Kiên Giang, nhà thơ của ngọn lửa tình yêu

In bài này
(Lê Tiến Dũng(*),Tạp chí KH Văn hoá và Du lịch, SỐ 14 (68), THÁNG 11 NĂM 2013)

TÓM TẮT

Kiên Giang là một nhà thơ nổi tiếng của Nam Bộ. Thơ ông được nhiều thế hệ độc giả yêu thích. Cũng giống như những nhà thơ khác viết về thơ tình, Kiên Giang mang cho ta cảm giác say đắm, ngọt ngào của những cảm xúc yêu thương, của chờ mong, của hồi hộp, của ngập ngừng. Có cái gì đó đáng yêu mà giản dị, chân thật, mà đi sâu vào trái tim người ta một cách dễ dàng. Những vần thơ của Kiên Giang sẽ có một chỗ đứng trong lòng người đọc, của những người yêu thơ ca, yêu cái nét giản dị và mộc mạc tựa như con người ở miền đất Nam Bộ.

***

1. Ngày 17 tháng 2 năm 1929 Tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, một nhà thơ đã cất tiếng khóc chào đời. Đó là nhà thơ Kiên Giang. Tên thật của ông là Trương Khương Trinh, ngoài ra còn có bút danh là Hà Huy Hà. Ông là con thứ trong một gia đình gồm năm anh em; vì thế ông lấy tên quê hương đặt thành bút hiệu. Ông cũng là đồng hương của nhà văn “đi bộ” Sơn Nam.

Tuổi thơ của nhà thơ Kiên Giang trải qua những nhọc nhằn từ vùng U Minh Thượng, nơi cha cày ruộng thuê, mẹ gie gạo (giã ra gạo sàn trắng) để có tiền đóng học phí cho thầy.

Năm 1943, nhà thơ Kiên Giang theo học trường tư thục Lê Bá Cang ở Sài Gòn. Năm 1944, vì nhà nghèo, ông đến ở tại Cần Thơ đi học trường tư thục Nam Hưng. Tại đây ông có một mối tình học sinh chớm nở, nhưng không thành, sau này trở thành đề tài thơ nổi tiếng của ông.

Năm 1946, học hết lớp 12, ông tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, làm trưởng đoàn văn nghệ thiếu nhi cứu quốc của tỉnh Rạch Giá, làm biên tập và phóng viên cho báo Tiếng Súng Kháng Địch ở chiến khu 9. Mỗi ngày ông tập hát cho thiếu nhi và đưa ghe chở đoàn đi biểu diễn. Trong đoàn đó có người tên Đặng Ngương Chúc, sau này chính là soạn giả Hà Triều.

Đến năm 1948, làm thơ ở báo Tiếng súng kháng địch thuộc Chiến khu 9, miền Tây U Minh. Thời đó ông đã làm thơ về đề tài tuổi thơ, quê hương, như các bài: Khói trắng, Xe trâu, Sàn gạo… Vào năm 1955, ông đã cưới vợ ngay trong chiến khu. Cho nên sau khi hay tin ông đã lập gia đình thì người yêu cũ cũng đi lấy chồng.

Khi viết báo ông lấy bút hiệu là Hà Huy Hà, khi làm thơ lấy bút danh là Kiên Giang. Thời điểm này, ông gặp và sống cùng chiến khu với nhà thơ Nguyễn Bính. Hai người kết nghĩa anh em và chính Nguyễn Bính là người đã khích lệ Kiên Giang sáng tác thơ.

Sau đình chiến 1954, Kiên Giang có mặt ở Sài Gòn, ông bắt đầu với công việc là nhân viên chữa lỗi morat, rồi biên tập, sau nữa mới bước vào công việc của một ký giả. Ông viết và cộng tác với các báo: Dân chủ mới, Dân ta, Dân tiến, Điện tín, Tiếng chuông, Tiếng dội, Lập trường,…các tạp chí văn nghệ như: Đời mới, Bông lúa, Thế giới, Nhân loại,…Trong quá trình làm việc, ông có sự quen biết với ông Trần Tấn Quốc. Ông Quốc vừa làm báo vừa có lòng với văn nghệ sĩ Sài Gòn. Thế là từ đó Kiên Giang có mặt trên văn đàn Sài Gòn với ba tư cách: làm thơ, viết báo và làm người viết tuồng.

Vở tuồng đầu tiên của ông ở sân khấu đã đưa ngôi sao trẻ số một ở Sài Gòn cuối những năm 50 – nghệ sĩ trẻ Thanh Nga bước lên đỉnh vinh quang. Nghệ sĩ Thanh Nga được trao giải thưởng Thanh Tâm với nhân vật chính Sơn nữ Phà Ca trong vở tuồng Người vợ không bao giờ cưới của ông, mở đầu cho một giải thưởng sân khấu uy tín nhất miền Nam, bắt đầu từ cuối thập niên 50 và tồn tại suốt thập niên 60. Sau đó ông viết tiếp Chồng của vợ tôi, Áo cưới trước cổng chùa… các vở diễn đứng tên Kiên Giang. Kể từ đó, giới sân khấu, kể cả những nghệ sĩ hàng đầu của sân khấu Sài Gòn đã đặt ông vào những vị trí hết sức quan trọng. Ông như một chiếc cầu nối giữa hai thế hệ cải lương, giữa thế hệ Năm Nở, Năm Châu, Tư Trang… bước qua thế hệ thứ hai Hà Triều, Hoa Phượng.

Trước năm 1975, ông là Trưởng ban thơ văn Mây Tầng – Chương trình Tao Đàn của đài phát thanh Sài Gòn, từng một thời làm say mê biết bao người yêu thơ trong và ngoài nước. Ông từng tham gia phong trào “Ký giả ăn mày” và dẫn đầu đoàn biểu tình chống lại những quy chế, những quy định khắt khe của chính quyền cũ áp đặt lên giới báo chí. Chính vì hành động này nên ông bị bắt đi tù.

Sau năm 1975, Kiên Giang làm Phó đoàn cải lương Thanh Nga, kiêm cán bộ phòng nghệ thuật sân khấu. Ngoài ra ông còn từng làm Ủy viên ban chấp hành Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh qua ba nhiệm kỳ.

Về thơ, ông đã sáng tác rất nhiều và xuất bản được ba tập thơ: Hoa trắng thôi cài trên áo tím, (1962, Nxb Phù Sa); Quê hương thơ ấu, (1967, Nxb Phù Sa); Lúa Sạ miền Nam, (1970, Nxb Lá Bối). Năm 1995, tập thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím được Nhà xuất bản Văn học tái bản. Năm 1996, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin Hà Nội cho in tuyển tập Thơ Kiên Giang.

Các tác phẩm cải lương của ông có thể kể đến như: Người đẹp bán tơ (1956); Con đò Thủ Thiêm (1957); Người vợ không bao giờ cưới (1958); Ngưu Lang – Chức Nữ; Lưu Bình – Dương Lễ; Trương Chi – Mỵ Nương; Áo cưới trước cổng chùa; Phấn lá men rừng; Từ trường học đến trường làng; Dòng nước ngược; Chia đều hạnh phúc; Mây chiều xuyên nguyệt thôn; Sương phủ nửa chừng xuân; Chén cơm sông núi; Hồi trống trường làng.

Về các tác phẩm tân cổ giao duyên: Trái gùi Bến Cát; Đội gạo đường xa; Tim đá mạ vàng; Ngồi trâu thổi sáo; Ánh đèn soi ếch; Hương cau quê ngoại; Trái tim cò trắng; Vắt sữa nai nuôi mẹ; Hương sắc gái Cà Mau; Lập quán kén chồng; Ni cô và lão ăn mày; Khói lò gạch; Cô gái miền Tây.

2. Quê hương trong thơ ông là những gì thân thuộc nhất, mộc mạc nhất nhưng lại có những ấn tượng sâu sắc nhất. Chúng ta có thể dễ dàng thấy khi đọc từng câu thơ là dòng sông, cây đa, nhạc xe bò, trái mồng tơi, món ăn quê nhà, đồng ruộng xanh thẳng cánh cò bay… Những hình ảnh này thường gắn liền với cuộc sống nơi làng quê Nam Bộ, gắn liền với nét sinh hoạt, lao động… được kể lại bằng giọng thơ và lời lẽ không phức tạp, không trau chuốt, mà chân chất, chân thành như con người nơi đây. Chẳng hạn như chiếc bánh ống ở Trà Vinh, được làm từ bàn tay người dân mà ánh lên một nét đẹp lạ kỳ: màu xanh và hương thơm của lá dứa. Người đọc sẽ nhận thấy rằng vị ngon đặc trưng của chiếc bánh chẳng nơi nào có thể có được: “Về xứ Trà Vinh ăn bánh ống/ Thương màu lá dứa, áo thiên thanh/ Gió đưa hương bưởi vào hơi thở/ Thương xứ thương luôn gái Vĩnh Bình” (Bánh ống Trà Vinh).

Hay như chiếc cầu tre chẳng hạn. Cầu tre gập ghềnh khó đi bắc qua đôi bờ, qua từng nhịp là từng câu hát, là nếp sống của biết bao người dân, tự nhiên thân thuộc mà con người ta đôi khi giật mình chẳng biết cái thân thuộc ấy có khi nào: “Cầu tre lắc lẻo, cheo leo,/ Những đêm trăng xế, trăng treo đầu cầu./ Cầu tre soi bóng sông sâu,/ Ánh trăng sóng nước đượm màu lung linh./ Cầu tre gối nhịp đất lành,/ Nằm nghe tiếng hát, tâm tình quê hương./ Cầu tre làm chiếc đò ngang,/ Nối đôi bờ đất đôi làng thương nhau.” (Cầu tre).

Hoặc như bài thơ Nhạc xe bò của ông, ta như lắng nghe trên con đường làng nho nhỏ, tiếng nhạc xe với từng nhịp như từng hơi thở khó nhọc của cuộc sống mưu sinh vất vả. Trong tiếng xe bò ta tưởng như được tiếng đất vọng, là ánh trăng mờ tịch mịch, là đường khuya heo hút với hàng cây già nua. Dù “Đi về một nẻo đi về/ Mà bao vòng sắt nỗi nghèo không tan”. Xe chở nặng, bước chân bò cũng ngày một nặng thêm, tình và tiếng nhạc hòa cùng vào nhau, gợi buồn cho đời nghèo khổ cứ lăn mãi theo từng vòng xe: “Trăng mờ trăng cũng sáng lên/ Để nghe đất vọng tiếng rên xe bò/ Đường khuya heo hút xa mờ/ Cây cằn gục khóc giữa mồ mông lung/ Qua vòm bóng tối chập chùng/ Cỗ xe chở nặng rêm lòng đường khuya/ Tình thơ ý nhạc lê thê/ Móng bò phân nhịp, vành xe hoà đàn/ Tình tang! Lốc cốc! Tình tang/ Đời nghèo lăn mãi theo đường vết xe/ Đi về một nẻo đi về/ Mòn bao vòng sắt, nỗi nghèo không tan” (Nhạc xe bò).

Quê hương được nhà thơ vẽ lại bằng những đường nét, màu sắc diệu kỳ và cả những tình cảm, những băn khoăn trăn trở trước những giọt mồ hôi mặn đắng của người nông dân đầu tắt mặt tối.

Kiên Giang nhắc đến quê hương như niềm tự hào. Tự hào về nét đẹp của cảnh vật, của con người, tự hào về những gì thân thuộc như những món đặc sản, những cánh đồng xanh bát ngát, những kỷ niệm từng một thời ông nhớ mãi qua các bài thơ như: Bánh ống Trà Vinh, Lúa sạ miền Nam, Quán giữa đồng, Chậu nhỏ đựng đầy hồn cố thổ,… Biết bao nhiêu cảm xúc đan xen nhau, để rồi đưa tay cất một vốc đất quê cất vào giỏ, như cất vào tim mình những gì yêu quý nhất của quê nhà, mà suốt năm mươi năm trong trái tim mình vẫn còn lưu giữ: “Năm mươi năm, bỏ làng xa xứ/ Đầu bạc mới tìm về cố hương/ Quên mất Vàm ngoài sông Cái nước/ Không nghe gà gáy giữa canh sương/ Móc đất giữa nền nhà bỏ trống/ Đựng đầy chiếc giỏ cuối đời người/ Đem hồn quê gởi nơi thành thị/ Giữ lấy cố hương giữa chợ đời/ Chậu nhỏ đựng đầy hồn cố thổ/ Tiếng gà rừng gáy thuở khai hoang/ Ngỡ sông quê chảy vờn hương khói/ Nghe tiếng cu kêu sực nhớ làng” (Chậu nhỏ dựng đầy hồn cố thổ).

Tình yêu quê hương còn thể hiện qua lòng tự hào về những đức tính chịu thương chịu khó, chăm chỉ lao động trước những điều kiện thời tiết, thiên nhiên khắc nghiệt. Hay đề cao con người của vùng đất đã hy sinh và tranh đấu với nghịch ảnh, truyền thống đấu tranh quật cường, anh dũng chống ngoại xâm của người dân: “Tàu mật cật em chầm nón lá/ Anh đội đầu che nắng che sương;/ Khi cày khi cấy khi phăng lưới,/ Anh nhớ mối tình gái Hậu Giang” (Đẹp Hậu Giang).

Quê hương trong thơ Kiên Giang đều đầy hương vị của miền Nam. Lòng yêu quê hương đôi lúc thể hiện rõ nét, đôi lúc thể hiện một cách kín đáo nhưng đều mang một đặc điểm chung là rất chân thành, giản dị khiến cho người đọc luôn có cảm giác thân quen và ấm áp.

3. Đất nước xuất hiện trong thơ Kiên Giang thường song hành với hình ảnh quê hương. Lòng tự hào về đất nước cũng thế, cũng song hành cùng với lòng tự hào về quê hương. Người Việt Nam ai ai cũng tự hào vì trên đất nước hình chữ S có biết bao địa danh, có biết bao nhiêu cảnh đẹp, với truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc. Này là Trường Sơn hùng vĩ, này là Bình Định nhớ thương, Quy Nhơn mơ mộng, đèo Hải Vân sương khói mờ ảo: “Tôi đã đi nửa con đường chữ S,/ Theo vòng cung chiếc gánh Trường Sơn/ Dẫu dấn chân chưa qua vạn nẻo mòn/ Nhưng lòng vẫn mến thương miền sỏi đá” (Nửa con đường chữ S).

Lòng yêu nước đặc biệt còn thể hiện ở niềm tự hào về những con người kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm. Ai nhớ nơi chôn rau cắt rốn cho bằng những người con ở phương xa? Quê hương đất nước là máu, là xương, là thịt, vì thế mà biết bao lớp người đứng lên bảo vệ lấy đọc lập tự do. Ruột đau như cắt khi đất nước bị giặc xâm lược, máu nóng bừng bừng khi dân ta chịu áp bức, buồn thay cho những cảnh hoang tàn, bao người than khóc: “Căm hờn quân giặc hung tàn/ Làm cho cây ngả, đình làng vẹo xiêu/ Đa tàn, quán đổ đìu hiu/ Bao nhiêu lá rụng, bấy nhiêu điêu tàn/ Còn đâu túp quán đình làng/ Có cô quán nhỏ bán hàng hữu duyên/ Còn đâu những buổi kỳ yên/ Đèn lồng cờ phướn treo trên cổng đình” (Quán đình làng).

Tình yêu đất nước trong thơ của Kiên Giang không chỉ thế hiện qua lòng tự hào về vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, đau đớn khi đất nước bị xâm chiếm mà còn được thể hiện qua việc đấu tranh, hy sinh, góp hết sức mình để hòa vào cuộc chiến chung của dân tộc. Có thể nói rằng, những bài thơ về đất nước ấy như những bài ca với giai điệu mộc mạc, chân thành mà khó có thể quên được nếu một lần hát lên, thể hiện rõ tư tưởng của nhà thơ và cả nhiệt huyết bừng cháy không cách nào dập tắt.

4. Như đã nói, hình ảnh người mẹ trong tâm trí Kiên Giang là một nỗi trăn trở day dứt. Tuổi thơ ông đã trải qua những nhọc nhằn, vất vả của gia đình nơi làng quê. Cha đi cày ruộng thuê, mẹ giã gạo nuôi ông ăn học. Đặc biệt là hình ảnh người mẹ luôn có một chỗ đứng quan trọng trong lòng và trong thơ ông như các bài: Dưới giàn mồng tơi, Khói trắng, Cối khuya, Nhạc xe bò, Sàng gạo, Tóc khói...

Kia là khói bếp trắng bay bay trong chiều mẹ nấu nướng, lo toan việc nhà với phận làm dâu vất vả. Kìa là tiếng nhạc xe trâu mẹ chở nặng những âu lo trong cuộc sống… Thế là ngày qua ngày, tóc mẹ lại càng thêm sợi bạc, trán thêm in hằn vết thời gian sau bao mùa gặt còn nghe hương lúa. Tiếng ru con, tiếng cối khuya cứ dập dồn, văng vẳng bên tai ta một cách kỳ lạ, khó có thể lý giải được.

Dưới giàn mồng tơi nghe tiếng võng kẽo cà kẽo kẹt, nghĩ thương mẹ nặng nợ hai gánh chồng con. Một đời vì chồng, vì con, vì thân phận làm dâu mà tảo tần hôm sớm, thơ ông nhớ về mẹ cũng vì thế mà ngập tràn những hình ảnh mẹ làm lụng, từ những công việc nhỏ ở nhà cho đến việc ngoài đồng. Ở đâu cũng thấp thoáng bóng mẹ: “Bần gie, đom đóm lập lòe/ Năm mười chín tuổi, mẹ về với cha/ Hai mươi, nở nhụy khai hoa/ Vầng trăng mười chín xế tà vì đâu?/ Mùa mưa cắm cá giăng câu/ Mùa khô, bắt ách xe trâu băng đồng./ Hai vai gánh nợ con chồng/ Tay nhen bếp lửa, tay bồng con thơ/ Thở dài theo điệu ầu ơ/ Lấy chồng xa xứ, bơ vơ một mình” (Dưới giàn mồng tơi).

Tiếng chày khuya cứ ám ảnh theo ông, từng nhịp chày đi cùng với con chữ thơm mùi mực. Khi con cúi chỉ còn chút lửa tàn, sương đã giăng ướt lá bầu non, nằm trong giường nghe tiếng chày mà lòng trăn trở. Hé mền nhìn bóng mẹ gầy gò, lòng chợt thấy thương mẹ biết bao nhiêu để rồi viết bài Cối khuya vào dịp Tết năm 1967: “(…) Con cúi cháy tàn/ Mẹ còn đứng cối/ Đèn khuya le lói/ Soi bóng tre gầy/ Sương nhiều nên cám không bay/ Mà sao vầng trán ướt đầy mồ hôi/ Gạo này mẹ giã trắng tươi/ Nửa mua giấy mực, nửa nuôi gia đình/ Ngày mai con xuống tỉnh thành/ Mang theo giạ gạo, chút tình mẹ quê”.

Bài Khói trắng là một bài thơ cảm động. Bài này ông viết để tặng mẹ. Cho nên ngay ở lời đề đề từ ông đã nói rõ: “Kính Dâng Mẹ của tôi và của bạn với tất cả lòng thương kính”. Nhớ cái lần ông bị ốm, bà đã bán đôi bông tai ngày cưới để mua thuốc cho ông. Bao nhiêu yêu thương bà đều dành hết cho con cái, đến mức ốm đau cũng chẳng một tiếng kêu rên vì sợ con lo lắng, buồn phiền. Nhìn khói trắng bay trong chiều tựa mái tóc mẹ bạc dần theo bao mùa lúa chín: “Nhớ mùa cau trổ trong vườn cũ/ Mẹ quét lá vàng ủ lấy phân/ Khói trắng lên trời như tóc bạc/ Con ngỡ khói tóc quyện mây Tần./ Chiều nay dừng gót trên bờ biển/ Nhìn sóng bạc đầu mây trắng trôi/ Con ngỡ khói vườn hay tóc mẹ/ Bay tìm con, lạc bước giữa đường đời”.

Ngoài việc miêu tả hình ảnh mẹ và lòng biết ơn đối với mẹ của mình, Kiên Giang còn sáng tác một số bài thơ ca ngợi về “những người mẹ của đất nước”. Những người mẹ với tình yêu nước to lớn, giàu đức hy sinh, những người mẹ với lời ru con phải yêu đồng bào, yêu Tổ quốc, những người mẹ tiễn con ra tiền tuyến, chiến đấu vì hòa bình của dân tộc… như trong bài Tiếng ru ba miền.

Tóm lại, hình ảnh người mẹ trong thơ Kiên Giang là một hình tượng vô cũng đẹp đẽ với những dáng vẽ hiền lành, chân chất, với đức hy sinh, những công lao to lớn. Đó là người mẹ đất nước.

5.  Nói đến tình yêu lứa đôi trong thơ Kiên Giang không ai lại không đến bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím. Đây là bài thơ nổi tiếng nhất của ông. Nó đã được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc và được nhiều ca sĩ thể hiện rất thành công. Bài thơ kể về câu chuyện tình thời chiến tranh chống giặc cứu nước với những nét đẹp thuần khiết và chân chất. Rằng chàng và nàng học chung một lớp, nàng hay mặc áo tím và cài hoa trắng. Hai người sớm nảy nở tình cảm với nhau, nhưng chỉ là mối tình câm nín, không ai dám tỏ bày, chàng trai chỉ biết theo chân cô gái những hôm nàng đi lễ nhà thờ. Cho đến ngày nàng thì đi lấy chồng, chàng thì ra chiến trận để bảo vệ Tổ quốc, và trong lòng họ vẫn còn giữ mãi mối tình học trò trong sáng ấy mãi mãi.

Đây cũng là một câu chuyện tình có thật của nhà thơ Kiên Giang với cô bạn cùng lớp Nguyễn Thúy Nhiều ở trường tư thục Nam Hưng, Cần Thơ năm 1944. Yêu nhau chỉ qua những nụ cười e thẹn, những cái liếc mắt kín đáo mà chẳng bao giờ nói ra hết tâm tình. Cho đến ngày ông đi tham gia kháng chiến và lấy vợ ở chiến khu, bà vẫn đợi chờ ông cho đến khi hay tin ông đã lập gia đình thì mới đi lấy chồng. Theo nhà thơ Kiên Giang kể lại “Đây là tâm tình người trai ngoại đạo đối với cô gái có đạo. Mối tình học trò tinh khiết, ngây thơ, không nhuốm bụi trần. Năm 1944, tôi ở Cần Thơ học trường tư thục Nam Hưng, dốt toán nhưng giỏi luận chuyên làm bài giùm cho bạn cùng lớp, trong đó có Nguyễn Thúy Nhiều – cô bạn dễ thương thường mặc áo bà ba trắng, quần đen, mang guốc mộc. Có những buổi tan học lẽo đẽo đi theo sau Nhiều đến tận nhà cô ở xóm nhà thờ. Cách mạng nổ ra, không có tiền đi đò về quê, Nhiều biết ý gửi cho, rồi tôi đi kháng chiến, gặp người quen trong đội quân nhạc nhắn: “Con Tám Nhiều vẫn chờ mày”. Năm 1955 tôi ghé ngang Cần Thơ, xin phép má của Nhiều để tâm tình suốt đêm với Nhiều bên ánh đèn dầu. Sau đó tôi nghe tin Nhiều lấy chồng có con đầu lòng đặt tên là tên ghép lại của tôi và Nhiều vì thế chồng cô biết rất ghen tức. Chính vì lý do nầy tôi đổi bốn câu kết bài thơ này, giống như tống tiễn mối tình học trò trinh trắng. Câu kết trước là: Xe tang đã khuất nẻo đời/ Chuông nhà thờ khóc tiễn người ngàn thu/ Từ nay tóc rũ khăn sô/ Em cài hoa tím trên mồ người xưa” thành cái kết khác: Lạy Chúa ! Con là người ngoại đạo/ Nhưng tin có chúa ở trên trời/ Trong lòng con, giữa màu hoa trắng/ Cứu rỗi linh hồn con Chúa ơi!”.

Ngoài bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím, Kiên Giang còn có nhiều bài thơ khác viết về tình yêu như: Quán giữa đồng, Hương nước mưa, Cầu tre, Đếm sao vô hình, Mới cưới, Cô hàng bông cỏ, Màu mực tím, Đồng xu giấy chặm, Tà áo tím… Nhiều nét ngộ nghĩnh, đáng yêu như hình ảnh chàng trai đi ngang nhà dừng lại xin ngụm nước, uống nước mưa nghe tưởng hương thơm tóc cô gái, lòng say cứ ngỡ uống biết bao men tình: “Trời đang đứng bóng trưa gay gắt/ Anh ghé nhà em xin nước mưa/ Ngỡ lạc Đào Nguyên hay Thượng Uyển/ Khi bông sứ nở hội đương mùa” (Hương nước mưa).

Hay mối tình thoáng qua với “cô gái nhỏ má hồng hữu duyên” ở cái quán giữa đồng, hình ảnh người yêu trong mắt của chàng trai và cô gái… đều được tả lại bằng giọng thơ lãng mạn, trữ tình: “Ngày chúng mình yêu nhau/ Mắt anh là vì sao/ Mở rộng vùng chiêm bao/ Cho tình em lấp lánh/ Em thích hôn mắt anh/ Rồi bảo: “Đây trời xanh/ Cho hồn em trú ẩn/ Trong vùng mát thơm lành” (Đếm sao vô hình).

Những mối tình học trò vẫn thường đơn sơ giản dị mà trong sáng và mộng mơ. Đó là những buổi tan trường anh theo bước em trên lối về, cánh hoa cài trên áo khẽ rung rinh như con tim ai xao xuyến. Đó là những dòng chữ màu tim tím, nắn nót anh viết từng dòng thơ dại, hợp nên bài thơ tình tặng em buổi ban chiều. Đó là tấm giấy chặm anh nhịn ăn mua tặng cô bạn để cô bạn viết chữ đẹp hơn… Ôi cái kỷ niệm thời còn cắp sách đến trường là thế, cứ theo mãi ta như những hồi ức đẹp dẽ của cuộc đời, đi vào thơ ca với những vần lai láng mà trong sáng, long lanh. Đọc thơ tình của Kiên Giang, người ta có thể nhìn thấy được những hình ảnh trong thơ hiện ra, như những thước phim sống động; cho ta nhìn, ta say, ta vui, ta xao xuyến, bồi hồi, để rồi nhớ mãi không thể nào quên được: “Từ ngày nhuộm áo màu tim tím/ Bè bạn gặp em ở cổng trường/ Thường gọi: nầy cô em áo tím/ Cho anh nhểu mực viết văn chương/ Mỗi lần tan học tung tăng bước/ Em đụt mưa chiều,trú nắng trưa/ Dưới lá mồng tơi râm bóng mát/ Ngồi nghe mẹ kể chuyện đời xưa” (Màu mực tím).

Những vần thơ của Kiên Giang sẽ có một chỗ đứng trong lòng người đọc, của những người yêu thơ ca, yêu cái nét giản dị và mộc mạc tựa như con người ở miền đất Nam Bộ. Cũng giống như những nhà thơ khác viết về thơ tình, Kiên Giang mang cho ta cảm giác say đắm, ngọt ngào của những cảm xúc yêu thương, của chờ mong, của hồi hộp, của ngập ngừng. Có cái gì đó đáng yêu mà giản dị, chân thật, mà đi sâu vào trái tim người ta một cách dễ dàng.

*

Như cái vẻ phong trần và lặng thầm bề ngoài, Kiên Giang đi đi về về với những cảm xúc và công việc. Lặng lẽ với những gì giản đơn nhất, chân thành nhất mà một đời người không nhà, một con tàu không sân ga như ông vẫn cứ mải miết trên cuộc hành trình của riêng mình. Những tập thơ sẽ cứ in sâu mãi trong lòng người đọc, của những con người yêu quê hương, đất nước và yêu những gì đơn sơ nhất. 

Hình ảnh quê hương cứ đau đáu mãi trong lòng và những tâm sự, nỗi nhớ được trút hết vào thơ. Và thơ được xem như một nơi chứa đựng, lưu giữ lại kỷ niệm cả một đời người của Kiên Giang.

 

Tài liệu tham khảo

 

1.      Trần Tuy An (2013), Chuyện chưa kể về nhà thơ Kiên Giang, báo Giáo dục Online.

2.      Kiên Giang (1962), Hoa trắng thôi cài trên áo tím, Tập thơ, Nxb Phù sa, Sài Gòn.

3.      Kiên Giang (1967), Quê hương thơ ấu, Tập thơ, Nxb Phù sa, Sài Gòn.

4.      Kiên Giang, (1970), Lúa sạ miền Nam, Tập thơ, Nxb Lá Bối, Sài Gòn.

5.      Kiên Giang (1996), Tuyên tập thơ Kiên Giang, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.

6.      Hãng phim truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (TFS), Phim tài liệu Chiếc giỏ đời người năm 1999.

7.      Phong Lê, Vũ Văn Sỹ, Bích Thu, Lưu Khánh Thơ (2003), Thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Lao Động, Hà Nội.

8.      Trần Hoàng Nhân, Nhà thơ Kiên Giang – Hà Huy Hà: Tình yêu mãi cài trên áo tím,(theo lethieunhon.com).

9.      Lê Minh Quốc, Kiên Giang – Hồn thơ của miền Nam đất Việt, Báo Phụ nữ, số ra ngày 18/1/1997.

 

KIEN GIANG, THE POET ADMIRING THE FLAME OF LOVE

Abstract

Kien Giang is a famous poet in Southern Vietnam. His poems are enjoyed and adored by generations of readers. Like other love poets, Kien Giang brings out the feelings of passion, anxiousness and hesitation of being in love, which are so adorably simple and sincere that they can touch the deepest of souls. Poems by Kien Giang secure a firm position in the hearts of poetry lovers who have been fallen for the simple beauty of Southern people and land.


 



(*) PGS. TS - Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH & NV - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.