Tái bản những văn phẩm "vang bóng thời xuân"

In bài này

Tác phẩm của nhà văn Vita luôn có sức vẫy gọi những ai trăn trở với kiếp người thống khổ của mọi thời

Nhà Xuất bản Tổng hợp TP HCM vừa xuất bản tuyển tập "Mây ngàn", "Những cái bóng", "Nhớ thương" của nhà văn Vita - nhà văn Nam Bộ có những cách tân độc đáo nửa đầu thế kỷ XX.

Một bút hiệu bị lãng quên

Đến nay, rất ít độc giả biết đến nhà văn Vita bởi tác phẩm của ông gần như "tuyệt bản". Vita hầu như vắng bóng trong các công trình văn học sử, trong các chuyên luận, biên khảo, từ điển, trong các buổi thảo luận về văn học miền Nam - dù chỉ là việc nhắc lại một bút danh và tên các văn phẩm "vang bóng thời xuân" (tựa tác phẩm của Vita).

Vita tên thật là Lê Văn Vị, sinh ngày 22-5-1910, tại làng Tân Kim (Cần Giuộc), nay thuộc tỉnh Long An. Ông là nhà giáo đồng thời là nhà văn, sống và viết chủ yếu ở Sài Gòn. Ông mất ngày 30-6-1956 tại Sài Gòn. Tác phẩm của ông có: "Mây ngàn", "Duyên phù sinh", "Suối tình", "Gió mưa xuân", "Nghĩa và Trinh", "Ký ức giang hồ", "Vang bóng thời xuân", "Loạn ly", "Nhớ thương" (tập truyện ngắn), "Những cái bóng" (tập truyện ngắn), "Tiếng tơ lòng" (tập thơ).

Tác phẩm của Vita thường có dung lượng vừa phải nhưng chứa đựng một chiều sâu tình cảm, những suy nghiệm về đời người và lẽ sống. Những suy tư đó được nhà văn viết ra từ sự trải nghiệm của bản thân với văn phong khúc chiết, đầy chất thơ. Mai này, có ai còn tìm đến những trang viết của ông, có lẽ cũng nhờ những điểm này.

20181009 Vita

Bìa sách tuyển tập “Mây ngàn”, “Những cái bóng”, “Nhớ thương” vừa được xuất bản

Cho những kiếp đời thống khổ

"Mây ngàn" (1936) là tác phẩm tiêu biểu cho đời văn của Vita. Truyện viết về chuỗi ngày cơ cực của hai sinh viên Thu và Nguyên trên đất Pháp. Họ đến Pháp theo đuổi ngành luật và văn chương, mong có kiến thức để giúp đời và giúp mình nhưng bị những khó khăn vật chất bủa vây, đành vỡ mộng, ôm hận. Cuộc sống quá cơ cực khiến Nguyên bỏ mình nơi đất khách, Thu trở về quê đoàn tụ gia đình với vạch xuất phát ban đầu: đôi bàn tay trắng. Bên cạnh câu chuyện của Nguyên và Thu là đan xen những phận đời khác: truyện Madeleine - người thiếu nữ Pháp chết tức tưởi vì bị cha ngăn cấm yêu một chàng sinh viên nghèo; chuyện gia đình người Ý sống chui nhủi vì bị nhà đương cục truy đuổi; chuyện cô gái nghèo Margot bị chủ bóc lột và cuối cùng bị đuổi, sống trong sự khốn cùng,… Truyện chỉ có thế. Xuyên suốt toàn bộ "Mây ngàn", những chuỗi tâm lý, những mối xung đột nội tâm của Nguyên và Thu được Vita miêu tả tài tình: giữa cái thiện và cái ác; giữa tình yêu và lòng hận thù; giữa cái đói và lòng tự trọng; giữa bằng cấp tri thức và thực tế cuộc đời.

"Những cái bóng" là tập truyện ngắn gồm 10 truyện đặc sắc, gây cảm động cho người đọc: "Những cái bóng", "Màn trời chiếu đất", "Tiếng chim cú", "Quán khách bên đường", "Mộng và thật", "Con trâu già", "Chim sáo", "Tội vạ", "Bức tranh Senle", "Nhân bệnh". Những phận người sống như những chiếc bóng lặng lẽ, thu gọn cuộc đời trong nỗi cơ cực áo cơm, phận vị. Là Sinh, một nhà văn sống nghèo khổ không tiền thuốc thang cho vợ con; Nhạc, bạn Sinh, "kéo gần tàn đời giáo sư bạc bẽo" (Những cái bóng); là con nhỏ Thái Bình mồ côi, sống cơ cực bằng nghề ăn xin (Màn trời chiếu đầt); là Thảo lỡ tình duyên với Ngỡi vì sự cấm đoán của gia đình (Tiếng chim cú); là người phụ nữ bán quán bị chồng phụ bạc (Quán khách bên đường)… Các truyện ngắn trong tập "Những cái bóng" không có cốt truyện, chỉ là những mẩu chuyện giản đơn nhưng chứa đầy sự ám ảnh và mang đến cho người đọc những cảm giác buồn, thương, tiếc nuối. Lối viết nhẹ nhàng, có duyên trong "Những cái bóng" khiến người viết liên tưởng đến những truyện ngắn của nhà văn Trang Thế Hy. Giữa Vita và Trang Thế Hy có một điểm chung là đều quan tâm đến "nỗi đau lớn của số đông thầm lặng".

Bên cạnh "Mây ngàn", "Những cái bóng", tập truyện ngắn "Nhớ thương" cũng là một tác phẩm tiêu biểu cho thấy sự quan tâm chuyên nhất đến đề tài những số phận nghèo khổ, bất hạnh trong xã hội. Tình yêu trong "Nhớ thương" nhiều khi do lòng thương hại mà nảy nở. Có thể là câu chuyện tình của kẻ khốn nạn, tật nguyền (Kỷ niệm xuân), có thể là một người què (Một tâm hồn),… 

Phong cách "Tự lực văn đoàn" của miền Nam

Đọc Vita, tôi nghĩ đến một vị thế đặc biệt của ông trong diễn trình văn nghệ miền Nam nửa đầu thế kỷ XX, một hướng tìm tòi đổi mới nơi đề tài và kỹ thuật văn xuôi. Vita viết "Mây ngàn" năm 1936, xuất hiện gần như đồng thời với văn nhóm Tự lực văn đoàn và các tác giả phong trào Thơ Mới. Vita một mặt cho thấy sự hội nhập với lối viết của các đồng nghiệp đất Bắc trong cảm xúc lãng mạn của con người cá nhân, nhưng ông vẫn giữ được văn mạch phương Nam: giọng điệu cảm thương, ý tình đạo lý được phô diễn với ngôn ngữ mang dấu ấn độc đáo vùng miền. Tác phẩm của ông vì vậy luôn có sức vẫy gọi những ai trăn trở với những kiếp người thống khổ của mọi thời.

Phan Mạnh Hùng

Nguồn: Người lao động, ngày 9.10.2018.