Oe Kenzaburo và nỗi đau nhân loại trong một nỗi đau riêng

In bài này

Oe Kenzaburo là nhà văn Nhật Bản thứ hai – sau Yasunary Kawabata (1899-1972) – đoạt giải Nobel văn học vào năm 1994 và hiện đang còn sống. Oe sinh năm 1935 tại Shikoku trong một gia đình địa chủ giàu có, nhưng gia đình ông đã mất hầu như toàn bộ gia sản do bị tịch biên trong cải cách ruộng đất. Tài năng văn chương của ông hé lộ ngay từ những năm ông còn ngồi trên ghế giảng đường Đại học Tokyo (1954-1959). Tác phẩm đầu tiên của Oe gây được sự chú ý của giới văn chương là Hoang phí hay là cái chết (1957). Tuy nhiên, phải đến tiểu thuyết đầu tay, Những nụ héo chồi độc, những đứa trẻ bạo tàn (1958), thì vị trí của Oe trên văn đàn mới được khẳng định bằng giải thưởng Akutagawa.

Các tác phẩm tiêu biểu của ông như Tiếng gào câm lặng (1967), Trò chơi của những người cùng thời (1979), Thức dậy, con người hiện đại (1983)... biểu hiện sự tan vỡ ảo tưởng và sự nổi loạn của thế hệ Hậu Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Đó cũng là những tác phẩm tiêu biểu cho sáng tác của các nhà văn hiện đại về mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, giữa con người với con người. Năm 1960, Oe kết hôn và năm 1963 vợ chồng ông sinh con trai đầu lòng bị dị tật bẩm sinh về trí tuệ. Sự kiện này đã ghi đậm dấu trong văn nghiệp của Oe bằng một tiểu thuyết được cho là hay nhất của nhà văn, Một nỗi đau riêng (1964). Tác phẩm mang tầm vóc nhân loại và chứa đựng hầu hết mọi âm hưởng thời đại trong nó. Một nỗi đau riêng kể về cuộc đấu tranh của người cha trẻ tên Điểu trong việc đối đầu với thảm họa: đứa con mới chào đời mắc chứng thoát vị não. Thằng bé, nếu có phẫu thuật và may mắn tránh được đời sống thực vật thì lớn lên cũng trở thành một đứa trẻ không bình thường. Điểu, trong khi hoang mang lo sợ đã đi đến quyết định thông đồng với bác sĩ giảm khẩu phần sữa của thằng bé. Nhưng thật kì lạ, đứa bé “có tới hai cái đầu” ấy vẫn sống khỏe mạnh. Điểu, cùng với cô nhân tình Himiko quyết định mang đứa bé khỏi bệnh viện để nhờ một tay bác sĩ lang băm ra tay giúp. Nhưng tình cờ họ gặp lại người bạn nhỏ Kikuhiko năm nào, kí ức hiện về khiến Điểu bừng ngộ thoát khỏi cơn ác mộng và dũng cảm đương đầu với nó. Đứa con được phẫu thuật, anh bỏ nghề dạy học trở thành một hướng dẫn viên du lịch để nuôi vợ con và cũng để nuôi ước vọng về những miền đất xa xôi của mình.

1. THỜI GIAN MANG TÍNH KỊCH

Thời gian trong Một nỗi đau riêng là thời gian mang tính kịch, tất nhiên không phải thuộc loại “tam duy nhất” mà đã được tác giả xử lí theo xu hướng của kịch hiện đại. Thời gian truyện kéo dài khoảng một tháng. Tác phẩm dài hơn hai trăm trang nhưng chỉ bốn trang cuối cùng là có sự tách biệt về thời gian. Điều đó diễn ra sau khi con trai Điểu được phẫu thuật. Toàn bộ thời gian còn lại đều được gắn với những sự kiện tiêu biểu căng thẳng nhất được dồn nén lại trong bảy ngày kể từ khi vợ Điểu vào bệnh viện chờ sinh cho đến khi đứa con lên bàn mổ. Không gian cũng mang tính chất khép kín, dồn nén tương tự: nhà, bệnh viện, trường học, tam giác duy nhất khép kín ấy là nơi sinh sống, làm việc của Điểu và nơi vợ con anh nằm điều trị. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi và căng thẳng ấy, mỗi sự tiến triển của nội dung cốt truyện đều gắn với một địa điểm nhất định. Mở đầu tác phẩm, ta biết được lúc này là sáu rưỡi chiều một ngày mùa hè, ngày đầu tiên của cốt truyện và Điểu hai mươi bảy tuổi bốn tháng đang lang thang ngoài phố chờ tin vợ sinh trong bệnh viện. Tối hôm ấy Điểu bồn chồn, hai lần gọi tới bệnh viện gặp mẹ vợ để hỏi tình hình của vợ và ngủ chập chờn với một giấc mơ về châu Phi. Sáng hôm sau (ngày thứ hai) anh được bà mẹ báo tin vợ anh khỏe và con anh đã chào đời nhưng đó là một đứa trẻ bất bình thường. Anh đến ngay bệnh viện và choáng váng khi được bác sĩ cho hay con mình bị thoát vị não, một chứng bệnh do khiếm khuyết về xương sọ khiến não thò ra ngoài, thành thử đứa bé trông như có “hai cái đầu”. Trưa đó Điểu đến trường nơi bố vợ làm việc mong tìm ở ông niềm an ủi. Điểu được cha vợ cho một chai Jonhny Walker. Anh mò đến nhà Himiko, một người tình đặc biệt, người có thể hiểu, cảm thông và chia xẻ với anh từ thời còn học đại học. Hai người uống say bí tỉ. Sáng hôm sau (ngày thứ ba), Điểu đến trường luyện thi nhưng không dạy nổi do say rượu nôn mửa trước mặt học trò. Anh lại đến bệnh viện, chuyển con đi viện khác chờ phẫu thuật nhưng trong thâm tâm anh mong nó chết đi nên đã thông đồng với bác sĩ giảm khẩu phần sữa của nó. Đêm đó anh cũng ngủ ở nhà Himiko như đêm trước. Ngày hôm sau (ngày thứ tư) Điểu đến trường và chính thức bị sa thải do học sinh tố cáo. Hôm sau nữa (ngày thứ năm), anh tới bệnh viện thăm con rồi tới chỗ ông Delchel, một người bạn và là nhân viên ngoại giao của Lãnh sự quán bỏ nhiệm sở đến ở với cô nhân tình người Nhật Bản, nhằm thuyết phục ông trở về trước khi vụ việc bị làm rùm beng lên như một vụ “xì căng đan chính trị”.Hôm sau, sáng chủ nhật (tức ngày thứ sáu), bệnh viện gọi đến yêu cầu Điểu tới ngay. Điểu tưởng đứa bé đã chết nhưng không phải, người ta yêu cầu anh tới nộp viện phí và làm thủ tục phẫu thuật. Hôm sau, thứ hai (tức ngày thứ bảy), Điểu quyết định mang thằng bé về để nhờ tay bác sĩ lang băm bạn Himiko ra tay giúp. 5 giờ 30 phút chiều hôm ấy Điểu cùng Himiko đưa thằng nhỏ tới dưỡng đường của vị bác sĩ nọ rồi ra quán rượu, tình cờ gặp lại Kikuhiko, Điểu đột nhiên quyết định mang con về. Một tuần sau thì cuộc phẫu thuật diễn ra, anh trở về bên vợ con còn Himiko đi du lịch sang châu Phi cùng cậu thanh niên trẻ láng giềng. Như vậy là chỉ trong bảy ngày (bốn ngày chờ đợi con chết), với ba địa điểm chính (như đã kể ở trên), Điểu đã quay quắt với khá nhiều biến cố trong cuộc sống của mình. Đó là vợ anh sinh ra một đứa con dị tật. Bản thân anh thì bị sa thải trong khi giằng co với quyết định giết chết đứa con rồi lại giành lại nó khỏi tay tên bác sĩ lang băm mà anh nhờ vả. Chưa kể trong thời gian đó, câu chuyện về nhà ngoại giao và là bạn anh đã thực sự trở thành “một biến cố quốc tế”. Cốt truyện với những sự kiện lớn bị dồn nén lại trong một thời gian ngắn ngủi không chỉ làm bản thân nhân vật căng thẳng mà còn khiến độc giả cũng phải động não liên tục để theo dõi và bắt kịp diễn biến của nó. Thời gian và không gian mang tính kịch với sự vận động đến chóng mặt ấy chính là dạng không gian, thời gian hiện đại, gắn liền với những biến chuyển về kinh tế, văn hóa Nhật Bản đương thời. Những năm 1960 là lúc nước Nhật có những đổi thay lớn nhờ kết quả của công cuộc đổi mới và mở cửa. Những đổi thay ấy (như bất kì một đổi thay nào khác) đã có tác động hai mặt tới đời sống của con người. Tính vị kỉ (như một nhược điểm của chủ nghĩa hiện sinh), cuộc sống phóng túng (như một trong những trào lưu hiện đại Tây phương) cùng với nhịp độ sống, làm việc kinh khủng đã vắt kiệt sức lực và làm khô cạn sự thánh thiện trong tâm hồn con người. Thời gian cốt truyện của cuộc sống gia đình Điểu với nhiều biến cố không phải là khó tìm và không phải là cá biệt trong bối cảnh đó. Nó nằm chung trong dòng chảy của thời gian đương thời. Thời gian ấy chỉ khiến người đọc chùng xuống, giãn ra khi tiếp xúc với bốn trang cuối cùng của tác phẩm – lúc con trai Điểu đã được phẫu thuật. Như vậy là, trước mọi biến cố, dồn nén nhưng không phải con người không có lấy một khoảng thời gian nhất định để thư thái tâm hồn. Mọi sự kiện căng thẳng diễn ra trong bảy ngày hè oi bức, ngột ngạt và vô cùng khó chịu đối với Điểu (chúng ta thấy các nhân vật thường xuyên vã mồ hôi và liên tục tắm) nhưng kết thúc tác phẩm, khi con trai Điểu đã được phẫu thuật cũng là lúc mùa thu đến. Mùa thu như một tín hiệu mở, đa nghĩa. Mọi vật, mọi người, kể cả Điểu dường như dịu lại, chùng xuống và đặc biệt là đã biết chấp nhận thực tại để tiếp tục nuôi dưỡng những ước mơ.

Một kiểu thời gian mang tính kịch, đầy căng thẳng nhưng cuối cùng cũng đã được mở nút bởi mùa thu, hay bởi lòng nhân ái của con người. Đó cũng chính là thông điệp mà Oe gửi gắm qua kết cấu thời gian đặc biệt của tác phẩm.

2. NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN MANG TÍNH TỰ THUẬT, LỒNG GHÉP ĐAN CÀI TRONG NGÔI KỂ

Đọc Một nỗi đau riêng cũng như các tiểu thuyết, truyện ngắn tiêu biểu của Oe Kenzaburo ta có thể thấy cái tôi tác giả thực sự hiện hữu trong tác phẩm. Cái tôi ấy khiến tác phẩm mang xu hướng tự thuật dù vị trí kể không phải lúc nào cũng ở ngôi thứ nhất. Đó chính là lời tâm sự, một câu chuyện đầy thương cảm về cuộc đấu tranh trong tâm hồn người cha trước đứa con dị tật. Oe sinh năm 1935, và đến năm 1963 khi vợ ông sinh con trai đầu lòng bị bại não thì ông đúng... hai mươi bảy tuổi bốn tháng như Điểu. Ngoài Một nỗi đau riêng, chủ đề về người cha và đứa con dị tật trí tuệ còn xuất hiện trở đi trở lại trong các tác phẩm khác của Oe. Ông tâm sự: “Khi cho in Một nỗi đau riêng vào năm ngoái tôi đã viết lời giới thiệu cho cuốn sách ấy rằng tôi “thử viết một tiểu thuyết giống như một “tệp tin” thực sự để “hoàn chỉnh” những chủ đề đã xuất hiện trong các sáng tác của tôi”(1). “Tệp tin” ấy chứa khá nhiều nội dung trong đó có thể kể đến các “tệp tin nhỏ” như truyện ngắn Quái vật trên không kể về người cha và người con trai là nhà soạn nhạc tâm thần (trong thực tế, Hikari, con trai của Oe cũng là một người thiểu năng trí tuệ nhưng nhạy cảm với âm nhạc. Sau này anh đã dùng âm nhạc của chính mình để giúp đỡ các thành viên tại trung tâm dạy nghề dành cho người khuyết tật do gia đình Oe thành lập). Hay câu chuyện về người cha chạy trốn bằng cách gửi đứa con vào một viện nuôi trẻ chậm phát triển trong tiểu thuyết Tiếng gào câm lặng. Nhưng tất cả đều không mang lại sự thanh thản trong tâm hồn. Cũng như Điểu, những người cha ấy rốt cuộc đều nhận thấy đó chỉ là sự tự dối lừa. Những câu chuyện mang tính tự thuật như vậy thực sự đã thuyết phục được độc giả bằng những rung động trong tâm hồn con người. Cuộc đấu tranh trong tâm hồn người cha vì thế mà dễ cảm thông hơn dù đôi lúc đã nhuốm màu vị kỉ. Oe Kenzaburo, cũng như các nhà văn trẻ Nhật Bản thế kỉ XX, tiếp xúc khá sớm với các trào lưu, chủ nghĩa hiện đại của văn học thế giới, đặc biệt là văn học các nước phương Tây. Phần nào phương pháp, kĩ thuật của những trường phái văn học phương Tây đã để lại dấu ấn trong các tác phẩm của họ. Nghệ thuật kể chuyện của Một nỗi đau riêng, ngoài tính tự thuật bởi cốt truyện, còn có tính tự động trong giọng kể mang xu hướng văn phong dòng ý thức với điểm nhìn đan cài, chuyển hóa liên tục từ ngôi thứ ba sang ngôi thứ nhất. Thuật ngữ dòng ý thức do nhà tâm lí học người Mĩ William James đặt ra vào cuối thế kỉ XIX. Ông cho rằng “ý thức là một dòng chảy, dòng sông trong đó có các ý nghĩ, cảm giác, các liên tưởng bất chợt thường xuyên chen nhau, thay nhau và đan bện vào nhau một cách lạ lùng, “phi logic”. Dòng ý thức là trường hợp cực đoan của độc thoại nội tâm”(2). Một nỗi đau riêng rõ ràng được kể bởi văn phong dòng ý thức, nơi dù người kể chuyện không đứng ở ngôi thứ nhất thì nội tâm nhân vật cũng tuôn trào không dứt trên trang giấy. Đây là một tiểu thuyết ít thoại. Người kể đi vào khai thác nội tâm nhân vật một cách có chủ ý. Toàn bộ dòng tâm tư sâu kín, kể cả những ý nghĩ tội lỗi nhất của Điểu được phơi bày mạnh mẽ khi thì từ một điểm nhìn khách quan bên ngoài, lúc lại đột ngột chuyển vào điểm nhìn nội tâm với người kể chuyện xưng tôi. Khi người kể chuyện ngôi thứ ba đổi vị trí kể thành tôi là lúc Điểu hoặc là phải đương đầu với tai họa về đứa con dị tật hoặc phải đối diện với chính mình trong những cơn say và chuyến đi mơ ước tới châu Phi. Hình ảnh châu Phi với thổ dân, thú hoang và thổ ngữ swahili cứ chập chờn, hỗn độn, xen vào thực tại của Điểu. Với châu Phi, bốn lần người kể chuyện ngôi thứ ba chuyển vị trí để Điểu được xưng tôi. Với đứa con thoát vị não, sự chuyển đổi ấy diễn ra sáu lần, còn lại ba lần khác là khi Điểu say rượu. Sự đan cài ngôi kể ấy không những tạo hiệu quả về mặt nội dung, tức là tạo độ tin cậy cho độc giả vào câu chuyện khi để Điểu đối diện với vấn đề của chính mình mà còn gây ra hiệu ứng về mặt hình thức lời văn. Hình thức lời văn tuôn chảy, hỗn độn, mông lung gây mơ hồ ấy thực thích hợp với tâm trạng Điểu, cũng là tâm trạng của thời đại khi mà mọi giá trị nhân văn có thể bị giá trị vật chất làm khuynh đảo. Cách kể ấy gây hoang mang cho độc giả, khiến họ phải theo dõi sát sao để bắt kịp câu chuyện, tránh cho mình không là một “Robinson Crusoe mất phương hướng” như Điểu. Oe rất thích Franz Kafka (1883-1924) và Ernest Hemingway (1899- 1961), hai nhà văn nổi tiếng mà có lẽ ông cũng học tập được ít nhiều ở họ lối tạo hiệu ứng mơ hồ trong lời kể do cách bố trí ngôi kể và lời văn đối thoại, độc thoại. Trong Một nỗi đau riêng có sự hiện diện chính thức của cả hai nhà văn này. Điểu say rượu, chiếm vị trí ngôi thứ nhất của người kể chuyện khi giảng Hemingway cho học trò ở trường luyện thi về một bức điện đa nghĩa của Brett gửi cho Jake Barnes trong Mặt trời vẫn mọc (The Sun also rises): “Anh có thể đến khách sạn Montana ở Madrid không? Em đang gặp rắc rối”(3). Lúc ấy Điểu vừa nôn mửa ra lớp học và chỉ muốn gửi đi một bức điện “Tôi đang gặp rắc rối”, nhưng chẳng biết gửi cho ai. Trong lúc hoang mang, Điểu đã cầu viện đến Hemingway với bức điện như một thông điệp gửi cho toàn nhân loại. “Tôi đang gặp rắc rối” nhưng rất có thể là “Tất cả chúng ta đang gặp rắc rối”. Một nỗi đau riêng, đặt trong tương quan thời đại, vì thế có thể đã trở thành nỗi niềm nhân thế. Với Kafka, Điểu (hay chính Oe), ngoài học tập, lại còn tìm thấy một mối đồng cảm khác mà có thể đây chính là điều khiến Điểu thức ngộ vai trò của mình. Đó là quan điểm đầy nhân văn mà Kafka đã bày tỏ trong thư gửi cha mình: “Điều duy nhất mà người cha có thể làm được cho đứa con là chào mừng sự ra đời của nó”(4). Một nỗi đau riêng, nhờ cách kể đặc biệt của văn phong dòng ý thức, tính chất tự thu ật với sự đan cài ngôi kể đã lột tả tận cùng được bi kịch của một người cha trong việc lựa chọn đối mặt hay chạy trốn khỏi đứa con dị tật. Điểu có thể là tôi, có thể là anh, và bài học của Điểu, nhờ nghệ thuật kể chuyện tài tình của Oe, đã trở thành bài học đầy cảm động với mỗi người.

3. VẤN ĐỀ THỜI ĐẠI, VẤN ĐỀ CÁ NHÂN

Một nỗi đau riêng, đó là tên tác phẩm sau khi đã được dịch ở Việt Nam, còn chính thức, nó là Kojinteki no taiken (A personal matter) – Một vấn đề cá nhân. Tuy nhiên, câu chuyện cũng có thể là Một nỗi đau riêng bởi về bản chất, nó thuộc về bi kịch cá nhân. Vấn đề ở đây không phải là bàn cãi để đi đến một tên gọi thống nhất, điều chúng tôi muốn nói ở đây là nỗi đau riêng ấy, bi kịch cá nhân ấy, thực sự đã được Oe khái quát thành nỗi đau nhân thế, vấn đề thời đại.

  1. Thường trực tâm trạng cô đơn

Các nhân vật trong tác phẩm, đặc biệt là Điểu và Himiko, những người thuộc lớp trí thức tiêu biểu trong những năm 1960 của Nhật Bản luôn sống trong cảm giác cô đơn, chán chường trước cuộc sống. Có thể nói, Điểu cô đơn ngay trong chính gia đình của mình. Anh luôn mất hết tự tin trước cha vợ, ngán ngẩm bà mẹ vợ còn vợ anh không bao giờ đồng tình chia xẻ về ước vọng tới châu Phi của anh, nơi mà nàng cho rằng “mớ thổ ngữ swahili... nghe rất giống tiếng gào của loài dã thú mà ngôn ngữ văn minh không có”. Biểu hiện cô đơn ở Điểu trước hết là anh luôn chìm vào dòng nội tâm bất tận. Ngôn ngữ của người kể chuyện ngôi thứ ba thường xuyên bị ngôn ngữ độc thoại nội tâm của Điểu chen lấn, thứ ngôn ngữ chỉ dành cho những người gặp nhiều suy tư, trăn trở. Biểu hiện thứ hai, một biểu hiện mang tính biểu tượng, là anh luôn mơ về châu Phi. Mỗi khi đề cập đến châu Phi, Điểu thường xuất hiện với vị trí người kể chuyện xưng tôi. Có thể với Điểu, một châu Phi hoang sơ, trong lành mới đúng là miền đất anh mong ước được khám phá. Hình ảnh châu Phi được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong tác phẩm như một biểu tượng ước mơ (khó vươn tới). Yêu thích châu Phi, Điểu sưu tập tất cả những gì liên quan đến vùng đất đó, từ bản đồ, sách hướng dẫn du lịch cho tới tác phẩm của các nhà văn châu Phi và cả tiểu thuyết Những ngọn đồi xanh châu Phi (The green hills of Africa) của Hemingway. Nhưng trên tất cả là một sự cố gắng biến ước mơ thành hiện thực khi ngày ngày Điểu tích góp tiền bạc gửi vào ngân hàng để chuẩn bị cho chuyến đi đó. Một trí thức chán chường nhiều ảo mộng như Điểu chỉ có thể được hiểu cũng bằng một trí thức chán chường nhiều ảo mộng khác, đó là Himiko. Himiko cũng là hiện thân của nỗi cô đơn. Thời sinh viên, nàng là một nữ sinh sôi nổi, say mê, nhiều hoài bão. Nhiều khi nhìn nàng sống trong cảnh bệ rạc hiện tại, Điểu vô cùng xót xa. Thật khó mà hình dung nổi làm thế nào mà một Himiko tràn đầy sức sống, thường vẫy chào anh “Hi!” như một nữ sinh Mĩ lại thành ra nông nỗi này. Giống như Điểu, như cô bạn gái bự con của Himiko, nàng cũng sống trong tâm trạng cô đơn chán chường chung của thời đại. Họ, những trí thức chỉ mải vui chơi và đã “khước từ mọi việc làm sau khi ra trường” bởi cho rằng “chúng không xứng đáng với tài năng” của họ. Himiko lấy chồng, chẳng bao lâu sau chồng nàng treo cổ tự vẫn ngay trong nhà. Nàng càng sống co mình lại trong căn phòng tối, uống rượu, hút thuốc và qua đêm với nhiều loại đàn ông. Thậm chí sự cô đơn chán chường còn lên đến cực điểm khi cả Điểu và Himiko cùng trần truồng nhìn nhau mà chẳng ai muốn làm tình. Nhưng giống như Điểu, nàng cũng có một niềm đam mê, đó là những lí luận triết học về thế giới đa nguyên trong đó có cả thế giới dành cho những con người sau khi chết. Nếu Điểu chỉ có thể tìm được niềm đồng cảm sâu sắc về châu Phi nơi Himiko thì trước mặt anh, nàng cũng có thể thao thao bất tuyệt hàng giờ về cái thế giới mà nàng đang tâm đắc và say mê nghiên cứu. Nhưng liệu cả thế giới đa nguyên lẫn châu Phi có phải là thứ hữu hình và với tới được của hai người? Đó chính là bi kịch. Bi kịch thời đại khoác tấm áo cô đơn. Oe Kenzaburo, với những lí thuyết của chủ nghĩa hiện sinh, đã khái quát sâu sắc bức chân dung thời kĩ trị và kinh tế trị. Đó là “tư tưởng bi quan sâu sắc đối với con người và cuộc sống,... mọi giá trị tinh thần đang mất hết ý nghĩa mà không gì bù đắp lại được. Con người đang bị bỏ rơi trong nỗi cô đơn giữa cái hiện hữu thù nghịch, cho nên cuộc đời chỉ là một sự vô nghĩa”(5). Trong tác phẩm, biểu hiện của cái cô đơn của Điểu và Himiko là tìm đến với những thế giới không hiện hữu, nhưng biểu hiện trực tiếp, đã trở thành biểu tượng chung, là hai người đều sống như những con chuột trong những cái hang. Hình ảnh cái hang lặp đi lặp lại khá nhiều trong tác phẩm. Dễ nhận thấy Himiko có những thói quen của loài gặm nhấm thường ẩn mình trong hang tối. Nàng sợ ánh sáng mặt trời. Himiko rất hay nheo mắt và phải đeo kính râm khi đi ra ngoài. Căn phòng nơi Himiko ở thường được đóng kín, chỉ tồn tại một thứ ánh sáng lờ mờ. Và nàng sống khá bừa bãi, quần áo thay ra, sách vở đang đọc dở, li chén bẩn, vỡ ngổn ngang khắp phòng. Điểu đã từng bị thủy tinh vỡ ở nhà Himiko cứa đứt chân. Bên cạnh đó, nàng lại có thói quen ngủ ngày, còn đêm đến, như loài chuột cống đi săn mồi, Himiko cưỡi trên chiếc MG đỏ lang thang khắp phố với tốc độ kinh hoàng, tốc độ mà mỗi khi ngồi trên cái ô tô thể thao đó, Điểu thường phải nhắm mắt lại. Ngôi nhà ấy, lối sống ấy được Oe miêu tả khá sinh động bằng cảm giác của Điểu sau khi cô bạn bự con của Himiko rời đi: “Mùi vị của kẻ ngoài cuộc đã biến mất, chỉ còn lại mùi vị đặc biệt của ngôi nhà cũ kĩ. Đó là cái hang của Himiko. Hẳn nàng đã chà xát mùi của cơ thể mình lên mọi xó xỉnh để làm bằng chứng đây là lãnh địa của mình, hoặc nàng không thể thoát khỏi sự khắc khoải, giống như một con vật bé nhỏ, mềm yếu”(6). Cùng tâm trạng sống như Himiko, Điểu, sau mấy ngày phờ phạc vì chuyện đứa con đã để vợ nhận xét “Anh trông giống như con chuột cống muốn chạy trốn vào hang”(7) khiến Điểu cảm thấy “như bị một cái tát bất ngờ”. Còn bản thân anh cũng luôn nhận thấy sự hiện diện của những cái hang xung quanh cuộc sống của mình. Khi bố chồng Himiko đề cập đến chuyến du lịch tới châu Phi chỉ có anh và nàng, Điểu vừa “háo hức biết bao vì được thư giãn với chuyến du lịch mang lại sự lừa dối ngọt ngào ấy”, lại vừa nhận ra “trong nhu cầu đáng ghét của mình anh cảm thấy như tự giấu mình trong hang tối”(8). Tức là Điểu bị giằng co giữa hai cảm giác hoặc là đối đầu hoặc là lẩn tránh. Đó cũng là cách hành xử của anh với tất cả mọi vấn đề mà anh gặp phải trong cuộc sống. Anh và Himiko, vừa luôn mơ ước tới những thế giới lí tưởng như đa nguyên hay châu Phi, lại vừa muốn ẩn náu trong hang sâu bất cứ khi nào gặp rắc rối. Đó liệu có phải là tâm lí chung của giới trí thức trong thời đại khủng hoảng vật chất, khi mà họ khó có thể đương đầu và tự giải quyết những vấn đề cá nhân? Phải chăng Oe đã tìm được mối đồng cảm sâu sắc với Kafka, nhà văn mà ông yêu thích với cả một kiểu lí luận về cái hang của loài người cho dù chẳng phải thời tiền sử? Đối với cả Oe và Kafka thì mọi cái hang và mọi sự trốn chạy đều chỉ là một sự dối lừa, bởi vì kẻ trú trong hang chỉ tìm thấy sự an toàn giả tạo mà thôi. Truyện ngắn Hang ổ của Kafka kể về kẻ tự đào cho mình một cái hang nhiều ngóc nghách để kiếm tìm sự yên tĩnh. Tới khi tưởng chừng như đã được an toàn ở trong hang, kẻ đó mới bàng hoàng nhận ra rằng ngay cả thế giới ẩn sâu trong lòng đất đó vẫn có những nguy cơ tiềm tàng khác mà người ta không thể lường hết được. Cũng vậy, Điểu của Oe cuối cùng cũng đã nhận ra rằng chấp nhận thực tại còn hơn là suốt đời chạy trốn.

  1. Trạng thái thất vọng và mất phương hướng trong cuộc sống

Tâm lí thời đại trong Một nỗi đau riêng của Oe, ngoài sự cô đơn khủng khiếp của con người, còn thể hiện ở trạng thái thất vọng và mất phương hướng trong cuộc sống. Có thể dễ dàng nhận thấy tâm lí thất vọng tràn ngập tác phẩm. Cha mẹ vợ thất vọng về Điểu. Đầu tiên không phải ngẫu nhiên một giáo sư chủ nhiệm khoa ở trường Đại học lại trao gửi cuộc sống của con gái yêu vào tay Điểu. Chắc chắn khi ấy Điểu phải là một chàng sinh viên giỏi dang và nhiều hoài bão. Vậy mà thật vô cớ, sau khi cưới Điểu lại ngập chìm trong những cơn say triền miên bốn tuần liền mà không có cách nào thoát ra được, rồi chuyện đứa con, rồi Điểu mất việc... Người làm cha mẹ như ông bà nhạc khả kính của Điểu hỏi sao không thất vọng cho được? Nhưng Điểu cũng là nạn nhân từ sự thất vọng của chính mình. Ngoài tâm lí thất vọng về cuộc sống, anh còn có mối thất vọng trực tiếp, sâu sắc với đứa con bị dị tật của mình. Đó là một nỗi thất vọng khó lòng chia xẻ. Himiko cũng thất vọng. Vì cớ gì mà một sinh viên có thể coi là uyên bác như nàng lại chỉ ngày đêm nằm nhà nghiền ngẫm cái mớ lí thuyết về thế giới đa nguyên? Hay tại thế giới hiện tại không thể dung chứa nàng khiến nàng phải đi tìm một thế giới siêu hình xa xôi khác? Thất vọng sinh ra mất phương hướng là điều tất yếu. Điểu là một minh chứng tiêu biểu cho kết quả ấy. Ngay từ đầu, “một cách bất ngờ anh trôi dạt vào biển rượu, một Robinson Crusoe ngu muội”(9) và trong những cơn say triền miên, anh tự thấy mình là một “Robison Crusoe mất phương hướng”. Nhưng sự mất phương hướng đến với anh rõ ràng nhất, sắc nét nhất là khi cuộc sống dành cho anh đứa con trai thoát vị não ngoài ý muốn. Trong cái bệnh viện “dài và rộng như một sân bóng đá”, Điểu đã hoang mang cực độ và để anh đối diện với chính mình, người kể chuyện ngôi thứ ba đã nhường chỗ cho Điểu xưng tôi: “Tôi sẽ làm được cái gì nếu ngày mai tôi trở lại? Tôi có thể lạc trong mê cung của pháo đài hiện đại này và đi thơ thẩn như một kẻ mất hồn. Có thể tôi không bao giờ tìm thấy cái chết của mình hay có lẽ đứa bé đã chết”(10). Khái niệm mê cung hay mê lộ đã xuất hiện trong cuộc sống của Điểu. Mê lộ của đời Điểu cũng như cuộc sống nói chung có thể là một mê lộ hữu hình như cái bệnh viện “dài và rộng như một sân bóng đá” kia nhưng cũng có thể là một mê lộ vô hình, mê lộ của tâm hồn, nếu bị lạc vào đó thì còn đáng sợ hơn bất cứ một mê lộ thực sự nào do con người xây dựng nên. Và Điểu đã rơi vào đó đầy bất hạnh. Giữa bao rắc rối, hoang mang, Điểu đã mất phương hướng, lạc lối trong hành trình của chính mình, đói khát, cô đơn trong sự bất hạnh mà anh phải hứng chịu. Một khi bị sa vào mê cung, hoặc là phải bình tĩnh tỉnh táo tìm lối ra, hoặc là cái chết đang chờ đợi. Điểu đang sống trong trạng thái thứ hai đó. Đỉnh cao của sự mất phương hướng ấy là quy ết định đen tối mà anh và Himiko đã bàn bạc với nhau hòng tìm cách thoát ra khỏi rắc rối: đưa đứa con đến dưỡng đường của tay bác sĩ lang băm nọ. Nhưng ngay tức khắc, con đường đi đến đó (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), đã thực sự trở thành mê lộ đối với Điểu cũng như Himiko. Biểu hiện đầu tiên là họ không xác định được thời gian. Chỉ biết đó là một buổi chiều mưa gió nhưng oi ả, hai người mang đứa bé đi và thời tiết trở nên ngột ngạt hơn bao giờ hết. Đóng mui xe và cửa xe lại thì nóng không chịu nổi, còn mở cửa ra thì bị nước mưa tạt ướt. Đem con đi để kẻ khác ra tay hộ, nhưng bởi đang dùng dằng trong mê lộ nên Điểu lại lo sợ trời mưa có thể làm thằng bé bị viêm phổi. Họ đành dừng lại và mở cửa một lát. Khi Himiko hỏi Điểu mấy giờ rồi, anh nhìn đồng hồ thì thấy kim đã đứng. “Điểu đeo đồng hồ theo thói quen nhưng đã không xem giờ từ nhiều ngày nay, nó đứng hay chạy lúc nào anh cũng không biết. Anh cảm thấy như mình đang sống ngoài thời gian dành cho những con người có cuộc sống bình yên, không bị đau khổ vì đứa con quái dị”(11). Himiko đành phải mở đài để tìm kiếm thông tin nhưng cho dù đổi kênh liên tục thì những “Bản nhạc như kéo dài vô tận: cuối cùng Himiko đành phải tắt radio. Họ đã thất bại trong việc xác định giờ giấc”(12). Cảm thức về thời gian hệt như kiểu Kafka. Không những thế, họ còn thất bại trong việc xác định không gian. Chạy lòng vòng trong khu phố nhỏ từ chiều đến tối họ mới tìm thấy dưỡng đường của vị bác sĩ nọ cho dù Himiko từng đến đó để nạo thai, còn Điểu thì “chắc chắn là mình đã đi qua góc phố này đến hai lần rồi”. Cả khái niệm thời gian lẫn không gian đều đã bị xóa nhòa trong tâm trí họ bởi vì bản thân việc giải quyết đứa bé theo cách này cũng đã là một sự mất phương hướng đến cùng cực. Vậy nên, với “những con đường nhỏ hẹp như mê lộ thì họ không biết chắc là mình đang chạy về hướng nào”(13). Ở đây không còn đặt ra vấn đề đúng hay sai nữa bởi vì chạy theo hướng nào cũng là một thách thức đối với cả Điểu lẫn Himiko.

  1. Tên nhân vật: sự xóa nhòa bản thể con người trước thế giới

Ngoài tâm trạng cô đơn, thất vọng và mất phương hướng thì “sự vô nghĩa của con người” theo quan điểm của triết học hiện sinh còn được Oe thể hiện qua cách đặt tên nhân vật. Một nỗi đau riêng có mười nhân vật (chỉ tính những nhân vật có vai trò thực sự trong tác phẩm) thì chỉ có Himiko và Kikuhiko (không phải nhân vật chính) là có tên. Những người còn lại được xướng danh theo vai trò quan hệ, chủ yếu với nhân vật chính: cha vợ Điểu, mẹ vợ Điểu, vợ Điểu, con trai Điểu, tay bác sĩ bạn Himiko, bố chồng Himiko, cô bạn bự con của Himiko... Còn bản thân Điểu, đó không phải là một cái tên chính thức. Không ai biết tên thật của anh là gì, chỉ biết từ khi mười lăm tuổi, cái tên Điểu dính chặt với anh do “cái tướng mạo vụng về,... đôi vai anh rủ xuống giống như đôi cánh xếp mà những nét đặc trưng của anh đại khái đều giống chim. Cái mũi nâu sạm, bóng mượt nhô ra khỏi gương mặt giống như mỏ chim, quặp thẳng xuống đất...”(14). Điểu có nghĩa là chim, anh chỉ là một con chim cô đơn, vô nghĩa trong thế giới rộng lớn này, thế giới đang cuồn cuộn tuôn trào như một guồng máy khổng lồ nghiền nát những sinh linh nhỏ bé. Cảm nhận được điều đó, nên sau khi đứa con bé nhỏ (lại dị tật) chào đời thì anh cương quyết không đặt tên cho nó. Chỉ đến khi cô y tá yêu cầu đứa trẻ phải có tên thì mới vào sổ được, anh mới đặt bừa cho con cái tên Kikuhiko khi chợt nhớ đến người bạn nhỏ yếu đuối mắc chứng đồng dâm nam cùng quê thu ở nào. Như vậy là cho dù đã có tên thì đối với Điểu đứa con ấy mãi mãi vẫn là một đứa trẻ thoát vị não bởi anh đặt tên cho con không cần đến sự chọn lựa, không phải bằng tình yêu thương của một người cha, mà đặt một cách vô tội vạ: lấy tên của một kẻ bệnh hoạn đặt cho đứa con bệnh hoạn. Con người thực sự hữu hạn trước cái vô hạn của vũ trụ. Nó chỉ là một giống loài nói chung, như thuở hồng hoang khi mặt đất chưa có quá nhiều người cần phải đặt tên để phân biệt. Đó là sự vô nghĩa, cái bản thể bị xóa nhòa của con người trước thế giới. Lựa chọn cách xướng danh nhân vật chắc chắn là một phương thức có chủ ý của Oe. Vậy nên, ở cuối tác phẩm, khi Điểu dám đương đầu trước thực tế thì cha vợ anh đã trìu mến nói rằng cái tên Điểu hồi nhỏ của anh đã “không còn thích hợp với anh nữa rồi”.

4. ƯỚC VỌNG CAO ĐẸP VÀ LÒNG NHÂN ÁI CỦA CON NGƯỜI LUÔN CHIẾN THẮNG

Khi Điểu có thể ngẩng cao đầu trút bỏ cái tên Điểu để trở lại với tên thật trong giấy khai sinh của mình thì cũng là lúc “hành trình đi tìm bản thể” (Martin Heidegger, 1889-1976, nhà triết học, mĩ học Đức) của anh có thể coi là đã đạt được những bước đầu tiên. Nhưng trong hành trình ấy, Điểu (cũng như tác giả) đã phải đối đầu với biết bao thử thách, hạn chế mang tính thời đại. Đó là tính chất hiện sinh với thói vị kỉ, chủ nghĩa cá nhân... nhưng tất cả đã bị khuất phục bởi tính bản thiện của con người. Có thể nói, cảnh Điểu và Himiko đưa đứa bé đến dưỡng đường của tay bác sĩ lang băm ở phần cuối của tiểu thuyết như đã kể trên là một đoạn miêu tả cực kì thành công của Oe cả về nghệ thuật khắc họa cảnh vật lẫn tâm lí nhân vật. Một buổi chiều đầy mưa gió, radio phát tin về hạt nhân sạch, về vũ khí nguyên tử còn Điểu và Himiko cũng đang rối bời mịt mù vô phương hướng. Thế nhưng trong cái tăm tối của đất trời và lòng người ấy, những chi tiết, những hành động tưởng như vô thức đã kịp đánh thức lòng nhân ái vốn đang ẩn nấp đâu đó sau những toan tính đầy vị kỉ của con người. Trên đường đưa thằng bé đi, Himiko (vốn thường lái xe rất nhanh) đã bất ngờ bẻ lái để tránh không cán lên “một chú chim sẻ ướt sũng đang nằm chết trên đường ngay trước mũi xe” khiến cả hai người đều bị va đập đau điếng. Chỉ là một sinh linh nhỏ bé, một chú chim đã mất đi sinh mạng nhưng Himiko cũng cố tránh không làm tổn thương đến hình hài của nó. Điều này thật bất ngờ nhưng cũng không nằm ngoài bản năng ứng xử hướng thiện của con người. Điểu cũng vậy. Khi cùng Himiko mang thằng bé ra khỏi khu điều trị là anh đã đi đến quyết định giết con, vậy nhưng trên đường đi, anh chỉ sợ nước mưa làm nó bị nhiễm lạnh và viêm phổi nên cố chịu đựng cái nóng hầm hập mà không dám mở cửa xe. Con người luôn có những hành vi ứng xử thật khó hiểu do đôi khi ý chí (dù đen tối) vẫn bị chi phối bởi một sức mạnh bản năng hướng thiện ẩn giấu tận đáy tâm hồn. Chính những chi tiết tưởng như vô tình ấy đã tác động mạnh mẽ đến quá trình kiếm tìm chân lí của Điểu. Sự bình an chỉ có được khi ta biết đối diện với thực tại. Ý nghĩa sâu xa được đặt ra trong Một nỗi đau riêng là chạy trốn hay đối mặt với vấn đề cá nhân cũng như vấn đề thời đại. Điểu, giống như những trí thức đương thời, ngay từ đầu tác phẩm đã mải mốt chạy trốn thực tại. Đó có thể là phản ứng tiêu cực nhưng không hề xấu xa bởi nó là phản ứng tự nhiên của con người. Đứng trước những biến cố quá lớn của bản thân cũng như thời cuộc, một con người nhỏ bé làm thế nào trong tích tắc có thể đưa ra được những quy ết định đúng đắn và chính xác? Đó chính là tính quá trình mà triết học của Heidegger đặt ra và có lẽ nó vẫn luôn mang tính thời sự. Điểu cũng vậy. Hơn hai trăm trang tiểu thuyết, Điểu với bộ dạng của một con chim điên cuồng xoay xở đến phờ phạc tới mức chẳng khác nào chuột cống để đối phó với nỗi bất hạnh từ đứa con dị tật, và anh đã đến đích. Đó là sự thăng bằng trên mặt đất của một con người ngẩng cao đầu chứ không phải lơ lửng trên không trung như loài chim hay lẩn sâu dưới hang tối như loài chuột.

Con người với lòng nhân ái bẩm sinh cùng sự trợ giúp của trí tuệ đã ngộ ra rằng “thực tại buộc người ta phải sống cho đúng mức khi ở trong một thế giới thực” để không trở thành kẻ “nhảy cóc từ sự dối lừa này qua sự tự dối lừa khác cho đến khi nhắm mắt lìa đời”(15). Trong quá trình “tìm đường, chọn đường” của Điểu, nếu Điểu trốn thoát khỏi đứa con thì liệu từ đó về sau anh có thể sống yên ổn trong tâm hồn được không? Và biết đâu, trước mắt Điểu, những bất an mới, những hiểm nguy mới lại chẳng đang rình rập? Chỉ có cách duy nhất là phải đương đầu với thử thách. Một Robinson mất phương hướng trong biển rượu ngày nào, nhờ thế, đã trở thành một Robinson vững vàng, hiên ngang trên đảo hoang. Nhưng cao đẹp hơn thế nữa, cũng như Robinson, không chỉ cải tạo đảo hoang để sống và tồn tại mà còn biết ước mơ, hi vọng ngày trở về đất liền; Điểu cũng biết chăm sóc cho mơ ước của mình dù hiện tại là cực kì khó khăn. Châu Phi đối với anh giờ đây đã trở thành mảnh đất thực sự xa vời, số tiền mấy chục ngàn yên dành dụm cho chuyến đi nay đã chi cho cuộc phẫu thuật của con trai, bản thân anh lại đang thất nghiệp, đó là còn chưa kể đến trách nhiệm của người chủ gia đình. Nhưng bằng sự kiên cường của một chàng Robinson thời đại mới, Điểu đã lấy ước mơ để nuôi mơ ước. Thay vì “được đến châu Phi và thuê một hướng dẫn viên người bản xứ”, anh quyết định thôi nghề dạy học để trở thành “một hướng dẫn viên người bản xứ cho những khách ngoại quốc đến Nhật”. Công việc này sẽ luôn nhắc nhở và giúp anh được sưởi ấm bởi ngọn lửa của ước mơ. Con người thật đáng khâm phục! Dù khó khăn đau khổ, dù phải khắc khoải đợi chờ, bao giờ và bất cứ khi nào họ cũng tìm được cho mình một hướng đi để không thôi nuôi hi vọng. Một nỗi đau riêng đã được nhạc sĩ thiên tài Oe Kenzaburo soạn thành một bản bi ca ca ngợi con người. Câu chuyện thương tâm về người cha với đứa con dị tật vì thế không còn là vấn đề cá nhân nữa mà trở thành vấn đề nhân loại và nỗi đau riêng sẽ được chia xẻ bởi tiếng đồng vọng từ mọi kiếp người.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học số 4/ 2007