Đề tài “trở về” trong ba truyện ngắn: Canh khuya của Ivan Bunin, Nhà của lính của Ernest Hemingway và Mua cần câu cho ông ngoại của Cao Hành Kiện

In bài này

 (Đào Ngọc Chương, In trong " Những vấn đề ngữ văn " (Tuyển tập 40 năm nghiên cứu khoa học của Khoa VH&NN)

1.

“Trở về” là một môtíp phổ biến trong truyện kể. Nó nằm trong cấu trúc của truyện phiêu lưu với tư cách một chặng khép vòng phiêu lưu lại, và có thể để mở ra vòng phiêu lưu mới, nghĩa là nó thuộc nhóm biến cố/ tình tiết chức năng. Nó thường đề cập đến những đổi thay mà nhân vật vấp phải, đôi khi nhân vật phát biểu hoặc cảm nhận về những đổi thay này. Nó lưu ý với người đọc về một khả năng biến động sau đó hay là chỉ ra cho người đọc những khác biệt (hoặc không khác biệt) của (nhân vật và ) hiện thực trước và sau cuộc phiêu lưu của nhân vật.

Mô típ trở về như thế đã có trong truyện cổ tích với cuộc ra đi và trở về của người anh hùng, làm thay đổi đáng kể tiến trình câu chuyện. Trong tiểu thuyết nói chung, khi gắn với những vấn đề, hiện trạng xã hội, mô típ “trở về” tạo cơ hội để người kể chuyện hoặc nhân vật nhận xét, đánh giá, phê bình hiện thực. Ở cái thời kỳ mà hành động nhân vật như là thước đo của tính cách và hiện thực thì mô típ “trở về” thường đảm nhiệm vai trò mở ra con đường đối sánh xuyên theo chiều dài tiến trình của tác phẩm. Nhưng một yêu cầu có tính kỹ thuật là cái giai đọan truyện của môtíp trở về thường ngắn hơn so với giai đọan truyện trước đó và nó thường tiến nhanh về giai đọan kết thúc, và kết thúc thường như là bước tạt ngang của tiến trình.

Nhưng khi môtíp ấy là toàn bộ câu chuyện, là toàn bộ cái truyện thì sẽ xuất hiện một số nét mới như là những biến thái trên cơ sở những nét truyền thống vừa nêu. Nó không còn là môtíp được hiểu như là một biến cố quen thuộc mà là trở thành một đề tài – đề tài của kiểu tác giả có vấn đề về tâm sự, có vấn đề về nhận thức hiện thực, có vấn đề về toàn bộ thái độ, tinh thần và đôi khi là niềm tin nữa. Theo một cách nhìn nào đó, chúng ta có thể cho rằng trong trường hợp này môtíp kia đã biến thành đề tài. Nhưng thực sự đây là hai phạm vi khác nhau. Môtíp chỉ là môtíp trong cái tổng thể được lặp lại và nó đã tạo thành một hiện trạng quen thuộc được cảm nhận phổ biển. Đề tài trước hết là sự chọn lựa phạm vi và cả đối tương miêu tả. Sự trùng hợp giữa môtíp và đề tài trong trường hợp này đã cho phép sự biến hóa của cái truyện với hai tư cách: vừa là mô típ vừa là đề tài. Nó không buộc phải có cái bước tiến nhanh về kết thúc bởi vì bản thân nó được hiểu là một giai đọan kết thúc.Và thế là, nó được phép dàn trải, và dù cái truyện chỉ nói đến giai đọan trở về của nhân vật nhưng người đọc vẫn có thể hình dung được giai đọan trước đó nhờ vào những đối sánh thường được diễn ra trong trường hợp này. Những biến động thường được nhấn mạnh, và cũng thế, tâm trạng nhân vật thường được nhấn mạnh. Những biến động như thể qui định mạch truyện và đặc biệt ngầm ẩn trong ngôn ngữ, hay khác hơn, qui định ngôn ngữ truyện (và vì thế, là cấu trúc truyện) bởi vì ngôn ngữ đã thực hiện cùng một lúc hai chức năng: biểu hiện và che giấu. (Che giấu bởi vì người viết, trong trường hợp này, thường có khuynh hướng xây dựng một khoảng mờ nhất định cho toàn bộ những biến động kia trú ngụ). Như thế, môtíp-đề tài “trở về” tạo cơ hội để người kể chuyện có thể để cho nhân vật thể nghiệm tình cảm của mình và thực hiện một chọn lựa, nếu có, trong tiến trình biến động.

Chúng tôi so sánh ba truyện ngắn: Canh khuya của Ivan Bunin, Nhà của lính của Ernest Hemingway và Mua cần câu cho ông ngoại của Cao Hành Kiện theo hướng này.

2.

Ivan Alekseyevich Bunin (1870-1953) là nhà văn Nga trong dòng truyền thống Tolstoy và Chekhov. Ông là nhà văn Nga lưu vong, và là nhà văn Nga đầu tiên đọat giải thưởng Nobel văn chương năm 1933. Truyện ngắn của Ivan Bunin lãng đãng màu sắc thơ mộng của thiên nhiên, nông thôn Nga, và cũng thế, tâm hồn Nga. Đọc truyện ngắn của Bunin, ta như đi lạc vào miền dịu ngọt mà buồn thương của nỗi lòng, và chợt nhận ra tất cả cứ mơ màng một giấc mộng, ngay cả ở những truyện mà sự kiện lộ ra mười mươi. Canh khuya là một truyện như thế của Bunin. Mặc dù nhiều người cho rằng đây không phải là truyện tiêu biểu của Ivan Bunin, nhưng chất sầu thương trong truyện cứ siết lấy nỗi lòng người đọc khi một Bunin của nỗi niềm xa xứ hiện ra trong ánh trăng khuya. Nhân vật tôi đã trở về trong một đêm trăng như thế trong truyện ngắn Canh khuya để tìm về với chút ký ức đã thành kỷ niệm. Bước đi thơ thẩn, không muốn vội vàng, vì e rằng sẽ chẳng còn lần nào để được trở về.

Ernest Miller Hemingway (1889-1961), nhà văn Mỹ thế kỷ 20, nhà văn của những cuộc phiêu lưu theo hai nghĩa: tác giả sống cuộc đời phiêu lưu, đầy thử thách và những nhân vật của ông cũng sống đời phiêu lưu, đầy rủi may.Ông đọat giải thưởng Nobel văn chương năm 1954. Trước đây, trong những lần đề cập đến không gian của nhân vật của Ernest Hemingway chúng tôi đã nói đến thứ không gian quảng trường đầy biến động hoặc chực chờ biến động. Và rằng nhân vật  của Ernest Hemingway không sống trong môi trường gia đình, hay một cách khác, môi trường gia đình không phù hợp với nhân vật của Ernest Hemingway. Trường hợp truyện ngắn Nhà của lính là một trong rất ít trường hợp ngoại lệ về không gian của nhân vật Ernest Hemingway. Trong truyện, Krebs, người lính đã tham gia thế giới chiến tranh lần thứ nhất, cảm  thấy bỡ ngỡ khi trở về gia đình và anh dự định sẽ lại ra đi, dù rằng cho đến khi truyện khép lại thì Krebs vẫn chưa ra đi. Như thế không gian gia đình, trong truyện ngắn này, có thể được cảm nhận như thứ mặt kia của quảng trường: chực chờ biến động.

Cao Hành Kiện là một trường hợp khác. Ông là nhà văn gần chúng ta nhất, sinh năm 1940, tại Giang Tây, Trung Quốc. Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh năm 1962, đi qua cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1977) trong trại cải tạo giáo dục, rồi trở về Bắc Kinh làm công tác xuất bản, phiên dịch, biên kịch. Năm 1988, ông sang Pháp và mười năm sau, nhập quốc tịch Pháp (1998). Ông là nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình người Trung Quốc đầu tiên và là công dân Pháp thứ 13 được nhận giải thưởng Nobel văn chương vào năm 2000. Theo một cách nhìn nào đó, kịch mới là thế mạnh của Cao Hành Kiện nhưng tiểu thuyết Linh sơn lại mang lại cho ông vinh dự của giải thưởng văn chương cao nhất hành tinh. Còn truyện ngắn tiếp tục thể hiện sự thử nghiệm của ông. Trong truyện ngắn Mua cần câu cho ông ngoại, sự dẫn dắt của ký ức tuổi thơ với vết hằn ám ảnh của nỗi niềm hiện tại đã  đưa nhân vật tôi trở về với quá khứ, đi tìm quá khứ như một cuộc tự nhận thức thời thế. Cái mạch ngầm ấy đã chi phối mạch truyện, quyết định các sự biến mang tính cốt truyện mà việc mua cần câu cho ông ngoại như là cái cớ đầu tiên đẩy nhân vật về phía của cuộc phiêu lưu tinh thần, đẩy tác giả vào cuộc phiêu diễn của ngôn ngữ.

3.

Tính chất tự truyện hiện lên khá rõ trong cuộc trở về của Canh khuya. Chúng ta chú ý một điều là Bunin thường ghi chú ngày tháng sáng tác rất cụ thể dưới mỗi truyện ngắn của ông. Canh khuya là “ ngày 19 tháng 10 năm 1938”. Bấy giờ là thời gian ông đang sống tại Pháp. Nỗi nhớ đất nước đã thôi thúc cuộc trở về, nhưng cuộc trở về lại chọn một mảnh đất của kỷ niệm. Đó là con đường đi zích zắc của tình cảm. Hiển lộ và che giấu là ở đây. Cái mạch ngầm để tạo ra cuộc dong ruỗi của ngôn ngữ cũng là ở đây. “Chao ôi, đã lâu lắm rồi mình chưa về nơi ấy, - tôi cứ nhủ mình như vậy. Từ năm mười chín tuổi đầu. Hồi nào đây tôi đã sống ở nước Nga, đã cảm thấy nước Nga là của mình, được hòan tòan tự do muốn đi đâu tùy thích, và dù có đi tới khỏang ba trăm verxta chăng nữa thì cũng chẳng phải khó khăn gì cho lắm. Ấy vậy mà tôi không đi, cứ nay lần mai lữa hoài. Rồi những năm, những thập kỷ cứ trôi, cứ qua đi. Thế mà nay đã không sao lần khân được nữa rồi: hoặc bây giờ, hoặc không bao giờ đi được nữa cả. Phải nắm lấy thời cơ duy nhất và cuối cùng, may được lúc canh khuya, sẽ không ai bắt gặp mình cả.”  Cuộc trở về giữa canh khuya của một đêm trăng, một mình lặng lẽ, vượt thóat thứ không gian thực, chuyển hẳn qua thứ không gian mộng, và ánh trăng đêm ấy nhuộm đầy mộng. Đó là cuộc trở về bằng mộng. Đó là cuộc trở về giữa cách trở. Không khí truyện ,vì thế, là không khí của những giấc mộng. Ngôn ngữ truyện của Bunin đẫm màu sắc mộng là vì thế.

Cuộc trở về của Krebs trong Nhà của lính của Ernest Hemingway là cuộc bị ném về với thực tế đã bội phần thay đổi. Sau chiến tranh người lính về nhà, và tất cả hóa xa lạ. Gọi thế hệ lạc lõng (lost generation) là vì thế. Krebs đã về thị trấn quê hương ở Oklahoma trễ hơn tất thảy mọi người lính đã tham dự chiến tranh thời ấy. Anh trở về quá ư là trễ, he came back much too late, sau khi những câu chuyện bịa đặt về chiến tranh của những người về trước đã trờ thành sự thật. Anh buộc cũng bịa đặt theo. Và vô phương cứu chữa: anh buồn nôn. Krebs sống một mình với sự thật chiến tranh và tìm cách đối chứng với thực tế. Và anh vô vọng: mọi chuyện đã đổi thay hay là mọi chuyện đã đổi thay từ anh. Cảm giác buồn nôn của Krebs chạy suốt tác phẩm. Câu chuyện hiện lên theo cuộc đối chứng giữa một bên là mình-đi-qua-chiến-tranh với bên kia là cuộc sống sau chiến tranh. Hiện thực đã chọn con đường đi ngang qua nỗi cô đơn của một người lính trở lại quê muộn màng là Krebs. Thấp thóang đâu đó một Ernest Hemingway trong kiểu nhân vật hóa thân.

Khó có thể nói rằng truyện ngắn Mua cần câu cho ông ngoại của Cao Hành Kiện là một tự truyện theo cách hơi khiên cưỡng như đối với truyện ngắn Canh khuya của Bunin. Nhưng cả hai có một điểm giống nhau là trở về quê cũ trong mộng – giấc mộng của Bunin hiện lên trong không khí truyện còn giấc mộng của Cao Hành Kiện là không khí và đồng thời là sự kiện khép mở, phát triển theo dòng chảy của cơn mơ giữa ban ngày kiểu Freud mà cũng là của Jung. Vì thế, truyện mở ra nhiều cơ hội để Cao Hành Kiện làm nhiều cuộc đối sánh thú vị: hôm nay – hôm qua, tôi – anh  (cũng là tôi đó nhưng phía khác). Một nỗi niềm đã hiện lên, thấm vào trong mạch truyện là vì thế.

Đề tài “trở về”, nhìn từ đây, mang một đặc trưng chuyển tải tâm trạng, nỗi niềm, và đôi khi cả thái độ của người viết một cách kín đáo. Điều mà trên đây chúng tôi gọi là hiển lộ và che giấu. Chúng ta có cảm giác như toàn bộ cái truyện đã mở ra một con đường ngang qua nhau giữa thứ không gian quá khứ và hiện tại. Nhân vật luôn đi về trong hai thứ không gian mà cũng là thời gian đó. Đẩy xa hơn ý tưởng chúng tôi vừa nêu thì chính hiện tượng này, tức hiện tượng đi về giữa hai thứ không-thời gian hiện tại và quá khứ, đã tạo thứ không khí chung của truyện viết theo đề tài “trở về” – không khí bàng bạc của tâm trạng. Vì  thế, chất “tự truyện” thật ám ảnh trong sáng tác và tiếp nhận.

4.

Một điểm khác biệt chợt hiện ra ở đây: chất hiện thực trong truyện ngắn Nhà của lính của Ernest Hemingway so với chất mộng ảo, hư thực trong hai truyện ngắn Canh khuya của Bunin và Mua cần câu cho ông ngoại của Cao Hành Kiện.

Krebs từ chiến trường trở về, dù là quá muộn so với những người lính khác thì anh cũng trở về với cõi thực, trong không khí gia đình. Cái lạc lõng nếu có là từ tâm trạng của anh khi nỗi ám ảnh về cái chết và cách nhìn nhận những giá trị thực đã khác xưa khiến anh nhìn nhận những đổi thay của hiện thực quê nhà dưới một màu sắc khác: đẫm màu tâm trạng, và nhìn  bản thân anh cũng thế. Anh bước thẳng từ chiến trường về nhà và loanh quanh với phố, thơ thẩn với phường, lạc lõng và bất xác định. Tất cả nằm trọn vẹn trong cõi thực. Những con người Krebs gặp lại là những con người bằng xương bằng thịt, những mối quan hệ của Krebs với những con người ấy là những mối quan hệ thực, đang diễn ra. Những trao đổi, khẳng định, từ chối, nài nĩ, yêu cầu… đều là những tác động thực. Toàn bộ sự quan tâm của Ernest Hemingway ở đây là tâm trạng của Krebs, là sự che giấu một điều gì đó sâu trong thế giới nội tâm riêng tư của nhân vật mà tất cả hiện ra trong thế bất xác định của thái độ và tâm trạng. Krebs đã tồn tại như thế.

Còn con đường đi của nhân vật tôi trong Canh khuya của Bunin lại mang màu hư thực của giấc mộng – đi trong giấc mộng hay là đi bằng giấc mộng. Bunin chọn bối cảnh một đêm trăng khiến không khí truyện càng đậm màu mộng ảo. Nhân vật xưng tôi trong truyện ngắn này không trở về mái nhà xưa mà trở về quê cũ một lần cho mãi mãi không về. Theo ánh trăng, đi qua cây cầu đá, bắt gặp dòng sông và nhìn thấy chiếc tàu guồng; từ chỗ cây cầu, nhìn thấy ngọn đồi phía trước và cái thị trấn đồi; thế là một kỷ niệm của nụ hôn tay đầu tiên trong đêm hỏa họan được dựng dậy dẫn dắt nhân vật tìm về phố Cũ. “Mục đích của tôi là muốn đến thăm cái phố Cũ. Tôi có thể đến đó bằng con đường khác, gần hơn. Thế nhưng tôi lại rẽ vào những đường phố rộng rãi đầy vườn tược này, vì tôi muốn ngó qua cái trường trung học ấy.” Đi vào phố Cũ , kỷ niệm tuổi học trò hiện ra, “ngồi lên một bệ đá cạnh một ngôi nhà thật kín cổng cao tường”, nhân vật tôi nhớ về đêm hò hẹn cũ. “Và đấy, trong một đêm như thể canh khuya ấy, khi cả thị trấn chỉ có một người không ngủ thì em đã đợi tôi trong khu vườn nhà, một khu vườn đã chớm héo khô vào lúc sắp sang thu”. Ngay nơi đây, trong khu vườn hẹn, ngồi bên nhau giữa đêm trăng, ngôi sao xuất hiện như một nỗi ám ảnh mà mãi về sau này vẫn nguyên vẹn nỗi ám ảnh ấy. “Khi nhìn sang trái, tôi thấy một con đường nhỏ mọc đầy cỏ khô chìm lấp dưới một rặng táo khác của nhà ai đó, ló ra rất thấp một ngôi sao đơn độc màu xanh lá cây, một ngôi sao leo lét với vẻ lãnh đạm nhưng lại trông chờ, một ngôi sao đang nói gì đó nhưng lại chẳng nói thành lời. Thế nhưng cả khu vườn lẫn ngôi sao ấy tôi chỉ thấy thóang qua, bởi lẽ trên đời bây giờ chỉ còn bóng tối lờ mờ và cặp mắt em lấp lánh lóe sáng trong bóng tối lờ mờ đó.”

Từ con phố Cũ, nhân vật tôi tưởng sẽ quay lại con đường đã qua nhưng lại thú nhận một điều vờ quên lãng: sẽ đi tiếp theo lối ra khỏi thị trấn, “đi đến thị trấn của những người đã chết”. Nàng đã hiện ra, ngôi mộ hiện ra, và ngôi sao hiện ra, khép cơn mộng lại hay là làm bừng sáng cơn mộng thì cũng thế: “Còn phía sau tường, như một hạt ngọc tuyệt vời, vẫn ló ra một ngôi sao không cao lắm, màu xanh lá cây, tuy vẫn rực rỡ như ngôi sao trước, nhưng câm lặng và bất động.” Hóa ra toàn bộ cuộc về của nhân vật tôi giữa canh khuya trong truyện ngắn của Bunin là hướng về ngôi sao câm lặng ấy.

Mua cần câu cho ông ngoại của Cao Hành Kiện cũng đi theo con đường mộng mị. Không phải chỉ cái khép hờ của truyện chỉ ra cho chúng ta thấy điều ấy mà cả bước đi và những ngơ ngác của nhân vật tôi đã mở ra màu sắc mộng. Chúng ta, theo một hướng nhìn nào đó, có thể cho rằng Cao Hành Kiện đã khai thác con đường đi của vô thức – nhân vật chìm vào trong vô thức hiện ra thành mộng để nhà văn hiển lộ và che giấu cái cảm thức thời thế của mình. Nhưng ở đây nhân vật của Cao Hành Kiện tìm về ngôi nhà xưa, mang cây cần câu  hiện đại về cho ông ngoại của thứ quá khứ cũ càng. Cuộc tìm về vì thế là cuộc đi về giữa hai bờ hiện tại và quá khứ trong cõi hư thực; cái cảm thức thời thế của tác giả có cơ hội thể hiện rõ trong màu sắc triết lý phương Đông khi cái nhìn dịch biến và cái nhìn bể dâu đã có lúc gặp nhau.

Vì là con đường đi của ký ức tự mình đối sánh với những đổi thay hiện tại, và tất cả được lồng trong cơn mộng mị nên nhân vật cứ trở đi trở lại những chốn quen, cứ mở rộng dần ra trong cảm thức thời thế hay là thế thái nhân tình. Trước hết là cái hồ đã từng hóa thành cái đầm hôi thối trong quá khứ, rồi theo lời ông ngoại kể  con sông đã cạn bởi cái hồ chứa nước mọc lên. Cây cầu đá bên cạnh hồ rồi con đường phía Nam hồ, rồi cái sân nhà cũ có khắc hình Phước, Lộc, Thọ, Hỷ với cô bạn thời thơ ấu Tảo Oa, rồi miếu Quan Đế nhưng nhân vật vẫn không tìm được ngôi nhà xưa. Thế là nhân vật của Cao Hành Kiện tìm về ngoại ô. “Về bên con sông ngoại ô hồi nhỏ ông ngoại thường dẫn tôi đến câu cá”, và “con sông đã khô cạn, giờ chỉ chảy ra đá…Lòng sông chỉ thấy  toàn là đá lớn long lốc bất động, như một bầy dê ngốc nghếch con nọ huých con kia, sợ người ta đuổi chạy, cuối cùng thì chạy đến gò cát…Tiếng cát lạo xạo đang đe dọa sẽ chôn vùi tất cả. Chúng đã chôn vùi mọi thứ bên hồ, và sẽ chôn vùi thành phố, chôn vùi cả ký ức tuổi thơ của anh và tôi”. Rồi  những cơn sóng cát  từng đợt tràn về nhận chìm tất cả vào hoang phế, kể cả Cổ lâu lan. Nơi dòng sông cát phủ trùm hoang phế ấy, nhân vật bới tìm được con cá khô khốc tự bao giờ, và chợt bắt gặp mảnh tường nhà ngày cũ, người bạn gái hiện ra nhưng khuôn mặt đã già nua với những nếp nhăn, và sói, và nhân vật của Cao Hành Kiện sực tỉnh bước khỏi trận bóng đá truyền trực tiếp sáng nay giữa hai đội Achentina và Cộng hòa Liên bang Đức. Hóa ra cơn mơ trở về ngôi nhà cũ được dựng dậy từ một cơn thiếp ngủ khi nhân vật đang theo dõi trận bóng đá có Maradona. Không biết điều gì đã thúc đẩy cuộc trở về này nhưng ấn tượng về một nỗi ám ảnh và tâm trạng bi thiết trước cuộc bể dâu thì có thật. Đó là điểm hoàn toàn khác giữa truyện ngắn Canh khuya của Bunin với truyện ngắn Mua cần câu cho ông ngoại của Cao Hành Kiện.

Cả hai nhà văn đều như có tâm sự về đất nước và thời cuộc; cả hai như chuyển tâm sự ấy vào trong hai truyện ngắn nêu trên; mặc dù nhân vật tôi của cả hai truyện ngắn đều có con đường đi giống nhau: vào thị trấn, đi qua cây cầu đá rồi ra vùng ngoại ô, và nơi ngoại ô ấy tìm thấy điều mình muốn tìm nhưng với Canh khuya thì mọi thứ như không thay đổi, còn Mua cần câu cho ông ngoại thì tất cả đã bể dâu, nhân vật của Cao Hành Kiện như lạc giữa chốn quê khiến chúng ta nhớ nỗi thê thiết trong câu thơ của Nguyễn Khuyến:

Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái

Một tiếng trên không ngỗng nước nào

Điểm khác nhau lớn nhất này giữa hai truyện như nêu trên, nếu được đặt trong bối cảnh cụ thể của chúng gắn với hoàn cảnh của tác giả, lập tức dẫn chúng ta đến một điểm thú vị: màu sắc phê phán của cái nhìn, nỗi thất vọng trong giọng kể đầy trách móc pha lẫn ngậm ngùi. Chúng ta hãy để ý rằng Bunin đã so sánh cái không thay đổi, hoang vắng của thị trấn thảo nguyên Nga với cái Paris rực rỡ, và Cao Hành Kiện là cái quá khứ đầy kỷ niệm với cái hiện tại bề bộn, ngổn ngang, học đòi. Đúng ra chất ngậm ngùi rõ hơn nơi Bunin, còn Cao Hành Kiện là trách móc (cái hiện đại, cái biển dâu, cái bề bộn) khiến ta nhớ hai dòng thơ của Bà Huyện Thanh Quan với hai nỗi niềm:

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt

Nước còn cau mặt với tang thương

Cũng nói về đổi thay nhưng Nhà của lính của Ernest Hemingway lại khác. Krebs  cảm nhận thị trấn quê nhà vẫn vậy, có đổi thay chăng là nơi những con người trong thị trấn. Anh cảm nhận những đổi thay một cách tự nhiên từ một nỗi buồn lạc lõng. Anh không phê phán, có khi anh cảm thấy thích thú nhưng không gần được. Thế thôi. Vì thế, màu sắc phê phán (xã hội) không hiện ra trong Nhà của lính của Ernest Hemingway, nhưng chất hiện thực thì lại rất rõ, đặc biệt hiện thực tâm trạng.

5.

Tất cả những điểm chúng tôi nêu trên đã chi phối các mối quan hệ của nhân vật, vì thế, qui định mối quan tâm của tác giả. Đây cũng là đặc diểm của đề tài “trở về”. Trở về là (để) hướng tới tái lập các mối quan hệ hoặc/ đồng thời nhìn ngắm các mối quan hệ dưới một ánh sáng khác. Điều đó làm nảy sinh một kiểu nhân vật có vấn đề, nghĩa là kiểu nhân vật vừa che giấu trong nó một nỗi niềm vừa tìm cách bộc lộ theo cách khúc xạ hóa, tức là người kể chuyện nhân vật hoặc nhân vật nói tránh, nói theo kiểu tấm gương soi, nói theo kiểu đối chiếu lấp lửng hoặc đối chiếu nhấn mạnh một vế -thường là quá khứ - để tạo độ lệch cần thiết. Để thông cảm với những cách nói như thế, đến lượt mình, người đọc phải tái lập chúng trên cơ sở mối quan hệ giữa tác giả với toàn bộ bối cảnh sáng tác chung và cá nhân. Trên thực tế, những đòi hỏi như thế đôi khi đẩy người đọc lẫn nhà nghiên cứu  đến tình trạng suy diễn không cần thiết nếu họ vượt khỏi giới hạn của văn chương. Vì thế, những khảo sát các mối quan hệ chỉ nên được tiến hành trong giới hạn nội văn bản.

Bunin tìm về với thứ kỷ niệm thời trẻ dại, và duy nhất một lời tỏ tình được nhớ lại khi em tiễn nhân vật tôi trong một đêm trăng:

Rồi sau đó, khi em đưa tiễn tôi ra đến cổng, tôi bảo em:

- Nếu có đời sau mà chúng ta lại được gặp nhau thì lúc ấy anh sẽ quì xuống hôn chân em vì tất cả những gì em đã từng cho anh trên cõi trần thế này.

Lời chia tay như lời vĩnh biệt, một đi không trở lại. Đó chẳng phải là lời chia tay ra về trong mạch logic của câu chuyện  mà đã đượm màu tâm trạng của người biết rằng sẽ không còn cơ hội trở lại quê hương và của người biết rằng sẽ chẳng thể nào gặp lại người yêu thời trẻ dại bởi người yêu đã mất và bản thân lại cách xa. Cái hư và cái thực của nỗi lòng cài vào câu chuyện , cài vào giọng kể là như thế. Còn tất cả phần còn lại của các mối quan hệ là thị trấn quê nhà.

Nhân vật hóa thân là Krebs của Ernest Hemingway trong Nhà của lính không trở về tìm lại các mối quan hệ cũ mà anh bị ném về, bằng chứng là  anh trở về muộn màng và cuối truyện lại toan tính ra đi. Và vì thế, các mối quan hệ bạn bè và gia đình hiện ra trong tác phẩm luôn trong thế chống đỡ của Krebs. Những cô gái trẻ thì đã lớn, lại sống trong một thế giới đã thành nhóm rõ ràng và liên miên cãi cọ quá đổi phức tạp đến nỗi anh cảm thấy mình không đủ năng lực hoặc dũng khí can dự vào. Còn người mẹ thì lo lắng, yêu thương nhưng không hề thông cảm hay hiểu Krebs ; người cha thì xa lạ , xa vời. Chỉ còn đứa em gái Helen dường như có thể chia sẻ nhưng anh chẳng thể hiện điều gì rõ ràng. Anh ngại tiếp xúc, anh muốn cuộc đời mình trôi đi phẳng lặng. Và truyện khép lại bằng một câu lấp lửng: “Anh sẽ đến sân trường và xem Helen chơi bóng chày trong nhà”.  Krebs cứ lãng đãng như thế. Các mối quan hệ trong Nhà của lính của Ernest Hemingway như kiểu tấm gương phản chiếu tâm trạng lạc lỏng của người lính từ chiến trường trở về  là Krebs.

Cao Hành Kiện đã xây dựng các mối quan hệ của nhân vật tôi trong truyện ngắn Mua cần câu cho ông ngoại theo cùng hướng ấy nhưng lại khác. Không kể đến mối quan hệ với thị trấn cũ, với ngôi nhà xưa cùng người bạn tuối nhỏ là Tảo Oa thì toàn bộ truyện đẫm trong mối quan hệ giữa nhân vật tôi với ông ngoại và những thứ, những vật liên quan đến ông ngoại. Cơn mơ như là cái cớ để tác giả dựng dậy cái quá khứ ẩn hiện trong cái hiện tại bề bộn, ngổn ngang; tất cả cứ ngang dọc, dọc ngang chồng chéo bằng cách bất định của giấc mơ, bằng cách lặp lại của giấc mơ, bằng cách tản mạn của giấc mơ. Đặc điểm này cho phép tác giả nói được nhiều điều tưởng chẳng thể nào nói được trong một tình huống nhất định nào đó. Câu chuyện có khi gắn với một thời điểm lịch sử (ví dụ cuộc Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc), có khi gắn với câu chuyện của ông ngoại đầy chất ngụ ngôn, và cũng như thế với một số hình ảnh cụ thể nào đó, ví dụ hổ hoặc sói hoặc cá hoặc cát, hoặc gắn với những đọan đối thoại mang chất truy tìm, truy đuổi một ý nghĩa đã thập phần rõ ràng (đối với người đọc) nhưng lại đầy ám ảnh đối với nhân vật tôi theo kiểu nhân vật tôi phân thân trong giấc mơ mà tự nhìn ngắm mình, mà phơi bày nỗi ám ảnh. Chúng ta hãy dừng lại một đọan đối thoại sau đây (xin lỗi là tôi phải trích khá dài) về hổ:

“ -    Ông ơi, gặp hổ ông có sợ không?

Ông không sợ hổ, ông chỉ sợ kẻ xấu.

Ông ơi, ông đã gặp kẻ xấu chưa?

Kẻ xấu còn nhiều hơn hổ, ngoài ra cháu không được phép dùng súng bắn.

Nhưng đó là kẻ xấu mà!

Trước khi sự việc xảy ra thì cháu không thể biết đó là người tốt kẻ xấu.

Nếu biết được rồi thì có thể bắn chết không?

Bắn người sẽ vi phạm pháp luật.

Thế kẻ xấu không vi phạm pháp luật à?

Pháp luật không nắm nổi những kẻ xấu, xấu hay không là ở trong tâm địa họ.

Nhưng họ làm điều xấu.

Không rõ ràng đâu cháu ạ.

Ông ơi, chúng ta còn phải đi xa không?

Hừm.

Ông ơi, cháu không đi được nữa.

Không đi được thì cắn răng lại mà đi.

Ông ơi, răng cháu rụng hết rồi.

Thằng bé hư này, đứng dậy!

( Câu “Ông ơi, chúng ta còn phải đi xa không?” bắt đầu cuộc lảng tránh của nhân vật tôi khiến tôi nhớ đến đọan thằng bé Nick lảng tránh nỗi ám ảnh về cái chết cũng bằng cách nói lảng trong đọan đối thoại với người cha trên đường đi về ngang qua hồ trong truyện ngắn Trại người Da Đỏ của Ernest Hemingway).

Và đây là sói, khi nhân vật tôi như tìm được tấm gạch của bức bình phong nơi căn nhà cũ giữa hoang phế: “…tôi biết những chỗ hoang phế thường hay có sói, nhưng bốn mặt đổ nát đều có sói, thì ra chỗ hoang phế này đã trở thành ổ sói, không được quay đầu lại, ông tôi bảo, nếu con người chẳng may chạm trán với dã thú thì không bao giờ được phép quay đầu, con sói sẽ thừa dịp cắn đứt cuống họng anh…” Cả hổ lẫn sói đều là những con thú (có thể) ăn thịt người. Cách nói dùng màu sắc ngụ ngôn theo kiểu phương Đông này đã khiến phần che giấu hóa hiển lộ trong cái truyện ngắn đầy phức tạp của giấc mơ, vì thế sự phức tạp trở nên không cần thiết, và nếu có, là cần thiết cho đường đi đứt nối của giấc mơ. Một mặt tác giả muốn xây dựng tình trạng bất định của ám ảnh nhưng mặt khác ý đồ lại rõ cho nên sức nặng của cái truyện dồn về phía các mảnh ngụ ngôn nơi hình ảnh và chất giọng. Nỗi ám ảnh của nhân vật, vì thế, đã mang màu trách cứ, phê phán. Nỗ lực đổi mới cách viết truyện ngắn như một diễn trình ngôn ngữ của Cao Hành Kiện được thực hiện trên cơ sở tiếp thu cái truyền thống của văn học Trung Quốc đã tạo nên sự khác biệt trong việc miêu tả các mối quan hệ của nhân vật tôi trong nội văn bản tác phẩm của truyện ngắn Mua cần câu cho ông ngoại so với hai truyện ngắn Canh khuya của Ivan Bunin và  Nhà của lính của Ernest Hemingway. Dĩ nhiên những yếu tố ngoại văn bản đã được chúng tôi tính đến trong một bối cảnh khảo sát nhất định như trên đây.

6.

Cả ba tác giả đều là ba nhà văn đọat giải thưởng Nobel văn chương; cả ba tác giả từng sống xa quê, xa nước và đều có thời sống ở Paris; cả ba tác giả đều vận dụng đề tài “trở về” ít nhất trong một truyện ngắn  của mình: Ivan Bunin với Canh khuya, Ernest Hemingway với Nhà của lính  và Cao Hành Kiện với Mua cần câu cho ông ngoại.

Từ cái nhìn so sánh, chúng ta nhận ra rằng đề tài “trở về” đã tạo nên những đặc điểm riêng về cốt truyện và giọng điệu, kiểu nhân vật và thể điệu tình cảm, thứ không-thời gian gấp khúc, đan xen và tương tác …, tất cả làm nên thứ không khí dễ nhuốm màu tự truyện của tác phẩm. Và ngay ở đây, tác giả thường phả tâm trạng của mình vào nhân vật như một chứng nhân của những biến động, biến đổi và dịch chuyển của cuộc đời và lịch sử. Điều này, một khi dồn vào cái dung lượng ngắn ngủi của truyện ngắn, đã làm nên cái “cấu trúc” đặc trưng hiển lộ và che giấu của toàn tác phẩm, có lẽ của riêng truyện ngắn, với tư cách là nét thi pháp của đề tài.