Từ món quà của một nhà nghiên cứu

In bài này

Sáng 10-8, tại tiệm sách nhỏ có tên Ango tại Sài Gòn (53 C9 đường 11 khu Miếu Nổi, Q. Phú Nhuận) đã có một cuộc trao tặng sách ấm cúng và ý nghĩa.

Tổng cộng 70 cuốn sách Matsuo Basho, bậc đại sư thơ haiku (NXB Hồng Đức 2016) của tác giả Ueda Makoto do GS Nguyễn Nam Trân dịch đã được nơi liên kết đầu tư xuất bản – công ty Thiện Tri Thức – trao tặng cho khoa Văn học và Ngôn ngữ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, và Câu lạc bộ thơ Haiku TP.HCM.

PGS. TS Đoàn Lê Giang - đại diện khoa Văn học và Ngôn ngữ, ĐH KHXH&NV TP.HCM - nhận sách tặng từ công ty Thiện Tri Thức. Ảnh: Nguyễn Vinh

Khác với mọi buổi trao tặng sách gần đây được tổ chức với sự tham dự của đông đảo đại diện truyền thông, cờ phướn-băng rôn-hình ảnh, phát biểu nghiêm trang, buổi trao tặng công trình biên dịch nói trên diễn ra gọn nhẹ như một buổi cà phê sáng, nhưng thật tự nhiên và nhiều dư vị.

Một giảng viên nghiên cứu văn học Nhật Bản ở trường ĐH KHXH&NV TP.HCM kể rằng, cuốn sách này được GS Nguyễn Nam Trân thực hiện trong thời gian ông nằm viện, chống chọi với căn bệnh nan y tưởng chừng không thể qua khỏi. Ông nỗ lực cho một công trình học thuật (mà theo ông) cần thiết để người Việt, các nhà nghiên cứu Nhật Bản của Việt Nam có thể thông qua đó để tiếp cận tính cách, tâm hồn và văn hóa Nhật - đó là con đường thơ haiku của đại thi hào Matsuo Basho.

Nhưng có vẻ như sự tĩnh tại vi diệu từ tinh thần thơ haiku đã giúp ông thoát khỏi bệnh. Sau công trình này, ông trở lại khỏe mạnh, đi lại giữa Tokyo và Paris để tiếp tục công việc nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Nhật Bản.

Không gian Ango Bookstore trong buổi trao đổi, tặng sách. Ảnh: Nguyễn Vinh

TS Đoàn Lê Giang cũng kể một câu chuyện đáng suy ngẫm về GS Nguyễn Nam Trân. Cách đây vài năm, ông Trân hoàn thành một bản thảo về lịch sử văn học Nhật Bản. Nhận thấy đây là công trình tâm huyết và giá trị, tác giả lại muốn xuất bản trong nước, ông Đoàn Lê Giang đã mang bản thảo đến một đơn vị xuất bản “ăn nên làm ra” ở Sài Gòn để giới thiệu ấn hành. Nhưng phía đầu tư lắc đầu vì lý do “thị trường hẹp”, “sách khó bán”.

“Đồng ý làm sách cũng phải bám theo yếu tố thị trường, song cũng rất cần một khoảng chia sẻ đặc biệt đối với cách giá trị văn hóa, phổ biến văn hóa. Tôi lấy làm hụt hẫng và thất vọng trước tư duy làm xuất bản của đơn vị nọ. Cay đắng hơn, sau đó, được biết vì muốn phổ biến sách trong nước, nhà nghiên cứu Nguyễn Nam Trân đã tìm đến một nhà xuất bản khác, tự bỏ tiền in và chấp nhận ghi giá bìa rất thấp để sách được đến gần với nhiều bạn đọc, sinh viên, giới nghiên cứu trong nước”, TS Giang nói.

Câu chuyện trên, có thể nói là tiêu biểu, minh chứng cho sự hẩm hiu của người theo đuổi học thuật, viết dòng sách nghiên cứu, biên khảo, dịch thuật, phổ biến tri thức hiện nay trong đời sống xuất bản tại Việt Nam. Thế nên sự trân trọng, nâng niu, phổ biến các giá trị học thuật đối với người đầu tư xuất bản là vô cùng quan trọng; điều đó không chỉ có ý nghĩa chia sẻ giá trị lao động học thuật với người viết, mà còn thúc đẩy, lan tỏa những di sản tri thức nghiêm túc đến với cộng đồng. Điều đó có ý nghĩa hơn việc một mặt ngồi thống kê số liệu hão huyền rồi phê phán, ca thán vì sao văn hóa đọc xuống cấp trong lúc đó lại không tạo ra những sản phẩm sáng giá cho xã hội, thậm chí, có khi còn “bán rẻ linh hồn” cho những best-seller dễ dãi!

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu chia sẻ về giá trị của công trình biên dịch Matsuo Basho, bậc đại sư thơ haiku. Ảnh: Nguyễn Vinh

Công trình Matsuo Basho, bậc đại sư thơ haiku (Thiện Tri Thức & NXB Hồng Đức, 2016) được nhà nghiên cứu Nhật Bản Nhật Chiêu đánh giá:“thuộc hàng tinh hoa, vừa mang tính hàn lâm vừa mang tính phổ biến, giới thiệu chân dung thi hào Nhật Bản và trình bày thi pháp thơ haiku của ông, những gì đã làm nên ảnh hưởng sâu rộng của Basho ở Nhật cũng như trên thế giới”.

Về dịch giả, ông Nhật Chiêu cũng nhận định: “Giáo sư Nguyễn Nam Trân, người có đóng góp lớn cho nghiên cứu và dịch thuật văn học Nhật Bản ở Việt Nam, đã làm nhiều hơn là biên dịch vì khơi gợi nhiều đối chiếu, liên tưởng giữa thơ ca Nhật-Việt”.

Ông Nguyễn Nam Trân, 71 tuổi, sống ở Nhật từ 1965; là tiến sĩ Khoa học Truyền thông (ĐH Paris II); giáo sư thực thụ tại Viện đại học Quốc tế Josai (Josai International University), Tokyo-Chiba, Nhật Bản; là Cố vấn kiêm Vụ trưởng hành chánh Hội Giao lưu văn hóa Nhật-Việt (JVCA, Japan-Vietnam Cultural Exchange Association), Tokyo; là tác giả của nhiều công trình biên khảo, dịch thuật về văn học và văn hóa Nhật Bản uy tín.

Sách chỉ in với số lượng khiêm tốn: 1.000 bản, nhưng dành 70 bản để tặng, với mong muốn sách sẽ đến tay những sinh viên, giảng viên, người yêu văn hóa Nhật Bản. Chủ nhà sách Ango cũng nói rằng sẽ giảm giá 40 % cho sinh viên mua ấn phẩm này.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/149930/Tu-mon-qua-cua-mot-nha-nghien-cuu.html