Mở thêm cánh cửa cho những người trẻ yêu văn chương

In bài này
Cuộc thi sáng tác văn học “Giải thưởng Văn học trẻ ĐH Quốc gia TPHCM” năm 2022 vừa khép lại với lễ trao giải vào ngày 25-3. Năm đầu tiên tổ chức, cuộc thi đã phát hiện ra nhiều cây bút trẻ đầy nội lực, hứa hẹn sẽ là những tác giả tiềm năng.

Được phát động từ ngày 1-7-2022 đến hết ngày 30-9-2022, cuộc thi sáng tác văn học “Giải thưởng Văn học trẻ ĐH Quốc gia TPHCM” năm 2022 do ĐH Quốc gia TPHCM chủ trì, phối hợp Hội Nhà văn TPHCM, NXB Hội Nhà văn - Chi nhánh miền Nam, Tạp chí Văn nghệ TPHCM đồng tổ chức. Sau 3 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được 1.039 tác phẩm dự thi theo 3 thể loại: truyện ngắn (249 bài), tản văn (260 bài), thơ (530 bài).

Cuộc thi nhận được sự tham gia của học sinh, sinh viên ở nhiều địa phương trong cả nước (36 tỉnh, thành phố) và có cả thí sinh dự thi đang sinh sống tại Hoa Kỳ, Canada, Thái Lan. Cuộc thi thu hút thí sinh tham gia với độ tuổi đa dạng, trong đó đối tượng sinh viên tham gia chiếm số lượng đông đảo.

20230325

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM trao giải nhất cho các tác giả đoạt giải

Theo đánh giá của Ban Giám khảo và Ban Tổ chức, các tác phẩm dự thi năm nay cho thấy những cảm xúc, suy tư của người trẻ trước nhiều vấn đề trong cuộc sống. Các tác phẩm dự thi đã mang đến bức tranh đa dạng về thế giới tâm hồn của người trẻ hiện nay như: soi ngắm, tra vấn hiện tại; suy tư và xúc động trước quá khứ; khát khao tin tưởng vào tương lai. Bên cạnh đó, hình thức chuyển tải của các tác phẩm dự thi cũng hết sức phong phú, có những tác phẩm dự thi mang đậm phương thức sáng tác truyền thống, đồng thời cũng có những tác phẩm phá cách, thể hiện lối viết mới mẻ.

Sự phong phú về số lượng tác phẩm dự thi, đối tượng dự thi, nội dung, hình thức nghệ thuật của các tác phẩm dự thi đã cho thấy giới trẻ nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng thực sự có nhu cầu về một sân chơi để qua đó vừa thể hiện năng lực sáng tạo nghệ thuật ngôn từ, vừa chia sẻ tâm tư, tình cảm, hoài bão, khát vọng của mình.

Mở thêm cánh cửa cho những người trẻ yêu văn chương  ảnh 2

Tác giả Trần Văn Thiên (thứ 2 từ phải qua, giải nhất thơ), Trần Thị Thuỳ Dung (giải nhất tản văn) và Phạm Nhã Chi (giải nhì truyện ngắn)

Ban Tổ chức đã trao 3 giải nhất (trị giá 30 triệu đồng/giải) cho 3 thể loại: thơ, truyện ngắn và tản văn cho 3 tác giả: Trần Văn Thiên (Trường ĐH Y Dược TPHCM), Cầm Văn Lương (Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Hà Nội), Trần Thị Thuỳ Dung (Trường ĐH KHXH&NV TPHCM). Ngoài ra, cuộc thi còn trao 9 giải nhì, 15 giải ba và 21 giải khuyến khích cho 3 thể loại.

Theo nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM và là thành viên Ban giám khảo Chung khảo, văn chương vốn là một hành trình không có đích đến cuối cùng, nhưng lại có thời điểm bắt đầu với nhiều hứng khởi, hy vọng lẫn kỳ vọng.

Mở thêm cánh cửa cho những người trẻ yêu văn chương  ảnh 3

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM phát biểu tại lễ trao giải

“Cuộc thi sáng tác văn học “Giải thưởng Văn học trẻ ĐH Quốc gia TPHCM” năm 2022 với chủ đề “Khởi nghiệp văn chương” có thể xem như một vạch xuất phát - đánh dấu một hành trình mới đồng thời tạo sự hưng phấn để chúng ta cùng chào đón những tìm kiếm mới, những tiếng nói mới, những gương mặt mới”, nhà văn Bích Ngân bày tỏ.

Sau lễ trao giải, với mong muốn khơi dậy, nuôi dưỡng và phát huy vốn hiểu biết, tình yêu, niềm tự hào về văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ của học sinh, sinh viên của thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay, Đại học Quốc gia TPHCM tiếp tục phát động “Giải thưởng Văn học trẻ ĐH Quốc gia TPHCM” lần thứ 2 năm 2023 dành cho tất cả học sinh, sinh viên đang học tập tại các cơ sở giáo dục trên cả nước.

Mở thêm cánh cửa cho những người trẻ yêu văn chương  ảnh 4

TS Phan Thanh Định, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, phát động “Giải thưởng Văn học trẻ ĐH Quốc gia TPHCM” lần thứ 2 năm 2023

Dẫn ra câu nói của GS Huỳnh Như Phương: “Viết và đọc tác phẩm là mở tâm hồn mình ra, là nỗ lực khắc phục số phận cô đơn, là bộc lộ nguyện vọng vươn tới sự đồng cảm với tha nhân. Bằng con đường tình cảm, văn học giúp con người mở rộng và phát huy năng lực giao tiếp của mình với thế giới”, trong lời phát động, TS Phan Thanh Định, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, cho rằng, giá trị và chức năng bền bỉ nhất của văn học chính là sự “mở ra” tình yêu thương, sự kết nối, niềm chia sẻ với con người, với cuộc đời.

Mở thêm cánh cửa cho những người trẻ yêu văn chương  ảnh 5
Các bạn trẻ tham quan và thưởng thức những tác phẩm đoạt giải tại “Giải thưởng Văn học trẻ ĐH Quốc gia TPHCM” năm 2022

Từ đó, TS Phan Thanh Định nhấn mạnh: “Chúng ta hy vọng rằng, cùng với những trang văn, những niềm bộc bạch bằng ngôn từ, thế hệ trẻ cũng như bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể đứng vững trước cuộc sống, đứng vững bằng một tình yêu con người, yêu cuộc đời đầy say mê và hân hoan”.

Hồ Sơn

Nguồn: Sài Gòn giải phóng, ngày 25.3.2023.