Cảm hứng xuân trong thơ chữ Hán Ức Trai

In bài này

Nguyen TraiXưa nay người ta nói nhiều về thơ Nôm của Nguyễn Trãi, nổi bật vẫn là hình ảnh mùa xuân hiện ra thật phong phú, tươi trẻ và sống động. Nếu trong thơ Nôm Nguyễn Trãi “mùa xuân được cảm nhận như là biểu tượng của vẻ đẹp hoàn mỹ, hoàn chỉnh, phổ biến” thì còn một mùa xuân suy tư và ẩn ức, có vẻ già cỗi hơn, riêng tư hơn, chất chứa những nỗi niềm sâu lắng bàng bạc trong dòng thơ chữ Hán của ông.

 

Thơ xuân Nguyễn Trãi không nhiều bằng thơ tả mùa thu, thơ tự sự hoặc thơ tự răn mình. Đặc biệt là thơ chữ Hán về mùa xuân lại ít hơn thơ Nôm. Nếu xuân trong thơ Nôm của ông căng tràn sức sống, là một sự tiếc nuối tươi trẻ, mang hơi thở của tình yêu (bài Cây chuối) thì xuân trong thơ chữ Hán của Ức Trai lại pha chất cô liêu, tượng hình, có lúc bình dị nhưng lại có khi huy hoàng, tráng lệ. Hình ảnh xuân trong thơ chữ Hán Nguyễn Trãi gợi cho người ta cái cảm giác trầm buồn, cô quạnh lẫn một chút hờn dỗi của người anh hùng cô thế thu mình về ẩn dật trong thiên nhiên sau những thăng trầm của thời cuộc, sau những trải nghiệm đau đớn của bản thân:

   

 

                Thế sự bất tri hà nhật liễu

Biển chu quy điếu Ngũ Hồ    xuân

                Việc đời không biết ngày nào xong

Để một con thuyền nhỏ mà về câu xuân ở Ngũ Hồ

Mạn thành I – Ức Trai thi tập

Nguyễn Trãi ví mình như Đỗ Phủ có tâm có tài mà suốt đời lận đận. Thôi thì rũ bỏ hết, tất cả chỉ là hư vinh, chỉ có cõi vĩnh hằng là những gì thiên nhiên ban tặng. Một cái tâm thanh tịnh, giác ngộ ở đỉnh cao của vô ngã! Có điều là hình ảnh xuân ở bài này được ông ví như “con cá” vậy, thật lạ và hình tượng! Ngư ông Nguyễn Trãi không phải câu con cá thật mà là câu xuân. Vậy có phải xuân – biểu tượng của thiên nhiên chính là những cái có thật, hiển nhiên trước mắt, có thể động chạm vào được? Còn việc đời kia, những hận thù, giết chóc, mưu mô mãi mãi cũng chỉ là tạm bợ, khổ não và phiền toái? Xả bỏ thì sẽ an lạc, yên bình, đó là điều tất yếu!

 Con cá là hình ảnh động, là sức sống, một sức sống vô tư của tự nhiên muôn đời, của tạo hóa vĩnh trường.

Có thể nói rằng, cuộc đời Nguyễn Trãi là một mùa xuân lớn! Mùa xuân luôn rạo rực trong ông. Sức sống và cống hiến của ông chính là minh chứng rõ ràng nhất của sức xuân nơi ông. Tình yêu đất nước, con người và thiên nhiên là thể hiện mạnh mẽ nhất của mùa xuân Nguyễn Trãi. Ông đã giúp nước ta có những mùa xuân vẻ vang chiến thắng và thanh bình. Thế nhưng Nguyễn Trãi vì quan tâm nhiều nên khổ cũng nhiều. Nỗi buồn đau, chán nản của ông chỉ là một mặt thống nhất khác trong sự thể hiện sức xuân nơi tâm hồn ông, cái sức sống mãnh liệt đã đuổi sạch bọn xâm lăng, phò vua cứu nước, gây dựng triều đình, chăm lo cho đời sống muôn dân, yêu mến thiên nhiên, cảnh vật.

Do đó, mùa xuân trong thơ ông, nhất là thơ chữ Hán có một vị trí đặc biệt, là mạch cảm hứng để khai thông mọi mạch nguồn cảm hứng khác. Nguyễn Trãi Xuân nên Nguyễn Trãi yêu mùa xuân. Xuân trong thơ chữ Hán Ức Trai độc đáo ở chỗ đóng vai trò như một người bạn lớn để ông nương tựa trong những khi quay về quy ẩn sau giấc mộng tan tành :

            Nhãn biên xuân sắc huân nhân túy

Chẩm thượng triều thanh nhập mộng hàn

            Bên mắt sắc xuân khiến người say đắm

Trên gối tiếng thủy triều đập vào giấc mộng nghe lạnh lùng

Hải khẩu dạ bạc hữu cảm – Ức Trai thi tập

Người anh hùng ấy thường bất mãn với thời cuộc, hoài bão lớn lao nhưng với cuộc đời dường như không thể dung hoà được, thế nên :

            Kim cổ vô cùng giang mạc mạc

Anh hùng   hữu hận diệp tiêu tiêu

            Xưa nay thời gian vô cùng, sông rộng bao la

Anh hùng mang mối hận lam lá rụng veo veo

Vãng hứng – Ức Trai thi tập

Đau đớn hơn là :

             Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật

Anh hùng   di hận kỷ thiên niên

            Hoạ phúc có manh mối không chỉ trong một ngày

Anh hùng để mối hận lại đến nghìn năm sau

Quan hải – Ức Trai thi tập

Một triều đại không đủ thấu lòng quân tử! Một triều đình không đủ độ bao dung! Còn chốn nào để đi ngoài không gian và thời gian bất tận? Số phận, tài năng và tâm hồn của con người có khả năng làm thay đổi lịch sử ấy trải dài suốt hai chiều vô tận của nhân gian. Và mùa xuân là một trong những nơi mà ông tìm đến để trải lòng mình. Đó là nơi người lữ khách tha phương tìm về cội nguồn, thân quyến trong nỗi cô đơn luyến tiếc khi xuân đã quá nửa :

            Nhất tòng luân lạc tha hương khứ

Khuất chỉ thanh minh kỷ độ qua

Thiên lý phần uynh vi bái tảo

Thập niên thân cựu tận tiêu ma

Sạ tình thiên khí mô lăng vũ

Quá bán xuân quang tê cú hoa

Liêu bả nhất bôi hoàn tự cưỡng

Mạc giao nhật nhật khổ tư gia

            Kể từ khi lưu lạc nơi đất khách

Đếm đốt ngón tay thấy thanh minh đã qua mấy lần

Xa nghìn dặm mồ mả không được cúng lạy, quét dọn

Trải mười năm thân thích cũ đã hao gầy hết

Chợt tạnh khí trời vào tiết mưa rào

Đã quá nửa xuân hoa tê cú nở đầy

Tán khuây nâng một chén còn phải cố gượng uống

Để đừng có ngày nào cũng khổ nhớ về quê nhà 

Thanh minh – Ức Trai thi tập

Thấm đẫm trong lòng Nguyễn Trãi là nỗi buồn nhớ cố hương, gia quyến. Nhìn cảnh xuân qua mà lòng sầu tiếc vô hạn vì đã không làm tròn bổn phận trong gia đình. Mùa xuân là lúc những gia đình, thân tộc đoàn tụ chung vui đón Tết, là lúc người ta được quây quần hoan hỷ, xua tan những mệt nhọc của năm cũ, những nỗi cô đơn trống vắng khi phải xa gia đình trong một năm. Đó cũng là truyền thống bao đời nay của dân tộc ta. Vậy mà Ức Trai lại đang một mình nơi đất khách, lạc lõng đến nỗi quá nửa xuân mới vội giật mình. Sự tiếc nuối thời gian trôi qua đời người như lời nhắc nhở cho bổn phận làm người một khi đã sinh ra trong trời đất này. Mùa xuân lúc này đóng vai là một người bạn lớn âm thầm giác tỉnh thi nhân, khơi gợi lên trong lòng người xa xứ những tình cảm cô đọng lâu ngày nay lại bừng dậy. Tiếc xuân là Nguyễn Trãi tiếc cuộc sống vì xuân là biểu tượng của sự sống. Con mắt xuân của Nguyễn Trãi lúc này là âu sầu, cô độc, khác hẳn với niềm hân hoan, rạo rực trong bài thơ Nôm Cây chuối :

Tự bén hơi xuân tốt lại thêm

Đầy buồng lạ mầu thâu đêm

Tình thư một bức phong còn kín

Gió nơi đâu gượng mở xem

Cây chuối – Quốc âm thi tập

Tuy nhiên hai thái độ này vả chăng là mâu thuẫn trong một con người? Hoàn toàn không! Đó chỉ là hai mặt thống nhất của sự “đam mê nhập cuộc”   nơi Nguyễn Trãi. Tiếc xuân là Nguyễn Trãi tiếc tuổi trẻ, tiếc quãng đời thanh xuân cũng như tiếc cho cuộc sống con người là vô thường. Thời gian chẳng đợi ai, cái vòng sinh diệt cũng chẳng chừa người nào. Ai ý thức được điều đó thảy đều yêu quý thời gian và hay tự xét lại mình xem mình đã sống như thế nào để không phí những gì đang có.

Nhưng mùa xuân trong thơ chữ Hán Nguyễn Trãi không chỉ toàn mang màu sắc cô quạnh, buồn phiền mà đột phá với những ví von lạ và tươi mới. Nét tươi mới của mùa xuân trong thơ Ức Trai biến hóa qua óc tưởng tượng độc đáo của thi nhân:

       

            Thử giang nhược biến vi xuân tửu

Chỉ khủng ba tâm thượng túy miên 

            Sông này nếu biến thành rượu xuân cả

Chỉ sợ trong lòng sông ông vẫn ngủ say

Thái thạch hoài cổ – Ức Trai thi tập

Ông già Nguyễn Trãi lại say sưa trong men xuân, nhớ đến Lý Bạch thưở xưa. Thôi thì cuộc đời là vậy, cho qua hết những u sầu, thất vọng, băn khoăn, trăn trở. Hãy hoà nhập với cỏ cây, hoa lá mà hát ca, mà thoát tục a5

            Độ đầu xuân thảo lục như yên

Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên

Dã kính hoang lương hành khách thiểu

Cô châu trấn nhật các sa miên

            Đầu bến cỏ xuân xanh lục như khói.

Lại thêm trời mưa xuân nước vỗ ngang trời.

Đường ngoài nội vắng teo ít người qua lại.

Con thuyền đơn độc suốt ngày gối đầu lên bãi cát mà ngủ

Trại đầu xuân độ – Ức Trai thi tập

Cảnh xuân lại một lần nữa được tung hoành rực rỡ bởi trí tưởng tượng của thi nhân, huy hoàng và thánh thiện. Cảnh giới của sự thanh tịnh trong tâm được Nguyễn Trãi đưa lên một mức độ khác, cao hơn, vi diệu hơn. Sự đơn độc của con thuyền là sự đơn độc trong tâm hồn thi nhân, nhưng đó là sự đơn độc nhàn tản, mãn ý. Mùa xuân ở đây lại như tô điểm cho vẻ đẹp thanh khiết đó, vui vầy và an nhiên, tự tại.

Nhưng lại có khi xuân của Ức Trai chậm chạp, già nua, hệt như tâm thức của thi nhân đang cảm thấy mình lạc lõng với xung quanh :

            Nhàn trung tận nhật bế thư trai

Môn ngoại toàn vô tục khách lai

Đỗ vũ thanh trung xuân hướng lão

Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai

            Suốt cả ngày thong thả đóng cửa phòng sách

Ngoài cửa không hề có khách tục đến

Trong tiếng cuốc kêu nghe xuân đã sắp già

Đầy sân hoa xoan nở dưới mưa phùn

Mộ xuân tức sự – Ức Trai thi tập

    Tuy nhiên vẫn có một sự sống, một niềm hy vọng sâu kín đang trào dâng trong hình ảnh hoa xoan nở. Tuy đóng mà mở, tuy tĩnh mà động, tuy xa mà gần. Tưởng rằng Nguyễn Trãi quên ư? Rũ bỏ tất cả ư? Không phải! Đó là một sự lắng mình để chiêm nghiệm, để tự gây dựng cho mình một nội tâm mới, một sức năng mới trong thái độ đối người tiếp vật của ông mà thôi.

Mùa xuân là lúc vạn vật thay bộ áo cũ, khoác lên mình tấm áo mới, háo hức và sôi động. Nhưng đối với một số người nó cũng chất chứa những ưu tư, kéo lê cả những u sầu của năm cũ vì những việc chưa giải quyết được hay còn dang dở. Tuy vậy, mùa xuân của Ức Trai đã không bị vướng bụi trần, hoàn toàn thanh thoát và nhẹ nhõm, như dải lụa làm rơi hết những ưu tư thường nhật. Xuân có thể hiểu được nỗi cô đơn trống trải và truyền sang cho thi nhân những hương vị tươi mới.

Và, Ức Trai hiểu rằng mùa xuân trong ông không bao giờ chết cho dù nó có mang những hình tướng gì chăng nữa. Đó là mùa xuân của sự vận động, luôn nảy sinh một mãnh lực tiềm tàng trong những giờ phút cuối hay những khi thinh lặng nhất. Đó cũng chính là sức sống ưu việt của thơ văn Nguyễn Trãi qua ngàn năm.

 

Tháng 9 năm 2005

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, Trung tâm nghiên cứu Quốc học và NXB Văn học, tập 2,3; 2000.

2.    Nguyễn Trãi toàn tập, Viện Sử học, NXB KHXH, Hà Nội, 1976.

3.     Đoàn Thị Thu Vân, 2001, Tiếp cận thơ văn Nguyễn Trãi, NXB Trẻ & Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP.HCM

4.    Bùi Văn Nguyên (chủ biên), 1995, Tổng tập Văn học Việt Nam, Tập 4, NXB KHXH, Hà Nội

5.    Thiều Chửu, 1991, Tự Điển Hán Việt Thiều Chửu, NXB TP. HCM.