Quá trình hình thành và phát triển của tiểu thuyết lãng mạn Nhật Bản thời đại Meiji

In bài này
                                                                                                             Nguyễn Thị Mai Liên(*)

      Trong những năm  cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, do sự tiếp xúc với các nước phương Tây nên tại các nước châu Á đã diễn ra quá trình tiếp nhận văn hoá phương Tây. Quá trình này tác động đến văn hoá, văn học châu Á vô cùng sâu sắc. Một mặt, văn minh phương Tây đã làm thay đổi không ít những giá trị văn hoá truyền thống ngàn đời ở các nước phương Đông. W.Durant, sử gia người Mỹ gốc Pháp cho rằng sự tiếp xúc với người Âu đã thay đổi một truyền thống tốt đẹp trong văn học Ấn Độ là truyền thống thơ ca, là “tâm hồn thi sĩ thiên phú” của người Ấn. Ông viết: “Văn xuôi mới xuất hiện ở Ấn hồi gần đây và ta có thể nói rằng nó là hậu quả một tác động bại hoại do tiếp xúc với người Âu”1. Ở Nhật Bản, nuối tiếc cho cái đẹp truyền thống đang bị mai một trước sức tấn công của văn minh phương Tây, văn hào Y.Kawabata đã làm “người lữ khách muôn đời đi tìm cái đẹp” (M.Yoko), “cứu rỗi cái đẹp” (Nhật Chiêu), nâng niu và phát huy giá trị của những cái đẹp truyền thống trong thời đại mới. Tại Việt Nam, các nhà thơ sống ở buổi giao thời cũng tiếc nuối, bâng khuâng tự hỏi: “Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?”. Tuy nhiên, công cuộc tiếp thu văn hoá này cũng đem lại cho văn hoá, văn học các nước châu Á một diện mạo mới hiện đại, trẻ trung, năng động. Là một nước thuộc khu vực Đông Bắc Á, Nhật Bản cũng trải qua quá trình giao lưu, tiếp xúc với văn học phương Tây. Tuy nhiên, nếu các nước như Ấn Độ, Việt Nam và khu vực Đông Nam Á tiếp xúc một cách cưỡng ép thì Nhật Bản lại chủ động mở cửa đón luồng gió phương Tây như họ đã từng làm thời cổ đại khi mở cửa đón nhận văn hoá Trung Hoa. Trong lĩnh vực văn học, Nhật Bản đã tiếp thu thành công các thể loại, đề tài, nội dung, hình thức mới từ văn học phương Tây. Riêng ở thể loại tiểu thuyết, nhiều trường phái bắt đầu xuất hiện từ thời Meiji như tiểu thuyết cổ điển, lãng mạn, hiện thực, tự nhiên... và phát triển đến cực thịnh, trong đó đặc biệt phải kể đến những thành tựu của tiểu thuyết lãng mạn.

 

1.     Sự khởi đầu của tiểu thuyết lãng mạn:

 

      Chủ nghĩa Lãng Mạn (tiếng Anh- Romanticism) vừa có nghĩa là “trào lưu văn học, vừa có nghĩa là phương pháp sáng tác mang một nội dung lịch sử- xã hội cụ thể, được hình thành ở Tây Âu sau cách mạng tư sản Pháp năm 17892. Bất bình trước cuộc sống tầm thường của xã hội văn minh tư sản, “các nhà lãng mạn chủ nghĩa hướng về một thế giới khác thường mà họ tìm thấy trong các truyền thuyết và sáng tác dân gian, trong các thời đại lịch sử đã qua, trong những bức tranh kỳ diệu của thiên nhiên, trong đời sống, sinh hoạt, tập quán của các dân tộc và đất

 

nước xa xôi3. Lịch sử ghi nhận công lao của Chủ nghĩa Lãng Mạn là đã sáng tạo

 

ra nhiều thể loại văn học mới đặc biệt là đã đưa thơ trữ tình phát triển đến đỉnh cao. Chủ nghĩa Lãng Mạn có ảnh hưởng và ý nghĩa lớn đối với sự phát triển văn học toàn thế giới trong đó có văn học Nhật Bản từ thời Meiji đặc biệt là đối với thơ trữ tình và tiểu thuyết.

 

     Trước khi tiểu thuyết lãng mạn xuất hiện, văn học cổ điển giữ vị trí quan trọng trên văn đàn Nhật Bản với sự phát triển của nhóm Ken’yusha. Người được coi là khởi đầu cho văn học lãng mạn non trẻ phản ứng lại văn học cổ điển của Ken’yusha chính là Yamada Bimyo (Taketaro), một người am hiểu thơ trữ tình phương Tây và vốn là một thành viên của nhóm Ken’yusha.

 

      Bimyo tiếp thu những tư tưởng của Shoyo thể hiện trong tác phẩm Bản chất của tiểu thuyết (Shosetsu Shinzui) và lấy đó làm quan niệm văn học của ông. Không tán thành lối miêu tả khô khan quá chung chung trong các tiểu thuyết dịch lưu hành thời kỳ đó, ông đã sáng tạo những tác phẩm mà yếu tố hiện thực và hư cấu hòa trộn với nhau. Với quan niệm này, thời kỳ đầu, ông đã học tập Bakin và theo phong cách tráng lệ (splendid) và huy hoàng (grandeur) của nhà văn này. Nhưng sau đó ông đã thành công trong sự sáng tạo phong cách gembun itchi (lối nói thông tục) độc đáo thu hút được sự chú ý.

 

     Năm 1885, lấy đề tài trong lịch sử Anh, Bimyo đã viết truyện có tính chất kỳ ảo Truyện về cây đàn hạc (The Tale of the Harp- Tategoto Soshi), kể về những chiến công anh hùng của Vua Alfred Đại đế của nước Anh trong sự nghiệp chống lại quân xâm lược Viking. Tác phẩm đầu tay của ông với hương vị lãng mạn đậm nét có thể được xem như “khởi đầu cho những đặc trưng trong các sáng tác của Bimyo sau này”.

 

     Cuối năm 1886, ông giới thiệu Châm biếm những tiểu thuyết tầm phào (Chokai Shosestu Tengu- A Satire on Tasteless Novels) trên Garakuta Bunko. Tác phẩm này có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Nó đánh dấu sự cố gắng thiết lập phong cách riêng của ông, khác biệt với phong cách của Bakin. Tiểu thuyết này sau đó được đổi tên là Nhà sư hát rong (Kaki Yamabushi- The Strolling Monk), được xuất bản cùng với những tác phẩm khác trong tuyển tập Khu rừng mùa hạ (Nastu Kodachi- The Summer Grove). Sau khi giới thiệu với độc giả tác phẩm Vùng Musashino (Musashino - Musashino Province) cũng vào tháng 11 năm đó, Bimyo đã trở nên nổi tiếng. Vùng Musashino (Musashino - Musashino Province) là một tiểu thuyết lịch sử liên quan đến thời kỳ Nambokucho (Nam Bắc triều). Với một phong cách trữ tình, tác phẩm đã kể về một tấn bi kịch đã xảy ra với một người hầu của gia đình Nitta. Nội dung lãng mạn của câu chuyện được miêu tả hài hoà với phong cảnh mùa thu của vùng đồng bằng Musashino làm cho độc giả cảm thấy xúc động tinh tế, nhẹ nhàng. Đây là một cảm xúc có tính truyền thống của văn học Nhật Bản có từ thời Heian-  mono no aware (bi cảm nhân sinh).

 

      Hồ điệp (Butterfly- Kocho) đựơc in vào tháng 1 năm 1889, là một tiểu thuyết lịch sử tuyệt vời, cấu trúc chặt chẽ. Tác phẩm đã khiến Bimyo trở thành một tiểu thuyết gia nổi tiếng. Tác phẩm đề cập đến những sự kiện gắn với sự suy tàn của dòng họ Taira. Nàng Kocho (Butterfly- Hồ điệp) bị giằng xé giữa lòng trung thành với Thiên hoàng và tình yêu của nàng dành cho người chồng- người mà nàng bị buộc phải giết. Khi biết về cái chết của Thiên hoàng, cô đã quyết tâm sống cuộc đời thanh thản của một ni cô cô độc. Tác phẩm này như một lời ngợi ca tình cảm con người xuất phát từ sự chân thành. Qua câu chuyện tình của nàng Kocho, tác phẩm đã miêu tả thành công những xung đột về tâm lý của các nhân vật trên nền bức tranh phong cảnh thiên nhiên và thái độ ứng xử tinh tế của con người.

 

     Sau đó, Bimyo tiếp tục ra mắt một số tiểu thuyết lịch sử khác như Công chúa Dâu Tây (Ichiho Hime- Princess Strawberry) (1889); Thế giới muộn phiền (Makoto ni Ukiyo- A Truly Trouble-Filled World) (1891); Thái Bình ký tân biên (Maru Futatsu Hiku Shin Taiheiki- A New Edition of Taiheiki) (1891) và Hoa cúc nắp (Kabuto Giku-The Helmet Chrysanthemum) (1891). Đặc sắc nhất trong số này là Công chúa Dâu Tây. Người ta nói rằng, “tác giả đã có cảm hứng viết tác phẩm này khi đọc cuốn Nana của Zola”, nhưng điều này không có nghĩa là nó chỉ phỏng theo tác phẩm của Zola. Bimyo đã đăng cuốn sách này trên Bông hoa của Thủ đô (Miyako no Hana- The Flower of the Capital) trong 20 số tạp chí. Nàng công chúa Dâu Tây xuất thân trong một gia đình quý tộc, lớn lên trở thành một cô gái xinh đẹp, tài năng, quyến rũ. Khi đang tìm cơ hội để ám sát Ashikaga Yoshimasa, cô đã yêu Uroko Taro. Mối tình tan vỡ, cô trở thành một người đàn bà thích phiêu lưu mạo hiểm. Cô đã quan hệ với nhiều người đàn ông, gây ra hàng loạt bi kịch. Cuối cùng phạm tội loạn luân mà không hay biết, cô trở nên điên loạn và chết bên lề đường. Tác phẩm đã miêu tả một cách lãng mạn số phận đầy thăng trầm của nhân vật nữ chính.

 

     Bên cạnh những tiểu thuyết có yếu tố lịch sử đã đề cập đến ở trên, Bimyo cũng sáng tác một loạt tiểu thuyết về cuộc sống thị dân như Vòng tuần hoàn của hoa (Hana guruma- The Whel of Flowers) (1888), Quần áo ướt (Nuregoromo- Wet Clothes) (1888), Đứa trẻ (Kono Ko- This Child) (1889) và Hiến dâng cho giáo dục (Kyoshi Zammai- Devoted to Education) (1890). Nhân vật của các tác phẩm Vùng Musashino, Hồ điệp, cũng như Vòng tuần hoàn của hoa, Hoa lan trắng ở thiên đường là những con người cốt cách thanh cao, chân thành, thể hiện khát vọng chân chính của nhà văn về thế giới của những con người có tâm hồn thánh thiện. Việc thành công trong sự miêu tả nhân vật như thế đã khiến các tác phẩm  của Bimyo có giá trị. Về sau, Bimyo rơi vào một lối mòn trong sáng tác khiến ông  rời bỏ dòng chính của văn đàn.

 

     Khi tìm hiểu tiểu thuyết lãng mạn Meji giai đoạn hình thành, chúng ta không thể bỏ qua Saganoya Omuro và Miyazaki Koshoshi. Họ đóng vai trò là những bậc tiền bối.

 

     Đặc điểm nổi bật trong tác phẩm của Saganoya Omuro (Yazaki Chinshiro) là tính chất lãng mạn duy tâm chủ nghĩa. Ông viết nhiều tiểu thuyết, đầu tiên là Suy tính của kẻ keo kiệt (Shusendo no Hara- A Miser’s Mind, 1887). Tác phẩm Mối tình đầu (Hatsukoi- First Love, 1889) đã làm ông nổi tiếng hơn trên văn đàn. Tác phẩm kể lại những hồi ức về thời trai trẻ của một ông già khi ông thầm yêu một người em họ. Tình yêu trong sáng, thuần khiết nhưng đã không đơm hoa kết trái do sự lạnh lùng, tàn nhẫn của thực tế cuộc sống.

 

    Tình yêu tinh thần thuần khiết nhưng đáng tiếc là không bao giờ được nhận ra, tạo thành một đề tài xuyên suốt trong nhiều tác phẩm sau đó của ông như Hoa cúc trên cánh đồng (Nozue no Kiku- the Chrysanthemum in the Field, 1889), Nhất thời (Ruten- Impermanency, 1889), Tiếng đập sắt trong làng Hoa Rụng (Ikken Hibiki Ari Rakka no Mura- The Clash of Steel in a Village of Falling Flowers, 1896). Song song với việc ca ngợi tình yêu thuần khiết, nhà văn phản đối quan niệm hướng tới sự đam mê tình dục phàm tục. Thái độ phê phán thể hiện rõ ràng trong Quả trứng thối (Kusare Tamago- The Rotten Egg, 1889), Sự lựa chọn của người chồng (Muko Erabi- The Choice of a Husband, 1890), và trong Lốt ve (Utsusemi- A Cicada’s Shell). Tiểu thuyết Lốt ve (Utsusemi- A Cicada’s Shell) tập trung làm sáng rõ thân phận nô lệ đáng thương của phụ nữ bằng việc kể lại tình cảnh của một người phụ nữ đặc biệt. Nhân vật chính ban đầu là cô gái có tâm hồn ngây thơ, trong sáng. Để cứu gia đình, cô đã rơi vào phường phóng đãng và dần dần tha hoá dưới ảnh hưởng của môi trường. Cô trở thành “một sinh vật có hình dáng người nhưng không có trái tim con người”, hay “trống rỗng như một cái lốt ve”. Thông qua tác phẩm, tác giả đã đấu tranh chống lại thế giới nhơ bẩn, sử dụng lý tưởng công bằng (ban thưởng cái tốt, trừng trị cái xấu) như một vũ khí sắc bén.

 

     Trong khi Saganoya Omuro hướng tới đối tượng thị dân thì Miyazaki Koshoshi là một nhà văn lãng mạn đồng quê. Ông được biết đến lần đầu tiên sau khi xuất bản tiểu thuyết Trở về nhà (Kisei- Homecoming, 1890). Đây là một cuốn tự truyện trong hình thức của một bài thơ- văn xuôi. Tác phẩm kể lại sự kiện trở về nhà của tác giả trong lần giỗ đầu của người cha đã mất khi ông đang học ở Tokyo. Qua những điều mắt thấy tai nghe và suy nghĩ của ông về quê hương, tác giả đã thổ lộ tình yêu của ông với làng quê, sự gắn bó sâu nặng của ông với họ hàng, tình cảm của ông dành cho người con gái ông yêu, và tình cảm tốt đẹp mà những người bạn trong làng dành cho ông. Bởi phẩm chất chân thật, nồng hậu, trong sáng, tất cả các nhân vật đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả. Nhà văn đã hoà trộn trong sự miêu tả cuộc sống thôn dã bình dị và phong cảnh diễm lệ của một sơn thôn những hoài niệm trước sự thay đổi của cuộc sống, tạo một không khí phảng phất buồn cho bài thơ đồng quê ngọt ngào.

 

     Hương vị đồng quê trong sáng tác của Koshoshi đã được ông tiếp thu từ Wordworth và Đào Uyên Minh (T’ao Yuan Ming, 365- 427). Ông đã sử dụng những bài thơ như Tụng ca quê hương yêu dấu (An Ode to My Native Place), Tụng ca Nông thôn (An Ode to Rurality) làm lời đề từ cho các chương của tác phẩm Trở về nhà (Kisei). Phong cách Trung Quốc cũng có xu hướng làm cho bài thơ trở nên trang trọng. Bên cạnh Trở về nhà (Kisei), một số tác phẩm khác của ông như Người lính đào ngũ (Ochimusha- A Fugitive Warrior, 1891), Ngôi nhà trống rỗng (Akiya- The Empty House, 1891), Ảo ảnh (Maboroshi- The Phantom, 1892), cũng thấm đượm lý tưởng cao cả hoặc những cảm xúc đồng quê.

 

      Tóm lại, cả Saganoya và Koshoshi đều thể hiện một chủ nghĩa lãng mạn mới mẻ mang khuynh hướng duy tâm. Tuy nhiên nếu Saganoya hướng tới những lý tưởng cao cả thì tiểu thuýêt của Koshoshi có tính trữ tình đồng quê thuần phác. “Mặc dầu hai nhà văn này đã nỗ lực trong việc phát triển con đường riêng của họ tới chủ nghĩa lãng mạn, nhưng họ đã không thành công để thực sự trở nên vĩ đại, họ  chỉ đóng vai trò những tiên phong4. Trong khi đó, hai tiểu thuyết gia Ogai và Rohan đã khiến tiểu thuyết lãng mạn phát triển mạnh mẽ hơn trước.

 

2. Các nhà văn thuộc trường phái lãng mạn duy tâm:

 

       Trong việc nghiên cứu tiến trình phát triển của tiêủ thuyết lãng mạn, chúng ta không thể bỏ qua những thành tựu của Mori Ogai (Rintaro). Sau khi học ở Đức trở về, Ogai đã bắt đầu văn nghiệp bằng việc xuất bản hợp tuyển thơ dịch nhan đề Dấu tích (Omokage- Vestiges, 1889). Đó chính là một sự giới thiệu kịp thời thơ lãng mạn phương Tây. Sau đó, ông thâm nhập vào lĩnh vực tiểu thuyết. Tác phẩm đầu tiên của ông ở thể loại này là Gái nhảy (Maihime- The Dancing Girl, 1890), tiếp đến là Ghi chép về một cuộc đời ngắn ngủi (Utakata no Ki- A Record of a Transient Life, 1890) và Người đưa thư (Fumizukai- The Letter- Bearer, 1891). Ngay lập tức, ông đã thu hút sự chú ý của giới văn học vì “hương vị tao nhã và lãng mạn” thể hiện trong tác phẩm. Cả ba tiểu thuyết đều được hình thành trên cơ sở những trải nghiệm  của chính tác giả trong thời gian ở hải ngoại, với những sự kiện diễn ra chủ yếu ở Đức. Đề tài chung là chuyện tình giữa một chàng trai người Nhật và một cô gái người Đức. Tình cảm lãng mạn, được thể hiện trong một phong cách pha trộn hài hoà yếu tố Trung Quốc và Nhật Bản tạo ra một hình thức mới mẻ, hấp dẫn một cách kỳ lạ. 

 

       Đối lập với tiểu thuyết lãng mạn theo kiểu phương Tây của Ogai, là tiểu thuyết lãng mạn theo truyền thống phương Đông của Koda Rohan (Shigeyuki). Ông đã phát triển một phong cách lãng mạn đặc biệt, mang hương vị của chủ nghĩa duy tâm huyền ảo. Sự sâu sắc về tư tưởng, trí tưởng tượng phong phú, phương pháp sáng tác văn học nghiêm ngặt, tất cả đã góp phần nâng cao tính nghệ thuật trong tác phẩm của Rohan. 

 

              Tác phẩm đầu tay Những giọt sương trong (Tsuyu Dandan- Immaculate Dewdrops) đã mang đến cho ông tiếng vang đầu tiên trên văn đàn. Tiểu thuyết này đã in trong Hoa thủ đô (Miyako no Hana- Flower of the Capital). Nhà văn đã xây dựng một cốt truyện dựa trên một loạt tình tiết kỳ ảo tạo ra một phong cách độc đáo. Đó là bằng chứng cho khả năng tưởng tượng phong phú và sự sâu sắc về tư tưởng vốn có của ông. Tác phẩm là lời ngợi ca tình yêu chân thật giữa Lubina, con gái của một người đàn ông giàu có tên là Bunsame, và chàng trai Morun Shingier. Tiêu đề Những giọt sương trong đã gợi lên sự lãng mạn, trong sáng, tinh khiết như những giọt sương của tình yêu trong tác phẩm.

 

           Sau đó, ông đã xuất bản Một khoảnh khắc (Issetsuna- One Instant- 1889), Đức Phật cao nhã (Furyubutsu- The Elegant Buddha- 1889), Đối diện với sọ người (Taidokuro- Facing the Skull- 1890), Đôi môi trang điểm rực rỡ (Dokushushin- The Brilliantly Painted Lips- 1890).

 

             Một khoảnh khắc (Issetsuna- One Instant- 1889) là một loạt truyện ngắn  được kết nối với nhau như kiểu một số tiểu thuyết phù thế (ukiyozoshi) của Saikaku. Trong tác phẩm, tác giả đã ca ngợi tình yêu, ca ngợi sức mạnh của ý chí và đức hy sinh vị tha khiến tình yêu trở nên thần thánh.

 

           Đức Phật cao nhã (Furyubutsu- The Elegant Buddha- 1889) là “một kiệt tác có vai trò đưa Rohan lên hàng ngũ những nhà văn hàng đầu5. Một số nhà nghiên cứu cho rằng siêu phẩm này kể lại một câu chuyện tình huyền bí và lãng mạn giữa một nghệ sĩ khắc gỗ tên là Shuun và O-Tatsu, con gái của một nhà buôn địa ốc. Một số khác khẳng định đề tài của tác phẩm là tình yêu nghệ thuật tha thiết của người thợ khắc gỗ. Tuy nhiên, chúng tôi tán thành với Okazaki Yoshie (trong cuốn Japanese Literature in the Meiji Era) khi ông cho rằng hai đề tài vừa đề cập đến đã được hợp nhất lại trong một thế giới lý tưởng kỳ ảo. Tình yêu nghệ thuật vô hạn của Shuun đã được kết nối với tình yêu say đắm của anh dành cho O-Tsu, và sự hợp nhất này đã sản sinh ra một tác phẩm khắc gỗ để đời của anh là “Đức Phật cao nhã”. “Đức Phật cao nhã” là một tác phẩm nghệ thuật. Đồng thời, đối với Shuun, đó là một ứng chiếu của hình ảnh O-Tasu yêu dấu của anh. Theo ý nghĩa này, “Đức Phật cao nhã” đã biểu tượng cho một thế giới lý tưởng mà trong đó vẻ đẹp, thiên lương, tình yêu tất cả đã được hợp nhất lại với nhau.

 

              Sáng tác của Rohan chứa đựng yếu tố kỳ ảo và mang tính biểu tượng cao. Bên cạnh đó, khuynh hướng hướng tới một thế giới sẽ là và có tính đạo đức cao cả cũng là một đặc điểm trong tiểu thuyết của ông. Trong thế giới này, tác giả đã tụng ca sức mạnh của trí tuệ, ý chí mạnh mẽ của con người. Những tiểu thuyết tiêu biểu cho khuynh hướng này là: Một người dũng cảm (Kidanji- A Man of Courage- 1889), Thanh kiếm (Ikkoken- A Sword- 1890), Phố Joruri (Tsuji  Joruri- The Street Joruri, 1891), Tiếng sét (Nemimi Teppo- A Thunderclap, 1891), Câu cá (Isanatori- Fishing, 1891), Ngôi chùa 5 truyền thuyết (Goju no To- The Five-Storied Pagoda, 1891) và Người đàn ông mang râu (Hige Otoko- The Man with a Beard, 1896).

 

      Rohan là một nhà văn lãng mạn duy tâm. Nhưng cái nhìn duy tâm của ông về thế giới rất “phức tạp và khó nhận thức thấu đáo”. Tuy nhiên có một điều chung trong những thế giới mà ông đã xây dựng là chúng đều dựa trên tinh thần can đảm và sự chịu đựng ngoan cường. Lòng tự trọng, ý chí kiên định, trí tưởng tượng phong phú, cái kỳ ảo đầy quyến rũ, tầm trí tuệ sâu sắc, tất cả những điều này đã làm nên đặc điểm cho thế giới lãng mạn của Rohan. Tình yêu và cảm xúc chân thành được khắc hoạ trong Những giọt sương trong (Tsuyu Dandan- Immaculate Dewdrops), Đức Phật cao nhã (Furyubutsu- The Elegant Buddha- 1889), Đôi môi trang điểm rực rỡ (Dokushushin- The Brilliantly Painted Lips- 1890), Ánh sáng dịu dàng (Furyu Satori- Elegant Enlightenment) chỉ tồn tại như một giai đoạn trong quá trình vươn tới những thuộc tính mà chúng ta vừa đề cập đến. Điều này là nguyên nhân chính khiến chủ nghĩa lãng mạn của Rohan khác biệt rõ ràng với Ogai.

 

             Một nhóm khác của trường phái lãng mạn duy tâm là một số nhà văn nữ bao gồm   

 

       các tên tuổi chính như Nakajima Shoen (Toshiko), Tanabe Kaho (Takiko), Kimura 

 

       Akebono (Eiko), Wakamatsu Shizuko (Iwamoto Kashiko), Tazawa Inafune

 

       (Nishikiko),  Otsuka Kusuoko, Kitada Usurai (Sonko) và Higuchi Ichiyo (Natsuko).

 

        Nakajima Shoen (Toshiko) là người tiên phong trong số các nhà văn nữ. Bà bắt đầu sự nghiệp văn chương với tác phẩm Con đường của Cái Thiện và Cái ác (Zen’aku no Michi- The Road of Good and Evil, 1877) và Bông hoa cao quý trong thung lũng (Sankan no Meika- The Noble Flower in the Valley, 1889). Trong hai tác phẩm đầu tay, bà đã thể hiện cái nhìn duy tâm  về cuộc sống. Tuy nhiên cốt truyện của các tác phẩm này không khác nhiều so với cốt truyện được sử dụng trong các tiểu thuyết chính trị thời kỳ đó.  

 

          Sau đó, Tanabe Kaho xuất bản cuốn Chim sơn ca trong khóm tre (Yabu no Uguisu- The Nightingale in the Bamboo Grove, 1888). Năm 1889, Kimura Akebono xuất bản cuốn Tấm gương phụ nữ (Fujo no Kagami- The Mirror of Women, 1889). Với các tác phẩm này, tiểu thuyết của các nhà văn nữ bắt đầu nổi lên như một phong trào văn học mới.

 

      Tấm gương phụ nữ (Fujo no Kagami- The Mirror of Women, 1889) là tác phẩm đầu tiên của Kaho và là một tác phẩm đáng chú ý trong thời kỳ phát triển của tiểu thuyết lãng mạn. Câu chuyện kể về Shinohara Hamako, con gái của một tử tước. Trong khi chồng chưa cưới của cô là Tsutomu đang ở nước ngoài, cô đã yêu một người đàn ông khác. Tsutomu trở về. Anh tỏ ra rất giận dữ vì sự phản bội của cô, song cuối cùng đã tha thứ cho cô. Tuy nhiên, Tsutomu đã cưới một cô gái nghèo khổ nhưng trong trắng tên là Matsushima Hideko và sống hạnh phúc. Qua tác phẩm, tác giả đã khám phá ra giá trị đích thực của sự tồn tại của con người là phẩm chất cao quý chứ không hẳn là học vấn hay tài năng. Bà đã tiếp tục lý tưởng này bằng việc lựa chọn những câu chuyện tình và những phức tạp trong gia đình làm đề tài cho tiểu thuyết của mình. Tiếp sau những tác phẩm này, bà đã viết những tác phẩm tuyệt vời như The Ties of Dew (Tsuyu no Yosuga, 1895) và Khóm cỏ ba lá và hoa cẩm tú cầu Trung Hoa (Hagi Kikyo- The Bush Clover and Chinese Balloon Flower, 1895). Kaho đã đựơc chú ý cùng với Ichiyo, như là một nhà văn hàng đầu trong số các nữ tiểu thuyết gia.

 

     Cũng mang tên Tấm gương phụ nữ (Fujo no Kagami- The Mirror of Women, 1889) nhưng tiểu thuyết của Kimura Akebono lại kể về một phụ nữ xinh đẹp và nhân cách hoàn hảo, được nhiều người yêu mến. Sau khi tốt nghiệp đại học Cambridge, cô đã tới Mỹ làm việc. Trở về nước, cô xây dựng một nhà máy để giúp đỡ những người trong những khu ổ chuột, cam kết tổ chức các nhà trẻ và tham gia các công việc xã hội khác. Giọng điệu chủ yếu của tác phẩm là lòng nhân từ của Chúa. Tác phẩm tràn đầy tinh thần lãng mạn và lý tưởng thuần khiết, đây là điều tất yếu vì khi sáng tác, tác giả mới mười tám tuổi.

 

     Nếu các nhà văn nữ trên theo chủ nghĩa lạc quan thì Inafune và Usurai lại có khuynh hướng bi quan. Đề tài chủ yếu của Inafune và Usurai là cảm hứng về sự xâm phạm vẻ đẹp ngây thơ, trong sáng. Đặc điểm này đã được thể hiện tiêu biểu trong tác phẩm đầu tay Hoa hồng trắng (The White Rose, 1895) và Năm lâu đài lớn (Godaido- The Five Great Hall, 1896, xuất bản sau khi bà mất) cũng như Một nghìn con quỷ (Oni Sembun- One Thousand Demonds, 1895), Kính đen (Kuromegane- The Black Eyeglasses, 1895).

 

     Higuchi Ichiyo là một nhà văn tài năng, bà đã “toả sáng rực rỡ nhất trong số các nhà văn nữ”. Bà được biết đến đầu tiên trong giới văn chương nhờ tác phẩm Hoa anh đào trong bóng tối (Yamizakura- Cherry Blossoms in the Dark, 1892). Tiếp đó, bà viết Than đá (Umoregi- The Fossil Wood), một tác phẩm chủ yếu có vai trò đưa bà trở nên nổi tiếng trong giới văn chương. Tác phẩm này kể về số phận bi thảm  của một người thợ gốm tài năng và chị của anh. Tuy nhiên, nhà văn cũng thể hiện những lý tưởng cao quý của mình qua tình yêu say đắm của nhân vật đối với nghệ thuật, cuộc đấu tranh ngoan cường của anh chống lại xã hội ô trọc, mối quan hệ đẹp đẽ giữa hai chị em. Trong thời kỳ này, Ichiyo đã học tập phong cách văn chương của Rohan, và Than đá thể hiện rõ nét cho sự ảnh hưởng của ông tới bà. Nhưng các tác phẩm Đêm trừ tịch (Otsugomori- New Year’s Eve, 1894) và Mây trôi (Yuku Kumo, 1895) đã đánh dấu một sự thay đổi trong sự nghiệp của Ichiyo. Từ đó bà thể hiện một phong cách riêng đậm nét trong những truyện như Sánh tựa đỉnh cao (Takekurabe- Comparing Heights, 1895), Suối bùn (Nigorie- The Muddied Stream, 1895), Hai đêm trước rằm (Jusan’ya- Two Nights Before Full Moon, 1895.

 

    Tinh thần lãng mạn làm nên giọng điệu chủ yếu trong tác phẩm của Ichiyo. Tuy nhiên, tinh thần này không thể hiện trong một cảm xúc sôi nổi. Thay vào đó, nó được tắm trong một cảm hứng đa cảm, dịu dàng và mang hình thức của một tinh thần đấu tranh chống lại thói đời ô trọc. Trong số các nhà văn nữ, Ichiyo được coi là tiêu biểu nhất.

 

        3. Sự phát triển của Chủ nghĩa Lãng mạn:

 

    Sự phát triển của tiểu thuyết lãng mạn trong những năm cuối của thời đại Meiji thể hiện ở sự  nở rộ phong phú, đa dạng những kiểu loại khác nhau như tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết ý tưởng tiểu thuyết tình cảm.

 

      Tiểu thuyết lịch sử xuất hiện trước tiểu thuyết ý tưởngtiểu thuyết tình cảm để bắt kịp thị hiếu của người đọc nói chung đối với những tác phẩm có tính lịch sử.

 

     Chinunoura Namiroku (Murakami Makoto) là người đã đáp ứng được thị hiếu này của công chúng và nhanh chóng bước lên đỉnh cao trong giới văn chương. Mikazuki (1891), tác phẩm đầu tay của ông kể về cuộc sống của một người bình dân có tinh thần hiệp sĩ tên là Mikazuki Jirokichi. Mikazuki Jirokichi đã bất chấp các lãnh chúa phong kiến, lãnh đạo cuộc nổi dậy anh hùng chống lại lãnh chúa. Tác phẩm thấm đẫm tinh thần đấu tranh ngoan cường đã tái hiện một thế giới anh hùng cao thượng, dũng cảm, được đông đảo công chúng yêu thích.         

 

      Nếu Namiroku tìm được lý tưởng của ông trong đạo lý về danh dự của nhân dân trong thời kỳ Tokugawa, thì nhà văn Tsukahara Jushien (Yasushi) lại tìm được lý tưởng cho tiểu thuyết lịch sử của mình tinh thần hiệp sĩ của giới võ sĩ đạo thời kỳ Trung cổ. Tác phẩm chính của ông có Cuộc chiến tranh Nagashino (Nagashino Gaseen- The Nagashino War, 1893), Yamanaka Genzaemon (1894), Hojo Soun (1895), Yui Shosetsu (1897).

 

     Cũng có một đặc điểm như vậy là nhà văn Murai Gensai (Hiroshi), tác giả của Lâu đài Kinugasa (Kinugasa Jo- Kinugasa Castle, 1892), Lâu đài màu hoa anh đào (Sakura no Gosho- The Cherry Palace, 1894), Đảo mặt trời mọc (Hinodejima- The Island of the Rising Sun, 1896) và Đảo nhỏ xa xôi (Oki no Kojima- The Small Island Far Out, 1896), và nhà văn Chizuka Reisui (Kintaro), người được biết đến nhờ tác phẩm Chúa tể Ezo vĩ đại (Ezo Daio- The Great Lord of Ezo, 1892) và Lâu đài Trăng khuyết (Hangetsu Jo- Half Moon Castle, 1894). Những câu chuyện này đều kể về giới võ sĩ, ca ngợi lòng tự trọng, sự can đảm, tâm hồn cao thượng và chính trực của nhân vật, có hình thức giống như biên niên sử.

 

      Khuynh hướng duy tâm và hồi cố của những tác phẩm này phù hợp với tinh thần của thời đại đang trải qua sóng cồn của chủ nghĩa dân tộc. Những tác phẩm này, cùng với những câu chuyện của Namiruko, đã chiếm lĩnh văn đàn những năm 1893 và 1894.

 

      Xuất hiện sau tiểu thuyết lịch sử  là tiểu thuyết ý tưởngtiểu thuyết tình cảm.

 

      Tiểu thuyết ý tưởng là “một hình thức trong đó tác giả thể hiện ý tưởng của mình về cuộc sống và thế giới hoặc một cách trực tiếp hoặc thông qua khêu gợi (suggestion). Tuy nhiên, những ý tưởng này không được khái quát hoá hoặc biểu tượng hoá như trong sáng tác của Rohan mà thể hiện một khuynh hướng hướng tới cái cá  biệt và chủ quan6.

 

     Tiểu thuyết tình cảm “đi tìm chất liệu trong mặt tối của cuộc sống, miêu tả những bất hạnh của cuộc sống, thể hiện sự sắc sảo tuyệt vời trong việc phân tích những suy nghĩ của nhân vật7. Cách thức thông thường của các nhà văn là sáng tạo một thế giới xa lạ, kỳ dị, khác thường bằng việc khắc hoạ những nhân vật xấu xí, kỳ lạ. Điều đó cho thấy những tiểu thuyết tình cảm này mang tính truyền thống của tiểu thuyết lãng mạn.

 

      Tiểu thuyết ý tưởng (kannen shosetsu- idea novel) của Izumi Kyoka và Kawakami Bizan, và tiểu thuyết tình cảm (hisan shosetsu- pathos novel) của Hirotsu Ryuro đã thể hiện sự tìm kiếm nhiệt thành ý nghĩa cuộc sống hoặc một khát vọng về những điều đặc biệt lớn lao.

 

     Là một học trò của Koyo nhưng phong cách của Izumi Kyoka (Kyotaro) khác xa với phong cách cổ điển của trường phái Ken’yusha và thể hiện khuynh hướng lãng mạn. Tác phẩm đầu tay của ông là Kammuri Yazaemon năm 1893. Trong năm tiếp theo, cùng với Koyo, ông đã viết Dòng máu cao quý (Giketsu Kyoketsu- The Blood of Honor) và Quân đoàn dự bị (Yobihei- The Reserve Corps), hai tác phẩm đã khiến ông được chú ý rộng rãi. Năm 1895, ông xuất bản Viên cảnh sát trực đêm (Yako Junsa- The Night-Duty Policeman) và Phòng khám bệnh (Gekashitsu- The Surgerry). Hai tác phẩm này được hoan nghênh như những tiểu thuyết ý tưởng tiêu biểu.

 

     Viên cảnh sát trực đêm (Yako Junsa- The Night-Duty Policeman) kể về viên cảnh sát Hatta, người có một ý thức trách nhiệm cao đối với công việc. Hy sinh cả cuộc đời và tình yêu, anh đã cố gắng giúp đỡ những người nghèo khổ, đáng thương. Trong một lần giúp đỡ họ, anh đã bị chết đuối. Phòng khám bệnh (Gekashitsu- The Surgery) kể lại câu chuyện về một nguời đàn ông và một phụ nữ có một tình yêu bí mật mà họ không hy vọng có thể biểu lộ công khai. Họ đã cùng chết để giữ bí mật này. Tình yêu hướng tới sự trong sạch của họ có một điểm chung với ý thức trách nhiệm của viên cảnh sát Hatta. Tác phẩm biểu thị cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa đạo đức hình thức truyền thống, ca ngợi tình yêu chân thực, đồng thời thể hiện sự phát triển của tinh thần lãng mạn đấu tranh chống lại thế giới phàm tục trong tác giả.

 

    Viên cảnh sát trực đêm (Yako Junsa- The Night-Duty Policeman) và Phòng khám bệnh (Gekashitsu- The Surgerry) đều là tiểu thuyết ý tưởng. Trong đó tác giả đã trình bày quan điểm của ông về cuộc sống trong một hình thức cụ thể. Đặc điểm này còn thể hiện trong các tác phẩm khác của ông ra đời trong những năm 1895-1896, như Chuông reo trong đêm (Shosei Yahanroku- Bells Tolling at Night, 1895), Truyền thuyết cây đàn tì bà (Biwa Den- The Tale of the Lute, 1896), Máy phát điện trên biển (Kaijo Hatsuden- The Dynamo on the Sea, 1896) và Hồn ma cây bạch quả (Bake Icho- The Gingko Ghost, 1896).    

 

    Qua những ví dụ đã phân tích, chúng ta có thể thấy tiểu thuyết ý tưởng của Kyoka thấm đậm ý nghĩa đạo đức chính trực của tác giả, thể hiện qua hình thức đấu tranh chống lại lễ giáo đạo đức phong kiến, căm ghét thói đạo đức giả của xã hội, ca ngợi tình yêu- vì- tình yêu. Thế giới lãng mạn của Kyoka giàu yếu tố tưởng tượng, huyền bí và có tính chất thơ ca. Tuy nhiên, tinh thần đấu tranh chống lại sự phàm tục trong các tác phẩm của Kyoka đã bị lấn át bởi xã hội xấu xa. Điều này khiến thế giới của Kyoka thực sự bi thương.

 

      Trong một số tác phẩm, Kyoka bộc lộ khuynh hướng miêu tả tình yêu chân thực của giới làng chơi. Kyoka trân trọng giới geisha, những người đang sống như cỏ trôi dạt mà vẫn không đánh mất tâm hồn trong sáng. Kyoka đã ca ngợi những người phụ nữ có lòng tự trọng, sâu sắc trong tình cảm mặc dù cuộc sống của họ rất đáng thương. Đối với ông, họ “giống như những bông sen trắng đang nở trong ao bùn”.  Hoa và hồ điệp thanh tao (Furyu Chohanagata- The Elegant Butterfly and Flower Pattern, 1897), Tatsumi Kodan, Yushima ModeTruỵên Tsuya là những tác phẩm có chủ đề như thế.

 

      Cái đẹp trong tác phẩm của Kyoka còn là phẩm chất dám hy sinh vì nghệ thuật của nhân vật. Bài hát và cây đèn (Uta Andon- Song and the Lamp, 1910) thể hiện rõ ràng nhất đề tài hiến dâng cho nghệ thuật này. Truyện kể về tình yêu của một bậc thầy kịch No dành cho thế giới nghệ thuật của ông. Tinh thần nghệ thuật- vì - nghệ thuật, thái độ phủ nhận thói phàm tục của Kyoka, ước vọng của ông về không gian trong sạch của giới giang hồ và khát khao của ông về tình yêu đích thực đã được kết hợp với nhau tạo thành một thế giới lãng mạn huyền ảo đặc biệt trong sáng tác của Kyoka.  

 

    Trong văn học Meiji, Kawakami Bizan (Ryo) được coi là một tài năng đặc biệt. Thời kỳ đầu, phong cách độc nhất vô nhị của ông được thể hiện chưa đậm nét trong các tác phẩm như  Tre trĩu cành vì tuyết (Yukioritake- The Bamboo Bent By Snow, 1890), Anh đào đen (Sumizome Sakura- The Cherry Dyed Black, 1890), Cây đậu tía màu trắng (Shirafuji- White Wistaria, 1893) và Cái bóng thô kệch (Shizuhata- The Rustic Loom, 1893). Năm 1895, ông xuất bản Chiếc cốc sake khổng lồ (Osakazuki- The Great Sake Cup). Cũng năm đó, ông viết ShokikanUraomote. Cả hai đều được coi là tiểu thuyết ý tưởng. Ông bất ngờ gây được sự chú ý của giới văn học. Đặc điểm quan trọng nhất trong tác phẩm của ông chính là tinh thần đấu tranh chống lại thế giới phàm tục.

 

     Shokikan kể chuyện một thương gia dám vì tiền mà hy sinh sự trong trắng của con gái yêu của anh ta. Nhân vật thứ hai là một viên công chức thối nát, lợi dụng địa vị xã hội của mình để thoả mãn dục vọng. Qua hành vi của hai nhân vật này, tác giả đã lên án thế giới ô trọc mà trong đó sự trong trắng ngây thơ đã bị hy sinh cho mục đích xấu xa. Mặt khác, Bizan đã ca ngợi tâm hồn cao thượng của chàng trai, người bị mất cô gái mà anh yêu. Anh đã dám đấu tranh chống lại thế giới nhơ bẩn, hy sinh toàn bộ cuộc đời của mình cho việc nghiên cứu triết học. Tác giả đã gửi gắm tinh thần đấu tranh của ông chống lại thế giới nhớp nhúa trong hình tượng nhân vật nhà triết học trẻ tuổi này. Uraomote kể chuyện một quý ông danh giá, nổi tiếng về đạo đức cao quý. Vì hoàn cảnh bắt buộc, ông ta đã đột nhập vào nhà người yêu của con gái mình ăn trộm một cái hộp, nhưng đã bị bắt quả tang. Câu chuyện kết thúc với sự kiện người cha tự vẫn trong tù sau khi giao phó con gái cho người yêu của cô. Một lần nữa, tinh thần đấu tranh chống lại xã hội đạo đức giả đẩy người có lương tâm tới chỗ tha hoá phạm tội được tác giả thể hiện rõ nét.

 

     Mầm mống của tinh thần đấu tranh có thể nhận thấy trong những tác phẩm thời kỳ đầu của ông khi mà chúng chưa được gọi là tỉêu thuyết ý tưởng như Tre trĩu cành vì tuyết (Yukioritake- The Bamboo Bent By Snow, 1890), Anh đào đen (Sumizome Sakura- The Cherry Dyed Black, 1890), Cái bóng thô kệch (Shizuhata- The Rustic Loom, 1893). Có thể nói, các tác phẩm của Bizan đều viết về đề tài tình yêu. Qua đó, nhà văn đã thể hiện chủ đề ca ngợi  tình yêu chân thành, vị tha, cao thượng, chống lại thế giới vụ lợi ô trọc. Đây có thể được coi là đặc điểm chính trong sáng tác của Bizan.

 

    Hirotsu Ryuro (Naoto) là một nhà văn có phong cách độc đáo. Trong tác phẩm đầu tiên của ông, Việc tham gia vào chính trị của phụ nữ chỉ là một giấc mơ (Joshi Sansei Shinchuro- Women’s Participation in Politics is Just a Dream, 1889), phong cách này đã được bộc lộ, mặc dù thực tế đó là một tiểu thuyết chính trị. Cũng trong năm đó, ông xuất bản Còn lại hoa cúc (Zangiku- The Remaining Chrysanthemum), tác phẩm văn chương đích thực của ông. Khả năng phân tích sắc sảo tâm lý nhân vật nữ của ông đã biểu lộ. Tuy nhiên, hoạt động văn học thực sự của ông bắt đầu khi ông viết các tác phẩm được gọi là tiểu thuyết tình cảm. Những tác phẩm tiêu biểu của ông thuộc loại này là Người đàn ông một mắt (Heme Den- The One- Eyed Man, 1895), Con thằn lằn đen (Kurotokage- The Black Lizard, 1895), Rùa biển (Kame San- Turtle, 1895), Kawachiya (1896) và Imado Shinju (The Imado Double Suicide, 1896). Người đàn ông một mắt (Heme Den- The One- Eyed Man, 1895) kể về một người đàn ông có ngoại hình xấu xí (chột mắt) nhưng rất lương thiện tên là Denkichi. Anh bị những người bạn xấu xa phản bội, phạm vào tội ác giết người. Trong việc khắc họa nhân vật qua sự kiện bi thảm này, khả năng phân tích tâm lý sâu sắc của tác giả đã được thể hiện. Nhân vật trong Con thằn lằn đen (Kurotokage- The Black Lizard, 1895) cũng chỉ có một mắt. Đó là một người phụ nữ xấu xí, khuôn mặt biến dạng bởi bệnh đậu mùa. Nhưng bà là người vợ rất đoan trang, tiết hạnh. Một lần do bị cha chồng say rượu xúc phạm, bà đã giết ông ta bằng một con thằn lằn độc rồi gieo mình xuống sông tự vẫn. Rùa biển (Kame San- Turtle, 1895) kể về mối quan hệ kỳ lạ giữa một người lùn ngốc nghếch tên hiệu là Rùa biển (Turtle) và một người đàn bà nổi tiếng thích phiêu lưu mạo hiểm .

 

      Qua các ví dụ này, ta thấy Ryuro thường sử dụng những người méo mó, hoặc về trí tuệ hoặc về thể xác làm nhân vật chính trong tác phẩm của ông. Trong một số trường hợp, tác giả đã đem đối lập cái xấu với cái đẹp để nhấn mạnh sự dị thường. Chẳng hạn, đối lập với Denkichi là một cô gái xinh đẹp tên là O-Hama. Rùa biển đối lập với người đàn bà xinh đẹp nổi tiếng thích phiêu lưu mạo hiểm. Thế giới bao quanh các nhân vật này cũng dị thường. Đó đích thực là một thế giới của cái nghịch dị. Thiên hướng về cái dị thường và méo mó của Ryuro là một đặc thù của chủ nghĩa lãng mạn của ông.

 

      Quá trình hình thành và phát triển của tiểu thuyết Lãng Mạn Meiji có thể nói đã phản ánh quy luật tiếp nhận văn học nói chung ở các nước châu Á những năm  cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Từ nền tảng văn xuôi truyền thống, Nhật Bản đã tiếp thu các trường phái mới của tiêủ thuyết phương Tây trong đó có tiêủ thuyết Lãng Mạn dẫn đến “một cuộc cải tổ bất ngờ” về tiểu thuyết. Từ những bước đi ban đầu, tiêủ thuyết Lãng Mạn Meiji đã đạt tới đỉnh cao rực rỡ nhờ sự học hỏi đầy tinh thần sáng tạo và tâm huyết hướng tới một nền văn học hiện đại của các nhà văn xuất sắc buổi giao thời. Thành tựu của tiêủ thuyết Lãng Mạn Nhật Bản thời Meiji gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về vấn đề tiếp nhận văn học thời hội nhập hiện đại.

 

 

 

CHÚ THÍCH

 

1.W.Durant: Lịch sử văn minh Ấn Độ, Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2003, tr 342

 

2. Chủ nghĩa lãng mạn, Wikipedia.org

 

3. Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Lê Bá Hán- Từ điển thuật ngữ văn học, Giáo dục, H, 2004, tr 86

 

4. Okazaki Yoshie: Japanese Literature in the Meiji Era (Trans V.H.Viglielmo), Obunsha, Tokyo, Japan, 1955, trang 163

 

5. Okazaki Yoshie: Japanese Literature in the Meiji Era (Trans V.H.Viglielmo), Obunsha, Tokyo, Japan, 1955, trang 169

 

6, 7. Okazaki Yoshie: Japanese Literature in the Meiji Era (Trans V.H.Viglielmo), Obunsha, Tokyo, Japan, 1955, trang 179

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

 1. W.Durant: Lịch sử văn minh Ấn Độ, Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2003,

 

2.Nhiều tác giả- Văn học Nhật Bản, Thông tin khoa học xã hội, Hà Nội, 1998

 

3.  Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Lê Bá Hán- Từ điển thuật ngữ văn học, Giáo dục, H, 2004

 

 4. J.Thomas Rimer- A reader’s guide to Japanese literature, Kodansha International, tokyo and New York.

 

5. Okazaki Yoshie: Japanese Literature in the Meiji Era (Trans V.H.Viglielmo), Obunsha, Tokyo, Japan, 1955.

 

6. Chủ nghĩa lãng mạn, Wikipedia.org

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


* TS. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội