Bích Khê - nhà thơ từng được Hoài Thanh khen “nhất Việt Nam”

In bài này

Nhà thơ Bích Khê vừa có dịp trở lại trong Chương trình thơ nhạc kỷ niệm 70 năm ngày mất của ông (1946 – 2016) tại Trường Đại học KHXH&NV TPHCM vào đêm 23-01.

Đây là lần đầu tiên một đêm thơ nhạc dành riêng cho nhà thơ “tài hoa, yểu mệnh” Bích Khê - tác giả của những câu thơ tài hoa độc đáo Ô hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi vàng rơi thu mênh mông - diễn ra tại ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn.

Chương trình  do Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH&NV TPHCM phối hợp với Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TPHCM tổ chức.

Theo ghi nhận của PGS. TS Trần Hữu Tá, “Bích Khê là nhà thơ chân tài nhưng yểu mệnh”, ông sinh năm 1916, khi mất vừa tròn 30 tuổi. Vào thời của ông, còn một số văn nghệ sĩ cũng rất mực tài hoa nhưng có tuổi đời ngắn ngủi tương tự: nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp (1914 - 1938) hưởng dương 24 tuổi, Vũ Trọng Phụng (1912 - 1939) 27 tuổi, và Nam Cao danh tiếng cũng ngã xuống trước làn đạn giặc năm 36 tuổi.

hong van 1453567845

 Nghệ sĩ Hồng Vân diễn ngâm bài Tranh lõa thể của Bích Khê - Ảnh: L.Điền

Và nay, đại diện gia đình nhà thơ Bích Khê, các giảng viên, sinh viên và các chuyên gia cùng dự một đêm thơ nhạc vừa mang chất hàn lâm với các bài bình thơ, phân tích nghệ thuật thơ của Bích Khê; vừa đậm tính nghệ thuật diễn xướng qua các tiết mục ca, ngâm, đọc các tác phẩm của Bích Khê để tưởng nhớ một thi sĩ tài hoa từng góp phần cách tân thơ Việt, hình thành dòng thơ Mới ở giai đoạn 1930-1945, và để lại cho đời những tác phẩm trác tuyệt.

Bích Khê là nhà thơ táo bạo thứ hai sau Nguyễn Du đã vẽ Tranh lõa thể bằng thơ, nhưng người đọc tuyệt nhiên không thấy sự gợi dục mà như được chứng kiến một kiệt tác của tạo hóa.
PGS. TS. Trần Hữu Tá

Sinh thời, Bích Khê chỉ kịp in một tập thơ, là tập Tinh huyết (do Hoàng Trọng Miên đứng ra in vào năm 1939). Theo ghi nhận của giới chuyên môn, ông còn các tập bản thảo: Mấy dòng thơ cũ, Đẹp, Ngũ hành sơn đến nay vẫn chưa được công bố đầy đủ.

Dù vậy, với tập Tinh huyết, chính nhà phê bình Hoài Thanh cũng bày tỏ sự thán phục và không ngại khen ngợi rằng: "Tôi đã gặp trong Tinh huyết những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam: "Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng, Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông".

Các tác phẩm tiêu biểu của Bích Khê như bài song thất lục bát Tiếng đàn mưa, bài Duy Tân - được xem là bản tuyên ngôn mạnh mẽ cho tư duy sáng tác của Bích Khê được nghệ sĩ Kim Lệ và Ngọc Sang diễn ngâm giữa giảng đường đại học dễ gây xúc động lòng người. Bên cạnh đó, một số bản nhạc do Phạm Duy phổ từ thơ Bích Khê thuộc dòng nhạc “Dị khúc Bích Khê” như Mơ tiên, Sầu lãng tử, Tỳ bà… cũng được các ca sĩ Thụy Long, Lệ Hồng, và Thu Vàng thể hiện đầy cảm xúc.

Tập thơ Tinh huyết này cũng vừa được Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn tái bản vào tháng 1-2015.

Tại đêm thơ nhạc, PGS. TS. Trần Hữu Tá nhắc lại “một Bích Khê của thơ tượng trưng” đã góp phần mạnh mẽ cách tân thơ mới.

Ông Trần Hữu Tá cũng nhận xét ràng Bích Khê “là nhà thơ táo bạo thứ hai sau Nguyễn Du đã vẽ Tranh lõa thể bằng thơ, nhưng người đọc tuyệt nhiên không thấy sự gợi dục mà như được chứng kiến một kiệt tác của tạo hóa”.

Tiếp theo, các nhà thơ, nhà nghiên cứu, giới chuyên gia đến từ miền Trung, miền Bắc như PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn (Phó Viện trưởng Viện Văn học), nhà thơ Thanh Thảo (Chủ tịch Hội đồng thơ Việt Nam)… đều có nhận định về thơ Bích Khê.

PGS. TS Nguyễn Thành Thi đến từ Trường Đại học Sư Phạm TPHCM trình bày những cảm nhận “về bài thơ Nhạc và nhạc quyển Bích Khê”, nêu ra những điểm đáng chú ý về tư duy cách tân ngôn ngữ và cách tân cấu trúc trong thơ Bích Khê.

Bích Khê tài hoa, vậy mà sau khi mất vẫn còn trắc trở. Một thời gian dài người ta dè dặt nhắc đến ông, theo lời PGS. TS Trần Hữu Tá là do bị “vu oan một cách phi lý” mà thôi. Nhưng đến nay mọi chuyện đã đổi sang hướng cởi mở, tốt đẹp, thành phố Quảng Ngãi quê ông đã có một con đường mang tên Bích Khê, họ Lê ở Thu Xà cũng dành cho ông một ngôi từ đường trang trọng.

Ông Trần Hữu Tá nhắc lại bài thơ Tuyệt mệnh của Bích Khê với hai câu cuối “Sau nghìn thu nữa trên trần thế/ Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi” để ghi nhận sự trở lại của Bích Khê trong đời sống văn  học hôm nay và mai sau.

Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/van-hoc-sach/20160123/bich-khe-nha-tho-tung-duoc-hoai-thanh-khen-nhat-viet-nam/1043299.html