Bất ngờ nhà văn Nhật Bản Masatsugu Ono

In bài này

TP - Trong cuộc “Trò chuyện với Masatsugu Ono về tập truyện Tiếng hát người cá” vừa ra mắt bản tiếng Việt sáng ngày 23-2-2012 tại Đại học Hoa Sen - TP Hồ Chí Minh, nhà văn thuộc thế hệ mới người Nhật Bản (Masatsugu Ono sinh năm 1970) đã làm tôi khá bất ngờ.

Nhà văn Masatsugu Ono. Ảnh: Lam Điền. 

Bất ngờ, không phải ở không khí hội trường – một hội trường chứa chưa đầy trăm người nhưng khá trầm lắng: vẫn là ý kiến chỉ định, thậm chí có khách thính còn viết câu hỏi ra giấy chứ không trực tiếp “giao lưu”,… - mà ở cách anh trả lời.

Càng không phải ở thái độ anh - với đôi mắt sáng sẵn sàng cho mọi câu hỏi hóc búa nhất có thể nhưng không có - mà là ở nội dung câu trả lời, đáp ứng lại các câu hỏi vẫn còn khá đơn giản từ phía hội trường - khác hẳn những gì một nhà văn tầm cỡ đòi hỏi ở những độc giả tương xứng.

Thường thì của buổi “giao lưu” thế này, đa số nhà văn Việt Nam có thể biết đến chín mươi phần trăm câu hỏi, và người nghe cũng đoán được một con số tương tự ở nhà văn trong các nội dung trả lời của ông/ bà ta. Nên rất chán. Ở Masatsugu Ono thì không.

Về câu hỏi đầu tiên do chính người dẫn chương trình gợi ý: Thời hiện đại đẩy con người luôn hướng về phía trước, luôn phải vội vã đuổi theo kịp tốc độ cuộc sống mới, thế hệ trẻ Nhật Bản làm gì để lưu giữ truyền thống?

Với câu hỏi sắp đặt thường thấy như thế, người nghe hy vọng sẽ nghe được mấy thuyết giảng sâu sắc mang tính học thuật cao (Ono là tiến sĩ Văn học tại Đại học Paris VIII), thì gần như anh đã hỏi ngược lại: thế nào là truyền thống?

Truyền thống là những gì ta cho nó là truyền thống thì nó thành truyền thống. Như tinh thần Võ sĩ đạo chỉ là truyền thống Nhật trước thời Minh Trị không lâu.

Truyền thống là cái ta đang sáng tạo hôm nay, khi nó hay nó đẹp nó sẽ thành truyền thống ở tương lai. Và truyền thống đó luôn luôn bị vượt qua.

Vượt qua không phải như vứt bỏ mode thời trang mà như là một giá trị đã cũ biết để lưu kho. Cho nên, có thể nói, truyền thống là khái niệm rất giả. Đó là một ý hướng hơn là một thực tế.

Về câu hỏi - câu hỏi tò mò rất báo chí - nhà văn đã bị ảnh hưởng bởi tác giả phương Tây nào? Thay vì - như nhiều nhà văn ở ta thường làm thế - kể ra hàng lô tên tuổi khổng lồ quốc tế mà ai cũng biết, Masatsugu Ono nêu vài tên tuổi còn khá vô danh.

Và nói đại ý: anh không ảnh hưởng ai cả. Anh biết họ đã làm gì, và anh xác lập con đường đi riêng biệt của mình. “Tôi đào hang của tôi và cho chính tôi. Có thể cuộc đào kia dở dang hay thất bại, nhưng đó là cái hang của tôi. Nó sẽ không giống bất kỳ cái hang nào khác hay của ai khác”.

Tại sao là “đào hang”? – Hình tượng “làm tổ, đào hang” nói về nhà văn viết về một cộng đồng nhỏ, thuộc ngoại vi để làm nên lịch sử cộng đồng. Nó khác biệt với cộng đồng nhân loại khác. Nhà văn nỗ lực tạo nên cộng đồng riêng biệt đó bằng cách dựng lên quanh nó với thứ ngôn ngữ đặc thù.

W. Faulkner hay G. Marques đã tạo nên cái hang độc đáo của họ. Tôi, cho dù không ý định bắt chước họ, cũng đang đào cái hang của mình. Muốn đào cho được chuẩn xác, tôi cần giữ khoảng cách cần thiết với cái hang.

Nghĩa là giữa tôi và cái hang nên có một khoảng không gian để có độ lùi cố định cho tôi có cái nhìn khách quan hơn. Lúc viết Trôi trên vịnh, tôi đang sống ở Pháp – tôi nghĩ đó là khoảng cách cần thiết.

Nhà văn đào hang mong tạo ra vùng an bình để cư trú trong đó, nhưng đồng thời chính hành động này nói lên sự bất an – hay nói cách khác: tạo ra sự bất an riêng – của con người. Nước Nhật Bản hiện đại đang ẩn chứa đầy nỗ bất an đó.

Nhưng có thể nói, câu trả lời ấn tượng nhất trong buổi giao lưu chính là: “Tôi là một người sôi nổi và vui nhộn.

Tôi mang sự vui nhộn đó vào văn chương. Độc giả đọc của tác phẩm của tôi đều nhận thấy điều đó. Thế nhưng sau thảm họa hạt nhân Fukushima, mọi người không thể cười được nữa”. Và ông tự hỏi: “Làm sao để tìm lại tiếng cười”?

Anh tới Việt Nam, đây là lần thứ hai, và “tôi đã tìm thấy ở con người Việt Nam sức sống mới, nụ cười mới, hy vọng mới”.

Khác với xã hội Nhật Bản đang bị lão hóa và mệt mỏi, xã hội Việt Nam rất giàu năng lượng. Biết đâu chính năng lượng này giúp nhà văn đầy tài năng thế hệ mới Nhật Bản Masatsugu Ono tìm lại tiếng cười cố hữu anh vừa bị đánh mất.

Sài Gòn, 24-2-2012

Inrasara

 Nguồn: http://www.tienphong.vn/Van-Hoa/567823/Bat-ngo-nha-van-Nhat-Ban-Masatsugu-Ono-tpp.html