẩy chàng vào chỗ chết. Cốt truyện này đã xuất hiện trong truyện nền của Bảy bậc hiền minh, Truyện bốn mươi tể tướng và truyện về hoàng tử Kamar al-Zaman (tập 3-4) của Nghìn lẻ một đêm. Vua Kamar al-Zaman có hai hoàng hậu. Hoàng hậu Budur sinh hoàng tử Amjad và hoàng hậu Hayat al-Nufus là mẹ hoàng tử As’ad. Hai hoàng hậu thân thiết như chị em và các con của họ lớn lên cùng nhau. Khi hai hoàng tử trưởng thành thì hai hoàng hậu, người này đã nảy sinh tình cảm bất chính với con trai của người kia. Nhân lúc Kamar al-Zaman đi săn, hai bà viết thư thổ lộ tình cảm với các hoàng tử. Bị cự tuyệt, họ cùng nhau gào khóc, vu oan cho hai chàng, khiến Kamar al-Zaman giận giữ ra lệnh giết chết hai con. Đến kết truyện, hai hoàng tử được cứu thoát, còn các hoàng hậu bị giam giữ.

Gần giống với motif Hippolytus và Phaedra, nhiều truyện kể trong Mười ngày kể về những phụ nữ phải lòng người hầu cận của chồng mình. Nếu như Pirro trong truyện (VII,9) bị người vợ quyến rũ, thì Bá tước Antwerp trong truyện (II,8) lại tỉnh táo từ chối tình yêu của vương phi nước Pháp. Bị vu oan là có ý đồ cưỡng đoạt bà, ông bỏ trốn, gia đình ly tán, phiêu dạt nhiều năm. May mắn hơn, cuối cùng khi con cái đều trưởng thành và có địa vị cao trong xã hội, ông được trả lại danh dự và phục chức.

Sự mô phỏng những mô thức chung làm cho Nghìn lẻ một đêm có những tương đồng với những tác phẩm khác. Truyện Nhà vua và người vợ đức hạnh (tập 5) kể chuyện một nhà vua dừng lại ở ngôi nhà nọ xin nước uống và phải lòng người vợ, nhưng bị cô từ chối. Tuy nhiên, người chồng lại nghi ngờ và tỏ ý lạnh nhạt với vợ mình. Khi biết chuyện, nhà vua hỏi người chồng “Tại sao ngươi không gieo hạt trên cánh đồng của ngươi”. Người chồng trả lời do sợ hãi con sư tử đang rình rập. Và nhà vua bảo rằng, con sư tử không hề bước vào mảnh đất của anh ta. Truyện này rất giống một truyện kể trong Bảy bậc hiền minh. Ngoài ra, phần đầu câu chuyện có bối cảnh tương tự như truyện phu nhân Machioness khôn ngoan đãi nhà vua một bữa tiệc gà mái (I,V) trong Mười ngày.

Trong Nghìn lẻ một đêm có các nhóm truyện về những bậc thông thái giả vờ đần độn, hoặc những anh chàng thị dân vui tính thích chọc phá người khác. Những truyện kể về những trò đùa ranh mãnh, hài hước đó thể hiện tinh thần hội hè vui nhộn của xã hội thị dân. Truyện kể về Juha[11] trong Nghìn lẻ một đêm rất giống với truyện kể về Y-a-li trong tác phẩm Vườn hồng của Saadi (1184-1292). Juha và Y-a-li đều là những người nghèo, có vẻ ngớ ngẩn nhưng thực chất lại rất khôn ngoan. Bọn họ sang hàng xóm mượn nồi rồi cho cái nồi đẻ con và làm cho cái nồi chết. Y-a-li và Juha đều có vợ tham ăn, kiếm được miếng thịt đem về nhà, những bà vợ đã ăn cả phần chồng và nói dối là mèo ăn mất. Hai anh chàng cay cú liền đem mèo ra cân xem trọng lượng của con mèo có tăng lên hay không.

Tác phẩm Mười ngày cũng thể hiện tinh thần đùa nhại tương tự, tiêu biểu qua chủ đề mẹo lừa và chơi khăm ở ngày thứ tám. Những truyện kể có khi là ác ý hay quá trớn đều trên tinh thần tạo ra tiếng cười sảng khoái trong cộng đồng. Bruno và Buffalmacco là 2 nhân vật xuất hiện lặp lại trong 5 truyện riêng biệt của Mười ngày với những mẹo lừa oái oăm. Riêng truyện (VIII,9) họ lừa đưa ông Simone dự cuộc hội họp của thần thánh và đẩy ông xuống mương, các truyện còn lại đối tượng của họ là Calandrino. Họ làm anh tưởng mình nhặt được đá phép thuật (VIII,3) lại lừa lấy mất của anh con lợn (VIII,6), làm anh tưởng mình mang thai phải trả tiền chữa trị (IX,3) rồi giả vờ giúp anh gặp cô gái mình thích chỉ để vợ anh chứng kiến khiến Calandrino phải bỏ đi biệt xứ (IX,5).

Một trong những trò lừa của Bruno và Buffalmacco giống với trò lừa của một cô gái trong Nghìn lẻ một đêm (tập 15). Trong Truyện về lão Kazi sinh ra một đứa bé, một lão quan tòa vô cùng keo kiệt bủn xỉn, cưới vợ về thì không cho ăn uống gì và rồi kiếm cớ ruồng bỏ. Một cô gái xinh đẹp muốn trả thù cho hành động tồi tệ của lão nên đến làm vợ lão. Cô lừa làm cho lão ta ngỡ rằng lão có mang và sinh ra một đứa bé, sau đó tung tin ra khắp thành phố, rồi cô xui lão lánh đi một thời gian để tránh đàm tiếu. Khi trở về, lão phát hiện cô vợ đã bỏ đi cùng toàn bộ tài sản lão tích cóp cả đời mà không bao giờ dám đụng đến.

Các cốt truyện có nguồn gốc Ấn Độ cũng để lại âm vang trong Mười ngày. Chẳng hạn câu chuyện (VIII,10) do Dioneo kể về vụ lừa đảo mà người bị lừa lừa lại kẻ lừa mình và lấy lại được nhiều hơn những gì đã mất. Nhà buôn trẻ Salabaetto mang hàng hóa trị giá 500 florin vàng đến Palermo và bị Jancofiore, một thiếu phụ chuyên dùng sắc đẹp để chiếm đoạt của cải của nam giới lừa lấy mất 500 florin vàng. Salabaetto đến Naples và được anh chàng Canigiano thông minh bày cho một mẹo, nên lấy lại được gấp đôi số tiền đã mất.

Truyện kể này rất giống truyện Con trai thương nhân, cô kỹ nữ và con khỉ Ala thần kỳ[12] trong quyển 10, Đại dương truyện của Somadeva. Truyện kể rằng: chàng thương nhân trẻ Isvaravarman phải lòng cô kỹ nữ Sundari. Cũng như trong chuyện của Dioneo, chàng bị mẹ con Sundari lừa lấy hết tài sản rồi tống cổ ra đường. Một mụ phù thuỷ cho chàng con khỉ không đuôi Ala biết nuốt tiền để trộm về nhà đúng số lượng yêu cầu. Chàng đem con khỉ đến đổi lấy toàn bộ tài sản của Sundari. Hai ngày đầu, con khỉ đem về 2000 dinar vàng, nhưng đến ngày thứ ba thì nó chẳng đem về thứ gì cả. Sundari tức giận tóm lấy con khỉ nhưng con khỉ cào nát mặt mày hai mẹ con cô. Con khỉ bị đập chết nhưng từ đó về sau hai mẹ con cô có khuôn mặt xấu xí mà tài sản thì lại không còn.

Những motif và cốt truyện trùng lặp xuất hiện trong Nghìn lẻ một đêmMười ngày cũng như trong một số tác phẩm thuộc nền văn học khác, cho thấy những mối liên hệ vượt ra ngoài biên giới văn học dân tộc. Từ sự mô phỏng, tiếp nhận các mô thức văn học có nguồn gốc Ấn Độ cũng như Hy Lạp cổ đại trên nền tảng giao lưu văn hóa đó, hai tác phẩm Nghìn lẻ một đêmMười ngày đã có rất nhiều những tương đồng thú vị và mang nhiều ý nghĩa.

3.3. Các mô thức thần kỳ và hiện thực

Bên cạnh những câu chuyện phép lạ, thần kỳ và huyền ảo, Nghìn lẻ một đêm vẫn có những truyện kể phản ánh các đề tài đời sống xã hội, lịch sử. Trong khi đó, Mười ngày cũng có những truyện kể đề cập đến các sự kiện và nhân vật lịch sử, những chuyện thần bí, ma thuật. Trong cả hai tác phẩm, người đọc đều có thể tìm thấy những hư cấu thần thoại lẫn những sự kiện hay giai thoại lịch sử và những truyện kể về đời sống tâm linh. Nói cách khác, Nghìn lẻ một đêmMười ngày đều phản ánh một thế giới con người với hai phạm trù hiện thực và kỳ ảo, đan cài và tương chiếu lẫn nhau. Các mô thức thần kỳ và hiện thực trong hai tác phẩm vừa tạo ra những sắc thái đa dạng trong truyện kể vừa cho thấy những điểm tương đồng giữa hai tác phẩm cũng như những nét đặc thù riêng.

Xuất phát từ truyền thống văn hóa Hồi giáo, Nghìn lẻ một đêm biểu hiện thế giới tinh thần của người Hồi giáo, với niềm tin tuyệt đối vào đấng Allah và lòng tôn sùng Thánh giáo. Kèm theo đó là niềm tin vào Kinh Qu’ran, các truyền thuyết Hồi giáo, các hadith, những lời rao giảng, xưng tụng Allah và tiên tri Mohammed xuất hiện dày đặc trong tác phẩm. Điều đó vừa tái hiện hiện thực tôn giáo và đức tin của người Arab trong thời đại Nghìn lẻ một đêm, vừa tạo dựng một thế giới nghệ thuật với những tưởng tượng thần thoại, cổ tích. Đặc biệt là sự hình dung về thế giới siêu nhiên bên ngoài thế giới con người theo quan niệm Hồi giáo, với hình ảnh Bảy thế giới, Thiên đường bảy cổng, kho tàng Solomon, thành phố Iram nhiều cột, Núi Nam châm, các Jinn và các đấng siêu nhiên khác,... Thành phố đồng thau, Cuộc phiêu lưu của chàng Hasan xứ Bassorah, Nữ thần Rắn là những truyện tiêu biểu cho thế giới thần kỳ của Nghìn lẻ một đêm:

Từ thuở xa xưa, đấng Allah sáng tạo ra lửa trong bảy tầng thế giới, tầng này ở trên tầng kia, mỗi tầng cách nhau một nghìn năm. Tầng đầu tiên, Ngài gọi là Jahanam và dành để trừng phạt những kẻ không tin vào chân lý đến chết vẫn không hối cải; tầng thứ hai Ngài gọi là Lazá dành cho những kẻ vô thần; tầng thứ ba tên là Jahim dành cho những thần Gog và Magod. Tầng thứ tư gọi là Sa'ír dành cho thần Iblis. Tầng thứ năm gọi là Sakar được chuẩn bị cho những kẻ xao nhãng cầu kinh. Tầng thứ sáu gọi là Hatamah được dành cho người Do Thái và người Cơ đốc giáo. Tầng thứ bảy tên là Háwiyah dành cho những kẻ đạo đức giả[13].

Điều đặc biệt là các mô thức thần kỳ cũng xuất hiện rất nhiều trong Mười ngày của Boccaccio qua dạng thức giấc mơ, phép thuật, hình dung về thế giới bên kia hoặc gắn liền với những mô thức giễu nhại và lừa bịp. Điều đó cũng phản ánh đời sống tinh thần và niềm tin vào những yếu tố thần kỳ, bí ẩn của con người trong xã hội Mười ngày. Đó là chuyện một nhân vật biết làm phép thuật để tạo ra một khu vườn đặc biệt nở hoa tháng năm giữa tháng giêng trong truyện (X,5). Đó là giấc mơ báo mộng trở thành hiện thực như chuyện Talano di Molese nằm mơ thấy vợ bị sói tấn công trong truyện (IX,7). Đó là mối tình bi thảm của Lorenzo và Isabella trong truyện (IV,5). Lorenzo bị các anh của Isabella giết. Linh hồn chàng hiện về trong giấc mơ của Isabella để kể sự thật.

Truyện (X,9), thủ lĩnh Hồi giáo Saladin giúp một Thập tự quân Cơ đốc kịp trở về nhà trước thời hạn người vợ phải tái hôn bằng chiếc giường du hành, có khả năng vượt không gian tức thời. Có chức năng như ngựa bay, thảm thần, chiếc giường thần kỳ này cũng xuất hiện trong chuyến phiêu lưu của chàng Ala al-Din Abu al-Shamat trong Nghìn lẻ một đêm.

Truyện (V,8), mô thức thần kỳ xuất hiện trong hình dung về sự trừng phạt ở thế giới bên kia. Người ta chứng kiến cảnh rượt đuổi man rợ của những linh hồn để trả món nợ mà họ đã gây ra khi còn sống. Còn trong truyện (VII,10), linh hồn Tigoccio giữ lời hứa, trở về gặp bạn cam đoan đã được phán rằng: “Việc gì phải e dè sợ hãi, chẳng ai bận tâm đến những quan hệ đạo đức ở đây cả[14]. Nghe thế, Meuccio vội vã lao đến nhà người phụ nữ anh thầm yêu thương mà không dám thổ lộ.

Các truyện có mô thức thần kỳ trên đều hướng về đời sống hiện thực. Từ trải nghiệm về những điều kỳ lạ, siêu nhiên, các nhân vật chọn cho mình cách cư xử hợp lý hơn với đời. Đặc biệt, hướng đến ca ngợi tình yêu tự do và cảm hứng tận hưởng cuộc sống trong thế giới trần tục. Cũng từ tinh thần nhân văn ấy, ở rất nhiều truyện trong Mười ngày, các mô thức thần kỳ kết hợp với mô thức chơi khăm, giễu nhại, thể hiện tâm lý của người thị dân, cũng như tái hiện lại những tình huống hư cấu quen thuộc thường thấy trong văn học cổ châu Âu về các nhân vật biết sử dụng bùa chú, phép thuật mà tác phẩm Con lừa vàng của Apuleius là đại diện tiêu biểu. Sự phản ánh đó cũng là cảm hứng chế giễu đức tin mù quáng, sự mê tín trong dân gian, và sự cả tin vào những phép phù thuỷ và sự hóa thân.

Trong truyện (VII,1), để ra hiệu cho tình nhân đừng vào nhà, người vợ ngoại tình, nói rằng ma sói đến và bảo chồng đọc kinh để xua đuổi. Anh chàng Frate Alberto thì giả làm thiên thần Gabriel để tiếp cận một cô gái ngây thơ (IV,2). Lão Don Gianni (IX,10) khoe rằng mình có phép thuật biến vợ thành con ngựa cái, để lừa đôi vợ chồng nông dân. Những truyện kể với mô thức lừa bịp ấy vừa phản ánh vừa chế nhạo những kẻ có nhận thức sai lầm và niềm tin mù quáng. Các truyện kể cũng thể hiện tư tưởng cố gắng vượt ra ngoài sự khống chế của tôn giáo khi con người biết hoài nghi và có nhận thức khách quan về đời sống và tôn giáo. Vì vậy, có thể nói hiện thực và thần kỳ không phải là những mô thức tách biệt nhau.

Trong những giấc mơ và hiện thực, đôi khi con người bị làm cho lẫn lộn, mơ hồ. Một truyện kể nổi tiếng như tuyên ngôn về đời sống hiện thực và kỳ ảo của Nghìn lẻ một đêmNgười ngủ mơ bị đánh thức (tập 11). Câu chuyện gồm hai phần. Phần đầu kể về chàng Abu al-Hasan cứ mỗi buổi chiều đưa một vị khách lạ đến nhà dùng bữa và mời họ ra đi vào sáng hôm sau. Một lần caliph Haroun al-Rashid trở thành khách mời của anh. Nhà vua lừa cho anh uống thuốc ngủ và làm cho anh ta tin mình là hoàng đế. Trong phần hai chính Abu al-Hasan đánh lừa caliph Haroun al-Rashid và hoàng hậu. Thế là bọn họ được một trận cười vỡ bụng.

Theo nghiên cứu của Daniel Beaumont, phần đầu câu chuyện được tìm thấy trong một tác phẩm của một tác giả tên al-Ishâqî (năm 1651) người Ai Cập viết khi Ai Cập là một tỉnh thuộc đế quốc Ottoman. Tác phẩm Về những nhân vật cai trị Ai Cập xưa kia, trong đó phần tác phẩm kể các sự kiện về caliph Haroun al-Rashid có phần đầu của câu chuyện trên. Còn phần thứ hai của câu chuyện đã được tìm thấy trong tác phẩm nổi tiếng của Abû ’l-Faraj al-Isfahânî có tên là Những bài ca (Al-Aghânî) kể giai thoại về một một nhà thơ – anh hề Abû Dulâmah thời đại Abbasid.

Giữa hiện thực và giấc mơ bị chi phối vì trò đùa của nhà vua quyền lực ẩn chứa triết lý sâu xa về đời sống và quan niệm về thực và ảo. Abu al-Hasan khi tỉnh mộng có cùng một niềm hồ nghi với triết gia Trang tử thời cổ đại Trung Hoa. Trò lừa bằng giấc mơ ấy cũng xuất hiện trong truyện (III,8) của Mười ngày khi một tu sĩ bày kế giam hãm ông Ferondo, làm cho Ferondo tin rằng mình đã chết và ở Luyện ngục, trong khi hắn quyến rũ người vợ. Cho đến khi người chồng thoát ra được và tố cáo vị tu sĩ, ông trở về với cuộc sống và có nhận thức khác đi về đời sống và đức tin.

Trong Nghìn lẻ một đêmMười ngày là cuộc sống trần tục với tất cả những vấn đề hiện thực của nó. Hai tác phẩm tái hiện đời sống xã hội đương thời với hoạt động thương mại, tôn giáo, chiến tranh từ những mô thức hiện thực phản ánh thời đại như các cuộc Thập tự chinh, các địa danh và các nhân vật lịch sử. Hàng loạt tướng lĩnh và các hoàng đế châu Âu, các caliph, sultan Hồi giáo, các thi sĩ và tu sĩ đã xuất hiện trong Nghìn lẻ một đêmMười ngày cùng với các địa danh Ai Cập, Alexandria, Cairo, Baghdad, Constantinople, Bassorah, Florence, Naples,… Các địa danh, nhân vật và triều đại được đưa vào Nghìn lẻ một đêmMười ngày không làm cho hai tác phẩm trở thành những truyện kể lịch sử hay ký sự, ghi chép, mà đó là một cách thức xác định không gian và thời gian, làm cho những câu chuyện được kể ra có vẻ rõ ràng và thuyết phục hơn.

Bộ phận truyện kể về các triều đại có thể góp phần xác định niên đại của các thành phần truyện được quy tập trong Nghìn lẻ một đêm. Tất nhiên không loại trừ các câu chuyện đã ra đời trước đó và được gán ghép vào cuộc đời các nhân vật lịch sử như những giai thoại. Trong đó, các truyện kể về triều đại caliph Haroun al-Rashid thuộc vương triều Abbassid thế kỷ XII là tuyến truyện kể quan trọng của Nghìn lẻ một đêm. Trong đó xuất hiện hàng loạt nhân vật quan trọng như Haroun al-Rashid, hoàng hậu Zubaydah, nhà thơ Abu Nuwas, tể tướng Ja’afar,… đóng vai trò gần như một isnâd[15] trong truyền thống truyện kể Arab. Nhiều truyện trong đó kể về những chuyến vi hành và cấm cung của al-Rashid. Đáng lưu ý nhất là câu chuyện kể về dòng họ Barmecide và tể tướng Ja’afar.

Trong lịch sử Hồi giáo ở Baghdad, từ khi dòng họ Barmecide đánh mất quyền lực và bị tàn sát, triều đình của al-Rashid bắt đầu lung lay. Cuộc nội biến mập mờ đó được kể lại trong Nghìn lẻ một đêm, cố ý quy vào mối quan hệ bất thường giữa Ja’afar và em gái của al-Rashid (tập 11). Caliph Haroun al-Rashid không muốn phải rời xa người em gái xinh đẹp Abbasah nên gả nàng cho Ja’afar, buộc hai người luôn ở cạnh mình không rời, nhưng không cho hai người trở thành vợ chồng thực sự. Tuy nhiên, Abbasah và Ja’afar đã lén lút có con với nhau, khi biết chuyện, nổi cơn thịnh nộ, al-Rashid cho tàn sát hết cả dòng họ Barmecide.

Cũng như trong Nghìn lẻ một đêm, các nhân vật lịch sử được đề cập trong Mười ngày không chỉ xuất hiện riêng lẻ ngẫu nhiên, khi người kể chuyện cần mượn bối cảnh kể chuyện, mà còn xuất hiện một cách có hệ thống. Boccaccio chủ yếu đưa vào tác phẩm của mình các nhân vật và các sự kiện lịch sử thuộc thế kỷ XIII và XIV, là giai đoạn sớm hơn và gần gũi với thời đại của ông. Từ đó, trong Mười ngày có một số truyện kể về mối quan hệ giữa các nước Anh, Pháp, Đức, Italy, các thế lực quân sự, tôn giáo, chính trị thời Trung cổ. Cùng thời với Nur al-Din và Saladin là Frederick I (1123-1190) ở châu Âu, một trong những vị vua vĩ đại nhất nước Đức thời trung đại. Ông tham gia cuộc Thập tự chinh thứ ba, triều đại của ông cùng với Saladin được kể trong truyện (X,9). Cháu của ông là Frederick II (1194-1250) thì xuất hiện trong các truyện (I,7), (II,6), (V,5).

Truyện (I,1), đằng sau trò bịp của tên vô lại Ciapelletto là quan hệ của các nhân vật Charles III xứ Valois (1270-1325), giáo hoàng Boniface VIII (1217-1303) và Musciatto (1250-1307). Truyện kể rằng: “Đương thời, có một thương nhân lớn mạnh và giàu có, tên là Musciatto Franzesi đã được phong làm hiệp sĩ. Ông ta đã bắt buộc phải đến Tuscany với Ngài Carlo Senzaterra, anh của vua nước Pháp, theo thỉnh cầu của giáo hoàng Boniface[16]. Trong truyện, Musciatto sử dụng Ciapelletto để đi thu nợ ở Burgundians. Boccaccio khéo léo miêu tả và chế nhạo mối quan hệ bộ ba giữa thần quyền trong tay giáo hoàng Boniface, tham vọng chính trị ở Charles III, và thao túng tiền bạc ở con buôn trục lợi Musciatto.

Truyện (II,6) về Beritola và các con không chỉ là một chuyện phiêu lưu kết thúc hạnh phúc mà còn được gắn vào bối cảnh của những biến cố lịch sử quan trọng ở Sicily, Italy thế kỷ XIII. Sau cái chết của Frederick II, Manfred (1232-1266) lên nắm quyền. Arrighetto làm thống đốc ở Sicily. Khi vua Charles I (1126-1285) đánh bại Manfred, ông Arrighetto bị bắt giam, vì vậy vợ ông, Beritola phải chịu cảnh lưu lạc. Sau đó vua Pedro xứ Aragon theo mưu kế của ông Gian di Procida đã đưa Sicily thoát khỏi quyền thống trị của vua Charles. Sau sự kiện này gia đình Beritola được đoàn tụ. Câu chuyện về tình mẫu tử và số mệnh con người được lồng vào trong cuộc chính biến ở Sicily càng trở nên hấp dẫn.

Một số cái tên trong truyện trên cũng xuất hiện trong những truyện khác của Mười ngày. Chẳng hạn Manfred và ngài Gian di Procida (1210-1298) trong truyện (X,6), Pedro xứ Aragon (1236-1285) trong truyện (X,7) trong đó Pedro phát hiện tình yêu cháy bỏng của Lisa dành cho ông, mặc dù có chút xiêu lòng, sau đó vì danh dự, ông từ chối, và quyết định gả cô cho một người quý tộc xứng đáng.

Những cuộc Thập tự chinh có tác động quan trọng đối với lịch sử Cơ đốc giáo lẫn Hồi giáo. Người Cơ đốc giáo đề cao tinh thần chống lại tà đạo, giành lại Jerusalem, thì người Hồi giáo cũng vậy. Chiến đấu đối với người Hồi giáo có ý nghĩa quan trọng trong đời sống. “Chiến tranh thần thánh, là chiến tranh chống người ngoại đạo, khi Islam (Hồi giáo) lâm nguy… Khi giáo đồ đã cầm võ khí để tự vệ, thì phải quyết tâm tiến đánh kẻ ngoại đạo, và chỉ có tiến chứ không có lùi…[17]

Một số truyện kể trong Nghìn lẻ một đêm có bối cảnh các cuộc Thập tự chinh và xung đột với Cơ đốc giáo. Với ảnh hưởng của tinh thần Hồi giáo, phần thắng đều nghiêng về phe Hồi giáo với ý thức ca ngợi Islam là chân lý và bất kỳ ai biết suy nghĩ cũng đều có đức tin chân chính này. Nếu có các cuộc hôn nhân giữa người Cơ đốc giáo và người Hồi giáo thì dĩ nhiên sau đó các nhân vật đều cải theo Hồi giáo. Trong bản tiếng Anh của dịch giả Richard Burton là các truyện: Vua Omar bin al-Nu’uman, Chàng Nur và Miriam nữ chiến binh, Vị tu sĩ cải theo Hồi giáo (tập 5), Nhà vô địch Hồi giáo và thiếu nữ Cơ đốc giáo (tập 5), Con gái vua Cơ đốc giáo và người Hồi giáo (tập 5), Người lính Ai Cập và cô vợ người Frank (tập 9). Các truyện kể có bối cảnh tương tự nhau, trên nền xung đột tôn giáo, là các cuộc hôn nhân và tình yêu vượt qua ngăn cách. Bất chấp chiến tranh tàn khốc và xung đột tôn giáo, tình yêu tha thiết và nồng cháy của con người luôn được ngợi ca.

Trong thời đại Thập tự chinh, Saladin (Salah al-Din) (1138-1193) là một nhân vật quan trọng và có sức ảnh hưởng mạnh ở cả hai thế giới Đông và Tây. Điều lý thú là những giai thoại về ông xuất hiện trong cả hai tác phẩm Nghìn lẻ một đêmMười ngày. Đó là truyện Saladin và viên tể tướng trong văn bản của Mardrus[18]. Và hai truyện (I,3) và (X,9), mà chúng tôi đã dẫn ở trên, mô tả khá chân thật hành động của Saladin huy động tiền của để tiến hành chiến tranh và cải trang xâm nhập vào lãnh thổ của quân địch trước khi cuộc chiến nổ ra.

Đi theo chiều ngược lại, trong Mười ngày là những truyện kể lấy bối cảnh hoặc liên quan đến vùng Trung Cận Đông. Ngoài hai truyện kể về Saladin là các truyện khác đưa người đọc đến không gian phương Đông như các địa danh Alexandria qua hành trình lưu lạc của nàng Zinerva (II,9), đến Rhodes và Cyprus qua cuộc phiêu lưu của nàng Alatiel xinh đẹp con gái vua Sultan Babylon, (II,7). Thành phố Rhodes cũng xuất hiện trong chuyện (V,1) với hành trình của chàng Cimone. Còn Cyprus xuất hiện trong truyện (III,7) qua chuyến đi của Tedaldo.

Boccaccio như một nhà văn hiện thực của thời đại đã đưa vào Mười ngày những nhân vật cùng thời với mình như nhà thơ Guido Cavalcanti (1255-1300) ở truyện (VI,9) đồng thời đề cập đến tên tuổi Dante, bậc tiền bối được Boccaccio ngưỡng mộ trong lời giới thiệu ngày thứ tư. Guido Cavalcanti và Dante vốn có mối quan hệ thân thiết. Trong khi Dante viết Thần khúc thì Cavalcanti lại là người vô thần, cả hai tác giả lớn của văn học Italy này đều có ảnh hưởng ít nhiều đến Boccaccio đặc biệt là Dante. Trong truyện (VI,9) Cavalcanti xuất hiện cùng với tư tưởng vô thần của ông, phần nào như sự thể hiện tinh thần thời đại. Ở góc độ sáng tác, có thể xem đây là một giai thoại về các nhân vật cùng thời được Boccaccio ghi chép lại. Trong thực tế, Boccaccio còn viết những tác phẩm về chân dung Dante và tác phẩm của ông như Trattatello in laude di Dante (Ca ngợi Dante) và Esposizioni sopra la Comedia (Phân tích về Thần khúc)[19].

Boccaccio đã có một ý thức rõ rệt khi thể hiện hiện thực xã hội trong thời đại của mình. Lấy nạn dịch hạch năm 1348 làm bối cảnh cho tác phẩm, nhà văn đã mô tả chân thực sự tàn phá khủng khiếp của nó từ chính những trải nghiệm thực sự của mình: “Từ nông thôn cho đến thành phố, đều phải hứng chịu cơn thịnh nộ của đất trời, từ tháng ba đến tháng sáu đã có đến hơn một trăm ngàn người chết trong thành Florence…[20].

Như vậy, có thể khẳng định rằng cuộc sống thực tại mới là điều mà Nghìn lẻ một đêmMười ngày hướng đến. Con người có những ước mơ bay bổng muốn vượt khỏi mọi giới hạn, mọi ngăn trở nhưng đầu tiên con người cần phải đứng vững vàng trên mảnh đất trần gian. Ở đó, có niềm vui và cũng có nỗi buồn, có sung sướng và có bất hạnh, có gặp gỡ và ly biệt, có đêm và có ngày. Những giấc mơ huyền ảo không phải là tất cả, chúng chỉ thật sự có ý nghĩa khi làm cho con người sống tốt hơn, đẹp hơn.

Việc sử dụng những mô thức văn học phổ biến trong văn học truyền thống cũng như từ các nguồn mạch khác của văn học thế giới vừa là một nét độc đáo trong nghệ thuật kể chuyện của Nghìn lẻ một đêmMười ngày vừa là sự thể hiện mối liên hệ giữa hai tác phẩm với các di sản văn học khác trên thế giới. Việc khảo sát các mô thức văn học trong hai tác phẩm cũng phần nào cho thấy hình dung về sự phát triển và vận động của văn học thế giới từ Đông sang Tây theo dòng chảy của các mô thức văn học có nguồn gốc từ Ấn Độ, cũng như những giao thoa giữa các khu vực văn học trên thế giới. Mà với vị trí đặc thù trong tiến trình văn học thế giới, Nghìn lẻ một đêmMười ngày cũng như văn học Arab và văn học Italy không nằm ngoài những mối quan hệ ảnh hưởng và tiếp nhận tất yếu đó.

NNBT

 

Chú thích

[1]      R.S. Gwynn (2002), Fiction A Pocket Anthology, Longman Publishing, NY, tr.3

[2]      Thomas Frederick Crane (2003), Italian Popular Tales, (edited and introduced by Jack Zipes), Oxford University Press, New York, tr.178

[3]      Nghìn lẻ một đêm, chúng tôi sử dụng văn bản tiếng Anh của Richard F.Burton, gồm 17 tập The Book of the Thousand Nights and a Night, 10 volumes (2007) và Supplemental Nights to The Book of the Thousand Nights and a Night with Notes Anthropological and Explanatory, 7 volumes (2007) (translated by Richard F. Burton), Printed by The Burton Club for Private Subscribers Only, US, Digitized for Microsoft Corporation by the Internet Archive in 2007, from University of California Libraries

[4]      (VII,9) Ký hiệu chỉ thứ tự của truyện kể trong Mười ngày được sử dụng trong bài viết: số La Mã: số thứ tự của ngày; số Arab: số thứ tự của truyện kể

[5]      The Book of Sindibad; or, The Story of the King, His Son, The Damsel, and the Seven Vazirs (1884) (translated W.A. Clouston), Glasgow, UK, Digitized for Microsoft Corporation by the Internet Archive in 2007, from University of Toronto Library, tr.335

[6]      Sheykh Zada (1886), The History of the Forty Vezirs; or, The Forty Morns and Eves (translated by E.J.W. Gibb) George Redway, London, Digitized by Google, from Library of University of Michigan, tr.303

[7]      Madeleine Jeay (1998), “Consuming Passions: Variations on the Eaten Heart Theme”, Violence against Women in Medieval Texts (edited by Anna Roberts) University Press of Florida, US, pp.75-96

[8]      Milad Doueihi (1997), A Perverse History of the Human Heart, Harvard University Press, US

[9][10] Laura A. Loomis (1969), Medieval Romance in England: A Study of the Sources and Analogues of the Non-Cyclic Metrical Romances Volume 36 of Research and source works series, Burt Franklin, NY, US, tr.253 và tr.159

[11][17][18] Theo Nghìn lẻ một đêm, 10 tập (1982-1989) (Phan Quang dịch và giới thiệu), Nxb Văn học, Hà Nội, tập 10 và tập 6 (tr.144) và tập 8

[12]    Somadeva (1926), Katha Sarit Sagara or Ocean of the Streams of Story, vol. 5, (translated by C. H. Tawney), Chas. J. Sawyer Ltd. Grafton House, UK (The digital book of University of Toronto Library), tr.5-13

[13]    The Book of the Thousand Nights and a Night, 10 volumes (2007) (translated by Richard F. Burton), Printed by the Burton Club for Private Subscribers Only, US, Digitized for Microsoft Corporation by the Internet Archive in 2007, from University of California Libraries, vol. 5, tr.318-319

[14][16][20]Giovanni Boccaccio (1968), The Decameron of Giovanni Boccaccio (translated by Richard Aldington), Dell Publishing Co. Inc, New York, tr.447 và tr.44, tr.35-36

[15]    Isnâd là mối dây liên kết một loạt những người kể chuyện hướng đến người kể chuyện giữ vai trò nguồn phát thông tin, có ý nghĩa chứng nhận nội dung được kể là thật trong các truyền thuyết Hồi giáo.

[19]      The Cambridge History of Italian Literature (1996) (edited by Peter Brand, Lino Pertile), Cambridge University Press, NY, US, tr.86

 

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, số chuyên đề Bình luận văn học – Niên giám 2011


* ThS., Khoa Văn học và Ngôn ngữ – ĐH KHXH&NV – ĐHQG TPHCM.