Kẻ sĩ thời loạn: Tiểu thuyết lịch sử mở ra những chân trời

In bài này

20191122 Ke si thoi loan

Tác phẩm Kẻ sĩ thời loạn, Vũ Ngọc Tiến, Nxb Phụ nữ, 2019

 

            Có thể nói tiểu thuyết lịch sử ở Âu châu bắt đầu từ sau khi nhà văn Walter Scott viết tiểu thuyết Ivanhoe,  xuất bản vào năm 1819. Truyện kể về một hiệp sĩ thời trung cổ của nước Anh và sau đó năm 1823 ông còn xuất bản quyển Quentin Durward kể về  những chuyện xảy ra vào thời vua Luigi XI (1423-1483) ở Pháp. Cả hai quyển này đã thành công xuất sắc và mở đầu cho thể loại tiểu thuyết này.

Cùng trong thời gian đó, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn thì tiểu thuyết Người được đính hôn (Promessi Sposi) của Alessandro Manzoni ở Italia cũng vừa xuất hiện. Được viết từ năm 1821 và xuất bản vào năm 1827 tác phẩm này thành công tức khắc và cho ra đời một thể loại mới về lịch sử.

Trong tiểu thuyết, bằng cách kể chuyện sinh động Manzoni nói về sự bùng phát bệnh dịch hạch năm 1630 ở Milano, giữa những tàn phá, kích động, chết chóc đầy hỗn loạn. Mới đây, một nhà văn hiện đại đã hòa nhập vào cách nhìn của tác giả về những cuộc bạo động tranh giành bánh mì ở Milano đã liên tưởng đến một bức tranh lớn hơn về thời hiện đại: “Thay bột mỳ, dầu ăn và bánh mỳ bằng xăng, thì những chương sách của Manzoni là câu chuyện thời nay”.

 Đặc tính của tiểu thuyết lịch sử được các nhà phê bình tổng kết theo công thức: lịch sử + hư cấu văn học.  Và mục đích của nó là tìm trong quá khứ gốc rễ của hiện tại.

Bởi thế một quyển tiểu thuyết lịch sử “hay” là phải đáp ứng được nhu cầu cùng những chờ đợi của người đọc, dắt họ trong một chuyến du hành ngược thời gian, thoát khỏi hiện tại, tiếp xúc với văn hóa ngày xưa, phong cảnh quá khứ, thức ăn, quần áo và những con người thực của một thời, kể cả những nhân vật đến từ hư cấu văn học. Nói cách khác, tiểu thuyết lịch sử mở tầm mắt cho người đọc nhìn về những chân trời mới.

                                                         

            Trong thế kỷ XX, tiểu thuyết Tôi, Claudio của tác giả Robert Graves, xuất bản năm 1934 được xem là quyển tiểu thuyết lịch sử hay nhất thế kỷ. Tiểu thuyết nói về Tiberio Claudio hoàng đế thứ tư của La Mã thuộc triều đại Giulio-Claudia. Người đọc được quay trở về thời La Mã, nhìn cận cảnh từ vụ ám sát hoàng đế Giulio Cesare (44 TCN) cho đến thời Caligola (41 TCN)  và có thể thấy sự vĩ đại, tàn bạo và trụy lạc của các hoàng đế La Mã. Tiểu thuyết còn cho ta thấy những cuộc phản loạn, bất mãn, sự điên loạn, khôi hài, những cuộc chiến trận mà qua đó độc giả có thể thấy toàn bộ đời sống của những nhân vật quyền lực của đế chế Roma. 

Có một tiểu thuyết lịch sử  khác, kết hợp giữa phương Tây và phương Đông, rất lôi cuốn, đó là Shogun (Tướng quân) được nhà văn người Úc James Clavell viết vào năm 1975, kể về cuộc phiêu lưu của nhân vật John Blackthorne, một hoa tiêu người Anh bị cầm tù trong một làng chài ở Nhật vào thế kỷ XII. Nhờ khả năng thích ứng, trí thông minh và lòng can đảm, từ tù binh ông đã trở thành một Samurai phục vụ cho mạc phủ. Tác phẩm được đón nhận rộng rãi và chỉ đến năm 1990 đã bán hơn 15 triệu bản trên toàn thế giới, được dựng thành phim năm 1980, với diễn viên chính là tài tử lừng danh Richard Chamberlain.

                                                                                             *                   

 

Vũ Ngọc Tiến là nhà văn cực kỳ đam mê tiểu thuyết lịch sử. Thực vậy, chỉ cần nhìn những sách ông viết và xuất bản gần đây như Sóng hận sông Lô, Quỷ vương là những  quyển tiểu thuyết lịch sử viết về triều Lê, nhưng trước đó ông còn có 3 cuốn tiểu thuyết khác nữa về 3 nhà cải cách Khúc Hạo, Trần Thủ Độ, Đào Duy Từ đã in và tái bản nhiều lần.

Đã có lúc tôi tự hỏi vì sao mà Vũ Ngọc Tiến đã bỏ nhiều công sức để nghiên cứu và viết nhiều tiểu thuyết lịch sử? Có lẽ vì ông là người... lãng mạn? Tôi thường nghĩ, trong cái thế giới bất toàn, không mấy khi người trí thức bằng lòng với hiện tại, nên ông muốn nhìn lại, đối thoại với lịch sử để mơ về một xã hội tốt đẹp và nhân bản hơn chăng?

                                                  *

Phải công nhận là tiểu thuyết lịch sử là một thể loại hấp dẫn nhưng không dễ viết. Vì vừa là lịch sử vừa là hư cấu văn học sử nên nhà văn phải biết giữ thăng bằng giữa hai tính chất: Nếu khăng khăng bám vào sự kiện và số liệu thì tính sáng tạo sẽ bị thui chột, trở thành một bản sao khô khan, còn nếu hư cấu quá đà, “bắt” lịch sử phải xảy ra theo ý cá nhân thì dễ gây phản cảm đối với những độc giả truyền thống, quen đánh giá theo góc nhìn “chính sử”, và gây ra nhiều tranh cãi, dư luận trái chiều. Do đó mà người cầm bút phải tự giới hạn, biết đu dây giữa hư cấu và hình ảnh, ngôn ngữ văn chương, để vừa làm tăng tính hấp dẫn của tiểu thuyết vừa bảo đảm tính chân thật khi chuyển tải thông điệp lịch sử.

            Dung hòa giữa hai tính chất khác biệt như nước và lửa này không mấy dễ dàng nên chỉ có những nhà văn tài năng mới dám thử nghiệm, và tác phẩm của họ thường quyến rũ người đọc, để lại ấn tượng không những về lịch sử mà còn cộng thêm những góc nhìn đa chiều, trong đó có số phận con người lênh đênh theo dòng chảy của thương hải tang điền. Nó còn giúp người đọc liên tưởng và ngẫm nghĩ về hoàn cảnh hiện tại, và có khi còn soi chiếu về một tương lai gần hay xa tùy theo kiến văn của tác giả.

Vì lịch sử, trước sau gì cũng sẽ lặp lại!                     

          

            Lần này, tiểu thuyết lịch sử Kẻ sĩ thời loạn của nhà văn Vũ Ngọc Tiến vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về chính trị xã hội thời cuối Lê đầy biến động của lịch sử Việt Nam, một thời kỳ nhiễu nhương và có nhiều phân chia sâu sắc giữa các thế lực quân sự: Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn, rồi thế chân vạc Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn và lấy Bằng Quận công Nguyễn Hữu Chỉnh, làm nhân vật chính. Nhà văn Vũ Ngọc Tiến chia sẻ là mình rất thích nhân vật phức tạp và có nhiều đánh giá trái chiều này.

Cũng như với Quỷ vương trước đó, tác phẩm này của Vũ Ngọc Tiến cũng đan xen lịch sử và thời hiện tại, cách viết của nhà văn là sử dụng nghệ thuật cốt truyện song hành, mượn chuyện xưa để nói chuyện nay mà tôi đã gọi đó là tiểu thuyết đồng hiện, ảo - thực, bóng và hình.

Trong Kẻ sĩ thời loạn với cặp nhân vật chính là nhà di truyền học Duy Thiện và bà Hoàng Lan, hồng nhan tri kỷ của ông. Hai mạch truyện kể gắn với nhau, xưa và nay đan xen: Duy Thiện của thời hiện tại là người viết cuốn sách kể lại lịch sử cuộc đời của cụ tổ mình, tức Bằng quận công Nguyễn Hữu Chỉnh. Và nếu Nguyễn Hữu Chỉnh đã “vì dân” đến tận lúc bị tứ mã phanh thây, thì Duy Thiện hậu duệ của ông cũng “vì dân” trong cả giấc mơ bất chợt sau bao năm tháng quằn quại vì bị biệt giam ở bệnh viện tâm thần!

 Bằng cách kể như vậy Kẻ sĩ thời loạn không chỉ nói về những diễn biến xảy ra ở thời Lê mạt, mà có thể nói là kéo dài cho mãi đến hôm nay, bước qua những giai đoạn đất nước bị chia cắt, cát cứ, về những gia đình bị vùi dập, chia lìa, về tham nhũng: Cái thời mà những kẻ cơ hội được ngoi lên, lòng người ly tán, đây đó đều có tiếng cười của đồng tiền lấn át tiếng nói của lương tri.

Để hiện thực hóa kiểu tiểu thuyết giáo trình (Lesson novel) của văn chương Mỹ và phương Tây hiện đại mà nhà văn tâm đắc, Vũ Ngọc Tiến dùng tiểu thuyết như một hình thức “mềm hóa” cho việc chuyển tải một cách nhẹ nhàng những suy tư của mình để mời độc giả “đọc lại” và bàn luận, đặt lại những vấn đề về một giai đoạn đã qua. Theo tác giả, vì thuộc loại “giáo trình” nên trong tiểu thuyết vừa kể vừa giảng để những trang viết khỏi khô khan và đồng thời giúp người đọc dễ nhớ.

                       

            Từ xưa đến nay, khi đánh giá về Nguyễn Hữu Chỉnh, các nhà nghiên cứu lịch sử đều coi ông là nhân vật lịch sử mang tính hai mặt “anh hùng và gian hùng ” - Trong đó mặt “ gian hùng” và “cơ hội” được coi là nổi trội, chính yếu!

Thế nhưng trong toàn bộ tác phẩm nhà văn Vũ Ngọc Tiến đã phác họa một Nguyễn Hữu Chỉnh như hình mẫu của một “kẻ sĩ thời loạn” tạo nên nhân cách của Nguyễn Hữu Chỉnh với tư tưởng “vì dân” nên đã tạo nên những tranh luận, có khi gay gắt.   

 Chúng ta đều biết Nguyễn Hữu Chỉnh (1741-1788) vốn là môn khách dưới quyền gia đình Hoàng Ngũ Phúc và Hoàng Đình Bảo. Ông từng là cánh tay đắc lực giúp hai cha con họ Hoàng. Sau khi Hoàng Đình Bảo bị giết trong loạn kiêu binh, Nguyễn Hữu Chỉnh chạy vội vào Nam theo quân Tây Sơn. Từ đây mở ra  một định mệnh mới cho Nguyễn Hữu Chỉnh.

Nhìn một cách tổng thể, Nguyễn Hữu Chỉnh là một viên tướng văn võ song toàn, có công lớn trong việc phò giúp Tây Sơn đánh sập hai tập đoàn phong kiến Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Hữu Chỉnh đã từng khuyên thủ lĩnh Tây Sơn tập trung diệt Nguyễn Ánh để trừ hậu hoạn... Nhưng sau đó, Nguyễn Hữu Chỉnh đã mượn uy Tây Sơn, huênh hoang thao túng nhà Lê, uy hiếp vua Lê Chiêu Thống còn non trẻ. Và đây có thể nói là cách hành xử sai lầm nhất của nguyễn Hữu Chỉnh: đánh mất niềm tin của Nguyễn Huệ và bị đánh giá là “Một kẻ gian hùng. Hiểm độc, mưu mô, giả trá.”

Mầm mống của những bi kịch của Chỉnh có thể nói là từ sai lầm nguyên thủy này.

Sai lầm thứ hai là cách ứng xử vụng về, trước mặt Nguyễn Huệ mà dám khoe tài: “Kẻ sĩ ở Bắc Hà chỉ có Chỉnh mà thôi!” nên khiến ông và các cận thần càng thêm ác cảm. Chỉnh vô tình nên chạm vào cái điểm “nhạy cảm” nhất: so sánh kẻ sĩ với một anh “nông dân áo vải mang khí chất thiên tài!” Tuy Chỉnh biết mình lỡ lời, ngay lập tức muốn rút lại nhưng lời đã nói, tứ mã làm sao truy kịp? Và tai họa đến với Chỉnh sau đó là không thể  nào tránh khỏi.

Trước đó có lẽ Nguyễn Hữu Chỉnh chưa hề nghĩ đến chuyện bỏ Tây Sơn. Mãi tới khi anh em nhà Tây Sơn bí mật quay về Nam, bỏ ông ở lại Thăng Long với ý định mượn tay các sĩ phu Bắc Hà trừ khử, thì tới bước đường cùng, chạy theo mà không được, Nguyễn Hữu Chỉnh mới bắt buộc “lựa chọn” cho mình một con đường khác: sẽ tự làm minh chủ, không muốn (và cũng không thể) phụ thuộc bất cứ ai, quyết định xưng hùng, thống nhất sơn hà, làm nên nghiệp lớn. Đây có lẽ là chuyển biến tâm lý quan trọng nhất trong cuộc đời ông: Chỉ cần một quyết định mà số phận, danh tiếng và sinh mệnh của ông thay đổi và tùy theo góc nhìn của lịch sử mà ông trở thành Thiện hay Ác.

Đây chính là khúc quanh sinh tử của cuộc đời Nguyễn Hữu Chỉnh!

Mọi sự tranh cãi có nổ ra thì cũng là điều tất yếu. Vì ở thời nào người viết sử cũng phải viết theo ý chí của thế lực cầm quyền. Vấn đề là anh đọc sử của ai? Của nhân dân, của phe thua hay phe thắng trận.                                                            

Vậy thì Nguyễn Hữu Chỉnh là anh hùng hay gian hùng? Lịch sử đã trôi qua, câu trả lời không phải dễ dàng. Vì dù có đánh giá thế nào thì cũng chỉ là giả thiết, mong manh, và không ai có đủ tư liệu hay dẫn chứng lịch sử để xác nhận phán xét của mình. Nhưng chắc chắn là người đọc Kẻ sĩ thời loạn sẽ còn tranh luận khá nhiều về tư tưởng “vì dân” vì nó không được chính sử nhắc đến. Đó là chưa nói đến việc đánh giá Nguyễn Hữu Chỉnh cũng có thể phát xuất từ sự đố kỵ tài năng, ghen ghét, nghi kỵ. Chính Nguyễn Huệ, trước khi rút về Nam đã kích động lòng tị hiềm của Vũ Văn Nhậm (con rể Nguyễn Nhạc) để gài ông này ở lại để về sau trừ khử và diệt Chỉnh.

 Chúng ta hãy thử đối chiếu trường hợp Nguyễn Hữu Chỉnh với Tào Tháo: Cũng có nhiều dẫn chứng và cứ liệu cho rằng Tào Tháo là người văn võ song toàn, dụng binh giỏi, văn thơ hay. Bài Đoản ca hành (bài hát ngắn) mà ông sáng tác ngay trong đêm xảy ra trận Xích Bích được giới văn học đánh giá là từ thời Xuân Thu người ta mới gặp một bài thơ tứ ngôn cảm khái và lời lẽ cực kỳ bi tráng như vậy. Trong chính sử ông được xem là một nhà chính trị kiệt xuất, hết lòng lo cho dân, cho nước. Thế nhưng trong Tam quốc chí, bị La Quán Trung vì tình hoài Hán mà biến thành đệ nhất gian hùng, xem là tên phản nghịch.

Có thể xem đó là trường hợp ngược lại của Nguyễn Hữu Chỉnh hay chăng?

Người đọc có thể cho rằng sự lựa chọn cuối cùng của Nguyễn Hữu Chỉnh là sai lầm, cho là tài năng của ông chưa đủ cho một sự quyết định làm “ngọn pháo nổ đanh giữa trời” vì ông đã thua trận, nhưng lịch sử sẽ đánh giá ra sao nếu như ông thắng trận, thống nhất sơn hà?

Tất nhiên đó cũng chỉ là một giả thuyết!

Nhưng khi đọc Kẻ sĩ thời loạn, độc giả không thể không nhận ra là bằng văn phong chừng mực, hiền hòa, với những trang đối thoại đầy lôi cuốn nhà văn Vũ Ngọc Tiến đã muốn rửa oan cho Nguyễn Hữu Chỉnh.

Thật ra, khi bàn lại lịch sử là chỉ để thêm vào một chữ “nếu”, nên để kết thúc người viết xin dùng lời của Hứa Thiệu khi xem tướng và phán xét về nhân vật Tào Tháo: “Quan giỏi thời trị và gian hùng thời loạn”. Tất cả đều do một hoàn cảnh trớ trêu của lịch sử nên hai danh xưng thật ra chỉ cách nhau một sợi tóc.

Trương Văn Dân

Sài Gòn 9-2019

(Bài viết được tác giả gửi cho Web Khoa Văn học)