
PGS.TS. Lại Phi Hùng
Điều phối viên dự án đào tạo Việt-Lào,
Đại học Kinh tế Quốc Dân
Sự ra đời:
Lễ ba xỉ xù khoẳn hoặc xù khuẩn ba xỉ là một tục lệ của dân tộc Lào được kế thừa, truyền lại từ thời xa xưa và là một tục lệ vô cùng có ý nghĩa đối với đời sống hàng ngày của nhân dân Lào trước đây và hiện nay. Nếu, nói cho đúng theo nghĩa của tiếng Lào thì phải nói là ba xri xù khuẳn hoặc xù khuẳn ba xỉ thì đúng hơn. Nếu chỉ có nói từ ba xỉ thôi thì không có nghĩa gì. Từ “ ba” có nghĩa là nam giới và từ “ Xri” có nghĩa là nữ giới, gộp hai từ này lại mới trở thành xù khuẳn ba xỉ tức buộc chỉ cổ tay cầu phúc cho nam-nữ. Lễ ba xỉ (chúc phúc) xuất phát từ các lễ thờ cúng ma (đạo phạm) còn gọi là lễ gọi hồn hoặc tụ hồn các bộ tộc nói tiếng Tày- Lào, các bộ tộc như Tày đẻng (Tày đỏ), Tày đăm (Tày đen) tôn thờ ma cũng có lễ xù khuẳn (gọi hồn). Lễ ba xỉ xù khuẳn lên nhà mới, ba xỉ xù khuẳn cho trẻ em mới sinh, ba xỉ cho bà mẹ mới ra cữ, ba xỉ cho người già, ba xỉ cho các vị khách quý. Lễ ba xỉ xù khuẳn còn được tổ chức ở những nơi mà người Lào coi là linh thiêng, như: vựa thóc, đồng ruộng, nương lúa; súc vật, như: trâu, bò, bà xỉ xù khuẳn nhân lễ cưới, xù khoẳn cho những người ốm đau, người sắp phải đi xa hoặc người đi xa trở về với quê quán, gia đình.
Lễ ba xỉ xù khuẳn (tức lễ buộc chỉ cổ tay) hoặc gọi hồn gồm: bên chủ lễ và bên hành lễ. Chủ lễ có thể là chủ nhà hoặc một cá nhân nào đó tự lựa chọn ngày giờ hành lễ. Còn bên phụ trách hành lễ trước đây có thể là người có phù phép, nhà sư, thầy cúng, thầy mo. Nhưng ngày nay, phần lớn là những người đã từng qua tu hành hoặc gọi là những người đã từng học giáo lý tâm linh được người dân tôn kính thán phục gọi là người hành lễ: Mo phon(tức thầy cúng).
Còn lễ ba xỉ xù khoẳn cho người ốm đau, bệnh tật hoặc gặp tai nạn do bị trâu, bò húc, ngã ngựa, ngã cây..vv. gọi là lễ xúc hồn. Tục lệ này thường diễn ra ở vùng nông thôn. Trong khi hành lễ họ lấy lưới xúc cá hoặc cái đơm cá( dụng cụ đánh bắt cá) đến nơi xảy ra tai nạn xúc hồn về nhà. Một số địa phương dùng phễu hốt sôi để xúc hồn. Ngày nay, ở các thành phố lớn ít khi thấy các hành lễ đó.
Tâm linh về hồn, vía
Bộ tộc Lào có quan niệm đến tâm linh về hồn vía đã hàng trăm năm nay. Họ tin rằng trên thân thể con người đều có hồn, có vía. Nếu hồn vía tốt và thân thể hoàn hảo sẽ khoẻ mạnh, không ốm đau, ăn nên, làm ra, cuộc sống sẽ gặp may mắn. Trái lại nếu hồn vía không tốt, hồn vía bay đi khỏi thân thể, người đó sẽ hay bị ốm đau, không có phúc, làm gì cũng sẽ gặp khó khăn hoặc có thể bị tai nạn, hoặc rủi ro.
Lời cúng gọi hồn của một người có thể tả như sau:
- 32 hồn đằng trước.
- 500 hồn đằng sau.
- Hồn mũi, hồn lông mày.
- Hồn ngón tay út. Hồn cánh tay.
- Hồn đùi và hồn bả vai.
- Hồn tai.
- Hồn đầu, hồn cả thân.
- Hồn tấm lòng(là hồn được coi là quan trọng nhất).
- Hồn búi tóc.
- Hồn hương hoa(hãy về đây, đoàn tụ trong thân thể người, sống tận thọ 100 năm).
Trong văn học dân gian của Lào cũng có nói nhiều đến sự tâm linh đối với hồn vía. Ví dụ, Truyện Kăm phạ Phi nọi( con ma nhỏ mồ côi) viết trên lá cọ, có đoạn kể đến con sóc bay, một loại thú giống con sóc nhưng bay được và hay kêu vào đêm khuya, tiếng kêu của nó nghe rờn rợn, nó kêu gọi lấy hồn của Nàng Nga vợ của Kăm phạ Phi nọi. Tâm linh của người Lào cho rằng nếu hồn vía ra khỏi thân thể của người đó thì sẽ chết. Và đến tận bây giờ người Lào vẫn có tâm linh rằng, nếu con vật nào đến đậu và cất tiềng kêu ở gần nhà trong đêm khuya nhất là con cú mèo là một điểm báo xui sẽ có tai nạn xảy ra. Vậy họ phải đuổi con vật đó đi.
Từ “ hồn” còn chỉ chỗ cao nhất của thân thể con người điểm đó gọi là đỉnh đầu, người Lào coi đó là điểm quan trọng nhất và linh thiêng nhất. Vì vậy người Lào sẽ không bao giờ vỗ vào đầu nhau. Nhất là những người có tuổi ít hơn không thể vỗ vào đầu người có tuổi lớn hơn, vì người Lào coi đó là sự khinh miệt.
Ngoài ra từ hồn còn có ý nghĩa là điều quý nhất, ví dụ con hồn( tức con quý) vợ hồn( tức vợ quý), nhà mới gọi là nhà hồn, cột trụ của nhà gọi là cột hồn. Về tinh thần gọi là tâm hồn, Ngược lại nếu nói điều không tốt đối với người khác gọi là than hồn, xúc xỉa, xuyên tạc, bôi nhọ.
Việc lựa chọn ngày, giờ hành lễ ba xỉ sù khoẳn.
Việc lựa chọn ngày, giờ hành lễ là một vấn đề rất quan trọng đối với người Lào. Có nghĩa là nếu hành lễ không đúng ngày lành tháng tốt thì sẽ xảy ra điều xui xấu. Ngày tốt lành nhất để hành lễ là ngày thứ 3 trăng lên, ( thượng tuần thứ 3 ) nếu không kịp tổ chức vào ngày đó thì họ sẽ đến bàn với thầy cúng (mo phon) hoặc các vị sư sãi ở chùa. Người Lào coi chu kỳ của mặt trăng, lúc trăng lên hoặc trăng tròn, có nghĩa là lúc vầng trăng sáng tỏ thì tốt hơn lúc trăng khuyết. Hiện nay việc lựa chọn ngày gìơ cho hành lễ ba xỉ xù khoẳn (gọi hồn) phần lớn thường được tổ chức vào ngày nghỉ, để cho bạn bè, họ hàng có thể đến dự được. Lễ ba xỉ xù khoẳn thường được cử hành trước khi mặt trời lặn. Còn buổi tối thì không ai làm.
Mâm lễ:
Mâm lễ là điều không thể thiếu trong lễ ba xỉ xù khoẳn (gọi hồn). Mâm lễ phải có mạc bêng(pha khuẳn- nghĩa là mâm hồn) làm bằng lá chuối xanh kết thành từng lớp hình phễu, có cắm các loại hoa lá rất đẹp kèm theo sợi chỉ (phải là sợi chỉ trắng)để buộc tay. Trong mâm lễ còn có típ khậu(đồ đựng xôi, dân tộc Thái ở phía Tây Bắc Việt Nam gọi là ép khậu), gà luộc, chai nứơc, chai rượu, bát gạo, chuối, kẹo, bánh, trứng gà luộc…, theo tập quán thì phải là trứng lứa đầu ( một số địa phương có cả thủ lợn ) tuỳ theo. Ngoài ra còn có hoa, nến, nến phải làm bằng mật ong nén, còn phần trang trí mâm lễ thì có hoa, lá vàng, lá ngọc.v.v. người Lào sẽ không dùng hoa giả để trang trí mâm lễ. Hoa để dâng vái phật là hoa trắng hoặc hoa vàng. Mâm lễ ( tức pha khuẳn ) kết thành từng lớp hình phễu bằng lá chuối xanh được trang trí sặc sỡ đặt trên khay bạc hoặc khay đồng. Xung quanh mâm lễ có típ xôi, chai rượu, trầu cau. Còn rượu là rượu trắng tượng trưng cho sự trong trắng tinh khiết, còn lá chuối để kết thành mạc-bêng ( pha khuẳn ). Ở Lào có hơn 100 loại cây chuối nhưng người Lào thường dùng lá chuối nước và lá chuối Tha-ni, loại chuối chuyên trong vườn nhà. Lá của hai loại cây chuối này, ngoài kết thành mâm lễ, còn dùng vào việc gói cơm, thức ăn, gói bánh khi nấu hoặc nướng lên thì sẽ có mùi thơm. Người ta còn thường dùng lá chuối rừng để cuốn thuốc hút vì lá chuối rừng rất mỏng và dẻo, nhưng bây giờ ít thấy người ta dùng lá chuối cuốn thuốc hút vì đã có thuốc điếu, thuốc bao và cả thuốc ngoại nữa, đồng thời hiện nay người ta cũng vận động cấm hút thuốc lá.
Đối với lễ xù khuẳn cho người còn có đồ trang sức như nhẫn, vòng lắc, dây chuyền, nước hoa, gương, lược và sợi chỉ để buộc tay. Còn nến mật ong thì đo vòng quanh đầu, khửu tay, thân của người chủ mâm lễ đồng thời cũng có vải tấm, khăn quàng đặt vào mâm lễ để tạ ơn, đáp nghĩa.
Lời cúng hồn:
Lời cúng hồn là do người chủ hành lễ tức thầy cúng hoặc tiếng Lào gọi là mophon đọc cúng trong buổi lễ. Lời cúng hồn( tiếng Lào gọi là khăm sụt khuẳn) được diễn tả theo mục đích của lễ trong ngày đó. Thầy cúng phải nói thật suôn sẻ, tình cảm để người nghe như bị cuốn vào trong niềm tâm linh thầm kín, sôi động.
Lời cúng thường thường là những lời cầu ban phước lành, đẹp đẽ và cầu chúc máy mắn như:
“ Sỉ,sỉ, hôm nay là ngày lành tháng tốt...”
Khi nói hết một đoạn hoặc một triết khúc từ nghĩa rồi, thì mọi người dự lễ ngồi quanh mâm lễ sẽ cùng cất tiếng hoà theo nói rằng:
Hỡi! Hồn vía ơi, về đây với thân chủ.
Còn lời chúc tụng khi buộc chỉ cổ tay cho nhau cũng như thế, tuỳ theo mục đích hay tôn chỉ. Nếu buộc chỉ cổ tay cho người ốm đau chúc cho mau lành, mau khỏi bệnh hoặc nếu buộc chỉ cho người cao tuổi thì chúc cho mạnh khoẻ, sống lâu muôn tuổi.
Lời chúc khi buộc chỉ cổ tay cũng bắt đầu từ câu cửa miệng đó là: “ điều xấu qua đi điều lành đi vào, buộc tay trái cho hồn ở, buộc tay phải gọi hồn về...”
Sau khi đã buộc chỉ cổ tay cho nhau rồi, theo phong tục thì người Lào thường hay giữ sợi chỉ buộc cổ tay ít nhất trong ba đêm, sau đó mới từ từ tháo ra, không nên lấy kéo hoặc một vật nhọn sắc nào đó cắt ra. Vì người Lào không dùng dao, kéo hoặc vật sắc nhọn cắt một cái gì đó ra khỏi thân thể của mình, nhất là chỉ buộc cổ tay. Và cho đến ngày nay, người Lào vẫn cho rằng việc trao tặng dao, kiếm, hoặc vật sắc nhọn cho nhau là điều cấm. Nếu cho thì cũng phải có cái đổi hoặc mua bằng tiền.
Ngày nay, sau lễ ba xỉ sù khuẳn buộc chỉ cổ tay rồi, người Lào thường hay tổ chức bữa tiệc và cùng nhau ăn cơm, uống rượu cho vui. Đối với ai nghiện rượu hoặc thích uống rượu, nếu trong buổi lễ có sư sãi đến dự thì phải đợi cho họ về chùa hoặc ra khỏi nhà thì mới được uống rượu.
Các món ăn cũng tuỳ theo vụ mùa, rau quả phần lớn tự kiếm về. Nhưng những thứ không thể thiếu trong các buổi lễ hoặc tiệc tùng của người Lào là lạp ( có thể là lạp thịt vịt, thịt gà (gà ta hoặc gà tây), thịt lợn, thịt trâu, thịt bò hoặc cá. Lạp đựoc coi là món cao cấp của ẩm thực Lào, thường để chiêu đãi khách và là món không thể thiếu trong các lễ hội, cúng giỗ. Vì từ lạp có ý nghĩa là “ may mắn” giàu có, chức quyền là từ rất tâm linh đối với người Lào.
Còn món ăn đặc sản của người Lào thường là cơm nếp ( khậu niểu). Trước khi tới vụ gặt hái, người Lào thường làm cốm gọi là khẩu mậu và khẩu hang. Cốm thì có màu xanh xanh, còn khẩu-hang thì có màu hơi vàng vàng ăn rất dẻo và thơm, thường để nấu ăn hoặc làm bánh ngọt, bánh dừa dùng trong các lễ tôn giáo. Ngoài ra còn có gạo cẩm(khậu căm) màu đỏ, đen hoặc một số địa phương còn gọi là gạo nước trầu.
Phần hành lễ:
Mọi người dự lễ ba xỉ xù khuẳn sẽ ngồi quanh mâm lễ và cùng giơ tay phải ra trước mặt và đặt vào mâm lễ và hướng mặt ra phía đông hoặc phía nam. Vì người Lào thường coi hướng đông là hướng mặt trời mọc và hướng nam là hướng tốt. (Ta có nhận xét cửa các chùa chiền ở Lào phần ở lớn quay về phía đông, riêng chùa Xỉxạkệt ở Thủ đô Viêng Chăn là quay hưóng nam, về hiện tượng này chúng tôi mong các nhà nghiên cứu có thể cung cấp cho độc giả sự hiểu biết của mình ).
Đến giờ định hoặc là thời điểm tốt nhất, thầy cúng sẽ thắp nến. Nếu trong lễ có ông sư thì phải vái lạy ông sư trước, sau đó mới cầm lấy sợi chỉ mông khun (sợi chỉ trắng ) và đọc lời thần chúc kính mời các vị thần linh trên trời và dưói trần gian đến cùng nghe và chứng kiến cho buổi hành lễ ba xỉ xù khuẳn hôm nay.
Để kết thúc buổi sính lễ, một số thầy cúng còn dự đoán may rủi qua xem chân và mỏ gà luộc ( gà cúng hồn ). Thủ thuật dự đoán may rủi có người xem mỏ gà, có người xem chân gà, đó là cách dự đoán của các nhà tiên tri thời xưa. Thời bây giờ vẫn có người xem nhưng niềm tin cũng đã giảm.
Người Lào có tập quán vái lạy. Vái, lạy, cúi rạp, ba cử chỉ này thường được dùng trong các trường hợp khác nhau. Nhưng cũng với một tôn chỉ và mục đích là thể hiện sự kính trọng đối với điều linh thiêng, đối với thầy, cô, sư sãi, người lớn, người cao tuổi, chắp tay vái để thăm hỏi lẫn nhau hoặc để bày tỏ sự biết ơn hoặc để xin tạ lỗi khi có hành vi sai trái, xúc phạm đến người khác. Tập quán này được coi là một nét văn hoá vô cùng đẹp đẽ của người Lào, sẽ mãi mãi được duy trì và gắn bó với người Lào.
Đồng phục trong lễ ba xỉ xù khoẳn
Đồng phục mà mọi người mặc trong buổi lễ: cả chủ lễ, người hành lễ hoặc khách được mời tới dự lễ sẽ ăn mặc lành mạnh, sạch sẽ, đẹp mắt. Điều không thể thiếu là phạ biêng hoặc phạ xa bay là một tấm khăn dài vắt chéo qua vai thả xuống. Thường thường cách vắt chéo pha biêng hoặc pha xa bay là vắt qua vai trái thì mời đúng với phong cách văn hoá Lào.
Phạ biêng dệt bằng sợi tơ tằm hoặc sợi bông với kỹ thuật dệt cửi truyền thống với hoa văn sáng tạo của người Lào được kế thừa từ hàng nghìn năm.
- Kỹ thuật dệt hoa văn thổ cẩm Lào gồm:
- Dệt thẳng ( tằm xặt )
- Kết hoa ( mắt mi )
- Móc ( khít )
Phạ biêng giữa nam, nữ sẽ khác nhau. Pha biêng của nam giới không có hoa văn cầu kỳ lắm và không có nhiều màu sắc. Phạ biêng của nam giới phần lớn là dệt thẳng, dệt kẻ sọc xen lồng giữa màu xanh và màu trắng hoặc màu đỏ với màu trắng, màu đen với trắng. Cũng có thể là kết hoa văn nhưng rất ít.
Còn Phạ biêng của phụ nữ thì có đủ màu sắc cầu kỳ sặc sỡ với bàn tay thêu dệt điêu luyện cộng với kỹ thuật thiết kế hoa văn tinh xảo của phụ nữ Lào, một loại thổ cẩm hiếm có, mang đặc tính và bản sắc văn hoá riêng biệt của người Lào. Nhưng hoa văn được thiết kế và thêu dệt trên các tấm thổ cẩm Lào có thể là hình các loại hoa, hình các thú vật thân quen và gắn bó với đời sống con người hoặc con vật quý, con vật mang tính truyền thuyết... Ví dụ: con rồng ( người Lào gọi là tô nạc hoặc tô luông ) có nghĩa là thần rồng, thần rắn, con voi, con hổ, con chim, con gà, con vịt, con ngựa... Về màu sắc thì đủ các màu, đây cũng là một sự sáng tạo của con người dựa vào thiên nhiên. Sợi tơ tằm, sợi bông trước xe cửi, kéo go đều phải nhuộm thành màu trước. Thuốc nhuộm lấy từ các lá cây, dây leo hoặc chính thân, vỏ một số loại cây như vỏ cây mít, nghệ, cánh kiến, phượng đỏ, lá bàng, lá tếch... đem về ngâm hoặc nấu để lấy nước nhuộm tuỳ theo sở thích, thích màu gì thì tự pha trộn lấy. Mỗi tấm phạ biêng có kích cỡ 40cm x 2,0m hoặc 1,80m. Phạ biêng còn là một món quà truyền thống gửi tặng các bậc thầy cô, các cụ phụ lão, khách quý nhân các dịp, các lễ quan trọng.
Ngày nay, ở vùng nông thôn các cụ phụ lão ( nam giới ) thường hay mặc Phạ xạ lông đến dự lễ ba xỉ xù khuẳn, nhưng hiện nay ở thành phố chúng ta không thấy nữa. Lễ ba xỉ xù khuẳn cũng là dịp để mọi người tạ lỗi, tạ ơn lẫn nhau hoặc cam kết hứa hẹn với nhau là sẽ mãi mãi sống hoà thuận, thương yêu nhau.
Lễ ba xỉ xù khuẳn vẫn gắn chặt với cuộc sống thường ngày của người Lào, biểu thị của nền văn hoá tốt đẹp, người Lào chân thật, thuỷ chung và hữu ái, đó là nguyện vọng thiết tha của con người chúng ta.
Với lý do lịch sử, hiện nay cư dân sống ở Đông Bắc Thái Lan cũng làm lễ ba xỉ xù khuẳn về nội dung hình thức gần giống như lễ ba xỉ xù khuẳn của nhân dân các bộ tộc Lào sống trên đất Lào, điều này làm sáng tỏ dù Địa- chính trị có hình thành thì cội nguồn tộc người vẫn tồn tại và mãi mãi trường tồn .
Viêng Chăn, tháng 8 năm 2010