Văn học Việt Nam và Nhật Bản trên con đường đi đến những giá trị toàn cầu

In bài này

Đoàn Lê Giang*

Toàn cầu hoá nhìn từ lịch sử

Toàn cầu hoá không đến từ ước mơ về “thế giới đại đồng” như trong kinh điển của Nho gia, mà đến từ sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế và kỹ thuật của các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây từ thế kỷ XVI-XVII, đúng như Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của Marx và Engels đã viết năm 1848: Nhờ cải tiến mau chóng công cụ sản xuất và làm cho các phương tiện giao thông trở nên vô cùng tiện lợi, giai cấp tư sản lôi cuốn đến cả những dân tộc dã man nhất và trào lưu văn minh. Giá rẻ của những sản phẩm của giai cấp ấy là trọng pháo bắn thủng tất cả những vạn lý trường thành và buộc những người dã man bài ngoại một cách ngoan cường nhất cũng phải hàng phục. Nó buộc tất cả các dân tộc phải thực hành phương thức sản xuất tư sản, nếu không sẽ bị tiêu diệt; nó buộc tất cả các dân tộc phải du nhập cái gọi là văn minh, nghĩa là phải trở thành tư sản. Nói tóm lại, nó tạo ra cho nó một thế giới theo hình dạng của nó” ([1]).

Toàn cầu hoá gõ cửa các nước Đông Á lần cuối từ giữa TK.XIX trước khi các nước này phải buộc mở cửa hoặc bị xâm chiếm. Năm 1840 Chiến tranh thuốc phiện do người Anh khởi xướng nổ ra ở Trung Quốc, năm 1853 hạm đội hắc thuyền của Mỹ đến vịnh Uraga đe doạ triều đình Nhật Bản, năm 1858 liên quân Pháp và Tây Ban Nha bắn vào cửa biển Đà Nẵng của Việt Nam. Đứng trước thách thức đó, triều đình Tự Đức của nước Đại Nam không nhận thức được, chỉ có mỗi Nguyễn Trường Tộ hiểu nó khá rõ khi đặt nó trong tình thế toàn cầu. Trong Thiên hạ đại thế luận (Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ) viết từ năm 1863, ông trình bày cho thấy sức mạnh không ai có thể cưỡng lại được của các cường quốc  phương Tây: Ở trên lục địa, tất cả những chỗ nào có xe thuyền đi đến, con người đi qua, mặt trời mặt trăng soi chiếu, sương mù thấm đọng thì người Âu đều đặt chân tới, như tằm ăn cá nuốt, ở đâu thuận với họ thì phúc, chỗ nào trái với họ thì họa; ai hòa với họ thì được yên, ai cự lại thì dùng binh lực giao tranh; trong thiên hạ không ai dám kháng cự lại họ.([2])  Tuy nhiên điều kiện kinh tế xã hội, văn hoá tư tưởng Việt Nam đương thời không thể đưa Việt Nam chủ động đến với hiện đại hoá như mong muốn của Nguyễn Trường Tộ.

Nhật Bản là nước duy nhất ở Đông Á bấy giờ hiểu được sức mạnh và giá trị của văn minh phương  Tây, nên đã mở cửa thực hiện công cuộc duy tân thời Minh Trị thành công ngoạn mục. Tư tưởng của công cuộc duy tân ấy kết tinh trong luận văn hết sức quan trọng Thoát Á luận của Fukuza  Yukichi viết năm 1885 - một luận văn mà các dân tộc châu Á khác đọc đến dẫu là thấy cay đắng nhưng cũng phải thừa nhận là nó đúng đắn. Trước hết, tương tự như Nguyễn Trường Tộ, Fukuzawa cũng khẳng định sức mạnh của phương Tây: Nếu ngày xưa họ chậm chạp thì ngày nay họ di chuyển hoạt bát và nhanh chóng hơn chính là vì họ lợi dụng được thế mạnh của phương tiện giao thông đó mà thôi.([3]) Từ đó Fukuzawa rút ra một kết luận cực kỳ quan trọng: nếu chống lại được nền văn minh phương Tây thì chống, còn nếu không thì phải chấp nhận nó, gia nhập thế giới  phương Tây và nổi chìm cùng với nền văn minh ấy: “Đối với chúng ta, những người sống ở phương Đông, trừ khi chúng ta có quyết tâm vững chắc muốn chống lại xu thế văn minh phương Tây thì chúng ta mới có thể chống đỡ được, còn nếu không tốt nhất là chúng ta hãy cùng chia sẻ chung số mệnh với nền văn minh ấy. Nếu chúng ta quan sát kĩ lưỡng tình hình thế giới hiện nay, chúng ta sẽ nhận thấy được rằng chúng ta không thể nào chống lại được sự tấn công dữ dội của nền văn minh ấy. Vậy tại sao chúng ta không cùng nhau bơi nổi trên biển văn minh ấy, cùng nhau tạo ra một làn sóng văn minh ấy, cùng nhau nỗ lực xây dựng và hưởng thụ những thành quả của nền văn minh ấy? ”.

Tuy nhiên việc gia nhập trào lưu văn minh phương Tây ấy không phải dễ dàng đối với Nhật Bản vì những truyền thống cũ kỹ đang trì kéo nó, vì vậy muốn “văn minh hoá” thành công thì phải chấp nhận những biện pháp quyết liệt: “Nền văn minh phương Tây đang xâm nhập vào Nhật Bản và có thể tính bắt đầu từ chính sách mở cửa của nước nhà vào thời Gia Vĩnh (Kaei, 1848-1854). Người dân trong nước bắt đầu biết đến những giá trị hữu ích của nền văn minh ấy, và đang dần dần tích cực hướng tới tiếp nhận nền văn minh ấy. Nhưng con đường tiến bộ tiếp cận nền văn minh đang bị cản trở bởi chính phủ già nua lỗi thời. Cho nên đó là vấn đề không thể giải quyết được. Nếu chúng ta duy trì chính phủ hiện nay thì nền văn minh chắc chắn không thể xâm nhập vào được. Đó là vì nền văn minh hiện đại không thể song song tồn tại được cùng với những truyền thống Nhật Bản. Nếu chúng ta tìm cách thoát ra khỏi những truyền thống cũ kĩ đó thì đồng nghĩa với việc phải hủy bỏ chính phủ đương thời đi”...

Có thể nói từ giữa TK.XIX đến đầu TK.XX là giai đoạn đầu tiên của toàn cầu hoá ở Đông Á – một quá trình toàn cầu hoá diễn ra đầy hứng khởi nhưng cũng đầy cay đắng với máu và nước mắt. Sau giai đoạn khởi đầu, Việt Nam và Nhật Bản đã đi những con đường khác nhau để hiện đại hoá đất nước mình. Như mọi người đều biết, Nhật Bản đã duy tân thành công và trở thành tấm gương của châu Á. Phong trào Đông du, Đông Kinh nghĩa thục của Việt Nam đã lấy rất nhiều cảm hứng và kinh nghiệm từ tấm gương ấy. Nhưng rồi nước Nhật Bản hiện đại không chỉ gia nhập văn minh phương Tây, mà còn bị các thế lực dân tộc chủ nghĩa cực đoan đưa đất nước họ gia nhập luôn nhóm các nước đế quốc phương Tây để quay lại áp bức châu Á. Sự thất bại của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã đem lại nhiều bi kịch cho người dân Nhật Bản, tuy nhiên, nước Nhật không bị sụp đổ, mà từ đống tro tàn ấy nước Nhật đã hồi sinh, trở thành một cường quốc về kinh tế và một quốc gia có thể chế dân chủ. 

Còn Việt Nam, con đường của Việt Nam trong thế kỷ XX cho thấy: muốn hiện đại hoá thành công, muốn xây dựng quốc gia cường thịnh thì trước hết phải giành cho được độc lập và đấu tranh thống nhất nước nhà. Quá trình hiện đại hoá Việt Nam diễn ra một cách chậm chạp, gian nan và từng phần một.

Quá trình toàn cầu hoá chỉ thực sự diễn ra từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Quá trình ấy diễn ra với sự phát triển như vũ bão của thời đại Hậu công nghiệp và là sự lựa chọn tự do của các quốc gia độc lập. Việt Nam đã chủ động gia nhập quá trình này, và vì vậy, cả Việt Nam và Nhật Bản đều vận động trong quá trình toàn cầu hoá với những thách thức giống nhau, nhưng điều kiện thì khác nhau.

Văn học Việt Nam và Nhật Bản đi đến những giá trị toàn cầu

Trong bối cảnh hiện đại hoá cuối TK.XIX đến giữa TK.XX văn học Việt Nam và Nhật Bản đã tiến hành những bước đi tương tự như nhau, vì đều thoát thai từ nền văn học với hệ hình Đông Á, hiện đại hoá văn học theo mô hình phương Tây.

Trước hết về ngôn ngữ văn học, cả hai nước đều mạnh dạn bỏ Hán văn, một loại tử ngữ tồn tại trong sách vở từ mấy nghìn năm trước, để đi đến một ngôn ngữ văn học gần với lời nói thường. Ở Nhật đó là cuộc vận động “Ngôn văn nhất trí” do Maejima Hisoka khởi xướng năm 1865; ở Việt Nam đó là phong trào cổ động dùng Quốc ngữ Latin trong giáo dục, đời sống và trong sáng tác văn học.

Về ý thức văn học, đó là quan niệm đề cao phản ánh hiện thực với một tinh thần khoa học trong sáng tác văn học. Quan niệm ấy thể hiện trong Tiểu thuyết thần tuỷ của Tsuboi Shoyo, trong tiểu thuyết của F.Shimei, trong thơ haiku, tanka “tả sinh”... ở Nhật Bản ; trong tiểu thuyết Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, Lê Hoàng Mưu, Hoàng Ngọc Phách…ở  Việt Nam.

Về thể loại văn học, văn học Việt Nam và Nhật Bản chuyển từ nền văn chương với thơ văn phú lục thành nền văn học với thơ, kịch, tiểu thuyết theo mô hình văn học phương Tây.

Nếu cuối thế kỷ XIX những chuyến đi ra nước ngoài của Lý Văn Phức (tác giả Tây hành kiến văn kỷ lược), Phạm Phú Thứ (tác giả Như Tây hành trình), Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện, rồi Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trọng Quản… mới ở dừng lại ở mức độ đơn lẻ ; thì cuộc “vượt bể Đông theo cánh gió” của các chí sĩ duy tân đầu thế kỷ XX : Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thần Hiến, Trần Chánh Chiếu… đã trở thành cuộc đi ra thế giới đầu tiên và lớn nhất của giới trí thức trong lịch sử Việt Nam. Những hoạt động hăng hái trên báo chí và xuất bản với những mối quan hệ rộng rãi với các trí thức lớn Nhật Bản, Trung Quốc bấy giờ khiến Phan Bội Châu trở thành một trí thức tầm cỡ châu Á. Ở phương Tây : Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, và nhất là Nguyễn Ái Quốc với Bản án chế độ thực dân Pháp Yêu sách của nhân dân An Nam đòi “tự do báo chí và tự do ngôn luận ; tự do lập hội và hội họp…” đã đại diện cho một hướng tiếp cận toàn cầu khác của các nhà văn yêu nước Việt Nam.

Từ 1945 đến 1975, các nhà văn Việt Nam đã tích cực tham gia hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm vì độc lập và thống nhất cho dân tộc. Nhìn từ bình diện toàn cầu, họ là những nhà văn tiên phong trong công cuộc đấu tranh cho quyền tự quyết dân tộc của các dân tộc Á-Phi.  Ở các đô thị miền Nam Việt Nam, các nhà văn yêu nước và tiến bộ đã dùng tác phẩm của mình tố cáo cuộc chiến tranh tàn khốc do đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam, qua đó đã góp phần thức tỉnh lương tri nhân loại.

Từ khi Đổi mới năm 1986, văn học Việt Nam đã dứt khoát chia tay với tính chất minh hoạ trong văn học trước đó mà hướng đến con người với những thân phận cá nhân đầy bi kịch, và những băn khoăn trăn trở của họ… Mặc dù “vết thương” ấy là chuyện của Việt Nam, nhưng nó cũng cho thấy một phần chân dung của nhân loại thế kỷ XX – một thế kỷ khốc liệt nhất trong lịch sử loài người. Những thành công của văn học Đổi mới cũng cho thấy văn học Việt Nam bắt đầu tư duy theo cách thức tư duy toàn cầu. Từ đầu thế kỷ XXI trở đi, các nhà văn thế hệ Đổi mới dường như cũng đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình, tiếp theo là thế hệ những người viết trẻ ở các đô thị náo nhiệt, đầy sức sống : Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Thế hệ viết trẻ này chưa định hình rõ nét, nhưng có thể thấy, đầu óc của họ không còn bị cầm tù bởi tư duy chiến tranh lạnh, không còn bị dằn vặt bởi những chủ đề của văn học Đổi mới, họ là những đứa con thừa hưởng di sản của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Rất nhiều trong số họ đã được đào tạo từ các trường đại học phương Tây, họ tự do đi lại giữa các châu lục, họ hưởng thụ tiện nghi và tự do ở các đô thị trong nước, họ độc lập trong tư duy và cảm nhận đất nước mình. Họ có sức mạnh không gì cưỡng lại được : sức mạnh của tương lai. Vì thế họ là một phần của thế giới hiện đại chứ không phải đối lập mình với thế giới hiện đại. Những người cầm bút trẻ Việt Nam hiện nay bận tâm với những vấn đề của thời đại họ, những vấn đề tương tự như những người cầm bút ở Washington DC, New York, Paris, London, Tokyo, Seoul, Băc Kinh, Thượng Hải… đang quan tâm mà họ có thể dễ dàng chia sẻ qua quan hệ bạn bè, qua sách báo dịch gần như lập tức và nhất là qua internet. Đó là những vấn đề của văn học toàn cầu mà trung tâm là vấn đề thân phận con người trong xã hội hiện đại trước biết bao nguy cơ: môi trường bị huỷ hoại, thiên tai khốc liệt, tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng, vấn đề quyền con người, nguy cơ chiến tranh…  

Ở Nhật Bản, thế hệ các nhà văn thời Minh Trị duy tân : Fukuzawa Yukichi, Shimazaki Toson, Natsume Soseki, Mori Ogai… đã bắt đầu đưa văn học Nhật Bản ra thế giới. Tiếp theo là thế hệ các nhà văn : Akutagawa Ryunosuke, Tanizaki Junichiro, Mishima Yukio, Abe Kobo, Dazai Osamu, Kawabata Yasunari… đã không ngừng học tập tinh hoa của nhân loại và xây dựng nên nền văn học Nhật Bản như một phần của giá trị toàn cầu.

Nếu như Kawabata bằng cảm quan phương Tây đã đưa cái đẹp Nhật Bản ra thế giới, thì Oe Kenzaburo bằng tư duy phương Tây phê phán tình trạng mơ hồ của Nhật Bản giữa châu Âu và châu Á, giữa hạnh phúc và khổ đau, giữa dân chủ và toàn trị, giữa hoà bình và chiến tranh… Hai nhà văn được giải Nobel ấy thực sự đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ với độc giả thế giới về tính toàn cầu của văn học Nhật Bản. Sau Oe là thế hệ các nhà văn đương đại : Yoshimoto Banana, Murakami Haruki…, tác phẩm của họ dường như không còn là chuyện của Nhật Bản nữa, mà là chuyện của nhân loại – trong bối cảnh Nhật Bản và ngoài Nhật Bản.   

Cuộc cách mạng công nghệ thông tin và truyền thông đang diễn ra hiện nay khiến cho quá trình toàn cầu hoá trở nên mạnh mẽ, rộng khắp và sâu sắc hơn bao giờ hết. Nhân loại thích nói đến khoan dung hơn là hận thù, thích nói đến phát triển hơn co thủ, thích nói một thế giới rộng mở hơn là những biên giới cách chia. Việt Nam và Nhật Bản đang đi sâu vào quá trình ấy: toàn cầu hoá về kinh tế, mở rộng giao lưu văn hoá quốc tế. Trong quá trình ấy, văn học của hai nước cũng đang đi đến những giá trị toàn cầu. Giá trị toàn cầu là một giá trị có thật, mặc dù văn học luôn luôn gắn với sáng tạo cá nhân, gắn với văn hoá và điều kiện của một quốc gia cụ thể. Giá trị ấy là gì ? Trước hết đó là những giá trị có tính toàn nhân loại được thể hiện qua các công ước quốc tế mà Việt Nam và Nhật Bản cùng trịnh trọng cam kết tham gia như các công ước về quyền tự quyết của các dân tộc, quyền con người, quyền trẻ em, vấn đề bình đẳng giới, vấn đề bảo vệ môi trường, vấn đề tự do tư tưởng, tự do sáng tác và tôn trọng bản quyền tác giả v.v…Giá trị toàn cầu ấy cũng là những giá trị mà các nền văn học đã xây đắp nên, đó là tình yêu thương, lòng khoan dung, tình bạn, tình yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp, đó là tinh thần hướng thượng và lòng vị tha.

Toàn cầu hoá không hề tiêu diệt bản sắc cá nhân, bản sắc dân tộc, mà ngược lại nó tôn trọng bản sắc, tôn trọng sự đa dạng như tôn trọng sự đa dạng sinh học. Toàn cầu hoá chính là sự tổng hợp những giá trị mà mỗi cá nhân và mỗi dân tộc mang đến cho cộng đồng nhân loại. Trong thời đại toàn cầu hoá, phải chăng sẽ làm xuất hiện nền văn học thế giới như là tiên đoán của đại văn học người Đức J.W.Goethe từ gần 200 năm trước: “Bây giờ là thời đại của văn học thế giới và mỗi chúng ta cần phải góp phần làm cho thời đại đó càng sớm càng tốt”([4])    



* PGS, TS – Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh



([1])  Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, trích trong Nghiên cứu tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, NXB. Chính trị quốc gia, 1998, tr.131

([2])  Trương Bá Cần: Nguyễn Trường Tộ, con người và di cảo, NXB. TP.HCM, 1988, tr.107

([3]) Fukuzawa Yukichi: Thoát Á luận, Hải Âu, Kuriki Seiichi dịch, Vietnamnet: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-01-14-thoat-a-luan. Các trích dẫn Thoát Á luận trong bài cũng từ nguồn này.

([4]) Dẫn theo Nguyễn Văn Dân, Văn hoá Nhật Bản trong thế giới toàn cầu hoá, Bình luận văn học, niên san 2013 của Hội NC&GD văn học TP.HCM. Goethe viết bài này vào năm 1827. 

 

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 5.2014, tr. 5-10