Thử tìm hiểu nhân vật người chiến sĩ trong tác phẩm “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu

In bài này

           
Nếu tiểu thuyết Việt Nam những năm 60 – chủ yếu là những tác phẩm viết về chiến tranh -  đã phần nào đáp ứng được sự mong mỏi của số đông bạn đọc; thì những tác phẩm văn xuôi của những năm 70 chính là nối tiếp dòng chảy của những năm 60.  Cùng với các tác giả Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Phan Tứ, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Hồ Phương, Đào Vũ, Thu Bồn, Lê Văn Thảo, Chu Lai, Lê Lựu, Khuất Quang Thụy… ; cây bút Nguyễn Minh Châu đã thực sự nhập cuộc, dấn thân. Với những trăn trở “những thế hệ về sau sẽ lần lượt đến soi mình xuống cái khúc lịch sử của những người đương thời chúng ta để tìm ra những bài học quý báu cho họ” [03; tr. 41], “người  viết trẻ bên cánh rừng già” đó đã tâm niệm: “người viết trước hết nên thành thực với mình tức là thành thực với người đọc. Những chủ đề lớn lao bao giờ cũng đòi hỏi một sự trình diện giản dị và cô đúc” [03; tr. 41].  Và “Dấu chân người lính” ra đời chính là sự “thành thực với mình - với người đọc” như chính bản thân tác giả Nguyễn Minh Châu vậy.
Là tác phẩm gắn bó với  một chuyến đi, từ năm 1969 đến năm 1972, “Dấu chân người lính” mới ra mắt bạn đọc. Đi với các đơn vị chủ lực, xuống tận đại đội chiến đấu, nghe chuyện của các chiến sĩ, các cán bộ lãnh đạo, dự tổng kết chiến dịch v.v. Hiện thực cuộc chiến đuợc ghi lại trong tác phẩm hầu như nguyên vẹn, trung thành. Nguyễn Minh Châu đã gắn ngòi bút của mình vào mảng đề tài được coi là sôi động nhất trong nền văn học cách mạng Việt Nam: đề tài chiến tranh và quân đội. “Dấu chân người lính” đã làm sống lại những chặng đường hành quân và cuộc chiến đấu anh dũng của những người lính Trung đoàn 5. Từ những ngày đầu chuẩn bị chiến dịch cho đến những chặng đường hành quân gian khổ và cuối cùng là cuộc tổng tấn công khép chặt vòng vây ở thung lũng Khe Sanh, những người lính trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu đã trải dài bước chân họ trên khắp chiến trường. Sau cuộc đổ quân của lữ đoàn Kỵ binh bay nhằm mục đích giải vây của quân lực “Việt Nam cộng hoà” thất bại, quân Mỹ lâm vào thế bí và đang đứng trước nguy cơ có thể bị tiêu diệt hoàn toàn. Trung đoàn 5 sau một thời gian củng cố vaa2 bổ sung quân lại tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu. Bao dấu chân của chính uỷ Kinh,  của Khuê, Lữ, Thái Văn , Cận … để lại trên bước đường hành quân cũng là bao nhiêu ngày những người lính phải đối mặt giữa sự sống và cái chết, cái cao cả – thấp hèn, lý tưởng chiến đấu và hiện thực cuộc sống khắc nghiệt. Bút pháp trữ tình, giàu lý tưởng được phát huy đến mức tối đa nên vẻ đẹp khác nhau của các thế hệ cầm súng được tác giả khắc hoạ một cách đậm nét. Đó là những người lính – người chiến sĩ cầm súng – mà nét đẹp của họ đã trở thành hình tượng trung tâm của nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại nói chung, của Nguyễn Minh Châu nói riêng.
Bài viết này thử tìm hiểu quan niệm nghệ thuật về con người dưới góc độ thi pháp học.
1. Vài nét về “Quan niệm nghệ thuật về con người” trong tác phẩm văn học:
Là một phạm trù rất quan trọng của thi pháp học, quan niệm nghệ thuật về con người hướng chúng ta nhìn về đối tượng chủ yếu của văn học. Vì “văn học nghệ thuật là một sự ý thức về đời sống, nên nó mang tính chất quan niệm rất cụ thể” [19; tr. 23]. Nhà văn không thể miêu tả đối tượng mà không có quan niệm về đối tượng. Quan niệm nghệ thuật này thể hiện một cách nhìn, một cách tiếp cận, cách lý giải về con người . Chính vì “nhà văn sáng tạo ra nhân vật, kể ra, miêu tả ra nhân vật và nhân vật bao giờ cũng hiện ra theo cách hình dung, cảm nhận của tác giả” [20; tr. 28], nên  “quan niệm nghệ thuật về con người sẽ trở thành hình thức chủ nghĩa thuần túy nếu như nó không phục vụ làm cho những chủ đề xã hội, triết lý càng thêm sâu sắc và có ý vị đậm đà” [20; tr. 41].  Quan niệm nghệ thuật về con người gắn liền với cá tính sáng tạo của nhà văn, gắn liền với sự vận động của lịch sử.
Từ quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học trung đại Việt Nam đến quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học chống Mỹ là một bước đi dài. Nếu quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học cổ điển Việt Nam là con người vũ trụ, con người của chí khí, của tấm lòng, “con người thứ bậc” ( Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng. Một tiếng kêu vang lạnh cả trời. Ngôn hoài - Dương Không Lộ); thì con người trong văn học kháng chiến chống Pháp là con người tập thể. Đó là những con người trong sáng, vô tư, hy sinh vì lý tưởng. Họ sẵn sàng từ giã gia đình để dấn thân vào cuộc kháng chiến của dân tộc. Đó cũng chính là con người tập thể – chuyển hoá. Vì con người trong văn học kháng chiến chống Pháp được miêu tả như những đám đông “Lũ chúng tôi. Bọn người tứ xứ. Gặp nhau hồi chưa biết chữ. Quen nhau từ buổi một hai” (Nhớ – Hồng Nguyên), nên “tâm lý con người trong văn học kháng chiến là tâm lý tập thể, con người sẵn sàng làm theo yêu cầu chung, yêu cầu chung thành cảm xúc riêng của mình [19; tr. 34].  Bước sang những năm 60 - 70, hiện thực cuộc kháng chiến thời chống Mỹ đã quy định đề tài trung tâm và các nhân vật trung tâm của nền tiểu thuyết hiện đại. Quan niệm nghệ thuật về con người trong tác phẩm văn học xuất hiện khác hơn, mới lạ hơn: con người xả thân. Con người trong văn học chống Mỹ ý thức rất rõ về sự xả thân vì sứ mệnh lịch sử của mình.
2.  Quan niệm nghệ thuật về con người -  nhân vật người chiến sĩ - trong “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu:
2.1 Nhân vật là con người – xã hội  được nhà văn tiếp cận theo khuynh hướng sử thi:
“Con ngươi trong tiểu thuyết sử thi là những con người mang trong mình kích thước lớn lao của lịch sử, tiêu biểu cho vẻ đẹp của dân tộc và cộng đồng. Đó là những con người mang trong mình lý tưởng cao đẹp, sẵn sàng xả thân vì độc lập tự do của tổ quốc” [10; tr. 65].
Hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ vì độc lập tự do, vì sự sống còn của dân tộc Việt Nam là hiện thực lịch sử nổi bật. Hiện thực cách mạng đó vừa là nguồn cảm hứng vô tận của người cầm bút, vừa là điều kiện thuận lợi cho văn học nẩy sinh và phát triển. Nói theo Nguyễn Minh Châu, hiện thực sinh động ấy ví như  “cây khộp và cây phong lan như cái phần trần trụi cực nhục và cái phần thanh nhàn của người đời và cuộc đời, nó cũng là cái phần hiện thực nghiêm ngặt và chất lãng mạn của văn học” [03; tr. 39]. Chính vì nền văn học hiện đại Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 là một nền văn học phục vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu; một nền văn học hướng về đại chúng, trước hết là công nông binh; một nền văn học chủ yếu được sáng tác theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, nên nhân vật người chiến sĩ  trong “Dấu chân người lính”  được nhà văn tiếp cận theo khuynh hướng sử thi rõ nét nhất. Sống giữa những ngày chống Mỹ, nối tiếp truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam; cái nền hiện thực của cuộc kháng chiến đã là cơ sở để những người chiến sĩ – con người – xã hội  xuất hiện một cách giản dị mà đẹp đẽ, hùng tráng. Người chiến sĩ  trong “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu là những nhân vật trung tâm nhân danh cộng đồng. Đó là những con người “gắn bó số phận mình với số phận đất nước và kết tinh những phẩm chất cao quý của cộng đồng”, là “những nhân vật trước hết đại diện cho giai cấp, cho dân tộc và thời đại, chứ không phải đại diện cho cá nhân mình” [14; tr. 194]. Được  tiếp cận theo khuynh hướng sử thi, hình ảnh người lính Trung đoàn 5 cũng là hình ảnh người chiến sĩ Việt Nam.
“Mang âm hưởng anh hùng được quy định bởi bản chất của toàn bộ nền văn học đương thời là tập trung miêu tả cái “anh hùng”” [21; tr. 120], không khí sống động những ngày hành quân của Trung đoàn 5 được Nguyễn Minh Châu tái hiện bằng giọng văn đâm chất anh hùng ca: “Các ngả đường ngập những lính, đâu đâu cũng nghe những tiếng hát, tiếng ồn ào của đám đông, đâu đâu trong rừng cũng sực lên hơi người, đâu đâu cũng gặp những bếp than cháy dở (…). Bất cứ một người nào đi trên con đường này cũng phải tự hỏi: Ai là người đầu tiên tới đây dựng lên cái bếp lửa sơ sài bên con đường rừng? Bàn tay người lính nào đã dùng mìn bẫy đá, cầm dao phát cây? Và người cán bộ tham mưu nào đã từng mang một chiếc địa bàn và một mảnh bản đồ, đứng chon von trên đỉnh núi để ngắm hướng cho việc mở đường?” [05; tr. 16 - 17]. Con đường mòn xuyên qua Trường Sơn trong những ngày mưa dầm và giá rét đã là con đường của tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mỹ, con đường huyền thoại. Một bếp lửa sơ sài dựng vội bên con đường rừng, bàn tay người lính bẫy đá, phát cây, một cán bộ tìm hướng mở đường… tất cả tạo nên một bức tranh hoành tráng để người lính xuất hiện đẹp một cách rực rỡ, hào hùng.
Chân dung người chiến sĩ trong “Dấu chân người lính” không chỉ đơn thuần là chân dung của từng con người - cá nhân. Chân dung của họ được dựng lên “trên nền của cảnh chiến trường, nơi giáp mặt với kẻ thù, bom đạn, cái chết. Đó là những chân dung tập thể, nhiều khuôn mặt của nhiều thế hệ, mang dáng vẻ và ý chí thời đại đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” [16; tr. 105]. Phải tiếp cận nhân vật người chiến sĩ như những con người – xã hội  theo khuynh hướng sử thi, Nguyễn Minh Châu mới vẽ lên được chân dung rất “lính” của họ. Đó là thế hệ những người lính đã kinh qua cuộc kháng chiến chống Pháp, dạn dày kinh nghiệm như chính uỷ Kinh, như trung đoàn trưởng Nhẫn. Cuộc đời binh nghiệp của chính uỷ Kinh hầu như gắn liền với những trận đánh, những chặng đường hành quân. Mọi gánh vác lo toan trong ngôi nhà gỗ, bên bờ con sông rất đẹp của miền Trung , Kinh đều phó thác cả lên đôi vai người vợ. Con trai ông – Lữ – trốn nhà đi bộ đội, khép lại quãng đời học trò ở tuổi mười sáu từ một buổi chào cờ cuối cùng trên sân trường. Với quan niệm “phải từ giã hết, phải ném vào lửa hết, phải ném vào lửa bằng hết, tất cả mọi thứ sách vở và bản thân những thằng học trò như mình cũng cần phải được ném vào lửa” [05; tr. 84 - 85], Lữ đã “lăn lóc khắp các tuyến đường, các bến phà, đã từng góp bàn tay làm nhiều con đường, từng đi cứu kho, cứu người, gỡ bom nổ chậm, từng đi nuôi lợn, nuôi bò, đi dạy văn hoá…” [05; tr. 85] để  “tự tìm lấy một niềm tin bền vững và chắc chắn hơn từ trong cuộc đời”. Hình ảnh đẹp của người chiến sĩ trong“Dấu chân người lính” còn là bác Đảo – “một chiến sĩ tình nguyện quốc tế” ngoài bốn mươi tuổi,  một tiểu đội trưởng nấu ăn chăm chỉ và chu đáo nổi tiếng trong Trung đoàn.  Trải qua nhiều lần bị bom mìn, nhiều lần bị máy bay B52 oanh tạc trúng bếp nấu ăn, quần áo, đồ đạc cháy sạch, nhưng con người “thấp bé, đầu hói bóng” ấy không bao giờ chịu mất chiếc xà-cột bên mình. Chỉ vì trong đó luôn cất giữ mấy gói muối, mì chính và một chiếc kéo dùng để cắt tóc cho anh em… Nhìn vào công việc tỉ mỉ, chu đáo của một tổ trưởng nấu ăn ngoài mặt trận, không ai có thể nghĩ đó là kẻ đã “từng sống gần nửa đời người ở các vùng thị trấn đô hội nước ngoài, đã từng mặc “xà-rông” đi lễ ở các ngôi chùa, làm nghề đánh cá trên sông Mê-kông, đã từng cắt tóc, chùi xe đạp và sống cùng khu phố ngoại ô với những người làm xiếc, viết đơn thuê, những người làm nghề nhổ răng vỉa hè và bán thuốc lá cuốn”[05; tr. 193-194].
Nhân vật người chiến sĩ của Nguyễn Minh Châu đẹp từ ý nghĩ đến hành động. Giữa những ngày hành quân, khi nhận được tin ở nhà bị bom dội, mẹ bị thương nặng và một đứa em năm tuổi chết, tiểu đội trưởng trinh sát  đầy nghị lực và sắc sảo Khuê nén nỗi đau cá nhân, cùng đồng đội tập trung hết tinh thần vào các buổi diễn tập. Lượng – đại đội trưởng đại đội trinh sát của Trung đoàn 5, canh cánh trong lòng một tình yêu với  người phụ nữ Vân Kiều, nhưng vẫn cương quyết cắt đứt mối quan hệ tình cảm đó để giữ cho hình ảnh anh cán bộ Giải phóng quân đẹp mãi trong lòng mọi người. Đó còn là hình ảnh của Cận, của Moan,  Hoạt…, những chiến sĩ trẻ trong tổ điện báo ngày đêm bám trụ kiên cường trên cao điểm 475. Trong “Dấu chân người lính”, chân dung người lính lần lượt xuất hiện, bình dị, đời thường mà anh dũng. Ngoại trừ chính uỷ Kinh và bác Đảo, đa số chiến sĩ đều có tuổi đời từ mười tám đến hai mươi ba, hai mươi lăm… Các thế hệ người lính ấy đã sát cánh bên nhau, trở thành đồng chí, đồng đội của nhau, cống hiến đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Là một cuộc chiến toàn dân, toàn diện, âm hưởng hào hùng của một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” bàng bạc trên mỗi chặng đường hành quân : “Đông đúc quá! Không ai có tài nào mà phân biệt hoặc đếm được có bao nhiêu đơn vị, cũng không thể biết đây là đường rừng hay là quảng trường, là rừng cây hay là rừng người và rừng súng đạn. Người ta chỉ biết đông đúc và chật chội, là hơi nóng của hơi thở và mùi mồ hôi người, là tiếng nói ồn ào của cuộc sống, là đàn ong cần lao đang san một nửa tổ đi đánh giặc, là cơn giận dữ của đất nước lại một lần cầm lấy súng. Người ta cũng không thể phân biệt hiện tại hay khung cảnh lịch sử, hay là tương lai đang bước ra đây từ đôi bàn chân của người lính?” [05; tr. 51-52]. Chính cái “không khí mới mẻ, náo nức của những ngày đầu sôi sục chống Mỹ – cái không khí vừa bề bộn quyết liệt, vừa trang nghiêm đầy đức tin của một thời kỳ không thể nào quên trong cuộc đời mỗi con người” [17; tr. 114] đó đã làm đẹp thêm chân dung người lính, hun đúc thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng của một thế hệ anh hùng, một dân tộc anh hùng. Tổ quốc còn hay mất? Độc lập, tự do hay nô lệ, ngục tù? Người chiến sĩ trong “Dấu chân người lính” không còn mang tiếng nói của những số phận cá nhân mà đại diện cho tiếng nói của cả một cộng đồng dân tộc trước thử thách quyết liệt. Tiếng nói ấy dù âm thầm, lặng lẽ nhưng lại có một sức sống mãnh liệt, bất khuất, kiên cường: “Không thể nào tả hết những khuôn mặt chiến sĩ, những khuôn mặt chỉ huy, những khuôn mặt của tầng tầng lớp lớp người đang nối tiếp nhau hiện ra từ trên dốc, từ dưới suối, từ khắp các ngõ ngách của rừng. Khuôn mặt nào cũng đẫm mồ hôi và bừng bừng như say. Phần đông là những khuôn mặt còn trẻ măng cả. Nhìn bất cứ người nào cũng có thể đoán được khuôn mặt dòng dõi của bố mẹ, của người em, người anh, người chị ở nhà hoặc cũng ở một nơi nào đó. Tất cả đều đang bước đi. Các cặp mắt tất cả đang nhìn. Trong tất cả mọi người giữa dòng thác hôm nay, ai sẽ trở nên nhà chép sử sách, ai sẽ cầm bút viết văn, sẽ mô tả làm sống trở lại khung cảnh này ?” [05; tr. 52]. Bằng những lời văn trang trọng, mỹ lệ, chân dung người  chiến sĩ trong “Dấu chân người lính” chính là sự nối tiếp truyền thống hào hùng của bước chân Quang Trung thần tốc mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1788, của người nghĩa sĩ công đồn Cần Giuộc những ngày đầu chống Pháp năm 1861 và là sự kết tinh cao quý chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam của thế hệ chiến sĩ Điện Biên năm 1954.
Tiếp cận nhân vật theo khuynh hướng sử thi, người  chiến sĩ  - những nhân vật điển hình trong “Dấu chân người lính” - “thực chất là những nhân vật sử thi  luôn cao hơn cuộc sống một nấc và “có sức mạnh vẫy gọi con người vươn tới cái cần có trong cuộc chiến đấu”” [23; tr. 79].
2.2. Nhân vật là con người – xả thân  được nhà văn xây dựng qua bút pháp trữ tình, hướng ngoại:
Cuộc kháng chiến chống Mỹ đến hồi quyết liệt. Trung đoàn 5 bước vào một giai đoạn chiến đấu mới: chiến dịch bao vây. Các đại đội thuộc Trung đoàn 5 đều được huy động vào chiến dịch vận tải “lót ổ”, phối hợp các đơn vị chiến đấu tiêu diệt khu vực phòng thủ rắn nhất của tuyến đường 9 cắt đôi hai nước Việt - Lào. Hiện thực anh hùng của cuộc chiến hiện lên trên mỗi trang viết càng lúc càng đậm nét. Cái anh hùng cao cả trong cuộc sống được tái hiện lại trong “Dấu chân người lính” trở thành cái cao cả nghệ thuật. Và chân dung người chiến sĩ được xây dựng theo phương thức “phóng đại” – phóng đại cái đẹp để đẹp hơn. Họ chính là những con người – xả thân  được nhà văn xây dựng qua bút pháp trữ tình, hướng ngoại.
Địch rót vào Khe Sanh sáu ngàn tên lính thuỷ đánh bộ, có khi con số ấy tăng lên đến bốn vạn rưỡi. Là một thung lũng ngang dọc mỗi bề khoảng chừng mười cây số, trang bị hiện đại với hệ thống phòng ngự vững chắc, hình thành một hình tam giác khép kín, Khe Sanh đã trở thành một cứ điểm quan trọng; là cái “yết hầu” trong chiến dịch “Scotland” (chiến dịch giải vây cho lữ đoàn “Ngựa bay”). Trong cái bối cảnh ấy, đời sống nội tâm của người lính ít được miêu tả sâu sắc. Hiện thực cuộc kháng chiến đang cuốn họ về phía trước. Gặp con vội vã trên chặng đường hành quân, chính uỷ Kinh và con trai cũng không có những giây phút riêng tư dành cho tình cảm cha con, gia đình. Phần lớn thời gian của Kinh đều dành cho chiến dịch. Xuyên suốt tác phẩm, người đọc thấy một chính uỷ Kinh chỉ để tâm nghĩ đến vợ và các con trai một đôi lần. Trong tâm hồn người lính già dặn trận mạc ấy, những suy nghĩ hướng ngoại là dòng mạch chủ yếu: “Chưa bao giờ Kinh thấy đội hình một đại đội xuất kích đi chiến đấu lại dài đông đúc như thế. Cũng chưa lần nào đứng trước hàng quân trước giờ nổ súng, Kinh lại thấy vững tâm như lần này. Trước mặt ông, thực sự là một khối thuốc nổ.” [05; tr. 170]. Tình thương con của Kinh đối với Lữ cũng bao hàm trong tình thương của một người cha - người đồng chí với đồng đội của mình. (“Kinh lại thấy thương con vô hạn, xen lẫn một niềm tự hào ngấm ngầm, nhưng vẫn không khỏi lo lắng, một nỗi lo mơ hồ và gần như bất lực”. “Giữa lúc gần như tất cả trí óc Kinh đã bị hút về phía địch thì thật kỳ lạ, làm sao giữa trái tim của ông chợt nảy nở một mối tình yêu thương im lìm và sâu xa của người cha bao trùm lên hết tất cả” [05; tr. 98]). Ngay cả sau này, khi được tin con trai hy sinh, người chiến sĩ – con người xả thân ấy “vẫn không thay đổi sắc mặt”. Ông chỉ cất tiếng hỏi bằng “cái giọng hơi khàn” với người chiến sĩ cần vụ. Với cách mô tả từ bên ngoài, Nguyễn Minh Châu không để cho người đọc thấy được cơn bão táp trong tâm hồn người lính chiến dày dạn ấy. Và mãi sau này, khi nghe văn công hát , Kinh mới khóc vì thương nhớ con: “… một giọt nước mắt long lanh trên cặp mắt đồng chí chính uỷ. Giọt nước mắt đọng rất lâu rồi rơi xuống ống tay áo quân phục đầy nếp gấp đặt ngang trước bụng ông. Đó là giọt nước mắt đầu tiên kể từ ngày Kinh nhận tin con trai mất. Cho đến hôm nay, trong khi ngồi nghe cô văn công hát, tiếng hát khiến ông chợt nhớ đến con trai mình và ông đã lỡ để rơi một giọt nước mắt” [05; tr. 311]. Những trạng thái tâm lý của Kinh chỉ được miêu tả như những âm thanh đơn lẻ, hoà vào âm vọng tiếng hát “Anh vẫn hành quân” của cô văn công và nhanh chóng chìm lẫn trong dàn đồng ca hùng tráng của cuộc chiến đấu của dân tộc. Bút pháp trữ tình hướng ngoại của Nguyễn Minh Châu khi xây dựng nhân vật chiến sĩ – con người xả thân cũng thể hiện  rõ qua hình ảnh Thái Văn – một nhà thơ tình nguyện đi theo đơn vị pháo binh sông Cầu để tiếp cận thực tế. Vào bộ đội từ lúc mới bắt đầu học chữ; những nhà thơ – người chiến sĩ như Thái Văn cũng đã là những nguyên mẫu con người - xả thân. Dù mỗi thế hệ người lính bước vào cuộc chiến đấu với một dáng cầm súng khác nhau; nhưng Thái Văn vẫn thấy  “có cái gì khác trong vẻ đẹp của lớp người cầm súng trước đây và lớp người hôm nay? Ngày xưa, những người lính nông dân cầm khẩu súng để chiến đấu cho Tổ quốc, đồng thời cho mảnh vườn và mái nhà của mình (…) vậy thì trong cuộc trường chinh hôm nay họ đang chiến đấu cho cái gì? Họ từ bỏ cái trái hạnh phúc đã ửng hồng trong vườn nhà mình để cầm súng đi chiến đấu cho mục đích gì ?” [05; tr. 220 - 221].  Mục đích chiến đấu ấy chính là độc lập, tự do. Họ đã “xả thân” chỉ bằng lưỡi lê và lựu đạn, lăn xả vào những đám lính Mỹ để giải vây cho Lữ và bảo vệ chiếc đài vô tuyến điện. Cái chết của họ nhẹ tựa lông hồng, mang âm hưởng hào hùng của tinh thần “nhất khứ bất phục phản”.
Mang những đặc điểm của con người - xả thân, nhân vật người chiến sĩ trong “Dấu chân người lính” đã “thể hiện thế giới tinh thần phong phú và vẻ đẹp lý tưởng của người anh hùng, mối quan hệ giữa cái bình thường và cái vĩ đại, giữa người anh hùng và tập thể quần chúng anh hùng, giữa anh hùng ca và tình ca, cuối cùng là những đặc điểm về khí phách, tầm vóc và dáng đứng của người anh hùng cách mạng Việt Nam” [09; tr. 109]. Đọc nhật ký của Lữ, chúng ta không hề gặp những suy nghĩ riêng tư trong tâm hồn một chàng trai tuổi mười chín:
“Đứng ở đây nhìn rộng sang cả hai bên bờ Nam và bờ Bắc chỉ thấy nhức mắt một vùng bãi hố bom đỏ loét trên chỏm đồi, trên sườn đồi, trên dải đất đầy những đá và cây sát mép nước. Hình như số phận những con sông đều gắn chặt với số phận đất nước và tất cả các con sông đều hết sức nhạy cảm với chiến tranh ? Tôi khoác súng đứng bên này nhìn sang bên kia  mấy phút trước khi xắn quần lội qua. Tôi cảm thấy da mặt cứ nổi gay lên, tim như phồng to choán cả lồng ngực, một nửa người tôi là máu chảy, nửa là lửa cháy! Hình như tất cả tình yêu có trong cuộc đời chỉ đựng đầy trong một trái tim mười chín tuổi của tôi. Tôi đứng đây và tự nhiên nước mắt cứ trào ra. Bên kia, một nửa phần đất nước, một nửa mái  nhà của mỗi mái nhà bên này đang cháy, một nửa trái tim của từng trái tim người Việt Nam bên này ngày nào gót giày của hàng chục vạn quân Mỹ cùng giẫm lên một lần” [05; tr. 222 – 223].
Tình yêu của Lữ dành cho bố mẹ cũng là tình yêu dành cho đất nước, quê hương:
 “Những người cha dù có tinh thần trách nhiệm đến đâu cũng không thể làm thay được tất cả mọi việc cho đời con cái mình. Làm sao có thể như thế được? Những người cha của lứa tuổi chúng tôi đã làm nên một sự nghiệp hết sức lớn lao là giành lại đất nước và giữ vững đất nước, và vạch cho chúng tôi con đường phải đi tiếp theo, một con đường đầy hy sinh nhưng hết sức vinh quang. Chúng tôi đã chịu ơn lớp người  sinh ra mình và chúng tôi thấy cần phải xứng đáng là những đưa con (…). Con yêu mẹ như yêu vẻ đẹp dòng sông trước nhà ta, từ lúc còn bé con đã thấy. Con yêu bố như yêu dãy núi Hồng sau nhà, chỉ khi được mẹ bế cao trên tay và mẹ chỉ lên cao con mới nhìn thấy !” [05; tr. 228 – 229].
 Những trang nhật ký của Lữ thể hiện một tính cách nhân vật mang tính hướng ngoại, tự biểu hiện hơn là tự ý thức. Khi gặp Nghim – người chiến sĩ dân tộc ít người – những dòng nhật ký của Lữ viết về Nghim cũng là những suy nghĩ về cái bản A - lâu  bên bờ sông A-si xinh đẹp của Nghim bị bọn Mỹ – ngụy tàn sát, đốt phá. Và mong ước của Lữ “giá có cách gì giới thiệu cho các đơn vị hành quân qua trạm K. lịch sử  của cái trạm khách này, để cho tự bản thân câu chuyện sẽ nói lên ý nghĩa của cuộc chiến đấu của chúng ta hôm nay ở đây” [06; tr. 62] cũng không phải là những mong ước riêng tư cho cá nhân, vì cá nhân; mà là nỗi ước mong mọi người sẽ biết được cuộc chiến anh hùng của dân tộc Việt Nam. Ngay cả khi máy bay B52 oanh tạc cao điểm 475, trong những lúc dời hầm để bảo vệ đài quan sát pháo binh sông Cầu, sau những loạt bom đến tức thở, các chiến sĩ tổ trinh sát vẫn nghe tiếng Lữ đọc thơ sang sảng. Lữ không thể im lặng, hoàn toàn anh không thể nín lặng được bởi vì “không lúc nào bằng lúc ấy, mặt đất cần phải có tiếng nói, cần có tiếng người cất lên. Điều đó như một phản ứng của ý thức và của nhu cầu bản năng của anh và của tất cả mọi người, thấy cần phải nói lên tiếng nói mãnh liệt của sự sống, cần nói lên lời tuyên ngôn của những người chiến sĩ không có một thứ bom đạn nào của Mỹ có thể khuất phục được họ” [06; tr. 93].
2.3. Nhân vật người chiến sĩ được tác giả miêu tả tâm lý theo quy luật đồng nhất một chiều:
Là con người – xã hội nhân danh cộng đồng, là những con người - xả thân chiến đấu hết mình vì lý tưởng, nhân vật người chiến sĩ trong “Dấu chân người lính” hầu như không hề có “sự sống đích thực của các Bản ngã” [23; tr. 79]. Nói như Bakhtin, tác giả chưa đi tới tận cùng tâm hồn con người, chưa giúp người đọc nắm bắt “con người bên trong con người” của nhân vật.
Sau một cuộc chiến đấu, trong hàng ngũ bộ đội của Kinh đã có “nhiều mái đầu quấn băng trắng, những cánh tay, những mảng lưng và những khuôn ngực để trần, những vòng băng cá nhân quấn quanh người đã thấm ướt máu”,  nhưng những chiến sĩ thương binh ấy vẫn thét vang khẩu hiệu diệt địch. Từng loạt tiếng thét, tiếng hô “xin thề” nổ ra như những loạt súng. Những cánh tay quấn băng nâng những khẩu súng trường và tiểu liên , những khẩu súng máy quá đầu. Tiếng thét diệt giặc vang lên giữa những tiếng cười. “Tiếng thét phát ra từ những trái tim đang bốc lửa. Tiếng thét đông đặc, phẫn nộ, rùng rùng khép kín như một hàng ngũ xiết chặt” [05; tr. 168 – 169]. Điều này phù hợp quy luật tâm lý một chiều của nhân vật. Vì trong những năm tháng chống Mỹ, đứng trên quan điểm lịch sử thì “cái cao cả – anh hùng và lý tưởng đã bao trùm cái vốn có của thời đại” [09; tr. 120]. Không bàn đến “đã có lúc có người phê phán lối viết làm cho cái cao cả , lý tưởng lấn át cái vốn có” xung quanh vấn đề xây dựng nhân vật người chiến sĩ trong tiểu thuyết viết về chiến tranh [09; tr. 120], cũng không bàn đến đặc điểm thứ hai của người chiến sĩ ngoài mặt trận như tác giả Triệu Bôn nhận xét qua “Vài nét về nhân vật người chiến sĩ” (Đặc điểm thứ nhất là cuộc sống của họ biến động rất dữ dội và không bao giờ ngừng. Đặc điểm thứ hai là tâm trạng của họ luôn luôn tự mâu thuẫn. Đặc điểm thứ ba, sức sống thật kỳ diệu của họ) [01; tr. 121]; cùng với những tác phẩm tiểu thuyết khác trong giai đoạn 1945 – 1975, “Dấu chân người lính” là một “mô hình nghệ thuật đặc thù ra đời trong một giai đoạn lịch sử cụ thể” [10; tr. 66]; nên hầu như những người chiến sĩ – nhân vật chính diện trong tác phẩm – thường được bao bọc trong một bầu không khí “vô trùng”. Và vì thế, sự hoà hợp, thống nhất giữa “cái tôi” và “cái ta” chung của dân tộc, cộng đồng là điều tất yếu.
Được miêu tả tâm lý theo quy luật đồng nhất  một chiều, nhân vật người chiến sĩ trong “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu luôn “đồng nhất với chính nó”. Giữa những trận đánh ác liệt, các chiến sĩ trinh sát và điện đài trên cao điểm 475 luôn thể hiện một tinh thần lạc quan cách mạng. Những chiến sĩ với khuôn mặt “mới mười tám, mười chín, râu đã mọc đen bên mép. Khuôn mặt nào cũng dày cộm vì đất bột bám, vì thuốc đạn ám, những cặp mi mắt trên rất dày, mi dưới đỏ, tròng mắt lờ đờ đùng đục hoặc có vằn đỏ. Thuốc đạn, đất, trộn với mồ hôi lâu ngày đã biến thành một màu xam xám, xỉn xỉn bám trên chân tóc, trên lông mày, trong hai hốc mũi và trên những bộ quân phục sờn rách, dày và cứng như da thuộc” [06; tr. 103]; thế mà họ vẫn háo hức lắng nghe tiếng hát của các đồng chí văn công “biểu diễn” trong máy. Từ những khuôn mặt gầy võ, hố mắt trũng sâu, tóc tai đỏ quạch màu đất ; giữa các đợt dội bom của giặc; trong hầm sâu; tiếng sáo của Sĩ vẫn cất lên, dìu dặt, mơ hồ, bổng trầm, tha thiết. Và trong những ngày gần cuối của chiến dịch, chỉ trong vòng hơn một giờ đồng hồ, chín chiến sĩ  tiểu đội trinh sát: Cận, Moan, Lữ, Sĩ, Hoạt… đã liên tục bẻ gãy năm đợt tấn công của địch ở cứ điểm đồi 475. Chiến công của họ đã góp một phần không nhỏ cho chiến thắng Khe Sanh.
Chứng kiến cảnh những máy bay phản lực Mỹ dội bom lên xóm làng mình, Lữ và ba người bạn thân đã chấm dứt quãng đời đi học bằng một đêm đốt hết sách vở mà không hề trù trừ, do dự. Rời ghế nhà trường, bắt đầu cuộc sống mới, hành trang mang theo là tất cả những kiến thức “sách vở” và sự ngây thơ của tuổi học trò, đến khi trở thành một chiến sĩ thông tin liên lạc, đối với Lữ ; quãng đời đó ghi dấu sự trưởng thành lớn nhất trong cuộc đời anh: Lữ đã lớn lên từ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ giữ nước của dân tộc. Sự sống của Lữ không hề có cái gì là riêng. Lúc phát hiện giặc đang bí mật đổ quân xuống sườn núi bên đất Lào và quyết bắt sống Lữ cho bằng được, Lữ chỉ kịp xoay chiếc máy ôm gọn trước ngực và nghĩ: “sống chết cũng phải giữ cho được cái đài để kiên lạc !” [05; tr. 258]. Trong những ngày chốt ở cao điểm 475, được Khuê giác ngộ vào hàng ngũ của Đảng, người chiến sĩ trẻ ấy đã cảm thấy một niềm vui phấn chấn tràn ngập tâm hồn , khiến “một giọt nước mắt vỡ từ bên khoé mắt” và Lữ đã cảm thấy hết niềm hạnh phúc của một người “có khi chỉ vì được đứng bên cạnh một người khác, được dẫn dắt bởi bàn tay một người khác” [06; tr. 153]. Và khi đã trải qua các giai đoạn thông thường của một người con trai đã từng được thử thách và lăn lộn rất nhiều, bắt đầu quan sát bản thân bằng con mắt khe khắt, trong con người của Lữ đã dần dần hình thành một quan niệm về cuộc sống hết sức nghiêm ngặt: “chưa bao giờ anh biết yêu quý và trân trọng những người dồng đội chung quanh như hiện nay. Cái điều mới nảy sinh là anh đã có được một niềm tin vào phẩm giá tuyệt đỉnh của những con người, đó là những người đồng đội rất mực bình thường vẫn sống chung đụng với anh hằng ngày. Cũng chưa bao giờ cuộc đời hiện ra trước mắt anh đẹp như hôm nay, mặc dầu hôm nay anh đang phải chịu đói khát, đang đứng trên một mảnh đất ác liệt chưa từng thấy” [06; tr. 217 - 218]. Tình yêu của anh với Hiền cũng là một tình yêu rất lính. Lữ đã nghĩ đến ngày chiến thắng, anh sẽ “cầm tay cô đi qua ba mỏm đồi 475 để xuống thung lũng ở dưới kia. Hai người sẽ đi qua từng tấc đất chi chít hầm hố và giao thông hào, từng tấc đất mới được giải phóng mà những người đồng đội dũng cảm trẻ trung đã gửi lại biết bao mồ hôi và máu, đồng thời cả những hoài bão và lý tưởng, cả tiếng hát và niềm hy vọng” [06; tr. 224]. Chính vì được miêu tả theo quy luật “đồng nhất một chiều”, nên sự hy sinh của các chiến sĩ trinh sát ở Đồi không tên là những biểu hiện đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời chống Mỹ. Hành động hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Đồi không tên là những biểu hiện đồng nhất của “hạt ngọc” lấp lánh hào quang lý tưởng: “Sử sách về sau sẽ ghi tên Quả Đồi không tên, gần một chục chiến sĩ trẻ tuổi, tất cả đều là đoàn viên thanh niên do một đồng chí đảng viên chỉ huy, họ đã đem ngực mình dựng thành chiến lũy cản mười đợt tấn công điên cuồng của địch. Họ chiến đấu đến người cuối cùng, không có một tên lính Mỹ nào bước nổi qua cái mảnh đất của Tổ quốc họ đứng cầm súng và ngã xuống, trong ngày hôm nay” [06; tr. 271]. Và hành động quyết định gọi pháo bắn vào giặc – vào chính mình – của Lữ là hành động phù hợp với tâm lý, với quy luật: “Lữ giang hai cánh tay ôm chặt lấy cái đài như sợ chúng có thể ùa vào cướp ngay trên tay anh. Anh ôm nó trong ngực, lúc này anh quý nó hơn là tính mạng. Anh vừa quyết định một việc vô cùng hệ trọng đối với anh, và quyết định hết sức nhẹ nhõm: Anh gọi bắn ! Anh gọi rất hấp tấp, không kịp dùng ký hiệu mật mã - “Chúng bay hãy cầu chúa đi !”. Trong lòng anh chợt rưng rưng một nỗi mừng rỡ” [06; tr. 266]. “Người chiến sĩ điện thanh ấy trước khi hy sinh còn ngẩng cao đầu lên một lần cuối cùng: Trên nền trời cao, rất cao và xanh, lá cờ đỏ mỗi lúc mỗi thắm tươi đang bay, lá cờ mỗi lúc càng tiến dần đến trước mặt. Rồi anh nhắm mắt hẳn. Những món tóc rất xanh rối bù dính bết máu phủ kín cả vầng trán lấm tấm mồ hôi đã trắng nhợt. Dường như từ trong ngực anh, chiếc đài vẫn đang nói sang sảng” [06; tr. 267 - 268].
3. Người chiến sĩ trong “Dấu chân người lính”  của Nguyễn Minh Châu với nhân vật người lính Việt Nam trong “Hình bóng của vũ khí” của Hwang Seok Young (Hàn Quốc):
Nếu trong “Dấu chân người lính”  của Nguyễn Minh Châu, hiện thực cách mạng thời chống Mỹ giàu chất huyền thoại là cái nền để tác giả xây dựng nhân vật của mình; các nhân vật đã sống, cống hiến và hy sinh cả cuộc đời mình vì cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam; thì những người lính – người chiến sĩ Việt Nam - trong “Hình bóng của vũ khí” của Hwang Seok Young (Hàn Quốc) cũng chiến đấu hết mình vì lý tưởng, vì độc lập, tự do của dân tộc. Dù không trực tiếp cầm súng ra chiến trường diệt giặc như Lữ, Moan, Cận… trong “Dấu chân người lính”, nhưng nhân vật chính - Phạm Minh – trong “Hình bóng của vũ khí” cũng là một hình ảnh đẹp về người lính “Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam”. Đang là sinh viên Y khoa năm thứ hai một trường đại học ở Huế, Phạm Minh từ bỏ tất cả để vào bộ đội. Được tổ chức phân công phụ trách công tác quân nhu cho đơn vị ở tuyến Quảng Nam, Đà Nẵng, Hội An, Phạm Minh buộc phải thường xuyên giao dịch với người của “phía bên kia”. Anh phải nguỵ trang dưới lớp vỏ một kẻ buôn bán, xem đồng tiền là trên hết. Để  hoàn thành nhiệm vụ, anh đã hy sinh hạnh phúc cá nhân của mình; chịu những ánh mắt khinh rẻ của người thân, bè bạn; mang tiếng là kẻ phản bội Tổ quốc. Nhận nhiệm vụ vô vàn khó khăn, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, nhưng Minh vẫn tin vào lý tưởng, vào con đường mình đã chọn: “Trên con đường cách mạng, thì chỉ có hai con đường mà thôi: bị giết do bàn tay của kẻ thù hoặc là thắng lợi. Cái chết chỉ là của cá nhân, còn chiến thắng là của tất cả mọi người. Cái khả năng bị giết chết lớn hơn gấp vạn lần so với thắng lợi trước mắt. Nhưng nếu không có lòng tin vào thắng lợi thì không thể tiếp tục đấu tranh toàn diện được” [24; tr. 103]. Chiến đấu hết mình vì lý tưởng, Phạm Minh tâm niệm: “một người chiến sĩ giải phóng không phải biến thành một người chiến đấu kỹ thuật mà phải làm hồi sinh lại người cách mạng mới bằng cả cái “tâm” và “thân” hoàn toàn mới” [24; tr. 102]. Cuối cùng, Phạm Minh bị phát hiện và đã hy sinh khi chạm trán với những người lính Hàn Quốc và nguỵ quân trong một cuộc vây ráp… Là những người lính có lý tưởng, Lữ, Moan, Cận, Phạm Minh… đã cống hiến quãng đời đẹp nhất của tuổi trẻ cho cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc. Bằng cái nhìn hiện thực của một nhà văn tiến bộ từng tham chiến ở Việt Nam, Hwang Seok Young đã xây dựng hình ảnh đẹp đẽ về người lính Việt Nam qua nhân vật Phạm Minh. Dù chiến đấu ở mỗi trận tuyến khác nhau, nhưng nhân vật người chiến sĩ trong “Dấu chân người lính”  của Nguyễn Minh Châu và nhân vật người lính Việt Nam trong “Hình bóng của vũ khí” của Hwang Seok Young đều giống nhau ở điểm: là những con người – xả thân, hy sinh hạnh phúc cá nhân của mình, đặt “cái tôi” vào trong “cái ta” chung của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Điều đó càng được khẳng định qua lời nói của An Young Kyu – một người lính Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam: “Lính “Việt cộng” thì khác biệt với những loại lính khác. Nếu những loại lính khác ( lính Mỹ; lính Hàn Quốc tham chiến Việt Nam và nguỵ quân – Ha Jae Hong )  cái đầu và trái tim của họ “chênh” nhau; thì cái đầu và trái tim của lính “việt cộng”  không phải là “chênh” nhau, mà lại luôn thống nhất với nhau” [25; tr. 284]. Đó chính là sự thống nhất giữa lý tưởng và hành động trong trái tim, tâm hồn của từng người lính yêu nước chân chính.
Sự so sánh nhân vật người lính ở hai tác phẩm nói trên dù có phần khập khiễng; nhưng cũng cho chúng ta thấy được nét đẹp tâm hồn của những anh bộ đội Cụ Hồ.
4. Kết luận:
Lúc còn sống, Nguyễn Minh Châu đã từng tâm đắc với nhà văn Nga Simonov: “Viết về chiến tranh không phải chỉ làm rung động những người từng đi qua mà còn phải làm rung động cả những thế hệ không hề trải chiến tranh” [07; tr. 28]. Nằm trong dòng văn học chống Mỹ, rõ ràng “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu đã “nghiêng về vẻ đẹp hào hùng và tươi tắn của cả cộng đồng, nghiêng về những sự kiện vĩ đại, những người anh hùng và được thể hiện với bút pháp trữ tình đậm đà, giàu chất thơ. Ở đó, cảm hứng trữ  tình hoà nhập giao thoa nhuần nhị với cảm hứng anh hùng” [07; tr. 29]. Khuyến khích những tìm tòi và đổi mới về nghệ thuật để phản ánh thực tế biến động mạnh mẽ của cuộc chiến đấu, đó là ấn tượng để lại trong lòng người đọc qua “Dấu chân người lính”.
Trong một đất nước mà “trên ba mươi năm qua, số phận của nhân dân gắn với số phận của dân tộc như hai mặt của một tờ giấy” [13; tr.118], trong một giai đoạn lịch sư” mà “em bé cũng quên mình là em bé để làm một người lớn; ông già cũng ghép thành đơn vị bắn máy bay; và đàn bà cũng ghép mình thành đại đội, tiểu đoàn để đi vào Trường Sơn và làm tất cả mọi công việc đàn ông; trong một giai đoạn mà con ong, con voi cũng giết giặc, cũng đi đánh giặc; rừng cây, núi đá cũng đánh giặc; khí hậu, thời tiết cũng đánh giặc; nhà cửa, xóm làng, thành phố cũng trở thành thành lũy, ổ chiến đấu, pháo đài; những mối quan hệ xưa cũ như tình mẹ con, tình vợ chồng, tình yêu lứa đôi… cũng đều được huy động vào công việc đánh giặc một cách triệt để” [04; tr. 113];  thì hình ảnh những con người đặt cả cuộc đời vào việc đánh giặc giữ nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội là những hình ảnh đẹp một cách rực rỡ. Nguyễn Minh Châu đã luôn trăn trở “làm sao kết hợp được tính vĩnh hằng của văn học chân chính với yêu cầu cụ thể trước mắt của cách mạng, của công chúng” [12; tr. 116] và “Dấu chân người lính” ra đời là kết quả của sự “không có nhiều băn khoăn và chọn lựa, không có sự trái ngược giữa cái riêng và cái chung, giữa cái mất và cái được, giữa tài năng của nghệ sĩ và những nhiệm vụ chính trị được giao phó” [11; tr. 99 - 100]. “Dấu chân người lính” chính là một quá trình trong đó tác giả tự khám phá những hiểu biết của mình về người lính và viết về người lính bằng một sự nhận thức trung thực, chân thành. Giữa hiện thực xô bồ của hàng nghìn vạn người lính vào một chiến dịch lớn, nhà văn đã “dựng được những nhân vật người lính thuộc nhiều kiểu loại khác nhau, có tính cách, có số phận, không ai hoàn thiện, nhưng nhiều người thật đáng yêu, đáng nhớ, lưu luyến mãi trong tình cảm người đọc” [22; tr. 140].
Tình  yêu đất nước, quê hương, yêu dân tộc và lý tưởng chiến đấu của các chiến sĩ trong “Dấu chân người lính” của  Nguyễn Minh Châu nói riêng, những tác phẩm văn học thời đánh Mỹ nói chung đã là nguồn sức mạnh tinh thần vô giá, cổ vũ cho tuổi trẻ Việt Nam lên đường chống Mỹ trong những năm tháng chiến tranh. Và ngày hôm nay, trong một giai đoạn cách mạng mới, người chiến sĩ Việt Nam vẫn tiếp tục lên đường trên mọi lĩnh vực, mọi mặt trận để bảo vệ cho màu cờ vẻ vang của dân tộc.
Anh vẫn hành quân !

Tài liệu tham khảo
01.    Triệu Bôn, 1982, Vài nét về nhân vật người chiến sĩ trong Mấy nét chung quanh mảng văn học viết về chiến tranh 35 năm qua, Văn nghệ quân đội, số 02 / 09/ 1945 – 02 / 09/1980.
02.    Nguyễn Minh Châu, 1980, Nhà văn – nhân vật – bạn đọc trong Mấy nét chung quanh mảng văn học viết về chiến tranh 35 năm qua, Văn nghệ quân đội, số 02 / 09/ 1945 – 02 / 09/1980.
03.    Nguyễn Minh Châu, 1982, Người viết trẻ và cánh rừng già trong Chiến trường sống và viết,  NXB Tác phẩm mới, Hội nhà văn Việt Nam.
04.    Nguyễn Minh Châu, 1982, Bên lề tiểu thuyết , Văn nghệ quân đội, số 01 - 1984.
05.    Nguyễn Minh Châu, 1999, Dấu chân người lính, NXB Trẻ, tập I.
06.    Nguyễn Minh Châu, 1999, Dấu chân người lính, NXB Trẻ, tập II.
07.    Nguyễn Minh Châu toàn tập , 2001, NXB Văn học, Tập I.
08.    Nguyễn Văn Dân, 1994, Những vấn đề lý luận của văn học so sánh, Luận án P. Tiến sĩ Khoa học Ngữ văn Hà Nội, TTKHXH & NV QG.
09.    Phan Cự Đệ, 1984, Mấy vấn đề của tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh cách mạng, Văn nghệ quân đội, số 09 - 1984.
10.    Hoàng Mạnh Hùng, 2003, Các sắc thái giọng điệu trong tiểu thuyết sử thi Việt Nam 1945 – 1975, Tạp chí Văn học, số 03 - 2003.
11.    Nguyễn Khải, 1984, Văn xuôi trước yêu cầu của cuộc sống, Báo cáo bổ sung tại Đại Hội lần III Hội Nhà văn Việt Nam, Văn nghệ quân đội, số 01- 1984.
12.    Tôn Phương Lan, 1984, Nhà văn Nguyễn Minh Châu, Văn nghệ quân đội, số 10 - 1984.
13.    Phong Lê, 1984, Văn học Việt Nam và đề tài chiến tranh, Văn nghệ quân đội, số 08 - 1984.
14.    Nguyễn Đăng Mạnh (chủ biên), 1996, Văn học lớp 12, tập I, Ban KHXH, NXB Giáo Dục.
15.    Vương Trí Nhàn, 1982, Chung quanh một số tác phẩm viết về chiến tranh ra đời hôm nay trong Chiến trường sống và viết,  NXB Tác phẩm mới, Hội nhà văn Việt Nam.
16.    Đặng Quốc Nhật, 1990, Mấy ý kiến về đề tài chiến tranh và sự chi phối của nó trong Văn học Việt Nam hiện đại, Văn nghệ quân đội, số 12 – 1990.
17.    Lê Thành Nghị, 1984, Vài khía cạnh của một chặng đường văn xuôi về đề tài chiến tranh cách mạng, Văn nghệ quân đội, số 12 – 1984.
18.    Lê Sơn, 1984, Góp mặt trao đổi về đề tài chiến tranh trong văn học,  Văn nghệ quân đội, số 03 – 1984.
19.    Trần Đình Sử, 1993, Giáo trình Thi pháp học, Trường ĐHSP Tp. HCM.
20.    Trần Đình Sử, 1993, Một số vấn đề Thi pháp học hiện đại, Bộ GD & ĐT- Vụ Giáo Viên , Hà Nội.
21.    Bùi Văn Thắng, 1985, Mấy suy nghĩ xung quanh vấn đề xây dựng nhân vật người chiến sĩ trong tiểu thuyết viết về chiến tranh 1945- 1985, Văn nghệ quân đội, số 10 – 1985.
22.    Ngô Thảo, 1984, Tuổi trẻ với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Văn nghệ quân đội, số 07 – 1984.
23.    Trịnh Thu Tuyết, 1999, Nguyễn Minh Châu với nghệ thuật xây dựng truyện ngắn, Tạp chí Văn học 01 – 1999.
24.    Hwang Seok Young, 1992, Hình bóng của vũ khí, tập I, NXB Sáng tác và phê bình, Seoul.
25.    Hwang Seok Young, 1992, Hình bóng của vũ khí, tập II, NXB Sáng tác và phê bình,  Seoul.