Đánh thức 70 tập nhật ký của Bùi Hiển: Một đời văn liền mạch

In bài này

TTO - Sự nghiệp văn chương và kỷ niệm sinh hoạt của nhà văn Bùi Hiển vừa được trân trọng nhắc lại tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM sáng 23-12 nhân dịp ra mắt tập sách 'Bùi Hiển người đánh thức lương tri'.

20191224

PGS. TS. Võ Văn Nhơn (bìa trái) đang trình bày những điểm tâm đắc trên hành trình văn nghiệp của Bùi Hiển - Ảnh: L.ĐIỀN

Tập sách được gia đình nhà văn Bùi Hiển soạn lục nội dung từ các thư từ qua lại giữa Bùi Hiển với cha ông, với vợ, con, bạn văn đồng nghiệp. Đặc biệt là từ 70 tập nhật ký chép tay do Bùi Hiển cẩn thận ghi lại những gì ông chứng kiến từ năm 1946 đến tận những năm 2000.

Khách mời trò chuyện về văn nghiệp của Bùi Hiển là phó giáo sư, tiến sĩ Võ Văn Nhơn và phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân - hai người cùng theo dõi hành trình văn chương của Bùi Hiển và dành cho nhà văn khởi nghiệp từ thời tiền chiến này nhiều cảm tình đặc biệt.

Phản ảnh con người một cách chân thực

Bàn về buổi đầu viết văn của Bùi Hiển, tiến sĩ Võ Văn Nhơn nhắc một truyện ngắn của Bùi Hiển từng được giáo sư Hoàng Như Mai trân trọng nhắc đến, đó là truyện Ánh mắt.

Theo ông Nhơn, Ánh mắt phản ảnh con người một cách chân thực trong chiến tranh. Truyện kể về ba anh lính vệ quốc quân sau buổi đầu tham gia kháng chiến với những hình dung lãng mạn hào hùng đã vấp phải sự thật khắc nghiệt.

Một anh lính bỏ trốn, một anh sốt rét chết, còn một anh trong khi lạc đơn vị đói khát cùng cực và trên người đầy ghẻ lở, đã bắt gặp ánh mắt của một bé gái, em đem cho anh mấy củ khoai, và từ ánh nhìn của em bé, anh bộ đội đã bước lại về phía chiến khu. Dù vậy, truyện ngắn này khi đăng báo Văn Nghệ đã bị rầy rà.

Tiến sĩ Võ Văn Nhơn còn nhắc một truyện khác của Bùi Hiển, xuất hiện sau này là Cái bóng cọc. Truyện có kể về một người ở khu tập thể, dậy sớm tập thể dục và ấn tượng ở khả năng đứng yên như cái cọc. Nhưng rồi một hôm nhân vật chính phát hiện ra ông này đứng yên như vậy cạnh vòi nước ai đó quên tắt và nước cứ thế chảy lãng phí...

Điều tâm đắc của tiến sĩ Võ Văn Nhơn ở Bùi Hiển chính là quan niệm sáng tác xem con người luôn có tính nhị nguyên: Dựng một nhân vật cần có cả hai mặt tốt xấu và cuộc đấu tranh của hai mặt ấy.

Cô Bùi Cẩm Hà đang thuật lại quá trình làm bản thảo cho tập sách của ông nội - Ảnh: L.ĐIỀN

Một đời văn liền mạch

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân, cuộc đời nhà văn Bùi Hiển có được một số may mắn: Khởi nghiệp và được ghi nhận ngay từ truyện ngắn đầu tiên (Nằm vạ) đăng trên báo Ngày Nay (1940), với nhận xét sâu sắc và quan trọng của Thạch Lam:

"Đó là bức tranh có giá trị về cảnh sinh hoạt trong xóm làng. Lối viết của ông giản dị và mạnh mẽ, thoáng qua một chút duyên kín đáo và có nhiều nhận xét tinh vi". Đến năm 1941 thì có truyện in trong tập Nằm vạ; năm 1942 Vũ Ngọc Phan đưa ông vào Nhà văn hiện đại.

Bên cạnh đó, một may mắn nữa của Bùi Hiển theo tiến sĩ Thanh Xuân, là ông được viết về quê hương xứ Nghệ của mình, mà hình tượng phụ nữ xứ Nghệ trong văn ông là một mảng đề tài thú vị còn chưa được tìm hiểu tới nơi tới chốn.Và đến tập sách này, thì lại là một thế giới khác, một thế giới riêng tây của nhà văn mà gia đình còn giữ được thật quý giá. "Tôi thấy mình phải bước nhẹ, rón rén vào tập nhật ký này của ông" - bà Xuân tự nhận.

Đáng kể nhất của Bùi Hiển là ông có một đời văn liền mạch không gián đoạn. Ông chứng kiến nhiều biến động của lịch sử văn học hiện đại nước nhà và bình thản vượt qua.

Trong tập sách này, ở giai đoạn năm 1958 khi vụ Nhân văn giai phẩm xảy ra, cũng có những đoạn nhật ký của Bùi Hiển được công bố. "Mặc dù ngắn thôi, nhưng cũng cho thấy thái độ của ông về các vấn đề mà ông chứng kiến", cô Bùi Cẩm Hà - cháu nội nhà văn Bùi Hiển chia sẻ.

Với sự nghiệp của Bùi Hiển, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân nêu gợi ý có lẽ gia đình và văn giới nên bắt tay làm toàn tập Bùi Hiển, và "có lẽ khoa Văn của chúng tôi cũng sẽ có các công trình, đề tài nghiên cứu về Bùi Hiển trong thời gian tới".

Sách Bùi Hiển người đánh thức lương tri gồm các phần nội dung:

Con đường văn chương và nhật ký: rút từ 70 cuốn nhật ký của Bùi Hiển để thấy được hành trình viết văn và hoạt động của ông xuyên qua hai cuộc kháng chiến, vắt sang thời hậu chiến và đổi mới.

Ân tình bè bạn: thư từ của bạn văn, thân hữu trao đổi cùng Bùi Hiển, gia đình chọn lọc giới thiệu tiêu biểu một số thư từ năm 1941 đến 2001.

Gia đình: có lá thư cụ Bùi Công Trứ gửi cho con là Bùi Hiển, một số đoạn nhật ký về gia đình; các lá thư gửi cho anh em trong gia đình và thư gửi vợ, con...

Trong ký ức người thân: những trang viết của các thành viên trong đại gia đình dành cho Bùi Hiển...

Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 23.12.2019.